Chương 24 – Đại Đức Pindola Bharadvaja Lấy Cái Bát Đàn Hương

Chương 24 – Đại Đức Pindola Bharadvaja Lấy Cái Bát Đàn Hương

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Nội Dung Chính

Đại đức Pindola Bharadvaja lấy cái bát đàn hương

 

Sau khi được sự cho phép của đại đức Moggallāna, đại đức Pindola nhập vào tứ thiền, là cơ sở để phát triển thần thông, vị ấy khiến cho tảng đá lớn kia, nơi mà họ đứng để mặc y, bay bổng lên không trung bằng thắng trí của vị ấy. Tảng đá với những cạnh của nó gọn gàng, xinh xắn được khiến cho bay lên như khối bông gòn, vòng quanh 7 lần trên thành phố Rājagaha rộng 3 gāvuta. Tảng đá khổng lồ tựa như là cái nắp khổng lồ phủ kín cả thành phố Rājagaha.

 

Dân cư của thành phố hoảng sợ khi trông thấy tảng đá khổng lồ đang lơ lửng trên đầu của họ và khi nghĩ rằng: “ Tảng đá khổng lồ đã bao trùm và sắp đè bẹp chúng ta,” họ bỏ chạy tứ tung tìm chỗ ẩn núp ở những nơi gần đó, dùng những cái khay để che trên đầu. Khi tảng đá khổng lồ đã đi quanh bảy vòng bên trên thành phố, đại đức Pindola xuất hiện trên tảng đá ấy. Nhân đó, dân cư trong thành phố bèn cầu xin rằng: “ Thưa ngài… Xin hãy giữ chặt tảng đá đừng để nó đè bẹp chúng tôi.” Ngay khi dân chúng đang nhìn sửng sốt như vậy, đại trưởng lão khiến cho tảng đá trở về vị trí cũ của nó bằng cách dùng những ngón chân của vị ấy đá vào nó.

 

Khi đại đức Pindola đứng trong không trung bên trên chỗ ngụ của vị trưởng giả ; nhìn thấy đại đức, ông ta nằm sát xuống đất và thỉnh đại đức đi xuống. Một khi đại đức ở trong nhà của ông, ông ta cho người đem cái bát xuống và bỏ đầy vào bát bốn loại dinh dưỡng, ‘catu-madu’. Rồi ông ta tôn kính dâng nó đến đại đức.

Dân chúng vây quanh đại đức Pindola

Khi đại đức đang trên đường trở về tịnh xá mang theo cái bát, những người bị lỡ mất cơ hội chiêm bái năng lực thần thông vì bận công việc ở ngoài đồng ruộng, họ kéo đến vây quanh đại đức và thỉnh cầu rằng: “ Bạch đại đức… Xin hãy cho chúng tôi xem thần thông như những người khác.” Họ đi theo đại đức đến tịnh xá để chứng kiến phép lạ do ngài phô diễn.

Đức Phật ban hành điều luật cấm thị hiện thần thông

 

Khi nghe những tiếng ồn ào, Đức Phật hỏi đại đức Ānanda: “Này con Ānanda…những tiếng ồn kia là của ai vậy?” Đại đức Ānanda đáp lại rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Đại đức Pindola đã bay lên không trung và lấy xuống cái bát bằng gỗ đàn hương do vị trưởng giả của thành Rājagaha dâng cúng. Nghe tin ấy, dân chúng đã theo sát trưởng lão. Những tiếng ồn ấy là của đám người ấy.”

 

Nhân đó, Đức Phật cho triệu tập Tăng chúng và hỏi đại đức Pindola rằng: “Này con Pindola…Có thật chăng con đã có được cái bát bằng gỗ đàn hương của vị trưởng giả thành Rājagaha do bởi thần thông (patihāriya)?” Khi đại đức Pindola đáp lại là có thật, Đức Phật bèn quở trách vị ấy, Ngài đưa ra nhiều lý do và thuyết những bài pháp giáo huấn, rồi Ngài ban hành điều luật: Na bhikkhave Iddhipatihāriyaṃ dassetabbaṃ, yo dasseya āpatti dukkatassa – Này các tỳ khưu…Vị tỳ khưu không được thị hiện thần thông, ai vi phạm thì phạm tội tác ác – Dukkata Āpatti. Rồi Ngài tiếp tục dạy rằng cái bát trầm hương phải được đập vỡ ra từng miếng vụn và đem chia cho các vị tỳ khưu nghiền bột để làm thuốc bôi mắt. Và Ngài còn ban hành thêm một điều luật khác là vị tỳ khưu không được dùng bát bằng gỗ đàn hương, ai vi phạm thì phạm tội tác ác – Dukkata Āpatti.

