Chương I – Bảy Nhân Vật Đồng Sanh Với Bồ Tát

Chương I – Bảy Nhân Vật Đồng Sanh Với Bồ Tát

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Bảy nhân vật đồng sanh với Bồ tát

Vào lúc Bồ tát đản sanh, bảy nhân vật sau đây sanh ra cùng một lúc:

(1)    Công chúa Yasodharā, cũng có tên là Baddakaccānā, mẹ của hoàng tử Rāhula,

(2)    Hoàng tử Ānanda,

(3)    Vị quan Channa,

(4)    Vị quan Kāḷudāyī,

(5)    Tuấn mã Kaṇḍaka,

(6)    Cây đại bồ-đề Assattha và

(7)    Sự xuất hiện của bốn hủ vàng.

Vì tất cả sanh ra hay xuất hiện cùng lúc với Bồ tát nên được gọi là bảy nhân vật đồng sanh với Bồ tát. Trong bảy nhân vật này:

(1)    Công chúa Yasodharā Baddakaccānā là con của vua Suppabuddha và hoàng hậu Amittā thuộc vương quốc Devadaha,

(2)     Hoàng tử Ānanda là con trai của vị Thích ca Amittodāna, em trai của vua Suddhodāna,

(3)    Cây đại Bồ đề mọc lên ở trung tâm của khu vực chiến thắng, nơi mà Đức Phật thành đạo ở khu rừng Uruvelā thuộc xứ Trung Ấn,

(4)   Bốn hủ vàng lớn xuất hiện trong những khu vực cung điện của kinh đô Kapilavatthu. Trong bốn hủ vàng này: 

(a)    Hủ vàng Sankha, miệng hủ có đường kính là một gāvuta.

(b)    Hủ vàng Ela, miệng hủ có đường kính là hai gāvuta.

(c)     Hủ vàng Uppala, miệng hủ có đường kính là ba gāvuta.

(d)    Hủ vàng cuối cùng tên là Puṇḍarīka, miệng hủ có đường kính là 4 gāvuta, tương đương một do tuần (yojana).

Khi một số vàng được lấy ra khỏi bốn hủ vàng này thì vàng lại đầy như cũ, không có dấu vết của sự hao hụt. (Bài mô tả về bốn hủ vàng này được nêu ra trong bài kinh Caṅkī của bộ Chú giải Majjhimapaṇṇāsa, và trong bài trình bày về bài kinh Sonadaṇḍa của bộ Chú giải Dīgha Nikāya Sīlakkhandhavagga).

Thứ tự về tên của bảy nhân vật đồng sanh với Bồ tát được nêu ra ở trong các bộ Chú giải về bộ Jātaka và bộ Buddhavaṃsa và trong bài kinh Mahāpadāna của bộ Chú giải Dīgha Nikāya Mahāvagga.

Trong bài kể về câu chuyện của Kāḷudāyī trong bộ Chú giải Aṅguttara và câu chuyện của Rāhula trong bộ Vinaya Sārattha Dīpanī Ṭīkā, tên của Ānanda đã bị bỏ sót trong bài liệt kê. Nó gồm có (1) Cây bồ-đề, (2) Yasodharā, (3) Bốn hủ vàng, (4) Con voi kiết tường tên Ārohanīya, (5) Tuấn mã Kaṇḍaka, (6) Vị quan Channa, (7) Vị quan Kāḷudāyī.

Hoàng hậu Mahāmayā trở về Kapilavatthu

Dân chúng của hai kinh thành Kapilavatthu và Devadaha tiễn hoàng hậu Mahāmāyā và Bồ tát, con trai của bà về kinh thành Kapilavatthu.

