Đại Phật Sử – Cuốn 2 – Phần Phụ Iii

Đại Phật Sử – Cuốn 2 – Phần Phụ Iii

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Nước da màu vàng và tươi sáng như vàng ròng

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã sống hầu như không sân hận. Nếu khởi sanh chút ít nóng giận thì Ngài nhanh chóng dập tắt nó. Ngài cũng ít lo lắng. Dầu có người nặng lời với Ngài, Ngài tuyệt đối không nóng giận hay thù ghét. Ngoài ra, Ngài còn cho vải tốt, y phục, đồ trải đến người ấy. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được nước da vàng và tươi sáng như vàng ròng siṅgī-nikkha. Do Ngài có tướng ấy, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả theo sau, ngài có được vải tốt, y phục và đồ trải một cách nhanh chóng.

Ở đây, tính không nóng giận và những việc phước bố thí vải tốt, y phục và đồ trải trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma. Nước da của người trong cơn giận, sắc không êm dịu, khuôn mặt xấu xí, dữ dằn. Trong thế gian này, không có sự trang sức nào như y phục. Do đó, những người trong quá khứ thường hay nóng giận và không bố thí y phục và đồ trải thì có khuôn mặt xấu xí. Khuôn mặt  của người không nóng giận thì xinh đẹp; nước da của người ấy có sắc êm dịu. Có bốn cách để chúng sanh có được sắc đẹp và sự lộng lẫy:

(1)     đã từng bố thí vật thực trong những kiếp quá khứ,

(2)     đã từng bố thí y phục trong những kiếp quá khứ.

(3)     đã từng làm việc phước quét dọn.

(4)     không nóng giận.

Tất cả bốn loại phước cần thiết này, Bồ tát đã thực hành viên mãn trong vô số kiếp quá khứ. Nhờ vậy, Ngài có được tướng nước da màu vàng ròng, nước da ấy có thể sánh với màu của vàng siṅgī- nikkha, và cũng để cho chư thiên và nhân loại biết về bốn loại phước mà Ngài đã thực hành viên mãn, đó là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Da màu vàng ròng là (3) Lakkhana (Tướng). Lợi lộc về y phục, v.v… là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).

Bộ sinh dục ẩn tàng dưới lớp da (mã âm tàng)

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã giúp kết hòa thân thiện cho những quyến thuộc và bạn bè từ lâu đã bất hòa với nhau; Ngài đã tạo ra sự hòa hợp giữa người mẹ bị ghẻ lạnh và đứa con trai, giữa người cha bị ghẻ lạnh và đứa con trai, giữa anh em trai ghẻ lạnh và  chị em gái, và giữa các chị em với nhau. Ngài hoan hỉ với sự hòa hợp mà Ngài đã giúp hàn gắn. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng mã âm tàng giống như của con voi chúa Chaddanta. Vì ngài có được tướng ấy, nếu ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; và do kết quả theo sau, Ngài sẽ có được hằng ngàn dũng sĩ có khả năng đánh tan tất cả mọi lực lượng thù địch. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được hằng ngàn Thinh văn đệ tử có khả năng đánh tan tất cả mọi phiền não.

Ở đây, sự thực hành việc phước đem hòa hợp đến những quyến thuộc đã bất hòa với nhau là (1) Kamma. Khi những người quyến thuộc đã sống hòa hợp với nhau thì họ sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau. Ngay khi họ bất hòa nhau, họ cũng không muốn để người ngoài biết rằng có người quyến thuộc của họ đã làm điều sai trái. Nếu có người nói rằng: “ Người kia đã gây ra lỗi lầm ấy”, thì họ sẽ đứng lên và phản bác rằng: “ Ai đã trông thấy điều ấy? Ai đã nghe điều ấy? Không ai trong chúng tôi làm điều sai trái như vậy.” Bằng cách này, tất cả họ đều bao che cho lỗi lầm của người kia. Có thể nói rằng Bồ tát không quan tâm đến lỗi lầm như vậy và nhờ đó mà Ngài đem lại sự hòa hợp cho quyến thuộc. Do đó, bộ sinh dục ẩn tàng dưới lớp da để cho người khác biết về nghiệp quá khứ của Ngài là đem lại sự hòa hợp cho quyến thuộc bằng cách ngăn chặn không để cho họ thấy lỗi lầm của nhau để họ cùng nhau sống hạnh phúc, là (2) Kamma sārikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bộ sinh dục ẩn tàng dưới lớp da như vậy là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Việc Ngài có được hằng ngàn thinh văn, đệ tử như những đứa con là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).

Thân cân đối và bàn tay dài có thể sờ đầu gối mà không cần cúi xuống

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã bày tỏ sự kính trọng đến những tùy tùng của Ngài sau khi xem xét kỹ lưỡng các thiện hạnh và đức tánh của họ. Chỉ khi biết rõ những công đức của họ, Ngài mới khen thưởng đúng với công đức của họ, rồi quyết định: “ Người này xứng đáng được thưởng chừng này”, “Người này xứng đáng với số tiền thưởng này.” “ Nếu bạn trả nửa đồng tiền vàng đến người xứng đáng được lãnh một đồng tiền vàng tức là bạn trả thiếu nửa đồng tiền vàng đến người nhận. Nếu bạn trả hai đồng đến người chỉ xứng đáng được lãnh một đồng tức là bạn đã đánh mất một đồng của bạn. Tránh gặp hai khuyết điểm trên (cho nhiều hơn hoặc ít hơn), Bồ tát bày tỏ sự tôn kính đến một người bằng cách cho người ấy một đồng vì người ấy xứng đáng được thưởng một đồng. Ngài tôn kính người khác bằng cách cho người ấy hai đồng vì người ấy xứng đáng được thưởng hai. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng thân cân đối (tròn và xinh đẹp) giống như cây đa trải nhánh tròn đều và tướng “ bàn tay dài có thể sờ đầu gối trong khi đứng thẳng, không cúi người.” Vì có được hai tướng này, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương và do kết quả theo sau, Ngài sẽ có nhiều tài sản như ngọc, vàng, bạc, những vật hữu dụng, các nhà chứa của cải và các kho ngũ cốc. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được nhiều tài sản của bậc thánh như đức tin (saddhā), giới (sīla), tùy văn (suti), trí tuệ (paññā), tàm (hiri) và quý (ottappa).

Ở đây, sự tôn kính của Ngài được thể hiện theo đúng giá trị của một người là (1) Kamma. Chiều dài của tay phát triển cân đối và chiều cao thân trên cân đối với phần dưới của thân là sự phù hợp với sự thể hiện của Ngài (2) Kamma-sarikkha (Nghiệp quả tương ứng). Thân của ngài tròn như cây đa (banyan), phần trên và phần dưới của nó có kích thước cân đối là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Việc Ngài có đầy đủ bảy loại tài sản là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).

Thân khéo phát triển, lưng không có đường rãnh của xương sống và cổ tròn đầy

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát hằng mong mỏi chúng sanh được an vui hạnh phúc. Ngài mong mỏi cho chúng sanh được thành tựu bốn điều hạnh phúc. Ngài đã suy tư rất nhiều như vầy: “ Làm sao những chúng sanh này có thể tăng trưởng niềm tin (saddhā)? Làm sao họ có thể tiến bộ trong giới luật (sīla), sự thọ trì ngũ giới hay thập giới?” “Làm sao họ có thể thành đạt về sự nghe (suta), nghe theo lời khuyên của các bậc trí tuệ và đạo đức?” “Làm sao họ có thể thành đạt về trí tuệ (paññā), tức là chân lý và sự hiểu biết rằng tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp (kamma) của họ là tài sản mang theo của riêng họ?” ‘Làm sao họ có thể phát đạt về của cải và lúa thóc, về ruộng đất, loài hai chân và bốn chân, vợ con, tôi tớ và người giúp việc, quyến thuộc và bạn bè?” Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên như trước, khi tái sanh làm người, Ngài có được ba tướng chánh, là thân khéo phát triển đều đặn như phần trước của con sư tử, tướng lưng của thân khéo phát triển từ thắt lưng lên đến cổ như tấm ván màu vàng kim không có đường khe  ở xương sống, tướng cổ tròn và cân đối. Do Ngài có được ba hảo tướng này, nên nếu sống đời gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương, có tất cả những tiện nghi của vị vua và đời sống hạnh phúc của Ngài sẽ không bao giờ suy giảm. Khi từ bỏ thế gian, Ngài trở thành một vị Phật Toàn giác và những ân đức hợp thế và siêu thế của Ngài như Saddhā, Sīla, Suta, Cāga, Pañña, v.v… không bao giờ suy giảm.

