Nội Dung Chính
- Sự thuyết giảng kinh Sāriputta
- Sau khi Đức Phật đã thuyết bài pháp trước đó, tôn giả Sāriputta bèn đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến những trú ngụ thích hợp và khả ái, chỗ đi khất thực được cho phép, pháp hành (thiền chỉ và thiền quán), v.v… để đem lại lợi ích cho những đệ tử đang tu tập dưới sự hướng dẫn của trưởng lão. Những câu hỏi này được nêu ra trước Đức Phật bằng tám câu kệ và Đức Phật đưa ra một loạt câu trả lời trong mười ba câu kệ. (Đó là những câu trả lời dài và cặn kẽ, và ở đây chỉ là những câu ở dạng cô đọng. Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem kinh Pali Sutta Nipāta).
- Kinh Sāriputta (dạng tóm tắt)
- (1) Con là Sāriputta, cho đến bây giờ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói về Bậc đại sĩ của một giáo phái, đã đi vào lòng mẹ của vị ấy từ cõi Tāvatiṃsa, Bậc có giọng nói rất khả ái và có năng lực thị hiện thần thông, với tất cả sự vĩ đại và oai lực của một vị Phật toàn giác.
- Bốn nguyên nhân của sự ta thán
- Đức Phật bị vu khống bởi nữ đạo sĩ hành cước Cincamanavika
- Âm mưu quỷ quyệt của Cincanama
- Sự vu khống trước tứ chúng
- Sakka đi xuống để giải quyết vấn đề
- Cicamana bị nuốt chửng bởi đường nứt của trái đất
Sự thuyết giảng kinh Sāriputta
Sau khi Đức Phật đã thuyết bài pháp trước đó, tôn giả Sāriputta bèn đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến những trú ngụ thích hợp và khả ái, chỗ đi khất thực được cho phép, pháp hành (thiền chỉ và thiền quán), v.v… để đem lại lợi ích cho những đệ tử đang tu tập dưới sự hướng dẫn của trưởng lão. Những câu hỏi này được nêu ra trước Đức Phật bằng tám câu kệ và Đức Phật đưa ra một loạt câu trả lời trong mười ba câu kệ. (Đó là những câu trả lời dài và cặn kẽ, và ở đây chỉ là những câu ở dạng cô đọng. Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem kinh Pali Sutta Nipāta).
Kinh Sāriputta (dạng tóm tắt)
(1) Con là Sāriputta, cho đến bây giờ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói về Bậc đại sĩ của một giáo phái, đã đi vào lòng mẹ của vị ấy từ cõi Tāvatiṃsa, Bậc có giọng nói rất khả ái và có năng lực thị hiện thần thông, với tất cả sự vĩ đại và oai lực của một vị Phật toàn giác.
(2) Tất cả chư thiên, Phạm thiên và loài người đều thực sự trông thấy Ngài là Bậc đã xua tan bóng tối của vô minh, là Bậc vô địch, vô song, thọ hưởng trạng thái an lạc của thiền chứng và trạng thái tịch tịnh của Niết bàn. Tất cả chư thiên, Phạm thiên và nhân loại đều tôn kính Ngài là bậc có Ngũ nhãn.
(3) Bạch Đức Thế Tôn … Bậc đã thoát khỏi hai loại phiền não là chấp thủ và tà kiến, Bậc đã bất động trước các pháp thăng trầm của thế gian, Bậc không bao giờ thu hút sự chú ý của mọi người bằng những pháp thần thông, Bậc đã đến cổng thành Sankassa như là Bậc đại trí của một giáo phái… Con, Sāriputta, đã đến tại chỗ này với mục đích dâng lên Thế Tôn những vấn đề để được giải đáp ngõ hầu đem lại lợi ích cho những đệ tử của con.
(4, 5) (a) Có bao nhiêu đối tượng đáng sợ và có hại cho vị tỳ khưu cao quý do ghê sợ những hiểm họa lớn của sự sanh, v.v… đã đến cội cây vắng vẻ, bãi tha ma, hay một chiếc giường có chân ngắn trong một hang động?
(6) (b) Có bao nhiêu loại tai họa cần phải áp chế mà vị tỳ khưu cao quý có thể gặp phải khi vị ấy đang trên đường đi đến miền đất Niết bàn chưa đạt được, đơn độc đến ẩn xá nơi rừng núi, nằm bên ngoài thị trấn hay làng mạc?
(7) (c)Vị tỳ khưu có thể nói những lời nói nào? (d) Thế nào là những chỗ đi khất thực hợp pháp dành cho vị tỳ khưu cao quý ? (e) Những pháp hành nào mà vị tỳ khưu cao quý nên tu tập?
(8) (f) Vị tỳ khưu nên thọ trì giới như thế nào bằng sự kiên trì, sự quyết định trưởng thành, và chánh niệm rõ ràng để loại trừ bụi phiền não, như người thợ kim hoàn thanh lọc vàng?
(Như vậy tôn giả Sāriputta đã nêu ra tám câu kệ, gồm ba câu kệ tán dương các ân đức của Đức Phật và năm câu kệ về pháp hành mà năm trăm tỳ khưu đệ tử của vị ấy nên thọ trì).
(1) Này con Sāriputta… Có hai điều mà một người thiện sanh đang tầm cầu đạo tuệ, rút về nơi ẩn dật do ghê sợ các sanh hữu cần phải biết (a) cách sống trong an lạc và thanh tịnh và (b) pháp hành cần được tu tiến. Như lai sẽ dạy con hai pháp này mà Như Lai biết chúng từ trí tuệ thực nghiệm, không phải bằng suy luận.
(2-3) Này con Sāriputta… Một người có trí và chánh niệm không nên sợ hãi hay dao động khi vị ấy tiếp xúc với năm đối tượng nguy hiểm như (l) ruồi, muỗi, mòng (2) rắn, bò cạp, rít, chuột, (3) đạo tặc, (4) thú bốn chân, như sư tử, cọp, beo (5) những người ở ngoài giáo pháp không có đức tin đối với Tam bảo, thường có thể gây bất lợi bằng những câu hỏi và những quan điểm đối địch của họ. Người ấy không nên hốt hoảng hay sợ hãi trước năm loại đối tượng nguy hiểm như vừa nêu ra.
(Cần chú ý câu trả lời cho câu hỏi (a) năm loại đối tượng nguy hiểm được nêu ra, đó là (1) muỗi, mòng, (2) rắn, rết, bò cạp, chuột (3) đạo tặc, (4) loài bốn chân như sư tử, cọp, beo (5) Những người ngoại đạo gây bất lợi bằng những quan điểm đối địch vô nghĩa của họ).
Hơn nữa, vị tỳ khưu cao quý như cố gắng tu tập để chứng đắc Niết bàn bằng cách thực hành theo thiện đạo chân chánh nên áp chế năm loại ‘kẻ thù bên trong’ để bổ túc những điều vừa được mô tả.
(4) (1) Bịnh tật, (2) sự đói khát, (3) sự lạnh, (4) sự nóng, và (5) khi vị tỳ khưu gặp phải điều bất lợi do tiếp xúc với một trong những đối tượng nguy hiểm này. Vị ấy phải chống lại hay nhẫn nại chịu đựng chúng vì những cảm thọ và những sự đau đớn như vậy sẽ dẫn đến việc sanh khởi mười ác nghiệp (do thân, ngữ và ý). Vị ấy nên bảo vệ mình bằng sự cố gắng chân chánh (sammappadhāna).
(Để trả lời câu hỏi (b) Đức Phật nêu ra năm loại ‘nội phiền’ sau đây : (1) bịnh tật, (2) sự đói khát, (3) sự lạnh, (4) sự nóng, (5) nhóm mười ác nghiệp khởi sanh từ chúng.
Sau khi thuyết giảng phần (a) và (b) Đức Phật tiếp tục thuyết giảng các phần (c), (d), (e) và (f) bằng chín câu kệ dưới đây).
(5) Một vị tỳ khưu cao quý phải luôn luôn kiên tránh trộm cắp và nói dối ; vị ấy phải nguyện hạnh phúc cho cả (i) những người vẫn còn những bợn nhơ của ái dục (tasa) và (ii) những người đã đoạn diệt ái dục (thavara). Vị ấy phải loại trừ tất cả mười loại ác nghiệp, hay nói ngắn gọn, là nhóm những hành vi bất thiện vì chúng là những trợ thủ của Mara.
(Bốn loại thiện hạnh được mô tả trong câu kệ này, đó là : kiên tránh trộm cắp và nói dối, nguyện an vui cho tất cả mọi người và đoạn trừ ác hạnh).
(6) Vị tỳ khưu cao quý không được khởi tâm sân hận (kodha) và ngã mạn thái quá (atimāna). Những nguyên nhân chính của hai pháp bất thiện này có sáu, đó là vô minh (avijjā), bất như lý tác ý (manasikāra), tự cao (asamimāna), vô tàm (ahīri), vô uý (anottappa), và phóng dật (uddhacca). Những nguyên nhân căn cội này phải được đoạn tuyệt. Hơn nữa, tình cảm thương và ghét phải được khắc phục bằng tâm xả ly (upekkhā).
(Ở đây, bốn pháp hành được nêu ra, đó là : sân và mạn phải được đoạn trừ, và sáu nguyên nhân căn cội phải được đoạn trừ, những đối tượng đáng thương và đáng ghét phải được từ bỏ bằng tâm xả).
Vị tỳ khưu cao quý cần phải tu tập giác tỉnh và mười pháp tùy quán. Sức mạnh của hỉ (pīti) có được nhờ sự tu tập ấy, những kẻ thù nói trên gồm cả bên trong và bên ngoài phải được đoạn trừ.
(Đây là lời giáo huấn của Đức Phật để đoạn diệt những kẻ thù bên trong và bên ngoài như đã được nêu ra ở (a) và (b) bằng mười pháp tùy quán (anusati). (Đó là quán về Buddha, Dhamma, Saṅgha, Sīla, Cāga, Devatā, Marana, Kāyagatā, Ānapāna, Upasamāna. Muốn biết thêm chi tiết, hãy xem bộ Visuddhimagga). Pīti sanh khởi từ thiền quán nên được sử dụng như phương tiện tu tập kham nhẫn. Đây là phương cách khắc phục những kẻ thù trên).
(7) Vị tỳ khưu nên khắc phục tâm bất mãn trong ẩn xá vắng vẻ và tu tập pháp thiền bằng những phương tiện tự độ như vậy để đem lại kết quả mỹ mãn. Những phương tiện tự độ như vậy cũng được áp dụng để loại trừ bốn nguyên nhân ta thán được kể ra dưới đây.
Bốn nguyên nhân của sự ta thán
(1) Loại vật thực nào mà ta sẽ phải ăn ngày hôm nay (là cơm, hay bánh, hoặc cá hoặc thịt)?
(2) Tại chỗ trú ngụ nào mà ta sẽ phải ngồi ăn (tại cung điện của đức vua, hay nhà của vị Ba-la-môn hay của một vị trưởng giả)?
(3) Ta đã phải ngủ đêm hôm qua (trên một tấm ván hay trên một tấm chiếu thô, hay một tấm da hay một đống cỏ).
(4) Ở loại chỗ cao sang nào ta sẽ phải ngủ tối nay (trên một chiếc giường có bốn chân). Bốn loại suy quán này được gọi là bốn nguyên nhân ta thán.
(8) Vị tỳ khưu tu tập pháp hành về sīla, samadhi và pañña để thoát khỏi những chướng ngại (paḷibodha), như sự luyến ái thuộc quyến thuộc, giáo phái, chỗ ngụ và các món vật dụng, nên từ bỏ những lo lắng liên quan đến vật thực và những vấn để liên quan đến chỗ ngụ. Bốn điều lo nghĩ này nên được từ bỏ.
(Vị tỳ khưu có thể ta thán do áp lực của những điều lo nghĩ như vậy. Do đó vị ấy cần phải cắt đứt tất cả bốn chướng ngại, như luyến ái quyến thuộc hay thí chủ, những thành viên trong giáo phái của vị ấy, chỗ trú ngụ và các món vật dụng).
Khi vị tỳ khưu có được vật thực và y phục một cách hợp pháp đúng thời điểm, vị ấy nên có sự tri túc trong việc thọ lãnh và sử dụng chúng.
(Về vấn đề tri túc, vị tỳ khưu nên xét về lượng vật thí, chừng mức trong ý định của thí chủ, chừng mức về nhu cầu của mình. Trường hợp lượng vật thí cần nhiều so với tác ý của thí chủ thì người thọ thí nên hài lòng với lượng vật thí có giới hạn. Khi lượng vật thí sẵn có tương đối ít hơn chừng mức mà thí chủ định dâng cúng thì người thọ thí vẫn nên thọ lãnh lượng vật thí có giới hạn. Khi lượng vật thí đủ lớn để làm thỏa mãn những ước muốn của thí chủ là dâng cúng lượng lớn vật thí, người thọ thí vẫn nên thọ lãnh chỉ vừa phải để đáp ứng nhu cầu của mình. Cho nên chữ Paṭiggaha mataññuta – thọ lãnh chỉ vừa đủ nhu cầu. Sự thọ dụng bốn món vật dụng có quán tưởng gọi là Thọ dụng Tri lượng – Paribhoga mataññutā).
(9) Vị tỳ khưu cao quý sau khi hộ phòng chính mình chống lại những pháp bất thiện bằng cách thọ trì hai phần giới về sự thọ lãnh và sự sử dụng bốn món vật dụng, nên đi vào phố quận và làng mạc với oai nghi trang nghiêm và tránh nói những lời thô lỗ, ngay cả khi đáp lại những người đã xúc phạm mình.
(Nghĩa là : Vị tỳ khưu (i) nên thọ lãnh và sử dụng vật thí theo đúng 2 cách tri lượng, (ii) nên đi lại trong phố quận và làng mạc với oai nghi trang nghiêm và (iii) nên giữ mình tránh nói lời thô lỗ ngay cả khi nói với những người đã xúc phạm mình).
(10) Vị tỳ khưu phạm hạnh nên nhìn xuống, không nên du phương nơi này nơi khác, nên cố gắng để chứng đắc tầng thiền chưa chứng đắc, cố gắng thành đạt năm pháp tự tại trong thiền chứng (jhāna) đã chứng đắc, nên ngủ có chánh niệm, chỉ bốn giờ một ngày, vào canh giữa của đêm (và thời gian còn lại thì ngồi hoặc đi kinh hành trong khi đang thọ trì các học giới của vị tỳ khưu). Qua những sinh hoạt như vậy, xả (upekkha) được phát triển do bởi Tứ thiền, tâm được bình thản. Những ý nghĩ về dục (kāma-vitakka), những dục tưởng (kāma- saññā) và sự trạo cử của chân tay (kukkucca) được nhiếp phục.
(11) Bất cứ huấn thị nào của thầy hòa thượng tế độ như : “ Điều này không đúng và không thích hợp” thì nên được ghi nhớ với tâm tri ân và hoan hỉ. Tâm sân hận và thái độ không thân thiện đối với những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh thì không nên có. Tâm này phải bị tiêu diệt như tiêu diệt cây gai nhọn. Chỉ nên nói những lời trong sáng, không bao giờ nói điều gì ngoài phạm vi giới luật (sīla, samādhi, pañña) cho phép hoặc quá thời gian. (Vị tỳ khưu có thể bị phê phán, chỉ trích vì vi phạm giới cấm, vì tà kiến, tà mạn cho nên cần phải kiên tránh những ác hạnh như vậy ngay cả trong ý nghĩ, không phải trong lời nói hoặc hành động).
(12) Này con Sāriputta… Ngoài ra, thế gian này, có năm loại bụi trần, đó là: sự luyến ái cảnh sắc (rūpa-rāga), sự luyến ái cảnh thinh (sadda-rāga), sự luyến ái mùi (ganda-rāga), sự luyến ái vị (rasa- rāga), sự luyến ái vật xúc chạm (phothabba-rāga). Tất cả những sự luyến ái như vậy nên được đoạn trừ bằng pháp hành sīla, samādhi, pañña với chánh niệm. Sự hành đạo chuyên cần sẽ giúp vị tỳ khưu có thể đoạn trừ năm loại bụi trần.
(Năm loại bụi trần nên được đoạn trừ bằng sự thọ trì ba học giới. Chỉ những người thọ trì các học giới này mới có thể khắc phục năm loại bụi trần, không ai khác có thể làm như vậy).
(13) Một khi năm loại bụi trần này được đoạn trừ, vị tỳ khưu sẽ không còn vui thích năm loại cảnh dục. Vị tỳ khưu ấy, với chánh niệm, thoát khỏi các chướng ngại, quán đúng thời về các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã với tâm kiên định tuyệt đối. Tâm của vị ấy trở nên điềm đạm, và sẽ xuyên thủng bóng tối phiền não.
Như vậy, Đức Phật đã trả lời những câu hỏi của tôn giả Sāriputta với ý định khai sáng từng bước, mà chắc chắn dẫn đến tầng thánh quả A-la-hán. Năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta chứng đắc đạo quả A-la-hán vào lúc kết thúc thời pháp, và ba mươi koti chư thiên và nhân loại được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế.
Đức Phật bị vu khống bởi nữ đạo sĩ hành cước Cincamanavika
Như đã trình bày ở những đoạn trước đó, Đức Phật, sau khi giải thoát cho năm trăm vị tỳ khưu đệ tử của tôn giả Sāriputta và ba mươi koti chư thiên và nhân loại qua sự giác ngộ Tứ Diệu Đế, Ngài tiếp tục đi đến Sāvatthi để trú ngụ tại tịnh xá Jetavana và thuyết pháp cho những chúng sanh hữu duyên đã đến đó.
Chính vào thời gian ấy, một nữ đạo sĩ hành cước hèn mọn, quỷ quyệt, tên là Cincamanavika đã thực hiện một sự vu khống đối với Đức Phật. Sau đây là nội dung câu chuyện.
Số lượng đệ tử của Đức Phật gia tăng rất nhanh, như thủy triều dâng, suốt hai mươi năm đầu của thời kỳ giáo pháp, được gọi là Sơ- giác-thời – Paṭhama Bodhi. Và số lượng của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc bốn tầng thánh quả (ariya bhūmi) cũng gia tăng theo thời gian, và những ân đức của Đức Phật, như Araham, lan rộng đến tột đỉnh của thế giới. Số lượng tứ sự được cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng gia tăng rất nhiều trong khi đó sức mạnh của các ngoại đạo sư thì dần dần tàn lụi và những lợi lộc cúng dường đến họ dần dần giảm sút đến mức ít ỏi như ánh sáng của con đom đóm bị tiêu diệt khi mặt trời mọc lên vào ban mai.
Các ngoại đạo sư đứng ở các ngã ba đường và ra sức xúi dục mọi người cúng dường đến họ bằng cách nói rằng: “Này các cư sĩ… Sa-môn Gotama không phải là người duy nhất đã chứng đắc Phật quả, chúng tôi cũng đã chứng đắc Phật quả vậy… Phải chăng chỉ cúng dường đến Sa-môn Gotama mới được phước ? Các vị có thể gặt hái quả phước bằng cách cúng dường đến cả chúng tôi nữa. Do đó, các người cũng nên cúng dường đến chúng tôi.”
Những lời kêu gọi của họ không kết quả, và vì vậy họ hội họp với nhau “ để lập kế nói xấu Sa-môn Gotama, để mọi người không cúng dường đến Sa-môn Gotama do thiếu tôn kính.”
Lúc bấy giờ, tại Sāvatthi, có một nữ đạo sĩ hành cước tên là Cincamanavika. Nàng ta có tên như vậy vì nàng ta sanh ra từ một cây me ; cho nên nàng được mọi người biết đến là “nàng trinh nữ sanh ra từ cây me, Cincamanavika.” Tương truyền rằng nàng xinh đẹp và duyên dáng như tiên nữ và thân của nàng phát ra ánh sáng thành từng vòng quanh thân.
