Chương 25 – Nguyên Nhân Chính Làm Khởi Sanh Sự Vu Khống Của Nàng Cincamana

Chương 25 – Nguyên Nhân Chính Làm Khởi Sanh Sự Vu Khống Của Nàng Cincamana

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Đức Phật tiếp tục làm sáng tỏ sự kiện như sau: Không có hành động ác nào mà kẻ dối trá không làm. Này các tỳ khưu… người đã từ bỏ pháp hành nói lời chân thật và nghiêng về pháp nói dối, tức là đã từ bỏ con đường dẫn đến Niết bàn và con đường đến cõi nhân loại và chư thiên. Và như vậy, không có hành động ác nào mà họ từ chối không làm.

 

Ekaṃ dhammaṃ atītassa

masavādissa jantuno

vitiṃ ṇaparalokassa

natthi pāpaṃ akariyaṃ.

 

Này các tỳ khưu… người đã rơi vào con đường nói dối cũng đã từ bỏ những lợi ích của Niết bàn và sự tái sanh vào cõi người và cõi chư thiên, và như vậy, không có hành động bất thiện nào mà những người này, những người quyết định đi đến khổ cảnh, lại không dám làm.

 

Vào lúc kết thúc thời pháp, đông đảo chúng sanh chứng đắc sotapatti quả và những tầng thánh khác.

(Đây là phần mở rộng về sự vu cáo của Cincamana)

Nguyên nhân chính làm khởi sanh sự vu khống của nàng Cincamana

Sau đây là bài giải thích về nguyên nhân căn cội thúc đẩy Cincamana gây ra sự vu khống Phật.

Vào một thuở nọ rất xa xưa, trước 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (trước khi sự thọ ký thành Phật được thực hiện) Bồ tát của chúng ta là người lêu lỏng, có thái độ bất chánh do thân cận thường xuyên với những người ác thuộc loại bất trị nhất. Vào một dịp nọ, vị ấy tình cờ vu cáo một vị A-la-hán tên là Nanda, là đệ tử của Đức Phật Sabbabhibhu, bằng cách tố cáo vị ấy đã tà dâm với một người đàn bà. Đây là một tội rất nặng trong việc vu khống một bậc Thánh.

Do kết quả vu khống bậc Thánh như vậy, vị ấy bị đọa xuống khổ cảnh trong nhiều năm và khi thoát khỏi khổ cảnh và được tái sanh làm người, vị ấy bị người ta vu khống lại hết kiếp này đến kiếp khác, và trong kiếp cuối cùng, khi đã thành Phật, Ngài bị nàng Cincamana vu khống trước mặt tứ chúng.

(Apadāna Pāḷi cuốn I, Avataphala vagga: 10- Pubbakammalotika Buddha apadan có nêu ra đầy đủ chi tiết về vấn đề này do chính Đức Phật thuyết giảng).

Nữ du sĩ Sundari

Như đã trình bày ở trên, các ngoại đạo sư ở ngoài giáo pháp, do vật cúng dường phát sanh đến họ bị giảm sút, đã xúi dục người đàn bà ác Cincamana vu khống Đức Phật. Họ đã tạo ra một âm mưu khác để vu cáo Đức Phật. Họ sử dụng một nữ du sĩ có khuôn mặt xinh đẹp tên là Sundari vào thời gian Đức Phật đang ngụ ở Sāvatthi (xem Udana Pāḷi text 4 ; Maghiya Vagga 1:8 ; Sundari Sutta Pāḷi and Chú giải).

 

Khi Đức Phật đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, tất cả nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đến đảnh lễ Đức Phật và chúng Tăng, họ tôn kính cúng dường các ngài bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bịnh luôn luôn dồi dào dành cho các ngài. Đối với Đức Phật và chúng Tăng, phước tích lũy của các ngài trong quá khứ rất to lớn, pháp hành về chánh đạo trong kiếp hiện tại của các ngài cũng tạo ra những phước thiện. Kết quả hiện tại từ hai nguồn thiện nghiệp này kết hợp với nhau tạo ra một sự trôi chảy không ngừng về các món vật dụng và những vật cúng dường dành cho các ngài giống như khối nước khổng lồ tuôn chảy từ hai con sông lớn.

