CHƯƠNG 40 – P9 Câu chuyện về Cunda, con trai của người thợ kim hoàn

CHƯƠNG 40 – P9 Câu chuyện về Cunda, con trai của người thợ kim hoàn

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử

Câu chuyện về Cunda, con trai của người thợ kim hoàn

Sau khi trú ngụ tại thị trấn Bhoga cho đến khi Ngài nhận thấy vừa đủ, Đức Phật bèn nói với đại đức Ānanda, “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Pāvā.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, ” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật. Và Đức Phật, có đại chúng tỳ khưu theo hầu, bèn đi đến Pāvā, nơi đó Ngài trú ngụ ở tịnh xá trong khu vườn xoài do Cunda, con trai người thợ kim hoàn dâng cúng. (Cunda, con trai người thợ kim hoàn là một người rất giàu có. Khi gặp Đức Phật, vị ấy được lợi ích nhờ nghe bài pháp của Đức Phật và chứng quả Nhập lưu. Vị ấy xây dựng một tịnh xá lớn trong khu vườn xoài của mình và dâng cúng nó đến Đức Phật. Đây là lần cuối cùng Đức Phật trú ngụ tại tịnh xá ấy).

Khi Cunda, con trai người thợ kim hoàn nghe tin Đức Phật đã đến và đang trú ngụ tại tịnh xá trong khu vườn xoài của vị ấy, vị ấy bèn đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và ngồi ở nơi thích hợp. Đức Phật bèn chỉ ra cho Cunda, con trai người thợ kim hoàn, thấy những lợi ích của Giáo pháp, sách tấn vị ấy thực hành chánh pháp, và khiến vị ấy vui thích trong pháp hành. Sau khi nghe thời pháp, Cunda, con trai người thợ kim hoàn, bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai cùng với chúng tỳ kheo đến dùng cơm.” Đức Phật im lặng nhận lời.

Cunda, con trai người thợ kim hoàn, khi biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của vị ấy, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, cung kính từ biệt Ngài. Ngày hôm sau, vị ấy cho sửa soạn tại nhà những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, gồm có món thịt heo mềm (sūkara maddava), là món thịt của heo rừng không quá già cũng không quá non. “Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ. Vật thực cúng dường đã sẵn sàng.”

(Ở đây, chữ Pāḷi về món thịt heo mềm (sūkara maddava), được diễn dịch bởi một số vị thầy, nó là món cơm mềm được nấu với sữa bò thơm ngon khác thường, trong khi những vị khác nói rằng nó có nghĩa là một loại món ăn đặc biệt được chế biến bằng những chất bổ dưỡng và thơm ngon được gọi là rasāyana. Họ nói rằng Cunda sai chế biến món ăn đặc biệt này dành cho Đức Phật với niềm tin rằng nó sẽ không gây ra sự diệt độ của Đức Phật).

Rồi vào buổi sáng, Đức Phật, khi mang theo y và bát, đi đến nhà của Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, và ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn dành cho Ngài.

Sau khi đã ngồi như vậy, Đức Phật nói với Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, “ Này Cunda, hãy dọn cho Như Lai món thịt heo mềm do ngươi chế biến; còn những món vật thực khác do ngươi chuẩn bị, ngươi có thể dâng cúng đến các vị tỳ khưu.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” Cunda vâng lời Đức Phật, và do vậy món thịt heo đã được dâng đến Đức Phật, còn những món ăn khác thì dâng đến các vị tỳ khưu.

Sau khi thọ thực xong, Đức Phật nói với Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, “Này Cunda, hãy đem chôn món thịt heo còn lại trong cái hố. Này Cunda, Như Lai không thấy ai khác, ngoài Như Lai, trong tất cả các cõi chư thiên, māra và Phạm thiên, hay trong cõi nhân loại này gồm những vị Sa-môn và Bà-la-môn, các nhà cai trị và loài người mà ăn món này có thể tiêu hoá được nó,” Đức Phật đã tuyên bố một cách dứt khoát như vậy.

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” Cunda, con trai người thợ kim hoàn, vâng lời Đức Phật và đem chôn món thịt heo còn lại trong

một cái hố. Rồi vị ấy đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Và Đức Phật thuyết pháp đến Cunda. Rồi Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.