Câu chuyện về đạo sĩ Kaḷadevila

Vào ngày Bồ tát và mẹ của Ngài được đưa về kinh đô Kapilavatthu, chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa do Sakka (Đế thích) dẫn đầu, rất hân hoan khi biết rằng: “ Một người con trai tôn quý đã sanh đến cho vua Suddhodana ở kinh thành Kapilavatthu” và “ Người con trai tôn quý này chắc chắn sẽ thành một vị Chánh Đẳng Giác tại thánh địa của cây Bồ-đề Assattha.” Họ tung lên không trung những chiếc áo choàng của họ, vỗ tay, v.v… và bày tỏ những hình thức hoan hỉ khác.

Lúc bấy giờ đạo sĩ Kāḷadevila, bậc đã chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, thường hay độ thực ở cung điện của vua Suddhodana, rồi bay lên cõi Tāvatiṃsa và nghỉ ngơi suốt ngày trên đó. Vị ấy ngồi trên chiếc ghế bằng ngọc bảy báu trong cung điện và thọ hưởng sự an lạc của thiền định. Khi xuất khỏi thiền, đứng trước cửa cung điện và nhìn quanh, vị ấy trông thấy Sakka đang hân hoan, vui mừng và chư thiên đang tung lên trời những chiếc khăn vấn đầu, những chiếc áo khoác của họ và đang tán dương những ân đức của Bồ tát trên con đường chính của chư thiên dài sáu mươi do tuần. Đạo sĩ hỏi, “ Thưa chư thiên, điều gì làm cho các vị hoan hỉ và vui vẻ như thế ? Hãy cho bần đạo biết lý do.”

Nhân đó, chư thiên bèn trả lời: “ Kính bạch đạo sĩ, một người con trai tôn quý đã sanh đến cho vua Suddhodāna ngày hôm nay. Người con trai tôn quý ấy, khi ngồi kiết già dưới cội cây bồ-đề Assattha nơi thiêng liêng nhất, là trung tâm của vũ trụ, sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Khi ấy Ngài sẽ thuyết pháp, chuyển bánh xe pháp. Như vậy chúng tôi sẽ có được cơ hội vàng ngọc là được thấy oai đức vô lượng của một vị Phật và được nghe giáo pháp cao siêu của Ngài. Đó là lý do khiến chúng tôi vui sướng hân hoan.”

Sau khi nghe câu trả lời của chư thiên, đạo sĩ Kāḷadevila vội vã rời khỏi Tāvatiṃsa và vào ngồi nơi đã chuẩn bị sẵn trong cung điện của vua Suddhodāna. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi với đức vua, đạo sĩ Kāḷadevila nói rằng “Tâu bệ hạ, tôi đã nghe rằng một người con trai tôn quý đã sanh đến cho bệ hạ. Tôi muốn gặp mặt thái tử.” Đức vua truyền lịnh đưa thái tử đến với y phục chỉnh tề, và đức vua bồng đứa con trai để trước mặt vị quốc sư để bày tỏ sự tôn kính. Khi Bồ tát được đưa đến trước như vậy thì hai chân của Ngài bay bổng lên và đứng trên búi tóc của đạo sĩ giống như tia chớp xẹt xuống đỉnh của những đám mây đen.

Điểm đặc biệt lưu ý: Quả thật không có ai để Bồ tát phải hạ mình tôn kính trong kiếp cuối của Ngài. Nếu có ai đó, vì không biết điều này mà đặt đầu của Bồ tát dưới chân của Kāḷadevila thì cái đầu của Kāḷadevila sẽ vỡ thành bảy mảnh.

Khi nhận ra oai lực kỳ diệu và phi thường này của Thái tử, đạo sĩ Kāḷadevila quyết định rằng: “ Ta sẽ không tự hủy hoại mình.” Đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, vị ấy chấp tay đảnh lễ Thái tử. Chứng kiến cảnh kỳ diệu này, vua Suddhodāna cũng cúi mình trước chính người con của mình.

