CHƯƠNG 9. ĐỨC PHẬT QUÁN XÉT TÁNH CHẤT CAO SIÊU CỦA PHÁP
Sau khi trải qua bảy tuần lễ thọ hưởng sự an lạc của giải thoát trong khu vực gần cây Đại thọ bồ-đề, đến ngày thứ năm mươi, Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi dưới cội cây Rājāyatana và lại trở về cội cây đa Ajapāla. Sau khi ngồi kiết già dưới cội cây ấy trong cảnh vắng vẻ như vậy, Đức Phật suy xét:
“Pháp uẩn, Tứ Diệu Đế mà Ta đã giác ngộ bằng Tự tại trí (sayambhū-ñāṇa) quả thật thậm thâm vi diệu (như khối nước nâng đỡ quả đất từ bên dưới). Pháp ấy quả thật khó thấy (như hạt cải chìm sâu trong ngọn núi Meru); pháp ấy quả thật khó hiểu (khó như việc phân chẻ sợi lông đuôi của con thú ra thành một trăm sợi nhỏ); pháp ấy quả thật tịch tịnh; pháp ấy quả thật cao quý. (Hai thuộc tánh này chỉ pháp Siêu thế gian – Lokuttara Dhamma). Đó không phải là pháp dành cho những người duy lý, truy cứu bằng trí suy luận (vitakka). (Pháp chỉ được lãnh hội bằng Trí tu – Ñāṇa-paññā). Pháp ấy quả thật vi tế; đó là Pháp chỉ được giác ngộ bởi những Bậc trí có pháp hành đúng đắn. Tuy nhiên, tất cả những chúng sanh này lại thấy vui thích trong hai hình thức của sự tham luyến, đó là tham luyến năm loại vật dục (kāmālaya) và tham luyến sự thọ hưởng năm loại dục lạc (taṇhālya). Những chúng sanh vui thích trong hai hình thức tham luyến này, thực sự không thể lãnh hội được pháp Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda), mối liên hệ Nhân Quả. Càng khó hơn cho họ là sự giác ngộ Niết bàn, là pháp diệt tắt tất cả pháp hữu vi (saṅkhāra), sự loại bỏ hoàn toàn mọi y trú (upadhi) bao gồm: dục y trú (kām’upadhi), uẩn y trú (khandh’upadhi), phiền não y trú (kiles’upadhi), và hành y trú (abhisaṅkhār’upadhi), là sự khô kiệt 108 loại ái dục (taṇhā), là sự tắt lịm một ngàn năm trăm hình thức phiền não và tham ái (kilesarāga) và là sự chấm dứt tất cả đau khổ. Cũng vậy, nếu Ta thuyết pháp thậm thâm, vi diệu như thế thì chư thiên và nhân loại có ngũ quyền (indriya) chưa trưởng thành, chưa được tu tập đầy đủ để giải thoát sẽ không thấy hoặc hiểu được pháp ấy. Thuyết Pháp đến chư thiên và nhân loại như vậy chỉ hoài công cho Ta thôi.
Hơn nữa, hai câu kệ rất vi diệu mà chưa được nghe trước kia, đã xuất hiện trong dòng tâm của Đức Phật như sau:
(1) Kicchena me adhigataṁ
halaṁ dāni pakāsituṃ
rāgadosaparetehi
ñāyaṁ Dāmma Susambuddho.
(2) Paṭisotagāmiṁ nipuṇaṁ
gambhīraṁ duddasam aṇuṁ
rāgarattā na dakkhanti
tamokhandhena āvutā.
(1) Quả thật chưa có cơ hội để thuyết đến chư thiên và nhân loại pháp Tứ đế mà Ta đã chứng đạt qua nỗ lực tu tập Ba-la-mật (pāramī) . Ngay thời điểm này, khi mà trong Ta, tâm bi mẫn đang hiện diện là nhơn duyên nội tại (ajjhattika-nidāna), nhưng chưa có lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên, bậc được thế gian tôn kính (lokagaru), là nhơn duyên ngoại tại (bāhira-nidāna). Pháp Tứ đế này không dễ hiểu, không dễ tỏ ngộ đối với những người lòng còn đầy tham sân.
