Những câu hỏi khác của Āḷavaka sau khi chứng đắc Thánh quả Nhập lưu – Sotāpatti
Giờ đây Āḷavaka đã khắc nghi trong tâm chữ Paññā (Trí tuệ) trong câu trả lời thứ tư của bài kệ, “paññāya parisujjhati – do trí tuệ người ta thanh lọc các pháp ô nhiễm trong chính mình” được Đức Phật đọc lên. Dạ xoa (vị ấy đã là bậc thánh Nhập lưu) ước muốn hỏi thêm những câu kệ khác, sự pha trộn các vấn đề khác thuộc thế gian và xuất thế gian, bằng trí thông minh của mình, vị ấy đọc lên sáu dòng kệ sau:
Kathaṃ su labhate paññaṃ?
Kathaṃ su vindate dhanaṃ?
Katham su kiṭṭiṃ pappoti?
Katham mittāni ganthati?
Asmā lokā paraṃ lokaṃ kathaṃ pecca na socati?
(Bạch Đức Thế Tôn!) Bằng cách nào để đạt được hai loại trí là hiệp thế và siêu thế? Làm thế nào để đạt được hai loại tài sản là hiệp thế và siêu thế? Làm thế nào để đạt được danh tiếng? Làm thế nào để thân cận với bạn bè? Bằng cách nào mà người ta không sầu khổ khi mạng chung từ thế giới này sang thế giới khác?
Qua câu kệ này, dạ xoa Āḷavaka muốn hỏi những vấn đề liên quan đến năm điều sau đây:
- Phương cách để có được trí tuệ.
- Phương cách để có được tài sản.
- Phương cách để có được danh tiếng.
- Phương cách để có được bạn bè.
- Phương cách để thoát khỏi sầu khổ trong kiếp sau.
Vì muốn giảng cho dạ xoa một cách đúng pháp rằng có bốn pháp giúp thành tựu hai loại trí hiệp thế và siêu thế ( muốn trả lời câu hỏi thứ nhất), Đức Phật tuyên thuyết câu kệ sau:
Saddhāno aroahataṃ,
dhammaṃ nibbānapattiyā.
sussūsaṃ labhate paññaṃ,
appamatto vicakkhaṇo.
(Này Āḷavaka!) Người có niềm tin sâu đậm trong mười việc phước và ba mươi bảy Bồ đề phần là những pháp giúp chứng đắc Niết bàn, do chư Phật Toàn giác, chư Phật Độc giác và Thinh văn A-la-hán giảng dạy; người tôn kính lắng nghe bậc trí, có chánh niệm và nhất tâm, và suy xét tường tận về hai loại lời nói thiện ngữ (subhāsita) và ác ngữ (asubhāsita) thì sẽ có được hai loại trí là hiệp thế và siêu thế.
Qua câu trả lời này, Đức Phật muốn nói rằng:
- Đức tin (saddhā)
- Sự chú ý (sussūsā)
- Chánh niệm (appamāda)
- Sự suy xét (vicakkhanā) là những phương tiện để có được trí tuệ.
Giải thích: Chư Phật Toàn giác, chư Phật Độc giác và chư Thinh văn Phật chứng ngộ Niết bàn là nhờ mười điều phước đầu tiên và ba mươi bảy pháp Bồ đề phần, được gọi phương tiện dẫn đến Niết bàn. Chỉ người nào có niềm tin sâu sắc (saddhā) mới có thể sở hữu được hai loại trí hiệp thế và siêu thế này.
Tuy nhiên, sự sở hữu trí tuệ không thể có được chỉ bằng đức tin. Chỉ khi nào những bậc có đức tin trau dồi (sussūsā) bằng cách đến gần các bậc trí, hầu hạ các Ngài, lắng nghe các Ngài nói pháp, như vậy người ấy mới có thể đạt được hai loại trí tuệ này (tức là niềm tin dẫn đến Niết bàn), người ấy phải đi đến người thầy tế độ (upajjahāya) và làm tròn bổn phận của mình đối với thầy.
