Trưởng Lão Đại Ca Diếp Maha Kasyapa – Đầu Đà Đệ Nhất

Trưởng Lão Đại Ca Diếp Maha Kasyapa – Đầu Đà Đệ Nhất

Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
Thích Minh Tuệ
Sàigòn 1991- Pl 2535

Trưởng Lão Đại Ca Diếp
Maha Kasyapa – Đầu Đà Đệ Nhất

Khi còn tại thế, trong 45 năm thuyết pháp với hơn 300 hội, Đức Phật để lại 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Tùy căn cơ, trình độ hoàn cảnh, người hành giả có thể chọn tu theo một trong những pháp môn đó, có người chuyên tu thiền định, có người niệm Phật, tụng kinh, có người trì luật, có người tu phước bố thí, có người trì bình khất thực… Với tất cả hành trì, theo Phật hạnh nào cũng đáng kính nể, quý trọng. Trong số các Thánh chúng, Ma Ha Ca Diếp là người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh, nên được Phật và Thánh chúng tôn xưng là bậc Đầu Đà Đệ Nhất. 

Quê Quán Dòng Họ và Danh Hiệu của Ngài Ma Ha Ca Diếp

Ở Ấn Độ, không xa thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, tại thôn Sa La Đà, có một gia đình thuộc dòng họ Bà La Môn rất giàu có, đó là Ni Câu Lự Đà Kiệt Ba có tài sản có thể so sánh với Vua Tần Bà Sa La lúc bấy giờ. Đại Ca Diếp sinh trong gia đình phú hào này. Tên đầu tiên của Ngài là Tất Bát La Da Na, vì thân mẫu Tôn giả đi chơi quanh gốc cây Tất Bát La thì hạ sanh Tôn giả, vì thế lấy tên cây đặt cho đứa bé. Vì là con một trong gia đình, Đại Ca Diếp rất được cha mẹ thương yêu, nuôi dưỡng, nhũ mẫu có đến 4 bà, còn bồng bế cho ăn, tắm rửa, trò chơi có rất nhiều người. Đại Ca Diếp phước tướng đầy đủ, tư chất thông minh, lúc lên 8 đã được học văn học, toán thật, thi họa, âm nhạc, thiên văn, tướng số… Các Đạo sĩ Bà La Môn còn dạy cho Ngài phép tế đàn 4 mùa, Thánh điển Vệ Đà, Nhân minh học v.v… Với các môn học, Đại Ca Diếp đều thấu hiểu rất nhanh. 

Lúc khôn lớn, Đại Ca Diếp khác hẳn những người cùng lứa tuổi. Với các lạc thú ở đời Ngài không ham thích, kể cả vấn đề âu yếm. Đại Ca Diếp thường tỏ chán ghét, bất tịnh, thích xa đám đông, riêng ở một mình. Ngay cả Cha mẹ, Đại Ca Diếp cũng không tưởng nhớ, trong những lúc xa nhà. Bởi thế khi phải vâng lời cha mẹ lập gia đình, Đại Ca Diếp cũng không chung giường với Người vợ mới cưới tên là Diệu Hiền, một cô gái sắc nước hương trời không ai sánh kịp. Mỗi người mang một tâm trạng riêng, từ ngày cưới Diệu Hiền cho đến hơn cả chục năm về sau khong ai nói với ai một lời nào. Im lặng lâu quá không thể nín thinh mãi được, Đại Ca Diếp hỏi Diệu Hiền lý do tại sao mặt lúc nào cũng buồn. Diệu Hiền trả lời:

Chàng đã phá hoại chí nguyện của tôi, sự giàu sang của chàng đã mê hoặc cha mẹ tôi, từ trước tôi vẫn thích phạm hạnh, ghét ngũ dục, nên hiện làm dâu gi đình nầy tôi rất lấy làm buồn! 

Nghe ước vọng của Diệu Hiền không trái với ước vọng của chính mình, Đại Ca Diếp nói:

Thế là hai ta đã có cùng chung một ước nguyện, cùng nhìn chung về một hướng, tôi vẫn không thiết tha với việc lập gia đình, nhưng vì là con một tạm để cho cha mẹ khỏi buồn, tôi phải tạm theo ý của gia đình mà thôi. Giờ đây chúng ta hãy tiếp tục sống theo phạm hạnh và dù là vợ chồng chúng ta cũng giữ sự thanh tịnh. 

Mãi 12 năm sau, khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, Đại Ca Diếp rời gia đình đi tìm thầy học đạo, trước khi tạm biệt Đại Ca Diếp có hứa sẽ trở về hướng dẫn Diệu Hiền khi tìm được minh sư.

Đạo Nghiệp của Đại Ca Diếp

Đại Ca Diếp xuất gia trì hạnh Đầu Đà

Năm 30 tuồi, Đại Ca Diếp từ giã thân thuộc vào rừng tìm đạo, chính là lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề. Mãi đến hai năm sau Đại Ca Diếp vẫn chưa có đạo sĩ nào giúp thỏa mãn nguyện vọng, nhân cuộc khởi xướng dâng y rầm rộ của ngự y Kỳ Bà. Đại Ca Diếp biết Phật và tìm đến thành Vương xá, ngày ngày Ngài theo Thánh chúng đến nghe pháp mà chưa chính thức ra mắt với Phật, vì lòng còn muốn dò xét. Từ trên tòa giảng, Đức Phật nhìn xuống thấy và biết Đại Ca Diếp là người có thể kế thừa đạo nghiệp của Như Lai. 

Tại hội Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa, Đại Ca Diếp mỉm cười, Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc kế thừa sau này. Một hôm sau khi mãn buổi thuyết pháp Phật đi đường tắt đón Đại Ca Diếp ở một ngã đường. Trên đường về gặp Phật Đại Ca Diếp chính thức bái yết Phật, xin được xuất gia tiếp tục học đạo. Qua cuộc gặp gỡ, Tôn giả theo Phật trở lại Tinh Xá Trúc Lâm, ở đây Đức Phật đem pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, khai thị cho Tôn giả. Vốn thích tu hạnh Đầu Đà sau khi gặp Phật, Tôn giả vẫn tiếp tục thực hành pháp tu phạm hạnh. Hạnh đầu đà có năng lực tịnh hóa tâm hồn, khi tu theo hạnh này cần giữ đủ 10 điều.

1. Chọn ở nơi hoang vắng. 

2. Sinh hoạt bằng phép trì bình. 

3. Thường ở tại một nơi. 

4. Ngày ăn một bữa. 

5. Khất thực không phân biệt giàu nghèo. 

6. Tài sản gồm có 3 y, một bình bát. 

7. Tư duy dưới gốc cây. 

8. Thường ngồi giữa đồng trống. 

9. Mặc áo phấn tảo. 

10. Sống tại các bãi tha ma. 

Với 10 điều kiện trên, Tôn giả tuân giữ trọn vẹn chỉ có 9 điều, riêng điều khất thực số 5 Tôn giả không theo giáo đoàn, Tôn giả chỉ đến khất thực trước nhà người nghèo. Theo Ngài người giàu đã thừa phước đức, ta không cần phải mang phước đến cho họ, còn người nghèo vì thiếu phước đức ta cần đem phước điền cho họ gieo trồng. Trong hàng đệ tử Phật người đi khất thực ngược với Đại Ca Diếp là Ngài Tu Bồ Đề, chỉ đi khất thực nhà giàu. Nghe Tôn giả chỉ khất thực nhà nghèo, Đức Phật khiển trách và khuyên nên đem tâm bình đẳng khất thực, từ bỏ tâm phân biệt.

Với Tôn giả Phật còn khuyên không nên quá khổ hạnh, vì khổ hạnh là một cực đoan Đức Phật đã bỏ sau khi bị kiệt sức ở xứ Ba La Nại, tu với 5 anh em Kiều Trần Như. Ngài đã tìm ra con đường trung đạo, và đạt được địa vị giác ngộ giải thoát. Với pháp khất thực bình đẳng có lúc Tôn giả tuân hành, riêng hạnh đầu đà Ngài vẫn giữ cho đến hơi thở cuối cùng, không ai lay chuyển được, cho nên Ngài được tôn xưng là bậc Đầu Đà Đệ Nhất. Tầm vóc ảnh hưởng của Tôn giả rất lớn, lấn lướt hết ảnh hưởng người khác, như ánh sáng chói chang của mặt trời khỏa hết các ánh sáng khác, vì thế Ngài còn được dịch là Ẩm Quang.

Tiếp độ Diệu Hiền

Khi Đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ giáo hóa cho các vương tôn công tử. Tôn giả có đi theo. Để hợp với giáo pháp bình đẳng, và cũng theo lời thỉnh cầu của A Nan, Đức Phật cho Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia hiệu là Kiều Đàm Di, vị nữ đầu tiên trong giáo đoàn của Phật. Thấy Di mẫu của Phật được xuất gia, tôn giả có ý mừng vì đã mở lối để Ngài thực hiện lời ước hẹn với Diệu Hiền lúc từ tạ gia đình để đi xuất gia.

Chờ đợi 3, 4 năm không thấy Đại Ca Diếp trở về, Diệu Hiền cho phân tán tài sản, bố thí giúp đỡ cho bà con và những người nghèo rồi đi xuất gia theo phái ngoại đạo lõa hình ở bên bờ sông Hằng. Được tin Diệu Hiền đi tu nhưng vì sắc đẹp mà phải chịu nhiều sĩ nhục, Tôn giả nhờ một Tỳ kheo ni đi đón nàng. Khi về đến ni viện cũng vì sắc đẹp kiều diễm nàng vẫn không tránh khỏi sự xì xầm nơi chốn đông người. Tự thấy thân nữ trở ngại đạo nghiệp rất nhiều, Diệu Hiền không ra ngoài khất thực nữa, không tiếp xúc với đại chúng tránh chỗ đông đảo.

Cảm kích tình cảnh của Diệu Hiền, hàng ngày Tôn giả chia nữa phần cơm và nhờ người mang đến cho Diệu Hiền. Đời lại lắm chuyện, những người tò mò có tánh thị phi sinh tâm tật đố và cho là giữa hai người chắc còn tình ý. Để tránh tiếng đàm tiếu, Tôn giả không chia phần cơm cho Diệu Hiền như bấy lâu nữa. Tỳ kheo ni Diệu Hiền cũng muốn chóng được nhẹ nghiệp nữ lưu, ngày đêm không ăn ngủ, tịnh tọa sám hối tấn tu đạo nghiệp, chứng được Túc mạng thông, được Đức Phật khen ngợi. Tôn giả Đại Ca Diếp rất hoan hỷ, với hai mặt đạo và đời Ngài đều thực hiện viên mãn, hết mối bận tâm.

Độ Bà Lão Nghèo

Với chí nguyện, đem phước điền đến cho người nghèo thiếu khi đi khất thực, Tôn giả thường tránh những ngôi nhà giàu có, và dừng bưóc trước những ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Một hôm vào thành Vương Xá khất thực Tôn giả thấy một bà lão ăn mày đau ốm nằm rên rỉ bên vệ đường, Tôn giả đến gần và ân cần thăm hỏi:

· Này bà lão! tại sao trong lúc đau ốm bà lại nằm giữa đất và chỉ lấy lá che thân? Nơi đất hơi gió mưa sẽ làm cho bệnh của bà nặng thêm, bà không có nhà cửa con cháu gì cả sao? 

· Nếu đã có các thứ như Ngài vừa hỏi thì tôi đâu có nằm rên rỉ ở đây. Ngài có gì cho tôi không? Sao tôi thấy Ngài cũng có vẻ nghèo và mang bát đi xin ăn, tôi chẳng có gì cho Ngài cả. Thế Ngài có phép gì giúp tôi hết bệnh và hết nghèo đói chăng? 

· Tôi là một Tỳ kheo đang theo học đạo lý với Phật Thích Ca và đang tu khổ hạnh nên cũng đi xin như bà, nhưng lại đi bán giàu mua nghèo, bà hãy bán nghèo cho tôi để tạo nhiều phước báu giàu sang phú quý. 

· Nghèo thì lấy gì để bán? đã ba ngày qua tôi không có chút gì để bỏ vào bụng, sáng sớm hôm nay có người đi đổ nước cơm, tôi hứng được một tý đỉnh, nhưng nước đã có mùi chưa dám uống sợ tháo dạ. 

· Thế bà đem nước đó bố thí cho tôi chút đỉnh, gọi là gieo trồng phước đức, hy vọng tương lai gặp may mắn, trở nên giàu có. 

Nghe Tôn giả giảng giải, tâm bà đầy hỷ lạc quên cả sự ô uế của thân mình, bà đem mẻ nước cơm dâng cúng cho Tôn giả. Ngài hoan hỷ tiếp nhận, và uống gần cạn mẻ nước cơm. Thấy thế bà lão vô cùng vui mừng, Tôn giả ngỏ lời chúc phúc cho bà rồi lên đường hành hóa.

A Nan Tặng Bát

Trong giáo đoàn của Phật, Tôn giả Đại Ca Diếp giữ phạm hạnh bao nhiêu thì nhóm lục quần Tỳ kheo lại thường sai trái mất phạm hạnh bấy nhiêu. Có một thời Phật ở Kỳ Viên Tinh Xá, nhóm lục quần tỳ kheo thi nhau sưu tầm bình bát. Phật chế bát có hai loại, bát bằng sắt thép và bát bằng sành sứ. Nhưng khi sản xuất hình dáng bát mỗ thứ không giống nhau, chất liệu cũng có thứ tốt thứ xấu, màu sắc cũng có nhiều. Nước Tô Ma sản xuất bát thiếc, nước Ưu Già sản xuất bát màu đỏ, nước Ô Già sản xuất bát màu đen… Nhóm lục quần chẳng lo hành thiền, tu tập, ngày này qua ngày khác lo đi tìm kiếm bát tốt, đem về trưng bày để ngắm nhìn, phòng xá của các vị giống như nhà hàng bán đồ gốm, sành sứ. Biết được tình trạng tích trữ nhiều bát, Phật ban hành luật: Tỳ kheo chứa bát dư phạm Ni bát kỳ ba dật đề. 

Trong lúc đó Ngài A Nan được đàn việt cúng dường 4 cái bát của nước Tô Ma rất quý, Ngài định đem bát đó dâng cúng cho Tôn giả Đại Ca Diếp. Lúc bấy giờ Tôn giả không có mặt ở Xá Vệ, đang du hóa ở phương xa, giữ bát thừa tất phạm giới, không biết xử lý bằng cách nào, A Nan đành đem sự việc trình lên Đức Phật. Phật hỏi:

· Bao giờ Đại Ca Diếp mới trở về? 

· Bạch Thế Tôn! Khoảng sau 10 ngày. 

Trong giờ giảng pháp trước đại chúng, Phật hết lời khen ngợi phạm hạnh của Đại Ca Diếp và khuyên đại chúng nên noi gương, đặc biệt là lục quần tỳ kheo. Sau cùng thể theo sự tình của A Nan đã trình bày với phép cất bát dư, Đức Phật sửa lại điều luật và công bố:

· Các Tỳ kheo được phép cất bát dư trong thời gian 10 ngày. 

Qua sự kiện, Phật chế giới luật Tỳ kheo giữ bát dư, chúng ta biết được địa vị và ảnh hưởng của Tôn giả Đại Ca Diếp đối với giáo đoàn rất cao.

Thừa Kế Đức Phật

Thấy Đại Ca Diếp đạo cao đức trọng, Phật và giáo đoàn đều vị nể, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên yêu cầu Tôn giả tham gia việc hoằng pháp, nhưng Tôn giả từ chối vì việc đi bố giáo đã có các vị thông minh tài trí như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên. Tôn giả chỉ chú trọng đến cuộc sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc, vì đó cũng là cách gián tiếp truyền bá giáo lý của Đức Phật. Tôn giả trọn giữ hạnh đầu đà, lúc nào Tôn giả cũng ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc cây, quán xương trắng ở bãi tha ma chẳng quản nắng mưa, sương gió… Mãi đến lúc tuổi già râu tóc bạc phơ, thân thể gầy guộc Tôn giả vẫn không bao giờ chểnh mảng.

Thấy thế không đành lòng Phật yêu cầu Tôn giả về sinh hoạt tại Tinh Xá Kỳ Viên. Dù biết rằng cung kính không bằng phụng mạng, nhưng Tôn giả thấy sống với tập thể thì phải theo khuôn khổ chung và đành phải ngưng thực hành hạnh Đầu Đà, hơn nữa ở chốn rừng sâu không phiền hà gì đến ai, khi cần gieo phước điền cho người thì đi vào thành khất thực, khi mệt mỏi không đi được thì kiếm hoa quả rau trái ở rừng, thọ dụng qua ngày. Thực hành phạm hạnh đầu đà đã là trực tiếp củng cố giáo đoàn, gián tiếp lợi lạc chúng sanh, củng cố tăng đoàn là điều kiện thừa kế Đức Phật. Tôn giả xin Phật được tiếp tục con đường đã chọn. Biết không thể lay chuyển được ý hướng của Ngài, Phật hướng về đại chúng dạy rằng:

· Này các Tỳ kheo! Đại Ca Diếp luôn luôn lo ngại cho tiền đồ chánh pháp, thiên ma ngoại đạo hay thế lực cường quyền không thể phá hoại chánh pháp, nội tình lộn xộn, Tăng đoàn hủ hóa thiếu phạm hạnh, là điều kiện chính làm cho chánh pháp tiêu diệt “Trùng trong sư tử ăn thịt sư tử.” Vì thế nếu Tăng đoàn được củng cố, giới đức trang nghiêm, nội tình ổn định hòa hợp tất yếu chánh pháp được trường tồn. Để củng cố Tăng đoàn, sinh hoạt phải nghiêm túc, giới luật phải được tôn trọng giữ gìn, giới luật còn thì đạo ta còn. Người có thể chủ trì thừa kế chánh pháp nhãn tạng của ta phải là Ma Ha Ca Diếp, điều đó ta đã thấy rõ ngay ở hội Linh Sơn, khi ta đưa lên cành hoa sen, Ma Ha Ca Diếp liền mỉm cười. 

Kiết Tập Kinh Điển

Đúng là người thừa kế mang mạng mạch của Như Lai, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 7 ngày, Tôn giả Đại Ca Diếp liền triệu tập hội nghị kiết tập kinh điển, trong suốt 3 tháng. Tinh Xá của giáo đoàn rộng rãi có rất nhiều, nhưng đa phần chưa phải là nơi hoàn toàn thanh tịnh, các Tỳ kheo lân cận chưa phải thật sự ly dục chứng Thánh quả. Suy xét kỹ lưỡng Tôn giả thấy chỉ có động Kỳ Xà Quật mới xứng đáng là nơi kiết tập kinh điển. Đó là nơi u tịch, rộng rãi, cảnh trí thoát trần. Tôn giả triệu tập 500 vị đã chứng A La Hán quả, riêng Ngài A Nan luôn luôn gần Phật lại đa văn, thuộc tất cả các lời Phật dạy, nhưng lại chưa chứng Thánh quả lại còn có 6 tội. Để có thể và duy trì chánh pháp lâu dài, sự sinh hoạt của giáo đoàn phải oai nghiêm, không thể có người còn lỗi lầm, Tôn giả Đại Ca Diếp buộc A Nan phải sám hối 6 tội trước đại chúng, còn vấn đề chưa chứng Thánh quả, Đại Ca Diếp buộc A Nan phải ra ngoài động, kiếm nơi an tĩnh tu tập lúc nào chứng Thánh quả A La Hán hãy trở vào. Nhờ nhất tâm, chỉ tĩnh tu trong thời gian ngắn, Ngài A Nan liền chứng quả A La Hán.