 

Ngược lại, các ngoại đạo sư chịu sự thiếu thốn về bốn món vật dụng và những vật cúng dường khác. Điều này do bởi sự thiếu phước của họ trong kiếp quá khứ và tà pháp mà họ đang thực hành trong kiếp hiện tại.

 

Vào thời bấy giờ, tại Sāvatthi có một nữ du sĩ rất xinh đẹp, tên là Sundari, nhưng hành vi, lời nói và ý nghĩ của nàng thì đáng bị chê trách.

Các ngoại đạo sư ngồi lại để bàn mưu kế vu khống Đức Phật và chư Tăng. Họ tham gia bàn luận về vấn đề ấy:

“ Thưa quý ngài… Chúng ta đã bị suy sụp tệ hại vì sự xuất hiện của Sa-môn Gotama và chúng ta đã bị thiệt thòi rất nhiều về vật thí cúng dường, vì dân chúng hầu như không để ý đến sự hiện diện của chúng ta. Điều gì xui khiến mọi người cúng dường ồ ạt đến Sa-môn Gotama với sự tôn kính và tín thành hết mức như vậy?”

Một ngoại đạo sư có mặt trong buổi bàn luận ấy đưa ra ý kiến như sau:

“ Thưa quý ngài… Sa-môn Gotama vốn là hậu duệ của Mahā Sammata thuộc dòng dõi Khatitiya thuần khiết không bị gián đoạn. Có thể đó là lý do khiến mọi người tôn kính và cúng dường dồi dào đến vị ấy.” Một ngoại đạo sư khác đưa ra ý kiến của ông ta như vầy: “ Chính do nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra vào lúc vị ấy sanh ra.” Lại có ý kiến khác cho rằng: “ Lý do là khi vua Suddhodana, phụ vương của vị ấy bắt vị ấy đảnh lễ ẩn sĩ Devila bằng cách chấp hai tay ngay sau khi vị ấy sanh ra, thì đôi chân của vị ấy bay lên cao một cách kỳ diệu và đặt xuống trên búi tóc của ẩn sĩ Devila. Và khi cha mẹ của vị ấy để vị ấy dưới bóng râm của cây táo hồng khi lễ Hạ điền đang diễn ra, trong khi bóng râm của nhiều cây khác di chuyển theo mặt trời, thì bóng râm của cây táo hồng vẫn đứng yên, không thay đổi dù trời đã xế trưa.” “ Chính vì vị ấy có tướng hảo xinh đẹp phi thường,” một người khác nói. Rồi lại người khác đưa ra ý kiến khác: “Có thể do vị ấy đã từ bỏ ngôi vị Chuyển luân vương với tất cả những vinh quang của nó và từ bỏ cả thế gian do trông thấy bốn điềm tướng lớn, nên mọi người tôn kính và cúng dường đến vị ấy rất ồ ạt.”

Tất cả họ đều suy luận lòng vòng mà không tìm ra nguyên nhân thực sự khiến mọi người có sự tôn kính sâu đậm đến Đức Phật vì họ hoàn toàn vô minh, không biết những ân đức vô song của Đức Phật là: Ba-la-mật (pāramī), sự xả ly (cāga) và hạnh (cariya). Sau khi trao đổi bàn bạc không kết quả gì, một người trong số những ngoại đạo sư dữ dằn nhất đưa ra một mưu kế để tiêu diệt danh tiếng và lợi lộc của Sa- môn Gotama bằng sự cộng tác của một người đàn bà.

“Thưa quý ngài… Không có ai trong thế gian này mà không có những ham muốn dục lạc từ nữ giới và Sa-môn Gotama, do còn trẻ và có diện mạo xinh đẹp như chư thiên, chắc chắn sẽ phải lòng một thiếu nữ cùng độ tuổi và xinh đẹp nếu có điều kiện thích hợp. Ngay cả khi vị ấy không thể bị dụ dỗ hoàn toàn, mọi người cũng sẽ hoài nghi về giới hạnh của vị ấy. Nào chúng ta hãy sai nữ du sĩ Sundarī thực hiện kế hoạch của chúng ta để đem lại sự suy tàn về danh tiếng của Sa-môn Gotama ở khắp mọi nơi.

