CHƯƠNG 36
CHIỀU CAO CỦA ĐỨC PHẬT ĐƯỢC ĐO BỞI MỘT BÀ-LA-MÔN
Vào một dịp nọ, có một vị Bà-la-môn là dân cư của thành Rājagaha nghe người ta nói rằng không ai có thể đo được chiều cao của Đức Phật Gotama. Bởi vậy, khi Đức Phật đi vào thành Rājagaha để khất thực thì vị này cầm một cây sào dài sáu mươi hắc tay (cubit) đứng ở ngoài cổng thành. Khi Đức Phật đến gần cổng thành, ông ta đi đến trên tay cầm cây sào. Cây sào chỉ dài đến đầu gối của Đức Phật.
Ngày hôm sau vị Bà-la-môn nối hai cây sào dài sáu mươi hắc tay và lại đi đến gần Đức Phật. Hai cây sào được nối lại cũng không cao hơn thắt lưng của Đức Phật và Đức Phật đã hỏi ông ta đang làm gì. Ông Bà-la-môn đáp lại rằng ông ta đang đo chiều cao của Ngài. Đức Phật dạy rằng: “Này ông Bà-la-môn! Cho dù ông nối tất cả những cây tre trong thế gian này, ông cũng không thể đo được chiều cao của Như Lai. Chắc vậy, Như Lai không phải tu tập các pháp Ba-la-mật trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để người ta có thể đo được chiều cao của Như Lai (Như Lai đã tu tập chúng đến mức mà không ai có thể đo được chiều cao của Như Lai). Này ông Bà-la-môn. Đức Phật là nhân vật vô song.”
Khi nói vậy, Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây (câu kệ có trong
kinh Pháp Cú).
Te tādisē pūjayato
nibbute akutobhaye
na sakkā punnaṃ saṅkhātuṃ imettām api kenaci.
Phước được thành tựu đến người có đức tin (saddhā) đảnh lễ chư Phật, chư Phật Độc Giác và những bậc thánh khác, những bậc đã dập tắt ngọn lửa phiền não, những bậc đã dập tắt nguồn gốc ưu bi và sợ hãi, những bậc có những đức tánh siêu việt và có thể thấy, phước ấy không thể đo đếm được bởi bất cứ ai trong ba cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên khi nói rằng: “Phước này có nhiều lợi ích, phước này có nhiều lợi ích.”
Kết thúc câu kệ, tám mươi bốn ngàn chúng sanh chứng đắc Thánh quả Nhập lưu, có cơ hội thọ hưởng phước báu Niết bàn.
Câu chuyện của vua Pukkusāti
(Từ kinh Dhatu-vibbanga, Kinh Trung bộ)
Khi vua Bimbisāra đang trị vì kinh đô Rājagaha, nước Magadha thuộc Trung độ (Majjhima-desa); một vị vua khác cai trị thành phố Takkasīla, biên giới của Trung độ là vua Pukkusāti.
Một thời nọ, các thương nhân của xứ Takkasīla đến kinh thành Rājagaha bán hàng hóa. Họ mang phẩm vật và đến yết kiến vua Bimbisāra. Họ dâng cúng phẩm vật và đứng đảnh lễ nhà vua, vua hỏi họ sống ở đâu và họ đáp lại là họ sống ở Takkasīla.
Sau khi hỏi thêm về tình hình chính trị, về phúc lợi và về chính thành phố Takkasīla, đức vua hỏi tên của nhà vua xứ này. Khi các thương nhân trả lời tên vua là Pukkusāti, đức vua hỏi vua của họ có thọ trì mười vương pháp không. Họ trả lời: “Tâu đại vương, hoàng đế của chúng tôi có thọ trì mười vương pháp. Vị ấy trợ giúp phúc lạc của dân chúng bằng bốn pháp trợ tiếp độ (saṁgaha-dhamma) là sassa- medha, purisa-medha, sammapasa và vācāpeyya. Vị ấy xử sự như là cha mẹ của dân chúng và đem lại hạnh phúc cho họ giống như cha mẹ thường làm đối với đứa con đang ngủ say trong vòng tay của họ.”
- Sassa-medha: sự thận trọng liên quan đến mùa màng. Trong việc đánh thuế hoa lợi đất đai, chỉ được thu một phần mười trong số thu hoạch mùa màng.
- Purisa-meddha: sự thận trọng liên quan đến dân chúng và quân sĩ đang phục vụ. Sự ban phát phần thưởng và lương thực nửa năm một lần.
- Sammapasa: thu phục nhân tâm. Cho người nghèo vay tiền mặt, một hay hai ngàn mà không lãi suất trong ba năm.
- Vācāpeyya: ái ngữ ví như ‘này chàng trai’, ‘ thưa chú’ v.v… được mọi người xưng hô với nhau tùy theo tuổi tác.
Vua Bimbisāra vẫn hỏi thêm: “ Vua các ngươi bao nhiêu tuổi?” Các thương nhân trả lời về tuổi tác của vua Pukkusāti và hóa ra cả hai vị vua cùng tuổi.
Rồi đức vua lại nói: “Này các bạn, vua của các vị là bậc minh quân. Vị ấy cùng tuổi với trẫm. Các vị có thể làm bạn với vua của các vị không?” Khi câu trả lời là được, vua Bimbisāra miễn cho họ mọi phận sự theo tục lệ, cho họ chỗ ngụ và kết thúc cuộc nói chuyện bằng cách bảo họ hãy đến gặp vị ấy trước khi rời khỏi kinh thành.
Tuân theo lệnh của vua Bimbisāra, các thương nhân đến gặp vua vào đêm trước khi ra đi, đức vua nói: “ Này các bạn, chúc các vị về nước thượng lộ bình an. Hãy nhân danh ta vấn an sức khỏe của đức vua và thay mặt ta nói rằng ta muốn kết bạn với vị ấy.”
“Thưa vâng,” các thương nhân đáp lời rồi họ trở về Takkasilā. Khi về đến nơi, họ sắp xếp hàng hóa vào một nơi gọn gàng rồi đến yết kiến đức vua sau bữa ăn sáng. Đức vua hỏi: “ Các vị đã đi đâu? Thời gian gần đây, trẫm không gặp các vị.” Các thương nhân tường thuật mọi việc đến đức vua. Khi ấy, đức vua hoan hỷ, nói rằng: “ Thật tuyệt vời! Nhờ các vị mà trẫm có một người bạn và đồng minh ở Trung độ.” Sau đó, các thương nhân ở Rājagaha đến Takkasilā để buôn bán.
Họ dâng tặng vật đến vua Pukkusāti. Khi đức vua biết họ đến từ Rājagaha, kinh thành của vị vua bạn, đức vua nói rằng, “Các vị là những người khách từ Rājagaha đến, kinh thành của người bạn và đồng minh của trẫm, vua Bimbisarā.” Các vị thương nhân xác nhận.
Sau đó nhà vua hỏi về sức khỏe của vua bạn và cho đánh trống công bố trong dân chúng: “Từ hôm nay trở đi, tất cả thương nhân đến từ kinh thành của vương quốc của vua Bimbisarā, đi bộ hoặc đi xe, sẽ
được cung cấp nơi ở và lương thực trong kho của hoàng gia. Họ sẽ được miễn tất cả thuế. Không có bất cứ phiền hà nào xảy đến với họ.” Vua Bimbisarā cũng làm tương tự như vậy.
Sự trao đổi thông tin giữa hai vị vua
Khi ấy, vua Bimbisāra nhắn tin đến đức vua Pukkusāti rằng: “Này bạn! Những viên đá quý như hồng ngọc, ngọc trai, v.v… thường được tìm thấy ở những vùng biên giới. Nếu bạn tìm thấy những loại đá quý khác nhau chế biến thành những vật hấp dẫn và có những tin tức sốt dẽo thì hãy báo cho tôi biết với.”
Đức vua Pukkusāti nhắn tin trả lời rằng: “Này bạn! Xứ Trung thổ là miền đất vĩ đại. Nếu bạn có những viên đá quý hấp dẫn thuộc nhiều loại khác nhau mà xuất hiện ở đó thì xin hãy báo cho tôi biết.”
Khi ngày, tháng, năm trôi qua, hai vị vua vẫn là hai người bạn keo sơn như vậy nhưng không thấy mặt nhau.
Quà tặng của vua Pukkusāti
Trong khi hai vị vua cam kết với nhau là sẽ chia sẻ tin tức về báu vật tiềm tàng của họ thì có một vật rất đặc biệt đáng được làm quà tặng đã phát sanh đến đức vua Pukkusāti trước tiên. Vị vua này có tám xấp vải muslin, năm màu vô giá. “Những xấp vải này có chất lượng mịn màng,” đức vua suy nghĩ: “Ta sẽ gửi chúng làm quà tặng của ta đến vua Bimbisāra, bạn của ta.” Vị ấy cho người làm tám cái hộp bằng gỗ đàn hương, mỗi hộp có kích thước bằng quả cầu được quay trên một cái máy tiện. Trong mỗi cái hộp, vị ấy đặt một tấm vải muslin và đắp mủ cao su bên ngoài hộp, những cái hộp được làm thành những quả cầu. Rồi mỗi quả cầu được bọc bên ngoài bằng một tấm vải trắng rồi được đặt trong cái hộp bọc bằng một tấm vải khác và viết lên dòng chữ: “Hãy trao nó đến bạn của ta, vua Bimbisāra.” Đức vua sai các quan đem những cái hộp này đến đức vua Bimbisāra. Vị ấy cũng gửi
lời nhắn sau: “Tôi muốn bạn mở cái hộp này và xem những món quà giữa sự chứng kiến của các quan tại trung tâm của thành phố.”
Các quan đi đến Rājagaha và dâng vật tặng. Khi nghe tin, vua Bimbisāra truyền lệnh đánh trống cho các quan chức hội họp giữa trung tâm của thành phố, Đức vua ngồi trên chiếc ngai vàng bằng châu báu dưới cái lọng trắng. Rồi vị ấy gỡ bỏ dấu niêm phong, những lớp vải bọc ngoài và mở ra cái hộp. Khi mở ra cái hộp, vị ấy trông thấy những trái cầu bằng mủ, đức vua chợt nghĩ: “Ồ, bạn của ta, vua Pukkusāti đã gửi những hột súc sắc này làm quà tặng, chắc vị ấy hiểu lầm ta là người thích đánh bạc, ghiền trò súc sắc.” Nghĩ vậy, đức vua cầm trái cầu lăn nó trong lòng bàn tay, đoán sức nặng.
Khi đức vua gõ trái cầu vào chân của chiếc ngai vàng thì lớp mủ rớt ra. Vị ấy mở hộp có mùi hương một cách nhẹ nhàng bằng những cái móng tay của vị ấy và khi trông thấy báu vật là vải muslin, vị ấy truyền lệnh cho mở ra cả bảy cái hộp. Họ thấy tận mắt tất cả những gì được chứa trong cái hộp là vải muslin vô giá. Những mảnh vải được trải ra và được đo, họ nhận thấy có nhiều màu xinh đẹp và mịn màng, mỗi tấm vải dài mười hắc tay và rộng tám hắc tay. Khi thấy bảo vật là vải muslin, mọi người vỗ tay và tung lên những cái khăn trùm đầu của họ. Họ vui sướng nói rằng: “Đức vua của chúng ta và vị vua Pukkusāti chưa bao giờ thấy mặt nhau, thế mà vua Pukkusāti đã gửi những tặng vật vô giá như thế. Thật thích hợp để kết bạn với một vị vua như vậy.”.
Vua Bimbisāra cho định giá mỗi tấm vải muslin và thấy chúng vô giá không thể ước lượng được, vị ấy dâng lên Đức Phật bốn tấm và giữ lại bốn tấm trong cung điện của mình.
Quà tặng đáp lại của vua Bimbisarā
Khi ấy, vua Bimbisāra tự hỏi như vầy: “Tặng vật đáp lại phải trội hơn tặng vật nhận được. Bạn của ta, vua Pukkusāti đã gửi cho ta tặng vật vô giá. Ta nên gửi tặng vật nào để biếu vị ấy?”
Ở đây, có thể nói rằng:”Vậy tại kinh thành Rājagaha không có báu vật nào quý giá hơn hay sao?” Câu trả lời: Không phải là không có báu vật nào quý giá hơn. Vua Bimbisāra là một vị đại vương. Do đó, không thể nào mà không có thứ tốt hơn tám mảnh vải muslin. Tuy nhiên, từ lúc vị ấy chứng đắc Đạo quả Nhập lưu thì mọi báu vật trong thế gian đều không khả ái đối với tâm của đức vua. Chỉ có Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng mới đáng yêu quý. Do đó, để chọn lựa vật có giá trị nhất làm quà tặng, đức vua đã suy xét theo cách sau đây.
“Trong thế gian này bảo vật (ratana) có hai loại: hữu tình (saviññāṇaka) và vô tình (aviññāṇaka). Trong hai loại này, loại vô tình như vàng, bạc và bất cứ bảo vật nào khác chỉ để trang sức cho bảo vật hữu tình. Do đó, bảo vật hữu tình là đáng tán dương hơn.”
“Lại nữa, bảo vật hữu tình có hai loại: loài người và súc sanh. Loài vật như voi ngựa hay bất cứ loài vật nào, chỉ làm việc phục vụ cho con người. Do đó, bảo vật về loài người là đáng ca ngợi hơn.”
“Lại nữa, bảo vật về loài người cũng có hai loại: nam và nữ. Người nữ dù là vợ của vị Chuyển luân vương cũng phải hầu hạ cho người đàn ông. Do đó, bảo vật về người nam là đáng tán dương hơn.”
“Lại nữa, bảo vật về người nam cũng có hai loại: người làm gia chủ (agārika) là người sống phấn đấu cho gia đình của mình, và người xuất gia (anāgārika) là người không phấn đấu cho gia đình của mình. Gia chủ dù là Chuyển luân vương cũng phải đảnh lễ bằng năm điểm chạm đất đến vị Sa-di mới xuất gia trong ngày. Do đó, bảo vật về người xuất gia là đáng tán dương nhất.”
“Lại nữa, bảo vật về Sa-môn cũng có hai loại: Sa-môn hữu học (sekkha), phàm phu hoặc người đã chứng đắc những tầng thánh thấp. Sa-môn vô học (asekkha), bậc A-la-hán, cho dù một trăm ngàn bậc hữu học cũng không bằng một bậc vô lậu học, bậc A-la-hán. Do đó, bảo vật về bậc vô lậu học là đáng ca ngợi hơn”.
“Lại nữa, bảo vật về bậc vô lậu học cũng có hai loại: Đức Phật và Thinh văn đệ tử của Đức Phật. Cho dù một trăm ngàn Thinh văn đệ tử của Đức Phật cũng không bằng một vị Phật Toàn Giác. Do đó, bảo vật về Đức Phật Toàn Giác là đáng ca ngợi hơn.”
“Lại nữa, bảo vật về Phật cũng có hai loại: Phật Độc Giác và Phật Toàn Giác. Cho dù một trăm ngàn vị Phật Độc Giác cũng không bằng một vị Phật Toàn Giác. Do đó, Đức Phật Toàn Giác là đáng ca ngợi hơn.”
“Quả thật vậy, trong thế gian này cùng với thế giới chư thiên và Phạm thiên không có gì quý báu hơn Đức Phật Chánh đẳng giác. Do đó, ta sẽ gửi báu vật vô song đến người bạn của ta là vua Pukkusāti.”
Khi nghĩ như vậy, vua Bimbisāra hỏi các quan đến từ Takkasilā xem họ đã từng thấy Tam bảo ở xứ của họ chưa. Các quan đáp lại rằng họ chưa từng nghe nói đến, chứ nói gì là thấy. Đức vua rất hoan hỉ vì bấy giờ vị ấy có cơ hội để gửi đi tặng vật mà không được tìm thấy ở Takkasīla. Rồi đức vua nghĩ rằng: “Ta có thể thỉnh Đức Thế Tôn đến Takkasīla, kinh đô của vua Pukkusāti bạn của ta để nâng cao tâm linh cho mọi người. Nhưng Đức Thế Tôn không có thông lệ trải qua đêm ở những vùng biên giới. Thế nên, thật không thể nào để Đức Thế Tôn đi đến đó.”
“Giả sử ta có thể thỉnh được đại đức Sāriputta, Mahā Moggallāna và những đại đệ tử đại A-la-hán khác đến đó. Nhưng sự thật thì ngay khi ta vừa nghe tin về sự lưu trú của những vị đại trưởng lão tại những vùng biên giới, thì ta gởi người đến đưa các Ngài về đây bằng bất cứ phương tiện nào có thể và phục vụ những nhu cầu cho các Ngài. Như vậy, không thể nào để các vị đại trưởng lão đi đến đó.”
“Do đó, ta sẽ gửi một bức thông điệp có mục đích giống y như Đức Thế Tôn và các vị trưởng lão đi đến Takkasīla vậy.”
Rồi đức vua cho người dệt một tấm vàng dài bốn hắc tay và rộng nửa hắc tay, không quá dày cũng không quá mỏng. Vào ngày đức vua dự định sẽ viết lên tấm vải vàng, vua gội đầu vào lúc sáng sớm, tắm rửa, nguyện thọ trì bát quan trai giới và sau bữa ăn trưa, vị ấy không trang điểm tràng hoa hay bất cứ vật thơm nào khác. Rồi cầm cái tách bằng vàng đựng mực son, vị ấy đóng tất cả các cánh cửa ở tầng dưới và đi lên tầng trên. Và để có nhiều ánh sáng, vị ấy mở cánh cửa sổ ở hướng đông và ngồi trong căn phòng thoáng mát. Đức vua viết lên tấm vải vàng như sau:
Trong thế gian này đã xuất hiện bậc Đạo-Sư, bậc A-la-hán (Arahaṁ), Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), Minh Hạnh Túc (Vijjā-caraṇa-sampaññā), Thiện Thệ (Sugata), Thế gian Giải (Lokavidū), Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu (Anuttaro- purisa-damma-sārathi), Thiên Nhơn Sư (Satthā- devamanussānaṃ), Phật (Buddha), Thế Tôn (Bhagavā).
Như vậy, đầu tiên đức vua viết lên những ân đức của Đức Phật. Rồi vị ấy mô tả cách vị Bồ tát thực hành mười pháp Ba-la-mật (pāramī); cách mà sau khi mạng chung ở cõi trời Tusitā, vị ấy thọ sanh vào lòng mẹ; cách mà vào lúc ấy, xuất hiện 32 điềm tướng vĩ đại dường như mở tung hết cả thế giới; cách mà những phép lạ đi theo sự thọ sanh của vị ấy; cách mà thực hành pháp khổ hạnh và phấn đấu để Giác ngộ; cách Ngài ngồi trên Bồ đoàn Aparājita và chứng ngộ Nhất thiết trí; cách Ngài đạt được những năng lực thần thông làm cho toàn thể thế giới mở ra trước mặt Ngài. Cuối cùng, vua Bimbisāra viết rằng trong thế giới của chư thiên và Phạm thiên không có báu vật nào quý hơn Phật bảo (Buddha ratana) có được những ân đức vĩ đại như vậy. Đức vua lại mô tả một số ân đức khác của Đức Phật trong câu kệ sau:
Yaṁ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ na no samaṃ atthi Tathāgatena idam’pi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ etena saccena suvatthi hotu.
Sau đó, để tán dương Pháp bảo (Dhamma ratana) đức vua bèn viết ra sáu ân đức của Pháp Bảo là:
Pháp được Đức Phật khéo thuyết (svākhāta), dẫn đến những kết quả có thể thấy được trong chính kiếp sống này (sandiṭṭhika), có lợi ích tức thì (akālika), mọi người đều đến và thấy (ehipassika), có thể thực hành hay có thể chứng đắc (opaneyyika), đáng để bậc
trí tự mình chứng nghiệm (paccattam–vedittabbo viññūhi). Đức vua cũng kể ra những đức tánh đặc biệt như 37 pháp trợ Bồ Đề (Bodhipakkhiya Dhamma) như Tứ Niệm Xứ (satipatthana), Tứ Chánh Cần (sammappadhana), Tứ Thần Túc (iddhi-pada), Ngũ Căn (indriya), Ngũ Lực (bala), Thất Giác Chi (bojjhanga), Bát Chánh Đạo (magganga).
Rồi đức vua mô tả những ân đức của Pháp riêng một phần như
sau:
Yaṃ buddhaseṭṭho parivannāyī suciṃ samādhiṃ anantarikaññam āhu; Samādhinā tena samo na vijjati; idam’pi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ etena saccena suvatthi hotu.
Rồi để tán dương Tăng Bảo, đức vua bèn viết ra chín ân đức của Tăng Bảo, trong đó bốn ân đức đầu tiên là:
Chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật có thiện hạnh (suppatipaññātā), chánh trực hạnh (ujupatipaññātā), chánh như lý hạnh (nāya patipaññātā), hòa kính hạnh (sāmīci-patipaññātā), đáng được cúng dường (āhuneyya), đáng được đãi mời (pāhuneyya), đáng được thọ lãnh vật cúng thí (dakkhineyya), đáng được lễ bái (añjali-karaṇīya), phước điền vô thượng của thế gian (anuttara-puññakkhetta lokassa).
Rồi đức vua tiếp:
“Vị thiện nam tử thuộc dòng dõi cao quý và có thiện hạnh nghe những lời của Đức Phật và từ bỏ thế gian để trở thành Sa-môn. Một số làm như vậy khi từ bỏ lạc thú của một vị vua, một số từ bỏ lạc thú của vị thái tử, một số từ bỏ địa vị lãnh đạo tối cao, v.v… Sau khi trở thành Sa-môn, họ sống cuộc đời phạm hạnh.”
Sau lời mở đầu này, về đời sống thánh thiện, đức vua viết về tiểu giới (cūla sīla), trung giới (majjhima sīla), đại giới (mahā sīla), v.v… như trong bài kinh Brahmajala. Vị ấy cũng viết về sự thu thúc lục căn, sự tu tập niệm và tỉnh giác (sātisampajañña), sự tri túc đối với bốn món vật dụng, chín loại chỗ ở thích hợp cho việc hành thiền, sự khắc phục năm chướng ngại (nivarana), sự tạo ra những chuẩn bị bằng các đề mục kasina để luyện tâm, phát triển các tầng thiền và các pháp thần thông, ba mươi tám loại thiền, v.v… tất cả đều dẫn đến sự chứng ngộ Đạo quả A-la-hán.
Sau khi mô tả chi tiết mười sáu phép niệm hơi thở
(ānāpānassati), đức vua tán dương chư Thánh Tăng đệ tử Phật.
Ye puggalā aṭṭhasataṃ pasaṭṭhā cattāri etāni yugāni honti
te dakkhiṇeyya sugatassa sāvakā etesu dinnāni mahāpphalāni idampi Sanghe ratanaṃ paṇītaṃ etena saccena suvatthi hotu.
Rồi đức vua thêm: “ Giáo pháp của Đức Thế Tôn với ba học pháp (sikkhā) toàn hảo ở chặng đầu, toàn hảo ở chặng giữa và toàn hảo ở chặng cuối. Đó là Giáo pháp mà chắc chắn dẫn đến sự giải thoát khỏi sanh tử luân hồi (saṁsara). Này bạn Pukkusāti! Ta muốn khuyên bạn hãy từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn nếu bạn có thể”.
Rồi đức vua cuộn tròn tấm bảng vàng, gói lại trong một tấm vải mịn và đặt nó trong cái hộp bằng gỗ đàn hương, hộp đàn hương lại được đặt trong một cái hộp bằng vàng, hộp bằng vàng được đặt trong cái hộp bằng bạc, hộp bằng bạc được đặt trong cái hộp bằng hồng ngọc, cái hộp hồng ngọc được đặt trong cái hộp bằng san hô, rồi cái hộp san hô được đặt trong cái hộp bằng ngọc thạch lưu, rồi được đặt trong cái hộp hồng ngọc có đốm (masāragalla), rồi được đặt trong cái hộp bằng pha lê, đến hộp bằng ngà voi, đến hộp bằng mười loại vật báu, đến cái hộp bằng tre đan, rồi lại được đặt trong cái hộp bằng
vàng, bằng bạc, bằng ngọc, bằng san hô, v.v… và hộp bằng tre đan lần lượt như vậy hộp này trong hộp kia giống như trước.
Rồi cái hộp bằng tre được đặt trong cái hộp bằng gỗ đàn hương, hộp đàn hương được đặt trong cái hộp bằng vàng, giống như trước là đến hộp bằng bạc, hộp bằng hồng ngọc, hộp san hô, hộp bằng ngọc thạch lưu, hộp bằng pha lệ, hộp bằng ngà voi, hộp bằng mười loại châu báu và hộp bằng sơn. Rồi sau khi cho gói cái hộp bằng sơn trong một tấm vải mịn và đóng dấu ngọc ấn của đức vua. Đức vua phán với các quan rằng: “Này các khanh! Hãy trang hoàng các con đường trong lãnh thổ của ta, mỗi con đường có bề rộng tám usabha, hai phần ở hai bên mỗi bên rộng hai usabha chỉ cần đắp vá, còn phần giữa rộng bốn usabha thì được trang hoàng bằng những thứ của hoàng gia.”
Rồi đức vua sai đặt một cái ghế trên một con voi được trang sức đầy đủ có một cái lọng trắng được che phía trên, cho quét dọn sạch sẽ và rưới nước các con đường của kinh đô. Những lá cờ, những lá phướn, cờ đuôi nheo được treo lên. Ở mỗi bên của các con đường đặt những cây chuối, những cái lu đựng đầy nước, nhiều loại hoa thơm và vật thơm. Các sứ giả được gửi đi đến những người lãnh đạo thành phố và tỉnh lỵ với những lời chỉ dẫn như sau:
“Các ngươi phải tôn vinh quà tặng của vua khi món quà đi qua những nơi ở dưới quyền hành của các ngươi.”
Được trang hoàng rực rỡ đầy đủ biểu tượng của vua, và các quan tháp tùng, đức vua đích thân lên đường khởi hành, đem theo quà tặng thiêng liêng đến vùng biên giới với sự phô trương và nghi lễ long trọng giữa những tiếng nhạc được tấu lên rất vui tươi. Đức vua cho nói riêng với người đại diện có trách nhiệm giữ món quá tặng thiêng liêng này: “Này khanh! Trẫm muốn vị vua bạn của trẫm nhận lãnh nó không phải trước mặt của các cung phi hoàng hậu, mà vị ấy nhận lãnh và xem nó ở tầng thượng của cung điện.”
Đức vua đảnh lễ lễ vật thiêng liêng ấy một cách rất tôn kính, xem chuyến đi của lễ vật như cuộc viếng thăm của chính Đức Phật đến nước biên giới. Rồi vị ấy trở về kinh đô Rājagaha.
Các quan chức lãnh đạo thành phố và tỉnh lỵ cũng cho sửa sang đường sá giống như vậy và cung rước tặng vật thiêng liêng từ chỗ này đến chỗ kia.
Sự thọ nhận bởi vua Pukkusāti
Vua Pukkusāti cũng vậy, cho người sửa sang các con đường cho được tươi sáng, trang hoàng kinh đô thật rực rỡ và nhận quà tặng thiêng liêng một cách long trọng.
Món quà tặng thiêng liêng đến Takkasilā một cách kinh ngạc đúng vào ngày Bố tát. Vị quan mang vật tặng dâng lên đức vua với lời nhắn mà vua Bimbisāra đã nói với vị ấy.
Sau khi nghe những lời nhắn, vua Pukkusāti truyền lệnh sắp xếp mọi thứ cần thiết để tiếp đãi các vị khách và tự mình nhận lấy vật tặng rồi đi lên tầng thượng của cung điện. Đức vua bố trí những lính canh ở cửa để ngăn không cho bất cứ ai vào. Vị ấy mở cửa sổ, đặt món quà tặng thiêng liêng trên một chỗ trên cao và mình ngồi ở một chỗ thấp hơn. Rồi vị ấy gỡ dấu ấn và lớp vải phía ngoài. Khi mở ra những vật chứa lần lượt từng cái bắt đầu từ cái hộp bằng sơn lắc, vị ấy thấy cái hộp trong cùng bằng gỗ đàn hương và kết luận một cách đúng đắn: “Cách mà món quà được gói khác với cách mà trong đó những bảo vật thế gian được gói. Chắc chắn nó phải là Ratana mà đã xuất hiện ở Trung Độ và đáng để ta quan tâm”.
Rồi đức vua mở cái hộp có hương thơm, gỡ bỏ dấu triện son của vua và khi cầm hai chéo của miếng vải rất mịn, vị ấy nhẹ nhàng mở nó ra và thấy cuộn bảng vàng. Đức vua đầy kinh ngạc khi thấy bài viết sắc sảo của người viết, chữ viết đẹp và những dòng chữ viết tay. Đức vua đọc từng chữ của bức thông điệp.
Khi vị ấy đọc đến các ân đức của Đức Phật bắt đầu bằng ‘Trong thế gian này đã xuất hiện Đức Thế Tôn’ vị ấy trở nên ngây ngất và lông tóc từ chín mươi chín ngàn lỗ chân lông dựng đứng. Vị ấy ngất đi trong tư thế đứng và ngồi. Vị ấy hài lòng sâu sắc khi nghĩ về cơ hội mà vị ấy có được, tri ân vị vua bạn Bimbisāra đã cho vị ấy cơ hội
được xem bức thông điệp về Phật Bảo (Buddha-ratana) mà rất khó được dù trải qua hàng triệu kiếp.
Không thể đọc thêm nữa, vua Pukkusāti ngồi trong trạng thái suy ngẫm cho đến khi cơn ngây ngất vơi đi. Rồi vị ấy đọc các ân đức của Pháp bảo bắt đầu bằng ‘svākkhāta’. Đức vua lại ngất ngây như trước. Sau khi ở trong trạng thái suy ngẫm cho đến khi cơn ngất ngây vơi đi. Rồi vị ấy đọc đến các ân đức của Tăng bảo bắt đầu bằng ‘suppaṭipaññā’ thì cơn ngây ngất to lớn lại khởi sanh trong vị ấy giống như trước.
Sự đắc định và xuất gia của vua Pukkusāti
Rồi đức vua đọc phần cuối trong bảng vàng mô tả về pháp thiền niệm hơi thở, vị ấy chuyên tâm vào pháp thiền, theo dõi những chỉ dẫn trong bảng vàng và chứng đắc thiền Sắc giới (rūpavacara jhāna). Vị ấy trải qua thời gian thọ hưởng sự an lạc của định mà không ai khác ngoài một người hầu trẻ được phép hầu cận vị ấy. Bằng cách này, nửa tháng đã trôi qua.
Dân chúng của kinh thành kéo đến tụ họp ở trước sân triều và yêu cầu đức vua xuất hiện, nói rằng:
“Đức vua đã hoàn toàn ngưng không duyệt binh hay xem ca múa kể từ ngày vị ấy nhận món quà của vua bạn. Đức vua cũng ngưng không ban các chiếu chỉ. Chúng tôi muốn đức vua cho một người nào đó mà vua quý mến xem món quà tặng do vua bạn gửi tặng. Khuynh hướng của một số vị vua khi muốn thôn tính một nước thì gởi tặng vật để dụ dỗ. Hiện giờ đức vua của chúng ta đang làm gì?”
Khi nghe tiếng la của dân chúng, đức vua tự hỏi có nên tiếp tục cai trị để đem lại lợi lạc cho xứ sở hay hành theo lời dạy của Đức Phật. Rồi vị ấy suy nghĩ: “Không có nhà toán học nào có thể đếm được những kiếp sống mà ta đã làm vua. Do đó, ta sẽ thực hành lời dạy của Đức Thế Tôn.” Nghĩ vậy, vị ấy cầm thanh gươm để gần chiếc giường cắt đứt búi tóc, mở cửa sổ và ném búi tóc xuống giữa hội
chúng còn dính dãi băng đầu có đính hồng ngọc, nói: “Này các khanh!
Hãy cầm lấy búi tóc của ta và để nó làm vua.”
Dân chúng nhận lấy búi tóc với dãi băng còn đính hồng ngọc “Ôi! Đại vương, phải chăng các vua nhận được món quà tặng từ những vua bạn đều giống như đại vương?” Râu của vua Pukkusāti dài bằng hai ngón tay giống như râu của Bồ tát vào buổi chiều xuất gia.
Rồi đức vua sai người hầu trẻ đi ra chợ mua hai tấm y đã nhuộm và một cái bát đất. Rồi nói rằng: “Con xin dâng hiến đời sống xuất gia của con đến Đức Thế Tôn, bậc đáng được lễ kính trong thế gian này,” vua lấy một tấm làm y nội, tấm kia làm y vai trái, cái bát được đeo lên vai trái và chiếc gậy trong tay, vị ấy đi tới lui hai ba lần để mình xem có giống vị Sa-môn không. Đức vua hài lòng khi thấy rằng mình giống vị Sa-môn.” Rồi vị ấy mở cửa chính rồi đi xuống cung điện.
Các cung nữ và những người khác đang chờ ở ba ngưỡng cửa liên tiếp nhìn thấy Sa-môn Pukkusāti đi xuống, nhưng họ không nhận ra đức vua. Họ nghĩ rằng chắc một vị Phật Độc Giác đã đến thuyết pháp cho đức vua của họ. Chỉ khi họ lên đến tầng trên của cung điện và kiểm tra khắp nơi thì mới biết sự ra đi của đức vua, và họ liền khóc òa như những người đi thuyền bị đắm giữa đại dương.
Vừa khi Sa-môn Pukkusāti bước đi thì tất cả thần dân và quân binh đều vây quanh vị ấy và khóc than thảm thiết. Các quan tâu với vua Pukkusāti:
“Tâu đại vương! Các vị vua ở Trung độ rất xảo quyệt. Đại vương chỉ nên đi sau khi đã gửi đi các quan thám tử và điều tra kỹ để biết chắc Phật Bảo có thật sự xuất hiện trên thế gian này chưa. Trong lúc này, đại vương nên trở lại hoàng cung.”
Nhưng Sa-môn Pukkusāti bỏ đi, nói rằng: ” Này các khanh! Ta có niềm tin tuyệt đối với bạn của ta, vua Bimbisāra. Vua bạn Bimbisāra không bao giờ nói dối ta. Các ngươi hãy ở lại.” Tuy nhiên, các quan và dân chúng vẫn kiên quyết đi theo đức vua.
Khi ấy, Sa-môn Pukkusāti dùng cây gậy vạch một đường trên đất và hỏi dân chúng rằng: “Vương quốc này là của ai?” họ đáp lại: “Tâu đại vương! Vương quốc này là của đại vương.” Khi ấy, Sa-môn
Pukkusāti nói: “Ai phá đi đường kẻ này sẽ bị phạt bởi vương quyền.” Trong câu chuyện Bổn sanh Mahājanaka, hoàng hậu Sīvali không dám xóa đường kẻ được vạch trên đất bởi Bồ tát, vua Mahā Janaka. Thế nên, khi lăn lộn trên đất, nàng khéo léo làm cho đường kẻ của đức vua biến mất rồi đi theo đức vua. Dân chúng cũng đi theo đường được mở ra bởi hoàng hậu. Nhưng trong trường hợp đường kẻ được vạch ra bởi Sa-môn Pukkusāti thì dân chúng không dám xóa đi mà họ lăn lộn và khóc than, đầu hướng về đường vạch.
Thiện nam tử Pukkusāti
Thiện nam tử Pukkusāti ra đi một mình không đem theo người hầu hay nô lệ để phục vụ tăm xỉa răng hay nước rửa mặt v.v… cho vị ấy trong chuyến đi. Vị ấy tự mình ra đi khi nhớ đến sự kiện rằng “Bậc Đạo Sư của ta, Đức Thế Tôn đã từ bỏ thế gian khi còn là vị Bồ tát và ra đi một mình để trở thành Sa-môn. Với tâm niệm noi theo gương của Đức Phật càng nhiều càng tốt, khi nhớ rằng Đức Phật không bao giờ đi xe, vị ấy cũng không mang dép hay dùng chiếc lá làm cái dù. Dân chúng trèo lên các cây cao, những bức tường thành, những tháp nhỏ hay tháp lớn hay những bức vách trên tầng hào để xem đức vua của họ một mình ra đi.
Thiện nam tử Pukkusāti suy nghĩ: “Ta sẽ phải đi một chuyến đường dài, ta không thể đi đến nơi một mình được.” Thế nên, vị ấy đi theo một đoàn thương buôn. Vì phải đi chân không trên con đường ghồ ghề dưới nắng nóng nên đôi bàn chân mềm mại của vị ấy bị sưng phồng nhiều chỗ rồi vỡ ra tạo nên những cơn đau buốt. Khi đoàn thương buôn dựng lên những cái lều bằng nhánh và lá cây để nghỉ ngơi thì Pukkusāti bước ra khỏi con đường chính và ngồi dưới một cội cây. Không có ai xoa bóp hay phục vụ, vị ấy nhập vào tứ Thiền bằng đề mục hơi thở, loại trừ cơn mệt mỏi và trải qua thời gian an lạc trong thiền.
Sáng hôm sau. vị ấy vệ sinh thân thể và đi theo đoàn thương buôn. Khi đến giờ độ thực, các thương buôn thỉnh lấy bát của vị ấy,
đặt vật thực vào trong bát và dâng lên. Vật thực khi thì nấu không kỹ, khi thì quá mềm, khi thì khô cứng lại có sạn, khi thì quá mặn, khi thì quá lạt v.v… Sa-môn vẫn không buồn bực dù vật thực cứng hay mềm, khô hay dẻo, mặn hay lạt mà chỉ nghĩ về nơi thức ăn đi vào, và ăn như ăn thực phẩm của chư thiên.
Bằng cách này, vị ấy trải qua đoạn đường dài 192 do tuần đến Sāvatthi. Dù đoàn thương buôn đã đi qua Jetavana tịnh xá trong thành phố, nhưng vị ấy không bao giờ khởi lên ý nghĩ hỏi về chỗ ngụ của Đức Phật. Lý do là
- sự tôn kính của vị ấy đối với Đức Phật và
- thông điệp của vua Bimbisāra.
- Suốt chuyến đi, Pukkusāti chỉ nghĩ đến Đức Phật mà không nghĩ đến điều gì khác. Khi đến gần Jetavana, với lòng tôn kính sâu sắc đến Đức Phật, vị ấy cũng không tự hỏi hiện giờ Đức Phật có sống ở đó không và như vậy câu hỏi về bậc Đạo sư không bao giờ khởi lên trong vị ấy.
- Thông điệp của đức vua Bimbisāra nói rằng “Đức Thế Tôn xuất hiện trong thế gian này” và nó khiến Pukkusāti tin rằng Đức Phật sống ở Rājagaha. Bởi vậy, dù đã đi qua Jetavana tịnh xá nhưng vị ấy không hỏi về chỗ ngụ của Đức Phật và tiếp tục chuyến đi của mình. Vị ấy đến Rājagaha cách Sāvatthi sáu mươi bốn do tuần.
Sau khi mặt trời lặn, đến Rājagaha Pukkusāti tìm thấy nhiều tịnh xá và vị ấy rút ra kết luận từ bức thông điệp của vua Bimbisāra rằng Đức Phật ngự tại Rājagaha, vị ấy hỏi mọi người về nơi ngụ của Đức Phật . Dân chúng hỏi vị ấy từ đâu đến và khi nghe rằng từ phương bắc, họ nói rằng: “Thưa đại đức! Ngài đã đi quá đường rồi. Đức Thế Tôn sống ở Sāvatthi cách Rājagaha bốn mươi lăm do tuần trên đường Ngài đến đây.” Vị Sa-môn suy nghĩ: “Bây giờ đã quá trễ, ta không thể đi đến Thế Tôn ngày hôm nay. Ta sẽ trú qua đêm tại đây và viếng Đức Thế Tôn vào ngày mai.” Vị ấy hỏi mọi người về nơi mà các Sa-môn thường đến ngụ qua đêm khi đến Rājagaha. Mọi người chỉ cái lều nhỏ của người thợ gốm là nhà nghỉ dành cho những vị Sa-môn ở phương
xa. Được sự cho phép của người thợ gốm, vị Samôn đi vào nhà nghỉ và ngồi ở đó nghỉ qua đêm.
Việc đi đến của Đức Phật
Ngày hôm ấy, vào lúc hừng đông, Đức Phật dò xét thế giới hữu tình và khi trông thấy Pukkusāti. Đức Phật nghĩ: “Vị thiện nam tử này đã đọc bức thông điệp của đức vua Bimbisāra và vì ta mà vị ấy đã trở thành Sa-môn sau khi từ bỏ hoàn toàn vương quốc Takkasilā rộng một trăm do tuần. Ngày hôm nay vị ấy sẽ đến Rājagaha sau khi đi một quãng đường dài một trăm chín mươi hai do tuần và bốn mươi lăm do tuần khác đi qua khỏi Sāvatthi.
“Nếu Ta không đi gặp thì vị ấy sẽ trải qua một đêm và chết một cách vô vọng mà không chứng đắc ba quả Thánh bậc thấp. Nếu Ta đến gặp vị ấy thì vị ấy sẽ được chứng đắc ba Thánh Quả bậc thấp và được giải thoát. Ta đã tu tập các Ba-la-mật trong nhiều đại kiếp vì lòng bi mẫn đối với những chúng sanh xứng đáng. Bây giờ, ta sẽ đi thăm vị ấy để nâng đỡ tâm linh cho vị ấy.”
Sáng sớm Đức Phật làm vệ sinh thân thể và đi vào Sāvatthi cùng với các tỳ khưu để khất thực. Vào buổi trưa, Ngài rời khỏi thành phố, nghỉ ngơi một lát trong Hương phòng, nghĩ rằng: “Vị thiện nam tử này vì kính mến Ta đã làm điều mà những người khác khó làm. Từ bỏ vương quốc Takkasilā rộng một trăm do tuần, vị ấy lên đường một mình thậm chí không đem theo một người hầu để dâng nước rửa mặt cho mình.” Đức Phật nghĩ về sự khổ hạnh của Sa-môn và không gọi đại đức Sāriputta hay Moggallāna hay bất cứ một vị đệ tử nào khác, Ngài rời khỏi Sāvatthi và một mình đem theo y bát.
Đức Phật không dùng thần thông đi xuyên qua hư không, hay thâu ngắn con đường mà đi bộ vì Ngài biết rằng, do kính trọng Ngài mà Sa-môn Pukkusāti đã không đi bằng voi, xe ngựa hay kiệu vàng mà đi chân không giày dép hay che dù.
Các hảo tướng rực rỡ của Đức Phật và hào quang sáu màu từ thân của Ngài, v.v… được che lại như đám mây che phủ mặt trăng,
Đức Phật lặng lẽ đi suốt cả buổi trưa (khoảng 6 tiếng) và một khoảng xa bốn mươi lăm do tuần, Ngài đến lều ngụ qua đêm của người thợ gốm vào lúc mặt trời lặn, ngay sau khi Sa-môn Pukkusāti đã vào lều. Sự rực rỡ của Đức Phật được che phủ để cho vị Sa-môn có thể nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bị mỏi mệt thì không thể thâm nhập Giáo Pháp.
Khi Đức Phật đến gần lều của người thợ gốm, Ngài không đi vào đó một cách tự nhiên như một vị Phật Chánh đẳng giác mà đứng ở lối vào và xin phép vị Sa-môn cho được trú ở đó. Pukkusāti tưởng Đức Phật là một vị tỳ khưu bình thường và nhận lời một cách vui vẻ , nói rằng: ” Này bạn! Ngôi nhà này vắng vẻ. Nó khá rộng. Ông bạn có thể trú ở đây thoải mái.”
(Làm sao Sa-môn Pukkusāti, người đã từ bỏ vương quốc Takkasilā rộng một trăm do tuần có thể miễn cưỡng cùng chia sẻ sự thoải mái của vị ấy trong một ngôi nhà hoang với một Sa-môn khác? Vị ấy không miễn cưỡng chút nào. Tuy nhiên, có một số Sa-môn thiểu trí (mogha purisa) thì rất bỏn xẻn về chỗ ngụ của họ (āvāsa- macchariya) và tìm cách từ chối san sẻ tiện nghi về chỗ ở cho Sa-môn khác) (Chú Giải)
Đức Phật vốn rất tinh tế, rời khỏi Hương phòng giống như cung điện của chư thiên, bước vào cái chòi của người thợ gốm hôi hám, đầy tro bụi, nồi bể, rơm rạ, phân gà và phân heo. Giữa khối rác rơm này Đức Phật đã làm một cái giường cỏ, trải một tấm y phấn tảo và ngồi một cách an nhiên tự tại tựa như Ngài đang ngồi trong Hương phòng ngào ngạt mùi hương cõi thiên giới.
Như vậy, khi hai người thuộc các dòng họ Khattiya đã từ bỏ các lạc thú vương giả để trở thành những Sa-môn nước da vàng óng, đã chứng đắc những pháp siêu việt. Đức Phật và Pukkusāti cùng ngồi trong lều của người thợ gốm khiến cho túp lều trở nên rực rỡ như hang động bằng pha lê có hai sư tử vương trú ẩn.
Đức Phật không nghĩ rằng: “Ta là người rất thanh nhã, thế mà ta đã tích cực đi bốn mươi lăm do tuần suốt buổi chiều (trong sáu tiếng). Bây giờ Ta sẽ nằm nghiêng bên phải nghỉ ngơi trong giây lát.” Không
nghĩ như vậy nên Ngài ngồi nhập vào tứ thiền Quả Định (phala-
samāpatti).
Sa-môn Pukkusāti cũng không nghĩ sẽ nằm trong giây lát để khắc phục sự mệt mỏi do chuyến đi bộ dài một trăm chín mươi hai do tuần. Vị ấy cũng ngồi nhập vào Tứ thiền từ pháp niệm hơi thở.
(Ở đây, mục đích của cuộc viếng thăm của Đức Phật là thuyết pháp đến Pukkusāti. Vậy tại sao Ngài lại nhập vào tứ thiền thay vì thuyết pháp đến Sa-môn Pukkusāti? Đức Phật không thuyết pháp ngay lúc đó, vì khi ấy Sa-môn Pukkusāti vẫn còn mệt. Vị ấy sẽ không thể tiếp thu được Giáo Pháp. Vì vậy, Đức Phật chờ cho cơn mệt mỏi của vị ấy qua đi).
Những vị A-xà-lê khác nói rằng Rājagaha là một kinh đô đông dân với mười loại âm thanh vang đi trong không trung, nên Đức Phật dời việc thuyết pháp của Ngài cho đến nửa đêm khi kinh thành trở nên yên tĩnh. Quan điểm này không thể chấp nhận, vì Đức Phật có thể dùng thần thông để làm tắt đi âm thanh đi xa đến cõi Phạm thiên. Nói cách khác, Ngài có thể làm cho Sa-môn Pukkusāti không nghe được những âm thanh như vậy. Thực ra, Đức Phật chờ cho Sa-môn Pukkusāti khỏe lại sau cơn mệt mỏi).
Đức Phật rời khỏi Sāvatthi vào buổi trưa, đi bộ đến Rājagaha trải qua bốn mươi lăm do tuần, đến túp lều của người thợ gốm vào lúc mặt trời lặn, đi vào lều với sự cho phép của vị Sa-môn và nhập quả Định trong sáu tiếng. Khi xuất khỏi thiền vào lúc nửa đêm. Ngài mở hai mắt với năm đặc điểm của chúng giống như mở cánh cửa cung điện bằng vàng. Khi ấy, Ngài thấy Sa-môn Pukkusāti đang ngồi nhập vào tứ thiền giống như tượng vàng, tay chân và đầu không một chút dao động. Đức Phật nghĩ rằng tư thế của vị Sa-môn khá ấn tượng và quyết định bắt đầu cuộc đàm đạo.
Trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm và ngồi, ba oai nghi đầu thiếu trang nghiêm. Vì tỳ khưu đang đi khiến tay chân cử động. Thân của vị tỳ khưu đang đứng thì cứng nhắc. Vị tỳ khưu đang nằm cũng không khả ái. Thực ra, chỉ có oai nghi ngồi của vị tỳ khưu, sau khi quét sạch chỗ ngụ của mình vào lúc xế trưa, trải tấm da, rửa sạch tay
chân, ngồi kiết già thì trông rất trang nghiêm. Sa-môn Pukkusāti ngồi kiết già nhập tứ thiền qua đề mục niệm hơi thở. Điều này làm hài lòng Đức Phật.
(Đức Phật biết rằng Pukkusāti trở thành Sa-môn vì lòng quý kính Ngài. Tuy nhiên, Ngài quyết định hỏi vì nếu Ngài không hỏi thì sẽ không có cuộc đàm thoại, và nếu không đàm thoại thì sẽ không có thuyết giảng. Thế nên, Ngài bắt đầu cuộc nói chuyện để mở đường cho việc thuyết giảng).
Đức Phật hỏi Sa môn hiến dâng đời sống xuất gia vì ai, ai là đạo sư và vị ấy thích Giáo lý của ai? Vị Sa-môn trả lời rằng vị ấy hiến dâng cuộc đời mình cho Đức Phật, v.v…
Lại nữa, Đức Phật hỏi Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng sống ở đâu? Sa- môn Pukkusāti trả lời: “Này hiền giả! Một kinh đô gọi là Sāvatthi ở vùng phía bắc, Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng hiện đang ở trong kinh đô đó.” Khi Đức Phật hỏi vị ấy rằng vị ấy đã trông thấy Đức Phật chưa, và nếu bây giờ gặp thì vị ấy có thể nhận ra không. Câu trả lời của vị ấy là chưa thấy Ngài và vị ấy sẽ không biết Ngài nếu bây giờ gặp Ngài.
(Ở đây, mọi người đều biết Đức Phật từ vẻ rực rỡ của Ngài. Điều này không lấy gì làm ngạc nhiên. Nhưng thật khó để người ta biết được Đức Phật khi Ngài cải trang làm một vị tỳ khưu bình thường đang đi khất thực; sự rực rỡ của Ngài được ẩn dấu. Bởi vậy, Sa-môn Pukkusāti trả lời chân thật rằng vị ấy sẽ không biết Đức Phật.Vị ấy không biết dù ở chung với Đức Phật.
Khi biết rằng sự mệt mỏi của Sa-môn Pukkusāti đã biến mất. Đức Phật quyết định thuyết pháp. Đức Phật nói: “Này Sa-môn! Ta sẽ thuyết pháp đến ngươi. Hãy lắng nghe Giáo pháp của ta. Hãy ghi nhớ cẩn thận, ta sẽ thuyết pháp đến ngươi một cách cặn kẽ.” (Đến lúc ấy Sa-môn Pukkusāti vẫn không biết rằng người ở chung với mình chính là Đức Phật).
Pukkusāti đã từ bỏ vương quốc của mình sau khi đọc bức thông điệp của vua bạn Bimbisāra và trở thành Sa-môn với hy vọng được nghe Giáo pháp của Đức Phật. Vị ấy đã trải qua một chuyến đi dài mà
không gặp ai để tâm thuyết pháp đến mình. Thế tại sao lại từ chối không tôn kính đón nhận Giáo pháp của người bạn đồng hành? Giống như một người khát nước, vị ấy khao khát được uống nước Pháp. Thế nên, vị ấy hoan hỷ lắng nghe Pháp một cách tôn kính. Đức Phật thuyết giảng tóm tắt những nội dung của bài kinh Dhātuvibhaṅga như sau:
“Này Sa-môn! Một người hay một chúng sanh có sáu nguyên chất, sáu căn, mười tám thức, bốn loại y. Người hiện hữu bốn y này thì thoát khỏi vòng ngã mạn sanh lên từ ngã kiến. Khi dòng ngã mạn như vậy vắng mặt trong Sa-môn, người ấy được xem là người mà lậu hoặc (āsava) hay phiền não đã diệt. (1) Người nên Chánh niệm với tuệ Minh sát, (2) Người nên nói lời chân thật, (3) Người nên phấn đấu để đoạn trừ phiền não, (4) Người nên thực hành pháp chỉ để chấm dứt phiền não. (Đây là những nội dung tóm tắt của bài kinh Dhātuvibhaṅga).
Sau khi giải thích những pháp cơ bản như vậy, Đức Phật lần lượt giải thích chi tiết những pháp ấy. (Bài tham khảo Dhātuvibhaṅga sutta thuộc Majjhima Nikāya).
Pukkusāti đắc quả Anāgāmī (Thánh Bất lai)
Khi Đức Phật giải thích pháp đầu tiên, Chánh niệm về Tuệ Minh sát, Đức Phật đưa Giáo pháp đến đạo Quả A-la-hán và Pukkusāti chứng đắc ba Quả thánh thấp hơn dựa vào nền tảng những thiện nghiệp trong quá khứ và trở thành bậc thánh Bất Lai.
Ví dụ, khi một vị vua đang ăn món vật thực có nhiều vị khác nhau trong một cái tô bằng vàng, vị ấy lấy một lượng cơm vừa đủ với miệng của mình. Khi một hoàng tử nhỏ ngồi trong lòng đức vua và đòi ăn, đức vua có thể cho vào miệng của hoàng tử một lượng cơm mà vị ấy đã lấy cho mình. Đứa bé chỉ ăn một lượng cơm vừa với miệng của cậu ta mà thôi. Về số cơm còn lại đức vua có thể ăn hoặc bỏ chúng lại cái bát vàng. Dường thế ấy, Đức Phật, vị Pháp vương, thuyết bài pháp dẫn đến Đạo Quả A-la-hán, thời pháp phù hợp với khả năng trí tuệ của vị ấy và dựa trên nền tảng của những thiện nghiệp trong quá khứ của
vị ấy. Vị Sa-môn Pukkusāti chỉ có thể tiêu thụ ba phần tư (3/4) món ăn của Chánh pháp, nghĩa là Bất lai đạo và trở thành bậc thánh Bất lai.
Pukkusāti không có hoài nghi về Chánh pháp trước khi chứng đắc quả thánh Bất lai nên khi đang theo dõi thời pháp của Đức Phật về các uẩn, các căn, các xúc, v.v… vị ấy tự hỏi liệu con người rất lỗi lạc mà trông như một người bình thường và đang thuyết giảng có thể là Đức Phật chăng? Vị ấy đã từng nghe rằng chư Phật hay cải trang làm vị tỳ khưu bình thường đi lại một số nơi. Khi chứng đắc quả thánh Bất lai, vị ấy tuyệt đối tin rằng vị đang thuyết pháp là Đức Phật.
Trước khi nhận ra Đức Phật, vị ấy đã xưng hô với Đức Phật là ‘Hiền hữu!’ Nhưng lúc đó Sa-môn cũng chưa sám hối Đức Phật về lỗi lầm của mình vì Đức Phật vẫn đang thuyết pháp, nên Sa-môn chưa có cơ hội để sám hối.
Pukkusāti thỉnh cầu xuất gia
Vào lúc kết thúc thời pháp, một cuộc đàm luận giữa Đức Phật và
tỳ khưu Pukkusāti như sau
Pukkusāti: “Đức Thế Tôn, Thiên Nhơn Sư đã đến đây vì lòng bi mẫn đối với con. Đức Phật bậc thuyết Chánh pháp đã đến đây vì lòng bi mẫn đối với con. Đức Thế Tôn, bậc thông suốt tất cả các pháp đã đến đây vì lòng bi mẫn đối với con. (Nói trong nỗi vui sướng, vị ấy đặt đầu của vị ấy dưới chân Đức Phật và bạch rằng) “Đức Phật vinh quang! Do ngu dốt, con đã tạo ra một lỗi lầm, con đã xưng hô Ngài là ‘hiền hữu’, (và con đã gọi Ngài một cách lầm lạc như vậy). Bạch Đức Phật vinh quang! Xin Ngài bi mẫn tha thứ cho con vì lỗi lầm mà con sẽ không tái phạm vào lần sau.”
Đức Phật: “Này Sa-môn! Đúng vậy, do ngu dốt nên ngươi đã tạo ra lỗi lầm. Ngươi nghĩ rằng Như Lai nên được gọi là ‘hiền hữu’ (và ngươi đã gọi Như Lai một cách lầm lạc như vậy). Này Sa-môn! Như Lai tha thứ cho ngươi vì ngươi đã nhận lỗi lầm và sám hối. Về sau ngươi hãy tự canh phòng đừng nên để tái phạm. Sự sám hối và sự tự
chế như vậy đem lại lợi lạc cho những ai thực hành Giáo pháp của Như Lai .”
Pukkusāti: Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài cho phép con được xuất gia trước sự hiện diện của Ngài.
Đức Phật: Này Sa-môn! Ngươi có y và bát chưa? Pukkusāti: Bạch Đức Thế Tôn! Con chưa có.
Đức Phật: Này Sa-môn! Chư Phật không truyền phép xuất gia cho
những ai không có y và bát.
Đại đức Pukkusāti rất hoan hỷ với lời dạy của Đức Phật. Vị ấy bày tỏ sự cảm kích và từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật và ra đi tìm y và bát.
(NB: Tại sao Pukkusāti không nhận y bát xuất hiện do thần thông dành cho những vị tỳ khưu mà Đức Phật truyền phép xuất gia, đơn giản bằng câu nói “Hãy đến đây, này tỳ khưu!” Có quan điểm cho rằng vị ấy không nhận chúng bởi vì vị ấy chưa bao giờ bố thí tám món vật dụng của Sa-môn trong thời quá khứ. (Lời giải thích này không thế chấp nhận được đối với nhà Chú giải). Chắc vậy, vì một người mà đã bố thí vật thực và có những ước nguyện lớn, người ấy không thể là người chưa bao giờ cúng dường vật dụng đến Sa-môn. Thực tế, thì y và bát được tạo ra từ năng lực thần thông chỉ dành cho những vị tỳ khưu ở kiếp cuối cùng của họ. Pukkusāti vẫn còn tái sanh. Vì thế, vị ấy không thể có những vật dụng của thần thông như vậy.
Đức Phật không tìm y và bát cho Pukkusāti bởi vì Ngài không có cơ hội truyền phép xuất gia cho vị ấy. Cái chết của Pukkusāti sắp xảy ra và vị ấy giống như một vị Phạm thiên tạm thời đến trú ngụ tại nhà của người thợ gốm. Thế nên, Đức Phật không tìm y và bát cho vị ấy).
Pukkusāti đi tìm y và bát ngay sau khi mặt trời mọc. Ngay khi thời pháp kết thúc thì trời rạng sáng và hào quang sáu màu của Đức Phật tỏa sáng.
Đức Phật phát ra hào quang sáu màu ngay khi kết thúc bài pháp của Ngài. Khắp căn nhà chiếu sáng rực rỡ. Hào quang sáu màu phóng đi thành từng chùm tựa như đang bao trùm cả bốn hướng bằng những
chiếc áo choàng bằng vàng và làm cho tất cả các nơi đều rực sáng lên bằng những bông hoa nhiều màu. Đức Phật nguyện chính Ngài sẽ hiện rõ trước mọi người trong thành phố và khi mọi người nhìn thấy Đức Phật, họ sẽ lan truyền tin tức về sự hiện diện của Ngài trong căn nhà của người thợ gốm và vấn đề được tâu lên vua Bimbisāra.
Cuộc viếng thăm và sự vinh danh của vua Bimbisāra
Khi vua Bimbisāra nghe tin, vị ấy đến căn nhà của người thợ gốm và sau khi tôn kính đảnh lễ, vị ấy hỏi Đức Phật đến đó khi nào. Đức Phật trả lời rằng Ngài đến vào lúc mặt trời lặn. Đức vua hỏi mục đích chuyến viếng thăm của Ngài.
“Tâu đại vương! Người bạn thân của đại vương, vua Pukkusāti đã đọc bức thông điệp của đại vương và sau khi từ bỏ thế gian trở thành vị Sa-môn. Vị ấy thực hiện cuộc hành trình vì Như Lai, sau khi đã đi bốn mươi lăm do tuần qua khỏi Sāvatthi một cách không cần thiết, vị ấy vào trú ngụ trong căn nhà của người thợ gốm.
Vì lợi ích về tâm linh của vị ấy, Như Lai đã đi bộ đến đây và thuyết pháp cho vị ấy, Pukkusāti giờ đây đã chứng đắc ba tầng thánh đầu tiên và trở thành bậc thánh Bất lai – anāgāmī-ariya. ”
Khi nghe như vậy, đức vua lấy làm ngạc nhiên và hỏi Đức Phật rằng vua bạn Pukkusāti đang ở đâu. Đức Phật đáp lại rằng vị ấy đã đi ra ngoài đế tìm kiếm y và bát cho việc xuất gia. Vua Bimbisāra liền vội vàng đi về hướng người bạn đi tìm kiếm y bát. Đức Phật trở về Hương phòng ở Jetavana tịnh xá.
Cái chết của Pukkusāti và việc tái sanh vào cõi Phạm thiên
Để tìm kiếm y và bát, Pukkusāti không đi đến vua bạn, Bimbisāra, hay đi đến các thương nhân ở Takkasīla. Vị ấy nghĩ rằng thật không hợp lẽ đạo nếu đi tìm kiếm chỗ này chỗ kia. Khi phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, vị ấy quyết định tìm kiếm những miếng vải vụn, không có ở trong những thành phố lớn mà ở bên những bờ sông,
nghĩa trang, những đống rác hay những con đường hẹp. Bởi vậy, vị ấy cố gắng tìm kiếm những miếng vải vụn tại các hố rác trong những con hẻm nhỏ.
Trong khi Pukkusāti đang cố gắng tìm kiếm những tấm vải như vậy thì có một con bò bị lên cơn điên (kẻ thù trong kiếp quá khứ của vị ấy) chạy ào tới húc vị ấy bằng cặp sừng của nó. Do đã đói bụng và đuối sức, Pukkusāti liền mạng chung ngay khi bị con bò hất lên không trung. Khi rớt xuống đất, vị ấy nằm trên đống rác giống như pho tượng bằng vàng. Sau khi mạng chung vị ấy tái sanh vào cõi Phạm thiên Avihā (cõi Vô phiền) và chẳng bao lâu vị ấy trở thành một vị Brahmā Arahat sau khi chứng đắc Đạo quả A-la-hán.
Theo bộ Sagātha Vagga Saṁyutta (bài kinh thứ mười của phẩm Aditta Vagga và bài kinh thứ tư của phẩm Nanatitthiya Vagga) có bảy người chứng đắc Đạo quả A-la-hán ngay sau khi tái sanh vào cõi Phạm thiên Avihā (cõi Vô phiền). Đó là (1) Upaka, (2) Palaganda, (3) Pukkusāti, (4) Bhaddiya, (5) Khanda Deva, (6) Bahuraggi, và (7) Singiya.
Vua Bimbisāra suy nghĩ: “Vua bạn Pukkusāti đã từ bỏ vương quốc sau khi đọc bức thông diệp của ta và đã thực hiện một chuyến đi dài gian khổ. Vị ấy đã làm điều mà những người bình thường khó làm. Ta sẽ tôn vinh người bạn theo cách mà các vị tỳ khưu đã tôn vinh.” Vị ấy sai quân lính đi khắp các nơi của thành phố để tìm vua Pukkusāti. Họ tìm thấy Pukkusāti đang nằm chết mặt úp xuống như một pho tượng vàng trên đống rác. Họ trở về và tâu với vua Bimbisāra.
Vua Bimbisāra đi đến và khóc than cho người bạn, nói rằng: ” Chúng ta không có cơ hội để tôn vinh người bạn vĩ đại khi bạn ấy còn sống. Giờ đây vị ấy chết mà không có ai giúp đỡ.” Đức vua cho người mang nhục thân Sa-môn Pukkusāti trên một chiếc giường nhỏ, đặt ở một chỗ thích hợp. Do không biết cách tôn vinh vị tỳ khưu đã chết nên đức vua cho người tắm gội, liệm xác bằng những tấm vải trắng sạch sẽ và trang điểm như một vị vua.
Rồi nhục thân được đặt trên một chiếc kiệu và được tôn vinh bằng tất cả các loại nhạc và hoa thơm, khiêng đi đến vùng ngoại ô của
thành phố và hỏa thiêu bằng gỗ thơm. Xương tro được gom lại và tôn vinh trong một bảo tháp.
Về sau, nhiều tỳ khưu từ Sāvatthi đến yết kiến Đức Phật. Họ đảnh lễ bậc Đạo sư và khi ngồi ở một nơi hợp lẽ, họ bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã thuyết pháp tóm tắt đến Pukkusāti. Người ấy giờ đã chết. Vậy, bạch Đức Thế Tôn! Vị ấy đã tái sanh vào cõi nào? Số phận của vị ấy như thế nào?”
Khi ấy, Đức Phật trả lời: “Này các tỳ khưu! Pukkusāti là người có trí tuệ. Vị ấy thực hành thiền Minh sát phù hợp với pháp siêu việt. Vị ấy không gặp chướng ngại gì về pháp mà Như Lai đã thuyết. Do sự chấm dứt năm kiết sử dẫn đến cõi Dục giới, vị ấy đã tái sanh trong cõi Phạm thiên Avihā và sẽ đắc ngay chính cõi Suddhāvasa (Tịnh cư) (Avihā – cõi Vô phiền là một trong 5 cõi Tịnh cư). Từ cõi Avihā vị ấy sẽ không bao giờ tái sanh xuống cõi Dục.”
Câu chuyện về Asūra vương (Rāhu)
Rāhu, vị Atula vương, cao tám ngàn bốn trăm do tuần. Khoảng cách giữa hai cánh tay của vị ấy là một ngàn và hai trăm do tuần. Bề dày của thân là sáu trăm do tuần. Hai bàn tay và hai bàn chân của vị ấy có chu vi là ba trăm do tuần. Lóng tay của vị ấy dài năm mươi do tuần. Khoảng cách giữa hai hàng lông mày là năm mươi do tuần. Cái miệng của vị ấy dài hai trăm do tuần, sâu ba trăm do tuần và chu vi là khoảng ba trăm do tuần. Cái cổ có đường vòng quanh là ba trăm do tuần. Cái trán rộng ba trăm do tuần và cái đầu chín trăm do tuần.
Rāhu, Atula vương nghĩ rằng: “Ta quá cao, ta sẽ không thể nào nhìn xuống và gặp Đức Thế Tôn.” Vì thế, vị ấy không đi đến Đức Phật. Nhưng một hôm, vị ấy nghe nói về sự vĩ đại của Đức Phật nên vị ấy đi và hy vọng gặp Đức Phật bằng bất cứ phương cách nào.
Khi biết tâm của Atula vương, Đức Phật nghĩ nên sử dụng oai nghi nào để Atula vương nhìn thấy. Một người đang đứng dường như cao dù tầm vóc thấp bé, Đức Phật quyết định cho Atula vương thấy thân của Ngài trong oai nghi nằm. Đức Phật bảo đại đức Ānanda đặt
một cái giường nhỏ ở bên ngoài Hương phòng và Ngài nằm nghiêng mình bên phải trên chiếc giường như một sư tử vương.
Khi ấy, Atula vương đi đến nhưng vị ấy phải ngước lên để chiêm ngưỡng Đức Phật giống như khi vị ấy phải rướn cổ nhìn lên mặt trăng trên bầu trời. Đức Phật hỏi vị ấy tại sao một thời gian dài vị ấy không đến yết kiến Ngài. Atula vương đáp lại rằng vị ấy không đến vì vị ấy hiểu lầm rằng mình sẽ không thể cúi người xuống để gặp Đức Phật.
Đức Phật nói rằng: “Này Atula vương! Như Lai không tu tập các pháp Ba-la-mật khi giữ đầu cúi xuống (nghĩa là buông thả sự tinh tấn). Như Lai đã bố thí với cái đầu luôn luôn ngẫng lên (nghĩa là không có sự buông lỏng tinh tấn). ”
Vào chính ngày hôm ấy, Atula vương chính thức trở thành người quy y Đức Phật.
Câu chuyện của Devadatta
(Câu chuyện sau đây về Devadatta từ lúc vị ấy đi xuất gia cho đến khi vị ấy bị quả đất nuốt chửng, được cô đọng đến chừng mực có thể. Dù một bài mô tả dài cần được nêu ra dựa trên nhiều câu chuyện về Devadatta trong văn học Pāḷi)
Bài kinh được mô tả về Devadatta đến thời gian xuất gia của vị ấy đã được nêu ra (bài tham khảo sự xuất gia của sáu vị hoàng tử Thích Ca và người thợ cạo Upāli, chương 28 ).
Sáu vị hoàng tử Thích ca và người thợ cạo Upāli sau khi họ đã xuất
gia.
- Tôn giả Bhaddiya chứng đắc Tam Minh và trở thành vị A-la-hán trong mùa an cư chính năm ấy.
- Tôn giả Anuruddha chứng đắc Thiên nhãn thông (dibbu-cakkhu) và sau khi nghe bài kinh Mahāvitakka , vị ấy chứng đắc Đạo quả A- la-hán (Aṅguttara Nikāya, cuốn 3).
- Tôn giả Ānanda được an trú trong quả thánh Nhập lưu sau khi nghe thời pháp có chứa ẩn dụ về cái gương do đại đức Puṇṇa Mantani- putta thuyết giảng (Saṁyutta Nikāya, cuốn 2).
- & 5 Hai tôn giả Bhagu Kimila sau đó tu tập thiền Minh sát và
chứng đắc Đạo quả A-la-hán.
6. Devadatta chứng đắc các pháp thần thông hiệp thế, vẫn còn phàm phu. Vị ấy không bao giờ trở thành bậc thánh.
Vào một dịp khác khi Đức Phật đang lưu trú ở Kosambī, bậc Đạo sư và nhiều đệ tử của Ngài nhận được nhiều vật dụng cúng dường. Mọi người đến tịnh xá đem theo y phục, thuốc chữa bệnh, những vật dụng khác và hỏi rằng: “Đức Thế Tôn ở đâu? Tôn giả Sāriputta ở đâu? Tôn giả Moggallāna ở đâu? Tôn giả Mahā Kassapa ở đâu ? Các đại đức Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu và Kimila ở đâu?” Họ luôn luôn di chuyển tìm đến những nơi mà tám mươi vị Đại thinh văn (Mahā Sāvaka) trú ngụ. Nhưng không ai quan tâm hỏi về Devadatta.
Nỗ lực dành lấy quyền lực của Devadatta
Khi ấy, Devadatta nghĩ rằng: “ Ta cũng trở thành tỳ khưu cùng với Bhaddiya và những vị khác. Họ là những vị tỳ khưu thuộc dòng Khattiya, ta cũng là vị tỳ khưu thuộc dòng Khattiya. Nhưng những người đến mang theo lễ vật cúng dường họ chỉ hỏi thăm Bhaddiya và những vị tỳ khưu khác. Còn ta thì chẳng có một ai hỏi đến dù chỉ hỏi tên. Ta nên kết thân với ai và khiến cho ai tận tâm với ta để họ cúng dường cho ta?” Vị ấy tiếp tục suy xét: “Vua Bimbisāra đã an trú trong Thánh quả Nhập lưu cùng với một trăm mười ngàn Bà-la-môn giàu có trong lần đầu tiên vị ấy gặp Đức Phật. Không thể nào kết giao được với vị ấy và cũng không thể nào kết giao được với đức vua Kosala. Tuy nhiên, thái tử Ajātasattu con trai của vua Bimbisāra thì không biết đức tánh tốt và tệ nạn của một người vì vị ấy vẫn còn nhỏ. Ta sẽ tìm cách kết thân với vị ấy.” Khi nghĩ vậy, Devadatta đi đến Rājagaha và hóa thành một cậu bé. Vị ấy trang sức trên người bằng bốn con rắn,
hai con ở hai tay và hai con ở hai chân, vị ấy đặt một con rắn ở trên cổ, con khác trên đầu và một con khác ở vai trái. Vị ấy khiến cho cái đuôi của những con rắn đan quyện vào nhau như một sợi dây lưng và mang nó đi để trang điểm cho mình. Cuối cùng, vị ấy đi xuống từ bầu trời và ngồi trên chân của thái tử Ajātasatthu.
Thái tử rất kinh hãi và hỏi vị ấy là ai. Vị ấy nói rằng vị ấy là Devadatta, thái tử yêu cầu vị ấy trở lại hình tướng bình thường. Devadatta từ bỏ hình tướng đã biến hóa và đứng trước mặt thái tử với hình tướng Sa-môn với y và bát trong tay. Ấn tượng về phép thuật này, thái tử Ajātasatthu trở thành tín đồ trung kiên của Devadatta. Mỗi buổi sáng và buổi chiều thái tử ra đi với năm trăm cỗ xe để gặp ông thầy của mình. Vị ấy cũng gửi đến năm trăm nồi vật thực, mỗi nồi như vậy chứa lượng vật thực vừa đủ cho mười vị tỳ khưu dùng.
Devadatta mất năng lực thiền
Sau khi cái ‘Ta’ của vị ấy trở nên lớn mạnh do nhận được nhiều vật thực cúng dường. Devadatta nuôi dưỡng ước muốn bất thiện là muốn được làm Phật và lãnh đạo Tăng chúng. Ngay khi ước muốn này khởi lên trong tâm thì Devadatta liền mất năng lực thần thông dựa trên thiền định hiệp thế.
Phạm thiên Kakudha báo tin với Trưởng lão Mahā Moggallāna
Lúc bấy giờ, một thiện nam của trưởng lão Mahā Moggallāna, hoàng tử Koliya, sau khi chết đã trở thành Phạm thiên Kakudha, thân dài ba gāvuta (3/4 của yojana), đến gặp trưởng lão và báo tin về Devadatta do ngã mạn đã nuôi dưỡng ước muốn bất thiện là muốn làm Phật và lãnh đạo Tăng chúng. Phạm thiên cũng báo tin Devadatta bị mất năng lực thần thông. Sau khi thông báo tin này, Phạm thiên liền biến mất tại chỗ.
Tôn giả Mahā Moggallāna đi đến Đức Phật và bạch lại điều mà Phạm thiên Kakudha đã nói với vị ấy. Đức Phật hỏi tôn giả đã xác
minh thông tin của Phạm thiên bằng Tha tâm thông chưa. Khi tôn giả đáp lại là đã xác minh rồi, Đức Phật nói rằng:
“Này Moggallāna! Hãy biết vấn đề là như vậy. Bây giờ Devadatta, người trống rỗng về Đạo quả, sẽ để lộ chân tướng của vị ấy.”
Rồi Đức Phật thuyết pháp về năm loại đạo sư giả danh.
- Đạo sư cho rằng mình có giới thanh tịnh dầu vị ấy không có.
- Đạo sư tự cho rằng mình nuôi mang thanh tịnh dầu vị ấy không có.
- Đạo sư tự cho rằng mình có sự thuyết giảng thanh tịnh dầu vị ấy
không có.
- Đạo sư tự cho rằng mình có lời nói thanh tịnh dầu vị ấy không có.
- Đạo sư tự cho rằng mình có trí tuệ thanh tịnh dầu vị ấy không có.
Những đệ tử của họ biết tất cả về năm loại đạo sư này. Nhưng những đệ tử ấy không nói cho các tín đồ biết về đạo sư của họ vì nếu họ làm như vậy, đạo sư của họ, người đang nhận lãnh bốn món vật dụng từ tín đồ sẽ không hoan hỷ. Vì thế, họ không nói gì và thông đồng với sự lừa gạt của đạo sư. Khi tin rằng, những việc làm của họ vào một ngày nào đó sẽ phơi bày chân tướng của chính họ. Những đệ tử phải bảo vệ những đạo sư như vậy và các đạo sư như vậy cũng cần sự bảo vệ của các đệ tử. Đối với Đức Phật , Ngài thật sự có giới thanh tịnh vì vậy Ngài xác nhận điều ấy. Ngài thực sự có sự nuôi mạng thanh tịnh, sự thuyết giảng thanh tịnh, lời nói thanh tịnh và trí tuệ thanh tịnh và vì vậy Ngài xác nhận là có những pháp thanh tịnh này. Vì lý do này, không cần thiết để các đệ tử bảo vệ bậc Đạo-Sư về giới, sự nuôi mạng, sự thuyết giảng, lời nói và trí tuệ, cũng không cần thiết để Ngài phải cần đến sự bảo vệ như vậy. (Muốn biết chi tiết hãy xem bộ Cūlavagga của tạng Vinaya Piṭaka).
Bài pháp của Đức Phật về những sở đắc của Devadatta
Khi ấy, Đức Phật rời khỏi thành phố Kosambī và đến Rājagaha trú ở tịnh xá Veḷuvaṇa. Nơi đây, nhiều vị tỳ khưu đã trình lại vấn đề với Ngài rằng thái tử Ajātasattu thường đi đến Devadatta vào buổi
sáng và buổi chiều với năm trăm cỗ xe, và mỗi ngày vị ấy gửi đến năm trăm nồi vật thực. Khi ấy, bậc Đạo sư dạy rằng:
“Này các tỳ khưu! Đừng xem những lợi đắc của Devadatta là có tầm quan trọng lớn. Chừng nào thái tử Ajātasatthu còn đi đến Devadatta với năm trăm cỗ xe vào buổi sáng và buổi chiều, và mỗi ngày vị ấy gửi đến năm trăm nồi vật thực, chắc chắn đó là sự suy tàn về những thiện nghiệp của Devadatta. Đừng nghĩ rằng những thiện nghiệp sẽ tăng trưởng.”
“Này các tỳ khưu! Ví dụ có một túi mật của con gấu được cắt đi và để nơi lỗ mũi của con chó hoang, con vật sẽ trở nên tệ hơn và hung dữ hơn. Cũng vậy, chừng nào thái tử Ajātasatthu còn đi đến Devadatta với năm trăm cỗ xe vào buổi sáng và buổi chiều, và mỗi ngày gửi đến năm trăm nồi vật thực, điều đó chắc chắn có nghĩa là sự suy sụp của Devadatta về các thiện nghiệp. Đừng nghĩ rằng các việc làm ấy sẽ làm tăng trưởng những thiện nghiệp”.
Phalaṃ ve kadalim hanti phalaṃ veluṃ phalam nālaṃ Sakkāro kāpurisaṃ hanti gabbho assatim yathā.
“Này các tỳ khưu! Danh vọng của Devadatta về những lợi đắc sẽ dẫn đến sự tiêu diệt của bản thân vị ấy. Này các tỳ khưu! Ví dụ (1) cây chuối ra quả để tự nó hủy hoại chính nó, (2) cây tre ra măng để tự nó hủy hoại chính nó, (3) cây sậy ra hoa để tự nó hủy hoại chính nó, và
(4) ngựa cái Assatara sanh ngựa con rồi tự nó hủy hoại chính nó. Cũng vậy, danh vọng của Devadatta về những lợi đắc sẽ dẫn vị ấy đến chỗ tiêu diệt bản thân.”
“Này các tỳ khưu! Cũng như buồng chuối giết chết cây chuối, búp măng giết chết cây tre, ngựa con giết chết ngựa mẹ của nó. Cũng vậy, lợi đắc giết chết người có khuynh hướng xấu, bất thiện.”.
Mối ác cảm đầu tiên của Devadatta đối với Đức Phật
Rồi một hôm, khi Đức Phật ngồi giữa hội chúng thuyết pháp đến vua quan và dân chúng thì Devadatta đứng lên, đắp y vai trái (dấu hiệu tỏ sự tôn kính), vị ấy chắp tay hướng về Đức Phật và bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Bây giờ Thế Tôn đã già, tuổi đã lớn và đang ở ngưỡng cửa của giai đoạn cuối cuộc đời. Kính bạch Ngài ! Giờ đây xin Ngài hãy sống trong sự an lạc, không phải bận tâm về bất cứ điều gì. Xin Thế Tôn hãy trao lại Tăng chúng cho con. Con sẽ chăm sóc và lãnh đạo Tăng chúng.”
Đức Phật đáp lại: “Này Devadatta! Điều ấy không thích hợp. Đừng mơ ước là sẽ chăm sóc và lãnh đạo Tăng chúng.” Devadatta lập lại lời thỉnh cầu lần thứ hai nhưng Đức Phật không chấp nhận. Khi Devadatta lập lại lời thỉnh cầu lần thứ ba, Đức Phật nói: “Này Devadatta! Như Lai sẽ không giao quyền chăm sóc và lãnh đạo Tăng chúng cho ai, ngay cả Sāriputta hay Moggallāna. Tại sao Như Lai phải trao quyền lãnh đạo và chăm sóc Tăng chúng cho ngươi? Này kẻ ngu, kẻ ăn nước bọt!”
Những lời của Đức Phật làm ray rứt Devadatta “Đức Phật quở trách ta trước sự hiện diện của vua quan và dân chúng bằng câu nói ‘kẻ ăn nước bọt’ (kheḷāsaka) – người tiêu thụ bốn món vật dụng không thanh tịnh giống như ăn nước bọt. Vị ấy chỉ đề cao Sāriputta và Moggallāna.”
Khi nghĩ vậy, vị ấy tức giận và bất mãn nên sau khi đảnh lễ Đức
Phật rồi bỏ đi.
Pakāsaniya-kamma chống lại Devadatta
Khi ấy, Đức Phật cho các tỳ khưu thông qua một tuyên ngôn chống lại Devadatta tại thành phố Rājagaha. Đó là một hành động gọi là Pakāsaniya-kamma hay Ñatti-dutiya được thực hiện bởi Tăng chúng sau khi đã tụng tuyên ngôn kammavāvā một lần và theo sau là sự tuyên bố quyết định của Tăng chúng. Khi ấy, tôn giả Sāriputta được bầu làm người có phận sự thực hiện nghị quyết một cách công khai tại Rājagaha. Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, Tăng chúng bổ
nhiệm tôn giả Sāriputta và tôn giả thực hiện nghị quyết chống lại Devadatta đã được toàn kinh thành biết đến.
Khi nghe tin về tuyên ngôn này, những người thiếu niềm tin và trí tuệ bèn chỉ trích các tỳ khưu, nói rằng: “Những tỳ khưu này, những người con trai của thái tử dòng Thích ca, Đức Phật có tánh ganh tị. Họ ganh tị với những lợi đắc của Devadatta.” Nhưng những người có niềm tin và trí tuệ nói rằng: “Việc công bố những sự thật về Devadatta trong thành Rājagaha không thể xem là hành động xấu của bậc Đạo sư.”
(Ở đây, pakāsaniya-kamma là một Tăng sự được thực hiện bởi Tăng đoàn theo đúng với những điều học trong tạng Luật. Điều này cho thấy rằng những hành động và những câu nói của tỳ khưu chống lại người mà Tăng đoàn (Saṅgha) thông qua nghị quyết, không liên quan đến Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng, mà vị ấy hành động và lời nói chỉ theo ý của vị ấy.
(Nghị quyết chống lại Devadatta như thế này: “Trước đây giới hạnh của Devadatta hoàn toàn khác với giới hạnh hiện giờ. Điều mà vị ấy làm bằng thân hoặc lời nói thì không đồng nhất với Đức Phật hay đức Pháp hoặc đức Tăng. Nó chỉ đồng nhất với Devadatta.” Nghị quyết chứa những lời liên quan đến điều này được thông qua bởi Tăng chúng sau khi đã trưng cầu ý kiến. Sau đó, theo lời hướng dẫn của Đức Phật, Tăng đoàn chính thức tiến cử tôn giả Sāriputta làm người sẽ công bố khắp Rājagaha về Devadatta. Do vậy, cùng với nhiều vị tỳ khưu, tôn giả Sāriputta đi vào thành phố và công bố sự tách rời Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng khỏi Devadatta bằng câu nói: “Hành vi của Devadatta bây giờ hoàn toàn khác với trước kia. Những gì vị ấy hành động bằng thân, bằng lời nói thì không đồng nhất với Đức Phật, đức Pháp hoặc đức Tăng. Nó chỉ đồng nhất với Devadatta.” Đây là phần chú thích tóm tắt về pakāsaniya kamma).
Thái tử Ajātasattu (A-xà-thế)
Sau khi bị công bố là tỳ khưu có hành vi và lời nói bị khai trừ khỏi Tăng chúng, Devadatta nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama đã từ bỏ ta rồi. Bây giờ ta sẽ làm điều gì có hại cho vị ấy.” Vị ấy đi đến thái tử Ajātasattu và nói rằng: “Này thái tử! Ngày xưa người ta sống thọ nhưng ngày nay người ta chết sớm hơn. Có khả năng cái chết của ngài sẽ xảy dù ngài là thái tử. Thế nên, giờ ngài hãy giết cha rồi lên ngôi vua. Ta sẽ giết Đức Phật và trở thành Phật.”
Thái tử Ajātasatthu suy nghĩ: “Đại đức Devadatta là người hùng mạnh. Vị ấy có lẽ có những lý do để nói như vậy.” Vì vậy, thái tử buộc một con dao găm vào đùi; run rẫy và sợ hải vội vã đi vào hoàng cung lúc ban ngày. Các quan bảo vệ đức vua bèn giữ thái tử lại và lục soát người của vị ấy. Khi họ tìm thấy cây dao găm được buộc vào đùi của thái tử, họ hỏi thái tử muốn làm gì. Thái tử nói muốn giết phụ vương. Các quan hỏi ai xúi bảo vị ấy giết đức vua. Thái tử thú nhận là do Devadatta xúi bảo.
Khi ấy, một số quan có quan điểm rằng thái tử và Devadatta và tất cả các tỳ khưu phải bị giết chết. Một số quan khác tranh luận rằng, các tỳ khưu không đáng bị giết vì họ không làm điều gì sai mà chỉ có thái tử và Devvadatta mới đáng bị giết. Số quan còn lại có ý kiến rằng thái tử và Devadatta không đáng bị giết, các vị tỳ khưu cũng không, vấn đề nên được tâu lên đức vua và hành động được xét xử theo sự phán quyết của đức vua.
Rồi các quan đưa thái tử đến gặp đức vua và tâu về âm mưu giết chết đức vua của thái tử. Đức vua hỏi những ý kiến của họ và các quan đưa ra ba quan điểm khác nhau. Đức vua nói:
“Làm sao Đức Phật, đức Pháp hay đức Tăng có thể có tội được? Các Ngài chắc chắn không có tội. Không phải rằng Đức Thế Tôn đã công bố giới hạnh của Devadatta bây giờ hoàn toàn khác với trước kia của vị ấy và không phải rằng bậc Đạo sư đã công bố phủ nhận những hành vi và lời nói của Devadatta đó sao?”
Rồi đức vua giải tán các quan thuộc nhóm quan điểm thứ nhất. Giáng chức các quan thuộc nhóm thứ hai và thăng cấp các quan thuộc nhóm thứ ba.
Rồi đức vua hỏi thái tử tại sao muốn giết đức vua. Thái tử nói muốn được làm vua. Vua Bimbisāra nói rằng:”Này con! Nếu con muốn được làm vua thì vương quốc này sẽ là của con.” Và vị ấy trao lại vương quốc của mình cho thái tử Ajātasatthu.
Những lời khuyên độc ác của Devadatta
Ước muốn giờ đây đã thành tựu, thái tử Ajātasatthu vui sướng và kể lại cho Devadatta. Nhưng muốn khơi dậy sự thù hận trong lòng thái tử, Devadatta nói: “Giống như người ta đậy cái trống có con cáo ở bên trong, ngài nghĩ rằng ngài đã đạt được mục đích sao? Sau hai hoặc ba ngày, phụ vương của Ngài sẽ suy nghĩ về tánh ngang tàng của ngài và vị ấy sẽ tự mình lên làm vua trở lại.”
Thái tử hỏi ông thầy rằng mình nên làm gì. Devadatta với tâm địa độc ác khuyên thái tử nên tiêu diệt vua cha. Thái tử cho rằng không có ý nghĩ giết chết phụ vương của mình bằng bất cứ loại khí giới nào vì đức vua có dòng máu hoàng gia. Khi ấy, Devadatta lại đưa ra lời khuyên độc ác rằng thái tử nên bỏ đói vua cha cho đến chết.
Hành động giết cha của Ajātasatu
Vua A-xà-thế truyền lệnh tống giam phụ vương, vua Bimbisāra vào trong cái lồng sắt rất nóng và đầy hơi nước. Vị ấy không cho bất cứ ai vào thăm đức vua ngoại trừ hoàng hậu, mẹ của vị ấy.
- Khi ấy, hoàng hậu Vedehī đặt vật thực vào trong một cái hộp bằng vàng và đưa nó vào nhà lao. Đức vua ăn vật thực ấy và duy trì mạng sống của mình. Vua Ajātasattu hỏi cha của vị ấy đã xoay xở như thế nào để sống, và khi nghe nói điều mà hoàng hậu làm thì vị ấy truyền lệnh các quan không cho hoàng hậu mang vật thực vào nhà lao.
- Rồi hoàng hậu giấu vật thực trong búi tóc của bà và đi vào nhà lao. Đức vua ăn vật thực ấy và sống qua ngày. Khi vua Ajātasattu
nghe nói về điều này, vị ấy cấm hoàng hậu không được đi vào nhà lao với đầu tóc để búi.
- Rồi hoàng hậu để vật thực trong đôi hài bằng vàng và đi vào nhà lao. Đức vua sống nhờ vật thực mà hoàng hậu mang vào trong đôi hài. Khi Ajātasattu biết được cách mà phụ vương của vị ấy sống, vị ấy cấm hoàng hậu không được mang hài vào thăm cha.
- Từ lúc đó trở đi, hoàng hậu Vedehī tắm mình bằng nước hương thơm, đắp vật thực lên người (được làm bằng dầu, mật ong, mật đường và bơ), và mặc vào chiếc áo khoác, bà đi vào nhà lao. Đức vua liếm thân của bà và tiếp tục sự sống bằng cách này. Khi Ajātasattu nghe tin, vị ấy truyền lệnh các quan không cho hoàng hậu vào thăm đức vua.
Bị cấm không được vào nhà lao, hoàng hậu đứng ngoài cửa nhà lao và kêu than khóc rằng: “Tâu đại vương! Chính đại vương đã không cho phép giết chết đứa con trai ác độc Ajātasattu này khi nó còn nhỏ. Chính đại vương đã nuôi dưỡng kẻ thù tiềm ẩn của mình. Bây giờ đây là lần cuối cùng mà thiếp gặp đại vương. Từ nay trở đi thiếp sẽ không còn cơ hội được gặp đại vương. Hãy tha thứ cho thiếp nếu thiếp làm điều gì sai trái.” Sau khi khóc than như vậy, hoàng hậu trở về chỗ ngụ của mình.
Cái chết của vua Bimbisāra
Từ đó trở đi, đức vua không có vật thực ăn. Đi kinh hành, vị ấy sống nhờ pháp an lạc của Thánh quả Nhập lưu mà vị ấy đã chứng đắc. Tâm của vị ấy luôn luôn an trú trong Thánh quả, thân của đức vua trở nên rất rực rỡ.
Vua Ajātasattu hỏi quân hầu bằng cách nào mà phụ vương của vị ấy còn sống. Họ nói rằng đức vua giữ mình sống bằng cách đi kinh hành và vị ấy trở nên rực rỡ hơn trước về sắc tướng. Khi ấy, vua Ajātasattu quyết định chấm dứt việc đi kinh hành của phụ vương, bảo những người thợ cạo rạch những đường dao dưới lòng bàn chân của
vua Bimbisāra, bôi lên dầu, bơ và muối rồi hơ chúng trước ngọn lửa nóng đỏ.
Khi trông thấy những người thợ cạo, vua Bimbisāra nghĩ rằng chắc chắn ai đó đã làm cho con trai của vị ấy thấy được điều đúng điều sai và thế nên những người thợ cạo đến để cạo râu cho vị ấy.
Người thợ cạo đi đến đức vua và tỏ sự tôn kính đến vị ấy. Đức vua hỏi họ đến với mục đích gì, và họ nói với đức vua về mục đích của họ. Rồi đức vua bảo họ hãy làm theo ước muốn của chủ nhân của họ. Những người thợ cạo yêu cầu đức vua ngồi, và sau khi đảnh lễ vị ấy, họ nói rằng: “Tâu đại vương! Chúng tôi phải thực hiện mệnh lệnh của vua Ajātasattu, xin Ngài đừng giận chúng tôi. Điều mà chúng tôi phải làm thật là không thích hợp với một vị vua tốt như đại vương.” Rồi khi giữ chặt đôi chân của đức vua bằng cánh tay trái của họ và cầm cây dao cạo sắc bén bên cánh tay phải, họ rạch vào lòng bàn chân của đức vua và bôi lên dầu, bơ và muối rồi hơ bàn chân trên ngọn lửa nóng đỏ.
(Trong một kiếp quá khứ, đức vua đã mang giày đi trên nền chùa và bước trên tấm thảm với đôi giày dính đầy bùn đất. Quả khổ bây giờ mà vị ấy phải gánh chịu là hậu quả của hành động bất thiện trong quá khứ. Theo bộ Chú giải).
Vua Bimbisāra phải chịu đựng cơn đau dữ dội. Không chút sân hận, vị ấy quán niệm về các ân đức của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Rồi ngã xuống như đóa hoa rơi xuống sân tháp, ngài trở thành người hầu của vua chư thiên Vessavana trong cõi Tứ Đại Thiên Vương, là nguyên soái Dạ xoa tên Janavasabha.
(Đức vua Bimbisāra được gọi là Janavasabha vì vị ấy là bậc thánh Nhập lưu và là người lãnh đạo của một trăm mười ngàn thương nhân Bà-la-môn. ‘Jana’ nghĩa là “của 110. 000 thương nhân Bà-la- môn” và ‘vasabha’ là lãnh đạo).
(Tại sao vị ấy ở trong giai cấp thấp trong cõi Tứ Đại Thiên vương (Catumahārāja) dù vị ấy là bậc thánh Nhập lưu vĩ đại? Câu trả lời được nêu ra bởi chính Dạ xoa thiên Janavasabha).
Theo câu trả lời của vị ấy, vị ấy đã trải qua bảy kiếp làm vua trong cõi người và sau khi mạng chung ở cõi Catumahārāja Deva và bảy kiếp ở cõi Catumahārāja Deva sau khi vị ấy mạng chung ở cõi người. Bây giờ vị ấy là bậc thánh Nhập lưu do nhiều nghiệp thiện của vị ấy đối với Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Vị ấy lẽ ra đạt đến cõi chư thiên cao hơn, nhưng vì đã trải qua bảy kiếp liên tục ở cõi Tứ thiên vương nên sự luyến ái vào kiếp sống (bhava-nikanti) trong cõi chư thiên ấy còn mạnh mẽ nên vị ấy sanh vào cõi Tứ thiên vương. Đây là lời thú nhận của Dạ xoa thiên Janavasabha trong bài kinh Janavasabha thuộc Trường bộ kinh. Những lời thú nhận của vị ấy bằng lời kệ sau:
Ito satta tato satta, Ssamsarāni catuddasa. Nivāsam abhijānāmi, yattha me vusitaṁ pure).
Sự hối hận muộn màng của kẻ ngu
Vào chính ngày vua Bimbisāra băng hà, vợ của vị vua ngu si Ajātasatthhu hạ sanh một đứa con trai, đặt tên là Udayabhadda. Hai tin báo, một tin báo về sự ra đời của hoàng tử và một tin báo về cái chết của vua Bimbisāra, cùng đến một lúc tại cung điện của vua Ajātasatthu.
Các quan cho rằng, điều thích hợp là tâu lên đức vua tin báo về sự ra đời của hoàng tử và họ đã làm như vậy. Ngay khi nghe tin báo thì trong người của đức vua khởi lên một tình thương mãnh liệt đối với con trai. Cùng lúc ấy, đức vua liên tưởng đến tình thương của vua cha, nghĩ rằng vào lúc vị ấy ra đời, ắt hẳn vua cha cũng trải qua tình thương mãnh liệt đối với vị ấy.
Vua Ajātasatthu liền truyền lệnh các quan thả cha của ông ngay lập tức. Nhưng các quan tâu điều ấy là không thể và trình báo tin về cái chết của vua Bimbisāra. Khi hay tin, vua Ajātasatthu than khóc thảm thiết, rồi đi đến hoàng hậu và hỏi bà rằng lúc vị ấy ra đời phụ vương có khởi sanh tình thương mãnh liệt đối với mình không.
Hoàng hậu Vedehī đáp lại: “Đứa con trai ngu si này, con hỏi gì thế? Trong thời thơ ấu, con bị cái mụt nhọt làm mủ trên đầu ngón tay của con. Các vú nuôi không thể vỗ về và làm cho con thôi khóc. Cuối cùng, họ đưa con tới phụ vương khi vị ấy đang lâm triều, phụ vương bèn ngậm ngón tay của con trong miệng và nhờ hơi ấm từ miệng nên mủ tuôn ra. Vì thương con, phụ vương của con đã không nhổ ra khối mủ trộn với máu tanh e rằng con sẽ thức dậy và vị ấy đã nuốt nó. Cha con đã yêu thương con biết bao.”
Hoàng hậu Vedehī đã kể lại chi tiết lòng yêu thương của phụ vương đối với thái tử. Vua Ajātasatthu khóc lóc thảm thiết rồi làm lễ an táng cho vua cha.
Những kẻ ám sát do Devadatta cử đi
Devadatta đi đến vua Ajātasatthu và xin vị ấy cử đi một nhóm người giết Đức Phật. Vua bèn gửi cho Devadatta những kẻ ám sát, khi bảo họ hãy nghe những lời chỉ dẫn của ông thầy vị ấy.
Devadatta bảo người thứ nhất: “Này ông! Hãy đi đến chỗ Sa-môn Gotama đang cư ngụ. Ngươi hãy giết Sa-môn Gotama và trở về bằng con đường này.”
Rồi vị ấy bảo nhóm hai người đi giết người thứ nhất và trở về bằng con đường khác.
Rồi nhóm thứ ba gồm bốn người được giao nhiệm vụ đi giết nhóm hai người và trở về bằng một con đường khác. Rồi nhóm mười sáu người (của nhóm thứ năm) được sai đi để giết tám người (của nhóm thứ tư) và trở về bằng một con đường khác.
Sự chứng đắc Quả thánh Nhập lưu của những người ám sát
Trang bị cung tên, dao và khiêng, người đàn ông thứ nhất đi đến Đức Phật, đứng gần Ngài, anh ta run rẫy vì sợ hãi và hoang mang.
Nhìn thấy anh ta, Đức Phật nói: “Này! Hãy đến đây, đừng sợ
hãi!” Khi ấy, người đàn ông bớt sợ hãi, để cây đao và tấm khiêng
xuống cũng như cung tên và tên ở một nơi thích hợp. Đến gần Đức Phật, anh ta cúi đầu dưới chân Ngài, thú nhận và sám hối tội lỗi của mình. Đức Phật thứ tội cho anh ta và thuyết pháp tuần tự về Bố thí, Trì giới, và những thiện nghiệp khác dẫn đến sự chứng đắc Đạo quả. Kết quả là người đàn ông chứng đắc Thánh quả Nhập lưu (sotāpanna- ariya), và đồng thời quy y Tam Bảo theo cách siêu thế.
Rồi Đức Phật cho người đàn ông ra về với lời khuyên anh ta đừng đi về bằng con đường do Devadatta chỉ định mà phải đi bằng con đường khác.
Hai người đàn ông thuộc nhóm thứ hai chờ đợi người đàn ông thứ nhất trong một thời gian dài. Khi đi hướng ngược lại, họ nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới một cội cây. Họ đến gần Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên thích hợp, Đức Phật thuyết pháp ‘Tuần Tự’, giải thích Tứ Diệu Đế và an trú họ trong quả thánh Nhập lưu. Giống như kẻ ám sát thứ nhất, cả hai trở chứng đắc sotāpanna-ariya và quy y Tam Bảo theo cách Siêu thế.
Lại nữa, Đức Phật cho hai người này ra về, với lời khuyên họ nên đi về bằng một con đường khác.
Rồi bốn người (thuộc nhóm thứ ba)… Rồi tám người (thuộc nhóm thứ tư) …
Rồi mười sáu người thuộc nhóm thứ năm chờ đợi tám người kia trong một thời gian dài và khi đi về hướng ngược lại, họ trông thấy Đức Phật giống như những người trước đó. Họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Đức Phật thuyết pháp ‘Tuần Tự’ đến họ, thuyết giảng Tứ Diệu Đế và an trú họ trong quả thánh Nhập lưu. Sau khi họ quy y Tam Bảo, Đức Phật cho phép họ ra về, với lời khuyên họ đi bằng một con đường khác.
Rồi người thứ nhất đi đến Devadatta, nói rằng: “Thưa đại đức! Tôi không thể giết Đức Phật. Ngài rất hùng mạnh.” Devadatta nói: “Được rồi! Đừng giết Sa-môn Gotama. Tự ta sẽ đi giết vị ấy.”
Devadatta làm thân Phật chảy máu
Sau khi độ cho những người ám sát chứng đắc Đạo quả Nhập lưu, một hôm nọ, trong khi Đức Phật đang đi kinh hành dưới bóng râm của ngọn đồi Gijjakūta. Devadatta trèo lên đỉnh đồi và lăn xuống một tảng đá to với ý định giết chết Đức Phật. Khi hòn đá lăn xuống thì có hai mũi đất tự động nhô ra và chắn tảng đá lại. Một mảnh đá vụn bay đi và làm chảy máu ở bàn chân Đức Phật.
Đức Phật nhìn lên và nói với Devadatta: “Này kẻ ngu si kia! Kẻ không tiến bộ về tâm linh! Ngươi đã gây chảy máu cho Như Lai bằng tâm sân và có ý định muốn giết chết Như Lai. Như vậy, ngươi đã gây ra một trọng tội.”
Rồi Đức Phật nói với các tỳ khưu: “Này các tỳ khưu! Devadatta đã tạo ra một nghiệp Vô gián (anantariya-kamma) vì đã làm cho Như Lai chảy máu với tâm sân hận và có ý định muốn giết chết Như Lai .”
Các tỳ khưu đưa Đức Phật đến tịnh xá ở khu vườn Maddakucchi. Nơi đây, Đức Phật muốn đi đến tịnh xá trong khu vườn xoài của y sĩ Jīvaka và bảo các tỳ khưu đưa Ngài đến đó. Các vị tỳ khưu theo lời dạy đưa Ngài đến đó.
Khi hay tin, y sĩ Jīvaka liền đi đến Đức Phật và đắp thuốc lên vết thương. Sau khi băng bó vết thương, ông ta dặn Đức Phật đừng tháo băng cho đến khi ông ta đi thăm bệnh nhân trong thành phố trở về. Sau khi ghé thăm và điều trị cho một bệnh nhân, y sĩ Jīvaka trở về nhưng cửa thành đã đóng lại.
Khi ấy, y sĩ Jīvaka suy nghĩ: “Ta đã đắp loại thuốc mạnh vào chân của Đức Phật và đã băng bó vết thương chữa trị cho Ngài như chữa cho một bệnh nhân bình thường. Ta đã tạo nên một lỗi lầm trầm trọng. Đây là lúc cần phải tháo băng, nếu băng không được tháo thì Đức Phật sẽ chịu đựng cơn đau dữ dội suốt đêm.” Khi nghĩ vậy, y sĩ Jīvaka trở nên rất lo lắng. Vào lúc ấy, Đức Phật gọi đại đức Ānanda, nói rằng: ” Này Ānanda! Y sĩ Jīvaka trở về sau khi trời tối và không kịp đến cổng thành trước khi nó đóng. Ông ta đang lo lắng vì bây giờ là lúc nên tháo băng. Bởi vậy con hãy tháo băng ngay.”
Vừa khi cổng thành được mở, y sĩ Jīvaka vội vã chạy đến Đức Phật trước khi trời hừng sáng và hỏi Ngài có bị đau đớn gì không.
Đức Phật đáp lại: “Này Jīvaka! Như Lai đã khắc phục tất cả cơn đau từ khi Như Lai chứng đắc sự Giác ngộ tối thượng dưới cội Bồ đề. Rồi Ngài đọc lên bài kệ:
Gatadhino visokassa, vippamuttāssa sabbadhi. Sabbagantha pahīnassa, pariḷāho na vijjati.
“Này Jīvaka! Hoàn toàn không có buồn phiền, không có đau đớn trong bậc thánh A-la-hán đã thoát khỏi luân hồi, đã đi đến bờ kia. Đã thoát khỏi tất cả sầu khổ, không còn luyến ái tất cả các pháp bao gồm thân, v.v… đã đoạn diệt tất cả mọi thằng thúc.”
(‘Khổ’ (pariḷāho) có hai loại, đó là: khổ thân (kāyika) và khổ tâm (cetasika). Khổ thân do nóng, lạnh, v.v… xảy ra trong bậc thánh A-la-hán và vì vậy vị ấy không thoát khỏi khổ thân. Y sĩ Jīvaka đã lưu tâm điều này khi ông đưa ra câu hỏi. Nhưng Đức Phật là đấng Pháp vương vô cùng thiện xảo trong việc thuyết giảng, và Ngài đã trả lời rằng bậc thánh A-la-hán có những đức tánh kể trên không còn khổ tâm. Jīvaka hỏi xem Đức Phật có khổ tâm không, và Đức Phật dạy rằng Ngài không còn khổ tâm.
Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều chúng sanh chứng đắc quả thánh Nhập lưu và những tầng thánh khác.
Các tỳ khưu bảo vệ Đức Phật
Nhiều tỳ khưu nghe tin Devadatta âm mưu giết hại Đức Phật, từng vòng người vây quanh xung quanh chỗ ngụ của bậc Đạo sư. Họ đọc to những bài kinh và đi lên xuống để bảo vệ, canh phòng và bảo đảm sự an toàn cho Đức Phật.
Khi nghe tiếng tụng kinh (và tiếng bước chân của họ), Đức Phật hỏi trưởng lão Ānanda (dù Ngài biết). Và khi trưởng lão bạch lại với Đức Phật về những vị tỳ khưu thận trọng. Đức Phật gọi các vị tỳ khưu đến và dạy rằng:
Aṭṭhānam etam bhikkhave anavakāso, yam parūpakkamena
Tathāgataṃ jīvitā voropeyya
anupakkamena bhikkhave Tathāgata parinibbāyanti.
Này các tỳ khưu! Hoàn toàn không ai có thể ra sức giết hại Như Lai. Rồi Đức Phật nói với họ (như Ngài đã nói với trưởng lão Mahā Moggallāna trong một dịp nọ) rằng có năm loại đạo sư trong thế gian và chỉ có những loại đạo sư này mới cần sự bảo vệ từ những đệ tử của họ. Còn đối với Đức Phật, Ngài thực sự có giới thanh tịnh, có sự nuôi mạng thanh tịnh, có sự thuyết giảng thanh tịnh, có lời nói thanh tịnh và có trí tuệ thanh tịnh. Vì Ngài có tất cả những điều này và do đó Ngài không cần sự bảo vệ của những đệ tử. Ngài còn nói thêm rằng, không ai có thể giết chết vị Phật và chư Phật đã chứng đắc Niết bàn
không phải vì có những người âm mưu giết chết Ngài.
Cuối cùng, Đức Phật dạy các tỳ khưu:
“Này các tỳ khưu! Các con hãy trở về chỗ ngụ của mình. Chư Phật không phải là chúng sanh mà sự an toàn về mạng sống của các Ngài lệ thuộc vào sự bảo vệ của người khác.”
Việc thả voi Nāḷāgiri
(Câu chuyện về việc thả voi Nāḷāgiri nằm ở phần Saṅghabhedaka-khandhaka của bộ Viniya Cūla-Vagga, và bài trình bày về Bổn sanh Cūḷahamsa của phần Asīti Nipāta.)
Nhờ sự điều trị của y sĩ Jīvaka, Đức Phật phục hồi như trước, Ngài đi lại trong sự rực rỡ của một vị Phật vĩ đại, chung quanh có những tỳ khưu. Khi trông thấy bậc Đạo-Sư, Devadatta suy nghĩ: “Thật không thể nào bất cứ ai đến gần và giết chết Sa-môn Gotama khi họ thấy hào quang rực rỡ từ thân của Ngài. Nhưng voi Nāḷāgira của vua Ajātasatthu thì rất hung dữ và hiếu sát. Nó không biết điều tốt nào về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Chỉ có con voi hoang dại Nāḷāgiri mới có thể giết chết Sa-môn Gotama.” Bởi vậy Devadatta đi đến vua Ajātasatthu và trình bày mưu kế của vị ấy.
Vua Ajātasatthu đồng ý với mưu kế của vị ấy. Đức vua truyền gọi người huấn luyện voi và ra lệnh cho ông ta làm cho con voi
Nāḷāgira say xỉn và thả nó vào sáng hôm sau trên con đường mà Đức Phật đi khất thực. Devadatta hỏi người luyện voi đã cho con voi uống hết bao nhiêu rượu vào những ngày khác. Khi nghe rằng con voi đã uống hết tám hủ rượu, Devadatta bèn bảo người huấn luyện voi cho mười sáu hủ rượu vào sáng hôm sau và thả nó về hướng Đức Phật đi khất thực. Người huấn luyện voi hứa sẽ làm như vậy.
Vua Ajātasatthu cho người đánh trống khắp thành phố rằng tất cả dân cư nên làm công việc của họ vào lúc sáng sớm và tránh đi lại trên con đường, vì voi Nāḷāgira đã cho uống say xỉn và được thả vào thành phố.
Devadatta cũng rời khỏi hoàng cung và đi đến chuồng voi và nói với người huấn luyện voi rằng: “Này các ông! Ta là đạo sư của đức vua có thể khiến cho những người hầu của đức vua được thăng cấp hay bị giáng chức trong công việc của họ. Nếu các ông muốn được thăng chức thì hãy cho con voi uống mười sáu hủ rượu lúc sáng sớm, khi Sa-môn Gotama đi vào thành phố thì các ngươi hãy chọc giận con voi bằng những gậy hích và những cây lao. Hãy để con voi phá chuồng và chạy về hướng Sa-môn Gotama và giết chết ông ta.” Những người huấn luyện voi đồng ý làm theo lời hướng dẫn của Devadatta.
Tin lan truyền khắp thành phố, những thiện nam tín nữ có tâm tôn kính Tam Bảo thì đi đến Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Kết hợp với đức vua, Devadatta sẽ thả voi Nāḷāgiri vào sáng ngày mai dọc theo con đường mà Ngài đi khất thực. Bởi vậy, xin Thế Tôn ngày mai đừng đi vào thành phố khất thực, mà xin Ngài hãy ở lại trong tịnh xá Veḷuvana. Chúng con sẽ dâng cúng vật thực đến Thế Tôn và chúng Tăng tại tịnh xá.”
Đức Phật không nói Ngài sẽ không đi vào thành phố để khất thực. Nhưng Ngài quyết định sẽ dạy voi Nāḷāgiri vào ngày hôm sau, thị hiện thần thông (Pāṭihāriya) bằng sự thuyết giảng, nhiếp phục những kẻ ngoại đạo và không đi vào Rājagaha để khất thực, mà từ thành phố trở về Veḷuvana cùng với các vị tỳ khưu. Đức Phật biết rằng nhiều thiện tín ở Rājagaha sẽ đem đến nhiều vật thực và Ngài sẽ độ
thực trong tịnh xá. Vì lý do này, Đức Phật nhận lời mời của các thiện
tín.
Khi biết rằng Đức Phật đã nhận lời mời của họ, các thiện nam tín nữ quyết định đem vật thực đến dâng ở tịnh xá và ra về.
(Pāṭihāriya nghĩa là sự đoạn trừ ác nghiệp đối nghịch. Có ba cách đoạn trừ: (1) đoạn trừ bằng sự thuyết giảng (anusāsāni pāṭihāriya), (2) đoạn trừ bằng thị hiện thần thông như hóa ra những hình tướng khác nhau (iddhi pāṭihāriya), (3) đoạn trừ bằng cách biết trạng thái tâm của người nghe (ādesanā pāṭihāriya).
Trong ba cách này, cách thứ ba được ám chỉ ở đây. Cách thứ hai thuộc về trưởng lão Mahā Moggallāna, và cách nhất thuộc vể trưởng lão Mahā Sāriputta. Dù Đức Phật sử dụng phương pháp thứ ba, trước cách thứ ba thường có một trong hai cách đầu theo đúng với khuynh hướng của người nghe).
Đức Phật thuyết pháp đến các vị tỳ khưu trong canh đầu của đêm và trả lời những câu hỏi của chư thiên và Phạm thiên trong canh hai. Canh ba được chia làm ba thời, thời gian đầu Đức Phật nằm nghiêng mình bên phải giống như sư tử chúa. Thời thứ hai Ngài trú trong thiền A-la-hán Quả. Thời thứ ba Ngài thấm nhuần pháp bi mẫn vô lượng. Sau khi xuất khỏi trạng thái ấy, Ngài dò xét xem chúng sanh hữu duyên, và trông thấy voi Nāḷāgiri. Đức Phật thấy rõ rằng khi Ngài thuyết pháp đến voi Nāḷāgira thì sẽ có tám mươi bốn ngàn chúng sanh sẽ chứng ngộ Tứ Diệu Đế và được giải thoát . Thế nên, sau khi làm vệ sinh thân thể vào lúc sáng sớm, Đức Phật gọi trưởng lão Ānanda và nói: “Này Ānanda! Hãy báo cho tất cả tỳ khưu cư ngụ trong mười tám tịnh xá quanh Rājagaha hãy đi theo Như Lai vào thành phố.”
Trưởng lão Ānanda đã làm theo lời chỉ dẫn của Đức Phật. Tất cả các vị tỳ khưu đều hội tụ ở tịnh xá Veḷuvana. Đức Phật đi vào thành phố Rājagaha cùng với chúng tỳ khưu.
Những người huấn luyện voi thực hiện theo lời chỉ dẫn của Devadatta và vua Ajātasattu. Một đám người tụ họp rất đông. Trong đám người ấy, những người có niềm tin nơi Đức Phật thì nói rằng:
” Ngày hôm nay sẽ có một cuộc chiến giữa hai tượng chúa là Đức Phật và voi Nāḷāgiri. Chúng ta sẽ được chứng kiến sự khuyến giáo voi Nāḷāgiri bởi Đấng Tượng Vương.”
Khi nói vậy, họ trèo lên những tòa lâu đài có tháp hay không
tháp, các mái nhà, v.v… để chờ xem trận chiến.
Còn những người ngoại giáo không có niềm tin nơi Đức Phật thì nói rằng: “Voi Nāḷāgiri rất hung ác, dữ dằn và đầy sát tánh. Nó không biết cái gì là tốt về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Ngày hôm nay nó sẽ tiêu diệt thân vàng sáng chói của Sa-môn Gotama và kết thúc mạng sống của vị ấy. Ngày hôm nay chúng ta sẽ thấy rõ sự chấm dứt của kẻ thù.”
Khi nói vậy, họ trèo lên những lâu đài, v.v… và chờ ở đó.
Khi voi Nāḷāgiri trông thấy Đức Phật đi đến, nó xông đến Đức Phật như quả núi di chuyển với cái vòi giơ cao, hai tai và hai đuôi thẳng đứng lên, làm mọi người khiếp vía, phá hủy nhà cửa và giẫm nát những cỗ xe bò.
Khi các tỳ khưu trông thấy noi Nāḷāgiri xông đến, họ nói với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Voi Nāḷāgiri đang chạy đến theo con đường này. Con vật này không biết điều tốt nào về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Chúng con muốn Đức Thế Tôn, bậc Thiện Thệ hãy bước qua một bên (tránh khỏi con đường mà con voi đang chạy đến).” Khi ấy, Đức Phật nói rằng: ” Này các tỳ khưu! Đừng sợ, Như Lai có thể nhiếp phục voi Nāḷāgiri.”
Rồi đại đức Sāriputta bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chính phận sự của đứa con trai đầu là tham dự vào bất cứ vấn đề nào có liên quan đến người cha. Xin Ngài hãy để con nhiếp phục voi Nāḷāgiri.”
Nhưng Đức Phật bác bỏ lời thỉnh cầu, nói rằng: ” Này Sāriputta! Năng lực của một vị Phật là một việc và năng lực của chúng đệ tử là một việc khác. Con không cần phải lo lắng cho Như Lai.” Hết thảy tám mươi vị Đại đệ tử đều đưa ra lời thỉnh cầu như vậy nhưng Đức Phật đều không đồng ý.
Sự hy sinh tự nguyện của Trưởng lão Ānanda
Khi ấy, vì tình thương to lớn đối với Đức Phật, trưởng lão Ānanda không có thể kìm chế được mình. Trưởng lão đến phía trước và đứng trước mặt Đức Thế Tôn quyết tâm hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ bậc Đạo sư, để làm người trước tiên bị voi Nāḷāgiri giẫm chết. Đức Phật dạy rằng: “Này Ānanda! Hãy lui ra sau. Đừng đến và đứng trước mặt Như Lai.” Trưởng lão Ānanda đáp lại: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Con voi này rất hung hãn, hoang dã và hiếu sát. Nó giống như ngọn núi lửa tiêu diệt cả thế gian. Hãy để nó đến với Ngài sau khi giẫm chết con.” Đức Phật khuyên can trưởng lão Ānanda ba lần nhưng trưởng lão vẫn kiên quyết đứng trước mặt Ngài. Cuối cùng, Đức Phật dùng thần thông đặt trưởng lão vào giữa các tỳ khưu.
Sự kiện về người mẹ của đứa bé
Vào lúc ấy, người mẹ của đứa bé nhìn thấy con voi,vì sợ chết bà chạy đi và bỏ lại đứa con trên quãng đường giữa khoảng cách của Đức Phật và con voi. Voi Nāḷāgiri đuổi theo người phụ nữ nhưng không kịp, nó quay lại và đi đến gần đứa bé. Đức Phật rải tâm từ của Ngài (odissaka-metta) đến con voi và bằng giọng nói ngọt ngào của chúa Phạm thiên:
“Này Nāḷāgiri! Người ta đã cho con uống mười sáu hủ rượu và làm cho con say không phải để đi bắt bất cứ ai khác mà chính là để giết chết Như Lai. Thế nên, con đừng làm hại những người đi đường. Con hãy xông thẳng đến chỗ của Như Lai.”
Như vậy, bậc Đạo sư đã kêu con voi đến.
Năng lực của Đức Phật
Khi nghe những lời nói ngọt ngào của Đức Phật, voi Nāḷāgiri mở to hai mắt trông thấy thân tướng rực rỡ của Đức Phật. Nó động tâm và vì oai lực của Đức Phật, nó trở nên tỉnh táo, thả vòi xuống và phe phẩy hai tai, nó đi đến bậc Đạo sư rồi quỳ dưới chân Ngài.
Rồi Đức Phật nói: “Này Nāḷāgiri! Con là một con vật, còn Ta là một vị Phật. Từ nay trở đi, con đừng hung hãn và tà ác. Hãy cố gắng tu tập tâm bác ái đến tất cả chúng sanh.” Đức Phật đưa bàn tay phải của Ngài sờ vào đầu con voi và đọc lên hai câu kệ:
Mā kuñjara nāgam āsado Dukkhaṃ hi kuñjara nāgam āsado Na hi nāgahatassa kuñjara
sugati hoti paraṃ yato.
Mā ca mado mā ca pamādo
na hi pamattā sugatim vajanti te
Tvaññ’eva tathā karissasi
yena tvaṃ sugatiṃ gamissasi.
“Này Nāḷāgiri! Đừng đi đến với ý định giết hại, với ước muốn giết chết Đức Phật, bậc không bao giờ làm điều ác. Đi đến Đức Phật với một ước muốn giết hại là một ác nghiệp dẫn đến đau khổ. Hoàn toàn không có sự tái sanh tốt đẹp trong cõi người hoặc cõi trời sau khi chết cho bất cứ ai muốn gây thương tích hoặc giết chết Đức Phật.”
“Này Nāḷāgiri! Đừng để người ta dối gạt. Đừng quên mười thiện nghiệp. Những người không nhớ đến mười thiện nghiệp sẽ không có sự tái sanh tốt đẹp trong cõi người và cõi trời. Con hãy làm những thiện nghiệp như vậy để đảm bảo cho sự tái sanh thiện thú (nói cách khác, người chỉ đạt được sự tái sanh tốt căn cứ vào những việc phước thiện).”
Voi Nāḷāgiri tràn ngập niềm sung sướng. Nếu nó không phải là voi thì có lẽ nó sẽ chứng đắc Thánh quả Nhập lưu ngay tại nơi đó.
Nhìn thấy cảnh tượng kỳ diệu này, mọi người tung hô vang dội. Họ vỗ tay và hân hoan tung ném những đồ trang sức của họ lên người con voi như tán dương. Những đồ trang sức gần như phủ đầy thân nó, và từ dạo đó con voi có tên là Dhanapāla. Vào lúc voi Dhanapāla được nhiếp phục bởi Đức Phật thì tám mươi bốn ngàn chúng sanh được nếm Pháp bảo, hương vị Bất tử.
Đức Phật an trú con voi trong Ngũ giới. Voi nhẹ nhàng phe phẩy những hạt bụi dưới chân của Đức Phật, rồi đem rải lên đầu của nó và đi lùi bằng đầu gối. Nó đi lùi đến nơi mà không còn trông thấy Đức Phật, và sau khi bày tỏ sự tôn kính, nó đi vào chuồng voi. Kể từ đó, voi trở nên dễ dạy, có thiện tánh và là một con voi rất thuần tính không làm hại bất cứ chúng sanh nào trong suốt cuộc đời còn lại.
Sau khi ước muốn thành tựu, Đức Phật nguyện rằng tất cả những vật trang sức đã tích tụ ở đó sẽ trở về lại với chủ nhân. Bậc Đạo-Sư nghĩ: “Ngày hôm nay Ta đã thị hiện đại thần thông, thế nên Ta đi vào kinh thành khất thực thật không thích hợp.” Sau khi nhiếp phục những người ngoại đạo, Ngài rời khỏi thành Rājagaha và trở về tịnh xá Veḷuvana giữa chúng tỳ khưu như vị vua chiến thắng (trở về từ chiến trường). Dân cư trong thành phố mang nhiều vật thực đi vào tịnh xá cúng dường Đức Phật và chúng Tăng. Họ ngâm lên những bài kệ:
Daṇḍen’ eke damayanti, aṅkusehi kasāhi ca Adaṇḍena asatthena, nāgo danto Mahesinā.
Một số người huấn luyện voi, ngựa và gia súc thường đánh đập chúng bằng gậy gộc, gậy hích, thương, móc câu. Còn Đức Phật, Ngài nhiếp phục voi Nāḷāgiri không dùng khí giới mà đoạn trừ tánh hung ác của nó bằng tâm từ.
Sự suy tàn về lợi đắc của Devadatta
Việc cố gắng giết chết Đức Phật của Devadatta gây ra một sự phản đối kịch liệt trong dân chúng. Họ lên tiếng chỉ trích vua Ajātasattu, nói rằng: ” Chính Devadatta là người gây ra cái chết đức vua Bimbisāra của chúng ta. Chính Devadatta là người đã gởi đi những kẻ ám sát và bây giờ ông ta lại thả voi Nāḷāgiri để giết chết bậc Đạo sư. Một người ác như vậy lại được vua Ajātasattu kết giao nhận làm thầy.” Khi vua Ajātasattu nghe lời khiển trách của dân chúng, vị ấy truyền lệnh cắt đứt việc cúng dường hằng ngày gồm 500 nồi vật
thực đến Devadatta và vị ấy cũng ngưng không đi thăm Devadatta nữa.
Dân chúng trong kinh thành cũng không cúng dường vật thực đến Devadatta khi ông ta đến nhà của họ.
Năm điều yêu cầu của Devadatta
Khi những lợi đắc của ông ta sút giảm từng ngày, thì Devadatta quyết định thực hiện một việc kinh thiêng động địa để bảo đảm sự nuôi mạng của ông. Ông đi đến Đức Phật và nói rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Con cầu xin Thế Tôn hãy ban hành những điều luật sau đây cho các vị tỳ khưu:
- Tất cả tỳ khưu phải sống ở ẩn xá trong rừng. Tỳ khưu nào sống ở những tịnh xá gần làng mạc thì phạm tội.
- Tất cả tỳ khưu chỉ dùng vật thực từ việc đi khất thực. Tỳ khưu nào nhận lãnh vật thực do tín thí mời đến dâng cúng thì phạm tội.
- Tất cả tỳ khưu chỉ mặc y được may bằng vải vụn. Tỳ khưu nào mặc y do tín thí cúng dường thì phạm tội.
- Tất cả tỳ khưu luôn luôn trú ngụ dưới cội cây. Tỳ khưu nào trú ngụ dưới tịnh xá có mái che thì phạm tội.
- Tất cả tỳ khưu phải tránh ăn cá và thịt. Tỳ khưu nào ăn cá và thịt thì phạm tội.
Khi ấy, Đức Phật dạy: “Này Devadatta! Những yêu cầu của ngươi không thích đáng.
- Hãy để cho tỳ khưu sống trong rừng hay trong tịnh xá gần làng mạc tùy theo sở thích của vị ấy.
- Hãy để tỳ khưu dùng vật thực từ sự khất thực hay do tín thí cúng dường.
- Hãy để các tỳ khưu mặc y vải vụn hay y do tín thí cúng dường tùy
theo sở thích của vị ấy.
- Này Devadatta! Như Lai đã cho các vị tỳ khưu sống dưới cội cây
trong tám tháng.
- Như Lai cho phép các tỳ khưu ăn thịt và cá miễn là họ không thấy, không nghe hoặc không nghi ngờ về con vật bị giết để làm món ăn cho họ.”
(Ở đây, khi Devadatta đưa ra năm yêu cầu, Đức Phật biết ngay mục đích của y là tạo sự chia rẽ trong Tăng chúng. Vì việc nhượng bộ những yêu cầu này sẽ là chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh, Đức Phật xét thấy không thích hợp và dạy rằng tỳ khưu có thể sống trong rừng nếu vị ấy muốn, v.v…
Về vấn đề này, vị tỳ khưu tốt nên biết ước muốn của Đức Phật cũng như điều gì thích hợp đối với vị ấy.
Theo Đức Phật, có bốn loại tỳ khưu:
- Tỳ khưu sống trong rừng sẽ đắc được Đạo quả nhờ có nhiều giới hạnh mạnh mẽ về thân và trí.
- Tỳ khưu không thể sống ở trong rừng do cơ thể yếu đuối và có sự tiến bộ tâm linh nếu thực hành pháp ở tịnh xá gần làng mạc.
- Tỳ khưu sẽ có sự tiến bộ tâm linh ở tịnh xá trong rừng hoặc tịnh xá gần làng mạc nhờ đức tính của thân và sự nhẫn nại.
- Tỳ khưu (padaparama) sẽ không có sự tiến bộ về tâm linh bất chấp nỗ lực của vị ấy ở rừng hay ở làng mạc.
- Đức Phật chỉ muốn loại tỳ khưu thứ nhất sống ở trong rừng. Nơi thanh vắng là chỗ thích hợp cho vị ấy và theo gương vị ấy, các đệ tử cũng sẽ muốn sống ở rừng.
- Đức Phật muốn hạng tỳ khưu thứ hai sống trong tịnh xá gần làng mạc.
- Theo Đức Phật, hạng tỳ khưu thứ ba chỉ nên sống ở trong rừng. Tịnh xá trong rừng sẽ tốt cho vị ấy và noi theo gương của vị ấy, các đệ tử cũng sẽ muốn sống ở đó.
- Dạng tỳ khưu padaparama là người không thể có nhiều tiến bộ trong kiếp sống này. Đức Phật muốn dạng tỳ khưu này sống ở trong rừng. Thọ pháp đầu đà và thực hành thiền quán ở trong rừng sẽ giúp vị ấy chứng đắc Đạo quả trong kiếp sau và vị ấy sẽ làm gương cho đệ tử.
(Như vậy, Đức Phật nói:
“(1) Hãy để tỳ khưu sống ở tịnh xá gần làng mạc theo ước muốn của vị ấy.” Ngài ám chỉ “tỳ khưu (b) không thể sống trong rừng vì cơ thể yếu ớt và sẽ đạt được mục đích tâm linh chỉ khi nào tỳ khưu thực hành Pháp ở tịnh xá gần làng mạc.” Sự nhượng bộ này có thể giúp cho các tỳ khưu sống ở tịnh xá trong làng mạc.
Nếu Đức Phật chấp nhận những yêu cầu của Devadatta thì sẽ không có sự tiến bộ tâm linh cho hai hạng tỳ khưu (1) tỳ khưu yếu về thân, và (2) tỳ khưu sống trong rừng khi còn trẻ nhưng không thể sống lúc tuổi già do sự suy giảm về sức khỏe, vì thế vị ấy phải sống trong tịnh xá ở gần làng mạc mới đạt được mục đích tâm linh của vị ấy. Vì lý do này mà Đức Phật từ chối những yêu cầu của Devadatta).
Nỗ lực chia rẽ Tăng đoàn của Devadatta
Devadatta vui thích khi Đức Phật không chấp nhận năm yêu cầu của vị ấy. Cùng với đám tùy tùng là Kokālika, Katamodaka Tissaka, con trai của hoàng hậu Khanda, và Samuddadatta, vị ấy đứng dậy và sau khi đảnh lễ Đức Phật đã bỏ đi (tỳ khưu Kokālika, Katamodaka Tissaka là con trai của hoàng hậu Khanda, và tỳ khưu Samuddadatta là những đệ tử thân tín của Devadatta).
Sau đó, Devadatta đi đến Rājagaha cùng với tùy tùng và truyền bá giáo lý. Họ nói với mọi người rằng bậc Đạo sư đã phủ nhận những yêu cầu mà họ cho là những yêu cầu thích đáng về năm điều luật giúp cho sự ly ái, v.v… và về phần họ, họ sẽ sống đúng với năm điều luật ấy.
Những ai thiếu niềm tin và trí tuệ thì ca ngợi Devadatta và chê bai Đức Phật. Còn những người có niềm tin và trí tuệ thì chỉ trích Devadatta đã cố gắng chia rẽ Tăng đoàn và phá hoại uy quyền của Đức Phật. Các tỳ khưu nghe những lời của mọi người chỉ trích Devadatta và trình lên Đức Phật.
Khi ấy, Đức Phật triệu tập Tăng chúng liên quan đến vấn đề mà các tỳ khưu trình lên Đức Phật và trước sự hiện diện của Tăng chúng.
Đức Phật hỏi rằng: “Này Devadatta! Có thật là ngươi đang cố gắng chia rẽ Tăng và phá hoại uy lực của Tăng đoàn?” “Thưa đúng, bạch Đức Thế Tôn!” Devadatta đáp.
Khi ấy, Đức Phật dạy:
“Này Devadatta! Điều mà ngươi đang làm là không thích hợp. Đừng mong rằng sẽ nhìn thấy sự bất hòa trong Tăng chúng. Người chia rẽ Tăng đoàn sẽ mang lấy trách nhiệm rất trầm trọng. Người chia rẽ Tăng phạm vào điều ác mà hậu quả sẽ kéo dài suốt một kappa. Người ấy sẽ chịu khổ trong địa ngục suốt một kappa.
Này Devadatta! Người đem lại sự hòa hợp cho Tăng chúng đã chia rẽ tức là đã tạo ra một thiện nghiệp và hưởng kiếp sống chư thiên suốt một kappa. Này Devadatta! Điều mà ngươi đang làm là không thích hợp. Đừng mong ước thấy sự chia rẽ Tăng trong Tăng chúng. Người mà chia rẽ Tăng sẽ gánh lấy một trách nhiệm rất nặng nề.”
Đức Phật đã khuyên Devadatta một cách nghiêm túc như vậy, nhưng Devadatta vẫn không từ bỏ nỗ lực và tiếp tục tiến hành việc chia rẽ Tăng đoàn. Ngày hôm sau, vị ấy quyết định làm lễ Uposatha và các Tăng sự (Sangha-kamma) riêng biệt. Vào buổi sáng, vị ấy đến gặp đại đức Ānanda lúc đại đức đi vào Rājagaha để khất thực, và nói rằng: ” Này hiền giả Ānanda! Từ nay trở đi tôi sẽ làm lễ Uposatha và các Tăng sự không cùng với Đức Phật và các vị tỳ khưu của Ngài.”
Khi đại đức Ānanda trình vấn đề ấy lên Đức Phật, thì Đức Phật đọc lên câu kệ sau:
Sukaram sādhunā sādhu sādhu pāpena dukkaraṁ Pāpaṁ pāpena sukaraṁ pāpaṁ ariyehi dukkaraṁ.
Người thiện làm việc thiện thì dễ. Người ác làm việc thiện thì khó. Người ác làm việc ác thì dễ.
Người thiện làm việc ác thì khó.
Devadatta tạo ra sự chia rẽ Tăng đoàn
Rồi vào ngày Uposatha ấy, Devadatta đứng dậy khỏi chỗ ngồi trong Tăng chúng và nói rằng Sa-môn Gotama đã từ chối yêu cầu của vị ấy về năm điều luật sẽ dẫn đến ly tham, v.v… họ sẽ sống theo năm điều luật ấy, và ai thích năm điều luật ấy thì nên đi theo họ. Việc lấy ý kiến được thực hiện và năm trăm vị tỳ khưu trẻ xứ Vijjī sống ở Vesālī và không biết về Viniya (Tạng Luật) đã chấp nhận vì họ nghĩ rằng năm điều luật ấy đại diện cho Dhamma, Viniya và những lời dạy của Đức Phật. Devadatta dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu trẻ và đi đến Gayāsīsa.
Sự đóng góp của hai vị Đại Thinh văn đệ tử
Sau đó đại đức Sāriputta và đại đức Moggallāna, là hai vị Đại Thinh văn đệ tử đi đến Đức Phật và trưởng lão trình lên Đức Phật về việc chia rẽ Tăng đoàn của Devadatta và việc vị ấy ra đi đến Gayāsīsa cùng với năm trăm vị tỳ khưu. Đức Phật quở trách hai vị không có lòng bi mẫn đối với những tỳ khưu trẻ và Ngài khuyên họ đi tế độ cho các tỳ khưu trẻ thoát khỏi sự tàn rụi trên con đường đạo. Hai vị Đại Thinh văn đệ tử hứa sẽ làm như vậy và sau khi đảnh lễ bậc Đạo-Sư, họ đi đến Gayāsīsa.
Sự quan tâm của một tỳ khưu trẻ
Khi ấy, có một tỳ khưu đi đến và đứng khóc bên cạnh Đức Phật. Đức Phật hỏi vị ấy tại sao khóc. Vị tỳ khưu trả lời rằng hai vị Đại đệ tử của bậc Đạo-Sư, trưởng lão Sāriputta và Moggallāna đã đi đến Devadatta, có lẽ họ thích giáo lý của Devadatta. Khi ấy, Đức Phật nói: “Này tỳ khưu! Tuyệt đối không có lý do gì khiến cho Sāriputta và Moggallāna lại thích giáo lý của Devadatta. Thực ra, họ đi đến để khai ngộ cho năm trăm vị tỳ khưu trẻ đã trở thành đồ đệ của Devadatta.”
Lúc bấy giờ, Devadatta đang ngồi thuyết giảng giữa những tỳ khưu đồ đệ. Khi trông thấy hai vị Đại đệ tử đang từ xa đi đến, vị ấy bèn nói với các tỳ khưu trẻ rằng: “Này các tỳ khưu! Hãy nhìn ra đằng xa kia! Ta đã công bố giáo lý của ta rất hay. Ngay cả hai vị Đại đệ tử của Sa-môn Gotama là Sāriputta và Moggallāna cũng thích giáo lý của ta và bây giờ họ đến đây để cùng gia nhập với chúng ta.”
Khi ấy, tỳ khưu Kokālika (một trong những người lãnh đạo của giáo phái) cảnh báo với Devadatta rằng: “Này bạn! Đừng kết giao với Sāriputta và Moggallāna. Họ đang có ý xấu và họ đang thực hiện những ý xấu đó.” Nhưng Devadatta nói: “Này bạn! Bạn không nên nói như vậy. Việc họ đến đây là một điều tốt vì động cơ là do họ ưa thích giáo lý của ta.”
Khi hai vị Trưởng lão đến gần, Devadatta nói: “Nào! Sāriputta, ngồi ở đây” và vị ấy nhường một chỗ ngồi bên cạnh cho trưởng lão. Nhưng trưởng lão từ chối không nhận mà ngồi ở một nơi hợp lẽ. Trưởng lão Moggallāna cũng làm như vậy.
Sau khi thuyết pháp đến các vị tỳ khưu suốt đêm, Devadatta nói với Sāriputta: “Này bạn Sāriputta! Các tỳ khưu không bị hôn trầm thụy miên. Bạn hãy tiếp bằng thời Pháp của bạn. Cổ của ta đã cứng đơ. Hãy để ta duỗi lưng một lát.” (Ở đây, Devadatta bắt chước Đức Phật như cách mà Ngài đã yêu cầu trưởng lão Sāriputta). Trưởng lão đồng ý. Sau khi trải ra một chiếc y bốn lớp. Devadatta nằm xuống nghiêng người bên phải. Vì mệt, không chánh niệm và thiếu trí nên vị ấy ngủ ngay tức khắc.
Rồi trưởng lão thuyết giảng đến năm trăm vị tỳ khưu trẻ trước tiên bằng cách làm cho họ thấy được trạng thái tâm của chính họ (ādesanā-pāṭihāriya). Tiếp theo trưởng lão chỉ ra những pháp nên tránh và những pháp nên hành theo (anusāsānī-pāṭihāriya). Trưởng lão Moggallāna đầu tiên giảng dạy bằng cách thị hiện các pháp thần thông (iddhi-pāṭihāriya) rồi nói với các tỳ khưu điều nên tránh và điều nên hành theo. Do đó, năm trăm vị tỳ khưu trẻ chứng đắc quả thánh Nhập lưu ngay tại chỗ và trở thành những bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna-ariya)
Sau khi năm trăm vị tỳ khưu trở thành những bậc thánh Nhập lưu, trưởng lão Sāriputta nói với họ rằng hai trưởng lão sẽ trở về với Đức Phật và những ai thích Giáo Pháp của bậc Đạo sư thì hãy đi theo hai vị. Tất cả các tỳ khưu trẻ đều đi theo hai vị trưởng lão bằng con đường hư không đến Veḷuvana.
Devadatta bị ói máu
Sau khi hai Trưởng lão đi cùng với năm trăm vị tỳ khưu trẻ, Kokālika, vị thầy của nhóm đánh thức Devadatta dậy bằng cách dùng đầu gối cạ vào ngực ông và nói rằng:”Hãy dậy, này Devadatta! Sāriputta và Moggallāna đã đem các tỳ khưu trẻ đi hết rồi. Chẳng phải tôi đã nói với ông rằng ông không nên giao tiếp với Sāriputta và Moggallāna vì họ có ý xấu và họ đang thực hiện những ý xấu ấy.” Khi ấy, Devadatta ói máu ngay tại chỗ.
Những câu chuyện Bổn sanh liên quan đến Devadatta
Khi các tỳ khưu sống ở tịnh xá Veḷuvana trông thấy đại đức Sāriputta trở về cùng với năm trăm vị tỳ khưu trẻ, họ bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Khi trưởng lão Sāriputta lên đường đến Gayāsisa thì chỉ có đại đức Moggallāna đi chung. Bây giờ, thật là tuyệt diệu, trưởng lão trở về với nhiều tùy tùng.” Bậc Đạo-Sư nói: “Này các tỳ khưu! Sāriputta không chỉ rực rỡ bây giờ thôi đâu. Khi vị ấy trở về với Như Lai lúc vị ấy còn làm thú trong một kiếp quá khứ, vị ấy cũng rực rỡ như vậy rồi.” Và bậc Đạo-Sư kể lại Bổn sanh Lakkhaṇamiga trong phẩm Sīla-Vagga của chương Ekaka Nipāta.
Lại nữa, khi các tỳ khưu bạch rằng Devadatta bắt chước Đức Phật bằng cách thuyết pháp như một vị Phật uy nghi giữa hai vị đại đệ tử đứng ở bên phải và bên trái, bậc Đạo-Sư nói rằng: “Này các tỳ khưu! Chẳng phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng vậy. Devadatta bắt chước Như Lai nhưng không thành”. Rồi Đức Phật kể lại Bổn sanh Viraka của phẩm Nataṃdaḷha-Vagga, Duka Nipāta.
Lại nữa Bổn sanh Sakuṇa (Kaliṇga Vagga, Catukka Nipāta) v.v… được kể lại liên quan đến sự vô ơn bạc nghĩa của Devadatta. Rồi liên quan đến nỗ lực giết hại Đức Phật của Devadatta, Ngài kể Bổn sanh Kuruṅgamiga (Kuruṅga-Vagga, Ekaka Nipāta) và những Bổn sanh khác.
Rồi một hôm, các tỳ khưu đang bàn về sự suy sụp của Devadatta vì những lễ vật cúng dường mà vị ấy nhận được từ thiện tín và sự kính trọng về đời sống tâm linh của vị ấy. Khi ấy, Đức Phật nói: “Này chư tỳ khưu! Chẳng phải chỉ có bây giờ Devadatta bị suy sụp như vậy. Trong quá khứ vị ấy cũng đã bị suy sụp như vậy rồi,” rồi Ngài kể lại bổn sanh Ubhatobhaṭṭha (Asampadāna Vagga, Ekaka Nipāta), v.v… (Đây là bản liệt kê ngắn gọn về các Bổn sanh mà Đức Phật kể lại liên quan đến Devadatta được nêu ra dưới đây:
(Ekaka Nipāta: Seriva Jātaka, Lakkhaṇa Jātaka, Kuruṇgamiga Jātaka, Vānarinda Jātaka, Tayodhamma Jātaka, Sīlava Jātaka, Saccaṃkira Jātaka, Siṅgala Jātaka, Dummedha Jātaka, Asampadāna Jātaka, Ubhatobhatta Jātaka, Siṅgāla Jātaka, Virocana Jātaka, Sañjiva jātaka. Duka Nipāta: Vinīlaka Jātaka, Dubbhiyamakkāṭa Jātaka, Manicora- Jātaka, Vīraka Jātaka, Kuruṁgamiga Jātaka, Suṃsumāra Jātaka, Kaṇḍalaka Jātaka, Dhamma-dhaja Jātaka, Kāsāva Jātaka, Cūḷanandiya Jātaka, Kumbhila Jātaka, Upāhana Jātaka, Mahāpiṅgala Jātaka, Sabbadāṭhi Jātaka và Guttila Jātaka.
Tika Nipāta: Romaka Jātaka và Jambukhādaka Jātaka.
Catukka Nipāta: Sakuna Jātaka, Kakkāru Jātaka, Kāḷābāhu Jātaka.
Jambuka jātaka, Vānara Jātaka và Khantivādī Jātaka.
Pañcaka Nipāta: Cūḷadhammapāla Jātaka và Sāḷiya Jātaka.
Sattaka Nipāta: Kapi Jātaka và Parantapa Jātaka.
Aṭṭhaka Nipāta: Cetiya Jātaka.
Navaka Nipāta: Tiṭṭira Jātaka.
Dasaka Nipāta: Nigrodha Jātaka, Kukkura Jātaka.
Ekadasaka Nipāta: Dhammadevaputta Jātaka.
Dvadasaka Nipāta: Sanmudavāṇija Jātaka.
Terasaka Nipāta: Amba Jātaka và Rum Jātaka.
Pakiṇṇaka Nipāta: Candakinnarī Jātaka.
Vīsati Nipāta: Sattigumba Jātaka, Somanassa Jātaka.
Những ngày cuối cùng của Devadatta
Như vậy, trong khi ngụ ở Rājagaha, Đức Phật đã kể lại nhiều câu chuyện Bổn sanh liên quan đến Devadatta. Đức Phật đi đến Sāvatthi cư ngụ tại tịnh xá Jetavana.
Sau khi lâm trọng bệnh suốt chín tháng, Devadatta ước muốn gặp Đức Phật lần cuối cùng. Vì vậy, vị ấy bảo các đệ tử đưa vị ấy đến gặp Đức Phật. Nhưng các đệ tử nói rằng: “Khi mạnh khỏe, thầy đi chỗ này chỗ kia như là kẻ thù của Đức Phật. Thế nên, bây giờ chúng tôi không dám đưa thầy đến gặp Đức Phật.” Devadatta nói: “Này các đệ tử! Đừng làm ta bị suy sụp.Thực ra, chỉ ta có nỗi thù hận chống lại với Đức Phật mà thôi. Còn Ngài thì không có ác cảm nào dù nhỏ nhất đối với ta cả.”
Vadhake Devadattamhi, core Aṅgulimālake.
Dhanapāle Rāhule ca, sabbatha samamānaso.
“Người anh bà con của ta, Đức Phật, có tâm bi mẫn đối với người em vợ là Devadatta, người đã khởi tâm muốn giết chết vị ấy; đối với Aṅgulimāla, kẻ cướp mạng người với một ngàn ngón tay; đối với voi dữ Nāḷāgiri về sau được gọi là Dhanapāla; đối với con trai của Ngài là Rāhula và đối với tất cả chúng sanh Ngài đều xem bình đẳng như nhau cả.
Hãy đưa ta đến gặp người anh của ta, Đức Thế Tôn.”
Như vậy, Devadatta nhiều lần khẩn nài họ đưa đến gặp Đức Phật. Rồi các đệ tử đặt vị ấy trên một cái giường và khiêng vị ấy đến Sāvatthi, nơi Đức Phật đang cư ngụ.
Khi các tỳ khưu nghe tin Devadatta đang đến, họ bạch với Đức Phật. Đức Phật nói: “Này chư tỳ khưu! Devadatta không có cơ hội gặp được Như Lai trong kiếp sống hiện tại của vị ấy.”
(Điều hiển nhiên là Devadatta không có cơ hội gặp được Đức Phật từ khi vị ấy đưa ra năm điều kiện).
Trong mắt của những tỳ khưu bình thường, Devadatta đang trên đường đi đến Sāvatthi để gặp Đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “Này chư tỳ khưu! Devadatta sẽ không gặp được Như Lai trong kiếp sống hiện tại này dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù Như Lai vẫn ở đây.” Các tỳ khưu bối rối và không biết ý nghĩa câu nói của Đức Phật. Do đó, họ nhiều lần báo tin rằng Devadatta đang đến nơi này hay chỗ kia. Nhưng Đức Phật vẫn một mực khẳng định rằng dù Devadatta làm gì chăng nữa thì vẫn không có cách nào để gặp Ngài.
Nhưng, thỉnh thoảng các tỳ khưu vẫn báo tin về diễn tiến những chặn đường đến của Devadatta, hiện giờ đang cách Sāvatthi một do tuần. Rằng giờ đây vị ấy chỉ còn cách một gāvuta và vị ấy đã đến gần cái hồ nước ở gần tịnh xá Jetavana. Cuối cùng, Đức Phật dạy rằng: “Này chư tỳ khưu! Devadatta sẽ không gặp được Như Lai cho dù vị ấy có đi vào tịnh xá.”
Devadatta bị đất rút
Các đệ tử của Devadatta khiêng ông đến bờ hồ gần tịnh xá Jetavana rồi họ xuống hồ tắm. Devadatta ngồi dậy và đặt chân xuống đất. Nhưng hai chân của vị ấy lún xuống đất mà không thể nào cưỡng lại được. Vị ấy chìm xuống, các phần của thân lần lượt chìm xuống, mắt cá, đầu gối, thắt lưng, ngực và cổ, và quả đất nuốt chửng vị ấy xuống ngang xương hàm thì vị ấy đọc lên câu kệ:
Imehi aṭṭhīhi tam aggapuggalaṁ. devātidevaṃ naradammasārathim Samantacakkhuṁ satapunnalakkhaṇam pāṇehi Buddhaṃ saraṇaṁ upemi.
“Con là Devadatta, đang lúc lâm chung xin quy y Đức Thế Tôn bằng những đốt xương này và sức sống còn lại này. Với tâm hoan hỷ, cao quý, thông minh được thúc đẩy bởi ba căn duyên cao quý. (Con
xin quy y Đức Toàn Giác, bậc Tối thượng trong thế gian, bậc Đạo sư Toàn tri có thể điều ngự tất cả chúng sanh hữu duyên, bậc có 32 tướng hảo quang minh của bậc đại nhân do bởi vô số phước thiện của Ngài).”
(Chính do trí tuệ biết trước của Đức Phật về sự ăn năn của Devadatta mà Đức Phật cho vị ấy xuất gia. Ngay cả nếu vị ấy không phải là một tỳ khưu, vị ấy chắc chắn cũng phạm tội trầm trọng và sau đó không một việc thiện nào giúp vị ấy thoát khỏi luân hồi).
(Đức Phật biết rằng sau khi xuất gia, Devadatta sẽ làm hai ác nghiệp lớn nhất: làm Đức Phật chảy máu và chia rẽ Tăng đoàn. Và về sau vị ấy sẽ tạo những thiện nghiệp để thoát khỏi vòng luân hồi. Thế nên Đức Phật cho vị ấy xuất gia trong Tăng chúng.
Quả vậy, do thiện nghiệp này mà Devadatta sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác, Paccekabuddha tên là Aṭṭhissara sau một trăm ngàn kappas).
Devadatta chịu khổ trong địa ngục Avīci
Sau khi thốt lên bài kệ trên, Devadatta chìm vào trong lòng đất và đọa xuống địa ngục Avīci. Việc vị ấy khốn khổ trong địa ngục là điều không lay chuyển vì vị ấy đã làm hại vị Phật bất chuyển. Trong đại địa ngục Avīci bề rộng một trăm do tuần. Thân của Devadatta cao một trăm do tuần. Cái đầu của vị ấy ở bên trong cái chảo sắt lên đến hai tai của vị ấy. Hai chân của ở bên trong cái chảo sắt nóng đỏ lên đến mắt cá của vị ấy. Vị ấy bị nướng cháy khi đang quay mặt về hướng đông. Một cái cọc sắt to bằng cây thốt nốt trồi ra từ phía Tây của địa ngục đâm xuyên ngay giữa lưng của Devadatta và đi ra từ ngực và trồi ra từ phía đông của địa ngục. Một cọc sắt khác trồi ra từ phía nam của địa ngục đâm xuyên qua hông bên phải của Devadatta và trồi ra từ hông bên trái và đi về hướng bắc. Lại một cái cọc sắt khác từ chảo sắt đâm xuyên qua đỉnh đầu và xuống phía dưới và đâm vào nền của địa ngục. Bằng cách này, Devadatta bị nướng mà không thể nhúc nhích được trong đại địa ngục Avīci.
(Về địa ngục Avīci: trong cõi này (1) các tội đồ bị ép chặt không có khoảng hở, (2) những ngọn lửa địa ngục cháy liên tục và thấu khắp cả địa ngục không chừa một khoảng hở nào. (3) các tội đồ chịu đau đớn không có thời gian ngừng nghỉ nào. Họ luôn chịu đau khổ cực hình mọi lúc. Như vậy, vì không có khoảng trống trong các tội đồ hoặc không có sự ngưng nghỉ của những ngọn lửa trong địa ngục hay sự đau đớn nên được gọi là đại địa ngục Avīci – địa ngục Vô gián).
Các câu truyện Bổn sanh thuật lại sau cái chết của Devadatta
Sau khi Devadatta bị quả đất nuốt chửng như vậy, đề tài bàn luận trong các vị tỳ khưu là sự bất lực của Devadatta dù đã đi 45 do tuần với mục đích gặp được Đức Phật. Đức Phật dạy rằng Devadatta cũng đã bị đất nuốt chửng trong một kiếp quá khứ và Ngài kể lại câu chuyện về voi Sīlava. Khi Bồ tát sanh làm voi Sīlava, vị ấy đặt một người đàn ông bị lạc đường lên trên lưng của mình và đưa anh ta đến chỗ an toàn. Tuy nhiên, người đàn ông ấy đã trở lại ba lần để cưa lấy chiếc ngà, và khi anh ta trở về với phần cuối cùng của chiếc ngà thì anh bị quả đất nuốt chửng khi vừa đi khuất khỏi tầm thấy của Bồ tát. Người đàn ông này là một thợ săn tên là Mittadubbhi, tiền thân của Devadatta (Sīlava Jātaka, Varuṇa Vagga, Ekaka Nipāta).
Đức Phật lại kể về bổn sanh Khantivādā (Pucimanda Vagga, Calukka Nipāta) để chỉ cách vua Kalābu (Devadatta) bị đất nuốt khi vị ấy làm hại Bồ tát, Sa-môn Khantivādi. Đức Phật cũng kể chuyện Bổn sanh Cūla Dhammapāla (Maṇikuṇḍala Vagga, Pañcaka Nipāta), trong đó vua Mahāpatāpa (Devadatta) bị đất nuốt vì làm hại đứa con trai của ông ta là Cūla Dhammapāla, là một vị Bồ tát.
Sau cái chết của Devadatta, mọi người rất vui vẻ. Họ dựng lên nhiều loại cờ và những cây chuối, v.v… đặt những cái hủ đựng đầy nước và tổ chức lễ tống khứ Devadatta. Khi chuyện này được các vị tỳ khưu trình lên Đức Phật, Ngài nói rằng thuở xưa cũng vậy, cái chết của Devadatta làm nhiều người hân hoan. Để chứng minh câu nói của Ngài, Đức Phật kể lại Bổn sanh Mahā Piṅgala (Upāhana Vagga, Duka
Nipāta), trong đó mọi người vui sướng với cái chết của bạo chúa
Piṅgala tại Vārāṇasī.
Các vị tỳ khưu hỏi về kiếp sau của Devadatta, Đức Phật nói rằng Devadatta đã sanh vào địa ngục Avīci. Các vị tỳ khưu nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Devadatta phải chịu nhiều đau khổ trong kiếp hiện tại và bây giờ vào lúc cuối của kiếp sống này vị ấy cũng đã đi vào thế giới nhiều đau khổ.”
Khi ấy, Đức Phật nói: “Này chư tỳ khưu! Đúng vậy, tất cả chúng sanh dù xuất gia hay tại gia mà không quan tâm đến việc phước thiện đều phải chịu khổ trong kiếp sống hiện tại và trong kiếp sau.” Và Đức Phật đọc lên câu kệ:
Idha tappati pecca tappati pāpakārī ubhayattha tappati “Pāpaṃ me katam” ti tappati bhiyyo tappati daggatiṃ gato.
“Này chư tỳ khưu! Người làm điều ác phải chịu kết quả của điều ác ấy. Người ấy phải chịu khổ trong kiếp hiện tại lẫn kiếp sau. Với tâm hối tiếc “Ta đã làm việc ác”, người ấy phải chịu sầu khổ trong kiếp hiện tại. Khi người ấy tái sanh vào khổ cảnh sau khi chết, người ấy phải chịu khổ cùng cực do kết quả của ác nghiệp.” Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều chúng sanh chứng đắc quả thánh Nhập lưu, v.v… Thời pháp đem lại lợi ích cho nhiều người.
KẾT THÚC CHƯƠNG 36