Chương 34 – Hạ Thứ Mười Bảy Của Đức Phật Tại Veḷuvana

Chương 34 – Hạ Thứ Mười Bảy Của Đức Phật Tại Veḷuvana

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


CHƯƠNG 34

HẠ THỨ MƯỜI BẢY CỦA ĐỨC PHẬT TẠI VEḶUVANA

 

Như đã trình bày ở trên, sau khi nhiếp phục và hóa độ dạ xoa Āḷavaka trong  mùa an  cư thứ mười sáu tại kinh đô Āḷavī. Đức Phật sách tấn và giáo hóa cho nhiều chúng sanh hữu duyên. Mùa an cư kết thúc,  Ngài  du  hành  từ  kinh  đô  Āḷavī  đến  tịnh  xá  Veḷuvana  tại  kinh thành Rājagaha và an cư mùa mưa thứ mười bảy tại đó.

Câu chuyện về kiều nữ Sirimā

Sau đây là phần tóm lượt về câu chuyện kỹ nữ Sirimā. Những thương nhân của kinh thành Rājagaha, sau khi tự mình chứng kiến sự lộng lẫy của kinh thành Vesālī nhờ sự hiện hữu của kỹ nữ Ambapāli, nhân chuyến trở về Rājagaha họ tâu lên đức vua Bimbisāra rằng trong kinh thành cũng nên có một kỹ nữ xinh đẹp. Khi được đức vua cho phép, họ bèn bầu chọn một thiếu nữ xinh đẹp tên là Sālavatī, là một kỹ nữ được ngưỡng mộ nhất bằng những biểu tượng nghi lễ thích hợp và được đức vua chính thức công nhận. Những ai muốn hưởng dục với nàng trong một đêm phải trả một trăm đồng tiền vàng.

Khi kỹ nữ sanh đứa con trai đầu tiên, đứa bé bị đem bỏ bên vệ đường, được thái tử Abhaya nhặt nuôi và đặt tên là Jīvaka. Khi lớn lên, Jīvaka đi đến Takkasilā và học nghề thuốc với một vị thầy nổi tiếng. Jīvaka trở thành một y sĩ nổi tiếng đến ngày hôm nay.

Một thời gian sau, Sālavatī sanh ra một bé gái, vì con gái có thể theo nghề kỹ nữ của mẹ nên đứa bé gái ấy được giữ lại (không giống như trường hợp của Jīvaka) mà được nuôi dưỡng chu đáo. Đứa bé gái được đặt tên là Sirimā. Khi Sālavatī chết đi, nàng kế thừa nghề của mẹ và được công nhận là một kỹ nữ đáng ngưỡng mộ nhất do đức vua phê chuẩn. Những ai muốn tìm khoái lạc với nàng trong một đêm thì phải trả một ngàn đồng tiền vàng. Đây là bài kệ tóm tắt về kỹ nữ Sirimā.

Thời pháp của Đức Phật liên quan đến Sirimā

 

Trong khi Đức Phật đang trải qua mùa an cư hạ thứ mười bảy tại tịnh xá Veḷuvana trong thành Rājagaha, Sirimā là một thiếu nữ xinh đẹp. Điểm đặc biệt về nàng là như thế này: Trong mùa mưa ấy nàng đã xúc phạm điều gì đó đến một cận sự nữ (upāsikā) của Đức Phật tên Uttarā, con dâu của trưởng giả Puṇṇa và là bậc thánh sotāpanna. Để tạ lỗi với Uttarā, nàng sám hối với Đức Phật khi Ngài thọ thực xong cùng với Tăng chúng tại nhà của Uttarā. Vào ngày hôm ấy, sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tán dương sự cúng dường vật thực, nàng chứng đắc quả thánh sotāpatti-phala khi Đức Phật đọc lên câu kệ bắt đầu bằng ‘Akkodena jine kodhaṃ’ đi đến chỗ kết thúc. Bài mô tả chi tiết sẽ được nêu ra khi chúng ta đến phần nói về Nandamātā Uttarā Upāsikā trong phần tiểu sử của các cận sự nữ ở chương Tam Bảo.

 

Vào ngày sau khi chứng đắc Thánh quả Nhập lưu (sotāpatti- phala), kỹ nữ Sirimā đã thỉnh mời Tăng chúng có Đức Phật đứng đầu dự một buổi lễ cúng dường to lớn. Từ ngày ấy trở đi, nàng cúng  dường vật thực đều đặn đến nhóm tám vị tỳ khưu. Theo sự thỉnh mời của nàng, ngày đầu tiên có tám vị tỳ khưu đến nhà của Sirimā để nhận vật thực cúng dường. Khi tác bạch rằng: “Thưa chư đại đức! Xin các Ngài hãy nhận lãnh món bơ! Xin hãy nhận lãnh món sữa,” nàng đặt các món cúng dường lên miệng bát của tám vị tỳ khưu. Vật thực được thọ lãnh bởi một vị tỳ khưu (từ nhà của Sirimā) đủ cho ba người hoặc bốn người ăn. Mỗi ngày nàng Sirimā bỏ ra mười sáu ngàn đồng tiền vàng cho việc cúng dường vật thực.

 

Một hôm, có một vị tỳ khưu trong nhóm tám vị tỳ khưu đến nhà của Sirimā thọ lãnh vật thực rồi một mình đi đến một tịnh xá khác, cách vương thành Rājagaha trên ba do tuần. Vào buổi chiều nọ, trong khi vị Tăng khách đang ngồi ở chỗ dành cho vị Mahāthera của tịnh xá, thì những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh đi đến đón tiếp với lời lẽ thế này: “Này hiền giả! Hiền giả đã độ thực ở đâu mà đến đây vậy?” Vị tỳ khưu khách đáp: “Thưa các tôn giả! Tôi đến đây sau khi độ vật thực ở nhà nàng Sirimā trong nhóm tám vị.” Các vị tỳ khưu lại hỏi: “Này hiền giả! Có phải nàng Sirimā đã cúng dường vật thực rất hấp dẫn không?” Vị ấy nói: “Thưa các tôn giả! Tôi không thể dùng lời lẽ để ca ngợi vật thực cúng dường của nàng cho đầy đủ được. Nàng cúng dường vật thực đến chúng tôi khi đã chuẩn bị một cách tốt nhất. Vật thực được nhận lãnh bởi một vị tỳ khưu từ nàng đủ cho ba hoặc bốn vị ăn. Tuy nhiên, thật may mắn cho người nào được nhìn thấy sắc đẹp của nàng hơn là nhìn thấy vật thực cúng dường của nàng. Người phụ nữ đó, Sirimā quả thật là người có mỹ tướng như thế như thế và vẻ đẹp của tứ chi lớn nhỏ.”

 

Khi ấy, có một vị tỳ khưu trong nhóm tỳ khưu ấy, sau khi nghe những lời khen ngợi những phẩm cách của nàng Sirimā bèn đem lòng thương thầm nhớ trộm nàng dù trên thực tế chưa thấy con người thật của nàng. Vị này nghĩ rằng: “Ta sẽ đi xem nàng.” Vị ấy thông báo với vị Tăng khách về hạ lạp của mình và hỏi những tỳ khưu nào hiện đang có mặt tại nhà của Sirimā. Vị Tăng khách đáp: “Thưa tôn giả! Nếu tôn giả đi ngay bây giờ thì tôn giả sẽ là một trong những vị tỳ khưu được đến nhà của Sirimā vào ngày mai và thọ lãnh aṭṭhaka-bhaṭṭa (vật thực được dâng cúng đến tám vị tỳ khưu).” Khi nghe như vậy, vị tỳ khưu bèn lên đường đi ngay mang theo y và bát (dù vị ấy không thể đến Rājagaha trong đêm ấy, nhưng vẫn cố gắng tiếp tục cuộc hành trình. Và vị ấy đến Rājagaha khi trời vừa rạng sáng). Khi đi vào phòng rút thăm và đứng ở đó, và cái thăm được phát đến cho vị ấy, rồi vị ấy cùng với nhóm tỳ khưu đi đến thọ lãnh vật thực tại nhà của nàng Sirimā.

 

Nhưng nàng Sirimā đã bị một cơn bịnh nặng thập tử nhất sinh kể từ ngày mà vị tỳ khưu trước ra về sau khi độ thực tại nhà của nàng. Do đó, nàng phải cởi bỏ tất cả nữ trang mà nàng thường đeo trên người hàng ngày và nằm trên chiếc trường kỷ. Khi những người hầu của nàng trông thấy tám vị tỳ khưu đi đến, họ báo cho nàng biết. Nhưng nàng không thể mời ngồi và cũng không thể tự tay thỉnh bát của các tỳ khưu giống như những ngày trước. Bởi vậy, khi đang nằm nàng dặn những người hầu: “Hãy thỉnh bát từ các vị tỳ khưu! Hãy sắp xếp chỗ ngồi và cúng dường món cơm dẻo trước tiên. Sau đó dâng món bánh và khi giờ thọ thực đến hãy đặt đầy vật thực vào bát và dâng chúng đến các Ngài.”

 

Những người hầu đáp: “Vâng, thưa bà chủ!” Sau khi đưa các vị tỳ khưu vào nhà, các nữ hầu bèn dâng món cơm dẻo đến các tỳ khưu. Sau đó họ dâng món bánh, đến giờ ăn họ đặt đầy cơm và vật thực vào bát của các tỳ khưu. Khi họ trình với Sirimā những việc mà họ đã làm xong, nàng bèn nói với họ rằng: “Này các cô! Các cô hãy đưa ta đến yết kiến các Ngài. Ta muốn đảnh lễ các Ngài.” Khi các nữ hầu đưa nàng đến đảnh lễ các tỳ khưu, nàng thành khẩn đảnh lễ các vị ấy với tấm thân run rẫy của nàng vì nàng không thể đứng vững được.

 

Vị tỳ khưu mà đem lòng say đắm Sirimā dù trước kia chưa thấy nàng, giờ đây chăm chăm nhìn nàng và suy nghĩ: “Nàng Sirimā dù bị bịnh nhưng trông vẫn xinh đẹp. Nếu nàng khỏe mạnh và trang điểm nữa thì nàng đẹp đến dường nào.” Rồi tại nơi đó, khát ái khởi sanh mãnh liệt trong tâm của vị ấy tựa như nó đã được tích tập từ hàng triệu năm. Vị ấy không còn biết bất cứ điều gì khác và không thể độ thực được. Vị ấy mang bát trở về tịnh xá, đậy bát và để nó vào một chỗ, trải y ra rồi nằm dài trên đó. Không một vị tỳ khưu đồng phạm hạnh nào có thể khuyên vị ấy ngồi dậy để độ thực.

Chiều hôm ấy, nàng Sirimā qua đời. Vua Bimbisāra đem tin ấy bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Sirimā, em gái của y sĩ Jīvaka đã chết.” Nghe tin này, Đức Phật căn dặn đức vua rằng: “Tâu bệ hạ! Khoan thiêu xác của Sirimā. Hãy đặt xác của nàng nằm ở giữa bãi tha ma và bảo vệ nó ngăn ngừa quạ, chó, chồn, v.v…” Đức vua làm y như lời Đức Phật căn dặn.

Ba ngày trôi qua, đến ngày thứ tư, xác của Sirimā trương phồng lên, những con dòi bò ra từ chín lỗ trên thân. Toàn thân vỡ ra giống như cái nồi đang sôi sục. Đức vua Bimbisara sai người đánh trống đi khắp thành Rājagaha để ban bố lịnh truyền của vị ấy: “Tất cả dân cư, ngoại trừ trẻ con trông nhà, phải đi đến bãi tha ma để xem xác của Sirimā. Những ai không đi sẽ bị phạt tám đồng tiền vàng mỗi người.” Vị ấy cũng cho người thỉnh Đức Phật đến bãi tha ma và quan sát nhục thân của nàng Sirimā.

Khi ấy, Đức Phật bảo các tỳ khưu rằng: “Chúng ta hãy đi xem xác của nàng Sirimā.” Vị tỳ khưu trẻ lụy tình không nghe lời khuyên của những tỳ khưu khác chỉ nhịn đói và nằm như vậy. Vật thực để trong bát cách đây đã bốn ngày đã hư thiu. Cái bát cũng trở nên nhơ bẩn. Rồi một vị tỳ khưu thân thiết nói với vị ấy rằng: “Này hiền giả! Đức Thế Tôn chuẩn bị đi xem xác của nàng Sirimā.” Tuy đang bị cơn đói bức bách nặng nề, vị ấy vùng dậy khi nghe tên Sirimā. Vị ấy hỏi: “Hiền giả nói gì vậy?” Vị tỳ khưu kia đáp: “Đức Phật chuẩn bị đi xem xác của Sirimā, hiền giả có đi không?” Vị ấy trả lời: “Đi, tôi đi với.” Vị ấy quăng bỏ vật thực thiu thối, rửa bát bỏ vào trong túi và đi cùng với vị tỳ khưu kia.

Đức Phật đứng ở một bên tại bãi tha ma có các tỳ khưu xung quanh. Nhóm tỳ khưu ni, vua quan, cận sự nam, cận sự nữ đang đứng ở phía bên kia. Khi tất cả đã cu hội lại rồi, Đức Phật bèn hỏi đức vua: “Tâu đại vương! Người đàn bà này là ai vậy?” Đức vua trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Nàng là thiếu nữ tên Sirimā, em gái của y sĩ Jīvaka.” Đức Phật hỏi tiếp: “Nàng ta có phải là Sirimā không? Tâu đại  vương?” Đức vua khẳng định đúng như vậy, Đức Phật bèn nói rằng: ” Tâu đại vương! Nếu vậy thì hãy cho người đánh trống loan truyền rằng ‘Những ai ước muốn nàng Sirimā có thể lấy nàng với giá một ngàn đồng tiền vàng.’” Đức vua làm theo lời chỉ bảo của Đức Phật, nhưng chẳng ai thốt ra lời nào dầu chỉ vài tiếng ‘hừ’, ‘hè’. Khi đức vua bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Không ai muốn lấy nàng cả.” Đức Phật bèn nói: “Tâu đại vương! Nếu không ai muốn lấy nàng với giá một ngàn đồng tiền vàng thì hãy giảm giá.” Khi ấy, đức vua công bố rằng những ai muốn lấy nàng Sirimā thì chỉ trả năm trăm đồng thôi. Nhưng cũng không thấy ai lấy nàng với giá đó. Và như vậy mức giá được giảm xuống còn hai trăm năm mươi, hai trăm, một trăm, năm mươi, hai mươi lăm, năm đồng, một đồng, nửa đồng, một phần tư đồng, một phần mười sáu đồng, chỉ một hạt gunja, nhưng không có ai bước ra nhận lãnh xác của nàng Sirimā. Cuối cùng, người ta công bố rằng xác thân của nàng được cho không, nhưng chẳng ai lên tiếng ‘hí, hố’ gì cả.

Đức vua bạch lại vấn đề với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng ai chịu lấy thân xác cả khi được cho không ấy.” Khi ấy, Đức Phật nói: “Này các tỳ khưu! Hãy xem người đàn bà này (Sirimā) là người vốn rất được yêu quý bởi rất nhiều người. Trước đây, trong kinh thành Rājagaha này, người ta có thể hưởng khoái lạc với nàng bằng cách phải trả một ngàn đồng tiền vàng trong một đêm. Bây giờ chẳng ai muốn lấy nàng dù không trả một đồng nào cả! Sắc đẹp được đánh giá rất cao vậy mà giờ đây đi đến chỗ hoại vong. Này các tỳ khưu! Qua con mắt trí tuệ của ngươi, hãy quán xét thân này luôn bị đớn đau khó chịu.”

Rồi Đức Phật tuyên câu kệ sau:

 Passa cittakatam bimbaṃ,

arukāyaṃ samussitam

Āturaṃ bahusankappaṃ,

yassa u’atthi dhuvaṃ ṭhiti.

(Này các tỳ khưu!) Chẳng có cái gì bền vững trong tấm thân này dù chỉ chút ít. Tấm thân được làm cho trở nên khả ái và thanh lịch bằng y phục, vật trang sức, bông hoa, vật thơm và những hình thức trang điểm khác. Tấm thân bao gồm tứ chi lớn nhỏ xinh đẹp và cân đối tạo ấn tượng sai lầm về sự lộng lẫy, nó có thể đứng thẳng nhờ ba trăm đốt xương, thường xuyên bị đau đớn và khó chịu lại được nhiều kẻ phàm phu mê mờ cho là khả ái, thích hợp và may mắn, vì họ không biết sự thật và không có trí tuệ, nó không khả ái vì toàn thể tấm thân đầy sự gớm ghiếc chúng tiết ra từ chín lỗ như chín vết thương. Bằng con mắt thông tuệ của các vị, hãy nhìn vào tấm thân như thế này và thường xuyên quán niệm.

Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Tứ diệu đế và chứng đắc giải thoát . Vị tỳ khưu mà đã đem lòng say đắm nàng Sirimā cũng được an trú trong quả thánh Nhập Lưu.

Bài trình bày ở trên được rút ra từ câu chuyện về nàng Sirimā, Jara-vagga, cuốn II của bộ Chú giải Dhammapada.

Liên quan đến câu chuyện Sirimā, một bài được mô tả trong bài kinh Vijaya, Uraga vagga của cuốn I trong bộ Chú giải Sutta Nipāta  sẽ được tái tạo như sau, vì bài kinh có nhiều điều thú vị.

Khi vị tỳ khưu trẻ đang đói khát, thì Sirimā chết và tái sanh làm chánh hậu của thiên vương Suyāma, cõi trời Yāma. Đức Phật cùng với chúng tỳ khưu dẫn vị tỳ khưu trẻ đi xem thi hài của Sirimā tại bãi tha ma do đức vua Bimbisara gìn giữ chưa thiêu (theo lời chỉ dạy của Đức Phật). Tương tự, đức vua cùng với dân chúng có mặt ở đó. Tại bãi tha ma, dân chúng bàn bạc với nhau rằng: “Này các bạn! Trong quá khứ thật khó để có được cơ hội xem và hưởng lạc với nàng cho dù bỏ ra một ngàn đồng tiền vàng. Nhưng bây giờ thì chẳng có ai muốn làm như vậy dầu chỉ trả một hạt guñja.”

Thiên hậu Sirimā cùng với năm trăm chiếc thiên xa đi đến bãi tha ma, ở đó Đức Phật thuyết pháp bài kinh Vijaya đến các vị tỳ khưu và hàng cư sĩ, còn vị tỳ khưu trẻ, Ngài khuyến khích bằng cách đọc lên câu kệ bắt đầu bằng: “Passa cittakataṃ bimbaṃ” được ghi lại trong bộ Dhammapada.

Bài kinh Vijaya và bản dịch của bài kinh

 

(1)   Caraṃ vā yadi vā ḷiṭṭhaṃ,

nissinno vā sayaṃ

samiñjeti pasāreti

esā kāyassa iñjanā

 

Sự đi, đứng, ngồi hoặc nằm, sự co cúi hoặc duỗi thẳng, tất cả những tư thế gồm đi, đứng, nằm, ngồi, bước tới, bước lui, khom xuống và ngữa lên đều là những chuyển động của thân.

Câu kệ sau hàm ý như sau:

Trong thân này không có người đi, không có người đứng, v.v… không có người duỗi ra. Thực ra, ta nên hiểu rằng:

  1. a) Chính tâm muốn đi, đứng, nằm hoặc ngồi.
  2. b) Chính tâm làm duyên để yếu tố gió lan tràn khắp thân.
  3. c) Khi yếu tố gió lan tràn khắp thân thì sắc mới sanh khởi, và chính sắc đi.
  4. d) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang đi không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc đi.
  5. e) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang đứng không phải là người hay ngã (ta), 
  6. f) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang ngồi không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc ngồi.
  7. g) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang nằm không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc nằm.
  8. h) Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang khom xuống không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc khom xuống.
  9. i)  Nên biết bằng trí tuệ rằng cái đang duỗi ra không phải là người hay ngã (ta), mà chính sắc làm công việc duỗi ra.

Theo những dòng kể trên:

  1.   Khi tâm muốn đi thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện động tác bước tới của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua động tác bước tới một chỗ khác như mong muốn. Do động tác bước tới của sắc khởi sanh liên tục này, động tác ấy được gọi là ‘đi’ theo cách nói thông thường.
  2.   Tương tự, khi tâm muốn đứng thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, xuất hiện động tác bước tới của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua tư thế đứng thẳng. Do tư thế đứng thẳng của những sắc khởi sanh liên tục này trong việc kết nối phần trên và phần dưới của thân, tư thế như vậy được gọi là ‘đứng’ theo cách nói thông thường.
  3.   Tương tự, khi tâm muốn ngồi thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện tư thế co lại của phần dưới và duỗi thẳng của phần trên thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua tư thế co lại của phần dưới và duỗi thẳng của phần trên thân. Do tư thế một phần co lại và một phần đứng thẳng của những sắc khởi sanh liên tục này, tư thế như vậy được gọi là ‘ngồi’ theo cách nói thông thường.
  4.   Tương tự, khi tâm muốn nằm thì yếu tố gió do tâm làm duyên tràn lan khắp thân. Do sự tràn ngập của yếu tố gió, có xuất hiện động tác duỗi ngang của thân. Nghĩa là loại sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua duỗi ngang của thân. Do động tác duỗi ngang của những sắc khởi sanh liên tục này, tư thế như vậy được gọi là ‘nằm’ theo cách nói thông thường.

Trong trường hợp cúi xuống hoặc duỗi ra cũng vậy, vì tâm muốn cúi xuống hoặc duỗi ra nên yếu tố làm duyên tràn ngập khắp các đốt xương. Do sự tràn ngập của các yếu tố gió, động tác cúi xuống hoặc duỗi ra xuất hiện. Nghĩa là những sắc đặc biệt khởi sanh liên tục qua động tác cúi xuống hoặc duỗi ra. Do động tác cúi xuống hoặc duỗi ra của những sắc khởi sanh liên tục này, động tác như vậy được gọi là ‘cúi xuống, ‘duỗi ra’ theo các nói thông thường.

Cho nên, tất cả những động tác đi, đứng, nằm, ngồi, co hoặc duỗi đều thuộc về thân. Nghĩa là những sắc đặc biệt khởi sanh qua những động tác riêng biệt ấy. Trong thân này, không có nhân vật nào, không có thực thể nào, không có linh hồn nào đi, đứng, nằm ngồi, co hoặc duỗi. Thân này không có bất cứ nhân vật nào, thực thể nào, linh hồn nào làm công việc đi, đứng, nằm, ngồi, co hoặc duỗi. Thực thể ấy là:

cittanānataṃ āgamma,

nānattaṃ hoti vāyuno.

vāyunānattato nānā,

hoti kāyassa iñjanā.

 

Do trạng thái đặc biệt của tâm, trạng thái đặc biệt của yếu tố gió khởi sanh. Do trạng thái đặc biệt của yếu tố gió, trạng thái đặc biệt của sự chuyển động của thân khởi sanh. Đây là ý nghĩa rốt ráo của câu kệ.

 

Qua câu kệ đầu tiên này, Đức Phật dạy về ba đặc tánh: đặc tánh vô thường (anicca-lakkhaṇa), đặc tánh khổ (dukkha-lakkhaṇa), đặc tánh vô ngã (anatta-lakkhaṇa). Cách mà Ngài giảng dạy như sau:

Khi một người ở lâu trong bất cứ oai nghi nào của bốn oai nghi đi, đứng, nằm, và ngồi thì người ấy sẽ bị đau nhức khó chịu. Để diệt trừ sự đau nhức và khó chịu ấy người ta phải thay đổi oai nghi (đặc tánh khổ bị che đậy bởi oai nghi. Để ngăn không cho đặc tánh khổ xuất hiện, nó được ẩn dấu bởi một oai nghi khác. Đó là lý do khiến  các bậc trí tuệ nói rằng: “Oai nghi (iriyāpattha) che lấp đặc tánh khổ”).

Như vậy, qua ba dòng kệ (pada) bắt đầu bằng “caraṃ vā yadi vā tiṭṭhaṃ” đặc tánh khổ bị che khuất bởi sự thay đổi oai nghi được giảng dạy (sự thay đổi từ oai nghi này đến oai nghi khác là do sự đau đớn của thân. Nguyên nhân sự đau đớn của thân, đặc tánh khổ được biết từ kết quả nêu trên. Kết quả ấy là sự thay đổi oai nghi.

Cũng vậy, vì không có oai nghi đứng, v.v… trong khi người ta đi nên đặc tánh vô thường bị che khuất bởi tính liên tục (santati) được giảng dạy bởi Đức Phật qua câu kệ “esā kāyassa iñjanā – tất cả những oai nghi gồm đi, đứng, nằm, ngồi, bước tới, bước lui, khom xuống, duỗi ra là những chuyển động của thân.”

Giải thích: Sự khởi sanh không gián đoạn của danh và sắc gọi là santati. Do bởi santati này, sự khởi sanh liên tục của danh và sắc, sự chấm dứt và biến mất của danh và sắc, tức là đặc tánh vô thường, không được trông thấy. Đó là lý do khiến các bậc trí nói rằng: “Tính liên tục che khuất đặc tánh vô thường.” Qua lời dạy của Ngài “esā kāyassa iñjanā”, Đức Phật muốn nói rằng tất cả những oai nghi này là những chuyển động của thân.

Trong những oai nghi, một nhóm danh sắc phù hợp với oai nghi ấy khởi sanh không gián đoạn. Qua sự thay đổi của mỗi oai nghi, nhóm danh sắc cũng thay đổi hoặc biến mất. Do đó, cần hiểu rằng qua dòng kệ thứ tư và cũng là dòng kệ cuối cùng Đức Phật dạy đặc tánh vô thường bị che khuất bởi tính liên tục (santati).

Như đã nói trên, trong sự thật tối thượng, chính do tâm muốn đi đứng nằm ngồi, nguyên tố gió do tâm làm duyên khởi sanh. Do nguyên tố gió tràn ngập khắp thân, những sắc đặc biệt như động tác  đi, đứng, nằm, ngồi khởi sanh. Liên quan đến những động tác này người ta nói rằng: “Người ta đi, người ta đứng, người ta nằm, người ta ngồi, người ta bước tới, người ta bước lui, người ta cúi xuống, hoặc người ta duỗi ra”. Tuy nhiên, theo sự thật tối thượng, đây chỉ là những khởi sanh của những sắc đặc biệt vì chúng được làm cho khởi sanh  bởi những nguyên nhân được kết hợp thích ứng. Nghĩa là, đây chỉ là sự khởi sanh của những sắc đặc biệt của những oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, v.v… đã được thúc đẩy bởi sự kết hợp mà phù hợp với những nguyên nhân thuộc về cả sắc lẫn danh trong thân. Những người theo thuyết Linh hồn (attavāda) vì không có kiến thức thâm sâu về điều này nên họ cho rằng “Chính linh hồn đi, đứng, nằm, ngồi.” Ngược lại, Đức Phật tuyên bố rằng không phải linh hồn làm công việc đi, đứng, nằm, ngồi. “Esā kāyassa iñjanā” tất cả những oai nghi này chỉ là những chuyển động của thân xuất hiện qua những động tác riêng của chúng, được thành lập bởi một số nguyên nhân kết hợp trong sự hòa hợp.

Bốn khối (Ghana)

Ở đây có bốn khối (ghana): (1) khối liên tục (santati-ghana), (2) (samūha-ghana khối kết dính), (3) khối phận sự (kicca-ghana), (4) khối cảnh duyên (ārammaṇa-ghana).

Trong bốn khối này:

  1.   Sự sanh khởi của các yếu tố về thân với tâm bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và kết dính nhau để chúng xuất hiện như một tổng thể mà không có kẻ hở nào thì gọi là khối liên tục (santati-ghana).

Ở đây, ‘không có kẻ hở nào’ nghĩa là sự chấm dứt của nguyên tố đi trước xảy ra đồng thời với sự khởi sanh của nguyên tố đi sau. Hoặc nguyên tố vừa diệt thì nguyên tố theo sau vừa sanh lên. Những nhà biên soạn bộ Tika cho là ‘purima paccimānaṃ nirantaratā – không có kẻ hở giữa nguyên tố này với nguyên tố kế tiếp.’ Do sự sanh khởi mà không có kẻ hở như vậy, dường như những nguyên tố sanh khởi mạnh hơn và vượt trội và những nguyên tố diệt hiện bày yếu hơn; thế vậy người ta có ấn tượng sai lầm rằng ‘Cái gì chúng ta thấy bây giờ là cái mà chúng ta thấy khi trước.’ Điều này được chứng tỏ bởi sự thật rằng khi một cây nhang đang cháy được quay vòng tròn thì người ta nhìn thấy đó là một vòng lửa. (Đây thật sự là khối liên tục).

  1.   Sự sanh khởi của các yếu tố thuộc tâm như xúc (phassa), v.v… và các yếu tố thuộc về thân như yếu tố đất (pathavī), v.v… bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và kết dính nhau đến nỗi tất cả chúng cho người ta một ấn tượng rằng chúng là một thì gọi là khối kết dính (samūha- ghana).

Khi các yếu tố của thân và tâm sanh khởi, chúng sanh khởi không phải vì đặc tánh tự nhiên (sabhāvassati). Về phía tâm, có tối thiểu tám yếu tố như: nhãn thức (cakkhu-viññāṇa) và bảy Sở hữu biến hành (sabba-citta-sādhāraṇa-cetasika). Về mặt thân cũng vậy, có tối thiểu tám yếu tố (qua đó tám loại sắc được ám chỉ đến). Như vậy, tối thiểu tám đặc tánh tự nhiên hoặc thuộc danh pháp hoặc sắc pháp cho ấn tượng rằng chúng chỉ là sự hợp nhất, kết hợp và kết dính nhau. Đây quả thật là khối kết dính (samūha-ghana).

  1.   Các yếu tố thuộc đơn vị danh và sắc khởi sanh làm những phận sự riêng của chúng. Khi chúng khởi sanh, thật khó khăn cho những người không có kiến thức Abhidhamma để hiểu ‘đây là phận sự của xúc (phassa), đây là phận sự của thọ (vedanā), đây là phận sự của tưởng (saññā), v.v… Cũng vậy, thật khó khăn để họ hiểu ‘đây là phận sự của nguyên tố đất (pathavī), đây là phận sự của nguyên tố nước (āpo), đây là phận sự của nguyên tố gió (vāyo), đây là phận sự của nguyên tố lửa (tejo), v.v…’ Như vậy, những phận sự của các nguyên tố do khó thấu hiểu, chúng xuất hiện như một tổng thể do  sự hợp nhất, sự kết hợp và sự kết dính nhau. Như vậy, nó được gọi là khối phận sự (kicca-ghana).
  2.   Các yếu tố thuộc mỗi đơn vị danh pháp đều chú ý hướng về hoặc các yếu tố thuộc về mỗi đơn vị sắc pháp tạo thành một đối tượng chú ý bằng sự hợp nhất, sự kết hợp và sự kết dính nhau, khiến người ta có cảm tưởng rằng chúng chỉ là một (đặc tánh tự nhiên). Trên thực tế là khối cảnh duyên (ārammaṇa-ghana).

Nói tóm lại, nhiều yếu tố thuộc danh pháp và sắc pháp khởi sanh như là kết quả (paccay uppaññā) của một nhân (paccaya); nhưng thật khó phân biệt được những điểm khác biệt của chúng về thời gian, đặc tánh, phận sự và sự chú ý. Và như vậy chúng tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng chúng chỉ là một đơn vị. Chúng có những tên gọi là santati- ghana, samūha-ghana, kicca-ghana, ārammaṇa-ghana (Bài mô tả về bốn khối này được tái tạo từ bộ Dhammasaṅganī Mūla Ṭīkā và Anu Ṭīkī).

Khi bàn về sự thật tối thượng thì đặc tánh của một yếu tố sẽ được phân biệt rõ. Ví dụ: nói về hạt ớt, tâm chỉ tập trung vào vị của nó. Chỉ khi nào đặc tánh tự nhiên của một yếu tố được phân biệt rõ bằng con mắt của trí tuệ thì sự thật tối thượng mới có thể thông đạt. Chỉ khi nào sự thật tối thượng được thông đạt thì khi đó khối (ghana) mới bị tan rã. Chỉ khi nào khối bị tan rã, thì trí tuệ Vô ngã (anatta) mới đạt được. Nếu đặc tánh tự nhiên không được phân biệt rõ bằng con mắt trí tuệ thì sự thật tối thượng không thể được thông đạt. Nếu sự thật tối  thượng không thể thông đạt thì khối không bị tan rã. Nếu khối không bị tan rã thì sự hiểu biết về Vô ngã không đạt được. Đó là lý do khiến các bậc trí nói rằng: “Khối (ghana) che khuất đặc tánh Vô ngã (anatta).”

Qua dòng kệ thứ tư của câu kệ đầu tiên Đức Phật lột tả đặc tánh Vô ngã bị che lấp bởi các khối vì Ngài nói rằng ở đó: “esā kāyasā iñjana – tất cả tư thế này không thuộc về linh hồn hay một thực thể mà thực ra chúng chỉ là những chuyển động của các yếu tố danh sắc hoàn tất những phận sự tương ứng của chúng”. Giáo pháp quả thật thâm sâu mà sự hiểu biết thông thường không thể đạt được.

Kết thúc bài kệ đầu tiên

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 11

Post Views: 649