Khi nghe qua lời đề nghị này, tất cả các ngoại đạo sư đều nói lời ủng hộ vị ấy: “ Kế hoạch của ngài thật là tuyệt vời. Nó sẽ đem lại sự suy tàn cho Sa-môn Gotama. Vị ấy sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc co giò bỏ chạy.” Tất cả họ đều quyết định thực hiện kế hoạch ấy và tất cả họ đều đi đến chỗ ở của Sundarī.

Khi trông thấy các ngoại đạo sư, Sundarī hỏi: “ Tại sao các  ngài đến đây đông đảo thế này?” Tất cả họ đều đi đến góc nhà và ngồi ở đó mà chẳng trả lời gì cả. Nàng đi đến họ trong thái độ tuân phục và hỏi họ nhiều lần: “ Phải chăng con đã làm điều gì sai trái, nếu có xin hãy cho biết?”

Cuối cùng họ đưa ra câu trả lời này: “ Sở dĩ chúng ta không trả lời vì cô chẳng quan tâm đến chúng ta khi chúng ta bị chèn ép bởi một người.” Sundarī bèn hỏi họ: “Chẳng hay ai đã chèn ép các ngài?” Rồi họ giải thích tình cảnh của họ: “ Cô không thấy rằng Sa-môn Gotama đang đi chỗ này chỗ kia tước đoạt hết những vật cúng dường của chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bất lợi lớn!” “Thưa các ngài, con có thể giúp được gì trong vấn đề này?” Họ đáp lại: “ Này cô… Cô có thể nào làm lợi cho quyến thuộc của cô như chúng ta đây không?”

(Họ đã dùng từ ‘quyến thuộc’ để thuyết phục nàng, dầu họ chẳng có quan hệ huyết thống gì với cô ta cả ngoài một điều là tất cả họ đều sống đời vô gia cư. Các ngoại đạo sư thật đáng sợ).

Rồi Sundarī nói rằng: “ Thưa các ngài… Con nên làm gì cho các ngài. Không có điều gì mà con không thể làm, con đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của con để làm bất cứ điều gì có lợi ích cho quyến thuộc của con như các ngài?” (Như vậy nàng đã hứa sẽ làm tròn những ước muốn của họ và nàng không thể chùn bước, như con nai bị vướng vào bụi gai). Các ngoại đạo sư bèn nói với nàng rằng: “ Này cô… cô đã hứa sẽ làm bất cứ điều gì đem lại lợi ích cho chúng ta. Nhờ ở trong độ tuổi trẻ ấn tượng nhất ở giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, hãy làm bất cứ điều gì bằng hết khả năng của cô, ngõ hầu đem lại sự suy tàn cho Sa-môn Gotama, bằng nhân cách tuyệt vời của cô.” Khi đã khơi dậy tánh tự cao tự đại của cô ta, họ ra dấu cho cô ta đi làm phận sự, hàm ý rằng cô ta nên thường xuyên đi đến Jetavana tịnh xá.

Sundarī ngu si, giống như người muốn nhảy với cái vòng hoa trên những lưỡi cưa, như người muốn bắt con voi điên ở cái vòi của nó, như người đưa cái trán ra đón tiếp thần chết, Sundarī đã thoa vào người nước hoa thơm ngát và trang điểm lên người những bông hoa, lên đường đi đến Jetavana tịnh xá, khi mọi người đang ra khỏi tịnh xá sau khi nghe pháp. Khi được hỏi, nàng nói rằng: “ Tôi đang đi đến với Sa-môn Gotama, người mà tôi thường ở chung trong hương phòng của vị ấy.” Nhưng nàng không dám đi vào tịnh xá mà rẽ qua ẩn xá gần đó của các ngoại đạo sư. Nàng trở về thành phố bằng chính con đường ấy khi mọi người đang đi đến tịnh xá. Khi được hỏi, nàng nói với họ rằng nàng vừa mới ra khỏi hương phòng của Đức Phật sau khi ngủ qua đêm ở đó.

