Chương 33 – Hạ Thứ Mười Lăm Của Đức Phật Tại Kapilavatthu (2)

Chương 33 – Hạ Thứ Mười Lăm Của Đức Phật Tại Kapilavatthu (2)

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Sự nhiếp phục dạ xoa Āḷavaka

Vua  Āḷavaka  của  kinh  đô  Āḷavī  có  thói  quen  săn  trong  khu rừng nai mỗi tuần một lần, bỏ lại tất cả những khoái lạc ở hoàng cung cùng với những cung nữ. Để ngăn ngừa tai họa từ những kẻ phản loạn, kẻ thù và trộm cướp, để ngăn ngừa những kẻ cai trị đương thời tấn công vị ấy, đức vua chọn việc săn bắn để nâng cao vương quyền của vị ấy.

 

Một hôm, trước khi lên đường đi săn bắn, đức vua cùng với các quan lập một cam kết rằng: “Ai mà ở trong phạm vi săn bắn của mình mà để con nai trốn thoát thì phải chịu trách nhiệm,” và khi họ đi vào rừng thì có một con nai chạy khỏi phạm vi săn bắn của đức vua.

 

Vì đức vua là người có sức mạnh và chạy nhanh, với cây cung trong tay vị ấy ngay lập tức chạy bộ đuổi theo con nai đến ba do tuần (yojanas). Những con nai thuộc giống enī chỉ có thể chạy liên tục trong ba do tuần. Do đó, khi đức vua đi hết khoảng xa ấy thì trông thấy con nai nằm kiệt sức trong một cái hồ, bèn giết nó bằng một mũi tên. Vị ấy chặt con nai thành hai phần. Dù đức vua không muốn ăn thịt nai nhưng vị ấy vẫn mang nó trên một cái sào vì e rằng sẽ bị nói xấu là ‘người không thể bắt được con nai.’ Trên đường quay về, trông thấy một cây đa có bóng mát tại nơi không quá xa cũng không quá gần kinh đô, vị ấy đi đến gốc cây và nghỉ ngơi một lát.

 

Bấy  giờ,  dạ  xoa  Āḷavaka  được  vua  Vessavaṇa,  vua  của  chư thiên ban cho một đặc ân là bất cứ ai đi vào khu vực của cây đa trong phạm vi bóng râm của nó đổ xuống vào lúc giữa trưa thì sẽ là con mồi của dạ xoa. (Ở đây không phải những kẻ đi đến vào giữa trưa mới bị dạ xoa bắt ăn thịt. Sự thật là những ai đi vào khu vực bóng râm bao trùm của cây đa thì họ sẽ bị bắt ăn thịt dù ban ngày hoặc ban đêm).

Khi dạ xoa trông thấy đức vua đi đến dưới cây đa của mình, vị ấy bèn hiện hình ra để ăn thịt của đức vua (đức vua bèn đưa cho dạ xoa hai phần thịt của con nai vì muốn dạ xoa thả đi, nhưng dạ xoa không làm như vậy, mà nói rằng: ” Nó đã vào tay của ta, vậy nó không phải là của ta hay sao? Này đại vương! Làm sao đại vương có thể tìm được sự tự do bằng cách cho ta thịt của con nai?” Phần này của câu chuyện chỉ được nêu ra trong một số bản dịch).

Khi ấy, đức vua bèn hứa với dạ xoa rằng: “Hãy tha cho ta, ta sẽ gửi đến cho ngươi mỗi ngày một người đàn ông và một nồi cơm.” Tuy nhiên, dạ xoa vẫn không chịu thả đức vua mà nói rằng: ” Đại vương có thể quên điều ấy do say mê với những xa hoa vương giả. Còn về phần tôi, tôi không thể ăn thịt những người không đi đến chỗ ngụ của tôi. Tôi sẽ không ăn thịt những người không tự nguyện hy sinh. Tôi có thể sống thế nào nếu đại vương được thả ra?” Khi ấy, đức vua làm hài lòng dạ xoa bằng cách nói rằng: ” Ngày nào mà ta không gửi vật thực đến ngươi thì ngươi có thể ăn thịt ta.” Đức vua được thả tự do và trở về kinh Āḷavī.

