CHƯƠNG 40 – P10 những sự kiện trước khi Phật nhập niết bàn
Cuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trìnhphiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vàobộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.
Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanhcâu chuyệnĐạo sĩ Sumedha.
Cuốn này chia làm hai phần”
– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả
– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.
Tỳ Khưu Minh Huệbiên dịch
Mùa an cư năm 2000
Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V
Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử
Menu
Câu chuyện về Pukkusa, vị công tử bộ tộc Malla
Khi Đức Phật đang ngồi dưới cội cây sau khi đã uống nước, Pukkusa, vị công tử Malla mà vốn là đệ tử của Āḷāra Kālāma, đang trên đường đi từ Kusināra đến Pāvā. Khi trông thấy Đức Phật đang ngồi dưới cội cây, Pukkusa của bộ tộc Malla đi đến, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống nơi phải lẽ. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật :
“Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn, trạng thái trầm lặng của những vị Sa-môn!”
“Bạch Đức Thế Tôn, chuyện xảy ra trong quá khứ rằng, Āḷāra Kālāma, trong khi đang đi trên đường, rời khỏi con đường và ngồi xuống dưới một cội cây ở bên đường để nghỉ trưa. Bạch Đức Thế Tôn, vào lúc ấy có năm trăm cỗ xe đi ngang qua Āḷāra Kālāma, rất gần vị ấy.
“Bạch Đức Thế Tôn, một người đàn ông đi theo sau năm trăm cỗ xe bèn đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi rằng: “Thưa ngài, ngài có thấy năm trăm cỗ xe đi ngang qua không?”
(Āḷāra) “Này hiền hữu, ta không thấy chúng.”
“Thưa ngài, sao thế? Ngài có nghe tiếng ồn của những cỗ xe ấy
không?”
“Này hiền hữu, ta cũng không nghe tiếng ồn ấy.” “Thưa ngài, sao thế? Có phải lúc ấy ngài đã ngủ?” “Này hiền hữu, khi ấy ta cũng không ngủ.”
“Thưa ngài, sao thế? Có phải khi ấy ngài hoàn toàn tỉnh thức?” “Này hiền hữu, khi ấy ta hoàn toàn tỉnh thức.”
“Thưa ngài, ngài nói rằng ngài không thấy cũng không nghe năm trăm cỗ xe đi ngang qua ngài dầu ngài đang tỉnh và thức. Tuy nhiên tấm y hai lớp mà ngài đắp bên ngoài thì bị dính đầy bụi, đúng không?”
“Đúng vậy, này hiền hữu.”
“Bạch Đức Thế Tôn, sau chuyện trò với Āḷāra Kālāma, người đàn ông ấy suy nghĩ như vầy: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay, sự trầm tĩnh của các vị Sa-môn! Vị ẩn sĩ Āḷāra này, dầu vẫn còn tỉnh thức, vẫn không thấy cũng không nghe năm trăm cỗ xe mà đi ngang qua gần vị ấy! và nói rằng vị ấy rất kính nể Āḷāra Kālāma, rồi ra đi.”
Nhân đó, Đức Phật nói với Pukkusa của bộ tộc Malla, “Này Pukkusa, ngươi nghĩ thế nào về vấn đề này?
Một người, dầu tỉnh thức, cũng không thấy hoặc nghe năm trăm cỗ xe bò đi ngang qua gần vị ấy.
Một người khác, dầu tỉnh thức, vẫn không thấy cũng không nghe tiếng của cơn mưa lớn kèm theo tiếng sấm đùng đùng, ánh chớp và những tiếng sét gần vị ấy. Bây giờ, trong hai trường hợp này, trường hợp nào khó đạt được hơn? Trường hợp nào khó xảy ra hơn?
“Bạch Đức Thế Tôn,” Pukkusa của bộ tộc Malla đáp lại, “Trú mà không thấy và không nghe những cỗ xe bò đi ngang qua gần chính mình – dầu là năm trăm, sáu trăm, bảy trăm, tám trăm, chín trăm, một ngàn, hoặc một trăm ngàn cỗ xe bò – cũng không thể được xem là khó (khi so với trường hợp kia). Quả thật khó hơn nhiều là trú mà không thấy và không nghe tiếng của cơn mưa lớn kèm theo tiếng sấm đùng đùng, ánh chớp và những tiếng sét gần vị ấy. Trường hợp ấy khó xảy ra hơn.” Rồi Đức Phật dạy rằng:
“Này Pukkusa, một thời nọ Như Lai đang sống trong một cái chòi tranh tại thị trấn Āluma. Trong thời gian ấy có một cơn mưa nặng hạt trút xuống kèm theo tiếng sấm đùng đùng, tia chớp và những tiếng sét. Cơn sét ấy đánh xuống gần cái chòi của Như Lai giết chết bốn con bò và hai anh em người nông dân.
“Khi ấy, này Pukkusa, một số đông người từ thị trấn đổ xô đến xem chỗ có bốn con bò và hai anh em người nông dân bị chết. Này Pukkusa, vào lúc ấy, Như Lai vừa ra khỏi cái chòi tranh và đang đi kinh hành ở chỗ trống, gần cái chòi tranh. Này Pukkusa, một người từ đám đông ấy tiến gần Như Lai, và sau khi đảnh lễ Như Lai, đứng ở nơi thích hợp. Này Pukkusa, Như Lai hỏi người đàn ông ấy rằng: “ Này hiền giả, tại sao có nhiều người tụ họp ở đó?”
“Bạch Ngài, bốn con bò và hai anh em người nông dân bị sét đánh chết trong khi trời đang mưa nặng hạt với những tia chớp và tiếng sấm sét. Những người này kéo nhau đến xem (cảnh tai nạn). Nhưng, bạch Ngài, khi ấy Ngài ở đâu?
“Này hiền giả, Ta ở đây suốt thời gian đó.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Ngài có thấy (điều gì xảy ra) không?” “Này hiền giả, Ta không thấy.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Ngài có nghe âm thanh ấy không?” “Này hiền giả, Ta cũng không nghe âm thanh ấy.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Có phải Ngài đang ngủ?” “Này hiền giả, Ta cũng không ngủ.”
“Bạch Ngài, thế là sao? Có phải Ngài đang tỉnh thức?” “Vâng, này hiền giả, Ta đang tỉnh thức.”
“Bạch Ngài, có phải rằng, dầu Ngài vẫn đang tỉnh thức, Ngài cũng không thấy hoặc nghe tiếng của cơn mưa nặng hạt trút xuống, tiếng sấm đùng đùng và tia chớp, những tiếng sét?”
“Đúng vậy, này hiền giả.”
“Này Pukkusa, cuối câu chuyện, người đàn ông ấy suy nghĩ: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay trạng thái trầm tỉnh của những vị sa-môn (trong trường hợp này)! Đức Phật ở đây, dầu tỉnh thức, vẫn không thấy hoặc nghe tiếng mưa nặng hạt trút xuống, tiếng sấm đùng đùng và tia chớp, những tiếng sét.
Và sau khi nói lời tôn kính sâu sắc đến Như Lai, vị ấy đảnh lễ Ta rồi ra đi.”
Pukkusa của bộ tộc Malla cúng dường vật thí đặc biệt đến
Sau khi Đức Phật nói những lời này, Pukkusa của bộ tộc Malla bèn bạch với Đức Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn, bất cứ sự kính trọng nào mà con đã có đối với Ālāra Kālāma. Giờ đây con quăng bỏ nó (tựa như con quăng bỏ rác rưởi) trong một cơn gió mạnh, hay thả nó (tựa như vứt bỏ một vật không giá trị) xuống dòng sông đang chảy xiết.
“Bạch Đức Thế Tôn, kỳ diệu thay (Chánh pháp)! Bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay (Chánh pháp)! Bạch Đức Thế Tôn, tựa như vật bị xô ngã được dựng đứng lên, hay vật bị che khuất này được phơi bày ra, hay như người đi đường bị lạc được chỉ dẫn lối đi, hay như ngọn
đèn được đốt lên ở chỗ tối để những ai có mắt có thể thấy mọi vật – Cũng vậy Đức Thế Tôn đã giảng dạy Chánh pháp đến con bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy Tăng! Cầu xin Đức Thế Tôn hãy xem con là cận sự nam, người đã quy y Tam bảo từ nay cho đến trọn đời.”
Rồi Pukkusa của bộ tộc Malla gọi một người đàn ông đến và nói với anh ta rằng, “Này ông, hãy đem đến cho ta một cặp vải y màu kim sắc mịn đặc biệt dành cho những dịp lễ.” Và khi hai xấp vải màu kim sắc mịn được đem đến thì Pukkusa của bộ tộc Malla dâng lên Đức Phật với lời tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn, vì lòng bi mẫn đến con, hãy thọ nhận cặp vải y này.”
Đức Phật bèn nói rằng: “Nếu vậy thì, này Pukkhusa, hãy dâng một lá y đến Như Lai và lá y kia đến Ānandā.” Và do vậy, Pukkusa, công tử Malla bèn dâng một tấm y đến Đức Phật, và tấm y kia dâng đến đại đức Ānandā.
(Về vấn đề này, người ta có thể hỏi rằng, “Đại đức Ānanda có nhận lấy vật cúng dường của Pukkusa không?” Và câu trả lời là, “Có”. Khi ấy người hỏi có thể đưa ra sự thỏa thuận trước kia của Ānanda là không nhận những vật cúng dường mà lúc đầu được dâng đến Đức Phật, (sự thỏa thuận là chỉ thọ lãnh bốn loại vật thí và từ chối bốn loại vật thí) được vị ấy đưa ra khi vị ấy nhận lãnh địa vị thị giả cho Đức Phật. Vật thí được thọ lãnh trong trường hợp này là một ngoại lệ dựa vào 3 duyên cớ:
Ānanda , vào thời điểm đó, đã thực hành viên mãn phận sự làm thị giả của Đức Phật một cách hoàn hảo nhất.
Sự kiện vị ấy thọ lãnh vật thí cúng dường ấy sẽ ngăn chặn những người khác có thể nói rằng Ānanda đã không phục vụ Đức Phật tốt. Bởi vậy Đức Phật đã không ban cho vị ấy bất cứ vật thí nào sau hai mươi lăm năm làm thị giả.
Ānanda hiểu rằng Đức Phật để cho Pukkusa hưởng được lợi ích của sự bố thí cúng dường đến chư Tăng, vì cúng dường đến Ānanda tức là cúng dường đến Tăng. Đức Phật cũng biết rằng
Ānanda sẽ không tự mình dùng xài tấm y ấy mà sẽ dâng nó đến đức Bhagavā).
Rồi Đức Phật thuyết pháp đến Pukkusa, vị công tử Malla, về những lợi ích của Chánh pháp, sách tấn vị ấy thọ trì pháp hành, và khiến vị ấy vui thích trong pháp hành. Sau khi đã được chỉ cho thấy những lợi ích của Chánh pháp như vậy, được sách tấn thọ trì pháp hành, và được làm cho vui thích trong pháp hành; Pukkusa, vị công tử Malla, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đảnh lễ Đức Phật , rồi cung kính bái từ.
Không lâu sau khi Pukkusa, công tử Malla, vừa đi khỏi, đại đức Ānanda bèn đặt cặp y màu kim sắc ngay ngắn lên thân của Đức Phật. Khi chúng đã được đặt lên người của Đức Phật rồi thì cặp y bị mất đi vẻ lộng lẫy của chúng vì bị sự lấn át của hào quang từ thân của Đức Phật. Đại đức Ānanda kinh ngạc. Đại đức kêu lên điều mà đại đức trông thấy. Nhân đó, Đức Phật giải thích cho vị ấy như vầy:
“Này Ānanda, điều ngươi nói là đúng. Này Ānanda, điều ngươi nói là đúng. Có hai trường hợp mà sắc tự nhiên của Như Lai trở nên trong sáng vô cùng và nước da của Như Lai cực kỳ sáng rỡ. Hai trường hợp này là:
Này Ānanda, đêm mà Như Lai chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và đêm mà Như lai sắp diệt độ không còn dư báo của ngũ uẩn, và nhập vô dư Niết bàn (Anupādisesa Nibbāna).
Này Ānanda, đây là hai trường hợp mà màu sắc tự nhiên trên thân của Như Lai trở nên vô cùng thanh tịnh và nước da của Như Lai cực kỳ sáng chói.
Này Ānanda, ngày hôm nay, vào canh cuối của đêm, trong rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi mà con đường đi đến Kusināra rẽ vào, giữa cặp cây Sala, Như Lai sẽ nhập vô dư Niết bàn.”
Rồi Đức Phật dạy: “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến con sông Kakudhā.” “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn”, đại đức Ānanda vâng lời.
Rồi Đức Phật đi đến con sông Kakudhā có đại chúng tỳ khưu theo cùng. Ngài đi xuống nước, tắm và uống nước. Trở lại bờ sông, Ngài đi đến khu vườn xoài bên con sông. Ở đó Ngài nói với đại đức
Cunda (đại đức Ānanda khi ấy ở bờ sông đang phơi chiếc y nội mà Đức Phật đã dùng để tắm): “ Này Cunda, hãy xếp chiếc y Tăng già lê thành bốn lớp và đặt nó trên đất. Như Lai mệt. Như Lai cần nằm nghỉ.”
Đại đức Cunda cung kính vâng lời Đức Phật, và đặt chiếc y hai lớp đã được xếp tư trên đất. Và Đức Phật nằm xuống nghiêng về bên phải, chân trái gác lên chân phải, chánh niệm và tỉnh giác, ghi nhớ thời gian ngồi dậy lại. Đại đức Cunda ngồi gần đó, hầu Đức Phật.
Phước đức vô song về hai bữa ăn
Khi đại đức Ānanda trở lại trước mặt Đức Phật, Ngài bèn cho
những lời nhận xét đặc biệt sau đây về bữa ăn cuối cùng như vầy: “Này Ānanda, điều có thể xảy ra là có người có thể gây khó
khăn cho Cunḍa, con trai người thợ kim hoàn, bằng cách nói như vầy: ‘ Này hiền giả Cunḍa, Đức Thế Tôn đã diệt độ sau khi ăn bữa ăn cuối cùng do hiền giả dâng cúng. Đối với hiền giả thật là bất hạnh, thật là một sự mất mát.’
“Nếu điều ấy xảy ra, thì người khác nên an ủi Cunda như vầy: “Này Cunda đáng kính, Đức Thế Tôn đã diệt độ sau khi Ngài đã ăn bữa ăn cuối cùng do hiền giả cúng dường. Thật may mắn biết bao, thật đại lợi cho hiền giả biết bao. Này hiền giả Cunda đáng kính, đây là những lời mà tôi đã nghe từ chính miệng của Đức Thế Tôn: Có hai sự cúng dường vật thực mà vượt trội tất cả những sự cúng dường vật thực khác về lợi ích của chúng, và phước của những người cúng dường hai bữa ăn ấy cũng vượt trội. Hai sự cúng dường là vật thực được cúng dường đến Đức Như Lai mà sau khi ăn, Đức Như Lai sẽ chứng đắc Tối thượng Chánh đẳng Chánh giác, và vật thực cúng dường đến Đức Như Lai, mà sau khi ăn Đức Như Lai diệt độ không còn dư báo của ngũ uẩn, và nhập vô dư Niết bàn (anupādisesa-nibbāna). Hai sự cúng dường vật thực này vượt trội tất cả những sự cúng dường vật thực khác về lợi ích của chúng, và phước báu của những người cúng dường hai bữa ăn ấy cũng vậy. Đây là những lời mà tôi đã nghe từ chính
miệng của Đức Thế Tôn. Đúng vậy, hiền giả Cunda đáng kính, con trai của người thợ kim hoàn, đã tích luỹ cho mình: Phước làm cho vị ấy được trường thọ, phước làm cho vị ấy có tướng mạo xinh đẹp, phước giúp cho vị ấy được an lạc, phước làm cho vị ấy có đông đảo tùy tùng, phước dẫn vị ấy đến cõi chư thiên, và phước giúp cho vị ấy có được uy quyền cao cả. Như vậy, Cunda, con trai của người thợ kim hoàn, sẽ được nguôi ngoai.”
Rồi Đức Phật, sau khi hiểu ý nghĩa này, bèn thốt lên cảm hứng kệ sau (udāna gāthā):
Người có sự bố thí, phước báu hằng tăng trưởng, Người có sự tự chế, hận thù không thể đến.
Người có tuệ quán, từ bỏ được điều ác, Người có lòng từ thiện, giới, định và tuệ,
Sau khi đọan diệt tham, sân và si, tâm giải thoát thanh tịnh.
