Chương 33 – Tánh Chất Nhờm Gớm Của Thân

Chương 33 – Tánh Chất Nhờm Gớm Của Thân

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Sau khi đã thuyết giảng về ba đặc tướng, là sự trống vắng (suññāta) của sự thường tồn (nicca), lạc (sukha) và ngã (atta), và để thuyết giảng hai loại bất tịnh tướng, hữu thức bất tịnh tướng (saviññāṇaka-asubha) và vô thức bất tịnh tướng (aviññāṇaka-asubha), Đức Phật đọc lên câu kệ sau:

 

(2)      Aṭṭhinahāru-saṁyutto.

tacamaṃsāva lepano.

chaviyā kāyo paticchanno.

yathābhūtaṃ na dissati.

Cơ thể sống gồm có ba trăm đốt xương, chín trăm sợi gân buộc giữ các đốt xương, và bảy ngàn mao mạch giúp cảm thọ các vị. Nó được đắp lên bởi lớp da dày bên trong màu trắng và chín trăm cục thịt (vô cùng hôi hám và nhờm gớm). Cơ thể sống này được bao bọc bởi lớp da mỏng ở bên ngoài có nhiều màu sắc khác nhau như những vách nhà được sơn quét. Do đó, thực chất của sự gớm ghiếc hoàn toàn không thể nhận ra được bởi những kẻ ngu si mù quáng vì thiếu trí tuệ.

(Bản chất của thân được nói như sau: giống như trong căn nhà có những cái xà ngang, đòn tay, những cái rui chính và những cái rui phụ và những cái quan trọng khác được kết buộc lại và giữ cho không được lay chuyển bởi những sợi mây. Cũng vậy, trong thân này có ba trăm sáu mươi đốt xương được buộc lại và được giữ chặt bởi chín trăm sợi gân. Giống như những bức vách bằng phên tre được trét lên bằng phân trâu và đất mịn, cũng vậy những đốt xương và những sợi gân được trét lên bởi chín trăm cục thịt. Như những vách nhà được trét bằng xi măng, cũng vậy tấm thân này được đắp lên nhờ lớp da dày đặc. Những đốt xương, những sợi gân, những cục thịt và lớp da dày có đặc tánh là có mùi hôi hám. Nhưng những bức vách được sơn phết bởi những màu sắc khác nhau như màu nâu, màu vàng, màu lục, màu đỏ, v.v… để làm cho căn nhà trông xinh đẹp. Cũng vậy, những đốt xương, những sợi gân, những cục thịt, và lớp da dày được bao bọc bởi lớp da ngoài mỏng như cánh của con ruồi có màu nâu, màu vàng, màu đỏ hoặc màu trắng (rất mỏng manh đến nỗi khi nó được lột ra khỏi thân và được vo loại thành cục tròn thì kích thước của nó nhỏ bằng hạt mận). Do đó, những người không có trí tuệ thì không thể nhìn thấy bản chất gớm ghiếc vốn thật của nó.

Để thuyết giảng rằng nhiều bộ phận bên trong không khả ái phải được trông thấy bằng cách xuyên suốt chúng với con mắt trí tuệ – những bộ phận rất nhơ bẩn, hôi tanh, nhờm gớm nhưng không được mọi người nhìn thấy vì chúng được bao bọc bởi lớp da dày và lớp da mỏng ở ngoài phủ nhiều màu sắc. Đức Phật tiếp tục đọc lên những câu kệ sau:

(3)  Antapūro udarapūro.

yakanapeḷassa vatthino.

hadayassa papphāsassa.

vakassa pihakassa ca.

 

(4) Singhānikāya kheḷassa.

sedassa ca medassa ca.

lohitassa lasikāya.

pittassa ca vasāya ca.

(3)   Cơ thể sống này không chứa hương thơm của gỗ chiên đàn, v.v… Thực vậy, thân này chứa đầy lòng ruột, vật thực mới được ăn vào, gan, nước tiểu, tim, hai lá phổi, cặp thận và lá lách.

