CHƯƠNG 40 – P4 Đức Thế Tôn thuyết pháp về Giới

CHƯƠNG 40 – P4 Đức Thế Tôn thuyết pháp về Giới

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử

Đức Thế Tôn thuyết pháp về Giới

Rồi Đức Phật, sau khi trú ngụ ở thị trấn Nāḷanda cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Đức Phật bèn bảo đại đức Ānanda : “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến ngôi làng Pāṭali.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật, và thông báo cho các vị tỳ khưu tháp tùng theo Đức Phật. Rồi

Đức Phật được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu bèn lên đường đi đến ngôi làng Pāṭali.

Khi các thiện tín của ngôi làng Pāṭali nghe tin Đức Phật đã đến ngôi làng của họ, họ rất vui mừng hoan hỉ vì họ có được dịp may to lớn là được tiếp đãi Đức Phật mà không phải cầu xin đặc ân ấy. Họ vừa mới làm xong nhà trọ. Thật thích hợp biết bao nếu người khách đầu tiên của họ chính là Đức Phật! “Chúng ta sẽ thỉnh cầu Đức Phật thọ lãnh sự cúng dường ngôi nhà trọ của chúng ta và sẽ được nghe những lời chúc phúc của Ngài về việc phước của chúng ta.” Họ bàn bạc với nhau. Họ đi đến và đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Sau đó họ bạch với Đức Phật rằng: “Cầu xin Đức Thế Tôn bi mẫn thọ lãnh ngôi nhà trọ mới của chúng con để làm khu vực trú ngụ trong thời gian lưu trú của Ngài.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.

Sau khi được sự đồng ý của Đức Phật, các thiện tín của ngôi làng Pāṭali đứng dậy khỏi chỗ ngồi của họ, đảnh lễ Ngài và đi đến ngôi nhà trọ của họ. Họ sắp sẵn những đồ dùng cần thiết, trải ra những tấm thảm nền chung quanh và sắp xếp những chỗ ngồi riêng biệt, đổ đầy những cái lu nước và đốt lên những ngọn đèn. Họ căn dặn những bà mẹ cho con bú trước khi trời tối và đưa chúng lên giường ngủ. Rồi họ trở lại với Đức Phật, đảnh lễ Ngài và đứng ở một bên. Họ bạch với Đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, tại ngôi nhà trọ, cái nền đã được trải lên bằng những tấm thảm, những chỗ ngồi riêng biệt đã được sắp sẵn, những cái lu nước đã được châm đầy và những cây đèn đã được thắp sáng. Xin cung thỉnh Đức Thế Tôn đi đến đó bất cứ khi nào Thế Tôn thấy cần.”

( Chú thích: Ngôi nhà khách được dân làng xây dựng tại trung tâm của ngôi làng. Mục đích chính của nó là để đón tiếp những quan chức viếng thăm gồm những vị Licchavī và những vị Magadha mà thường hay đến nghỉ tại ngôi làng Pāṭali, nó là một ngôi làng vùng biên. Ngôi nhà trọ này là nhu cầu cần thiết của dân làng bởi vì trước đó họ đã từng phải giao những ngôi nhà mà họ đang sống cho những vị quan chức đến viếng để họ trú ngụ tạm thời trong một tháng hoặc

lâu hơn mỗi lần như vậy. Ngôi nhà trọ mới giờ đây đã làm cho tình hình bớt đi sự căng thẳng. Nó được khéo sắp xếp để các quan chức đến viếng sử dụng những phòng ở cũng như những phòng có bọc sắt để cất giữ tài sản quí giá. Lúc Đức Phật đến viếng ngôi làng thì nó vừa mới được xây dựng xong. Lúc đầu dân làng nghĩ rằng Đức Phật có thể thích trú ngụ trong rừng hơn và vì vậy họ không phải làm sẵn ngôi nhà trọ ấy để đón tiếp Đức Phật đến đó. Chỉ đến khi Đức Phật đồng ý vào ngụ ở đó, thì dân làng mới sửa soạn những thứ cần thiết dành cho Ngài khi Ngài vào ngụ ở đó).

