Chương 25 – Hạ Thứ Bảy Và Sự Thuyết Giảng Abhidhamma Tại Cung Trời Đao Lợi (tāvatiṃsa)

Chương 25 – Hạ Thứ Bảy Và Sự Thuyết Giảng Abhidhamma Tại Cung Trời Đao Lợi (tāvatiṃsa)

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Nội Dung Chính

CHƯƠNG 25

HẠ THỨ BẢY VÀ SỰ THUYẾT GIẢNG ABHIDHAMMA TẠI CUNG TRỜI ĐAO LỢI (TĀVATIṂSA)

 

Sau khi an trú cho hai vị thiên Ankura và Indaka trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti), Đức Phật ở lại để nhập hạ thứ bảy khi ngồi kiết già trên bảo tọa của Sakka ở cõi Tam thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa) và thuyết Abhidhamma, cả ngày lẫn đêm, đến tất cả chư thiên đến từ mười ngàn thế giới, dẫn đầu là vị thiên Santusita. Ngài bắt đầu bằng ‘Định luật về thiện nghiệp và quả của nó’ (kusala dhamma); bất thiện nghiệp và quả của nó (akusala dhamma), vô-ký-nghiệp (abyakata dhamma). Ngài thuyết liên tục như dòng sông trên trời trôi  chảy không ngừng, suốt ba tháng của mùa an cư.

(Chú thích: Chư Phật thường thuyết pháp trước giờ thọ thực để tán thán sự cúng dường vật thực. Những bài pháp như vậy có thể dài bằng Trường bộ kinh (Digha Nikāya) và Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) gộp lại. Những bài pháp được thuyết đến chư thiên và Phạm thiên đến sau giờ ăn trưa dài bằng Tăng chi bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) và Tương ưng bộ kinh (Aṇguttara Nikāya) gộp lại.

Vì lộ tâm của Đức Phật rất nhanh lẹ, với rất ít tâm hữu phần (bhavaṅga) xen vào. Và đôi môi của Đức Phật cân đối và vững chắc, sự chuyển động của môi chính xác. Lưỡi của Ngài dài và mềm. Tất cả những đặc điểm góp phần tạo ra giọng nói êm ái với tốc độ rất nhanh.

Có lời giải thích rằng khi một người bình thường nói ra một từ thì đại đức Ānanda nói hơn tám từ; khi đại đức Ānanda nói ra một từ thì Đức Phật nói hơn 16 từ. Như vậy tốc độ nói của Đức Phật nhanh hơn người bình thường 128 lần).

Như vậy, với tốc độ nói nhanh không thể tưởng tượng nổi, chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Phật thuyết những bài kinh dài để khen ngợi sự cúng dường vật thực trước buổi trưa và những bài kinh dài hơn đến chư thiên đến sau buổi trưa. Abhidhamma mà Đức Phật thuyết suốt ba tháng mùa an cư thật vô cùng và vô song.

Thân giữ nguyên một tư thế khi đang thuyết giảng Abhidhamma

 

Nếu có khởi sanh câu hỏi như thế này: “ Đức Phật duy trì thân của Ngài như thế nào khi Ngài đang thuyết Abhidhamma suốt ba tháng của mùa an cư? Đây là câu trả lời tóm tắt: “ Ngài làm như vậy nhờ có vật thực nuôi thân đều đặn.”

Sau đây là bài giải rộng:

Tất cả chư Phật đều lưu tâm đến những vấn đề như vậy. Các Ngài thường theo chu trình thời gian ở cõi người trong khi đang thuyết giảng Abhidhamma. Khi đến giờ đi khất thực, Ngài tạo ra một vị Phật giống hệt Ngài, hành động như Ngài với tay cầm y và mang bát và giọng nói cũng giống hệt như Ngài. Ngài khiến vị Phật hóa hiện  thuyết giảng Abhidhamma đến chỗ nào do Ngài quyết định.

Rồi Đức Phật đi đến hồ Anotatta, mang theo bát và y. Khi Ngài đến hồ Anotatta, chư thiên dâng đến Ngài cây que chùi răng. Sau khi chùi răng bằng cây que ấy, Ngài xuống tắm ở hồ Anotatta. Sau khi tắm xong, Ngài đứng trên tảng đá màu vàng nghệ và đắp vào chiếc y hai lớp. Rồi Ngài cầm cái bát đá màu nâu do Tứ đại thiên vương dâng đến ở dưới cây Rājayatana (tại chỗ thứ bảy của bảy chỗ nơi mà Đức Phật đã trải qua bảy ngày ở mỗi chỗ sau khi chứng đắc Phật quả. Mỗi vị thiên vương đã dâng một cái bát và bốn cái được Đức Phật gộp lại thành một với bốn viền bát). Đức Phật tiếp tục đi đến Bắc-cu-lô-châu (Uttara Kuru) để khất thực, và khi trở về Ngài thọ thực bên bờ hồ Anotatta yên tịnh và khả ái. Sau bữa ăn, Ngài đi đến rừng cây đàn hương để nghỉ trưa.

Tôn giả Sāriputta, bậc Tướng quân của chánh pháp, đi đến rừng cây đàn hương để hầu Đức Phật và đứng ở chỗ thích hợp, tránh sáu lỗi. Rồi Đức Phật nói với đại trưởng lão: “ Này con Sāriputta… Như Lai đã thuyết chừng này giáo pháp.” Ngài chỉ nêu ra tiêu đề và những dòng hướng dẫn, nhưng trưởng lão Sāriputta, với bốn Vô-ngại-giải-trí (paṭisaṁbhida-ñāṇa), có thể thông hiểu đầy đủ pháp mà Đức Phật đã nêu ra, như người được chỉ cho thấy đại dương bởi một người nào đó bằng cánh tay được chìa ra. Vị ấy có khả năng hiểu nó cả trăm cách, ngàn cách.

(Đức Phật trở lại cõi Tāvatiṃsa vào lúc xế chiều để tiếp tục thuyết pháp. Ngoại trừ chư thiên có oai lực cao, không ai biết rằng Đức Phật được tạo ra đang thuyết Abhidhamma ở chỗ của Đức Phật thật và rằng Đức Phật thật đã xuống cõi người và đã trở về. Đức Phật được tạo ra giống hệt Đức Phật thật về tất cả mọi phương diện: hào quang, giọng nói và cách nói).

Trưởng lão Sāriputta thuyết Abhidhamma đến năm trăm vị tỳ khưu

Trưởng lão Sāriputta sau khi học Abhidhamma tóm tắt từ Đức Phật mỗi ngày, dạy nó dưới hình thức không quá cô đọng cũng không quá chi tiết đến năm trăm tỳ khưu đệ tử của vị ấy, mà trong một kiếp quá khứ họ là những con dơi.

Đây là tài liêụ tóm tắt về kiếp quá khứ của họ. Tất cả họ là những con dơi nhỏ, sống trong một hang động, treo mình ở trên trần của hang động vào thời của Đức Phật Kassapa. Chúng nghe tụng Abhidhamma từ hai vị tỳ khưu thông thuộc Abhidhmma. Chúng chẳng có chút hiểu biết gì về thượng huyền và hạ huyền của mặt trăng, nhưng sự chú ý của chúng hướng đến sự tụng pháp Abhidhamma của hai vị tỳ khưu với giọng khả ái và ăn khớp nhau. (Những con dơi không có ý tưởng thế nào là Abhidhamma, các uẩn, thọ, xứ (dhātu), chân đế, thậm chí cũng không có ý niệm về tuần trăng lên và tuần trăng xuống, nhưng vì giọng tụng của hai vị tỳ khưu làm cảnh thiện cho tâm tử của chúng (kamma nimitta) vào kiếp sau, nên chúng được tái sanh vào cõi chư thiên).

Chúng thọ hưởng cuộc sống của chư thiên từ thời của Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ của Đức Phật Gotama, mà không bị tái sanh vào khổ cảnh một lần nào. Vào thời của Đức Phật hiện tại, chúng tái sanh xuống cõi người. Nhờ chứng kiến Song thông làm khởi sanh tịnh tín trong bọn họ, nên họ đã xuất gia làm tỳ khưu dưới sự dẫn dắt của tôn giả Sāriputta. Hằng ngày trưởng lão Sāriputta dạy cho họ về Abhidhamma dưới dạng giải rộng về những gì mà ngài đã học được từ Đức Phật ở dạng cô đọng.

Sự thuyết giảng Abhidhamma của Đức Thế Tôn tại cõi chư thiên kết thúc đồng thời với sự hoàn thành bảy bộ Abhidhamma được ghi nhớ bởi năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của đại đức Sāriputta tại cõi người.

Mỗi ngày Đức Phật đều dạy lại cho trưởng lão Sāriputta về nội dung của một số pháp Abhidhamma do chính Ngài và vị Phật được  tạo ra thuyết giảng tại cõi Tāvatiṃsa và hướng dẫn trưởng lão về dạy cho năm trăm vị tỳ khưu chỗ thiết yếu, trước khi Ngài trở lại giảng thuyết từ nơi mà vị hóa Phật kết thúc.

Sự thuyết giảng Abhidhamma kết thúc vào cuối mùa an cư, vào ngày rằm tháng 9 (â.l), kết quả là có tám chục ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Vị thiên Santusita, mẹ của Đức Phật ở cõi người, chứng đắc quả thánh sotapatti.

Mọi người đi từ Savatthi đến thị trấn Sankassa

Vào ngày mồng 9 tháng 9 (â.l) số người lưu lại trong khu vực 36 do tuần, đến hỏi trưởng lão Mahā Moggallāna: “ Bạch trưởng lão, có lẽ giờ là lúc thích hợp để chúng con có thể biết thời gian mà Đức Phật sẽ trở về cõi người; chúng con sẽ không về nhà cho đến khi nào chúng con được đảnh lễ Ngài.” Trưởng lão Moggallāna nói rằng: “ Lành thay,” và đi vào lòng đất đến chân núi Meru. Trưởng lão nguyện rằng mọi người sẽ trông thấy vị ấy đi lên cõi Tāvatiṃsa khi đang đi lên từ bên trong núi Meru. Rồi như sợi chỉ vàng đi xuyên qua viên hồng ngọc trưởng lão được mọi người trông thấy đang đi lên từ trong tâm của ngọn núi đến cõi Tāvatiṃsa.

Dân chúng trông thấy trưởng lão Mahā Moggallāna đang đi lên đỉnh núi từ bên trong ngọn núi, họ đếm từng do tuần mà trưởng lão đi được bằng cách nói rằng: “ Bây giờ trưởng lão đã lên được một do tuần, vị ấy đã đi lên được hai do tuần, v.v…” Khi đến tại cõi Tāvatiṃsa, tựa như bàn chân của Đức Phật đặt trên đầu của trưởng lão Moggallāna, vị ấy đi đến Đức Phật và kính cẩn bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Mọi người sẽ không trở về nhà của họ nếu không được đảnh lễ Thế Tôn và họ mong mỏi được biết thời gian Thế Tôn trở lại cõi người.” Đức Phật hỏi: “ Này con Moggallāna… hiện nay sư huynh Sāriputta của con đang ở đâu?” Trưởng lão Moggallāna đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn… Vị ấy đang nhập hạ tại thị trấn Sankassa.” Đức Phật bèn trả lời như sau:

 

“ Này con Moggallāna… Như Lai sẽ đi xuống tại cổng thành Sankassa vào ngày thứ 7 kể từ hôm nay, nhằm ngày rằm tháng 9, là thời gian để làm lễ Tự tứ Mahā Pavarana. Khoảng cách giữa hai thị trấn là 30 do tuần, nhưng hãy bảo mọi người là họ không cần mang theo vật thực cho chuyến đi. Họ nên thọ trì giới và đi mà không cần mang theo vật thực, hãy đến các tịnh xá ở đầu của các thị trấn và thôn xóm để nghe thuyết pháp vào ngày Bát quan trai giới.” Đại đức Moggallāna đáp lại: “ Lành thay…Bạch Đức Thế Tôn.” Khi trở về  đến quả đất, trưởng lão truyền lại lời nhắn của Đức Phật đến mọi người.

Đức Phật bước xuống cổng thành Sankassa bằng ba cầu thang

 

Đức Phật thông báo về việc ra đi của Ngài với Sakka rằng: “ Này thiện nam Sakka, vua của chư thiên… Như Lai sẽ trở về cõi người.” Vào lúc kết thúc mùa an cư, ngày rằm tháng chín, Sakka tạo ra một bộ ba cầu thang, một cái bằng vàng, một cái bằng ngọc và một cái bằng bạc, nằm sát nhau, chân cầu thang đặt ở cổng thành Sankassa và đầu của thang tựa vào đỉnh núi Meru. (1) Cầu thang ở bên tay phải dành cho chư thiên, (2) cầu thang bằng bạc ở bên tay trái dành cho các vị đại Phạm thiên, (3) Cầu thang bằng hồng ngọc ở giữa đặc biệt dành cho Đức Phật.

 

Đức Phật, vào buổi chiều, Ngài đứng trên đỉnh núi Meru và thị hiện Song thông gồm nước và lửa và nhìn lên bầu trời. Toàn thể không gian đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh (Akaniṭṭa), tựa như một không gian rộng mở không có gì ngăn ngại và có thể trông thấy rõ ràng. Khi Ngài nhìn xuống, Ngài có thể trông thấy cõi Avici (A-tỳ địa ngục) ở dưới đáy của tám địa ngục. Khi Ngài nhìn về phía trước và hai bên, tất cả các hướng thì hằng ngàn thế giới có thể được trông thấy mà không có gì ngăn ngại. Cảnh tượng kỳ lạ được chư thiên, Phạm thiên và loài người chứng kiến. Như vậy tất cả chư thiên và Phạm thiên đều có thể trông thấy loài người và loài người cũng có thể trông thấy chư thiên và Phạm thiên.

 

Đức Phật khiến cho hào quang sáu màu phát ra từ thân khi Ngài đi xuống cõi người từ cõi Tāvatiṃsa, và không ai trong số người chứng kiến, đứng trong phạm vi có viên chu 36 do tuần mà không phát nguyện thành Phật khi họ chứng kiến oai lực vĩ đại của Đức Phật.

 

Chư thiên đi theo xuống bằng cầu thang bằng vàng ở bên tay phải. Chư Phạm thiên đi xuống theo bằng cầu thang bằng bạc ở bên tay trái. Một mình Đức Phật đi xuống trên chiếc cầu thang bằng hồng ngọc ở giữa. Vị thiên Pañcasikha ở bên phải của Đức Phật tỏ sự tôn kính Ngài bằng cách đánh đàn Beluva.Vị thiên Suyama cũng theo hầu ở bên phải, quạt hầu Đức Phật bằng cái quạt được làm bằng lông đuôi của con bò Tây Tạng. Vị thiên Santusita cũng theo hầu ở bên phải, quạt hầu Đức Phật bằng cái quạt có cẩn hồng ngọc. Sakka ở bên phải, thổi cái tù và Vijayuttara. Chư thiên còn lại của thế giới cũng đi theo tôn vinh Ngài bằng nhiều cách; các vị Phạm thiên theo hầu ở bên trái trên cái thang bằng bạc, cầm cái lọng trắng che trên đầu Đức Phật một biểu hiện của sự tôn kính.

Như vậy, Đức Phật đi xuống cõi người theo cách như đã mô tả ở trên, và khi đến nơi, đứng tại cổng thành Sankassa. Những người đã tụ họp tại thành Savatthi, ra đi sau bữa ăn sáng, vui sướng chờ xem Đức Phật vào ngày Pavarana, cuối của mùa an cư. Cuối cùng họ đến tại cổng thành Sankassa một cách nhanh chóng cứ như họ đi đến tịnh xá ở đầu làng họ.

Thuyết giảng bài kinh Sariputta

 

Trưởng lão Sāriputta là người đầu tiên đảnh lễ Đức Phật ngay khi Ngài đặt bàn chân phải xuống đất. Tất cả những người còn lại tiếp tục đảnh lễ Đức Phật. Chỗ Đức Phật đặt bàn chân phải xuống đất về sau được xem là chỗ đất thiêng và được đặt tên là Acala Cetiyaṭṭhāna.

 

Chỗ Đức Phật đặt bàn chân phải của Ngài trên đất sau khi trở về từ cõi Tāvatiṃsa, vào cuối mùa an cư, sau khi thuyết giảng Abhidhamma, theo đúng truyền thống của chư Phật, cũng được xem là một trong những thánh địa có tên là Avijahitaṭṭhāna (tức là mỗi vị Phật sau khi thuyết giảng Abhidhamma ở cõi Tāvatiṃsa suốt mùa an cư, khi trở về quả đất bằng ba chiếc cầu thang, Ngài luôn đặt bàn chân phải trước tiên xuống chính nơi mà ba chiếc cầu thang được đặt ở cổng thành Sankassa).

Bốn nơi thiêng liêng – Avijahitaṭṭhāna

 

Ở đây, một bài mô tả tóm tắt thích hợp và đáng được ghi nhớ sẽ được trình bày về bốn chỗ đất thiêng Avijahitaṭṭhāna. Những chỗ đất thiêng được tất cả chư Phật thực hiện với cùng mục đích, đồng bộ không thay đổi được gọi là Avijahitaṭṭhāna. Có bốn chỗ, đó là:

(1)      Khu vực của cây Đại Bồ Đề, vô địch bảo tọa, nơi mà tất cả chư Phật đã chiến thắng ngũ ma (ngay nơi có nổi lên vô địch bảo tọa của tất cả chư Phật. Không có sự thay đổi về địa điểm).

(2)      Isipatana, Migadāya, nơi mà Đức Phật Gotama của chúng ta thuyết giảng bài kinh Dhammacakka, bài pháp đầu tiên. (Đây là nơi mà tất cả chư Phật cũng đã thuyết giảng bài kinh Dhamma- cakka. Bài kinh ấy không được thuyết ở bất cứ chỗ nào khác).

(3)      Điểm mà chư Phật thường đặt bàn chân phải của các Ngài đầu tiên xuống đất khi các Ngài trở về từ cõi Tāvatiṃsa sau khi thuyết giảng Abhidhamma nơi đó. (Cổng thành Sankassa là vùng đất thiêng trong thời của Đức Phật Gotama).

(4)    Nơi đặt chiếc giường của chư Phật (nơi mà bốn chân giường tựa xuống không có sự thay đổi). Hương phòng của Đức Phật Gotama tại Jetavana là chỗ đặt chiếc giường của Ngài.

Về các tịnh xá của chư Phật, chúng khác nhau về kích cỡ do bởi các hoàn cảnh của thời kỳ ấy. Để giải rõ:

(a)    BUDDHA VIPASSI: Chỗ đất rộng 1 yojana, do trưởng giả Punabba Sumitta dâng cúng, trị giá của mảnh đất ấy được tính bằng những viên gạch bằng vàng được đặt sát nhau trên bề mặt của mảnh đất ấy.

(b)   BUDDHA SIKHI: Mảnh đất rộng 3 gavuta, do trưởng giả Sirivatta dâng cúng, trị giá được tính bằng những song bằng vàng nằm sát nhau trên mảnh đất ấy.

(c)    BUDDHA VESSABHU: Mảnh đất rộng nửa yojana, do trưởng giả Sotthija dâng cúng, trị giá được tính bằng những cái răng bằng vàng (những cái răng của cái bừa) chạm vào nhau trên khắp mặt đất.

(d)   BUDDHA KAKUSAN: Mảnh đất rộng 1 gavuta, do trưởng giả Accuta dâng cúng, trị giá được tính bằng những cục vàng (có hình thù như chân voi) nằm sát nhau khắp mặt đất.

(e)      BUDDHA KONAGAMANA: Mảnh đất rộng nửa gavuta, do trưởng giả Ugga dâng cúng, trị giá được tính bằng những viên gạch bằng vàng đặt sát nhau khắp mặt đất.

(f)    BUDDHA KASSAPA: Mảnh đất rộng 20 ussabha, do trưởng giả Sumaṅgala dâng cúng, trị giá được tính bằng những con rùa vàng được đặt sát nhau trên mảnh đất.

(g)    BUDDHA GOTAMA: Mảnh đất rộng tám pais, do trưởng giả Sudattha (Anāthapiṇḍika) dâng cúng, trị giá được tính bằng những đồng tiền vàng đặt sát nhau trên mảnh đất ấy.

Những đoạn trên được trích dẫn từ bộ Buddhavaṃsa Atthakathā và bộ Vinaya Cula Vagga Atthakatha.

Tuy kích thước trong khuôn viên của các tịnh xá khác nhau theo thời kỳ, nhưng chỗ đất nơi hương phòng của Đức Phật không thay đổi.

Chư thiên và Phạm thiên hết lòng sùng kính chư Phật Chánh đẳng Chánh giác

Như đã trình bày ở trước, tôn giả Sāriputta đi đến Đức Phật sau khi Ngài đặt bàn chân phải xuống đất đầu tiên, đảnh lễ Đức Phật và bạch với Ngài rằng: “ Tất cả chư thiên và những người tục gia ở đây đều rất sùng kính Đức Thế Tôn đến nỗi tất cả họ đều khởi ước nguyện Phật quả.” Rồi Đức Phật đáp lại: “ Này con Sāriputta, đúng thật là tất cả chư thiên, Phạm thiên và loài người đều ái kính chư Phật vì sự vĩ đại, rực rỡ và đầy oai lực.” Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây để mở đầu cho một thời thuyết pháp:

 

Ye jhānappa sutā dhīra 

nekkhammupasame rathā 

devāpi tesam pihayanti

Saṃbuddhānam satīmataṃ.

 

Này con Sāriputta… tất cả chư Phật Chánh đẳng Chánh giác đều đã đạt đến mức tự tại trong các pháp hành nhập định bằng năm cách và các Ngài vui thích trong các pháp nhập định này. Các Ngài cũng thường trú trong quả định (phala-samāpatti) mà đề mục của nó là Niết bàn, thoát khỏi tất cả đau khổ. Ngay cả chư thiên và Phạm thiên trong các cõi thiên giới đều nói lời tôn kính và tán dương chư Phật, là những bậc luôn luôn có chánh niệm: “Thật vĩ đại thay, nếu chúng ta đã có được cơ hội hy hữu này, chúng ta nguyện sẽ thành Phật Chánh đẳng Chánh giác.”

Theo Chú giải Pháp cú kinh, 30 koti chư thiên, Phạm thiên và nhân loại được giải thoát vào lúc kết thúc thời pháp. Kết quả là năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta chứng đắc đạo quả A-la- hán.

 

Đức Phật xiển dương những đức tính của tôn giả Sāriputta

 

Khi đang đứng ở đầu của cầu thang, Đức Phật quán xét như vầy:  “ Mọi người tụ họp ở đây biết được rằng tôn giả Moggallāna là đệ nhất về thần thông, Tôn giả Anuruddha về thiên nhãn thông,  tôn giả Punna là vị thầy nổi tiếng về Pháp. Nhưng không ai biết về những đức tính của tôn giả Sāriputta.” Do đó, Đức Phật nghĩ là cần phải cho mọi người biết trí tuệ của tôn giả Sāriputta bằng cách này hay cách khác. Đức Phật hỏi tôn giả Sāriputta những câu hỏi liên quan đến những vấn đề của hạng phàm phu (puthujjana), những vấn đề liên quan đến bậc hữu học (sekhā) về ba Đạo và ba Quả, và những vấn đề liên quan đến bậc A-la-hán (asekkha), trước mặt tất cả những người hiện diện lúc bấy giờ. Tôn giả Sāriputta đã trả lời thích đáng cho mỗi câu hỏi, liên quan đến phạm vi hiểu biết của những kẻ phàm phu, của những bậc hữu học và của những bậc A-la-hán. Kết quả là tất cả những người hiện diện đều bắt đầu nhận biết về trí tuệ của đại trưởng lão!

Sự thuyết giảng Bổn sanh Parosahassa

Rồi Đức Phật tiếp tục suy xét như vầy: “ Sāriputta không chỉ vượt qua trình độ thông minh của kẻ phàm phu trong kiếp hiện tại này mà trong kiếp quá khứ vị ấy cũng đã vượt trội những kẻ khác về kiến thức và trí tuệ.” Rồi Đức Phật bắt đầu kể bổn sanh Parosahassa dưới dạng tóm tắt.

Vào một thuở nọ, tại một rừng cây ở dưới chân của một ngọn núi, có trên một ngàn ẩn sĩ trú ngụ sống bằng rau quả và các loại củ. Một hôm, đạo sư của họ ngã bịnh và vị đệ tử huynh trưởng đi ra ngoài để tìm thuốc chữa bịnh sau khi căn dặn những vị nhỏ hơn lo hầu hạ chăm sóc đạo sư của họ thật chu đáo.

Người thầy mạng chung trước khi người đệ tử huynh trưởng trở về. Khi sắp lâm chung, các đệ tử hỏi ông thầy của họ về thiền chứng của vị ấy (jhāna-samāpatti) và vị đạo sư trả lời rằng: “Natthi kiñci,” nghĩa là “Không có gì cả,” ám chỉ tầng thiền thứ ba – Akiñcaññayatana (vô sở hữu xứ). Bất cứ ai muốn trú trong tầng thiền vô sắc thứ ba, có tên là Akiñcaññayatana-jhāna được gọi là ‘ Jhāna- samāpatti’, trước hết phải quán về ý niệm ‘không hiện hữu’ của tầng thiền vô sắc thứ nhất nhiều lần lập đi lập lại. Đây thực sự là điều mà vị đại sư muốn ám chỉ khi ông ta nói “Naṭṭhi kiñci.”

Nhưng các đệ tử đều nghĩ sai vấn đề, hiểu lầm đạo sư của họ và coi thường vị ấy, cho rằng vị ấy là người chưa chứng đắc tầng thiền nào và họ chẳng làm gì về những nghi lễ mai táng liên quan đến nhục thân của vị ấy.

(Chú thích: Vị đại sư đã chứng đắc tầng thiền Akiñcaññāyatana-jhāna qua tầng thiền ấy, người ta có thể đạt đến cõi vô sắc, nhưng khi được hỏi bởi các đệ tử, vị ấy chỉ trả lời đơn giản là “ Naṭṭhi kiñci ” và mạng chung tái sanh về cõi Phạm thiên hữu sắc – Ābhasara Brahmā, có thể đạt đến bằng tầng thiền hữu sắc thứ hai – rūpavacara-jhāna. Sở dĩ như vậy vì các cõi Phạm thiên vô sắc không thích hợp đối với chư vị Bồ tát – Abhabba ).

Khi trở về mang theo đúng thuốc trị bịnh cho ông thầy, vị đệ tử huynh trưởng được báo cho biết là đại sư đã mệnh chung, vị ấy hỏi xem họ đã hỏi ông thầy điều gì. Họ trả lời “ Vâng…Chúng tôi đã hỏi, và “ Naṭṭhi kiñci ” là câu trả lời của thầy, và do đó, chắc chắn thầy đã ra đi mà chưa chứng đắc tầng thiền nào.”

Vị đệ tử huynh trưởng giải thích với họ như vầy: “ Các huynh đệ đã không hiểu ý mà thầy muốn nói. Đại sư của chúng ta đã chứng đắc tầng thiền vô sắc thứ ba là Akiñcaññāyatana.” Vị ấy đã đưa ra lời giải thích chính xác nhiều lần để thuyết phục họ. Nhưng câu trả lời  của vị ấy chỉ rơi vào những lỗ tai điếc. Khi vị đại sư, tức Bồ tát, lúc bấy giờ là vị Phạm thiên Abhassara, biết được tình cảnh tồi tệ như vậy, vị ấy suy nghĩ rằng vị ấy sẽ phơi bày sự thật để đoạn trừ hoài  nghi cho những kẻ ngu si ấy đang quờ quạng trong bóng tối. Do đó, vị đại sư đi xuống từ cõi Phạm thiên Abhassara Brahma Loka đến cõi nhân loại, đứng lơ lửng giữa không trung trên khu vực của ẩn xá bằng đại thần lực của vị ấy, và để tán dương trí tuệ của vị huynh trưởng, bèn nói lên câu kệ:

Parosahassampi samā gatānaṃ

kandeyyuṃ te vassasataṃ apaññā

ekova seyyo puriso Sapañño

yo bhāsitassa vijānāti aṭṭhaṃ.

 

Những người không có chút kiến thức nào có thể kêu khóc cả trăm năm (họ chẳng có chút ý tưởng nào về điều mà thầy của họ muốn nói). Người duy nhất trong hội chúng có trên một ngàn người có khả năng hiểu được điều muốn nói, quả thật đáng khen ngợi.

Vị đại sư trở về cõi Phạm thiên sau khi đã thuyết một thời pháp. Tất cả những vị ẩn sĩ đều chứng đắc Thiền chứng (jhāna- sampatti) do kết quả của chuyến viếng thăm của vị ấy, và tất cả họ đều được tái sanh vào cõi Phạm thiên sau khi chết.

Để kết thúc thời pháp, Đức Phật nhận diện bổn sanh: vị đệ tử huynh trưởng lúc bấy giờ là Sāriputta và vị đại Phạm thiên ở cõi Ābhassara Brahma Loka là Đức Phật bây giờ.

(Đây là bài tóm tắt của bổn sanh Parosahassa. Muốn biết đầy đủ chi tiết của câu chuyện hãy tham khảo Ekatanipatta Jātaka Vatthu).

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 87

Post Views: 778