Sau bữa ăn do Cunda dâng cúng, Đức Phật bị một cơn bạo bịnh, một loại bịnh kiết lỵ, tạo ra cơn đau dữ dội gần như muốn chết. Đức Phật chịu đựng cơn đau bằng chánh niệm và tỉnh giác, mà không có sự lo lắng.

Rồi Đức Phật bảo đại đức Ānanda, “Ānanda, chúng ta hãy đi đến Kusināgara.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức

Phật.

(Cần phải chú ý ở đây là bệnh lỵ đến với Đức Phật không phải

do món vật thực cúng dường của Cunda. Điều muốn nói ở đây là cơn bịnh sanh lên chỉ sau bữa ăn nhưng không phải do nó. Sự thật thì bữa ăn được sửa soạn đặc biệt để tăng thêm sức mạnh cho Đức Phật, nếu không nhờ món ăn đầy bổ dưỡng của Cunda, thì Đức Phật sẽ không thể chịu đựng sự tấn công dữ dội của cơn bạo bệnh. Nhờ bữa ăn có món thịt heo mềm của Cunda mà Đức Phật có sức để đi bộ đến Kusināgara).

Đức Phật bảo Ānanda đi tìm nước uống

Rồi Đức Phật rời khỏi con đường và đi đến cội cây. Tại đó Ngài nói với đại đức Ānanda, “Này Ānanda, hãy xếp tư chiếc y Tăng- già-lê và để nó trên đất. Này Ānanda, Như Lai rất mệt. Như Lai sẽ ngồi nghỉ một lát.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật và vị ấy đặt xuống trên đất chiếc Tăng-già-lê được xếp thành bốn lớp. Đức Phật ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn và nói rằng:

  • “Này Ānanda , hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Này Ānanda, Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”

Đại đức Ānanda bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, năm trăm cỗ xe bò vừa mới đi ngang qua dòng nước. Nước cạn bị khuấy lên và bị vẫn đục. Bạch Đức Thế Tôn, con sông Kakudhā không còn xa. Ở đó nước trong, ngọt, mát và không có bùn. Bờ sông cũng khả ái và hấp dẫn. Thế Tôn có thể uống nước tại con sông Kakudhā và cũng có thể làm mát tứ chi ở tại đó.”

  • “Này Ānanda, hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Như Lai khát nước. Ānanda, Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”

Đại đức Ānanda lại bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, năm trăm cỗ xe bò vừa mới đi ngang qua dòng nước. Nước cạn bị khuấy lên và bị vẫn đục. Bạch Đức Thế Tôn, con sông Kakudhā không còn xa. Ở đó nước trong, ngọt, mát và không có bùn. Bờ sông cũng khả ái và hấp dẫn. Thế Tôn có thể uống nước tại con sông Kakudhā và cũng có thể làm mát tứ chi ở tại đó.”

  • “Này Ānanda, hãy đi kiếm cho Như Lai một ít nước uống. Như Lai khát nước. Như Lai muốn uống nước.”

Sau khi được yêu cầu bởi Đức Phật đến ba lần, đại đức Ānanda vâng lời, “ Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” và mang theo bình bát, đại đức đi đến dòng suối nhỏ. Khi ấy nước cạn đang chảy bị vẫn đục sau khi bị quậy lên bởi đoàn xe bò đi ngang qua, bỗng trở nên trong vắt một cách kỳ diệu, sạch sẽ và không có bùn dơ. Nhân đó đại đức Ānanda tự nghĩ:

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, đại lực của Đức Tathāgata! Dòng nước cạn này đang chảy qua đục ngầu do bởi đoàn xe bò đi ngang qua, khi ta đến, thì trở nên trong vắt và không có bùn dơ.”

Với những ý tưởng đầy kinh ngạc này, đại đức Ānanda múc lấy một bát nước uống, trở lại với Đức Phật và bạch rằng:

“Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay, bạch Thế Tôn, đại lực của Đức Tathāgata! Dòng nước cạn mà chảy qua bị vẫn đục do bởi đoàn xe bò đi ngang qua vừa mới đây, khi con đi đến đó, thì lại trở

nên trong veo và không bị bùn dơ. Bây giờ xin Đức Thế Tôn hãy uống nước. Xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.”

Và Đức Phật đã uống nước.