Sự kiêu căng ngạo mạn của các giáo phái ngoại đạo 

Khi nghe Đức Phật đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông, các ngoại đạo sư tin chắc rằng tất cả đệ tử của Đức Phật sẽ không vi phạm điều luật ấy cho dù bị đau đớn đến chết. Họ nghĩ cách để lợi dụng hoàn cảnh ấy. Họ đi khắp các đường lớn đường nhỏ của thành phố khoe khoang với mọi người rằng: “Trong quá khứ, để đề cao uy tín của chúng ta, chúng ta đã không hiển lộ thần thông vì cái bát bằng gỗ. Chỉ những đệ tử của Sa-môn Gotama đã không biết xấu hổ mà làm những điều như vậy. Nghe nói rằng Sa- môn Gotama, là bậc trí tuệ, đã cho đệ tử đập vỡ nó ra từng mảnh vụn, và đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông. Bây giờ chúng ta có thể lợi dụng hoàn cảnh và thách thức Sa-môn Gotama về việc thị hiện thần thông.”

Đức Phật tuyên bố sẽ thị hiện thần thông

Nghe tin ấy, vua Bimbisāra đi đến Đức Phật và bàn luận vấn đề bằng cuộc đàm thoại sau đây :

(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn … Phải chăng Ngài đã ban hành điều luật cấm các vị tỳ khưu không được khai triển thần thông?

(Đức Phật): Đúng vậy, thưa đại vương!

(Đức vua): Các ngoại đạo sư đã đi khắp nơi rêu rao rằng họ sẽ thách thức Đức Thế Tôn thị hiện thần thông, Đức Thế Tôn sẽ làm gì bây giờ?

(Đức Phật): Nếu họ định phô diễn thần thông thì Như Lai cũng sẽ phô diễn thần thông.

(Đức vua):Không phải rằng Ngài đã ban hành điều luật cấm phô diễn thần thông đó sao?

(Đức Phật): Thưa đại vương! Như Lai không ban hành điều luật dành cho chính Như Lai. Như Lai đã ban hành điều luật dành riêng cho đệ tử của Như Lai!

(Đức vua): Có thể nào điều luật được ban hành dành cho các đệ tử nhưng không dành cho Đức Thế Tôn ?

(Đức Phật): Thưa đại vương… Trong trường hợp như vậy, Như Lai sẽ hỏi đại vương một câu hỏi : Trong vườn của đại vương có những cây xoài và các loại trái cây không?

(Đức vua): Dạ có, bạch Đức Thế Tôn.

(Đức Phật): Đại vương có biện pháp gì đối với người lẻn vào hái trái cây và ăn chúng?

(Đức vua): Trong trường hợp ấy con sẽ trừng phạt hắn.

(Đức Phật): Đại vương có quyền hành nào để tự mình thọ hưởng những trái cây ấy không?

(Đức vua): Thưa có… Bạch Đức Thế Tôn, không có biện pháp nào đối với con cả khi con thọ hưởng tài sản của riêng con.

(Đức Phật): Thưa đại vương… Cũng như quyền hành của đại vương bao trùm khắp vương quốc này với bề rộng ba trăm do tuần, cũng thế, quyền lực của Như Lai tỏa rộng khắp một triệu triệu thế giới (āṇākhetta). Không có điều luật nào dành cho Như Lai. Chỉ những đệ tử của Như Lai mới bị bắt buộc thọ trì các điều luật. Còn Như Lai sẽ thị hiện thần thông.

(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn …Khi nào Ngài sẽ thị hiện thần thông?

(Đức Phật): Thưa đại vương… Bốn tháng nữa kể từ hôm nay, vào ngày rằm tháng Asalho, thần thông sẽ được Như Lai thị hiện.

(Đức vua): Bạch Đức Thế Tôn … Tại chỗ nào ?

