Chương 28 – Mùa An Cư Thứ 10 Của Đức Phật Tại Khu Rừng Pālileyyaka

Chương 28 – Mùa An Cư Thứ 10 Của Đức Phật Tại Khu Rừng Pālileyyaka

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


CHƯƠNG 28

MÙA AN CƯ THỨ 10 CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KHU RỪNG PĀLILEYYAKA

Bālakaloṇaka là ngôi làng phong kiến của địa chủ Upāli. Đức Phật đi đến ngôi làng ấy mà không báo cho vị tỳ khưu nào biết, ngay cả vị Thượng thủ Thinh văn hay cả đại đức Ānanda, như con voi chúa rời khỏi đàn. Ngài đi đến đó hoàn toàn một mình cùng y và bát vì sẽ không có chúng sanh nào để Ngài tế độ trong suốt hạ thứ mười sắp đến. Sự ra đi một mình của Ngài đến thành phố Kosambi là cách để khuyến giáo các vị tỳ khưu đang bất hòa với nhau. Ngài bỏ đi vào khu rừng Pālileyyaka, và trên đường đi Ngài muốn tỏ thái độ ủng hộ trưởng lão Bhagu làm cho ông hoan hỉ, lúc bấy giờ đang sống độc cư trong rừng và nuôi mạng bằng cách đi khất thực ở ngôi làng Bālakaloṇaka.

Năm trăm vị tỳ khưu muốn đi theo Đức Phật

 

Khi Đức Phật ra đi một mình như vậy, năm trăm vị tỳ khưu nói với đại đức Ānanda rằng: “Thưa đại đức Ānanda. Đức Phật đã ra đi một mình, chúng ta hãy đi theo Ngài.” Khi ấy, đại đức Ānanda đáp lại rằng: “Thưa các tôn giả! Khi Đức Thế Tôn dọn dẹp chỗ ngụ và y bát rồi một mình ra đi mà không dẫn theo thị giả nào và không báo cho chư Tăng biết nghĩa là Ngài muốn đi một mình. Đệ tử nên tôn trọng ý định của thầy mình. Do đó, vào những ngày này các tôn giả không nên đi theo bậc Đạo-Sư.” Như vậy, đại đức Ānanda đã không cho họ đi, mà chính vị ấy cũng không đi theo vì biết rõ ý định của Đức Phật.

 

Khi trưởng lão Bhagu trông thấy Đức Phật từ xa đi đến ngôi làng Bālakaloṇaka, vị ấy sửa soạn chỗ ngồi và đem nước đến để Ngài rửa chân, tấm ván để Ngài đặt chân lên và mảnh gấm dùng để chà chân. Vị ấy cung đón Đức Phật và đỡ lấy y bát của Ngài. Khi ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn, Đức Phật rửa chân và hỏi vị ấy: “Này tỳ khưu! Con có được an vui không? Có đủ vật thực không? Đi khất thực có thuận tiện không?” “Bạch Đức Thế Tôn! Con hoàn toàn được an vui, con có đủ vật thực, con kiếm vật thực không khó khăn.” Ngay khi ấy Đức Phật ban một thời pháp thoại về lợi ích của đời sống độc cư, rồi Ngài tiếp tục đi về hướng đông của khu rừng Trúc.

 

Đức Phật đi đến phía đông của khu rừng Trúc

Lúc bấy giờ, ba vị trưởng lão là Anuruddha, Nandiya và Kimila đang sống ở khu rừng Trúc. Khi người bảo vệ rừng trông thấy Đức Phật từ xa đang đi đến, ông ta tưởng Ngài là vị tỳ khưu bình thường nên chặn Ngài lại và nói rằng: “Thưa ông tỳ khưu! Đừng đi vào khu rừng này, ba thành viên của thị tộc trú ngụ trong khu rừng này vì lợi ích của họ. Xin đừng gây bất tiện cho họ.”

(Chú thích: cũng như một người đói bụng thèm ăn, một người khát nước muốn uống, một người bị lạnh muốn sưởi ấm, một người nóng nực muốn được mát hay một người buồn muốn được vui. Cũng vậy, Đức Phật vì chán cảnh các vị tỳ khưu Kosambi bất hòa với nhau, bèn nghĩ đến những vị tỳ khưu có giới đức sống ở đó. Khi suy xét như vậy, Đức Phật trông thấy ba thành viên quý tộc này bằng Phật nhãn và muốn sách tấn ba nhân vật cao quý này, Ngài suy xét như vầy: “Nếu Ta làm như vậy thì đó là cách tốt nhất để khuyến giáo các vị tỳ khưu xứ Kosambi mãi mãi về sau.” Vì vậy Ngài đi về phía đông của khu rừng Trúc, chỗ ngụ của ba nhân vật cao quý).

