Sự quy y của Bà la môn Verañjā
Như vậy, với tâm đại bi của Đức Phật đối với ông Bà-la-môn Verañja sau khi kể lại sự thánh sanh của Ngài qua bài pháp thoại, mô tả rõ ràng ba loại tuệ thì ông Bà-la-môn cảm thấy sung sướng cả thân tâm. Ông biết được tánh chất vĩ đại của Đức Phật và tự trách mình rằng: “Ta đã lầm lạc chỉ trích Đức Phật, bậc Tối thượng trong ba cõi chúng sanh, bậc có đầy đủ tất cả những ân đức bằng những lời như ‘Sa-môn Gotama không có sự tôn kính đến những người già cả.’ Ôi! Thưa các vị! Vô minh thật là ghê tởm.” Do đã tin rằng “Đức Gotama là bậc Tối thượng, vì Ngài là bậc Thánh sanh đầu tiên trong thế gian. Ngài là bậc Tối thắng trong tất cả các ân đức.” Ông Bà-la-môn bèn khẩn cầu Đức Phật: “Sa-môn Gotama quả thật là vĩ đại nhất trong thế gian. Sa-môn Gotama quả thật là bậc Tối hảo nhất trong thế gian. Thật hoan hỷ thay, thưa Sa-môn Gotama! Qua ví dụ trong thế gian, giống như một vật gì đó bị úp xuống lại được giở lên, như vật bị che kín được mô tả, như người lạc đường được chỉ đúng lối, như cây đuốc được thắp sáng trong đêm tối để những người có mắt sáng được nhìn thấy mọi vật xung quanh. Cũng vậy, Sa-môn Gotama đã giảng dạy Giáo Pháp cho con bằng nhiều cách. Thưa Sa-môn Gotama! Con xin quy y Phật, Pháp và Tăng từ nay cho đến trọn đời. Thưa Sa-môn Gotama! Xin hãy bi mẫn chấp nhận con là người cận sự nam (upāsaka) quy y Tam Bảo trọn đời.”
Sau khi đã quy y, ông Bà-la-môn nói lời thỉnh cầu rằng: “Cầu xin Đức Gotama cùng với hội chúng tỳ khưu hãy an cư kiết hạ tại ngôi làng Verañjā này để cho chúng con được tạo phước.” Đức Phật im lặng tỏ ý nhận lời thỉnh cầu của ông Bà-la-môn. Vốn rành mạch trong ứng xử, ông Bà-la-môn suy xét: “Nếu Sa-môn Gotama không nhận lời thỉnh cầu của ta thì ắt hẳn Ngài đã từ chối qua lời nói hoặc cử chỉ. Xét thấy rằng Ngài không có sự biểu hiện của sự từ chối, chỉ có đồng ý. Như vậy, trong tâm của Ngài, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của ta rồi”. Sau khi biết được ý định chấp nhận của Đức Phật, ông Bà-la-môn đứng dậy và đảnh lễ Đức Phật từ bốn phía và nhiễu quanh Đức Phật ba vòng với thân bên phải của ông ta hướng về Đức Thế Tôn. Tuy ông ta trách Đức Phật ngay từ khi ông ta mới đến yết kiến Ngài là không có sự tôn kính đến các vị trưởng thượng, giờ đây ông ta hết mực tôn kính Đức Phật bằng hành vi của thân, lời nói và ý nghĩ nhiều lần lập đi lập lại mà không biết thỏa mãn một khi ông ta hiểu được các oai đức của Đức Phật. Ông ta chắp hai tay lên trán hướng về Đức Phật đi lùi dần và cuối cùng đến khi không còn thấy Đức Phật nữa. Ông ta đem hết sự tôn kính của mình đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi.
Theo lời thỉnh cầu của ông Bà-la-môn Verañjā, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười hai tại thị trấn Verañjā cùng với năm trăm vị tỳ khưu.
Nạn đói ở thành phố Verañjā
Lúc bấy giờ, ở thành phố Verañjā bị cạn kiệt về lương thực, kiếm miếng ăn ở đó thật rất là khó khăn. Khắp thành phố đâu đâu cũng thấy những bộ xương trắng nằm la liệt. Dân chúng kiếm miếng ăn bằng việc rút thăm. Do đó, thật không dễ dàng kiếm được một ít vật thực dành cho những vị tỳ khưu đi khất thực. Những thương nhân buôn ngựa của miền bắc Uttarāpatha lúc bấy giờ đang ở chung với năm trăm con ngựa tại thành phố Verañjā đang trú ẩn qua mùa mưa. Tại những bãi nuôi ngựa, những lái buôn thường bố thí một pattha lúa mạch đến một tỳ khưu. Khi các vị tỳ khưu vào buổi sáng đi vào thành phố để khất thực mà không kiếm được gì thì họ đi đến chỗ nuôi ngựa và nhận một pattha lúa mạch rồi đem về tịnh xá giả thành bột để ăn. Tại Verañjā khó có thể đi xa vì những cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt bốn tháng mùa mưa. Vì vậy, những người buôn ngựa phải cho ngựa trú lại ở đó để tránh mưa. Họ dựng lên những chuồng ngựa và những chỗ ngụ ở những chỗ đất cao bên ngoài thành phố để trú ngụ. Những chỗ này của những lái buôn ngựa được gọi là bãi ngựa.
Họ đem theo lúa mạch đã được xấy khô và bóc vỏ để giữ lâu dài tránh sâu mọt và làm thức ăn cho ngựa phòng khi không có cỏ tươi và cỏ khô. Những thương buôn này (của xứ Uttarāpatha) không phải không có niềm tin như những người Dakkhināpattha. Họ có đức tin và niềm tịnh tín đối với Tam Bảo. Một buổi sáng nọ, họ đi vào thành phố để sinh hoạt buôn bán, họ thấy những vị tỳ khưu đi từng nhóm bảy tám vị để khất thực nhưng chẳng có chút vật thực nào và họ đã bàn luận với nhau rằng: “Những vị tỳ khưu thánh thiện này đang an cư kiết hạ, sống dựa vào thành phố Verañjā này. Nhưng ở đây đang bị nạn đói. Do không kiếm được vật thực chắc các Ngài gặp không ít khó khăn. Vì chúng ta là những người khách đến đây, chúng ta không có khả năng để cúng dường đến các Ngài món cơm dẻo và vật thực đầy đặn mỗi ngày được. Nhưng những con ngựa của chúng ta thì được ăn hai lần mỗi ngày, ban ngày và buổi tối. Do đó, vấn đề cấp thiết là chúng ta nên sớt ra một pattha từ khẩu phần của mỗi con ngựa để dâng cúng đến một vị tỳ khưu. Nếu chúng ta làm nhưng thế thì các vị tỳ khưu sẽ bớt khó khăn trong việc nuôi mạng mà những con ngựa vẫn có đủ vật thực sống qua ngày.” Do đó, họ đi đến các vị tỳ khưu và đưa ra lời đề nghị của họ với các Ngài rồi thỉnh cầu các Ngài: “Kính bạch chư đại đức! Xin hãy thọ lãnh một pattha lúa mạch và dùng nó làm ra thức ăn theo ý thích của các Ngài.” Và như vậy, mỗi ngày họ dâng cúng đều đặn một pattha lúa mạch đến một vị tỳ khưu.
Khi các Ngài đã đi vào thành phố Verañjā để khất thực, các Ngài không những không nhận được chút vật thực nào mà ngay cả một lời thối thác tế nhị cũng không có. Chỉ khi nào họ đến bãi ngựa ở bên ngoài thành phố, khi ấy mỗi vị tỳ khưu mới nhận được một pattha lúa mạch và đem về tịnh xá để chế biến thành vật thực. Bởi vì không có những người cận sự giúp đỡ các Ngài nấu thành món cơm dẻo hay chế biến ra một loại bánh bột mì nào đó. Lại nữa, giới luật tỳ khưu không cho phép nấu nướng nên các Ngài ngồi lại thành từng nhóm tám vị , mười vị hoặc đem lúa mạch bỏ vào trong những cái cối nhỏ rồi giả ra thành bột, sau đó mỗi vị lấy một phần của mình đem trộn với nước lạnh và ăn như vậy. Vì các Ngài nghĩ rằng: “Bằng cách này chúng ta sẽ có sự nuôi mạng nhẹ nhàng (sallahukavutti) và không bị phạm tội nấu nướng là tội Tác ác (samāpaka-dukkaṭa āpatti). Sau khi đã độ xong món vật thực như vậy, các Ngài thanh thản và chuyên tâm vào pháp tu.
Đặc biệt, đối với Đức Phật thì những người buôn ngựa đã cúng dường đến Ngài một pattha lúa mạch và một lượng bơ, mật ong, và mật đường tương xứng. Đại đức Ānanda đem lúa mạch xay thành bột rồi trộn với mật ong, bơ và đường rồi đem dâng dến Đức Phật. Khi ấy, chư thiên cũng trộn vật thực chư thiên (ambrosia) vào trong phần ăn của Đức Phật. Đức Phật độ món ăn ấy và sau đó Ngài nhập vào thiền quả. Từ khi có nạn đói thì Đức Phật không đi khất thực.
Ở đây, điều thắc mắc là phải chăng đại đức Ānanda là thị giả (upatthaka) của Đức Phật suốt thời gian an cư kiết hạ tại thành phố Verañjā? Câu trả lời là: Đúng vậy, nhưng đại đức chưa giữ địa vị ấy.
Giải thích: Vào sơ giác thời (hai mươi năm hoằng pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài chưa có thị giả nhất định. Khi thì trưởng lão Nāgasamāla, khi thì trưởng lão Nāgita, khi thì trưởng lão Meghiya, khi thì trưởng lão Upavana, khi thì trưởng lão Sāgata, đôi khi do một vị hoàng tử Liccavī tên Sunakkhatta hầu hạ và về sau vị hoàng tử này xuất gia. Những vị tỳ khưu này tình nguyện hầu hạ Đức Phật và họ rời khỏi Đức Phật khi họ muốn.
Khi các vị tỳ khưu nói trên hầu hạ Đức Phật thì đại đức Ānanda không can dự vào công việc của họ, nhưng khi họ ra đi thì đại đức làm hết mọi phận sự lớn nhỏ của mình. Đức Phật chấp nhận đại đức Ānanda bởi vì Ngài nghĩ rằng: “Ānanda, người quyến thuộc xứng đáng này của ta là người tốt nhất để hầu hạ ta trong tất cả những vấn đề này dù người này chưa đạt được địa vị thị giả của ta.” Vì thế mới có việc đại đức Ānanda sửa soạn và cúng dường món lúa mạch trộn với mật ong, bơ và mật đường khi không có vị thị giả nào khác tại Verañjā trong suốt mùa an cư và sau khi Đức Phật độ thực, Ngài an trú vào quả định (phala-samāpatti). Về vấn đề này, những câu hỏi và trả lời sau đây đặc biệt cần được lưu ý.
Câu hỏi: Có phải rằng mọi người thường có khuynh hướng phấn đấu nhiều để làm những việc phước trong thời kỳ mà vật thực khan hiếm? Có phải họ nghĩ rằng họ không nên hưởng thụ mà nên bố thí đến các vị tỳ khưu? Tại sao khi ấy không một ai dâng cúng dù chỉ một vá vật thực trong khi Đức Phật đang nhập hạ tại Verañjā? Tại sao ông Bà-la-môn không quan tâm đến sự hiện diện của Đức Phật dù trước đó ông ta đã tha thiết thỉnh cầu Đức Phật nhập hạ tại đó?
Câu trả lời: Sự lãnh đạm của dân chúng và Bà-la-môn là do sự kiểm soát vô hình của ma vương.
