Lời tuyên bố của vị hoàng tử Licchavi Dummukha
Khi ấy một vị hoàng tử Licchavī, tên là Dummukha, trông thấy Saccaka ngồi im lặng với nét mặt rầu rĩ, hai vai rũ xuống và đầu gục xuống đất đầy tuyệt vọng, bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, một ví dụ đã khởi sanh trong đầu của con.” Đức Phật bảo vị ấ : “Này Dummukha, hãy nói ra.” Hoàng tử Dummukha bèn bạch rằng :
“ Bạch Đức Thế Tôn, có một cái hồ ở gần một ngôi làng hay phố chợ. Có một con cua sống trong cái hồ đó. Nhiều đứa trẻ, khi đi ra khỏi ngôi làng hoặc phố chợ ấy, chúng đi đến cái hồ và đi xuống cái hồ ấy. Sau khi bắt con cua đem lên khỏi nước, chúng đặt nó trên mặt đất. Và, bạch Đức Thế Tôn, theo bản năng, con cua giương cái càng của nó và bọn trẻ bẻ gãy cái càng ấy, đập tan nó bằng những cây gậy và những mảnh gốm. Như con cua ấy, cặp càng bị bẻ gãy, bị đập vỡ và tan nát, không thể bò xuống lại hồ nước như trước. Cũng vậy, bạch Đức Thế Tôn, Saccaka giờ đây sẽ không còn khả năng quay lại với Đức Phật để nói những lời phản bác và bảo vệ quan điểm vì Đức Phật đã bẻ bãy, đã đập vỡ và nghiền nát tất cả những lý luận trườn uốn, đầy kiêu ngạo và méo mó của Saccaka.”
Nhân đó, Saccaka bảo Dummukha: “Này Dummukha, hãy dừng lại, này Dummukha, hãy dừng lại. (Ngươi là người ăn nói thô lỗ) Ta không nói chuyện với ngươi, ta cũng không bàn luận với ngươi, ta đang bàn luận với Sa-môn Gotama.” Như vậy vị ấy đã từ chối sự tham dự của Dummukha trong cuộc đàm luận.
(Khi những vị hoàng tử Licchavī khác nghe ví dụ của hoàng tử Dummukha, họ nhớ lại cách cư xử khinh ngạo mà họ nhận được từ Saccaka khi đang học dưới sự chỉ dạy của vị ấy. Họ nghĩ rằng cái bàn đã xoay ngược và đây là cơ hội tốt nhất để họ trả thù kẻ thù chung của họ bằng cách nói ra những ví dụ khác nhau, theo cách cho ra những quả đấm để hạ gục kẻ thù. Bởi vậy, họ chờ đến phiên của họ khi nghĩ về những ví dụ mà họ sẽ nói ra.
Saccaka biết điều mà các vị hoàng tử ấy dự tính và điều dành sẵn cho vị ấy. Vị ấy biết rằng: “Những vị hoàng tử này đang nôn nóng chờ đợi đến phiên của họ, nếu mỗi người trong bọn họ có cơ hội đưa ra ví dụ của mình, thì ta sẽ không bao giờ có thể nhấc nổi cái đầu trước đám đông như vậy.” Do đó, vị ấy nghĩ cách tránh né điều không hay bằng cách đi đến Đức Phật với sự thỉnh cầu giải quyết vấn đề trước khi họ có thể can thiệp như đã dự định. Chính với ý định này, Saccaka đã ngăn cản hoàng tử Dummukha không cho can dự vào và nói lời thỉnh cầu với Đức Phật).
“ Thưa Đức Gotama… xin hãy bỏ qua những lời nói của con, cũng như những lời của nhiều vị Sa-môn và Bà-la-môn. Những lời nói như vậy có thể được xem là những cuộc chuyện trò vô ích. Tới mức độ nào đệ tử của Đức Thế Tôn y cứ theo lời giáo huấn, thực hành pháp và an trú trong lời dạy của Đức Gotama, sau khi khắc phục do dự, đoạn trừ tất cả hoài nghi, thành tựu vô uý và không nương tựa những kẻ khác về đức tin?”