(Ở đây, “phước bằng nhau” trong món cơm sữa của nàng Sujāta (tại cây bồ đề) và món thịt heo mềm của Cunda có thể là vấn đề tranh cãi).
Người ta có thể hỏi rằng: “ Vào lúc Đức Phật ăn món cơm sữa của nàng Sujāta thì Ngài chưa đọan diệt tham, sân và si trong khi Ngài ăn món vật thực cúng dường của Cunda thì Ngài đã giải thoát khỏi tham, sân và si mê. Như vậy trạng thái thanh tịnh của người bố thí không bằng nhau, làm sao phước trong sự cúng dường có thể ngang bằng nhau?”
Câu trả lời là như thế này: Những yếu tố bằng nhau trong cả hai
bên là:
Cả hai bữa ăn đều dẫn đến Parinibbāna.
Cả hai bữa ăn đều giúp cho Đức Phật trú trong thiền chứng.
Cả hai bữa ăn đều dẫn đến cùng cách suy nghĩ, của hai vị thí chủ. Giải rộng:
Sau khi ăn món cơm sữa của nàng Sujātā, Đức Phật đọan diệt tất cả phiền não và chứng đắc Phật quả, là “Hữu dư y niết bàn” (parinibbāna of kilesa), chứng ngộ Niết bàn vẫn còn dư báo của năm uẩn.
Sau khi ăn món thịt heo mềm của Cunda, Đức Phật diệt tắt sự tái sanh của năm uẩn, gọi là Vô dư y niết bàn (parinibbāna of khanda), chứng ngộ Niết bàn không còn dư báo của năm uẩn. Nhờ món cơm sữa của của nàng Sujāta mà sắc thân của Đức Phật trở nên thắng diệu. Điều này làm tăng sức mạnh cho hệ thống tinh thần đến nỗi Pháp thân, gồm có sự sanh khởi của Tuệ quán, sự sanh khởi của Đạo (magga), và sự sanh khởi của Quả (phala), có khả năng đọan diệt phiền não không khó khăn, như vậy dẫn đến Hữu dư y niết bàn (kilesa parinibbāna).
Sự cúng dường vật thực của Cunda cũng cung cấp chất bổ dưỡng thích hợp cho Đức Phật và giúp từ bỏ năm uẩn không khó khăn, như vậy dẫn đến Vô dư y niết bàn (khandha parinibbāna).
Vào ngày Giác ngộ, Đức Phật, sau khi ăn món cơm sữa do nàng Sujāta dâng cúng, đã lấy sức mạnh để trú trong thiền chứng gồm
2.4 triệu koṭi nhập định (devasikavaḷañjana-samāpatti) mà sẽ trở thành thông lệ hằng ngày của Ngài. Sau khi ăn món vật thực cúng dường của Cunda cũng vậy, Đức Phật (dầu bị phát bịnh lỵ huyết) có thể giữ vững thông lệ hằng ngày là trú trong thiền chứng gồm
2.4 triệu koṭi nhập định.
Sujāta dâng món cơm sữa của nàng đến Bồ tát khi cho rằng ngài là vị thần của cây đại thọ banyan (về sau được gọi là cây Đại thọ Bồ đề). Nhưng khi nàng biết rằng nàng đã cúng dường đến Đức Phật và Ngài đã chứng đắc Phật quả sau khi dùng món cơm sữa của nàng và Đức Phật có chất dinh dưỡng để nuôi mạng trong bốn mươi chín ngày nhờ vật thực cúng dường của nàng, nên nàng rất hạnh phúc. “Thật là may mắn lớn cho ta, thật là lợi đắc to lớn cho ta!” Nàng suy nghĩ như vậy nhiều lần lập đi lập lại, như vậy làm gia tăng những ý nghĩ phước báu về sự mãn nguyện và hoan hỉ. Tương tự, khi Cunda, con trai người thợ kim hoàn, biết rằng vật thực cúng dường của vị ấy là bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, sau đó Ngài sẽ diệt độ Vô dư niết bàn, thì vị ấy vô cùng hoan hỉ, “Thật là may mắn lớn cho ta, thật là lợi đắc to lớn cho ta!” Vị ấy suy
nghĩ nhiều lần lập đi lập lại, như vậy làm gia tăng phước báu về sự mãn nguyện và hoan hỉ.
Theo thông lệ hằng ngày Đức Phật trú trong 2.4 triệu koti của sự Nhập Định
Được thảo luận trong Sāṃyutta Ṭīkā, Volume I (Sagāthā Vagga Sāṃyutta Ṭīkā; Brahmā Sāṃyutta, 2: Dutiya Vagga, 5. Parinibbāna Sutta, pp 251-251)
Theo một số vị A-đồ-lê (Keci vāda)
Theo thông lệ hằng ngày, Đức Phật trú trong pháp thiền định đề mục Đại bi số lượng lên đến 1.2 triệu koṭi lần, và A-la-hán quả định số lượng cũng tương tự – như vậy Ngài trú cả thảy là 2.4 triệu koṭi được gọi là Deva–sikavaḷañjana samāpatti.
Một cách giải thích khác:
Đối với chư Phật, sự trở lại dòng hộ kiếp (bhavanga-citta) rất nhanh. Việc nhập vào và trú trong một loại định nào đó như từ loại định này đến loại định khác là một việc làm hoàn hảo. Để nhập vào định và xuất khỏi định, Đức Phật chỉ cần 2 hoặc 3 sát-na tâm mà thôi. Đúng vậy, Đức Phật có thông lệ là trú trong: 5 loại thiền hữu sắc, 4 loại thiền vô sắc, appamañña-samāpatti, nirodha-samāpatti và arahatta-phala-samāpatti, như vậy tạo ra tổng số hằng ngày gồm 12 loại samāpatti. Một trăm ngàn koṭi lần cho mỗi loại trong 12 loại samāpatti này được Đức Phật nhập vào mỗi buổi sáng, và số lần nhập định tương tự được lập lại vào mỗi buổi xế trưa. Như vậy thông lệ hằng ngày gồm 2.4 triệu koṭi lần nhập định xảy ra mỗi ngày.
Theo những vị A-đồ-lê khác (Apare vāda)
Theo thông lệ, Đức Phật trú trong thiền diệt (Nirodha samāpatti) mỗi ngày. Sự nhập vào thiền Diệt phải có thiền Quán đi trước. Đối với chư Phật, đề mục để phát triển thiền Quán tuệ dẫn đến Diệt-tận-định là Pháp Duyên khởi – Paṭiccasamupāda (xem bộ Đại
Phật sử, cuốn II, về Mahāvajira vipassanā). Cách thức phát triển pháp thiền này bao gồm việc quán 12 pháp nhân duyên theo thứ tự xuôi bắt đầu từ Vô minh, mỗi pháp được quán trong một trăm ngàn koṭi lần. Như vậy 1.2 triệu koṭi lần được dành cho 12 pháp nhân duyên. Rồi quán 12 pháp nhân duyên ấy theo thứ tự ngược lại cũng bao gồm thêm
1.2 triệu koṭi lần. Việc nhập vào Diệt tận định, với Paticcasamuppāda làm đề mục của thiền quán, do vậy có 1.2 triệu koti lần cho mỗi lần quán xuôi và mỗi lần quán ngược, như vậy là hết 2.4 triệu koti lần (đây là lời mà những vị A-đồ-lê khác nói).
Bởi vì 2.4 triệu koti lần được Đức Phật nhập định hằng ngày, có ý nghĩa gì về những sự nhập định này vào ngày giác ngộ và vào ngày diệt độ? Ý nghĩa, như đã được chỉ ra trong Phụ chú giải về Matravagga, Dīgha Nikaya, là vào những ngày đặc biệt này những sự nhập địnhđược xây dựng dựa trên kỷ luật khắc khe đòi hỏi sự quán chiếu 7 phương diện của sắc pháp (rūpa-sattaka) và 7 phương diện của danh pháp (nāma-sattaka) trong pháp thiền quán chuẩn bị.
Kusināgara là chỗ yên nghỉ cuối cùng của Đức Phật
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi đó có con đường hướng về thị trấn Kusināgara, ở bờ bên kia của con sông Hiraññavatī.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời. Rồi Đức Phật, được theo hầu bởi đại chúng tỳ khưu, (cuối cùng) đến tại rừng cây Sala của những vị công tử Malla nơi có con đường hướng về thị trấn Kusināgara, ở bờ bên kia của con sông Hiraññavatī. Tại đó, Ngài nói với đại đức Ānanda: “ Này Ānanda, hãy đặt chiếc trường kỷ đầu về hướng Bắc, giữa cặp cây Sa-la. Ānanda, Như Lai mệt, và muốn nằm nghỉ.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn. Và đặt chiếc trường kỷ đầu về hướng Bắc giữa cặp cây Sa-la. Và
Đức Phật nằm nghiêng bên phải trong tư thế cao quý, chân trái gác lên
chân phải, chánh niệm và tỉnh giác.
Trong chuyến đi này từ Pāvā đến Kusināgara, chúng tỳ khưu rất đông, hầu như không tính hết được, đã cu hội lại quanh Đức Phật vì từ khi tin Đức Phật sắp diệt độ được lan truyền đi từ ngôi làng nhỏ Veḷuva, tất cả những vị tỳ khưu sống ở nhiều nơi khác nhau mà đã đến thì không phân tán đi.
Cây Sa-la song thọ
Trong rừng cây Sa-la của những vị công tử Malla, nơi mà chiếc trường kỉ dành cho Đức Phật được đặt ở đó, có hai hàng cây Sa-la đẹp ở hướng Bắc (nơi mà đầu của chiếc trường kỉ được đặt) và ở hướng nam. Giữa hai hàng cây này có một cặp cây sa-la ở hai đầu đối diện của chiếc trường kỉ, những gốc, nhánh và tán lá của chúng đan quyện với nhau chằng chịt đến nỗi chúng được xem như một cặp cây song sinh. Có một chiếc trường kỷ được những vị công tử Malla sử dụng trong rừng cây Sa-la và nó là chiếc trường kỷ mà Đức Phật bảo Ānanda bày ra cho Ngài, và được đem đến đúng lúc.
Sự kiệt sức của Đức Phật
“Này Ānanda, Như Lai mệt, và muốn nằm nghỉ.” Ý nghĩa của những lời này có thể được xét về sức mạnh nơi thân của Đức Phật, bằng sức mạnh của một ngàn koṭi con voi thông thường, tương đương với mười con bạch tượng Chaddanta, hay tương đương với sức mạnh của mười ngàn koṭi người bậc trung. Tất cả sức mạnh phi thường ấy có thể tuôn đi mất bởi cơn bịnh lỵ, giống như nước đổ xuống vào một cái phễu lọc, sau khi Đức Phật đã ăn món vật thực của Cunda. Khoảng cách từ Pāvā đến Kusināgara chỉ 3 gāvata (bằng ¾ của một do tuần- yojanā). Tuy nhiên Đức Phật đã mất hai mươi lăm lần dừng nghỉ trong chuyến đi. Cuối cùng, khi đi vào rừng cây Sa-la vào lúc mặt trời lặn, Ngài bị những cơn đau. Vì lý do đó mà Ngài bộc lộ tình trạng khó ở
và cần nằm nghỉ là điềm tướng báo hiệu cho thế gian biết rằng Ngài sắp diệt độ.
Đức Thế Tôn chọn Kusināgara làm nơi an nghỉ cuối cùng
Ở đây, người ta có thể nêu ra câu hỏi rằng: “Tại sao Đức Phật phải chịu nhiều khó khăn để đi đến Kusināgara? Không có những nơi khác thích hợp làm nơi an nghỉ cuối cùng cho Ngài chăng? Câu trả lời là, không có chỗ nào mà thực sự thích hợp cho trường hợp trọng đại ấy. Nhưng có ba lý do để Đức Phật chọn thị trấn Kusināgara làm chỗ an nghỉ cuối cùng của Ngài. Đức Phật đã thấy ba tình huống có thể xảy ra sau đây, Ngài suy xét:
“Nếu Ta diệt độ tại bất cứ chỗ nào khác ngoài Kusināgara, thì sẽ không có cơ hội để thuyết bài pháp Mahāsudassana Sutta. Bài kinh dài này mất hai buổi tụng đọc ở hội nghị Kiết tập và cho thấy rằng cho dù là người, khi Đức Phật còn là vị Bồ tát, người có thể hưởng sự vinh hoa của chư thiên trên trái đất này, mà chỉ được tìm thấy ở Kusināgara mà thôi. Bài kinh gợi lên sự hoan hỉ cho người nghe để làm các việc thiện.”
“Nếu Ta diệt độ ở một nơi nào khác ngoài Kusināgara, thì Subhadda, vị du sĩ sẽ không có được cơ hội yết kiến ta, sẽ là một sự mất mát to lớn cho vị ấy. Vì vị ấy thích hợp để được Đức Phật khai ngộ chứ không phải do vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật. Du sĩ Subhadda ấy sẽ có mặt tại Kusināgara, vị ấy sẽ nêu ra những câu hỏi thông minh đến Như Lai, và khi Như Lai trả lời xong những câu hỏi của vị ấy, thì vị ấy sẽ thọ trì chánh pháp, học cách thực hành để phát triển Tuệ quán, và sẽ trở thành vị La-hán cuối cùng trong khi Như Lai chưa viên tịch.”
“Nếu Như Lai diệt độ ở một nơi khác, thì sẽ có đổ máu trong cuộc tranh giành xá-lợi của Như Lai. Tại Kusināgara, Bà-la-môn Dona sẽ có khả năng ngăn chặn tai họa như vậy và sự phân chia Xá-lợi sẽ diễn ra trong hoà hợp.”
Đó là ba lý do khiến Đức Phật phải nhọc công để đi đến Kusināgara.
Những cây sa la và chư thiên tôn vinh Đức Phật
Khi Đức Phật nằm trên chiếc trường kỷ, cặp song thọ Sa la bỗng nở đầy hoa, dù không phải là mùa ra hoa, và để tôn vinh Đức Phật những cơn mưa hoa đổ xuống, liên tục tung rắc những hoa ấy trên thân của đức Như lai.
Cũng vậy, những thiên hoa Mandāvara từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Cũng vậy, bột đàn hương từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Và, để tôn vinh đức Tathāgata, nhạc trời trổi dậy trong hư không, thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Cách cúng dường Đức Phật cao quý nhất
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānandā :
“Này Ānanda, cặp song thọ Sa la bỗng nở đầy hoa, dù không phải là mùa ra hoa, và để tôn vinh Đức Thế Tôn những cơn mưa hoa đổ xuống, liên tục tung rắc những bông hoa ấy trên thân của đức Như lai.
Cũng vậy, những thiên hoa Mandāvara từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Cũng vậy, bột đàn hương từ trên bầu trời rơi xuống liên tục gieo rắc trên thân của Đức Tathāgata, biểu hiện sự tôn kính cúng dường của chư thiên đến Đức Tathāgata.
Và, để tôn vinh Đức Tathāgata, nhạc trời trổi dậy trong hư không, thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
“Này Ānanda, tất cả những hình thức tôn kính cúng dường này không thể được gọi là những hành động đầy đủ của sự kính trọng, tôn kính, sùng kính, tôn vinh hay thờ cúng Như Lai. Này Ānanda, vị tỳ khưu hay tỳ khưu ni, hay cận sự nam, hay cận sự nữ, mà thực hành theo Giáo pháp dẫn đến siêu xuất thế gian, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, là người kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.
“Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp.” (Ở đây, những cây Sa-la đang tưới xuống những bông hoa nên
được hiểu là hành động cúng dường của những vị hộ thần trong những cây ấy bằng cách rung những nhánh cây.
“Hoa Mandārava – những bông hoa trong hồ Nandā ở cung trời Đao lợi. Lá của cây có kích thước bằng cái dù, và phấn trong mỗi bông hoa chứa đầy một cái giỏ. Không chỉ những bông hoa Mandārava, mà những thiên hoa khác cũng vậy, như hoa san-hô và những thiên hoa khác được rải xuống bởi chư thiên trú quanh những khu vực tại những bức thành của Cakkavāla, cõi Đao lợi và cõi Phạm thiên thế nên hoa chư thiên được rải xuống liên tục.
Cũng vậy, “Bột chiên đàn của chư thiên” ở đây nên hiểu là tượng trưng cho nhiều loại gỗ thơm khác không chỉ từ cõi chư thiên không thôi, mà từ những cõi nāga, garuda, những vùng đất xa xôi khác của cõi người, cũng như những loại hương thơm tự nhiên khác dưới nhiều hình thức khác nhau như bụi vàng, bột bạc, các loại khoáng vật … Nói tóm lại, tất cả thế giới hữu tình, chư thiên cũng như nhân loại, đều cùng nhau tham gia vào việc cúng dường các loại hương liệu, liên tục rải xuống thân của Đức Phật tại Kusināgara.
