Chương 32 – Hạ Thứ Mười Ba Của Đức Phật Tại Đồi Calika

Chương 32 – Hạ Thứ Mười Ba Của Đức Phật Tại Đồi Calika

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


CHƯƠNG 32

HẠ THỨ MƯỜI BA CỦA ĐỨC PHẬT TẠI ĐỒI CALIKA

 

Sau khi lưu trú tại tịnh xá Jetavana, ở Sāvatthi suốt thời gian sau mùa an cư thứ mười hai và giáo hóa cho các hàng chúng sanh như nhân loại, chư thiên và Phạm thiên qua bài kinh Mahā Rāhulovāda và những bài kinh khác. Đức Phật lên đường đến thị trấn Cālika, trải qua mùa an cư thứ mười ba tại nơi đây.

Ở đây, ở quanh thị trấn đều có đất chuồi, ngoại trừ khu vực ở công viên của thị trấn. Vì đất không ổn định, nên thị trấn ở giữa dãi đất ấy cho ấn tượng chông chênh đối với những người nhìn nó từ xa. Do đó, thị trấn này được gọi là Cālika.

Có một ngọn đồi ở gần thị trấn, vì toàn thể ngọn đồi có màu trắng nên nó cũng tạo ra một ảo tưởng chông chênh cho những người nhìn nó vào những ngày Uposatha của tháng hạ huyền, do đó nó cũng có tên là Cālika.

Ở trên đỉnh của ngọn đồi là một tịnh xá lớn được xây dựng dành cho Đức Phật do các thiện nam tín nữ xây dựng. Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười ba tại tịnh xá Cālika trên ngọn đồi Cālika.

 

Bài pháp được thuyết đến Trưởng lão Meghiya, thị giả của Đức Phật

 

Khi Đức Phật trải qua mùa an cư như vậy tại tịnh xá trên đồi Cātika, Meghiya là thị giả tạm thời làm các phận sự lớn nhỏ hầu hạ Đức Phật.

 

Giải thích: Đức Phật không có thị giả thường trực (upaṭṭhāka) suốt hai mươi hạ đầu tiên gọi là Sơ giác thời ( patthana bodhi). Lúc thì trưởng lão Nāgasamāla, lúc thì trưởng lão Nāgita, lúc khác thì trưởng lão Upavāna, lúc khác nữa thì tỳ khưu Sunakkhatta là một hoàng tử Liccavī trước kia, có khi là trưởng lão Cunda (em trai của đại đức Sāriputta), có khi là trưởng lão Sāgata và có khi là trưởng lão Meghiya hầu hạ Đức Phật. Thời gian mùa an cư kiết hạ tại tịnh xá trên ngọn đồi Cātika do đại đức Meghiya tạm thời hầu hạ Đức Phật.

Lúc bấy giờ, một hôm nọ đại đức Meghiya đi đến Đức Phật cung kính phủ phục dưới chân rồi đứng lên và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con muốn vào làng Jantu để khất thực.” Đức Phật đáp: “Này Meghiya! Bây giờ ngươi biết lúc ngươi nên đi,” tức là có thể đi tùy ý.

Thế nên, đại đức Meghiya đi vào làng Jantu để khất thực và sau khi độ thực xong, vị ấy rời khỏi làng Jantu để đến bờ sông Kimikāḷā và đi kinh hành ở đó. Khi đang đi như vậy, vị ấy trông thấy một khu rừng xoài hấp dẫn, các cây được trồng cách nhau không xa, chúng chìa ra những tán lá xanh mướt đầy khả ái với bóng im mát và phong cảnh tuyệt vời của nó, trông đáng ưa thích vì nó làm vui lòng những ai tình cờ đến đó. Thấy vậy, vị ấy khởi lên ý nghĩ sau: “Khu rừng xoài này thật hấp dẫn, dễ chịu và thú vị. Thật là nơi thích hợp cho những thiện nam tử nào muốn hành thiền, nếu Đức Thế Tôn cho phép thì ta sẽ trở lại đây để hành thiền.”

Khu rừng xoài ấy là nơi mà một vị vua đã từng hưởng khoái lạc đế vương khi vị ấy tái sanh trong năm trăm kiếp liên tục trong quá khứ. Đó là lý do khiến ước muốn đến đó khởi sanh trong tâm, khi vị ấy vừa trông thấy vườn xoài.