Hành động cười và khóc của đạo sĩ Kāḷadevila

Kāḷadevila, sau khi chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, có thể nhớ lại các sự kiện trong bốn mươi kiếp quá khứ và thấy trước (biết trước) các sự kiện trong bốn mươi kiếp tương lai. Như vậy vị ấy có khả năng nhớ lại và biết rõ những sự kiện trong tám mươi kiếp. (Chi tiết mô tả về Kāḷadevila được nêu ra trong phần Anudīpanī).

Sau khi ngắm nhìn kỹ những tướng chính và phụ trên người của Thái tử, đạo sĩ Kāḷadevila suy gẫm việc Thái tử sẽ thành Phật hay không và với trí tuệ biết rõ tương lai, đạo sĩ thấy rằng Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật. Do trí tuệ thấy rằng “ Đây là con người cao cả.” Đạo sĩ bật cười trong nỗi hoan hỷ tột cùng.

Đạo sĩ lại suy ngẫm xem bản thân có được thấy Thái tử thành Phật hay không; qua trí tuệ biết rõ tương lai đạo sĩ biết rằng, trước khi Thái tử chứng đắc Phật quả thì bản thân vị ấy đã hết tuổi thọ và tái sanh vào cõi Phạm thiên vô sắc, nơi đó các vị Phạm thiên vô sắc không thể nghe được giáo pháp bất tử cho dù có hằng trăm hằng ngàn vị Phật đến và thuyết pháp. “Ta sẽ không có cơ hội trông thấy và đảnh lễ con người cao siêu này, bậc có đầy đủ phước báu Ba-la-mật vô song. Đây là sự mất mát lớn đối với ta.” Sau khi nói thế và đầy sầu khổ, đạo sĩ Kāḷadevila bật khóc nức nở.

(Cõi vô sắc (arūpa) của các vị Phạm thiên là cõi hoàn toàn không có sắc pháp, chỉ có tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) mà thôi. Cõi ấy chứa những hạng phàm phu tam nhân (tihetuka puthujjana) với ba căn (vô tham, vô sân và vô si) và những bậc thánh như Tu-đà-hườn (Sotāpanna), Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī), và A-na- hàm (Anāgāmī), là những bậc đã chứng thiền vô sắc (arūpa jhāna). Những vị Sotāpanna, Sakadāgāmī và Anāgāmī đã sanh về cõi Phạm thiên vô sắc (arūpa brahma) ấy thì sẽ không còn trở lại những cõi thấp hơn. Vì khi còn ở các cõi thiện dục giới (kāma sugati) và các cõi sắc (rūpa) giới, các ngài đã thực hành pháp Thiền quán tuệ (Vipassanā) và đã chứng đắc các tầng thánh bậc thấp, nên khi sanh về các cõi vô sắc các ngài vẫn có thể tiếp tục pháp hành thiền tuệ và chứng đắc các tầng thánh cao hơn cho đến chứng đắc đạo quả A-la-hán và chấm dứt luân hồi, cho dù các ngài không nghe pháp từ bất cứ ai. Những kẻ phàm phu có tam nhân (những bậc đã đắc thiền vô sắc ở cõi người) như các đạo sĩ Kāḷadevila, Āḷāra và Udaka thì tái sanh về cõi vô sắc khi thân hoại mạng chung. Vì cõi này có đặc tánh là không có sắc pháp nên những chúng sanh tái sanh về đó hoàn toàn không có mắt (cakkhupasāda) để nhìn thấy Đức Phật và không có tai (sotapasāda) để nghe Pháp. Như vậy họ không thể trông thấy Đức Phật cũng không thể nghe giáo pháp của Ngài cho dù Ngài đến đó thuyết pháp. Thực tế thì chư Phật không đi đến và thuyết pháp ở cõi vô sắc. Và nếu những kẻ phàm phu không có cơ hội để nghe pháp thì họ sẽ không bao giờ chứng đắc Đạo Quả).