“Nhạc chư thiên” cũng tượng trưng cho bản nhạc giao hưởng của thế gian được thể hiện bởi những nhạc sĩ của khắp cả thế giới hữu tình trải rộng đến mười ngàn thế giới, bao gồm deva, naga, garuda và nhân loại, mà vang lên giữa không gian bao la của thế giới.
Vòng hoa chư thiên có kích thước cực kỳ to lớn
“Những tiếng nhạc của chư thiên vang dậy trên không trung”. Phía sau câu nói là một câu chuyện cảm động. Nó liên quan đến chư thiên Varuṇa và Vāraṇa là chư thiên có thọ mạng rất lâu. Chư thiên này, khi hay tin rằng vị thiên là Bồ-tát sắp tái sanh xuống cõi người, bèn khởi sự làm một tràng hoa để dâng đến Bồ Tát vào ngày Ngài nhập thai. Trước khi họ làm xong cái tràng hoa thì họ nghe tin rằng Đức Phật đương lai đã thọ thai vào lòng mẹ. Bởi vậy khi chư thiên khác hỏi họ cái tràng hoa làm dành cho ai, họ nói rằng, “ Tràng hoa của chúng tôi chưa xong, bởi vậy nó phải được dâng đến Bồ-tát vào ngày Ngài đản sanh.”
Lại nữa, khi họ biết rằng Bồ tát đã sanh ra rồi, chư thiên làm tràng hoa bèn nói rằng, “Thôi được, chúng ta sẽ dâng nó đến Bồ tát vào ngày Ngài xuất gia.” Sau hai mươi chín năm sống trong cõi nhân loại, Bồ tát từ bỏ thế gian, những người làm tràng hoa nghe tin và nói rằng: “Chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài giác ngộ. Rồi, sau sáu năm tinh tấn vĩ đại của Bồ tát và tin về sự giác ngộ của ngài đến với chư thiên làm tràng hoa, họ nói rằng, “Chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài thuyết bài pháp đầu tiên.” Sau bốn mươi chín ngày satta sattāha (bảy chỗ trú ngụ khác nhau trong thiền định, mỗi chỗ bảy ngày), khi bài pháp đầu tiên được thuyết tại khu rừng Migadāvana, chư thiên làm tràng hoa bèn nói rằng, “Thôi được, chúng ta sẽ dâng nó đến Đức Phật vào ngày Ngài thị hiện Song thông.” Khi tin Song thông đã xảy ra thấu đến chư thiên làm tràng hoa, họ nghĩ sẽ cúng dường tràng hoa khi sau ba tháng Đức Phật trở về từ cõi Đao lợi. Và khi tin Đức Phật đã đi xuống từ cõi Đao lợi thiên cũng đến với họ, họ nghĩ sẽ cúng dường tràng hoa vào ngày Đức Phật từ bỏ thọ hành. Nhưng đến ngày ấy tràng hoa vẫn chưa được làm xong, và vì vậy họ nói rằng, “Tràng hoa vẫn chưa được làm xong; chúng ta sẽ cúng dường Đức Phật vào ngày Ngài diệt độ.”
Xét thấy rằng tin mới nhất về Đức Phật đang nằm trên chiếc giường vĩnh biệt đến với chư thiên làm tràng hoa và vào canh ba của
đêm ấy Đức Phật sẽ diệt độ, hai vị thiên Varuṇa và Varāṇa bối rối kêu lên rằng, “Sao thế? Mới hôm nay Bồ tát nhập thai vào lòng mẹ; mới ngày hôm nay vị ấy sanh ra; mới ngày hôm nay vị ấy từ bỏ thế gian; mới ngày hôm nay Đức Phật đã giác ngộ; mới ngày hôm nay Ngài thuyết bài pháp đầu tiên; mới ngày hôm nay Ngài thị hiện Song thông; mới ngày hôm nay Ngài giáng xuống cõi trời Đao lợi; mới ngày hôm nay Ngài đã từ bỏ thọ hành; và mới ngày hôm nay Ngài lại sắp diệt độ! Sao Ngài không nán lại cho đến buổi điểm tâm ngày hôm sau? Thật quá sớm, quá sớm để một nhân vật vĩ đại như vậy, bậc đã thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật tối cao và đã chứng đắc Phật quả, mà diệt độ bây giờ.”
Trong lúc đang lẩm bẩm như vậy, Varuṇa và Vāraṇa đến trước Đức Phật mang theo cái tràng hoa to lớn, chưa được làm xong, với thêm nhiều bông hoa để kết vào tràng hoa. Nhưng họ không thể tìm thấy chỗ trong hệ thống thế giới này giữa những nhóm chư thiên đã kéo đến rồi nên họ buộc lòng phải lùi xa đến bờ mé của hệ thống thế giới, và phải giữ cái tràng hoa lớn trong không trung. Rồi chư thiên ấy chạy quanh bờ mép của hệ thống thế giới giữ chặt bàn tay của vị khác hay ôm ghì nhau, tất cả quán tưởng về những ân đức cao quý của Tam Bảo, và ca lên những bài ca về ba mươi hai hảo tướng của bậc Đại Nhân, hào quang sáu màu của Đức Phật, mười Ba-la-mật, năm trăm năm mươi kiếp của Bồ tát, và mười bốn loại Trí của Đức Phật; và hát đọan điệp khúc ở cuối mỗi bài hát, “ Ôi, Đức Thế Tôn có đồ chúng và danh tiếng như vậy!” “ Ôi, Đức Thế Tôn có đồ chúng và danh tiếng như vậy!” Tất cả những bản nhạc hay này đều phát ra từ chư thiên vĩ đại ấy khiến nhạc chư thiên vang dội trong hư không.
Khi Đức Phật đang nằm đó, trên chiếc trường kỷ, Ngài thấy những đám đông chư thiên và Phạm thiên kín đầy toàn thể hệ thống thế giới này từ mặt đất đến ven bờ của hệ thống thế giới này và từ ven bờ của nó đến cõi Phạm thiên. Khi thấy sự nhiệt tâm của họ trong sự tôn kính Đức Phật, Ngài bèn nói những lời trên với đại đức Ānanda. Sau khi kể ra những cách cúng dường kỳ diệu của chư thiên đến Đức Phật (chư thiên trong mười ngàn thế giới), Đức Phật dạy rằng những
sự cúng dường vật chất (āmisa–pūjā) tự bản thân chúng cũng không đủ để gọi là cách tôn kính tối thượng đến Đức Như Lai, chỉ có sự nương theo và thực hành Chánh pháp mới là sự cúng dường tối thượng đến Đức Như Lai. Khi nói như vậy, Đức Thế Tôn cũng ám chỉ rằng ‘từ lúc ban sơ nhất, sau khi có được tám pháp cần thiết của một vị Bồ tát (làm ẩn sĩ Sumedhā), vị ấy đã phát nguyện thành Phật dưới chân Đức Phật Dīpaṅkarā, nằm úp mặt trong vũng sình, cúng dường thân mạng để Đức Phật và chúng Tăng gồm bốn trăm ngàn vị A-la- hán sử dụng, tất cả sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật của vị ấy trải qua bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, không phải với mục đích để được thế giới chư thiên cúng dường bằng những bông hoa, những loại vật thơm và âm nhạc như vậy, mà chỉ với mục đích là nhận được sự tôn kính cúng dường của các đệ tử bằng sự thực hành theo lời dạy của Ngài, đó là cách cúng dường cao thượng nhất đến Ngài.
Ở đây có thể nêu ra câu hỏi: “Thường thì Đức Thế Tôn tán dương sự cúng dường vật thí dầu tầm thường, chỉ ra rằng nếu sự cúng dường được làm với tâm nghĩ về những ân đức của Phật, thì lợi ích phát sanh từ sự cúng dường sẽ vô hạn. Tuy nhiên trong trường hợp này (của Varuṇa và Vāraṇa) tại sao Đức Thế Tôn không hoan nghênh sự cúng dường tràng hoa to lớn của họ ?
Câu trả lời là Đức Phật quan tâm đến lợi ích chân thật của đông đảo chúng sanh, và sự trường tồn của Giáo pháp. Xin giải thích điều này: Giáo pháp đề ra ba pháp tu tập là Giới, Định và Tuệ. Nếu sự cúng dường những vật thí được cho phép quá tự do, thời trong tương lai những đệ tử của Đức Phật có thể sao lãng sự thực hành Định và Tuệ, họ sẽ sao lãng pháp hành thiền Tuệ; các vị tỳ khưu sẽ thuyết giảng phước của những sự cúng dường về hoa và vật thơm và chỉ sự cúng dường những món thuộc vật chất khác. Sự cúng dường vật chất không thể duy trì Giáo pháp mà chính yếu chứa đựng ba pháp tu học dù chỉ trong thời gian của bữa điểm tâm. Quả thật vậy, hằng ngàn ngôi tịnh xá hay hằng ngàn bảo tháp nguy nga tráng lệ không thể duy trì Giáo pháp. Những sự bố thí tài vật này chỉ dẫn đến lợi ích trong thế tục.
Chính sự thực hành đúng đắn Chánh pháp mới được xem là sự cúng dường đến Đức Phật. Quả thực như vậy, Đức Phật muốn sự cúng dường đến Ngài bằng sự thực hành Chánh pháp (dhamma-pūjā). Bởi vì chỉ có sự thực hành chân chánh mới giúp cho Giáo pháp được trường tồn. Đó là lý do khiến Đức Phật tán dương sự thực hành Giáo pháp (Đây không phải là sự phủ nhận phước của những sự cúng dường tài vật).
Sự thực hành dẫn đến sự chứng đắc pháp Siêu thế
Sự hành pháp dẫn đến bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn, chín pháp Siêu thế, là sự cúng dường tối cao đến Đức Phật. Sự thực hành đúng với Pháp, Dhammānudhamma paṭipatta (Pháp tùy pháp tu tập) bắt đầu từ sự quy y Tam bảo và lên đến sự tu tập cao nhất, đánh dấu sự chuyển đổi từ trạng thái phàm phu qua dòng thánh, Gotrabhū – trạng thái trưởng thành của tâm, cũng là ngưỡng cửa của Đạo Trí (magga-ñāṇa).
Vị tỳ khưu buông lung trong sáu pháp Bất kỉnh (agārava), không tuân theo giới luật của vị tỳ khưu, và sống đời sống bất chánh dùng bốn món vật dụng kiếm được một cách phi pháp, không phù hợp với những điều học trong Vinaya, là người không thực hành đúng với Pháp. Vị tỳ khưu tuân theo các điều học của vị tỳ khưu một cách kỹ lưỡng là người thực hành đúng theo Chánh Pháp. Những sự thọ trì cũng được áp dụng đối với các vị tỳ khưu ni.
Đối với những người tại gia cư sĩ, người mà có thói quen phạm vào ngũ giới (như sát sanh, v.v…) và phạm vào mười ác nghiệp, thì được gọi là người không thực hành đúng theo Chánh pháp. Người Phật tử tại gia mà khéo an trú trong Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới, Thập giới, thọ trì Bát quan trai giới trong bốn ngày trai giới và bốn ngày trước những ngày ấy, người có thói quen bố thí, người cúng dường những hoa thơm đến Tam Bảo, phụng dưỡng mẹ cha và hộ độ những bậc có giới đức – người ấy được gọi là người cư sĩ thực hành đúng theo Chánh pháp. Những sự thọ trì này áp dụng cho những cư sĩ.
Sự cúng dường đức Pháp bằng sự cúng dường Dhammā. (Dhammānudhamma paṭipatta) cũng được gọi là nirāmisa-pūjā (vô nhiễm cúng dường). Riêng loại cúng dường này đến Đức Phật giúp cho sự duy tồn Giáo Pháp. Chừng nào bốn chúng đệ tử của Đức Phật, tức là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ, thực hiện sự cúng dường theo cách này thì Giáo pháp sẽ chiếu sáng như trăng tròn đầy trên bầu trời quang đãng.
Đại đức Upavāṇa
Lúc bấy giờ đại đức Upavāṇa đang đứng trước Đức Phật, hầu quạt Ngài. Rồi Đức Phật nói với đại đức Upavāṇa rằng: “ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai.” Đại đức Upavāṇa vâng lời ngay không chậm trễ, thả xuống cái quạt bằng lá ở đó, và đứng ở nơi thích hợp.
Nhân đó, đại đức Ānanda liền suy nghĩ, “ Đại đức Upavāṇa này đã lâu (suốt hai mươi năm đầu sau khi Đức Thế Tôn thành Phật) từng là thị giả sống gần gũi Đức Phật, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này Đức Phật lại bảo vị ấy tránh qua một bên khi nói rằng, ‘Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’. Vì lý do gì mà Đức Phật nói như vậy?”. Thế nên, đại đức Ānanda bèn hỏi Đức Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn, đại đức Upavāṇa này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này của Đức Thế Tôn, Thế Tôn lại bảo vị ấy tránh qua một bên với những lời này, ‘ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’ vì lý do gì mà Đức Thế Tôn nói như vậy?”
Đức Thế Tôn muốn loại bỏ ý nghĩ là đại đức Upavāṇa có lỗi của đại đức Ānanda, nên Ngài giải thích như sau:
“Này Ānanda ( ngoại trừ những vị Phạm thiên Vô tưởng và những vị Phạm thiên ở cõi vô sắc) hầu hết chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới đều đã cu hội ở đây, tại Kusināgara để chiêm ngưỡng Như Lai. Trong vòng mười hai do tuần ở bên trong và chung quanh rừng cây Sa-la này, không có một khoảng hở nào dầu
chỉ bằng đầu lông đuôi của con dê núi mà không có sự hiện diện của chư thiên có oai lực.”
“Này Ānanda, chư thiên đang than phiền Upavāṇa như vầy: ‘Chúng ta từ xa đến để chiêm ngưỡng Đức Như Lai. Thật rất là hy hữu để chư Phật, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri xuất hiện ở đời. Và tối hôm nay, trong canh ba của đêm, Đức Như Lai sẽ nhập diệt. Vị tỳ khưu có oai lực này đang đứng trước Đức Phật che chắn tầm nhìn của chúng ta. Ôi, chúng ta sẽ mất cơ hội chiêm ngưỡng Đức Như Lai trong giờ phút cuối cùng của Ngài’. Đây là lý do khiến Như lai bảo tỳ khưu Upavāṇa bước qua một bên.”
Điểm chú thích:
Trong khoảng không gian gần Đức Phật, chư thiên và Phạm thiên trong sắc thân vi tế của họ ở chung từng nhóm, mỗi nhóm mười vị, chiếm những đơn vị không gian mà bề rộng bằng sợi đuôi tóc. Ngoài những nhóm chư thiên và Phạm thiên ấy, có những nhóm chư thiên và Phạm thiên gồm có hai mươi vị trong mỗi nhóm cũng ở trong khoảng không gian tương tự. Ngoài những nhóm ấy, lại có những nhóm khác gồm ba mươi, bốn mươi, năm mươi và sáu mươi vị thiên và Phạm thiên. Dầu chật ních như vậy, nhưng không có vị thiên hay Phạm thiên nào cản lối của vị khác bằng thân hoặc y phục; không có vị nào cần phải bảo vị khác tránh chỗ cho mình.
Upavāṇa là người có tầm vóc khá lớn, bằng con voi con. Hơn nữa, vị ấy mặc y vải vụn (paṅsakū), làm cho vị ấy càng lớn hơn. Thế nên, chính bản thân của vị ấy trở thành vật ngăn cản khi đứng trước Đức Phật, là nguyên nhân đích thực khiến chư thiên và Phạm thiên than phiền. Có thể nêu ra câu hỏi rằng, “Phải chăng chư thiên và Phạm thiên không có năng lực nhìn xuyên qua vị tỳ khưu?” Câu trả lời là “Không”. Vì rằng chư thiên và Phạm thiên có thể nhìn xuyên qua người phàm phu, nhưng họ không thể nhìn xuyên qua một vị A-la- hán. Đại đức Upavāṇa không chỉ là bậc A-la-hán mà là người có những năng lực cao siêu đến nỗi người ta không thể đến quá gần vị ấy.
Sở dĩ đại đức Upavāṇa có những năng phi thường trong số những vị A-la-hán là vị ấy đã từng làm một thần bảo vệ bảo tháp của Đức Phật Kassapa.
Vị hộ thần của bảo tháp
Chín mươi mốt đại kiếp trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, Đức Phật Vipassī diệt độ để lại một khối Xá-lợi có màu vàng duy nhất. (Theo thông lệ thì chư Phật mà xuất hiện trong thời kỳ thọ mạng của loài người đến hằng ngàn tuổi, thì các Ngài để lại một mẫu Xá-lợi sau khi diệt độ, được dân chúng tôn thờ trong bảo tháp). Dân chúng vào những thời kỳ ấy xây dựng lên một bảo tháp để tôn thờ Xá-lợi. Bảo tháp cao một do-tuần, được xây bằng những viên gạch màu vàng dài một hắc tay và rộng nửa hắc tay, bề dày hai ngón tay. Chất vữa làm bằng bột đá pha lê trộn chung với dầu mè.
Trong việc kiến tạo ngôi bảo tháp, chư thiên địa cầu nâng cái bảo tháp do loài người xây dựng cao thêm một do tuần nữa, chư thiên cõi trời nâng thêm một do tuần khác. Bên trên chiều cao ấy các vị Nhiệt vân thiên (Unhavalāhakadeva), Đồ vân thiên (Abbhavalāhaka deva), chư thiên ở cõi Tứ thiên vương (Catumahārāja) và chư thiên ở cõi Tam thập tam (Tāvatiṃsā) mỗi loại chư thiên ấy nâng cao thêm một do tuần, kết quả là bảo tháp tôn trí mẫu xá-lợi của Đức Phật Vipassī cao bảy do tuần.
Khi dân chúng đi đến bảo tháp ấy để cúng dường hoa và những lễ vật khác thì vị hộ thần của bảo tháp lấy những vật cúng dường và đặt chúng một cách thích hợp trước bảo tháp trước sự chứng kiến của các thí chủ.
Vào thời ấy, tiền thân của đại đức Upavāṇa, ngài sanh làm một vị Bà-la-môn giàu có. Vị ấy đi đến bảo tháp để cúng dường một tấm vải màu vàng như là biểu tượng của chiếc y dâng đến Đức Phật. Vị hộ thần đặt tấm vải trông rất rực rỡ và xinh đẹp ở bảo tháp làm hài lòng vị thí chủ Bà-la-môn ấy rất nhiều và vị Bà-la-môn kia đã phát nguyện
trong tương lai xin được làm vị hộ thần canh giữ bảo tháp Đức Phật như vậy. Lúc chết vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên.
Trong suốt thời gian Upavāṇa tương lai tái sanh nhiều lần trong cõi chư thiên và nhân loại thì Đức Phật Kassapa xuất hiện trong thế gian. Khi Đức Phật Kassapa diệt độ, thọ mạng của loài người lúc bấy giờ rất cao (hai mươi ngàn năm), chỉ một mẫu xá-lợi Phật còn lại. Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp có đường kính và chiều cao một do tuần. Upavāṇa đương lai lúc bấy giờ trở thành vị hộ thần của bảo tháp. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên trở lại. Trong thời của Đức Phật Gotama, vị ấy sanh vào trong một gia đình cao quý, từ bỏ đời sống gia chủ, bỏ lại vợ và các con, và trở thành bậc A-la-hán.
Như vậy, nhân và duyên khiến Upavāṇa có những năng lực phi thường. Trong số những bậc A-la-hán, vị ấy đã từng là một vị hộ thần tại bảo tháp được dựng lên để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Kassapa.
Sau khi Đức Phật đã giải thích với đại đức Ānanda rằng đại đức Upavāṇa được bảo tránh qua một bên trong đám đông không phải vì vị ấy có lỗi mà chỉ để làm thỏa mãn chư thiên, đại đức Ānanda bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đánh giá như thế nào về những trạng thái tâm đang hiện diện trong chư thiên và Phạm thiên?” (Qua câu hỏi này đại đức Ānanda dò hỏi chư thiên và Phạm thiên chịu đựng sầu khổ như thế nào trước cảnh Đức Phật sắp diệt độ). Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng chư thiên và Phạm thiên đều có tâm trạng sầu khổ như vầy:
“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trong hư không và đang đứng ở đó (tựa như có một nền móng vững chắc để đứng, sau khi biến đổi bầu trời thành cái nền vững chắc bằng năng lực chư thiên của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”
“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trên quả đất và đang đứng trên đất (khi biến đổi đất tự nhiên thành nền đất chống đỡ cho
sắc thân vi tế của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”
“Nhưng chư thiên đã thoát khỏi dục ái có thể bình thản chịu đựng với tâm suy tư rằng “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Do đó, làm sao có thể được để tìm cái thường tồn trong bản chất hữu nhân hữu duyên này?”
(Thân của chư thiên chứa sắc vi tế. Sự kết cấu của quả đất tự nhiên không thể nâng đỡ được họ; nếu chư thiên đứng trên nó thì thân của họ sẽ sụp xuống đất như cục bơ. Vào một dịp nọ, có vị Phạm thiên tên là Hatthaka đi đến Đức Phật và khi vị ấy cố gắng đứng ở đó thì thân của vị ấy sụp vào trong đất. Đức Phật đã phải nhắc vị ấy biến đổi thân của vị ấy qua dạng sắc thô để có thể đứng trên đất. Hoàn cảnh tương tự cũng áp dụng với chư thiên. Đó là lý do khiến chư thiên, ở trong điều kiện này, cần phải biến đổi đất tự nhiên để phù hợp với sắc thân vi tế của họ, nhờ đó mà họ có thể lăn trên đất ).
Bốn chỗ động tâm
Rồi đại đức Ānanda bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, theo thông lệ thì các vị tỳ khưu sau khi kết thúc mùa an cư từ nhiều nơi thường đến yết kiến và làm lễ Đức Thế Tôn. Chúng con cũng được dịp may tiếp kiến và cúng dường những vị tỳ khưu này là những bậc làm chúng con khởi tâm kính ngưỡng. Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, xét thấy rằng Đức Thế Tôn sẽ không còn nữa, chúng con sẽ không còn được vinh hạnh gặp mặt những vị tỳ khưu đáng kính này.”
Trong lúc Đức Phật còn tại tiền, các vị tỳ khưu thường đến viếng Ngài một năm hai lần. Trước mùa an cư và vào lúc kết thúc mùa an cư. Họ đi đến Đức Phật trước khi nhập hạ để học pháp thiền, và vào lúc kết thúc mùa an cư kiết hạ để trình lại với Đức Phật về những pháp chứng của họ như Đạo và Quả (magga-phala). Tại SriLaṅkā cũng vậy, giống như trong thời của Đức Phật, các vị tỳ khưu thường
cu hội mỗi năm hai lần, trước và sau mùa an cư kiết hạ. Các vị tỳ khưu ở bờ Mahāgāma bên kia, hội họp tại tịnh xá Tissa, do vua Kākavaṇṇatissa dâng cúng; trong khi các vị tỳ khưu ở bờ Mahāgāma bên này, hội họp tại Lohapāsāda (toà nhà có tháp nhọn). Trong hai nhóm này, các vị tỳ khưu ở bờ bên này, vào lúc bắt đầu mùa an cư thì hội họp ở Đại Tịnh Xá (Mahāvihāra), họ mang theo những cái chổi và những cái giỏ đựng rác, ở đó họ làm những công việc bảo tồn Đại Bảo Tháp (Mahācetiya) như đắp vá vách tường, quét vôi, v.v…. Trước khi họ giải tán để đi đến nơi mà họ chọn để nhập hạ. Sau khi hoàn tất công việc quét dọn sạch sẽ, họ thỏa thuận với nhau là sẽ gặp nhau tại Lohapāsāda sau khi mãn hạ. Lúc kết thúc mùa an cư, họ lại hội họp tại Lohapāsāda, tại đó năm bộ Nikāya được đem ra thuyết giảng bởi các vị tỳ khưu trưởng lão và được các Tăng sinh tụng đọc. Một số vị tỳ khưu tham gia những khoá về kinh Pāḷi trong khi những vị tỳ khưu khác thì tham gia những khoá về Chú giải (Aṭṭhakathā). Bất cứ khi nào những bài kinh hoặc Chú giải (Aṭṭhakathā) tụng bị sai, thì các vị A-đồ-lê sẽ bảo vị Tăng sinh (đã đọc sai) học từ thầy nào, ở đâu, và sửa lại cho đúng. Những phận sự tương tự như vậy cũng xảy ra ở bờ biển Mahāgāma phía bên kia, tại tịnh xá Tissa.
Ở đây đại đức Ānanda đang nói đến những phận sự một năm hai lần mà vốn là thông lệ trong thời của Đức Phật.
Đại đức Ānanda vốn cẩn thận trong việc thọ trì các phận sự đối với các vị tỳ khưu đồng phạm hạnh. Bất cứ khi nào đại đức trông thấy một vị tỳ khưu trưởng lão đi đến, vị ấy liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi để đón tiếp vị kia. Đại đức thường hạ bớt gánh nặng cho khách viếng bằng cách đỡ lấy dù che, bình bát và đại y (Tăng-già-lê) và dâng đến vị tỳ khưu trưởng lão một chỗ ngồi. Rồi đại đức ngồi xuống, đảnh lễ vị tỳ khưu trưởng lão. Sau khi tìm cho vị Tăng khách nơi trú thích hợp, Ngài dọn dẹp và sắp xếp ngăn nắp. Bất cứ khi nào đại đức trông thấy một vị tỳ khưu cao hạ đi đến, đại đức cũng đón tiếp vị ấy, thăm hỏi vị kia cần những thứ gì và đáp ứng ngay nếu có thể được. Chính vì Ānanda luôn luôn muốn trở thành vị tỳ khưu có ích lợi, sẵn sàng giúp đỡ và biết tôn kính những vị tỳ khưu khác. Đây là cách sống thường
ngày của vị ấy, và vì vậy, vị ấy bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn đề ấy trong những lời nói trên.
Đức Phật biết đại đức Ānandā đang có cảm nghĩ: “Ānanda đang lo lắng về việc sẽ bị mất đi đặc ân thường ngày là gặp và biết những vị tỳ khưu làm sanh khởi niềm tịnh tín hoan hỉ nơi kẻ khác. Bây giờ Ta sẽ chỉ cho vị ấy những chỗ mà vị ấy có thể gặp những vị tỳ khưu như vậy một cách dễ dàng chỉ cần chính mình ở tại nơi đó.” Và Ngài nói với đại đức Ānanda:
“Này Ānanda, có bốn chỗ đáng đến chiêm ngưỡng đối với những người có tịnh tín với Tam bảo mà sẽ làm khởi dậy trong họ sự động tâm tịnh tín. Đó là:
Này Ānanda, Rừng cây Sa-la có tên Lumbinī là một chỗ động tâm như vậy. Người có lòng tịnh tín, khi hành hương đến đó, suy xét: “ Đây là nơi mà Đức Tathāgata đã ra đời,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
Này Ānanda, Mahābodhi, cây Đại Bồ Đề, là một nơi khác. Người có lòng tịnh tín, khi hành hương đến đó, suy xét, ‘Đây là chỗ mà Đức Tathāgata chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác’, và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
Này Ānanda, khu rừng Migadāvana là một chỗ khác. Người có lòng tịnh tín khi hành hương đến đó, suy xét: “ Đây là chỗ mà Đức Tathāgata chuyển Bánh xe Chánh pháp Vô thượng,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
Này Ānanda, Kusināgara là một chỗ khác. Người có lòng tịnh tín khi hành hương đến đó, suy xét: ‘Đây là chỗ mà Đức Tathāgata nhập Vô dư Niết bàn,’ và sự quán chiếu như vậy sẽ làm khởi dậy trong vị ấy niềm tịnh tín; do vậy, đó là nơi đáng chiêm ngưỡng.
“Này Ānanda, đây là bốn chỗ đáng đến chiêm ngưỡng đối với những người có tịnh tín với Tam bảo sẽ làm khởi dậy trong họ niềm động tâm tịnh tín.
“Và này Ānanda, đến viếng bốn thánh tích này sẽ có các hàng tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam và cận sự nữ là những người có lòng tịnh tín với Tam Bảo, khi quán niệm, (i) ‘Thánh tích Lumbinī này là nơi mà Đức Tathāgata đã sanh ra; (ii) Thánh tích Mahābodhi này là nơi mà Đức Tathāgata đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác; (iii) Thánh tích Migadāvana này là nơi mà Đức Tathāgata đã lăn bánh xe Chánh pháp Vô thượng; và (iv) Thánh tích Kusināgara này là nơi mà Đức Tathāgata đã nhập vô dư Niết bàn.’ Này Ānanda, tất cả những người hành hương ấy, nếu họ chết với tâm tịnh tín trong khi đang chiêm ngưỡng bốn thánh tích này, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đi đến cõi hạnh phúc. Họ sẽ tái sanh trong cõi chư thiên.”
Những câu hỏi của đại đức Ānanda
Rồi đại đức Ānanda đặt ra một loạt câu hỏi và được Đức Phật trả lời đầy đủ chi tiết.
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con phải cư xử như thế nào đối với phái nữ?
Đức Phật: “Này Ānanda, đừng nhìn họ.”
(Đức Thế Tôn dạy cách hay nhất là đừng nhìn bất cứ người nữ nào. Quả thực đúng như vậy. Vì nếu một người nữ xuất hiện ở cửa và vị tỳ khưu ở bên trong tịnh xá cửa lớn và cửa sổ được đóng lại, vị ấy sẽ không có ý nghĩ luyến ái đối với người nữ kia nếu vị ấy không nhìn cô ta. Nhưng khi vị ấy nhìn thấy cô ta thì ý tưởng tham luyến sẽ sanh lên trong tâm, làm cho tâm bị dao động. Đó là lý do khiến Đức Phật dạy cách hay nhất đối với vị tỳ khưu là đừng nhìn nữ nhân).
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu (không thể tránh được) chúng con phải gặp họ, thì chúng con nên làm gì?”
Đức Phật: “Đừng nói chuyện với họ, này Ānandā.”
(Khi đi khất thực vào buổi sáng, những người cận sự nữ thường đến cúng dường vật thực. Các vị tỳ khưu sẽ nhìn thấy họ. Trong trường hợp ấy, Đức Phật dạy rằng, “Hãy suy nghĩ về người nữ ấy tựa như cô ta là một người đàn ông hung dữ tay cầm cây dao bén nhọn, nói với
ngươi rằng: ‘Nếu ngươi nói chuyện với ta thì ta sẽ cắt cái đầu của ngươi,’ hay như một vị dạ xoa nói với ngươi rằng: ‘Nếu ngươi nói chuyện với ta thì ta sẽ ăn thịt ngươi.’ Hãy suy xét rằng nếu ngươi nói chuyện với người đàn ông hung dữ hay với con quỷ dạ-xoa thì tánh mạng của ngươi sẽ bị đe dọa chỉ một kiếp hiện tại này. Trong khi đó, nếu ngươi nói chuyện với người nữ mà ngươi bắt buộc phải trông thấy thì ngươi có thể bị đọa xuống bốn khổ cảnh. Nếu vị tỳ khưu chuyện trò với người nữ thì sẽ có sự thân mật quá đáng. Khi có sự thân mật quá đáng thì sự luyến ái sẽ sanh lên. Khi tâm của vị tỳ khưu luyến ái theo người nữ thì giới hạnh sẽ bị hư hoại và nó sẽ đưa vị ấy xuống bốn khổ cảnh. Đó là lý do khiến Đức Phật nói rằng, “ Đừng nói chuyện với họ.”)
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu chúng con bắt buộc phải nói chuyện với họ, thì chúng con phải làm gì?”
Đức Phật: “Này Ānanda, hãy xem người nữ ấy như là mẹ, hay chị em gái của mình, v.v… (tùy theo tuổi tác), và phải chánh niệm!”
(Vị tỳ khưu có lúc cũng phải nói chuyện với người nữ. Cô ta có thể muốn biết về những ngày giới, hay cô ta có thể yêu cầu vị tỳ khưu truyền giới cho cô ta, hay cô ta thỉnh thuyết pháp, hay cô ta có thể hỏi một điểm giáo lý. Trong những trường hợp như vậy thật không thích hợp để vị tỳ khưu giữ im lặng, e rằng người ta sẽ cho vị ấy là bị câm hoặc đần độn. Nếu nhất định vị tỳ khưu phải nói chuyện với người nữ, thì vị ấy nên xem người kia là mẹ của mình nếu bà ta có tuổi bằng tuổi mẹ mình, hoặc là chị em gái nếu cô ta bằng tuổi chị em gái, hoặc con gái nếu bằng tuổi con gái của vị ấy).
Ānandā: “Bạch đức Thế Tôn, sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con nên làm gì đối với xá-lợi của Đức Tathāgata?”
