Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ upaṭṭhākānaṃ yadidaṃ Ānando.
Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai, người tự thân hầu hạ Như Lai thì Ānanda là Tối thắng.
Như vậy trong Giáo pháp của Đức Phật, trưởng lão Ānanda được Đức Phật vinh danh là tỳ khưu đệ tử Tối thắng trong năm lãnh vực, đó là đa văn, có Chánh niệm trong việc ghi nhớ lời Pháp, liễu ngộ Giáo pháp, siêng năng trong việc gìn giữ Giáo pháp và trong việc chăm sóc đạo sư, bằng sự tự thân phục vụ Ngài.
Sự chứng đắc Đạo Quả A-la-hán
Vì sự chứng đắc đạo quả A-la-hán dành cho đại đức Ānanda, cuộc Kiết tập Tam tạng lần thứ nhất diễn ra. Chúng tôi sẽ kể lại biến cố này liên quan đến Chú giải của phẩm Sīlakkhandha vagga (Dīgha Nikāya) về chủ đề này.
Sau khi truyền bá Giáo pháp đem lại sự giải thoát cho những người hữu duyên, bắt đầu bằng bài pháp đầu tiên, kinh Chuyển pháp luân, đến bài pháp cuối cùng cho đạo sĩ Subhadda, Đức Phật đã nhập Niết bàn giữa hai cây song thọ Sāla tại lạc viên của bộ tộc Malla, gần Kusinagara vào năm 148 thuộc Đại kỷ nguyên. Sự tịch diệt của Đức Phât, không để lại dư báo về năm uẩn, xảy ra vào ngày rằm tháng Tư âm lịch, vào lúc sáng sớm. Các hoàng tử Malla tổ chức lễ trà tỳ trong bảy ngày với những bông hoa và các vật thơm được đặt quanh nhục thân của Đức Phật để tôn vinh Ngài. Tuần lễ ấy được gọi là ‘Tuần lễ hội Trà tỳ’.
Sau các lễ hội này, nhục thân của Đức Phật được đặt trên giàn hỏa nhưng nó không cháy dù các vị hoàng tử Malla đã hết sức cố gắng. Chỉ vào ngày thứ bảy, sau khi trưởng lão Mahā Kassapa về đến và đảnh lễ thì nhục thân của Đức Phật mới tự bốc cháy, vì Đức Phât đã chú nguyện trước rồi. Tuần thứ hai ấy được gọi là ‘ Tuần lễ của Giàn hỏa Trà tỳ.’
Sau đó Xá lợi của Đức Phật được những người Malla tôn kính cúng dường trong bảy ngày bằng những lễ hội chưa từng thấy, bằng sự sắp xếp hàng hàng lớp lớp những người cầm thương cưỡi ngựa để bảo vệ những khu vực lễ hội. Tuần thứ ba ấy được gọi là ‘ Tuần lễ cúng dường Xá-lợi’.
Sau ba tuần lễ đã trôi qua như vậy, vào ngày mồng năm của tháng Jeṭṭha (từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch) có diễn ra một cuộc phân chia Xá lợi (do Vassakāra, vị giáo sư Bà-la-môn vĩ đại làm chủ tọa). Vào ngày đáng ghi nhớ ấy, có môt cuộc họp gồm bảy trăm ngàn vị tỳ khưu (tại Kusinagara). Tại cuộc họp, đại đức Mahā Kassapa đã nhớ lại những lời nhận xét hỗn hào của Subhadda, một tỳ khưu già
xuất gia sau khi có gia đình, trong chuyến đi từ Pāvā đến Kusinagara, vào ngày thứ bảy sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Vị tỳ khưu già nói với các vị khác đang than khóc về sự viên tịch của Đức Phật, “ Thưa các tôn giả, xin đừng ta thán, đừng chảy nước mắt một cách không cần thiết. Vì chỉ giờ đây chúng ta mới được tự do, thoát khỏi sự độc đoán của Tỳ khưu Gotama, vị ấy thường nói với rằng: “ Đúng, điều này thích hợp cho một tỳ khưu’, ‘Không, điều này không thích hợp cho một tỳ khưu.’ Bây giờ chúng ta được tự do làm điều mà chúng ta thích làm, và bỏ qua điều mà chúng ta không thích làm.”
Hơn nữa, đại đức Mahā Kassapa thấy rằng Giáo pháp của Đức Phật gồm có Giáo pháp ba thiện sẽ dễ dàng suy sụp sau khi người tạo lập nó qua đời, vì các vị tỳ khưu bất thiện thường không tôn vinh những lời dạy của Đức Phật và khi Ngài không còn nữa, và số lượng tỳ khưu ấy có thể tăng lên. “Lành thay nếu tỳ khưu chúng ta hội họp lại rồi cùng nhau tụng lại tất cả Pháp và Luật mà Đức Phật để lại. Bằng cách này Giáo pháp ba thiện sẽ được tồn tại lâu dài.” Đại đức Mahā Kassapa đã suy xét như vậy.
Rồi trưởng lão cũng nhớ lại sự công nhận đặc biệt của Đức Phật đối với trưởng lão.
“ Đức Thế Tôn đã trao đổi chiếc đại y của Ngài với đại y của ta. Ngài đã công bố với các vị tỳ khưu rằng: “ Này các tỳ khưu, việc trú trong sơ thiền, thì Kassapa ngang hàng với Như Lai, v.v…” đó là sự tán dương năng lực các thiền chứng của ta liên quan đến các tầng thiền cao hơn, bao gồm chín thiền chứng đòi hỏi sự nhập thiền liên tiếp trải qua các tầng bậc, cũng như năm phép thần thông. Lại nữa, Đức Thế Tôn đã trú giữa hư không, và khi vẫy bàn tay, đã công bố rằng trong vấn đề sống viễn ly đối với bốn chúng đệ tử thì Kassapa là vô song,’ và ‘ trong thái độ bình thản thì Kassapa cư xử như mặt trăng’. Những lời tán dương này quả thật là vô song. Ta phải sống theo những ân đức này, không cách nào khác ngoài việc tổ chức một hội Kiết tập Tăng đoàn cho sự tụng đọc Pháp và Luật được trường tồn. “ Như một vị vua chỉ định cho đứa con trai đầu làm người thừa
kế hợp pháp, ban cho tất cả đồ dùng của vua và quyền hành cho đứa
con trai với ý định duy trì vương quyền của vị ấy, cũng thế Đức Thế Tôn quả thực đã tán dương ta rất nhiều, với những cách phi thường như thế vì Ngài biết rằng ta có thể duy trì giáo pháp của Ngài.”