Trong khi chờ đợi đức vua, các quan dựng tạm một chòi lá ở giữa đường. Thấy đức vua trở về, họ chào đón và tâu rằng: “Tâu đại vương! Tại sao đại vương lại mất quá nhiều công sức để bắt con nai chỉ vì sợ mất uy tín?” Đức vua không kể lại điều gì về biến cố xảy ra mà lên đường trở về kinh, dùng cơm trưa, rồi gọi vị quan điều hành kinh đô đến và kể riêng cho ông ta nghe về lời hứa mà đức vua đã hứa với dạ xoa.

Vị quan hỏi: “Tâu đại vương! Đại vương có thỏa thuận về thời gian không?” Đức vua trả lời: “Không, trẫm không thỏa thuận về thời gian.” ‘Tâu đại vương! Đại vương đã phạm một lỗi lầm. Các dạ xoa chỉ đến gần các thứ trong giới hạn. Vì đại vương không đặt ra giới hạn nên khắp vùng sẽ bị tai họa về bệnh tật. Thôi thì đành vậy, tâu đại vương! Dù đại vương làm sai nhưng chớ lo lắng mà hãy vui hưởng khoái lạc vương giả. Hạ thần sẽ làm những việc cần làm liên quan đến việc này.” Vào lúc sáng sớm, vị quan thức dậy và đi đến nhà tù và công bố với những tội nhân bị kết án tử hình rằng: “Những ai muốn tìm con đường sống thì có thể đi ra ngoài.”

Vị quan đón nhận tên tù bước ra đầu tiên và bảo quân hầu tắm rửa cho hắn và cho ăn no. Rồi vị ấy sai hắn đi với lời căn dặn rằng: “Hãy đem nồi cơm này đến cho dạ xoa.” Ngay khi tên tù đi vào bóng râm của cây đa thì dạ xoa hiện hình tướng ghê sợ và ăn thịt tên tù như ăn một cọng ngó sen.

Chú thích: Bằng thần thông của loài dạ xoa, thân người gồm tóc, v.v… đều biến thành một cục bơ.

Những người áp tải tù phạm và vật thực trông thấy dạ xoa Āḷavaka ăn thịt người đàn ông, lấy làm khiếp sợ và đem sự việc ấy kể lại cho những người bạn thân thiết của họ. Từ đó trở đi có tin đồn: “Đức vua bắt những tên trộm và đem chúng nộp cho dạ xoa,” lan truyền và mọi người không ai dám trộm cắp nữa.

Về sau, khi không có những tên trộm mới và cả những tên trộm cũ, tất cả đã làm mồi cho dạ xoa nên những nhà tù đều trống rỗng. Vị quan tâu vấn đề ấy lên đức vua. Đức vua bèn cho người đem vàng và bạc rải trên những con đường chính của kinh đô, nghĩ rằng sẽ có một số người muốn lượm nó. Nhưng không ai nhặt vì họ e rằng sẽ bị buộc tội trộm cắp.

Vua Āḷavaka bị thất bại trong việc bắt những tên trộm mới theo cách này, vua bèn đem vấn đề này bàn luận với các quan và họ đưa ra ý kiến rằng: “Tâu đại vương! Mỗi nhà nộp một người già lần lượt  theo thứ tự nghĩa là những người lớn tuổi sắp chết.” Nhưng đức vua bác bỏ lời đề nghị ấy vì cho rằng mọi người sẽ khiếp đảm với ý nghĩ rằng: “Đức vua có tâm muốn đem nộp cha của ta cho dạ xoa. Không nên chọn phương cách ấy.”

Rồi các quan thay nhau đưa ra ý kiến như vầy: “Tâu đại vương! Hãy bắt mọi người đem nộp con cái của họ mà vẫn còn mang trên lưng của họ. Những đứa trẻ như vậy không có cảm nghĩ rằng ‘Đây là mẹ của ta’ hay ‘Đây là cha của ta.’ Đức vua chấp nhận ý kiến này và để vị quan kia làm như vậy. Vị quan bắt đầu hành động bằng cách ấy.

Trong kinh thành, những bà mẹ dẫn con của họ ra đi và những người đàn bà có thai cũng chạy trốn. Sau khi nuôi những đứa con của họ trong một nước khác, họ lại dẫn đứa con của họ trở về kinh đô.