Rối vào lúc chiều tối, Đức Phật sửa soạn y, đắp Tăng-già-lê và mang bát, Ngài đi đến ngôi nhà trọ có các vị tỳ khưu theo cùng. Sau khi rửa chân, Ngài đi vào ngôi nhà trọ, ở đó Ngài ngồi tựa vào cây cột ở giữa, xoay mặt về hướng đông. Các vị tỳ khưu cũng rửa chân của họ, đi vào ngôi nhà trọ, và ngồi tựa vào vách tường phía tây, quay mặt về hướng đông, tất cả họ đều ngồi sau lưng Đức Phật. Các vị thiện nam của ngôi làng Pāṭali cũng rửa chân, đi vào ngôi nhà trọ, và ngồi tựa vào vách phía đông xoay mặt về hướng tây, có Đức Phật ở ngay trước mặt họ.

Rồi Đức Phật thuyết pháp về năm quả dữ đối với người phá giới và năm quả phước của người có giới đức như vầy:

Năm quả dữ đối với người phá giới

“Này các gia chủ, có năm quả dữ giáng xuống cho người phá giới, và thế nào là năm ?

  • Này các gia chủ, trong thế gian này, người ác giới, không có giới, chịu sự mất mát to lớn về sự thịnh vượng do bởi sự dể duôi. Đây là quả dữ thứ nhất dành cho người ác giới, không có giới.
  • Này các gia chủ, hơn nữa, tiếng xấu của người ác giới, không có giới sẽ lan truyền rộng khắp. Đây là quả dữ thứ hai dành cho người ác giới, không có giới.
  • Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, khi đi vào giữa hội chúng thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào, hoặc là giai

cấp thống trị, hay chúng Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hay hội chúng trưởng giả, đều cảm thấy rụt rè và bất an. Đây là quả dữ thứ ba dành cho người ác giới, không có giới.

  • Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, chết trong tâm trạng tán loạn. Đây là quả dữ thứ tư của người ác giới, không có giới.
  • Này các gia chủ, hơn nữa, người ác giới, không có giới, sau khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào các khổ cảnh (niraya). Đây là quả dữ thứ năm dành cho người ác giới, không có giới.

Này các gia chủ, đây là năm quả dữ dành cho những người ác giới, không có giới.”

Năm quả phước của người có giới

“Này các gia chủ, có năm quả phước dành cho những người có giới đức. Thế nào là năm :

  • Này các gia chủ, trong thế gian này, người có giới kiếm được tài sản to lớn nhờ không dể duôi. Đây là quả phước thứ nhất dành cho người có giới.
    • Này các gia chủ, hơn nữa, tiếng tốt của người có giới vang xa. Đây là quả phước thứ hai dành cho người có giới.
    • Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới, khi đi vào giữa hội chúng thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào, hoặc là giai cấp thống trị, hay chúng Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hay hội chúng trưởng giả, đều ngẫng cao đầu và nhìn trực diện trước bất cứ ai. Đây là quả phước thứ ba dành cho người có giới.
    • Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới chết với tâm không tán loạn. Đây là quả phước thứ tư dành cho người có giới.
    • Này các gia chủ, hơn nữa, người có giới, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào nhàn cảnh. Đây là quả phước thứ năm dành cho người có giới.

Này các gia chủ, đây là năm quả phước dành cho những người có giới.”

Mặc dầu bài pháp này được thuyết giảng đến những người tại gia cư sĩ, nhưng nó cũng áp dụng cho các vị tỳ khưu.

  • Đối với người cư sĩ mà không có giới có thể dẫn đến sự vi phạm vào những điều ác như sát sanh. Vì người ấy say mê trong điều ác nên anh ta có khuynh hướng xao lãng công ăn việc làm thường ngày của anh ta, như trồng trọt hoặc buôn bán, nên chịu sự mất mát to lớn về tài sản. Tệ hơn nữa, việc làm ác của vị ấy có thể phạm vào luật của vua như giết thú vật thì bị phạt tội. Nếu người ấy ăn trộm thì phạm pháp và đáng bị trừng phạt. Như vậy sự không có giới của người ấy có thể đem lại cho người ấy sự mất mát to lớn về của cải. Tương tự, một vị tỳ khưu không có giới, do dể duôi, bị mất giới, mất chánh pháp, là lời dạy của Đức Phật, mất thiền định (jhana) và mất bảy Thánh sản (Saddha, Sīla, Hiri, Ottappa, Suta, Cāga, Paññā).
  • Người ác giới chịu tiếng xấu đến nỗi người ấy bị gạt ra như một người vô loại, vô dụng trong thế gian này và không còn hy vọng gì cho những đời sau. “ Người đàn ông này keo kiệt đến nỗi ông ta không chịu tham gia vào việc cúng dường vật thực bằng sự rút thăm,” đây là loại danh mà người ấy tự chuốc lấy vào mình. Tất cả bốn loại hội chúng đều xem người này như vậy.