Đạo sĩ Kāḷadevila và Udaka đã sanh về cõi vô sắc Phi tưởng phi phi tưởng (nevasaññā-nāsaññāyatana arūpa) sẽ ở trong luân hồi (saṁsāra) suốt tám mươi bốn ngàn đại kiếp. Đạo sĩ Āḷāra sanh về cõi vô sắc Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana arūpa) và sống ở đó trong sáu chục ngàn đại kiếp. Do đó, cho dù chư Phật có xuất hiện ở cõi người trong đại kiếp này, thì họ cũng không có cơ hội để chứng ngộ giải thoát.

Về điểm này, người ta hỏi rằng phải chăng đạo sĩ Kāḷadevila không thể tái sanh vào một cõi sắc giới nào đó nếu vị ấy hướng tâm về cõi đó? Câu trả lời: Vì đạo sĩ đã chứng đắc tám tầng thiền hợp thế, nên sự tái sanh của vị ấy có thể xảy ra ở bất cứ cõi nào trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc đến cõi cao nhất là cõi Vehapphala (Quãng quả thiên) nếu vị ấy có ước muốn như vậy.

Người ta hỏi rằng: “Nếu có cơ hội như vậy, tại sao đạo sĩ Kāḷadevila không ước được sanh vào một trong mười cõi sắc giới theo sự chọn lựa của vị ấy ?” Câu trả lời là đạo sĩ không có ước muốn ấy là vì vị ấy không đủ thiện xảo để làm như vậy. Đại ý là: Người chứng được Bát thiền có thể tái sanh vào cõi sắc giới hoặc vô sắc giới mà vị ấy thích. Nếu sanh về đó, vị ấy sẽ có cơ hội đảnh lễ Đức Phật với tư cách là một vị Phạm thiên hữu sắc (rūpa Brahmā). Nhưng vị ấy không sanh về đó là vì vị ấy thiếu sự thiện xảo thích hợp để hướng tâm về cõi đặc biệt ấy, cõi thấp hơn các cõi vô sắc.

(Thêm một vấn đề khác: “Kāḷadevila là người đã trấn phục ưu bi (domanassa) vì đã chứng đắc các tầng thiền thì lẽ ra không nên đầu hàng cảm thọ bất lạc ấy và chảy nước mắt.” Vị ấy làm như vậy vì trấn phục được ưu bi nhưng chưa đoạn diệt được nó. Giải rõ hơn : Chỉ những phiền não đã bị đoạn diệt hoàn toàn do bởi thánh Đạo thì không thể tái xuất hiện trong dòng tâm của vị thánh ấy. Nhưng những phiền não chỉ vắng lặng trong tâm của người chứng đắc các tầng thiền hiệp thế, thì có khả năng khi gặp điều gì đó đủ mạnh để kéo chúng xuất hiện trở lại. Kāḷadevila chưa đoạn diệt những phiền não như vậy mà chỉ trấn phục chúng nên vị ấy khóc là điều không lạ).

(Lại một câu hỏi khác được đặt ra là: Làm sao đạo sĩ Kāḷadevila có thể tái sanh vào cõi vô sắc khi vị ấy đã bị đứt thiền do ưu bi khởi sanh lúc vị ấy khóc? Câu trả lời là vị ấy có thể tái sanh. Đạo sĩ có thể nhập thiền trở lại mà không cần phải cố gắng. Nói rõ hơn: Những phiền não mà các vị Yogi còn phàm vừa mới đoạn trừ có thể khởi sanh lại, do một cảnh bất thiện mạnh mẽ nào đó và vì thế làm cho các vị Yogi bị đứt thiền nhưng nếu các phiền não không đến mức độ mạnh nhất thì các vị này có thể nhập thiền trở lại ngay khi những phiền não ấy được nhiếp phục mà người khác không thể biết được điều này).

(Tóm lại, giống như đạo sĩ Kāḷadevila, những người đã đắc Bát thiền có thể tái sanh vào một trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc là những cõi thấp hơn, hoặc một trong bốn cõi Phạm thiên vô sắc, là những cõi cao hơn, nếu họ đã chuẩn bị tâm để làm như vậy. Nếu họ không chuẩn bị tâm, họ chỉ tái sanh vào cõi đã quyết định bởi tầng thiền cao nhất vì riêng tầng thiền ấy quyết định sự tái sanh. Kiến thức cho rằng người ta có thể đạt đến bất cứ cõi nào mà họ hướng tâm đến là kiến thức chỉ có được trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên, ngoài giáo pháp của Đức Phật thì không có sự thấu hiểu như vậy. Kāḷadevila không phải là đệ tử của Đức Phật nên không ở trong giáo pháp của Đức Phật. Do đó, vị ấy không biết phương pháp rèn luyện tâm. Nếu vị ấy biết, thì vị ấy có lẽ đã làm như vậy để được tái sanh vào một trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc, trong đó Vehapphala (Quảng quả thiên) là cõi cao nhất. Nếu vị ấy làm thế, vị ấy có lẽ đã tái sanh ở đó và có cơ hội để yết kiến Đức Phật. Nhưng vì vô minh đã che mờ khiến vị ấy đã không làm điều thích hợp cho bản thân. Thế nên, Kāḷadevila đã tái sanh vào Phi tưởng phi phi tưởng vô sắc giới (Nevasaññā-nāsaññāyatana arūpa), là cõi vô sắc cao nhất. Và khi quán thấy sự tái sanh sắp đến của mình vị ấy ưu phiền đến nỗi không kìm được nước mắt. Khi khóc như vậy, đạo sĩ đã đánh mất các tầng thiền của mình. Nhưng vì đạo sĩ không phạm phải đại ác nghiệp nào nên vị ấy đắc định trở lại bằng cách tiếp tục lại những bước thực hành ban đầu của pháp thiền Kasiṇa một cách quen thuộc, ngay khi sức mạnh của ưu bi lắng xuống, nên không ai hay biết việc vị ấy bị  đứt thiền. Đạo sĩ Kāḷadevila vào lúc mạng chung đã chứng đắc tầng thiền cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định nên vị ấy tái sanh về đó).

Sự thắc mắc của mọi người

Các quan trông thấy đạo sĩ khi cười khi khóc, họ suy nghĩ như vầy: “ Vị đạo sĩ đáng kính của chúng ta cười rồi lại khóc, thật kỳ lạ.” Họ bèn dò hỏi: “ Thưa đạo sĩ, tai họa gì xảy đến cho con trai của chủ chúng tôi chăng?” “Không có tai họa nào xảy đến cho Thái tử. Thực vậy, vị ấy sẽ thành Phật.” “Thế thì tại sao đạo sĩ lại khóc ?” Các quan lại hỏi. “ Bởi vì ta không có được cơ hội trông thấy sự thành đạo của một con người cao cả có những đức tánh kỳ diệu như vậy. Đây là sự mất mát to lớn đối với ta. Vì nghĩ vậy nên ta mới than khóc.” Đạo sĩ trả lời.

(Câu chuyện trên được kể lại đúng với những gì được mô tả trong các bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka và bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra. Trong một số tác phẩm viết về cuộc đời của Đức Phật bằng văn xuôi, nội dung như sau: Khi vua Suddhodāna hỏi: “ Thái tử sẽ đi xuất gia và thành Phật năm bao nhiêu tuổi?” Kāladevila trả lời : “ Năm Thái tử ba mươi lăm tuổi.” Đây là phần suy diễn được rút ra từ lời của đạo sĩ Kāladevila nói với đứa cháu trai (con trai của người em gái), chàng thanh niên Nālaka, “Này cháu Nālaka, đức vua Suddhodana đã có một người con trai, chính người con trai này là Đức Phật đương lai; Ngài sẽ thành đạo ở tuổi ba mươi lăm.” Đức vua không hài lòng khi nghe rằng con trai của mình sẽ thành Phật, vị ấy chỉ muốn thấy con trai của mình làm Chuyển luân vương. Do đó, đức vua hỏi về thời gian đi xuất gia và thành Phật của con trai. Đó là lý do khiến có sự lướt bỏ đoạn văn như vậy trong các bộ Chú giải và Phụ chú giải. Ở đây trong tác phẩm này cũng vậy, chúng tôi không nêu ra nội dung của đoạn văn kể trên).

