Chương 24 – Đức Phật Ngự Ở Ngọn Núi Makula – Mùa An Cư Thứ Sáu

Chương 24 – Đức Phật Ngự Ở Ngọn Núi Makula – Mùa An Cư Thứ Sáu

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Nội Dung Chính

CHƯƠNG 24

ĐỨC PHẬT NGỰ Ở NGỌN NÚI MAKULA – MÙA AN CƯ THỨ SÁU

 

Đức Thế Tôn, như đã trình bày ở trước, Ngài đã trú ngụ ở khu rừng Mahāvana trong nước Vesali suốt mùa an cư thứ năm để tế độ cho những chúng sanh đáng được tế độ. Ngài rời khỏi đó sau khi kết thúc mùa an cư, và đi đến hai nước Savatthi và Rājagaha để thực hiện sứ mệnh tương tự.

Hai loại du hành

 

Có hai loại du hành mà Đức Phật thực hiện tùy theo hoàn cảnh, đó là: (1) Loại du hành được thực hiện đột xuất, turita cārika, (2) Cuộc hành trình với những chặng dừng tại các ngôi làng và phố quận, với những khoảng xa từ một đến hai do tuần đều đặn mỗi ngày,  aturita cārika.

 Turita cārika: Chuyến hành trình được thực hiện đột xuất khi biết có người cần được tế độ. Có nhiều ví dụ như: Đức Phật lên đường một cách bất ngờ, đi một khoảng xa ba gāvuta để gặp đại đức Mahā Kassapa. Rồi Ngài thực hiện một chuyến hành trình dài ba mươi do tuần tức tốc để tiếp độ dạ xoa Ālavaka. Ngài cũng làm như vậy trong dịp tiếp độ Aṅgulimāla, một tên cướp sát nhân hung dữ. Ngài đã đi hết bốn mươi lăm do tuần rất nhanh để thuyết pháp đến vua Pakkusati sau khi vị ấy đã trở thành vị tỳ khưu. Ngài đã đi một trăm hai mươi do tuần rất nhanh để tế độ vua Mahā Kappina. Ngài đã đi hết bảy trăm do tuần đoạn đường rất mau lẹ để tế độ cho Dhniya, vị trưởng giả chủ nhân nhiều con bò và vợ của ông ta. Những chuyến đi hoàn toàn đột xuất như vậy được gọi là Turita cārika.

A turika cārika: Khi Đức Phật rời khỏi một nơi nào đó vào cuối mùa an cư, và lên đường du hành, Ngài thường dừng nghỉ ở những thị trấn và làng mạc trên chặng đường của chuyến hành trình để khất thực hoặc thuyết pháp, đi một hoặc hai do tuần mỗi ngày. Chuyến hành trình như vậy đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người ở dọc theo con đường bằng cách khất thực hoặc thuyết pháp đến họ, được gọi là Aturita cārika.

Ba vòng Mạn-đà-la về những lộ trình của Đức Phật

Đức Phật thường thực hiện ba loại lộ trình với những vùng Mạn-đà-la khác nhau, đó là: (1) Chuyến đi bao trùm một dải đất rộng nhất, Mahā maṇḍhala, (2) Chuyến đi bao trùm một dải đất cỡ trung bình, Majjhima- maṇḍhala và (3) Chuyến đi bao trùm một dải đất nhỏ nhất, Anto-maṇḍhala.

Trong ba loại này, (1) Mahā-maṇḍhala là vùng rộng 900 do tuần (yojana), (2) Majjhima-maṇḍhala là vùng rộng 600 yojana, (3) Anto-maṇḍhala là vùng rộng 300 yojana. Đây là cách phân loại:

(1)   Đức Phật làm lễ Tự tứ Pavārana khi mãn hạn mùa an cư vào ngày rằm tháng 9 (â.l) – Assayujo. Nếu không có lý do đặc biệt để chờ đợi, như tế độ cho một chúng sanh hữu duyên nào đó thoát khỏi vòng sanh tử thì Ngài bắt đầu chuyến hành trình của Ngài vào ngày 16 tháng 9 (â.l), cùng với đông đảo chúng tỳ khưu; đi một hoặc hai do tuần mỗi ngày. Ngài tiếp tục lộ trình như vậy trong chín tháng cho đến ngày rằm tháng 6 (â.l) của năm sau.