Tương tự, trường hợp vị tỳ khưu không có giới, tiếng xấu rằng vị tỳ khưu như thế đó đã buông lơi trong giới luật của vị tỳ khưu, không thực hành theo Chánh pháp, kiếm sống bằng nghề làm thuốc, hay những nghề nuôi mạng tương tự mà Đức Phật đã cấm chế, và hạnh kiểm của vị ấy có sáu điểm đáng bị xem thường, lan truyền khắp trong bốn chúng.

  • Người ác giới luôn luôn bị ray rứt bởi mặc cảm tội lỗi mà người ấy đã phạm phải. Do đó người ấy không dám đối mặt với đám đông. “ Một người nào đó có thể nhận ra ta,” anh ta sợ hãi “ và ta có thể bị tóm bắt và bị giao nộp cho nhà chức trách.” Đó là lý do mà khi ở trong một hội chúng nào đó của

bốn chúng, người ấy thường cúi mặt xuống đất, đôi vai của người ấy rùn xuống, người ấy cầm cái que gạch gạch trên đất trong tâm trạng bất an. Người ấy chẳng dám hé miệng nói gì. Cũng vậy, vị tỳ khưu phá giới cảm thấy không thỏai mái khi đối mặt với đám đông, mà có thể họ biết những hành động sái quấy của vị ấy, trong trường hợp như vậy vị ấy phải chịu sự trừng phạt đúng theo luật (vinaya) như bị trục xuất. Do đó vị ấy đi vào hội chúng với nỗi lo sợ to lớn và nói ít. Tuy nhiên, cũng có một số tỳ khưu phá giới có thể ngẩng mặt dạn dĩ và đi lại trong chúng Tăng nhưng trong tâm thì vị ấy chỉ cảm thấy đau khổ.

  • Người phá giới, dầu là cư sĩ hay tỳ khưu, có thể ngụy trang trong khi đang sống, nhưng lúc lâm chung thì những ác nghiệp của người ấy xuất hiện trước vị ấy trên các môn. Mắt người ấy lờ đờ mở ra để nhìn thế gian hiện tại, và rồi nhắm lại để nhìn cõi đời sắp đến nơi mà người ấy không thấy chút khuây khỏa nào. Chỗ tái sanh sắp xảy ra, là bốn cõi khổ, trở nên rõ ràng trước mắt vị ấy. Người ấy cảm thấy dằn vặt dữ dội tựa như bị đâm vào đầu bởi cả trăm cây dao. “Cứu tôi với! Cứu tôi với!” Người ấy kêu gào trong tuyệt vọng và rồi trút hơi thở cuối cùng. Đây là điều mà Đức Phật muốn ám chỉ qua câu nói “ người ấy chết trong tâm trạng rối loạn.”
  • Quả dữ thứ năm dành cho người ác giới không cần giải thích thêm nữa.

(Những quả phước dành cho người có giới đức có thể được xem trái ngược lại với năm quả dữ dành cho người ác giới ở trên).

Rồi Đức Phật vào lúc đêm khuya tiếp tục giáo giới các thiện nam của ngôi làng Pāṭali về những đề tài khác bao gồm những quả phước cúng dường ngôi nhà trọ của họ, nhờ đó chỉ ra những lợi ích của Chánh Pháp, sách tấn họ an trú trong pháp hành của Chánh Pháp, và làm cho họ vui thích với pháp hành. Rồi Ngài cho họ ra về khi nói rằng: “ Này các gia chủ, đêm đã khuya rồi; các ngươi có thể ra về.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” các thiện nam của ngôi làng Pāṭali vâng lời Đức Phật, và sau khi đã đảnh lễ Ngài, họ cung kính lui chân và ra đi. Không lâu sau khi họ đã ra đi, Đức Phật đi vào chỗ vắng vẻ.

(Chú ý: “ Đức Phật đi vào chỗ vắng vẻ” nên hiểu là ám chỉ đến ngăn phòng riêng của nhà nghỉ có tấm màng che chắn. Một cái giường tre được đặt ở đó dành cho Ngài, và Ngài suy xét rằng các vị thiện nam sẽ hưởng được nhiều phước báu nếu Ngài sử dụng ngôi nhà trọ trong cả bốn oai nghi của Ngài. Do đó Ngài nằm xuống trên chiếc giường ấy với thân nghiêng về bên phải và nghỉ ngơi).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 26

Post Views: 269