Một số câu chuyện được kể lại về pháp Sāranīya
- Trưởng lão Tissa trợ giúp thực phẩm cho 50 vị tỳ khưu.
Ngài là một vị ẩn sĩ sống ở khu rừng Sena, nơi đến khất thực của trưởng lão là ngôi làng Mahāgiri. Một nhóm năm mươi vị trưởng lão
hành hương đến bảo tháp Nāgadīpa, đã đi khất thực ở ngôi làng Mahāgiri nhưng họ không nhận được chút vật thực nào. Khi họ đang rời khỏi ngôi làng thì họ gặp được trưởng lão Tissa, vị trưởng lão thường trú ở địa phương đó vào làng khất thực. Trưởng lão Tissa hỏi thăm năm mươi vị tỳ khưu có khất thực được gì không. Các vị trưởng lão không trả lời trực tiếp với trưởng lão Tissa nhưng chỉ nói rằng: “Này hiền giả! Chúng tôi đã đi khất thực ở chỗ đó.” Ngài biết rằng các vị trưởng lão chưa nhận được vật thực nên Ngài nói rằng: “Xin chư đại đức ở lại đây cho đến khi con trở lại.” Các vị trưởng lão bèn nói với Ngài: “Không ai trong số năm mươi tỳ khưu chúng tôi nhận được vật thực từ chỗ đó. Làm sao hiền giả có thể kiếm được nó?” Trưởng lão Tissa đáp lại: “Thưa đại đức! Những vị tỳ khưu thường trú ngụ trong xứ xở dầu không sở hữu năng lực to lớn, nhưng họ biết được chỗ nào có thể kiếm được vật thực.”
Năm mươi vị tỳ khưu đồng ý đợi trưởng lão ở đó.
Khi trưởng lão Tissa đi vào làng Mahāgiri khất thực, ngôi nhà đầu tiên đã sẵn sàng vật thực cúng dường. Chủ nhà đã nấu sẵn món cơm sữa để cúng dường cho trưởng lão Tissa. Khi trưởng lão vừa đứng ngay trước nhà, chủ nhà liền ra trút món cơm sữa đến đầy miệng bát của trưởng lão.
Trưởng lão Tissa trở về chỗ ngụ của trưởng lão đang đứng chờ và cung kính dâng vật thực, tác bạch với vị tỳ khưu cao hạ nhất: “Cầu xin chư đại đức thọ lãnh vật thực cúng dường của con.” Các vị trưởng lão tỏ vẻ ngạc nhiên: “Năm mươi vị tỳ khưu chúng tôi đã đến ngôi làng ấy nhưng không ai nhận được chút vật thực nào. Vị tỳ khưu này đã kiếm món cơm sữa rất nhanh. Làm sao có thể như thế được?” Những ý nghĩ này dầu không được nói ra nhưng được biểu lộ qua thái độ của họ. Khi ấy, trưởng lão Tissa thưa với các trưởng lão rằng: “Thưa chư đại đức! Vật thực này kiếm được hợp theo lẽ đạo. Xin đừng nghi ngờ.” Năm mươi vị tỳ khưu bèn độ món cơm sữa ấy với sự hài lòng. Khi các Ngài đã độ xong thì trưởng lão cũng độ vật thực còn lại đến no bụng.
Sau khi trưởng lão Tissa độ thực xong, các vị trưởng lão nói: “Này hiền giả! Hiền giả đạt được Tuệ thông suốt lúc nào vậy?” Trưởng lão Tissa đáp: “Thưa đại đức! Con chưa chứng đắc pháp Siêu thế”.
“Nếu vậy, phải chăng hiền giả chứng đắc thiền?” “Thưa không!”
“Này hiền giả! Vậy tại sao hiền giả dễ dàng kiếm được món cơm sữa ở nơi mà năm mươi vị tỳ khưu chúng tôi không nhận được chút vật thực nào. Đó không phải là phép lạ sao?”
Trưởng lão Tisa buộc lòng thú nhận pháp hành thành tựu của mình để diệt trừ những hoài nghi của các vị trưởng lão. Vì sự thành tựu pháp hành Sāranīya không phải là pháp Siêu thế (uttarimanussa dhamma), Ngài nghĩ rằng thú nhận điều ấy là đúng pháp: “Thưa chư đại đức! Con đã thực hành thành tựu pháp hành Sāranīya. Từ khi con thành tựu pháp hành ấy, con có thể chia sớt phần vật thực đến cả trăm ngàn vị tỳ khưu từ cái bát vật thực của con.”
“Ôi! Bậc Giới đức! Thật tuyệt vời! Thật tuyệt vời! Phép lạ này chỉ xứng đáng với người có giới đức như hiền giả.”
Đây là ví dụ về cái bát khất thực đã thực sự trở thành nguồn vật thực vô tận, là lợi ích thứ tư của pháp hành Sāranīya. Câu chuyện này cũng chứng minh lợi ích thứ hai là được mọi người ái kính và lợi ích thứ ba là luôn luôn có bốn món vật dụng. Chú giải chọn câu chuyện này để chứng minh về lợi ích thứ tư là lợi ích có ý nghĩa nhiều nhất ở đây.
(2) Trưởng lão Tissa tại lễ cúng dường của đức vua
Tại Srilanka thời xưa, có buổi lễ cúng dường Giribhaṇḍa Mahāpūjā (một lễ hội cúng dường hàng năm được tổ chức trên núi Cetiya, là một lễ hội rất trọng đại). Khi trưởng lão Tissa đến đó, Ngài dò hỏi các vị tỳ khưu xem vật cúng dường có ý nghĩa nhất của năm đó là gì. Khi nghe nói rằng hai xấp y mịn nhất là vật có ý nghĩa nhất, Tissa bèn nói: “Hai xấp vải ấy sẽ về phần ta.” Câu nói này đã lọt tai một vị quan và được trình lên đức vua: “Tâu bệ hạ! Có một vị tỳ khưu
nhỏ hạ nói rằng hai xấp vải sẽ thuộc về vị ấy.” Đức vua nói: “Đó là điều vị ấy mơ tưởng. Những xấp vải ấy chỉ xứng đáng với những vị trưởng lão mà thôi.” Và đức vua nghĩ sẽ cúng dường hai xấp vải ấy đến các vị trưởng lão.
Khi đoàn tỳ khưu đi đến, đức vua đích thân làm lễ cúng dường. Hai xấp vải quý nhất được đặt trước nhất, sẵn sàng trong tầm tay. Nhưng chúng không đến tay của đức vua khi dâng cúng vật thực đến các tỳ khưu trưởng lão. Chỉ có những món khác đến tay của đức vua. Khi trưởng lão Tissa đi đến thì hai xấp vải bỗng dâng đến tay của đức vua. Đức vua dâng hai xấp vải đến trưởng lão Tissa và ra hiệu cho vị quan đã tâu lên vị ấy về hai xấp vải và thỉnh Ngài Tissa ngồi lại đó một lát. Sau khi đoàn chư Tăng đã đi hết, đức vua bèn hỏi trưởng lão Tissa: “Bạch Ngài! Ngài có được sự chứng ngộ đặc biệt này vào lúc nào vậy?” Trưởng lão đáp: “Tâu đại vương! Bần Tăng chưa chứng ngộ pháp Siêu thế.”
“Nhưng, bạch Đại đức! Đại đức đã nói ngay trước buổi lễ cúng dường rằng hai xấp vải sẽ thuộc về Ngài?”
“Đúng vậy, tâu Đại vương! Bởi vì bần Tăng đã thành tựu pháp Sāranīya, nên bất cứ lúc nào có vật dụng phát sanh đến chư Tăng và được phân chia thì những thứ tốt nhất luôn luôn thuộc về bần Tăng.”
“Thưa Đại đức! Thật kỳ diệu! Thật kỳ diệu! Điều kỳ diệu này thật xứng đáng với đại đức.”
Sau khi tôn kính đảnh lễ trưởng lão Tissa, đức vua trở về hoàng
cung.
Đây là ví dụ về lợi ích thứ năm.
(3) Trưởng lão ni Nāga
Vào một thuở nọ, Srilanka trải qua thời kỳ khốn đốn do sự dẫn dầu đám nỗi loạn là Brāhmaṇatissa. Tại một ngôi làng tên là Bhārata, nơi mà trưởng lão ni Nāga trú ngụ, toàn bộ ngôi làng đều bỏ chạy vì sợ bọn nổi loạn nhưng họ không cho trưởng lão ni hay biết. Vào lúc sáng sớm, trưởng lão ni nhận biết sự yên lặng khác thường của ngôi làng và nói với các đệ tử của bà rằng: “Ngôi làng Bhārata yên lặng
thật khác thường. Hãy đi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra”. Các tỳ khưu ni trẻ đi vào ngôi làng và thấy không còn một người nào trong làng, họ bèn trở về thông báo vấn đề với trưởng lão ni.
Trưởng lão ni nói với các đệ tử: “Đừng hốt hoảng xôn xao vì việc bỏ chạy của dân làng. Các ni cứ tiếp tục việc học và hành thiền như bình thường.” Khi đến giờ khất thực, trưởng lão ni Nāga mặc y và đi đến chỗ cây đa to gần cổng làng, dẫn theo mười một đệ tử ni. Vị thọ thần của cây đa đi xuống và dâng cúng vật thực đầy đủ cho mười hai vị tỳ khưu ni. Rồi vị ấy nói với họ rằng: “Thưa Ni trưởng! Xin đừng bỏ đi nơi khác. Hãy luôn luôn đến cây đa này để nhận lãnh vật thực”.
Bấy giờ, trưởng lão ni Nāga có một người em trai, tỳ khưu tên Nāga. Vị ấy nhận định hoàn cảnh và kết luận rằng Srilanka là nơi không an toàn và là nơi không thể tìm thấy chỗ nào để đi khất thực. Thế nên, vị ấy rời khỏi tịnh xá và dẫn theo mười một đệ tử định vượt qua biển vào đất liền. Trước khi rời khỏi Srilanka, vị ấy đến chào tạm biệt người chị cả là trưởng lão ni Nāga. Sau khi hay tin họ đã đi đến ngôi làng Bhārata. Trưởng lão ni bèn đến gặp họ và được trưởng lão Nāga cho hay về ý định vượt biển vào đất liền của vị ấy. Trưởng lão ni bèn nói với vị ấy: “Xin các đại đức hãy ở lại tịnh xá đêm nay, ngày sau rồi hẳn đi tiếp.” Mười hai vị trưởng lão chấp nhận lời thỉnh cầu của ni trưởng.
Trưởng lão ni đi khất thực vào buổi sáng như thường lệ từ cây đa. Bà dâng vật thực đến tỳ khưu Nāga và hội chúng của vị ấy. “Thưa Ni sư! Vật thực này có hợp với lẽ đạo không?” Tỳ khưu Nāga hỏi chị của Ngài và rồi làm thinh. “Thưa đại đức! Vật thực này kiếm được hợp theo lẽ đạo. Đừng nghi ngờ gì cả.”
Những tỳ khưu khác vẫn hoài nghi: “Thưa Ni sư! Nó có hợp với lẽ đạo không?”
Sự tự tin của tỳ khưu Nāga
Nhân đó, trưởng lão ni Nāga bèn cầm cái bát và tung nó lên khiến cái bát đứng yên một lát. Trưởng lão Nāga bèn nói: “ Ngay cả khi cái bát ở trên cao bằng bảy cây cọ, nó vẫn là thức ăn khất thực bởi một tỳ khưu ni, không phải là Đại đức Therī?” Rồi trưởng lão tiếp tục:
“Mối hiểm họa này không kéo dài mãi mãi. Sau khi nạn đói đi qua. Tôi, người đã từng tán dương hạnh tri túc của các bậc Thánh (về bốn món vật dụng) sẽ tự hỏi mình “Này kẻ thọ giới! Ngươi đã thực hành Sa môn hạnh về vật thực, người đã sống còn sau cuộc nổi loạn của Brāhmaṇtissa bằng cách ăn vật thực của một tỳ khưu ni. Tôi không thể chịu đựng sự trách móc bản thân như vậy. Tôi phải đi bây giờ, các vị ở lại trong chánh niệm.”
Vị thọ thần của cây đa đang ngắm nhìn. Nếu tỳ khưu Nāga độ vật thực của trưởng lão ni Nāga thì vị ấy sẽ không nói gì với vị tỳ khưu. Nhưng nếu vị ấy từ chối không nhận thì thọ thần sẽ can thiệp và khuyên vị ấy từ bỏ ý tưởng ra đi. Khi thọ thần thấy rằng tỳ khưu Nāga từ chối không nhận vật thực của ni trưởng Nāga, thọ thần từ cây đa đi xuống và yêu cầu tỳ khưu Nāga trao bát, và thỉnh tỳ khưu cùng với hội chúng của vị ấy đi đến cội cây đa, bèn dâng vật thực đến họ trên những chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Sau bữa ăn, thọ thần nhận được lời hứa của tỳ khưu Nāga là không đi ra nước ngoài. Và kể từ hôm đó trở đi, thọ thần hằng ngày dâng vật thực đến mười hai vị tỳ khưu và mười hai vị tỳ khưu ni trong bảy năm.
Đây là ví dụ về lợi ích thứ sáu.
Trong câu chuyện này, trưởng lão ni Nāga không bị ảnh hưởng của nạn đói nhờ thực hành viên mãn pháp Saranīya. Trong khi đó, tỳ khưu Nāga được thọ thần giúp đỡ nhờ giới hạnh của vị ấy.
Xét về pháp hành Bất thối thứ năm
“Giới luật không bị gãy vụn, không bị sứt mẻ, không bị lấm lem, không bị tỳ vết” được giải thích như vầy:
Đối với các tỳ khưu có bảy nhóm phạm giới. Trong nhóm giới được thọ trì, nếu giới đầu tiên hay giới cuối cùng bị gãy vụn thì nó được gọi là ‘giới gãy vụn’ ( giống như miếng vải mà đường viền bị ố). Nếu các giới bị hư ở phần giữa, nó không còn nguyên vẹn (giống như tấm vải có những lỗi ở phần giữa). Nếu hai hoặc ba giới trong loạt giới bị phạm thì nó là ‘giới lấm lem’ (giống như con bò có những đốm lấm lem trên thân của nó). Nếu có những giới học bị vi phạm ở nhiều chỗ
trong loạt giới thì nó được gọi là ‘giới tỳ vết hay giới lốm đốm’ (như con bò đốm). Giới không bị gãy vụn, sứt mẻ, lấm lem và tỳ vết phải là giới không bị vi phạm theo bốn cách trên ở bất cứ chỗ nào trong sự thọ trì các học giới của vị tỳ khưu.
(Xem cuốn I, phần I của Anudīpanī)
Giới mà không khuyết điểm trong bốn cách kể trên là điều kiện đầy đủ để chứng đắc đạo quả (magga-phala). Người có giới sẽ thoát khỏi xiềng xích của ái dục và do đó trở thành người hạnh phúc thực sự. Bởi vì nó rất thanh tịnh nên nó được Đức Phật và các bậc thánh tán dương. Bởi vì giới ấy không được xem là phương tiện để đạt đến những kiếp sống quý báu rực rỡ trong tương lai như sanh làm một vị thiên (deva) mang một cái tên riêng hay tên chung chung. Nó không phải là tà kiến do sự luyến ái đối với kiếp sống; hay nó không được xem là cái gì đó thường hằng hay vĩnh cửu – một quan niệm sai lầm do tà kiến. Nó được xem là không bị rơi vào quan niệm lầm lạc. Hơn nữa, không một quan niệm lầm lạc nào trong bốn quan niệm được ám chỉ đến loại giới này, nên nó được xem là không bị rơi vào quan niệm lầm lạc. Bởi vì nó là điều kiện tiên quyết để đạt đến cận định (upācāra samādho) và nhập định (appanā samadho), nên nó cũng được gọi là Giới sanh Định. Bởi vì Tứ-thanh-tịnh-giới (catupānsuddhi sīla), của những người phàm phu trên thực tế không thể ngang bằng khi so sánh giữa người này với người kia, chi thứ năm ở đây ám chỉ đến giới của Đạo, Giới siêu thế gian, là giới của tất cả các bậc Thánh (ariya).
Trong chi thứ sáu cũng vậy, Chánh kiến là chi đạo được ám chỉ đến
(Sáu yếu tố Bất thối này được Đức Phật giảng dạy cũng là sáu
yếu tố về Sāranīya, xem Aṅguttara (pháp 2 chi); Dīgha, iii)
Những lời giáo giới của Đức Phật về Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần
Trong thời gian lưu trú tại núi Linh-thứu (Gijjakuṭa) trong thành Vương xá, vì thời gian nhập Niết bàn của Ngài đang tiến gần (chỉ còn một năm và ba tháng kể từ đây), nên bất cứ khi nào Đức Phật
thuyết pháp đến các vị tỳ khưu thì những câu mở đầu sau đây thường được nhắc đi nhắc lại.
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là dục lậu (kammāsavas), hữu lậu (bhavāsavas), và vô minh lậu (avijjāsavas)”.
Đức Phật lưu trú tại vườn Ambalaṭṭhikā
Rồi Đức Phật, sau khi trú ngụ ở Rājagaha cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Ngài bèn nói với đại đức Ānanda rằng :“ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhikā.”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức
Phật.
(Chú thích: Đức Phật nói với đại đức Ānana khi những vị tỳ
khưu đang vây quanh Ngài bởi vì đại đức Ānanda luôn luôn ở gần
Ngài).
Sau khi đã vâng theo lời dạy của Thế Tôn, đại đức Ānanda ra hiệu cho các vị tỳ khưu: “Thưa các hiền hữu, hãy chuẩn bị sẵn sàng bình bát và đại y. Đức Thế Tôn có ý định đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhika.”
Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến vườn xoài Ambalaṭṭhika và khi đến đó Ngài trú ngụ trong nhà nghỉ của đức vua. Trong khi đang ở đó, suy xét về sự diệt độ sắp đến gần của ngài, Đức Phật thuyết giảng đến các vị tỳ khưu bằng những câu mở đầu tương tự như :
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsava), tức là dục lậu (kamāsava), hữu lậu (bhavāsava), và vô minh lậu (avijjāsava).”
Ở đây, trong đọan kinh: “ Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ,” Giới (sīla) ám chỉ đến giới hiệp thế, tức là Tứ thanh tịnh giới (catupārisudhi sīla), Định (samādhi) nghĩa là Định hiệp thế, tức là cận định (upacāra-samādhi) và nhập định (appanā-samādhi). Tuệ (paññā) ám chỉ Tuệ quán hiệp thế (vipassanā-paññā). Tất cả ba yếu tố này là những điều kiện cần thiết để chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa).
“Định được tu tập nhờ giới” nghĩa là định siêu thế liên quan đến đạo (magga) và quả (phala), định của đạo và định của quả. Định của đạo có kết quả to lớn vì nó dẫn đến quả của bậc Thánh (Ariya- phala). Nó cũng có lợi ích lớn bởi vì nó có công đức cao quý của sự giải thoát. Sự diễn dịch tương tự nên được hiểu đối với câu nói tương tự theo sau. Định của quả (phala) đem lại kết quả trực tiếp là đọan trừ được những phiền não do bởi sự chỉ đọan (paṭippassaddhi-pahāna), và cho kết quả gián tiếp là sự an lạc trong sự chấm dứt phiền não.
“Tuệ được tu tập nhờ Định” nghĩa là Tuệ siêu thế (magga-ñāṇa và phala–ñāṇa). Kết quả trực tiếp và gián tiếp của nó nên được hiểu như trong trường hợp của Định.
“Tâm được tu tập nhờ Tuệ” nghĩa là Tuệ quán hiệp thế (vipassanā-paññā) và Tuệ kết hợp với thiền (jhāna). Tâm ở đây nghĩa là tâm siêu thế của đạo và quả (magga-phala). Tâm đạo đọan tận các phiền não bằng sự Chánh đọan (samuccheda pahāna). Tâm quả giúp người ta thoát khỏi các bợn nhơ của phiền não bằng sự chỉ đọan (paṭipassaddhi-pahāna).
Đức Thế Tôn lưu trú tại Nāḷanda
Rồi sau khi Đức Phật trú ngụ tại vườn xoài Ambalaṭṭhikā cho đến khi Ngài cảm thấy vừa đủ, Ngài bèn bảo đại đức Ānanda : “ Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến thị trấn Nāḷanda.”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Đức Phật, và thông báo cho các vị tỳ khưu tháp tùng theo Đức Phật.
Lời phát biểu dũng cảm của Đại đức Sāriputta
Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến thị trấn Nāḷanda và trú ngụ tại vườn xoài của trưởng giả Pāvārika.
Lúc bấy giờ đại đức Sāriputta đi đến chỗ Đức Phật, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, đại đức bèn đi vào cuộc luận đạo sôi nổi và kỳ diệu với Ngài: “Bạch Đức Thế Tôn, con tin rằng trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai, không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ hoàn toàn.”
Đức Phật: “ Ngươi quả thật là đại ngôn và đầy tự tin, như tiếng rống hùng dũng của con sư tử, ngươi tin chắc rằng trong quá khứ, hiện tại hoặc vị lai không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ.”
“ Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của những vị Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác trong quá khứ đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự thực hành về định của các vị Thế Tôn ấy, đây là trí tuệ của các vị Thế Tôn ấy, đây là cách trú trong thiền quả của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự giải thoát của các vị Thế Tôn ấy ?”
“Thưa không, bạch Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của những vị Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác trong tương lai đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự thực hành về định của các vị Thế Tôn ấy, đây là trí tuệ của các vị Thế Tôn ấy, đây là cách trú trong thiền quả của các vị Thế Tôn ấy, đây là sự giải thoát của các vị Thế Tôn ấy ?”
“Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, có phải với tâm của ngươi, ngươi đã biết rõ tâm của Như Lai, là vị Phật hiện tại, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác đến nỗi ngươi có thể quả quyết rằng đây là sự thực hành về giới của Đức Thế Tôn , đây là sự thực hành về định của Đức Thế Tôn , đây là trí tuệ của Đức Thế Tôn , đây là cách trú trong thiền quả của Đức Thế Tôn , đây là sự giải thoát của Đức Thế Tôn?”
“Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.”
“Này Sāriputta, nếu ngươi không có Tha tâm thông (cetopariya-ñāṇa), khả năng đọc được tâm của người khác mà nhờ đó ngươi có thể biết rõ tâm của những vị Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì làm sao người có thể nói ra một cách đại ngôn với sự tin chắc, và phát ra lời nói như tiếng rống của con sư tử rằng, ngươi tin chắc trong quá khứ, hoặc vị lai, không có vị Sa-môn (samana) hay Bà-la-môn (brāhmana) nào vượt trội Đức Thế Tôn về phương diện giác ngộ hoàn toàn?”
“Bạch Thế Tôn, con không có Tha tâm thông (cetopariya- ñāṇa), khả năng đọc được tâm của người khác mà nhờ đó có thể biết rõ tâm của những vị Ứng cúng, Chánh biến tri trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng con có trí dhammanvaya ñāṇa, là loại trí suy ra từ kinh nghiệm cá nhân.”
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu con có thể nêu ra một ví dụ, hãy giả sử rằng có một thị trấn ở vùng biên giới xa xôi có tường thành kiên cố được xây dựng trên một nền móng kiên cố vững chắc mà chỉ có một cổng vòm ra vào, và nơi đó có một người giữ cổng, thông minh, có biệt tài và giàu kinh nghiệm, ngăn chặn những người lạ, chỉ cho vào những ai quen biết. Khi ông ta đi tuần quanh thị trấn, ông ta không thấy có khe hở của tường, không có những lổ hổng trong những bức tường để một con mèo có thể đi qua được. Khi ấy ông ta sẽ kết luận đúng đắn rằng ‘ tất cả những sinh vật to lớn hơn mà đi vào hoặc ra khỏi thị trấn đều phải đi qua cái cổng duy nhất ấy.’
“Dường thế ấy, bạch Đức Thế Tôn, con có loại trí do suy ra từ kinh nghiệm cá nhân. Bạch Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) tất cả chư vị A-la-hán, Chánh đẳng giác mà đã xuất hiện trong quá khứ, đã đọan trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ; đã khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, đã tu tập đúng đắn Thất giác chi; và đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
[Sammāsambodhi-ñāṇa (Chánh Đẳng Giác) là từ ngữ bao gồm chữ Arahatta-magga-ñāṇa (A-la-hán đạo trí) và Sabbannuta-ñāṇa (Nhất thiết trí), là những loại trí chỉ dành cho chư Phật]
“Bạch Đức Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) tất cả chư vị A-la-hán, Chánh đẳng giác xuất hiện trong tương lai sẽ đọan trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và suy yếu trí tuệ; sẽ khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, sẽ tu tập đúng đắn Thất giác chi; và sẽ chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
“Bạch Đức Thế Tôn, (nhờ vậy mà con biết rằng) Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác cũng vậy, mà đã xuất hiện trong thế gian này, đã đọan trừ năm triền cái, đã khéo an trú vào Bốn Niệm xứ, đã tu tập đúng đắn Thất giác chi; và đã chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác.
“Bạch Đức Thế Tôn, tất cả những kết luận này của con là do trí suy ra từ kinh nghiệm cá nhân (dhammanvaya-ñāṇa) mà con có được.”
( Đây là cuộc luận đạo sôi nổi và đáng ghi nhớ diễn ra giữa đại đức Sāriputta và Đức Thế Tôn).
Trong suốt thời gian lưu trú tại khu vườn xoài của trưởng giả Pāvārika trong thị trấn Nāḷanda, cũng như khi đang suy xét về thời gian viên tịch sắp gần kề của Ngài, Đức Phật thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bằng những lời mở đầu tương tự như:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định được tu tập nhờ Giới đem lại kết quả và lợi ích to lớn. Tuệ được tu tập nhờ Định có kết quả và lợi ích to lớn. Tâm được tu tập nhờ Tuệ thì được giải thoát hoàn toàn không còn dư sót phiền não hay lậu hoặc (āsavas), tức là Dục lậu (kammāsavas), Hữu lậu (bhavāsavas), và Vô minh lậu (avijjāsavas).”