Mười hai món nợ luân hồi của Đức Phật

Về vấn đề này, xem ra cần nêu ra một cách tóm tắt về mười hai quả báo của ác nghiệp (phải được xem là mười hai món nợ luân hồi) mà Đức Phật phải lãnh chịu:

(i)       Món nợ luân hồi thứ nhất

Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát làm một người nghiện rượu tên là Munāḷi. Vị ấy đã nói với một vị Phật Độc giác tên là Surabhi bằng lời chỉ trích rất thô thiển: “ Người đàn ông này là một kẻ phi đạo đức đã chìm đắm trong nhục dục ở chỗ vắng vẻ.”

Do bởi khẩu ác nghiệp ấy mà vị ấy tái sanh trong địa ngục vô gián (niraya). Và trong kiếp chót này, Đức Thế Tôn đã bị nàng Sundarī, một nữ du sĩ, vu khống Ngài giữa chỗ đông người là đã trăng hoa với nàng.

(ii)    Món nợ luân hồi thứ hai

Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát có tên là Nanda, làm đệ tử của một vị Phật Độc giác tên là Sabbābhibhu. Vị ấy đã chê trách ông thầy của mình là người có tánh không nghiêm.

Do bởi khẩu ác nghiệp ấy, vị ấy phải chịu khổ trong địa ngục vô gián suốt một trăm ngàn năm. Khi vị ấy tái sanh làm người trở lại trong nhiều kiếp, vị ấy cũng bị người khác vu khống sai lạc. Trong kiếp sống cuối cùng Bồ tát chứng đắc Phật quả, Ngài bị nàng Ciñjamāna công khai vu khống là người dâm ô đã làm cho nàng có thai.

(iii)  Món nợ luân hồi thứ ba

Trong một kiếp nọ, Bồ tát của chúng ta là một vị giáo sư Bà-la- môn uyên bác, rành mạch Tam phệ đà, là một người có danh vọng lớn.

Trong khi vị ấy đang giảng dạy Vệ-đà trong khu rừng Mahāvana đến năm trăm đệ tử, họ thấy trên bầu trời có một vị ẩn sĩ thánh thiện tên là Bhima đang đi đến khu rừng bằng thần thông. (Thay vì khởi tâm tôn kính) Bồ tát đã nói với năm trăm đệ tử rằng vị Sa-môn kia là một kẻ đạo đức giả, đầy tham dục. Các đệ tử tin vào những lời của ông thầy nói ra và truyền đi nhận xét của ông thầy về vị Sa-môn thánh thiện trong khi vị ấy đang đi khất thực.

Năm trăm đệ tử ấy đã tái sanh làm năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của Đức Phật. Do sự vu khống xúc phạm đến vị Sa-môn thánh thiện trong kiếp sanh làm năm trăm đệ tử của ông thầy Bà-la-môn của họ, nên họ đã bị đổ tội là đã giết chết nữ đạo sĩ Sundarī, mà trên thực tế thì do các ngoại đạo sư sai người giết. Nên lưu ý rằng sự vu khống xúc phạm các đệ tử của Đức Phật cũng có nghĩa là sự xúc phạm đến chính Đức Phật.

(iv)  Món nợ luân hồi thứ tư

Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát của chúng ta đã giết chết người em cùng cha khác mẹ do lòng tham lam. Vị ấy đã ném người em trai xuống một khe núi và rồi làm tan xác người kia bằng một tảng đá.

Do ác nghiệp ấy mà trong kiếp cuối cùng, Đức Phật bị Devadatta lăn đá để lấy đi mạng sống của Ngài, nhưng vì một vị Phật không thể bị giết chết được, nên Ngài bị một cục đá vỡ làm thương tích ngón chân cái.

(v)     Món nợ luân hồi thứ năm

Trong một kiếp quá khứ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một cậu bé nghịch ngợm và khi cậu ta gặp Đức Phật Độc giác trên đường đi, cậu ta khởi tâm bất lương và đã ném những cục đá vào vị Độc giác Phật ấy.

Do ác nghiệp ấy mà Đức Thế Tôn đã có lần bị một băng nhóm cung tiễn do Devadatta sai đi phục kích nhằm giết chết Đức Phật.

(vi)  Món nợ luân hồi thứ sáu.