Đức Phật: “Này Ānanda, các ngươi đừng lo lắng về việc tôn kính cúng dường xá-lợi của Đức Như lai. Như lai khuyên các ngươi hãy chuyên tâm vào pháp hành của bậc Thánh. Hãy tinh tấn nhiệt tâm, không phóng dật, hướng tâm của các ngươi đến Niết bàn. Này Ānanda,
những vị Sát đế lỵ có trí, những vị Bà la môn có trí và những gia chủ có trí có mặt ở đó, với lòng tịnh tín sâu sắc nhất đối với Như Lai, họ sẽ chăm lo công việc tôn kính cúng dường xá lợi của Như Lai.
Ānanda: “Bạch Đức Thế Tôn, những vị Sát đế lỵ có trí, những vị Bà- la-môn có trí và những gia chủ có trí sẽ cư xử thế nào với xá-lợi của Đức Như Lai?” (qua câu này, đại đức Ānandā muốn nói rằng những người Sát đế lỵ có trí ấy, v.v… chắc chắn sẽ hỏi ý kiến từ chính vị ấy về nghi thức mai táng, và vì vậy vị ấy muốn có một sự gợi ý rộng rãi từ Đức Phật về vấn đề này).
Đức Phật: “Này Ānanda, nên hành xử giống như trường hợp cư xử xá-lợi của một vị Chuyển luân Thánh vương.”
Ānandā: “Bạch Đức Thế Tôn, người ta cư xử đối với xá-lợi của một vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào?”
Đức Phật: “Này Ānanda, (cách thức như thế này) thân của vị Chuyển luân vương, (sau khi vị ấy băng hà) được bọc trong lớp vải mới từ xứ Kāsi. Ngoài lớp bọc ấy, nên có một lớp bọc khác bằng vải gai bện (bởi vì vải từ xứ Kāsi rất mịn nên không thể thấm được dầu và chỉ có vải gai bện mới có thể thấm được dầu). Bên ngoài lớp vải gai bện ấy nên bọc thêm một lớp vải mới khác từ xứ Kāsi. Bằng cách này thân của vị Chuyển luân Thánh vương được bọc bởi năm trăm cặp lớp vải tiếp nối nhau như vậy. Rồi thân được bọc vải ấy được đặt trong cái hòm được làm bằng vàng chứa dầu, nắp đậy được làm bằng vàng. Rồi nó được đặt trên một giàn hỏa được làm bởi nhiều loại gỗ thơm và thân của vị Chuyển luân Thánh vương được hỏa thiêu. Rồi người ta xây dựng một bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của vị Chuyển luân Thánh vương tại ngã tư đường. Này Ānandā, đây là cách thức cư xử đối xá-lợi của vị Chuyển luân Thánh vương.”
Bảo tháp tôn thờ Đức Phật
“Này Ānandā, giống như phương cách cư xử liên quan đến xá- lợi của vị Chuyển luân vương, cách thức cư xử đối với xá-lợi của Đức Tathāgata cũng giống như vậy. Một bảo tháp để thờ cúng xá-lợi của
Đức Như Lai nên được dựng lên ở ngã tư đường. Mọi người sẽ cúng dường hoa hoặc nhang trầm hoặc hương liệu, hoặc đảnh lễ, hoặc suy quán về tánh chất vĩ đại của Đức Phật khi đứng trước bảo tháp, và nhờ những hành động tạo phước như vậy, những người ấy sẽ hưởng được lợi ích và hạnh phúc trong một thời gian lâu dài.
Bốn hạng nhân vật đáng được làm bảo tháp tôn thờ
“Này Ānandā, có bốn hạng người đáng được làm bảo tháp để tôn thờ. Đó là:
Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến tri.
Đức Bích chi Phật
Vị Thánh đệ tử của Đức Như Lai .
Vị Chuyển luân Thánh vương.
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường Đức Như Lai sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ bậc Ứng cúng, Chánh biến tri.” Sau khi thành kính hồi tưởng về Đức Như Lai ở đó, những người hành hương ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà Đức Như lai, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được xây dựng bảo tháp.”
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà Đức Bích chi Phật đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường Đức Bích chi Phật sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng. “Bảo tháp này là nơi tôn thờ Đức Phật Độc giác đã tự mình giác ngộ Tứ Thánh Đế (mà không có sự chỉ dạy của vị đạo sư nào). Sau khi thành kính hồi tưởng về Đức Phật Độc giác ở đó, những người hành hương ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh
phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà Đức Bích chi Phật đáng được xây dựng bảo tháp.” “Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà vị Thánh đệ tử đáng
được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường vị Thánh đệ tử sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ vị Thánh đệ tử của bậc Ứng cúng, Chánh biến tri.” Sau khi thành kính hồi tưởng về vị Thánh đệ tử ở đó, những người hành hương ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà vị Thánh đệ tử đáng được xây dựng bảo tháp.”
“Này Ānanda, vì lợi ích đặc biệt nào mà vị Chuyển luân Thánh vương đáng được xây dựng bảo tháp? Này Ānanda, một bảo tháp để tôn vinh, cúng dường vị Chuyển luân thánh vương sẽ làm khởi dậy trong tâm những người hành hương đến viếng ở đó niềm tịnh tín sâu sắc, khi nghĩ rằng: “Bảo tháp này là nơi tôn thờ vị Chuyển luân Thánh vương đã sống (và cai trị) theo chánh pháp.” Sau khi thành kính hồi tưởng về vị Chuyển luân Thánh vương ở đó, những người hành hương ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về những cõi hạnh phúc, họ sẽ được tái sanh vào cõi chư thiên. Này Ānanda, chính vì lợi ích đặc biệt này mà vị Chuyển luân Thánh vương đáng được xây dựng bảo tháp.”
tháp.”
“Này Ānanda, đây là bốn hạng người đáng được xây dựng bảo
Đây là những câu hỏi được nêu ra bởi đại đức Ānanda và được
Đức Phật trả lời chi tiết.
(Về vấn đề này, có thể hỏi rằng, “ Tại sao vị Chuyển luân vương sống và chết cũng chỉ là một cư sĩ mà lại được mọi người xây tháp thờ trong khi vị tỳ khưu, dầu vẫn còn là phàm phu, nhưng có giới đức, lại không được như vậy?”
Câu trả lời là Đức Phật không cho phép xây dựng bảo tháp để cúng dường một vị tỳ khưu giới đức còn phàm phu bởi vì chỗ ấy sẽ rất
bình thường. Vì nếu những vị tỳ khưu được Đức Phật công bố là đáng được xây dựng bảo tháp, thì ngay cả tại Sri Lankā không thôi cũng có thể có rất nhiều bảo tháp được mọc lên đến nỗi những tháp thờ này sẽ trở nên không đáng chú ý. Vị Chuyển luân vương là một nhân vật rất hiếm hoi và một bảo tháp được xây dựng để tôn vinh và cúng dường vị ấy sẽ gây kinh cảm. Tuy nhiên, dù một vị tỳ khưu giới đức còn là phàm phu không đáng được tôn vinh bằng bảo tháp nhưng vị ấy có quyền được tổ chức những nghi lễ mai táng giống như đối với vị A-la- hán vào lúc vị ấy nhập Niết bàn).
Những đức tánh cao quý của đại đức Ānanda
Sau khi Đức Phật đã trả lời chi tiết những câu hỏi của đại đức Ānanda, đại đức Ānanda tự nghĩ rằng:
“ Đức Thế Tôn đã thuyết giảng đến ta về bốn chỗ Động tâm, và những lợi ích sanh lên cho những người đến viếng bốn chỗ này; Ngài cũng đã trả lời cho ta về cách cư xử của vị tỳ khưu đối với nữ nhân; Ngài đã trả lời chi tiết đến ta về cách thức thực hiện những nghi lễ cuối cùng để cúng dường Đức Như Lai; và Ngài đã giải thích cho ta về bốn hạng người đáng được xây tháp thờ. Và chỉ ngày hôm nay Đức Như Lai sẽ nhập vô dư Niết bàn.”
Những ý nghĩ này làm cho vị ấy buồn khổ. Vị ấy cảm thấy muốn khóc nhưng, khi nhớ ra rằng thật không thích hợp để làm Đức Phật không hài lòng nếu vị ấy bật khóc gần Ngài, vị ấy đi vào phòng hội họp và dựa vào trụ cửa, vị ấy than khóc, “Ta vẫn còn đang tu tập để chứng đắc ba Đạo bậc cao, và bậc Đạo sư của ta rất bi mẫn đối với ta thì sắp diệt độ!” Rồi Đức Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu, “Này các tỳ khưu, Ānanda đang ở đâu?”
“Bạch Đức Thế Tôn”, các vị tỳ khưu trả lời, “ Đại đức Ānanda đã đi vào nhà họp và đang dựa vào trụ cột, vị ấy than khóc, ‘Ta vẫn còn đang tu tập để chứng đắc ba Đạo bậc cao, và bậc Đạo sư của ta rất bi mẫn đối với ta thì sắp diệt độ!’
Rồi Đức Phật nói với một vị tỳ khưu, “Này tỳ khưu, hãy chuyển lời của ta mà nói với Ānanda rằng:‘ Này hiền giả Ānanda, bậc Đạo sư cho gọi hiền giả’.
Vâng lời vị tỳ khưu ấy, đại đức Ānanda bèn đi đến Đức Phật, sau khi đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở nơi thích hợp. Khi đại đức Ānanda đang ngồi ở đó, Đức Phật dạy rằng:
“Đủ rồi, này Ānanda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Trước đây Như Lai đã từng nói với ngươi rằng tánh chất của mọi vật mà gần gũi và thân ái nhất đối với chúng ta là người ta phải xa lìa bằng cách này hay cách khác trong khi chúng ta còn đang sống, hay khi cái chết chia lìa chúng ta, hay khi chúng ta ở trong những cảnh giới khác. Này Ānanda, như vậy làm sao ta có thể mong chờ một cái gì đó mà có tánh chất sanh, trụ, hữu vi và phải tan rã, đừng có tiêu hoại? Không thể nào mong ước như vậy được.
“Này Ānanda, trong một thời gian dài ngươi đã hầu hạ Như Lai một cách trung thành dầu ở trước mặt hay ở bên ngoài, với lòng từ ái vô lượng về thân nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai; với lòng từ ái vô lượng về khẩu nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai; với lòng từ ái vô lượng về ý nghiệp, tận đáy lòng vì lợi ích và an lạc của Như Lai. Này Ānanda, ngươi đã gieo tạo nhiều công đức. Hãy chuyên tâm thực hành Thiền quán, ngươi sẽ sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán.”
Như vậy Đức Phật đã nói lời an ủi đại đức Ānanda.
(Sự hầu hạ của Ānanda đến Đức Phật với lòng từ ái vô lượng về thân nghiệp bao gồm tất cả những hành vi về thân, như sửa soạn nước và đồ chà răng để Đức Phật vệ sinh vào buổi sáng. Lòng từ ái vô lượng về khẩu nghiệp của vị ấy bao gồm tất cả hành vi về lời nói của vị ấy đầy tao nhã, tôn kính đối với Đức Phật như câu trả lời, “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ Thế Tôn đi rửa mặt, v.v…” Về một ý nghĩa khác, nó cũng bao gồm những lời nói đầy hoan hỉ khi nghe Đức Phật khuyên răn. Từ ái vô lượng về ý nghiệp nghĩa là sau khi thức dậy sớm và đã làm vệ sinh cá nhân xong, Ānanda sẽ ngồi ở một góc vắng vẻ và cầu mong sự an lạc đến Đức Phật như vầy: “Cầu
mong Đức Thế Tôn đừng bị những chứng bịnh, cầu mong Đức Thế Tôn thoát khỏi sự nguy hại, cầu mong Đức Thế Tôn có thân và tâm an lạc.”)
Tựa như một người lực sĩ mở ra đại địa bị gấp nếp lại ở một nơi nào đó, hay như một người lực sĩ làm nhẵn bầu trời bị co cúm, hay như người lực sĩ đè xuống ngọn núi Cakkavāḷa cao một trăm sáu mươi bốn ngàn do tuần, hay như người lực sĩ nhấc lên ngọn núi Meru cao một trăm sáu mươi tám ngàn do tuần, hay như người lực sĩ rung cây Jambu cao một trăm do tuần và rộng một trăm do tuần, để gây sự kinh ngạc trong tâm của những người nghe. Xét về những đặc tánh phước thiện của đại đức Ānanda, Đức Phật đã nói như vầy với các vị tỳ khưu:
“Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu thị giả của chư Phật Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ đều tối thắng như thị giả Ānanda của ta vậy.
“ Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu thị giả của chư Phật Ứng cúng, Chánh biến tri trong tương lai đều tối thắng như thị giả Ānanda của ta vậy.
“Này các tỳ khưu, Ānanda thông minh và sáng suốt. Vị ấy biết: “ Đây là thời gian thích hợp để các vị tỳ khưu đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị tỳ khưu ni đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị nam cư sĩ đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để các vị nữ cư sĩ đến yết kiến Đức Như Lai, hay đây là thời gian thích hợp để đức vua, các vị cận thần, hay các ngoại đạo sư hay các tín đồ của các ngoại đạo sư đến yết kiến Như Lai.”
(Nên lưu ý rằng Đức Phật không nói điều gì về những vị Phật khác của thời hiện tại, bởi vì chẳng có thế giới nào khác có một vị Phật có vô lượng ân đức đang hiện hữu).
Bốn đức tánh kỳ diệu của đại đức Ānanda
“Này các tỳ khưu, Ānanda có bốn đức tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc. Đó là:
Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng tỳ khưu đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng tỷ kheo ni đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu ni vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng nam cư sĩ đến gặp Ngài Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nam cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, nếu có một hội chúng nữ cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nữ cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, đây là tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc trong con người Ānanda.”
(Tất cả bốn loại đệ tử mà đến yết kiến Đức Phật đều đến yết kiến đại đức Ānanda. Nhiều người đến yết kiến bởi vì Ānanda nổi tiếng là có phẩm cách hoàn hảo về sự nhẫn nại, tướng mạo khả ái, đa văn, và niềm tự hào của chúng Tăng. Khi họ tự thân trông thấy vị ấy thì họ được hoan hỉ bởi tất cả những điều tốt đẹp mà họ nghe nói về
Ngài đều đúng như thật. Ānanda thường thuyết pháp thích hợp với mỗi loại đệ tử. Những lời chuyện trò của vị ấy rất lịch sự tao nhã. Đối với chúng tỳ khưu, vị ấy thường hỏi, “ Thưa các tôn giả, các tôn giả có khỏe không? Các tôn giả có thể chuyên tâm vào pháp hành của vị tỳ khưu với sự chú tâm thích hợp không? Các hiền giả có thể làm các phận sự đối vị thầy của mình không?” Đối với chúng tỳ khưu ni, vị thường hỏi: “Thưa các sư cô, các sư cô có thọ trì tốt tám trọng pháp không (garudhamma)?” Đối với các nam cư sĩ mà đến yết kiến vị ấy thì vị ấy sẽ không lập lại những câu hỏi như: “ Thưa các thí chủ, bệnh đau đầu của quý vị như thế nào rồi? Dạ dày của quý vị bây giờ họat động ra sao? Con cái và quyến thuộc của quý vị có khỏe mạnh không? (v.v…).” Đúng hơn, vị ấy sẽ hỏi: “ Thưa các thí chủ, quý vị có tin tưởng vững chắc đối với Tam bảo không? Quý vị có thọ trì Ngũ giới trong sạch không? Tám ngày Bát quan trai của mỗi tháng quý vị có thọ trì tốt đẹp không? Quý vị có phụng dưỡng cha mẹ không? Quý vị có hộ độ cúng dường đến các vị Sa-môn và Bà-la-môn có giới đức không?” Những lời này mà các vị tỳ khưu nên nói với những người đến yết kiến là những lời nói thường ngày mà đại đức Ānanda sử dụng khi những nam cư sĩ đến yết kiến vị ấy. Đối với những nữ cư sĩ cũng vậy, những lời nói tao nhã của Ānandacũng có nội dung tương tự).
Bốn đức tánh kỳ diệu của vị Chuyển luân vương
“Này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương có bốn đức tánh kỳ diệu và đáng kinh ngạc, đó là:
Này các tỳ khưu, nếu có chúng Sát-đế-lỵ đến yết kiến vị Chuyển luân vương, thời họ sẽ được hoan hỉ do được chiêm ngưỡng vị ấy. Nếu vị Chuyển luân vương thuyết pháp đến họ, thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương làm thinh, thời chúng Sát-đế-lỵ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
Này các tỳ khưu, nếu có chúng Bà-la-môn…
Này các tỳ khưu, nếu có chúng trưởng giả…
Này các tỳ khưu, nếu có chúng Sa-môn đến yết kiến vị Chuyển luân vương, thời họ sẽ được hoan hỉ do được chiêm ngưỡng vị ấy. Nếu vị Chuyển luân vương thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, vị Chuyển luân vương làm thinh, thời chúng Sa-môn vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
Đây là bốn đức tánh kỳ diệu của một vị Chuyển luân vương. “Dường thế ấy, này các tỳ khưu, Ānanda cũng có bốn đức tánh kỳ
diệu và đáng kinh ngạc. Đó là:
Này các tỳ khưu, nếu có một chúng tỳ khưu đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu).
Này các tỳ khưu, nếu có một chúng tỳ khưu ni đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng tỳ khưu ni vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, nếu có một chúng nam cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu, Ānanda làm thinh, thời chúng nam cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
Này các tỳ khưu, nếu có một chúng nữ cư sĩ đến gặp Ānanda, thời họ sẽ được hoan hỉ do được yết kiến vị ấy. Nếu Ānanda thuyết pháp đến họ thời họ sẽ được hoan hỉ nhờ được nghe thời pháp ấy. Ngay cả khi kết thúc bài pháp ấy, này các tỳ khưu,
Ānanda làm thinh, thời chúng nữ cư sĩ vẫn chưa thỏa mãn: (đây là một đức tánh kỳ diệu khác).
“Này các tỳ khưu, đây là bốn đức tánh kỳ diệu, đáng kinh ngạc trong con người Ānanda.
(Qua những lời này, Đức Phật so sánh đại đức Ānanda với vị Chuyển luân vương.
Giai cấp Sát-đế-lỵ bao gồm những vị vua được tôn vương và những vị vua chưa được tôn vương. Họ đến yết kiến vị ấy vì họ nghe danh tiếng của vị Chuyển luân vương như: “ Vị Chuyển luân vương có tướng mạo hấp dẫn và đáng tôn quý, rằng vị ấy dạo đi qua các lãnh thổ của vị ấy bằng con đường hư không để thực thi công lý và sự an bình, và vị ấy chỉ cai trị bằng chánh pháp mà thôi.’ Và khi họ đích thân diện kiến vị ấy thì họ sẽ được hoan hỉ bởi vì tất cả những điều tốt đẹp mà họ nghe nói về vị Chuyển luân vương đều được chứng thực.
Khi giai cấp Sát-đế-lỵ đến yết kiến, vị Chuyển luân vương sẽ hỏi họ rằng: “ Này các bạn, các bạn có cai trị đúng với mười vương pháp không? Các bạn có bảo vệ và duy trì những truyền thống tốt đẹp của những nhà cai trị thuở xưa không?”
Đối với chúng Bà-la-môn đến yết kiến, thì vị ấy hỏi rằng: “Thưa các thầy, các thầy có giảng dạy kinh Phệ đà không? Những học trò của các thầy có học kinh Phệ đà không? Các thầy có được cúng dường bằng những vật hiến tế không, các thầy có được dâng cúng bằng vải mới và những con bò sữa tạp sắc không?”
Đối với những vị gia chủ giàu có đến yết kiến thì vị ấy hỏi rằng: “Này các vị, các vị có thoát khỏi sự áp bức từ những những nhà cai trị bởi những mệnh lệnh bất công và tình trạng sưu cao thuế nặng không? Quý vị có được mưa thuận gió hoà không? Những mùa gặt của quý vị có bội thu không?”
Đối với những vị Sa-môn đến yết kiến thì vị ấy hỏi rằng: “Thưa các ngài Sa-môn, các ngài có được cúng dường các món vật dụng một cách hào phóng không? Các ngài có tinh tấn trong pháp hành của các ngài không?”
Đức Phật thuyết giảng bài kinh Mahāsudassana Sutta
Sau khi Đức Phật đã tán dương đức hạnh của đại đức Ānanda thì đại đức Ānanda bèn bạch với Đức Phật như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn đừng diệt độ tại thị trấn nhỏ bé này (Kusināgara). Bạch Đức Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campā, Rājagaha, Sāvatthi, Sāketa, Kosambī và Bārānasī. Xin Đức Thế Tôn hãy diệt độ tại một trong những đô thị lớn ấy. Trong những đô thị lớn ấy có nhiều vị Sát-đế-lỵ giàu có, nhiều vị Bà-la-môn giàu có và nhiều gia chủ giàu có, họ rất tịnh tín với Đức Như Lai. Họ sẽ làm phận sự cúng dường xá-lợi của Đức Như Lai.”
“Chớ có nói vậy, này Ānanda. Chớ có nói: ‘Thị trấn bé nhỏ
này’ Ānanda.”
“Này Ānanda, thuở xưa rất lâu, có một vị vua tên là Mahāsudassana, là một vị Chuyển luân vương, một nhà cai trị chân chánh khắp bốn phương của quả đất, tức là bốn Châu đảo, được bao quanh bởi bốn đại dương, người chiến thắng tất cả kẻ thù, kẻ nắm quyền cai trị tối cao trên lãnh thổ và có bảy Báu vật là quả phước vốn có của vị Chuyển luân vương. Này Ānanda, thị trấn Kusināgara này lúc bấy giờ là kinh đô Kusāvatī của vua Sudassana. Từ Đông đến Tây dài mười hai do tuần, và từ Bắc xuống Nam rộng bảy do tuần.
“Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī thịnh vượng và phú cường, dân cư đông đúc và có đầy đủ tất cả loại người kéo đến đó, và thực phẩm phong phú. Này Ānanda, cũng như thành phố chư thiên Āḷakamandā, chỗ ngồi của vua Vessavaṇṇa (thuộc Tứ Đại Thiên Vương), là thành phố hưng thịnh và phú cường, chư thiên đông đúc và có đầy đủ tất cả các loại dạ xoa (yakkha), và thực phẩm sung mãn; cũng vậy, này Ānanda, kinh đô Kusāvatī phồn thịnh và phú cường, dân cư đông đúc và có đầy đủ tất cả các loại người ở đó và thực phẩm rất phong phú.
“Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī ngày và đêm không bao giờ yên lặng, luôn luôn sôi động bởi mười loại âm thanh, đó là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng của những cái trống lớn, trống nhỏ, tiếng
đàn, tiếng ca hát, tiếng tù và, tiếng chiêng cồng, và tiếng kêu gọi: “ Hãy ăn, thưa các bạn, hãy uống đi, hãy nhai đi.”
(Mười loại âm thanh biểu hiện sự thanh bình và thịnh vượng của kinh đô Kusāvatī. Trong những đô thị khác, thay vì mười loại âm thanh, thì có những âm thanh khó nghe như, “ Hãy đi đổ mớ rác này, hãy đem đến các rìu, hãy đem lại cái giỏ, hay chúng ta hãy đi đến một chỗ khác, hãy mang đến đồ ăn dự trữ, hãy dọn những món ăn, hãy chuẩn bị sẵn tấm khiên và khí giới, hãy sẵn sàng ra trận! Nhưng tại Kusāvatī, những tiếng khó nghe như vậy không bao giờ có. Chỉ những tiếng mời gọi khả ái vào dự tiệc và hội hè được nghe mà thôi).
Đức Phật thuyết giảng về kinh đô Kusāvatī bắt đầu bằng: “ Này Ānanda, kinh đô Kusāvatī được bao quanh bởi bảy vòng tường thành, v.v…” được kéo dài trong hai thời tụng đọc tại Đại hội Kiết tập (hãy xem Dīgha Nikāya Mahāvagga). Sau khi kết thúc bài kinh dài về tánh chất vĩ đại của kinh đô Kusāvatī, Đức Thế Tôn nói với đại đức Ānanda:
“Này Ānanda, ngươi hãy đi vào thị trấn Kusināra và công bố với những vị công tử Malla của thị trấn Kusināra rằng, ‘Thưa các vị Vāsettha (tên gọi về bộ tộc của những vị Malla), đêm nay vào canh ba, Đức Như Lai sẽ diệt độ. Thưa các vị Vāsettha, hãy đến! Các vị chớ có để phải ân hận về sau với ý nghĩ rằng: “ Đức Như Lai đã diệt độ tại dãi đất của chúng ta, thế mà chúng ta không tận dụng cơ hội để bày tỏ sự tôn kính của chúng ta trong giờ phút cuối cùng của Ngài.’
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn, và cùng với một vị tỳ khưu khác đi vào Kusināra.
(Về điểm này, có thể hỏi rằng: “ Phải chăng các vị công tử Malla không biết rằng Đức Phật đã đến tại Kusināra?” Câu trả lời là: “ Dĩ nhiên là họ biết.” Vì Đức Phật dù ở bất cứ nơi nào đều luôn luôn có chư thiên có tâm tịnh tín với Đức Phật và những cận sự nam, họ báo trước tin vui vang khắp vùng lân cận. Vào buổi chiều tối đặc biệt ấy, các vị công tử Malla bận tham dự một buổi họp nên họ không thể đi yết kiến Đức Phật lúc Ngài đến đó. Đức Phật sai Ānanda đi vào giờ trễ ấy bởi vì không có tịnh xá nào được xây dựng dành cho Đức Phật ở
trong rừng Sa la cả, và các vị công tử Malla sẽ phải cung cấp chỗ trú ngụ cho đông đảo các vị tỳ khưu ở đó. Cũng có một ý khác là các vị công tử Malla, nếu không được thông báo vào thời điểm khuya như vậy, có thể cảm thấy buồn rằng họ không có tin tức gì về Đức Phật trong những giây phút cuối cùng của Ngài).
Các vị công tử Malla đến đảnh lễ Đức Phật lần cuối cùng
Khi đại đức Ānanda đi vào kinh thành Kusināra thì các vị công tử Malla đang bận họp tại phòng hội đồng về một vài công việc. Đại đức Ānanda đi đến họ và công bố như Đức Phật đã chỉ bảo:
“Thưa các vị Vāseṭṭha, đêm nay vào canh ba, Đức Như Lai sẽ diệt độ. Thưa các vị Vāseṭṭha, hãy đến! Các vị chớ có để phải ân hận về sau với ý nghĩ rằng: “ Đức Như Lai đã diệt độ tại dãi đất của chúng ta, thế mà chúng ta không tận dụng cơ hội để bày tỏ sự tôn kính của chúng ta trong giờ phút cuối cùng của Ngài.”
Khi nghe đại đức Ānanda thông báo như vậy, các vị công tử Malla, con trai và con gái của họ, vợ và con dâu của họ đều đau buồn và sầu khổ, và than khóc, đầu tóc rối bù, tay đưa lên, thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Thiện thệ nhập diệt quá sớm! Bậc sở hữu con mắt trí tuệ sắp biến mất khỏi thế gian!”
Rồi các vị công tử Malla, con trai và con gái của họ, con dâu và vợ của họ đau buồn và sầu khổ, và họ đi đến khu rừng Sa-la và đến chỗ của đại đức Ānanda. Rồi đại đức Ānanda chợt nảy ra ý nghĩ như vầy:
“Nếu ta để cho những người Malla của xứ Kusināra đảnh lễ Đức Phật từng người một, thì đêm sẽ tàn trước khi tất cả họ đảnh lễ xong. Thật tốt thay nếu ta chia nhóm từng gia đình và cho họ, tức là mỗi gia đình như vậy đảnh lễ Đức Phật, khi công bố rằng, ‘Bạch Đức Thế Tôn, vị công tử Malla tên đó cùng với con cái, vợ và tùy tùng, xin đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn.”
Do vậy, đại đức Ānanda gom nhóm những vị Malla của xứ Kusināra thành những gia đình và bảo họ đảnh lễ Đức Phật, hoàn tất ngay trước khi hết canh một.
Câu chuyện về du sĩ Subhadda
Lúc bấy giờ Subhadda đang trú ngụ tại Kusināra. Vị ấy đã nghe tin: “Đêm nay, trong canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ.” Rồi Subhadda chợt nảy ra ý nghĩ như vầy: “ Ta đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một nỗi hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của ta, và ta hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho ta khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ.”
Kiếp quá khứ của Subhadda
Trước khi kể câu chuyện tiền kiếp của du sĩ Subhadda, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ là có đến 3 Subhadda trong thời kỳ của Đức Phật Gotama. Đầu tiên là Subhadda, con trai của Upaka và Cāpā. Rồi đến Subhadda là vị tỳ khưu đã xuất gia trong Tăng chúng sau khi làm một gia chủ – vị tỳ khưu trong hội chúng đi theo đại đức Mahā Kassapa từ Pāvāđến Kusināra khi Đức Phật đã viên tịch đã nói lời xúc phạm giáo pháp rằng vì Đức Thế Tôn không còn nữa, nên các vị tỳ khưu tự do làm điều gì mà họ thích. Còn Subhadda trong câu chuyện của chúng ta ở đây là vị du sĩ, không phải đạo sĩ lõa thể, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn danh tiếng và giàu có, là người cuối cùng được giác ngộ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Lý do khiến Subhadda có ý nghĩ muốn đến yết kiến Đức Phật trong giờ phút cuối cùng, có lẽ vì phước quá khứ của Subhadda có tiềm năng giúp vị ấy đạt được sự giác ngộ chỉ vào giờ phút muộn màng như vậy.
Tính chất đặc biệt trong phước quá khứ của Subhadda sẽ được bàn đến bây giờ. Trong một kiếp quá khứ nọ có hai anh em nông dân, cả hai đều có tâm bố thí rộng rãi. Nhưng người anh thì có ý muốn bố thí trong mỗi giai đọan của vụ mùa gồm có 9 giai đọan cả thảy. Như vậy khi những cây lúa được cấy xuống thì vị ấy để riêng một mớ hạt lúa để bố thí, lúa ấy được làm thành gạo và được đem nấu làm thành ‘cơm hạt giống cúng dường’; khi cây lúa bắt đầu ra hạt thì vị ấy bàn ý kiến với người em là lấy nước sữa của hạt lúa và đem bố thí. Lời đề nghị ấy không được người em chấp thuận: “Thưa anh, tại sao anh muốn làm hư hạt lúa non?”
Nhân đó, người anh, để có thể thực hiện ước muốn của mình, bèn chia đồng đều thửa ruộng cho người em và lấy nước sữa của hạt lúa từ phần ruộng của vị ấy, đem nấu với sữa lỏng, rồi đem bố thí gọi là ‘Sự cúng dường cơm đầu mùa’. Khi hạt lúa đã cứng chắc, vị ấy đem giã nó ra và nấu món ăn cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường những miếng cơm dẻo’. Khi đến thời kỳ gặt lúa, vị ấy làm món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm của mùa gặt’. Khi lúa gặt được bó lại, vị ấy chọn những bó lúa đầu tiên làm thành món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời bó lúa’. Khi những bó lúa được chất đống trên sân đập lúa thì vị ấy nấu món cơm từ những bó lúa được chất đống đầu tiên ấy thành món cúng dường có tên gọi ‘Sự cúng dường cơm từ đống bó lúa’. Khi việc đập lúa bắt đầu, vị ấy chọn ra những bó lúa đầu tiên để đem ra đập, lấy hạt gạo nấu thành món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời đập lúa’. Sau khi hạt lúa được gom lại từ sân đập lúa và được đổ lên thành đống, vị ấy chọn ra một ít từ đống lúa và làm món cúng dường có tên gọi là ‘ Sự cúng dường cơm từ đống lúa’. Khi lúa được bỏ vào kho, vị ấy lấy một ít và làm món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời vô kho lúa’. Bằng cách ấy, vị ấy đã thực hiện sự cúng dường cơm từ lúa cho mỗi mùa lúa.
Về phần người em trai, vị ấy chỉ cúng dường món cơm sau khi lúa gặt đã được bỏ vào kho.
Trong kiếp cuối của họ, người anh tái sanh làm Koṇḍañña trong thời của Đức Phật Gotama. Khi Đức Phật dò xét thế gian:“ Ai là người đáng được nghe bài pháp đầu tiên?” Ngài trông thấy Kiều trần Như (Koṇḍañña) là người mà trong kiếp quá khứ của vị ấy đã làm chín loại cúng dường lúa gạo trong mỗi mùa canh tác. Do đó, Kiều trần Như (một trong 5 vị Sa-môn) đáng được vinh hạnh nghe thời pháp đầu tiên có nhan đề là Dhammacakka pavattanasutta.” Như vậy, Kiều trần Như là người đệ tử đầu tiên liễu ngộ giáo pháp, được gọi là Aññasi Koṇḍañña – Koṇḍañña đã liễu ngộ, là người đã trở thành bậc thành Nhập lưu cùng với tám mươi koṭi Phạm thiên vào lúc kết thúc thời Pháp đầu tiên.