 

Sau vài ngày, các ngoại đạo sư thấy thỏa mãn với việc làm của Sundarī, bèn mua chuộc những tên đâm thuê chém mướn và xúi họ giết Sundarī rồi bỏ xác của nàng dưới đống hoa bị xả bỏ trong một cái hố gần hương phòng của Đức Phật. Những tên côn đồ đã làm theo lời chỉ bảo của họ. Rồi các ngoại đạo sư tung tin về sự mất tích của nàng Sundarī, và đi đến đức vua Kosala, họ tâu lên rằng nữ đệ tử của họ, nàng Sundarī đã bị mất tích và không thể tìm thấy. Đức vua hỏi họ xem chỗ nào đáng nghi ngờ. Họ tâu rằng khu vực trong Jetavana tịnh xá là chỗ đáng nghi ngờ nhất. Đức vua truyền lịnh cho binh sĩ đến Jetavana tịnh xá để tìm kiếm nàng Sundarī.

Các ngoại đạo sư cùng với đệ tử của họ đi đến Jetavana tịnh xá, giả bộ tìm kiếm nữ du sĩ Sundarī. Họ tìm thấy xác chết của Sundarī ở bên dưới đống hoa héo trong cái hố và đem xác chết đến trước mặt đức vua trên cái khung giường có trang trí tràng hoa. Họ khiến đức vua tin rằng: “ Những đệ tử của Đức Phật  đã giết chết nàng Sundarī trẻ đẹp và bỏ xác của nàng dưới đống hoa héo để che dấu hành động ác của đạo sư của họ là Sa-môn Gotama.” Vị vua thiếu trí, do không suy xét kỹ lưỡng, đã truyền lịnh rằng: “ Xác chết phải được mang đi khắp các nẻo đường trong thành phố, để cho mọi người trông thấy.”

Được khuyến khích bởi mệnh lệnh hồ đồ của đức vua, các ngoại đạo sư bèn khiêng xác của Sundarī trên chiếc giường hoa và đi khắp thành phố, từ đường này đến con đường khác, từ ngã tư đuòng này đến ngã tư đường khác, và công bố rằng: “ Quý vị hãy biết, hãy tự mình thấy cho rõ hành động mà những con cháu dòng tộc Thích ca đã làm. Họ thật đáng chê trách; họ có ác tánh, họ không có đạo đức; họ thường hay nói dối; và họ say mê trong quan hệ dục tình nhưng tự cho mình là những tỳ khưu tốt, nói mà không thẹn miệng rằng: ‘ Chúng tôi thọ trì các giới cấm, chúng tôi có giới, chúng tôi có thiện hạnh, có giới hạnh, đang tu tập những pháp hành cao quý, chỉ nói lời chân thật.’ Nhưng đối với những Sa-môn này, chẳng có giới cấm nào cả, những điều học cao quý chỉ là những điều thuộc về quá khứ. Làm thế nào có yếu tố giới trong bọn họ? Làm thế nào có thể có pháp hành cao quý? Họ đã mất hết giới, hết pháp hành cao quý. Tại sao một người đàn ông lại đi giết chết một người khác phái xinh đẹp sau khi đã hãm hiếp người ấy?”

Họ cũng khiến những người dân của thành Sāvatthi truyền đi những lời vu khống tương tự. Khi dân chúng trông thấy các vị tỳ khưu, họ tố cáo các vị tỳ khưu đúng như ý đồ của các ngoại đạo sư.

“ Những vị tỳ khưu này là những hoàng tử của dòng Thích ca, không có tàm úy, không có giới đức, những kẻ nói láo chuyên nghiệp, họ say mê trong những hành vi giới tính, họ làm ra vẻ có giới đức, đứng đắn, cao quý, chân thực và có tri túc. Thực ra, họ không có giới đức, không có giới hạnh, giới luật dành cho tỳ khưu chẳng có gì, chúng chỉ là những điều của quá khứ. Làm sao có thể có những giới cao quý hay những thiện đức trong bọn họ? Họ chẳng có đức tánh cao quý nào cả. Tại sao một người đàn ông giết chết một người đàn bà sau khi đã thỏa mãn dục tình với cô ta?”