Khi vị thầy hài lòng việc làm tròn bổn phận của người đệ tử sẽ giảng dạy. Người đệ tử phải chăm chú lắng nghe. Việc đến gần thầy tế độ, chăm chú lắng nghe lời giảng – tất cả những điều này tạo nên từ sussūsā, cung kính vâng lời. Chỉ người nào có sussūsā mới có thể đạt được trí hiệp thế và siêu thế.
Chỉ khi nào người nghe có đức tin, sự tôn kính và tu tập thêm, appamāda (không dể duôi) và vicakkhaṇā (thẩm xét) về thiện ngữ (subhāsita) và ác ngữ (asubhāsita) người ấy mới có thể đạt được hai loại trí hiệp thế và siêu thế. Người thiếu bốn pháp, saddhā, sussūsā, appamāda và vicakkhaṇā thì không thể.
Xét về sự liên hệ giữa bốn pháp và trí siêu thế, (1) do saddhā người ta đi vào pháp hành dẫn đến trí tuệ, (2) do sussūsā người ấy cung kính lắng nghe pháp dẫn đến trí tuệ, (3) do appamāda người ấy không quên những điều đã học được, (4) do vicakkhaṇā người ấy suy xét sâu xa về những điều đã nghe, đã học khiến cho nó nguyên vẹn, không thay đổi sai lạc, mở rộng kiến thức và trí tuệ của người ấy. Hoặc (2) do sussūsa người ta cung kính dẫn đến trí tuệ, (3) do appamāda người ta ghi nhớ điều đã học khiến nó không bị quên lãng, (4) do vicakkhaṇā người ta suy gẫm sâu xa điều đã được ghi nhớ trong tâm. Sự thực hành lập đi lập lại bốn điều này giúp người ta giác ngộ ý nghĩa cùng tột của Niết bàn nhờ Đạo quả A-la-hán. Theo cách này, sự tu tập Trí tuệ siêu thế của Đạo và của Quả cần được lưu ý.
Sau khi trả lời câu hỏi đầu tiên như vậy, Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi thứ hai, thứ ba và thứ tư Ngài bèn tuyên đọc câu kệ sau:
Patirūpa-kāri dhuravā, uṭṭhātā vindate dhanaṃ
saccena kittiṃ pappoti dadaṃ mittāni ganthāti.
(Này Āḷavaka!) Người thực hiện hai điều này dẫn đến tài sản thế tục lẫn tâm linh phù hợp với nơi chốn và thời gian; người do tinh tấn không từ bỏ phận sự của mình, và cũng như năng động về thể chất, chắc chắn có được hai loại tài sản. (Nửa câu kệ đầu, Đức Phật trả lời rằng hai loại tài sản có thể đạt được qua ba yếu tố: theo pháp hành phù hợp với thời gian và nơi chốn, dẫn đến tài sản, có sự tinh tấn của thân và tâm). Qua lời nói chân thực an lành, người ta có thể đạt đến danh tiếng tốt rằng “Đây là người nói sự thật” (hay) do sự chứng đắc ý nghĩa cùng tột của Niết bàn mà người ta đạt đến danh tiếng, mọi người sẽ nói rằng: ” Người ấy là Đức Phật.” “Người ấy là Phật Độc Giác.” “Người ấy là Thinh văn đệ tử Phật.” (Dòng kệ thứ ba này trả lời cho câu hỏi thứ ba). Người không bỏn xẻn mà toàn tâm toàn ý bố thí đến một người nào đó cái mà người ấy cần thì sẽ tạo được nhiều bạn bè (Qua dòng kệ thứ tư này, câu hỏi thứ tư được trả lời).
Ở đây, phương pháp để đạt đến tài sản trong thế gian qua sự thực hành đúng pháp, sự tinh tấn của tâm và thân có thể được lưu ý từ câu truyện Bổn sanh nổi tiếng – Cūḷa-seṭṭhi Jātaka , kể về một người trở nên giàu có trong vòng bốn tháng bằng cách lấy con chuột chết làm vốn và lợi tức thu được là 200 ngàn.