(2) Tất cả chư thiên và nhân loại bị che án bởi bóng tối của vô minh (avijja), dày đặc đến nỗi họ không có con mắt trí tuệ, họ khao khát dục lạc (kāma-rāga), tiếp tục sanh hữu (bhava-rāga) và tà kiến (diṭṭhi-rāga) nên họ sẽ không thấy được pháp Tứ thánh đế – pháp vi diệu, thậm thâm (như khối nước nâng đỡ quả đất từ bên dưới), khó thấy (như hạt cải bị vùi lấp trong ngọn núi Tu di to lớn), tinh tế như vi thể nguyên tử, là pháp dẫn đến Niết bàn chấm dứt luân hồi sanh tử. (Ý nghĩa này vốn là pháp tánh (dhammatā), tu tập xảy đến với tất cả chư Phật).
Đức Phật sau khi đã suy xét như vậy, Ngài không có ý muốn thuyết pháp ngay vì ba lý do sau đây: (1) Tâm của chúng sanh dẫy đầy phiền não, (2) Giáo pháp rất thậm thâm, và (3) Đức Phật rất kính trọng Diệu pháp.
Cách suy nghĩ của Đức Phật giống như cách suy nghĩ của vị lương y khi chữa bệnh nhiều căn bịnh khác nhau, ông ta suy nghĩ : “ Người bịnh này nên được chữa trị bằng cách nào và bằng loại thuốc nào mới khỏi bịnh?” Đức Phật cũng thế, một mặt Ngài biết chúng sanh mang nhiều căn bịnh phiền não khác nhau; mặt khác, diệu pháp rất thâm sâu, không dễ dàng thấy biết. Ngài suy xét: “ Nên dạy pháp nào đến những chúng sanh này và nên ứng dụng phương pháp trình tự nào để giảng dạy cho họ.”
Một bản dịch khác: Có hai nguyên nhân (nidāna) để Đức Phật thuyết giảng Pháp : (1) Tâm bi mẫn đối với chúng sanh khởi sanh trong dòng tâm của chư Phật, tức là Đại bi tâm (Mahā-karuṇā) là yếu tố nội tại (ajjhattika), (2) Hành động của Đại Phạm thiên – bậc được thế gian tôn kính, thỉnh cầu Đức Phật thuyết giảng Pháp, tức là lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên (Brahmayācana) là yếu tố ngoại tại (bāhira). Thời điểm Đức Phật suy xét tánh chất thâm sâu của Pháp và sự dẫy đầy phiền não (kilesa) trong chúng sanh; lúc ấy tâm đại bi (mahā-karuṇā) của Đức Phật – yếu tố nội tại (ajjhanttika-nidāna) đã sanh lên rồi, nhưng vẫn còn thiếu yếu tố ngoại tại (bāhira-nidāna) vì Đại phạm thiên chưa thỉnh cầu. Chỉ cần yếu tố ngoại tại là lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên, thì Đức Phật sẽ thuyết giảng Pháp.
Sự thuyết giảng Pháp khi có lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên là thông lệ của mỗi vị Phật. Lý do Đức Phật thuyết pháp chỉ khi nào có lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên là như thế này: Trước khi Đức Phật xuất hiện trong thế gian, những người được xem là bậc giới đức, bất kể họ là cư sĩ, đạo sĩ, Sa-môn hay Bà-la-môn chỉ sùng bái Đại phạm thiên. Nếu Đại phạm thiên – bậc được thế gian sùng kính tỏ sự tôn kính đến Đức Phật của vị này bằng cách chấp tay, cúi đầu trước Ngài thì toàn thể thế gian cũng sẽ làm như vậy, sẽ khởi tâm tịnh tín đến Đức Phật. Vì lý do này nên chư Phật có thông lệ là chỉ thuyết pháp khi Đại phạm thiên đến thỉnh cầu như vậy. Chỉ khi nào nhơn duyên ngoại tại (bāhira-nidāna) – sự thỉnh cầu của Đại phạm thiên, được thực hiện, khi ấy Đức Phật mới bắt đầu thuyết Pháp.
Đại phạm thiên Sahampati thỉnh cầu Đức Phật giảng Pháp
(Đại phạm thiên Sahampati trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa là một vị thánh Trưởng lão tên là Sahaka. Trong thời kỳ ấy, Sahaka đã chứng đắc sơ thiền sắc giới (rūpavacara) và khi mạng chung mà không bị hoại thiền, vị ấy tái sanh vào cõi sơ thiền và trở thành Đại phạm thiên với thọ mạng là 64 trung kiếp (antara-kappa), tương đương một a-tăng-kỳ kiếp (assaṅkhyeyya-kappa). Vị ấy được các vị Phạm thiên ở cõi sơ thiền ấy gọi tên là Sahampati Brahmā. (Theo Chú giải Saṃyutta và Sāraṭṭha Tīkā).
Khi dòng tâm của Đức Phật còn do dự, chưa muốn thuyết pháp thì ý nghĩ sau đây xảy đến với Đại phạm thiên Sahampati: “ Nassati vata bho loko! Vimassati vato bho loko! – Ôi, các bạn, thế gian sắp hủy diệt rồi! Ôi, các bạn, thế gian sắp hủy diệt rồi! Đức Phật, bậc đáng được chư thiên và nhân loại đặc biệt tôn kính vì Ngài đã thông suốt tất cả các pháp trong thế gian, nhưng Ngài không có ý muốn thuyết giảng Chánh pháp!” Rồi tương đương sát na mà người lực sĩ co cánh tay lại hay duỗi cánh tay ra, Đại phạm thiên Sahampati cùng với mười ngàn Đại phạm thiên khác biến mất từ cõi Phạm thiên và nhanh chóng xuất hiện trước mặt Đức Phật. Lúc bấy giờ, Đại Phạm thiên Sahampati đắp chiếc khăn quàng bên vai trái của vị ấy và đầu gối phải quỳ xuống trên đất, vị ấy chấp tay kính lễ Đức Phật và tác bạch rằng:
“Kính bạch Đấng Đại giác tôn, cầu xin Ngài nhủ lòng bi mẫn thuyết Pháp đến tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Kính bạch Đức Phật, Bậc có thiện ngôn, xin Đức Phật nhủ lòng bi mẫn thuyết pháp đến tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Có nhiều chúng sanh chỉ có chút bụi phiền não trong con mắt trí tuệ của họ. Nếu những chúng sanh này không có được cơ hội nghe pháp của Đức Phật, thời họ sẽ chịu sự mất mát to lớn do không đạt được pháp siêu thế là đạo quả (magga-phala) mà họ xứng đáng được như vậy. Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn sẽ có những chúng sanh có khả năng thông hiểu giáo pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng.”
Lại nữa, sau khi bạch Phật bằng văn xuôi như vậy, Đại phạm thiên Sahampati cũng thỉnh cầu bằng kệ ngôn như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, trong quá khứ, trước khi Ngài xuất hiện trong thế gian, tại xứ Magadha đã tồn tại tà thuyết bất tịnh do sáu ngoại đạo sư như Purāṇa Kassapa là những kẻ bị lem lấm bởi bợn nhơ của phiền não. Vì thế, xin hãy mở rộng cánh cửa đi vào Niết bàn bất tử (mà cánh cửa này đã đóng lại kể từ khi giáo pháp của Đức Phật Kassapa biến mất). Hãy cho tất cả chúng sanh được nghe Tứ thánh đế do Đức Thế Tôn, bậc Giác ngộ đã thoát khỏi bụi phiền não.
“Đức Phật cao quý và sáng suốt, Bậc có con mắt trí tuệ có thể nhìn thấy khắp nơi! Như một người có khả năng quan sát tinh tường đứng trên núi cao và nhìn xuống tất cả mọi người bên dưới. Đức Phật cũng vậy, vì đã thoát khỏi mọi sầu khổ, bước lên tháp cao của trí tuệ và nhìn xuống tất cả chúng sanh, nhân loại, chư thiên và Phạm thiên còn ở trong vực sâu của khổ não (bị bức bách bởi, sanh, già, bịnh, chết, v.v…)
“Đức Phật có sự tinh cần vĩ đại, cao quý và dũng cảm, Bậc chỉ biết chiến thắng, không hề chiến bại trong tất cả mọi trận chiến! Đức Phật, Bậc đã thoát khỏi món nợ dục trần, Bậc sẽ giải thoát tất cả chúng sanh – những kẻ đang tha thiết muốn được nghe và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, thoát ra khỏi những chặng đường gai góc của sanh, già, v.v… và như người lãnh đạo của đoàn thương buôn, đưa họ đến nơi an toàn của Niết bàn! Xin hãy nhủ lòng bi mẫn đi vào thế gian để gióng lên tiếng trống của Chánh pháp. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin hãy nhủ lòng bi mẫn thuyết pháp Tứ Diệu Đế đến tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Bạch Đức Thế Tôn, sẽ có những chúng sanh có khả năng hiểu được Pháp do Thế Tôn thuyết giảng.