Như vậy dân chúng đã lên án chỉ trích các vị tỳ khưu khi họ trông thấy các ngài ở trong thành phố, dùng những lời thô tục và làm nhục các ngài bằng thái độ công kích.

Sau khi các vị tỳ khưu đã đi khất thực trong thành Sāvatthi và trở về tịnh xá, các vị tỳ khưu đi đến Đức Phật và bạch với Ngài rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn … Dân chúng của thành phố Sāvatthi khi trông thấy các vị tỳ khưu, họ tố cáo các vị tỳ khưu bằng lời kẻ thô tục:

“ Những vị tỳ khưu này của dòng Thích ca không có tàm úy, không có giới đức, là những kẻ thường xuyên nói dối, họ chìm đắm trong những hành vi dục tình, và họ giả bộ có giới đức, đứng đắn, cao quý, chân thật và tri túc. Nhưng thực ra, họ không có giới, không có những pháp hành cao quý. Những học giới dành cho các vị tỳ khưu chẳng có gì hơn, chúng là những điều của quá khứ. Làm sao có thể có những học giới hay những đức tánh cao quý? Tại sao một người đàn ông hủy hoại một người dàn bà sau khi thỏa mãn dục tình với cô ta?”

Như vậy, họ đã bạch lên Đức Phật về việc họ bị nói xấu, chửi mắng, lăng mạ, công kích bằng những lời lẽ rất thô lỗ (không thích hợp dành cho những bậc phạm hạnh. Đức Phật giải thích với họ rằng những người ấy sẽ gặt hái hậu quả y như những gì họ đã gieo do xúc phạm các vị tỳ khưu và Ngài nói rằng: “Này các tỳ khưu… những giọng điệu vu khống như vậy chỉ kéo dài trong vòng bảy ngày và sau bảy ngày nhất định nó sẽ biến mất. Các tỳ khưu nên phản bác những người này, những kẻ đã nói xấu, chửi mắng, lăng mạ và công kích các thầy bằng những lời lẽ rất thô lỗ (không thích hợp với tai của những bậc phạm hạnh) bằng cách nói lên câu kệ sau đây:

 

Abhūtavādi nirayaṃ upeti

yo vāpi Ratvā na karoni cāha

ubhopi te pecca samā bhavanti

nihīnakammā mānajā parattha.

“ Người quen thói nói dối thường nói ‘tôi đã trông thấy điều  đó, tôi đã nghe điều đó, tôi đã gặp điều đó, tôi biết điều đó, dù người ấy không tự mình trông thấy điều đó, nghe điều đó, dầu người ấy chưa biết gì về điều đó. Và người có tội mà phủ nhận tội lỗi của chính mình đều có tội ngang nhau, và cả hai loại người ác này, đã làm điều thấp hèn, phải bị tái sanh vào khổ cảnh sau khi chết.”

Các vị tỳ khưu đã học thuộc lòng câu kệ ấy từ Đức Phật và đọc nó trước mặt những người kia bằng lối phản bác.

Dân chúng bắt đầu nhìn thấy sự thật

 

Nghe câu kệ phản bác được nói ra bởi các vị tỳ khưu, dân chúng bắt đầu hiểu ra rằng: “Các vị tỳ khưu thuộc dòng Thích ca đã không làm chuyện giết người như các ngoại đạo sư ở ngoài giáo pháp đã cáo buộc. Có một điều đáng suy xét là những người cao quý này thậm chí không quan tâm đến việc trả thù chúng ta về sự mắng nhiếc họ, lăng mạ họ, vu khống họ bằng những lời thô lỗ, không thích hợp với lỗ tai của họ. Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy họ nhẫn nại với những lời vu khống và họ tỏ ra khiêm tốn từ hòa, và trên hết, họ chỉ thuyết pháp và giải thích cho chúng ta là những người đã mù quáng, cố ý vu khống họ, lăng mạ họ, những hậu quả xấu của sự nói dối và và phủ nhận tội của chính mình, để cho thấy rằng họ vô tội. ”

 