Rồi đại đức Meghiya trở về với Đức Phật và đảnh lễ Ngài, vị ấy bạch lại vấn đề một cách chi tiết từ khi bắt đầu đi vào làng khất thực cho đến khi khởi lên ý nghĩ muốn trở lại khu rừng xoài để hành thiền. Cuối cùng vị ấy thỉnh cầu Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đức Thế Tôn cho phép thì con sẽ trở lại khu rừng xoài để hành thiền.”

Khi được thỉnh cầu như vậy, Đức Phật đáp lại là cấm vị ấy không được đến đó, Ngài nói: “Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, vậy con hãy đợi cho đến khi có ai đó đến thay thế!”

(Khi đại đức Meghiya nói lời thỉnh cầu, Đức Phật suy xét và biết rằng “Trí tuệ của đại đức Meghiya chưa đạt đến mức chín muồi.” Đây là lý do khiến Ngài ngăn cản. Nhưng Ngài nói rằng: “Lúc này Như Lai chỉ ở một mình.” Vì Ngài nghĩ rằng: “ Nếu Như Lai nói như vậy, và việc hành thiền của vị ấy ở rừng xoài kết thúc trong thất bại  thì khi trở lại vị ấy hoàn toàn sẽ không có sự lúng túng mà chỉ có sự quý mến Như Lai,” và Đức Phật nói vậy để xoa dịu tâm của vị ấy.

Lần thứ hai, đại đức Meghiya thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Vì Đức Thế Tôn đã hoàn thành mười sáu phận sự của Đạo, Ngài không còn gì khác để thành tựu hay tăng trưởng những gì đã thành tựu. Còn về phần con, Bạch Đức Thế Tôn! Con phải hoàn thành mười sáu phận sự của Đạo một cách cẩn trọng, con cũng chưa phát triển thêm những gì đã thành tựu. Nếu Đức Thế Tôn cho phép thì con sẽ đi đến hành thiền ở khu rừng xoài.” Lần thứ hai, Đức Phật cũng từ chối lời thỉnh cầu bằng câu trả lời như trước rằng: “Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, thế nên con hãy đợi cho đến khi có ai thay thế.”

Lần thứ ba, đại đức Meghiya cũng nói lời thỉnh cầu như vậy. Lần này Đức Phật không ngăn cản mà nói rằng: “Này Meghiya! Làm sao chư Phật có thể ngăn cản một người nào đó xin phép đi hành thiền? Này Meghiya! Con hãy làm những gì mà con thấy là thích hợp.”

Đại đức Meghiya đảnh lễ Đức Phật, rời khỏi chỗ ngồi rồi đi đến khu rừng xoài. Sau khi đi vào khu rừng xoài, vị ấy ngồi xuống dưới một cội cây và trải qua thời gian một ngày.

Sự sanh khởi những ý nghĩ bất thiện trong tâm Trưởng lão Meghiya

 

Tảng đá ở dưới cội cây mà trưởng lão Meghiya đang ngồi cũng là tảng đá mà vị ấy đã từng ngồi để hưởng khoái lạc, được vây quanh bởi nhiều cung nữ khi vị ấy làm hoàng đế năm trăm kiếp liên tục  trong quá khứ.

 

Trong thời gian trưởng lão ngồi như vậy thì có vẻ như đời sống Sa-môn của vị ấy trôi đi mất. Vị ấy cảm thấy rằng (trong giấc mơ) mình đang nắm vương quyền, có nhiều cung nữ theo hầu và đang ngồi dưới một cái lọng trắng và trên chiếc ngai xứng đáng với những nhân vật cao quý.

 

Rồi với tâm luyến ái vào sự cao sang hoa lệ của đời sống vua chúa, tâm vị ấy dần dần khởi sanh những ý nghĩ bất thiện về dục (kāma-vitakka) liên quan đến dục trần (vatthu-vitakka).

 

Vào lúc đó, vị ấy thấy (trong giấc mơ) có hai tên trộm bị bắt quả tang được dẫn đến trước mặt vị ấy. Những ý nghĩ nóng giận (vyāpāda-vitakka) dần dần khởi sanh trong tâm của vị ấy như sắp ban lệnh chém đầu một trong hai tên trộm ấy. Những ý nghĩ não hại (vihimsa-vitakka) dần dần sanh khởi trong tâm tựa như vị ấy sắp truyền lệnh tống giam tên trộm thứ hai vậy.

Bằng cách này, ba loại bất thiện tầm là: dục tầm, sân tầm và  hại tầm đã vây chặt tâm vị ấy, không cho vị ấy có cơ hội để thoát ra, giống như cây to bị vây hãm bởi những cây dây leo hay như người lấy mật ong bị chích bởi đàn ong.

Rồi trưởng lão Meghiya suy xét: “Ôi! Thật là lạ kỳ. Ôi! Thật là khác thường. Ta đã từ bỏ thế gian và đã gia nhập vào Tăng chúng bằng đức tin (saddhā) thế mà ta còn bị quấy nhiễu bởi ba loại bất thiện tầm gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm.”

Vì bị vây hãm bởi ba loại bất thiện tầm khắp các phía, nên trưởng lão không thể làm điều thích hợp với pháp thiền. Trưởng lão tự nghĩ: “Chắc chắn do thấy trước điều này mà Đức Thế Tôn đã ngăn cản ta. Ta phải bạch lại vấn đề này với bậc Đạo sư.” Vị ấy đứng dậy rồi đi đến tịnh xá trên ngọn đồi Cātika nơi Đức Phật đang cư ngụ. Sau khi đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống một nơi thích hợp và kể lại những điều đã xảy ra với vị ấy rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ba loại ác, bất thiện tầm gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm đã sanh khởi nhiều lần liên tục trong tâm của con khi con đang ngồi trong khu rừng xoài ấy (do những bất thiện tầm này luôn khởi sanh nên con mới suy xét: “Ôi! Thật là kỳ lạ! Ôi! Thật là khác thường. Ta là người đã từ bỏ thế gian và gia nhập Tăng chúng bằng đức tin, thế mà ta lại bị quấy nhiễu bởi ba loại ác, bất thiện tầm là dục tầm, sân tầm và hại tầm.” )

Ở đây, một câu hỏi có thể được nêu lên: “Tại sao Đức Phật cho phép đại đức Meghiya đi đến khu rừng xoài?” Vì Ngài biết rằng đại đức Meghiya cũng sẽ đi dù Ngài không cho phép. Nếu bị ngăn cản, vị ấy sẽ nghĩ sai và hiểu lầm rằng: “Đức Phật không cho phép ta vì Ngài chỉ muốn một điều là sự hầu hạ của ta.” Đức Phật cũng biết rằng: “Nếu Meghiya hiểu lầm như vậy thì đó là sự tổn thất và đau khổ lâu dài cho vị ấy.” Vì vậy mà Ngài cho phép.

Khi trưởng lão Meghiya kể xong điều đã xảy đến với mình, vị ấy ngồi xuống. Đức Phật muốn thuyết cho vị ấy một thời pháp thích hợp bèn nói rằng (theo nguyên văn của bài kinh) “Aparipakkāya Meghiya ceto vimuttiyā pañca dhammā paripakkāya saṃvattanti – Này Meghiya! Có năm yếu tố dẫn đến giải thoát  tâm khỏi các phiền não  đã chín muồi,” v.v… (Bài kinh đầy đủ về pháp thoại này có thể được tìm thấy trong bộ Udāna. Tuy nhiên, trong bộ sách này chỉ nêu ra điểm chính mà thôi).

“Này Meghiya! Năm yếu tố sau đây làm cho tâm giải thoát chưa chín muồi được chín muồi:

(1)   Thân cận bạn tốt.

(2)   Có giới trong sạch.

(3)   Lắng nghe và quán xét về mười loại lời nói:

(a)   lời nói liên quan đến thiểu dục,

(b)   lời nói liên quan đến tri túc,

(c)   lời nói liên quan đến sự yên tĩnh,

(d)   lời nói liên quan đến sự viễn ly,

(e)   lời nói liên quan đến tinh tấn,

(f)   lời nói liên quan đến giới,

(g) lời nói liên quan đến định,

(h) lời nói liên quan đến Tuệ,

(i) lời nói liên quan đến Đạo, Quả và Niết bàn,

(j) lời nói liên quan đến Tuệ Minh Sát.

(4)   Có sự tu tập tinh tấn.

(5)   Có trí tuệ về tánh chất sanh diệt của các pháp.

“Này Meghiya! Đây là năm yếu tố, mà chỉ khi nào người ta kết hợp với bạn tốt là yếu tố thứ nhất thì người ấy mới có thể đạt được bốn yếu tố còn lại.