Giải thích: Ma vương dùng năng lực che ám Bà-la-môn Verañjā ngay khi ông ta rời khỏi Đức Phật. Ma vương cũng làm như vậy đối với dân chúng Verañjā và dân chúng ở vùng quanh thành phố, những vùng bao quanh rộng ra một do tuần bao trùm hết sự đi lại của các vị tỳ khưu khi các Ngài đi khất thực vào buổi sáng. Ma vương che án khiến họ quên đi sự có mặt của Đức Phật và chúng Tăng. Do đó, không ai nhớ đến để tôn kính Đức Phật.
Câu hỏi: Phải chăng Đức Phật nhập hạ mà không biết trước sự quấy phá của Ma vương?
Trả lời: Không, không phải là không biết. Ngài vẫn nhập hạ dù Ngài biết trước ý đồ của Ma vương.
Câu hỏi: Nếu Đức Phật đã biết trước như vậy thì tại sao Ngài lại nhập hạ ở Verañjā mà không đến nhập hạ ở Campā hay Sāvatthi hoặc Rājagaha hay bất cứ một thành phố nào khác?
Trả lời: Vào năm ấy, ngay thời điểm ấy, dù Đức Phật nhập hạ ở Bắc-cu-lô-châu (Uttara-kuru) hay ở cõi trời Đạo lợi (Tāvatiṁsa) đi nữa thì Ma vương vẫn làm như vậy chớ nói gì đến Campā, Sāvatthi, hay Rājagaha hay bất cứ một thành phố khác. Trong năm ấy, Ma vương rất tức giận thù ghét Đức Phật. Tuy nhiên, tại thành phố Verañjā, Đức Phật biết trước rằng những người buôn ngựa sẽ đến để cúng dường vật thực đến chư Tăng và làm giảm khó khăn về vật thực.
Câu hỏi: Có phải Ma vương không thể khống chế những người buôn ngựa?
Trả lời: Đúng vậy, vì những người buôn ngựa đến sau khi ma vương khống chế dân chúng và đã bỏ đi.
Câu hỏi: Dù họ đến sau khi ma vương đã bỏ đi rồi, nhưng tại sao Ma vương không trở lại và dùng năng lực của mình để tác động đến những người thương buôn?
Trả lời: Vị ấy không làm được vì không có khả năng làm vậy. Giải thích: Có ba điều mà Ma vương không thể làm hại Đức
Phật: (1) Món ăn đã được nấu và được đem đến để cúng dường, (2) Vật thực cúng dường được quyết định là phận sự thường ngày của những người nghĩ rằng ‘Chúng ta sẽ cúng dường đến Đức Phật suốt thời gian như vậy, (3) Vật được đem đến tịnh xá với lời tác bạch: “Cái này được dâng cúng để Đức Phật sử dụng như là một trong bốn món vật dụng.”
(Giải thích chi tiết hơn: sau đây là bốn điều mà không ai có thể làm hại được: (1) Vật thực được mang đến để dâng cúng và bốn món vật dụng được quyết định làm vật cúng dường thường xuyên đến Đức Phật, (2) Mạng sống của Đức Phật thường là 4/5 (bốn phần năm) thọ mạng của loài người thời kỳ Ngài xuất hiện, nghĩa là không ai có thể cắt đứt mạng sống của Đức Phật Gotama trước khi Ngài được tám mươi tuổi, tức là 4/5 của một trăm tuổi (thọ mạng lúc bấy giờ của loài người là một trăm tuổi), (3) Những hảo tướng chính và hảo tướng phụ và hào quang từ thân của Ngài thực tế là ánh sáng của mặt trăng, mặt trời. Hào quang của chư thiên và Phạm thiên đều biến mất khi đến chỗ mà có hảo tướng và hào quang của Đức Phật chiếu sáng, (4) Nhất thiết trí của Đức Phật. Do đó, có thể nói rằng Ma vương không thể ngăn lúa mạch vì nó được dùng bởi Đức Phật và năm trăm vị Thinh văn đệ tử của Ngài).
