CHƯƠNG 40 – P5 Đức Thế Tôn thuyết giảng Tứ Diệu Đế

CHƯƠNG 40 – P5 Đức Thế Tôn thuyết giảng Tứ Diệu Đế

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử

Sự thành lập ngôi làng Pāṭaliputta

Lúc bấy giờ hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra, là những vị quan tể tướng của vương quốc Magadha đang xây dựng một thành phố vững chắc tại vị trí của ngôi làng Pāṭali để ngăn chặn những vị hoàng tử Vajjī. Trong thời gian ấy có nhiều chư thiên sống trong những nhóm gồm một ngàn vị mỗi nhóm, đang chiếm ngụ những mảnh đất tại ngôi làng Pāṭali.

Tại chỗ chư thiên có đại thần lực trú ngụ, thì những vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố lại có ý muốn xây những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan có quyền lực lớn của vua tại chỗ mà chư thiên có thần lực bậc trung trú ngụ, tại đó những vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố lại có ý muốn xây dựng những ngôi nhà dành cho những vị hoàng tử và những vị quan có quyền lực trung bình của vua. Và tại chỗ mà chư thiên có thần lực kém hơn đang trú ngụ, tại đó các vị quan lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố khởi lên ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và những vị quan có quyền lực kém hơn của đức vua.

(Ở đây, trong số những người xây dựng thành phố có những vị quan chức thông thạo về địa lý. Qua kiến thức đặc biệt của họ, họ biết tình trạng của những mảnh đất dự định xây nhà ở sâu xuống ba mươi hắc tay, là chỗ nào có rồng hoặc rắn chúa trú ngụ, chỗ nào có dạ xoa

trú ngụ, hay chỗ nào có phi nhân ác trú ngụ, hay nơi nào có tảng đá lớn đang nằm trong lòng đất, hay nơi nào có gốc cây cổ thụ ẩn trong lòng đất. Do đó, những vị quan chức thông bác ấy áp dụng những phương pháp cần thiết bằng cách tụng những câu thần chú, nên họ có thể tiến hành một cách suôn sẻ tựa như họ đang xây dựng thành phố có sự cố vấn của chư thiên.

Một cách giải thích khác: Các vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố được nhập vào bởi chư thiên ở nhiều nơi khác nhau: Chư thiên (deva) sẽ xuất ra khỏi thân của họ sau khi bốn góc của chỗ đất xây nhà đã được làm dấu phân ranh giới. Những người cư ngụ tương lai mà có niềm tin nơi Tam Bảo thì được nhập vào bởi chư thiên trú ngụ nơi đó có niềm tin với Tam Bảo. Những người cư ngụ tương lai mà không có niềm tin nơi Tam Bảo thì được nhập vào bởi chư thiên trú ngụ nơi đó không có niềm tin với Tam Bảo. Lý do là như vầy: chư thiên mà có niềm tin trong Tam Bảo tác động vào tâm của những người cư ngụ tương lai có niềm tin nơi Tam Bảo, vì họ tin rằng những cư dân mới này sẽ thỉnh chư Tăng đến căn nhà mới xây của họ và nghe pháp, và các vị chư thiên ấy cũng sẽ có dịp được trông thấy các vị tỳ khưu có giới đức và nghe pháp. Họ cũng mong chờ những cư dân mới ấy sẽ chia phước cúng dường chư Tăng đến cho họ.

Đức Phật bằng thiên nhãn thông (dibba-cakkhu) của Ngài, đã trông thấy cảnh chư thiên sống chung thành từng nhóm gồm một ngàn vị trong mỗi nhóm, đang cư ngụ trong những vùng đất của ngôi làng Pāṭali. Rồi Ngài thức giấc vào lúc sáng sớm và hỏi đại đức Ānanda: “ Những người đang xây dựng thành phố tại khu vực của ngôi làng Pāṭali là ai vậy?”

Ānanda đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra, là những vị quan lãnh đạo của vương quốc Magadha, đang xây dựng thành phố kiên cố để ngăn chặn những vị hoàng tử Vajji.”

