Chương 31 – Tỳ Khưu Sudinna, Con Trai Của Thương Nhân Kalanda (4)

Chương 31 – Tỳ Khưu Sudinna, Con Trai Của Thương Nhân Kalanda (4)

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Sự thuyết giảng bài kinh Rahulovada đến Rāhula

Khi Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, tại Sāvatthi. Rāhula, con trai của Đức Phật, là vị Sa-di mười tám tuổi. Bấy giờ, vị ấy đã trải qua mười một năm thọ phép Sa-di.

Một hôm, Đức Phật đi vào thành Sāvatthi để khất thực, Sa-di Rāhula đi sát theo sau Đức Phật.

Khi Đức Phật và Sa-di Rāhula đang đi trên đường như vậy, người sau theo sát người trước, Đức Phật trông thật rực rỡ như voi chúa đi ra khỏi khu rừng để đi đến một chỗ khả ái trong rừng cây Sāla đang nở rộ. Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như voi con theo sau voi chúa. Đức Phật rực rỡ như sư tử chúa đi ra khỏi hang hồng ngọc để tìm kiếm vật thực vào buổi chiều; Rāhula cũng rực rỡ như sư tử con theo sau sư tử chúa. Đức Phật rực rỡ như cọp chúa ra khỏi khu rừng giống như hang ngọc bích; Rāhula cũng rực rỡ như cọp con theo sau cọp chúa.

Đức Phật rực rỡ như điểu vương Gāruda bay ra khỏi rừng cây bông vải, trong khi Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như Gāruda con bay  theo điểu vương. Đức Phật rực rỡ như thiên nga chúa bay lên bầu trời từ ngọn núi Cittakūta, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như thiên nga con bay theo sau thiên nga chúa. Đức Phật rực rỡ như chiếc thuyền bằng vàng to lớn lướt đi trong hồ Chaddanta, trong khi ấy Sa- di Rāhula cũng rực rỡ như chiếc thuyền vàng nhỏ lướt theo sau chiếc thuyền vàng lớn. Đức Phật rực rỡ như vị Chuyển luân vương đi trên hư không bằng năng lực của xe báu, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như đứa con trai đầu đi theo sau vị Chuyển luân vương. Đức Phật rực rỡ như mặt trăng, chúa của các vì sao đi trong bầu thời quang đãng, trong khi ấy Sa-di Rāhula cũng rực rỡ như sao Mai đi sau mặt trăng.

Đức Phật xuất thân từ dòng dõi Okkāta, thuộc dòng tộc Mahāsammāta, Sa-di Rāhula cũng vậy. Đức Phật thuộc dòng Khattiya thuần túy như sữa được đổ vào cái vỏ sò, Rāhula cũng vậy. Thân của Đức Phật được tô điểm bởi ba mươi hai tướng hảo của bậc đại nhân và hấp dẫn người khác như cái cột trụ bằng châu báu được dựng lên ở cồng thành của chư thiên hay như cổng Pārichattaka đang nở rộ hoa, thân của Rāhula cũng vậy.

Bằng cách này, hai con người cao quý, những bậc đã giác ngộ, những nguyện vọng vô song trong quá khứ của Ngài, những bậc đã trở thành Sa-môn từ giai cấp vua chúa, đức tánh hòa nhã của bậc vương tôn, của bậc đại nhân đi cùng con đường rực rỡ chói lọi tựa như các Ngài vượt trội sự chói lọi của hai mặt trăng, hai mặt trời, và các cặp chư thiên như Sakka, Suyāma, Santusita, Sunimmita, Vasavatī, Mahā- Brahmā, v.v…