(Sự thực là Phạm thiên đến thỉnh Đức Phật thuyết pháp vào lúc Ngài suy xét về tánh chất thâm diệu của giáo pháp và về trạng thái phiền não đầy dẫy trong chúng sanh, và tâm của Ngài vẫn chưa có ý định thuyết pháp, là pháp tánh (dhammatā) dành cho mỗi vị Phật. Bài trình bày về 30 dhammatā trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa).
Đức Phật dò xét thế giới hữu tình chúng sanh
Khi Phạm thiên Sahampati thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp thì hai điều kiện là nhân duyên nội tại (ajjihattika-nidāna) và nhân duyên ngoại tại (bāhira-nidāna) được thành tựu. Nhân đó, Đức Phật dò xét thế giới hữu tình chúng sanh bằng Phật nhãn (Buddhacakkhu). Trí biết rõ sở thích tiềm ẩn của chúng sanh (āsayānusaya-ñāṇa – Tuỳ miên trí) và Trí biết rõ căn cơ cao thấp của chúng sanh (indriya-paropariyatta- ñāṇa – Thượng căn hạ trí).
Khi dò xét như vậy, Ngài thấy rõ nhiều loại chúng sanh khác nhau (ví như bốn loại sen). Trong hồ có hoa sen sanh, sen đỏ hoặc sen trắng. Trong số hoa sen này có bốn loại: (1) loại sen còn nụ trong nước, mọc lên và phát triển trong nước nhưng vẫn còn chìm dưới nước; (2) loại sen ra nụ trong nước, lớn lên trong nước và cao ngang mặt nước; (3) loại sen ra nụ trong nước, lớn lên trong nước và vươn cao khỏi mặt nước (trong ba loại sen này, loại thứ ba vươn lên khỏi mặt nước, sẽ nở hoa trong ngày hôm ấy; loại thứ hai cao ngang mặt nước, sẽ nở hoa trong ngày hôm sau; loại thứ nhất đã phát triển nhưng vẫn còn ở bên dưới mặt nước, sẽ nở hoa vào ngày thứ ba). Khác với ba loại sen trên, còn có (4) loại sen không vươn lên khỏi mặt nước cũng không nở hoa, loại sen này bị bịnh và sẽ làm vật thực cho cá, rùa. Giống như bốn loại sen này, những chúng sanh chỉ dính chút ít bụi phiền não (kilesa) trong con mắt trí tuệ của họ; những chúng sanh có nhiều bụi phiền não trong con mắt trí tuệ của họ; những chúng sanh có ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ được trưởng thành và nhạy bén; những chúng sanh có ngũ căn u trệ và chưa trưởng thành; những chúng sanh có căn tánh như tín, tấn, v.v… thiện hoặc không thiện; những chúng sanh hiểu Pháp được thuyết giảng dễ dàng và những chúng sanh chậm hiểu; những chúng sanh thấy các vấn đề thế tục như các uẩn, các hình thức phiền não, các ác nghiệp sẽ tạo ra những kiếp sống mới là đáng kinh hãi, như kẻ thù đang cầm thanh kiếm hai lưỡi bén nhọn, sẵn sàng tấn công, và những chúng sanh không có cái nhìn như vậy.
(Ở đây, khi Đức Phật dò xét tất cả chúng sanh trong thế gian bằng Phật nhãn (Buddhacakkhu), Ngài đã thấy bốn hạng chúng sanh như vầy: (1) Chúng sanh hiểu pháp Tứ thánh đế dầu chỉ nghe một câu mở đầu ngắn gọn (mātikā udesa) và trở thành bậc Thánh, như những nụ sen vươn cao khỏi mặt nước và nở hoa trong chính ngày hôm ấy khi mặt trời vừa mọc (uggātitaññū puggala – Lược khai trí giả); (2) Chúng sanh chưa thể giác ngộ pháp Tứ thánh đế khi nghe câu mở đầu của bài kệ nhưng sẽ hiểu và chứng đắc thánh quả khi pháp Tứ thánh đế được thuyết giảng và giải thích chi tiết (vitthāra niddesa padabhājanī), như những nụ sen cao ngang mặt nước và nở hoa vào ngày hôm sau (vipañcitaññū-puggala – Quảng viễn trí giả); (3) Chúng sanh nghe pháp được thuyết tóm gọn và chi tiết không thể giác ngộ nhưng sẽ giác ngộ Tứ thánh đế và chứng đắc đạo quả sau một ngày hoặc một tháng hoặc một năm nhờ chuyên tâm thực hành thiền quán, như những nụ sen ở trong nước sẽ nở hoa vào ngày thứ ba (ñeyya- puggala – Sở dẫn đạo giả:); (4) Hạng chúng sanh không thể chứng đắc đạo quả (magga-phala) dù họ nghe pháp và thực hành pháp trong kiếp sống hiện tại (padaparama-puggala – Văn cú vị tối giả) nhưng có được lợi ích là tích luỹ được vốn liếng về Pháp (vāsanā) cho những kiếp tương lai. Họ sẽ chết trong phiền não giống như những hoa sen bị bịnh, không thể nổi lên khỏi mặt nước cũng không thể nở hoa, cuối cùng trở thành vật thực cho rùa cá).
(Khi trông thấy bốn hạng chúng sanh và suy xét về pháp môn nào đem lại lợi ích từng hạng chúng sanh, Đức Phật phát triển ý muốn tha thiết thuyết pháp độ sinh. Rồi Ngài tiếp tục phân chia tất cả chúng sanh thành hai loại: loại chúng sanh có thể giác ngộ các Thánh đế và giải thoát (bhabba-puggala) và loại chúng sanh không thể giác ngộ các Thánh đế và giải thoát (abhabba-puggala). Trong hai loại chúng sanh này, loại abhabba-puggala bị xếp qua một bên và không được xét đến, Ngài chỉ soi xét hạng chúng sanh bhabba-puggala và phân chia họ thành sáu nhóm như vầy: “Những chúng sanh đầy tham (rāga) nhiều như vậy. Những chúng sanh đầy sân (dosa) nhiều như vậy. Những chúng sanh đầy si (moha) nhiều như vậy. Những chúng sanh có tánh tầm cầu (vitakka) nhiều như vậy. Những chúng sanh đầy đủ đức tin (saddhā) nhiều như vậy. Những chúng sanh đầy đủ trí tuệ (paññā) nhiều như vậy.” Và rồi, Ngài biểu lộ ý định như vầy: “ Quả nhiên, Ta sẽ thuyết pháp.”)
Sau khi suy xét và nhận rõ như vậy, Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên Sahampati bằng kệ ngôn như sau:
Apārutā tessam amatassa dvārā,
ye sotavanto pamuncantu saddham.
Vihimsasaññī pagunaṃ na bhāsiṃ,
Dhammaṃ panītaṃ manujesu Brahme.
“Này Đại phạm thiên Sahampati, Như lai không đóng lại tám cửa magga đi vào Niết bàn bất tử đối với chư thiên và nhân loại có đủ khả năng giải thoát (tám cửa này luôn được rộng mở). Vậy chư thiên và nhân loại có tai để nghe (sotapasāda) hãy tin tưởng vào Như Lai.”
(Điều ở đây có nghĩa là chỉ những kẻ có sotapasāda mới có khả năng nghe Pháp của Đức Phật giảng dạy. Và chỉ khi họ đặt niềm tin nơi Ngài, họ sẽ cố gắng thực hành pháp dựa vào niềm tin ấy và cánh cửa Niết bàn sẽ được mở ra. Nếu họ không có niềm tin nơi Đức Phật thì cho dù họ có sotapasāda, họ cũng không tin vào Pháp và sẽ không cố gắng thực hành Pháp. Và trong trường hợp như vậy, cánh cửa Niết bàn sẽ không mở ra. Bởi vậy, những chúng sanh có sotapasāda nên đặt niềm tin nơi Đức Phật và lắng nghe Pháp.
Nói cách khác, thời gian kể từ khi giáo pháp của Đức Phật Kassapa diệt mất cho đến hiện tại, thì không thể tìm thấy một vị Phật xác thực và giáo pháp xác thực. Vì thế, suốt thời gian ấy không có niềm tin xác thực trong dòng tâm của chúng sanh, viên ngọc đức tin nên được giữ và nắm chắc trong bàn tay của họ. Sự tin tưởng vào các ngoại đạo sư trong thời bấy giờ không phải là niềm tin xác thực. Đó chỉ là sự sanh khởi của tâm bất thiện (akusala citt’uppāda – bất thiện tâm sanh khởi), lầm tưởng cái sai là đúng (micchādhimokkha – tà thắng giải). Xét thấy rằng một vị Phật xác thực đã xuất hiện, nên chư thiên và nhân loại, những kẻ có sotapasāda hãy mở nắm tay của họ và mở ra viên ngọc đức tin mà đã được niêm phong, kể từ khi giáo pháp (sāsana) của Đức Phật Kassapa diệt mất.