 

Ở mỗi chặng dừng trên đường đi đến chỗ đã định, những thí chủ mộ đạo từ khắp các hướng ở trong khu vực 100 do tuần đi đến thành từng nhóm để tôn kính bằng các lễ vật cúng dường. Những người đi đến trễ hiếm khi có được cơ hội để mời Đức Thế Tôn đi đến chỗ ngụ của họ. Hai vùng đất ở hai bên đường này tạo thành vùng chính của Mahā-maṇḍhala này. Đức Phật ở lại một ngày hoặc hai ngày những ngôi làng hoặc phố quận trong vùng Mahā-maṇḍhala rộng lớn, để chúc phúc cho dân cư địa phương bằng cách thọ lãnh vật thực cúng dường của họ và thuyết pháp đến họ. Nhờ vậy làm gia tăng phước của họ để thoát khỏi vòng sanh tử. Như vậy Đức Phật thường trải qua chín tháng của chuyến đi trước khi Ngài kết thúc cuộc hành trình của Ngài. Chuyến đi kéo dài chín tháng bao gồm một khoảng xa ba trăm do tuần từ điểm khởi phát đến điểm kết thúc theo đường chim bay. Với khu vực ba trăm do tuần này làm trung tâm, dân chúng từ những nơi cách ba trăm do tuần ở bên trái của con đường, cũng như những người ở bên phải của con đường đều có cơ hội làm những việc phước như cúng dường vật thực và nghe pháp. Như vậy những vùng này có thể được xem là cũng được Đức Phật ngự đến. Do đó lời giải thích ở trên là chuyến hành trình Mahā-maṇḍhala có kích thước 900 do tuần cả thảy.

 

(2)      Trường hợp những vị tỳ khưu chưa đạt đến mức trưởng thục trong pháp hành của họ về thiền chỉ và thiền quán, thì lễ Tự tứ (Pavāraṇā) của chư Tăng vào ngày rằm tháng 9, được hoãn lại đến ngày rằm tháng mười (Kattika). Chỉ khi ấy, là ngày 16 tháng mười (â.l), Đức Thế Tôn mới bắt đầu chuyến hành trình cùng với chúng tỳ khưu. Nếu vì một lý do nào khác, Đức Thế Tôn muốn thực hiện một chuyến hành trình loại Majjhima-maṇḍhala, thì Ngài sẽ hoãn lại cho đến rằm tháng mười (đủ bốn tháng) ở bất cứ nơi nào Ngài an cư kiết hạ, rồi lên đường. Bằng cách trên, Đức Thế Tôn sẽ trải qua tám tháng của chuyến đi để đem vinh dự cho dân chúng bằng những cuộc viếng thăm của Ngài và sự thuyết giảng chánh pháp. Chuyến đi tám tháng sẽ đi được 200 do tuần từ điểm khởi phát đến điểm đích theo đường chim bay. Mỗi vùng ở hai bên đường có kích thước hai trăm do tuần. Dân chúng từ những vùng này cũng có cơ hội làm những việc phước như cúng dường vật thực và nghe pháp. Như vậy những vùng này có thể được xem là cũng được Đức Thế Tôn ngự đến. Do đó, lời giải thích ở trên  là chuyến hành trình Majjhima-maṇḍhala bao gồm một vùng có kích thước là 600 do tuần cả thảy.

 

(3)   Dù Đức Thế Tôn đã trải qua bốn tháng an cư kiết hạ ở một nơi nào đó (tức là đến rằm tháng mười), nếu những chúng sanh hữu duyên thiếu sự trưởng thục của ngũ căn, thì Ngài tiếp tục ở lại tại chỗ ấy thêm một tháng nữa. Khi cần thiết, thời gian quý báu như vậy được kéo dài từ tháng này sang tháng khác, cho dù kéo dài thêm bốn tháng, đến rằm tháng 11 â.l (Phusso), vì hoàn cảnh bắt buộc và chỉ khi ấy Đức Thế Tôn mới rời khỏi chỗ đó cùng với chúng tỳ khưu để lên đường thực hiện chuyến hành trình Anto-maṇḍhala.

 

Như trong trường hợp trước, Đức Thế Tôn trải qua những tháng này, ban phước cho mọi người bằng những chuyến viếng thăm của Ngài và thuyết pháp. Khoảng thời gian cần thiết để đi về miền quê được rút ngắn từ bảy tháng xuống bốn tháng, vì những lý do đã nêu trên. Do sự rút ngắn thời gian, nên chuyến hành trình bảy tháng, hoặc sáu, hoặc năm, hoặc bốn tháng có khoảng xa là một trăm do tuần theo đường chim bay. Giống như trên, những vùng cách xa một trăm do tuần ở hai bên con đường cũng được Đức Thế Tôn viếng thăm. Do đó, nói rằng: chuyến hành trình Anto-maṇḍhala có kích thước cả thảy là 300 do tuần.

Cần chú ý rằng, Đức Thế Tôn thực hiện một trong những chuyến du hành như thế không phải để thọ lãnh bốn món vật dụng, là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuộc chữa bệnh, mà do lòng bi mẫn của Ngài và với mục đích duy nhất tạo cơ hội cho những người nghèo, những kẻ tối tăm, những người già, bịnh mà không có thời gian nào khác để tôn kính cúng dường Ngài. Một số thì chỉ nhìn thấy Ngài đã hoan hỷ, một số muốn cúng dường tràng hoa và vật thơm, hay một miếng vật thực kiếm được, và sẽ có những người từ bỏ tà kiến để theo chánh kiến. Những người được gặp Ngài như vậy sẽ được an lạc,  thịnh vượng và hạnh phúc lâu dài.

Đây là cách mà Đức Thế Tôn, sau khi trải qua mùa an cư thứ năm tại khu rừng Mahāvana ở Vesali, đi đến Sāvatthi và Rājagaha với những ngôi làng ở vùng ngoại ô (bằng một trong ba loại lộ trình này) để thuyết pháp tế độ chúng sanh. Ngài bắt đầu mùa an cư thứ sáu tại tịnh xá ở núi Makula, nằm ở một bên của đại dương, có bóng mát và rừng cây bao quanh, để tế độ cho tất cả nhân loại và chư thiên và Phạm thiên hữu duyên, giúp họ đoạn tận khổ ưu của kiếp sống trầm luân.

Cái bát bằng gỗ đàn hương

Đức Thế Tôn, sau khi đã an cư kiết hạ mùa thứ 6, tại tịnh xá ở núi Makula, Ngài đi đến Rājagaha và trú ngụ ở đó tại tịnh xá Veḷuvana.

Lúc bấy giờ, một vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha, vì muốn vui chơi dưới sông Hằng, đã sai người dựng lên một cái lưới hình cái hộp, bao quanh bốn phía ở chỗ mà ông ta sắp đến tắm, để đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra từ cả bên trên và bên dưới chỗ tắm và cũng để bảo vệ những đồ trang sức của ông ta có thể bị nước cuốn đi.

Lúc bấy giờ, có một cây gỗ đàn hương trôi đến từ thượng nguồn sông Hằng. Dòng nước chảy mạnh đã xoi mòn đất dưới gốc của nó và làm cho nó ngã xuống. Cây ấy bị mất hình dạng của nó do khi đang trôi theo dòng nước chảy xiết, nó đã va đập mạnh vào các vách núi suốt một quãng dài. Nó đã bị vỡ ra từng mảnh, và cuối cùng một miếng lõi của gỗ đàn hương đỏ, do bị cọ xát thường xuyên, nó có hình dáng một khối gỗ với bề mặt trơn phẳng. Khi trôi xuống, nó vướng vào cái lưới của vị trưởng giả với rong rêu phủ quanh nó. Những tùy tùng và người hầu vớt nó lên và đem đến ông chủ của họ là vị trưởng giả.

Lúc bấy giờ, vị trưởng giả của thành Rājagaha là người không theo một tín ngưỡng nào. Ông ta không có chánh kiến (sammā-diṭṭhi) cũng không chấp theo tà kiến (micchā-diṭṭhi). Ông ta cho người đem khối gỗ đàn hương ấy về nhà của ông ta, rồi sai người đẽo gọt bớt lớp bên ngoài của nó. Họ thấy lõi gỗ màu hồng tỏa ra mùi hương ngào ngạt của loại gỗ chiên đàn. Ông ta nghĩ rằng: “ Ta có quá nhiều gỗ đàn hương trong nhà và ta nên làm gì với miếng gỗ này?” Và cuối cùng, ông ta có sáng kiến như vầy:

 

“ Trong thế gian hiện nay có nhiều người tự cho mình là những bậc A-la-hán. Ta không biết ai thực sự là bậc A-la-hán. Ta sẽ cho đặt cái máy tiện trong nhà của ta và sai tiện khối gỗ đàn hương ấy thành một cái bát. Mạt cưa của gỗ ta sẽ dùng, nhưng cái bát ta sẽ bố thí. Ta sẽ đặt cái bát vào trong một khung chứa và treo nó trên một cái sào dài được buộc nối bằng những cây tre, cao sáu mươi hắc tay, và công bố rằng : ‘Bất cứ ai có thể tự chứng tỏ mình là bậc A-la-hán bằng cách bay vào không trung do năng lực của thiền và lấy cái bát thì có thể lấy nó làm của riêng. Và vị A-la-hán mà thực sự có khả năng bay vào không trung và lấy cái bát ấy, thì ta cùng với gia đình của ta sẽ chấp nhận vị và tôn vị ấy làm thầy của chúng ta.’”

 

Do đó, ông ta sai người tiện khối gỗ đàn hương thành cái bát và treo nó trên đỉnh một cái sào dài sáu mươi hắc tay, rồi công bố rằng: “ Bất cứ ai thật sự là bậc A-la-hán trong thế gian này có thể nhận lấy cái bát này bằng cách bay xuyên qua hư không.”

Sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư

Lúc bấy giờ, tại kinh thành Rājagahacó sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư tự cho mình là bậc A-la-hán, bậc thánh nhân của giáo phái riêng họ, đó là :

(1)   Purana Kassapa :

Tên riêng của ông ta là Purana, và ông ta thuộc bộ tộc Kassapa, và ông ta được mọi người biết đến là Purana Kassapa.

Đây là bài mô tả tóm tắt về vị ngoại đạo sư này: Có một vị trưởng giả có chín mươi chín người nô lệ, và Purana sanh ra làm người nô lệ thứ một trăm, do đó cậu bé được đặt tên là Purana hay ‘Người nô lệ thứ một trăm.’ Cậu ta được xem là người nô lệ gặp may mắn vì được làm người thứ một trăm, và cậu ta không bị khiển trách nếu có làm điều gì sai trái hay chểnh mảng trong phận sự.

Về sau, cậu ta bỏ đi với ý nghĩ tự cao tự đại rằng: “ Tại sao ta phải ở lại trong ngôi nhà này?” Và chạy thẳng đến một băng cướp và bị trấn lột đến trần trụi. Tuy vậy, cậu ta chẳng biết hỗ thẹn để che trên người một nhánh lá hay một nắm cỏ. Cậu ta đi vào làng với thân hình lõa thể. Dân chúng đã đặt niềm tin sai lầm vào cậu ta, tán thán cậu ta rằng: “Vị Sa-môn này là bậc A-la-hán. Vị ấy rất khổ hạnh và tiết dục, không ai giống như vị ấy.” Họ đi đến vị ấy với những lễ vật cúng dường gồm vật thực loại cứng và mềm. Rồi vị ấy tự nghĩ: “ Cách sống lõa thể của ta là nguyên nhân để có được những vật thí như vậy.” Từ đó trở đi, vị ấy tiếp tục sống lõa thể ngay cả khi vị ấy có được y phục do người ta dâng cúng. Vị ấy trở nên chấp nhận vào niềm tin rằng: “Lõa thể là điều kiện của vị Sa-môn.” Vị ấy có năm trăm đệ tử cũng chấp nhận sống lõa thể như vị ấy. Theo cách này, Purana Kassapa trở thành một giáo chủ của một giáo phái riêng, một vị đạo sư nổi tiếng, một vị thần thánh đối với tín đồ của vị ấy.

(Chú thích : Khi chúng ta xem xét kỹ đời sống của vị ngoại đạo sư này, chúng ta thấy rằng vị ấy bỏ đi khỏi chỗ ngụ của người chủ, chỉ chạy thẳng đến một băng cướp và chúng trấn lột vị ấy đến trần trụi. Đó là cách mà vị ấy trở thành người lõa thể. Nhưng những người thiếu trí thì nghĩ rằng trạng thái lõa thể tạo thành đời sống phạm hạnh và công bố vị ấy là bậc A-la-hán. Khi chấp nhận như thế, vị ấy tự cho mình là bậc thánh vĩ đại, là một vị thiên dù vị ấy không chứng tỏ được điều gì trong vấn đề phát triển tâm linh và pháp hành. Vị ấy và năm vị giáo chủ khác, trong địa vị tự xưng, họ đã suy luận và từ đó lập nên tín ngưỡng cho riêng mình. Muốn biết rõ chi tiết, hãy xem bài kinh số 2. Samañña phala Sutta, phẩm Sīlakkhandha, Trường bộ kinh).

 

(2)   Makkhali Gosala

Tên riêng của ông ta là Makkhali, Gosala được thêm vào tên của ông ta vì ông ta sanh ra ở ngôi làng Gosala (hay vì ông ta sanh ra trong một chuồng bò nơi mà những con bò được giữ trong suốt mùa mưa).

Cuộc đời của ông ta được mô tả tóm tắt như sau: Ông ta là một nô lệ giống như Purana. Một hôm khi ông ta đang đi qua một chỗ có sình lầy, mang trên vai cái hũ đựng dầu, ông chủ bảo vị ấy hãy cẩn thận đừng để trượt ngã, nói rằng: “ Hãy coi chừng té… Hãy coi chừng té.” Nhưng vị ấy bất cẩn đến nỗi bị trượt ngã và vì vậy, vị ấy bỏ chạy vì sợ ông chủ.

Khi ông chủ tóm bắt vị ấy ở phần dưới y phục của vị ấy, Makkhali tuột khỏi y phục của mình và chạy thoát khỏi ông chủ. (Phần còn lại của câu chuyện trùng hợp với câu chuyện của Purana Kassapa).

(3) Ajita Kesa-kambala

Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Tên riêng của là  Ajita. Ông ta thường mặc chiếc y (kambala), làm bằng tóc người (kesā), và được mọi người biết đến qua cái tên Ajita Kesa-kambala.

 

(4) Pakudha Kaccayana

Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Tên riêng là Pakudha. Ông ta thuộc dòng họ Kaccayna, vì vậy mọi người gọi ông ta là Pakudha Kaccayana. Ông ta kiêng cử nước lạnh. Ông ta thường dùng nước nóng hay giấm để rửa sạch sau khi đi đại tiện, hoặc để tắm rửa. Ông ta tự cho mình là đã vi phạm các giới cấm bất cứ khi nào ông ta lội qua một dòng nước hay con sông. Sự vi phạm như vậy phải được sám hối bằng cách chất cát thành những đống nhỏ và thọ trì các giới cấm trước khi ông ta tiếp tục chuyến hành trình của ông ta.

 

(5) Sancaya Belatthaputta

Vị ấy cũng là đạo sư của một giáo phái. Đại đức Sāriputta và đại đức Mahā Moggallāna đã từng sống chung với vị ấy khi họ bắt đầu sống cuộc đời của một đạo sĩ du phương. Tên riêng của ông ta là Sancaya. Ông ta là con trai của một người đàn ông tên Belattha và mọi người biết ông ta qua cái tên Sancaya Belatthaputta.

 

(6) Nigantha Nathaputta

Ông ta cũng là đạo sư của một giáo phái. Ông ta tuyên bố rằng: “ Ta không bị phiền não trói buộc. Ta đã thoát khỏi phiền não trói buộc.” Cho nên mới có từ ‘Nigantha’. (Thực ra, việc thoát khỏi phiền não còn xa vời). Cha của ông ta là Nātha và vì vậy ông ta được mọi người biết đến qua cái tên Nigantha Nāthaputta.

Cái bát đàn hương được treo trên đỉnh của một cái sào dài được kết nối bằng những cây tre, cao sáu mươi hắc tay. Một lời công bố chung là: “ Bất cứ ai đã trở thành bậc A-la-hán trong thế gian này có thể nhận lấy cái bát bằng cách dùng năng lực thiền định để bay xuyên qua hư không.” Nhân đó, đạo sư Purana Kassapa đi đến vị trưởng giả của thành Rājagaha và nói rằng: “ Này ông trưởng giả…Ta là bậc A- la-hán và cũng là bậc có thần thông. Vì vậy hãy cho ta cái bát.” Vị ấy đã nói ra lời tự xưng táo bạo vô nghĩa. Vị trưởng giả của thành Rājagaha lịch sự đáp lại: “ Thưa ngài…Tôi đã sẵn sàng dâng cái bát đến bất cứ ai thực sự là bậc A-la-hán có năng lực thần thông. Hãy đem nó xuống và lấy đi bằng năng lực thần thông của ngài.” (Bởi vì Purana Kassapa chẳng phải là bậc A-la-hán có năng lực thần thông, nên vị ấy phải trở về trong tuyệt vọng).

Những vị đạo sư khác cũng đi đến để lấy cái bát theo cách giống như Purana Kassapa. Vào ngày thứ hai, Makkhali Gosala đến. Ngày thứ ba, Ajita Kesa Kambala. Ngày thứ tư, Pakudha Kaccayana. Ngày thứ năm, Sacaya Belatthaputta. Tất cả đều chung số phận như Purana Kassapa, vì họ không hội đủ những điều kiện do vị trưởng giả đặt ra.

Vào ngày thứ sáu, đạo sư Nigandha Nāthaputta triệu tập các đệ tử và bảo họ rằng: “ Các ngươi hãy đi đến vị trưởng giả của thành Rājagaha và bảo với ông ta rằng: ‘Cái bát chỉ dành cho bậc thánh nhân vĩ đại của chúng ta, đừng để đạo sư vĩ đại của chúng ta phải đi đến bằng đường hư không vì một cái bát gỗ chẳng đáng gì, hãy miễn phận sự ấy cho đạo sư vĩ đại của chúng ta và dâng nó cho vị ấy.’ ”

Những đệ tử của ông ta đi đến vị trưởng giả của thành  Rājagaha và nói với vị ấy y như đạo sư của họ đã chỉ dẫn. Nhân đó, vị trưởng giả cho họ một câu trả lời thẳng thắn: “ Chỉ những ai có thể đi xuyên qua hư không mới được cái bát.”

Nigandha Nāthaputta muốn đi đến đó và vì thế vị ấy dặn dò với các đệ tử như vầy: “ Ta sẽ giả vờ nhấc một chân và một tay của ta lên, tựa như ta sắp bay vọt vào không trung và tất cả các người hãy đến nói rằng: ‘ Thưa bậc đại trí… Ngài đang làm gì thế… Xin đừng phô diễn những bí mật về các ân đức của A-la-hán quả (arahattaphala) vì một cái bát gỗ’ và rồi hãy đẩy ta ngã xuống đất.”

Như vậy vị ấy đã tiết lộ kế hoạch của mình với các đệ tử.

Sau khi bàn mưu tính kế với các đệ tử, đạo sư Nāthaputta đi đến vị trưởng giả và nói rằng: “ Này ông trưởng giả… Cái bát này không thích hợp với bất cứ ai khác. Tại sao ông muốn ta phải bay vào không trung vì một cái bát gỗ tầm thường. Hãy tặng nó cho ta.” “Kính thưa ngài… Hãy bay lên không trung mà lấy nó,” đó là câu trả lời ngắn gọn của vị trưởng giả.

Nhân đó, Nāthaputta nói rằng: “ Nếu vậy thì ta sẽ bay vào không trung.” Và khi quay về phía các đệ tử của ông ta, ông ta bảo họ tránh qua một bên rồi ông ta đưa lên một chân và một tay. Khi ấy những đệ tử của ông ta vội vã đi đến đạo sư của họ và nói với ông ta rằng: “Thưa đại sư… thầy định làm gì thế? Nó chẳng đáng để thầy phô diễn những ân đức của A-la-hán thánh quả vì một cái bát gỗ chẳng đáng gì” như đã sắp đặt trước. Họ kéo tay và chân của ông ta lại khiến ông ta ngã xuống đất. Trong khi đang nằm trên đất, Nāthaputta nói với ông trưởng giả rằng: “ Này ông trưởng giả, ông đã thấy rồi đó, đệ tử của ta không muốn để ta bay vào không trung. Ta khuyên ông hãy tặng cái bát ấy cho ta.” Nhưng vị trưởng giả không hề lay chuyển. Vị ấy lịch sự lập lại: “ Hãy lấy nó bằng thần thông của ngài.”

Như vậy sáu vị giáo chủ chủ đã cố gắng trong sáu ngày nhưng không đạt được mục đích.

Đại đức Mahā Moggallāna và Pindola

Vào ngày thứ bảy, hai vị đại trưởng lão, đó là đại đức Mahā Moggallāna và đại đức Pindola, họ ra khỏi tịnh xá Veluvana đi vào thành phố Rājagaha để khất thực như thường lệ. Khi họ đang mặc y trên một tảng đá lớn gần thành phố, họ nghe những lời phê phán của một số người say rượu.

“Này các bạn…Trong quá khứ, sáu vị giáo chủ ngoại đạo sư thường đi đây đó rêu rao cho mình là những bậc A-la-hán. Bây giờ đã là ngày thứ bảy kể từ khi vị trưởng giả của thành Rājagaha công bố: ‘ Nếu có bậc A-la-hán, vị ấy hãy bay xuyên qua hư không mà lấy cái bát,’ sau khi treo cái bát bằng gỗ đàn hương trên đỉnh của một cái sào cao 60 hắc tay. Trong số sáu vị giáo chủ tự cho mình là bậc A-la-hán, chẳng một ai có khả năng bay vào không trung. Chỉ đến hôm nay chúng ta mới biết rõ là không có bậc A-la-hán nào trong thế gian này.”

 

Khi nghe lời nhận xét ấy, đại đức Mahā Moggallāna hỏi đại đức Pindola: “ Này hiền giả… Hiền giả có nghe lời nhận xét đầy xúc phạm của những người say rượu ấy chăng? Xóa đi lời nhận xét đầy xúc phạm ấy cũng là việc đem lại uy tín cho giáo pháp của Đức Phật. Hiền giả có thần thông lực. Hãy đi lấy cái bát bằng gỗ đàn hương bằng cách bay xuyên qua hư không.” Nhân đó, đại đức Pindola Bharadvaja đáp lại rằng: “ Thưa Tôn giả… Đức Thế Tôn đã đưa tôn giả lên địa vị Tối thượng Thinh văn (Etadaggaṃ) về thần thông, và vì thế tôi mong rằng tôn giả hãy tự mình làm điều đó. Tôi sẽ hoàn thành phận sự chỉ khi nào tôn giả không làm việc ấy. (Điều này cho thấy rằng đại đức Pindola đã nhường quyền ưu tiên cho đại đức MahaMoggallana do sự tôn kính đối với bậc cao hạ).” Nhân đó, đại đức Maha Moggallana đồng ý cho phép đại đức Pindola thực hiện phận sự.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 7

Post Views: 309