Trong khi Sa-di Rāhula đang theo sát Đức Phật như vậy, vị ấy nhìn cha chăm chú từng chi tiết từ bàn chân lên đến đỉnh đầu và thấy sự rực rỡ của cha mình phát ra từ oai lực của một vị Phật. Đầy ngạc nhiên, vị ấy suy nghĩ: “Kim thân của Ngài cực kỳ đẹp với ba mươi hai tướng hảo chính và được bao quanh bởi hào quang chói sáng, Ngài  rực rỡ tựa như đứng giữa đám bụi vàng. Như núi vàng được bao  quanh bởi những tia chớp, như cái trụ cổng bằng vàng rực rỡ bởi bảy loại châu báu được trang trí trên đó. Như những ngọn núi vàng được che phủ trên đó bằng những tấm thảm đỏ dù Ngài đang mặc chiếc y phấn tảo màu đỏ sẫm. Như cái cổng bằng vàng được nạm và trang trí bằng những dây leo san hô, như bảo tháp bằng vàng được tô điểm bột son, như cái cột tế lễ bằng vàng được quét lên lớp nước sơn, như mặt trăng thình lình nổi lên giữa đám mây màu đỏ. Đức Phật có được sự rực rỡ như vậy là do năng lực ba mươi pháp Ba-la-mật của Ngài.”

Sau đó, vị ấy nhìn vào thân của mình và khởi dậy ái dục kết hợp bởi đời sống gia đình do bởi tấm thân của mình. Vị ấy nghĩ: “Ta cũng đẹp, nếu Đức Phật là vị Chuyển luân của bốn châu thì ắt Ngài sẽ chỉ định ta làm tướng quân báu (pari nāyaka) địa vị dành cho đứa con trai đầu. Trong trường hợp ấy, toàn cõi Jambudita sẽ trở nên rực rỡ.”

Trong khi Đức Phật đang đi trước như vậy, Ngài chợt nghĩ: “Xét thấy rằng thân của Rāhula, con trai của Như Lai đã lớn lên với thịt và máu. Lúc mà tâm của con người trôi lăn không ngừng suy nghĩ tất cả những vật hấp dẫn như: cảnh sắc, cảnh thinh, v.v… Như Lai sẽ tự hỏi người ấy sẽ sanh khởi ý nghĩ nào vào lúc mạng chung!” Trong khi Đức Phật đang suy xét như vậy, Ngài thấy rõ những ý nghĩ của con trai Ngài đang xu hướng theo sự tham đắm đối với đời sống gia đình (gehassita taṇhālobha). Ngài thấy những ý nghĩ của Sa-di Rāhula tựa như Ngài thấy con cá đang bơi lội dưới dòng nước trong và tựa như Ngài thấy hình ảnh của mình trong tấm gương tròn. Điều này khiến Ngài quyết định rằng: “Trong khi đang theo sau Như Lai, Rāhula đã khởi dậy ái dục đối với đời sống gia đình do bởi tấm thân của nó với ý nghĩ ‘Ta xinh đẹp, tướng mạo của ta thanh tịnh.’ Vì không hướng đúng cảnh mà đi sai đường, nó đã hướng tâm đến những cảnh dục không xứng đáng giống như người lữ hành bị lạc đường, không đến chỗ mà xứng đáng đến. Nếu tham phiền não mà ngự trị trong tâm của nó tăng trưởng, điều này sẽ không cho nó thấy rõ lợi  lạc của chính mình cũng như của người khác. Điều này sẽ đưa nó đến bốn cảnh khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la và thọ sanh trong bào thai chật hẹp. Như vậy, nó sẽ bị ném vào vòng luân hồi mà không biết điểm khởi đầu.

Thực ra, tham này sản sanh ra cái không có kết quả. Nó tiêu diệt tâm thiện. Do bởi tham, mối tai họa kinh khủng có thể xảy ra trong dòng tâm của con người. Điều này loài người không thấy được.

Người đang tham luyến không thấy rõ nguyên nhân và hậu quả của nó. Khi một chúng sanh tham luyến thì chỉ có sự tối tăm ngự trị.

Một chiếc thuyền lớn chở đầy châu báu không thể không chú ý dầu trong một giây lát, một khi nước thấm qua những chỗ rạng nứt của những tấm ván, những chỗ nứt cần được trám kín nhanh chóng. Cũng vậy, không nên để mặc Sa-di Rāhula này trước khi tham phiền não kịp huỷ hoại những kho báu của bậc thiện trí như Giới, Định, v.v… đã phát sanh đến nó. Như Lai sẽ dập tắt những phiền não này.”

