CHƯƠNG 31
TỲ KHƯU SUDINNA, CON TRAI CỦA THƯƠNG NHÂN KALANDA
Lúc bấy giờ, tại ngôi làng Kalanda gần thành phố Vesāli, có người con trai của thương nhân Kalanda tên là Sudinna. Cùng với nhiều bạn bè, Sudinna con trai của thương nhân Kalanda đi đến Vesalī để buôn bán.
Ngôi làng được gọi là Kalanda vì ở có nhiều con sóc đen. Vị thương nhân Kalanda có tài sản giá trị bốn mươi Koṭi (1Koṭi = 10 triệu). Do đó, ông ta được đức vua công nhận là người giàu có. Con trai Sudinna của ông ta đi đến Vesāli để kinh doanh, thâu các khoản nợ và sắp xếp những công việc khác.
Một số học giả khác thì nói rằng vị ấy đến Vesāli để vui chơi trong lễ hội chòm sao Kattikā. Thực ra, Đức Phật đến Vesāli vào thời gian thượng tuần của tháng Kattikā (tháng 10 – tháng11). Lễ hội Kattikā tại Vesāli đã thu hút nhiều người. Vì muốn tham dự lễ hội này, Sudinna con trai của vị thương nhân Kalanda đi đến đó.
Khi trông thấy mọi người sau bữa ăn sáng đi ra ở Vesāli, họ mặc y phục sạch sẽ và mang những bông hoa, nước thơm, dầu xức đến yết kiến Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Sudinna bèn hỏi họ đang đi đâu và biết được mục đích của họ, vị ấy nghĩ rằng: “Ta cũng nên đi chung với họ.” Vị ấy gia nhập vào đám đông đang tụ hội để nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật an tọa giữa Tứ chúng và đang thuyết pháp với giọng êm dịu như tiếng của vị trời Phạm thiên. Cảm kích trước phong thái khả ái của Đức Phật và được khích động bởi những thiện nghiệp trong quá khứ của vị ấy, vị ấy tự nghĩ: “Thật tuyệt, nếu ta cũng được nghe pháp.” Nhưng vì thính chúng rất đông nên vị ấy không thể đến gần Đức Phật và phải ngồi ở một chỗ ngồi thích hợp ở mé ngoài thính chúng nhưng chú tâm nghe Đức Phật thuyết giảng.
Trong khi chú tâm nghe Đức Phật thuyết pháp về ba pháp học là Giới, Định và Tuệ thì vị ấy khởi lên thiện ý như sau: “Khi ta suy xét bằng nhiều cách về thời pháp của Đức Phật. Ta kết luận rằng thật không dễ dàng gì để cho một gia chủ thực hành pháp hành cao quý như vậy (về ba pháp hành), rất thuần khiết và hoàn hảo như cái vỏ xà cừ mới được đánh bóng. Thật kỳ diệu thay nếu ta rời bỏ đời sống gia đình để sống đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm.”
Sau đó, Sudinna đi cùng với đám đông ra về, vì trong đám đông có nhiều quyến thuộc và bạn bè của vị ấy nên họ có thể cản lối, nắm tay vị ấy mà nói: “Bạn là con trai duy nhất của cha mẹ bạn, bạn không được phép trở thành Sa-môn.” Thế nên vị ấy cùng đi một đoạn ngắn ra về với đám đông. Rồi trong lúc giả vờ đi rửa tay, vị ấy quay trở lại và đi đến Đức Phật với những lời thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Khi con nghiền ngẫm bài pháp của Ngài qua nhiều cách, con kết luận rằng thật không dễ dàng gì để cho một người gia chủ thực hành giáo pháp cao quý như vậy (ba pháp hành) rất thuần khiết và hoàn hảo như cái vỏ xà cừ mới được đánh bóng. Thật kỳ diệu thay nếu con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy bi mẫn cho con trở thành một Sa-môn.”
Vì Đức Phật đã từ chối không nhận bất cứ ai vào Tăng chúng khi chưa được cha mẹ cho phép kể từ khi làm lễ xuất gia cho thái tử Rāhula nên Ngài hỏi Sudinna: “Này Sudinna! Cha mẹ của con đã cho phép con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn chưa?” Sudinna đáp: “Dạ chưa, thưa Đức Thế Tôn! Cha mẹ của con chưa cho phép.” Khi ấy, Đức Phật nói: “Này Sudinna! Chư Phật không truyền pháp xuất gia cho người không được sự cho phép của cha mẹ.” Sudinna thưa với Đức Phật: “Thưa Đức Thế Tôn! Con sẽ xin phép cha mẹ con.”
Rồi Sudinna lo xong công việc buôn bán ở Vesāli rồi đi đến cha mẹ của vị ấy ở ngôi làng Kalanda thưa rằng: “Thưa cha mẹ! Khi con nghiền ngẫm về thời pháp của Đức Thế Tôn bằng nhiều cách. Con kết luận rằng thật không dễ dàng gì để một người gia chủ thực hành pháp hành cao quý như vậy (về ba pháp hành) rất thuần khiết và hoàn hảo như vỏ xà cừ mới được đánh bóng, con muốn rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y đã nhuộm. Xin cha mẹ hãy cho phép con được làm như vậy.”
Cha mẹ của vị ấy từ chối yêu cầu nói rằng: “Này Sudinna con! Con là đứa con duy nhất mà cha mẹ rất yêu quý. Con là đứa con mà cha mẹ nuôi dưỡng trong niềm hạnh phúc. Này con yêu! Con chẳng lo lắng điều gì, chỉ có cái chết mới tách rời con khỏi cha mẹ ngoài ý muốn. Làm sao cha mẹ có thể cho phép con rời bỏ đời sống gia đình và sống cuộc đời Sa-môn trong khi còn sống?”
Sudinna lại nói lời yêu cầu lần thứ hai, nhưng cha mẹ của vị ấy cũng từ chối tương tự như vậy. Vị ấy lại nói lời yêu cầu lần thứ ba và lần này họ cũng từ chối lời yêu cầu của vị ấy.
Rồi sau khi biết rằng: “Bằng mọi cách cha mẹ của ta sẽ không cho phép ta rời bỏ đời sống gia đình.” Vị ấy nằm xuống nền đất ngay tại chỗ mà vị ấy nói lời yêu cầu, vị ấy nói: “Chỗ này sẽ thấy sự xuất gia của ta hoặc là cái chết của ta.” Vị ấy không ăn uống gì từ một lần, hai lần, ba lần … rồi đến bảy lần và bày tỏ ước muốn đầy phước báu to lớn (bằng cách tuyệt thực).
Rồi cha mẹ của vị ấy nói rằng: “Này Sudinna con yêu! Con là đứa con duy nhất mà cha mẹ yêu quý. Con là đứa con mà cha mẹ nuôi nấng dưỡng dục trong niềm hạnh phúc. Này con yêu! Con chẳng lo lắng điều gì, chỉ có cái chết của con mới tách rời con khỏi cha mẹ một cách ngoài ý muốn. Làm sao cha mẹ cho phép con rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn trong khi con vẫn còn sống. Hãy ngồi dậy, này con yêu! Hãy ăn uống và vui chơi. Hãy vui thích làm các việc phước trong khi vẫn ăn uống và vui chơi. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ không bao giờ cho phép con xuất gia.”
Sudinna làm thinh trong khi cha mẹ của vị ấy nói như vậy. Vị ấy vẫn làm thinh ngay cả khi cha mẹ nói đến lần thứ hai, lần thứ ba.
Vì không nhận được một lời đáp nào từ con trai của họ dù họ đã khẩn nài vị ấy đến lần thứ ba. Họ bèn cho gọi bạn bè của vị ấy đến và nói rằng: “Này các con! Người bạn Sudinna của các con muốn trở thành Sa-môn. Các con hãy ngăn cản đừng cho nó làm như vậy.” Những người bạn của Sudinna bèn đi đến vị ấy và khuyên giải theo lời yêu cầu của cha mẹ vị ấy đến ba lần. Đối với các bạn cũng vậy, Sudinna vẫn im lặng không trả lời.