Khu rừng nơi mà trưởng lão Anuruddha và hai vị trưởng lão kia đang sống có hàng rào được canh giữ nên hoa trái và những căn nhà bằng gỗ ở trong đó được an toàn không bị quấy phá bởi bất cứ người nào. Khi người bảo vệ trông thấy Đức Phật đi đến từ xa, ông ta suy nghĩ: “Ở đây trong khu rừng này có ba nhân vật cao quý đang sống hòa hợp với nhau. Sự bất hòa và xung đột có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào nếu có người khác đến. Một người có thể đi chỗ này chỗ kia để quấy phá và tấn công như những con bò rừng có cặp sừng nhọn và sự phá hoại như vậy có thể gây ra sự chia rẽ khiến cho hai người không thể đi chung với nhau trên cùng một con đường. Vị đại Sa-môn này đến viếng thăm có thể gây ra sự bất hòa lúc này hoặc lúc khác rồi phá hoại sự nương tựa đầy hạnh phúc và gắn bó của ba nhân vật cao quý này. Xem ra ông ta có ấn tượng với nước da vàng ròng và giống như người ưa thích vật thực thượng vị. Ông ta đến đây, với sự khen ngợi những tín đồ của ông ta là những người sẽ dâng cúng đến ông ấy những bữa ăn ngon và bằng cách làm điều này hay điều khác, ông ta có thể phá hoại đời sống phạm hạnh đầy chánh niệm của ba nhân vật cao quý thánh thiện này.

Ngoài ra, chỗ ngụ chỉ đủ cho ba người, chỉ có ba thảo am, ba đường đi kinh hành, ba chỗ ẩn cư vào ban ngày, ba chiếc giường và ba tấm ván, không có gì dư thừa cả. Vị đại Sa-môn này là người mới đến, có thân cao lớn, có lẽ vị ấy là vị Sa-môn đã tu lâu năm, ông ta có thể chóang chỗ những người cư ngụ hiện tại khiến họ không được an vui về mọi phương diện.” Suy nghĩ như vậy, người bảo vệ ngăn không cho Đức Phật đi vào rừng bằng cách nói rằng: “Đừng quấy rầy sự an vui của họ.”

(Người ta có thể nói rằng phải chăng người bảo vệ rừng ngăn chặn bậc Đạo sư vì ông biết Ngài hay là ông ta làm như vậy vì không biết? Câu trả lời là ông làm như vậy vì không biết.

Giải thích: Khi Đức Phật xuất hiện như vậy, với oai lực của một vị Phật giữa hội chúng tỳ khưu người ta có thể nhận biết Đức Phật mà không cần hỏi: “Người đàn ông này là ai?” Nhưng Ngài đi về hướng đông của khu rừng Trúc với ước muốn rằng: “Đừng ai biết rằng Ta là Đức Phật” nên Ngài đã thu hết hào quang và những oai lực của một vị Phật bằng phương tiện thần thông của Ngài tựa như Ngài che dấu chúng dưới tấm vải. Ngài đi lại trong tướng mạo của người bình thường như mặt trăng tròn to lớn bị che khuất bởi những đám mây, tự mình mang y bát. Người bảo vệ ngăn chặn Đức Phật vì ông ta không biết Ngài là một vị Phật Toàn Giác).

Trong khi đang ngụ ở chỗ ẩn cư ban ngày, trưởng lão Anuruddha nghe câu nói của người bảo vệ ‘Này tỳ khưu! Đừng đi vào khu rừng này.’ Trưởng lão tự nghĩ rằng: “Chỉ có ba chúng ta cư ngụ trong khu rừng này, không có ai khác đang cư ngụ ở đây. Người bảo vệ nói tựa như ông ta đang nói chuyện với một vị tỳ khưu, người ấy là ai?” Rồi vị ấy ngồi dậy, đứng ở cửa và nhìn khắp con đường, vị ấy trông thấy Đức Phật.

Về phần Đức Phật, vừa khi Ngài nhìn lướt qua trưởng lão Anuruddha và Ngài phát ra hào quang với ba mươi hai tướng hảo và tám mươi tướng phụ rực rỡ như dải lụa vàng được trải rộng. Khi ấy, trưởng lão nghĩ rằng: “Như người duỗi cánh tay ra để tóm lấy cổ của con rắn độc và cái mang dựng đứng của nó, người đàn ông tội nghiệp không biết đó là Đức Phật dầu ông ta đang nói chuyện với bậc tôn quý nhất trong thế gian. Ông ta nói chuyện tựa như ông ta đang nói chuyện với một vị tỳ khưu bình thường.” Bởi vậy, trưởng lão nói với người bảo vệ: “Này ông bảo vệ! Đừng chặn đường Đức Phật, đây là bậc Đạo sư, Đức Thế Tôn của chúng ta!”