Trong biến cố như vậy, Đức Phật thường nhìn lui bằng cách quay người, như con voi chúa được gọi là nāga-vilokana, cái nhìn của voi chúa. Đức Phật đứng sau khi quay lại, toàn thân của Ngài giống như người ta xoay một pho tượng vàng. Ngài dạy Sa-di Rāhula: “Này Rāhula! Có sắc trong quá khứ, sắc trong hiện tại và sắc trong tương lai (3), sắc trong thân và sắc ngoài thân (2), sắc thô và sắc vi tế (2), sắc xấu và sắc tốt (2), sắc xa và sắc gần (2). Tất cả mười một loại sắc này không phải là ‘sắc của ta’, không phải là ‘Ta’, không phải là ‘tự ngã của Ta’. Như vậy, sắc phải được quán như thật qua Tuệ quán Vipassanā.”

Khi ấy Rāhula hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng sắc chỉ được quán như vậy? Bạch bậc Thiện ngôn! Phải chăng chỉ riêng sắc phải được quán như vậy?” Đức Phật trả lời: “Này Rāhula! Sắc (rūpa) phải được quán như vậy, thọ (vedanā) phải được quán như vậy, tưởng (saññā) phải được quán như vậy, hành (saṅkhāra) phải được quán như vậy, và thức (viññāṇa) phải được quán như vậy.”

Ở đây, lý do mà Sa-di Rāhula hỏi câu hỏi ‘Phải chăng sắc phải được quán như vậy?’ là như sau: Khi nghe lời giáo huấn của Đức Phật, tất cả mười một loại sắc này không phải là sắc ‘của ta’, không phải là ‘ta’, không phải là ‘tự ngã của ta’. Như vậy, sắc phải được quán như thật bằng Trí và Tuệ Vipassanā. Rāhula, người đang tu tập loại trí nayakusala-ñāna chợt nảy lên ý nghĩ như vầy: “ Đức Thế Tôn nói tất cả sắc phải được quán như thật bằng Trí và Tuệ Vipassanā”. Vậy thì bốn uẩn còn lại như thọ, tưởng, hành và thức như thế nào? Nên suy ra rằng chúng cũng được quán như trường hợp của sắc uẩn. Cho nên câu hỏi của Sa-di Rāhula dựa vào trí tuệ nayakusala-ñāṇa của vị ấy.

Quả thật, Sa-di Rāhula có trí thông minh bậc cao (nayakusala – ñāṇa). Khi được dạy chỉ một pháp như ‘điều này không nên làm.’ Khi ấy, vị ấy cũng sẽ suy nghĩ ‘điều này không nên làm, điều này cũng không nên làm’ và cứ tiếp tục như vậy bằng hàng trăm ngàn cách. Tương tự, khi chỉ được dạy một pháp như “điều này nên làm, điều này cũng nên làm”, vị ấy có khả năng thâm nhập bằng cả trăm ngàn cách.

Ngoài ra, Sa-di Rāhula rất yêu thích ba học pháp. Vào lúc sáng sớm, trong khu vực có Hương phòng của Đức Phật, cứ mỗi ngày như vậy vị ấy thường tung lên một nắm cát và nguyện rằng: “Nguyện rằng ngày hôm nay ta sẽ nhận được lời giáo huấn của Đức Thế Tôn hoặc từ trưởng lão Sāriputta nhiều như số cát này.” (Vị ấy đặt ra những câu hỏi bởi vì vị ấy muốn thực hành một cách đầy đủ, vì vị ấy có trí thông minh bậc cao và ưa thích ba học pháp).

Khi nghe câu trả lời của Đức Phật, Sa-di Rāhula bèn suy nghĩ như vầy: “Sau khi biết ái dục đang sanh khởi trong tâm của ta, Đức Thế Tôn không khuyên răn ta một cách trực tiếp rằng “Vị tỳ khưu không nên có những ý nghĩ như vậy,” mà Ngài cũng không bảo người khác đến nói với ta rằng “Này tỳ khưu! Hãy đi nói với Sa-di Rāhula không nên có những ý nghĩ như vậy.” Thực ra, Ngài đứng đối diện với ta và cho ta lời giáo huấn ngay trong hiện tại tựa như Ngài bắt tên trộm cùng với tang vật bằng cách túm lấy tóc của hắn. Thật khó mà nghe được lời khuyên của một vị Phật dù trải qua một A-tăng-kỳ  kiếp! Khi người nào đã nhận được lời giáo huấn trực tiếp từ Đức Phật mà còn muốn đi vào làng mạc hay châu quận để khất thực thì người  ấy thực sự không có trí.”