“Này Ānanda, những vị quan lãnh đạo đang xây dựng thành phố kiên cố tựa như họ đang làm có sự tham khảo ý kiến của chư thiên thuộc cõi trời Đao Lợi.

“Này Ānanda, bằng thiên nhãn của Như Lai, Như Lai đã trông thấy cảnh chư thiên sống chung thành từng nhóm gồm một ngàn vị trong mỗi nhóm, đang cư ngụ trong những vùng đất của ngôi làng Pāṭali.

“Này Ānanda, tại những địa điểm nơi mà các vị chư thiên có đại lực đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố thì có ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền lực lớn. Tại những địa điểm nơi mà các vị chư thiên có quyền lực bậc trung đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố thì có ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho những vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền hành bực trung. Tại những địa điểm mà các vị chư thiên có quyền lực kém hơn đang trú ngụ, ở đó những vị quan chức lãnh trách nhiệm xây dựng thành phố khởi lên ý định xây dựng những ngôi nhà dành cho các vị hoàng tử và các vị quan của vua mà có quyền hành thấp hơn.

“Này Ānanda, ba tai họa lớn sẽ giáng xuống thành phố Pāṭali: lửa, nạn lụt và sự ly gián nội bộ ( như vậy Đức Phật đã tiên đoán rằng một phần của Pāṭali sẽ bị tiêu diệt bởi lửa, một phần của nó sẽ bị cuốn trôi bởi sông Hằng, và một phần của nó sẽ bị tiêu diệt bởi sự ly gián nội bộ)

Sau khi nói ra những lời như vậy, Ngài đi đến sông Hằng để rửa mặt và chờ đến thời gian đi khất thực.

Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra nhớ rằng vì đức vua Ajātasattu của họ là một cận sự nam của Sa-môn Gotama, nên sẽ thích hợp nếu họ thỉnh Đức Phật đến thọ lãnh vật thực cúng dường của họ, bởi vì họ trông thấy Đức Phật trong ngôi làng Pāṭali. Hơn nữa, họ cho rằng điều khôn ngoan là thỉnh cầu Sa-môn Gotama ban lời phúc chúc cho đề án xây dựng thành phố của họ, nhờ vậy các phi nhân ác sẽ bị đuổi đi khỏi khu vực xây dựng thành phố. Bởi vậy hai vị Bà-la-môn đi đến chỗ Đức Phật và đứng ở chỗ nên đứng. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi, họ bạch với Đức Phật rằng: “ Cầu xin Đức Gotama và

chúng tỳ khưu thọ lãnh sự cúng dường vật thực của chúng con ngày

hôm nay.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.

Rồi hai vị quan thống lãnh của nước Maghada, Sunidha và Vassakāra, biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời mời của họ, bèn đi đến chỗ mà họ đang ở trọ, và sau khi sửa soạn vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm, họ bèn cho người đến thông báo với Đức Phật rằng: “Kính bạch Đức Gotama, đã đến giờ, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.”

Rồi vào buổi sáng, Đức Phật mặc y, mang bát và đắp Tăng-già- lê (đại y), bèn cùng với chúng tỳ khưu đi đến chỗ mà hai vị quan nước Maghada, Sunidha và Vassakāra, đang trú ngụ, và ngồi vào chỗ đã được dành sẵn cho Ngài. Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra phục vụ Đức Phật và chúng tỳ khưu, đích thân cúng dường vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm cho đến khi Đức Phật và chúng tỳ khưu bảo họ ngừng phục vụ vì các ngài đã thọ thực vừa đủ. Khi Đức Phật đã thọ thực xong và đã rời tay khỏi bát, hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra bèn lấy những cái ghế thấp hơn và ngồi xuống ở nơi phải lẽ.

Sau khi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra đã ngồi vào nơi phải lẽ như vậy, Đức Phật bày tỏ sự tùy hỉ và tán thán bằng ba bài kệ Pāḷi (ở đây chỉ có bản dịch bằng văn xuôi).