(Đức Phật): Thưa đại vương… Gần cây xoài Kandamba trong nước Savatthi.

(Từ cây Kandamba, nghĩa là cây xoài trắng, Đức Thế Tôn muốn nói về cây xoài Kandamba rukkha là cây xoài do người làm vườn tên Kandamba trồng.

Đức Thế Tôn đã chọn chỗ ấy, vì thứ nhất đây là nơi mà tất cả chư Phật quá khứ thường thị hiện thần thông; thứ hai là để cho nhiều người có thể chứng kiến sự kiện vĩ đại. Đức Phật đã quyết định chọn chỗ này ở một khoảng xa 45 do tuần và thời gian sau bốn tháng).

Những mưu kế và sự giả bộ của các ngoại đạo sư

 

Khi các ngoại đạo sư nghe được lời tuyên bố khẳng khái của Đức Phật (rằng Ngài thị hiện các phép thần thông vào ngày rằm tháng Waso gần cây xoài Kaṇḍamba trong nước Savatthi), họ tiên liệu rằng họ sẽ bị thất bại mãi mãi. Tuy nhiên, họ nghĩ ra những cách để đánh lạc hướng mọi người bằng cách giả bộ dối trá. Do đó, họ quyết định theo sát Đức Phật trên đường đi đến Sāvatthi, và để nói cho mọi người biết rằng họ đã công bố sẽ thi thố thần thông với Sa-môn Gotama, nhưng giờ đây Sa-môn Gotama đang chạy trốn họ vì sợ hãi, và vì vậy họ phải theo sát Sa-môn Gotama không để mất dạng Ngài, và không cho Ngài có cơ hội chạy trốn. “Với kế hoạch này của chúng ta, chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi lộc và danh vọng hơn nữa.” Các ngoại đạo sự đã nuôi hy vọng như vậy.

Đức Phật rời khỏi Rājagaha đến Sāvatthi

 

Vấn đề thị hiện thần thông bất ngờ xảy ra vào ngày rằm tháng Phagguno  (tháng  3  –  theo  Ấn  độ),  năm 108  (Đại  kỷ nguyên). Vào khoảng ngày 16 tháng Tabaung (tháng 3 – Miến), Đức Phật đi khất thực trong thành Rājagaha và rời khỏi thành phố ấy, lên đường đi đến Sāvatthi cùng với chúng Tăng.

 

Đồng thời, các ngoại đạo sư cũng bắt đầu chuyến hành trình của họ và đi theo sau Đức Phật suốt chặng đường, thọ lãnh vật thực và độ thực ở cùng chỗ, ra đi và dừng lại ở cùng chỗ, ngủ cùng chỗ và tiếp tục lên đường sau bữa ăn sáng, ở cùng chỗ vào sáng hôm sau. Khi được dân chúng hỏi: “ Điều gì khiến các ngài đi theo Đức Thế Tôn?” Họ trả lời nội dung giống như đã trình bày ở trên. Đám đông kéo theo sau với ý định xem thị hiện thần thông.

 

Đức Phật đến Sāvatthi, Ngài ngụ tại Kỳ viên tịnh xá. Các ngoại đạo sư, sau khi đi theo Đức Phật, đã dựng lên một giả ốc bằng gỗ từ tiền quỹ một lakh do đệ tử của họ nộp lên theo yêu cầu của họ. Họ trang hoàng giả ốc một cách rực rỡ bằng những hoa sen xanh và huênh hoang công bố rằng đây sẽ là trung tâm của họ để khai triển thần thông.

 

Vua Pasenadi Kosala đi đến Đức Phật và hỏi rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn, các ngoại đạo sư đã dựng lên một giả ốc rồi. Xin Thế Tôn cho phép con dựng lên một giả ốc dành cho Thế Tôn.” Đức Phật đáp lại: “ Thưa đại vương…đại vương không cần xây dựng giả ốc. Như Lai đã có thí chủ thân cận sẵn sàng xây dựng nó.” “ Ai có khả năng hơn con để xây dựng một giả ốc dành cho Thế Tôn ?” “ Thưa đại vương… Sakka (vua của chư thiên) sẽ xây dựng nó,” là câu trả lời. Đức vua hỏi: “ Bạch Đức Thế Tôn… Thế Tôn muốn thị hiện thần thông tại địa điểm nào?” “ Thưa đại vương…gần cây xoài Kadamba,” là câu trả lời.

