Đại Phật Sử – Cuốn 2 – Phần Phụ I

Đại Phật Sử – Cuốn 2 – Phần Phụ I

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Sự hoạch đắc ba danh hiệu

Dân chúng hoàn toàn không chống đối, đã nhất trí công nhận Bồ tát là người cai trị dân chúng đúng pháp và tôn kính bằng cách  nộp thuế xứng đáng nên Bồ tát có được danh hiệu là Mahāsammata.

Vị ấy sắp xếp, ổn định để không có những cuộc cãi vã, tranh chấp về quyền sở hữu ruộng đất. Nếu có thì vị ấy đứng ra dàn xếp và xét xử một cách êm đẹp và thỏa đáng. Nhờ vậy mà vị ấy được danh hiệu Khattiya. Vị ấy được mọi người yêu mến nhờ sự trị vì đúng đắn đối với dân chúng bằng thập vương pháp, nên vị ấy đạt được danh hiệu thứ ba là Rājā.

Trong hiền kiếp Buddha kappa này, chính Bồ tát Manu là vị hoàng đế đầu tiên đạt được ba danh hiệu: Mahāsammata, Khattiya và Rāja.

Như mặt trời có ngàn tia sáng, soi tỏ vạn vật để chúng sanh nhìn thấy, Bồ tát Manu, như con mắt của những người nguyên thủy và có nhiều đức tánh cao quý, Ngài xuất hiện một cách sáng chói như mặt trời thứ hai của họ, và cũng được gọi là hậu duệ của mặt trời – Ādiccavaṃsa.

(Về sự liệt kê theo thứ tự các vị vua (rājakkama) như Mahāsammata, v.v… một số Chú giải và những bộ sách khác đã liệt kê hơi khác nhau: bộ Chú giải về kinh Ambaṭṭha của phẩm Sutta Sīlakkhandha và bộ Ṭīkā của nó, Chú giải về bổn sanh Cetiya của phẩm Aṭṭhaka Nipāta, Chú giải bộ Jātaka, bộ Mahāvaṃsa, Dīpavaṃsa và Rājavaṃsa. Phần liệt kê sau đây chủ yếu dựa vào bộ Mahāvaṃsa và bộ Mahāsutakārī Maghadeva Laṅkā:

(1)                Đầu tiên, vị Mahā Sammata tên Manu.

(2)                Con trai của vị ấy, vua Roca,

(3)                Con trai của vua Roca là vua Vara-Roca,

(4)                Con trai của vua Vara-Roca là vua Kalyāna,

(5)                Con trai của Kalayāna là vua Vara-Kalyāna,

(6)                Đời vua tiếp theo là Uposatha,

(7)                Đời vua tiếp theo là Mandhātu (Bồ tát),

(8)                Đời vua tiếp theo là Vara,

(9)                Đời vua tiếp theo là Upavara,

(10)              Đời vua tiếp theo là Cetiya,

(11)              Đời vua tiếp theo là Mucala,

(12)            Đời vua tiếp theo là Mahāmucala,

(13)            Đời vua tiếp theo là Mucalinda,

(14)            Đời vua tiếp theo là Sāgara,

(15)            Đời vua tiếp theo là Sāgara-Deva,

(16)                Đời vua tiếp theo là Bharata,

(17)                Đời vua tiếp theo là Aṅgīrā,

(18)                Đời vua tiếp theo là Ruci,

(19)                Đời vua tiếp theo là Suruci (cũng được gọi là Mahāruci)

(20)                Đời vua tiếp theo là Patāpa,

(21)                Đời vua tiếp theo là Mahāpatāpa,

(22)                Đời vua tiếp theo là Panāda,

(23)                Đời vua tiếp theo là Mahāpanāda,

(24)                Đời vua tiếp theo là Sudassana,

(25)                Đời vua tiếp theo là Mahāsudassana,

(26)                Đời vua tiếp theo là Neru,

(27)                Đời vua tiếp theo là Mahā Neru, và

(28)                Đời vua tiếp theo là Accima.

  1. a)    Những vị vua này đều có thọ mạng lâu dài đến A-tăng-kỳ tuổi. Hai mươi bảy vị vua sau Mahāsammata là con cháu của vị ấy. Một số trong hai mươi tám vị vua này tại kinh đô Kusavatī, những vị khác cai trị ở Rājagaha và Mithilā.
  2. b)   Vua Accima, vị vua cuối cùng trong 28 vị vua đã thành lập trở lại kinh đô Kusavatī và trị vì ở đó; con cháu nối dòng của vị ấy có chính xác là một trăm (bộ Dīpavaṃsa nói rằng họ sống ở Kapilavatthu).

( Rồi tác giả nêu ra đoạn trích từ bộ Mahā Suttakārī Magha-deva Laṅkā kể ra những vị vua được liệt kê ở phần (a) và (b) và phần liệt kê này có 128 vị vua).