“Này các Bà-la-môn, khi người có trí cúng dường vật thực đến những bậc có giới đức, tự chế ngự và có đời sống thanh tịnh, tại chỗ mà người ấy trú ngụ, người ấy nên chia phước cúng dường của mình đến chư thiên, là những vị hộ thần của trú xứ ấy. Nếu chư thiên được tôn kính như vậy, thời chư thiên sẽ bảo vệ người ấy để đền ơn. Đúng như vậy, người có trí ấy được chư thiên che chở như người mẹ bảo vệ đứa con trai của bà. Người ấy luôn luôn được may mắn.”

Sau khi ban lời tùy hỉ và tán thán của Ngài bằng ba bài kệ đến hai vị quan Sunidha và Vassakāra, Đức Phật đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi và ra đi.

Rồi hai vị Bà-la-môn Sunidha và Vassakāra đi theo Đức Phật suốt cả con đường, nghĩ rằng: “ Chúng ta sẽ đặt tên cho cái cổng ra

vào mà Đức Gotama ra về ngày hôm nay là ‘Cổng Gotama’, và chỗ Đức Gotama đặt chân xuống để qua bên kia sông Hằng là ‘Bến Đò Gotama’.

Cái cổng mà Đức Phật ra đi ngày hôm ấy đã được đặt tên là ‘Cổng Gotama’. Rồi Đức Phật đi đến sông Hằng. Lúc bấy giờ nước sông dâng lên cao đến nỗi con quạ đứng trên bờ sông có thể cúi xuống để uống nước dễ dàng.

Rồi ngay tức thì giống như người lực sĩ duỗi ra cánh tay đã được co lại hay co lại cánh tay đã được duỗi ra, Đức Phật biến mất ở bờ bên này của sông Hằng và xuất hiện ở bờ bên kia cùng với chúng tỳ khưu.

Đức Phật trông thấy nhiều người muốn qua sông, một số chờ để đi thuyền, một số muốn đi bè, và một số đang làm những chiếc bè bằng tre. Khi ấy Đức Phật nói lên những lời hoan hỉ sau đây:

“Các bậc thánh nhân đã vượt qua con sông Ái (taṇhā) dục sâu rộng bao la, bằng cách tạo ra chiếc cầu Thánh đạo, sau khi đọan trừ các phiền não. Còn đối với chúng sanh, họ phải kết những chiếc bè để vượt qua con sông Hằng này chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, các bậc thánh nhân thì vượt qua con sông Ái dục bằng Thánh đạo có tám chi mà không cần phải tạo ra những chiếc bè.”

Đức Thế Tôn thuyết giảng Tứ Diệu Đế

Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda, chúng ta

hãy đi đến làng Koṭi.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu. Đức Phật, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, bèn đi đến làng Koṭi và trú ở đó. (Ngôi làng được gọi là Koṭi bởi vì nó là nơi mà cái tháp nhọn của vua Mahāpanāda rơi xuống ở đó).

Suốt thời gian ấy, Đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Đế đến các vị tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt

Tứ Diệu Đế nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác. Thế nào là Tứ Diệu Đế?

  • Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Khổ thánh đế (Dukkha ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
  • Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Tập thánh đế (Samudaya ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
  • Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Diệt thánh đế (Nirodha ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.
  • Này các tỳ khưu, do không tuệ tri và thông đạt Đạo thánh đế (Magga ariya saccā) nên Như Lai cũng như các ngươi đã phải lang thang trong vòng luân hồi bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác.

“Này các tỳ khưu, giờ đây Như Lai đã tuệ tri Khổ thánh đế, Như Lai đã thông đạt Khổ thánh đế, …..Tập thánh đế….. Khổ Diệt thánh đế. Như Lai đã tuệ tri Đạo thánh đế; Như Lai đã thông đạt Đạo

thánh đế. Sự luyến ái kiếp sống (bhavataṇhā – hữu ái), đã được đọan tận, không còn dư sót. Trong Như Lai, hữu ái giống như sợi dây thừng kéo lê người ta vào kiếp sống mới, đã cắt đứt rồi. Giờ đây, đối với Như Lai sẽ không còn sự tái sanh nào nữa.”