Nghiệp quá khứ của Đức Phật khiến Ngài phải gặp nạn đói
Nghiệp quá khứ của Đức Phật khiến Ngài và năm trăm vị tỳ khưu phải gặp nạn đói như vậy tại Verañjā là thế này: Cách đây chín mươi hai kiếp (kappa), trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Phussa, Bồ tát là người xấu do chơi chung với bạn ác. Lúc bấy giờ, Bồ tát dùng lời nói độc ác để nói các vị tỳ khưu Thinh văn đệ tử của Đức Phật như vầy: “Các ngươi nên ăn món ăn bằng lúa mạch thô. Hãy ăn nó, đừng ăn món ăn bằng gạo tốt Sāli.” Ác nghiệp ấy là nguyên nhân khiến Ngài phải gặp nạn đói khi Ngài đang nhập hạ tại Verañjā (câu chuyện được kể lại từ bộ Apadāna Pāḷi).
Đức Phật ban phúc lành
Đức Phật đã nghe tiếng giả gạo trong những cái cối xay.
Chư Phật vẫn hỏi dù các Ngài đã biết
Các Ngài biết nhưng không hỏi (không có điều gì mà các Ngài không biết).
Các Ngài biết lúc nào thích hợp để hỏi.
Các Ngài biết thời gian thích hợp và không hỏi.
Các Ngài hỏi điều gì lợi ích; các Ngài không hỏi điều gì không có lợi ích (Các Ngài không hỏi điều gì sẽ đem lại lợi ích và các Ngài không hỏi điều gì sẽ không đem lại lợi ích).
Điều không lợi ích các Ngài đoạn tận nó bằng Đạo Tuệ.
Các Ngài hỏi các vị tỳ khưu với hai lý do hoặc để thuyết pháp hoặc để ban hành luật.
Lúc bấy giờ, Đức Phật hỏi đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Âm thanh phát ra từ những cái cối là gì vậy?” Đại đức Ānanda bèn trình bày điều đã được kể lại ở trên. Ngay khi ấy, Đức Phật dạy: “Tốt lắm, này Ānanda! Tốt lắm, này Ānanda! Con là người có phẩm chất đạo đức tốt, đã khắc phục được món cơm Sāli nấu với thịt (bằng cách không đầu hàng trước sự khan hiếm của vật thực, bằng cách không muốn và hoàn toàn không để bản thân rơi vào con đường lầm lạc bởi những ham muốn bất thiện). Món cơm có thịt mà con đã khắc phục như vậy cũng sẽ bị các thế hệ sau xem thường.”
Những lời khẳng khái của Trưởng lão Moggallāna
Đại đức Mahā Moggallāna là người đã đạt đến đỉnh cao về sự hoàn hảo của trí tuệ Thinh văn giác vào ngay thuở sau khi xuất gia Sa- môn. Trưởng lão cũng được Đức Phật đặt vào địa vị tối thượng về thần thông. Dựa vào những pháp thần thông của mình, trưởng lão suy nghĩ như vầy: “Giờ đây thực phẩm đang bị khan hiếm tại Verañjā, các vị tỳ khưu đang gặp khó khăn. Sẽ thế nào nếu ta lật lớp dưới của quả đất lên và lấy lớp vật thực tinh túy từ lớp dưới của quả đất.” Rồi trưởng lão tiếp tục suy xét: “Vì ta đang sống bên cạnh bậc Đạo sư, thật không thích hợp để ta làm như vậy mà không xin phép Đức Thế Tôn. Hành động như vậy sẽ tương đương với sự thi thố.” Bởi vậy, trưởng lão đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ, rồi trưởng lão bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Verañjā hiện đang khan hiếm về vật thực, thật khó để sống ở đây. Những bộ xương trắng phơi khắp thành phố. Người ta kiếm sống bằng sự rút thăm, ôm bát đi khất thực cũng không dễ gì kiếm đủ vật thực. Lớp dưới đáy của quả đất rất tốt vì vị ngọt của nó giống như mật ong mà không có ong và trứng ong. Xin Đức Thế Tôn cho phép con lật lên lớp đất này để các vị tỳ khưu có thể thọ hưởng vị ngọt tinh chất từ lớp đất ở dưới đây.”