Như vậy mọi người đã trở nên sáng suốt và có ý thức trở lại. Sau khi nghe câu kệ, họ nhận thức rằng: “Chúng ta không tự thân chứng kiến hành vi giết người ấy và điều mà chúng ta đã nghe có thể hoặc không đúng sự thật. Và có một điều cần đặc biệt suy xét là: những ngoại đạo sư này chỉ có ước muốn làm hại các vị tỳ khưu, muốn các vị tỳ khưu bị suy tàn. Chúng ta không nên nghe theo một bên mà tin lời các ngoại đạo sư. Chúng ta thực sự không biết sự thực về các vị tỳ khưu này.” Họ bắt đầu thấy ân hận về hành vi của họ đối với các vị tỳ khưu. Những lời tố cáo đầy kinh tởm không tồn tại lâu dài và sau bảy ngày chúng hoàn toàn tắt lịm.

Vụ giết người của các ngoại đạo sư được phơi bày ra ánh sáng

 

Vua Kosala sai một nhóm binh sĩ bí mật đi điều tra vụ án. Vào một dịp nọ, những tên giết người sau khi nhận được tiền từ các ngoại đạo sư về việc giết chết Sundari, chúng uống rượu say khướt. Hai tên sát nhân gây gỗ nhau và bắt đầu ẩu đã nhau, một tên quát tên kia rằng: “ Thế là mày đang ăn uống hả hê với đồng tiền nhận được từ các  ngoại đạo sư do việc chết nàng Sundari và bỏ xác của nàng dưới đống hoa héo.” (Việc say sưa đã khiến tên cướp phơi bày tội ăn cắp bò của hắn, đó là câu châm ngôn). Nhóm thám thính bèn bắt hết bọn chúng và dẫn chúng đến trước mặt vua Pasenadi Kosala.

 

Đức vua hỏi: “ Có phải các ngươi đã giết Sundari không ?” Chúng thừa nhận: “ Thưa vâng…Tâu bệ hạ.” Đức vua tiếp tục hỏi : “Ai đã xui khiến các ngươi gây tội ác?” Họ đáp lại: “ Do sự xúi dục của các đạo sư ở ngoài giáo pháp.” Các ngoại đạo sư được gọi đến và sự điều tra chính thức được thực hiện. Tất cả các ngoại đạo sư đã thừa nhận tội của họ. Và đức vua truyền lịnh các ngoại đạo sư phải đi quanh thành phố và công bố rằng: “ Chúng tôi đã sai khiến những tên sát nhân giết chết Sundari với mục đích đem lại sự suy tàn cho Sa- môn Gotama. Sa-môn Gotama hoàn toàn vô tội. Những đệ tử của vị ấy cũng vô tội. Riêng chúng tôi chịu trách nhiệm về việc giết chết Sundari. Những ngoại đạo sư các ông phải đi khắp thành phố và tự mình công bố những lời trên.”

 

Theo lịnh truyền của đức vua, các ngoại đạo sư đã làm như  vậy. Dân chúng không còn tôn kính họ và rất ghê tởm họ. Các ngoại đạo sư phải chịu hình phạt về tội giết người. Dân chúng tôn kính cúng dường Đức Phật và chúng Tăng với tâm tịnh tín lớn hơn.

 

Hoan hỷ kệ của Đức Phật

 

Rồi một số đông tỳ khưu đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn. Sau đó họ bạch với Đức Thế Tôn rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn … Thật là một sự việc hy hữu chưa từng có trước kia, đáng được chấp tay tán dương. Bạch Đức Thế Tôn, lời tiên tri của Thế Tôn ‘Này các tỳ khưu… Những giọng điệu như vậy sẽ không tồn tại lâu dài. Chúng chỉ kéo dài trong vòng bảy ngày và chúng sẽ biến mất sau thời gian bảy ngày’ đã thành hiện thực, những giọng điệu như vậy không còn nữa.”

Đức Phật cũng biết rõ sự thực rằng, không bao giờ có trường hợp nào mà bậc giới đức có trí tuệ không thể chịu đựng ngay cả lời chỉ trích độc ác nhất bởi hạng người ngu dốt, thấp hèn. Cảm nghĩ tự tin cao tột này làm sanh khởi hỉ lạc dồn dập đến nỗi nó lên đến cực điểm để bộc phát thành hoan hỉ kệ (udāna).