Khi Bồ-tát của chúng ta sanh làm một quản tượng, vị ấy đã đe dọa một vị Phật Độc giác trên đường đi khất thực của ngài bằng con voi của vị ấy tựa như muốn giẫm nát vị Phật Độc giác.

Do bởi ác nghiệp ấy mà Đức Thế Tôn có lần bị con voi say tên là Nāḷāgiri tại Rājagaha, xông đến đòi giẫm chết Ngài (do Devadatta)

(vii)     Món nợ luân hồi thứ bảy

Trong một kiếp quá khứ nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị hoàng đế. Do tánh kiêu ngạo của một vị quân vương, vị ấy đã tự tay hành quyết một người tù bằng cách dùng cây lao đâm xuyên người kia.

Ác nghiệp đó đã lôi vị ấy xuống địa ngục trong nhiều năm. Trong kiếp cuối cùng, Đức Phật phải để cho danh y Jīvaka chữa trị ngón chân của Ngài bằng sự mổ xẻ để lấy ra mảnh đá trong ngón chân (khi Ngài bị Devadatta lăn đá mưu sát khiến một mảnh đá ghim vào ngón chân của Ngài).

(viii)  Món nợ luân hồi thứ tám.

Trong một kiếp quá khứ, Bồ-tát của chúng ta sanh vào trong gia đình của một ngư dân. Vị ấy từng khởi tâm vui thích khi xem những người quyến thuộc săn bắt và giết những con cá (nhưng tự mình thì không giết).

Do kết quả của ý nghiệp ác ấy, trong kiếp cuối cùng trở thành Đức Phật, Ngài thường bị nhức đầu. (Còn quyến thuộc của Ngài trong kiếp ấy, họ sanh làm những người Thích Ca bị Viṭaṭūbha tàn sát).

(ix)  Món nợ luân hồi thứ chín

Khi Bồ tát của chúng ta sanh làm người trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Phussa, vị ấy đã lăng mạ các vị tỳ khưu đệ tử của Đức Phật rằng:“ Các ông nên ăn lúa mạch, chớ đừng ăn cơm.”

Sự lăng mạ ấy đã trổ quả, trong kiếp cuối cùng, Đức Phật có

lần đã phải sống chỉ bằng lúa mạch trong suốt mùa an cư tại ngôi làng

của Bà-la-môn Verañjā (Ngài đến trú ngụ ở đó theo lời thỉnh cầu của

Bà-la-môn Verañja).

(x)     Món nợ luân hồi thứ mười

Trong một kiếp quá khứ nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một võ sĩ chuyên nghiệp, đã làm gãy lưng đối thủ của mình.

Do kết quả của ác nghiệp ấy, trong kiếp cuối cùng Đức Phật thường bị đau lưng.

(xi)  Món nợ luân hồi thứ mười một

Khi Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị y sĩ trong một kiếp quá khứ nọ, vị ấy đã cố ý pha chế một loại thuốc làm lỏng đường ruột của con trai một vị phú hộ do không hài lòng với món tiền thù lao mà ông ta đã trả.

Do bởi ác nghiệp ấy, Đức Phật trong kiếp cuối cùng đã bị chứng lỵ huyết, trước khi Ngài nhập Niết bàn.

(xii)             Món nợ luân hồi thứ mười hai

Trong một kiếp nọ, Bồ tát của chúng ta sanh làm một vị Bà-la- môn tên là Jotipala. Vị ấy đã nói lời xúc phạm đến Đức Phật Kassapa rằng: “Làm sao kẻ đầu trọc này có thể trở thành bậc Toàn giác được? Sự giác ngộ hoàn toàn là một điều hy hữu nhất.”

Lời báng bổ ấy đã cho kết quả là sự giác ngộ của Đức Phật bị kéo dài thời gian lâu hơn. Trong khi sự giác ngộ của những vị Bồ tát khác chỉ kéo dài trong một số ngày hoặc một số tháng mà thôi, Đức Phật Gotama hiện tại đã phải trải qua sáu năm khổ hạnh để tầm cầu Chân lý.

Mười hai quả nghiệp này của những ác nghiệp trong quá khứ của Đức Phật đương lai của chúng ta đã được chính Ngài kể lại, xem: Khuddaka Nikāya, Therāpadana Pāḷi, 39, Avaṭaphala Vagga; 10, Pubbakammapilotika Buddha apadāna.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 71

Post Views: 344