Khi ấy, Đức Phật hỏi: “Này Moggalāna! Con sẽ làm thế nào với chúng sanh đang sống trên mặt đất.” Đại đức Moggallāna đáp:
“Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ làm một bàn tay của con giống như quả đất, rồi con sẽ chuyển hết chúng sanh ở trên quả đất sang bàn tay của con mà đã được hóa thành quả đất như thật, còn bàn tay kia thì con sẽ lật quả đất lên.”
Khi ấy, Đức Phật nói những lời từ chối: “Này Moggallāna! Điều ấy không thích hợp, đừng có ý nghĩ lật quả đất lên, nó có thể dẫn đến sự hiểu lầm giữa chúng sanh.”
Ở đây, điều cần lưu ý liên quan đến câu nói ‘Nó có thể khiến cho chúng sanh hiểu lầm,’ có nghĩa là: “ nạn đói không những chỉ xảy ra vào thời bấy giờ. Mà nó có thể xảy ra trong tương lai. Khi ấy các vị tỳ khưu kiếm đâu ra một vị tỳ khưu có năng lực giống như ngài? Dù các vị tỳ khưu trong tương lai có những bậc Sotāpanna, Sakadāgāmī, Anagāmī, những bậc A-la-hán lạc-quán-giả (sukka-vipassanka arahat), chỉ những bậc chứng đắc các tầng thiền (jhāna) nhưng không chứng đắc các pháp thần thông và ngay cả những bậc A-la-hán có Trí tuệ phân tích. Tuy nhiên, vì các vị ấy không có thần thông, nên họ sẽ phải đi đến nhà của các thiện nam, tín nữ để khất thực. Khi ấy, các thiện tín có thể nghĩ rằng: “Các vị tỳ khưu trong thời kỳ của Đức Phật đều thành tựu ba điều học. Trong thời ấy, các Ngài đều có thần thông (abhiñña) và khi có nạn đói các Ngài có thể lật lên quả đất và thọ hưởng tinh chất của quả đất làm món vật thực thượng vị. Ngày nay không có vị tỳ khưu nào có đủ ba điều đó, nếu có những vị tỳ khưu như vậy thì ắt các Ngài sẽ làm điều như thế (như các vị tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật). Họ sẽ không cho chúng ta ăn bất cứ thứ gì còn sống hoặc đã nấu chín (các Ngài sẽ cho chúng ta ăn món vật thực thượng vị từ lớp đáy của trái đất).” Ý nghĩ này sẽ khiến cho họ hiểu lầm về các bậc thánh Tăng rằng: “Không có các bậc thánh Tăng.” Những người nói những lời xúc phạm đến các bậc thánh Tăng do sự hiểu lầm của họ sẽ bị đọa vào các khổ cảnh. Do đó, Đức Phật cấm việc lật lên lớp đất dưới đáy của trái đất.
Lúc bấy giờ, đại đức Moggallāna do không được Đức Phật cho phép, vị ấy muốn thay đổi lời đề nghị rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin hãy cho tất cả những vị tỳ khưu đi đến xứ Bắc-cu-lô-châu để khất thực.” Đức Phật nói lên những lời ngăn cản như trước: “Này Moggallāna! Điều ấy không thích hợp, đừng có ý nghĩ khiến tất cả họ đi đến cõi Bắc-cu-lô-châu.”
Ở đây, dầu không được nói ra trực tiếp là “Điều khiến chúng sanh hiểu lầm.” Nhưng nó ám chỉ rằng Đức Phật phủ nhận ý tưởng đi khất thực ở cõi Bắc-cu-lô-châu vì chính lý do ấy, vì nó đã được giải thích ở trước rồi.
Nếu Đức Phật cho phép thì trưởng lão sẽ hành động như thế nào? Bằng các phép thần thông của Ngài, trưởng lão sẽ biến đại dương thành một cái mương nhỏ mà người ta có thể đi qua bằng một bước dài và bước đi trên một con đường thẳng từ cây Naleru Neem đến Bắc-cu-lô-châu. Vị ấy cũng biến xứ này thành một ngôi làng với những con đường để các vị tỳ khưu đi lại được dễ dàng.
Đây quả thật là những lời khẳng khái của đại đức Moggallāna.