Tôn Giả Tu Bồ Đề Subhuti – Giải Không Đệ Nhất

Tôn Giả Tu Bồ Đề Subhuti – Giải Không Đệ Nhất

Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
Thích Minh Tuệ
Sàigòn 1991- Pl 2535


Tôn Giả Tu Bồ Đề
Subhuti – Giải Không Đệ Nhất

 

Qua 45 năm thuyết pháp, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh Đức Phật đã nói rất nhiều vấn đề. Từ những vấn đề đó sau khi Phật vào Niết Bàn, giáo đoàn chia thành nhiều bộ phái và có nhiều quan đIểm khác nhau, nhưng không ngoài hai phái chính yếu là Nam Tông và Bắc Tông. Nam tông theo hệ kinh Pali, Bắc Tông theo hệ kinh Sanskrit. Trung tâm và cơ bản của Bắc tông là Bát Nhã (Praijrà). Trung Quốc dịch là Tuệ, Trí tuệ, Không trí. Trí tuệ của Bát Nhã không phải là thế trí biện thông, mà là loại trí tuệ siêu thiện ác vô phân biệt.

Trong bản chất trí tuệ nầy thanh tịnh và vắng lặng, trong suốt như hư không, cho nên gọi là không trí có nghĩa là trí tuệ hiểu về tánh không của các pháp, vì các pháp hiện tượng vốn là duyên sinh cho nên tự thể nó là không, thảy đều giả hữu, hết thảy đều vô ngã, sâu xa. Tánh này không thật sâu xa huyền diệu, ngôn thuyết không diễn tả hết, tâm tư cũng khó hiểu thấu, vì không mà có, có mà không, nói theo lý Bát Nhã là chân không diệu hữu. Khi Phật nói kinh Bát Nhã trong số 1.250 vị đại A La Hán nói chung, 10 đại đệ tử nói riêng, người thấu hiểu không trí hơn hết là Tu Bồ Đề, bậc Giải Không Đệ Nhất.

Danh Hiệu Tu Bồ Đề

Trong các sách sử, các đệ tử Phật đều có ghi chép lịch sử hoặc nhiều hoặc ít, riêng Tu Bồ Đề không có ghi chép về gia thế dòng họ. Tuy nhiên trong kinh đIển Bắc Tông có chép về truyền thuyết sự tích của Tu Bồ Đề qua một vài chi tiết. Tôn giả chào đời ngay trong lúc gia đình như thiếu may mắn, tất cả tài sản vơi cạn, kho lẫm trống trơn một cách ngẫu nhiên. Cả nhà đều lo sợ, nhiều người cho là điềm lạ kéo đến quan sát luận bàn và cuối cùng đều quyết đoán đó là một điềm lành, ngày sau đứa bé sẽ trở thành một nhân vật phi thường.

Dựa theo sự quyết đoán của số đông, bà mẹ đặt tên cho đứa bé là Tu Bồ Đề (Subhuti), có nghĩa là không sanh hay Thiện Cát (tốt lành), hay Thiện hiện (hiện điềm tốt). Quả thật về sau gia đình gặp nhiều điều may mắn, trở lại giàu có, tiền của tràn đầy kho lẫm. Tuy tuổi còn nhỏ Tu Bồ Đề không mấy thiết tha với tài lợi, cha mẹ cho bất cứ một vật gì Tu Bồ Đề đem bố thí hết cho người thiếu thốn. Với trí thông minh xét thấy muôn vật đều hư giả, trống không, tự thể cũng mất khả năng chủ động, bởi thế khi gặp Đức Phật Tu Bồ Đề liền xin xuất gia.

Đạo nghiệp của Tu Bồ Đề

Khất thực nhà giàu

Vì sẵn có từ tâm hay thương người nghèo khó, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ Tu Bồ Đề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh bố thí. Bởi thế sau khi theo Phật mỗi sáng đi khất thực, Tôn giả không nỡ dừng buớc trước cửa những ngôi nhà lụp xụp xơ xác, có vẻ nghèo nàn, dù xa đến đâu Ngài cũng đến khất thực những gia đình giàu có. Với phong cách khất thực của Tôn giả, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ kheo phải tuần tự khất thực trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Đằng này mỗi sáng ra khỏi Tinh Xá Tôn giả tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Ngài giải thích:

· Khất phú hay khất bần cũng đều vì lợi ích chúng sanh cả, nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ, vả lại nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi, thế là vô tình đã gieo ưu sầu cho người. 