(4)   Cơ thể sống chứa đầy chất nhờn từ lỗ mũi, nước miếng, mồ hôi, mỡ, máu, mật, đàm và tủy.

Sau khi thuyết giảng như vậy với hai câu kệ này rằng trong thân này không có gì đáng ưa thích để gìn giữ như ngọc trai, hồng ngọc, v.v… mà thực ra thân này chứa đầy những vật bất tịnh. Đức Phật bèn đọc lên hai câu kệ sau đây để lột tả những vật bất tịnh bên trong tương phản với những thứ bên ngoài và để kết hợp những thứ đã được kể ra với những thứ chưa được kể ra:

 (5)  Athassa navahi sotehi.

asucī savati sabbadā.

Akkhimhā akkhigūthako.

kaṇṇamhā kaṇṇagūthako.

 

 (6)     Siṅghānikā ca nāsato.

mukhena vamatekadā.

Pittaṃ semhañ ca vamati.

kāyamhā sedajallikā.

 

(5) Ngoài ra, từ chín lỗ trên thân hằng tuôn chảy trong mọi lúc mà không thể kiểm soát được, cả ngày lẫn đêm, những yếu tố như nhờm gớm. (Bằng cách nào?) Từ hai con mắt chảy ra chất bài tiết nhơ bẩn, từ hai lỗ tai chảy ra chất sáp nhơ bẩn.

 

(6) Nước mũi hôi hám chảy ra từ hai lỗ mũi; đồ ăn có bọt khi bị nôn ra qua miệng. Đôi khi mật như là cơ quan (baddha) và như là chất lỏng (abaddha) và đàm đi ra từ miệng. Từ thân này mọi lúc ngày và đêm tuôn chảy mồ hôi, chất muối, chất ẩm, chất cặn và những vật bất tịnh khác.

 

(Ở đây, vì phần chảy ra từ hậu môn và nước tiểu chảy ra từ chỗ kín, điều này ai cũng biết, vì Đức Phật muốn cho thấy sự quan tâm của Ngài đối với nguyên nhân, cá nhân và người nghe có liên quan nên Ngài đề cập đến chúng một cách rõ ràng, và vì Ngài chỉ muốn nói rằng có những vật bất tịnh chảy ra qua những phương tiện khác nữa nên Ngài gom tất cả trong câu nói: “kāyamhā sedajallikā.”

Qua hai câu kệ này Đức Phật cho một ví dụ: giống như cơm được nấu, bọt nổi lên và chảy tràn ra ngoài miệng nồi. Cũng vậy, khi vật thực ăn vào được nấu và thiêu đốt bởi ngọn lửa tiêu hóa sanh ra do nghiệp quá khứ của con người (kammaja tejodhātu), những vật bất tịnh như ghèn, nước mắt, v.v… trồi lên và chảy ra ngoài thân).

Đầu được công nhận là phần thiêng liêng nhất của thân trong thế gian này. Do bởi tánh chất thiêng liêng (hoặc đôi khi do ngã mạn), đầu không cúi xuống để tỏ sự tôn kính đến những người đáng tôn kính. Để cho thấy rằng tấm thân là bất tịnh và nhờm gớm bởi sự thật rằng ngay cả đầu (là phần cao nhất của thân) cũng không có sự trong sạch và thực chất nên Đức Phật đọc lên câu kệ này:

(7)     Athassa susiraṃ sīsam

matthaluṅgassa pūritam

Subbhato naṃ maññāti bālo

  avijjāya purakkhato.

 

Ngoài ra, cái đầu trống rỗng của cơ thể sống này chứa đầy não rất nhờm gớm. Kẻ ngu mù quán đối với thực tại do ái dục, ngã mạn  và tà kiến, vì người này bị che lấp bởi vô minh nên lầm lạc cho thân này là ‘Thân của ta quả thật xinh đẹp. Sự xinh đẹp là thường tồn.’

Kết thúc phần nói về sự nhờm gớm của thân.

Sau khi thuyết giảng tánh chất nhờm gớm của thân, bây giờ để thuyết giảng về tánh chất nhờm gớm khi đời sống bị hoại diệt. Nói cách khác, sau khi thuyết giảng rằng ngay cả thân của vị Chuyển luân vương cũng chứa đầy những thứ hôi hám và ngay cả đời sống xa hoa cũng không khả ái. Bây giờ, để thuyết giảng về tánh chất nhờm gớm khi đời sống bị hoại diệt, Đức Phật đã đọc lên câu kệ này:

(8)      Yadā ca so mato seti.

uddhumāto vinīlako

Apaviddho susānasmiṃ

anapekkhā honti ñātayo.

Khi thân này chết đi (do sự vắng mặt của ba yếu tố đó là thọ mạng (āyu), hay danh sắc mạng quyền (jīvita), thân nhiệt (usmā) hay nguyên tố lửa do nghiệp quá khứ sanh (kammaja-tejo) và thức (viññāṇa), nó trở nên cương phồng giống như cái bị da chứa đầy không khí, nó chuyển sang màu đen do nước da vốn có đã biến mất và nó nằm trong quan tài bị bỏ hoang ở bãi tha ma. Khi ấy tất cả quyến thuộc và bạn bè không quan tâm đến người ấy vì nghĩ rằng “Điều chắc chắn là xác chết không bao giờ sống lại.”

(Trong câu kệ này, qua chữ mato – chết, chỉ ‘tính chất vô thường’; chữ seti – nằm trong quan tài chỉ sự thiếu vắng sức sống. Qua cả hai nhóm chữ, ý khuyên rằng hai loại ngã mạn: ngã mạn về mạng sống (jīvita māna) và ngã mạn về sức mạnh (bala-māna) cần phải từ bỏ.

Qua chữ uddhumāto – sưng phồng chỉ ‘sự hoại diệt của hình tướng’; chữ vinīlako – chuyển qua màu đen chỉ ‘sự mất mát màu da gốc’. Qua hai chữ, ý khuyên rằng ‘sự ngã mạn về sắc đẹp và sự ngã mạn về hình tướng nên được loại bỏ.’

Qua chữ āpaviddho – bị bỏ rơi chỉ ‘sự vắng mặt hoàn toàn cái cần được lấy lại’; qua chữ susānasmiṃ – ở bãi tha ma chỉ ‘tánh chất nhờm gớm không thể chịu đựng được đến nỗi cái thân chẳng còn giá trị gì để giữ nó trong nhà.’ Qua hai chữ, ý khuyên rằng ‘sự chấp thủ với ý nghĩ rằng ‘Đây là của ta’ và ấn tượng rằng ‘Nó đáng ưa thích’ cần được loại bỏ.

Qua những từ anapekkhā honti ñātayo – tất cả quyến thuộc và bạn bè không quan tâm đến nó chỉ rằng ‘những người mà trước kia thường yêu kính người chết ấy bây giờ không còn như vậy nữa.’ Như vậy, câu ấy khuyên chúng ta rằng ‘Sự ngã mạn ỷ vào nhiều bạn bè và người thân ở quanh ta’ cần được loại bỏ.

Qua câu kệ này Đức Phật chỉ ra tấm thân không có sự sống dầu nó chưa bị tan rã).

Bây giờ, để lột tả tánh chất nhờm gớm của thân không có sự sống mà chưa bị tan rã, Đức Phật thuyết lên câu kệ này:

(9)      Khādanti nam suvānā ca

siṅgāla ca vakā kimī

kākā gijjhā ca khādanti

ye ca’ññe, santi pāṇino.

Cái thân xác bị quăng bỏ ở bãi tha ma, những con chó nhà và giả can (chó rừng), chó sói và sâu bọ ăn thịt, những con quạ và những con kên kên cũng đến xâu xé, những loài ăn thịt sống khác như hổ, báo, diều hâu v.v… cũng cắn xé nó.

Kết thúc phần nói về tánh chất nhờm gớm của thân không có sự sống.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 12

Post Views: 284