Khi Tôn giả A Nan trở vào thạch động, cuộc kiết tập kinh điển chính thức bắt đầu. Đại chúng nhất trí đề cử Tôn Giả Đại Ca Diếp làm chủ tọa.

· Ngài Ưu Ba Ly tuyên trì tạng Luật. 

· Ngài A Nan tuyên trì tạng Kinh. 

· Ngài Phú Lâu Na tuyên trì tạng Luận. 

Ngoại hộ đắc lực cho cuộc kiết tập kinh điển là vua A Xà Thế.

Đại Ca Diếp Nhập Niết Bàn

Trong hàng đệ tử của Đức Phật, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên Niết Bàn trước Phật, Niết Bàn sau Phật có Ngài Đại Ca Diếp. Sau cuộc kiết tập kinh điển tại động Kỳ Xà Quật, khoảng hai hoặc ba mươi năm sau, cảm thấy cơ thể đã già yếu, mệt mỏi vì đã trên trăm tuổi, Đại Ca Diếp quyết định Niết Bàn. Tôn giả tìm đến nơi Ngài A Nan đang du hóa để phú chúc pháp tạng, yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng thừa kế truyền bá chánh pháp, rồi không nề mệt mỏi, Tôn giả đến 8 tháp thờ Xá Lợi phật để lễ lạy cúng dường.

Sau đó Ngài trở về thành Vương Xá để tạ từ Vua A Xà Thế, nhưng gặp lúc nhà vua đang ngủ nghĩ, quân hầu không cho Tôn giả vào cung. Rời thành Vương Xá Tôn giả mang theo y bát của Phật đến núi Kê Túc, ngồi nhập định và Niết Bàn, nơi đây cách thành Vương Xá khoảng 8 dặm về phía Tây Nam. Nghe tin Tôn Giả Đại Ca Diếp đã Niết Bàn, vua A Xà Thế rất bi thương! Nhà vua lập tức đến thông báo cho A Nan và yêu cầu cùng nhà vua đến núi Kê Túc đảnh lễ cúng dường. Mặc dù Tôn giả Đại Ca Diếp đã nhập Niết Bàn, nhưng ảnh hưởng nếp sống đạo đức, phạm hạnh của Tôn giả vẫn còn tồn tại mãi với thời gian…

Nhận Thức và Kết Luận

Với những phép khất thực, Đức Phật dạy phải bình đẳng không thiên chấp, phân biệt, nhưng Tôn giả Ca Diếp chỉ đi khất thực nhà nghèo, trong khi Ngài Phú Lâu Na thì khất thực nhà giàu, vì thế nên cả hai Ngài đều bị Phật khiển trách. Tuy thế, theo Tôn giả Ca Diếp người nghèo là kẻ đáng thương, đáng lân mẫn để an ủi họ, từ quan niệm đó, bất luận một hành vi một cử chỉ nhỏ nào của Tôn giả đều biểu thị đức từ bi bao la vô tận. Bởi thế, tăng hay tục, mọi người đều kính nể Tôn giả, hào quang hiền dịu của Tôn giả đã lấn lướt ảnh hưởng của người khác. Do đó tên của Ngài còn được dịch là Ẩm Quang (uống ánh sáng).

Theo Phật giáo Bắc Tông sau khi Phật nhập Niết Bàn, Đại Ca Diếp được tôn vinh là tổ sư thứ nhất, trong khi Phật giáo Nam Tông lại tôn vinh Ngài Ưu Ba Ly. Vì quan điểm của hai phái có thiên trọng khác nhau, nên dự suy tôn sư tổ đương nhiên có khác. Đó cũng chính là một trong những điểm mà Phật giáo có hai tông phái. Phật giáo Bắc Tông thiên về thiền, về giáo ngoại biệt truyền, không lập văn tự chỉ dùng tâm ấn tâm, cho nên qua biểu thị Đức Phật đưa hoa sen, Đại Ca Diếp liền mỉm cười (Chính ngộ yếu chỉ niêm hoa vi tiếu), vì thế Ngài được suy tôn là Sư tổ. Trong khoa chúc tán có bài tán đã nói lên ý nghĩa đó như sau:

· Niêm hoa ngộ chỉ, tổ đạo sơ hưng, miên diên tứ thất diễn chơn thừa, lục đại viễn truyền đăng, dịch diệp tương thừa chánh pháp vĩnh xương minh. 

Thấy hoa liền ngộ, vị tổ đầu tiên, liên tục bốn bảy giảng chơn thừa, đèn soi suốt sáu đời, cây lá nối nhau, chánh pháp mãi thịnh hành). 

Phật giáo Nam Tông chủ yếu vẫn tọa thiền, loại trừ phiền não triều cái, nhưng lại nhắm hướng giải thoát cá nhân làm trọng điểm… Muốn giải thoát tất yếu phải giữ giới luật, chính chữ giới luật có nghĩa là biệt giải thoát, Phật tìm đạo vì muốn để giải thoát sinh tử luân hồi cho chúng sanh. Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài A Nan hỏi Phật:

· Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn chúng con biết lấy ai làm thầy. Phật bảo: “Lấy giới luật làm thầy, giới luật còn thì đạo còn”. Ưu Ba Ly là vị trì luật đệ nhất, với mục đích duy trì mạng mạch của Đức Phật lâu dài, đồng thời cũng tiến đến chân trời giải thoát, nên Phật giáo Nam Tông suy tôn Ngài Ưu Ba Ly làm sư tổ. 

Nhìn chung suốt cả cuộc đời Tôn giả Đại Ca Diếp luôn luôn hướng dẫn phẩm hạnh đạo đức thiểu dục tri túc là chính, cuộc sống nội tâm, hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói vào một khuôn khổ lề lối. Bởi thế người khác nhìn vào có vẻ thấy tiêu cực, thụ động, yếu đuối… nhưng ở đời có mấy ai ép mình được trong khuôn khổ đạo đức, lo trau dồi phẩm hạnh. Cái lăng xăng, tích cực tham dự và sự thu hút của xã hội, của cuộc đời có thể dễ dàng thực hiện. Cái tích cực diệt trừ thói hư tật xấu trong mỗi tự thân của con người thật khó thực hiện. Thắng người thì dễ, thắng mìn rất khó.

Tôn giả Đại Ca Diếp luôn luôn hướng về tự thắng, nhờ đó Tôn giả trở thành một con người gương mẫu trong giáo đoàn. Phẩm hạnh của Tôn giả đã có một tầm mức ảnh hưởng rất rộng. Đức Phật cũng đã vị nể xem Tôn giả như bạn, có lần Phật đã nhường nửa tòa ngồi giảng pháp cho Tôn giả. Nhờ phẩm hạnh đầu đà sau khi Phật Niết Bàn Tôn giả đã được giáo đoàn suy tôn lên ngôi thủ lãng trong cuộc kiết tập kinh lần thứ nhất tại Kỳ Xà Quật. Ngày nay để duy trì đạo pháp lợi lạc chúng sanh, hàng tăng sĩ chúng ta hãy noi gương Tôn giả Đại Ca Diếp, để nâng cao phẩm hạnh đạo đức ở đời. Người có tư cách đạo đức bao giờ cũng được kính nể, ngược lại không tư cách đạo đức dù giàu mạnh đến đâu, cuối cùng cũng bị cuộc đời đào thải. 

II. Phim hoạt hình Tôn giả Đại Ca Diếp

https://www.youtube.com/watch?v=y3y9BzZEhVw
 

 

 

III. Thông tin thêm từ Đại Phật Sử

      1. ĐẠI TRƯỞNG LÃO MAHĀ KASSAPA

        (Đại trưởng lão Ca-Diếp)

        1. Nguyện vọng trong quá khứ

          Cách đây một trăm ngàn đại kiếp Đức Phật Padumuttara xuất hiện trong thế gian và đi khất thực trong kinh đô Haṃsavatī, Ngài ngụ trong rừng nai, tên gọi là Khema. Khi Đức Phật đang ngụ nơi đó, vị

          trưởng giả Vedeha (là Đại trưởng lão Maha Kassapa tương lai), có tài sản đến tám mươi koti, sáng sớm ông ta ăn vật thực thượng vị và thọ trì Bát quan trai giới. Với các hương liệu và hoa thơm v.v… trong tay, ông ta đi đến tịnh xá, đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống nơi phải lẽ.

          Lúc bấy giờ, Đức Phật ban danh hiệu cho vị đệ tử thứ ba, tên là Mahā Nisabha: “ Này các tỳ khưu, trong số các đệ tử của Như Lai mà tự mình thọ trì các pháp Đầu đà và chỉ dẫn các tỳ khưu đồng phạm hạnh cùng thực hành như mình, thì Nisabha là Đệ nhất (etadagga).”

          Sau khi nghe những lời của Đức Phật, Vedeha vô cùng hoan hỉ và tăng trưởng niềm tin, khi thính chúng đã ra về, vị ấy cung kính đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin nhận lãnh sự cúng dường vật thực của con vào ngày mai.” “ Này thí chủ, chúng tỳ khưu số lượng rất đông!” Đức Phật đáp. “ Tất cả là bao nhiêu, bạch Thế Tôn?” Khi Đức Phật nói ra con số là sáu triệu và tám trăm ngàn, thì vị ấy tự tin đáp lại rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con xin thỉnh Ngài cùng hết thảy chúng Tăng, không để lại một vị Sa-di nào trong tịnh xá.” Đức Phật im lặng nhận lời mời của Vedeha.

          Khi biết rõ Đức Phật đã nhận lời thỉnh mời, Vedeha bèn trở về nhà và sửa soạn một đại thí và sáng hôm sau sai người đem tin đến Đức Phật là đã đến giờ thọ thực. Đức Phật bèn mang y và bát đi đến nhà của Vedeha cùng với chúng Tăng và ngồi trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Khi nghi thức rót nước cúng dường đã xong, Đức Phật nhận lãnh món cơm dẻo, v.v… và phân loại chúng rồi độ thực. Ngồi bên cạnh Đức Phật, Vedeha rất hoan hỉ

          Lúc bấy giờ, trong khi đang đi khất thực, trưởng lão Mahā Nisabha đi vào con đường ấy. Nhìn thấy trưởng lão, Vedeha đứng dậy khỏi chỗ ngồi và tiến gần đến trưởng lão, bày tỏ sự tôn kính rồi hỏi rằng: “ Bạch Đại đức, xin trao bát cho con.” Trưởng lão bèn trao bát cho Vedeha. “ Xin thỉnh đại đức đi vào nhà,” Vedeha nói, “ Đức Thế Tôn đang ngồi ở trong đó.” “ Thật không thích hợp để bần Tăng đi vào nhà,” Trưởng lão đáp lại. Bởi vậy vị thiện nam đặt đầy vật thực vào bát rồi dâng đến Trưởng lão.

          Sau khi tiễn ngài Đại trưởng lão ra về và trở lại nhà, Vedeha đến ngồi gần Đức Phật và tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, dù con đã thưa với vị ấy là Đức Phật đang ở trong nhà, nhưng vị ấy không muốn đi vào. Có phải vị ấy có những ân đức lớn hơn Thế Tôn chăng

          ?”

          Một vị Phật không bao giờ có sự bỏn sẻn (vaṇṇamacchariya), miễn cưỡng nói lời tán dương kẻ khác. Do đó, Đức Phật đã đáp lại ngay sau khi vị thiện nam đã hỏi: “ Này thí chủ, vì vật thực mà chúng tôi đã ngồi trong nhà của thí chủ. Nhưng Nisabha thì không bao giờ ngồi, lúc đang chờ vật thực. Chúng tôi ở trong chỗ ngụ gần làng mạc. Còn Nisabha ở trong rừng. Chúng tôi ở dưới mái che. Còn Nisabha chỉ trú ở ngoài trời. Đây là những đức tính khác thường của Nisabha.”

          Đức Phật đã nói rõ những ân đức của Trưởng lão tựa như Ngài đổ thêm nước vào đại dương. Về phần Vedeha, vị ấy niềm tin tăng trưởng mạnh mẽ hơn tựa như đổ thêm dầu vào cây đèn đang cháy. Bởi vậy vị gia chủ kết luận rằng: “ Những lạc thú của cõi người và cõi chư thiên có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ quyết tâm trở thành vị tỳ khưu Đệ nhất trong số những tỳ khưu tu hạnh Đầu đà (dhutaṇga)”

          Lại nữa, vị thiện nam lại thỉnh chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu đến thọ thực vào ngày hôm sau. Bằng cách này vị ấy đã thực hiện một đại bố thí vào ngày thứ bảy, vị ấy cúng dường tam y đến chúng tỳ khưu. Rồi vị ấy phục dưới chân Đức Phật và phát nguyện:

          “ Bạch Đức Thế Tôn, với nghiệp thân được tu tập từ ái (mettākāyakamma), với nghiệp khẩu được tu tập từ ái (mettā-vacīkamma), và với nghiệp ý được tu tập từ ái (mettā-manokamma), con đã làm việc phước đại thí (mahā-dāna) trong bảy ngày. Con không cầu mong hạnh phúc của chư thiên, hay được làm Đế Thích thiên vương, hoặc Đại phạm thiên. Thực ra, con cầu xin những việc thiện mà con đã làm giúp cho con có thể thành đạt địa vị Đệ nhất trong những vị thực hành 13 pháp Đầu đà (dhutaṇga) trong thời kỳ của một vị Phật đương lai –giống như địa vị của ngài Mahā Nisabha vậy.”

          Đức Phật Padumuttara cũng quán xét tương lai của vị thiện nam bằng Phật lực của Ngài, khi tự hỏi “ Liệu vị gia chủ này có thể

          thành tựu nguyện vọng quá to lớn như vậy không,” và Ngài trông thấy ước nguyện của vị thiện nam chắc chắn sẽ thành tựu. Thế nên, Đức Phật tiên tri như sau:

          “ Này thí chủ, ông đã bày tỏ ước nguyện địa vị mà ông ưa thích.Trong tương lai, cuối một trăm ngàn đại kiếp, một vị Phật tên là Gotama sẽ xuất hiện. Khi ấy ông sẽ trở thành vị Đệ tam Thinh văn của Đức Phật Gotama ấy, tên ông Mahā Kassapa!”

          Sau khi nghe lời tiên tri ấy, vị thiện nam Vedeha rất hoan hỷ tựa như sắp đạt được địa vị ấy ngay trong ngày hôm sau, vì vị ấy biết rằng “ Vị Phật chỉ nói lên sự thật mà thôi.” Suốt quãng đời còn lại, vị ấy làm nhiều việc phước thí, giữ giới và các thiện sự khác. Thân họai mạng chung vị ấy được tái sanh vào cõi chư thiên.

          Kiếp sanh làm Bà-la-môn Ekasāṭaka

          Kể từ đó, vị thiện nam thọ hưởng hạnh phúc trong cõi chư thiên và nhân loại. Cách đây chín mươi mốt kiếp, Đức Phật Vipassasī xuất hiện trong thế gian và ngụ ở khu vươn nai có tên là Khema, kinh đô Bandhumatī là nơi khất thực hằng ngày của Ngài. Khi ấy một vị thiên, trước kia là Vedeha, từ cõi chư thiên tái sanh xuống cõi người trong một gia đình Bà-la-môn nghèo.

          Đức Phật Vipassī thường tổ chức cuộc tập hội đặc biệt bảy năm một lần và ban hành các bài pháp. Nhờ làm vậy, Ngài đã tổ chức những pháp hội ngày và đêm giúp cho mỗi chúng sanh đều có thể tham dự được. Pháp hội ban ngày thì Ngài thuyết giảng lúc chiều tối, còn pháp hội ban đêm thì Ngài giảng suốt đêm. Khi nào cuộc tập hội sắp đến gần, thì tiếng xôn xao lớn sanh lên và chư thiên sẽ rảo đi khắp cõi Diêm phù đề công bố rằng Đức Phật sẽ thuyết Pháp.

          Vị Bà-la-môn, Mahā Kassapa tương lai, nghe tin ấy. Nhưng ông ta chỉ có một cái khố. Vợ của ông ta cũng vậy, chỉ có một cái khố. Nhưng cả hai có chung một chiếc áo khoác. Đó là lý do khiến ông ta được mọi người trong thị trấn đặt tên là “Bà-la-môn Ekasāṭaka – Bà-la-môn có một chiếc áo.” Khi nào có hội họp dành cho những người

          nam Bà-la-môn thì ông ta đi và bà vợ ở nhà. Khi nào có hội họp dành cho các nữ bà-la-môn thì bà vợ đi mặc chiếc áo khoác và ông ta ở nhà.

          Ngày Đức Phật sắp giảng Pháp, Ekasāṭaka hỏi vợ: “ Này hiền thê, thế nào? Bà định đi nghe pháp ban ngày hay ban đêm?” “ Phụ nữ chúng tôi không thể nghe pháp vào ban đêm. Tôi sẽ tham dự pháp hội ban ngày.” Khi nói vậy, bà ta (để ông chồng ở nhà) và đi đến pháp hội ban ngày cùng với những người tín nữ và những thí chủ khác, mang trên mình chiếc áo khoác. Tại đó bà ta đảnh lễ Đức Phật, ngồi nơi phải lẽ, nghe pháp và trở về cùng với những đạo hữu nữ. Rồi đến phiên ông chồng, sau khi để vợ ở nhà, mặc vào chiếc áo khoác và đi đến tịnh xá vào ban đêm.

          Lúc bấy giờ Đức Phật Vipassi ngồi trang nghiêm trên pháp tòa, trong tay cầm cây quạt hình tròn, Ngài thuyết pháp giống như một người đang bơi lội trong dòng sông của chư thiên hay như một người đang khuấy mạnh lòng đại dương bằng chiếc đũa là ngọn núi Tu di. Toàn thân của Ekasaṭaka tràn ngập năm loại phỉ lạc suốt cả canh đầu khi ngồi nghe pháp ở cuối hội chúng. Ông Bà-la-môn xếp lại chiếc áo khoác và chuẩn bị cúng dường nó đến Đức Phật. Rồi ông ta chuyển sang trạng thái miễn cưỡng làm điều ấy vì trạng thái bỏn sẻn (macchariya) khởi sanh trong tâm của ông, nó hiện bày cả ngàn điều bất lợi của việc bố thí chiếc áo. Khi tâm bỏn sẻn khởi lên như vậy, ông ta hoàn toàn mất quyết tâm cúng dường bởi vì sự tiếc nuối xâm lấn nội tâm như sau: “ Chúng tôi chỉ có một chiếc áo khoác dùng chung cho vợ và bản thân. Chúng tôi chẳng có gì khác để thay thế. Và chúng tôi cũng không thể đi ra ngoài mà không có chiếc áo khoác.” Qua canh hai, năm loại phỉ lạc lại khởi sanh trong tâm và ông ta cũng đánh mất sự nhiệt tâm như trước. Trong canh cuối ông ta cũng được thấm nhuần năm loại phỉ lạc. Nhưng lần này ông Bà-la-môn quyết không để cho tâm bỏn sẻn lấn lướt với ý nghĩ: “ Cho dù sống hay chết xảy ra như thế nào, ta chỉ nghĩ về việc cúng dường y.” Với quyết tâm như vậy, ông ta xếp lại chiếc áo khoác rồi đặt nó dưới chân của Đức Phật và nhất quyết cúng dường chiếc áo đến bậc Đạo sư. Rồi ông ta vỗ tay ba lần và nói to lên ba lần: “ Ta đã chiến thắng ! Ta đã chiến thắng!”