( Ở đây, “Tuệ tri” nghĩa là Tuệ quán hợp với, và đứng trước Đạo trí (magga-ñāṇa). Đó là trí Hợp thế, và được gọi theo tiếng Pāḷi là Anubodhi (tùy giác). “Tuệ thông đạt” nghĩa là Tuệ thông đạt của Đạo (magga-ñāṇa), chính nó đọan diệt các phiền não. Nó được gọi theo tiếng Pāḷi là Paṭivedha).

Sau khi Đức Phật nói những lời trên, Ngài tiếp tục giảng dạy bằng những câu kệ sau đây:

“Trải qua nhiều kiếp trong luân hồi bất tận do không thông hiểu như thật Tứ Thánh Đế. Giờ đây Như Lai đã thông suốt hoàn toàn Tứ Thánh Đế ấy. Hữu ái, là sợi dây mà kéo người ta đi tái sanh, đã bị cắt

đứt hoàn toàn. Gốc rễ của đau khổ (dukkha) đã được đọan tận. Đối với Như Lai sẽ không còn kiếp tái sanh nào nữa.”

Cũng trong khi Đức Phật đang trú ngụ tại làng Koṭi ấy, khi suy xét và sự viên tịch sắp gần kề của Ngài, Ngài đã thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bằng những lời mở đầu tương tự như:

“Đây là Giới (sīla), đây là Định (samādhi), đây là Tuệ (pañña). Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ nên được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu (kammāsava), Hữu lậu (bhavāsava), và Vô minh lậu (avijjāsava).”

Bài pháp của Đức Phật tại ngôi làng Nātika

Sau khi ngụ ở làng Koṭi cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Đức Phật nói với đại đức Ānanda : “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến làng Nāṭika.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu. Đức Phật đi đến ngôi làng Nāṭika cùng với nhiều vị tỳ khưu và ngụ ở toà nhà gạch.

( Ở đây, Nāṭika là một ngôi làng đôi do hai anh em chú bác ruột thành lập, họ đã chọn địa điểm gần   hồ nước.Vì vậy ngôi làng được lấy tên là “ Ngôi làng quyến thuộc”(nāṭika). Trong ngôi làng đôi ấy có một tịnh xá bằng gạch, là nơi mà Đức Phật lưu trú ).

Trong suốt thời gian ấy đại đức Ānanda đi đến chỗ Đức Phật và

nêu ra những câu hỏi sau đây :

“Bạch Đức Thế Tôn, tại làng Nāṭika có một vị tỳ-khưu tên là Sāla đã mạng chung. Vị ấy đã tái sanh về đâu?

“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một vị Tỳ khưu ni tên là Nandāđã mạng chung. Tỳ-khưu ni đã tái sanh về đâu?”

“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một thiện nam tên là Sudatta đã mạng chung. Vị ấy đã sanh về đâu?”

“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một tín nữ tên là Sujātā đã mạng chung. Nàng ta đã tái sanh về đâu ”

“Bạch Đức Thế Tôn, cũng tại làng Nāṭika này, một thiện nam tên là Kukkuṭa… tương tự… một vị thiện nam tên là Kaḷimba… tương tự… một vị thiện nam tên là Nikaṭa… tương tự… một vị thiện nam tên là Kaṭissaha… tương tự… một vị thiện nam tên là Tuṭṭha… tương tự… một vị thiện nam tên là Santuṭṭha… tương tự… một vị thiện nam tên là Bhadda… tương tự… một vị thiện nam tên là Subhadda đã mạng chung. Vị ấy đã sanh về đâu ?”.

Đức Phật lần lượt trả lời từng câu hỏi như vầy:

“Này Ānanda, do sự diệt tắt các lậu hoặc (āsavas), tỳ khưu Sāḷa đã chứng đắc A-la-hán quả định (arahatta-phala-samādhi) và A-la- hán quả tuệ (arahatta-phala-pañña). Vị ấy đã nhập Niết bàn.