Như vậy, việc dâng vật thực và con nít đến dạ xoa Āḷavaka đã xảy ra suốt mười hai năm. Một hôm, khi những người hầu rảo quanh khắp kinh thành để tìm những đứa trẻ con nhưng họ không tìm thấy một đứa nào. Bởi vậy, họ tâu lại với đức vua rằng: “Tâu đại vương! Không kể thái tử Āḷavaka trong cung của đại vương, ngoài ra không còn một đứa trẻ nào trong kinh đô.” Đức vua nói: “Trẫm thương con của trẫm như thế nào thì những người này cũng thương con của họ như thế ấy, nhưng trong thế gian này không có ai đáng thương hơn chính bản thân của mình. Này các khanh! Hãy đi, hãy cứu mạng của trẫm bằng cách cống nạp đứa con trai của trẫm cho Dạ xoa.”

Lúc bấy giờ, hoàng hậu mẹ của thái tử Āḷavaka cho người tắm cho con trai của bà bằng nước thơm và trang điểm những vật trang sức khác. Rồi hoàng hậu bế con trai được đắp trong những tấm vải trắng mềm mại đặt vào lòng bà để thái tử yên giấc. Theo lệnh truyền của đức vua, những người hầu đi đến và trong khi hoàng hậu cùng với mười sáu ngàn cung nữ đang kêu khóc, họ dẫn đi bà vú nuôi chính thức với thái tử, và công bố rằng thái tử sẽ trở thành món ăn cho dạ xoa.

Đức Phật viếng kinh đô Āḷavī

Ngày hôm ấy, Đức Phật thức dậy sớm và nhập vào Đại bi định trong Hương phòng bên trong Kỳ viên tịnh xá. Và khi Ngài dò xét thế gian bằng Phật Nhãn (gồm có āsayānusaya-ñāṇa và indriya- paropariyatti-ñāna) Ngài trông thấy trong võng trí của Ngài ba điều quan trọng:

  1. Phước quá khứ của thái tử Āḷavaka sẽ dẫn thái tử đến Thánh quả anāgāmī-phala.
  2. Phước quá khứ của dạ xoa Āḷavaka sẽ dẫn dạ xoa đến Thánh quả sotāpatti-phala.
  3.   Phước quá khứ của tám mươi bốn ngàn chúng sanh sẽ dẫn họ đến chỗ giác ngộ Pháp nhãn (dhamma-cakkhu) là sự thông đạt Tứ diệu đế vào lúc kết thúc thời pháp của Ngài.

Do đó, sáng sớm Ngài hoàn tất công việc buổi sáng. Trước khi Ngài hoàn tất những công việc buổi chiều của Ngài, vào lúc mặt trời lặn và mặt trăng vừa xuất hiện, Ngài lên đường đi một mình mang theo y và bát, chuyến đi dài ba mươi do tuần từ Sāvatthi đến chỗ ở của dạ xoa Āḷavaka.

Hiện giờ Đức Phật ngự ở đâu? Phải chăng Ngài ngự trong lâu đài của dạ xoa mà người bình thường không thấy được và ở gần cây đa? Hay Ngài ngồi dưới gốc cây đa ? Ngài ngồi trong cung điện của dạ xoa.

Giải thích: Dạ xoa trông thấy nhà của chúng, Đức Phật cũng trông thấy như vậy. Do đó, Ngài đi đến chỗ ở của dạ xoa và đứng ở cổng.

Lúc bấy giờ, dạ xoa  Āḷavaka đang dự cuộc họp dạ xoa ở núi Hy-mã-lạp-sơn.  Tên  gác  cửa  của  dạ  xoa  Āḷavaka  là  dạ  xoa  tên Gadrabha, đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài. Và một cuộc đàm thoại xảy ra giữa dạ xoa Gadrabha với Đức Phật:

Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng Ngài chỉ đến vào lúc mặt trời lặn?”

Đức Phật: “Này Gadrabha! Đúng vậy, Như Lai chỉ đi đến vào lúc mặt trời lặn. Nếu không có gì phiền hà, Như Lai muốn ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.”

Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng có gì phiền hà cho con cả, nhưng dạ xoa Āḷavaka rất hung dữ. Vị ấy chẳng biết tôn kính ai ngay cả cha mẹ của vị ấy. Thế nên tốt hơn là Ngài đừng trú ngụ ở đây?”

Đức Phật: “Này Gadrabha! Như Lai biết tánh hung dữ của dạ xoa Āḷavaka. Không có chút tai hại nào đến với Như Lai đâu. Như Lai muốn ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka  nếu  ngươi  cảm  thấy  việc  trú  ngụ  của  Như  Lai không bất tiện.”

Gadrabha: “Bạch  Đức  Thế  Tôn!  Āḷavaka  giống  như  cái  chảo  sắt được nung đỏ bằng ngọn lửa. Vị ấy hoàn toàn không biết đến cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và Chánh pháp (dhamma). Ai đi đến chỗ này, vị ấy có khả năng làm cho họ bị điên, hoặc vỡ tim, hoặc nắm chân ném họ qua bên kia đại dương hoặc bên kia của thế giới. ”

Đức Phật: “Này Gadrabha! Như Lai biết tất cả điều này. Nếu không có gì phiền hà cho ngươi thì Như Lai sẽ ngụ qua đêm trong lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.”

Gadrabha: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phiền hà gì đến con cả, nhưng dạ xoa Āḷavaka sẽ giết con nếu con cho phép Ngài vào mà không báo cho vị ấy biết. Thế nên, bạch Đức Thế Tôn! Xin hãy để cho con báo cho vị ấy biết trước đã.” 

Đức Phật: “Này Gadrabha! Hãy báo cho vị ấy biết như thế.”

Gadrabha: “Vậy thì, bạch Đức Thế Tôn! Hãy suy nghĩ xem Ngài có nên ở lại đây hay không?”

Sau khi nói vậy, dạ xoa Gadrabha đảnh lễ Đức Phật rồi đi đến Hy-mã-lạp-sơn. Cửa lâu đài của dạ xoa Āḷavaka tự động mở ra. Đức Phật đi vào lâu đài và ngồi trên bồ đoàn bằng châu báu của chư thiên mà  Āḷavaka  thường  ngồi  vào  những  ngày quan  trọng  và  kiết  tường, hưởng khoái lạc của chư thiên. Sau khi ngồi, Đức Phật phát ra hào quang màu vàng. Trông thấy hào quang màu vàng, những nữ thần của dạ xoa Āḷavaka bèn hội lại đảnh lễ và ngồi quanh Ngài. Đức Phật bèn thuyết pháp đến họ, nói rằng: ” Này các nữ dạ xoa! Vì trong quá khứ các ngươi đã bố thí vật thực, thọ trì giới và tôn kính những bậc đáng tôn kính nên các ngươi mới đạt được những khoái lạc cao sang. Bây giờ cũng vậy, hãy làm như các ngươi đã làm trước kia. Đừng bị dể duôi bởi các ác pháp như ganh tỵ (issā) và bỏn xẻn (maccariya), v.v… Sau khi nghe pháp thoại ngọt ngào, họ nói ngàn lời tung hô và vẫn ngồi quanh Đức Phật.

Đến Hy-mã-lạp-sơn, dạ xoa Gadrabha kính cẩn trình báo với Āḷavaka: “Thưa ngài Āḷavaka, vua của loài dạ xoa, người chẳng biết khổ là gì. Xin cho phép tôi được trình báo với ngài. Đức Phật đã đến và ngồi trong lâu đài của ngài.” Khi ấy, Āḷavaka biểu lộ cử chỉ ý muốn nói rằng: ” Hãy im lặng! Ta sẽ trở về ngay và bất cứ điều gì cần làm.”

Ở đây, Āḷavaka rất mạnh mẽ trong việc suy nghĩ sái quấy, vị ấy cho rằng việc Đức Phật vào trú ngụ trong lâu đài của vị ấy là một sự sỉ nhục. Và do bản tánh ngã mạn của một vị dạ xoa, vị ấy dấu nhẹm tin ấy và nghĩ rằng: “Đừng để ai giữa hội chúng này nghe được tin ấy.”

Khi ấy, hai vị thiên cao quý, Sātāgira và Hemavata rủ nhau đi đến yết kiến Đức Phật tại Jetavana trước khi đi dự hội chư thiên. Mỗi vị đi xe của mình, họ lên đường trong hư không cùng với tùy tùng của họ.

Chú thích: Trong không trung không có đường dành cho loài dạ xoa. Họ chỉ phải tìm đường đi để tránh những cung điện của chư thiên. Tuy nhiên, lâu đài của dạ xoa Āḷavaka nằm trên đất.