Sự xuất gia của thanh niên Nālaka

Sau khi trả lời như vậy, đạo sĩ Kāḷadevila suy ngẫm: “Tuy ta không được trông thấy sự thành đạo của Thái tử Bồ tát, nhưng hiện ai trong quyến thuộc của ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự kiện ấy?” Rồi vị ấy thấy rằng đứa cháu trai Nālaka sẽ có cơ hội ấy. Thế nên, đạo sĩ đi đến nơi của người em gái, và cho gọi đứa cháu trai đến, bèn nói với cậu ta rằng: “Này cháu Nālaka, việc người con trai của vua Suddhodana ra đời trong hoàng cung. Thái tử là hiện thân của một vị Bồ tát. Ngài sẽ thành Phật khi đến tuổi ba mươi lăm. Cháu là người đáng được yết kiến Đức Phật. Do đó, cháu nên đi xuất gia ngay ngày hôm nay.”

Tuy sanh trong gia đình giàu có, tài sản của cha mẹ trị giá lên đến tám trăm bảy chục triệu đồng tiền vàng, nhưng chàng trai Nālaka đặt niềm tin nơi cậu và nghĩ rằng: “ Cậu của ta không bao giờ bảo ta làm điều gì bất lợi. Vị ấy dạy như vậy vì điều đó thật sự có lợi ích.” Kết luận như vậy, cậu ta sai người mua về y và bát của Sa-môn và ngay lập tức cạo râu tóc và mặc vào y phục Sa-môn, Nālaka tự nhủ: “ Ta xuất gia đây vì niềm tịnh tín đối với Đức Phật, bậc cao quý nhất trong thế gian. (Ta xuất gia để được gặp Đức Phật, chắc chắn Ngài sẽ xuất hiện).”

Sau khi nói vậy, cậu ta quay mặt về hướng Kapilavatthu, nơi Bồ tát đang trú ngụ, và chấp tay tôn kính đảnh lễ với năm điểm chạm đất. Sau đó cậu ta đặt cái bát vào trong cái túi, mang nó trên vai và đi vào Himalaya, Nālaka thực hành pháp khổ hạnh trong rừng trong khi chờ đợi Đức Phật

(Liên quan đến sự đản sanh của Bồ tát, lịch sử về dòng dõi của Ngài cùng với sự thành lập kinh đô Kapilavatthu được nêu ra trong phần Anudīpanī).

Sự tiên tri các tướng trên người của Bồ tát trong lễ Gội đầu và Đặt tên

Vào ngày thứ năm sau khi Bồ tát đản sanh, vua cha Suddhodana tổ chức lễ Gội đầu, và ý định đặt tên cho con trai, đức  vua sai rải khắp hoàng cung bốn loại bột thơm, đó là: tagara (linh lăng hương), lavaṅga (đinh hương), kuṅkuma (bột nghệ tây) và tamala ( một loại cây cho bột thơm), và cũng sai rải năm loại hoa phẩm, đó là : saddala (một loại cỏ), gạo, hạt mù tạt, nụ hoa lài và hột nổ. Đức vua cũng sai nấu món cơm sữa tinh khiết không có nước, và cho mời một trăm lẻ tám vị Bà-la-môn thông thái rành mạch về Tam Phệ đà, và chuẩn bị cho họ chỗ ngồi tốt và sạch sẽ trong hoàng cung và đãi họ món cơm sữa thượng vị.

( Bốn loại bột thơm ở đây đúng với những gì được nêu ra trong bài kinh Sekha, Majjhima Paṇṇāsa Ṭīkā và trong phần Ṭīkā về bài kinh Mahāparinibbāna. (a) Tuy nhiên, trong bài kinh Mahāsudassana, kuṅkuma được thay thế bằng turukkha. (b) Trong bài trình bày về Avidure Nidāna, v.v… Jātaka Ṭīkā, sự liệt kê là đàn hương, linh lăng hương, long não và tinh chất của đàn hương. (c) Trong bộ Magadha Abhidhāna (Abhidhānappadīpikā), bốn loại bột thơm là bột nghệ tây, đinh hương, bột cây tagara và turukkha; (d) Trong bài kinh thứ sáu của phẩm Āsīvisa Vagga, Salāyatana Saṃyutta Ṭīkā, gồm có bột nghệ tây, turukkha, đinh hương, và tamala; (e) Bộ Mālālaṅkāra vatthu thì mô tả là sāla, mahātagara, tinh chất của cây long não và tinh chất của gỗ đàn hương; (f) Bộ Jinatthapakāsanī thì kể ra là aguru ( gỗ cây lô hội), tagara, long não và đàn hương).

Sau khi thết đãi long trọng như vậy, đức vua tôn vinh họ bằng các lễ vật quí giá, và từ một trăm lẻ tám vị Bà-la-môn, tám vị được tuyển chọn tiên đoán về các tướng trên thân của Thái tử.

Trong tám vị Bà-la-môn được tuyển chọn, bảy vị là : Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Jotimanta, Yañña, Subhoja và Suyāma, sau khi xem xét các tướng trên thân của Thái tử, mỗi vị đều đưa lên hai ngón tay và cho lời tiên tri như sau: “ Nếu sống cuộc đời gia chủ thì Thái tử sẽ thành một vị Chuyển luân vương, trị vì khắp bốn đại châu. Tuy nhiên, nếu xuất gia làm Sa-môn thì Thái tử sẽ thành Phật.”

Nhưng Sudatta thuộc dòng Bà-la-môn Koṇḍañña, người trẻ tuổi nhất trong tám vị, sau khi xem xét cẩn thận các tướng của bậc đại nhân trên thân của Thái tử, đưa lên một ngón tay và chỉ tiên tri một câu như sau: “ Không có lý do gì để Thái tử sống cuộc đời thế tục. Ngài chắc chắn sẽ thành Phật, phá tan bức màn phiền não.”

(Vị Bà-la-môn trẻ Sudatta của dòng dõi Koṇḍañña là người mà trong kiếp hiện tại của vị ấy là kiếp chót và do tích lũy nhiều phước báu trong quá khứ đã giúp vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán. Thế nên, vị ấy xuất sắc hơn bảy vị bà-la-môn thâm niên lạp trưởng kia về kiến thức và có thể thấy trước khả năng thành Phật của Thái tử nên vị ấy mới tự tin đưa chỉ một ngón tay).

Sự tiên tri các tướng do chàng trai Sudatta, người thuộc dòng dõi Koṇḍañña, đưa lên chỉ một ngón tay đã được tất cả các vị Bà-la- môn uyên bác công nhận.

Khoa giải tướng nơi các bậc đại nhân

Các vị Bà-la-môn có thể biết được các tướng trên thân của bậc đại nhân như Đức Phật và những vị thánh khác là do những sự kiện sau: Vào thời điểm, khi một vị Phật sắp xuất hiện thì các vị Phạm thiên ở cõi Tịnh cư thiên đưa các bộ sách về thiên văn, những bài biên soạn về cách giải các tướng, v.v… của bậc đại nhân sẽ thành Phật (Buddha Mahāpurisa Lakkhana). Các vị Phạm thiên đi xuống cõi nhân loại và trong hình tướng những vị thầy Bà-la-môn dạy học trò. Các giáo sư ấy cho rằng: “ Những ai có phước đã tích lũy và có trí tuệ thành thục sẽ học được những bộ sách về thiên văn, bao gồm thuật xem tướng của bậc đại nhân.” Đó là lý do khiến những vị Bà-la-môn này có thể xem được những tướng báo trước sự chứng đắc Phật quả và những điều khác.

Ba mươi hai tướng của bậc đại nhân

  1.   Bàn chân bằng phẳng và đầy đặn;
  2.   Một trăm lẻ tám vòng tròn nhỏ trên mỗi bàn chân, với bánh xe có một ngàn căm, vành xe, trục xe và tất cả những tướng khác;
  3.   Hai gót chân nhô ra;
  4.   Ngón tay và ngón chân dài và thon;
  5.   Lòng bàn tay và lòng bàn chân mềm mại;
  6.   Ngón chân và ngón tay đều đặn như những song cửa sổ bằng vàng của hoàng cung, kẽ hở giữa hai ngón tay và giữa hai ngón chân rất khít;
  7.   Hai mắt cá chân hơi cao và không dính bụi;
  8.   Hai chân giống như của loài sơn dương tên eṇī;
  9.   Cánh tay có bàn tay dài, có thể chạm đến đầu gối khi đứng thẳng;
  10. Tướng mã âm tàng, tức bộ phận sinh dục ẩn dạng trong lớp da bọc ngoài giống như của con voi Chaddanta;
  11.   Nước da vàng và sáng như vàng ròng siṅgīnikkha;
  12.   Da nhẵn mịn, bụi không thể bám vào;
  13.   Lông trên người, mỗi lỗ chỉ có một sợi;
  14.  Mỗi sợi lông trên thân của Bồ tát đều xoắn lên phía trên, tựa như chúng đang cung kính nhìn lên mặt của Ngài;
  15.  Thân thẳng như thân của Phạm thiên;
  16.  Bảy chỗ trên thân có thịt đầy đặn: hai phần trên của bàn chân, hai mu của bàn tay, hai vai và cổ;
  17.  Thân của Ngài đầy đặn và khéo phát triển như phần trước của con sư tử.
  18.  Mặt sau của thân đầy đặn và khéo phát triển từ cổ xuống thắt lưng như tấm đi-văng bằng vàng, không có vết rảnh ở giữa xương sống;
  19.  Thân của ngài cân đối như cây đa tỏa nhánh tròn vì chiều cao của thân và sải tay của Ngài có kích thước bằng nhau;
  20.  Cổ của Ngài tròn đều;
  21.  Bảy ngàn mao mạch tập trung ở cuống họng và truyền vị của vật thực đi khắp thân dù vật thực ấy nhỏ bằng hạt mè;
  22.    Cằm sư tử ( hơi giống cằm của người sắp mỉm cười);
  23.   Răng của Ngài có đúng bốn mươi cái;
  24.   Hàm răng đều đặn;
  25.   Răng rất khít, không có kẽ hở;
  26.   Bốn chiếc răng nhọn của Ngài trắng và sáng như sao mai;
  27.   Lưỡi dài, dẹp và mềm;
  28.   Giọng nói có tám đặc tánh giống như giọng nói của Phạm thiên;
  29.   Đôi mắt Ngài xanh trong;
  30.   Lông mi mềm và mượt giống như lông mi của bê con mới sanh;
  31.   Tướng bạch hào mi giữa hai chân mày;
  32.   Tướng lớp thịt mỏng xuất hiện tự nhiên ở trán, như dãi băng thêu bằng chỉ sợi vàng vấn quanh đầu.

Đây là ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân (được trích ra từ bài kinh Mahāpadāna và Lakkhana của Dīgha Nikāya -Trường bộ kinh cũng như từ bài kinh Brahmāyu của Majjhima Nikāya -Trung bộ kinh).

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 23

Post Views: 309