Còn người em trai, do kết quả của sự cúng dường trễ muộn, nên ý nghĩ đi yết kiến Đức Phật đến trong tâm của vị ấy chỉ vào giờ phút cuối cùng (xem Chú giải về Dīgha Nikāya).
Khi thời gian để gặt quả phước quá khứ của vị ấy cuối cùng đã đến, Subhadda mới nhớ đến Đức Phật. Vị ấy đi ngay đến khu rừng Sa la, rồi đi đến đại đức Ānanda và nói rằng:
“Thưa đại đức Ānanda, tôi đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một điều hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của tôi, và tôi hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho tôi khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ. Thưa tôn giả Ānanda, xin hãy cho tôi được cơ hội yết kiến Sa- môn Gotama!”
Nhân đó, đại đức Ānanda suy nghĩ: “Những vị đạo sĩ này tin vào giáo lý ngoài lời dạy của Đức Phật, bám chấp theo quan điểm riêng của họ mà thôi. Nếu Đức Phật giảng dạy cho vị Subhadda này thật đầy đủ để khiến vị ấy rũ bỏ quan điểm riêng của vị ấy, thì nó sẽ làm hao hơi tổn sức của Ngài, và Subhadda cũng không thể từ bỏ quan điểm của vị ấy. Vì như thế này mà Đức Phật đã rất mệt.” Bởi vậy đại
đức nói rằng: “Này hiền giả Subhadda, thôi đi, Đức Phật đang mệt. Đừng quấy nhiễu Ngài.”
Khi nghe trả lời như vậy, du sĩ Subhadda tự nghĩ rằng: “Đại đức Ānanda từ chối yêu cầu của ta. Nhưng người ta phải nhẫn nại để đạt được cái mà người ta muốn.” Và vì vậy vị ấy nói lần thứ hai, “ Thưa đại đức Ānanda,…” đại đức Ānanda lại từ chối. Lần thứ ba Subhadda cũng yêu cầu như trước. Và lần thứ ba đại đức Ānanda cũng từ chối.
Đức Phật đã nghe qua cuộc chuyện trò giữa du sĩ Subhadda và đại đức Ānanda. Bởi vì Ngài đã thực hiện chuyến đi đầy mệt nhọc đến Kusināra vì Subhadda, nên Ngài bảo đại đức Ānanda, “Này Ānanda, thật không thích hợp để ngăn cản Subhadda. Đừng ngăn cản Subhadda đến yết kiến Như Lai, hãy để Subhassa có cơ hội yết kiến Như Lai. Bất cứ điều gì Subhadda hỏi Như Lai, vị ấy hỏi để biết chứ không phải để phiền nhiễu Như Lai. Khi Như Lai trả lời điều vị ấy hỏi thì vị ấy sẽ hiểu ngay câu trả lời của Như Lai.”
Rồi đại đức Ānanda nói với du sĩ Subhadda: “Này hiền giả
Subhadda, hãy vào, Đức Phật đã cho phép hiền giả.”
Rồi du sĩ Subhadda đi đến Đức Phật và trao đổi những lời chào hỏi xã giao với Đức Phật, rồi ngồi xuống ở nơi thích hợp. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật như vầy:
“Thưa tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn và Bà-la-môn có đông đảo đồ chúng, có giáo phái riêng, là những người lãnh đạo giáo phái của họ, có danh tiếng, là những người sáng lập ra những chủ thuyết riêng của họ, và được nhiều người tôn kính, đó là: (i) Pūraṇa Kassapa, (ii) Makkhali Gosāla, (iii) Ajita Kesakambala, (iv) Pakudha Kaccāyana, (v) Sañjaya con trai của Belaṭṭha, và (vi) Migaṇṭha, con trai của Nāṭaputta. Có phải tất cả họ đều hiểu những điều mà họ nêu ra là chân lý chăng? Hay tất cả họ đều không biết điều mà họ nêu ra là chân lý? Hay một số vị giác ngộ chân lý, còn số khác thì không?”
(Câu hỏi của Subhadda chính yếu là về đạo quả Phật. Vị ấy hỏi: “Kính bạch Ngài, có phải Pūraṇa Kassapa và năm vị giáo chủ khác mà cho mình là Đức Phật Toàn giác, và được nhiều người tôn kính, thực
sự là chư Phật Toàn giác không? Hay chẳng có ai là Đức Phật cả? Hay một số là Phật, còn số khác thì không? Vì nếu họ thực sự là chư Phật thì những giáo lý mà họ thuyết ra phải dẫn đến giải thoát vòng sanh tử luân hồi. Có phải tất cả giáo lý của họ đều dẫn đến giải thoát? Hay một số giáo lý của dẫn đến giải thoát còn số khác thì không?”)
Xét thấy rằng ý định của Đức Phật đến Kusināra là để thuyết giảng giáo pháp đến các công tử Malla trong canh đầu của đêm, thuyết pháp đến Subhadda trong canh hai, và cho lời khuyên răn đến chúng Tăng trong canh ba, và nhập vô dư Niết bàn vào lúc gần sáng. Trong thời gian biểu khít khao như vậy, sẽ không đem lại lợi ích cho Subhadda nếu giảng giải cho vị ấy là giáo lý của sáu vị ngoại đạo sư có dẫn đến giải thoát hay không, và sẽ không có thời gian cho một cuộc luận bàn như vậy. Do đó Đức Phật quyết định giảng dạy cho Subhadda về Trung đạo được bao gồm trong Bát Thánh đạo mà có thể đưa vị ấy đến giải thoát.
Do đó, Ngài nói rằng:“Này Subhadda, đừng hỏi điều ấy. Hãy bỏ qua vấn đề ấy: dầu tất cả những vị giáo chủ ấy có biết tất cả chân lý hay không, dầu không ai biết tất cả chân lý, hoặc dầu một số biết tất cả chân lý và số khác thì không.
“Này Subhadda, Như Lai sẽ thuyết giảng cho ngươi về giáo pháp dẫn đến Niết bàn. Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai sẽ thuyết giảng đầy đủ.
“Lành thay, thưa Ngài,” Subhadda vâng lời Đức Phật, và Đức Phật thuyết pháp như vầy:
“Này Subhadda, trong bất kỳ giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo không được tìm thấy, thì trong đó không có Đệ nhất Sa-môn, tức là vị tỳ khưu bậc thánh Nhập lưu; cũng không có Đệ nhị Sa-môn, tức là bậc thánh Nhất lai; Đệ tam Sa-môn, tức là bậc thánh Bất lai; Đệ tứ Sa- môn, bậc A-la-hán.
“Này Subhadda, trong giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo được tìm thấy, thì ở đó cũng có Đệ Nhất Sa-môn (bậc Sotāpanna); Đệ Nhị Sa-môn (bậc Sakadāgāmi); Đệ Tam Sa-môn (bậc Anāgāmi); Đệ Tứ Sa-môn (bậc Arahant).
“Này Subhadda, trong giáo pháp của Như Lai có Bát Thánh đạo. Chỉ riêng trong giáo pháp này mới được tìm thấy Đệ Nhất Sa-môn, Đệ Nhị Sa-môn, Đệ Tam Sa-môn và Đệ Tứ Sa-môn.
“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý, đó là 4 bậc Thánh đã chứng đạo (magga), 4 bậc Thánh đã đắc quả (phala), và 4 hạng tỳ khưu đang trên đường phát triển Tuệ quán để chứng đắc 4 tầng Đạo Trí.
“Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh , thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.
“Này Subhadda, năm hai mươi chín tuổi, Như Lai từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn tầm cầu chân lý (sự giác ngộ của vị Phật). Bây giờ đã trên năm mươi năm, từ khi Như Lai trở thành Sa-môn. Ngoài giáo pháp này của Như lai, không có ai tu tập Tuệ quán là pháp mở đầu để đi vào Thánh đạo (ariya–magga), cũng không có vị Sa-môn nào thuộc tầng Thánh thứ nhất (sotāpanna); cũng không có Đệ nhị Sa- môn (sakadāgāmi); cũng không có Đệ tam Sa-môn (anāgāmi) cũng không có Đệ tứ Sa-môn (arahat).
“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý. Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh, thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.”
Du sĩ Subhadda trở thành vị tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán
Khi Đức Phật thuyết giảng điều này, du sĩ Suhadda bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thật hy hữu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Thật vi diệu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Tựa như vật bị xô ngã được dựng đứng lên, hoặc như vật bị che kín nay được phơi bày ra, hoặc như người bị lạc đường được chỉ con đường đi, hay như ngọn đèn được đốt lên và được để trong chỗ tối để những ai có mắt có thể thấy các vật. Cũng vậy, Đức Thế Tôn đã giảng dạy chánh pháp cho
con bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con là Subhadda, xin quy y Đức Phật, con xin quy y đức Pháp, con xin quy y đức Tăng. Bạch đức Thế Tôn, con xin được xuất gia trong Tăng chúng trước sự hiện diện của Đức Thế Tôn. Con xin thọ đại giới.”
Khi Subhadda đã nói lời thỉnh cầu như vậy, Đức Phật bèn nói rằng: “Này Subhadda, nếu một người trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng để trở thành vị tỳ khưu, thì vị ấy phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu vào cuối của bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng với vị ấy, thì vị ấy sẽ được thâu nhận vào Tăng chúng. Nhưng trong vấn đề này, Như Lai thấy có sự khác biệt trong các hạng người (liệu một người nào đó có cần sống thử thách hay không).” Du sĩ Subhadda đáp lại:
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu một người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng và trở thành vị tỳ khưu phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu cuối bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng và làm lễ xuất gia cho vị ấy, cho vị ấy thọ giới pháp. Con nay đã sẵn sàng để sống thử thách trong bốn năm. Và cuối của bốn năm, nếu các vị tỳ khưu hài lòng với con, hãy con cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành tỳ khưu.”
Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Thôi được, này Ānandā, hãy truyền phép xuất gia cho Subhadda.”
“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn. Rồi du sĩ Subhadda nói với đại đức Ānanda: “ Thưa tôn giả Ānanda, thật là may mắn cho tôn giả. Tôn giả thật vô cùng hữu phước, rằng tôn giả đã được Đức Thế Tôn đích thân ban cho địa vị thị giả.
(Ở đây những lời nói thực sự của Subhadda là “Tôn giả đã được thọ lễ tôn phong địa vị thị giả.” Ý tưởng được tôn phong địa vị thị giả bởi vị giáo trưởng của chúng trong hệ thống tín ngưỡng của các vị du sĩ là một vinh dự và đặc ân to lớn ).
Rồi đại đức Ānanda dẫn du sĩ Subhadda đến một nơi thích hợp, làm ướt đầu cho vị ấy bằng nước từ cái chậu nước, và dạy phương pháp quán về tánh chất bất tịnh của thân, đặc biệt là nhóm năm phần của thân. Khi cái đầu và mặt được cạo, đắp vào những tấm y vàng của
vị tỳ khưu, quy y Tam bảo, lần lượt các bước khác. Sau đó Subhadda được dẫn đến trước Đức Phật.
Đức Phật tác thành địa vị tỳ khưu cụ-túc-giới cho Sa-di Subhadda và dạy cho vị ấy phương pháp thiền quán thích hợp. Rồi tỳ khưu Subhadda tìm chỗ vắng vẻ trong rừng Sa la, thực hành pháp thiền quán chỉ trong oai nghi đi mà thôi, tức là đi kinh hành. Với chánh niệm, và tinh tấn, tỳ khưu Subhadda chứng đắc đạo quả A-la- hán ngay đêm ấy, cùng với Tứ tuệ Phân tích. Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở đó trong tư thế kính ngưỡng hướng về Đức Phật.
Đại đức Subhadda trở thành một trong những vị A-la-hán, và vị ấy là người cuối cùng chứng đắc đạo quả A-la-hán trước sự hiện diện của Đức Phật.
(Ở đây, “người cuối cùng trở thành bậc La-hán trước mặt đức Thế Tôn” có thể là một trong những hạng người sau đây: (i) người thọ phép xuất gia trong thời Đức Phật, và thọ cụ-túc-giới sau khi Đức Phật diệt độ, tu tập thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả; (ii) người thọ phép xuất gia và thọ cụ túc giới trong thời Đức Phật, tu pháp thiền quán tuệ sau khi Đức Phật diệt độ và chứng đắc A-la-hán quả; (iii) Người thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả sau khi Đức Phật đã diệt độ. Đại đức Subhadda là người đã thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ và chứng đắc A-la-hán quả trong thời Đức Phật. Như vậy vị ấy là người đứng đầu trong những người trở thành bậc A-la-hán trước mặt Đức Phật.)
Câu chuyện về du sĩ Subhadda theo Chú giải bộ Dhammapada
Câu chuyện được kể ra ở trên về du sĩ Subhadda là được trích ra từ Phẩm kinh Mahāvagga Pāḷi (Dīghanikāya) và Chú giải của nó. Câu chuyện về du sĩ Subhadda, được kể lại trong Chú giải của kinh Pháp cú cũng được kể lại dưới đây một cách tóm tắt như sau:
Trong khi Đức Phật đang nằm trên chiếc trường kỉ, trong giờ phút cuối cùng, tại khu rừng cây Sa la, du sĩ Subhadda tự suy nghĩ:
“Ta đã nêu ra ba câu hỏi của ta đến các du sĩ rồi nhưng ta chưa đem những câu hỏi ấy ra hỏi Sa-môn Gotama bởi vì vị ấy còn trẻ. Bây giờ Sa-môn Gotama sắp diệt độ. Nếu ta không hỏi vị ấy thời ta sẽ hối tiếc về sau vì đã không làm như vậy.” Khi trầm ngâm suy nghĩ như vậy, vị ấy đi đến khu rừng Sa-la nơi Đức Phật đang trú ngụ và thỉnh cầu đại đức Ānanda cho phép được yết kiến Đức Phật. Đại đức Ānanda đã từ chối như câu chuyện ở trên. Tuy nhiên, Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, đừng ngăn cản vị ấy. Hãy để vị ấy đặt câu hỏi với Như Lai.” Do đó, vị ấy được cho vào khu vực của Đức Phật nơi được che chắn để ngăn cách bên ngoài. Subhadda ngồi xuống dưới chân giường của Đức Phật và bạch với Đức Phật như vầy: “Thưa Ngài Gotama,
Có thể nào có dấu vết trong không trung không?
Có thể nào các vị Sa-môn đọan diệt được phiền não ở bên ngoài giáo pháp của Đức Phật Gotama không?
Có thể nào pháp hữu vi thường tồn không?
Đức Phật trả lời ba câu hỏi bằng sự phủ định trong những câu kệ sau đây:
Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Tất cả chúng sanh, dầu là chư thiên, nhân loại hay Phạm thiên mà vui thích trong ba pháp có khuynh hướng kéo dài luân hồi, đó là ái dục, ngã mạn và tà kiến. Tất cả chư Phật đều thoát khỏi ba yếu tố này, (đọan diệt chúng vào lúc đắc đạo dưới cội cây Bồ đề).
Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài Giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Không có pháp hữu vi nào (tức là năm uẩn) mà thường tồn. Tất cả chư Phật đều tự tại (trước ái dục, ngã mạn và tà kiến).
Vào lúc kết thúc thời pháp, du sĩ Subhadda chứng đắc A-na hàm đạo (anāgāmi-magga). Và thính chúng có mặt ở đó cũng được lợi ích nhờ thời pháp ấy.
Đây là câu chuyện về Subhadda được kể lại trong Chú giải của bộ Pháp cú.
Trong vấn đề này, hai câu chuyện có thể được biên tập lại theo
cách này:
Du sĩ Subhadda đã nêu ra câu hỏi mà được chứa trong phẩm Mahāvagga Pāli, và sau khi nghe Đức Phật trả lời câu hỏi, vị ấy lại hỏi thêm ba câu hỏi nữa như đã được nêu ra trong Dhammapada (Pháp cú kinh). Sau khi nghe câu trả lời, vị ấy chứng đắc quả thánh A-na-hàm. Rồi vị ấy trở thành đệ tử của Đức Phật, thọ cụ-túc-giới và trở thành vị tỳ khưu, chuyên tâm thực hành ba pháp học, và trở thành bậc A-la-hán trước khi Đức Phật nhập vô dư Niết bàn.
Những lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật
Sau khi Subhadda đã trở thành người cuối cùng chứng đắc thánh quả A-la-hán, Đức Phật cho lời khuyến giáo, lời tối hậu, Ngài nói với Ānandā, nhưng được nhắm đến tất cả chúng tỳ khưu đang hiện diện.