Tòa lâu đài khá an toàn, có những bức thành kiên cố bao  quanh, tháp pháo và cổng tò vò. Ở trên lâu đài có giăng một tấm lưới được làm bằng đồng thau trắng, trông nó giống như cái hộp. Nó cao ba do tuần, phía trên hình thành một con đường hư không dành cho các vị dạ xoa thiên.

Khi hai người bạn là hai vị dạ xoa thiên Sātāgira và Hemavata tình cờ đi đến ngay trên lâu đài qua con đường hư không của họ để yết kiến Đức Phật nhưng họ không thể đi tiếp.

Thực ra, phía trên từ chỗ Đức Phật đang ngồi lên đến cõi Bhavagga, không có ai vượt qua được.

Do đó, khi suy nghĩ nguyên nhân làm cho họ không thể đi thêm được, họ trông thấy Đức Phật và đáp xuống đất, giống như cục đá được ném lên trên phải rơi xuống đất. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, họ nghe một thời pháp rồi nhiễu quanh Đức Phật và xin cáo từ: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con phải đi dự hội của các vị dạ xoa thiên.” Sau khi nói vài lời tán dương Tam Bảo, họ đi về phía Hy-mã-lạp-sơn, nơi hội họp của họ.

Khi  trông  thấy hai  người  bạn   (chư  thiên  bậc  thánh)  Āḷavaka bèn đứng dậy và mời họ: “Xin mời ngồi ở đây.”

Sự giận dữ của dạ xoa Āḷavaka

Hai  người  bạn  báo  tin  với  Āḷavaka  rằng:  “Này  bạn  Āḷalvaka! Đức Thế Tôn vẫn còn ngồi trong lâu đài của bạn. Bạn thật may mắn. Này bạn Āḷavaka! Bạn hãy đi hầu hạ Đức Thế Tôn.”

(Đối với người không có niềm tin thì lời nói liên quan đến niềm tin làm cho người ta không thể chịu nổi; lời nói liên quan giới đối với người không có giới cũng vậy; lời nói liên quan đến trí tuệ đối với người ngu si cũng vậy và lời nói liên quan đến bố thí đối với người keo kiệt ).

Lời nói của hai người bạn kích thích niềm tin liên quan đến Đức Phật làm cho Āḷavaka vốn không có niềm tin, không thể không tức giận. Do đó, khi nghe những lời tán dương Đức Phật, dạ xoa Āḷavaka trở nên giận dữ. Tim của vị ấy kêu lốp bốp bởi cơn giận dữ như những cục muối được ném vào trong đống lửa. Vị ấy hỏi trong cơn giận: “Kẻ được gọi là Phật mà ngồi trong lâu đài của ta là loại người nào?”

Hai  người  bạn  chư  thiên  bậc  Thánh  nói  với  dạ  xoa  Āḷavaka rằng:  “Này  bạn  Āḷavaka!  Phải  chăng  bạn  không  biết  Đức  Thế  Tôn, bậc Đạo-Sư của chúng tôi? (Ngài là một nhân vật cao quý và rất nổi tiếng). Ngay cả khi ở trong Đâu suất đà thiên, Ngài đã thực hiện năm điều suy xét.” (Và họ kể lại tiểu sử của Đức Phật cho đến khi Ngài thuyết  giảng  bài  kinh  Chuyển  pháp  luân.  Họ  cũng  kể  cho  Āḷavaka nghe về ba mươi hai điềm tướng vào lúc Bồ tát nhập thai, v.v…). Này bạn  Āḷavaka!  Phải  chăng  bạn  chưa  từng  thấy  những  điềm  tướng  kỳ diệu ấy?” Dù vị ấy đã trông thấy chúng nhưng vì bị cơn giận chế ngự nên che dấu sự thật, đáp lại: “Chưa, tôi chưa thấy.”