Rồi những người bạn suy xét và bàn bạc với nhau rằng: “Nếu Sudinna mà chết đi vì không được phép trở thành Sa-môn thì chẳng ích lợi gì từ cái chết của cậu ấy. Nếu cậu ấy trở thành Sa-môn thì mẹ của cậu ấy mặc sức mà thăm viếng, nhìn ngắm cậu ấy và chúng ta cũng vậy. Đời sống Sa-môn thật là vất vả. Vị Sa-môn mỗi ngày đi khất thực mang theo cái bát bằng đất, vị ấy ngủ một mình và ăn uống buổi sáng. Pháp hành cao thượng như vậy thực khó hành theo và Sudinna là người thành thị thanh nhã, cậu ta không thể nào sống theo pháp hành cao thượng mà đòi hỏi người ấy phải ngủ một mình và ăn một bữa sáng. Cậu ấy nhất định sẽ quay về nhà thôi. Được, chúng ta sẽ yêu cầu cha mẹ của cậu ấy cho phép.” Sau đó, họ đi đến cha mẹ của Sudinna và khuyên họ: “Thưa hai bác! Sudinna đang nằm trên đất mà nói rằng ‘chỗ này là chỗ thấy cái chết của ta hoặc sự xuất gia của ta.’ Nếu hai bác không cho phép cậu ấy rời bỏ đời sống gia đình để sống cuộc đời Sa-môn thì cậu ấy sẽ chết ngay tại chỗ ấy. Giả sử hai bác cho cậu ấy đi xuất gia làm Sa-môn thì hai bác còn có cơ hội được gặp mặt cậu ấy. Sau khi trở thành Sa-môn, nếu cậu ấy không vui thích đời sống Sa-môn nữa thì cậu ấy sẽ đi đâu ngoài cha mẹ của cậu ấy? Cậu ấy sẽ trở lại ngôi nhà này. Hai bác nên cho phép Sudinna đi xuất gia trở thành Sa-môn.”
Khi ấy, cha mẹ Sudinna đáp: “Này các cháu! Chúng ta cho phép nó xuất gia và sống đời Sa-môn.” Rồi những người bạn của Sudinna nói rằng: “Hãy đứng dậy, này Sudinna! Bạn đã được cha mẹ bạn cho phép rồi.”
Vị ấy rất hạnh phúc và phấn khởi khi nghe tin cha mẹ của mình cho phép mình được xuất gia trở thành Sa-môn. Sudinna đứng dậy, phủi sạch bụi trên thân và cố gắng lấy lại sức lực trong một hai ngày. Sau đó, vị ấy đi đến Đức Phật, vị ấy cúi đầu đảnh lễ Đức Phật và ngồi một nơi hợp lẽ rồi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đã được cha mẹ con cho phép rồi, xin Đức Thế Tôn làm cho con được trở thành Sa- môn.”
Đức Phật bảo vị tỳ khưu ngồi gần đó, là người đang thực hành pháp Đầu đà (piṇḍapātika-dhutaṅga) rằng: “Này tỳ khưu! Theo lời thỉnh cầu của Sudinna như vậy, con hãy truyền phép xuất gia Sa-di cho cậu ấy và sau đó truyền Cụ-túc-giới.” Vị tỳ khưu thực hành pháp Đầu đà đáp lại: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!” Khi dẫn Sudinna, người cộng trú đệ tử của vị ấy (saddhivihārika-dhutaṅga) được ký thác bởi Đức Phật bèn truyền phép xuất gia Sa-di và sau đó truyền phép Cụ-túc-giới.
Ngay sau khi trở thành vị tỳ khưu, đại đức Sudinna bèn chuyên tâm thực hành các pháp Đầu đà như là trú ngụ ở tịnh xá trong rừng (āraññika-dhutaṅga), ăn vật thực trong bát (piṇḍapātika-dhutaṅga), mặc những chiếc y được may bằng vải vụn (paṁsukūlika-dhutaṅga) đi khất thực theo tuần tự từng nhà (sapadānacārika-dhutaṅga). Như vậy, vị ấy trú ngụ và đi khất thực tại một ngôi nhà vô danh.
Lúc bấy giờ, xứ Vajjī bị khan hiếm về vật thực, kiếm sống rất khó khăn, có nhiều bộ xương trắng nằm rải rác khắp nơi. Dân chúng phải sống bằng sự nhận lãnh phiếu vật thực. Đối với các vị tỳ khưu thì không dễ gì kiếm đủ vật thực khi ôm bát đi khất thực. Khi ấy, đại đức Sudinna khởi lên ý nghĩ như vầy: “Hiện nay nước Vajjī khan hiếm về vật thực. Thật khó để kiếm sống, có rất nhiều bộ xương trắng rải rác khắp nơi, dân chúng phải sống bằng những thẻ được phân phát. Đối với các vị tỳ khưu thì không thể kiếm đủ vật thực bằng cách ôm bát đi khất thực. Ta có đông đảo quyến thuộc ở Vesāli, họ có tài sản, nhiều của cải, nhiều vàng bạc ngọc ngà và nhiều hàng hóa, nhiều ngũ cốc. Sẽ thế nào nếu ta sống nương tựa vào quyến thuộc của ta? Do sự có mặt của ta họ sẽ cúng dường và làm những việc phước, và lợi lộc sẽ phát sanh đến các tỳ khưu. Và ta sẽ không gặp khó khăn về vật thực.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, đại đức Sudinna xếp dọn giường chiếu và vật dụng của vị ấy và đi đến thành phố Vesāli mang theo y bát. Khi đến Vesāli vị ấy trú ngụ ở một tịnh xá có mái nóc nhọn (kūṭagāra) tại khu rừng Đại lâm (Mahāvana) gần Vesāli.
Khi hay tin rằng Sudinna con trai của thương nhân Kalanda đang trú ngụ tại Vesāli thì quyến thuộc của vị ấy gửi đến cho sáu mươi hủ vật thực để cúng dường vị ấy (mỗi hủ vật thực chứa vật thực dành cho mười vị tỳ khưu). Y theo dự định, vị ấy bèn dâng sáu mươi hủ vật thực ấy đến sáu trăm vị tỳ khưu. Còn về phần mình, vì là người thọ trì pháp Đầu đà (đi khất thực từng nhà – sapadānacārika- dhutaṅga) cao thượng nên vị ấy mang bát và đắp y Tăng-già-lê rồi đi vào làng Kalanda để khất thực. Trong khi đang khất thực tuần tự từng nhà, vô tình vị ấy dừng lại ngay nhà của cha mẹ vị ấy.
Chú thích: Những sự kiện xảy ra sau khi vị ấy từ nước Vajjī trở về, lúc ấy vị ấy đã trải qua tám hạ tỳ khưu (tức là khi Đức Phật đã truyền bá Giáo pháp được hai mươi năm). Ở đây, những sự kiện được kể lại liên tục để giữ cho sự nối tiếp của các sự kiện không bị gián đoạn.
Lúc bấy giờ, một nữ nô lệ của những quyến thuộc của đại đức Sudinna đang đi ra khỏi nhà để đổ những các bánh bằng lúa mạch mà đã bị hư thiu do để qua đêm (hư thiu đến nỗi mà các người nô lệ, những người làm công và gia súc không thể ăn được). Khi ấy, đại đức Sudinna bèn nói với cô ta rằng: “Này cô! Nếu cô quăng bỏ những cái bánh ấy, thì tốt hơn nên bỏ bát của bần Tăng.”
Trong khi cô ta đang cầm những cái bánh hư thiu bỏ vào trong bát của đại đức Sudinna, cô ta không nhận ra đại đức là con trai của ông chủ Kalanda, vì vị ấy đã đi được tám năm rồi. Nhưng khi chú ý đến đặc điểm ở đôi tay, hai bàn chân và giọng nói của vị ấy, cô ta bèn đi đến mẹ của đại đức Sudinna và nói với bà rằng: “Thưa bà chủ! Bà biết không, đứa con trai Sudinna của bà đã trở về.” Mẹ của đại đức Sudinna đáp lại rằng: “Này người kia! Nếu những lời của ngươi là đúng sự thật thì ta sẽ miễn thân phận nô lệ cho ngươi.”
Trong khi đó, đại đức Sudinna đang tựa dưới chân tường (trong nhà ăn của vị thương nhân Kalanda) và độ món bánh hư thiu ấy một cách ngon lành.
Một số thí chủ trong một số vùng có cho xây những nhà ăn. Trong những nhà ăn này họ sắp xếp những chỗ ngồi, những bình nước uống và có cả giấm chua. Sau khi thọ lãnh vật thực, các vị tỳ khưu đi vào và ngồi thọ thực trong những nhà ăn này. Nếu cần thiết thì họ có thể dùng những vật thực mà thí chủ để sẵn ở đó. Cho nên chân vách tường ở đây có nghĩa là dưới chân bức vách của nhà ăn do thí chủ xây dựng nên. Các vị tỳ khưu không bao giờ ăn khi ngồi những chỗ không thích hợp trông giống như những người nghèo khổ (hãy xem Chú giải).
Người cha giàu có của đại đức Sudinna trở về sau khi xong công việc và trông thấy vị ấy đang ngồi ăn món bánh hư thiu một cách ngon lành. Ông ta đến gần và nói những lời chê trách: “Này Sudinna yêu quý! Thật tội nghiệp khi phải ăn món bánh thiu bằng lúa mạch. Thật ra, không phải trở về nhà đó sao?” Khi ấy, đại đức Sudinna đáp lại: “Thưa thí chủ! Bần Tăng đã đến nhà của ông rồi và bần Tăng đã nhận món bánh thiu từ đó.” Người cha nắm lấy tay đại đức Sudinna và nói rằng:“Nào, Sudinna con! Chúng ta hãy đi về nhà.” Là một người con biết vâng lời và có tình thương đối với cha, đại đức Sudinna bèn đi đến nhà cha của vị ấy và ngồi vào chỗ đã được soạn sẵn.
Người cha giàu có bèn bảo vị ấy: “Hãy tự giúp mình đi, này con!” Đại đức Sudinna đáp lại: “Đủ rồi, thưa cha! Con đã ăn xong bữa ăn của một ngày rồi” Khi người cha mời vị ấy nói rằng: “Hãy thọ lãnh sự cúng dường vật thực của ta vào ngày mai.” Dù vị ấy sẽ phạm vào pháp hành Đầu đà bậc thượng (piṇḍapātika-dhutaṅga) nhưng vị ấy vẫn nhận lời bằng cách im lặng. Vị ấy rời khỏi chỗ ngồi và ra đi vì vị ấy nghĩ rằng: “Nếu một bữa ăn mà ta từ chối không nhận thì đó là nỗi đau buồn lớn cho cha mẹ và quyến thuộc của ta.”
Khi đêm đã mãn, người mẹ của đại đức Sudinna đã cho người trét phân bò trên nền đất và hai đống của cải được bày ra, một đống bằng vàng và đống kia là bạc. Đống của cải to lớn đến nỗi một người đứng bên này không thể thấy người đứng ở bên kia. Hai đống của cải quả thật to lớn và cao ngất. Sau khi cho người đậy những tấm chiếu lên đó, một chỗ ngồi được bày ra và những tấm màng được treo lên. Rồi bà gọi người vợ cũ của đại đức Sudinna lại và nói: “Này con dâu! Ta muốn con ăn mặc và trang điểm thế nào đó để quyến rũ Sudinna đứa con trai yêu quý của ta.” Cô ta đáp: “Vâng, thưa mẹ.”
