CHƯƠNG 40 – P6 Đức Thế Tôn đến ngụ tại khu vườn xoài của Ambapālī tại Vesālī

CHƯƠNG 40 – P6 Đức Thế Tôn đến ngụ tại khu vườn xoài của Ambapālī tại Vesālī

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử

Đức Thế Tôn đến ngụ tại khu vườn xoài của Ambapālī tại Vesālī

Sau khi trú ngụ tại ngôi làng Nātika như ý muốn, Đức Phật nói

với đại đức Ānanda: “Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Vesāli.” “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānandā vâng lời Đức

Phật và đi thông báo với các vị tỳ khưu về chuyến đi. Đức Phật, được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu, lên đường đi đến Vesāli và ngụ ở khu vườn Xoài của kỹ nữ Ambapālī.

Lúc bấy giờ năm trăm vị tỳ khưu đi chung với Đức Phật là những vị tỳ khưu trẻ vừa mới gia nhập vào Tăng chúng, chưa có sự tinh tấn mạnh mẽ. Họ sắp được trông thấy Ambapāli khi nàng đi ra để tiếp đón Đức Phật. Để các vị tỳ khưu trẻ không bị thất niệm khi trông thấy cô kỹ nữ xinh đẹp, đầy quyến rũ, Đức Phật đã ổn định tâm tư của các vị tỳ khưu ấy bằng thời pháp như vầy :

“Này các tỳ khưu, một vị tỳ khưu nên trú trong chánh niệm và tỉnh giác. Đây là lời sách tấn của Như Lai đến các tỳ khưu. Các vị nên chánh niệm như thế nào ? Này các tỳ khưu, trong Giáo pháp này, vị tỳ khưu quán thân trên thân bằng sự tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác, ngõ hầu đọan diệt tham và ưu hằng sanh khởi trong vị ấy. Vị ấy quán thọ trên thọ bằng sự tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác… quán tâm trên tâm… Vị ấy quán pháp (dhamma) trên các pháp ngõ hầu đọan diệt tham và ưu hằng sanh khởi trong vị ấy. Này các tỳ khưu, đây là cách mà vị tỳ khưu giữ tâm chánh niệm. “Này các tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu thực hành tỉnh giác? Này các tỳ khưu, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu thực hành tỉnh giác khi đi tới hoặc đi lui, khi nhìn thẳng tới trước hoặc hai bên, khi co duỗi; khi đắp y Tăng-già-lê, hoặc khi mang bát và đắp y; khi ăn, uống, nhai, nếm đồ ăn; khi đại tiện và tiểu tiện; khi đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức dậy, khi đang nói hay khi im lặng. Này các                                                                                     tỳ khưu, đây là cách mà vị tỳ khưu nên thực hành tỉnh giác.

“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên trú chánh niệm và tỉnh giác. Đây là lời khuyến giáo của Như Lai đến các vị.”

Kỹ nữ Ambapālī

Khi kỹ nữ Ambapālī nghe tin Đức Phật đã đến tại Vesālī và đang trú ngụ ở khu vườn xoài của nàng, nàng bèn sai sửa soạn những cỗ xe ngựa thù thắng nhất cho sự kiện trọng đại (là đi yết kiến Đức Phật), và khi bước lên cỗ xe thù thắng được tháp tùng bởi những cỗ xe thù thắng khác, nàng rời khỏi thành phố Vesālī để đi đến khu vườn xoài của nàng. Sau khi đã đi trên chiếc xe ngựa kéo được một quãng đường vừa phải, nàng xuống xe đi bộ đến yết kiến Đức Phật. Nàng đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ.

Khi kỹ nữ Ambapāli đã ngồi xuống ở nơi phải lẽ, Đức Phật bèn chỉ ra cho nàng thấy những lợi ích trong Giáo pháp, khuyên nàng nên thực hành pháp, và khiến nàng vui thích trong pháp hành. Sau khi Ngài đã chỉ cho nàng thấy những lợi ích trong Giáo pháp, khuyên nàng nên vui thích

trong sự thực hành pháp, kỹ nữ Ambapālī bèn bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn hoan hỉ thọ lãnh sự cúng dường vật thực của con vào ngày mai, cùng với chúng tỳ khưu.” Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.

Rồi, Ambapālī, sau khi biết rằng Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng, bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Ngài   và cung kính ra về.

Những vị công tử Licchavī và kỹ nữAmbapālī

Khi những vị công tử Licchāvi của thành phố Vesāli nghe tin Đức Phật đã đếnVesāli và đang trú ngụ tại khu vườn xoài của kỹ nữ Ambapālī, họ truyền lịnh cho thắng ách những chiếc xe ngựa kéo thù thắng, và bước lên những chiếc xe báu, họ rời khỏi thành phố, được tháp tùng bởi đoàn xe hộ tống.

Một số công tử Licchavī mặc y phục màu xanh đậm và mang đồ trang sức màu xanh đậm, họ mang tướng mạo màu xanh đậm. Một số mặc y phục màu vàng, và mang đồ trang sức màu vàng, họ mang tướng mạo màu vàng. Một số mặc y phục màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ, họ mang tướng mạo màu đỏ. Một số mặc y phục màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng, họ mang tướng mạo màu trắng.