“Này Ānandā, nếu có ai đó trong các ngươi nghĩ rằng, ‘Giáo pháp được thuyết giảng bởi bậc Đạo sư đã không còn người thuyết giảng, giờ đây chúng ta không còn bậc Đạo sư.’ Nhưng, này Ānanda, sự tuyệt vọng như vậy quả thật không cần thiết. Này Ānanda, Pháp và Luật mà Như Lai đã giảng dạy và trình bày đến các ngươi trên bốn mươi lăm năm này, sẽ là Đạo sư của các ngươi sau khi Như Lai diệt độ.”
“Này Ānanda, bây giờ các vị tỳ khưu xưng hô với nhau bằng từ ‘āvuso’ (hiền giả, bạn), bất chấp hạ lạp bậc cao, họ không nên xưng hô với nhau như thế sau khi Như Lai diệt độ. Một vị tỳ khưu cao hạ nên xưng hô với vị tỳ khưu thấp hạ hoặc bằng pháp danh của vị ấy hoặc bằng tên họ của vị ấy, hoặc bằng tước vị ‘āvuso’. Và vị tỳ khưu thấp hạ nên xưng hô với vị tỳ khưu cao hạ bằng tước vị ‘bhante’ (ngài, H.T. Thích Minh Châu dịch là Thượng Toạ) hay ‘āyasmā’ (đại đức)”
“Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ, chư Tăng (Saṅgha) nếu muốn, có thể bỏ những điều luật nhỏ nhặt và thứ yếu.”
“Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ, hãy áp đặt tội Phạm đàn
(brahmadanda) đối với tỳ khưu Channa.”
“Nhưng bạch Đức Thế Tôn, tội Phạm đàn là gì?”
“Này Ānanda, hãy để Channa nói điều gì vị ấy thích. Không vị tỳ khưu nào được phép có ý kiến nhận xét về những gì vị ấy nói ra, các vị tỳ khưu cũng không được khuyên răn vị ấy, cũng không ngăn cản vị ấy.”
Về điểm thứ nhất, ý của Đức Phật là: “Này Ānanda, trong khi Như lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi năm bộ sách về Luật (vinaya), tức là Mahāvagga, Cūḷavagga, Khandhaka, Parivāra và bộ Song Vibhaga, cùng với những bộ Chú giải phụ theo, bao gồm bảy loại tội với những trường hợp cơ bản cho mỗi loại tội bên trong bảy loại tội ấy như: Đây là tội nhẹ; đây là tội nặng; đây là tội có thể sám hối, đây là tội không thể sám hối; đây là tội đã định rõ, đây là tội không đáng kể; đây là tội có thể cứu chữa được do sự tha thứ từ phía bị hại; đây là tội có thể cứu chữa được do sự tha thứ của nhóm tỳ khưu có liên quan; đây là tội có thể cứu chữa do Tăng quyết định, v.v… Tất cả những giáo lý này đều nằm trong tạng Luật (Vinaya Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là Đạo sư của các ngươi.
“Này Ānanda, trong khi Như Lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi về Tạng kinh (Suttanta) bao gồm Ba mươi bảy pháp trợ bồ đề, gồm có Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý
Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, cùng với Chú giải phụ theo. Tất cả những giáo lý này đều nằm trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là đạo sư của các ngươi.
“Này Ānanda, trong khi Như Lai còn tại tiền, Như Lai đã giảng dạy cho các ngươi về Abhidhamma phân tích pháp một cách chi tiết như: “ Đây là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, bốn Đế, hai mươi hai Quyền, chín Nhân, tứ Thực, bảy loại Xúc, bảy loại Thọ, bảy loại Tưởng, bảy loại Tư, bảy loại Thức. Và trong tất cả những pháp ấy, Như Lai đã cho các ngươi những sự phân loại, kể chúng ra dưới những chủ đề pháp Dục giới, pháp Sắc giới, pháp Vô sắc giới, pháp Vô nhân, pháp Hợp thế, pháp Siêu thế. Như vậy bắt đầu từ việc kể ra những pháp như Uẩn (khandha) là lâu đài của Abhidhamma đã được xây dựng lên dành cho các ngươi với vô số loại phương pháp phân tích và tổng hợp gồm có hai mươi bốn bộ sách về Paṭṭhāna. Tất cả giáo lý này đều nằm trong Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma Piṭaka) mà, sau khi Như Lai diệt độ, sẽ là đạo sư của các ngươi.
Những giáo lý này mà Như Lai đã giảng dạy cho các người trên bốn mươi lăm năm (vāssa) tạo thành Dhamma và Giáo Pháp (Tam tạng – Piṭaka), năm bộ Nikāya, Chín phần giáo pháp, số lượng tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tám mươi bốn ngàn pháp môn này vẫn tồn tại với các ngươi. Đức Như Lai là bậc Đạo sư duy nhất mà sẽ không còn nữa. Trong khi Như Lai còn tại tiền, các ngươi ở dưới sự hướng dẫn và giám sát của một bậc Đạo sư duy nhất. Khi Như Lai diệt độ rồi, tám mươi bốn ngàn pháp môn này mà có thể được gọi là tám mươi bốn ngàn Đạo sư sẽ hướng dẫn các ngươi, thay Ta giám sát các ngươi.” Như vậy Đức Phật đã khuyến giáo và an ủi các vị tỳ khưu.
Về nội dung của phần (b), Đức Phật dạy về luật xã giao trong các vị tỳ khưu.
Về nội dung của phần (c), Đức Phật không đưa ra một lời nhắn nhủ dứt khoát nào với ý nghĩa rằng những điều luật nhỏ nhặt và
thứ yếu có thể được huỷ bỏ. Thay vào đó, Ngài giao cho chư Tăng được quyền lựa chọn làm như vậy. Tại sao Đức Phật lại đặt vấn đề trong tình trạng không dứt khoát? Câu trả lời là: Đức Phật thấy sức mạnh của sự tin chắc và sức mạnh của trí tuệ trong người đại đức Mahā Kassapa. Đức Phật thấy rằng cho dù Ngài có đưa ra lời nhắn nhủ không dứt khoát như vậy bây giờ, nhưng chư Tăng (Saṅgha) trong hội đồng Kiết tập do đại đức Mahā Kassapa chủ toạ sẽ không hủy bỏ bất cứ điều luật nào, ngay cả những điều luật nhỏ nhặt và thứ yếu. Đây là điều đáng chú ý.
Sau khi Đức Phật đã nói những lời ấy đến đại đức Ānanda, Ngài bèn nói với các vị tỳ khưu như vầy:
“Này các tỳ khưu, nếu có sự nghi ngờ hay phân vân trong vị tỳ khưu nào đó về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo dẫn đến Niết bàn, hay pháp hành của bậc Thánh, thì hãy nêu ra những câu hỏi với Như lai, này các tỳ khưu, và đừng để mất cơ hội để rồi phải hối tiếc về sau, với ý nghĩ rằng: ‘ Chúng ta ở chung với Đức Thế Tôn tại đó mà chúng ta không giải rõ hoài nghi của chúng ta bằng cách hỏi Ngài những câu thắc mắc của chúng ta.’
Khi Đức Phật nói điều này, các vị tỳ khưu làm thinh. Đức Phật hỏi lại lần thứ hai, nhưng các vị tỳ khưu vẫn im lặng. Khi Đức Phật hỏi lần thứ ba các vị tỳ khưu vẫn giữ im lặng. Nhân đó Đức Phật nói với các vị tỳ khưu.
“Này các tỳ khưu, có thể rằng các ngươi không nêu ra những câu hỏi bởi vì các ngươi tôn kính Như Lai do nghĩ rằng: ‘ Tất cả chúng ta đều là những tỳ khưu đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta có được bốn món vật dụng cũng nhờ Đức Thế Tôn, chúng ta không có ngờ vực về Ngài (v.v…), tuy nhiên chúng ta thật không phải lẽ khi ngờ vực Ngài (v.v…) trong giờ phút cuối cùng này.’ Này các tỳ khưu, nếu là như vậy thời mỗi vị tỳ khưu nên đem sự nghi ngờ hay phân vân của mình nói với bạn đồng tu.”
Và các vị tỳ khưu vẫn giữ im lặng. Đại đức Ānanda bạch với Đức Phật:
“Thật kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Con tin rằng trong chúng tỳ khưu này không có một vị tỳ khưu nào mà có hoài nghi hay phân vân về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo hay Pháp hành.”
Và Đức Phật nói rằng:
“Này Ānanda, ngươi nói điều này là từ niềm tin. Còn Như Lai thì Như Lai biết rằng trong chúng tỳ khưu này, không có một vị tỳ khưu nào mà có sự nghi ngờ hay phân vân về Đức Phật, hay đức Pháp, hay đức Tăng, hay Đạo, hay Pháp hành.
“Này Ānanda, trong năm trăm vị tỳ khưu này, ngay cả vị tỳ khưu thành tựu thấp nhất cũng là bậc Tu-đà-hườn, không còn đọa lạc xuống bốn khổ cảnh, nhất định sẽ đạt được ba đạo bậc cao”.
Rồi Đức Phật nói lời giáo huấn cuối cùng với các vị tỳ khưu:
Handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo,
Vayadhammā saṅkharā,
Appamādena sampādetha.
“Giờ đây, này các tỳ khưu, Như Lai nói điều này là lời giáo huấn cuối cùng của Như Lai: vô thường biến hoại là tánh chất cố hữu trong tất cả các pháp hữu vi. Do đó, hãy tinh cần và chánh niệm phấn đấu để thành đạt mục tiêu.”
Đây là lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật. Điều này được nói ra khi Đức Phật sắp diệt độ. Sự cô đọng có ý nghĩa nhất trong tất cả các pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng trên bốn mươi lăm năm thành một từ duy nhất, là đó appamāda : không dể duôi (chánh niệm hay tinh cần).
Sự viên tịch Đại bát Niết bàn của Đức Phật
Thưa quý độc giả, các bậc tôn đức, quý vị cần chú ý ở đây là sau khi Đức Phật đã nói ra những lời “appamādena sampādetha – hãy tinh cần và chánh niệm,” thì Ngài không còn nói ra một lời nào khác
nữa. Toàn thể khu rừng Sa la đều chìm trong tĩnh mịch. Đức Phật giờ đây đang nhiếp vào sự họat động của tâm mà thôi, chuẩn bị diệt độ trong trạng thái vô dư Niết bàn. Tâm của Ngài giờ đây hoàn toàn chuyên chú trong thiền định.
Trước hết Đức Phật nhập vào Sơ thiền sắc giới (rūpāvacara kriyāpaṭhana jhāna). Xuất khỏi sơ thiền, Ngài nhập vào nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập vào tam thiền. Xuất khỏi tam thiền, Ngài nhập vào tứ thiền sắc giới (rūpāvacara kriyā cattutha jhāna) . Xuất khỏi tứ thiền, Ngài nhập vào thiền vô sắc Hư không vô biên xứ (arūpāvacara kriyā ākāsānañcāyatana samāpatti). Xuất khỏi Hư không vô biên xứ định, Ngài nhập vào Thức vô biên xứ định (viññānañcāyatana samāpatti). Xuất khỏi Thức vô biên xứ định, Ngài nhập vào Vô sở hữu xứ định (ākiñcañāyatana samāpatti). Xuất khỏi Vô sở hữu xứ định, Ngài nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (nevasaññā-nāsaññāyatana samāpatti). Xuất khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Ngài nhập vào Diệt thọ tưởng định (nirodha samāpatti).
Trong khi Đức Phật đang trú trong thiền Diệt thì hơi thở không có. Khi Ānandā lưu ý sự ngưng thở vị ấy lo lắng và hỏi đại đức Anuruddha, “ Thưa Tôn giả, có phải Đức Thế Tôn đã nhập diệt rồi chăng?” Đại đức Anuruddha giải thích với đại đức Ānanda, “ Không phải, này hiền giả, Đức Thế Tôn đang trú trong thiền Diệt thọ tưởng định.”
(“Làm sao đại đức Anuruddha biết Đức Phật đang nhập thiền Diệt?” Câu trả lời là: đại đức Anuruddha đang nhập định Sơ thiền cho đến các tầng thiền Vô sắc cùng với mỗi giai đọan mà Đức Thế Tôn trải qua, nhập vào và xuất khỏi mỗi tầng thiền, cho đến tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chỉ khi Đức Thế Tôn nhập vào Diệt thọ tưởng định thì đại đức Anuruddha không tham gia với Đức Thế Tôn trong tầng thiền này. Do đó vị ấy biết rằng Đức Thế Tôn đang trú trong thiền Diệt thọ tưởng định và vị ấy cũng biết rằng trong suốt thời gian nhập vào loại thiền này cái chết không bao giờ xảy ra ).
Rồi Đức Phật xuất khỏi thiền Diệt, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nhập vào Vô sở hữu xứ định. Xuất khỏi Vô sở hữu xứ định, Ngài nhập vào Thức vô biên xứ định. Xuất khỏi Thức vô biên xứ định, Ngài nhập vào Hư không vô biên xứ định. Xuất khỏi Hư không vô biên xứ định, Ngài nhập vào Tứ thiền hữu sắc. Xuất khỏi Tứ thiền, Ngài nhập vào Tam thiền. Xuất khỏi Tam thiền, Ngài nhập vào Nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập vào sơ thiền.
(Vài chi tiết chuyên môn:)
Đức Phật nhập vào Sơ thiền hữu sắc bằng 21 đề mục thiền sau
đây:
(a) Đề mục Bất tịnh
10
(b) Đề mục Kasina
8
(c) Đề mục về nhóm sắc trong pháp Niệm thân
1
(d) Đề mục niệm Hơi thở vô và ra (ānāpanasati)
1
(e) Ba đề mục Phạm trú là mettā, karuṇā và muditā
3
(f) Đề mục về Hư không
1
Tổng cộng:
24
Ngài nhập vào nhị thiền và tam thiền hữu sắc với mười ba đề mục thiền gồm có năm trong sáu nhóm của bảng liệt kê ở trên (tức là trừ bớt (a) và (c) ). Ngài nhập vào Tứ thiền với mười lăm đề mục thiền được kể ra dưới đây:
Đề mục Kasiṇa 8
Đề mục hơi thở vô ra 1
Đề mục phạm trú Upekkhā (xả) 1
Đề mục Hư không 1
Bốn đề mục thiền Vô sắc 4
Tổng cộng: 15
Đây chỉ là nét khái quát. Thực ra, trong giờ phút cuối cùng, ngay trước khi nhập vào thiền Diệt hoàn toàn, Đức Phật đã trú trong hằng chục ngàn lượt nhập định số lượng 2,4 triệu koṭi mà vốn là thông lệ hằng ngày của Ngài. Giống như một người sắp đi xa rời khỏi nhà sẽ từ giã tất cả gia đình bằng những cái ôm và nụ hôn, Đức Phật trú trong
hạnh phúc của các tầng thiền cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ trước khi viên tịch Đại bát Niết bàn – Parinibbāna.
Lại nữa, khi xuất khỏi Sơ thiền, Đức Phật nhập nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất khỏi tam thiền, Ngài nhập tứ thiền. Xuất khỏi tứ thiền, Ngài quán về hai chi thiền của tứ thiền là xả và định, quán chi thiền này đến chi thiền khác hoặc cả hai. Vào lúc kết thúc của tâm đổng lực, đại duy tác làm phận sự quan sát, duyệt xét ( paccavekkhaṇā mahā kriyā javana), với sát na tâm hộ kiếp (thọ hỉ, hợp trí, vô trợ) là khổ đế (dukkha sacca) của tâm không phước không tội, Đức Phật viên tịch Đại bát Niết bàn và chấm dứt khổ (dukkha).
Chú ý: có hai loại Đại bát Niết bàn (parinibbāna), đó là:
Sự viên tịch sau khi kết thúc sự nhập định (jhāna) mà trong đó vị A-la-hán, sau khi nhập và xuất khỏi thiền, vị ấy trở về dòng tâm hộ kiếp, trong thời gian ấy vị ấy viên tịch.
Sự viên tịch sau tâm đổng tốc duyệt xét mà trong đó vị A-la-hán, sau khi nhập và xuất khỏi thiền, vị ấy quán về tầng thiền (jhana) và các chi thiền chung với nhau hoặc riêng biệt, và vào lúc kết thúc của sự quán sát như vậy, vị ấy trở về dòng tâm hộ kiếp và viên tịch trong lúc ấy.
Trong hai loại kể trên, sự viên tịch của Đức Phật thuộc loại thứ hai.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế