Chương 26 – Kiếp Quá Khứ Bất Thiện Của Tôn Giả Mahā Moggallāna

Chương 26 – Kiếp Quá Khứ Bất Thiện Của Tôn Giả Mahā Moggallāna

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Kiếp quá khứ bất thiện của tôn giả Mahā Moggallāna

Này Ác ma… có một sự kiện đáng lưu ý đã xảy ra trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, ta là Ma vương tên Dusi và chị của ta là Kalī, còn ngươi lúc bấy giờ là con trai của chị ta. Như vậy ngươi là cháu của ta.

(Nói về vấn để này, tôn giả Mahā Moggallāna đã kể lại sự nối tiếp của các đời con cháu bên nội và bên ngoại, từ kiến thức được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đối với loài người thì đứa  con lên kế thừa ngôi vị của vua cha, nhưng điều này không áp dụng cho những chúng sanh ở cõi chư thiên. Một vị thiên sanh ra để thay vào địa vị của một vị thiên khác ngay khi vị ấy mạng chung, do phước của vị thiên sau. Ma vương Vasavatti hiện tại chính là cháu của Ma vương Dusi. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy, vị ấy đã làm các việc phước và nhờ vậy được sanh lên làm Ma vương Vasavati, do phước của vị ấy).

Sau khi kể cho Ma vương biết về quan hệ ruột thịt của họ trong một kiếp quá khứ, tôn giả tiếp tục làm sáng tỏ sự thật rằng chính vị ấy, tức Ác ma Dusi, đã gây nên một ác nghiệp nghiêm trọng nên đã phải chịu khổ trong các khổ cảnh trong thời gian dài.

‘Này Ác ma… Ta chính là Ma vương Dusi trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, Ngài có hai vị đại đệ tử là Vidhūra và Sañjiva. Vị Thượng thủ Thinh văn Vidhūra là đệ nhất về Chánh Pháp (Dhamma); nên vị ấy được gọi là Vidhūra, nghĩa là vị trưởng lão về trí tuệ. Còn vị trưởng lão Sañjiva thì có khả năng trú trong thiền diệt (Nirodha-samāpatti) một cách tự tại bất cứ lúc nào vị ấy muốn, dù ở trong rừng, dưới cội cây hay một nơi vắng vẻ nào. Một hôm nọ, những người chăn bò, những nông dân và những người qua đường tưởng lầm vị ấy là vị tỳ khưu đã chết trong tư thế ngồi, trong khi vị ấy đang an trú trong Thọ-diệt-tưởng-định (Nirodha-samāpatti).Tất cả những người ấy đi kiếm củi, cỏ khô và phân bò và chất lên người của trưởng lão Sañjiva rồi châm ngọn lửa vào đó như một hành động hỏa tảng và ra đi.

(Các bậc A-na-hàm – Anāgami và A-la-hán khi muốn nhập thiềt diệt thường nguyện trước bốn điều, đó là: (1) Những vật dụng cá nhân mà không ở trên người của vị ấy thì không bị tiêu diệt bởi năm loại kẻ thù như nước, lửa, v.v… (2) Vị ấy có thể xuất định ngay trước khi có người đem tin đến và sẵn sàng khi Tăng chúng cần vị ấy làm một công việc nào đó, (3) Vị ấy có thể xuất định ngay trước khi có người đem tin đến và sẵn sàng khi được gọi bởi Đức Phật; (4) Vị ấy sẽ không mạng chung trong khi đang nhập thiền diệt (cả 4 điều này có hiệu lực trong suốt thời gian nhập thiền diệt của vị ấy). Đối với những vật dụng trên người của vị ấy thì không cần thiết phải nguyện bảo vệ chúng vì ngay cả một sợi chỉ trên chiếc y của vị ấy cũng không bị cháy bởi ngọn lửa do những người chăn bò và những kẻ khác).