Các ngoại đạo sư rất lo lắng khi họ nghe tin: “ Đức Phật sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài,” và vì vậy họ bàn bạc với những tín đồ của họ để mua và đốn hạ tất cả những cây xoài ngay cả những cây con mới mọc ở bên trong khu vực có bán kính một do tuần quanh thành phố Sāvatthi.

Cây xoài trắng Kandamba

Đức Phật đi vào thành phố Savatthi, có chúng Tăng theo cùng, để khất thực vào buổi sáng ngày rằm tháng Asalha (tháng 7). Tình cờ, người làm vườn, tên là Kanda, đang dọa đuổi những con quạ bị hấp dẫn bởi hương thơm của trái xoài chín nằm bên trong những lớp bao bọc của tổ kiến vàng trên cây xoài. Cuối cùng ông ta hái nó với ý nghĩ sẽ dâng nó đến đức vua. Trên đường đi, ông ta trông thấy Đức Phật và rồi ý nghĩ mới nảy sanh trong ông ta.

“ Nếu đức vua thọ hưởng trái xoài này thì phần thưởng vị ấy thưởng cho sẽ là tám đồng hoặc mười sáu đồng tiền. Với bao nhiêu đó không giúp ta sống hết cuộc đời. Nếu trái xoài này được dâng cúng đến Đức Phật thì đáp lại ta sẽ được quả phước vô lượng trong luân hồi.’

Với tâm tịnh tín như vậy, ông ta dâng trái xoài đến Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật xoay người về phía đại đức Ānanda và đại đức Ānanda biết được ý của Đức Phật. Vị ấy dâng lên Đức Phật cái bát bằng đá mà bốn vị Đại phạm thiên đã dâng nó đến Đức Phật. Rồi Đức Phật hạ thấp cái bát xuống để thọ lãnh vật thí của Kanda. Rồi Đức Phật tỏ ý muốn ngồi xuống.

Đại đức Ānanda bèn trải xuống đất tấm tọa cụ và đem trái xoài ép lấy nước rồi dâng đến Đức Phật. Sau khi dùng nước trái xoài, Đức Phật gọi người làm vườn đến và nói rằng: “Này thiện nam Kanda… Hãy dọn sạch chỗ đất ở đây và gieo hạt xoài ấy xuống.” Khi Kanda đã gieo hạt xoài xuống đất rồi, Đức Phật rửa bàn tay phải của Ngài trên hạt xoài ấy.

Ngay khi Đức Phật rửa tay trên hạt xoài thì một cây con cỡ bằng cán cái cày mọc lên, cây con tiếp tục mọc lên cao dần đến năm mươi hắc tay. Thân chính của cây mọc ra những nhánh lớn ở khắp bốn hướng, và nhánh thứ năm vươn thẳng lên bên trên, mỗi nhánh dài năm mươi hắc tay. Rồi những nhánh chính lại đâm ra nhiều nhánh nhỏ và cho nhiều trái. Dần dần khắp cây đầy những chùm trái chín.

Tất cả những vị tỳ khưu đến trễ cũng có thể ăn những trái xoài. Khi nghe tin về sự xuất hiện kỳ lạ của cây xoài, vua Pasenadi Kosala truyền lịnh cấm không cho bất cứ ai đốn hạ cây xoài ấy và cho nhiều binh lính đến bảo vệ quanh cây xoài ấy.

(Cây xoài được lấy tên của người làm vườn, Kanda là người đã trồng cây ấy, cho nên mới có tên ‘Kandaṁba Rukkha.’ Đức Phật muốn ám chỉ về cây xoài này khi Ngài nói cho vua Bimbisāra và vua Pasenadi Kosala biết rằng Ngài sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài Kandaṁba, để trả lời câu hỏi của họ. Đây là điều mà các ngoại đạo sư không thể biết, và vì thế họ đã lập kế hoạch với các tín đồ của họ để tiêu diệt tất cả cây xoài, kể cả những cây con, ở trong và quanh thành phố Sāvatthi, để Đức Phật không thể thị hiện thần thông).