Tudanti vācāya janā saññatā

sarehi sañgāmagataṇva kuñcaraṃ

sutvāna vākyan phrusam udīritaṃ

adhivāsaye bhikkhu aduṭṭha citto.

“ Này các tỳ khưu… vị tỳ khưu đã từ bỏ thế gian vì sợ những hậu quả ác của kiếp sống vô thường, nên khắc phục những thế lực ác bằng sự nhẫn nại, như con voi ngoài chiến trận có thể chống lại và đẩy lùi những làn tên từ phía kẻ thù, khi bị tấn công bởi những kẻ ngu dốt hèn hạ không chút tự chế về thân, ngữ và ý, lăng mạ, vu khống và chỉ trích kẻ khác một cách ngu si, tựa như đang tấn công các thầy bằng con dao hai lưỡi.”

Ác nghiệp quá khứ là nguyên nhân dẫn đến sự vu khống từ Sundari

 

Ở đây có câu hỏi được nêu ra là: “ Tại sao Đức Phật không tiết lộ sự thật rằng các ngoại đạo sư đứng đằng sau của toàn thể vấn đề dù Ngài biết rõ đầu đuôi của mưu đồ này?” Câu trả lời như sau : Không cần thiết để nói điều này với các bậc thánh nhân. Các bậc thánh ngay từ đầu đã có niềm tin tuyệt đối vào phẩm chất cao quý của Đức Phật và chúng Tăng. Và có thể có một số người trong đám phàm phu sẽ không chấp nhận những lời của Đức Phật khi Ngài tiết lộ những sự thật của vụ án. Sự bất tín nơi Đức Phật sẽ trở thành nghiệp bất thiện trong tâm, gây cho họ sự tai hại và đau khổ khôn tả trong một thời gian dài ở kiếp sau. Cho nên Đức Phật đã im lặng không tiết lộ sự thật của vụ việc.

 

Nói cách khác, nói trước những sự kiện và những hậu quả liên quan của chúng không phải là pháp hành truyền thống của chư Phật (dhammatā aciṇṇa).

 

Các Ngài thường không vạch trần người chủ mưu hành động tội ác. Các Ngài bàn đến những vấn đề như vậy một cách khách quan (Hãy xem câu kệ phản bác trên). Các Ngài không đứng ra ngăn cản tai họa mà nhất định phải xảy đến với các Ngài. Do đó, các Ngài giữ thái độ bình thản trước những lời công kích của mọi người và vụ giết chết Sundarī là nguyên nhân của những lời chỉ trích ấy.

Và vẫn còn một câu hỏi khác cần nêu ra là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bị tố cáo một cách thô bạo nhất, khi Đức Phật đã có phước vô lượng được gieo tạo trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ! Đây là câu trả lời.

Trong một kiếp quá khứ, trước khi trở thành Bồ tát, Đức Phật của chúng ta là một người nát rượu tên là Murali. Vị ấy kết bạn với những kẻ ác, phi đạo đức và trở thành người phi đạo đức như họ. Một hôm vị ấy trông thấy một vị Phật Độc giác tên là Surabhi, đang mặc y để chuẩn bị đi vào thị trấn khất thực. Tình cờ, một người đàn bà đi ngang qua Đức Phật Độc Giác. Murali vốn có tâm hay suy nghĩ bậy bạ, nên đã nói lời nhận xét xúc phạm Đức Phật Độc Giác: “ Vị tỳ  khưu này có thói quen chìm đắm trong dục lạc giới tính.”

Vị ấy đã phải bị đọa trong các cõi khổ trải qua nhiều trăm ngàn năm vì tội ấy. Và vị ấy phải thọ lãnh dư báo nghiệp của hành động ác ấy là bị mọi người vu khống đã hành dâm với nữ đạo sĩ Sundari ngay cả sau khi đã thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. ( Có 12 cách trả quả tương tự mà Đức Phật phải lãnh chịu vì những ác nghiệp quá khứ của Ngài trong những kiếp trước. Những cách trả quả này được tìm thấy trong bộ kinh Pāḷi Apadāna).

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 11

Post Views: 299