“Này Đại phạm thiên Sahampati, Như Lai đã không thuyết giảng thánh pháp đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên mà Ta đã đạt được trong những ngày trước đây. Vì thời điểm đó hai nhân duyên (nidāna) để thuyết pháp chưa tròn đủ và vì thế, Như lai biết rõ rằng cho dù pháp được thuyết giảng, cũng sẽ không có lợi ích cho họ mà chỉ làm nhọc công Như Lai.”
Nhân đó, Đại phạm thiên Sahampati rất hân hoan và thốt lên rằng: “ Đức Phật đã cho con lời đồng ý thuyết giảng Pháp.” Rồi sau khi làm lễ Đức Phật và nhiễu quanh Ngài ba vòng, vị ấy biến mất từ chỗ ấy và trở về cõi Phạm thiên.
Đức Phật đi đến khu rừng Nai (Migadaya) để thuyết bài kinh Chuyển Pháp luân (Dhammacakka)
Sau khi Đại phạm thiên Sahampati rời đi, Đức Phật suy xét : “ Ta nên thuyết pháp đến ai? Ai sẽ nhanh chóng hiểu Pháp do Ta thuyết giảng?” Rồi ý nghĩ khởi lên với Ngài : “ Giáo chủ Ālāra của bộ tộc Kālāma là người có ba loại trí tuệ, đó là sanh tuệ (jāti-paññā), tu tập tuệ (bhāvanā-paññā) và kiên cố tuệ (parihāriya-paññā). Vị ấy cũng là người có con mắt trí, đã hết bụi phiền não (apparajakkha-punggala) trong một thời gian rất dài. Lành thay, nếu Ta thuyết pháp cho vị ấy trước tiên. Vị ấy sẽ nhanh chóng thấu hiểu giáo pháp do Ta thuyết giảng.”
Nhân đó, một vị thiên, không hiện hình báo tin với Đức Phật rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn, giáo chủ Ālāra của bộ tộc Kālāma đã chết cách đây bảy ngày rồi.” Tuy nhiên Đức Phật không chấp nhận ngay những lời nói của vị thiên, qua Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), Ngài thấy rằng Ālāra đã chết cách đây bảy ngày đúng như lời nói của vị thiên và vị ấy đã tái sanh vào cõi Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana), cõi thiền thứ ba trong bốn cõi Phạm thiên vô sắc.
Sau khi nhận định rằng: “ Quả thật một sự mất mát to lớn cho giáo chủ Ālāra của bộ tộc Kālāma vì đã đánh mất cơ hội để giác ngộ magga-phala mà vị ấy đáng được như vậy. Nếu vị ấy có thể nghe Pháp do Ta thuyết giảng thời vị ấy sẽ nhanh chóng giác ngộ Tứ thánh đế.” Đức Phật lại suy xét thêm: “ Vậy bây giờ Ta nên thuyết pháp đến ai? Ai sẽ nhanh chóng hiểu pháp do Ta thuyết giảng?” Rồi Ngài nghĩ đến: “ Giáo chủ Udaka, con trai của Rāma, cũng có được ba loại tuệ. Vị ấy cũng là bậc thiểu trần cấu (apparajakkha-puggala), con mắt trí tuệ của vị ấy đã sạch bụi phiền não trong thời gian rất lâu. Thật tốt thay nếu Ta thuyết pháp đến vị ấy trước tiên, vị ấy sẽ nhanh chóng thông hiểu Pháp do Ta thuyết giảng.”
Nhân đó, một vị thiên khác không hiện hình, báo tin đến Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, giáo chủ Udaka¸con trai của Rāma, đã chết ngày hôm qua vào lúc nửa đêm.” Tuy nhiên, Đức Phật không chấp nhận ngay chỉ bấy nhiêu lời nói của vị thiên, bằng Nhất thiết trí, Ngài thấy rằng giáo chủ Udaka quả thật đã chết vào lúc nửa đêm hôm qua đúng như những lời nói của vị thiên và vị ấy đã tái sanh vào cõi Phi tưởng phi phi tưởng thiên (nevasaññā-nāsaññāyatana), cõi thứ tư của bốn cõi Phạm thiên vô sắc.
Nhân đó, Đức Phật nhận định: “ Quả thật một sự mất mát lớn cho giáo chủ Udaka, con trai của Rāma, đã đánh mất cơ hội giác ngộ magga-phala mà vị ấy đáng được như vậy. Nếu giáo chủ Udaka được nghe pháp do Ta thuyết giảng, thời vị ấy nhanh chóng giác ngộ Tứ thánh đế.” Ngài lại suy xét thêm: “ Ta nên thuyết pháp đến ai trước. Ai sẽ nhanh chóng hiểu pháp do ta thuyết giảng?”
Rồi Đức Phật suy nghĩ: “ Nhóm năm vị Sa-môn (Pañcavaggī), đã giúp ích cho Ta rất nhiều. Họ đã ở lại và hầu hạ phục vụ Ta khi Ta đang thực hành pháp khổ hạnh sáu năm trong khu rừng Uruvela. Bởi vậy, sẽ tốt thay nếu Ta thuyết pháp đến họ trước tiên.” Rồi Ngài suy xét: “Năm vị Sa-môn hiện đang sống ở đâu?” và bằng thiên nhãn thắng trí (dibbacakkhu-abhiññā), Ngài thấy họ đang trú ngụ ở Migadāya, một khu rừng nai to lớn, cũng được gọi là Isipatana, gần thành phố Bārāṇasī.
(Về vấn đề này, Đức Phật nghĩ đến nhóm năm vị Sa-môn đã phục vụ cho Ngài vì Ngài đặc biệt nhớ ơn những người mà Ngài đã thọ ơn. Không phải Ngài không muốn thuyết pháp đến những người chưa phục vụ đến Ngài). Sau khi khởi lên ý định : “ Ta sẽ đi đến khu vườn Nai và thuyết bài kinh Chuyển pháp luân,” rồi Ngài đi khất thực quanh khu vực Bodhimaṇḍala, chỗ cây Bồ-đề, Ngài ở lại đó cho đến hết ngày mười bốn của tháng Āsālha. Và vào sáng sớm ngày rằm, sau khi đắp y mang bát và suy nghĩ: “ Ta sẽ đi đến kinh thành Bārāṇasī,” và Ngài bắt đầu chuyến hành trình đi bộ dài mười tám do tuần.
(Khoảng cách giữa Mahābodhi và Gayā (Buddhagayā) là 3 gāvuta. Khỏang cách giữa Mahābodhi và thành phố Bārānasī là 18 yojana. Chư Phật quá khứ thường đi đến Migadāya bằng thần thông, các Ngài đi xuyên qua hư không, để thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka). Còn Đức Phật của chúng ta, Ngài đi bộ suốt 18 do tuần vì Ngài biết trước sẽ có một vị đạo sĩ tên Upaka sẽ sớm trở thành vị thánh A-na-hàm (anāgāmī) nhờ phước duyên quá khứ của vị ấy. Ngài biết rằng: “ Upaka hiện đang đi cùng con đường. Đạo sĩ Upaka ấy sẽ gặp Ta, trò chuyện với Ta rồi bỏ đi. Về sau, do yểm ly thế gian, vị ấy sẽ trở lại trước mặt Ta, nghe Pháp và chứng đắc quả thánh anāgāmī trong kiếp hiện tại và đắc đạo quả arahatta trong kiếp thứ hai của vị ấy, sau khi sanh về cõi Vô phiền thiên (Avihā bhūmi), cõi Phạm thiên hữu sắc thứ mười hai).
Đức Phật gặp đạo sĩ Upaka
Khi Đức Phật đi bộ từ Mahābodhi đến Bārānasī, đạo sĩ Upaka đang đi trên con đường giữa Mahābodhi và Buddhagayā thì gặp Đức Phật và hỏi: “ Này hiền hữu, các căn của hiền hữu gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm đều rất trong sáng, nước da của hiền hữu cũng thanh khiết và sáng chói. Này hiền hữu, hiền hữu xuất gia với đạo sư nào? Ai là thầy của hiền hữu? Hiền hữu thích giáo lý của ai?” Nhân đó, Đức Phật trả lời đạo sĩ Upaka bằng câu kệ sau:
(1) Sabbābhibhū sabbavidū’ham asmi,
sabbesu dhammesu anupalitto.
Sabbañ’jaho taṇhā’ khaye vimutto,
sayaṃ abhiññāya kam uddiseyyaṃ.
Này Upaka, Như lai là Đức Phật, đã thông suốt tất cả các Pháp trong tam giới, có trí tuệ đầy đủ và hoàn hảo để biết tất cả các Pháp. Như lai cũng là người đã thoát khỏi bợn nhơ của phiền não như, tham, sân, si, v.v… đối với ba cõi của kiếp sống (tebhūmaka-dhamma). Ta đã đoạn trừ tất cả tebhūmaka-dhamma. Ta cũng là người đã an trú trong Niết bàn nơi ái dục đã bị diệt tắt. Là người đã tự mình thông đạt tất cả các Pháp, không cần sự chỉ dạy của kẻ khác, nên chẳng có ai là thầy của ta.
(2) Na me ācariyo atthi,
sadiso me na vijjāti.
Sadevakasmiṁ lokasmiṃ,
n ‘atthi me paṭipuggalo.
Này Upaka, đối với Như lai chẳng có ai là thầy cả. (Không thể nói có người thầy nào hơn Ta), thậm chí không có ai sánh bằng Ta. Không có ai trong thế giới hữu tình bao gồm cả chư thiên mà có thể sánh bằng Ta về những đức tánh như Sīla, v.v…
(3) Ahaṃ hi Arahā loke,
ahaṃ satthā anuttaro.
Eko’mhi Sammāsambuddho,
sītibhūto’smi nibbuto.
Này Upaka, Ta đích thực là Bậc arahat trong thế gian, Bậc đáng được tôn kính đặc biệt. Ta cũng là bậc Đạo sư vô thượng của nhân loại và chư thiên trong thế gian. Vì bằng Độc tồn trí (Sayambhu- ñāṇa), Ta có thể nhận biết các pháp như thật, nên Ta là bậc Chánh đẳng giác. Ta cũng là người đã dập tắt ngọn lửa phiền não (kilesa).
(4) Dhammacakkaṃ pavatetuṁ,
gacchāmi kāsiṇaṁ puraṁ.
Andhībhūtasmiṁ lokasmiṁ,
āhanchaṃ amatadundubiṁ.
Này Upaka, Ta sẽ đi đến vườn nai Isipatana, gần Bārāṇasī, ở nước Kāsi để chuyển động bánh xe Pháp. Ta sẽ đánh cái trống bất tử vĩ đại cho tất cả chư thiên và nhân loại, những kẻ không có mắt trí tuệ đang lần tìm như người mù.
Nhân đó, đạo sĩ Upaka bèn nói rằng: “ Này hiền hữu, nếu lời của hiền hữu là đúng sự thật, thì chắc hiền hữu là người có trí tuệ vô biên (ananta-ñāṇa) và là người đã chiến thắng ngũ ma (māra).”
Đức Phật đã đáp lại như vầy:
(5) Mādisā ve jinā honti,
ye pattā āsavakkhayaṁ.
Jitā me pāpakā dhammā,
tasmā’ haṃ Upaka Jino.
Này Upaka, chư Phật có cùng bản tánh như Ta đều được gọi bậc Chiến thắng (jina) vì tất cả các bậc ấy đã chứng đắc arahatta- magga-ñāṇa, sự diệt tắt bốn lậu hoặc (āsava) và đã loại trừ tất cả bất thiện pháp (akusala-dhamma). Ta cũng được gọi là bậc Chiến thắng vì như chư Phật, Ta đã đoạn diệt āsava, chứng đắc Lậu tận trí (āsavakkhaya-ñāṇa) và đã đoạn trừ tất cả bất thiện pháp (akusala- dhamma).
Nhân đó, đạo sĩ Upaka nói: “ Này hiền hữu, những lời hiền hữu nói có thể đúng sự thực.” Vị ấy gật đầu rồi đi vào con đường khác để đi đến xứ Vaṅkahāra. Cơ hội được chuyện trò và đàm luận với Đức Phật như vậy là duyên lành giúp ích cho Upaka trong việc xuất gia của vị ấy sau này. Đúng vậy! Quả thật Upaka là người có phước phi thường (adhikāra). Vì lý do này, Đức Phật đã thực hiện chuyến hành trình bằng phương tiện đi bộ để gặp vị ấy trên đường đi.
(Những kẻ nghe pháp của Đức Phật trước khi Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân thì không chứng đắc magga-phala. Họ chỉ có được sự huân tập (vāsana) để tạo duyên cho sự giác ngộ Pháp sau này. Đó là pháp tánh (dhammatā) và vì vậy, Upaka không chứng đắc magga-phala dù vị ấy đã nghe những lời về pháp cao siêu liên quan đến các ân đức của Phật. Vị ấy chỉ hưởng lợi ích là có được khuynh hướng trở thành vị tỳ khưu về sau).