Những người nát rượu ở địa phương cũng đến ăn những trái xoài đến thỏa thích. Họ quay sang các ngoại đạo sư và chỉ trích những động cơ hạ tiện và vị kỷ của họ: “ Ôi… những tên ngoại đạo tàn mạt, các ông đã tiêu diệt tất cả những cây xoài và bứng gốc cả những cây con, ở trong và quanh thành phố Sāvatthi vì sợ rằng Sa-môn Gotama sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài (cây xoài trắng mà các ông đã răm rắp trong tâm). Nhưng phép lạ diễn ra gần cây xoài do người làm  vườn Kanda trồng.” Và họ tấn công các ngoại đạo sư bằng cách lấy những hạt xoài mà họ đã ăn ném vào họ.

Giả ốc của các ngoại đạo bị thổi sập bởi thần gió

 Sakka (Indira) truyền lịnh cho thần gió: “ Hãy thổi sập giả ốc của các ngoại đạo sư, làm bật gốc những cái cột và thổi tấp nó vào đống rác.” Thần gió làm theo lịnh của Đế Thích.

Sakka bảo thần mặt trời hạ thấp một chút để tạo ra sức nóng dữ dội cho các ngoại đạo sư. Thần mặt trời cũng làm như vậy.

Thần gió lại được Đế Thích truyền lịnh tạo ra một trận gió lốc riêng tại chỗ ngụ của các ngoại đạo sư. Vị ấy đã làm như vậy, kết quả là các ngoại đạo sư bị ướt dẫm mồ hôi và bị lấm đầy bụi và họ trông giống như những tổ kiến vàng lớn.

Rồi Đế Thích bảo thần mưa cho trút xuống một đám mưa đá. Thần mưa đã làm như vậy, kết quả là họ trông giống như những con bò đốm trắng đốm đỏ, khắp cả thân mình.

 

Các ngoại đạo sư, trước cảnh giả ốc của họ bị đổ sập vô phương cứu vãn, không thể chịu nỗi sức nóng mãnh liệt và sức mạnh của gió lốc kéo theo mưa đá. Họ buồn bã thất vọng, và không còn cách nào khác ngoài việc bỏ chạy khắp nơi.

Ngoại đạo sư Purana Kassapa nhảy xuống sông tự tử

Sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư đã bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, một tín đồ hộ độ cho Purana Kassapa, là một nông dân, nghĩ rằng: “ Bây giờ phải là lúc để những đạo sư cao quý của ta phô diễn thần thông. Ta sẽ đi xem các phép thần thông.” Ông ta tháo ách cho những con bò kéo, và khi mang theo cái hủ mà ông ta dùng để đựng cháo vào lúc ban sáng, một sợi dây thừng và cái hích bò.

 

Ông ta đến tại chỗ nơi mà người ta mong chờ vị thánh nhân của ông ta sẽ phô diễn thần thông. Khi ông ta trông thấy Purana Kassapa đang vội vả bỏ chạy, ông ta hỏi vị ấy: “ Kính bạch ngài… Con đến để chứng kiến sự phô diễn thần thông của ngài, còn ngài đi đâu vậy?” Purana Kassapa đáp lại: “ Thần thông của ta làm được gì ? Hãy đưa cái hũ và sợi dây thừng cho ta.” Khi cầm lấy sợi dây thừng và cái hủ, vị ấy chạy thẳng đến bờ sông gần đó, bỏ cát đầy hủ và khi buộc chặc cái hủ vào cổ của vị ấy, vị ấy nhảy xuống dòng nước đang chảy xiếc để kết liễu đời mình. Sự kiện này được đánh dấu bằng những bong bóng nổi lên mặt nước trong khi đó vị ấy tái sanh vào địa ngục A tỳ (Avici).

 

Bài học

Theo lẽ tự nhiên thì :

(a)   Những kẻ ngu si và không giác ngộ thường phải chịu khổ lâu dài trải qua nhiều kiếp.

(b)    Những bậc thánh có giới đức, có trí và đã giác ngộ hưởng được an lạc và hạnh phúc tột bậc.