Do đó, Sa-di Rāhula bỏ việc đi khất thực và quay lui ngay từ chỗ mà vị ấy nghe lời giáo huấn của Đức Phật (vị ấy không đi theo Đức Phật thêm một chút nào nữa), vị ấy ngồi xuống ở một cội cây.

Tuy Đức Phật trông thấy Rāhula quay lui nhưng Ngài không ngăn cản, nói rằng: “ Này Rāhula! Đừng vội trở về, đây là lúc mà con nên đi khất thực.” Vì Ngài đã có ý định rằng “Hãy để Rāhula thọ hưởng vật thực là pháp Bất Tử (kāyagatā-sati) cả ngày. ”

Các phận sự Trưởng lão Sāriputta

Các phận sự của trưởng lão Sāriputta khi sống một mình khác với những phận sự khi sống cùng với Đức Phật.

Giải thích: Khi hai vị Thượng thủ Thinh văn đang trú ngụ một mình, họ thường quét dọn chỗ ngụ vào lúc sáng sớm, làm sạch thân thể, nhập vào thiền chứng, ngồi lặng lẽ, và đi vào làng khất thực. Mỗi vị làm theo ước muốn của mình. Những khi trú ngụ chung với Đức Phật thì hai vị thường không làm như vậy.

Trích dẫn: Những khi trú ngụ chung với Đức Phật, Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu trước hết là đi khất thực. Khi Đức Phật đã đi khất thực như vậy thì trưởng lão Sāriputta ra khỏi cốc, và ý thức rằng: “Chỗ ngụ của các vị tỳ khưu có những lúc được quét dọn sạch sẽ và  có những lúc không được quét dọn sạch sẽ.” Trưởng lão thường đi quanh khu vực và quét dọn những chỗ chưa được quét dọn sạch rác, chưa được đặt những hủ đựng nước vào đúng chỗ. Khi viếng thăm những tỳ khưu bị bệnh, trưởng lão thường hỏi thăm rằng: “Này hiền giả! Hiền giả muốn tôi đem đến cho hiền giả món ăn nào đây? Hiền giả muốn ăn món nào?” Trưởng giả đi đến những vị tỳ khưu chưa nhập hạ nào và khuyên họ: “Này các hiền giả! Hãy vui thích trong Giáo pháp của Đức Phật! Đừng nên dể duôi, Giáo pháp của Đức Phật chứa pháp hành là chính.” Sau khi làm tất cả những điều này, trưởng lão mới theo sau các vị tỳ khưu đi khất thực.

Ví dụ: Khi vị Chuyển luân vương, chúa tể của bốn châu muốn đi đến một nơi nào đó, vị ấy bước ra đầu tiên với bốn đội quân binh, thì người con trai đầu tiên của vị ấy là vị phó vương đi theo vị ấy để giám sát các đoàn quân. Dường thế ấy, Đức Thế Tôn, vị Chánh pháp Chuyển luân vương, Bậc chuyển bánh xe Chánh pháp, đi cùng với chúng tỳ khưu trước hết là trưởng lão Mahā Sāriputta, người con cả của Đức Phật, bậc tướng quân của Chánh pháp đi khất thực sau tất cả những vị tỳ khưu khác sau khi làm xong tất cả những phận sự đã nêu ra ở trên.

Vào ngày hôm ấy, khi trưởng lão Sāriputta là người cuối cùng đi khất thực sau khi làm xong những công việc của mình tại tịnh xá Jetavana, trưởng lão trông thấy Sa-di Rāhula đang ngồi kiết già với lưng thẳng, chánh niệm. Trưởng lão động viên vị ấy những lời khuyến khích thực hành pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā – pháp niệm hơi thở.

Trưởng lão nói: “Này Rāhula! Con hãy tu tập ānāpānassati- bhāvanā. Khi ānāpānassati-bhāvanā được tu tập nhiều lần lập đi lập lại thì sẽ đem lại lợi ích to lớn.”