Đức Phật bèn đưa ra câu trả lời sau đây để đáp lời thỉnh cầu của Saccaka :
“ Này du sĩ Saccaka, trong giáo pháp này, một Thanh văn đệ tử của Như Lai thấy như thật một sắc nào đó, hay tất cả sắc dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hoặc hiện tại, ở bên trong hoặc bên ngoài, thô hay tế, thấp hèn hay cao sang, gần hoặc xa, trong mười một cách khác nhau này, qua minh sát tuệ (vipassanā ñāṇa), đạo trí (magga-ñāṇa) như vầy : ‘Sắc này không phải là ta, sắc này không phải của ta, sắc này không phải tự ngã của ta…thấy các thọ…các tưởng…các hành…Thấy như thực bất cứ thức nào, hay tất cả sáu thức, dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, ở bên trong hay bên ngoài, thô thiển hay vi tế, thấp hèn hay cao sang, ở gần hoặc ở xa, trong mười một cách khác nhau này, bằng vipassanā ñāṇa hay magga-ñāṇa. Như vậy, thức này không phải của ta, thức này không phải là ta, thức này không phải là tự ngã của ta.
Này du sĩ Saccaka… tới chừng mức như vậy, một đệ tử Thinh văn của Như Lai y cứ lời giáo huấn, thực hành theo giáo pháp và an trú trong giáo pháp, sau khi khắc phục do dự, đoạn trừ hoài nghi, thành tựu vô úy và không nương tựa vào những người khác về đức tin.”
(Theo thuật ngữ của Kinh tạng, ba tầng thánh bậc thấp được gọi là Sikkha bhūmi, tức là các bậc Hữu học (những bậc còn phải tu tập); thuật ngữ Kinh tạng về tầng thánh A-la-hán được gọi là Arahatta- puggala hay cõi của những bậc Ariya-puggala.
Ở đây, từ ‘thấy’ có nghĩa là quá trình tiếp diễn, chưa hoàn tất hành động thấy. Vì Saccaka không quen với những thuật ngữ trong giáo (sāsana), vị ấy nghĩ rằng ‘thấy’ là cách gọi ngắn gọn của ‘sự giác ngộ,’ và vì vậy vị ấy lại thưa với Đức Phật:)
“ Thưa Đức Gotama, tới mức độ nào (bằng cách nào) một vị tỳ khưu trở thành bậc A-la-hán, sau khi đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi đã hoàn tất các pháp hành của đạo (magga), sau khi đã làm xong các việc nên làm, đã đặt xuống gánh nặng (về các uẩn, phiền não và sanh hữu), sau khi đã đạt đến mục tiêu là A-la-hán quả (arahatta-phala), sau khi đã đoạn diệt các xiềng xích của kiếp sống, và sau khi đã thành tựu giải thoát bằng sự liễu tri?”
Đức Phật đáp lại:
“ Này du sĩ Saccaka, trong giáo pháp này, một Thanh văn đệ tử của Như Lai, thấy bất cứ sắc nào hay tất cả sắc một cách như thật bằng chánh tri kiến, dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô thiển hay vi tế, thấp hèn hoặc cao sang, xa hoặc gần, trong mười một cách khác nhau này, do nhờ vipassanā ñāṇa hay magga-ñāṇa, như vầy: ‘Sắc này không phải là ta, sắc này không phải của ta, sắc này không phải là tự ngã của ta… tất cả Thọ…tất cả Tưởng…tất cả Hành…Thấy bất kỳ Thức nào hay tất cả sáu Thức như vầy : ‘Thức này không phải của ta, thức này không phải là ta, thức này không phải là tự ngã của ta’ Và được giải thoát không chấp thủ.”
Này du sĩ Saccaka… tới mức độ ấy, vị Thanh văn đệ tử của Như Lai trở thành bậc A-la-hán, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, sau khi hoàn tất đạo hành, sau khi đã làm những việc cần làm, sau khi để xuống gánh nặng (về các uẩn, phiền não và sanh hữu), sau khi đạt đến mục tiêu của vị ấy là A-la-hán quả, sau khi tiêu diệt tất cả xiềng xích của kiếp sống, và sau khi thành đạt giải thoát bằng sự liễu tri.
Này du sĩ Saccaka… một vị tỳ khưu như vậy, với tâm được giải thoát như vậy, thành tựu ba đức tánh ưu việt, đó là: ưu việt về tuệ- quán, ưu việt về pháp hành và ưu việt về giải thoát.
Này du sĩ Saccaka… vị tỳ khưu có tâm giải thoát như vậy, đã tôn kính, tôn trọng, tôn vinh và kính lễ Đức Như Lai bằng cách nói rằng :
Buddho buddhāya desesi
danto yo dhammathāya ca
samathāya santo dhammaṁ
tinnova taraṇāya ca
nibbuto nibbānatthāya
taṇ lokasaranaṁ name.
Đức Phật, bậc đạo sư của chúng ta, sau khi đã giác ngộ Tứ Thánh Đế, Ngài thuyết pháp để giác ngộ tất cả chúng sanh.
Đức Phật, bậc đạo sư của chúng ta, sau khi đã tự mình diệt tắt ngọn lửa phiền não, Ngài thuyết pháp đến chúng sanh để giúp họ dập tắt ngọn lửa phiền não của họ.
Đức Phật, bậc Đạo sư của chúng ta, sau khi đã vượt qua bốn dòng lũ lớn (ogha) (dục bộc lưu, sanh hữu bộc lưu, tà kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu), Ngài thuyết pháp để giúp chúng sanh vượt qua chúng.
Đức Phật, bậc Đạo sư của chúng ta, sau khi đã thành đạt sự diệt tận phiền não, Ngài thuyết pháp đến chúng sanh để giúp họ thành đạt sự diệt tận phiền não của họ.
Ba pháp vô thượng: Kiến vô thượng, Đạo vô thượng và Giải thoát vô thượng.
Ưu việt về tuệ quán nghĩa là tuệ quán thấy rõ Niết bàn; ưu việt về pháp hành nghĩa là sự thực hành viên mãn, tức là Thánh đạo có tám chi; ưu việt về giải thoát nghĩa là sự chứng đắc A-la-hán quả.
Du sĩ Saccaka cúng dường vật thực đến Đức Phật
Khi Đức Phật đã giải thích như vậy về trạng thái cao quý của quả vị A-la-hán, Saccaka thưa rằng:
“Thưa Đức Gotama…Chúng con, quả thật đã xúc phạm Ngài và thật vô lễ khi nghĩ rằng chúng con có thể tranh luận với quan điểm của Ngài và bác bỏ chúng. Chúng con đã cố gắng hạ bệ Ngài bằng những lời thô lỗ và thiếu lịch sự.
Thưa Đức Gotama…Ví dụ, một người có thể tìm thấy an toàn sau khi tấn công một con voi điên, nhưng không thể có sự an toàn cho người tấn công Đức Gotama.
Thưa Đức Gotama… Người chiến đấu với con rắn độc hung dữ có thể tìm thấy an toàn, nhưng không thể có sự an toàn cho người chiến đấu với Đức Gotama.
Thưa Đức Gotama… Người chiến đấu với đám lửa hừng có thể tìm thấy an toàn, nhưng không thể có sự an toàn cho người tấn công đức Gotama.
Thưa Đức Gotama… Quả thật chúng con đã xúc phạm Ngài và vô lễ khi nghĩ rằng chúng tôi có thể luận chiến với những quan điểm của Ngài và bác bỏ chúng. Chúng tôi đã cố gắng hạ bệ Ngài bằng những lời thô lỗ và thiếu lịch sự.”
(Chú thích : Saccaka nói rằng: ‘‘ … không thể có sự an toàn dành cho người chiến đấu với Đức Gotama”. Ý nghĩa là bất cứ ai dám phê phán đức Gotama trong cuộc tranh luận về các quan kiến thì không thể thoát khỏi bị tiêu diệt và phải ra đi với những quan điểm của vị ấy hoàn toàn bị tiêu diệt. Nên chú ý rằng Đức Phật không gây nguy hại đến mạng sống của bất cứ ai như con voi điên, đám lửa hừng hay con rắn độc.