  1. c)   Trong số một trăm vị vua nối ngôi từ vua Accima, vị vua cuối cùng tên là Arindaman. Con trai của vị này thành lập kinh đô Ayujjhapura và trị vì ở đó. Vị ấy và con cháu nối truyền ở tại kinh đô này tất cả năm mươi sáu vị.
  2. d)    Vị vua cuối cùng trong số năm sáu vị vua này có tên là Duppasaha. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Bārānasi và trị vì ở đó. Vị ấy và con cháu nối tuyền trị vì ở kinh đô này, tất cả sáu mươi vị.
  3. e)    Vị vua cuối cùng trong số sáu mươi vị vua này có tên là Ajita. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Kambala, và con cháu nối truyền ở tại kinh đô này, tất cả tám mươi bốn ngàn vị.
  4. f)     Vị vua cuối cùng trong số tám mươi bốn ngàn vị vua này có tên là Brahmadatta. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Hatthipura và cai trị ở đó. Vị ấy và con cháu nối dòng của vị ấy tại kinh đô ấy số lượng là ba mươi sáu (Ở đây có một đoạn trích dẫn khác cũng từ Laṅkā, đoạn này kể ra những vị vua được nêu ra ở phần (c), (d), (e) và (f), cả thảy là 84.152)
  5. g)   Vị vua cuối cùng trong số 36 vị vua này có tên là Kambalavaṃsa. Vị ấy thành lập kinh đô Ekacakkhu và trị vì ở đó. Vị ấy và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 32.
  6. h)   Vị vua cuối cùng trong số ba mươi hai vị vua này tên là Purindeva (Surindeva hay Munindeva trong số những bản dịch khác. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Vajiramutti và trị vì ở đó; vị ấy và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 28.
  7. i)     Vị vua cuối cùng trong 28 vị vua này tên là Sādhina. Con trai vị ấy thành lập kinh đô Mathura và trị vì ở đó; vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 22.
  8. j)    Vị vua cuối cùng trong 22 vị vua này có tên là Dhammagutta. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Ariṭṭhapura và trị vì ở đó. Vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 18.
  9. k)   Vị vua cuối cùng trong số 18 vị vua này có tên là Sippi. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Indapattha-nagara và trị vì ở đó, vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 22. [Ở đây, một đoạn trích dẫn khác cũng từ bộ Laṅkā, kết hợp các mục (g), (h), (i), (j) và (k) và nêu ra 117 vị vua cả thảy].
  10. l)     Vị vua cuối cùng trong số 117 vị vua này có tên là Brahma_Deva. Con trai của vị ấy cũng trị vì ở kinh đô Ekacakkhu; vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 15.
  11. m)    Vị vua cuối cùng trong số 15 vị vua này có tên là Baladatta. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Kosambi và trị vì ở đó. Vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 14.
  12. n)     Vị vua cuối cùng trong số 14 vị vua này có tên là Hatthi-Deva. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Kannagocchi và trị vì ở đó; vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 9.
  13. o)    Vị vua cuối cùng trong số 9 vị vua này có tên là Nara-Deva. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Rocana và trị vì ở đó; vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 7.
  14. p)   Vị vua cuối cùng trong số 7 vị vua này có tên là Mahinda. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Campā và trị vì ở đó. Vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 12. [ Một đoạn trích dẫn khác từ bộ Laṅkā. Kết hợp năm mục trên và nêu ra tổng số các vị vua là 57].
  15. q)   Vị vua cuối cùng trong số 57 vị vua được nêu ra ở năm đoạn kể trên có tên là Nāga Deva. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Mithilā và trị vì ở đó; vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 25.
  16. r)     Vị vua cuối cùng trong số 25 vị vua này có tên là Samuddadatta. Con trai vị ấy trị vì ở kinh đô Rājagaha. Vị ấy và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 25.
  17. s)    Vị vua cuối cùng trong số 25 vị vua này có tên là Tidhaṅkara. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Takkasila và trị vì ở đó. Vị vua này và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 12.
  18. t)    Vị vua cuối cùng trong số 12 vị vua này có tên là Tālissara, con trai của vị ấy thành lập kinh đô Kusināra và trị ở đó. Vị vua này và con cháu nối truyền số lượng cũng là 12.
  19. u)    Vị vua cuối cùng trong số 12 vị vua này có tên là Purinda. Con trai của vị ấy thành lập kinh đô Tāmalitthiya và trị vì ở đó. Vị ấy và con cháu nối truyền tại kinh đô ấy số lượng là 12. [ Một đoạn trích dẫn khác cũng từ bộ Laṅkā, tổng cộng các vị vua trong năm đoạn kể trên và nêu ra tổng số các vị vua là 23].
  20. v)    Trong số 23 vị vua được nêu ra trong năm đoạn kể trên, vị vua cuối cùng có tên là Sāgara Deva. Con trai của vị ấy là Magha Deva (Magghadeva). Vị ấy và con cháu nối truyền trị vì tại Mithilā số lượng lên đến tám mươi bốn ngàn.
  21. w)    Vị vua cuối cùng trong số tám mươi bốn ngàn vị vua này có tên là Nimi, tức là Bồ tát. Con trai của vị ấy tên là Kaḷārajanaka, con trai nối ngôi tên là Samaṅkara, rồi con trai nối ngôi của vua Samaṅkara là Asoca (hay Asoka). Con cháu nối truyền của họ tổng số là 84.003 vị lại thành lập kinh đô Bārānasī và trị vì ở đó.
  22. x)      Vị vua cuối cùng trong số 84.003 vị vua có tên là Sīhappati.

(1)                Con trai của vua Sīhappati là vua Vijitasena,

(2)                Con trai của vua Vijitasena là vua Dhammasena,

(3)                Con trai của vua Dhammasena là vua Nāgasena,

(4)                Con trai của vua Nāgasena là vua Samiddha,

(5)                Con trai của vua Samiddha là vua Disampati,

(6)                Con trai của vua Disampati là vua Reṇu,

(7)                Con trai của vua Reṇu là vua Kusa,

(8)                Con trai của vua Kusa là vua Mahākusa,

(9)                Con trai của vua Mahākusa là vua Navaraṭṭha,

(10)              Con trai của vua Navaraṭṭha là vua Dasaraṭṭha,

(11)              Con trai của vua Dasaraṭṭha là vua Rāma,

(12)              Con trai của vua Rāma là vua Vilāraṭṭha,

(13)              Con trai của vua Vilāraṭṭha là vua Cittaraṃsī,

(14)              Con trai của vua Cittaraṃsī là vua Ambaraṃī,

(15)              Con trai của vua Ambaraṃsī là vua Sujāta, và

(16)              Con trai của Sujāta là vua Okkāka.

Mười sáu vị vua này tiếp tục trị vì ở Bārānasī.

Có 252.556 vị vua nối truyền từ Bồ tát Mahāsammata trong thời kỳ khởi đầu của loại người trên trái đất này cho đến vị vua Okkāka cuối cùng.

[Ở đây, tác giả nêu ra đoạn trích dẫn cuối cùng từ bộ Magha- Deva Laṅkā, đoạn này cộng chung 84.003 vị vua ở mục (w) đến 16 vị vua ở mục (x) và các vị vua ở các mục khác, tổng cộng là 252.556, bắt đầu từ vua Mahāsammata và kết thúc là vua Okkāka ].

[Ở đây vì bài giải thích của bài kinh Ambaṭṭha trong bộ Sīlakkhandha Atthakathā và bài giải thích của bài kinh Muni trong bộ Sutta Nipāta Aṭṭhakathā nói rằng : “ Sau tám mươi bốn ngàn vị vua thuộc dòng dõi Magha-Deva, có ba đời vua nối truyền, tất cả đều mang tên Okkāka và “vị vua Okkāka thứ ba có năm bà hoàng hậu, mỗi bà có năm trăm cung nữ”, nên biết rằng các vị hoàng tử dòng Sakya là con cháu của vua Okkāka đệ tam, và vị vua cuối cùng trong số 252.556 vị vua là vua Okkāka đệ tam này].

Tích chuyện vua Okkāka

Vua Okkāka, người cuối cùng trong số 252.556 vị vua, có năm bà vợ, đó là Hatthā, Cittā, Jantu, Jālinī, và Visākhā. Mỗi bà vợ có năm trăm cung nữ hầu hạ.

(Vị vua này có tên là Okkāka vì khi vị ấy nói thì từ miệng phát ra ánh sáng như ánh sáng sao băng; đây là lời giải thích từ bài diễn giải của bài kinh Ambaṭṭha. Điều đáng chú ý là trong lịch sử Miến điện cũng vậy, những nhân vật nổi tiếng như vua Kyansittha, vua Manūhā (của Thaton) cũng có ánh sáng của sao băng hay ánh sáng  đặc biệt khác phát ra từ miệng của họ.

Không nên quả quyết rằng kinh đô của vua Okkāka là Bārānasī vì chú giải của bài kinh Ambaṭṭha lại nói rằng công chúa Piyā, con gái của vua Okkāka, kết hôn với vua Rāma ở Bārānasī. Kinh đô của vua Okkāka có thể là một kinh đô khác ngoài Bārānasī).

Trong số năm bà hoàng hậu này, Hatthā, bà hoàng hậu lớn nhất, hạ sanh năm người con trai, đó là Ukkāmukha, Karakaṇḍu, Hatthinika, Sinisūra và năm người con gái, đó là: Piyā, Supppiyā, Ānandā, Vijitā, Vijitasenā.

Hoàng hậu Hatthā từ trần sau khi sanh các con, vua Okkāka tấn phong một công chúa khả ái có sắc đẹp tuyệt trần lên ngôi chánh hậu – chánh hậu này hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Jantu. Khi hoàng tử được 5 ngày tuổi, cậu bé được ăn mặc và trang sức xinh đẹp và được đem đến đức vua. Đức vua lấy làm thích thú đến nỗi vua ban cho hoàng hậu một đặc ân, nói rằng: “ Hãy chọn bất cứ đặc ân nào mà hoàng hậu ưa thích!”

Sau khi bàn bạc với các quyến thuộc, hoàng hậu xin cho đứa con trai Jantu của nàng được làm vua. Đức vua không chấp thuận và quở trách nàng: “ Ngươi thật xấu xa! Ngươi chỉ muốn làm hại những đứa con trai của ta!” Từ đó, mỗi khi có cơ hội thuận tiện, hoàng hậu đều ra sức làm hài lòng đức vua và nói rằng: “ Tâu bệ hạ, một vị hoàng đế không nên biến lời hứa của mình thành một lời nói dối. Bệ hạ nên giữ lời hứa của mình.” Khi nói vậy, hoàng hậu khăng khăng yêu cầu đức vua ban vương quyền cho con trai của nàng. Rồi đức vua cho gọi đứa con trai đầu là Ukkāmukha và bốn người con trai còn lại và đau buồn nói với họ rằng:

“ Này các con, trẫm đã lỡ miệng ban cho mẹ của Jantu một đặc ân khi nhìn thấy đứa em trai của các con. Giờ đây, mẹ của Jantu có một ước muốn mãnh liệt là mong cho con trai của bà ta được kế vị ngôi vua. Vậy sau khi để lại cho cha con ngựa và voi kiết tường cùng chiếc long xa, hãy dẫn theo ngựa, voi và xe nhiều bao nhiêu tùy thích va rời khỏi kinh đô này đến khi trẫm băng hà. Hãy trở về và chiếm lại vương quốc.”

Sau khi nói vậy, đức vua cho những đứa con trai ra đi cùng với tám vị quan.

Ukkāmukha và các em trai cảm thấy đau buồn và khóc than thảm thiết. Họ cúi lạy vua cha và thưa rằng: “ Thưa phụ vương, xin hãy tha thứ mọi lỗi lầm của chúng con nếu có.” Họ cũng nói lời xin lỗi với các cung phi của vua. Năm cô công chúa cũng đến xin phép với đức vua: “ Thưa phụ vương, hãy cho phép chúng con được đi chung với các anh của chúng con.” Rồi họ cùng lên đường rời khỏi kinh đô, dẫn theo tám vị quan và bốn đạo binh chủng. Dân chúng đi theo các vị hoàng tử rất đông, họ nghĩ rằng: “ Những hoàng tử này chắc chắn sẽ trở lại và trị vì khi phụ vương của họ băng hà. Chúng ta nên theo hầu họ ngay lúc này.”

Đoàn người đi theo các vị hoàng tử kéo dài từ một do tuần trong ngày đầu đến hai do tuần trong ngày thứ hai, và ba do tuần trong ngày thứ ba. Điều này khiến họ bàn bạc với nhau rằng: “ Sức mạnh của những đoàn binh của chúng ta rất to lớn. Nếu chúng ta muốn đánh và chiếm lấy các nước quanh đây bằng sức mạnh như vậy thì không  có vị vua nào dám chống cự chúng ta. Nhưng có lợi ích gì trong việc chiếm lấy các vương quốc bằng sức mạnh và bạo lực. Thực ra không có lợi ích gì! Xứ Diêm phù đề này rất rộng lớn. Chúng ta sẽ thành lập một kinh đô mới ở một vùng rừng tự do.” Sau khi đã thỏa thuận với nhau như vậy, tất cả họ cùng đi về hướng Himalaya và tìm kiếm một chỗ đất để xây dựng kinh đô.

Sự thành lập kinh đô Kapilavatthu

Vào thời  điểm ấy, Đức Phật  đương lai  của chúng ta  là  một vị Bà-la-môn giàu có, sanh ra trong một gia đình có tài sản, của cải to lớn và tên là Kapila. Sau khi từ bỏ tài sản, của cải, vị ấy xuất gia làm đạo sĩ và ngụ ở một thảo am mà vị ấy dựng lên gần một cái hồ có nước trong tại rừng cây gỗ teak, bên cạnh một ngọn núi Himalaya.

Do thông thạo về khoa địa lý, được gọi là Bhūmijāla, đạo sĩ Kapila biết rõ những lợi ích và những bất lợi tiềm ẩn khắp cả vùng đất ở bên dưới lòng đất tám mươi hắc tay và bên trên mặt đất tám mươi hắc tay. Quanh khu vực nơi mà thảo am của Kapila được trồng những đám cỏ, những cây to và những bụi cây mọc lên nghiêng về hướng phải, những mầm thân cây mọc ra nghiêng về hướng đông. Ngoài ra, khi những con thú săn mồi như sư tử và cọp săn đuổi nai và heo rừng, hoặc khi những con rắn và mèo rừng săn đuổi ếch nhái và chuột chạy đến chỗ ấy, thì chúng không thể bám theo và bắt lấy con mồi. Thay vào đó tất cả đều quay lui và bỏ chạy vì chúng bị những con mồi của chúng đe dọa và kháng cự rất mãnh liệt. Khi trông thấy những đặc điểm này, đạo sĩ Kapila lưu ý rằng: “ Đây là địa thế tốt nhất để chiến thắng tất cả kẻ thù.”

Khi mọi người do hoàng tử Ukkamukha dẫn đầu đang tìm kiếm một chỗ đất thích hợp để thành lập kinh đô, thì họ đến thảo am của ẩn sĩ Kapila. Khi ẩn sĩ hỏi về mục đích của họ, họ bèn trình bày kế hoạch. Sau khi hiểu rõ vấn đề, ẩn sĩ Kapila khởi tâm bi mẫn đối với họ và nói rằng:

“Này các hoàng tử, kinh đô được thành lập trên đất thảo am của ta sẽ là kinh đô tốt nhất trong tất cả kinh đô của xứ Diêm phù đề (Jambudīpa). Trong số những người sinh ra ở kinh đô này, sẽ xuất hiện một vị đủ khả năng chinh phục tất cả dầu số lượng đến hằng trăm hoặc hằng ngàn người. Do đó, hãy xây dựng kinh đô tại chỗ đất này. Hãy xây dựng cung điện trên chỗ cư trú của ta. Nếu ta nói với các ngươi về tánh chất ưu việt của nó, thì ngay cả một thiện nam tử thuộc dòng dõi thấp hèn khi đã nhận được sự nâng đỡ từ cuộc đất này, sẽ trở thành người được khen ngợi về uy quyền Chuyển luân vương của vị ấy.”

Khi các hoàng tử hỏi: “ Thưa ẩn sĩ, không phải chỗ này vẫn còn được ngài chiếm cứ và sử dụng sao?” Đạo sĩ Kapila trả lời: “ Các người đừng ngại vì nghĩ rằng chỗ này ta đang trú ngụ. Hãy làm cho ta một ẩn xá ở nơi vắng vẻ và hẻo lánh, và hãy xây dựng kinh đô tại đây như ta đã chỉ cho các ngươi. Hãy đặt tên cho kinh đô là Kapilavatthu.”

Theo sự chỉ dẫn của ẩn sĩ Kapila, bốn vị hoàng tử do Ukkāmukha dẫn đầu, các quan và quân binh của họ đã thành lập kinh đô và xây dựng các cung điện cùng các lâu đài. Họ đặt tên kinh đô là Kapilavatthu và định cư ở đó.

Sự bắt đầu của dòng dõi Thích Ca

Trong thời gian an cư nơi đó thì các vị hoàng tử đến tuổi  trưởng thành để lập gia đình. Các quan thảo luận kỹ lưỡng với nhau, nói rằng: “ Thưa quý vị, các vị hoàng tử đã đến tuổi trưởng thành rồi. Nếu họ ở gần phụ vương Okkāka của họ, thì nhà vua có lẽ sẽ đứng ra dựng vợ gả chồng cho các hoàng tử và các công chúa này. Giờ đây trách nhiệm ấy là của chúng ta.” Và họ đến tham khảo ý kiến với các vị hoàng tử.

Các vị hoàng tử nói rằng: “ Này các quan, ở đây không có những công chúa ngang bằng với chúng tôi về dòng dõi, cũng không có những hoàng tử thuộc giai cấp xứng hợp với các chị em gái của chúng tôi. Nếu những người có dòng dõi không ngang bằng mà kết hôn với nhau thì con cháu của họ sẽ không được thuần khiết về bên mẹ hoặc bên cha. Điều này sẽ đem đến cho họ sự pha tạp về giai cấp (jāti-sambheda). Do đó, hãy để chúng tôi đặt chị cả của chúng tôi vào địa vị làm mẹ của chín đứa con và hãy để những người còn lại trong chúng tôi, bốn anh em trai và bốn chị em gái, kết hôn thành từng cặp với nhau để tránh sự thoái hóa về dòng dõi như vậy.” Sau khi tất cả đều nhất trí như vậy, họ tôn chị cả của họ, công chúa Piyā, làm mẹ của họ, rồi bốn hoàng tử kết hôn với bốn công chúa tạo thành bốn cặp vợ chồng, tránh được sự bất tịnh về dòng dõi của họ.

Về sau, bốn cặp vợ chồng ấy, những đứa con trai và con gái  của vua Okkāka, đều sanh con đẻ cái. Khi đức vua hay tin về sự thành lập kinh đô Kapilavatthu do những đứa con trai của vị ấy dẫn đầu là Ukkāmukha, đứng ra xây dựng, về sự kết hôn của họ không phải với những người thuộc gia tộc khác, mà với anh chị em của họ, và về sự thịnh đạt của những cặp vợ chồng có cùng cha mẹ, đức vua rất vui sướng đến nỗi vị ấy nói ra những lời khen ngợi các con giữa đông đảo các quan và mọi người.

“Sakyā vata bho kumārā – Này các khanh! Những đứa con trai và con gái của trẫm quả thật có khả năng.” “Paramā vata bho kumārā – Những đứa con trai và con gái của trẫm quả thật cao quý và có khả năng.”

Do câu nói của đức vua: ‘Sakyā vata – Quả thật có khả năng’ để khen ngợi họ, nên về sau tên Sakyā hay sākiya nghĩa là có khả năng được đặt cho con cháu của những hoàng tử và công chúa này do Ukkāmukha dẫn đầu và nó đã được mọi người biết đến.

(Đây là câu chuyện kể về sự bắt đầu của các hoàng tử Thích Ca).

Sự thành lập kinh đô Koliya

Về sau, nàng công chúa chị cả của các hoàng tử và các công chúa bị bịnh phong cùi. Trên thân của nàng xuất hiện những vết lở trông giống như những bông hoa sālimuggala hay hoa pāripāta.

Nhân đó, các vị hoàng tử suy xét và bàn luận với nhau rằng: “ Nếu chúng ta sống và ăn chung với chị cả đã bị mắc phải chứng bịnh ngoài da kinh khủng như vậy, thời chúng ta sẽ bị lây nhiễm chứng bịnh ấy.” Một hôm họ giả bộ đi vui chơi trong vườn rừng và đem theo chị cả Piyā của họ trong một chiếc xe kéo. Khi họ đi đến một khu rừng thưa, họ cho người đào một cái hố vuông đủ lớn để có thể đi, đứng, nằm và ngồi ở trong đó. Trong cái hố dưới lòng đất ấy, họ tích trữ tất cả các loại đồ ăn và thức uống và đặt người chị của họ vào trong đó. Họ cũng đậy những tấm ván lên trên đó để bảo vệ cho công chúa tránh khỏi mọi điều nguy hiểm và làm những khe rãnh dọc theo viền ngoài của những tấm ván, được dùng làm mái che có đất được đắp vào ở bên trên, rồi họ quay về Kapilavatthu.

Trong thời gian ấy, vua của nước Bārānasī, tên là Rāma, đang bị bịnh phong hủi và các cung nữ, các quan và tùy tùng của vị ấy đều ghê tởm. Do đó, đức vua lấy làm kinh hãi và đi vào rừng sau khi trao lại vương quyền cho đứa con trai đầu. Vị ấy dựng lên một ngôi nhà lá. Nhờ ăn toàn trái cây và củ nên chứng bịnh ngoài da của vị ấy sớm biến mất và vị ấy có được nước da màu vàng tươi sáng. Trong khi đang rảo đi từ chỗ này đến chỗ nọ, vị ấy gặp một cây đại thọ có thân khổng lồ, bên trong có bộng lớn, vị ấy tạo ra một phòng lớn rộng mười sáu hắc tay, ở trong bọng cây ấy; vị ấy cũng làm một cánh cửa chính, những cửa sổ và gắn vào đó một cái thang. Nó giống như một ngự phòng nhỏ của vị ấy trước kia.

Vào ban đêm, Rāma đốt một đống lửa trong một cái chảo lớn và lưu ý những tiếng kêu của nai, lợn rừng, v.v… ở về hướng nào trước khi vị ấy đi ngủ. Sáng hôm sau, Rāma đi về hướng ấy để tìm kiếm những miếng thịt nai, thịt lợn rừng, v.v… Đó là những miếng thịt được bỏ lại của những con mồi bị cọp, sư tử ăn xong còn dư. Vị ấy chỉ việc lượm về và nấu lên thành món ăn để sống qua ngày.

Một hôm nọ, có con cọp đánh được hơi phát ra từ nàng công chúa đang ở dưới hầm trú ẩn của nàng không cách xa chỗ ngụ của Rāma. Khi con cọp cào vào lớp ván và ra sức đột nhập xuống hố thì công chúa rất sợ hãi và la to. Khi ấy trời gần sáng và Rāma đang ngồi sau khi đã đốt lửa trong cái chảo. Nghe tiếng kêu cứu và biết rằng đây đúng thực là tiếng kêu của người phụ nữ vị ấy chạy nhanh đến hố khi trời vừa sáng và hỏi: “ Ai đang sống dưới lòng đất này vậy?” và khi nghe đáp lại: “Tôi là người nữ,” vị ấy hỏi thêm: “ Nàng thuộc dòng dõi nào?” “Thưa ông, tôi là con gái của vua Okkāka.” “ Hãy ra ngoài đi”, vua Rāma nói. “ Thưa ông, tôi không thể ra ngoài được” “ Tại sao?” “Thưa ông, tôi bị bịnh phong hủi.” Rồi sau khi biết rằng công chúa không chịu ra ngoài vì nàng tự hào về dòng dõi quí tộc của nàng, đức vua tự giới thiệu về địa vị đế vương của mình: “ Ta cũng thuộc giai cấp thống trị.” Rồi vua Rāma dùng cái thang đưa công chúa ra khỏi hố và dẫn nàng về chỗ ngụ của mình. Vị ấy cho nàng dùng loại thuốc chữa bệnh mà vị ấy đã dùng trước kia. Nhờ vậy, bịnh cùi của công chúa cũng biến mất và nước da vàng óng xinh xắn trở lại với nàng. Do tình ái phát sanh giữa hai người, họ trở thành vợ chồng.

Về sau, công chúa Piyā đẻ song sinh mười sáu lần với mười sáu cặp bé trai, tổng cộng là ba mươi hai đứa con trai. Khi chúng lớn khôn, phụ vương Rāma của chúng bèn gởi chúng đi học các môn học dành cho vị hoàng tử.

Một hôm có một người thợ săn từ Bārānasī đi đến khu rừng ấy gần Hy mã lạp sơn để săn tìm các vật báu. Anh ta gặp vua Rāma và sau khi nhận ra vị ấy, người thợ săn bèn nói rằng: “ Thưa chúa thượng, tiện nhân biết chúa thượng rất rõ.” Nhân đó, đức vua dò hỏi mọi chuyện về vương quốc của mình và trong khi vị ấy đang hỏi thăm người thợ săn như vậy thì ba mươi hai đứa con của đức vua trở về. Khi nhìn thấy những chàng trai, người thợ săn hỏi: “Tâu đại vương, những chàng trai này là ai vậy?” “Chúng là con của ta”, đức vua nói. Sau khi hỏi thêm một câu hỏi nữa, người thợ săn biết được quyến thuộc bên mẹ của các hoàng tử và nghĩ rằng: “ Giờ đây ta đã có được tin tức để dâng tặng đức vua xứ Bārāṇasī làm lễ vật.” Nghĩ vậy, vị ấy trở về kinh đô và tâu lên toàn thể câu chuyện với đức vua nước Bārāṇasī.

