Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

5 ác kiến : Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, giới cấm thủ kiến, Kiến thủ kiến

 

1/ – Biên kiến 

là một trong năm ác kiến, gồm có: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, giới cấm thủ kiến, Kiến thủ kiến .

Theo như đạo hữu hỏi trong thư, chúng tôi xin trích đoạn “Những Mộng Đàm về Phật Giáo Thiền Tông” của Quốc sư Mộng Sơn do Huỳnh Kim Quang dịch, (Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới ấn hành) nhằm nói rõ biên kiến như sau:

“Người chưa giác ngộ nghĩ rằng những niềm tin mà họ tưởng là thật, chính là căn nguyên, do đó, một khi họ đặt niềm tin vào bất cứ giáo nghĩa của trường phái nào, họ đều bác bỏ tất cả các trường phái khác. Một khi họ đặt niềm tin vào một người nào đó như là bậc đạo sư của họ, họ nghĩ rằng giáo nghĩa của mọi người khác đều là thấp kém, và ngay cả từ chối nghe bất cứ điều gì khác. 

Những người như vậy là những kẻ khờ dại nhất trong những người khờ dại .

Cũng có người ôm giữ mãi do dự và không quyết đoán, bởi vì những giáo nghĩa của nhiều trường phái và các vị đạo sư khác biệt nhau .

Thức ăn có nhiều mùi vị; cái nào có thể được xác định như là tinh chất? Như thể chất của con người khác nhau, vị giác của họ cũng vậy . Một số người thì thích ngọt bùi; một số người khác thì ưa thức ăn cay . Nếu các ngài nói rằng mùi vịmà các ngài thích là mùi vị tinh chất và phần còn lại là vô dụng, các ngài chính thật là kẻ khờ dại .

Như thế, theo giáo lý đạo Phật thì: bởi vì các ý thú tự nhiên của con người khác biệt nhau, có thể là, một giáo nghĩa đặc biệt nào đó, là giá trị đặc thù đối với một cá nhân nào đó được ban cho, nhưng nó trở thành sai lầm nếu người ta chấp chặt lấy nó như là điều duy nhất và chân lý duy nhất, để loại bỏ tất cả những giáo nghĩa khác …”… (Trang 152)

Trong Kinh Tăng Chi (Anguttara Nikaya) có một kinh gọi là Kinh Kamala. Đức Phật có nói với một Bà La Môn khi đến hỏi Phật :”Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn . Đừng tin tưởng điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì được nhiều người nói đi nhắc lại . Đừng tin tưởng điều gì vì là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng những thói quen đã có từ lâu khiến ta cho là đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng nhưng lại nghĩ rằng do một vị thần linh đã khai thị cho ta . Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì do các thầy có uy tín dạy . Chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, đồng thời có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có điều đó mới làm cho con người và cuộc đời được thăng hoa . “

trích https://thuvienhoasen.org/a4168/bien-kien-va-so-tri-chuong-xin-giai-thich-cho-toi-biet-ro-ve-hai-tu-nay

2. Thân kiến

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 7, TG.2011, tr.270-272)
Nguồn: ĐVXP, tập 7

HỏiKính thưa Thầy! Thân kiến là gì? Có phải là những kiến chấp về thân, coi trọng cái thân không? Có phải nó làm cho mình giảm nghị lực để chiến thắng mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh về thời tiết bệnh hoạn? Rồi nó luận tu pháp này dễ hơn, khỏe hơn (Vô vi, Yoga) để mình xa dần pháp môn chân chánh của đạo Phật? Nếu con muốn phá được thân kiến phải tu tập những gì để có sức tự chủ? Con cúi xin Thầy giúp con thoát khỏi hoặc ngăn ngừa những sai lầm!

Ðáp: Con hiểu về thân kiến rất đúng. Trên đời, người ta khổ vì chấp thân là của ta, gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp việc khó khăn, gặp khí hậu thời tiết, bệnh tật khó khăn là ta đi tìm cách tránh né cho khỏe thân hơn, tức là chấp ngã.

Tu hành là phải xả tâm; diệt ngã, ly dục, ly ác pháp quá khó khăn, khiến cho thân tâm phải mệt nhọc từng phút, từng giây, để chiến đấu làm chủ đời sống của mình. Vì tu hành quá vất vả, nhiều người nản chí và thối tâm chạy theo tu các pháp môn Tịnh Ðộ, Mật Tông, Thiền Tông, Vô vi, Yoga, v.v… Ðó là do bệnh chấp ngã, xem ngã trọng, sợ ngã mệt nhọc, để tu các pháp khác an ổn, hỷ lạc hơn, ngồi thiền nhiều khỏe hơn.

Tất cả những lý luận này là lý luận chấp ngã, nuôi ngã, dưỡng ngã. Người chấp ngã, nuôi ngã là đi ngược lại đường lối tu tập của đạo Phật, thì dù có tu muôn kiếp cũng khó giải thoát được. Tu như vậy thì tu để làm gì, tốt hơn sống ngoài đời có đạo đức nhân bản – nhân quả còn khỏe hơn là chạy đi tìm dục lạc trong thiền định. Nếu nói để trị bệnh, thì làm sao thiền định trị bệnh được. Bệnh gốc do nhân quả, muốn trị thì phải trị bằng nhân quả, sao lại trị bệnh bằng thiền tưởng? Thiền tưởng chỉ làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và phục hồi những rối loạn chức năng của cơ thể, chứ không thể chữa hết nghiệp nhân quả bệnh khổ.

Muốn phá được thân kiến thì chỉ có các pháp thiền định của đạo Phật:

1- Ðịnh Niệm Hơi Thở.

2- Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác.

3- Ðịnh Vô Lậu.

4- Ðịnh Sáng Suốt.

Hàng ngày phải chuyên cần tu tập pháp hướng tâm: “Tâm như cục đất, lìa tham, sân, si hết” thì thân kiến mới dứt.

trích http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/903-tklg-dv7

3.Tà kiến

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại; các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại; các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt”. (Kinh Tà Kiến, phẩm Chủng Tử, Tăng Chi Bộ). 

Tà kiến

Tà kiến là cái thấy biết sai lệch. Nó là nguồn gốc của mọi bất thiện. Tất cả những điều tội lỗi có mặt trên đời là do nó. Bài kinh Chánh Tri Kiến thuộc Trung Bộ Kinh có giải về chánh kiến như sau: “Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bản bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bản thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”. Tuệ tri ở đây không phải là hiểu biết suông, kiến thức mà nó là sự biết rõ nhờ nghe, suy tư và thể nghiệm. Kinh giải: bất thiện là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, ác khẩu, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Căn bản của bất thiện là tham, sân, si. Thiện là những điều ngược lại với bất thiện. Căn bản của thiện là không tham, không sân, không si. Không tuệ tri được các pháp đó, tức là bị tà kiến. Người thế gian do có tà kiến nên mới hằng ngày tạo vô số nghiệp tội. Vì tạo nghiệp tội nên phải chịu quả khổ mãi không thôi.

Trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh có nói đến 62 tà kiến, được chia như sau: tà kiến chấp theo quá khứ có 18 điều, 5 phần là thường kiến (có 4 nguyên do), thường vô thường kiến (có 4 nguyên do), biên vô biên kiến (có 4 nguyên do), vô ký kiến (có 4 nguyên do), vô nhân sinh kiến (có 2 nguyên do) và tà kiến chấp theo vị lai có 44 điều, 5 phần là hữu tưởng kiến (có 16 nguyên do), vô tưởng kiến (8 nguyên do), phi tưởng phi phi tưởng kiến (có 8 nguyên do), đoạn kiến (có 7 nguyên do), Niết-bàn hiện tại kiến (có 5 nguyên do). (Trích bản giải Siêu Lý Tiểu Học do HT. Tịnh Sự dịch). Để hiểu rõ hơn, quý vị hãy đọc kinh Phạm Võng. Sư Toại Khanh giảng bài kinh Phạm Võng đã gom 62 tà kiến thành 2 tà kiến là thường kiến và đoạn kiến. Sư giải thích như sau:

1. Thường kiến:

+ Tin vào cái tôi vĩnh cửu.

+ Tin vào một bề trên có toàn quyền sinh sát, một đấng sáng tạo hóa.

+ Tin vào một cứu cánh thoát khổ nào đó đi ngược với lý nhân quả.

2. Đoạn kiến:

+ Vô nhân kiến: cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên có, không do nhân quả gì hết.

+ Vô hành kiến: cho rằng thiện ác giống hệt nhau, chỉ là hành động mà thôi, có thể tha hồ sống và hành động theo ý thích.

+ Vô hữu kiến: cho rằng những gì mình không chứng minh được, không thấy không nghe là không có, không thật.

Hiểu đơn giản là một cái cho rằng chết rồi là còn mãi (ví dụ: người chết vẫn được làm người, vật chết vẫn làm vật) hay chết là lên thiên đường sống mãi mãi hay xuống địa ngục mãi mãi; một cái cho rằng chết rồi là mất hẳn. Do quan điểm sai lầm như thế, nên người ta mới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, tham lam, sân nhuế, tà kiến, mê tín dị đoan mà không có sợ hãi nhân quả sẽ đến với mình. Do không có ánh sáng của đức Phật nên tà kiến như thế đã được nhiều người chấp nhận và rao giảng. 

Kinh Pháp Cú có câu:

“Đường dài cho kẻ mệt
Đêm dài cho kẻ thức
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết chân diệu pháp”
.

Vì không biết chân diệu pháp nên kẻ ngu cứ mãi tạo nghiệp, do tạo nghiệp nên kẻ ngu tiếp tục luân hồi, chịu nhiều khổ đau.

Kinh Chánh Tri Kiến còn dạy, xin được tóm gọn, đó là tuệ tri thức ăn, tập khởi thức ăn, đoạn diệt thức ăn, con đường đi đến đoạn diệt thức ăn. Tuệ tri về khổ, tập, diệt, đạo (Tứ diệu đế). Tuệ tri mỗi chi phần của 12 nhân duyên như tuệ tri về già chết, tập khởi của già chết, đoạn diệt của già chết, con đường đưa đến đoạn diệt già chết… Tương tự cho 11 chi phần còn lại là sinh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục xứ, danh sắc, hành, vô minh. Cuối cùng là tuệ tri lậu hoặc, tập khởi lậu hoặc, đoạn diệt lậu hoặc, con đường đi đến đoạn diệt lậu hoặc. Để hiểu rõ hơn, xin quý vị đọc kinh Chánh Tri Kiến trong Trung Bộ Kinh.

Tóm lại, không biết rõ về thiện ác, thức ăn, Tứ diệu đế, lý duyên khởi (nhân duyên, nhân quả), lậu hoặc tức là không có chánh tri kiến. Không có chánh kiến tức là tà kiến. Hành động, lời nói, suy nghĩ hợp với tà kiến là hành động tà, lời nói tà, suy nghĩ tà. Ví dụ: do không rõ thiện ác, nhân quả nên suy nghĩ tham của người, hận thù người, gây hại cho người, lời nói dối trá, lừa đảo, ma ranh, sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, xem tướng, bói toán, cúng sao giải hạn, cúng thần tài, các hình thức mê tín dị đoan trái luật nhân quả… Thế gian không thoát được khổ đau bởi vì tà kiến lẫy lừng mà trong kinh hay nói là rừng rậm tà kiến. Lý duyên khởi dạy: “Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này có thì cái kia có”. Suy ra, tà kiến sinh thì tà tư duy sinh, tà tư duy sinh thì tà ngữ sinh, tà ngữ sinh là tà nghiệp sinh, tà nghiệp sinh là tà mạng sinh, tà mạng sinh là tà tinh tấn sinh, tà tinh tấn sinh là tà niệm sinh, tà niệm sinh là tà định sinh, tà định sinh là tà trí sinh. Như vậy, tà sinh là tất cả các điều ác sinh, các điều thiện bị diệt mất.