          Lúc bấy giờ vua Bandhuma đang ngồi ở sau bức rèm, ở phía sau pháp tòa để nghe pháp. Sự mong ước chiến thắng đối với một vị vua thì hợp lí hơn, cho nên câu nói “ Ta đã chiến thắng!” không làm đức vua hài lòng. Do đó, đức vua sai quan quân đi điều tra xem câu nói ấy có ý nghĩa gì. Khi vị quan đi đến Ekasāṭaka và dò hỏi về nguyên nhân của câu nói ấy, ông Bà-la-môn bèn trả lời như sau:

          “ Thưa ông, tất cả các hoàng tử và tướng lãnh, họ cỡi voi, ngựa v.v… mang gươm, đao, thương, cái khiêng và áo giáp, họ đánh bại kẻ thù. Chiếc thắng của họ không có gì đáng ngạc nhiên. Còn tôi đây, giống như một người cầm cây gậy đánh vào đầu con bò và làm cho muôn thú bỏ chạy, muôn thú bám theo ông ta, nhảy từ đằng sau tới để giết chết ông ta, và tôi đã đánh bại tâm bỏn sẻn mình và thành công trong việc cúng dường chiếc áo khoác của tôi đến Đức Phật. Tôi đã chiến thắng cái tâm bỏn sẻn bất trị.”

          Vị quan trở lại trình báo mọi chuyện với đức vua.

          Đức vua nói: “ Này khanh, chúng ta không biết điều gì nên làm đến Đức Phật. Nhưng ông Bà-la-môn kia thì biết.” Khi nói vậy, đức vua truyền lịnh ban tặng cho ông Bà-la-môn một bộ y phục. Ông Bà-la-môn tự nghĩ: “ Lúc đầu ta im lặng thì đức vua chẳng cho ta gì cả. Chỉ khi ta nói về những ân đức của Phật thì vị ấy mới cho ta bộ y phục này. Bộ y phục này phát sanh đến ta do kết hợp với những ân đức của Phật, thật có lợi ích cho ta?” Khi nghĩ vậy ông ta dâng cúng bộ y đến Đức Phật.

          Đức vua lại hỏi quân hầu xem ông bà-la-môn đã cư xử như thế nào với bộ y được ban tặng đến ông ta và biết được rằng người đàn ông nghèo kia cũng đã dâng đến Đức Phật. Đức vua truyền lịnh ban tặng cho ông hai bộ y. Ông cũng dâng cúng hết hai bộ y đến Đức Phật. Đức vua truyền lịnh ban tặng cho ông bốn bộ y và ông ta cũng cúng dường hết bốn bộ y đến Đức Phật. Đức vua đã tăng gấp đôi quà tặng về y nhiều lần và cuối cùng có ba mươi hai bộ y được ban tặng đến ông Bà-la-môn. Lần này ông suy nghĩ:

          “ Cứ cúng dường hoài đến Đức Phật mà không giữ lại một ít cho chúng ta, dường như chỉ làm cho y phục được thọ lãnh càng gia tăng

          lên.” Do đó, ông ta lấy ra một bộ cho mình và một bộ cho vợ, còn ba mươi bộ thì dâng cúng Đức Phật. Kể từ đó ông Bà-la-môn rất gắn bó với Bậc Đạo sư.

          Rồi một hôm, vào buổi chiều giá rét, đức vua nhin thấy ông Bà-la-môn đang ngồi nghe pháp trước mặt Đức Phật. Đức vua bèn cho ông Bà-la-môn tấm khăn choàng đỏ mà vua đang đắp trên người, trị giá một trăm ngàn đồng, bảo ông ta hãy đắp lên người trong khi nghe Pháp. Nhưng ông Bà-la-môn suy nghĩ: “ Chiếc khăn choàng này đắp lên tấm thân thối tha này của ta thì lợi ích gì?” Do đó ông ta làm thành một cái lọng và dâng nó đến Đức Phật, sau khi gắn nó bên trên chiếc giường của Đức Phật trong Hương phòng. Do được chiếu vào bởi hào quang sáu màu của Đức Phật, chiếc khăn choàng trở nên xinh đẹp hơn. Nhìn thấy tấm khăn choàng, đức vua hồi tưởng về nó và bạch: “ Bạch Đức Thế Tôn, tấm khăn choàng ấy đã từng thuộc về con. Con đã cho Bà-la-môn Ekasāṭaka để đắp lên người trong khi tham dự pháp hội.” Đức Phật đáp: “ Tâu đại vương, đại vương đã tôn vinh ông Bà-la-môn, và ông ta đã tôn vinh Như Lai.” Đức vua tự suy nghĩ: “ Ông ta biết điều gì nên làm đến Đức Thế Tôn, còn ta thì không.” Khi nghĩ vậy đức vua bèn tặng tất cả các loại vật trang sức hữu ích đến Bà-la-môn, mỗi loại số lượng lên đến sáu mươi bốn. Như vậy đức vua đã làm một hành động bố thí gọi là aṭṭhaṭṭhaka đến Bà-la-môn và phong ông ta làm quốc sư.

          Do hiểu rằng aṭṭhaṭṭhaka, ‘tám lần tám’, nghĩa là sáu mươi bốn, quốc sư Bà-la-môn hằng ngày đã gửi đi sáu mươi bốn hủ vật thực để cúng dường chư Tăng bằng hình thức rút thăm. Như vậy ông ta đã an trú trong pháp bố thí như vậy đến hết cuộc đời. Vào lúc thân họai mạng chung, ông ta tái sanh lại vào cõi chư thiên.

          Kiếp sanh làm gia chủ

          Sau khi mạng chung từ cõi chư thiên, Mahā Kassapa tương lai tái sanh trong gia đình của một gia chủ ở kinh thành Bārāṇasi, trong tkhoảng thời gian giữa hai vị Phật, Koṇāgamana và Kassapa, xuất hiện

          trong hiền kiếp này (bhadda-kappa). Đến tuổi trưởng thành, cậu ta lập gia đình và sống cuộc đời của một gia chủ, một hôm nọ anh ta đi tản bộ vào rừng. Lúc bấy giờ, vị Paccekabuddha ( Đức Phật Độc giác) đang ngồi may y gần bờ sông, và vì thiếu vải để may một đường viền nên ngài xếp lại chiếc y còn dang dở.

          Khi gia chủ này nhìn thấy vị Paccekabuddha, vị ấy hỏi ngài tại sao xếp lại tấm y. Khi vị Paccekabuddha trả lời rằng ngài xếp lại tấm vải do thiếu vải để may một đường viền. Nghe vậy, gia chủ bèn dâng ngài chiếc áo của vị ấy, nói rằng: “ Xin hãy lấy nó để may cái viền y, bạch Ngài”. Rồi vị ấy phát nguyện: “ Trong những kiếp sống luân hồi về sau, xin cho con đừng bị thiếu bất cứ thứ gì.”

          Sau đó, trong nhà của vị gia chủ xảy ra sự tranh cãi giữa em gái và vợ của vị gia chủ. Trong khi họ đang tranh cãi thì một vị Paccekabuddha nọ đi đến khất thực. Cô em gái của gia chủ cúng dường vật thực đến vị Paccekabuddha và nguyện: “ Xin cho con có thể tránh xa cô ấy một trăm do tuần.” Đang đứng ở trước cửa nhà, người vợ nghe lời nguyện của cô em chồng, nghĩ rằng, “ Mong vị Paccekabuddha không ăn vật thực của người đàn bà kia,” rồi nàng cầm lấy cái bát, quăng bỏ vật thực trong bát và đổ đầy sình trong đó và trao lại cho vị Paccekabuddha. Khi trông thấy việc làm của chị dâu, cô em chồng bèn quở trách: “ Này bà chị ngu si kia, chị có thể chửi mắng tôi, hoặc đánh đập tôi; nhưng thật không đúng khi chị lấy vật thực trong bát quăng đi rồi cho đầy bùn vào trong và trao lại cho vị Paccekabuddha, là bậc đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong một thời gian lâu dài đến vô lượng năm.”

          Ngay khi đó người vợ của vị gia chủ khởi tâm tàm quý và nói rằng: “ Xin hãy chờ, thưa ngài.” Rồi nàng sám hối và quăng bỏ bùn sình trong bát, rửa sạch sẽ và chùi lòng bát bằng bột thơm. Rồi nàng đặt vào bát món catumadhu và rót bơ có màu trắng như sen búp và nhờ vậy nó có màu sắc lung linh. Khi trao lại cái bát cho vị Paccekabuddha, người vợ của vị gia chủ nói rằng “ Giống như món ăn chiếu sáng rỡ ràng, cũng vậy xin cho thân của con cũng phát ra những tia sáng.” Vị Paccekabuddha nói lời phúc chúc rồi bay lên không

          trung. Hai vợ chồng họ trải qua cuộc đời còn lại làm những việc phước và lúc thân họai mạng chung được tái sanh lên thiên giới.

          Kiếp sanh làm thương nhân kinh thành Bārāṇasī

          Lại nữa sau khi mạng chung ở cõi chư thiên, vị gia chủ ấy tái sanh xuống cõi người vào thời Đức Phật Kassapa, trong gia đình của một vị trưởng giả giàu có, tài sản đến tám mươi koṭi đồng tiền vàng, trong kinh thành Bārāṇasī. Còn vợ của vị gia chủ này thì sanh làm con gái của một vị trưởng giả khác.

          Khi cậu con trai đến tuổi trưởng thành thì chính cô con gái kia cũng được cậu ta cưới làm vợ. Do ác nghiệp trong quá khứ của nàng, quả của nó vẫn tiềm ẩn cho đến bây giờ. Vừa khi nàng đi qua ngưỡng cửa để vào nhà thì mùi hôi thối phát ra từ thân của nàng tựa như nhà vệ sinh được dở nắp vậy. Khi cậu con trai dò hỏi mùi hôi của ai thì được biết đó là mùi của nàng dâu vừa mới vào nhà, cậu ta bèn trục xuất nàng dâu trở về lại gia đình của nàng với nghi thức trang trọng như lễ rước dâu. Bằng cách này nàng đã trở về nhà của cha mẹ bảy lần từ bảy chỗ khác nhau bởi vì mùi hôi hám ấy phát ra ngay khi nàng vào nhà chồng. Thật kinh khủng thay quả của ác nghiệp !

          Lúc bấy giờ, Đức Phật Kassapa mới nhập Niết bàn nên mọi người bắt đầu xây dựng bảo tháp thờ xá-lợi, cao một do tuần bằng những viên gạch bằng vàng trị giá một trăm ngàn và được làm từ những thỏi vàng ròng. Trong khi bảo tháp đang được xây dựng thì nàng dâu kia bỗng khởi lên ý nghĩ như sau: “ Ta là người đã phải trở về nhà từ bảy chỗ, có lợi ích gì cho sự sống lâu của ta?” Bởi vậy nàng đem bán hết nữ trang và lấy số tiền đó đặt thợ kim hoàn làm một viên gạch bằng vàng dài một hắc tay, rộng nửa hắc tay và dày bốn ngón tay. Sau đó nàng đem viên gạch bằng vàng cùng với bột thư hoàng và tám cọng sen và đi đến bảo tháp.

          Lúc bấy giờ, người ta đang xây một lớp gạch hình tròn nhưng thiếu một viên gạch để lấp vào lỗ trống trong đó. Thế nên, nàng nói với người thợ chính, “ Thưa ông, xin ông cho tôi lấp vào lỗ trống bằng

          viên gạch của tôi.” “ Ồ, thưa công nương,” ông thợ chính đáp lại, “ Cô đến đúng lúc. Hãy tự mình làm điều đó.”

          Được sự tán thành, nàng tiểu thư giàu có leo lên chỗ đó và, sau khi trộn bột thư hoàng với chất lỏng, nàng lấp lỗ trống bằng viên gạch vàng của nàng cùng với chất kết dính. Rồi nàng tôn kính cúng dường bằng cách đặt những cọng sen ở chỗ viên gạch và phát nguyện: “ Dù sanh ra trong bất cứ kiếp nào trong luân hồi, xin cho mùi thơm của gỗ chiên đàn phát ra từ thân của con và mùi thơm của hoa sen phát ra từ miệng của con!” Sau khi tôn kính làm lễ bảo tháp nàng trở về nhà.

          Lúc bấy giờ, con trai của vị trưởng giả bỗng nhớ đến cô gái đầu tiên cưới. Một lễ hội đang được tổ chức vui nhộn. Cậu con trai bèn hỏi gia nhân: “ Có một cô gái đã từng được đưa về nhà của ta, hiện nay nàng đang ở đâu?” Khi gia nhân trả lời rằng nàng vẫn còn ở nhà của cha nàng, chàng trai bèn nói rằng: “ Này các bạn, hãy đi và đưa nàng về đây. Chúng ta sẽ tổ chức một lễ hội chung vui với nàng.” Khi nói vậy, chàng trai cho gia nhân đi rước cô con gái của vị trưởng giả.

          Khi họ đến chỗ ở của nàng tiểu thư, họ chào nàng một cách tôn kính và đứng ở đó. Rồi nàng hỏi họ đến có việc gì, họ bèn nói ra mục đích của họ. Nàng trả lời, “ Này các huynh đệ, tôi đã dâng cúng tất cả nữ trang của tôi đến bảo tháp, tôi không còn gì để mang vào.” Họ bèn trở về trình lại vấn đề với ông chủ. “ Các người chỉ việc đưa cô gái về đây,” chàng trai đáp lại, “ nàng sẽ có đồ trang sức”. Và nàng tiểu thư được họ đưa về nhà con trai của vị trưởng giả. Ngay khi cô con gái của vị thương nhân đi vào nhà thì khắp nơi trong nhà đều ngào ngạt mùi hương của gỗ chiên đàn cũng như hương của hoa sen.

          Người con trai của vị trưởng giả bèn hỏi: “ Lần đầu tiên lúc nàng đến đây thì thân nàng phát ra mùi hôi thối. Nhưng bây giờ lại có mùi thơm của gỗ chiên đàn và hoa sen phát ra từ thân và miệng của nàng. Lý do như thế nào?” Khi câu chuyện về việc phước của nàng được kể lại thì niềm tin của chàng trai tăng trưởng với ý nghĩ: “ Ồ! Lời dạy của Đức Phật có thể giúp người ta thoát khỏi vòng đau khổ!” Do đó, vị ấy đắp lên bảo tháp bằng vàng những tấm vải nhung rộng một do tuần. Những nơi khác, vị ấy cho gắn lên những vật trang trí

          hình hoa sen có kích thước bằng bánh xe bò để làm tăng lên vẻ đẹp cho bảo tháp, gắn thêm những cọng sen bằng vàng dài mười hai hắc tay.

          Kiếp sanh làm vua Nanda

          Sau khi làm nhiều việc phước trong kiếp sống ấy, hai vợ chồng giàu có đã sống đến hết thọ mạng của họ rồi được tái sanh vào cõi chư thiên. Khi mạng chung từ cõi chư thiên ấy, người chồng tái sanh trong một gia đình quý tộc cách kinh thành Bārāṇasī một do tuần và người vợ thì tái sanh làm công chúa trong hoàng cung của kinh thành ấy.

          Khi cả hai đến tuổi thành niên, ngôi làng nơi mà chàng trai Nanda đang sống người ta thông báo tổ chức một lễ hội. Rồi chàng trai Nanda bảo mẹ lấy y phục để cậu ta mặc vào tham dự lễ hội và nhận được bộ y phục cũ được giặt sạch sẽ. Cậu con trai yêu cầu lấy bộ khác vì bộ đó thô xấu. Người mẹ lấy bộ khác. Nhưng cậu ta cũng từ chối vì tánh chất thô xấu của nó. Sau khi cậu ta từ chối nhiều bộ y phục thì người mẹ bèn nói rằng: “ Chúng ta thuộc gia đình cao quý, con trai ạ. Chúng ta chỉ đủ may mắn để có những y phục như thế này.” “Thưa mẹ, nếu vậy thì con sẽ đi đến nơi có y phục đẹp hơn.” Người mẹ đáp lại “ Con thân yêu! Mẹ chúc con có được vương quyền của kinh thành Bārāṇasī trong ngày hôm nay.” Như vậy người mẹ đã chúc phúc bằng những lời may mắn như thế.

          Sau khi kính lễ mẹ, chàng trai Nanda xin phép mẹ ra đi. Và người mẹ hoàn toàn đồng ý. Nhưng bà ta làm thế vì bà ta tin rằng: “ Con trai của ta sẽ đi đâu? Nó chẳng có nơi nào khác để đi. Nó chỉ quanh quẩn đâu đó trong nhà mà thôi.” Nhưng Nanda rời khỏi ngôi làng đi đến Bārāṇasī rồi đi vào khu vườn thượng uyển, đầu đắp kín nằm trên chiếc giường đá. Hôm ấy là ngày thứ bảy sau khi đức vua băng hà.

          Các quan đã làm lễ mai táng đức vua rồi tổ chức một cuộc họp trong sân triều, họ bàn luận với nhau rằng: “ Đức vua chỉ sanh được một người con gái. Không có con trai. Vương quốc thì không thể thiếu vua. Ai sẽ lên làm hoàng đế?” Họ đề cử người này người kia lên làm

          vua, “ Hãy làm vua của chúng tôi!” “ (Không), Ngươi không được làm vua.” Rồi vị quốc sư (purohita) lên tiếng: “ Chúng ta không nên chọn lựa bằng cách xem xét chung chung như thế. Chúng ta hãy gởi đi chiếc long xa để tìm chọn người xứng đáng!” Khi quyết định của vị quốc sư được bá quan đồng ý, họ để cho chiếc long xa có ngựa kéo lăn bánh tự do đi kèm theo bốn đội binh chủng cùng năm loại nhạc khí được tấu lên.

          Chiếc xe lăn bánh đi qua cửa Đông và chạy về phía vườn thượng uyển. Một số người đề nghị nên quay xe lại vì nó chạy đến khu vườn do thói quen tự nhiên. Tuy nhiên vị quốc sư không đồng ý. Chiếc xe tiến vào khu vườn rồi đi quanh Nanda ba vòng và dừng lại, đứng trong tư thế sẵn sàng chờ Nanda bước lên xe. Sau khi dở chéo y trùm đầu Nanda, vị quốc sư xem tướng trên lòng bàn chân của Nanda và tuyên bố rằng: “ Không chỉ riêng cõi Diêm phù đề này, người đàn ông này xứng đáng cai trị cả bốn châu với hai ngàn đảo nhỏ bao quanhh.” Ông sai các nhạc sĩ tấu nhạc ba lần.