Trong chúng đệ tử Phật ngược với Tu Bồ Đề, có Ngài Ma Ha Ca Diếp lại chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp người giàu đã có thừa phước báu khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người gieo giống phước đức.

Thái độ của hai Ngài đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Đức Phật quở trách. Theo Phật con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng lằn ranh này tất phải đối đầu với lằn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng gây nên nhiều thảm họa. Đức Phật đi xuất gia vì muốn san bằng cuộc sống bất công, từ đó giáo pháp của Phật hàm chứa tinh thần hòa đồng, không phân chia ranh giới, kể cả giàu và nghèo. Phép khất thực chân chính là không phân chia giàu nghèo, sang hèn, Tỳ kheo cần giữ oai nghi nghiêm túc, thứ lớp khất thực. Với đức tính trống rỗng sẵn có, Tu Bồ Đề dễ dàng thuận theo lời Phật dạy, khi đi khất thực không còn phân chia giàu nghèo, đem phước điền đến cho tất cả mọi người.

Tu Bồ Đề Đón Phật

Trong hàng Thánh chúng, Tu Bồ Đề dùng trí quán chiếu soi thấy tánh không của các pháp, thể chứng lý không, từ đó Tôn giả thưòng nói lý không và các oai nghi tế hạnh đều biểu thị lý không. Tương truyền một hôm, tại động Kỳ Xà Quật trên núi Linh Thứu, trong lúc đang vá áo, Tôn giả dùng trí quán chiếu biết Đức Phật du hóa phương xa sắp trở về. Tôn giả ngưng việc vá áo định đi đón Phật nhưng liền nghĩ rằng: Phật là bậc vô ngã, pháp thân không tịch vắng lặng, ngã và ngã sở đều không, tuyệt dứt đối đãi. Phật đã từng nói không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, các pháp rỗng lặng pháp tánh biến khắp không gian và thời gian. Pháp thân Phật ở đâu mà chẳng có, vì thế ta đi đón Phật có thể bị Phật quở trách là người hành tà đạo. Trong hội Bát Nhã Đức Phật đã nói:

· Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, đó là người tà đạo, không thể thấy Như Lai. 

Sau khi suy nghĩ, Tôn giả ngồi vá áo một cách bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bấy giờ trên đường trở về Phật được Tăng đoàn và đông đảo quần chúng chuẩn bị đón tiếp vô cùng trang trọng. Trong số đó có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, vị chứng thần thông đệ nhất bên nữ, vận dụng thần thông để đón Phật trước nhất. Khi gặp Phật Liên Hoa Sắc đảnh lễ và bạch Phật:

· Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ có phép thần thông con hay tin Thế Tôn về và đến đây chờ đảnh lễ Thế Tôn trước hơn ai hết. 

Trước nét hân hoan của Liên Hoa Sắc, Phật mỉm cười từ tốn nói rằng:

· Liên Hoa Sắc! Người nghinh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi. 

Nhìn bốn phía chẳng thấy ai, tất cả đều còn ở sau xa, với vẻ hoài nghi bàng hoàng, Liên Hoa Sắc quỳ thưa:

· Bạch Đức Thế Tôn! Con vận dụng sức thần thông khi đến đây chẳng thấy có ai cả. Thế ai là người đón Đức Thế Tôn trước con? 

Trong lúc Liên Hoa Sắc vừa chấm dứt câu hỏi, Ca Diếp và Tăng đoàn từ từ tiến đến. Đợi chúng Tăng quy tụ đông đảo, Phật mỉm cười nói với tất cả mà cũng để trả lời cho Liên Hoa Sắc, Phật nói:

· Này các Tỳ kheo! Ta cám ơn tất cả, các ông đã không quản xa xôi để đến đây đón ta, nhưng người gặp ta trước tiên chính là Tu Bồ Đề. HIện giờ tại núi Kỳ Xà Quật, Tu Bồ Đề đang chiếu quán tánh không của các pháp. Người thấy thể tánh rỗng lặng như như bất động, chính là người trực tiếp nghinh đón ta trước nhất. Chúng đệ tử kể cả Liên Hoa Sắc, nghe Phật nói mới thấu rõ tướng của các pháp là hư vọng như chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp. Thể tính các pháp là pháp không tịnh, ly ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả, Tu Bồ Đề đã thấu rõ chân lý đó nên Tôn giả là người đón Đức Thế Tôn trước hơn ai hết. Tôn giả xứng đáng là vị Giải Không Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng. 