Ở đây, có thể đặt ra câu hỏi là tại sao trưởng lão khuyến khích Sa-di Rāhula tu tập pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā?

Trả lời: Vì ānāpānassati-bhāvanā thích hợp với căn tánh của Rāhula.

Giải thích: Vì trưởng lão không biết rằng Đức Phật đã dạy Sa- di Rāhula pháp thiền quán tưởng về sắc, trưởng lão lưu ý rằng cách mà Rāhula ngồi bất động sẽ trở nên tốt nhất với pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā cho nên trưởng lão mới có những lời sách tấn như vậy.

Liên quan đến những từ “Khi ānāpānassati-bhāvanā được tu tập nhiều lần lập đi lập lại sẽ đem đến lợi ích to lớn.” Cách mà lợi ích phát sanh là như sau:

Một vị tỳ khưu tu pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong tư thế ngồi. Cho dù vị ấy không thể chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong hiện tại thì vị ấy cũng có thể trở thành samasīsī arahat khi sắp lâm chung. Nếu không, thì khi tái sanh vào cõi chư thiên, vị ấy có thể chứng đắc đạo quả A-la- hán sau khi một bài pháp từ một vị thiên. Nếu không thì vị ấy có thể trở thành vị Phật Độc Giác trong thời kỳ không có Đức Phật Toàn Giác. Nếu không, vị ấy có thể trở thành một vị A-la-hán có khippabhiññā (mẫn tiệp trí) như Bāhiya Dārujiya Thera vào thời kỳ của Đức Phật tương lai. Như vậy, ānāpānassati-bhāvanā có lợi ích to lớn.

Nhận thức rõ lợi ích to lớn như vậy, trưởng lão Sāriputta đã động viên và khuyến khích Sa-di Rāhula, người đã nhận trưởng lão là thầy tế độ nên thực hành pháp thiền ānāpānassati-bhāvanā.

Như vậy, Đức Phật và trưởng lão Sāriputta đã dạy cho Sa-di Rāhula pháp thiền quán về sắc và pháp thiền về ‘hơi thở vô, hơi thở ra’ rồi ra đi. Rāhula một mình ở lại tịnh xá.

Dầu biết rằng Rāhula bị bỏ lại, nhưng Đức Phật không đem vật thực đến cho vị ấy, Ngài cũng không gửi vật thực thông qua đại đức Ānanda, Ngài cũng không báo cho các nam nữ thí của vị ấy như vua Pasenadī, Anāthapiṇḍika, v.v… về vấn đề ấy, (nếu họ biết rằng, họ sẽ cho gánh những hủ vật thực đến).

“Đúng thật sắc là vô thường vì lý do như vậy, như vậy. Đúng thật sắc là khổ vì lý do như thế, như thế. Đúng thật sắc là không khả ái, bất tịnh vì lý do như thế, như thế. Đúng thật sắc là vô ngã vì lý do như thế, như thế.”

Vị ấy quán xét như vậy một cách không ngừng nghỉ như một người cấp bách đốt lên ngọn lửa, và đến chiều tối, vị ấy suy xét: “Ta đã được thầy Tế độ dạy nên tu tập ānāpānassati-bhāvanā, ta sẽ thọ trì lời chỉ dạy của Ngài. Thật ra, người không làm theo lời dạy của thầy  tế độ của mình là người khó dạy (dubbaca), không có sự áp bức nào dành cho ta tệ hơn là sự chê trách của các vị đồng phạm hạnh khi nói rằng: ‘Rāhula khó dạy, ngay cả lời của vị thầy tế độ vị ấy cũng không làm theo!’” Vì muốn hỏi về pháp tu tập ānāpānassati-bhāvanā, vị ấy ra khỏi tịnh thất và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Vị ấy hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Ānāpānassati-bhāvanā nên được tu tập như thế nào? Nó được tu tập nhiều lần lập đi lập lại như thế nào để trở nên có lợi ích to lớn?”

Khi ấy, Đức Phật trả lời Rāhula một cách chi tiết:

(1). Cách tu thiền:

  1.       20 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố đất.
  2.       12 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố nước.
  3.       4 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố lửa.
  4.       6 phần (koṭṭhāsa) của yếu tố gió, tất cả là những đại chủng (Mahābhūta)
  5.       yếu tố hư không do sắc sanh (upādā-rūpa).