“Này Ānanda, do sự đọan tận năm kiết sử dẫn đến tái sanh trong cõi Dục, tức là năm cõi Hữu bậc thấp, Tỳ khưu ni Nandā đã hoá sanh vào cõi Phạm thiên. Nàng ta mạng chung trong thân phận của một vị thánh Bất lai (anāgāmi), sẽ không bao giờ trở lại từ cõi Phạm thiên ấy, và sẽ nhập Niết bàn (parinibbāna) tại cõi ấy.

“Này Ānanda, do sự đọan tận ba kiết sử gồm tà kiến chấp năm uẩn là ta (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tin vào những cách tu tập ở ngoài pháp hành của bậc Thánh và sự làm giảm thiểu dục ái (rāga), sân (dosa) và si mê (moha), vị thiện nam Sudatta là một vị Nhất lai (sakadāgāmi). Vị ấy sẽ chấm dứt khổ (dukkha) sau khi tái sanh vào cõi người chỉ một kiếp nữa.

“Này Ānanda, do sự đọan tận ba kiết sử gồm tà kiến chấp năm uẩn là ta (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (viccikicchā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tin vào những cách tu tập ở ngoài pháp hành của bậc Thánh. Tín nữ Sujātā là một vị thánh Nhập lưu (sotāpanna), chắc chắn không còn đọa vào bốn khổ cảnh (apāya), và sẽ được tiến bộ vững chắc trong ba đạo bậc cao. ”

“Này Ānanda, vị thiện nam tên Kukkuta… nt… vị thiện nam tên Kaḷimba… nt… vị thiện nam tên là Nikaṭa… nt… vị thiện nam tên

là Kaṭissaha… nt… vị thiện nam tên là Tuṭṭha… nt… vị thiện nam tên là Subhadda, do sự đọan tận năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh vào cõi dục giới, đã hoá sanh vào cõi Phạm thiên.Vị ấy chết trong thân phận của bậc thánh Bất lai (ānāgami), không bao giờ sanh trở lại từ cõi Phạm thiên ấy và sẽ nhập Niết bàn (parinibbāna) ở đó. ”

“Này Ānanda, trên năm mươi vị thiện tín từ làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Bất lai (ānāgami) do đã đọan tận năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh vào cõi dục, tất cả đều hoá sanh vào cõi Phạm thiên, sẽ không trở lại từ cõi ấy và sẽ nhập Niết bàn tại đó. ”

“Này Ānanda, trên chín mươi vị thiện tín của ngôi làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Nhất lai (sakadāgāmi), họ đã đọan tận ba kiết sử (thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ) và đã làm giảm thiểu dục ái (rāga), sân (dosa) và si mê (moha). Họ sẽ chấm dứt đau khổ sau khi tái sanh vào cõi người chỉ một lần. ”

“Này Ānanda, trên năm trăm vị thiện tín từ ngôi làng Nātika mà đã chết là những vị thánh Nhập lưu do đã đọan tận ba kiết sử (thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ). Họ không còn tái sanh vào bốn khổ cảnh, được sanh về cảnh giới hạnh phúc, và chắc chắn sẽ chứng đắc ba đạo bậc cao. ”

Bài pháp về chiếc Gương

“Này Ānanda, khả năng nói về chỗ tái sanh của mọi người là việc mà bất cứ ai có kiến thức về Dhamma đều có thể nói được về chính mình. Nó không phải là vấn đề cao siêu chỉ thuộc về Đức Tathāgata. Này Ānanda, nếu mọi người cứ đến với Như Lai và hỏi về chỗ tái sanh của những người đã chết, thì sẽ rất phiền toái cho Như Lai.

Như vậy, này Ānanda, một vị thánh Thinh văn đệ tử mà có chiếc Gương Trí tuệ, nếu muốn có thể nói về chính mình: “Tôi sẽ không bao giờ tái sanh trong cõi địa ngục vô gián (niraya), hay cõi súc sanh, hay cõi ngạ quỉ (peta), hoặc bất cứ cõi nào trong bốn cõi khổ (apaya), chắc chắn là tôi chỉ tái sanh trong những kiếp sống hạnh

phúc. Tôi chắc chắn sẽ chứng đắc ba đạo bậc cao.” Này Ānanda, Như Lai sẽ giảng giải bài kinh về Gương Trí tuệ. Thế nào là Gương Trí tuệ?”