Trăm người thế gian là trăm người muốn thoát khổ. Nguyên nhân không rõ thì không thể đoạn diệt khổ. Khổ sinh do nghiệp sinh, nghiệp sinh do vô minh sinh. Vô minh chính là tà kiến. Lý duyên khởi dạy: “Cái này diệt thì cái kia diệt, cái này không thì cái kia không”. Vì vậy, để diệt khổ thì phải diệt tà kiến. Diệt tà kiến là chỉ cần có chánh kiến, có chánh kiến là nhờ tuệ tri thiện ác, thức ăn, Tứ diệu đế, lý duyên khởi, lậu hoặc.

Đầu tiên là tìm hiểu các kinh nói về thiện ác, Tứ diệu đế, lý duyên khởi rồi tìm kiếm chú giải, hoặc sách, hoặc video giảng về các vấn đề trên. Sau đó, đọc nghe và nghiền ngẫm cho thông suốt. Cuối cùng, áp dụng thực hành trong đời sống hiện thực. Nếu tìm hiểu mà không thông thì phải tìm những bậc Thầy sáng suốt giải đáp.

Nếu muốn giác ngộ thì không thể bỏ qua việc tu tập chánh kiến, đoạn diệt tà kiến. Sư Toại Khanh giảng, để đoạn diệt tà kiến thì phải thường xuyên quán: “Mọi thứ có mặt, hiện hữu ở đời là do duyên”. Ví dụ con người và các loài động vật, thực vật sống được là nhờ vô số duyên như: mặt trời, ánh sáng, nhiệt độ, hơi ấm, khí hậu, thời tiết, không khí, nước, mưa, mây, gió, tầng ozon, sông, suối, núi, biển, hồ, ao, đất, cát, kim loại, các loại lực vật lý, trao đổi chất, di truyền, năng lượng, các định luật vật lý, hóa học, sinh học… Quán chiếu để thấy rõ bản chất của các pháp là không. “Không” không phải là không có mà “không” là không tự tánh, không độc lập, không bản ngã, không đấng sáng tạo. Chúng vận hành theo lý duyên khởi (lý duyên sinh và lý duyên diệt). Từ ví dụ này, chúng ta có thể suy nghĩ thêm nhiều ví dụ tương tự.

Với một chút kiến thức nho nhỏ, người viết xin được chia sẻ. Hy vọng, người có duyên sẽ đọc và yêu thích trong việc tu học Phật pháp. Cuối lời, kính chúc những người có duyên đọc bài viết này được nhiều sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống.

Tâm Huỳnh

http://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-ta-kien-4675/

Xem thêm : 62 loại tà kiến https://tamhoc.org/2021/05/09/62-loai-ta-kien/

4. Giới cấm thủ

Từ batchanhdao.vn

Có hai khái niệm khác nhau nhưng đa số người học Phật nhầm lẩn, đồng hoá chúng, không phân biệt chúng rõ ràng, đó là GIỚI và LUẬT.
* GIỚI là những lời nói, hành động, ăn uống nuôi mạng có tính chất “trong sạch”, đó là những lời nói, hành động không có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi ( và các chất gây say sưa, nghiện ngập ). Trong Bát Chánh Đạo, gồm ba nhóm ( ba uẩn ) Giới – Định – Tuệ thì Giới chính là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Đây là lời nói, hành động xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo do Chánh kiến làm nhân mà phát sinh. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng được gọi là Giới vì nó không do Tham Sân Si khởi lên, không còn là tác nhân phát sinh Khổ. Vì vậy, Giới ( Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng ) không còn TẠO TÁC RA KHỔ nên gọi là VÔ TÁC GIẢI THOÁT, là một trong ba giải thoát ( Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát ). Giới phát sinh do Định ( Chánh định ) và Tuệ ( Chánh kiến ) trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo theo tuần tự :
XÚC – < Thọ – Tưởng ) – Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – [ Tĩnh giác ] – Chánh tư duy – Chánh kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Mô tả thuần tuý tiếng Việt sẽ là :
XÚC – < Cảm giác – Ghi nhận > – Trí nhớ Chánh – Tích cực Chánh – Chú tâm Chánh – [ Trực giác ] – Tư duy Chánh – Hiểu biết Chánh – Quyết định ( chánh ) – Lời nói Chánh, Hành động Chánh, Nuôi mạng Chánh.
– [ ] * LUẬT là những điều học, những quy định mà Đức Phật chế định ra, những điều cấm kỵ bắt buộc người học phải tuân thủ như cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm…. nhằm đưa đến lời nói hành động được “trong sạch”, để có Giới. Luật của Phật tử tại gia có 5 điều cấm hoặc 8 điều cấm, luật của Tỷ kheo có 227 điều cấm, Tỷ kheo ny có trên 300 điều cấm … Luật còn gọi là Giới bổn hay tiếng Pali gọi là Patimokha. Nguyên do Đức Phật chế định Giới bổn Patimokha, gồm các điều luật, những điều cấm kỵ, những điều không được làm là do một số Tỷ kheo không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Chánh Định ( Định ), không có Chánh Kiến ( Tuệ ) nên không có Giới ( Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng ). Lời nói, hành động của họ do không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Giới mà nó phát sinh từ Bát Tà Đạo, nên nó là Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng do Tham Sân Si khởi lên. Những lời nói, hành động đó làm phát sinh một số tệ nạn trong đời sống Tăng đoàn, làm xáo động đời sống của các Tỷ kheo hiền thiện, làm cho quần chúng chưa có lòng tin không có được lòng tin, làm cho ai có lòng tin nơi Chánh pháp bị sụt giảm. Những điều luật, những điều cấm kỵ mà Đức Phật chế định nhằm chế ngự hạng người không có Giới này, chứ không phải là giữ trọn những điều cấm kỵ ( Luật ) sẽ phát sinh Định, Định sẽ phát sinh Tuệ ( Giới Luật sinh Định, Định sinh Tuệ ) như các chú giải, luận giải sau này.
– [ ] GIỚI và LUẬT là hai khái niệm khác nhau mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng gồm Pháp và Luật, trong đó GIỚI thuộc về Pháp, còn LUẬT hiểu đúng là Luật lệ được quy định trong đời sống Tăng đoàn thuộc về Luật. Vì GIỚI thuộc về Pháp, thuộc Tạng Kinh, nên có tính chất là “không bị chi phối bởi thời gian, không gian” nên bất kỳ vị Phật nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai thuyết giảng lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đều thuyết giảng về Định, Tuệ, Giới, bất cứ ai, nơi nào, thời gian nào mà Bát Chánh Đạo khởi lên thì đều có GIỚI, đều có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng như nhau không sai khác. LUẬT thuộc về Tạng Luật, là luật lệ được đặt ra nên nó thay đổi