 

Ba vị Trưởng lão đón tiếp Đức Phật

 

Trưởng lão Anuruddha không đi một mình để đón tiếp Đức Phật, vì trưởng lão nghĩ rằng: “Ba chúng ta hiện đang sống hòa hợp với nhau. Nếu một mình ta đi đón tiếp Đức Phật thì không đúng với đời sống hòa hợp. Ta sẽ dẫn hai người bạn của ta cùng đi đón tiếp Ngài. Hai bạn của ta cũng tôn kính Ngài giống như ta.” Ước muốn cùng hai bạn đi yết kiến Đức Phật, vị ấy đi đến chỗ ẩn tu ban ngày của hai vị và gọi họ: “Nào! Các hiền giả, hãy đến đây. Bậc Đạo sư của chúng ta, Đức Phật đã đến.” Rồi ba vị trưởng lão với tâm đầy ý hợp cùng đón tiếp Đức Phật. Người thì cầm y bát, người kia sửa soạn chỗ ngồi và người kia thì sắp sẵn nước, tấm ván và miếng sành để Đức Phật rửa chân.

 

Khi ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn, Đức Phật rửa chân của Ngài.

(Ở đây, hai bàn tay của Ngài đỏ như hoa sen mới nở. Đức Phật múc một ít nước trong như pha lê và rưới xuống hai lòng bàn chân màu vàng ròng và lấy bàn chân này chà vào bàn chân kia để rửa chân của Ngài.

Người ta có thể nói rằng tại sao Đức Phật phải rửa chân của Ngài dầu rằng thân của Ngài hoàn toàn không dính bụi? Câu trả lời là Ngài rửa chân để làm mát chân và đồng thời làm hoan hỷ ba vị trưởng lão. Lý do sau cần được giải thích. Qua việc Đức Phật rửa chân như vậy, Ngài có thể khiến cho ba vị trưởng lão vô cùng hoan hỷ với ý nghĩ rằng: “Nước do chúng ta mang đến, bậc Đạo sư đã dùng để rửa chân và như vậy Ngài đã dùng đến nó.” Vì lý do như vậy mà Đức Phật rửa chân dầu thân của Ngài không hề dính chút bụi nào).

Sau khi đảnh lễ Đức Phật, ba vị trưởng lão bèn ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi Đức Phật hỏi: “Này các con! Các con có được an vui không? Các con có hoàn toàn khỏe mạnh không? Các con có được an vui trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi không? Các con có được thoải mái trong việc nuôi mạng không?” Trưởng lão Anuruddha đáp lại: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con luôn được an vui. Chúng con hoàn toàn an vui trong bốn oai nghi. Chúng con không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật thực.”

(Ở đây, trong số ba vị trưởng lão, Ngài Anuruddha là vị tỳ khưu cao hạ nhất. Nếu vinh dự được ban đến trưởng lão Anuruddha, vị trưởng lão cao hạ nhất thì có nghĩa là vinh dự cũng được ban đến cho hai vị trưởng lão nhỏ hạ hơn. Đó là lý do khiến Đức Phật gọi tên Anuruddha. Nói cách khác, trong kinh tạng Pāḷi, tên Anuruddha ở dạng số nhiều, nghĩa đen là ‘Này Anuruddha! Các con…’ Trong câu nói của Ngài, Đức Phật dùng phương pháp gọi tắc (Virupekasesa) bao hàm cả hai vị trưởng lão còn lại).

Lại nữa, Đức Phật hỏi: “Này Anuruddha! Các con sống với nhau có được hòa hợp và hạnh phúc, không tranh cãi, và giống như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt thân ái không.” Trưởng lão Anuruddha trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con quả thật có sự hòa hợp và hạnh phúc, không tranh cãi bất hoà, và chúng con nhìn nhau với cặp mắt thân ái.” Đức Phật hỏi tiếp: “Này Anuruddha! Làm sao các con làm được như vậy?” Trưởng lão giải thích: “Bạch Đức Thế Tôn! Sống trong khu rừng này, con tự xét rằng: “Lợi đắc của ta quả thật to lớn. Ta đã thành đạt sự may mắn to lớn, vì sống chung với hai người bạn này có cùng bản tánh như vậy. Bạch Đức Thế Tôn! Đối với hai người bạn này con đã cư xử bằng thân từ ái, lời nói từ ái và ý nghĩ từ ái ngay cả trước mặt cũng như lúc vắng mặt họ. Bạch Đức Thế Tôn! Khi nghĩ rằng: ‘Khi làm điều gì, ta gạt lại ý riêng của ta mà làm theo ý kiến của họ, ta phải tôn trọng ý của họ hơn ý của ta. Bạch Đức Thế Tôn! Dầu ba chúng con có thân khác nhau nhưng tâm tính chúng con giống tựa như một.”

Sau đó, trưởng lão Nandiya và trưởng lão Kimila bạch với Đức Phật với nội dung giống như trưởng lão Anuruddha.

(Ở đây, liên quan đến những lời được nói về sự thực hành của thân, lời nói và ý nghĩ có từ ái (metta) đi kèm dù trước mặt hay sau lưng kẻ khác. Hành động về thân và lời nói trước mặt kẻ khác được thể hiện khi đang sống với nhau. Chúng được thể hiện ở sau lưng kẻ khác khi đang ở cách xa nhau. Tuy nhiên, hành động về ý nghĩ xảy ra trong khi đang sống chung với nhau hay trong khi đang ở riêng biệt).

Giải rõ: Khi một vị tỳ khưu đồng cư trông thấy một chiếc giường, một tấm ván, một vật bằng gỗ hay một thứ đồ gốm để sai chỗ bởi một vị tỳ khưu khác, vị ấy không nên hỏi một cách hình sự rằng: “Ai đã dùng đến cái này?” Thay vào đó, vị ấy nên cầm nó lên rồi để lại đúng vị trí của nó tựa như chính vị ấy đã đặt sai vị trí và bây giờ vị ấy phải đặt lại cho đúng chỗ. Hơn nữa, vị ấy nên làm sạch sẽ bất cứ chỗ nào cần làm sạch sẽ. Như vậy, hành động về thân của vị tỳ khưu ấy được xem là đã được làm bằng tâm từ trước mặt những người khác.

Khi có một vị tỳ khưu đồng cư đi vắng, thì một vị tỳ khưu nào đó trong số còn lại cũng nên trả về lại vị trí cũ những vật dùng trong tịnh xá đã bị bỏ lại một cách bề bộn bởi vị tỳ khưu đi vắng. Vị ấy nên làm sạch bất cứ chỗ nào nên được làm sạch. Hành động của thân như vậy được gọi là hành động được làm với tâm từ khi người khác đi vắng.

Sống chung với những vị trưởng lão khác, vị tỳ khưu nên nói bằng những lời từ ái và dịu ngọt, những lời khẩn khoản, những lời đáng ghi nhớ lâu dài, những lời nói của Giáo pháp, nên nói Pháp, luận Pháp và đặt ra những câu hỏi và trả lời trong Giáo pháp. Mọi hành động về lời nói như vậy là lời nói có tâm từ trước mặt những người khác.

Khi những vị khác đi đến một nơi nào đó, thì vị tỳ khưu ở lại (như trưởng lão Anuruddha chẳng hạn) tán dương những đức tính của họ như nói rằng: “Trưởng lão Nandiya (hay trưởng lão Kimila) có những đức tánh như vậy và những hạnh đức như vậy. Hành động về lời nói như vậy được gọi là lời nói từ hòa được nói ra khi vị khác đi vắng. Cầu mong cho trưởng lão Nandiya, bạn thân của ta (hay trưởng lão Kimila) không gặp những điều rủi ro tai hại. Cầu mong cho bạn của ta không sân hận, không thù nghịch, cầu mong cho bạn của ta thân tâm hằng được an vui.” Hành động về ý nghĩ của vị ấy như vậy tập trung vào những ý tưởng chúc lành cho kẻ khác ở trước mặt cũng như sau lưng của họ được gọi là ý từ ái trong cả hai trường hợp.

(Bằng cách nào mà ba vị trưởng lão gác lại ý muốn của riêng mình và hành động theo ý của người khác? Giả sử cái bát của vị này có dấu hiệu cũ sét, cái y của vị kia dơ và thiền thất của vị thứ ba cũng bị dơ và cần được dọn sạch. Trong khi ba thứ này cùng xảy ra, nếu chủ nhân của cái bát nói trước rằng ‘Cái bát của tôi đã bị cũ sét, tôi phải đốt nó để làm mới lại.’ Khi ấy, hai vị kia sẽ không nói ‘Y của tôi bị dơ và tôi phải giặt nó’ hay ‘Tôi phải làm sạch bụi rác trong thiền thất của tôi.’ Thay vào đó, họ đi vào rừng và cùng phụ giúp vào việc đốt bát. Chỉ sau khi đốt bát xong họ mới giặt y hoặc quét dọn thiền thất. Nếu vị tỳ khưu thứ hai nói trước ‘Tôi phải giặt y’ hay vị tỳ khưu thứ ba nói trước ‘Tôi phải quét dọn thiền thất’ thì hai vị còn lại phụ giúp vào công việc của vị ấy. Và chỉ sau khi làm xong công việc của vị thứ hai rồi, họ mới trở về công việc riêng của họ. Đây là cách vị tỳ khưu ưu tiên ước muốn của người khác, gác lại ước muốn của riêng mình).

Sau khi hỏi về nội dung của sự hòa hợp (sāmaggī-rasa) của ba người, và sau khi đã biết đầy đủ nội dung của họ. Đức Phật muốn biết về những dấu hiệu Chánh niệm của họ (appamāda-lakkhaṇa). Ngài hỏi: “Này Anuruddha! Các con hướng đến Niết Bàn bằng nỗ lực tinh tấn như thế nào?” Trưởng lão trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con quả thật sống với tâm hướng đến Niết Bàn bằng sự nỗ lực tinh tấn lớn, không dể duôi”. Đức Phật hỏi tiếp: “Các con đã sống hướng đến Niết Bàn với sự nỗ lực tinh tấn không dể duôi như thế nào?” Trưởng lão đáp lại: “Bạch Đức Thế Tôn! Một người trong số ba chúng con khi đi trước vào làng khất thực thì hai vị kia bèn sắp xếp các chỗ ngồi, để  sẵn nước và tấm ván rửa chân và đặt những miếng gốm để cọ chân. Vị ấy đặt sẵn cái hủ để bơ, những phần vật thực đầu tiên vào trong đó, vị ấy đi lấy nước uống và nước dùng trong những mục đích khác. Vị tỳ khưu nào đi vào làng khất thực muộn hơn thì có thể ăn thêm phần vật thực của vị trước nếu vị ấy muốn. Nếu không thích vị ấy có thể đem đổ nó ở chỗ không có cây cỏ xanh hoặc đổ nó xuống ở những chỗ nước không có sinh vật nhỏ. Vị ấy xếp dọn các chỗ ngồi, tấm ván, nước và những miếng sứ để lại chỗ cũ của chúng. Vị ấy cũng làm như vậy với các hủ đựng vật thực sau khi rửa sạch nó. Vị ấy quét dọn phòng ăn. Nếu thấy cạn nước trong một cái lu nào đó, như lu nước uống, lu nước rửa hoặc lu nước tắm, vị ấy châm đầy nước. Nếu công việc nặng nhọc cần có người khác giúp thì vị ấy gọi một vị tỳ khưu khác bằng cách đưa tay ra hiệu và hai người cùng nhau làm công việc ấy. Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con không nói một lời nào liên quan đến việc mang nước. Bạch Đức Thế Tôn! Cứ năm ngày một lần, chúng con ngồi lại với nhau một đêm để luận bàn giáo pháp.

Bạch Đức Thế Tôn bằng cách như vậy chúng con sống hoan hỷ trong Niết Bàn, bằng cách thể thiện những sự tinh tấn lớn, không dể duôi.”

(Ở đây, một điều đáng tôn kính và đáng lưu ý là ba vị trưởng lão này không đi khất thực chung với nhau, họ chỉ vui thích trong thiền quả, họ xuất thiền, họ làm vệ sinh thân thể, làm tròn các phận sự của họ rồi trở về thiền thất riêng của họ và trú quả định trong một thời gian nhất định nào đó).

Trong ba vị trưởng lão này, vị nào trú quả định trước thì đi khất thực trước. Khi trở về vị ấy biết rằng hai vị kia đi trễ còn ta về trước. Rồi vị ấy đậy nắp bát, sắp xếp chỗ ngồi và làm những công việc khác; nếu vị ấy có đủ vật thực trong bát thì ngồi xuống và đem vật thực ra ăn. Nếu vật thực hơi nhiều ăn không hết thì vị ấy múc ra bỏ vào trong cái hủ đựng vật thực, đậy lại rồi ăn phần trong bát. Sau khi đổ vật thực xong vị ấy rửa bát, phơi khô và đặt nó vào trong cái túi vải đựng bát, rồi mang y và bát, vị ấy đi về chỗ ngụ ban ngày của mình.

Khi vị tỳ khưu thứ hai đi đến phòng ăn, vị ấy hiểu rằng ‘đã có một vị tỳ khưu đi trước ta,’ vị kia vẫn còn sau ta. Nếu vị ấy thấy đủ vật thực trong bát thì ngồi xuống độ thực. Nếu vị ấy thấy vật thực trong bát của mình không đủ no thì vị ấy lấy thêm một ít vật thực đựng trong cái hủ (do vị tỳ khưu trước để lại). Nếu vị ấy thấy ăn không hết vật thực trong bát của mình thì vị ấy sớt một phần vào trong cái hủ đựng vật thực rồi ăn phần vật thực vừa đủ trong bát của mình. Và giống như vị tỳ khưu trước, vị ấy đi về chỗ ẩn cư ban ngày của mình.

Khi vị tỳ khưu thứ ba đi đến phòng ăn, vị ấy nhận thấy ‘hai vị kia đã đến và đi trước ta.’ Ta là người cuối cùng, và vị ấy độ thực giống như vị tỳ khưu thứ hai. Sau khi độ thực xong, vị ấy rửa bát rồi đem phơi khô, xong rồi bỏ vào túi đựng bát và dọn dẹp chỗ ngồi. Đổ bỏ nước uống và nước dùng, đoạn úp lại những cái hủ đựng nước. Nếu còn vật thực trong hủ vị ấy đem đổ bỏ ở trên những chỗ đất không có cỏ xanh hay những chỗ nước không có những sinh vật bé nhỏ rồi rửa hủ và đem cất nó. Sau khi quét dọn phòng ăn, vị ấy lắc cho cái chổi sạch bụi rồi để nó ở chỗ không có mối. Đoạn mang bát trở về chỗ ngụ riêng. Đó là sinh hoạt thường nhựt của các vị trưởng lão tại phòng ăn ở bên ngoài chỗ ngụ trong rừng.

Việc lấy nước uống và nước sinh hoạt là phận sự được làm trong chỗ ngụ. Nếu một trong những ba vị Thánh trưởng lão trông thấy một cái hủ nào đó bị cạn nước, vị ấy mang cái hủ đi đến hồ nước, rửa sạch cả trong lẫn ngoài rồi đổ nước vào qua cái lọc; (nếu hủ nước nặng quá không mang nổi) vị ấy đặt nó ở một chỗ gần bờ và đi gọi một vị tỳ khưu khác bằng một cử chỉ nào đó để nhờ sự giúp đỡ. Vị ấy không bao giờ gọi tên vị kia cũng không lên tiếng gợi ý.

Vì nếu vị ấy lên tiếng cần sự giúp đỡ bằng cách gọi tên thì sẽ làm nhiễu loạn pháp thiền của vị tỳ khưu kia. Đó là lý do khiến vị ấy không gọi tên. Nếu vị ấy lên tiếng gọi một vị tỳ khưu nào đó mà không nói tên thì hai vị tỳ khưu sẽ ra khỏi thiền thất của mình, tranh nhau đi đến chỗ vị tỳ khưu đã gọi. Trong trường hợp ấy, vì công việc chỉ cần hai người là có thể thực hiện được, người thứ ba tự thấy mình dư thừa và sự chuyên tâm hành thiền của vị ấy bị gián đoạn một cách không cần thiết. Vì lý do này mà người gọi không lên tiếng, thậm chí cũng không gọi tên.

Nếu vị tỳ khưu không lên tiếng thì bằng cách nào vị ấy làm cho người khác đến phụ giúp? Sau khi đổ đầy hủ nước, vị ấy đi đến chỗ ngụ của một vị tỳ khưu khác không để cho bước chân phát ra tiếng động. Và khi thấy vị kia, vị ấy dùng tay để gây sự chú ý của vị tỳ  khưu kia. Sau đó hai vị tỳ khưu khiêng hủ nước và đổ đầy nước dùng để uống và dùng trong những sinh hoạt khác.

Về câu nói ‘Cứ năm ngày một lần chúng con dành một đêm để cùng nhau luận đạo.’ Ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm và ngày thứ mười tám của nửa tháng thượng huyền và hạ huyền, Pháp thường được nghe trong ba ngày này. Giữ đúng thông lệ của ba ngày này, cứ năm ngày một lần, hai vị trưởng lão Nandiya và Kimila sau buổi trưa đều tắm nhanh rồi đi đến trưởng lão Anuruddha. Họ gặp nhau và hội họp ở chỗ của vị ấy và bắt đầu luận bàn về Giáo pháp trong Tam Tạng. Và họ cùng nhau luận đạo cho đến khi mặt trời mọc.

Như vậy, trưởng lão Anuruddha sau khi được Đức Phật hỏi về những ví dụ của sự Chánh niệm của họ, trưởng lão đã trả lời đầy đủ nhất tới mức họ không dể duôi ngay cả trong những trường hợp thường làm khởi sanh sự dể duôi cho những vị kia.

Giải thích: Đối với những vị kia, thời gian đi khất thực, thời gian rời khỏi chỗ ngụ để khất thực, thời gian mặc y nội, đắp y vai trái hay lum y (đắp y kín người), đang đi khất thực, thuyết pháp, tụng kinh chúc phúc, độ thực từ khi trở về từ thị trấn hay làng mạc, rửa bát, đặt bát vào túi vải, và xếp dọn y bát. Đây là mười một trường hợp để họ kéo dài thời gian chuyện trò mà không cần đến Chánh niệm và nhờ đó họ dể duôi đối với những phận sự về pháp thiền của họ. Do đó, trưởng lão Anuruddha nói rằng: “Về phần chúng con ngay cả trong trường hợp này có thể khiến miệt mài trong những cuộc chuyện trò dây dưa làm xao lãng pháp thiền. Chúng con chẳng bao giờ làm một điều gì như nói chuyện dông dài ở bên ngoài pháp thiền và đối nghịch với pháp thiền.” Qua đó, vị ấy đã giải thích những dấu hiệu về Chánh niệm của họ ở đỉnh cao của nó ngay cả những lúc mà những người khác thường dể duôi.

Đức Phật đến Pālileyyaka

Như đã nói ở trên, Đức Phật sau khi giảng giải lợi ích của đời sống ẩn dật đến trưởng lão Bhagu tại ngôi làng Bālakaloṇaka trong nữa ngày và suốt đêm, Ngài đi đến ngôi làng Bālakaloṇaka để khất thực vào ngày hôm sau với trưởng lão Bhagu. Sau khi để trưởng lão về lại nơi ấy, Đức Phật đi đến khu rừng Trúc với ý nghĩ: “Như Lai sẽ gặp ba người quý tộc đang sống trong pháp hòa hợp.” Ngài  nói chuyện với ba vị trưởng lão Anuruddha, Nandiya và Kimila về lợi ích của đời sống hòa hợp. Sau khi bảo họ ở lại khu rừng Trúc, Ngài tiếp tục lên đường đến ngôi làng Pālileyyaka.

Khi ấy dân làng đón tiếp Đức Phật và cúng dường đến Ngài. Sau khi xây cất một chỗ ngụ dành cho Đức Phật tại khu rừng có tên Rakkhita gần ngôi làng. Họ thỉnh cầu Đức Phật ở lại trong khu rừng Rakkhita này.

Tại khu rừng Rakkhita có cây Sāla đại thọ tên Bhadda gần chỗ ngụ của Đức Phật. Đức Phật trú ngụ gần cây ấy và đi khất thực tại ngôi làng Pālileyyaka. Và trong khi trú ngụ tại nơi ẩn dật ấy, Đức Phật khởi lên ý nghĩ rằng: “Ta không thể thoải mái vì phải gần gũi những  vị tỳ khưu Kosambi đang mãi tranh chấp nhau trước mặt hoặc sau lưng Như Lai, và tạo ra những cuộc tranh cãi trong Tăng chúng. Giờ đây Như Lai sống một mình, xa rời những vị tỳ khưu đang xung đột cãi vã nhau, thời gian này của Như Lai thật là hạnh phúc.”

Câu chuyện về voi Pālileyyaka

Lúc bấy giờ, có một con voi đực to lớn cường tráng, là voi chúa trong đàn đang sống chung với những con voi trẻ đực và cái, những con voi đực thích ve vãn và những con voi còn bú. Sống như thế này nó phải ăn những đọt cỏ không được non. Tất cả những nhánh cây và túm lá mà nó kéo xuống đều bị những con voi khác đã ăn trước rồi. Nó cũng phải uống nước bị vẫn đục. Ngoài ra, khi nó đứng lên từ chỗ sông cạn thì những con voi cái đi qua và chen lấn nó.

Khi ấy, nó khởi lên ý nghĩ như vầy: “Sống với những con voi như vậy trong đàn khiến ta phải ăn những thứ cỏ mà đọt mềm của nó đã bị những con voi khác đã ăn trước rồi, tất cả những gì mà ta kéo xuống từ cây đều bị chúng ngốn sạch. Nước mà ta uống bị vẫn đục. Mỗi lần ta đi từ dưới nước lên đều bị những con voi cái đến cọ qua cọ lại. Thật tốt thay nếu ta sống tách biệt ra khỏi đàn!” Nghĩ vậy, nó rời khỏi đàn tình cờ đi đến Đức Phật gần cây Sāla đại thọ trong khu rừng Pālileyyaka Rakkhita.