Những lời phát biểu của các đệ tử Đức Phật tại chỗ thị hiện thần thông

Đến chiều hôm ấy, Sakka nhận ra rằng bổn phận của vị ấy là sắp xếp để tạo ra một giả ốc bằng châu báu dành cho Đức Phật, thế nên vị ấy truyền lịnh sai Vissakamma tạo ra một giả ốc to lớn trải rộng khắp 12 do tuần với nhiều hoa sen xanh ở khắp nơi và được tô điểm bằng bảy loại châu báu. Chư Tăng và thiện tín hội họp quanh Đức Phật trong giả ốc này.

Chiều ngày hôm ấy, Đức Phật rời khỏi Hương phòng của Ngài để trú tạm tại giả ốc do Vissakamma tạo ra, chuẩn bị thị hiện thần thông, và khi đến nơi, Ngài ngồi trên Phật tọa bằng châu báu có kích thước một do tuần, dưới cái lọng trắng của chư thiên có kích thước ba do tuần.

Cần nhớ lại rằng thời gian bốn tháng đã trôi qua kể từ ngày rằm của tháng Tabaung (tháng 3) khi mà Đức Phật tuyên bố với vua Bimbisāra về ý định Ngài sẽ thị hiện thần thông gần cây xoài Kandamba. Tin này đã được truyền đi khắp nơi kể từ đó, và bây giờ tất cả tỳ khưu, tỳ khưu ni và thiện nam tín nữ đã hội lại quanh Đức Phật ở bốn phía – trước, sau, bên phải và bên trái – mỗi bên dài 12 do tuần, từ mé bên này đến mé bên kia 24 do tuần và chu vi 72 do tuần.

Tất cả chư thiên từ mười ngàn thế giới đồng thời cũng đã hội đến chỗ này.

Lời phát biểu của tín nữ Gharani

Tại đại hội, Gharani, một nữ cư sĩ và bậc thánh anāgāmi có năng lực lớn, đứng trước Đức Phật và khi chấp tay thành kính hướng về Ngài tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… khi có một đứa con gái của Thế Tôn như con đây, Ngài không cần phải nhọc công. Xin hãy cho phép con được phô diễn thần thông.” Nhân đó, Đức Thế Tôn hỏi rằng: “ Này con Gharani, con định phô diễn thần thông của con như thế nào?” Nàng đáp lại :

“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ khiến một phần đất của thế giới biến thành nước nhờ đó biến toàn thể thế giới thành một khối nước. Con sẽ biến mình thành con gà nước và lặn xuống rồi xuất hiện ở mé phía đông, và cũng thế tại mé phía tây, phía bắc và phía nam của thế giới, rồi lại xuất hiện ở trung tâm của thế giới.

Nhân đó, một người nào đó sẽ hỏi con là ai và mọi người sẽ trả lời: ‘Nàng ta là Gharani, con gái của Đức Thế Tôn, và là một nữ thánh anāgāmi’. Sự kiện này sẽ khiến mọi người nói rằng: “Sự phô diễn  thần thông này chỉ là bước mở đầu, là năng lực thần thông của con gái Đức Thế Tôn, một cô gái trẻ. Năng lực thần thông của Đức Thế Tôn chắc chắn phải là vô hạn. Kết quả là tất cả các ngoại đạo sư tự nhiên mất can đảm và bỏ chạy mà không dám quay lại nhìn Thế Tôn.”

Đức Phật nói với nàng rằng: “ Này con Gharani, Như Lai biết con có năng lực để phô diễn thần thông như vậy, nhưng bó hoa (được gắn vào cột trụ chiến thắng) không phải dành cho con.” Gharani suy nghĩ rằng Đức Phật đã không cho phép nàng vì những lý do tốt đẹp ; có thể là có một người nào đó hơn nàng về năng lực thần thông. Bởi vậy nàng ngồi xuống ở nơi thích hợp.

Đức Phật suy xét: “ Nếu theo cách này mà ta hỏi các con trai và con gái của ta giữa hội chúng đông đảo này, trải khắp 24 do tuần vuông thì họ sẽ dũng cảm đứng lên và với oai phong của con sư tử chúa, sẽ nói lên những lời công bố đầy tự tin. Theo cách này, oai đức của những con trai và con gái của ta sẽ được phơi bày. Do đó, Đức Phật hỏi những đệ tử khác về những pháp chứng đắc riêng của họ. Các vị đệ tử đã can đảm nói ra cách phô diễn thần thông của họ.”

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 12

Post Views: 329