Hai vị thiên cảm thấy không hài lòng và nói rằng: ” Dù bạn đã thấy hoặc chưa thấy chúng thì có lợi ích gì cho bạn? Này bạn! Bạn định làm gì bậc Đạo sư của chúng tôi? Nếu so sánh với Ngài thì (a) bạn giống như một con bê mới sanh ngày hôm nay đứng gần con bò đực có cục bướu lắc lư, (b) giống như voi con mới sanh ra ngày hôm nay đứng gần con voi chúa dũng mãnh, (c) giống con chồn già xấu xí đứng gần sư tử chúa đầy oai vệ với cái lưng tròn, đôi vai và cái bờm dài sáng bóng, (d) giống như con quạ con gãy cánh đứng gần đại bàng Kim-xí-điểu (garuḍa) mà thân của nó có kích thước một trăm năm mươi do tuần. Hãy đi và làm điều gì cần làm.” Do giận dữ, dạ xoa Āḷavaka đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đứng vững chắc với bàn chân trái đặt trên một tảng đá bằng phẳng, vị ấy hét lên: “Phải chăng Đức Phật, bậc Đạo-sư của các bạn hùng mạnh? Hay là ta mới là người hùng mạnh? Các bạn sẽ thấy ai hùng mạnh hơn!” Khi hét lên như vậy, vị ấy đạp bàn chân phải của vị ấy xuống ngọn núi Kelasa cao sáu mươi do tuần. Giống như những hạt lửa rơi tung tóe từ thanh sắt nóng đỏ đã được nung nóng quá mức trong cái lò rèn rồi được đặt trên cái đe và được đập bằng cái búa. Như vậy, núi Kelasa vỡ ra thành những lớp đá.

Khi đứng trên đỉnh núi dạ xoa tuyên bố vang xa: “Ta đích thực là Āḷavaka đây.” Tiếng vang thấu đến toàn xứ Jambudīpa.

Bốn tiếng gầm lớn

Có bốn tiếng gầm lớn mà toàn xứ Jambudīpa đều nghe rõ:

(1)   Tiếng gầm ‘Ta đã thắng! Ta đã thắng!’ của tướng quân dạ xoa Puṇṇadha khi vị ấy đánh bại Dhanañjaya Korabya trong trò chơi súc sắc như được kể trong truyện Bổn sanh Vudhūra Jātaka.

(2)   Tiếng gầm ‘Ta sẽ ăn thịt tất cả tỳ khưu và tỳ khưu ni ác, cận sự nam và cận sự nữ ác và những kẻ bất chánh’ của Visukamma trong hình tướng của con chó mực to lớn theo lệnh của Sakka, vua của chư thiên khi Giáo pháp của Đức Phật Kassapa bị suy yếu.

(3)   Tiếng gầm ‘Vua Kusa, người Sīhassara, có giọng nói hùng dũng và xuyên thấu như tiếng sư tử vương, ta đây’ của Bồ tát Kusa khi đi ra khỏi kinh đô với công chúa Pabhāvatī ở trên lưng của con voi của vị ấy khi bảy vị vua muốn dành lấy công chúa, đã bao vây kinh đô. Và

(4)   Tiếng gầm hiện tại ‘Ta đích thực là Āḷavaka’ của dạ xoa Āḷavaka khi đang đứng trên đỉnh núi Kelasa. Khi những tiếng la hét ấy được phát ra có vẻ như chúng xuất phát trước mỗi cổng thành và mỗi cổng làng toàn xứ Jambudīpa.

Do  sức  mạnh  của  Āḷavaka,  dãy  núi  Hy-mã-lạp-sơn  rộng  ba ngàn do tuần phải rung chuyển.

Sau đó, dạ xoa tấn công Đức Phật bằng chín loại vật phóng (giống như đã được mô tả trong phần nói về sự hàng phục Vassavati Devaputta Māra, cuốn II). Mặc dù tấn công với những vật phóng như vậy, Āḷavaka cũng không thể khiến Đức Phật bỏ chạy. Vì vậy, vị ấy tiến đến Đức Phật dẫn theo quân binh đáng sợ gồm bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh với nhiều hình thức ghê sợ và nhiều loại khí giới.

Đoàn binh ma hóa ra đủ loại binh tướng hăm dọa và la hét ‘Hãy tóm bắt vị ấy! Hãy giết chết vị ấy!’ Chúng xuất hiện tựa như chúng đang ồ ạt đến từ khoảng không bên trên Đức Phật. Nhưng chúng không dám đến gần Đức Phật giống như bầy ruồi không dám đến gần cục sắc nóng đỏ.

Dù chúng không dám đến gần nhưng chúng cũng không dám rút lui trong thời gian ngắn giống như Ma vương và binh ma của vị ấy đã từng làm, là quay lui ngay sau khi bị đánh bại vào lúc Bồ tát sắp giác ngộ tại Mahā Bodhi. Thay vào đó, Āḷavaka cùng quan binh của vị ấy trải qua cả đêm làm những điều nhũng nhiễu.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 16

Post Views: 312