Saccaka đã nói lên ba ví dụ như vậy không phải với ý định tán dương Đức Phật, mà để thổi cái kèn của vị ấy. Ví dụ : Một ông vua muốn giết chết kẻ thù, có thể đề cao kẻ bại trận bằng những lời nhận xét như: “ Người đàn ông ấy quả thật là một người gan dạ, can đảm” chỉ để ca ngợi tài thao lượt của mình đó thôi.
Saccaka cũng vậy, vị ấy tán dương Đức Phật là bậc mà kẻ tầm thường khó đến gần, bằng cách đưa ra những ví dụ về con voi lớn, đám lửa hừng và con rắn độc để cho thấy rằng vị ấy là người thông minh duy nhất có can đảm mới dám thách thức Đức Phật tranh luận về các luận điểm).
Khi Saccaka đã gián tiếp khen ngợi chính mình như vậy, vị ấy quay sang Đức Phật và dâng lên lời thỉnh mời: “ Thưa Đức Gotama…Cầu xin Đức Gotama hoan hỉ thọ nhận cúng dường vật thực của con cùng với chúng tỳ khưu, tại nhà con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Rồi Saccaka quay sang các vị hoàng tử Licchavī và nói rằng: “ Xin các vị hoàng tử Licchavī hãy nghe ta. Đức Gotama đã nhận lời mời của ta để đến dự lễ cúng dường vật thực tại nhà ta vào ngày mai. Các vị có thể đem đến bất cứ thứ gì mà các vị nghĩ là thích hợp.” Khi đêm đã qua, tất cả họ đều đem đến năm trăm nồi vật thực đã nấu chín đến vị ấy. Rồi Saccaka, sau khi đã sửa soạn sẵn vật thực thượng vị, loại cứng và mềm tại chỗ ở của vị ấy, bèn sai người đi báo tin với Đức Phật: “ Thưa Đức Gotama, đã đến giờ thọ thực, vật thực đã chuẩn bị sẵn sàng.”
Rồi vào buổi sáng, Đức Phật, sau khi đã mặc y mang bát và y Tăng-già-lê, Ngài đi đến chỗ ở của Saccaka và ngồi vào chỗ đã sắp sẵn dành cho Ngài cùng với chúng tỳ khưu. Saccaka tự tay dâng cúng vật thực thượng vị loại cứng và mềm đến chúng tỳ khưu có Đức Phật chủ tọa, cho đến khi các ngài đã ăn no và không thể ăn thêm nữa.
Khi Saccaka biết rằng Đức Phật đã thọ thực xong, vị ấy ngồi xuống ở một nơi thích hợp và bạch rằng:
“ Thưa Đức Gotama… Mong rằng quả phước chính phát sanh từ sự bố thí này và những quả phước phụ của sự cúng dường to lớn này hãy đem lại hạnh phúc cho những người bố thí.”
(Quả phước chính nghĩa là kiếp sống tương lai dưới dạng thân xác ngũ uẩn ở cõi chư thiên hay những hoàn cảnh hạnh phúc ở cõi nhân loại. Những quả phước phụ nghĩa là của cải, tài sản, v.v…cần thiết cho những điều sống cao sang và thịnh vượng).
Saccaka đã nói lời cầu nguyện như vậy với cảm tưởng rằng chỉ những vị hoàng tử Licchavī mới xứng đáng thọ hưởng những quả phước; phước ấy được làm từ vật thực do họ bố thí. Nhưng chính Saccaka là người nên thọ hưởng quả phước vì vị ấy đã thực sự cúng dường đến Đức Phật và chúng Tăng bằng những gì vị ấy nhận được từ những vị hoàng tử Licchavī. Do đó, Đức Phật đoạn trừ ý nghĩ sai lầm của vị bằng cách nói rằng:
Này Saccaka, phước đến với những vị hoàng tử Licchavī vì những vật thí được dâng đến người thọ lãnh như ngươi, dầu ngươi chưa thoát khỏi tham, sân và si.
Này Saccaka, phước đến ngươi vì những vật thí được dâng cúng đến người thọ lãnh như Ta, là người đã thoát khỏi tham, sân và si.