Nói về sự thành tựu tài sản tinh thần, cần tìm hiểu về câu chuyện của trưởng lão Mahā Tissa.
Giải thích: Vị trưởng lão cao tuổi Mahā Tissa ở Ceylon, nguyện thực hành pháp Đầu đà với ba oai nghi – đi, đứng và ngồi và ngài thực hiện viên mãn. Bất cứ khi nào cảm thấy uể oải thì Ngài nhúng cái nệm bằng rơm trong nước rồi đặt nó trên đầu và lội xuống nước đến ngang cổ để diệt trạng thái hôn trầm (thina-middha) của mình. Sau mười hai năm, Ngài chứng đắc Đạo quả A-la-hán.
Sau khi trả lời bốn câu hỏi đầu tiên như vậy, trong đó những pháp thuộc thế tục và tinh thần dành cho người tại gia và người xuất gia được kể chung. Giờ đây Đức Phật muốn giải đáp câu hỏi thứ năm. Do đó, Ngài đọc lên câu kệ sau:
Yass’ete caturo dhammā, saddhassa gharaṁ esino.
Saccaṃ dhammo dhīti cāgo, sa ve peccan socati.
Người có đức tin và tầm cầu lợi ích cho gia đình, trong người ấy có hiện hữu bốn pháp đó là chân thật (sacca), trí tuệ (dhamma), sự tinh tấn của thân và tâm (dhīti), xả thí (cāga), thật vậy, người này không lo buồn cho sự ra đi của mình sang thế giới bên kia.
Sau khi trả lời câu hỏi thứ năm như vậy, Đức Phật muốn sách tấn dạ xoa Āḷavaka và đọc lên câu kệ rằng:
Ingha aññe’pi pucchassu,
puthū samāṇa brāhmaṇe.
Yadi saccā damā cāgā,
khantyā bhiyyo’dha vijjati.
(Này dạ xoa Āḷavaka!) Trong thế gian này nếu có đức tánh nào thù thắng hơn sacca (hai loại chân thật) để thành đạt danh tiếng; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn dama (tự chế) qua sự thận trọng là một phần của sự vâng lời khôn ngoan để thành đạt trí thế tục và tâm linh; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn cāga (xả thí) để kết bạn; nếu có đức tánh nào thù thắng hơn khantī (nhẫn nại) dưới dạng tinh tấn nơi thân và tâm để tạo ra tài sản thuộc thế tục và tâm linh. Nếu có đức tánh nào thù thắng hơn các pháp sacca, dama, cāga, và khantī để loại trừ sầu khổ cho đời sau, hoặc nếu ngươi nghĩ có những đức tánh thù thắng hơn bốn pháp này, để thỏa mãn ngươi nên hỏi những người khác, những vị Sa-môn và Bà-la-môn như Purāna Kassapa, v.v… những kẻ lầm lạc cho rằng họ là những vị Phật Chánh đẳng Chánh giác.
Khi Đức Phật đọc xong câu kệ thì dạ xoa Āḷavaka bạch với Đức Thế Tôn bằng câu kệ, nửa câu kệ đầu giải thích rằng vị ấy đã đoạn diệt hoài nghi (do chứng đắc Đạo Tuệ), hoài nghi rằng liệu vị ấy có nên hỏi Purāma Kassapa, v.v… hay không và câu kệ thứ hai giải thích lý do khiến vị ấy không có ý định hỏi:
Kathaṃ nu dāmi puccheyyam
puthū samaṇa-brahmaṇe.
Yo’haṃ ajja pajānāmi
yo attho samparāyiko.
(Bạch Đức Thế Tôn!) Giờ đây (đệ tử của Ngài tên Āḷavaka) đã cắt đứt tất cả hoài nghi bằng lưỡi dao của Đạo trí Nhập lưu (sotāpatti- magga-ñāna), tại sao con còn phải hỏi những Sa-môn và Bà-la-môn mà tự cho mình là Đức Phật Toàn Giác (Thực vậy, con không nên hỏi họ vì con đã thoát khỏi phiền não trói buộc của hoài nghi (vicikicchā). Vì Đức Thế Tôn đã khuyến giáo con, con tên Āḷavaka là đệ tử của người, ngày hôm nay đã tự thân biết rõ, tất cả những lời khuyến giáo của Đức Thế Tôn về sự thành tựu trí tuệ, thành tựu tài sản và thành tựu danh tiếng và sự kết bạn, những đức tánh dẫn đến không khổ ưu trong kiếp sau. (Thế nên, con không cần phải hỏi những người khác để được thỏa mãn).
Giờ đây, dạ xoa Āḷavaka đọc lên bài kệ sau đây để cho thấy rằng trí tuệ mà vị ấy đạt được có nguồn gốc từ Đức Phật:
Atthāya vata me Buddho
vāsāy’āḷaviṃ āgāmā.
Yo’haṃ ajja pajānāmi,
yattha dinnaṃ Mahāppahalaṃ.
Đức Thế Tôn, Đức Phật Toàn Giác do lòng bi mẫn đã đi đến kinh đô Alavi để trải qua suốt mùa an cư để đem lại lợi ích thế tục và tinh thần cùa con. Vật thí với tâm tịnh tín được cúng dường đến Đức Phật Toàn Giác có những phước báu to lớn trong cõi trời, cõi người cho đến Niết bàn. Đức Phật Toàn Giác xứng đáng được thọ lãnh những vật thí quý báu nhất, mà giờ đây con được biết một cách thấu đáo.
Sau khi đã đọc lên câu kệ nói rằng bây giờ vị ấy đã có được phương tiện phát triển lợi ích cho mình. Āḷavaka lại đọc lên câu kệ này để bày tỏ mong ước muốn đem lại lợi ích cho những kẻ khác:
So aham vicrissāmi,
gāmā gāmaṃ purā puraṃ.
Namassamāno sambuddhaṃ,
Dhammassa ca suddhammataṃ.
(Bạch Đức Thế Tôn!) Bậc có hào quang chiếu sáng rực rỡ như mặt trời. Con Āḷavaka, đệ tử của Ngài (từ hôm nay trở đi vào ngày mà con gặp bậc Đạo sư), thành kính chấp tay đưa lên đầu, sẽ đi từ cõi trời này đến cõi trời khác, từ thành phố chư thiên này đến thành phố chư thiên khác công bố vang khắp về những ân đức của Đức Phật, Chúa tể của ba cõi, và ân đức của Pháp gồm có mười thành phần là bốn Đạo, bốn Quả, Niết bàn và toàn thể Giáo pháp của Ngài, chứa những phương cách thiện xảo để giải thoát khỏi vòng đau khổ (và những ân đức của Tăng , tám hạng Thánh Tăng, những bậc cẩn trọng đi theo pháp hành quý báu của ba pháp học).
Đó là lúc mà bốn biến cố sau đây đồng thời xảy ra:
- Kết thúc câu kệ của Āḷavaka.
- Trời vừa rạng sáng.
- Câu kệ của Āḷavaka được đón nhận bằng sự hoan hô vang dội.
- Những người hầu của vua giao nộp hoàng tử Āḷavaka đến lâu đài của dạ xoa Āḷavaka.
Khi những người hầu của đức vua (từ kinh đô Āḷavi) nghe tiếng hoan hô vang rền, họ tự nghĩ rằng: “Tiếng vang như vậy không thể xảy ra với bất cứ nhân vật nào ngoài Đức Phật. Có thể rằng Đức Phật đã đến rồi chăng?” Nhìn thấy ánh hào quang của Đức Phật, họ đi vào lâu đài của dạ xoa không chút sợ hãi. Vào trong lâu đài, họ gặp Đức Phật đang ngồi còn dạ xoa Āḷavaka đang đứng chấp hai tay chấp trong thái độ tôn kính.
Sau khi thấy vậy, những người hầu của đức vua mạnh dạn trao hoàng tử cho dạ xoa Āḷavaka nói rằng: ” Thưa đại dạ xoa! Chúng tôi mang hoàng tử Āḷavaka bé nhỏ này để dâng nộp cho ngài. Bây giờ ngài có thể ăn hoàng tử nếu ngài muốn.” Vì dạ xoa Āḷavaka đã trở thành bậc thánh Nhập lưu rồi nên cảm thấy hổ thẹn.
Āḷavaka dịu dàng bồng lấy hoàng tử bé nhỏ rồi dâng hoàng tử đến Đức Phật bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con xin dâng vị hoàng tử đến Ngài. Con xin bố thí hoàng tử này đến Ngài. Chư Phật hằng nhân từ và bảo vệ chúng sanh vì lợi lạc của họ. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy tiếp nhận đứa bé này, vì hạnh phúc và lợi ích cho cậu ấy.” Dạ xoa đọc lên câu kệ này:
Imaṃ kumāraṃ satapuññalakkhaṇaṃ
sabba’ṅgupetaṃ paripuṇṇavyañjanaṃ
Udaggacitto sumano dadāmi te.
paṭiggaha lokahitāya cakkhuma.
Bạch Đức Thế Tôn! Bậc Ngũ nhãn! Phấn chấn và hạnh phúc, con Āḷavaka với tâm tịnh tín xin dâng Đức Thế Tôn hoàng tử Āḷavaka, người có hơn một trăm tướng do bởi những việc phước trong quá khứ, người có đầy đủ tứ chi lớn nhỏ và thân tướng được phát triển. Chư Phật chăm sóc chúng sanh hằng đem lại lợi ích cho họ. Xin Ngài bi mẫn nhận lấy hoàng tử để đem lại lợi ích cho cậu ấy.
Đức Phật đón nhận lấy hoàng tử Āḷavaka. Ngài thọ nhận như vậy để ban phước và sự lợi ích là trường thọ và khỏe mạnh cho dạ xoa và hoàng tử. Đức Phật đọc lên ba câu kệ, mỗi câu bỏ bớt một dòng (để dành cho người khác điền vào). Chỗ trống trong mỗi câu kệ được dạ xoa điền ba lần thành dòng kệ thứ tư để an trú hoàng tử trong Tam Quy. Những câu kệ chưa đầy đủ được đọc lên bởi Đức Phật và được điền vào đầy đủ bởi Dạ xoa như sau:
(1) Đức Phật: Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro.
tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi.
Avyādhitā lokahitāya tiṭṭhatha
Yakkha: ayaṃ kumāro saranam upeti Buddhaṃ.
(2) Đức Phật: Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro.
tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi.
Avyādhita lokahitāya tiṭṭhatha.
Yakkha: ayaṃ kumāro saranam upeti Dhammaṁ.
(3) Đức Phật: Dīghāyuko hotu ayaṃ kumāro.
tuvañ ca yakkha sukhito bhavāhi.
Avyādhitā lokahitāya tiṭṭhatha.
Yakkha: ayaṃ kumāro saraṇam upeti Saṅghaṁ.
(1) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka xin quy y Đức Phật, Thế Tôn, bậc Chánh Biến Tri.
(2) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka xin quy y Pháp gồm mười đặc tính như bốn Đạo, bốn Quả, Niết bàn và toàn bộ Giáo Pháp của Ngài.
(3) Đức Phật: Cầu cho hoàng tử Āḷavaka này được sống lâu. Này dạ xoa Āḷavaka! Cầu cho ngươi cũng được hạnh phúc cả thân lẫn tâm! Cầu cho cả hai được sống lâu, thoát khỏi chín mươi sáu loại bịnh, vì lợi ích của nhiều người.
Yakkha: Bạch Đức Thế Tôn! Hoàng tử Āḷavaka này xin quy y Tăng gồm những bậc thánh Tăng trong ý nghĩa cùng tột (Paramattha Ariya).
Rồi Đức Phật trao hoàng tử lại cho các quan và bảo rằng: “Hãy nuôi dưỡng vị hoàng tử này rồi trả vị ấy về với Như Lai.”