Tu Bồ Đề Xương Minh Lý Không

Một hôm tại hội Bát Nhã, trước 1.250 vị Tỳ kheo, hướng về Tu Bồ Đề, Phật nói:

· Tu Bồ Đề! Ông có biện tài thể hội sâu xa đạo lý chân không, giờ này trước đại chúng ông hãy thuyết về không lý Bát Nhã cho tất cả cùng nghe. Nghe Phật dạy Tu Bồ Đề, đại chúng đều không rõ Tu Bồ Đề sẽ dựa vào biện tài của tự thân hay nhờ oai lực của Phật để nói lý chơn không của Bát Nhã? Rõ biết tâm lý đại chúng Tu Bồ Đề rào đón nói rằng: 

· Thưa đại chúng! Muốn tỏ lòng cung kính Phật là phải vâng mệnh lệnh của Phật, tôi vốn biết sức mình có hạn, trí tuệ biện tài còn non, nếu không nương sức oai lực của Phật tôi phải thúc thủ. Chân lý của Phật nói thật là sâu xa huyền diệu, như chúng ta đã biết muôn sự, muôn vật, nói khác hơn là các pháp đều do nhân duyên mà sanh khởi, cho nên các pháp là không thực thể, không tự chủ, thực tướng các pháp là chân không diệu hữu. Trong hội Bát Nhã Đức Phật nói: – Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, thọ tưởng hành thức cũng giống như vậy. 

Cái có của các pháp là giả danh, không có thật, bởi thế các pháp chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dị, chẳng lai, chẳng xuất. Các pháp vốn không tướng cho nên đâu còn tướng sanh, diệt, sạch, dơ, thêm, bớt. Rồi từ đó lục căn, lục trần, lục thức, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, không vô minh diệt, cũng không vô minh tận. Đã là giả danh cho nên không những sinh, lão, bệnh, tử, khổ, tập, diệt, đạo đã không mà không luôn cả trí và cái sở đắc, kể luôn cả cái tâm.

· Phật nói: Các tâm đều là phi tâm, thế mới gọi là tâm, tâm quá khứ, hiện tại và vị lai 

đều không nhận được. Các pháp vốn không nên không có chủ thể, gọi là vô ngã, vì ngã cũng là giả danh. Có ly tất cả mới đạt trung đạo, mới thật đạt tướng Niết Bàn tịch diệt vắng lặng.

Trong giáo đoàn của Phật, chỉ có Tôn Giả Tu Bồ Đề nhận thức sâu sắc về không tánh của các pháp, hiểu thấu đáo không lý và thật chứng không trí, bởi thế Ngài được tôn xưng là bậc Giải Không đệ nhất. 

Nhận Thức và Kết Luận

Khi còn tại thế lúc nói Kinh Bát Nhã, Đức Phật xương minh lý tính chân không diệu hữu của các pháp duyên sinh, Tôn giả được thừa nhận là bậc đã chứng đắc về không trí và không lý. Mãi đến hơn 600 năm sau, với luận lý Bát Nhã Bồ Tát Long Thọ mới triển khai thành giáo nghĩa Bát Nhã, xây dựng thế giới quan chân không diệu hữu của giáo hệ Bắc Tông qua con đường trung đạo. Hiện nay trong Đại Tạng chữ Hán có đến 720 quyển kinh thuộc về hệ Bát Nhã. Từ xưa đầu mối của giáo hệ Bắc Tông, kinh Bát Nhã là nguồn mạch, nếu không có kinh Bát Nhã thuyết lý chân không diệu hữu thì các trào lưu tư tưởng thuộc hệ Bắc Tông không thể hình thành và tồn tại đến ngày nay. Bởi thế chúng ta có thể nói: Tôn Giả Tu Bồ Đề là vị Tổ đầu tiên của phái Bắc Tông và cả Bát Nhã Tông. Ngài là bậc đã tu quán bằng không trí Bát Nhã. 