Vị vua hiện tại của nước Bārāṇasī chính là con trai của Rāma, vị ấy lấy làm vui sướng và để đưa vua cha trở lại kinh đô, bèn lên đường dẫn theo bốn loại quân binh. Vị ấy đảnh lễ vua cha rất mực tôn kính và nói lời thỉnh cầu: “ Thưa phụ hoàng, xin hãy bi mẫn tiếp nhận vương quyền nước Bārāṇasī.” “Này con thân yêu,” Rāma đáp lại: “ Ta không còn ham muốn trở thành vua của nước Bārāṇasī. Ta sẽ không theo con trở về kinh đô. Hãy đốn hạ cây này và xây dựng các chỗ ngụ và một kinh đô mới cho ta ở đây tại chính chỗ có cây Kola to lớn này.” Theo lịnh truyền của phụ hoàng, vua nước Bārānasī bèn dựng lập một kinh đô mới.

Vì kinh đô được thành lập trên chỗ đất của phụ hoàng Rāma của vị ấy sau khi đã đốn hạ cây đại thọ Kola nên có được đặt tên là Koliya; vì nó được xây dựng trên con đường có những con cọp thường qua lại nên nó cũng được gọi là Vyagghapajja. Sau khi đặt cả hai tên cho kinh đô, vị vua con của nước Bārāṇasī đảnh lễ phụ hoàng Rāma rồi trở về kinh đô của mình.

Khi vua Rāma và hoàng hậu Piyā của vị ấy đang trú ngụ trong kinh đô Koliya mới thành lập, một hôm, hoàng hậu Piyā nói với các con của bà khi chúng đã đến tuổi trưởng thành:

“Này các con, các cậu của các con, là những vị hoàng tử Thích ca, đang trị vì ở kinh đô Kapilavatthu. Những đứa con gái của các cậu của các con mặc y phục và để kiểu tóc như thế này, cách đi đứng của chúng như thế này. Khi chúng đi đến những nơi tắm để tắm, hãy bắt lấy nàng công chúa nào mà các con thích và đưa chúng về đây.”

Y theo lời dặn dò của mẹ, các hoàng tử đi đến nơi tắm của những nàng công chúa, là con gái của những vị hoàng tử Thích ca, tại Kapilavatthu và sau khi quan sát, mỗi hoàng tử chọn một nàng công chúa ưa thích, họ tự giới thiệu mình vào lúc các nàng công chúa đang rũ khô tóc.

Các hoàng tử Thích ca, sau khi biết rõ mọi chuyện, bèn nói với nhau rằng: “ Thưa các huynh đệ, cứ như vậy đi. Những hoàng tử Koliya này là những đứa con trai cao quý của chị cả chúng ta. Như vậy chúng là cháu ruột của chúng ta, là quyến thuộc gần của chúng ta.” Khi nói vậy, họ không chê trách các hoàng tử Koliya mà làm  thinh vì họ hài lòng với sự việc như vậy.

Những sự kết hôn giữa dòng dõi Thích ca và dòng dõi Koliya kéo dài liên tục, không đứt đoạn cho đến thời của Đức Phật.

Theo cách này, sự phát triển của con cháu dòng Thích ca xảy ra một cách thuần khiết và cao quý vì họ chỉ phối hợp với quyến thuộc của chính họ. Vì không có sự gián đoạn từ thời vua Okkāka, là nguồn gốc của dòng dõi Thích ca, cho đến thời của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt- đa), Đức Phật đương lai, nên các vị Thích ca được nổi danh trong lịch sử là Bất hoại sát-đế-lỵ (Asambhinna-khattiya).

Sự thành lập kinh đô Devadaha

Các vị hoàng tử Thích ca sống ở Kapilavatthu thường đi đến một hồ nước lớn khả ái và xinh đẹp để vui chơi. Vì đó là hồ nước vui chơi của các vị hoàng tử, nên nó được gọi là Devadaha (Deva ám chỉ các vị hoàng tử Thích ca vì được công nhận là những vị chúa tể, và daha nghĩa là cái hồ cho những trò chơi trong nước).

Về sau, những hoàng tử Thích ca ấy khi đi đến hồ nước để vui chơi, họ không trở về Kapilavatthu mà xây dựng những chỗ ngụ ở gần hồ. Nơi này về sau thịnh vượng lên và trở thành kinh đô Devadaha, lấy tên theo tên của hồ nước.

Các vị Thích ca sống trong thành phố ấy cũng được gọi là những vị Thích ca Devadaha.

(Trích dẫn từ bài chú giải của bài kinh Devadaha, Uparipaṇṇāsa Aṭṭhakathā).

Con cháu của vua Thích ca Ukkāmukha

Những vị vua cai trị tại Kapilavatthu gồm có:

(1)   Người sáng lập kinh đô Kapilavatthu, vua Ukkāmukha (khi vua nói thì ánh sáng rực rỡ, dấu hiệu của quyền lực, tỏa ra từ miệng của vị ấy giống như phụ vương Okkāka của vị ấy).

(2)       Con trai của vị ấy, vua Nipuna,

(3)       Con trai của vị ấy, vua Candimā,

(4)       Con trai của vị ấy, vua Candamukha,

(5)       Con trai của vị ấy, vua Sivi,

(6)       Con trai của vị ấy, vua Siñjaya,

(7)       Con trai của vị ấy, vua Vessantara, tức là Bồ tát.

(8)       Con trai của vị ấy, vua Jāti,

(9)       Con trai của vị ấy, vua Sīhavahana.

(10)     Con trai của vị ấy, vua Sīhassara.

Mười vị vua Thích ca này và con cháu của vua Sīhassara nối tiếp đến vua Jeyyasena, tám mươi hai ngàn vị vua cả thảy, nối tiếp nhau trị vì tại Kapilavatthu trong vương quốc của những người Thích ca.

Vị vua cuối cùng trong tám mươi hai ngàn và mười vị vua này, vua Jeyyasena, có một hoàng tử và một công chúa, tên là Sīhahanu và Yasodharā.

Lúc bấy giờ, vua Ukkāsakka và hoàng hậu Yasavatī của nước Devadaha cũng có một hoàng tử và một công chúa, tên là Añjana và Kañjanā.

Rồi hoàng tử Sīhahanu, con trai của vua Jeyyasena, nước Kapilavatthu, và công chúa Kañcanā, con gái của vua Ukkāsakka nước Devadaha kết hôn với nhau và có được bảy đứa con, năm trai và hai gái. Năm đứa con trai là: (1) Suddhodana, (2) Amitodana (3) Dhotadana, (4) Sakkodana, (5) Sukkodana. (Phần nêu ra này dựa theo bài kinh Sammāparibhājaniya, Chú giải Suttanipāta, cuốn 2). Hai đứa con gái là (1) công chúa Amitta và (2) công chúa Pālitā.

Từ sự kết hôn không chính thức của hoàng tử Añjana, con trai của vua Ukkāsakka nước Devadaha, và công chúa Yasodharā, con gái vua Jeyyasena của nước Kapilavatthu, bốn đứa con được sanh ra, gồm hai trai và hai gái. (Ở đây tên của Añjana cũng được gọi là Mahā Suppabuddha). Hai người con trai là hoàng tử Suppabuddha và hoàng tử Dandapāni. Hai người con gái là (1) Siri Mahā Māyā và (2) Công chúa Pajāpati Gotamī.

Hoàng tử Suddhodana, con trai của vua Sīhahanu kết hôn với hai người con gái của vua Añjana: công chúa Siri Mahā Māyā và công chúa Pajāpatī Gotamī. Người chị cả Siri Mahā Māyā hạ sanh thái tử Siddhattha và cô em gái Pajāpati Gotamī hạ sanh hoàng tử Nanda và công chúa Rūpanadā.

Theo lời giải thích tóm tắt này, có mười vị vua nối truyền từ vua Ukkāmukha, người sáng lập kinh đô Kapilavatthu.

Có tám mươi hai ngàn vị vua nối truyền từ vua Sīhassara xuống đến vua Jeyyasena.

Rồi đến vua Sīhahanu, con trai của vua Jeyyasena.

(6)     Con trai nối ngôi, vua Suddhodana, và

(7)     Con trai của vị ấy, thái tử Siddhattha, Đức Phật đương lai.

Tổng cộng tất cả ba nhóm này, có 82.013 vị vua cả thảy, là những vị vua của dòng dõi Thích ca không bị gián đoạn và tất cả đều cai trị ở kinh đô Kapilavatthu (đây là cô động tất cả những vị vua cai trị ở Kapilavatthu).

Nếu con số 82.013 vị vua từ vua Ukkāmukha đến thái tử Siddhattha cộng với con số 252.556 vị vua đã được kể ra ở trước từ vua Mahāsammata đến vua Okkāka, tổng số sẽ là 334.569.

[Ở đây, tác giả nêu ra bài trích dẫn từ bộ Mahā Sutakārī Magha-Deva Laṅkā, phần II]

Từ sự kết hôn không chính thức của Thái tử Suppabuddha, con trai của vua Añjana, và công chúa Amittā, con gái của vua Sihahanu, có hai đứa con được sanh ra, đó là công chúa Bhadda Kañcanā hay Yasodharā và hoàng tử Devadatta.

Từ sự kết hôn không chính thức giữa Thái tử Siddhatta, Đức Phật đương lai, là con trai của vua Suddhodana nước Kapilavatthu và hoàng hậu Siri Mahā Māyā, với công chúa Bhadda Kañcanā hay Yasodharā, con gái của vua Suppabuddha nước Devadaha và hoàng hậu Amittā, hoàng tử Rāhula được sanh ra.

(Thái tử Siddhattha, Đức Phật đương lai, chỉ có một đứa con trai là hoàng tử Rāhula này, không còn đứa con trai nào khác. Trong các bộ Tiểu sử (Minor Chronicles), có một sự thêu dệt phóng đại rằng các bà thứ phi của thái tử Siddhattha cũng có hạ sanh những đứa con trai khác. Nhưng không có bằng chứng nào về câu nói như vậy được tìm thấy trong tất cả những tác phẩm văn học Phật giáo khác. Do đó, tất cả chúng ta cần phải tin rằng chỉ có một người con trai duy nhất và người con trai ấy chẳng ai khác ngoài Rāhula.

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 31

Post Views: 196