Khi các ngoại đạo sư đang bàn mưu tính kế thì có một ngoại đạo sư ngu si, độc ác đưa ra một mưu kế để vu cáo Đức Phật bằng cách dùng nàng Cincamanavika làm công cụ cho những mục đích hẹp hòi của họ. Mưu kế này được tán đồng và chấp nhận là mưu kế có hiệu quả để cắt đứt nguồn vật thí chảy đến Sa-môn Gotama.
Khi nữ đạo sĩ Cincamanavika đi đến trong khuôn viên tịnh xá của họ và đứng trước họ trong tư thế kính lễ, nàng hoàn toàn không biết bí mật của họ. Nàng tò mò muốn biết và vì vậy nàng hỏi họ rằng:“Thưa các ngài… Con xin đảnh lễ các ngài ba lần. Con đã làm điều gì sái quấy xúc phạm đến các ngài và con đã phạm tội gì? Tại sao các ngài im lặng?”
Đây là câu trả lời khắc khe của họ: “Này cô Cincamanavika…Phải chăng ngươi không biết rằng Sa-môn Gotama đã đi khắp nơi và gây tổn hại cho chúng ta bằng cách tước đoạt những vật thí của chúng ta?”
Rồi Cincamanavika nói rằng: “Con chẳng biết gì về điều này… Con có thể làm gì giúp các ngài trong vấn đề này?” Họ bèn nói với nàng về ý định của họ: “Này Cincamanavika… Nếu cô quan tâm đến lợi ích của chúng ta, thì cô có thể bêu xấu Sa-môn Gotama bằng cách dùng sắc đẹp của cô làm công cụ để tiêu diệt danh tiếng, danh dự và lợi lộc của vị ấy.” Như vậy nàng được giao phận sự thi hành một công việc dơ bẩn.
Âm mưu quỷ quyệt của Cincanama
Cincanama mạnh dạn hứa rằng: “Dạ được, thưa các ngài… Các ngài có thể yên tâm chờ con hoàn thành trách nhiệm được giao. Đừng lo lắng gì về vấn đề này,” rồi nàng rời khỏi đó. Sau đó nàng ta bắt đầu thực hiện từng bước âm mưu quỷ quyệt. Nàng ta mặc vào bộ y phục màu hồng và đi đến Jetavana tịnh xá với bó hoa trong tay, vào lúc mọi người ra khỏi Jetavana tịnh xá sau khi nghe pháp. Mọi người hỏi nàng rằng: “Cô đi đâu vậy?” Nàng đáp lại: “Các người biết chỗ đến của tôi để làm gì ?” để làm khởi dậy sự hoài nghi của họ đối với nàng. Thực ra nàng rẽ qua khuôn viên tịnh xá của các ngoại đạo sư và nghỉ đêm ở đó. Vào lúc mọi người ra khỏi thành Sāvatthi vào lúc sáng sớm để đảnh lễ Đức Phật, thì nàng đi ra từ Jetavana tịnh xá trở về Sāvatthi, tựa như nàng đã ngủ qua đêm tại đó. Khi được hỏi nàng đã ngủ qua đêm tại đâu, nàng cho câu trả lời tương tự: “Các vị sẽ được gì khi biết tôi ngủ qua đêm ở đâu ?” để tạo ra sự nghi hoặc trong tâm của họ.
Mỗi ngày nàng đều làm như thế. Sau một thời gian khoảng một tháng rưỡi nàng bắt đầu sử dụng cách đổ tội bằng cách đáp lại rằng: “Tôi đã ngủ qua đêm với Sa-môn Gotama trong hương phòng của vị ấy.” Điều ấy khiến những người còn phàm phu tự hỏi liệu nàng ta có nói thật hay không. Khoảng ba hoặc bốn tháng sau, nàng giả vờ có thai bằng cách buộc miếng gỗ tròn vào trước bụng của nàng và mặc bộ y phục màu hồng ở bên ngoài. Và nàng bắt đầu nói với mọi người rằng nàng đã có thai với Sa-môn Gotama, một lời vu khống được những kẻ phàm phu thiếu trí tin theo.
Sự vu khống trước tứ chúng
Sau một thời gian khoảng tám hoặc chín tháng, Cincamana buộc miếng gỗ tròn hình nửa quả trứng vào trước bụng của nàng và mặc y phục màu hồng để có hình tướng của người đàn bà mang thai. Nàng lấy xương hàm của con bò đánh đập vào hai tay và hai chân của nàng để làm ra vẻ như người đàn bà có thai nặng nề yếu đuối. Rồi vào một buổi chiều nọ, nàng đi đến chỗ Đức Phật đang ngồi trên pháp tọa và thuyết pháp đến tứ chúng. Nàng đứng ngay trước mặt Đức Phật và nói lời vu khống độc ác như sau:
“Này ông Đại Sa-môn… Ông cứ an nhàn thuyết pháp đến mọi người như thế! Còn về phần tôi, tôi đã trở thành một người mẹ sắp sanh con qua việc sống với ông. Thế mà ông vẫn dửng dưng không lo nghĩ sắp xếp cho sự sinh đẻ của tôi. Nếu ông không quan tâm đứng ra làm những công việc như vậy, thì ông có thể nhờ đến vua Kosala, hoặc Anāthapiṇḍika hoặc Visakha, là thí chủ của tịnh xá, để làm những công việc cần thiết cho tôi. Ông cứ ngồi yên một cách vô trách nhiệm và nhẫn tâm đối với giọt máu của ông, nhưng ông biết cách vui sướng trong dục lạc.”
Như vậy Cincamana đã nói lời vu khống độc ác đến Đức Phật trước mặt đại chúng đông đảo như một người đàn bà ngu xuẩn, cố gắng tiêu diệt mặt trăng bằng cục phẩn trong bàn tay của mình. Nhân đó, Đức Phật ngừng thời pháp của Ngài và như một sư tử chúa, đã bác bỏ lời vu khống của nàng bằng giọng nói đầy oai lực.
“Này cô Cincamana… chỉ có cô và Như Lai biết điều mà cô vừa nói ra là đúng hay sai.”
Cincamana tỏ ra không nhân nhượng, nàng tạo ra một làn sóng tấn công khác bằng cách nói rằng: “Đúng như vây, này ông Đại Sa- môn… Đây là vấn đề giữa ông và tôi, việc mang thai này là sự thật.”
Sakka đi xuống để giải quyết vấn đề
Nhân đó, bảo tọa lục bảo của Sakka bắt đầu nóng lên khiến Sakka phải xem xét nguyên nhân của nó; ngài nhận biết rằng: “Cincamana đã nói lời vu khống độc ác đến Đức Phật.” Vị ấy nghĩ rằng: “Ta sẽ đi và tự mình giải quyết vấn đề trước sự hiện diện của mọi người.” Vị ấy cùng với bốn vị chư thiên xuống nơi Đức Phật đang thuyết pháp. Bốn vị chư thiên ấy tự biến mình thành bốn con chuột nhắt và cắn đứt những sợi dây buộc miếng gỗ tròn trên bụng của Cincamana, và khi ngọn gió thổi lên làm giở lên chiếc áo của nàng, thì miếng gỗ tròn rơi xuống ngay trên đầu mười ngón chân của nàng, gây ra sự đau buốt dữ dội.
Cicamana bị nuốt chửng bởi đường nứt của trái đất
Tất cả mọi người hiện diện đều lên án và khạc nhổ vào nàng, người cầm cục đá, kẻ cầm cây gậy v.v… họ kéo nàng ra khỏi khuôn viên của tịnh xá. Khi nàng đã ở khuất khỏi tầm nhìn của Đức Phật thì đất nứt ra để đón lấy thân xác của nàng. Rồi những ngọn lửa từ địa ngục A-tỳ (Avici) tóm lấy nàng và nuốt chửng nàng xuống đáy sâu của đại địa ngục A-tỳ ( Mahā Avici).
Khi mọi người trông thấy các ngoại đạo sư đã lộ rõ bộ mặt thật của họ, người ta cúng dường ít hơn đến họ, trong khi đó vật thí đến với Đức Phật và Tăng chúng càng dồi dào hơn.