Với lý duyên sinh, các pháp trùng trùng duyên khởi liên hệ với nhau chằng chịt. Tương truyền khi Tôn giả mới sinh chính là lúc tài sản gia đình hết sạch, kho lẫm trống trơn, không phải là vấn đề hoang đường, duy lý hay duy tâm. Phật giáo không duy gì hết, Đức Phật chỉ thuyết minh cái thực tại của các pháp để giúp con người hiểu, tu chứng giải thoát. Thực tại là như vậy, ta không nên rơi vào bất cứ cái duy nào, với lý duyên sinh cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không… cái này tạo thuận duyên cho cái kia sinh cái này tạo nghịch duyên cho cái kia hoại diệt. Đó là Tăng thượng duyên (thuận và nghịch), một trong 4 duyên (nhân duyên, sở nhân duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên). Con người có nhiều ảnh hưởng chi phối sự vật chung quanh và ngược lại. Bởi thế tài sản trong kho lẫm của gia đình Tu Bồ Đề có thể liên hệ hữu cơ với tính giải không của Tu Bồ Đề.

Trong gia đình hay ngoài xã hội cũng thế, cụ thể dễ nhận hơn như trong một gia đình, phòng ốc nhà cửa vườn tược, tươm tất sạch sẽ xanh tươi biểu thị cho người trong gia đình mang tính sạch sẽ tươm tất, cần cù siêng năng… là một gia đình đang thịnh, nguợc lại là biểu thị một gia đình đang suy. Để nói lên sự thịnh suy của một gia đình, phong dao Việt Nam có câu: “Ngày xem tre, đêm nghe chó sủa” có nghĩa là: nếu thấy tre vườn xanh tươi, chó sủa hùng mạnh thì biết là gia đình hiện hữu trong đó đang thịnh, ngược lại là biểu thị cho sự suy tàn. Trong một quốc gia, xã hội, nếu mọi người mang tính thiện: “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, quốc gia đó nhất định đang trên đà giàu mạnh, mọi sự kiện trong đời đều liên hệ hữu cơ với nhau thật chặt chẽ. Nhìn chung qua cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn Giả Tu Bồ Đề, có hai điểm đáng cho chúng ta noi gương:

· Hạnh bố thí. 

· Trí giải không. 

Hai điểm đó lại tương quan với nhau. Nhờ thấu rõ tánh không của các pháp duyên sinh là không, là giả danh, là vô ngã, Tu Bồ Đề mới không ích kỷ, tham lam, chấp ngã, luôn đem của cải bố thí cho người nghèo thiếu. Lại nhờ xả ly, bố thí, Ngài mới thực sự biểu thị cho sự tu chứng tánh không của các pháp, để trở thành bậc Giải Không Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng.

II. Hoạt hình Tôn giả Tu Bồ Đề

https://www.youtube.com/watch?v=88UNci9BrPw

III. Thông tin thêm từ Đại Phật Sử

    1. ĐẠI TRƯỞNG LÃO SUBHŪTI (TU BỒ ĐỀ)

      1. Nguyện vọng quá khứ

        Trưởng lão Subhūti, vốn là một thiện nam có giới đức, sanh ra trong gia đình của một gia chủ Bà-la-môn trước khi Đức Phật Padumuttara xuất hiện trong thế gian, cách đây một trăm ngàn đại kiếp, tên là Nanda.

        Khi chàng trai Nanda đến tuổi trưởng thành, vị ấy được dạy về Tam phệ đà nhưng vị ấy không thể tìm thấy thực chất lợi ích nào trong đó, nên vị ấy đã xuất gia làm đạo sĩ cùng với bốn mươi bốn ngàn tùy tùng, dưới chân ngọn núi tên là Nisabha. Vị ấy chứng đắc bát thiền ngũ thông. Vị ấy cũng giúp cho bốn mươi bốn ngàn đạo sĩ tùy tùng đạt được các thiền và thần thông.