          Rồi Nanda giở tấm khăn che mặt trông thấy các quan đang đứng quanh. Vị ấy hỏi:

          Nanda: Các vị đến đây với mục đích gì?

          Các quan: Tâu đại vương, vương quyền nước Bārāṇasī đã đến với ngài.

          Nanda: Đức vua đâu?

          Các quan: Đức vua đã băng hà rồi, thưa ngài.

          Nanda: Đức vua băng hà được bao lâu rồi?

          Các quan: Hôm nay được bảy ngày.

          Nanda: Đức vua không có con trai hay con gái sao?

          Các quan: Vị ấy chỉ có một người con gái, không có con trai, tâu

          đại vương.

          Khi các quan nói như vậy, vị ấy tiếp nhận vương quyền, nói rằng: “Nếu thế ta sẽ làm vua.” Rồi các quan dựng lên một giả ốc để làm lễ phong vương và đưa công chúa đến trong sắc phục lộng lẫy và tôn phong vị ấy lên làm vua của nước Bārāṇasī sau khi tổ chức đầy đủ nghi lễ phong vương.

          Sau đó các quan dâng đến y phục đáng giá một ngàn đồng tiền vàng cho vua Nanda. “ Này các bạn, loại vải gì thế?” vua Nanda hỏi. “Tâu đại vương, đó là y phục để đại vương mặc vào.” “Này các khanh,” đức vua dò hỏi, “đây chỉ là y phục thô. Các khanh có loại y phục nào mịn hơn không?” “Tâu đại vương, trong khắp cõi nhân loại này chẳng còn y phục nào mịn hơn thế,” các quan đáp lại. “Vị vua cũ của các khanh mặc y phục như vậy à?” vua Nanda hỏi. Khi các quan trả lời là đúng như thế thì vua Nanda bèn nhận xét: “ Xem ra vua của các khanh không có phước lớn. Hãy đem đến đây một bình vàng đựng đầy nước. Chúng ta sẽ có được y phục rất mịn.” Các quan bèn đem đến bình nước và trao nó cho đức vua.

          Đứng dậy, đức vua rửa tay và súc miệng, khum bàn tay để chứa nước rồi tung nước về hướng đông. Ngay tức thì tám cây Như ý trồi lên từ lòng đất. Khi vua làm y như thế ở hướng Nam, hướng Tây và hướng Bắc, mỗi hướng đều có tám cây Như ý mọc lên. Bằng cách này có ba mươi hai cây Như ý mọc lên ở bốn hướng. Vua Nanda đắp vào phần dưới của thân bằng chiếc y của chư thiên và đắp một chiếc áo khác ở phần trên của thân. Rồi vị ấy cho người đánh trống loan truyền như sau: “ Trong vương quốc này của vua Nanda, người phụ nữ không phải xe tơ dệt vải!” Vị ấy cũng che lên chiếc lọng trắng, tự trang điểm những vật trang sức, đi vào kinh đô trên lưng con voi, bước lên gác thượng của cung điện và thọ hưởng đời sống vương giả rất thù thắng.

          Sau nhiều năm Nanda thọ hưởng đời sống vương giả, hoàng hậu nhìn vào đời sống của vị ấy, bày tỏ thái độ tội nghiệp cho vị ấy vì nàng nghĩ rằng: “ Làm một việc phước mới quả thật hy hữu!” Khi đức vua hỏi tại sao nàng có thái độ tội nghiệp cho mình như thế, nàng trả lời: “ Đời sống xa hoa của đại vương quả thật rất thù thắng. Nhưng đó là kết quả của việc phước mà bệ hạ đã làm trong quá khứ. Còn bây giờ bệ hạ chẳng làm gì cho hạnh phúc tương lai.” “ Chúng ta nên bố thí vật thực đến ai?” đức vua phản biện, “ chẳng có đối tượng thọ thí nào có giới đức cả!” “ Tâu đại vương, trong cõi Diêm phù đề này không thiếu vắng các bậc A-la-hán. Đại vương nên sắp xếp các vật thí. Thần thiếp sẽ đem đến những bậc Ứng cúng,” hoàng hậu nói rất tự tin.

          Ngày hôm sau đức vua truyền lịnh sửa soạn lễ vật cúng dường ở cổng phía đông của kinh thành. Hoàng hậu thọ trì ngũ giới lúc sáng sớm và mặt xoay hướng Đông và nằm sấp xuống, nói lời cầu thỉnh, “ Nếu có những vị A-la-hán ở hướng Đông thì xin các ngài hãy đến và thọ nhận vật thực cúng dường!” Vì không có những vị A-la-hán ở hướng ấy nên chẳng có vị nào đi đến. Các vật thực cúng dường đành phải đem cho những người ăn xin và nghèo khổ. Vào hôm sau, mọi việc xảy ra tương tự ở cổng thành hướng Nam. Ngày thứ ba tại cổng thành hướng Tây. Nhưng không có vị A-la-hán nào đến từ những hướng ấy.

          Vào ngày thứ tư những lễ vật cúng dường được sửa soạn ở cổng phía Bắc, và khi hoàng hậu nói lời thỉnh cầu như trước thì Paccekabuddha Mahāpaduma, người anh cả của năm trăm vị Paccekabuddha, tất cả đều là con trai của hoàng hậu Padumavatī, đã nói những người em của mình rằng: “ Này Paccekabuddha hiền đệ, vua Nananda đã thỉnh cầu các vị. Hãy hoan hỉ chấp nhận sự thỉnh cầu của vị ấy!” Các vị Paccekabuddha đã hoan hỉ chấp nhận lời thỉnh cầu. Họ rửa mặt ở hồ Anotatta, rồi đi bằng con đường hư không và đáp xuống ở cổng thành phía Bắc.

          Dân chúng đi đến đức vua và báo tin cho vị ấy biết: “ Tâu đại vương, năm trăm vị Paccekabuddha đã đến.” Đức vua và hoàng hậu đi đến chư Paccekabuddha và chấp tay đón chào các ngài. Sau khi thỉnh lấy bát của các vị, đức vua cúng dường vật thực đến các ngài rồi đưa các ngài lên gác thượng của cung điện. Khi lễ cúng dường vật thực đã xong, đức vua ngồi dưới chân vị Paccekabuddha lớn tuổi nhất và hoàng hậu ngồi dưới chân vị Paccekabuddha nhỏ tuổi nhất, vua nói lời thỉnh cầu như sau: “ Kính bạch chư đại đức, nếu chư đại đức trú ngụ trong vườn thượng uyển của chúng con, các ngài sẽ được an lạc đầy đủ tứ sự. Chúng con cũng được tăng trưởng công đức. Do đó, xin các ngài hãy cho lời hứa khả sẽ trú ngụ trong vườn thượng uyển của kinh thành Bārāṇasī.” Sự hứa khả được cho đến đức vua, vị ấy đã tạo ra đầy đủ những chỗ cư ngụ như năm trăm thảo am, năm trăm con đường

          kinh hành, v.v… trong vườn thượng uyển. Bốn món vật dụng cũng được cung cấp đến các ngài để các ngài không bị thiếu thốn gì.

          Sự cúng dường như vậy đã kéo dài được một thời gian thì ở vùng biên giới nổi lên những cuộc nhiễu loạn. Đức vua bảo hoàng hậu lo chăm sóc chư Paccekabuddha trong thời gian vị ấy đi dẹp loạn ở vùng biên giới.

          Theo lời dặn dò của đức vua, hoàng hậu hộ độ chư Paccekabuddha rất chu đáo. Vài ngày, trước khi đức vua trở về, thọ mạng của chư Paccekabuddha đã hết. Bởi vậy vị Paccekabuddha anh cả, Mahāpaduma, đã trải qua ba canh của đêm trong thiền định, và khi đứng dựa vào cái tựa lưng bằng gỗ, ngài nhập Vô dư niết bàn (anupādisesa-parinibbāna). Tất cả những vị Paccekabuddha còn lại cũng nhập niết bàn theo cách tương tự như vậy.

          Vào ngày hôm sau hoàng hậu sửa soạn các chỗ ngồi dành cho chư Paccekabuddha bằng cách đắp phân bò, rải hoa và xông thơm không gian, và chờ các ngài đi đến. Vì hoàng hậu chẳng thấy có dấu hiệu nào về việc đi đến của các ngài, nàng sai người hầu nam đến với lời căn dặn: “ Này con, hãy đi xem có chuyện gì không. Có điều bất ổn nào về thân hoặc tâm đối với các ngài chăng?”

          Khi người hầu đi đến khu vườn và tìm kiếm vị Paccekabuddha Mahāpaduma, sau khi mở cửa thảo am của ngài, anh ta không thấy ngài ở đó. Anh ta đi đến con đường kinh hành và thấy ngài đang đứng tựa vào tấm ván. Sau khi đảnh lễ ngài, người hầu nói lời thỉnh mời vị Paccekabuddha (đầu tiên): “ Đã đến giờ độ thực, thưa chư đại đức!” Không có câu trả lời. Nghĩ rằng vị Paccekabuddha đang ngủ, người hầu đến gần và sờ vào mu bàn chân của vị ấy. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, anh ta biết rằng vị Paccekabuddha đã nhập Niết bàn vì chân của Ngài lạnh cứng. Anh ta đi đến vị Paccekabuddha thứ hai và lần lượt đi đến vị cuối cùng. Anh ta nhận ra rằng tất cả chư Paccekabuddha trong trạng thái hoàn toàn tịch diệt. Khi trở về hoàng cung, hoàng hậu hỏi anh ta rằng: “ Các vị Paccekabuddha đâu con ?” “ Tất cả các ngài đều đã Parinibbāna, thưa hoàng hậu” người hầu trả lời. Hoàng hậu khóc lóc thảm thiết, rời khỏi hoàng cung đi đến vườn

          thượng uyển cùng dân chúng tổ chức lễ trà tỳ. Nàng cũng lấy xá-lợi và cho xây dựng tháp thờ xá-lợi.

          Sau khi dẹp yên vùng biên giới, đức vua trở về kinh đô và gặp lại hoàng hậu, đức vua hỏi : “ Này ái hậu, ái hậu có chăm sóc các vị Paccekabuddha chu đáo không? Các ngài có an lạc không?” Khi hoàng hậu trả lời rằng tất cả các ngài đều đã nhập Parinibbāna thì đức vua xúc động và suy xét: “ Ngay cả những bậc có trí tuệ đặc biệt như vậy mà không tránh khỏi cái chết! Huống hồ chúng ta làm sao thoát khỏi tử thần!”

          Đức vua không đi vào kinh đô mà đi thẳng vào vườn ngự uyển. Vị ấy gọi người con trai cả đến trao vương quyền cho thái tử rồi tự mình sống đời ẩn sĩ (giống như một tỳ khưu trong thời kỳ của một vị Phật). Hoàng hậu cũng vậy, khi nghĩ rằng: “ Nếu đức vua đã trở thành ẩn sĩ thì ta còn gì để làm? Dĩ nhiên, chẳng còn gì!” Nàng cũng trở thành nữ đạo sĩ trong vườn ngự uyển. Sau khi tu chứng các tầng thiền, cả hai đều tái sanh vào cõi Phạm thiên.

        2. Đời sống Sa-môn trong kiếp cuối cùng

          Trong khi họ vẫn còn ở cõi Phạm thiên thì thời gian Đức Phật của chúng ta xuất hiện đã đến. Lúc bấy giờ chàng trai Pippali, Mahā Kassapa tương lai, đã thọ sanh vào người vợ của vị Bà-la-môn giàu có tên là Kapila, trong ngôi làng Bà-la-môn Mahātittha thuộc vương quốc Magadha (Ma kiệt đà); còn người vợ của vị ấy, Bhaddākāpilānī tương lai, cũng thọ sanh vào người vợ của một vị bà la môn giàu có khác, một người con cháu của dòng tộc Kosiya, trong kinh thành Sāgala, cũng thuộc nước Magadha.

          Khi họ đến tuổi trưởng thành, chàng trai Pippali hai mươi tuổi và cô gái Bhaddākāpilānī mười sáu tuổi, cha mẹ của chàng trai lưu ý rằng con trai của họ đã đến tuổi trưởng thành và ép buộc cậu ta phải cưới vợ, họ nói rằng: “ Này con, con đã đến tuổi lập gia đình rồi. Dòng tộc của một người cần phải được duy tồn.” Vì chàng trai Pippali đến từ cõi Phạm thiên nên cậu ta từ chối, nói rằng: “ Xin đừng nói như

          vậy vào đôi tai của con, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ cho đến trọn đời, và khi cha mẹ qua đời, con sẽ xuất gia làm Sa-môn.” Sau hai hoặc ba ngày cha mẹ lại thuyết phục cậu ta. Người con trai vẫn kiên quyết. Một lần thuyết phục khác lại xảy ra nhưng nó cũng rơi vào lỗ tai điếc. Nhưng người mẹ tỏ ra không thay đổi ý định.

          Khi sự cương quyết của người mẹ trở nên quá mạnh, Pippali suy nghĩ: “ Ta sẽ cho mẹ của ta biết rằng ta rất muốn trở thành Sa-môn!” Bởi vậy cậu ta cho những người thợ kim hoàn một ngàn đồng tiền vàng, bảo họ làm một pho tượng nữ nhân bằng vàng. Khi pho tượng đã được làm xong và đã được đánh bóng, vị ấy mặc vào pho tượng bộ y phục màu đỏ và trang điểm những bông hoa sặc sỡ và những vật trang sức chói sáng. Rồi cậu ta gọi mẹ đến và nói rằng: “ Thưa mẹ, con sẽ ở nhà với điều kiện mẹ kiếm được cho con một cô gái đẹp như pho tượng này. Nếu không thì con sẽ không ở nhà.”

          Bởi vì người mẹ Bà-la-môn rất thông minh, nên bà suy nghĩ: “ Con trai của ta là người đã từng làm những việc phước, đã bố thí vật thực, đã phát ra lời nguyện cao quý. Trong khi nó đang chuyên tâm làm những việc phước trong kiếp quá khứ, chắc chắn là nó không làm một mình. Chắc hẳn con trai của ta đã từng có một người đàn bà xuất sắc, rất xinh đẹp như pho tượng vàng đã cùng làm phước với nó trong kiếp quá khứ.” Sau khi suy xét như vậy, bà ta cho gọi tám vị Bà-la-môn, tiếp đãi họ rất mực tôn kính và cho đặt pho tượng vàng trên chiếc xe ngựa kéo và nói rằng: “ Hãy ra đi, này các huynh đệ! Nếu các vị thấy một cô gái nào giống như pho tượng vàng này trong một gia đình tương xứng với chúng ta về giai cấp, dòng giống và tài sản, thì hãy trao nàng ta pho tượng để làm sính lễ.” Với những lời này bà ta đã sai những vị Bà-la-môn ra đi.

          Các vị Bà-la-môn nhận lời và nói rằng: “ Đây quả thật là một công việc dành cho những người trí như chúng tôi.” Khi nói vậy họ rời khỏi ngôi làng và bàn bạc với nhau về chỗ đến của chuyến đi của họ. Rồi họ nhất trí quyết định như vầy: “ Trong thế gian này, nước Madda là quê hương của các mỹ nhân. Chúng ta hãy đi đến xứ sở Madda.” Rồi họ đi đến kinh thành Sāgala thuộc nước Madda. Sau khi

          để pho tượng ở bến tắm trong kinh thành ấy, họ đứng nhìn ngắm từ một nơi thích hợp.

          Lúc bấy giờ người hầu nữ của Bhaddākāpilānī, con gái vị trưởng giả Bà-la-môn, tắm cho nàng và trang sức cho nàng những nữ trang và để nàng ở trong căn phòng hoa lệ trước bà ta đi đến bến tắm. Nhìn thấy pho tượng người hầu nghĩ: “ Cô chủ đã đến trước ta à!” Rồi bà ta quở trách nàng và càu nhàu bằng nhiều cách: “ Ôi cô con gái nhỏ bướng bỉnh! Tại sao cô ở đây một mình vậy?” Khi bà ta nói “ Về nhà mau!” rồi đưa tay lên đánh vào cô chủ. Khi bà ta đã đánh vào lưng của pho tượng, thì cả bàn tay của bà ta rất đau tựa như bà ta đã đánh vào tảng đá. Người nữ hầu thối lui và nói lời thô lỗ để kiếm chuyện gây gỗ như vầy: “ Ồ! Ta thấy người đàn bà này có thân cứng như đá, thật ngớ ngẩn ta lại tưởng nhầm nàng ta là cô chủ của mình! Nàng ta không bao giờ xứng đáng cầm cái váy của cô chủ !”

          Rồi tám vị Bà-la-môn vây quanh nữ hầu và hỏi rằng “ Cô chủ của bà có đẹp như vậy không?” “ Sắc đẹp của cô gái này có đáng là gì? Sắc đẹp của cô chủ của chúng tôi thù thắng hơn sắc đẹp của cô gái này đến trăm ngàn lần,” người nữ hầu đáp lại, “ nếu nàng ta ngồi trong căn phòng rộng mười hai hắc tay thì không cần phải đốt đèn lên, bóng tối có thể bị quét sạch bởi sắc thân sáng chói tự nhiên của nàng.” “ Nếu vậy thì,” các Bà-la-môn nói, “chúng ta hãy đi!” Khi nói vậy họ dẫn người nữ hầu đi, và mang theo pho tượng vàng, họ đi đến ngôi nhà của vị trưởng giả Bà-la-môn thuộc thị tộc Kosiya, đứng trước cửa nhà để thông báo chuyến viếng thăm của họ.

          Vị Bà-la-môn tiếp đãi họ một cách nồng hậu và hỏi họ từ đâu đến. Họ trả lời là đến từ quê nhà của vị trưởng giả Bà-la-môn Kapila, trong ngôi làng Mahātittha thuộc vương quốc Magadha. Khi người chủ nhà hỏi lý do, họ bèn nói cho ông ta biết mục đích của chuyến viếng thăm. “ Này các bạn,” ông Bà-la-môn Kosiya nói, “ thật là mục đích đáng hoan nghênh. Bà-la-môn Kapila ngang hàng với ta về dòng dõi, thế hệ và tài sản. Ta sẽ gả con gái. Sau khi hứa khả như vậy, Bà-la-môn Kosiya tiếp nhận pho tượng. Khi đó các Bà-la-môn khách bèn

          gởi tin về ông Bà-la-môn Kapila, nói rằng: “ Cô dâu đã được tìm thấy, hãy tiến hành những công việc cần thiết.”

          Khi hay tin, các gia nhân của Pippali thông báo cho vị ấy biết một cách hân hoan, “ Thưa cậu chủ, nàng dâu của cậu chủ trông giống như pho tượng vàng đã được tìm thấy, tin ấy là xác thật!” Nhưng Pippali lại suy nghĩ: “ Ta nghĩ rằng không thể nào có được người con gái như thế. Nhưng giờ đây họ lại nói là đã tìm được nàng dâu! Vì ta không cần nàng ấy, ta sẽ viết một bức thư và gởi đến nàng.” Cậu ta đi đến một chỗ vắng vẻ và viết lá thư nội dung như sau:

          “ Ta muốn cô em kết hôn với một người đàn ông thích hợp khác cùng dòng dõi, thế hệ và tài sản. Ta sẽ sống cuộc đời của vị ẩn sĩ trong rừng. Ta không muốn nàng phải chịu khổ về sau.”

          Rồi chàng trai bí mật gởi bức thư đến Bhaddākāpilānī.

          Khi công nương Bhaddākāpilānī hay tin rằng cha mẹ của nàng muốn gả nàng cho chàng trai Pippali, con trai của vị trưởng giả Bà-la-môn Kapila ở ngôi làng Mahatittha trong nước Magadha, nàng cũng đi đến chỗ vắng vẻ và viết một bức thư như sau:

          “ Tôi muốn anh kết hôn với một người đàn bà khác có cùng giai cấp, dòng dõi và tài sản. Tôi sẽ ra đi và trở thành một nữ đạo sĩ. Tôi không muốn anh phải chịu khổ về sau.”

          Rồi nàng bí mật gởi bức thư đến Pippali.

          Khi hai nhóm người đưa thư của hai bên gặp nhau giữa đường, những người của Bhaddākāpilānī bèn hỏi: “ Này các bạn, các bạn đem thư của ai và gởi cho ai vậy?” Những người của Pippali chân thành trả lời: “ Bức thư của chủ chúng tôi là Pippali gởi cho Bhaddākāpilānī.” Họ cũng hỏi lại: “ Còn các bạn thì sao, các bạn mang thư của ai và gởi đến cho ai?” Những người của Bhaddākāpilānī trả lời ngay: “Cô chủ của chúng tôi gởi cho Pippali.”

          Khi các sứ giả của hai bên đồng ý mở thư ra đọc, họ lấy làm ngạc nhiên vì biết được ý nghĩa của hai bức thư và nói rằng: “ Hãy xem điều mà chú rễ và cô dâu đang làm!” Rồi họ xé hai bức thư và ném chúng vào rừng. Họ cũng viết hai bức thư khác mô tả sự đồng lòng và hân hoan với nhau rồi gởi đến hai người chủ của họ. Bằng

          cách này, thời gian làm lễ cưới giữa Pippali và Bhaddākāpilānī được cha mẹ của họ định đặt bất chấp sự miễn cưỡng của đôi trai gái đối với đời sống gia đình.

          Tràng hoa không héo úa

          Vào ngày đám cưới, cả hai người đều đem đến một tràng hoa; hai người đặt tràng hoa của mình ở giữa chiếc giường của họ. Sau khi dùng cơm tối, cả hai đi đến chiếc giường, Pippali nằm bên phải còn Bhaddā nằm bên trái. Họ thỏa thuận với nhau như vầy: “ Bên nào có tràng hoa bị héo thì được xem là có khởi tâm tham dục. Và hai tràng hoa không được ai đụng vào.” Cả hai đều trải qua một đêm mà suốt ba canh không thể ngủ vì họ ngại sẽ chạm nhau.” Hai tràng hoa nằm như vậy mà không bị héo. Ban ngày họ cư xử như anh em thậm chí một cái mỉm cười tình ái cũng không có.

          Đời sống vô cùng vương giả

          Cả hai đều có đời sống rất vương giả giữ tâm xa lánh dục lạc (lokāmisa) và không quan tâm đến công việc gia đình. Chỉ đến khi cha mẹ của họ qua đời họ mới lo quản lý công việc. Tài sản của Pippali rất lớn: số vàng và bạc trị giá đến tám mươi bảy koṭi. Ngay cả vàng vụn mà vị ấy đã quăng bỏ mỗi ngày sau khi dùng nó để chà thân mình cũng lên đến mười hai tách Magadha (bằng sáu pattha). Cậu ta sở hữu sáu mươi cái đập ngăn nước cơ học. Nông trại của cậu ta rộng mười hai do tuần. Cậu ta có mười bốn ngôi làng lớn gồm những người hầu và người làm công, mười bốn đội tượng binh, mười bốn đội kỵ binh và mười bốn đội xa binh.

          Cảm xúc tâm linh của Pippali và người vợ

          Một hôm nọ trưởng giả Pippali đi đến nông trại cưỡi trên một con ngựa được trang trí sặc sỡ và khi dừng lại ở ngoài mé của nông

          trại, vị ấy trông thấy những con quạ và những con chim đang mổ ăn những con giun và côn trùng. Chàng trai hỏi những người hầu là những con chim và quạ đang mổ ăn cái gì và họ trả lời là chúng đang mổ ăn những con giun và côn trùng. Chàng trai lại hỏi: “ Ai chịu trách nhiệm về những hành động ác của những con quạ và những con chim?” “ Vì nông trại được cày xới cho ông, thưa ông chủ, nên ông phải chịu trách nhiệm về những hành động ác ấy,” những người hầu trả lời. Câu trả lời làm khuấy động cảm xúc tâm linh của Pippali, khiến chàng trai trầm ngâm suy xét như vầy: “ Nếu ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi ác của những con chim và những con quạ thì tám mươi bảy koti giá trị vàng bạc của ta có ích gì. Quả thật chẳng có lợi ích gì! Nông trại mênh mông rộng mười hai do tuần cũng vậy, sáu đập nước cơ học và mười bốn ngôi làng chứa người làm công của ta cũng chẳng có lợi ích gì! Thế nên, ta sẽ trao những tài sản này cho người vợ Bhaddākāpilānī, rồi ta xuất gia làm Sa-môn!”

          Vào lúc ấy, người vợ Bhaddākāpilānī đang cho người đổ ba hủ mè ra phơi ngoài nắng. Trong khi đang ngồi với những nữ hầu, nàng trông thấy những con quạ và những con chim đang mổ ăn những con sâu trong những hạt mè. Khi nàng hỏi các nữ hầu, nàng mới hay là những con chim đang ăn gì. Khi dò hỏi thêm thì các nữ hầu trả lời là nàng phải chịu trách nhiệm về những việc làm ác của các con chim vì công việc được làm cho nàng. Nàng cũng suy nghĩ sâu sắc như vầy: “Ồ, đối với ta chỉ cần bốn hắc tay vải để mặc và một chén cơm để ăn là đủ rồi. (Ta không thể mặc nhiều hơn bốn hắc tay vải, ta cũng không thể ăn nhiều hơn một chén cơm). Nếu ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động ác này do kẻ khác làm, thì chắc chắn ta sẽ không thể nào thoát ra khỏi vòng luân hồi đau khổ, dù sau một ngàn kiếp nữa. Khi chồng của ta đến, ta sẽ trao tài sản của ta cho vị ấy rồi từ bỏ đời sống gia đình và trở thành một nữ đạo sĩ.”

          Đôi vợ chồng đi xuất gia

          Trưởng giả Pippali trở về nhà, tắm rửa, đi lên gác thượng và ngồi vào chỗ dành cho những nhân vật cao quý. Rồi bữa tiệc xứng đáng với vị Chuyển luân vương được sắp xếp và phục vụ cho vị thương nhân. Cả hai vợ chồng, vị trưởng giả Pippali và người vợ Bhaddākāpilānī cùng ăn tiệc, khi những người hầu đi khỏi, họ đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi trong an lạc.

          Sau đó hai người cùng bàn bạc với nhau như sau:

          Pippali: Này công nương Bhaddā, khi nàng đến ngôi nhà này nàng đã mang theo bao nhiêu của cải?

          Bhaddā: Tài sản của em mang theo là năm mươi lăm ngàn cỗ xe bò.

          Pippali: Tài sản mà nàng mang đến và tài sản hiện có ở đây trong nhà này như tám mươi bảy koti của cải, sáu mươi cái đập nước cơ học, v.v… ta sẽ giao hết chúng cho nàng.

          Bhaddā: Ôi, nhưng ngài sẽ đi đâu?

          Pippali: Ta sẽ tự xuất gia Sa-môn.

          Bhaddā: Ồ, thưa ngài, em cũng sẵn sàng chờ đợi chàng trở về. Em cũng tự mình trở thành nữ đạo sĩ.

          Đối với hai nhân vật có đầy đủ Ba-la-mật này, ba cõi Dục giới (kāma), Sắc giới (rūpa) và Vô sắc giới (arūpa) hiện ra trước mắt họ như ba cái chòi lá đang bốc cháy. Hai nhân vật vĩ đại này sai người đi mua những chiếc y và bát ở ngoài chợ và họ đã cạo đầu cho nhau. Khi nói rằng: “ Chúng ta từ bỏ thế gian là để trở thành những vị A-la-hán,” họ đi xuống khỏi gác thượng mang theo cái túi, trong đó chứa cái bát, mang trên vai trái của họ. Không có người hầu và người làm công nào ở nhà, dù nam hay nữ, nhận ra hai vị đang tầm cầu các pháp Ba-la-mật.

          Đôi vợ chồng rời khỏi ngôi làng Bà-la-môn Mahātittha và ra khỏi cổng làng của những người hầu. Những người hầu nhìn thấy và nhận ra cách hành xử của họ là ông và bà chủ. Than khóc thảm thiết, những người hầu gieo mình dưới chân họ và buồn bã hỏi rằng: “ Thưa ông bà chủ, tại sao ông bà chủ bỏ chúng con bơ vơ?” Đôi vợ chồng đáp lại: “ Chúng ta trở thành Sa-môn vì chúng tôi bị kinh cảm khi nhận thấy ba cõi như ba căn nhà lá đang bốc cháy. Nếu chúng ta trả tự

          do cho các người khỏi thân phận nô lệ, hết người này đến người khác thì cả trăm năm sau cũng không chấm dứt. Hãy gội đầu của các ngươi và tự mình thoát khỏi thân phận nô lệ và sống tự do.” Khi nói vậy, họ bỏ đi để lại những người hầu than khóc.

          Tách rời khỏi nhau

          Trong khi đang đi như vậy, Pippali, vị trưởng lão (Thera) hồi tưởng ngẫm nghĩ như vầy:

          “ Nàng trưởng lão ni (Theri) xinh đẹp Bhaddākāpilānī này, quí báu như toàn thể Jambudipa, đang đi theo ta. Có lý do để người ta hiểu lầm chúng ta, nghĩ rằng: “Hai người này không thể rời nhau dù họ đã xuất gia, họ đã làm điều không thích hợp với tướng mạo xuất gia của họ.” Và nếu ai đó hiểu lầm chúng ta thì họ có nguy cơ tái sanh vào khổ cảnh. Do đó, ta nên rời khỏi người phụ nữ xinh đẹp này, Bhaddākāpilānī Their. ”

          Khi đang đi tiếp như vậy, vị Thera cao quý thấy nơi giao nhau của hai con đường và dừng lại. Bhadda Theri cũng dừng lại và chấp tay tôn kính. Rồi Thera nói với Theri “ Này Bhaddā Theri, mọi người trông thấy một công nương xinh đẹp như nàng đi theo ta có thể xúc phạm chúng ta bằng ý nghĩ sai lầm rằng: ‘Hai nhân vật này không thể tách rời nhau dù họ đã sống cuộc đời xuất gia’ và do đó họ sẽ bị tái sanh vào khổ cảnh. Thế nên giữa hai con đường này, nàng hãy chọn một. Ta sẽ đi con đường mà nàng không chọn.”

          Bhaddā Therī cũng đáp lại như vầy: “ Ồ, vâng, thưa ngài! Phụ nữ là uế trược của bậc Sa-môn. Mọi người sẽ chê trách chúng ta, khi nói rằng chúng ta không thể xa lìa nhau cho dù đã trở thành Sa-môn. Thưa ngài, ngài hãy đi một con đường. Con sẽ đi con đường khác. Chúng ta hãy tách ra.” Rồi nàng đi quanh ba vòng, và tôn kính đảnh lễ với năm điểm chạm đất ở bốn chỗ như phía trước, sau lưng, bên phải và bên trái của trưởng lão. Chắp hai tay lại đưa lên trán, nàng nói rằng: “ Tình yêu và sự thân thiết của chúng ta trong quan hệ vợ chồng suốt một trăm đại kiếp, từ đây chấm dứt.” Nàng nói thêm: “ Ngài

          thuộc dòng tộc cao quý hơn, bởi vậy con đường bên phải thích hợp với Ngài. Phận đàn bà chúng con thuộc dòng dõi thấp hơn, bởi vậy con đường bên trái thích hợp với con.” Khi nói vậy, nàng ra đi bằng con đường bên trái.

          Khi hai người đi theo hai con đường riêng biệt thì đại địa chấn động, gầm rú tựa như ta thán rằng: “ Dù ta có thể gánh chịu những ngọn núi của vũ trụ và ngọn núi Meru, nhưng ta không thể chịu nổi ân đức của hai nhân vật kỳ diệu này!” Cũng có những tiếng sấm sét vang cả bầu trời. Những ngọn núi của vũ trụ và núi Meru trồi lên càng lúc càng cao hơn (do quả đất chấn động).

          Diện kiến Đức Phật

          Lúc bấy giờ Đức Phật đến kinh thành Rajāgaha sau khi trải qua mùa an cư đầu tiên và trong năm Ngài Giác ngộ) vẫn đang lưu trú ở tịnh xá Veḷuvana. (Đó là thời gian trước khi Ngài lên đường đi đến Kapilavatthu). Trong khi Ngài đang ngụ trong Hương phòng của tịnh xá, Ngài nghe âm thanh của đại địa chấn động và khi quán xét nguyên nhân đại địa chấn động, Ngài biết rằng: “ Do năng lực phước đức của họ, chàng thanh niên Pippali và thiếu nữ Bhaddākāpilānī, trở thành ẩn sĩ sau khi dứt khoát từ bỏ tài sản vô song của họ, cống hiến cuộc đời của họ cho Ta. Sự chấn động của đại địa xảy ra tại chỗ mà họ chia tay nhau. Về phần Ta, ban cho họ một đặc ân là điều thích hợp.” Ngài ra khỏi Hương phòng, tự mình mang y và bát. Và không bảo bất cứ ai trong tám mươi đại đệ tử đi chung, Ngài một mình đi một quãng đường dài ba gāvuta để tiếp đón vị ấy. Ngài ngồi kiết già dưới gốc cây Banyan có tên là Bahuputtaka, nằm giữa Rājagaha và Nālanda.

          Điều đặc biệt đối với Đức Phật lúc bấy giờ là Ngài không ngồi ở đó như một nhà sư vô danh đang thực hành khổ hạnh Dhutaṅga. Để tăng trưởng niềm tin cho đại đức Mahā Kassapa, trước kia chưa từng trông thấy Ngài, Đức Phật không che dấu uy phong tự nhiên phát ra bởi những hảo tướng và phụ tướng của than. Thay vì thế, Đức Phật ngồi ở đó phát ra hào quang rực rỡ chiếu sáng một khoảng xa tám

          mươi hắc tay. Những tia hào quang có kích cỡ bằng cái dù lá, hay bằng cỗ xe bò hay cột chống có hình nóc nhọn, phát ra từ nơi này đến nơi khác, chiếu sáng toàn khu rừng, tựa như một ngàn mặt trăng hay một ngàn mặt trời nỗi lên với tất cả sự rực rỡ của chúng. Do đó, khắp khu rừng rất tươi vui bằng sự huy hoàng của ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân, như bầu trời được chiếu sáng bởi những vì sao hay mặt nước rực rõ bởi năm loại sen nở thành cụm, thành chùm. Dù màu sắc tự nhiên của thân cây Banyan phải là màu trà màu trắng, màu lá của nó phải là màu xanh và những ngọn lá già của nó phải màu đỏ, nhưng do hào quang từ thân của Đức Phật, toàn thể cây banyan Bahuputtaka với những nhánh của nó đều có màu vàng vào ngày hôm ấy, tựa như chúng được tắm gội trong hào quang rực rỡ từ thân của Đức Phật.

          Trưởng lão Mahā Kassapa suy nghĩ “ Tôn giả này chắc chắn là Đức Phật, Đạo sư của ta. Quả vậy, ta đã xuất gia để cống hiến cuộc đời Sa-môn của mình cho chính vị Đạo sư này.” Từ chỗ mà vị ấy đứng và trông thấy Đức Phật, trưởng lão cúi mình đi đến một quãng gần hơn. Ở tất cả ba chỗ, vị tôn kính đảnh lễ Đức Phật và nhận mình là đệ tử bằng cách công bố ba lần như vầy: “ Satthā me Bhagavā, sāvako’haṃ asmi – Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo sư của con! Con là đệ tử của Ngài!”

          Khi ấy Đức Phật đáp lại: “ Này con Kassapa, nếu con thể hiện sự tôn kính sâu sắc như vậy đến đại địa, thì nó không thể nào đứng vững được. Còn Như Lai, người đã đạt đến chỗ chí tôn chí thánh như chư Phật quá khứ, thì sự tôn kính được thể hiện bởi con, là người biết rõ những ân đức rộng lớn của Như Lai, thì không thể nào làm lay động dù một sợi lông trên thân của Như Lai. Này con Kassapa, hãy ngồi xuống. Ta sẽ trao cho con di sản của Ta.”

          Tuy nhiên, trong bài kinh Cīvara Sutta thuộc bộ Kassapa Saṃyutta, Nidāna-vagga có đoạn nói như sau: Khi trưởng lão Mahā Kassapa long trọng tuyên bố thân phận đệ tử của mình ba lần, thì Đức Phật nói như sau:

          “ Này Kassapa, nếu một người không biết một người đệ tử hoàn hảo toàn diện mà nói rằng ‘tôi biết’; hoặc không thấy người ấy mà nói rằng ‘tôi thấy’ thì cái đầu của người ấy sẽ rơi xuống. Còn Như Lai nói ‘ Ta biết’ vì Như Lai có biết người ấy, hoặc Như Lai nói ‘Ta thấy’ vì Như Lai có thấy người ấy.”

          ( Ở đây ý nghĩa là như vầy: nếu một vị đạo sư ở ngoài thời kỳ giáo pháp của chư Phật mà tự mình nói rằng vị ấy biết hoặc thấy nhưng thực tế thì không biết hoặc không thấy một người đệ tử có niềm tin cao tột, thể hiện sự tôn kính cao tột như trưởng lão Mahā Kassapa, thì cái đầu của vị đạo sư đó sẽ rụng xuống khỏi cổ như trái thốt nốt chín rụng khỏi cuống hay cái đầu ấy có thể vỡ ra làm bảy mảnh.

          (Ở đây có thể giải thích thêm như sau: Nếu trưởng lão Mahā Kassapa hướng sự tôn kính vĩ đại của mình do bởi niềm tin cao tột như vậy, đến đại dương, thì nước trong đại dương có thể cạn hết như những giọt nước rơi xuống một cái chảo đang cháy nóng. Nếu vị ấy hướng sự tôn kính đến quả núi của vũ trụ thì nó sẽ vỡ thành từng mảnh nhỏ như trái cầu làm bằng vỏ trấu. Nếu vị ấy hướng tâm đến quả núi Meru (Tu di sơn), thì quả núi sẽ bị tiêu hủy và đổ nhào xáo trộn như cục bột nhào bị mổ bởi cái mỏ của con quạ. Nếu vị ấy hướng nó đến đại địa, thì đất sẽ tung tóe như đống tro lớn bị ngọn gió mạnh thổi vào. Sự tôn kính của trưởng Mahā Kassapa có năng lực như vậy không thể khiến cho sợi lông trên mu bàn chân của Đức Phật lay động. Đừng nói gì trưởng lão Mahā Kassapa, mà ngay cả một ngàn vị tỳ khưu có năng lực như trưởng lão cũng không thể làm được qua sự tôn kính vượt bực của họ. Sự tôn kính của họ trở nên bất lực ngay cả làm rung động sợi lông trên mu bàn chân của Đức Phật, hay một sợi chỉ của chiếc y làm bằng vải vụn mà Đức Phật đang mặc. Năng lực của Đức Phật quả thật vô cùng vĩ đại).

          Sự xuất gia Tỳ khưu qua sự tín thọ lời khuyên của Đức Phật

          Đức Phật sau khi đã nói rằng: “ Này con Kassapa, hãy ngồi xuống. Ta sẽ trao cho con di sản của Ta,” như đã nêu ra ở trước, Ngài

          cho trưởng lão ba lời khuyên (theo bài kinh Cīvara Sutta trong

          Kassapa Samyutta):

          “ Này Kassapa, cho nên con phải hành đạo với ý nghĩ như vầy: ‘Ta sẽ sống trú trong hai pháp Tàm và Quý khi đối xử với những vị tỳ khưu cao hạ, thấp hạ, hoặc cùng hạ lạp.”

          “ Này Kassapa, con phải hành đạo với ý nghĩ như vầy: ‘Ta sẽ lắng nghe tất cả những lời dạy về thiện pháp. Ta sẽ chăm chú lắng nghe tất cả những lời dạy này một cách tôn kính, tinh tấn suy niệm về những pháp ấy và khéo gìn giữ chúng.

          “ Này Kassapa, cho nên con phải hành đạo với ý nghĩ như vầy: ‘ Niệm thân (kāyagtā-sati) câu hữu lạc (sukha) sẽ không bao giờ xa rời ta!”

          Đức Phật đã cho ba lời khuyên này. Trưởng lão tôn kính thọ trì chúng. Ba đoạn giáo pháp này đồng nghĩa với sự xuất gia bậc thấp và bậc cao của trưởng lão. Trưởng lão Mahā Kasspa là người duy nhất nhận loại xuất gia này trong giáo pháp của Đức Phật.Và loại xuất gia ấy được gọi là “ovādapaṭiggahana upasampadā – chỉ giáo tín thọ cụ túc giới, sự thọ cụ túc giới qua sự chấp nhận lời chỉ giáo của Đức Phật.”

          (Ở đây Đức Phật truyền phép xuất gia tỳ khưu cho trưởng lão Mahā Kassapa qua ba câu chỉ giáo này. Trong ba câu này, câu thứ nhất là: “ Này con Kassapa, trước hết con phải tu tập hai pháp Tàm và Quý khi con tiếp xúc với ba hạng tỳ khưu đồng phạm hạnh, đó là hạng cao hạ – những người có tuổi tác và hạ lạp cao hơn con, hạng thấp hạ hơn con và hạng trung hạ – hạ lạp ngang bằng với con.” Qua lời khuyến giáo thứ nhất này, trưởng lão Mahā Kassapa được khuyên dạy để đoạn trừ ngã mạn về dòng dõi vì trưởng lão thuộc giai cấp Bà-la-môn.

          (Lời khuyến giáo thứ hai là: “Này con Kassapa, trong lúc con đang lắng nghe giáo pháp toàn hảo con phải tôn kính chú ý bằng cả hai lỗ tai, lỗ tai trí tuệ và lỗ tai tự nhiên, trong ba giai đoạn của giáo pháp – giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Qua lời khuyến giáo thứ hai này, trưởng lão Mahathera được khuyên dạy đoạn trừ

          tánh kiêu mạn sanh lên từ kiến thức sâu rộng của vị ấy, vì vị ấy bản chất rất thông minh.

          (Lời khuyến giáo thứ ba là: “Này con Kassapa, con phải cố gắng đừng để sơ thiền hoại mất khỏi dòng tâm thức của con, là thiền câu hữu với thọ lạc (sukha vedana) sanh lên từ pháp niệm thân (kāyagatā-sati) và đề mục là hơi thở vô ra (ānāpāna ārammaṇa).” Qua lời khuyến giáo thứ ba này, trưởng lão Mahathera được khuyên dạy để đoạn trừ ái ngã và ái tham (taṇhā-lobha) phát triển từ sự sở hữu cá tính mạnh mẽ (upadhi), vì vị ấy có sắc tướng đẹp đẽ.

          Sau khi truyền phép xuất gia tỳ khưu cho Trưởng lão Mahā Kassapa bằng sự giáo thọ dưới cội cây Banyan Bahuputtaka như đã trình bày, Đức Phật tiếp tục lên đường du hành cùng với người đệ tử mới. Trong khi Đức Phật có ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân sáng ngời rực rỡ, thì trưởng lão cũng có bảy hảo tướng xinh đẹp. Trưởng lão theo sát Đức Phật như chiếc thuyền vàng nhỏ đi theo chiếc thuyền vàng lớn. Sau khi đi một khoảng xa Đức Phật rẽ ra khỏi con đường chính và gợi ý với trưởng lão rằng Ngài muốn ngồi ở dưới cội cây. Khi biết rằng bậc đạo sư muốn ngồi, trưởng lão bèn xếp chiếc y vai trái rất mềm của vị ấy gọn lại bốn bận và trải nó ra rồi bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cung thỉnh Ngài ngồi xuống. Việc ngồi xuống của Đức Thế Tôn sẽ đem lại cho con lợi ích và hạnh phúc lâu dài.”

          Việc trao đổi y

          Sau khi ngồi xuống trên chiếc y gấp tư, Đức Phật sờ bàn tay vào chéo y, có màu nụ hoa sen, nói rằng: “ Này con Kassapa, chiếc y vai trái này của con được làm bằng một tấm vải cũ, quả thật rất mịn!”

          ( Ở đây “Tại sao Đức Phật lại nói ra những lời khen ngợi? Câu

          trả lời: vì Ngài muốn trao đổi y với trưởng lão Ca Diếp.”

          “Tại sao Đức Phật lại muốn trao đổi y? Câu trả lời: Vì Ngài

          muốn đặt trưởng lão vào địa vị của Ngài.”

          (“ Sự định đặt như vậy phải chăng không có hai vị trưởng lão Sāriputta và Moggallāna?” người ta có thể thắc mắc như vậy. Câu trả

          lời: Có, có hai vị trưởng lão chứ. Nhưng Đức Phật biết trước như vầy: “ Cả hai Trưởng lão sẽ không sống lâu. Họ sẽ nhập parinibbāna trước Như Lai. Tuy nhiên, Kassapa sẽ sống đến một trăm hai mươi tuổi. Bốn tháng sau khi Như lai nhập parinibbāna, tại hang động có cây sattapanni, vị ấy sẽ tổ chức một hội đồng Thánh Tăng và cuộc kiết tập Dhamma và Vinaya sẽ diễn ra. Như vậy vị ấy sẽ giúp cho giáo pháp của Như Lai được trường tồn năm ngàn năm.” Đức Phật cũng có ý kiến là “ Nếu Như Lai đặt vị ấy vào chỗ của Như Lai thì chư Tăng sẽ nghe lời vị ấy.” Thế nên ước muốn của Đức Phật là đặt trưởng lão vào địa vị của Ngài. Vì lý do này, Đức Phật muốn trao đổi chiếc y của Ngài. Chính vì lý do này, Đức Phật nói lời tán dương Trưởng lão Mahā Kassapa).

          Nếu có ai đó ngưỡng mộ nói về phẩm chất tốt của bình bát hoặc y, thì đó là pháp hành tự nhiên của Trưởng lão cao quý: “ Xin hãy thọ lãnh bát, thưa Đại đức,” hay “ Xin hãy thọ lãnh y, thưa Đại đức.” Do đó, khi biết được sự gợi ý rằng: “ Đức Thế Tôn muốn mặc chiếc y vai trái của ta, Ngài khen ngợi đặc tánh mềm mại của nó,” nên trưởng lão nói rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy mặc vào chiếc y vai trái này.” “ Này con Kassapa, vậy con sẽ mặc chiếc y nào?” Đức Phật hỏi. “ Nếu con có được loại y mà Thế Tôn đang mặc thì con sẽ mặc nó,” Trưởng lão đáp lại. Khi ấy Đức Phật nói rằng: “ Này con Kassapa, con có thể mặc được không? Chiếc y này làm bằng vải vụn rất cũ vì Như Lai mặc nó đã lâu lắm. Quả thật, khi Như Lai nhặt nó, ngày hôm ấy quả đất đã rung chuyển thấu đến đại dương. Những người thiếu phước thì không thể mặc loại y đã sờn rách này. Chỉ những ai chuyên tâm vào sự thực hành pháp và bản chất quen thuộc với y phục như vậy thì mới xứng đáng dùng nó.” Khi nói vậy, Đức Phật trao chiếc y của Ngài để đổi lấy chiếc y của trưởng lão Mahā Kassapa. Sau khi sự trao đổi y diễn ra như vậy, Đức Phật mặc vào chiếc y của trưởng lão và trưởng lão mặc chiếc y của Đức Phật. Lúc ấy đại địa chấn động dữ dội đến mặt nước tựa như nói rằng, tuy nó không có tâm và tác ý: “ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã làm điều khó làm. Trong quá khứ không bao giờ có trường hợp mà một vị Phật trao

          chiếc y của mình cho đệ tử. Tôi không thể chịu nổi ân đức này của

          Ngài.”

        3. Sự chứng ngộ pháp và họach đắc danh hiệu Đệ Nhất

          (Etadagga)

          Về phần Trưởng lão Mahā Kassapa, không có sự ngã mạn nào khởi sanh trong vị ấy chỉ vì nhận được chiếc y của Đức Phật, không bao giờ nghĩ rằng: “ Giờ đây ta đã có được chiếc y mà trước kia Đức Thế Tôn đã mặc. Giờ đây ta không có gì phải cố gắng để đạt được các Đạo Quả bậc cao.” Thay vào đó, vị ấy phát nguyện thực hành mười ba pháp Đầu-Đà (dhutaṅga) một cách kiên định đúng như Đức Phật đã chỉ dạy. Vì nhiều nỗ lực tinh tấn trong việc tu tập hạnh đầu đà, nên vị ấy làm phàm phu chỉ trong bảy ngày và vào ngày thứ tám vào lúc hừng đông, vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ vô ngại giải tuệ (paṭisambhidā-magga-ñāṇa).

          Lấy trưởng lão Mahā Kassapa làm duyên sự, Đức Phật đã thuyết nhiều bài pháp được ghi lại trong bộ kinh Nidānavagga Kassapa Saṃyutta.

          Đức Phật đã tán dương trưởng lão Mahāhera qua nhiều bài kinh như bài kinh Cand’ūpama, Ngài nói rằng : “Kassapa bhikkhave cand’ūpamo kulāni upasankamati – Này các tỳ khưu, Kassapa Thera đi đến các thí chủ thuộc bốn giai cấp bằng sự kiểm soát thân, ngữ và ý như mặt trăng, tức là khi đến các thí chủ vị ấy hoàn toàn thoát khỏi tánh thô thiển của thân, khẩu và ý.” Về sau Đức Phật ban cho trưởng lão danh hiệu Đệ nhất (etadagga) trong việc thực hành hạnh Đầu đà (dhutaṇga) như đã được ghi lại trong bộ kinh Kassapa Samyutta như sau:

          Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ dhutavādānaṃ yadidam Mahākassapo.

          Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai, người tự mình thực hành, giảng dạy và sách tấn người khác thực hành hạnh Đầu đà (dhutaṇga) thù thắng tẩy sạch các

          phiền não, thì Trưởng lão Mahā Kassapa là người tối thắng.

          

      2. ĐẠI TRƯỞNG LÃO ANURUDDHA

        1. Nguyện vọng trong quá khứ

          Cách đây một trăm ngàn đại kiếp, trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara, trưởng lão Anuruddha đương lai là một gia chủ vô danh. Một buổi chiều nọ, vị ấy đi cùng với một nhóm người đến chùa nghe pháp. Sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật, vị ấy đứng ở mé ngoài của thính chúng. Sau khi thuyết những bài pháp tuần tự, Đức Phật công bố vị tỳ khưu Đệ nhất về thiên nhãn (dibbacakkhu-abhiññā).

          Một ý nghĩ sau đây nảy sanh trong tâm vị gia chủ: “ Vị tỳ khưu này được chính Đức Phật công bố là Đệ nhất về Thiên nhãn. Vị ấy đích thực là tối thắng. Nếu ta trở thành người tối thắng trong các tỳ khưu có thiên nhãn vào thời kỳ của một vị Phật đương lai nào đó thì sao?” Khi nghĩ vậy, vị ấy đi xuyên qua thính chúng và thỉnh mời Đức Phật cùng với chư Tăng. Hôm sau vị ấy tổ chức một cuộc đại thí cúng dường đến Chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu.

          Khi nghĩ rằng: ‘Ta đã nguyện thành đạt một địa vị rất cao’ vị ấy thỉnh mời Đức Phật ngày này qua ngày khác, nói rằng: “ Cầu xin quan lâm hôm nay để tác thành việc phước của con,” “Cầu xin quan lâm vào ngày mai để tác thành việc phước của con.” Sau khi đã thỉnh mời như vậy, vị ấy đã cúng dường đại thí trong bảy ngày. Khi cúng dường những chiếc y hảo hạng đến Đức Phật và chúng Tăng, vị ấy đã phát nguyện như sau:

          “ Bạch Đức Thế Tôn, con đã cúng dường như vậy, không phải để được những lạc thú của chư thiên hay hưởng những khoái lạc ở cõi nhân loại. Cách đây bảy ngày, Thế Tôn đã đặt một vị tỳ khưu vào địa vị tối thắng về Thiên nhãn. Con xin nguyện cũng được như vị ấy là tối

          thắng về thiên nhãn trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật đương

          lai.”

          Sau khi bày tỏ nguyện vọng như vậy, vị gia chủ phủ phục dưới chân Đức Phật. Khi dò xét về tương lai, Đức Phật thấy rõ rằng nguyện vọng của vị gia chủ sẽ được thành tựu và vì vậy Ngài thọ ký rằng: “ Này thí chủ, vào cuối một trăm ngàn đại kiếp trong tương lai, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện trong thế gian. Trong thời kỳ giáo pháp của vị Phật ấy, người có tên là Anuruddha, là vị tỳ khưu tối thắng về Thiên nhãn.” Sau khi tiên tri như vậy, Đức Phật ban bố pháp thọai để tán dương sự cúng dường trai phạn rồi trở về tịnh xá.

          Vị gia chủ làm nhiều việc phước và sau khi Đức Phật Padumuttara nhập Parinibbāna, vị ấy xây dựng một bảo tháp bằng vàng cao bảy do tuần. Ngài đi đến chúng Tăng hỏi rằng: “ Thưa chư đại đức, những phước thiện nào cần chuẩn bị để có được Thiên nhãn thông?” “ Thưa thí chủ,” các vị Thánh Tăng đáp lại, “ nên bố thí ánh sáng.” Rồi vị ấy cho trồng một ngàn cây to, mỗi cây được gắn một ngàn cây đuốc; phía bên những cây to này vị ấy cho trồng một ngàn cây cỡ trung bình được thắp sáng; rồi phía bên kia của một ngàn cây cỡ trung bình này vị ấy cho trồng một ngàn cây nhỏ được thắp sáng. Bằng cách này hằng ngàn cây và hằng ngàn ngọn đuốc đã được cúng dường. Những việc phước về ánh sáng của vị ấy quả thật vô lượng.

          Việc cúng dường ánh sáng đến bảo tháp của Đức Phật Kassapa

          Sau khi đã làm nhiều việc phước như vậy trong suốt kiếp sống, vị gia chủ, Anuruddha đương lai, tái sanh luân hồi trong hai cõi chư thiên và nhân loại. Khi một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua và trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa, vị ấy tái sanh làm một gia chủ trong kinh thành Bārāṇasī. Sau khi Đức Phật nhập Parinibbāna, vị ấy đã xây dựng một bảo tháp kích thước một do tuần, và cho làm nhiều cái chén bằng vàng, mỗi chén được đổ đầy dầu bơ. Ở giữa những cái chén vị ấy cho đặt một bánh mật đường cô đặc và thắp sáng nó. Vị ấy cũng đốt sáng những cái tách bằng vàng ấy quanh bảo tháp, những cái chén

          được đặt san sát nhau. Vị ấy cũng cho làm một cái bình bằng vàng lớn nhất và cũng được đổ đầy dầu bơ. Một ngàn cọng tim bấc được đốt sáng đặt quanh miệng bình. Còn cái tim bấc nằm ở giữa, vị ấy cho người xe từ một miếng vải và thắp sáng. Đặt cái tô chứa một ngàn ngọn đèn thắp sáng trên đầu, vị ấy đi quanh và cúng dường bảo tháp suốt ba canh của đêm. Vị gia chủ ấy đã làm nhiều việc phước trong suốt kiếp sống ấy và khi thân hoại mạng chung thì được tái sanh vào cõi chư thiên.

          Kiếp sanh làm Annabhāra

          Lại nữa, trước thời Đức Phật của chúng ta, vị ấy sanh vào trong một gia đình nghèo cũng ở trong nước Bārāṇasī và sống nhờ vào vị trưởng giả tên Sumana. Người đàn ông nghèo tên Annabhāra. Trưởng giả Sumana thường bố thí vật thực dồi dào tại cổng nhà của vị ấy đến những người neo đơn, khách vãng lai và những người ăn xin.

          Một hôm, Đức Phật Độc giác (Paccekabuddha) tên là Upariṭṭha đang nhập thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti) ở trên núi Gandhamādāna, và khi xuất định, Ngài suy xét: “ Ta sẽ giúp ai ngày hôm nay?” Chư Phật Độc giác thường hay thương xót những ngươi nghèo. Thế nên, vậy vị Paccekabuddha Upariṭṭha quyết định giúp đỡ cho người nghèo Annabhāra trong ngày hôm ấy. Khi biết Annabhāra từ trong rừng sắp trở về, Ngài bèn mang y bát bay lên không trung và đi từ núi Gandhamādana xuất hiện ngay trước mặt Annabhāra tại cổng làng.

          Khi trông thấy vị Paccekabuddha mang cái bát không, vị ấy cung kính đảnh lễ Ngài và hỏi rằng: “ Bạch đại đức, có phải Ngài muốn vật thực?” Khi vị Paccekabuddha trả lời khẳng định, thì Annabhāra nói rằng “ Xin Ngài hãy đợi ở đây một lát,” rồi đi nhanh về nhà và bảo vợ: “ Này bà, có phần vật thực để dành cho tôi không?” Khi bà vợ trả lời có thì ông ta quay lại vị Paccekabuddha và thỉnh cái bát từ tay của Ngài. Về nhà, ông ta nói với vợ : “ Này bà, vì trong quá khứ chúng ta không làm những việc phước, nên hiện tại chúng ta sống

          luôn luôn ao ước vật thực. Dù chúng ta muốn cho nhưng chúng ta không có gì để cho. Và khi chúng ta có để cho thì không có người nhận. Hôm nay tôi đã gặp Paccekabuddha Upariṭṭha. Và cũng có phần ăn của tôi. Hãy đặt phần ăn của tôi vào trong cái bát này.”