theo thời gian và không gian, tuỳ theo thời gian và địa điểm mà nó được chế ra, được áp dụng. Có những điều luật chỉ áp dụng cho chỗ này mà không áp dụng cho chỗ kia, cho thời gian này mà không cho thời gian kia. Vì vậy, trong 20 năm đầu của lịch sử Tăng đoàn chưa có một điều luật nào được chế định, và trước khi nhập diệt Đức Phật đã căn dặn : Sau khi Như Lai nhập diệt, chư Tăng có thể bỏ đi một số điều luật ( học giới ) nhỏ nhặt ( không quan trọng ). Trong Tạng Luật cũng đã nói rõ, trong sáu vị Phật quá khứ ( xuất hiện trước Đức Phật Gotama ) thì chỉ có 3 vị có chế định các điều luật, 3 vị còn lại không chế định, không lưu hành một điều luật, một cấm kỵ nào.
– [ ] Giới cấm thủ và Giới trong Bát Chánh Đạo : lấy một Giới cụ thể là hành vi không sát sanh để hiểu về tất cả Giới :
– [ ] – Giới cấm thủ : Những người chưa học hỏi về Đạo Phật, chưa tiếp xúc với Đạo Phật, chưa nghe nói đến cấm kỵ sát sanh thì họ có thể có hành vi sát sanh. Hành vi sát sanh của họ hoặc do Tham, hoặc do Sân, hoặc do Si. Sát sanh do Tham như thích thịt ngon của con vật, thích nhiều tiền nên làm nghề đồ tể …, sát sanh do Sân như bị con muỗi đốt nên tức giận đập chết con muỗi …, sát sanh do Si là tìm kiếm niềm vui trong việc sát sanh như ngày chủ nhật rãnh rỗi đi tìm thú vui trong câu cá, bắn chim… Những người được nghe giảng : sát sanh sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tương lai sẽ bị bệnh tật, kiếp sau sinh ra sẽ bị đui què mẻ sứt, sẽ sống trong nghèo khổ, tật bệnh …. Không sát sanh thì kiếp sau sẽ được làm người tốt đẹp, khỏe mạnh giàu có. Do nghe, hiểu và tin như vậy nên những điều đã học được lưu giữ vào bộ nhớ tâm thức. Khi những người này đối diện với tình huống tương tự thì do Trí nhớ, nhớ lại những điều đã học trên mà sẽ khởi lên Hiểu biết : nếu sát sanh sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ …, nếu không sát sanh thì tương lai sẽ hạnh phúc … Do Hiểu biết như vậy mà sẽ phát sinh hành vi Thích thú ( tham ) hạnh phúc do không sát sanh, Sợ hãi ( sân ) nỗi khổ của sát sinh. Và do Thích, do Ghét ( Tham Sân ) như vậy mà những người đó sẽ không sát sanh, họ thành tựu Giới không sát sinh. Nhưng Giới thành tựu như vậy do Tham, do Sân mà khởi lên nên gọi là Giới Cấm Thủ. Mọi Giới khác thành tựu nhưng do Tham, do Sân, do Si thì đều thuộc Giới Cấm Thủ, không phải là Giới trong Giới Luật bậc Thánh.
– [ ] – Giới thành tựu trong Bát Chánh Đạo : Những người đã nghe giảng về Tứ Thánh Đế có được Hiểu biết đúng sự thật Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si, Chấm dứt Tham Sân Si là Chấm dứt Khổ. Sát sanh là do Tham Sân Si, sẽ đưa đến khổ, không sát sanh sẽ nhiếp phục rồi đoạn tận tham sân si, sẽ chấm dứt khổ. Khi đối diện tình huống tương tự nếu họ Nhớ được điều đã học trên ( Chánh niệm ) thì họ sẽ có Hiểu biết đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo ( Chánh kiến ) và do Hiểu biết đó mà họ sẽ không sát sanh, thành tựu được Giới không sát sanh. Giới được thành tựu như vậy không do Tham Sân Si mà do Chánh niệm ( Trí nhớ chánh ), do Chánh kiến ( Hiểu biết chánh ) trên Bát Chánh Đạo mà thành tựu nên đó chính là Giới trong Giới Luật bậc Thánh.
– [ ] Chỉ khi nào tu tập Bát Chánh Đạo, an trú lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế với BA TRỤ CỘT là Chánh Niệm ( Trí nhớ Chánh ) – Chánh Định ( Chú tâm Chánh ) – Chánh Kiến ( Hiểu biết Chánh ) gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ thì lúc đó GIỚI mới được thành tựu. Giới được thành tựu do Chánh Niệm – Chánh Đinh – Chánh Kiến ( Niệm – Định – Tuệ ) mới là Giới trong Giới Luật bậc Thánh. Khi không tu tập Bát Chánh Đạo, không có Niệm – Định – Tuệ thì lộ trình tâm đó là Bát Tà Đạo với Tà Niệm – Tà Định – Tà Kiến, với Tham Sân Si, Phiền não và nếu thành tựu Giới thì Giới đó là Giới Cấm Thủ. Muốn hiểu đúng và tu đúng theo Chánh Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng, mức đầu tiên là bậc Thánh Nhập lưu thì phải Chấm Dứt Giới Cấm Thủ.

Đại Đức Nguyên Tuệ, 03/10/2019

batchanhdao.vn

2. 1 ví dụ giới cấm thủ

Giới cấm thủ chính là khi ta giữ gìn giới luật Phật mà thiếu trí tuệ, không uyển chuyển. Thành ra cứng nhắc, thậm chí gây trở ngại trong việc tu.

Câu chuyện sau đây sẽ giúp ta dễ hiểu hơn :

Trong một chuyến tàu đi từ tỉnh này sang tỉnh nọ trên biển. Chiếc tàu này chở rất nhiều nhà Sư tu hành, trong đó có một Vị đã đắc đạo.

Khi tàu đi ra giữa biển khơi, được hai ba ngày thì tàu gặp bão. Vì bão nên tàu phải ghé vào một hòn đảo giữa biển để nghỉ một hai ngày.

Sau khi hết bão, tàu tiếp tục đi và ra khơi lại. Nhưng lượng lương thực theo như dự kiến đã dần cạn kiệt.

Vị cao tăng đắc đạo trên tàu là người tu hạnh đầu đà. Ngài chỉ ăn ngày một buổi, không quá ngọ, và chỉ ngủ ngồi, cả đời không nằm.

Bữa trưa hôm đó Ngài đã dùng bữa. Và đến chiều mọi người dùng bữa, nhưng Ngài không dùng, vì Ngài chỉ ăn ngày một bữa.

Tuy nhiên, khi mọi người dùng xong, trong nồi vẫn còn dư hai bát mì. Và người nấu bếp định đổ chúng xuống biển.

Nhìn thấy vậy, Vị cao tăng kêu người nấu bếp lại và nói cho Ngài hai bát mì đó. Và thế là Ngài ăn luôn hai bát mì đó.

Rõ ràng ta thấy trên luật là phạm giới, tuy nhiên với Ngài lúc này lại là không. Vì Ngài không có tâm hưởng thụ và vì hoàn cảnh đang hết lương thực.

Tuy nhiên, khi không giữ giới, ta cần cân nhắc rất cẩn thận, đắn đo suy nghĩ kĩ lưỡng. Nếu không ta sẽ bị phạm giới, chứ không phải giới cấm thủ.

3. Hiểu cho đơn giản

– Giới cấm thủ là chấp giữ vào giới, không thể buông bỏ. Trong đạo Phật, giới là rất quan trọng trong việc tu hành, nhưng vào giai đoạn chót, muốn được giải thoát thì tâm không thể bị vướng mắc vào bất cứ thứ gì, kể cả giới. Ai chưa xả bỏ được thì chưa thể giải thoát.

CÂU CHUYỆN VỀ CÔ GÁI TRẺ, HAI NHÀ SƯ
VÀ 12 CHỮ KHIẾN CUỘC ĐỜI BẠN LUÔN PHIỀN NÃO


Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh.

Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, không chút đắn đo, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi mà vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?”.”

A Sư 2

Câu trả lời của vị lão hòa thượng chứa đựng một thông điệp mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần khắc cốt ghi tâm

5. Kiến thủ kiến

Dṛṣṭi-paramarsa-dṛṣṭi (S), Dṛṣṭiparamarsa (S), Uddhacca (P), Restlessness, Anuddhatya (S)Trạo cử, Kiến đẳng thủ kiến Cố chấp vào ý kiến của mình, tự cho là đúng hơn cả. Chấp trước những kiến giải phi lý. Một trong Thập sử.

Trên đây là ý nghĩa của từ kiến thủ kiến trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

  Kiến thủ là gì? _ Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là nắm giữ, cố chấp. Vậy kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức, quan điểm. Cho nên nói cố chấp là bị kẹt; vì bị kẹt nên cánh cửa chân lý không có cơ hội mở ra cho những ai cố chấp.

       Đức Phật soi sáng ý nghĩa tai hại của sự cố chấp bằng chuyện kể như sau: có anh chàng thương gia góa vợ kia, sống với đứa con trai duy nhất của mình; anh ta cưng quí đứa con và coi như đó là lẽ sống của mình. Một ngày kia khi anh ta đi công việc bên ngoài, ở nhà kẻ cướp đến đốt làng phá xóm, cướp bóc xong bắt đứa con của anh ta đi theo. Khi về tới nhà, anh ta thấy thi thể một em bé cháy đen nằm bên căn nhà cháy rụi của mình. Anh ta tin ngay rằng con trai mình đã chết, anh ta khóc than thảm thiết rồi đem hỏa táng và cất giữ tro vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau, đứa con của anh trốn được khỏi tay bọn cướp chạy về nhà lúc nửa đêm, gỏ cửa đòi vào nhà. Người cha lúc ấy đang ôm chiếc túi gấm than khóc 1 mình, không chịu đứng dậy ra mở cửa; anh ta tin rằng con anh ta đã chết thật rồi còn đứa trẻ đang gỏ cửa đó là 1 đứa bé nào đó muốn chọc phá anh; vì vậy mà đứa con thật của anh phải ra đi và người cha tội nghiệp kia vĩnh viễn mất đứa con thật của mình!

  Kiến thủ là gì? _ Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là nắm giữ, cố chấp. Vậy kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức, quan điểm. Cho nên nói cố chấp là bị kẹt; vì bị kẹt nên cánh cửa chân lý không có cơ hội mở ra cho những ai cố chấp.

       Đức Phật soi sáng ý nghĩa tai hại của sự cố chấp bằng chuyện kể như sau: có anh chàng thương gia góa vợ kia, sống với đứa con trai duy nhất của mình; anh ta cưng quí đứa con và coi như đó là lẽ sống của mình. Một ngày kia khi anh ta đi công việc bên ngoài, ở nhà kẻ cướp đến đốt làng phá xóm, cướp bóc xong bắt đứa con của anh ta đi theo. Khi về tới nhà, anh ta thấy thi thể một em bé cháy đen nằm bên căn nhà cháy rụi của mình. Anh ta tin ngay rằng con trai mình đã chết, anh ta khóc than thảm thiết rồi đem hỏa táng và cất giữ tro vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau, đứa con của anh trốn được khỏi tay bọn cướp chạy về nhà lúc nửa đêm, gỏ cửa đòi vào nhà. Người cha lúc ấy đang ôm chiếc túi gấm than khóc 1 mình, không chịu đứng dậy ra mở cửa; anh ta tin rằng con anh ta đã chết thật rồi còn đứa trẻ đang gỏ cửa đó là 1 đứa bé nào đó muốn chọc phá anh; vì vậy mà đứa con thật của anh phải ra đi và người cha tội nghiệp kia vĩnh viễn mất đứa con thật của mình!

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 11321

Post Views: 11.242