        Vào lúc ấy, Đức Phật Padumuttara đã xuất hiện trong thế gian và khi đang lưu trú ở kinh đô Haṃsavatī, Ngài quán xét thế giới hữu tình vào một buổi sáng nọ và trông thấy những tiềm năng của các đệ tử của Nanda, bốn mươi bốn ngàn đạo sĩ tóc búi, tất cả đều đủ duyên để chứng đắc đạo quả A-la-hán. Còn về phần Nanda, Đức Phật cũng thấy rằng vị ấy sẽ phát tâm cầu địa vị của một đại đệ tử có hai danh hiệu. Cho nên Ngài vệ sinh thân thể vào lúc sáng sớm và lên đường đi đến ẩn xá của Nanda, đem theo y và bát, như cách đã được nêu ra trong câu chuyện về trưởng lão Sāriputta. Sự cúng dường nhiều loại trái cây, đồ trải và việc cúng dường những chỗ ngồi bằng hoa và sự nhập thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti) xảy ra tại ẩn xá, giống như đã được trình bày trong bài nói về trưởng lão Sāriputta.

        Điểm khác biệt ở đây là khi Đức Phật xuất khỏi thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti), Ngài đã ban lời chỉ định đến một vị trưởng lão Thanh văn đệ tử có hai danh hiệu là (1) sống không phiền não và an lạc, và (2) xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường thù thắng, Ngài nói như sau: “ Này con, hãy thuyết một bài pháp để tán dương sự

        cúng dường những chỗ ngồi bằng hoa đến Ta của toàn thể các đạo sĩ!” Khi đang ngồi trên chỗ ngồi của mình, trưởng lão đã thuyết pháp, sau khi suy quán về Tam tạng. Vào cuối thời pháp của trưởng lão, Đức Phật Padumuttara đã thuyết pháp. Khi thời pháp của Ngài vừa dứt thì bốn mươi bốn ngàn đạo sĩ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. Về phần vị đạo sư của họ, đạo sĩ Nanda, vị ấy không thể theo dõi bài pháp của Đức Phật, vì tâm của vị ấy chỉ nghĩ đến vị tỳ khưu đang thuyết pháp. Khi đưa bàn tay của Ngài ra về phía bốn mươi bốn ngàn đạo sĩ, Đức Phật gọi: “ Etha bhikkhavo – Hãy đến, này các tỳ khưu!” Ngay lập tức, tất cả râu tóc của họ đều biến mất và họ có đầy đủ các vật dụng do thần thông tạo ra, và trở thành những vị tỳ khưu trang nghiêm với các căn của họ được khéo thu thúc như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ lạp và tám mươi tuổi thọ.

        Sau khi đảnh lễ Đức Phật, đạo sĩ Nanda đứng trước Ngài và thỉnh cầu: “ Bạch Ngài, vị tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài mà thuyết pháp tán dương sự cúng dường những chỗ ngồi bằng hoa là ai vậy?” “ Vị tỳ khưu ấy”, Đức Phật trả lời, “ là người đạt được danh hiệu etadagga do vị ấy sống an lạc, thoát khỏi các phiền não và xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường thù thắng trong giáo pháp của Ta.” “ Do kết quả của việc làm adhikāra này của con trong bảy ngày, con không mong cầu lạc thú của nhân loại và chư thiên. Con muốn trở thành người đạt được danh hiệu etadagga với hai đức tính trong giáo pháp của Đức Phật tương lai, như vị trưởng lão vừa mới thuyết bài pháp tán dương,” đạo sĩ Nanda nói. Khi thấy rằng ước nguyện của vị ấy sẽ thành hiện thực không có chướng ngại, Đức Phật thọ kí cho vị ấy rồi ra đi. Vì Nanda thường hay nghe Đức Phật thuyết pháp và giữ pháp thiền không bị hoại, nên ngay sau khi chết vị ấy được tái sanh vào cõi Phạm thiên. (Đây là nguyện vọng cua trưởng lão Subhuti và những thiện nghiệp được làm trong quá khứ. Những thiện nghiệp được làm trong thời kỳ trung gian của một trăm ngàn đại kiếp không được nêu ra trong Chú giải).