Này Ác ma…Vào sáng hôm sau, Sañjiva xuất định và bước ra khỏi đống lửa hồng, phủi sạch bụi bậm trên chiếc y và đi vào làng để khất thực. Những người chăn bò, đám nông dân và khách qua đường mà đã làm công việc hỏa thiêu vị ấy ngày hôm trước, họ rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy đại trưởng lão (mahāthera) đang trên đường đi khất thực. Họ nói với nhau rằng: “ Đây là loại thần thông mà trước kia chưa bao giờ xảy ra, vị bhikkhu mà chúng ta trông thấy đã chết trong thế ngồi ngày hôm trước. Và vị ấy đã sống lại một cách kỳ diệu”. Này Ác Ma…Vì lý do ấy mà mọi người gọi tên vị mahāthera là Sañjiva, ám chỉ việc vị ấy sống trở lại.

Ác nghiệp nghiêm trọng của Ma vương Dusi

Này Ác ma… Ma vương Dusi đã nghĩ ra một kế hoạch tạo ra một tình huống gây xao động tâm tư của những vị bhikkhu hiền thiện bằng phương tiện độc ác. Vị ấy tự nghĩ: “ Ta không biết những vị tỳ khưu giới đức ấy từ đâu đến và họ sẽ đi đâu, ta sẽ xui khiến các gia chủ Ba-la-môn gièm pha những vị bhikkhu nổi tiếng có giới đức và chánh trực bằng cách nói những lời lăng mạ, chê bai, tố cáo, gièm pha và phỉ báng các vị bhikkhu. Hành xử như vậy của các gia chủ Bà-la- môn sẽ gây phiền não và làm họ phân tâm, nhờ đó sẽ tạo ra cơ hội cho ta làm hại họ.”

 

Này Ác Ma…Ma vương Dusi ấy đã đi trước để xui khiến các gia chủ Bà-la-môn làm theo lời chỉ bảo của vị ấy bằng cách nói xấu và nhục mạ các vị bhikkhu và kết quả là các gia chủ Bà-la-môn bắt đầu nói xấu các vị bhikkhu do hiểu lầm.

“ Những bhikkhu tà mạng kia, những tên đầu trọc thuộc giai cấp hạ liệt, dơ bẩn sanh ra từ phần cong phía trên bàn chân của Phạm thiên, ngồi không, lười biếng, giả bộ ngồi thiền, với cổ cong cong và mặt cúi xuống.

Họ giống như con diều đang ngồi đợi những con chuột nhắt đi ra từ tán lá, hay con cáo ranh mãnh tìm kiếm những con cá dọc theo bờ sông; như con mèo nằm chờ con mồi của nó ở miệng cống hoặc bên cái thùng đựng rác; như con lừa nằm uể oải gần đống rác ở một góc xó của hàng rào. Những tên Sa-môn đầu trọc ấy thuộc giai cấp hạ liệt, dơ dáy, sanh ra từ phần phía trên bàn chân của Phạm thiên, ngồi lười biếng, giả bộ ngồi thiền, với cổ cong cong và mặt cúi xuống.”

Như vậy, họ đã mắng nhiếc các vị bhikkhu bằng cách dùng những lời chửi mắng và thô lỗ; do hiểu lầm, họ gièm pha các vị bhikkhu theo sự xui khiến của Ma vương Dusi.

 

Hầu hết những người ấy đều bị tái sanh trong các khổ cảnh, như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và A-tu-la, tùy theo tội nặng nhẹ của họ.

 

(Chúng ta nên xét những điểm sau đây liên quan đến đoạn văn: “ Hầu hết những người ấy đều tái sanh trong bốn khổ cảnh” để có cái nhìn chính xác.

Nếu những người ấy bị Ma vương Dusi nhập vào và bị xui khiến chửi mắng các bhikkhu như là ‘ những tác nhân’ của vị ấy, thì họ không phạm tội do không tác ý khi làm như vậy. Riêng Ác ma  Dusi chịu trách nhiệm của ác nghiệp này và vì thế những người này không bị tái sanh vào các khổ cảnh về vấn đề trên.

Điều thực sự xảy ra là như thế này: Ma vương Dusi không nhập vào họ và dùng họ làm tác nhân của vị ấy, nhưng vị ấy tạo ra một tình huống khiến họ do hiểu lầm chống lại các vị bhikkhu. Vị ấy tạo ra những cảnh có sự hiện diện của những phụ nữ trong khu vực của những vị bhikkhu; những cảnh có sự hiện diện của những người đàn ông trong khu vực của những bhikkhuni; những vị bhikkhu đánh bắt  cá bằng những cái bẫy và lưới, đang săn bắt chim bằng những cái bẫy sập, hoặc săn thú trong rừng bằng những con chó săn, cảnh những vị bhikkhu đang chè chén ngả nghiêng với những cô gái trong quán rượu, đang nhảy múa và ca hát, những phụ nữ đang quanh quẩn trong khu vực của các vị bhikkhu và những chàng trai ở trong chỗ ngụ của các vị bhikkhuni vào lúc trời sẫm tối… (Đây là ma thuật được Ma vương Dusi tạo ra).

Dân chúng nhìn thấy những cảnh trái nghịch như vậy bất cứ khi nào họ đi vào rừng, đến các khu lâm viên và đến các tịnh xá đến nỗi họ hầu như ghê tởm các vị bhikkhu và nhất trí không cúng dường nữa, họ nói rằng: “ Những vị bhikkhu này có những hành vi không thích đáng. Làm sao chúng ta có phước khi cúng dường đến những người thấp hèn như vậy ?”

 

Họ mắng nhiếc các vị bhikkhu bất cứ khi nào họ gặp và vì vậy họ bị tái sanh vào các khổ cảnh do những ác nghiệp của họ đối với các vị bhikkhu.

 

Này Ác ma… Khi Đức Phật Kakusandha Buddha biết rằng những vị bhikkhu đệ tử của Ngài đã bị xúc phạm bởi những người chịu ảnh hưởng bất chánh của Ma vương Dusi, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài tu tập bốn phạm trú, đó là (1) Metta, (2) Karunā, (3) Muditā, (4) Upekkhā. Các vị bhikkhu đã siêng năng tu tập bốn phạm trú theo sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn ấy.

Khi Ma Vương Dusi thấy rằng mưu kế như vậy không ảnh hưởng tâm của các vị bhikkhu, vị ấy lại thay đổi mưu kế bằng cách xui khiến mọi người tôn kính lễ bái và cúng dường với động cơ sâu kín là gây ra sự rối rắm và bấn loạn trong tâm các vị tỳ khưu, như vậy sẽ đem lại cho vị ấy cơ hội để làm hại họ. (Mưu chước của vị ấy sẽ được bàn sau).

Này Ác ma… những vị Bà-la-môn ấy đã làm theo sự chỉ bảo của vị ấy là đảnh lễ và cúng dường vật thực đến các vị tỳ khưu.

Này Ác ma… hầu hết những người ấy đều được tái sanh trong các cõi hạnh phúc nhờ đã làm những việc phước như vậy.

( Có vài điểm lý thú liên quan đến những người đạt đến các cõi hạnh phúc).

Cũng như trong những trường hợp trước, Ma vương Dusi đã tạo ra những cảnh khó coi thế nào, thì lần này vị ấy tạo ra những cảnh khả ái đẹp lòng để khơi dậy tâm tịnh tín của mọi người với các vị tỳ khưu.

Vị ấy tạo ra những cảnh mô tả các vị bhikkhu trong những tư thế khác nhau; một số đang bay trong không trung, một số đang đứng hoặc ngồi kiết già, một số đang mang y, những vị khác thì đang thuyết pháp hoặc đang học kinh tạng và những vị khác thì đang trùm y vào người để sưởi ấm ngoài trời, còn những vị sa-di thì đang hái hoa trong không trung. (Đây là một mưu kế khác của Ma vương Dusi).

Khi mọi người trông thấy các vị bhikkhu với những sinh hoạt khác nhau lúc đi vào rừng, vào khu lâm viên hoặc đến các tịnh xá, họ bèn kể lại với những người trong thành phố về những điều họ trông thấy: “ Những vị tỳ khưu này, ngay cả những vị sa-di trẻ cũng có oai lực lớn và đáng được cúng dường. Sẽ có quả phước to lớn cho chúng ta khi cúng dường đến những vị tỳ khưu có oai lực như vậy.”

Mọi người bèn cúng dường đến các vị bhikkhu bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, tịnh xá và thuốc chữa bệnh và gặt hái phước báu to lớn. Họ được tái sanh vào những cõi hạnh phúc nhờ những việc phước như vậy!)

“Này Ác ma… Đó là cách mà Ma vương Dusi áp dụng để tác động mọi người cúng dường đến các vị tỳ khưu.”

Sau khi vạch rõ âm mưu của Ma vương, Đức Phật Kakusandha quay sang các vị tỳ khưu và khuyên họ thực hành thiền quán : “Này các tỳ khưu, hãy sống trú trong pháp thiền quán về tánh bất tịnh của thân (assubha), về tánh chất đáng nhờm gớm của vật thực (ahare paṭikūla), về tánh chất bất lạc, bất toại nguyện của thế gian (anabhirati), về tánh chất vô thường của các pháp hữu vi (anicca).”

“Này Ác ma… sau khi tín thọ lời dạy của Đức Phật Kakusandha, tất cả các vị bhikkhu đều thực hành thiền quán về asubha, ahare paṭikūla, anabhirati, anicca ở trong các khu rừng hay những nơi vắng vẻ và dưới các cội cây, kết quả là tất cả các vị bhikkhu đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. ”

(Chú thích: Đức Phật Kakusandha đã đến tất cả nơi trú ngụ của các vị bhikkhu trong thế gian, bất kể số lượng các vị bhikkhu ở một nơi là bao nhiêu, và khuyên họ chuyên tâm thực hành thiền quán. Các vị bhikkhu đã tu tập bốn đề mục thiền quán này và phát triển tuệ minh sát, nhờ vậy tất cả họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán).

“Này Ác ma… một thời gian sau, Đức Phật Kakusandha đi khất thực, theo hầu là vị Tối thượng Thinh văn, đại trưởng lão Vidhura. Ma vương Dusi thất bại trong việc làm hại các vị bhikkhu sau khi xúi dục các gia chủ mắng nhiếc cũng như tôn kính cúng dường các ngài. Cuối cùng vị ấy tự mình tiêu diệt chư Tăng. Vị ấy nhập vào một cậu bé và ném một nắm đá vào đại trưởng lão Vidhura. Do sự tấn công của vị ấy, những viên đá trúng vào đầu của đại trưởng lão cắt vào da và chạm đến sọ.

Này Ác ma… Đại trưởng lão Vidhura theo sau Đức Phật Kakusandha với dòng máu chảy xuống mặt, ngài vẫn an nhiên trước biến cố. Rồi Đức Phật Kakusandha quay người và nhìn vào vị ấy, với cái nhìn của con voi chúa và kết án kẻ xúc phạm: “Ma Vương Dusi ngu si này không biết lượng sức mình.” Và ngay lúc ấy Ma vương Dusi mạng chung. Vị ấy bị tái sanh vào địa ngục.”

(Ở đây, câu: “Với cái nhìn của con voi chúa nên được hiểu như vầy: khi con voi quay nhìn vào đối tượng, nó không chỉ quay đầu mà thực sự quay về phía bên phải.

Xương của người bình thường được nối với nhau bằng những đầu xương chạm vào nhau. Trường hợp của chư Phật Độc giác, những đốt xương được nối với nhau bằng những đầu móc ở cuối của đốt xương. Trường hợp của chư Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, xương được nối với nhau bằng những cái vòng ở mỗi đầu của đốt xương. Chính vì lý do này mà Đức Phật Kakusandha phải quay cả người  trước khi Ngài nhìn vào đối tượng ở sau lưng Ngài, như pho tượng vàng quay tròn bằng cái bệ xoay. Đức Phật Kakusandha quay người như vậy và nhận xét: “Ma Vương Dusi ngu si này không biết lượng sức mình, vị ấy đã gây ra một tội lỗi rất nặng nề.”

Liên quan đến đoạn: “Vào lúc này, Ma vương Dusi mạng chung từ cõi chư thiên và tái sanh vào khổ cảnh,” nên được hiểu rằng, chư thiên ở các cõi trời thường chết ở cõi chư thiên của họ khi hết thọ mạng. Do đó, không nên cho rằng Ma vương Dusi chết tại cõi người. Nên hiểu rằng vị ấy trở về cõi chư thiên và mạng chung tại đó rồi tái sanh vào cõi khổ.

Nên nhớ rằng, dầu Ma vương Dusi chết vào lúc Đức Phật Kakusandha quay người nhìn vào cảnh phạm tội, không có nghĩa là vị ấy mạng chung vì điều ấy. Thực tế là thọ mạng của vị ấy bị cắt đứt tựa như bằng lưỡi búa khổng lồ vì sự xúc phạm tàn bạo của vị ấy đối với vị Tối thắng Thinh văn của Đức Phật, bậc có những oai đức vĩ đại).

“Này Ác ma… Ma Vương Dusi đã phải bị thọ hình trong ba cõi khổ, đó là các cõi Chaphassāyatanika, Sañkusamāhata và Paccatavedanīya. ”

(Chú thích: Những tội đồ ở trong địa ngục loại này, các căn của họ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ngực (tim) bị đâm thủng bởi những cây sắt có đầu nhọn, và kết quả là họ thường xuyên chịu những cơn đau khủng khiếp tại mỗi căn ấy gọi là ‘những cơn đau do xúc’ và vì vậy, cõi khổ ấy được gọi là ‘cõi khổ Chaphassāyatanika’. Địa ngục tương tự cũng được gọi là ‘ Địa ngục Sañkusamāhata ’vì nó có nhiều cây sắt đầu nhọn để trừng phạt tội đồ. Một tên khác dành cho nó là ‘Paccatavedanīya,’ vì bản chất tự chịu khổ của nó dầu không có ai đứng ra trừng phạt).

 

“Này Ác ma… những chúa ngục thường đến đều đặn sau những khoảng thời gian nhất định, và báo cho ta biết rằng khi hai cây lao cùng đâm vào ngực thì nó đánh dấu đã hết một ngàn năm. ”

(Chú thích: Đoạn “ khi hai cây lao cùng đến” cần được giải thích : Những tội đồ của địa ngục thuộc loại này có kích thước 3 gāvuta. Những tay đao phủ, gồm hai nhóm, bắt đầu trừng phạt chúng bằng cách đâm xuyên những cây lao ở trên ngực và nói rằng: “Đây là chỗ mà những ý nghĩ của ngươi đã sanh lên để làm điều ác.”

Mỗi cây lao đường kính to bằng cây thốt nốt, mỗi nhóm hành tội gồm 50 người, một nhóm đi từ ngực lên đầu gây ra những cơn đau xé buốt bằng cách đâm xuyên những cây lao khắp đường. Nhóm kia đi từ ngực xuống chân cũng theo cách như vậy. Mỗi nhóm phải mất 500 năm để đến đầu hoặc chân; hoặc một ngàn năm để đi hết một vòng, khi ấy hai nhóm gặp nhau ở ngực).

“Này Ác ma… Ta đã phải chịu thọ hình trong đại địa ngục ấy trải qua hằng trăm ngàn năm và khi được thoát khỏi chỗ đó, ta phải đến một địa ngục phụ của đại địa ngục ấy, nó có tên là Ussāda, ở đó ta phải chịu cực hình còn khốc liệt hơn ở đại địa ngục, trải qua mười ngàn năm trước khi cuối cùng thoát khỏi chỗ đó.

“Này Ác ma…Ta có thân người và đầu cá suốt thời gian thọ hình trong địa ngục ấy (đầu của con người tròn và trên đó những cây lao đâm vào có thể bị trượt trong khi đầu của con cá thì dài và dẹp và dùng làm mục tiêu tốt). ”

Sau khi kể lại những biến cố quá khứ, đại đức Mahā Moggallāna tiếp tục thuyết giảng đến Ma vương bằng 21 câu kệ để khiến vị ấy ăn năn về những hành động ngu si của vị ấy.

(a)    Địa ngục nơi mà Ma vương Dusi bị đoạ đày vì tội xúc phạm bậc A-la-hán Vidhura, vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật cũng như chính Đức Phật, địa ngục ấy có bản chất là hành hạ tội đồ bằng những cây lao sắt; những cây lao sắt này tự động hành hạ tội đồ, dù không có những tay đao phủ.

Này Ác ma… ngươi có thể bị đoạ đày trong địa ngục như vậy vì tội xúc phạm vị Thinh văn của Đức Phật, bậc biết rõ nhân quả của bất cứ nghiệp nào.

(b)   Có những nơi nằm giữa đại dương. Chúng có dáng vẻ khả ái của những viên ngọc nhiều màu lấp lánh. Một số đông tiên nữ có thể được trông thấy đang múa hát trong những nơi ấy.

Này Ác ma… ngươi đã xúc phạm vị Tối thượng Thinh văn của Đức Thế Tôn, bậc biết rõ những nơi ấy, những lạc thú được thọ hưởng bởi những tiên nữ ấy và những nhân duyên của những lạc thú ấy.

(c) Vị bhikkhu ấy đã khiến cho tịnh xá Pubbayon, do Visākhā, mẹ của phú hộ Migara dâng cúng, phải rung chuyển ngay khi đang được Tăng đoàn ngắm nhìn theo lời đề nghị của Đức Phật.

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả do sự xúc phạm của ngươi đến vị bhikkhu đã thành tựu thắng trí và tuệ giác (abhiñña và paññā).

(d)   Vị bhikkhu ấy đã khiến cung điện Vejayanta của Sakka phải lắc lư bằng ngón chân cái của vị ấy, do năng lực thần thông của vị ấy, khiến tất cả chư thiên hoảng sợ.

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi chống lại vị bhikkhu đã thành tựu abhiñña và paññā.

 

(e)    Vị bhikkhu ấy đã đi đến cung điện Vejayanta của Sakka và hỏi vị ấy câu hỏi này: “ Này Sakka… Ngươi có biết chăng sự thật về sự giải  thoát  mà  trong  đó  không  có  tất  cả  mọi hình thức tham muốn ?” Khi được hỏi như vậy, Sakka bèn đưa ra câu trả lời đúng. Này Ác ma ngu si… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi đối với vị thanh văn của Đức Như Lai (Tathāgata), bậc đã thành tựu abhiñña và paññā, khiến vị ấy có  thể đặt câu hỏi như vậy.

(f)    Vị bhikkhu ấy đã hỏi Đại phạm thiên một câu hỏi ở gần giảng đường Sudhamma dhamma: “Này ông thiện nam…phải chăng ông vẫn còn mang quan điểm lầm lạc rằng không có vị bhikkhu hay Sa- môn nào có khả năng đi đến các cõi Phạm thiên ? Ông có bao giờ trông thấy hào quang của Đức Như Lai vượt trội hào quang của các vị Phạm thiên, của các cung điện và y phục của họ chưa ?”

Đại phạm thiên trả lời: “Tôi không còn mang những quan điểm lầm lạc cổ xưa ấy nữa. Tôi nhìn thấy hào quang của Đức Phật sáng trội hơn hào quang của các vị Phạm thiên, của các cung điện và y phục của họ. Tại sao tôi còn khăng khăng cho rằng tôi thì thường hằng hay là một chúng sanh bất tử ?”

Này Ác ma… ngươi sẽ phải lãnh chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi chống lại vị Thinh văn đệ tử của Đức Như Lai, bậc đã thành tựu abhiñña và paññā, có thể đặt ra những câu hỏi như vậy.

(g)    Vị bhikkhu ấy, bằng thắng trí (abhiñña) dựa trên giải thoát thiền (vimokka jhāna), đã tiếp xúc với đỉnh núi Mahā Meru và bốn châu đảo Đông, Tây, Nam và Bắc, vào lúc nhiếp phục rồng chúa Nandopananda (tôn giả Mahā Moggallāna đã che hết ngọn núi Mahā Meru và bốn châu đảo bằng tác nhân của con rồng được hóa hiện lúc bấy giờ).

Này Ác ma… ngươi sẽ phải chịu những hậu quả về sự xúc phạm của ngươi đối với vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật, bậc đã thành tựu abhiñña và pañña, có thể đặt ra những câu hỏi như vậy .

 

(Chú thích: Khi nói chuyện với Ma vương, tôn giả Mahā Moggallāna đang nói về chính ngài tựa như ngài là một vị bhikkhu khác, và cách thuyết pháp như vậy được gọi là Annapadesa).

Tôn giả Mahā Moggallāna đã chinh phục Ma-vương bằng cách mô tả thần thông của ngài bằng 7 cách từ (a) đến (g).

(a)      Liên quan   đến   bài kinh   Māratajjaniya   Sutta trong phần Mūlapaṇṇāsa.

(b)     Liên quan đến thần thông của ngài trong những chuyến đi thuyết pháp như trong Vimāna vatthu và Peta vatthu.

(c)    Liên quan đến bài kinh Mahā Moggallāna trong phẩm Mahā Vagga của Tương Ưng Bộ.

(d)  và (e) Liên quan đến bài kinh Cūlataṇhāsankhaya Sutta trong phần Mūlapaṇṇāsa.

(f)     Liên quan đến bài kinh Aññatara Brahma Sutta của phẩm Sagātha Vagga, Tương Ưng Bộ.

(g)    Liên quan đến Chú giải Thanh tịnh đạo, cuốn 2, về sự nhiếp phục rồng chúa Nandopananda.

(h)   Lửa không cần cố gắng để đốt cháy con người ngu si mà chính kẻ ngu si tự đốt cháy mình. Cũng như kẻ ngu si tự đốt cháy mình, ngươi cũng vậy, sẽ khiến cho chính ngươi bị đốt cháy do xúc phạm Đức Phật.

(i)    Này Ác ma… ngươi đã gây ra một hành động tội lỗi bằng cách xúc phạm vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật. Ngươi có nghĩ rằng hành động tội lỗi của ngươi sẽ không đem lại hậu quả thích đáng không ?

(j)    Này Ác ma… số nghiệp bất thiện chống lại ngươi sẽ gia tăng theo thời gian. Này Ác ma… phải chăng ngươi vẫn chưa chán việc làm hại Đức Phật ? (Lẽ ra ngươi nên rút ra bài học từ những ác nghiệp của cậu ngươi là Ma vương Dusi đã phải chịu khổ trong các địa ngục). Ngươi nên dừng ngay những hành động làm hại các vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật.

Tôn giả  Mahā Moggallāna đã  khuyến giáo  Ma vương  khi nêu ra những ví dụ làm bằng chứng để khiến vị ấy ân hận về những việc làm điên rồ của mình và ghê sợ những quả dữ trong một thời gian dài, tại khu rừng thiêng Bhesakala, kết quả là Ma vương với tâm nặng trĩu, đã biến mất tại chỗ.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 9

Post Views: 300