CHƯƠNG 40 – Bảy pháp Bất thối của vị tỳ khưu

CHƯƠNG 40 – Bảy pháp Bất thối của vị tỳ khưu

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử

Bảy pháp Bất thối của vị tỳ khưu Nhóm Bảy pháp Bất thối phần thứ nhất

Ngay khi Đức Phật thuyết pháp về bảy pháp hưng thịnh dành cho các nhà cai trị đến Bà-la-môn Vassakāra, Ngài khởi ý thuyết một bài pháp tương tự để giảng dạy các vị tỳ khưu ngỏ hầu đem lại sự trường tồn cho Giáo pháp, dẫn ra khỏi vòng sanh tử và sự giác ngộ Niết bàn. Vì thế có lợi ích nhiều hơn bảy pháp hưng thịnh dành cho các nhà cai trị mà vốn chỉ là những pháp thế tục.

Do đó, ngay sau khi Bà-la-môn Vassakāra ra đi, Đức Phật đã nói với đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Hãy đi và thông báo với các vị tỳ khưu ở quanh Rajagaha hãy cu hội tại giảng đường.”

“Lành thay, kính bạch Đức Thế Tôn!” đại đức Ānanda thưa như vậy rồi sắp xếp một cuộc hội họp cho các vị tỳ khưu. Vị ấy nhờ các vị tỳ khưu có năng lực thần thông đi báo cho những vị tỳ khưu ở những nơi cách xa Rājagaha, và vị ấy đích thân đi đến các vị tỳ khưu gần ở đó. Khi các vị tỳ khưu đã cu hội, vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài và khi đứng ở nơi thích hợp bèn bạch với Đức Phật như vầy: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tỳ khưu đã cu hội. Xin Thế   Tôn định liệu lúc nào sẽ đến.”

Rồi Đức Phật đi đến chỗ hội họp và ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn dành cho Ngài, Ngài nói với các tỳ khưu rằng:

“Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ thuyết giảng về bảy pháp Bất thối. Hãy chú ý lắng nghe về những điều Như Lai sắp nói ra ở đây”.

“Lành thay! Kính bạch Đức Thế Tôn!” các vị tỳ khưu đáp lại, và Thế Tôn bắt đầu thuyết pháp.

  • Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu thường xuyên hội họp và có nhiều cuộc hội họp thì nhất định sẽ được tiến bộ (về tâm linh). Không có lý do gì để suy thoái.
  •    Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu hội họp, giải tán và tham gia các công việc của Tăng trong hòa hợp thì nhất định sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để bị suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu không ban hành các điều luật mà chưa được ban hành bởi Đức Phật và khéo thọ trì các điều luật mà đã được Đức Phật ban hành thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu tỏ sự tôn kính, tôn trọng đến các tỳ khưu cao hạ giữ địa vị lãnh đạo trong Tăng chúng, và thường suy xét rằng lời khuyên của những vị tỳ khưu trưởng lão ấy là đáng nghe theo thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
  •   Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu không chiều theo các ái dục khởi sanh, chính là phiền não dẫn đi tái sanh, thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu chịu ẩn cư trong những chỗ ngụ sâu trong rừng, thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Chừng nào các tỳ khưu còn an trú trong Chánh niệm, khiến những vị tỳ khưu cùng thực hành phạm hạnh trân trọng giới luật mà chưa đến có thể đến và những tỳ khưu có tánh tương tự mà đã đến rồi sẽ sống an lạc, nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.

Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này còn hiện diện trong các vị tỳ khưu và chừng nào các vị tỳ khưu sống trong bảy pháp bất thối ấy, thì các vị sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.

(Bài pháp chưa kết thúc)

Bảy pháp kể trên được gọi là nhóm bảy pháp Bất thối đầu tiên của chư tỳ khưu.

  • Trong bảy pháp ấy, pháp thứ nhất về sự hòa hợp thường xuyên tương tự như yếu tố hưng thịnh thứ nhất được giảng dạy đến các hoàng tử Vajji. Nếu các tỳ khưu không gặp nhau thường xuyên thì họ không thể biết điều gì đang xảy ra ở những tịnh xá khác. Ví dụ, một Sīma nọ trong một tịnh xá nọ có thể bị hoãn lại vì các ranh giới bị lẫn lộn khiến các Tăng sự quan trọng không thể được tổ chức ở trong đó. Hoặc một số tỳ khưu nọ trong một tịnh xá nọ đang làm nghề thuốc, hoặc làm công việc đưa tin cho những người thế tục, hoặc đang làm khó thiện tín của họ bằng cách xin xỏ quá đáng, hoặc đang làm công việc lấy lợi câu lợi, v.v…

Khi sự lơi lỏng của vị tỳ khưu không được chư Tăng chú ý, thì các vị tỳ khưu ác lợi dụng sự lơi lỏng một cách bất chánh và làm gia tăng số lượng tỳ khưu của họ, đem đến những hậu quả bất lợi cho Giáo pháp.

Do Tăng đoàn hội họp thường xuyên một cách kịp thời, một Sīma bị lỗi có thể được chư Tăng chỉnh sửa lại để nó hoạt động theo đúng tạng Luật. Khi các tỳ khưu ác thành lập phe nhóm riêng thì vị tỳ khưu bậc Thánh đã chứng đắc đạo quả có thể được cử đến để thuyết pháp cho họ về những đường lối và những pháp hành của chư thánh Tăng (ariyavamsa dhamma). Những vị tỳ khưu tinh thông Giới luật có thể được gởi đến để trừng phạt các vị tỳ khưu ác. Trong trường hợp như vậy, các vị tỳ khưu ác biết rằng chư Tăng có sự cảnh giác và họ không thể lộng hành được. Như vậy, sự hưng thịnh của các vị tỳ khưu trong Giáo pháp được đảm bảo.

  • Các vị tỳ khưu hội họp trong hòa hợp” nghĩa là nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi của Tăng đoàn để thực hiện bất cứ Tăng sự nào, như vệ sinh khuôn viên chùa, hay trùng tu lại bảo tháp, hay phát nguyện hoặc tụng Giới bổn. Không lý do gì mà hiệu lệnh triệu tập các vị tỳ khưu được đáp lại một cách khinh xuất. Tất cả những công việc cá nhân như mang y, bát hay sửa sang tịnh xá được gác

lại vào lúc tham dự cuộc họp Tăng đoàn. Thái độ luôn luôn dành ưu tiên cho việc hội họp Tăng đoàn đảm bảo sự hòa hợp trong các cuộc họp chư Tăng.

Giải tán trong hòa hợp’ nghĩa là rời khỏi cuộc hội họp ngay tức thì và giải tán mà không có ngoại lệ nào.Nếu có một số tỳ khưu định nán lại, thì những vị tỳ khưu đã rời khỏi cuộc họp có thể có những ý nghĩ ngờ vực không tốt đối với những vị tỳ khưu còn ở lại cuộc họp. “Những vị tỳ khưu ấy có công việc cần bàn riêng với nhau” và sự hiểu lầm như vậy sẽ sanh lên.

Giải tán trong hòa hợp’ có thể mang ý nghĩa cùng nhau đứng dậy, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm để thực hiện những quyết định đã được thông qua cuộc họp, như tham dự các Tăng sự liên quan đến Sīmā, hay giúp một vị tỳ khưu phạm tội sám hối.

Tham gia công việc của Tăng trong hòa hợp’ nghĩa là sự sẵn sàng của mỗi vị tỳ khưu sống trong cộng đồng, không bao giờ tỏ ra ích kỷ. Ví dụ, nếu một vị tỳ khưu khách đến, vị ấy nên được đón tiếp một cách nhiệt tình thay vì chỉ sang một thiền viện khác, hay đặt ra những câu hỏi không thích hợp về đời tư của vị ấy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với vị tỳ khưu bệnh đang cần chỗ ngụ và sự chăm sóc. Đi kiếm những món vật dụng cho vị tỳ khưu như bình bát, y phục, thuốc men cho vị tỳ khưu đang cần cũng là hành động hòa hợp trong bổn phận của vị tỳ khưu. Nếu một chỗ nọ thiếu một tỳ khưu đa văn và có nguy hại cho Kinh tạng hoặc ý nghĩa đúng đắn của kinh tạng Pāḷi bị diệt mất, thì những vị tỳ khưu ở chỗ ấy nên tìm kiếm một vị tỳ khưu đa văn để giảng tạng kinh Pāḷi, dịch ý nghĩa của nó và vị ấy nên được chăm sóc hợp lý bằng bốn thứ vật dụng của vị tỳ khưu.

  • Trong pháp Bất thối thứ ba, điều lệ của vị tỳ khưu không phù hợp với Giáo pháp, dẫn đến việc ban hành một điều gì đó mà Đức Phật chưa ban hành.

Một ví dụ về việc làm như vầy: Có một điều khoản trong Tạng luật được gọi là Nisīdānasantata hay Purāṇasantata trong phần Pārājika Pāḷi, 2-Kosiya Vagga (điều thứ 5 ở trang 336, bản dịch tiếng

Miến). Khi Đức Phật đang trú ngụ tại tịnh xá Jetavana trong thành Sāvatthi, Ngài nói với các vị tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu! Như Lai muốn ở nơi vắng vẻ trong ba tháng. Không một tỳ khưu nào được đến, ngoại trừ người đem cơm cho Như Lai.” Rồi các vị tỳ khưu cùng nhau ban hành một điều lệ rằng: ‘Bất cứ vị tỳ khưu nào đi đến Đức Phật, ngoại trừ người mang cơm cho Đức Phật thì phạm tội pācittiya.’ Và ai phạm điều ấy sẽ bị đưa ra Tăng đoàn. Bấy giờ, điều này đi quá những điều ban hành của Đức Phật. Các vị tỳ khưu ấy không có quyền lấy lời dạy của Đức Phật trong trường hợp đặc biệt ấy xem là một trong những tội pācittiya (ưng đối trị), và cũng không có quyền tự ý công bố tội phải sám hối. Việc làm như vậy là đi ngược với Dhamma Vinaya và điều đó có nghĩa là – ban hành điều luật mà Đức Phật chưa ban hành.

Việc xem thường những gì mà Đức Phật đã ban hành được minh họa rõ ràng nhất là trường hợp của các vị tỳ khưu Vajjīputtaka ở Vesāli – họ cố gắng đưa ra mười điều luật phi pháp có tính cách chống lại những điều luật của Đức Phật một cách trắng trợn. Sự kiện ấy xảy ra vào năm thứ một trăm sau khi Đức Phật tịch diệt.

(Hãy tham khảo Vinaya Cūlavagga Pāḷi, Satta Satikakkhandhaka).

Trong thời Đức Phật có những vị tỳ khưu Assaji và Punabbasuka là những người cố ý vi phạm những tội nhỏ trong bộ Luật. Tuy nhiên, việc coi thường tội có thể là không thọ trì những gì Đức Phật ban hành; nghĩa là không có gì khác ngoài việc không thọ trì.

Trong câu chuyện về Puraṇasantata, đại đức A-la-hán Upasena (em của trưởng lão Sāriputta) đã tránh không tạo ra những điều lệ trong pháp hành của vị tỳ khưu. Đây là trường hợp không ban hành những điều luật chưa ban hành bởi Đức Phật ban hành.

Đại đức Yasa, người kết tập cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ hai đã dạy Dhamma Vinaya đến các vị tỳ khưu. Đây là một ví dụ không xem thường các điều luật do Đức Phật ban hành.

Vào buổi chiều hôm trước của đại hội kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, một cuộc bàn luận sôi nổi xảy ra trong Tăng chúng là có nên bỏ

đi những tội nhỏ nhặt trong bộ Luật hay không? Bởi vì khi Ngài sắp nhập Niết bàn đã cho phép chúng Tăng làm công việc này sau khi Ngài viên tịch. Tôn giả Kassapa, người chủ trì kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, đã chính thức công bố tại Đại hội Thánh Tăng là trân trọng giữ gìn các điều luật nhỏ nhặt mà Đức Phật đã ban hành. Đây là trường hợp khéo thọ trì những điều luật mà Đức Phật đã ban hành.

  • Về pháp Bất thối này, những vị tỳ khưu trưởng lão chỉ hướng dẫn tinh thần đến các vị tỳ khưu nhã nhặn, có lòng tôn kính đến họ và đi đến họ mỗi ngày hai ba lần. Đối với những vị tỳ khưu tha thiết tầm cầu sự hướng dẫn bằng cách bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ, thì các vị tỳ khưu trưởng lão truyền đạt trí tuệ thực nghiệm đã được truyền lại qua thế hệ của các vị A-xà-lê, những điều cốt yếu trong Giáo pháp được giảng dạy đến các đệ tử có sự thành khẩn và tịnh tín. Nếu các vị tỳ khưu không tỏ sự tôn kính đúng mực đến các vị tỳ khưu trưởng lão thì họ sẽ mất đi năm lợi ích như Giới và bảy Thánh sản, và vì vậy phải chịu sự mất mát to lớn và suy thoái.