      2. Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

        Khi một trăm ngàn đại kiếp trôi qua và thời kỳ giáo pháp của Đức Phật hiện tại xuất hiện, vị thiện nam mà sẽ trở thành trưởng lão Subhūti đã tái sanh làm con trai của trưởng giả Sumana (em trai của ngài Anāthapiṇḍika) trong kinh thành Sāvatthi, tên là Subhūti. Đức Phật của chúng ta xuất hiện, Ngài đang ngụ ở kinh thành Rājagaha, nơi Ngài khất thực. Thương nhân Anāthapiṇḍika đến nhà người bạn trưởng giả (đồng thời cũng là anh em rễ) ở kinh thành Rājagaha, mang theo hàng hóa được sản xuất ở kinh thành Sāvatthi. Khi đến nơi, trưởng giả Anāthapiṇḍika nghe tin Đức Phật đã xuất hiện. Sau khi đi đến yết kiến Đức Phật tại khu rừng Sātavana, trưởng giả được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpanna) ngay trong lần yết kiến đầu tiên. (Sau khi trở thành bậc thánh Nhập lưu) ông ta thỉnh Đức Phật đến viếng Sāvatthi và cho dựng lên những chỗ ngụ, mỗi chỗ cách nhau một do tuần, dọc theo tuyến đường dài bốn mươi lăm do tuần giữa Sāvatthi và Rājgaha, với số tiền là một trăm ngàn đồng. Ông ta cũng mua khu vườn của Thái tử Jeta, giá của nó được tính bằng cách rải những đồng tiền vàng kín khu vườn. Rồi ông ta cho xây dựng tịnh xá Jetavana trong khu vườn ấy và dâng cúng đến Đức Phật. (Bài mô tả chi tiết về biến cố này có thể tra tìm ở chương 20 của cuốn III từ câu chuyện Anāthapiṇḍika).

        Vào ngày dâng cúng tịnh xá, Subhūti đi theo người anh nghe pháp và niềm tin của vị ấy khởi lên rất mạnh mẽ đến nỗi vị ấy đã xin xuất gia. Sau khi trở thành Sa-môn, vị ấy học pháp và được thành tựu trong Dve Mātikā, sau đó vị ấy học thiền và tinh tấn thực hành các phận sự của Sa-môn. Tất cả điều này dẫn vị ấy đến đạo quả A-la-hán qua sự tu tập thiền Minh sát dựa trên đề mục tâm từ (mettā-jhāna).

      3. Sự hoạch đắc hai danh hiệu Etadagga

Khi thuyết pháp, trưởng lão Subhūti thuyết pháp một cách khách quan (dhammā-diṭṭhāna), tức là tập trung vào Chánh pháp (mà không nhắc đến bất cứ một cá nhân nào – puggalā-diṭṭhāna) như Đức

Phật đã thuyết. (Điều này đưa vị ấy đạt được danh hiệu etadagga về đời sống an lạc, thoát khỏi các phiền não – bậc Vô tranh trú (araṇa-vihārī).

Khi trưởng lão đi khất thực, nghĩ rằng “ Nếu ta thực hành phương pháp này, lợi ích lớn sẽ phát sanh cho các thí chủ.” Tại mỗi nhà, vị ấy có thói quen nhập vào định của đề mục mettā trước khi vị ấy thọ lãnh vật thực cúng dường. Điều này khiến cho vị ấy đạt được danh hiệu etadagga, xứng đáng thọ lãnh vật thí thù thắng (dakkhineyya).

Sau đó, Đức Phật tổ chức đại hội chúng Tăng, Ngài nói lời tán dương Đại đức Subhūti như sau và ban cho vị ấy cặp đôi danh hiệu:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ araṇavihārīnaṃ yadidaṃ Subhūti (1), dakkhiṇeyyānaṃ yadidaṃ Subhūti (2).

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà sống an lạc, thoát ly phiền não, thì Subhūti là Đệ nhất (1), và vị ấy cũng Đệ nhất trong số những tỳ khưu xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường thù thắng nhất (2).

(Ở đây (1) liên quan đến araṇa-vihārī etadagga, các phiền não như tham (rāga), v.v… được gọi là raṇa (vì chúng dẫn dến ta thán). Các vị La hán sống thọ hưởng sự an lạc vì các ngài đã xa lìa các phiền não, được cho là những bậc araṇa-vihārī. Ngoài trưởng lão Subhūti, tất cả những vị A-la-hán khác đều sống cuộc đời như vậy. Nhưng khi các ngài thuyết pháp, các ngài ứng dụng phương pháp mà được xét đến có liên quan đến một người nào đó ( puggalā-diṭṭhāna dhamma-desanā) người mà các ngài khen ngợi hay chỉ trích người. Còn Trưởng lão Subhūti thì theo phương pháp mà yêu cầu ngài phải nói về Chánh pháp, là mục đích của ngài (dhammā-diṭṭhāna – pháp được thuyết giảng bởi Đức Phật). Đó là lý do khiến vị ấy đạt được danh hiệu etadagga trong số những vị tỳ khưu araṇa-vihārī.