(Chú ý: những vị công tử mặc y phục màu xanh đậm không chỉ mang đồ trang sức màu xanh đậm, mà còn bôi lên người những loại dầu mỡ màu xanh đậm. Hơn nữa, những cỗ xe ngựa mà họ cỡi trên đó cũng được trang trí màu xanh đậm, được đính vào những viên ngọc màu xanh đậm, và được thắng ách những con ngựa với đồ trang sức cũng màu xanh đậm, ngay cả những cây roi và những lá cờ được gắn vào cỗ xe cũng có màu sắc tương tự. Những màu còn lại cũng được làm theo cách tương tự).

Kỹ nữ Ambapālī khiến cho xe của nàng va chạm vào những cỗ xe của những vị công tử Licchavī. Trục xe chạm vào trục xe, bánh xe chạm vào bánh xe, ách xe chạm vào ách xe. Nhân đó, các vị công tử Licchavī nói với kỹ nữ Ambapālī, “Xem kìa, này Ambapālī, tại sao

nàng để cho xe của nàng va vào xe của những vị công tử Licchavī, trục chạm trục, bánh xe chạm bánh xe và ách xe chạm ách xe… ?”

“Thưa các vị công tử ! Chính vì tôi đã thỉnh mời Đức Phật cùng

với chúng Tăng đến thọ lãnh vật thực cúng dường vào ngày mai.” “Thế thì, này Ambapālī, hãy nhường cho chúng tôi đặc ân này

để đổi lấy một trăm ngàn đồng tiền vàng.”

“Thưa các công tử, cho dù các vị có cho tôi cả kinh thành Vesāli này cùng với những thôn ấp, châu quận của nó, tôi cũng sẽ không đổi cho các vị đặc ân cúng dường bữa ăn này.”

Trước câu trả lời khẳng khái của Ambapālī, các vị công tử Licchavī đi tiếp đến vườn xoài của Ambapālī. Đức Phật trông thấy cảnh tráng lệ, rực rỡ của các vị Licchavī đang đi thành đoàn với nhiều màu sắc khác nhau, và nói với các vị tỳ khưu:

“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào mà chưa bao giờ trông thấy chư thiên ở cõi trời Đạo lợi thì hãy nhìn vào nhóm các vị Licchavī ấy. Hãy nhìn vào họ một cách cẩn thận. Hãy chăm chú nhìn vào các vị Licchavī tựa như các vị Licchavī là chư thiên ở cõi Đao lợi thiên.” (Trong văn mạch này, Đức Phật nói với các vị tỳ khưu: “Hãy chăm chú nhìn vào các vị Licchavī tựa như các vị Licchavī là chư thiên ở cõi Tusitā.” Không phải là mang ý nghĩa xem cảnh huy hoàng ấy như là cái gì đó đáng được yêu thích. Câu nói ấy được nói ra ở đây để tạo ấn tượng trong tâm các vị tỳ khưu về sự huy hoàng của loài người được sánh với sự huy hoàng của chư thiên. Đây là cách để nâng cao tâm của một số tỳ khưu như trong những bài kinh Tuần tự thuyết (bắt đầu bằng lợi ích của sự bố thí (dāna-kathā), những lợi ích của sự trì giới (sīla-kathā), bao gồm những kiếp sống may mắn ở trong những cõi chư thiên (sagga-kathā), và đỉnh cao của Tuần tự thuyết là nói về tội của dục lạc (kāmanaṁ ādīnava kathā).

Tuy nhiên câu hỏi vẫn còn: “ Tại sao Đức Phật bảo các vị tỳ khưu nhìn vào các vị Licchavī mà có thể giúp một số tỳ khưu trong thính chúng nghĩ rằng cảnh tượng ấy là tốt đẹp, đáng được ưa thích?” Trong nhiều bài pháp của Đức Phật, thì lời giáo giới thường thấy

không phải là xem các cảnh dục như cảnh sắc là đẹp (suba). Nhưng tại sao lời giáo giới như vậy không được nêu ra ở đây?”

Câu trả lời là như vầy: Đức Phật nói như vậy để đem lại lợi ích cho các vị tỳ khưu. Xin giải rõ như vầy:

Một số tỳ khưu trong chúng Tăng không siêng năng thực hành các phận sự của vị tỳ khưu. Đức Phật muốn chỉ cho họ thấy rằng pháp hành của vị tỳ khưu có thể dẫn đến sự vinh quang của con người mà các vị Licchavī có được. (Hãy so sánh điều này với phương pháp của Đức Phật để làm khởi sanh lợi ích ban đầu của Nanda bằng pháp hành của vị tỳ khưu, bằng cách đưa vị ấy đến các cõi chư thiên và chỉ cho vị ấy thấy sự vinh quang của chư thiên).

Hơn nữa, các vị Licchavī đến đúng lúc sẽ cung cấp một ví dụ cụ thể về tánh vô thường của các pháp. Đối với những vị Licchavī này, địa vị hiện tại của họ rất cao, có thể sánh với chư thiên ở cõi Tusitā, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt trong tay của A-xà-thế (Ajātasattu). Các vị tỳ khưu mà lưu ý đến tánh chất vĩ đại của các vị Licchavī sẽ sớm có cơ hội trông thấy sự sụp đỗ của họ. Khi ấy những vị tỳ khưu này sẽ đạt được tuệ quán về vô thường của chúng sanh hữu tình, dẫn đến đạo quả A-la-hán cùng với bốn Tuệ Phân tích. Đây là lý do thứ hai và quan trọng hơn để Đức Phật khuyến khích các vị tỳ khưu nhìn kỹ các vị công tử Licchavī.

Rồi các vị Licchavī đánh xe của họ đi tiếp đến một quảng đường thích hợp, họ xuống khỏi xe và đi đến Đức Phật. Họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở nơi phải lẻ. Sau khi các vị Licchavī đã ngồi như vậy, Đức Phật chỉ ra những lợi ích trong giáo pháp, sách tấn họ thực hành theo giáo pháp, và làm cho họ hoan hỉ với sự thực hành pháp. Sau khi Ngài chỉ cho họ trông thấy những lợi ích của giáo pháp, và làm cho họ vui thích với pháp hành, các vị công tử Licchavī bèn bạch với Đức Phật, “Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn hoan hỉ thọ nhận sự cúng dường vật thực của chúng con vào ngày mai cùng với chúng tỳ khưu.” Khi ấy Đức Phật bèn nói với họ rằng: “ Này các công tử Licchavī, Như Lai đã nhận lời đến thọ lãnh sự cúng dường vật thực của kỹ nữ Ambapālī rồi.” Nhân đó các công tử Licchavī, sau khi búng

ngón tay của họ (trong sự ngưỡng mộ) bèn thốt lên rằng : “ Thưa các vị, chúng ta đã thua một người đàn bà trẻ! Chúng ta đã thua người đàn bà trẻ!”

Rồi vị Licchavī bày tỏ sự hoan hỉ và tịnh tín của họ trong bài pháp của Đức Phật, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Ngài và cung kính ra đi.

(Về việc này có thể nêu ra câu hỏi rằng: “Các công tử Licchavī đã biết (từ Ambapālī) rằng nàng đã thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến thọ lãnh sự cúng dường vật thực của nàng vào ngày mai rồi, tại sao họ còn thỉnh mời Ngài?

Câu trả lời là: (1) Bởi vì các vị Licchavī không tin lời nói của Ambapālī; và (2) bởi vì họ đánh giá cao về những nghĩa vụ của những người cư sĩ hộ độ. Nhiều sự giải thích về điều này:

  • Các vị công tử Licchavī không xem lời nói của Ambapālī là có giá trị vì họ xem nàng là người đàn bà hư đốn.
  • Thông thường thì những người cư sĩ hộ độ thỉnh mời chư Tăng thọ lãnh vật thực cúng dường khi họ sắp về nhà sau khi nghe thuyết pháp.

Ambapālī cúng dường khu vườn Xoài của nàng đến Đức Phật

Khi đêm đã tàn, kỹ nữ Ambapālī sau khi cho sửa soạn những món ăn thượng vị trong khu vườn xoài của nàng, bèn sai sứ giả đi thông báo với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.” Rồi vào buổi sáng, Đức Phật sắp xếp lại những chiếc y của Ngài, mang bát và đắp Tăng-già-lê, Ngài đến nhà của Ambapālī, được tháp tùng bởi chúng tỳ khưu, và ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sửa soạn sẳn dành cho Ngài.

( Trong nội dung này, ngôi nhà của Ambapālī nên được hiểu là nhà nghỉ mát của nàng trong khu vườn xoài, và không phải là chỗ ngụ thường ngày của nàng trong kinh thành Vesāli. Sự kiện này được chỉ rõ bởi những lời của nàng bạch với Đức Phật: “Con xin cúng dường khu vườn này đến Đức Phật.” Bộ Bhesajjakkhandhaka của phẩm

Vinaya Mahā vagga cũng giải rõ về điều này như vầy: ‘Kỹ nữ Ambapālī, đã dâng cúng vật thực đến Đức Phật và chúng tỳ khưu của Ngài tại nhà nghỉ của nàng trong khu vườn, và dâng cúng chính khu vườn xoài của nàng đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu’).

Kỷ nữ Ambapālī, phục vụ các vị tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu, cung kính cúng dường vật thực thượng vị bằng chính tay của nàng. Sau bữa ăn, nàng ngồi xuống ở chỗ thích hợp và bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, con xin dâng cúng khu vườn này đến chúng Tăng do Đức Thế Tôn dẫn đầu.” Đức Phật chấp nhận sự cúng dường của nàng và sau khi thuyết pháp đến Ambapālī, Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.

Trong khi Đức Phật đang lưu trú ở khu vườn xoài của kỹ nữ Ambapālī tại Vesāli, ở đó Ngài cũng thuyết lại về tầm quan trọng của Giới, Định và Tuệ, là ba pháp của vị tỳ khưu.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 78

Post Views: 398