(Ở đây, nguồn gốc của chữ Pālileyyaka là tên của ngôi làng. Tên gốc của khu rừng là Rakkhita. Vì khu rừng Rakkhita ở gần ngôi làng Pālileyyaka, nó được gọi là Pālileyyaka. Con voi đến khu rừng  ấy cũng được nói đến là voi chúa Pālileyyaka).

Voi Pālileyyaka hầu hạ Đức Phật

Khi voi Pālileyyaka chán cảnh sống chung với đàn của nó, nó đi vào khu rừng và trông thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây Sāla. Trông thấy Đức Phật, thân tâm của nó trở nên mát dịu, nguôi ngoai nỗi sầu muộn như vừa được rưới lên người bởi trăm ngàn thùng nước. Với tâm đầy tịnh tín, nó cảm thấy kính mến Đức Phật và đứng gần Ngài. Từ đó trở đi nó làm công việc phục vụ Đức Phật mỗi ngày. Trước hết, nó dùng vòi quấn lấy chùm lá quét sạch lá và rác quanh cây Bhaddasāla và chỗ ngụ của Đức Phật rồi nó đem nước đến để Ngài  rửa mặt. Đoạn nó lấy nước để Ngài tắm, rồi nó dâng cây chùi răng đến Ngài. Xong xuôi, nó dâng các loại trái cây để Ngài độ thực.

 

(Con voi dùng vòi gom củi thành đống, rồi nó cọ hai cây củi lại với nhau để tạo ra lửa. Khi lửa cháy, nó bỏ vào những cục đá để nung nóng. Khi những cục đá đã nóng nó dùng một khúc cây hất những cục đá vào cái bể bằng đá rồi nó thử để biết chắc nước đã nóng hay chưa, nếu nó biết nước đã đủ nóng thì nó đi đến Đức Phật và đứng gần Ngài. Khi biết rằng: “Con voi muốn Như Lai đi tắm.” Đức Phật bèn đi đến bể đá và tắm. Con voi cũng tạo ra nước uống theo cách đó. ( Điều đáng chú ý là ở đây Đức Phật uống nước sôi đã được nấu). (Tất cả điều này đều được trích ra từ bộ Nikaya Mahāvagga Aṭṭhakathā và bộ Sāratthapakāsanī Ṭikā).

Sau đây là phần trích dẫn từ câu chuyện Kosambaka trong bộ Chú giải Pháp cú, cuốn I.

Khi Đức Phật đi vào làng để khất thực, voi Pālileyyaka mang y và bát trên đầu của nó và đi theo Đức Phật. Khi Đức Phật đến đầu làng, Ngài nói với con voi rằng: “Này Pālileyyaka! Thật không thích hợp để con đi với Như Lai ra khỏi chỗ này. Con hãy trao lại y bát cho Như Lai.” Như vậy, Ngài khiến con voi để xuống những vật dụng của Ngài từ trên đầu của nó, và tự Ngài mang lấy y bát đi vào làng.

Con voi đứng yên ở tại chỗ ấy chờ Đức Phật trở lại. Khi Ngài trở lại, nó chào đón Ngài và theo cách như trước, nó lại mang y bát của Ngài. Khi đến tại chỗ ngụ của Đức Phật trong rừng, nó đặt y bát vào đúng chỗ cũ của chúng. Và khi hầu hạ bậc Đạo sư nó quạt cho Ngài bằng nhánh lá. Đêm xuống, với ý định khởi lên trong tâm: “Ta sẽ bảo vệ Đức Phật” bằng cách dùng vòi quấn một khúc cây to và rảo đi trong khu rừng cho đến khi trời sáng để ngăn chặn mọi nguy hiểm đến từ sư tử, cọp, beo, v.v…

Và cũng như mọi ngày, nó làm tất cả mọi phận sự để phục vụ Đức Phật, bắt đầu bằng việc dâng nước đến Ngài rửa mặt vào lúc hừng sáng.

Bằng cách này, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười trong khu rừng Pālileyyaka, nhận lãnh sự phục vụ của voi Pālilkeyyaka.

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Đại Phật Sử 4, tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw

Link  cuốn Đại Phật Sử 4
Link  tải sách ebook Đại Phật Sử 4
Link  video cuốn Đại Phật Sử 4
Link  audio cuốn Đại Phật Sử 4
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 17

Post Views: 286