Đặt tên hoàng tử Hatthaka Āḷavaka
Tên gốc của hoàng tử là Āḷavaka. Như đã trình bày, ngày dạ xoa được nhiếp phục, hoàng tử được chuyển giao từ tay của các vị quan đến tay của dạ xoa, rồi từ tay của dạ xoa đến tay Đức Phật, và từ tay Đức Phật trở về lại tay của các quan. Vì thế, hoàng tử được gọi là Hatthaka Āḷavaka (hay Hatthakā-lavaka – Āḷavaka là người được chuyền từ tay người này đến tay người khác).
Khi các quan đem hoàng tử trở về, những người nông dân, thợ rừng và những người khác đều trông thấy, họ rụt rè hỏi: “Thế là thế nào? Không phải dạ xoa không muốn ăn thịt hoàng tử vì hoàng tử quá nhỏ chăng?” Các quan bèn đáp: “Này các bạn! Đừng sợ hãi. Đức Thế Tôn đã làm cho hoàng tử thoát khỏi nguy hiểm rồi,” và kể cho họ nghe về toàn thể câu chuyện.
Sau đó, toàn thể kinh đô Āḷavi hô vang: “Lành thay! Lành thay!” Dân chúng hướng đến nơi dạ xoa Āḷavaka hô vang dội “Đức Thế Tôn đã tạo ra sự an lành! Đức Thế Tôn đã tạo ra sự an lành!” Đến giờ Đức Phật đi vào thành khất thực, dạ xoa đi theo mang theo y và bát của Đức Phật, được nửa đường thì dừng lại nhìn Đức Phật đi khuất, vị ấy trở về cung điện của mình.
Sự hóa độ vĩ đại (Dhammābhisamaya)
Sau khi Đức Phật đi khất thực trong thành Āḷavī và khi độ thực xong, Ngài ngồi trên trang nghiêm dưới một cội cây đã được soạn sẵn ở một nơi vắng vẻ tại cổng thành. Khi ấy, vua Āḷavaka cùng đông đảo quần thần và dân cư thành Āḷavī đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi quanh Ngài và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Bằng cách nào Ngài nhiếp phục được tên dạ xoa hung ác như thế?”
Khi ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Āḷavaka đã được trình bày bằng mười hai câu kệ trên, bắt đầu bằng việc kể lại cuộc tấn công của Dạ xoa và chi tiết: “Bằng cách này vị ấy cho đổ xuống cơn mưa bằng chín loại khí giới, bằng cách này vị ấy đã thị hiện nhiều hình tướng ghê sợ, bằng cách này vị ấy đặt nhiều câu hỏi với Như Lai, bằng cách này Như Lai đã trả lời những câu hỏi của vị ấy”. Vào lúc kết thúc thời pháp có tám mươi bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Tứ Diệu Đế và tìm thấy sự giải thoát .
Những sự cúng dường đều đặn đến dạ xoa
Bấy giờ, vua Āḷavaka và cư dân thành Āḷavī dựng lên một cái miếu dành cho dạ xoa Āḷavaka gần bảo tháp của vua trời Vessavana. Họ thường xuyên cúng dường đến dạ xoa những lễ vật xứng đáng với chư thiên như hoa, nước thơm, v.v…
Khi hoàng tử đã lớn lên trở thành chàng trai thông minh, người ta đưa vị ấy đến Đức Phật với những lời này: “Thưa hoàng tử! Ngài đã được Đức Phật cứu mạng. Ngài hãy đi hầu hạ bậc Đạo sư và chúng Tăng”. Hoàng tử đi đến Đức Phật và chúng Tăng hầu hạ các Ngài, thực hành pháp và an trú trong quả Thánh Bất lai (anāgāmi-phala). Hoàng tử cũng học thuộc lòng Tam Tạng và có hội chúng gồm năm trăm cận sự của Đức Phật. Sau một thời gian, Đức Phật cho triệu tập chúng Tăng và công bố hoàng tử là vị Thánh Bất lai. Hoàng tử Hatthaka Āḷavaka là vị Tối thắng trong những người đem đến cho thính chúng bốn Nhiếp sự (Saṅgaha-vatthu).