Những vị tỳ khưu nhã nhặn, có lòng tôn kính đến các vị trưởng lão và đi đến các Ngài mỗi ngày hai ba lần, sẽ thâu đạt được trí tuệ từ họ bằng nhiều cách. Họ sẽ thâu đạt được những lời chỉ dẫn thực dụng và pháp thiền quán, như “Hiền giả nên đi như vầy (trong chánh niệm và giác tỉnh); hiền giả nên đi lui như vầy; hiền giả nên nhìn thẳng về phía trước như vầy; hiền giả nên nhìn hai bên như vầy; hiền giả co tay và duỗi tay như vầy; hiền giả nên mang y và bát như vầy, v.v…” Các vị tỳ khưu trưởng lão sẽ truyền đạt cho họ trí tuệ thực dụng được truyền lại qua các thế hệ của các vị A-xà-lê và những điểm chính yếu của Giáo pháp xứng đáng dành cho đệ tử chân thành và có lòng tịnh tín. Các Ngài sẽ dạy cho họ mười ba pháp đầu đà và khuyên họ đừng rơi vào cạm bẫy trong lý luận của Giáo pháp, bằng cách dạy cho họ về những điểm biện bác trong mười điểm tranh luận (Abhidhammā Piṭaka). Nhờ được chỉ dạy từ những vị thầy xứng đáng như vậy, những vị tỳ khưu ấy sẽ gặt hái được những lợi ích như Giới để hoàn thành phận sự Đạo Quả A-la-hán, là quả báu của vị tỳ khưu.

  • Về pháp Bất thối thứ năm, vị tỳ khưu đi lại từ làng này đến xóm khác, từ thành thị này đến thị trấn khác, hằng theo sát các thí chủ vì bốn món vật dụng là người phục tùng theo năng lực của ái dục. Người xuôi theo các ái dục sẽ bị suy thoái trong các lợi ích về pháp hành của vị tỳ khưu như Giới. Người không xuôi theo ái dục sẽ tiến bộ về mặt tâm linh, bắt đầu là Giới.
  • Về pháp Bất thối thứ sáu, trú ngụ ở sâu trong rừng là nơi cách biệt những chỗ định cư của dân chúng ( không nhất thiết phải ở trong rừng). Trong một tịnh xá mà ở gần thị trấn hoặc làng mạc thì một vị tỳ khưu xả thiền, vị ấy nghe giọng nói của người đàn ông, đàn bà hay trẻ con làm ảnh hưởng đến nhịp độ của định tâm.

Ngụ trong rừng, người ta thức dậy sớm vào buổi sáng nghe tiếng chim muông (tạo ra sự an bình và thỏa mãn) làm khởi sanh hỉ lạc (pīti) và nhờ sáng suốt quán chiếu hỉ lạc ấy, người ta có thể chứng đắc Đạo Quả A-la-hán (arahatta-phala). Như vậy, Đức Phật nói lời tán dương vị tỳ khưu sống trong rừng sâu hơn là vị tỳ khưu đắc thiền sống gần làng mạc hay thị trấn. Sở dĩ như vậy là vì Đức Phật thấy khả năng chứng đắc Đạo Quả A-la-hán   dễ dàng trong vị tỳ khưu ngụ trong rừng. Đó là lí do khiến Ngài nói rằng chừng nào các vị tỳ khưu thích cư ngụ nơi thanh vắng trong rừng thì họ nhất định sẽ được tiến bộ về tâm linh, và không có lý do gì để họ suy thoái.

  • Về pháp Bất thối thứ bảy, các vị tỳ khưu thường trú mà không đón tiếp những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh trang nghiêm thọ trì giới, những vị tỳ khưu như vậy không có niềm tin nơi Tam Bảo. Đây là hạng tỳ khưu đón tiếp những vị tỳ khưu phương xa đến, không mời ngồi cũng không quạt mát họ, cũng không làm bất cứ công việc tiếp khách nào. Một tịnh xá mà có những vị tỳ khưu như vậy sống thì sẽ bị tai tiếng rằng tịnh xá này có những vị tỳ khưu không tin vào Tam Bảo, nó sẽ trở nên xa lạ đối với những vị tỳ khưu khách, không có những vị tỳ khưu khách lui tới. Tiếng xấu

như vậy sẽ làm cho các vị tỳ khưu khách tránh không đến tịnh xá ấy cho dù tình cờ đi qua đó. Do đó những vị tỳ khưu có giới đức ở phương xa chưa đến sẽ không bao giờ đến. Những vị tỳ khưu có giới đức mà đã đến rồi, do không biết tịnh xá ấy không tiếp khách, sẽ sớm nhận ra rằng tịnh xá ấy không phải là nơi để họ trú ngụ lâu dài và sẽ bỏ đi. Kết quả là tịnh xá ấy không có những vị tỳ khưu có giới đức đến cư ngụ. Những vị tỳ khưu ở tịnh xá ấy sẽ không có cơ hội gặp được những bậc có giới đức, là những bậc có thể chỉ dạy về Giáo pháp giúp họ đọan trừ hoài nghi, có thể dạy cho họ về các học giới và thuyết giảng diệu pháp. Những vị tỳ khưu thường trú sẽ được nghe những bài pháp mới và họ cũng không ghi nhớ được những gì mà họ đã học do không thường xuyên tụng đọc. Như vậy, những lợi ích của vị tỳ khưu sẽ dần dần mất đi.

Những vị tỳ khưu thường trú mà muốn các vị tỳ khưu khách đi đến tịnh xá của họ là những vị tỳ khưu có đức tin nơi Tam Bảo, vì vậy họ sẽ ân cần đón tiếp những vị tỳ khưu khách đến với họ, sẽ sắp xếp chỗ ở cho những vị tỳ khưu khách và dẫn các vị tỳ khưu khách đi khất thực. Họ sẽ được dịp học pháp với các vị tỳ khưu ấy và nhờ vậy họ đọan được những hoài nghi của họ. Họ có thể nghe những bài pháp vi diệu. Tịnh xá mà có hạng tỳ khưu như vậy trú ngụ sẽ được tiếng tốt, là nơi có những vị tỳ khưu có niềm tin nơi Tam Bảo trú ngụ, là nơi hiếu khách, thường tôn kính tiếp đãi những tỳ khưu khách ở phương xa đến. Tiếng lành ấy hấp dẫn những vị tỳ khưu khách đó. Khi họ đến thì các vị tỳ khưu thường trú sẽ làm những công việc cần thiết đối với vị tỳ khưu khách cao hạ hơn họ hoặc sẽ ngồi trên những chỗ ngồi của họ quanh những vị tỳ khưu khách thấp hạ hơn họ và rồi hỏi các vị tỳ khưu khách có ở lại hay đi đến một nơi khác. Nếu vị tỳ khưu khách có ý định đi tiếp đến nơi khác thì vị tỳ khưu thường trú sẽ mời vị tỳ khưu ấy ở lại, chỉ cho vị tỳ khưu khách thấy đó là nơi trú ngụ thích hợp và việc đi khất thực cũng không có vấn đề gì. Nếu vị tỳ khưu khách đồng ý ở lại thì vị tỳ khưu thường trú được may mắn học các điều luật từ vị tỳ khưu khách thông thạo tạng Luật (Vinaya), hoặc về kinh từ vị tỳ khưu thông thạo tạng Kinh (Suttanta). Nhờ an trú trong những lời chỉ

dạy của vị tỳ khưu có giới đức, các vị tỳ khưu thường trú sẽ chứng đắc sẽ được chứng đắc Đạo Quả A-la-hán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa). Còn vị tỳ khưu khách hoan hỉ nói rằng “Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi nghỉ sẽ ở lại vài ngày thôi. Nhưng vị tỳ khưu thường trú đem lại sự an lạc cho chúng tôi nên chúng tôi sẽ trú ngụ trong mười năm hoặc hai mươi năm.” Như vậy, những lợi ích của vị tỳ khưu như Giới sẽ được gia tăng.

Nhóm bảy pháp Bất thối phần thứ hai

Thêm nữa, Đức Phật dạy các vị tỳ khưu: “Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ dạy các con về bảy pháp Bất thối khác. Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai sẽ giảng giải chi tiết về bảy pháp này.”

“Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn!” các tỳ khưu đáp lại. Và Đức Phật thuyết giảng bài pháp này.

  •   Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không quan tâm đến thế sự thì nhất định họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu!   Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không tìm vui trong các câu chuyện phù phiếm thì họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích và không tìm vui trong sự lười biếng và không ưa thích sự ngủ nghỉ thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không vui thích trong phe nhóm thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không có ác dục khoe khoang và không chìu theo ác dục như vậy thì nhất định họ sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không thân cận với những bạn ác và không binh vực những bạn ác thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào không dừng lại nữa chừng (trước khi chứng đắc Đạo Quả A-la-hán) sau khi thấu hiểu chân lý thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này được tồn tại với các tỳ khưu và chừng nào các tỳ khưu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được tiến bộ. Không có lý do gì để suy thoái.

(Bài pháp này vẫn chưa kết thúc)

Bảy pháp Bất thối trên được gọi là bảy pháp Bất thối phần hai.

  • Trong bảy pháp bất thối, pháp bất thối thứ nhất ‘những công việc thế sự’ có nghĩa là sự chú nguyện y, sự may y, làm đồ dựng kim, may áo bát, làm dây lưng, khâu đồ lọc nước, làm đế bát, làm mảnh sành để kỳ chân, làm chổi quét, v.v…

Một số tỳ khưu thường bận rộn với những vấn đề này. Điều này được chỉ là yếu tố thứ nhất, không thích hợp cho vị tỳ khưu phân chia thời gian của mình cho những vấn đề như vậy, vị ấy nên dành thời giờ để học pháp, nghiên cứu pháp, quét chùa, … và cũng như phân định thì giờ để hành thiền. Vị tỳ khưu sử dụng thời gian của mình một cách hợp lý thì không phải là người vui thích thế sự.

  •   “Nói chuyện phù phiếm” nghĩa là say sưa nói chuyện với đàn bà, đàn ông hoặc bất cứ chuyện vô bổ nào mà điều này không dẫn đến Đạo Quả. Vị tỳ khưu mà say sưa những chuyện tầm thường như vậy là người tìm sự vui thích trong những chuyện phù phiếm. Vị tỳ khưu mà luôn thảo luận về Giáo pháp, trả lời những câu hỏi về Giáo pháp thì được gọi là vị tỳ khưu ‘thận trọng’ và người có sự thu thúc trong lời nói.

Đức Phật dạy rằng “Sannipatitānaṁ vo bhikkave dvayaṁ karanīyaṃ dhammī vā kathā ariyo vā tunhībhāvo – Này các tỳ khưu! Có hai điều

cần làm dành cho vị tỳ khưu khi gặp một người khác là nói chuyện về

Giáo pháp hoặc giữ im lặng trong sự trầm tư về Giáo pháp.”

  • Vị tỳ khưu buông xuôi theo sự hôn trầm và thuỵ miên ngay cả khi đang đi, đang ngồi hay đang nằm, là người tìm sự vui thích trong giãi đãi và ưa thích ngủ nghỉ. Vị tỳ khưu mà ít ngủ do sự nhiệt tâm trong pháp hành của vị tỳ khưu thì không phải là người giải đãi và ưa thích ngủ nghỉ.
  • Vị tỳ khưu cảm thấy khó chịu khi ở một mình, thích bầu bạn với một hoặc nhiều người hơn để nói chuyện là người ưa thích phe nhóm. Vị tỳ khưu mà thích sống một mình trong cả bốn oai nghi và người hoàn toàn thỏai mái khi sống một mình là người không ưa thích hội chúng.
  • Vị tỳ khưu không có giới lại tự cho mình là người có giới. Vị tỳ khưu như vậy được gọi là người ác dục. Vị tỳ khưu mà không giả bộ mình là người có giới là người không có ác dục.
  • (vi)     Một người bạn là người yêu mến; bạn đồng hành là người cùng sống, cùng đi hoặc cùng ăn với mình.
  • Vị tỳ khưu không tự mãn với giới thanh tịnh hay sự chứng đắc Tuệ quán hay pháp chứng của thiền, hoăc Đạo Quả Nhập lưu, Nhất lai hay Bất lai (mà không ngừng phấn đấu để chứng đắc Đạo Quả A-la-hán) là người nhất định sẽ được tiến bộ về tâm linh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

Nhóm Bảy pháp Bất thối phần thứ ba

Lại nữa, Đức Phật dạy các tỳ khưu: Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ giảng bảy pháp Bất thối khác. Hãy chăm chú lắng nghe, Như Lai sẽ giảng giải chi tiết.

  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào thấm nhuần niềm tin sâu sắc thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào cảm thấy xấu hổ khi làm điều ác (hiri) thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có tâm sợ hãi tội lỗi (ottappa) thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có sự nghe nhiều học rộng thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có sự tinh cần thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào an trú được trong chánh niệm thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào có được Tuệ quán (vipassanā-pañña) thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này gắn bó với các tỳ khưu và các tỳ khuu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.

Giải thích:

  • Trong bảy pháp bất thối này, pháp bất thối thứ nhất:

Saddhā – Đức tin gồm có bốn loại:

  1. Āgamanīya saddhā.
    1. Addigama saddhā.
    1. Pasāda saddhā.
    1. Okappana saddhā.
  1. Āgamanīya saddhā chỉ về sức mạnh của đức tin khởi sanh trong vị Bodhisatta, do sự cố gắng cao cả để thành đạt mười pháp Ba-la-

mật (pāramī), sự dứt bỏ (cāga) và hạnh (cariya) mà không có sự xúi dục từ bên ngoài. Sức mạnh ấy đặt niềm tin bất động vào bất cứ điều gì đáng tin.

  • Addigama saddhā chỉ về đức tin bất động của bậc Thánh trong Tứ Thánh Đế do có được Tuệ thông đạt của Đạo (một ví dụ về Surambaṭṭha mà chúng tôi sẽ mô tả ở chương Tăng Bảo).
  • Pasāda saddhā chỉ về chiều sâu của đức tin nơi Tam Bảo, như đức tin của vua Mahākappina. Khi vị ấy nghe những từ như ‘Buddha, Dhamma, Saṅgha,’ vị ấy có niềm tin sâu đậm nơi ân Đức Phật như ‘Đức Phật có trí tuệ phân tích tất cả các pháp,’ v.v… và niềm tin khởi sanh trong vị ấy mà không có sự giảng dạy của người khác về các ân đức như Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.
  • Okappana saddhā chỉ về niềm tin sau khi đã quyết định cẩn thận về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng khi những người khác đề cập đến Tam Bảo. Sau khi có quyết định suy xét cẩn thận, người có loại niềm tin này có niềm tin vững chắc trong Tam Bảo như đức tin của bậc Thánh đã giác ngộ Diệu đế.

Trong pháp Bất thối thứ nhất này, Pasāda saddhā Okappana

saddhā được ám chỉ đến.

(ii-iii) Trong các pháp bất thối (Aparihāriya dhamma) thứ hai và thứ ba, sự khác biệt giữa hirī ottappa nên được hiểu qua sự so sánh sau đây. Chúng ta nói rằng có hai viên sắt, viên thứ nhất mát nhưng dính đầy phân người, viên thứ hai thì nóng đỏ. Người có trí tuệ sẽ không chạm tay vào viên thứ nhất vì sợ làm dơ tay của mình, và anh ta cũng không đụng vào viên thứ hai vì sợ bỏng tay. Cũng vậy, bậc có trí tuệ ghê tởm điều ác vì nó có tánh chất đáng xấu hổ, cảm giác xấu hổ của người ấy đối với điều ác là hirī (tàm). Anh ta ghê sợ điều ác là vì anh ta biết rõ những hậu quả của nó, cả hiện tại lẫn vị lai, ghê sợ không làm điều ác là ottappa (quý).

  • Trong pháp bất thối thứ tư (Aparihāniya dhamma), ‘người nghe nhiều học rộng’ nghĩa là (a) người đọc rành mạch các bài kinh và văn học bằng tiếng Pāḷi (pariyatti) và (b) ‘người đã có trí tuệ thông đạt về

diệu đế’ nghĩa là người đạt được trí tuệ Siêu thế – Paṭiveda. Trong văn mạch hiện tại, ý nghĩa thứ nhất được ám chỉ đến.

Những người đọc rành mạch Tam Tạng gồm bốn hạng:

  • Vị tỳ khưu không cần sự hướng dẫn trong việc diễn dịch Tam Tạng.
  • Vị tỳ khưu thích hợp để dẫn đầu một tịnh xá.
  • Vị tỳ khưu có khả năng chỉ dạy cho các tỳ khưu ni (chi tiết về ba hạng người này được tìm thấy trong bộ Chú giải của Vinaya có nhan đề Samantapāsādika, trong phần giải thích tội Pacittiya ở phần Ovāda Vagga.
  • Vị tỳ khưu mà giống như đại đức Ānanda thông thuộc Tam Tạng và có thể thuyết bất cứ bài pháp nào trong Tam Tạng. Trong văn mạch về pháp Bất thối thứ tư, bốn hạng người đa văn muốn ám chỉ đến. Chỉ người như vậy mới có thể an trú trong pháp hành (paṭipatti), trong pháp Thông đạt (pativeda saddhama), bởi vì pariyatti saddhama là nền tảng của hai pháp ấy.
  • Trong pháp Bất thối thứ năm (Aparihāniya dhamma), người tinh cần thực hành hai khía cạnh viên mãn của pháp tinh tấn là thân và tâm. ‘Sự tinh cần về thân’ chỉ về người xa lánh hội chúng và tu tập trong tất cả mọi oai nghi về thân, tám đề mục về sự tinh cần nên được trau dồi ở trên thân. ‘Sự tinh cần của tâm’ ám chỉ đến hành giả tránh xa lục trần và an trú trong tám tầng thiền và vào những lúc khác trong tất cả các oai nghi của thân, không cho phép các phiền não xâm nhập vào tâm vì tâm luôn cảnh giác. Nếu các tỳ khưu có sự tinh cần thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh; không có khả năng nào khiến họ suy thoái.
  • Trong pháp Bất thối thứ sáu (Aparihāniya dhamma), ‘an trú trong chánh niệm’ nghĩa là người có năng lực ghi nhớ, có khả năng nhớ lại tất cả những hành vi và lời nói mà đã làm hoặc đã nói từ lâu, như trường hợp của trưởng lão Mahā Gatimbaya Abhaya, trưởng lão Dīgabhānaka Abhaya và trưởng lão Tipiṭikacūḷabhaya.

Trưởng lão Mahā Gatimbaya – Ngài có bẩm tánh thông minh ngay từ khi còn bé. Vào một buổi lễ truyền thống, người ta cho đứa bé ăn món đề hồ may mắn vào ngày thứ năm sau khi cậu bé sinh ra, đứa bé phát ra tiếng “Su! Su!” để đuổi con quạ đang cố gắng thò cái đầu của nó vào trong bát cơm. Khi cậu bé lớn lên và trở thành một vị tỳ khưu trưởng lão, những đệ tử của Ngài hỏi rằng: “Bạch Ngài! Hành động về lời nói hay hành vi nào đầu tiên nhất mà Ngài nhớ được?” Ngài bèn kể lại câu chuyện lúc Ngài đuổi con quạ khi Ngài mới sanh ra được năm ngày.

Trưởng lão Dīghabhāṇaka Abhaya – khi Ngài chỉ được chín ngày tuổi, người mẹ cúi xuống mặt cậu bé để hôn cậu. Những nụ hoa được kết trên đầu của bà đã bung ra và rơi xuống ngực của đứa bé. Trưởng lão nhớ lại những nụ hoa lài rơi trên ngực đã làm cho mình đau như thế nào. Khi được hỏi về những ký ức đầu tiên của mình, trưởng lão bèn kể lại biến cố này khi Ngài mới được chín ngày tuổi.

Trưởng lão Tipiṭakacūlābhaya – Khi Ngài được hỏi về khả năng ghi nhớ của Ngài. Trưởng lão đã nói rằng: “Nếu các hiền giả có bốn cổng để đi vào thành phố Anurāttha. Sau khi đóng lại ba cổng, chỉ còn một cổng để mở, mọi người ra vào, bần Tăng sẽ hỏi tên của mỗi người đi ra vào buổi sáng. Khi họ trở về thành phố vào buổi chiều, bần Tăng có thể nhắc lại tất cả tên của họ”.

  • Trong pháp Bất thối thứ bảy này, ‘Tuệ quán’ có nghĩa là sự biết rõ về sự sanh và diệt của năm uẩn (udayabbaya-paññā). Một ý nghĩa khác là sự chánh niệm được nêu ra trong pháp Bất thối thứ sáu và Tuệ quán được nêu ra trong pháp bất thối thứ bảy ám chỉ đến Chánh niệm và Tuệ quán làm nền tảng trong quá trình tu tập Tuệ quán.

Nhóm Bảy pháp Bất thối phần thứ tư

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết về bảy pháp Bất thối thêm như

vầy:

  • Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Niệm Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Trạch Pháp Giác Chi thì   nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Tinh Tấn Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu tỳ khưu nào tu tập Hỉ Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Khinh An Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Định Giác Chi thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

(viii) Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Xả Giác Chi thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

Này các tỳ khưu! Chừng nào bảy pháp Bất thối này gắn bó với các tỳ khưu và các tỳ khưu sống bằng bảy pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.

(Bài pháp vẫn chưa kết thúc. Trong bảy pháp Giác chi này các tỳ khưu cần tu tập để được tiến bộ. Đức Phật dạy về sự tu tập Tuệ Quán liên quan đến Đạo Quả ở cả mức độ hợp thế lẫn siêu thế).

Nhóm bảy pháp Bất thối phần thứ năm

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bảy pháp Bất thối thêm như vầy:

  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Vô thường tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Vô ngã tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Bất tịnh tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Nguy hiểm tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Xả ly tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Ly tham tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào tu tập Diệt tưởng, thì họ nhất định sẽ tiến bộ. Không có lý do gì để họ suy thoái.

(Bài pháp vẫn chưa kết thúc).

Ở đây, Vô thường tưởng là tưởng sanh lên với sự quán chiếu về sự vô thường của thân và tâm. Vô Ngã tưởng cũng cần được hiểu như vậy. Tuệ quán thấy đặc tánh vô thường của các pháp hữu vi liên quan đến ba cõi là tuệ quán Minh Sát (vipassanā pañña). Tưởng của trí tuệ ấy đáng được tu tập bởi vì nó là tưởng kết hợp với Trí tuệ. Cần chú ý rằng chữ ‘tưởng’ có nghĩa chính là ‘trí tuệ’. Phương pháp thuyết giảng của Đức Phật cũng nên được hiểu như vậy liên quan đến Vô ngã tưởng, v.v…

(Trong bài bảy pháp kể trên, năm pháp đầu thuộc về thế gian, hai pháp cuối thuộc về pháp hợp thế lẫn siêu thế).

Nhóm bảy pháp Bất thối phần thứ sáu

Lại nữa, Đức Phật dạy các tỳ khưu như vầy: “Này các tỳ khưu! Như Lai sẽ giảng về sáu pháp Bất thối. Hãy chú ý lắng nghe, Như Lai sẽ giảng giải chi tiết.”

“Lành thay! Kính bạch Đức Thế Tôn!” các tỳ khưu đáp lại, Đức Thế Tôn thuyết bài pháp này.

  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn thân

nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn khẩu nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào đối xử với các tỳ khưu đồng phạm hạnh ở chỗ đông người và vắng người, giữ gìn ý nghiệp từ hòa thì nhất định họ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào phân phối không thiên vị, thọ hưởng chung với các vị đồng phạm hạnh mọi lợi dưỡng chân chánh hợp pháp thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào sống với các vị đồng phạm hạnh tại chỗ đông người và vắng người trong sự thọ trì giới luật đúng với Sa môn hạnh, những giới luật không bị gãy vụn, không bị sứt mẽ, không bị tỳ vết,   không bị uế trược, những giới luật dẫn đến giải thoát mà được bậc trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm thì họ nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.
  • Này các tỳ khưu! Nếu các tỳ khưu nào, ở chỗ đông người và vắng người, thọ trì những tri kiến đúng với Sa môn hạnh, những thành kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo thì nhất định họ sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để họ suy thoái.

Này các tỳ khưu! Chừng nào sáu pháp Bất thối này tồn tại giữa các tỳ khưu và chừng nào các tỳ khưu sống bằng sáu pháp Bất thối này thì nhất định sẽ được hưng thịnh. Không có lý do gì để suy thoái.

Như vậy, Đức Phật đã giảng dạy cho chúng tỳ khưu về năm nhóm bảy pháp bất thối và một nhóm sáu pháp bất thối.

Những pháp bất thối thứ i, ii, và iii ở trên

Bày tỏ thân nghiệp từ hòa” có nghĩa là làm mọi việc với tâm từ ái. “Bày tỏ khẩu nghiệp từ hòa” có nghĩa là lời nói được nói ra với tâm từ ái (ái ngữ). “Giữ ý nghiệp từ hòa đối với những người khác” có nghĩa là nghĩ những ý nghĩ thân ái đối với những người khác.

Trong đọan kinh này Đức Phật dạy rằng hành vi, lời nói và ý nghĩ của vị tỳ khưu phải chan chứa từ hòa đối với những tỳ khưu đồng phạm hạnh, cách sống như vậy cũng áp dụng cho các Phật tử. Ở đây, Đức Phật dạy các tỳ khưu đơn giản là vì trong bốn chúng thì chúng tỳ khưu là cao quý nhất.

Như vậy, thân nghiệp từ hòa của vị tỳ khưu chính là sự phục vụ của cá nhân đến các tỳ khưu đồng phạm hạnh. Đối với người tại gia, đi lễ bái cúng dường bảo tháp hoặc cây Bồ đề hoặc đến tịnh xá để thỉnh chư Tăng về nhà để cúng dường vật thực. Sự tiếp đón đầy ái kính đối với các tỳ khưu khi họ đến nhà khất thực, sự cúng dường chỗ ngồi thích hợp, tiễn đưa các tỳ khưu ra về, v.v… là những nghiệp từ hoà.

Khẩu nghiệp từ hòa của vị tỳ khưu có thể được thể hiện qua những thuyết giảng của điều Luật, chỉ ra những pháp hành thiền, thuyết pháp, dạy về Tam Tạng là sự tác nghiệp quan trọng nhất. Với người tại gia, thuyết phục bạn và tổ chức cho họ làm những việc phước như đi chùa hay đến cây Bồ đề để lễ bái cúng dường, đi nghe pháp hay cúng dường hoa và đèn sáng đến bảo tháp. Khuyến khích họ thọ trì thập thiện nghiệp hay cúng dường vật thực qua thẻ, hay dâng y Kaṭhina hay cúng dường tứ sự đến chư Tăng (và rồi thỉnh chư Tăng về nhà cúng dường vật thực) hoặc rủ bạn bè sửa soạn vật thực, sắp xếp chỗ ngồi, đem đến nước uống, tiếp đón chư Tăng dầu các Ngài đã ngồi chỗ đã soạn sẵn. Và trên hết, nhắc nhở bạn bè có thái độ tịnh tín trong khi phục vụ chư Tăng. Tất cả hành vi về lời nói này xuất phát từ lòng từ ái.

Ý nghĩ từ hòa của vị tỳ khưu có đặc tánh đầy đủ sự thân thiện sau khi làm thanh tịnh bản thân, ngồi ở chỗ vắng vẻ và nguyện cho tất cả tỳ khưu trong tịnh xá đều được an vui, không ưu phiền và nóng

giận. Về người tại gia, họ nên rãi tâm từ đến chư Tăng như vầy “ Cầu cho chư Tăng được an vui, không ưu phiền và nóng giận.” Thái độ như vậy xuất phát từ pháp từ ái.

Nghiệp hành ở chỗ đông người và vắng người

  1. Về thân nghiệp

Những ví dụ về nghiệp hành ở chỗ đông người – Giúp đỡ cho các tỳ khưu may y dù cao hạ hay thấp hạ hơn mình. Các tỳ khưu nhỏ hạ thì rửa chân cho các tỳ khưu cao hạ hay làm những công việc phục vụ cá nhân như: quạt hầu, kính lễ, v.v…

Ví dụ về nghiệp hành ở chỗ vắng người – Chăm lo tài sản cá nhân của tỳ khưu đồng phạm hạnh dù cao hạ hay thấp hạ hơn mình. Tài sản mà không được gìn giữ đúng mức bởi chủ nhân và trong khi gìn giữ không có ý nghĩ xem thường về sự thiếu cẩn thận của chủ nhân tài sản, mà làm với ý nghĩ coi đó là tài sản của mình, cần được gìn giữ.

b)   Về khẩu nghiệp

Ví dụ về khẩu nghiệp ở chỗ đông người – Xưng hô với những tỳ khưu khác bằng những từ tôn kính như: đại đức, trưởng lão Tissa.

Ví dụ về khẩu nghiệp ở chỗ vắng người – Khi tìm hiểu một vị tỳ khưu trưởng lão khác, hãy tự hỏi như vầy: “Đại đức trưởng lão Deva của chúng ta ở đâu?” hay “Đại đức trưởng lão Tissa của chúng ta ở đâu? Khi nào Ngài đến đây?”

c)   Về ý nghiệp

Ví dụ về ý nghiệp ở chỗ đông người – Nhìn vị tỳ khưu đồng phạm hạnh bằng cái nhìn thân ái biểu hiện với thái độ vui vẻ. Đây là kết quả của pháp từ trong tâm của người nhìn (sự biểu hiện ra ngoài mặt là thân nghiệp xuất phát từ pháp từ ái).

Ví dụ về ý nghiệp ở chỗ vắng người – Cầu mong đại đức trưởng lão Tissa, v.v… được an vui, v.v… đây là ý nghiệp ở chỗ vắng người, xuất phát từ lòng từ ái.

Pháp Bất thối thứ tư kể trên:

Thọ hưởng cái gì đó một mình” nghĩa là không chia sớt vật gì đó kiếm được hay không chia sẻ một vật gì đó cho một người nọ, hay một số người nọ. Trong trường hợp thứ nhất, phạm vi mà người ta sẵn sàng chia sớt một vật gì đó là ví dụ về việc thọ hưởng một mình về một vật gì đó. Trong trường hợp thứ hai, khi người ta nghĩ rằng: “Ta sẽ chia sớt nó cho vị tỳ khưu nọ, nhưng sẽ không chia sớt cho vị tỳ khưu kia.” Đây là ví dụ về việc thọ hưởng vật gì đó liên quan đến một người.

Trong pháp Bất thối thứ tư này, vị tỳ khưu mà xem vật gì đó được thọ lãnh là vật cúng dường đến chư Tăng, là tài sản chung của tất cả những tỳ khưu giới đức ở chung với vị tỳ khưu ấy. Vị ấy suy xét rằng: “Vật thực cúng dường này có giá trị lớn (về phước). Ta sẽ không cho các cư sĩ tại gia bởi vì làm như vậy tức là lấy lợi câu lợi.” Ta sẽ không dùng nó một mình trước. Ta sẽ dâng nó đến chư Tăng. Nếu còn lại cái gì sau khi Tăng đã dùng nó thì ta sẽ dùng phần dư ấy. Vì vật thực này có được với ý định trở thành tài sản chung của chư Tăng.” Do đó, trước hết vị ấy đánh kẻng thông báo chư Tăng dùng cơm. Pháp hành cao quý này trong Giáo pháp của Đức Phật được gọi là pháp hành Sāranīya.

Pháp hành cao thượng về lối sống thân ái (Sāranīya)

Chú thích về pháp hành Sāranīya:

Hạng tỳ khưu nào có đủ tư cách thọ trì pháp hành Sāranīya này? Một tỳ khưu phá giới không thích hợp với pháp hành Sāranīya. Chỉ có vị tỳ khưu có Giới mới có thể thọ trì pháp hành này. Lí do là những tỳ khưu có Giới không thể thọ lãnh vật dúng dường từ vị tỳ khưu phi phạm hạnh. Họ luôn luôn từ chối nó.

Chỉ vị tỳ khưu có Giới hoàn hảo mới đủ tư cách thọ trì pháp hành Sāranīya. Một khi đã thọ trì rồi, pháp hành phải được thực hành viên mãn không bị sứt mẻ, khiếm khuyết. Những chi tiết liên quan về pháp hành được nêu ra dưới đây.

Ở đây, vị tỳ khưu cho vật thực có phân biệt đến mẹ, đến cha, hay thầy, hay bất cứ người nào như vậy. Vị ấy chia sớt nó đến một người nào đó mà vị ấy nhất định dâng đến. Nhưng việc san sẻ của vị ấy không phải là pháp hành Sāranīya; nó chỉ là sự đọan trừ chướng ngại (patibodha), do hoàn thành một phận sự như cách gọi trong Giáo pháp. Đúng như vậy, vì pháp hành Sāranīya là cách san sẻ cao quý hơn, chỉ thích hợp với vị tỳ khưu vượt qua các chướng ngại, các phận sự của bản thân.

Người thực hành pháp Sāranīyacó thể cho đi để thành tựu pháp hành của mình, chia sẻ phần khất thực được đến một vị tỳ khưu bệnh, hay chăm sóc tỳ khưu bị bệnh, tỳ khưu khách, tỳ khưu đi phương xa, hay tỳ khưu mới tu chưa biết cách mặc y hay ôm bát như thế nào. Sau khi cho vật thực đến những tỳ khưu này, nếu còn phần vật thực nào dư lại thì vị ấy đem dâng lần lượt từ vị trưởng lão cao hạ nhất, người mà được phép nhận phần vật thực nhiều theo ý của vị trưởng lão. Nếu hết vật thực và còn thời gian đi khất thực thì vị ấy có thể đi khất thực tiếp rồi tiếp tục chia sẽ những vật thực mà vị ấy khất thực được. Nếu còn lại vật thực sau khi đã chia sớt rồi thì vị ấy dùng nó. Nếu không còn chút vật thực nào và nếu không còn thì giờ đi khất thực tiếp thì vị ấy chấp nhận nhịn ăn và thọ hưởng pháp hỉ (pīti) từ pháp hành Sāranīya thành tựu.

(Nên lưu ý, dù trong kinh đề cập việc san sẻ đến những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh có giới đức, người thực hành pháp Sāranīyacó thể từ chối không cho vật thực của mình đến tỳ khưu phá giới, hoặc do bi mẫn vị ấy có thể cho, nhưng đó không phải là pháp hành Sāranīya).

Thực ra, người thực hành pháp Sāranīya sẽ không thấy quá khó nếu nó được thọ trì chung với những vị tỳ khưu rành mạch pháp hành Sāranīya.

Lí do: những vị tỳ khưu ở chung rành mạch về pháp hành Sāranīya, các vị đã đi khất thực rồi thì không nhận vật thực của vị tỳ khưu hành pháp Sāranīya (được xem như trở ngại gây nên cho vị tỳ khưu hành pháp Sāranīya). Những vị tỳ khưu khác mà không kiếm được vật thực từ nơi khác sẽ độ vật thực ấy chỉ để thỏa mãn nhu cầu của họ. Như vậy, không có gánh nặng không cần thiết cho người thực hành pháp Sāranīya. Nơi mà những vị tỳ khưu ở chung (không rành mạch pháp hành Sāranīya) đã khất thực được vật thực ở một nơi nào đó nhưng vì tham nên cũng độ vật thực từ người pháp hành Sāranīya. Những vị tỳ khưu khác mà không kiếm được vật thực từ nơi khác sẽ độ vật thực nhiều hơn lượng vật thực mà họ thật sự cần. Trong hoàn cảnh như vậy người thực hành phải khất thực nhiều lần trong thời gian thích hợp (vào buổi sáng) và phải đi nhiều lần mà không có vật thực, tất cả vật thực kiếm được của vị ấy đã được chia hết cho những vị tỳ khưu khác.

·     Mười hai năm thực hành liên tục là qui định

Phận sự (được nguyện) thọ trì về sự chia sớt vật thực đến những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh phải được duy trì liên tục mười hai năm, không hư hoại mới được xem là thành công. Suốt mười hai năm hành đạo nghiêm ngặt trong việc nuôi sống hằng ngày là đặc tánh ưu việt của pháp hành này.

Nếu trong ngày cuối cùng của mười hai năm mà có điều phiền toái nhỏ nhất trong tâm của hành giả, thì vị ấy thất bại. Ví dụ, nếu hành giả đi tắm và để lại bát vật thực của mình, nếu nó được trông thấy bởi một vị tỳ khưu cao hạ và vật thực được phân phát cho các tỳ khưu theo thứ lớp hạ lạp và không có gì sót lại trong bát – vị hành giả phải biết cách giữ thái độ đúng đắn. Ngược lại, nếu vị ấy có chút bất bình đối với những tỳ khưu đồng phạm hạnh vì đã không chừa lại một chút gì cho vị ấy, thì mười hai năm thực hành của vị ấy xem như tiêu tan. Nếu vị ấy vẫn quyết chí, vị ấy phải bắt đầu thực hành lại thêm mười hai năm nữa. Về phương diện này, luật lệ nghiêm khắc như trường hợp về thời gian phục vụ thử thách để sám hối tội Tăng tàn (titthiyaparivāsa) – một lần vi phạm, người thực hành phải bắt đầu lại.

Nếu người thực hành gặp những người hoàn cảnh tương tự, thay vì tức giận, phật ý thì khởi tâm hoan hỉ khi biết rằng những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh đã dùng hết vật thực của mình, khi đó pháp hành của vị ấy được thành tựu viên mãn.

·      Những lợi ích của sự thực hành viên mãn pháp hành Sāranīya

  • Lợi ích đầu tiên trong việc thực hành viên mãn pháp hành Sāranīyalà sự đọan trừ hai pháp tật đố (issā) và bỏn xẻn (macchariya) và do sự tu tập lâu dài nên diệt trừ được những pháp ô nhiễm này.
  •   Pháp từ thiện của vị ấy được thành lập. Vị ấy được mọi người quý mến.
  • Vì ước muốn mạnh mẽ thực hành hạnh bố thí có hiệu quả tốt nên cho kết quả sung mãn. Trong kiếp hiện tại, người thực hành luôn luôn có đầy đủ bốn món vật dụng.
  • Mười hai năm thực hành pháp bố thí vật thực đến những vị tỳ khưu đồng tu có giới đức, từ bát vật thực của vị ấy nên hiệu quả là bát của vị ấy có nguồn vật thực không bao giờ cạn kiệt. Vị ấy có thể cho bao nhiêu cũng được mà không hề cạn kiệt.
  •   Do kết quả của việc bố thí ưu tiên đến những vị tỳ khưu trưởng lão cao hạ nhất mỗi ngày trong suốt thời gian như vậy nên bất cứ khi nào có vật cúng dường được chia trong chư Tăng, thì vị ấy luôn luôn nhận được phần chia tốt nhất.
  • Do kết quả của việc đem lại hoan hỉ cho người khác từ việc bố thí vật thực của vị ấy nên bất cứ khi nào có nạn đói xảy ra ở chỗ vị ấy đang sống thì chư thiên sẵn sàng giúp đỡ vị ấy không bị đói.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 45

Post Views: 452