Ở đây, tâm mong cầu cho chúng sanh được an lạc của Ngài là (1) Kamma. Sự tròn đầy và khéo phát triển của thân, lưng và cổ tựa như chúng chúng cho thấy lòng mong mỏi hạnh phúc và thịnh vượng đến kẻ khác của Ngài, là (2) Kammasarikhaka (Nghiệp quả tương ứng); thân, lưng và cổ tròn đầy và khéo phát triển là (3) Lakkhana (Tướng). Tài sản thuộc thế gian và siêu thế gian không suy giảm là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức).

Bảy ngàn mao mạch ở cuống họng

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát chưa bao giờ gây thương tích cho kẻ khác bằng tay, bằng cục đá, gậy, dao hay bằng bất kỳ loại khí giới nào. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng bảy ngàn mao quản xuất hiện ở cuống họng và truyền hương vị của vật thực đi khắp châu thân dầu vật thực ấy nhỏ bằng hạt mè. Vì Ngài có được tướng này, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, Ngài được thiểu  bịnh.

Ở đây, việc phước không gây thương tích cho chúng sanh là (1) Kamma (Nghiệp). Người mà bị kẻ khác đánh bằng tay, v.v… sẽ có vết sưng bầm, cục máu đông ở trên chỗ bị đánh và vết thương sẽ bị mưng mủ và đau đớn hơn. Còn đối với Bồ tát, Ngài có được tướng những mao quản nằm thẳng đứng ở cuống họng tựa như chúng cho biết về việc phước của Ngài là không gây thương tích cho kẻ khác, đó là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng); những mao quản nằm thẳng ở họng của Ngài là (3) Lakkhana (Tướng); sự khỏe mạnh của Ngài là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức ).

Những mao quản truyền vị giác đi khắp thân thể cho dù vật thực nhỏ bằng hạt mè. Khả năng tiêu hóa của Ngài không quá cao cũng không quá thấp mà vừa phải để tiêu hóa bất cứ thứ gì được ăn vào. Vì thế sức khỏe của Bồ tát tốt hơn sức khỏe của kẻ khác. 

Mắt xanh trong và lông mi mềm mại

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát chưa bao giờ giận dữ nhìn người khác với đôi mắt lồi ra như mắt của con tôm hùm. Ngài không bao giờ giận dữ nhìn ngang một người khác. Khi một người nhìn Ngài giận dữ, một cách đơn giản Ngài nhắm mắt lại. Chỉ khi người đó nhìn nơi khác, Ngài mới liếc nhìn họ với tâm thương cảm mà không bao giờ ghét bỏ. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng “đôi mắt xanh trong” và tướng “ lông mi mềm như lông mi của con bê mới sanh.” Vì Ngài có được tướng ấy, nếu trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác, và do kết quả theo sau, Ngài được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngắm nhìn với tâm thương mến và đầy tin tưởng.

Ở đây, việc phước nhìn chúng sanh bằng đôi mắt thương mến trong vô số kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người giận dữ nhìn ngang hoặc nhìn cau mày vào người khác thì kiếp sau cũng có đôi mắt như thế. Những người nhìn kẻ khác với ánh mắt thiện cảm và đầy tôn kính sẽ có được đôi mắt trong suốt với năm vẻ đẹp. Bồ tát có đôi mắt xanh trong, lông mi mềm và cong lên tựa như chúng biểu hiện cái nhìn trìu mến và khiêm cung trong quá khứ của Ngài, tất cả điều này là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Đôi mắt cực kỳ trong xanh và lông mi rất mềm là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Sự ái kính của chúng sanh đối với Ngài là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức).

Lớp thịt mỏng ở trên trán

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã thực hành thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh và ý thiện hạnh, bố thí, trì giới, ăn kiêng (fasting), phụng dưỡng cha mẹ, v.v… Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng lớp thịt mỏng xuất hiện trên trán như băng vải bằng chỉ vàng quấn quanh đầu. Vì Ngài có được tướng ấy, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, đông đảo chúng sanh theo Ngài hay Ngài trở thành bậc lãnh đạo tất cả họ.

Ở đây, việc phước dẫn đầu nhóm người thực hành các việc thiện là (1) Kamma (Nghiệp). Người lãnh đạo nhóm người để làm các việc thiện như bố thí, v.v… không bao giờ mang vẻ mặt buồn rầu giữa các thiện hữu. Thay vào đó, vị ấy đi lại giữa mọi người với đầu thẳng không sợ hãi, vẻ mặt vui tươi và mãn nguyện. Người ấy cũng có đông đảo tùy tùng. Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát lãnh đạo mọi người làm các việc thiện. Để cho chư thiên và nhân loại biết được điều này, Bồ tát sanh ra có lớp thịt mỏng ở trên trán (hoặc có đầu tròn đầy) để cho mọi người biết về những việc phước trong quá khứ là (2) Kamma- sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lớp thịt mỏng trên trán là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Đông đảo chúng sanh quy y theo Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).

Lông trên thân và sợi bạch mao giữa hai hàng lông mày

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ sự nói dối (musāvāda), Ngài chỉ nói lời chân thật, lời nói trước của Ngài phù hợp với lời nói sau; Ngài nói lời kiên định; Ngài nói những lời đáng tin cậy khiến cho mọi người tin tưởng và nghe theo. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “lông trên thân, một lỗ chân lông có một sợi” và tướng “ sợi bạch mao nằm giữa hai hàng lông mày.” Vì ngài có được hai tướng này nên, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác, và do kết quả theo sau, những ước muốn của Ngài được nhiều người đáp ứng.

Ở đây, việc phước chỉ nói lời chân thật trong nhiều kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Lông trên thân của Ngài, mỗi sợi mọc lên ở một lỗ chân lông và sợi bạch mao mọc lên một cách kỳ diệu giữa hai hàng lông mày để nói lên những việc phước nói lời chân thực của ngài là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lông trên thân và sợi bạch mao giữa hai hàng lông mày là (3) Lakkhana (Tướng). Những ước muốn của Ngài được nhiều người đáp ứng là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức)

Bốn mươi cái răng và tánh chất răng khít nhau

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ ly gián ngữ; Ngài đã đem lại sự hòa hợp cho những người đã xa lìa nhau; Ngài đã giúp duy trì sự đoàn kết cho những người đã sống đoàn kết; Ngài hoan hỉ với sự đoàn kết của bạn bè; Ngài rất thỏa mãn khi thấy hoặc nghe nói về những người đang sống hòa hợp với nhau; Ngài chỉ nói điều gì đem lại sự đoàn kết cho bạn bè, thân thích. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy; Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “ hàm răng có bốn chục cái” và tướng “răng khít nhau, không có kẻ hở.” Vì có hai tướng này, nếu ở trong thế tục làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được tứ chúng hòa hợp, không bị kẻ ngoại đạo ly gián.

Ở đây, sự từ bỏ ly gián ngữ và nói lời đem lại hòa hợp trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người thường nói lời chia rẽ thì không có đầy đủ bốn chục cái răng và răng của họ bị sưa, có nhiều kẻ hở, vì họ phá hoại sự hòa hợp của kẻ khác. Tuy nhiên, Bồ tát có bốn chục cái răng và chúng khít nhau tựa như để cho chư thiên và nhân loại biết về thiện hạnh trong vô số kiếp quá khứ của Ngài là không nói lời chia rẻ. Cho nên, khả năng của những cái răng của Ngài cho biết sự kiên tránh ấy là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bộ răng đầy đủ bốn mươi cái và không có kẽ hở trong những cái răng ấy là (3) Lakkhana (Tướng). Việc có chúng đệ tử hòa hợp không thể bị kẻ khác chia rẻ ly gián là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức).

Lưỡi dài và giọng nói có tám đặc tánh như giọng nói của Phạm thiên

 Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã kiên tránh không nói lời thô lỗ, chửi mắng, Ngài chỉ nói những lời lịch sự, không xúc phạm và làm hài lòng nhiều người. Do kết quả tương ứng với những việc  phước như vậy, ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “lưỡi dài và mềm” và tướng “ giọng nói có tám đặc tánh như giọng nói của Phạm thiên”. Vì Ngài có được hai tướng ấy, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi từ bỏ thế gian, Ngài thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, những lời nói của Ngài có hiệu quả, có tánh chất thuyết phục và đáng tin cậy.

Ở đây, sự từ bỏ ác ngữ và chỉ nói lời lịch sự, khả ái, dịu dàng trong nhiều kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người hay nói lời ác, chửi mắng thì lưỡi dày, cong xuống và có đường chẻ khiến cho người khác biết rằng họ đã từng xoắn lưỡi nói lời ác. Tuy nhiên, Bồ tát thì lưỡi dài, mềm và phẳng đẹp để chư thiên và nhân loại có thể biết rằng Ngài không bao giờ nói ác ngữ mà chỉ nói lời dịu dàng, lịch sự và dễ nghe. Những người thường nói ác ngữ thì có giọng nói bị bể, không rõ ràng. Bồ tát có giọng nói mang tám đặc tánh tựa như để nói lên rằng “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ sự mắng nhiếc, chê bai, đó là nguyên nhân của giọng nói thô và bể. Do đó, tánh chất dài, dẹp và mềm của cái lưỡi và sự tròn đủ tám đặc tánh của cái lưỡi là (2) Kamma- sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lưỡi dài, mềm và giọng nói có đầy đủ tám đặc tánh là (3) Lakkhana (Tướng). Chư thiên và nhân loại nghe theo lời của Ngài, có tánh thuyết phục, có hiệu quả và đáng tin cậy là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức).

Cằm giống như cằm sư tử

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ lời nói phù phiếm, vô ích (ỷ ngữ). Những lời ngài nói ra đúng thời và đúng hoàn cảnh. Ngài chỉ nói lợi ích, chân thật và phù hợp với pháp, và cho lời khuyên đúng với luật; Ngài nói với tính cách đứng đắn, lời nói có ý nghĩa và có bằng chứng như trong phiên tòa, đáng được mọi người ghi nhớ và tâm niệm. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “ cằm phát triển xinh đẹp (toát lên một nụ cười sắp xảy ra) giống như cằm của sư tử.” Vì ngài có được tướng ấy cho nên, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Lúc xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, những kẻ thù ở bên ngoài cũng như bên trong hoàn toàn không thể tấn công được Ngài.

Ở đây, hạnh từ bỏ ỷ ngữ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người thường nói chuyện phù phiếm thì có cằm uốn vào hình lòng chảo hoặc có hình dạng xấu xí khiến người ta biết rằng họ từng nói lời vô ích. Bồ tát thì có cằm xinh đẹp để chư thiên và nhân loại biết về hạnh từ bỏ ỷ ngữ của Ngài, và hạnh chỉ nói điều gì đem lại lợi ích. Do đó, khả năng phát triển của hàm biểu hiện hạnh của Ngài trong quá khứ là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Quai hàm xinh đẹp với khả năng là (3) Lakkhana (Tướng). Quả phước khiến kẻ thù bên trong và bên ngoài không thể tấn công Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).

Hàm răng đều đặn và bốn răng nhọn trắng

Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ lối sống tà mạng, chỉ sống bằng nghề chân chánh. Ngài đã từ bỏ tất cả những phương tiện bất lương, như lường cân tráo đấu, ăn hối lộ, dối gạt, lộng giả thành chân. Như các hành động bạo lực bằng cách chặt tay chặt chân, giết người, bắt cóc, cướp bóc, đốt nhà, v.v… Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “hàm răng đều đặn và cân đối” và tướng “ bốn cái răng nhọn trắng và sáng như sao mai”. Vì có được hai tướng ấy cho nên, nếu ở trong thế tục làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Lúc xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, Ngài có được đông đảo đệ tử bao gồm tứ chúng.

Ở đây, sự nuôi mạng chân chánh của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người kiếm sống không lương thiện thường có hàm răng không cân đối, hàm trên hoặc hàm dưới, bên trong hoặc bên ngoài của hàm răng; và bốn cái răng nanh của họ thì cáu bẩn khiến mọi người biết về những hành động tà mạng của họ trong quá khứ. Tuy nhiên, Bồ tát có răng đều đặn nhau và bốn cái răng nhọn rất trắng sáng tựa như chúng hiện bày ra để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết về sự nuôi mạng chân chánh của Bồ tát trải qua vô số kiếp trong luân hồi. Do đó, tánh chất đều đặn của những cái răng của và tánh chất trắng sáng của bốn cái răng nhọn nói lên sự nuôi mạng chân chánh của Ngài trong vô số kiếp luân hồi là (1) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Răng đều đặn và bốn cái răng nhọn trắng sáng là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Số đệ tử đông đảo của ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 4

Post Views: 249