  • Này Ānanda, trong giáo pháp này, bậc Thánh đệ tử (tức nam

đệ tử hoặc nữ đệ tử) có niềm tin vững chắc nơi Đấng Thế Tôn (Bhagavā), tin rằng: Đức Thế Tôn là bậc Ứng Cúng (Arahaṃ), Ngài là bậc Chánh biến tri (Sammāsambuddha), Minh hạnh túc (Vijjā caraṇa sampanna), Thiện thệ (Sugata, chỉ nói điều gì lợi ích và đúng sự thật), Thế gian giải (Lokavidhū, biết tất cả ba cõi), Vô thượng sĩ (Anuttaro), Điều ngự trượng phu (Purisadamma sāratti), Thiên nhân sư, Phật (Buddho), Thế Tôn (Bhagavā). ”

  • Bậc Thánh đệ tử có niềm tin bất động trong Dhamma, tin rằng: Pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn (svākkhāta), tự kiến (sandiṭṭhika), bất thời (akālika, thánh đạo cho thánh quả tức thì), pháp mà mọi người đến và thấy (ehipassika), đáng được ghi khắc trong tâm (opaneyika), và các bậc trí tùy theo khả năng của mình, có thể chứng đắc các thành quả khác nhau (paccattaṁ veditabba viññāhi).
  • Vị thánh đệ tử có niềm tin bất động trong Tăng (Saṅgha), tin chắc rằng:‘Chúng tỳ khưu, Saṅgha, có chánh hạnh (suppaṭipaññā), tức là Tam học trong Giới, Định và Tuệ; các ngài có chánh trực hạnh (ujjupaṭipaññā); các ngài có chánh như lý hạnh hay tuệ   hạnh (ñāyapaṭipaññā); các ngài có hòa kính hạnh (sāmīcipaṭipaññā). Chúng Tăng như vậy gồm bốn cặp thánh đệ tử, tạo thành tám hạng thánh nhân; các ngài xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường từ phương xa đem đến (āhuneyya); xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường đặc biệt dành cho khách (pāhuneyya); xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường của tín thí cầu được phước to lớn (dakkhineyya); xứng đáng được tôn kính lễ bái (añjalikaranīya); các ngài là phước điền vô thượng để tất cả chúng sanh gieo vào hạt giống phước.
  • Bậc Thánh đệ tử có giới trong người (sīla), dẫn đến sự giải thoát khỏi trói buộc của ái dục, mà các bậc trí tuệ hằng khen ngợi,

những giới ấy không bị ảnh hưởng bởi tà kiến, là giới dẫn đến định, không bị gãy vụn, nguyên vẹn, và không tỳ vết, và được các bậc Thánh quý mến.

Này Ānanda, một vị Thánh đệ tử có bốn điều kể trên về Chiếc Gương Trí Tuệ, nếu muốn có thể nói về chính mình, ‘Tôi sẽ không bao giờ tái sanh vào cõi địa ngục (niraya), hay cõi súc sanh, hay cõi ngạ quỉ (peta) hay bất cứ cõi nào trong bốn cõi khổ (apāya). Tôi chắc chắn chỉ tái sanh trong những cõi hạnh phúc. Tôi chắc chắn sẽ chứng đắc các đạo bậc cao.’ Bài pháp này được gọi là Tấm Gương Trí Tuệ.

Cũng trong khi đang trú ngụ tại tịnh xá bằng gạch ở ngôi làng Nāṭika, Đức Phật khi suy nghĩ về cái chết sắp đến của Ngài, Ngài thuyết giảng đến các vị tỳ khưu bằng những câu mở đầu tương tự như: “Đây là Giới (sīla), đây là   Định   (samādhi),   đây là   Tuệ (pañña). Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ nên được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsava), tức là Dục lậu (kammāsava), Hữu lậu

(bhavāsava) và Vô minh lậu (avijjāsava).”

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 30

Post Views: 255