 

Này Meghiya! Sau khi tự mình an trú trong năm yếu tố kể trên, thì vị hành giả tỳ khưu (yogāvacara) phải đi đến giai đoạn kế để tu tập bốn pháp: (a) vị ấy phải tu tập pháp niệm về các pháp bất tịnh (asubha) để đoạn diệt tham ái (rāga), (b) vị ấy phải tu tập về pháp niệm về hơi thở vô, hơi thở ra (ānāpānassati) để đoạn diệt các tầm, và (d)    vị ấy phải tu tập tưởng vô thường (anicca-sañña) để đoạn diệt ngã mạn (māna).

Thực vậy, này Meghiya! Đối với người tưởng vô thường, thì vô ngã tưởng (anatta-sañña) sẽ hiện bày, người tu tập vô ngã tưởng có thể loại trừ ngã mạn và chứng ngộ Niết bàn ngay trong kiếp hiện tại này.”

Khi biết rõ điều này, Đức Phật bèn thốt lên hai câu kệ cảm hứng:

1)   Khuddā vitakkā sukhumā vittakkā.

anugatā manaso uppilāvā.

Ete avidvā manaso vitakke.

hurā huraṃ dhāvāti bhantacitto.

Những ý nghĩ nhỏ nhặt và những ý nghĩ vi tế theo tâm và làm cho nó nghịch ngợm. Người không hiểu được những ý nghĩ này thì tâm không ổn định và trôi lăn từ cảnh này đến cảnh khác.

2)  Ete ca vidvā manaso vitakke.

ātāpiyo saṃvarati satimā.

Anugate manaso uppitāve.

asesam ete pajahāsi Buddho.

Khi biết rõ những ý nghĩ này, vị Thánh đệ tử (Sutabuddhu) có tinh tấn để đốt cháy các phiền não và có chánh niệm, khả năng ngăn chặn các ý nghĩ đi theo tâm đã khiến tâm rối rắm. Vị thánh đệ tử thấu hiểu Tứ Đế, có khả năng đoạn tận dục tầm và những ý nghĩ khác.

Bài kinh này thuộc bộ Chú giải Pháp cú như sau: Trưởng lão Meghiya quay về với Đức Phật vì vị ấy bị vướng phải ba bất thiện tầm và không thể hành thiền trong khu rừng xoài ấy.

Đức Phật dạy rằng: “Ngươi đã làm điều sái quấy trầm trọng, ngươi đã bỏ Như Lai ở lại một mình dù Như Lai đã yêu cầu ngươi ‘Hãy đợi, này Meghiya! Lúc này Như Lai ở một mình, vậy hãy đợi đến khi có người khác đến thay thế.’ Một vị tỳ khưu không nên buông xuôi theo ước muốn của tâm. Tâm rất nhẹ và nhanh. Ngươi nên cố gắng giữ nó trong sự kiểm soát của mình”.

Đức Phật đọc lên hai câu kệ:

 

Phandānaṃ capalaṃ cittaṃ,

dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ.

Ujuṃ karoti medhāvī,

usukāro’ va tejanaṃ.

“Này Meghiya! Giống như người thợ làm tên dũng cảm, làm cho cây tên được ngay thẳng bằng cách hơ nóng nó. Cũng vậy, người có tuệ quán có thể làm cho tâm được thẳng bằng cách hơ nóng nó trên ngọn lửa tinh tấn, cả thân lẫn tâm. Tâm có thể bị kích thích bởi sáu cảnh như sắc, thinh, v.v… nó không ổn định, lại hay thay đổi trong một cảnh, không thể ở yên trong một cảnh thích hợp và như vậy khó kiểm soát, khó có thể ngăn chặn để nó đừng trôi lăn trong những cảnh không thích hợp. ”

Vāriyo’va thale khito,

okamokata ubbhato,

Pariphundi’ daṃ cittaṃ,

māradheyyaṃ pahātave.

 

“Này Meghiya! Cũng như con cá ở dưới nước khi bị đem ra khỏi nước và bị ném lên đất khô, nó không ngừng nhảy lung tung. Cũng vậy, tâm tìm kiếm khoái lạc trong năm cảnh (khi bị đem ra khỏi khoảng rộng mênh mông của dục lạc và bị ném lên đất khô là pháp thiền Vipassanā) nó trôi lăn không ngừng cho đến chết vì nó bị đặt ra ngoài năm cảnh dục và bị hơ nóng bởi bốn loại tinh tấn trong pháp thiền thiêu đốt.”

 

Vào lúc kết thúc những câu kệ này, đại đức Meghiya được an trú trong quả thánh Nhập Lưu. Nhiều chúng sanh khác cũng chứng đắc các tầng thánh tương tự hoặc cao hơn.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 7

Post Views: 286