          Người vợ thông minh bèn suy nghĩ: “ Chồng của ta đang cúng dường vật thực đến Paccekabuddha, ta cũng nên dự phần công đức trong đó.” Bởi vậy nàng cũng đặt phần ăn của nàng vào trong bát và dâng đến Paccekabuddha. Người chồng phát nguyện: “ Bạch đại đức, cầu xin cho con thoát khỏi đời sống đau khổ như thế này.” Paccekabuddha bèn nói lời tiên tri. “ Này thí chủ, ông là người có phước lớn! Cầu chúc ước muốn của ông được thành hiện thực!”

          Sau khi trải ra chiếc áo khoác ở một chỗ nọ, Annabhāra nói thêm: “Bạch đại đức! xin hãy Ngài ngồi xuống đây và độ thực.” Sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi do Annabhāra trải ra, Paccekabuddha độ thực, quán tưởng chín pháp nhờm gớm (đó là 1.(gamana), việc đi khất thực; 2. (pariyesana) việc tầm cầu vật thực; 3. (paribhoga) việc độ thực; 4. (āsaya) những chất bài tiết như mật, đàm, mủ và máu; 5.( nidhāna) dạ dày nơi mà vật thực mới đi vào; 6. (aparipakka) vật thực ở trong trạng thái chưa được tiêu hóa; 7. (paripakka) vật thực đã được tiêu hóa; 8. (phala và nissanda) kết quả hay sự tuôn chảy hay việc tiết ra ở chỗ này chỗ kia trên thân và 9. (makkhana) sự vấy bẩn (nếu phala và nissanda được tách riêng thì con số sẽ là 10. (Việc quán tưởng chín hoặc mười pháp nhờm gớm này được nêu ra trong bài trình bày về Āhārepaṭkūla-sañña trong bộ Visuddhi-Magga, và trong bộ Paramattha-sarūpabhedanī, tác giả là ngài Mahavisuddhārama Sayadaw). Khi Paccekabuddha đã độ thực xong, Annabhāra bèn dâng nước rửa bát. Sau khi công việc độ thực đã xong, Paccekabuddha nói lời phúc chúc như sau:

          Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ, sabbaṃ eva samijjhatu Sabbe pūrentu saṅkappā, cando pannāraso yathā.

          Cầu xin các quả lành mà người đã mong mỏi cho được mau thành tựu kịp thời đến người. Như trăng sáng trong ngày rằm được

          tròn đầy, cũng vậy cầu mong cho tất cả những nguyện ước chân chính của người cho được thành tựu mỹ mãn!

          Sau khi đã nói lời phúc chúc, Paccekabuddha bèn ra đi.

          Tiếng vỗ tay của một nữ thần

          Lúc bấy giờ, một nữ thần ở trên chiếc lọng nghi lễ của trưởng giả Sumana hoan hỉ nói lời tán dương ba lần như sau: “ Ahodānaṃ paramadānaṃ, Upariṭṭhe supaṭiṭṭhitaṃ – Ôi, sự bố thí thù thắng đã được dâng đến Paccekabuddha Uparittha!” Vị trưởng giả bèn hỏi: “ Này nữ thần! Nàng không thấy ta làm những việc phước thí trong thời gian dài như vậy hay sao?” “ Này ông trưởng giả,” vị nữ thần đáp lại, “ không phải tôi tán dương sự bố thí vật thực của ông mà tôi tán dương việc cúng dường vật thực của người nghèo Annabhāra vì tôi rất hoan hỉ với việc làm của anh ta.” Khi ấy vị trưởng giả bỗng nảy lên ý nghĩ: “ Đây quả thật là điều kỳ diệu! Dù ta đã bố thí trong một thời gian rất dài, nhưng ta không thể khiến cho chư thiên vỗ tay khen ngợi. Nhưng chàng Annabhāra nghèo khổ này sống nương tựa vào ta, chỉ cúng dường có một lần thôi mà đúng đối tượng thọ thí. Ta nên làm cho vật thực bố thí của anh ta thành của ta, bằng cách cho anh ta một cái gì đó thích hợp.” Do đó, ông trưởng giả cho gọi Annabhāra đến và hỏi rằng: “Có phải hôm nay anh đã cho một cái gì đó đến ai đó?” “ Thưa vâng,” anh ta đáp lại, “ tôi đã dâng phần ăn của tôi đến Paccekabuddha Uparittha.” “Hãy cầm cái này, Annabhāra thân mến, hãy cầm một đồng tiền vàng và đưa vật thực bố thí của anh cho ta,” vị trưởng giả yêu cầu.

          Annabhāra từ chối, nói rằng: “ Tôi không thể làm như vậy, thưa ông,” trưởng giả Sumana tăng dần số tiền lên đến một ngàn đồng tiền vàng. Annabhāra vẫn kiên quyết từ chối: “ Dù một ngàn đồng tiền vàng, tôi cũng không cho.” Khi ấy Sumana từ bỏ cố gắng trao đổi nhưng yêu cầu: “ Này huynh Annabhāra, nếu huynh không thể cho nó đến tôi thì thôi. Hãy nhận lấy một ngàn đồng tiền vàng và chia phần phước của huynh cho tôi!” “ Tôi không biết rõ liệu tôi có nên chia

          phước cho ông hay không. Thực ra, tôi sẽ hỏi ý kiến Paccekabuddha Upariṭṭha và tôi sẽ chia phước nếu Ngài khuyên tôi làm như thế.” Sau khi nói như vậy anh ta chạy theo Paccekabuddha và khi đến gần, anh ta hỏi: “ Bạch đại đức, trưởng giả Sumana đề nghị cho con một ngàn đồng tiền vàng và muốn chia phước mà con đã gieo tạo được do việc cúng dường vật thực đến ngài. Con có nên chia phước cho vị ấy hay không?” Khi ấy Paccekabuddha nói rằng:

          “ Này người thông minh, ta sẽ cho người một ví dụ so sánh. Giả sử chỉ có một căn nhà, trong đó một ngọn đèn được thắp sáng; trong một ngôi làng có một trăm căn nhà. Nếu chín mươi chín vị gia chủ còn lại đi mang theo những tim đèn đã được nhúng dầu và mồi vào cây đèn của ông để thắp sáng, thì ánh sáng của ngọn đèn trong căn nhà ấy vẫn như cũ hay bị yếu đi?”

          “ Nó sẽ không bị yếu đi, bạch đại đức. Ngọn đèn sẽ chiếu sáng hơn trước,” người đàn ông trả lời. Rồi Paccekabuddha giải rõ:“ Như thế ấy, này con người có trí tuệ, nếu một người chia sẻ phước đã phát sanh đến vị ấy từ sự cúng dường vật thực, dầu chỉ là một muỗng hay một vá, vị ấy chia phước cúng dường này đến một trăm người hay một ngàn người, thì phước của vị ấy chỉ gia tăng và trở nên lớn hơn theo số lượng của những người chia phước. Bây giờ ông đã cúng dường một bữa ăn. Nếu ông chia phước của ông đến ông ta, thì sẽ có hai hành động bố thí vật thực, một là của ông (phước gốc) và hành động kia là của Sumana (là phước gia tăng thêm).”

          Khi hết hoài nghi và được an tâm, Annabhāra cung kính đảnh lễ Paccekabuddha và trở lại ông chủ. Anh ta hoan hỉ chia phước của mình bằng cách nói rằng: “ Thưa ông chủ, hãy hoan hỉ thọ lãnh phước mà tôi đã gieo tạo được từ sự cúng dường vật thực.” Rồi theo sau là một cuộc nói chuyện giữa trưởng giả Sumana và người nghèo khổ Annabhāra:

          Trưởng giả: Lành thay, này huynh, hãy cầm lấy một ngàn đồng tiền

          vàng.

          Annabhāra: Thưa ông chủ, tôi không bán vật thí của tôi. Thực ra, tôi vô cùng hoan hỷ chia phước cho ông.

          Trưởng giả: Này huynh, huynh chia phước cho ta với sự hoan hỉ to lớn. Về phần ta, ta cho huynh một ngàn đồng tiền vàng để tôn vinh công đức của huynh. Hãy cầm lấy nó, này huynh.

          Khi được bảo như vậy, Annabhāra bèn nhận lấy món tiền và nói rằng: “ Được rồi, xin nghe lời ông, thưa ông chủ.” Sau đó trưởng giả Sumana nói rằng: “ Này huynh, từ lúc huynh nhận món tiền này trở đi, huynh không cần làm việc tay chân nữa. (Huynh không còn là người làm công của ta.) Hãy xây một căn nhà cho mình trên con đường chính. Ta sẽ cấp cho huynh bất món gì huynh cần. Hãy lấy nó từ nhà của ta.” Như vậy ông trưởng giả đã nói lời hứa khả của mình.

          Annabhāra trở thành người đàn ông giàu có

          Sự cúng dường vật thực đến Paccekabuddha vừa mới xuất khỏi Thiền diệt thọ tưởng định được gọi là diṭṭhadhamma-vedaniya (hiện pháp thọ) – sự bố thí trổ quả vào ngày cúng dường. Thế nên, chính ngày hôm ấy, do năng lực của diṭṭhadhamma-vedaniya mà vị trưởng giả đưa Annabhāra đến cung điện của vua dù trong những ngày trước đó, vị ấy không làm như vậy.

          Khi đến hoàng cung, do năng lực phước báu của Annabhāra, đức vua không chú ý tới vị trưởng giả mà chăm chú nhìn Annabhāra. Rồi một cuộc đàm thọai giữa vị trưởng giả và đức vua diễn ra như sau:

          Trưởng giả: Tâu đại vương, tại sao đại vương nhìn chăm chú người đàn ông này?

          Đức vua: Bởi vì những ngày khác trẫm đâu thấy anh ta.

          Trưởng giả: Tâu đại vương, người đàn ông này xứng đáng được chăm chú.

          Đức vua: Này trưởng giả, người đàn ông này có giới đức nào mà khiến anh ta đáng được nhìn ngắm?

          Trưởng giả: Tâu đại vương, anh ta có được một ngàn đồng tiền vàng từ tay của thảo dân. Anh ta đã nhịn phần ăn của mình để dâng cúng đến Paccekabuddha Uparittha ngày hôm nay.

          Đức vua: Anh ta tên gì?

          Trưởng giả: Annabhāra, tâu đại vương

          Đức vua: Vì anh ta đã có một ngàn đồng tiền vàng, anh ta cũng nên có được một ngàn đồng tiền vàng khác từ tay của trẫm.

          Trẫm cũng muốn tôn vinh anh ta.

          Khi nói vậy, đức vua cũng ban thưởng cho Annabhāra một ngàn đồng tiền vàng.

          Sau đó, đức vua truyền lịnh xây cho Annabhāra một căn nhà. Theo lịnh của đức vua, người ta phát dọn một chỗ đất cũ và ở mỗi chỗ mà họ đào lên bằng những cái cuốc chim, họ ngạc nhiên nhìn thấy những cái hủ đầy vàng, hũ này sát cạnh hũ kia. Họ bèn tâu chuyện ấy lên đức vua. Đức vua truyền lịnh cho họ khai quật lên và khi đang đào thì những hủ vàng chìm xuống dần. Họ tâu lên đức vua về chuyện đó và đức vua truyền lịnh cho họ tiếp tục đào, nói rằng: “ Hãy làm như vậy nhưng đừng nhân danh trẫm, mà làm điều đó theo lời chỉ dẫn của Annabhāra.” Quân hầu trở lại chỗ đất và đào lại trong khi miệng nói rằng: “ Chúng tôi làm theo lời chỉ dẫn của Annabhāra.” Kết quả là tại mỗi chỗ đào, những hủ vàng nổi lên kết nhau như những tai nấm khổng lồ.

          Quân hầu thâu gom số vàng và bạc và mang tất cả chúng chất thành một đống ở gần đức vua. Đức vua tổ chức một cuộc họp các quan và hỏi rằng: “Ngoài Annabhāra ra, ai có tài sản tương xứng như vậy trong kinh thành Bārāṇasī này không?” Khi các quan trả lời là chẳng có ai khác, đức vua bèn truyền lịnh: “ Này các khanh trong trường hợp ấy, hãy cho Annabhāra làm vị trưởng giả hoàng gia, danh hiệu ‘Dhanadeṭṭhi ’ trong kinh thành Bārāṇasī của trẫm.” Chính ngày hôm ấy, Annabhāra trở thành vị trưởng giả hoàng gia, danh hiệu là Mahādhanaseṭṭhi, được đức vua ban cho chiếc lọng trắng, biểu tượng của sự giàu sang.

        2. Đời sống Sa-môn trong kiếp cuối

Từ khi trở thành vị trưởng giả hoàng gia tên Dhanaseṭṭhi, vị ấy đã làm nhiều việc phước cho đến hết cuộc đời, và khi thân họai mạng chung vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên. Con người phước đức ấy,

Anuruddha tương lai chỉ tái sanh trong cõi chư thiên và nhân loại trong một thời gian dài. Khi Đức Phật của chúng ta sắp xuất hiện, vị ấy tái sanh trong hoàng gia của Sukkodana, vị hoàng tử dòng dõi Sakyan (Thích ca). Hoàng tử được đặt là Anuruddha vào ngày lễ đặt tên. Hoàng tử Anuruddha là con trai của Sukkodana, cậu của Đức Phật và anh của hoàng tử Mahānama. Hoàng tử rất thanh nhã và đồng thời cũng rất có nhiều oai lực.

Đức Phật viếng thăm kinh thành Kapilavatthu lần đầu tiên và trong khi đang lưu trú trên đường trở về khu rừng Anupiya, hoàng tử Anuruddha cùng với các hoàng tử Bhaddiya, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta và người thợ cạo Upāli, tất cả xuất gia tỳ khưu (Sự kiện này được nêu ra chi tiết trong cuốn 3 của bộ Đại Phật Sử)

Sự chứng đắc Đạo Quả A-la-hán

Khi sáu vị hoàng tử dòng Sakyan cùng với người thợ cạo Upāli đến khu rừng Anupiya và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật. Trong bảy vị tỳ khưu này, Bhaddiya chứng đắc đạo quả A-la-hán trong mùa an cư ấy. Anuruddha chứng đắc Thiên nhãn thông (dibbacakhu), Devadatta tu chứng tám pháp chứng Hiệp thế; Ānanda an trú trong thánh quả Nhập lưu (sotāpatti-phala); Đại đức Bhagu và Đại đức Kimila chứng đắc đạo quả A-la-hán sau đó. Nguyện vọng trong quá khứ của những vị tỳ khưu này sẽ được mô tả trong những phẩm riêng của các ngài.

Nói về đại đức Anuruddha, trong mùa an cư đầu tiên, vị ấy đắc được tám thiền chứng và tu tập pháp thần thông và thiên nhãn thông mà có thể trông thấy một ngàn thế giới. Một hôm, vị ấy đi đến trưởng lão Sāriputta và nói:

“ Thưa tôn giả Sāriputta, (1) Tôi có thể trông thấy một ngàn thế giới bằng thiên nhãn thuần tịnh, vượt qua nhục nhãn của chúng sinh (2) Tôi đã nỗ lực tinh tấn. Không bị thất niệm, tôi có chánh niệm. Không trạo hối trong tâm, tôi được an tịnh. Tâm của tôi được nhất tâm và khéo tập trung. (3) Ngay khi ấy, tâm của tôi không phải không

dính mắc tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) và chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc (āsava).”

Khi ấy trưởng lão Sāriputta thuyết giảng đến Anuruddha liên quan đến thiền như sau:

  1. “ Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng: ‘ Tôi thấy một ngàn thế giới bằng Thiên nhãn thông, vượt qua nhục nhãn của chúng sinh’ thể hiện rằng hiền giả có ngã mạn (māna).

  2. “Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng: ‘Tôi đã nỗ lực tinh tấn. Không bị thất niệm, tôi có chánh niệm. Không trạo hối trong tâm, tôi được an tịnh. Tâm của tôi được nhất tâm và khéo tập trung,’ thể hiện rằng hiền giả có trạo hối (uddhacca)

  3. “ Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng ‘Ngay khi ấy, tâm của tôi không phải không dính mắc tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) và chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc (āsava)’ thể hiện rằng hiền giả có hoài nghi và lo lắng (saṃsaya-kukkucca).

    Do đó, tôi muốn cho hiền giả lời khuyên như sau: ‘ Hãy loại bỏ ba pháp này (ngã mạn, phóng dật và hoài nghi) mà đang phát triển trong tâm của hiền giả. Không nhận biết ba pháp này nữa, hãy hướng tâm đến pháp Bất tử (Nibbāna)!”

    Sau khi học thiền quán và được sự cho phép của Đức Phật, trưởng lão Anuruddha đến nước Ceti. Sống ở khu rừng trúc phía đông của nước ấy, trưởng lão thọ trì pháp Đầu đà.Trong mười lăm ngày, vị ấy không ngủ mà nỗ lực tinh tấn hành thiền bằng cách đi kinh hành. Và rồi trưởng lão trở nên mỏi mệt trong sự hành thiền đến nỗi trưởng lão phải ngồi dưới gốc một bụi tre nghỉ một chút. Trong lúc đang ngồi, những tư tưởng lớn của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) khởi sanh trong tâm của trưởng lão như sau:

    1. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người thiểu dục (tức là người không có ham muốn (icchā) và ái dục

      (tanhā), không phải trong người nhiều tham ái.

    2. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ đối với người dễ nuôi, không phải trong người hay bất mãn.

    3. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người thích yên tĩnh, không phải trong người thích hội chúng.

    4. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người đầy nghị lực, không phải trong người lười biếng.

    5. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có chánh niệm rõ ràng, không phải trong người thất niệm.

    6. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có tập trung, không phải trong người thiếu tập trung.

    7. Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có trí, không phải trong người ngu si.

(Ghi chú: về (1) người thiểu dục, có bốn loại (a) paccaya-appiccha, người thiểu dục về bốn món vật dụng; (b) adhigama-appiccha, người giữ bí mật không cho người khác biết pháp chứng đạo quả của mình; (c) pariyatti-appiccha, người giữ kín không để người khác biết sở học của mình; (d) dhutaṅga-appiccha, người giữ kín không cho người khác biết về pháp đầu đà mà mình đang thọ trì.

  1. Bậc paccaya-appiccha chỉ thọ lãnh một ít, dù được dâng cúng nhiều; khi được dâng cúng, vị ấy thọ lãnh ít hơn lượng vật thí được dâng cúng; không bao giờ lấy hết.

  2. Bậc adhigama-appiccha như trưởng lão Majjhantika không nói cho người khác biết về sự chứng đắc đạo quả (magga và phala) của mình mà giữ im lặng. Câu chuyện tóm tắt về trưởng lão Majjhantika như sau:

    Trưởng lão là bậc A-la-hán.Nhưng bình bát và chiếc y của Ngài trị giá chỉ một phần tư đồng tiền vàng. Vào ngày vua Asoka dâng cúng tịnh xá,Trưởng lão dẫn đầu chúng Tăng. Nhìn thấy bình bát và chiếc y của Trưởng lão quá cũ kỹ và sờn rách, mọi người nghĩ rằng Trưởng lão là một vị tỳ khưu già thấp hạ; thế nên người ta bảo Ngài chờ ở bên ngoài một lát. Khi đó Trưởng lão nghĩ: “ Nếu một vị A la hán như ta mà không đóng góp vào lợi ích của đức vua, thì ai khác sẽ làm điều đó?” Nghĩ vậy Trưởng lão

    liền lặn xuống dưới đất và thọ lãnh phần vật thực cúng dường đầu tiên dành cho vị tỳ khưu đứng đầu đã được dâng cúng đến Trưởng lão một cách tôn kính. Rồi Trưởng lão xuất hiện trở lại trong khi những người khác không hay biết gì. Bằng cách này, Trưởng lão không muốn người khác biết Ngài là bậc A-la-hán trước khi thọ lãnh vật thực.