Sự thuyết giảng bài kinh Maha Saccaka
Trên là bài kinh Cula Saccaka Sutta. Đây không phải là bài kinh duy nhất do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Mahā Saccaka Sutta đến Saccaka vào dịp sau. Bài kinh Mahā Saccaka Sutta bàn về hai cách quán, đó là quán thân và quán tâm và hai loại người, đó là Sammūḷha-puggala (Nghi giả) và Asammuḷha Puggala (Bất nghi giả). Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem bài kinh Mulapaṇṇāsa.
Thiên hướng bẩm sinh
Đức Phật thuyết giảng bài kinh Cula Saccaka và Mahā Saccaka. Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Cula Saccaka dài bằng phần tụng đọc tại Hội kiết tập, trong khi bài kinh Mahā Saccaka dài gấp rưỡi phần tụng đọc ở hội nghị Kiết tập. Saccaka cũng không chứng đắc tầng Thánh nào cũng không thọ phép xuất gia. Vị ấy cũng không quy y Tam bảo. Một câu hỏi được nêu ra là tại sao khi ấy Đức Thế Tôn lại thuyết cho vị ấy hai bài kinh đầy đủ như vậy?
Đức Thế Tôn thuyết những bài kinh này để gieo hạt giống Thánh đế trong người vị ấy ngõ hầu gặt hái kết quả là Đạo và Quả khi đúng thời. Đây là lời giải thích chi tiết: Đức Phật biết rằng Saccaka thiếu cận y duyên để chứng đắc đạo quả trong lúc Ngài còn sinh thời. Nhưng vị ấy quyết định sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán hai trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch Đại niết bàn, khi giáo pháp hưng thịnh tại Sihala (Sri Laṅka). Vị ấy sẽ tái sanh vào gia đình một vị quan của vua. Khi vị ấy đến tuổi trưởng thành, vị ấy sẽ xuất gia làm một vị tỳ khưu và sau khi học nằm lòng Tam tạng và thực hành thiền Minh sát sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala) cùng với Vô-ngại-giải trí (paṭisaṁbhida-ñāṅa). Vị ấy sẽ được vang danh là Trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita. Khi biết rõ về kiếp tương lai của vị ấy như vậy qua Tương lai trí (anāgata-ñāṇa), Đức Phật đã đưa vào tâm của vị ấy một tia sáng của Chân lý để nó có thể phát triển thành thiên hướng bẩm sinh sau này.
Khi sāsana được tỏa sáng ở Sihala, vị ấy mạng chung từ cõi chư thiên và tái sanh vào gia đình của một vị quan tại một ngôi làng có trách nhiệm hộ độ vật thực cho đại tịnh xá Dakkhinagiri. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy xuất gia và học Tam tạng. Cuối cùng vị ấy đạt đến địa vị trưởng lão tỳ khưu trông coi một bộ phận chúng Tăng. Vị ấy cùng nhiều đệ tử đảnh lễ vị thầy tế độ, người có trách nhiệm về việc xuất gia của vị ấy.
Vị thầy tế độ quyết định quở trách người đệ tử của mình, là Buddha Rakkhita, vì đã chểnh mảng trong pháp hành giải thoát, dù đã học Tam tạng. Do đó, ông thầy quyết định không ngồi đối mặt với người đệ tử.
Vào ngày hôm sau, khi trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita đến tịnh xá của thầy, vị ấy hỏi thầy rằng: “ Kính bạch ngài…Con đến thăm thầy sau khi hoàn thành việc học Tam tạng, con thấy rằng hình như thầy không muốn gặp mặt con. Cầu xin thầy cho con biết rằng con đã phạm lỗi lầm nào?”
Vị thầy trả lời: “ Này Buddha Rakkhita… Có phải ngươi nghĩ rằng ngươi đã hoàn thành tất cả phận sự của vị tỳ khưu chỉ vì ngươi đã học xong năm bộ Nikāya và bộ Tipitaka ?” Nhân đó, vị ấy cầu xin vị thầy ban lời chỉ dạy: “ Kính bạch ngài… Nếu vậy, con nên làm gì?” Vị thầy bèn ban lời giáo huấn như sau: “ Người phải từ bỏ những phận sự đối với các đệ tử (ganapatibodha), chúng gây chướng ngại cho sự tiến bộ của ngươi và phải cắt đứt tất cả những phiền não còn lại bằng cách đi đến tịnh xá ở núi Cetiya để chuyên tâm hoàn toàn vào pháp bhikkhu-dhamma, tức là hành thiền.”
Trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita làm theo lời chỉ dạy của vị thầy, và đến đúng lúc, vị ấy chứng đắc trạng thái Ứng cúng, là Paṭisambhida arahat. Vị ấy tiếp tục ngụ tại tịnh xá ở núi Cetiya giữa nhiều đệ tử, và được mọi người biết đến là quốc sư của vua cũng như của những người khác.
Vua Tissa nghe đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita thuyết pháp
Lúc bấy giờ vua Tissa đang thọ giới trong một hang động có tên là Rāja, trên ngọn đồi Cetiya. Vị ấy thông báo với một vị tỳ khưu làm thị giả cho đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita rằng: “ Bạch đại đức… Xin vui lòng cho trẫm biết khi nào đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita chủ trì giải đáp những câu hỏi hay thuyết pháp.” Vào ngày được ấn định để thuyết pháp, đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita đến khuôn viên của tháp Kandhaka và ngồi trên pháp tọa được sửa soạn sẵn dưới cội cây gỗ mun.
Đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita tụng câu kệ mở đầu và bắt đầu thuyết giảng bài kinh Kāla Karama trong tập Catukka Nipāta, Tăng chi Bộ kinh (Aṅguttara). Vị tỳ khưu thị giả của đại trưởng lão đi đến vua Tissa và báo tin về việc thuyết pháp của đại trưởng lão.
Vua Tissa đi đến khu vực thuyết pháp trong khi đại trưởng lão đang tụng câu kệ mở đầu. Vua đứng nghe pháp ở vòng ngoài của hội chúng trong tướng mạo một người dân thường suốt ba canh của đêm. Nhà vua nói: “Sādhu! Sādhu!” vào lúc kết thúc thời pháp. Đại trưởng lão nhận ra đức vua và hỏi rằng: “ Bệ hạ có mặt nơi này đã bao lâu?” “Thưa Trưởng lão, từ khi ngài bắt đầu thuyết pháp, ” nhà vua đáp lại. Trưởng lão nói rằng: “Tâu bệ hạ… bệ hạ đã làm một việc khó làm.” Với câu nói này, đức vua long trọng đáp lại rằng: “ Bạch ngài… đây chẳng phải là điều khó làm chút nào đối với trẫm khi đứng suốt đêm để nghe thời pháp. Thực ra, trẫm đã chú ý từng lời từng chữ và theo dõi thời pháp hoàn toàn không phóng dật chút nào, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trẫm thề rằng lời nói này của trẫm là chân thật. Nếu trẫm nói dối thì cho trẫm bị mất quyền cai trị hải đảo Sihala này, chẳng còn chút quyền hành nào dầu chỉ một vùng nhỏ như đầu của cây roi.” Vị ấy đã nói lên lời thề như vậy rất dũng cảm.
Những ân đức vô tận của Đức Phật
Bài kinh Kāla Karama trình bày những ân đức của Đức Phật, cho nên vua Tisa đã hỏi đại trưởng lão rằng: “Kính bạch ngài… Chúng con nên cho rằng ngài đã mô tả hết tất cả những ân đức của Đức Phật hay ngoài ra còn nhiều hơn nữa?”. Đại trưởng lão đáp lại rằng : “ Tâu bệ hạ… Những ân đức của Đức Phật thật vô hạn không thể kể hết, những ân đức mà bần Tăng vừa mới kể ra chỉ là phần nhỏ.”
Rồi đức vua yêu cầu: “Bạch ngài… xin hoan hỉ cho chúng tôi một ví dụ.” Đại trưởng lão bèn đưa ra một ví dụ để đáp ứng lời thỉnh cầu của đức vua: “Tâu bệ hạ… Giả sử có một đám ruộng lúa rộng khoảng 2000 mẫu. Số hạt trên bông của một cây lúa thật là ít ỏi so với số hạt trên những cây lúa khắp cả cánh đồng. Cũng vậy, những ân đức của Đức Phật chưa kể ra thì nhiều vô số lần so với những ân đức mà bần Tăng vừa mới kể ra.”
Đức vua lại nói: “ Bạch ngài… xin hoan hỉ cho chúng tôi một ví dụ khác.” Đại trưởng lão bèn nói rằng: “Cũng như lượng nước đi qua lỗ kim được nhúng xuống trong dòng nước của sông Hằng, thật không đáng kể so với lượng nước còn lại đang chảy trong con sông to lớn. Cũng vậy, những ân đức của Đức Phật mà bần Tăng vừa mô tả thì không đáng kể gì so với vô số ân đức còn lại chưa kể ra.”
Đức vua lại nói: “Bạch ngài… xin hãy cho thêm một ví dụ nữa.” Đại trưởng lão bèn nói rằng: “ Một con chim sơn ca bé nhỏ đang bay lượn trên bầu trời. Hãy so sánh khoảng không được chiếm hữu bởi đôi cánh giang ra của con chim với không gian bao la còn lại; và hãy nói cho bần Tăng biết phần nào trong không gian rộng lớn hơn?” Đức vua đáp lại ngay: “ Bạch ngài… Làm sao ngài có thể nói như vậy với trẫm… khỏi cần nói cũng biết là khoảng không gian được chiếm hữu bởi đôi cánh giang ra của con chim không đáng kể gì so với không gian vô tận còn lại.” Đại trưởng lão bèn nói với đức vua: “ Tâu bệ bạ, cũng thế những ân đức của Đức Phật chưa được kể ra thì nhiều vô số kể so với những ân đức mà bần Tăng vừa mô tả.”
Rồi đức vua nói với trưởng lão: “Bạch ngài… Ngài đã thuyết giảng rất hay khi so sánh tánh chất vô tận trong những ân đức của Đức Phật với không gian vô cùng. Trẫm xin bày tỏ sự tôn kính sâu xa và lòng biết ơn vô hạn đến đại trưởng lão. Trẫm không thể nào bày tỏ hết sự tôn kính của trẫm đến ngài. Do đó, cho phép trẫm được dâng đến ngài vương quyền khắp hải đảo Sihala, rộng ba trăm do tuần ! Đây chỉ là sự cúng dường khiêm tốn của một người nghèo.” (Đức vua đã định giá vương quyền của vị ấy với những bài pháp vô giá về những ân đức của Đức Phật. Do đó, vị ấy ví sự cúng dường vương quyền của mình như là sự cúng dường của một người nghèo).
Để đáp lại tấm thịnh tình của đức vua, đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita bèn nói rằng: “ Tâu bệ bạ… Bệ hạ quả thật đã bày tỏ sự tôn kính sâu xa và lòng biết ơn vô hạn của bệ hạ đến bần Tăng; và giờ đây bần Tăng xin trả lại vương quyền của bệ hạ với tất cả những vinh quang của nó đến bệ hạ kèm theo những lời phúc chúc chân thành của bần Tăng là chúc bệ hạ trị vì dân chúng nước Silaha bằng chánh pháp.”
(Đại trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita này, bậc A-la-hán, đã nêu lên một tấm gương sáng cho những thành viên trong Tăng chúng noi theo. Vương quyền và vương ấn được dâng hiến từ tâm tịnh tín sâu sắc và sự tôn kính đến các vị tỳ khưu không thể thọ lãnh được vì chúng là những đặc quyền và tài sản xa hoa của những người phàm phu. Chúng nên được trả về cho những thí chủ đã dâng hiến chúng).
Suốt mùa an cư thứ năm, Đức Phật đã thực hiện chuyến viếng thăm thứ nhất và thứ hai đến Sihala để ban lời chỉ giáo đến Rồng chúa Culodara và đứa cháu trai là Mahodara. Nhưng khi Đức Phật viếng thăm lần thứ ba đến Sihala trong mùa an cư thứ tám, chúng tôi đã hoãn lại phần trình bày hai cuộc viếng thăm đầu tiên để gom lại thành một bài trình bày về ba chuyến viếng thăm khi chúng tôi mô tả những sự kiện xảy ra vào hạ thứ tám.