(Bộ Upari-paṇṇāsa Pāḷi chứa bài kinh Araṇa-vibhaṅga kể ra sáu yếu tố của araṇa-vihāra – sống an lạc, như sau:

  1. Thực hành theo Trung đạo (Majjhima-paṭipadā) tránh xa hai cực đoan.

  2. Thực hành theo phương pháp dhammā-diṭṭhāna, người ta nói “ Đây là điều được tán dương. Đây là điều đáng phê bình”. Nếu thực hành theo phương pháp puggalā-diṭṭhāna, người ta nói rằng “ Anh ta là người đáng được tán dương,” và nó dẫn đến sự nịnh bợ; nếu người ta nói “ Anh ta là người đáng chê trách,” và nó dẫn đến sự xúc phạm, sĩ nhục.

  3. Tu tập lạc bên trong (ajjhatta-sukha) sau khi phân biệt giữa hai loại lạc; lạc bên trong bắt nguồn từ thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā) và lạc bên ngoài (bahiddha-sukha) bắt nguồn từ năm căn.

  4. Khi nói về bất cứ người nào dù có mặt hay vắng mặt chỉ nói với điều đúng sự thật và có lợi ích.

  5. Nói hoặc thuyết giảng không vội vàng và suôn sẻ.

  6. Không tranh luận ở xứ người về ngôn ngữ của xứ người (dù nó có

    thể khác biệt với ngôn ngữ địa phương của mình).

    (Về (2) dakkhiṇeyya etadagga, những vị A-la-hán khác cũng xứng đáng thọ lãnh vật thí thù thắng. Nhưng khi thọ lãnh vật thực ở mỗi nhà, trưởng lão Subhūti biết rõ rằng ‘Nếu ta làm theo cách này thì những lợi ích đặc biệt sẽ phát sanh cho các thí chủ.” Đầu tiên Ngài nhập thiền đề mục mettā rồi xuất khỏi định và thọ lãnh vật thực. Thế nên điều này giúp vị ấy đạt được danh hiệu etadagga về dakkhiṇeyya.

    (Liên quan đến điều này (cũng nên đề cập đến việc) Tướng quân của Chánh pháp, trưởng lão Sāriputta, đã làm công việc thanh lọc đồ vật. ‘Thanh lọc đồ vật có nghĩa là ‘thanh lọc chính bản thân mình’ để xứng đáng thọ lãnh vật thí và làm gia Tăng quả của sự bố thí qua sự nhập thiền diệt thọ tưởng định – nirodha-samāpatti).Tuy nhiên, trưởng lão Subhūti làm thanh tịnh hành động bố thí ( ý nghĩa là: khi trưởng lão nhập thiền đề mục mettā thì tâm của thí chủ tiếp xúc sự nhập định của trưởng lão, tâm của họ nhu nhuyến hơn và sự tôn kính

    của họ mạnh mẽ hơn trước khi họ cúng dường. Cho nên sự thanh tịnh của hành động bố thí và sự phát triển quả của nó cũng diễn ra qua người thí chủ, vì người thí chủ được dẫn dắt bởi trạng thái mềm mỏng và sự tịnh tín được phát triển cao độ.) Giải thích: Khi trưởng lão Sāriputta đi khất thực, ngài đứng ở cửa nhà và nhập thiền mettā một lúc cho đến khi thí chủ đi ra mang theo vật thực. Chỉ khi thí chủ đến gần ngài thì ngài mới xuất khỏi thiền và thọ lãnh vật thực. Trưởng lão Subhūti nhập thiền mettā và chỉ khi nào thí chủ đi đến vị ấy thì vị ấy mới xuất khỏi thiền và thọ lãnh vật thực. Bài trình bày về bài kinh Araṇavibhaṅga trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsa nên xem kỹ).

    Những bài kinh liên quan đến Trưởng giả Subhūti nên cần lưu ý trong bộ kinh Apadāna và Chú giải, v.v…

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 423

Post Views: 1.488