(2).      Cách niệm về tādibhava-lakkhaṇa, những đặc tánh của chúng giống như những đặc tánh của năm yếu tố đất, nước, lửa, gió và hư không.

(3)        Từ (mettā).

(4)        Bi (kuraṇā).

(5)        Hỉ (muditā).

(6)        Xả (upekkhā).

(7)        Bất tịnh (abhusa).

(8)      Vô thường tưởng (anicca-saññā), Đức Phật ban bố thời pháp (bao gồm những lợi ích), khuyến khích vị ấy thực hành tất cả những pháp quán niệm này.

(9)      Hơi thở vô ra (ānāpānassati) là câu hỏi ban đầu do Rāhula đặt ra, Đức Phật giải rõ chi tiết, chỉ rõ lợi ích bắt nguồn từ đó (bài pháp chi tiết của Đức Phật có thể đọc trong phần Majjhima Paṇṇāsa của bộ kinh Trung Bộ).

 

Những bài pháp do Đức Phật thuyết liên quan đến đại đức Rāhula

 

Nhiều bài pháp Đức Phật thuyết đến đại đức Rāhula: (1) Sāmaṇera-pañha – Những câu hỏi dành cho vị Sa di, (2) Kinh Ambalaṭṭhika  Rāhulovāsa  –  Giáo  giới  Rāhula,  được  thuyết  tại  khu vườn   Ambalaṭṭhika,  (3)  Rāhula-Saṁyutta  –  Bài  pháp  liên  quan  đến Rāhula, (4) Mahā-Rāhulalovāda Sutta – Đại kinh Giáo giới Rāhula, (5) Cūla Rāhula sutta – Tiểu kinh Giáo giới Rāhula.

 

Nguyên nhân chính của những bài kinh này: Vào lúc Đức Phật viếng hoàng cung Kapilavatthu lần đầu tiên và gặp thái tử Rāhula, lúc đó thái tử được bảy tuổi, thái tử hỏi xin của thừa tự, tay nắm chặt chéo y của Đức Phật “Thưa cha! Cha là người đã đoạn diệt phiền não! Xin hãy cho con di sản của cha!” Khi ấy Đức Phật giao thái tử cho trưởng lão Sāriputta để truyền phép xuất gia Sa di cho vị ấy.

(1)   Sau đó, Đức Phật quyết định ban vài lời giáo huấn đến Rāhula vì Ngài nghĩ rằng: “Trẻ con có khuynh hướng nói ra những điều thích hợp, cũng như không thích hợp.” Rồi Ngài gọi con trai đến và nói rằng: ” Này Rāhula! Sa-di không nên đắm chìm trong súc sanh luận (tiracchāna-kathā) như những chuyện về các vị quân vương, v.v… là những điều không dẫn đến Đạo quả. Này con trai! Nếu con muốn nói chuyện thì hãy nói về Giáo pháp như thế như thế.” Và Đức Phật thuyết đến Rāhulā một thời pháp có tên là sāmanera- pañha chứa mười câu hỏi và năm mươi lăm câu trả lời mà không bao giờ bị bỏ sót bởi tất cả chư Phật từ Giáo pháp của các Ngài (Khuddaka-pāṭha, cuốn đầu của bộ Khuddaka Nikāya).

(2)   Đức Phật suy xét: “Trẻ con ưa thích nói dối. Chúng có thể nói ‘tôi thấy’ khi mà chúng không thấy, hoặc nói ‘tôi không thấy’ khi mà chúng thấy. Do đó, ta sẽ tiếp tục giáo huấn Rāhula.” Vì vậy, Ngài đã thuyết bài pháp Ambalaṭṭhika Rāhulovāda gồm có bảy ví dụ theo thứ tự. Trước hết, có bốn ví dụ về ly nước có thể thấy dễ dàng bằng mắt, hai ví dụ về con voi chiến, và một ví dụ về chiếc gương soi  (Ambalaṭṭhika  Rāhulovada  sutta,  Bhikkhu-Vagga,  Majjhima- Paṇṇāsa, trong Majjhima Nikāya).

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy Rāhula một bài kinh khác nhằm ngăn ngừa không cho sanh khởi tham luyến đối với bốn món vật dụng, nhằm đoạn trừ tham muốn đối với ngũ dục, và cũng giảng giải những lợi ích có ý nghĩa do thân cận với bạn tốt (Sutta Nipāta I, bài kinh đặc biệt này được gọi là Abhiṇha Rāhulovāda).

(3)   Bài kinh Rāhula Samyutta dạy không nên phát triển tham luyến đối với ba cõi, nơi mà người ta sanh vào (Saṁyutta Nikāya).

(4)     Bài kinh Mahā Rāhulovada được thuyết giảng để ngăn chặn gehassita chandarāga, khi nghĩ rằng: “Tôi đẹp, nét mặt của tôi rạng rỡ liên quan đến thân của con người. (Majjhima Paṇṇāsa trong Majjhima Nikāya).

(5)   Vào năm thứ mười bốn sau khi Đức Phật thành đạo ( Rāhula mới thọ Cụ Túc giới trở thành vị tỳ khưu nhưng chưa có hạ nào), bài pháp Cūla Rāhulavāda được thuyết giảng để Rāhula có thể chứng đắc ngay đạo quả. (Uppari-Paṇṇāsa trong Majjhima Nikāya).

Trong những bài pháp kể trên:

Không có chi tiết chính xác về ngày tháng năm thuyết giảng bài kinh Rāhula ( Kinh Abhiññā Rāhulovāda). Thực ra, bài kinh ấy thỉnh thoảng được Đức Phật thuyết.

(1 & 2) Hai bài kinh Sāmaṇera Pañha và Ambalaṭṭhika Rāhulovāda được thuyết giảng khi Rāhula là vị Sa-di còn bảy tuổi.

(3)      Bài kinh Rāhula Saṁyutta được thuyết thỉnh thoảng thời gian giữa thời kỳ Sa-di Rāhula bắt đầu lên bảy tuổi và đến lúc vị ấy thọ Đại giới tỳ khưu, nhưng chưa có hạ lạp nào.

(4)      Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng khi Rāhula được mười tám tuổi.

(5)   Bài kinh Cūla Rāhulovada được thuyết giảng khi Rāhula vửa trở thành tỳ khưu nhưng chưa có hạ lạp nào.

Trong những bài pháp này, bài kinh Rāhula Sutta ( Kinh Aphiñha Rāhulovāda) được thuyết giảng để liên tục khuyến giáo Rāhula.

(1)         Bài kinh Sāmaṇera Pañha được thuyết để khiến cho Rāhula tránh xa những việc nói những điều không thích hợp.

(2)         Bài kinh Ambalatthika Rahulovāda nhằm mục đích hướng dẫn vị ấy không nói dối.

(3)         Bài kinh Rāhula Saṁyutta được thuyết giảng để Rāhula thọ nhận giáo lý liên quan đến Tuệ quán Vipassanā.

(4)         Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để đoạn tận gechassita chanda-rāga (ngũ dục tham ái đối với đời sống gia đình).

(5)         Bài kinh Cūla Rāhulovāda được thuyết giảng để Rāhula chứng đắc đạo quả A-la-hán khi mười lăm đặc tánh vimutti- paripācanīya đã đạt đến sự chín muồi (lúc bấy giờ Rāhula là một thành viên mới trong hội chúng tỳ khưu). Liên quan đến điểm này, đại đức Rāhula vì muốn tán dương ân đức của Đức Phật, đã nói giữa chúng tỳ khưu như sau:

 

Kikī va bijaṃ rakkheyya,camarī valam uttamaṃ,

nipako sīlasampanno, mamaṃ rakkhe tathāgato.

Con chim trĩ cái bảo vệ cái trứng của nó, con bò yak bảo vệ cái đuôi quý báu của nó. Cũng vậy, Đức Thế Tôn! Cha của ta, bậc được ba hạng chúng sanh ái kính đã che chở cho ta, là thịt và máu của chính Ngài, tư cách ấy có thể sánh với tư cách của con chim trĩ hoặc con bò yak để tôi có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán.”

Như vậy, có nhiều bài kinh được Đức Phật thuyết liên quan  đến đại đức Rāhula.

 

 

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 10

Post Views: 286