Khi trời sáng, đại đức Sudinna sau khi đắp y Tăng-già-lê rồi mang bát đi đến nhà của cha mẹ vị ấy và ngồi ở chỗ đã được soạn sẵn (ở giữa hai đống châu báu). Người cha đi đến Sudinna cho người giở chiếc chiếu đậy hai đống của cải rồi nói: “Này Sudinna con yêu! Số vàng bạc này đến từ bên ngoại của con. Bấy nhiêu đây chỉ để dùng vào việc của phụ nữ (dùng để mua bột phấn và hoa). Còn kho báu của ta, những kho báu của ông nội và ông cố nội được để riêng. Này con yêu! Chúng được để dành cho con sống đời xa hoa và làm các việc phước khi con rời bỏ đời sống Sa-môn. Nào, Sudinna! Con hãy thọ hưởng tài sản và làm các việc thiện.”
Thưa thí chủ! Tôi không thể trở thành người tại gia. Tôi rất hạnh phúc trong việc thực hành các pháp cao thượng (Giới, Định, và Tuệ).
Người cha lặp lại lời nói của ông ta đến lần thứ nhì, và đại đức Sudinna vẫn trả lời tương tự. Tuy nhiên, khi người cha lặp lại lời nói đến thứ ba thì đại đức Sudinna trả lời rằng: “Thưa thí chủ! Nếu ông không giận thì tôi xin nói điều này.” Khi nghĩ rằng con trai của ta sẽ nói điều thuận ý mình nên ông ta vui vẻ nói: “Con cứ nói đi.”
Rồi đại đức Sudinna nói lời quyết định với người cha rằng: “Thưa cha! Trong trường hợp ấy hãy cho người bỏ đầy vàng vào trong năm cái bao dùng những chiếc xe bò chở chúng đi rồi đổ chúng xuống giữa dòng sông Hằng. Bởi vì, thưa thí chủ! Do sở hữu số của cải này mà ông sẽ có sự sợ hãi run rẫy, nỗi gai ốc, lông tóc dựng ngược và cần sự bảo vệ. Nếu không sở hữu số của cải này thì không sợ hãi, không run rẫy và không sợ những hình thức phiền toái khác. Lý do là thế!”
Điều này khiến người cha buồn phiền và tự hỏi: “Tại sao đứa trai của ta lại đành lòng nói như vậy?”
Sự cám dỗ của người vợ
Vì không thể dụ dỗ được đại đức Sudinna trở về đời sống gia đình bằng những đống của cải to lớn. Người cha suy nghĩ: “Không có gì xiềng xích trói buộc người đàn ông bằng người đàn bà.” Ông ta cho gọi người vợ cũ của đại đức Sudinna đến và nói với cô ấy rằng: “Này con dâu! Ta cầu xin con, đứa con trai Sudinna của ta nó yêu con, nó thích con, nó có thể nghe con nói.” Do đó, người vợ của đại đức liền ôm ghì lấy chân của đại đức mà nói rằng: “Thưa chàng yêu quý! Chàng đã hành những pháp cao thượng để được những tiên nữ. Vậy họ trông như thế nào?”
Giải thích: Vào thời ấy có nhiều vương tôn công tử, con trai của các Bà-la-môn và con trai của các vị thương nhân phú hộ từ bỏ sự vinh hoa phú quý của họ để trở thành những vị Sa-môn. Khi trông thấy họ, những người không biết lợi ích của đời sống Sa-môn thì thường hỏi rằng: “Tại sao những người này lại đi tu?” Và câu trả lời mà họ nhận được từ những người mà làm ra vẻ hiểu biết là “Bởi vì họ muốn có những nàng tiên nữ.” Những câu hỏi và những câu trả lời của những người thiếu hiểu biết này thường được truyền như vậy. Hiểu biết như thế, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã hỏi như trên.
Đại đức Sudinna đáp: “Này cô em! Không phải tôi thực hành pháp cao thượng đây là để có được những nàng tiên nữ.” Câu trả lời này khiến người vợ cũ nghĩ rằng: “Ông chồng Sudinna của ta bây giờ gọi ta là cô em. Bây giờ chàng không còn thích ta nữa, chàng không thích ta trong khi ta là vợ, là một phần trong cuộc đời của vị ấy, vì vậy vị ấy mới xem ta là em gái, là người sanh cùng một mẹ.” Ý nghĩ của nàng đem lại sự sầu khổ và khiến nàng té xỉu ngay tại đó.
Rồi đại đức Sudinna nói với người cha: “Thưa thí chủ! Nếu ông muốn bố thí vật thực đến bần Tăng thì hãy làm đi. Đừng đem của cải và nữ nhân để làm phiền tôi. Sự dụ dỗ bằng cách phô trương như vậy tức là hành hạ các vị Sa-môn.” Sau đó, cha mẹ của vị ấy đích thân dâng những món vật thực thượng vị đến vị ấy; khi ăn no vị ấy không nhận lãnh thêm vật thực của họ nữa.
Việc yêu cầu cho hạt giống kế tự
Khi việc dâng vật thực đã xong, người mẹ của đại đức Sudinna nói với vị ấy rằng: “Này con thân Sudinna! Gia đình của chúng ta giàu có. Chúng ta có rất nhiều của cải, có nhiều hàng xa xỉ và những thứ khác để dùng trong ngày, có nhiều vật khả ái và châu báu. Cũng có vô số hàng hóa và ngũ cốc để buôn bán và trao đổi. Này Sudinna! Con hãy trở về với đời sống thế tục để thọ hưởng tài sản châu báu và làm các việc thiện.”
Đại đức Sudinna từ chối lời yêu cầu của người mẹ bằng những lời giống như đã trả lời với người cha: “Thưa mẹ! Con không thể trở về đời sống cư sĩ. Con không làm như vậy, con đang chuyên tâm vào pháp hành cao thượng rất hạnh phúc.” Người mẹ lặp lại câu nói ấy lần thứ hai và đại đức Sudinna cũng trả lời như vậy. Nhưng lần thứ ba thì người mẹ của đại đức Sudinna yêu cầu đại đức truyền lại tinh giống với lời rằng: “Này Sudinna con thân! Gia đình của chúng ta có rất nhiều của cải châu báu, có nhiều hàng xa xỉ và những thứ khác để dùng hàng ngày. Có nhiều vật khả ái và châu báu, cũng có vô số hàng hóa và ngũ cốc để buôn bán và trao đổi. Này con Sudinna! Trong trường hợp ấy (nếu con cảm thấy hạnh phúc trong Giáo pháp của Đức Phật) thì con hãy cho tinh giống. Đừng để các vị Liccavī tiếp quản tài sản của chúng ta vì chúng ta không có những đứa con trai để kế thừa.”
Khi ấy, đại đức Sudinna suy xét: “Ta là người thừa kế tài sản duy nhất của cha mẹ, không có ai khác. Ngày nào mà ta chưa cho họ tinh giống thì họ đeo bám ta vì sự bảo vệ tài sản của họ. Nếu họ làm như vậy thì ta không được tự do thực hành pháp Sa-môn. Cha mẹ ta chỉ buông tha khi nào họ có được đứa cháu để làm người thừa kế. Chỉ khi ấy ta mới có thể làm các phận sự của mình một cách thoải mái và hạnh phúc.” Vị ấy đáp lại: “Thưa cha mẹ! Con làm gì để có thể cho tinh giống?” (mà không biết rằng vị ấy sẽ bị phạm tội do hành động như vậy).
Người mẹ hỏi: “Này Sudinna! Hiện giờ con đang sống ở đâu?” “Thưa mẹ, tại Mahāvana.” Sau khi đã trả lời như vậy, đại đức đứng dậy và ra đi.
Người mẹ của đại đức Sudinna gọi người con dâu lại và nói rằng: ” Này con dâu! Ta muốn con sanh ra một đứa con trai. Hãy cho ta biết khi nào con đến kỳ kinh nguyệt.” Cô ấy đáp: “Vâng, thưa mẹ!”