  3. Bậc pariyatti-appiccha không muốn cho người khác biết về kiến thức kinh điển của mình dù đã thông suốt Tam tạng. Vị ấy giống như Trưởng lão Tissa, sống ở Saketa. Câu chuyện tóm tắt về Trưởng lão Tissa như sau:

    Trưởng lão Tissa được các vị tỳ khưu khác yêu cầu giảng dạy cho họ về Kinh tạng và Chú giải. Nhưng trưởng lão từ chối nói rằng ngài không có thời gian. Rồi các tỳ khưu hỏi trưởng lão, có vẻ như trách móc: “Tôn giả không có thời gian ngay cả chết sao

    ?” Bởi vậy trưởng lão rời bỏ các đệ tử và đến ngụ tại tịnh xá Kaṇikāravalika-samudda. Ngài ở đó trong ba tháng an cư ( như một vị tỳ khưu mù chữ vô danh). Trưởng lão làm tốt phận sự của mình đối với các vị đồng cư dù họ cao hạ, thấp hạ hay ngang bằng. Ngày rằm của tháng Assayuha (tháng 9 – tháng 10), vào lễ tự tứ Mahāpavāraṇā, trưởng lão thuyết pháp, khiến thính chúng nổi gai ốc. Họ nói lời tán thán và tung những chiếc khăn vấn đầu của họ lên trời. Như vậy trưởng lão đã tạo ra sự tán thưởng nhiệt trong thính chúng. Vì không muốn cho người khác biết rằng “ Đây quả thật là người đã thuyết pháp đêm qua,” Ngài bí mật trở về nơi ở trước vì trưởng lão là bậc thuộc bậc pariyatti appiccha.

  4. Bậc dhutaṇga-appiccha không muốn nói cho người khác biết về sự thọ trì hạnh đầu đà của mình. Vị ấy giống như người anh lớn của hai người. Bài tóm tắt sau đây kể về hai anh em như sau:

Hai anh em tỳ khưu đang ngụ trên ngọn đồi Cetiya. Người em đi đến người anh mang theo một cây mía để dâng cúng cho anh. “ Hãy dùng nó, thưa sư huynh,” vị tỳ khưu em nói. Vì người anh đã thọ thực xong rồi và đã rửa miệng nên vị ấy đáp rằng: “ Đủ rôi, sư đệ.” “Tại sao”, vị tỳ khưu em hỏi, “ có phải sư huynh đã nguyện

thọ trì hạnh đầu đà ekasanika-dutaṅga (là hạnh chỉ ăn một ngày một bữa)?” Lúc đó người anh mới bảo người em đem cây mía đến. Mặc dù vị ấy đã thọ trì pháp hành đặc biệt này suốt năm mươi năm, vị ấy ăn cây mía vì vị ấy muốn giữ kín pháp hành của mình không cho vị em biết. Sau đó vị ấy rửa miệng và nguyện thọ trì trở lại.

(Những bài mô tả này về bốn hạng người thiểu dục (appicha) được nêu ra trong Chú giải Aṅguttara Nikāya, cuốn 3 và những câu chuyện được kể lại từ Chú giải Majjhima Nikāya, cuốn 2. Trong bộ Chú giải sau, có thêm 3 loại người icchā (dục cầu), bốn hạng người thiểu dục (appicchā), mười hai hạng người tri túc (santosa), ba hạng người viễn ly (paviveka), năm hạng người thích tiếp xúc (saṃsagga), v.v… đã được nêu ra.)

Vào lúc đại đức Anuruddha đang nỗ lực tinh tấn với bảy ý nghĩ của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka), Đức Phật đang ngụ ở trong khu rừng Bhesakala, gần thị trấn Susumāragira, nước Bhagga. Khu rừng nằm ở phía tây của khu rừng trúc nơi mà trưởng lão Anuruddha đang tu tập. Do đó chỗ này được này được gọi là rừng trúc.

Sau khi dốc lòng tinh tấn với bảy ý nghĩ, trưởng lão Anuruddha quá mệt mỏi đến nỗi không thể bước thêm bước nữa để nghĩ về pháp thứ tám. Thực ra những vị Thinh văn mà đã nghĩ về bảy pháp trước rồi như thiểu dục, dễ nuôi, vắng lặng, tinh tấn, chánh niệm, định tâm, và trí tuệ thì miễn cưỡng để nghĩ đến một pháp cao hơn. Đối với các ngài, kết thúc bằng pháp trí tuệ là quy luật. Đó là lý do khiến đại đức Anuruddha, sau khi suy xét về pháp trí tuệ thứ bảy được gọi là đại nhân tầm (mahāpurisa-vitakka) thì đại đức quá mệt mỏi không thể suy xét đến vitakka thứ tám.

Đức Phật trong khi đang lưu trú trong khu rừng Bhesakala, Ngài biết rằng: “ Anuruddha mệt mỏi không thể suy xét đến vitakka thứ tám” và nghĩ rằng “ Ta sẽ giúp cho ước muốn của Anuruddha được thành tựu.” Ngay lập tức, Ngài xuất hiện trước mặt Trưởng lão và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn rồi. Rồi Đức Phật nêu ra vitakka thứ tám bị thiếu, nói rằng:

“ Này Anuruddha, thiện tai, thiện tai ! (1) Chín pháp siêu thế chỉ có thể thành tựu trong người thiểu dục, không phải trong người nhiều… (7) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được thành tựu viên mãn trong người có trí tuệ, không phải trong người thiếu trí tuệ. Này Anuruddha! Những sự quán xét của con thuộc về các bậc Thánh.

“ Này Anuruddha, như trường hợp của con, hãy tiếp tục pháp quán thứ tám. Là “ Chín pháp Siêu thế chỉ có thể được thành tựu viên mãn trong người vui thích Niết bàn thoát khỏi saṁsāra – các chướng pháp (papañca) kéo dài luân hồi, ( đó là ái dục (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi), không phải người ưa thích trong các chướng pháp (papañca).”

Như vậy Đức Phật đã cung cấp ý nghĩ thứ tám của bậc đại nhân. Rồi Đức Phật tiếp tục giảng chi tiết đến đại đức Anuruddha rằng, trong khi chuyên tâm vào tám pháp quán này, vị ấy dễ dàng nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền hợp thế, và trong khi nhập vào bốn thiền hợp thế, vị ấy có thể dễ dàng có được bốn thánh chủng hành đạo – ariyavaṃsa (con đường hành đạo thuộc dòng dõi các bậc Thánh), tức là (1) tri túc trong y áo (cīvara-santosa), (2) tri túc trong vật thực (piṇḍapāta-santosa) bao gồm thuốc chữa bệnh,

  1. tri túc trong chỗ ngụ và (4) vui thích trong sự tu thiền (bhāvanā-rāmata). (Bài thuyết giảng chi tiết về chủ đề này có thể tìm thấy trong bản dịch về bộ Aṅguttara Nikāya, cuốn 3).

    Sau khi thuyết giảng như vậy, Đức Phật nghĩ về chỗ ngụ thích hợp dành cho trưởng lão Anuruddha để tu thiền và Ngài thấy rằng khu rừng trúc sẽ là nơi thích hợp. Thế nên Ngài khuyên trưởng lão như sau:

    “ Này Anuruddha, (vì khu rừng trúc là chỗ ngụ thích hợp dành cho con) sau này hãy nhập hạ ở khu rừng trúc, trong nước Ceti này.”

    Sau khi đã khuyến giáo như vậy Đức Phật biến mất và xuất hiện trở lại ở khu rừng Bhesaka, nơi này Ngài thuyết giảng chi tiết tám pháp Mahāpurisa vitakkas đến các tỳ khưu ở đó.

    Sau khi Đức Phật ra đi, Trưởng lão Anuruddha nỗ lực tinh tấn hành đạo và chẳng bao lâu (trong mùa an cư kế tiếp) Trưởng lão đã

    chứng đắc đạo quả A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc (asāva), sở hữu trạng thái bao gồm tam minh là Túc mạng thông (pubbenivāsa-ñāṇa), Thiên nhãn thông (dibbacakkhuñāṇa), và Lậu tận thông (savakkhaya-ñāṇa). Khi ấy trưởng lão phấn chấn và nghĩ rằng: “ Ồ, nhìn thấy những trạng thái tâm của ta, Đức Phật đã đến và cung cấp cho ta mahāpurisa-vitakka thứ tám. Ước muốn trong tâm của ta giờ đây cũng đã được thành tựu viên mãn đến mức cao nhất!” Khi chú ý đến bài pháp của Đức Phật và pháp siêu thế, Trưởng lão bèn thốt lên câu kệ sau đây:

    1. Mama saṅkappam, aññāya,

      Sattha loke anuttaro. Mayomayena kāyena, uddhiya ypasaṁkami.

      Đức Thế Tôn, bậc Đạo sư của chư thiên và nhân loại, bậc Vô song trong ba cõi, đã biết những ý nghĩ của con, bằng sắc thân được tạo ra bởi tâm của Ngài, và qua năng lực thần thông ấy, đã đến trước mặt con trong chốc lát.

    2. Yathā me ahu saṅkappo tato uttari desayi Nippapañca-rato Buddho nippapañcam adesayi.

      Những ý nghĩ của bậc thánh nhân đã khởi sanh trong con bằng bảy cách. Do lòng bi mẫn, Đức Phật đã dạy con về ý nghĩ thứ tám, ý tầm cao hơn bảy pháp quán của con. Đức Phật, bậc Toàn tri, bậc Tối thượng trong thế gian, Bậc vui thích trong Niết bàn vô vi, thực sự thoát khỏi các pháp chướng ngại kéo dài luân hồi, do lòng bi mẫn đã dạy con về Niết bàn vô vi thực sự thoát khỏi các pháp chướng ngại kéo dài luân hồi.

    3. Tassāhaṃ dhammam aññāya vihāsiṃ sāvane rato.

Tisso vijjā anuppattā

kataṃ Buddhassa sāsanaṃ.

Con, Anuruddha, sau khi liễu ngộ Pháp do Đức Phật giảng dạy, bậc có danh hiệu là đấng Toàn tri, Bậc tối thượng của thế gian, con đã sống an lạc trong chính kiếp sống này, luôn luôn vui thích trong thiền quả trong giáo pháp gồm có ba pháp học. Ba minh gồm có Túc mạng minh (pubbernivāsañāṇa), đã được chứng đắc bởi con, tức Anuruddha, con đã nỗ lực tinh tấn và thực hành, đạt đến mục tiêu là đạo quả A-la-hán, giáo pháp gồm ba pháp học của Đấng Toàn Giác, Bậc đứng đầu trong thế gian.

(c ) Sự hoạch đắc trong danh hiệu Đệ nhất (Etadagga)

Sau đó, khi Đức Phật đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, Ngài triệu tập một cuộc họp ban danh hiệu Etadagga (Đệ nhất) cho số đông các tỳ khưu và tán dương Trưởng lão Anuruddha như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ dibbacakkhukānaṃ yad idam Anuruddho.

Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như lai mà có thiên nhãn, thì Anuruddha là Đệ nhứt.

Khi nói vậy, Đức Phật đã công bố Trưởng lão Anuruddha là người tối thắng (etadagga) về Thiên nhãn.

(Ở đây người ta có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao Đức Phật chỉ định riêng Anuruddha mặc dù trong đó có sự hiện diện của những vị A-la-hán tam minh (tevijja) khác và những vị A-la-hán lục thông (chaḷabhiññā) khác, tất cả họ đều có thiên nhãn ? Câu trả lời là: Thực sự thì tất cả những vị A-la-hán tam minh và lục thông khác đều có thiên nhãn nhưng các ngài không sử dụng nó nhiều như Trưởng lão. Khi Trưởng lão Anuruddha đi khất thực, ngoại trừ lúc độ thực, trưởng lão luôn luôn nhập thiền đề mục ánh sáng (āloka-kasiṇa) dò xét chúng sanh bằng thiên nhãn thông của Trưởng lão. Bằng cách này,

ngài đã đạt được năm pháp thuần thục về thiên nhãn và trở nên già dặn hơn (các vị A-la-hán khác). Đây là lý do để Đức Phật ban danh hiệu đệ nhất (etadagga) trong lãnh vực đặc biệt này.

(Câu trả lời khác là như thế này: Trưởng lão Anuruddha đã làm những việc phước suốt một trăm ngàn đại kiếp với nguyện vọng đạt được địa vị Tối thắng về Thiên nhãn thông. Do đó trong kiếp sống này, là kiếp chót của trưởng lão, trong đó các Ba-la-mật và những nguyện vọng của ngài đều được thành tựu viên mãn, trưởng lão xử dụng thiên nhãn nhiều hơn bất cứ vị A-la-hán nào khác do ước nguyện trong quá khứ. Cho nên Đức Phật đã ban tặng danh hiệu ấy.)

Nhặt chiếc y Phấn tảo do một vị thiên dâng cúng (Từ Chú giải bộ Dhammapada)

Khi Đức Phật đang ngự ở tịnh xá Jetavana, trong thành Rājagaha , đại đức Anuruddha đang tìm kiếm vải vụn để làm y phấn tảo, tại những đống rác và các nơi khác. Một vị tiên nữ tên Jālinī, đã từng làm vợ của trưởng lão cách ba kiếp trong quá khứ, hiện đang sống ở cõi Tāvatiṃsa (Đao lợi thiên). Khi thấy rằng trưởng lão đang tìm những miếng vải vụn, nàng bèn đem đến ba mảnh y của chư thiên, mỗi mảnh dài mười ba hắc tay và rộng bốn hắc tay. Nhưng nàng nghĩ “ Nếu ta dâng cúng những mảnh vải dưới dạng này thì trưởng lão có thể không nhận chúng.” Bởi vậy nàng bỏ chúng ở đống rác phía trước mặt trưởng lão; nàng đã sắp xếp ngài có thể trông thấy những chéo y.

Khi trưởng lão đến lối ấy để tìm vải vụn, ngài trông thấy những chéo y của chư thiên, trưởng lão nhặt chúng lên ngay chỗ ấy rồi đi, nghĩ rằng chúng có chất liệu tốt nhất.

Ngày trưởng lão may y, Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ khưu đi đến viếng thăm nơi ở của trưởng lão và ngồi vào nơi Phật tọa. Các vị trưởng lão cao hạ thuộc hội chúng tám mươi đại đệ tử cũng ngồi tại chỗ mà chiếc y đang được may. Đại đức Mahā Kassapa, Sāriputta và Ānanda đều giúp trưởng lão may những chiếc y, họ ngồi vào chỗ ngồi của họ và người giúp ở chỗ bắt đầu, ở chỗ giữa và chỗ cuối của chiếc

y. Các vị khác cũng đến giúp trưởng lão se chỉ trong khi chính Đức Phật thì xỏ chỉ qua kim. Đại đức Moggallana thì đi lui đi lại để gom nhặt những vật cần thiết khác cho việc may khâu.

Tiên nữ Jālinī đi vào thành phố và công bố: “ Hỡi mọi người, Đức Phật với chúng tám mươi đại đệ tử A-la-hán, cùng năm trăm vị tỳ khưu đang trú ngụ ở tịnh xá để may y cho thầy của chúng ta là đại đức Anuruddha. Hãy đi đến tịnh xá mang theo cơm dẻo và những vật thực khác.” Như vậy vị tiên nữ đã hối thúc những phụ nữ tụ họp mang theo vật thực. Đại đức Mahā Moggallāna mang những chùm trái jambu trong giờ nghỉ, trước giờ ăn. Năm trăm vị tỳ khưu không thể ăn hết lượng trái cây. Sakka, vua của chư thiên san bằng chỗ đất tại khu vực may y. Đồ ăn còn dư như cơm dẻo, thức ăn cứng và cơm còn lại rất nhiều.

Rồi các tỳ khưu chê trách trưởng lão Anuruddha nói rằng: “ Việc đem đến những loại vật thực số lượng lớn như thế này có ích gì. Thực ra, vị ấy đáng lẽ phải chú ý đến lượng vật thực cần thiết và nên bảo những quyến thuộc, những người hầu nam và nữ và các thí chủ rằng ‘ Nên đem đến bấy nhiêu thôi.’ Có lẽ trưởng lão muốn chúng ta biết rằng ngài có đông đảo quyến thuộc, người hầu và thí chủ.” Rồi Đức Phật hỏi họ đang bàn luận chuyện gì và khi họ trả lời về đề tài đang bàn luận, thì Ngài hỏi họ rằng: “ Này các tỳ khưu, có phải các ngươi nghĩ rằng tất cả những vật thực này do Anuruddha bảo đem đến chăng?” Khi các vị tỳ khưu xác nhận đúng như vậy thì Đức Phật nói rằng:

“ Này các tỳ khưu, con trai Anuruddha của Như Lai không bao giờ xin bốn món vật dụng nhiều như vậy. Thực ra, các vị A-la-hán không bao giờ nhấn mạnh về các món vật dụng. Thức ăn này có được do năng lực của một vị thiên!”

Sau khi đã giải thích như vậy, Đức Phật bèn nói lên bài kệ sau đây để giảng pháp:

Yassāsavā parikkhīṇā āhāre ca anissito

suññato animitto ca vimokkho yassa gocaro; ākāse va sakuntānaṃ padaṃ tassa-dirannayaṃ.

(Này các tỳ khưu, này các con!) Một vị A-la-hán mà bên trong bốn lậu hoặc, tức là: dục lậu (kāma), hữu lậu (bhava), kiến lậu (diṭṭhi) và vô minh lậu (avijjā) đã được đoạn tận, không còn chút dấu vết nào, thì không ái luyến thực phẩm do ái dục (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi). Trong quả chứng của vị ấy, vị ấy luôn luôn trú vào Nibbāna, được gọi là Không tánh giải thoát (suññatavimokkha) vì không có tham (rāga), sân (dosa) và si (moha), Nibbāna cũng được gọi là Vô tướng giải thoát hay Vô nhân giải thoát (animitta-vimokkha) vì nó hoàn toàn thoát khỏi các nhân như tham, sân và si. Nibbāna cũng được gọi là Vô nguyện giải thoát (appaṇihita-vimokkha) vì nó hoàn toàn thoát khỏi các ước muốn như tham, sân và si. Cũng như cái gì ở trong không trung được giẫm lên bởi đôi chân, được xúc chạm bởi ngực, đầu và đôi cánh của con chim bay trong không trung thì không thể biết được, cũng vậy sự đạt đến yếu tố Nibbāna sau khi chết, thì không thể biết được đối với những người bình thường.

Vào lúc kết thúc bài pháp đông đảo chúng sanh chứng đắc quả

thánh Nhập lưu, v.v…

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 381

Post Views: 1.492