Sau khi đã nghiền ngẫm sâu sắc như vậy, trưởng lão Mahā Kassapa kể lại cho hội chúng tỳ khưu nghe những lời báng bổ của tỳ khưu Subhadda, vị tỳ khưu già (đã giải thích ở trên), và đưa ra lời đề nghị này:
“ Thưa các hiền hữu, trước khi ác pháp phát triển và trở thành chướng ngại cho Chánh pháp, trước khi tình trạng phá giới phát triển và trở thành chướng ngại của giới Luật, trước khi những người ủng hộ phi pháp mạnh lên, trước khi những người gìn giữ Chánh pháp trở nên suy yếu, trước khi những người ủng hộ ác pháp mạnh lên, trước khi những người gìn giữ giới Luật trở nên suy yếu, chúng ta hãy cùng nhau tụng đọc Pháp và Luật và bảo tồn chúng.”
Sau khi nghe những lời yêu cầu đầy nhiệt huyết của trưởng lão, hội chúng tỳ khưu nói rằng: “ Thưa trưởng lão Kassapa, cầu xin trưởng lão chọn ra các vị tỳ khưu để thực hiện việc tụng đọc Pháp và Luật.” Khi ấy trưởng lão chọn ra bốn trăm chín mươi chín vị A-la-hán thuộc lòng Tam tạng, và hầu hết các ngài đều có Tứ vô ngại giải tuệ, Tam minh, và sáu Thắng trí, đã được Đức Thế tôn chỉ định là tỳ khưu Tối thắng.
( Về vấn đề này, sự tuyển chọn 499 vị tỳ khưu cho thấy rằng có một ghế được trưởng lão Mahā Kassapa dành sẵn cho Ānanda. Lý do là vào lúc ấy trưởng lão Ānanda chưa chứng đắc đạo quả A-la-hán, và vẫn còn tu tập để trở thành bậc A-la-hán. Không có Ānanda thì không thể tổ chức cuộc kết tập vì vị ấy đã nghe tất cả những lời dạy của Đức Phật bao gồm năm bộ Nikaya, Chín Aṅga hay Phần, và số lượng thuật ngữ Phật pháp tất cả tám mươi bốn ngàn.
Tại sao Ānanda được trưởng lão Mahā Kassapa đặt vào danh sách những người tụng đọc? Lý do là trưởng lão Mahā Kassapa muốn tránh sự phê bình rằng vị ấy thiên vị với trưởng lão Ānanda bởi vì không có vị A-la-hán nào khác có Tứ vô ngại giải tuệ như trưởng lão Ānanda trong khi ngài vẫn còn là một bậc hữu học.
Sự phê bình này có thể xảy ra, khi xét đến sự kiện rằng trưởng lão Mahā Kassapa và Ānanda rất thân thiết với nhau. Trưởng lão Mahā Kassapa thường gọi trưởng lão Ānanda bằng những tên gọi thân thiết như ‘chàng trai trẻ này’ ngay cả khi trưởng lão Ānanda đã thọ tám mươi tuổi đã bạc tóc.
( Hãy xem Kassapa Saṃyutta, Cīvara Sutta, Nidāna Vagga). Hơn nữa, đại đức Ānanda là một vị hoàng tử dòng Thích ca và là anh em chú bác của Đức Phật. Vì lý do đó nên trưởng lão Mahā Kassapa, dù biết rõ Ānanda tuyệt đối cần thiết trong cuộc kiết tập, nhưng vẫn đợi sự đồng ý chung của Tăng hội trong việc tuyển chọn trưởng lão Ānandā).
Khi trưởng lão Mahā Kassapa thông báo với chúng Tăng về việc vị ấy đã tuyển chọn 499 vị La hán thì chúng Tăng đồng loạt đề nghị trưởng lão Ānanda phải được tuyển chọn vào hội nghị Kiết tập cho dù vị ấy vẫn còn là một bậc hữu học. Họ nói rằng: “ Thưa trưởng lão Mahā Kassapa, dù trưởng lão Ānanda vẫn còn là bậc hữu học, nhưng vị ấy không phải là người có sự phán đoán sai lạc một trong bốn pháp bất chánh. Hơn nữa, vị ấy là vị tỳ khưu có pháp học quãng đại nhất được Đức Phật truyền đạt cả về Pháp lẫn Luật.” Khi ấy trưởng lão Mahā Kassapa đưa Ānanda vào danh sách những vị tụng đọc Tam tạng. Như vậy có năm trăm vị được tuyển chọn tụng đọc với sự chấp thuận của chúng Tăng.
Rồi chúng Tăng xét đến nơi Kiết tập. Các ngài chọn Rājagaha bởi vì đây là một kinh đô lớn, đủ lớn để cung cấp vật thực hằng ngày cho hội chúng tỳ khưu đông đảo và có nhiều tịnh xá lớn để các vị có thể trú ngụ. Các ngài cũng nghĩ đến vấn đề cần thiết là cấm tất cả các tỳ khưu khác ở bên ngoài hội nghị Kiết tập không được nhập hạ trong kinh thành Rājagaha, nơi hội đồng Kiết tập sẽ ngụ trong suốt thời gian ấy. (Lý do ngăn cấm các vị tỳ khưu bên ngoài là vì công việc của hội đồng Kiết tập tiến hành hằng ngày trong một số ngày, nếu những tỳ khưu bên ngoài không bị ngăn chặn trú xứ ấy trong mùa an cư, thì những tỳ khưu chống đối có thể can thiệp vào kỳ Kiết tập).
Trưởng lão Mahā Kassapa, bằng sự đề cử chính thức là một Tăng sự, và được sự tán thành chính thức của chúng Tăng đã thông qua nghị quyết bằng những lời như sau:
Suṇtātu me āvuso Sangho yadi Saṅghassa pattakallaṃ Saṅgho imāni pañcabhikkhusatāni sammanneyya rājagahe vassaṃ vassantāni dhammañ ca vinayañ ca
sangā yituṃ na āññehi bhikkhūhi rājagahe vassaṃ vasitabbanti esā ñatti.
Nội dung chính của đoạn này là: (1) chỉ có năm trăm vị tỳ khưu tụng Pháp và Luật sẽ ngụ ở Rājagaha trong mùa an cư và (2) những vị tỳ khưu khác không được ngụ tại Rājagaha trong thời gian này.
Tuyên ngôn Tăng sự diễn ra sau khi Đức Phật viên tịch hai mươi mốt ngày. Sau Tuyên ngôn Tăng sự, trưởng lão Mahā Kassapa công bố với tất cả các thành viên của hội đồng như vầy:
“ Thưa các hiền giả, tôi cho phép các hiền giả bốn mươi ngày để chăm lo các phận sự cá nhân. Sau bốn mươi ngày này sẽ không có lý do nào khác để vắng mặt trong việc tụng đọc, cho dù bịnh hoạn, công việc liên quan đến thầy tế độ, hay cha mẹ hoặc những nhu cầu cần thiết của vị tỳ khưu như bình bát hoặc y phục. Mỗi người trong các hiền giả đều phải sẵn sàng để bắt đầu các nghi thức vào cuối bốn mươi ngày.”
Sau khi đưa ra những chỉ thị nghiêm ngặt đến chư Tăng, trưởng lão Mahā Kassapa, được tháp tùng bởi năm trăm tỳ khưu đệ tử, đi đến Rājagaha. Những thành viên khác của hội đồng Kiết tập đi đến những nơi khác nhau cùng với đệ tử của họ, để làm mọi người vơi dịu phiền não bằng việc thuyết giảng Chánh pháp. Đại đức Puṇṇa và bảy trăm tỳ khưu đệ tử ở lại Kusinagara để thuyết pháp làm nguôi ngoai các thiện nam tín nữ đang buồn khổ, thương tiếc về sự viên tịch của Đức Phật.
Trưởng lão Ānanda như thường lệ mang bát và y của Đức Phật, đi đến Sāvatthi cùng với năm trăm tỳ khưu đệ tử. Tùy tùng đệ tử của vị ấy gia tăng hằng ngày. Bất cứ nơi nào vị ấy đi đến các thiện tín đều ta thán và than khóc.
Khi trưởng lão Ānanda trải qua các chặn đường đến Sāvatthi, tin đồn vị ấy đến lan khắp kinh thành và mọi người đi ra mang theo những bông hoa và vật thơm để đón chào trưởng lão. Họ than khóc, nói rằng: “Trưởng lão Ānanda ơi, trưởng lão thường đi chung với Đức Phật, nhưng giờ đây trưởng lão đã để Đức Phật ở đâu mà đến đây một mình?” Sự ta thán của mọi người khi thấy trưởng lão Ānanda một mình, đầy thương cảm như ngày Đức Phật Niết bàn.
Trưởng lão Ānanda an ủi họ bằng những bài Pháp về tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi. Rồi vị ấy đi đến tịnh xá Jetavana, đảnh lễ trước hương phòng của Đức Phật, mở cửa, khiêng chiếc giường và cái ghế ngồi ra lau chùi chúng, quét dọn quanh Hương phòng, và thu dọn những bông hoa héo. Rồi vị ấy đặt lại chiếc giường, cái ghế và làm những công việc thông lệ tại chỗ ngụ của Đức Phật như những ngày mà Đức Phật còn tại tiền.
Bất cứ khi nào làm những công việc thường ngày ấy, vị ấy ta thán: “ Ôi Đức Thế Tôn, đây không phải là lúc để Thế Tôn tắm sao?” “ Đây không phải là lúc Ngài thuyết pháp sao!” “Đây không phải là thời gian sách tấn các tỳ khưu sao?” “ Đây không phải là lúc để Thế Tôn nằm nghiêng bên phải với tất cả oai lực của vị Phật (như con sư tử) sao ?” “ Đây không phải là lúc để Thế Tôn rửa mặt sao?” Vị ấy không thể nào cầm được nước mắt trong những công việc thường lệ đã xảy ra hằng giờ trong việc hầu hạ Đức Phật hằng ngày, vì khi biết rõ lợi ích đặc tánh thanh tịnh của Đức Thế Tôn, vị ấy đã có tình thương sâu đậm đối với Đức Phật do lòng tịnh tín cũng như tình cảm. Vị ấy chưa đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, vị ấy có trái tim mềm yếu đối với Đức Phật do bởi những hành vi từ ái với nhau đã xảy ra giữa vị ấy và Đức Phật trong hằng triệu kiếp quá khứ.
Lời khuyên của một vị thần trong rừng cây
Trong khi tự mình trải qua sự buồn khổ và thương tiếc sâu đậm trước sự viên tịch của Đức Phật, trưởng lão Ānanda cũng trải nhiều thời gian để an ủi Phật tử đến gặp vị ấy mang theo sự sầu muộn vì sự
viên tịch của Đức Phật. Sau đó khi trưởng lão đang ngụ tại một khu rừng trong vương quốc Kosala, thì vị thọ thần của khu rừng cảm thấy tội nghiệp và để nhắc nhở vị ấy nên kềm chế nỗi sầu bi của mình, vị thọ thần bèn xướng lên cho vị ấy nghe bài kệ sau đây:
Rukkhamūlagahanaṃ pasakkiya Nibbānaṃ hadayasmiṃ opiya.
Jhāya Gotama mā pamādo Kiṃ te biḷibiḷikā karissati.
Hỡi vị trưởng lão của dòng tộc Thích ca, hãy đến nơi vắng vẻ tại cội cây, hãy trú tâm trong Niết bàn, hãy trú trong thiền định và trong ba tướng (vô thường, khổ và vô ngã). Có lợi ích gì trong việc nói chuyện nhảm nhí với những khách viếng của ngài để cố gắng an ủi họ?”
Lời khuyên ấy đã làm khởi dậy sự kinh cảm (saṃvega) trong người của trưởng lão Ānanda. Từ khi Đức Phật nhập Niết bàn, vị ấy đã đứng và ngồi quá nhiều đến nỗi vị ấy cảm thấy khó ở, và để làm nguôi ngoai vị ấy đã dùng sữa để chế ra một loại thuốc nhuận tràng vào ngày hôm sau, và không đi ra khỏi tịnh xá.
Vào ngày hôm ấy Subha, con trai của vị Bà-la-môn Todeyya ( đã qua đời) đến thỉnh trưởng lão Ānanda đến nhận cúng dường vật thực. Trưởng lão nói với chàng thanh niên rằng trưởng lão không thể đến trong ngày hôm ấy được bởi vì đã uống thuốc nhuận trường làm từ sữa, và có thể đến vào ngày hôm sau. Ngày hôm sau, trưởng lão đi đến nhà Subha và Subha đặt một câu hỏi liên quan đến Giáo pháp. Bài Pháp của trưởng lão Ānanda về câu hỏi ấy được ghi lại trong kinh Subha, là bài kinh thứ mười trong phẩm Sīlakkhandha Vagga thuộc Dīgha Nikāya.
Rồi trưởng lão Ānanda giám sát sự sửa chữa con đường đi đến Jetavana tịnh xá. Khi mùa an cư, đến vị ấy để lại các đệ tử ở tịnh xá rồi đi đến Rājagaha. Những thành viên khác được tuyển chọn cho cuộc kiết tập Tam tạng cũng trở về Rājagaha trong thời gian ấy. Tất cả những thành viên ấy đều làm lễ Uposatha vào ngày rằm tháng sáu âm
lịch và vào ngày mười sáu họ phát nguyện an cư tại Rājagaha trong ba tháng của mùa mưa.
Rājagaha có mười tám tịnh xá ở quanh kinh thành lúc bấy giờ. Vì những tịnh xá ấy không có ai ở trong một thời gian, nên những công trình cốc liêu và những khu vực có tường bao quanh ở trong tình trạng bỏ trống và xuống cấp. Trong dịp Đức Phật Niết bàn tất cả các tỳ khưu đều rời khỏi Rājagaha đến Kusinārā, các tịnh xá không được sử dụng và gìn giữ đến nỗi tòa nhà rêu xanh và đầy bụi bậm, đồng thời có những tấm kính bị vỡ và những bức vách bị nứt.
Các tỳ khưu tổ chức một cuộc họp và quyết định rằng theo như tạng Luật được Đức Phật ban truyền, đặc biệt về chỗ ngụ, những tòa nhà trong tịnh xá và những ngôi chùa và có tường rào bao quanh nên được sửa chữa và bảo tồn trong điều kiện thích hợp. Bởi vậy các ngài quyết định tháng đầu tiên của mùa an cư để sửa chữa và bảo dưỡng các tịnh xá, còn tháng thứ hai để Kiết tập. Các ngài đã tham gia vào công trình sửa chữa để cúng dường những lời dạy của Đức Phật được tìm thấy trong các điều luật và cũng để tránh sự phê phán của các giáo phái bên ngoài giáo pháp của Đức Phật như: “ Các đệ tử của Sa môn Gotama chỉ quan tâm đến các tịnh xá khi đạo sư của họ còn sống, nhưng khi vị ấy chết đi, họ bỏ mặc chúng và để tài sản có giá trị do tứ chúng dâng cúng trở nên hoang phí.”
Sau khi đi đến quyết định, các vị tỳ khưu đi đến cung điện vua Ajātasattu. Đức vua đảnh lễ và hỏi các ngài đến với mục đích gì. Các ngài nói với đức vua rằng các ngài cần người để trùng tu sửa chữa mười tám tịnh xá. Đức vua đã cung cấp nhân lực cho các ngài để tiến hành sửa chữa dưới sự giám sát của các vị tỳ khưu. Trong tháng đầu tiên công việc được hoàn thành. Khi ấy các vị đi đến vua Ajātasattu và nói rằng, “ Tâu đại vương, công việc sửa chữa tại các tịnh xá đã được hoàn thành. Bây giờ chúng tôi sẽ hội họp lại để đồng loạt tụng đọc Pháp và Luật.” Đức vua nói rằng, “ Thưa chư đại đức, hãy thực hiện phận sự của các ngài tùy duyên. Phải có sự kết hợp của vương quyền và giáo quyền. Hãy cho biết nhu cầu của các ngài và con sẽ lo liệu đáp ứng.” Các vị nói rằng, “ Chúng tôi cần một nhà hội họp dành cho
Tăng chúng để thực hiện phận sự.” Đức vua thỉnh các ngài chỉ chỗ, và các ngài đã chọn sườn núi của ngọn núi Vebhāra ở đó có cây đại thọ Sattapaṇṇi.
Một giả ốc to lớn được vua Ajātasattu dâng cúng
“ Lành thay, thưa chư đại đức,” vua Ajātasattu nói và truyền lịnh xây dựng một giả ốc to lớn dành cho hội đồng Kiết tập, nguy nga lộng lẫy không khác gì cung điện do Visukamma, vị thiên kiến trúc, tạo ra. Nó có những ngăn phòng giúp cho công việc của hội đồng có kết quả tốt đẹp, mỗi ngăn phòng đều có bậc thang và những lối vào, tất cả những bức tường, những cột trụ (những hàng chấn song) được sơn phết xinh đẹp với những mẫu nghệ thuật. Toàn thể giả ốc trông có vẻ rực rỡ hơn cả hoàng cung và sự rực rỡ của nó còn hơn cả lâu đài của chư thiên. Nó trông như một lâu đài tráng lệ thu hút sự chú ý của người nhìn ngắm nó, cả chư thiên lẫn nhân loại, như bờ sông khả ái hấp dẫn tất cả các loại chim. Thực ra nó có ấn tượng của một cảnh vật khả ái bao gồm tất cả những vật khả ái khác gộp lại.
Hội trường có một cái lọng được cẩn các loại ngọc. Những chùm hoa đủ các cỡ, các hình dạng và màu sắc treo lung linh. Nền nhà được lát đá quí trông như cái thảm khổng lồ bằng hồng ngọc. Bên trên là những tràng hoa đủ màu sắc tạo thành một tấm thảm kỳ diệu như được trang trí ở cung điện của Phạm thiên. Năm trăm chỗ ngồi dành cho năm trăm vị tỳ khưu tụng đọc được làm bằng chất liệu vô giá, nhưng phù hợp cho các vị sử dụng. Một chiếc ghế quí, là cái bệ được nâng cao, dành cho vị trưởng lão có phận sự đặt những câu hỏi, lưng nó dựa vách tường hướng nam, nhìn về hướng bắc. Ở giữa, có một cái bục cao dành cho vị trưởng lão nhận phận sự trả lời những câu hỏi, nhìn về hướng Đông, thích hợp để sử dụng. Trên chỗ ngồi ấy có đặt một cái quạt tròn làm bằng ngà. Sau khi trang trí chi tiết tất cả mọi thứ, đức vua thông báo với chư Tăng là mọi thứ đã sẵn sàng.
Ngày mười chín âm lịch trong tháng Savana (tháng 6 âm lịch), một số vị tỳ khưu đi quanh nói chuyện với nhau rằng: “ Trong hội chúng tỳ khưu này có một người vẫn còn phiền não,” rõ ràng là ám chỉ
đến trưởng lão Ānandā. Khi trưởng lão Ānanda nghe những lời chế nhạo này, ngài biết không ai khác ngoài chính mình đang đi quanh phát ra mùi bất tịnh của phiền não. Vị ấy khởi tâm kinh cảm (saṃvega) từ những lời nói này. Những tỳ khưu khác đến nói với vị ấy rằng: “ Này hiền giả Ānanda, ngày mai hội nghị Kiết tập bắt đầu. Hiền giả vẫn còn phải tu tập để đạt đến những tầng thánh đạo bậc cao. Thật không thích hợp để hiền giả tham dự các nghi thức Kiết tập khi vẫn còn là bậc hữu học (là bậc thánh mà vẫn còn phải tu tiếp để chứng đắc đạo quả A-la-hán), chúng tôi muốn hiền giả dùng chánh niệm phấn đấu để thành đạt đạo quả A-la-hán trong thời gian sớm nhất.”
Đạo quả A-la-hán ở ngoài bốn oai nghi
Rồi trưởng lão Ānandā suy nghĩ, “ Ngày mai đại hội Kiết tập bắt đầu. Thật không thích hợp để ta tham gia các nghi thức Kiết tập khi vẫn còn là bậc hữu học (chỉ là sotāpaññā).” Vị ấy quán niệm về thân suốt đêm. Vào lúc sáng sớm, vị ấy nghĩ sẽ ngủ một lát. Khi đi vào tịnh xá, vị ấy chánh niệm nghiêng thân xuống chiếc giường. Khi hai bàn chân của vị ấy còn cách mặt đất và cái đầu của vị ấy chưa chạm vào gối, thì vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán trong sát na, không thuộc bất cứ oai nghi nào.
Giải thích thêm: Trưởng lão Ānanda thực hành thiền quán khi đang đi kinh hành trong lối mòn ở bên ngoài tịnh xá. Đạo quả (ở ba tầng bực cao) vẫn chưa được chứng đắc. Rồi trưởng lão nhớ đến những lời dạy của Đức Phật khi Ngài sắp Niết bàn: “ Này Ānandā, con đã làm nhiều việc phước. Hãy chuyên tâm thiền quán. Con sẽ sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán.” Vị ấy biết rằng lời dạy của Đức Phật không bao giờ sai lạc. Vị ấy xem lại nỗ lực thiền quán của mình: “ Ta đã tinh tấn quá mức; điều này làm tâm ta bị phóng dật. Ta phải làm quân bình giữa tinh tấn và định.” Khi quán xét như vậy, vị ấy rửa chân và đi vào thiền thất, định sẽ nằm nghỉ một lát. Với chánh niệm, vị ấy nghiêng mình xuống chiếc giường. Khi hai bàn chân còn cách mặt đất
và đầu chưa chạm gối, trong sát na lướt qua như vậy vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala), đoạn diệt tất cả mọi lậu hoặc.
Thế nên, nếu có người đặt câu hỏi: “ Vị tỳ khưu nào trong Giáo pháp đắc được đạo quả A-la-hán trong khi ở ngoài bốn oai nghi của thân?” Câu trả lời khẳng định là: “Trưởng lão Ānanda”.
Ānanda được trưởng lão Mahā Kassapa khen ngợi
Vào ngày thứ mười lăm của tháng hạ huyền Savana (tức là ngày mồng một tháng bảy) là ngày sau khi trưởng lão Ānanda chứng đắc đạo quả A-la-hán. Sau khi các ngài độ thực xong, những vị được tuyển chọn tham dự cuộc Kiết tập đã đem cất bát và những vật dụng khác rồi họp ở đại hội trường để bắt đầu công việc. Theo phong tục của tiểu lục địa Ấn độ, thời gian từ ngày rằm tháng Āsaḷha (tháng 6 đến tháng 7 dương lịch) đến ngày rằm tháng Savana được tính là một tháng. Trong suốt thời gian của một tháng ấy chư Tăng đã tham gia sửa chữa và bảo trì các tịnh xá. Vào ngày mười sáu của tháng Savana (tháng 7 Â.l.), các ngài thỉnh cầu vua Ajatasattu xây dựng một giả ốc. Việc xây dựng diễn ra trong ba ngày. Vào ngày thứ tư (20 tháng 7 Â.L) trưởng lão Ānanda chứng đắc đạo quả A-la-hán. Vào ngày thứ năm, công việc Kiết tập bắt đầu.
Trưởng lão Ānanda tham dự hội đồng Kiết tập với tư cách
một vị A-la-hán
Trưởng lão đi vào giả ốc khi mọi người đã tham dự đông đủ. Khi mặc chiếc y vai trái theo cách được mô tả dành cho các vị tỳ khưu xuất hiện trước cuộc họp (hoặc để đi vào làng), vị ấy bước vào giả ốc với khuôn mặt tươi sáng như trái cây thốt nốt mới được hái xuống, hay như viên hồng ngọc được đặt trên miếng vải nhung màu trắng, hay như trăng rằm trong bầu trời quang đãng, hay như hoa sen nở dưới ánh nắng mặt trời. Sự tỏa sáng ấy từ sự thanh tịnh bên trong của vị A-la-hán. Sự rực rỡ của nó đã công bố đạo quả A-la-hán của chủ nhân.
(Liên quan đến điều này, người ta có thể hỏi: “Tại sao trưởng lão Ānandā đi vào giả ốc tựa như công bố về đạo quả A-la-hán của vị ấy?” “ Một vị A-la-hán không công bố về sự chứng đắc arahatta-phala bằng lời nhưng vị ấy có thể để cho mọi người biết rõ sự thật và điều này được Đức Phật khen ngợi.” Trưởng lão Ānanda đã suy nghĩ như vậy. Vị ấy biết rằng hội đồng đã sắp xếp để vị ấy tham dự các nghi thức vì sự đa văn của vị ấy, cho dù vị ấy vẫn còn là bậc hữu học. Và khi xét thấy trưởng lão đã đắc quả A-la-hán, các vị tỳ khưu khác sẽ rất hoan hỉ khi biết sự thật này. Hơn nữa, vị ấy muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng những lời dạy cuối cùng của Đức Phật: “ Hãy tinh tấn tu tập, phận sự tối hậu của con sẽ được chứng đắc,” là rất bổ ích).
Khi nhìn thấy trưởng lão Ānandā, trưởng lão Mahā Kassapa suy nghĩ: “ À, Ānanda đắc A-la-hán rồi trông thật rực rỡ. Nếu Đức Thế Tôn còn tại tiền, Ngài chắc chắn sẽ nói lời tán dương trong ngày hôm nay. Bây giờ ta phải thay mặt Đức Thế Tôn nói lời tán dương.” Và vị ấy nói rằng: “ Này hiền giả Ānanda, việc hiền giả chứng đắc đạo quả A-la-hán thật là rực rỡ, v.v…” Trưởng lão đã nói to những lời chúc mừng ấy ba lần.
Các nghi thức của Hội nghị Kiết tập
Sự có mặt của trưởng lão Ānandā, hội đồng đã có đủ năm trăm người tụng đọc được tuyển chọn. Trưởng lão Mahā Kassapa hỏi hội đồng rằng những cuộc tụng đọc bắt đầu từ đâu, Pháp gồm tạng Suttanta và tạng Abhidhamma nên tụng trước hay tạng Luật – Vinaya, được tụng trước. Chư Tăng đồng loạt trả lời: “ Thưa trưởng lão Mahā Kassapa, Vinaya là mạng mạch sống còn của Giáo pháp của Đức Phật. Vì nếu Vinaya tồn tại thì Giáo pháp của Đức Phật trường tồn. Do đó chúng ta hãy bắt đầu tụng Vinaya trước.” Khi ấy trưởng lão Mahā Kassapa bèn hỏi, “ Chúng ta sẽ chọn ai làm vị tỳ khưu dẫn đầu tụng Vinaya?” “ Chúng ta sẽ chọn trưởng lão Upāli làm vị tỳ khưu dẫn đầu.” “ Phải chăng Ānanda không có khả năng làm điều đó?” “
Ānandā rất có khả năng làm điều đó. Tuy nhiên, khi Đức Thế Tôn còn tại tiền, Ngài đã công bố rằng Upāli là vị Thanh văn đệ tử Tối thắng nhất trong việc thông thuộc Vinaya. Do đó chúng ta sẽ chọn trưởng lão Upāli làm vị tỳ khưu dẫn đầu trong việc tụng đọc Vinaya.”
Trưởng lão Mahā Kassapa là vị tỳ khưu chủ tọa kỳ đại hội Kiết tập lần thứ nhất. Trưởng lão cũng lãnh trách nhiệm nêu ra những câu hỏi. Trưởng lão Upāli lãnh trách nhiệm trả lời những câu hỏi về Vinaya. Hai vị tỳ khưu ngồi vào hai chỗ đặc biệt dành cho họ và dẫn chương trình. Mỗi điều luật được đặt thành câu hỏi bao gồm chủ đề, câu chuyện về bối cảnh, người là nguyên nhân để Đức Phật ban hành điều luật, điều luật gốc, điều luật bổ sung (nếu có), tới chừng mức nào thì sự vi phạm điều luật ấy tác thành tội hay không tội; và mỗi câu hỏi đều được trả lời đầy đủ dưới những tiêu đề ấy. Khi ấy chúng Tăng ghi nhận chúng bằng cách đồng loạt tụng lại, bổ túc chủ đề bằng những câu nói như: ‘ lúc bấy giờ’, ‘ lúc ấy’, ‘khi ấy’, ‘khi điều ấy được nói ra’, v.v… để kết vào vấn đề. Những bài tụng được thực hiện trong sự nhất trí, “ Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngụ ở Verañja, v.v…” (Sự tụng đọc những lời dạy của Đức Phật bởi chư Tăng trong một hội chúng đặc biệt như vậy thì được gọi là Sangāyanā.)
Khi điều luật Pārājika thứ nhất vừa được tụng xong, thì đại địa chấn động dữ dội xuống thấu tầng nước nâng đỡ nó, tựa như đang vỗ tay ca ngợi một biến cố lịch sử cao quý.
Ba điều luật Pārājika còn lại được tụng theo cùng cách tương tự, 227 điều luật còn lại cũng như vậy, mỗi điều luật được sắp xếp thành câu hỏi và theo sau là câu trả lời của nó. Toàn thể bài tụng có nhan đề là Pārājikaṇḍa Pāḷi, và cũng được gọi là Bhikkhu Vibhaṅga, được gọi chung là “Mahā Vibhaṅga”. Bộ luật được quy định là Chánh tạng, được giảng dạy ở các tịnh xá từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào lúc kết thúc phần tụng bộ Mahā Vibhaṅga, đại địa cũng rung chuyển dữ dội như trước.
Theo sau đó là 304 điều luật trong bộ Bhikkhunī Vibhaṅga, được tụng dưới dạng câu hỏi và câu trả lời cũng như trước. Bộ Bhikkhunī Vibhaṅga này và bộ Mahā Vibhaṅga được gọi chung là bộ
Ubhato Vibhaṅga gồm có 64 tụng phẩm hay bhāṇavāra. Bộ luật được quy định là Chánh tạng được giảng dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào lúc kết thúc sự tụng đọc bộ Ubhato Vibhaṅga thì đại địa cũng rung chuyển dữ dội như trước.
Upāli được giao phó Tạng Luật – Vinaya
Hội đồng kiết tập gồm năm trăm tụng sư đã giao phó bản tụng được phê chuẩn của tạng Luật cho trưởng lão Upāli bằng sự ủy quyền như sau: “ Này hiền giả, hãy giảng dạy tạng Luật (Vinaya Piṭaka) này đến các đệ tử mà thọ giáo hiền giả.” Khi tụng đọc Vinaya được hoàn tất, trưởng lão Upāli, sau khi làm xong phận sự của mình, đặt xuống cái quạt bằng ngà voi hình tròn trên chiếc ghế của vị tỳ khưu lãnh trách nhiệm trả lời những câu hỏi, rời khỏi chỗ ngồi, cung kính đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, và ngồi vào chỗ ngồi đã được dành cho vị ấy.
Sau khi tụng Vinaya, đến việc tụng tạng Dhamma ( tức Suttanta và Abhidhamma). Bởi vậy trưởng lão Mahā Kassapa hỏi hội đồng Kiết tập: “ Vị tỳ khưu nào sẽ khéo dẫn đầu trong việc tụng đọc Dhamma?” Hội đồng nhất trí đề cử trưởng lão Ānanda vào địa vị ấy.
Rồi trưởng lão Mahā Kassapa tự chỉ định mình là người hỏi và trưởng lão Ānanda là người trả lời. Khi đứng dậy khỏi chỗ ngồi, sửa lại chiếc y vai trái và đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, trưởng lão Ānanda cầm chiếc quạt tròn bằng ngà voi rồi ngồi trên chỗ ngồi đã được sắp xếp cho địa vị ấy. Kế họach tụng Dhamma được bàn luận do trưởng lão Mahā Kassapa và các vị đại trưởng lão tham dự như sau:
Kassapa: Thưa các hiền giả, vì Giáo pháp có hai phần, là tạng Kinh (Suttanta Piṭaka) và tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma), chúng ta nên tụng phần nào trước?
Mahātheras: Thưa trưởng lão, chúng ta hãy bắt đầu tạng Suttanta Piṭaka. (Tạng Vinaya phần lớn liên quan đến Tăng thượng giới (adhi-sīla); tạng Suttanta liên quan đến Tăng thượng tâm tức là Định (adhi-citta); và tạng Abhidhamma phần lớn liên quan đến Tăng thượng tuệ
(adhi-paññā). Do đó hội đồng đã tụng ba Học pháp gồm Giới, Định và Tuệ theo thứ tự ấy, nên chú ý như vậy).
Kassapa: Thưa chư hiền giả, có bốn Bộ (Nikāya) gồm những bài kinh (sutta) trong tạng Suttanta Piṭaka, chúng ta nên tụng bộ nào trước?
Mahātheras: Thưa trưởng lão, chúng ta hãy bắt đầu Trường bộ
kinh (Dīgha Nikāya).
Kassapa: Thưa chư hiền giả, Trường bộ kinh chứa 34 bài kinh trong ba phẩm (vagga), chúng ta nên tụng phẩm nào trước?
Mahātheras: Thưa trưởng lão, chúng ta hãy bắt đầu phẩm
Sīlakkhandha Vagga.
Kassapa: Thưa chư hiền giả, phẩm Sīlakkhandha Vagga chứa mười ba bài kinh, chúng ta sẽ tụng bài kinh nào trước?
Mahātheras: Thưa trưởng lão, bài kinh Phạm võng (Brahmajāla sutta) mô tả sinh động ba cấp độ của giới. Nó hữu ích cho sự đoạn trừ lời nói dối trá hay hành động đạo đức giả của các tỳ khưu gây bất lợi cho giáo pháp. Nó cũng giải thích 62 loại tà kiến. Nó đã khiến cho đại địa rung chuyển 62 lần khi nó được Đức Thế Tôn thuyết giảng. Do đó chúng ta hãy bắt đầu bài Brahmajāla sutta.
Sau khi đã đồng ý dựa trên kế họach đã được phát thảo, trưởng lão Mahā Kassapa đặt ra những câu hỏi thích hợp về bài Brahmajāla sutta đến trưởng lão Ānanda về câu chuyện chính, nhân vật liên quan đến bài kinh, chủ đề, v.v… Trưởng lão Ānanda trả lời đầy đủ mọi câu hỏi, vào lúc kết thúc của bài kinh năm trăm vị kết tập đều đồng loạt tụng bài Brahmajāla sutta. Khi sự tụng đọc các bài kinh đã hoàn tất thì đại địa rung chuyển dữ dội như trước.
Theo sau là sự hỏi, đáp và sự tụng đọc mười hai bài kinh khác của phầm Sīlakkhandha Vagga, mà được công nhận là nhan đề của phẩm và được quy định làm khóa học về kinh Tạng (Suttanta).
Rồi phẩm Mahā vagga chứa mười bài kinh được tiếp nối, rồi đến phẩm Pāthika Vagga chứa 11 bài kinh, mỗi bài kinh đều có sự vấn và đáp. Từ đây 34 bài kinh trong ba phẩm (Vaggas), được tụng đọc 24 lần, được ghi lại là lời dạy của Đức Phật dưới nhan đề là Trường bộ kinh – Dīgha Nikāya, rồi các ngài giao phó phần kinh được chấp thuận ấy cho trưởng lão Ānanda, nói rằng: “ Này hiền giả Ānanda, hãy giảng dạy Dīgha Nikāya này đến chúng đệ tử đến thọ giáo.”
Sau đó hội đồng phê chuẩn Trung bộ Kinh – Majjhima Nikāya, sau sự vấn đáp thường lệ, hết 80 lần tụng đọc cả thảy. Rồi các ngài giao phó phần kinh được chấp thuận cho chúng đệ tử của trưởng lão Sāriputta, nói rằng: “ Này các hiền giả, hãy khéo giữ gìn Majjhima Nikāya này.”
Sau đó hội đồng phê chuẩn Tương ưng bộ – Saṃyutta Nikāya, sau sự vấn đáp thường lệ, hết 100 lần tụng đọc. Rồi các ngài giao phó phần kinh ấy cho trưởng lão Mahā Kassapa, nói rằng: “ Thưa trưởng lão, hãy giảng dạy Saṃyutta Nikāya này, những lời dạy của Đức Thế Tôn, đến chúng đệ tử thọ giáo.”
Sau đó hội đồng phê duyệt Tăng chi bộ – Aṅguttara Nikāya, sau sự vấn đáp thường lệ, hết 120 lần tụng đọc. Rồi các ngài giao phó phần kinh ấy cho trưởng lão Anuruddha, nói rằng: “ Thưa trưởng lão, hãy giảng dạy Aṅguttara Nikāya này đến chúng đệ tử thọ giáo.
Sau đó hội đồng phê duyệt bảy bộ Abhidhammā, đó là Dhammasaṅgaṇī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggala paññatti, Kathāvatthu, Yamaka và Paṭṭhāna, sau sự vấn đáp thường lệ và những bài tụng đọc. Vào lúc kết thúc bộ Abhidhammā, đại địa rung chuyển dữ dội như trước.
Sau đó hội đồng tụng các bộ: Jātaka, Niddesa, Paṭisambhidā Magga, Apadāna, Sutta Nipāta, Khuddakapāṭha, Dhammapada, Udāna, Itivuttaka, Vimānavatthu, Petavatthu, Theragātha, và
Therīgāthā, sau sự vấn đáp thường lệ. Mười ba bộ kinh này được gọi chung là Tiểu bộ kinh – Khuddaka Nikāya.
Theo các vị trưởng lão thuộc lòng kinh Trường bộ (Dīgha Nikāya), nói rằng, “ Kinh Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya) được tụng đọc và phê duyệt chung với tạng Abhidhammā.” Nhưng theo các vị thuộc lòng kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya) thì 13 cuốn sách này, cùng với bộ Buddhavaṃsa và bộ Cariyā Piṭaka, cộng chung là 15 bộ, được đặt tên là Tiểu bộ Kinh – Khuddaka Nikāya và được phân loại là Kinh Tạng – Suttanta Piṭaka. (Những lời tuyên bố này dựa trên Chú giải của bộ Sīlakkhandha. Một thời tụng hay Bhāṇavāra là khoảng thời gian tụng một phần kinh tạng, theo đồng hồ hiện đại của chúng ta thì khoảng nửa tiếng đồng hồ. Việc nêu danh các vị tỳ khưu trưởng lão quan trọng, đó là trưởng lão Mahākassapa, trưởng lão Upāli và trưởng lão Ānanda, trong những chức vụ khác nhau, được ghi lại trong bộ Vinaya Cūlavagga Pañcasatilakkhandhaka).
Như vậy trưởng lão Ānandā là vị tỳ khưu quan trọng trong cuộc Kiết tập lần thứ nhất, trả lời lưu loát nhất tất cả những câu hỏi liên quan đến Pháp bao gồm tạng Kinh và tạng Abhidhamma.
(Đây là bài mô tả vai trò quan trọng của trưởng lão Ānanda
trong cuộc Kiết tập lần thứ nhất).
Sự viên tịch của trưởng lão Ānanda
Vào thời kỳ của cuộc Kiết tập lần thứ nhất, năm 148 Great Era, trưởng lão Ānanda ra đời cùng ngày với Đức Phật, thọ tám mươi tuổi. Vào năm thứ bốn mươi sau cuộc Kiết tập lần thứ nhất, trưởng lão thọ đến 120 tuổi, trưởng lão xem lại mạng quyền của mình và thấy rằng chỉ còn sống thêm bảy ngày nữa. Trưởng lão nói điều này với các đệ tử.
Khi mọi người biết được tin này thì những người sống ở bờ bên này của con sông Rohiṇī ( là nguyên nhân gây tranh chấp giữa hai bộ tộc Sakyan và Koliyan liên quan đến sự phân phối nước trong con sông ấy, dẫn đến sự thuyết giảng bài Mahāsamaya Sutta) nói rằng
trưởng lão Ānanda hưởng lợi lộc nhiều từ họ và vì thế trưởng lão sẽ Niết bàn ở trên dãi đất bờ bên này của con sông Rohiṇī. Và những người sống ở bờ bên kia của con sông Rohiṇī cũng nói như vậy.
Khi nghe những lời nói này từ cả hai bên, trưởng lão Ānanda suy nghĩ: “ Người dân ở cả hai bên đều đem lại nhiều lợi ích cho ta. Không ai có thể bác bỏ sự thật này. Nếu ta Niết bàn ở bờ bên này của con sông, thì người dân sống ở bờ bên kia sẽ đánh nhau với dân chúng ở bờ bên này để tranh giành Xá-lợi của ta. Và nếu ta nhập Niết bàn ở bờ bên kia của con sông, thì người dân sống ở bên này sẽ đánh vì lý do trên. Khi ấy ta sẽ trở thành nguyên nhân của sự xung đột giữa những người dân ở hai bên bờ sông. Để có sự hòa bình thì ta phải là nguyên nhân của sự hòa bình. Nó tùy thuộc vào sự hành xử của ta.” Sau khi suy xét như vậy, trưởng lão nói với cả hai nhóm người như vầy: “ Thưa các thiện nam tín nữ sống ở bờ sông bên này đã làm nhiều lợi ích đến tôi. Cũng thế, những thiện tín sống ở bờ sông bên kia cũng đã làm nhiều lợi ích đến tôi. Trong quý vị không ai mà chưa làm lợi ích đến tôi. Xin các vị ở bờ bên này hãy họp chung với các vị ở bờ bên kia.”
Rồi vào ngày thứ bảy, trưởng lão ở trên không trung cao tkhoảng bảy cây thốt nốt, ngồi kiết già trên cao giữa con sông Rohiṇī và thuyết pháp đến mọi người.
Vào lúc kết thúc thời pháp, trưởng lão phát nguyện rằng thân Xá-lợi của ngài sẽ chia ra làm hai phần, mỗi phần sẽ rơi xuống mỗi bên của con sông. Rồi trưởng lão nhập thiền đề mục tejo dhātu, là nền tảng của các pháp thần thông. Khi xuất khỏi định ấy, lộ trình tâm liên quan đến thần thông sanh lên trong trưởng lão. Ở sát na đổng lực của lộ trình tâm ấy thân của trưởng lão bốc cháy và ngay sau khi kết thúc lộ trình tâm, tâm tử sanh lên và trưởng lão nhập Vô dư Niết bàn.
Thân Xá-lợi đã tách đôi như trưởng lão đã nguyện, một phần rơi xuống phía bên này của con sông, và phần kia rơi xuống ở phía bên kia. Dân chúng ở cả hai bờ sông đều khóc than thảm thiết. Sự bộc phát tình cảm vang dội tựa như quả đất tự nó vỡ tung. Sự ta thán trong trường hợp này xem ra còn thảm thiết hơn lúc Đức Phật Niết bàn. Họ
đã than khóc suốt bốn tháng rằng: “ Từ khi Đức Phật Niết bàn, chúng ta tìm sự khuyên giải nơi vị thị giả của Đức Phật, người mang y và bát của Ngài. Nhưng giờ đây, người mang y bát ấy đã không còn nữa, chúng ta chẳng biết tìm khuyên giải ở đâu. Sự nhập Niết bàn của Đức Phật đối với chúng ta giờ đây xem như đã hết.”
Saṁvega gāthā
Hā saṃyogā viyogantā,
Thật đáng sợ thay – khi sự sầu bi, ta thán, v.v… đến với ta – tất cả đều do sự kết hợp giữa vợ chồng, quyến thuộc, bạn bè, thầy trò, v.v… vì sự phân ly chắc chắn sẽ đến giữa những người thân mến hoặc do sự chết hoặc do rời xa.
Hā aniccā’va sankhatā,
Đáng sợ thay – khi sự sầu bi, ta thán, v.v… đến với ta – là tất cả những pháp hữu vi, những sản phẩm của nghiệp, tâm, nhiệt độ và chất dinh dưỡng, do bởi tánh chất vô thường của chúng.
Hā uppannā ca bhaṅgantā,
Đáng sợ thay – khi sự sầu bi, ta thán, v.v… đến với ta – là tất cả những hiện tượng có điều kiện có tánh chất sanh khởi vì chúng phải bị biến họai và tan rã.
Hā hā saṅkhāradhammatā.
Đáng sợ thay – vì khả năng bị chìm trong đại dương đầy hỗn loạn của đau khổ – là dòng danh sắc không thể thay đổi được, là những pháp hữu vi, có đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã.