Nhìn chung nhắc đến pháp môn tu tập thì Phật giáo Đại thừa là sử dụng nhiều nhất : nhiều , đa dạng phù hợp nhiều căn cơ.

1.Khái niệm pháp môn

Pháp môn 法門 có nghĩa là:

[ja] ホウモン hōmon ||| “dharma-gate.” The Buddhist teaching; a doctrine. The true teaching. The Buddha’s teaching. The gate of truth. The gate that enters into the truth. The gate to the enlightened state (dharma-mukha).
=> Giáo lý Phật pháp; học thuyết; chính pháp. Giáo lý của Đức Phật. Cánh cửa chân lý. Cửa ngõ dẫn vào chân lý. Cánh cửa dẫn đến giải thoát giác ngộ (s: dharma-mukha).

( phatgiao.org.vn)

2.Đức Phật có dạy 84000 pháp môn không?

Tham khảo từ bài viết của TT Thích Nhật Từ trong daophatngaynay

https://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dd-dao-phat/16991-duc-phat-co-day-84-000-phap-mon-khong.html

 84,000 là con số có trong văn học Pali, nhưng khái niệm “84,000 pháp môn” không hề có trong kinh điển Pali. Con số pháp môn khổng lồ này thực tế là do Phật giáo Trung Quốc (bao gồm một số dịch giả dịch Kinh điển từ tiếng Sanskrit sang Hán cổ và một số tăng sĩ Trung Quốc) đặt để ra, do dựa vào khái niệm “pháp uẩn” (P: dhammakkhandha; C: 法蘊) trong văn học Pali rồi đổi thành “pháp môn” (法門).

Pháp môn giáo lý nguyên thủy

 Đức Phật chỉ truyền bá con đường duy nhất là Tứ thánh đế, mà cốt lõi là nhận diện khổ đau, truy tìm nguyên nhân của nỗi khổ, niềm đau và thực tập bát chính đạo để đạt được niết-bàn ngay trong kiếp sống hiện tại này.

3.Ba pháp tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam

https://giacngo.vn/ba-phap-tu-truyen-thong-cua-phat-giao-viet-nam-post35209.html

GN – Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh, Mật được phổ biến tại nước ta. Lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu này có ảnh hưởng tích cực đến con người và xã hội qua nhiều thời đại.


Tam tổ Trúc Lâm

I. Thiền tông

1- Thiền giáo

Sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang xác định rằng, đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ I Tây lịch. Quá trình du nhập diễn ra bằng hai con đường, thứ nhất do các nhà sư Ấn Độ từ phương Nam theo các thuyền buôn đến, thứ hai do các nhà sư từ phương Bắc xuống theo đường bộ. Tuy vậy, Việt Nam tiếp nhận đạo Phật đầu tiên là từ hướng Ấn Độ chứ không phải từ hướng Trung Hoa. “Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ III. Không những Khương Tăng Hội sáng tổ của Thiền học Việt Nam, ông cũng phải được xem là người đầu tiên đem Thiền cho phát huy ở Trung Hoa nữa”[1].

Theo Thiền uyển tập anh, Quốc sư Thông Biện (?-1134) trả lời cho Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu, tức mẹ của vua Lý Nhân Tông như sau: “Giáo thì lấy Mâu Bác, Khương Tăng Hội làm đầu, Thiền thì lấy Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) làm phái trước, Vô Ngôn Thông làm phái sau. Đó là những vị tổ sư hai phái”[2]. Tiếp theo nữa có Chi-cương-lương-tiếp (Kalasivi) đến Giao Châu năm 255, dịch kinh Pháp hoa tam muội tại đây. Kinh này được xem là kinh thiền thuộc pháp môn thiền Đại thừa đốn giáo. Về sau có Thiền sư Huệ Thắng, thế kỷ thứ V, theo học đạo Thiền với Thiền sư Đạt-ma-đề-bà (Dharmadeva) là người Ấn Độ.

Tục cao tăng truyện viết: “Thích Huệ Thắng là người Giao Chỉ, ở chùa núi Tiên Châu, đã từng vân du khắp các miền sông núi, thong dong tự tại, đọc kinh Pháp hoa mỗi ngày mỗi lần… đã từng theo vị thiền sư ngoại quốc là Đạt-ma-đề-bà để học phương pháp quán hạnh về thiền, mỗi khi nhập định đến ngày mai mới xuất định…”[3]. Thiền giáo với hệ thống kinh điển đương thời, dần phát triển và hình thành một gương mặt mới của Thiền trong nền Phật giáo nước nhà.

2- Thiền tông Việt Nam

Tư tưởng Thiền tông bắt đầu từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma), đó là: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (Không lập chữ nghĩa, truyền riêng ngoài giáo pháp, chỉ thẳng tâm thật, thấy tánh thành Phật)[4].

Thiền ở đây là thiền đốn ngộ, chỉ thẳng tâm người, siêu việt ngôn ngữ. Tâm đây là tánh giác ngộ xưa nay vốn viên mãn, không sanh diệt, ngộ được tánh ấy tức là nhận được tâm ấn của Phật tổ. Thể ngộ pháp tánh, tĩnh lặng vô sanh, vô niệm, vô trụ, vô tướng. Thiền tông nhận thức sự vật từ quy luật của tánh, để thể nhập tánh Không, Trung đạo. Các pháp môn khác từ phương tiện tu tập thứ lớp, đoạn trừ vô minh và giải thoát. Tổ Bồ-đề-đạt-ma dùng kinh Lăng-già truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Kinh Lăng-già đề cập hai phương diện của tâm thức, Phật và chúng sanh có cùng tánh giác thanh tịnh, mê là chúng sanh, ngộ là Phật.

Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi: Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đắc pháp với Tam tổ Tăng Xán, đến Việt Nam năm 580, dùng kinh Tượng đầu tinh xá dạy thiền. Phái thiền này nối tiếp được 19 đời. Ngài hoằng pháp tại Việt Nam 14 năm, viên tịch vào tháng 3 năm Giáp Dần (594)[5], tại chùa Pháp Vân. Ngài đã dịch một số kinh Đại thừa thiền, như kinh Tượng đầu tinh xá, kinh Báo nghiệp sai biệt và kinh Tổng trì[6].

Kinh Tượng đầu tinh xá thuộc văn hệ Bát-nhã. Kinh này chỉ bày tâm giác ngộ tứ Bồ-đề vốn vô tướng, không giới hạn thời gian và không gian, thực chất đó là nghĩa chân tâm thường trụ; “Bồ-đề không có nơi chốn; chẳng thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai; không có tất cả pháp; tuy vẫn nói năng nhưng có danh mà không thật. Đó là pháp vô vi, là không, vô tướng, vô tác, chẳng có, chẳng không, chẳng thể chỉ bày, không thể nói, không thể nghe. Bồ-đề chẳng phải từ quá khứ để được, chẳng phải từ vị lai để được, chẳng phải nơi hiện tại mà được, cũng không thể lìa ba đời mà có được”[7].

Sau đây là lời dạy của Tỳ-ni-đa-lưu-chi với đệ tử Pháp Hiền trước khi viên tịch: “Tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta đâu; tâm ấy tròn như núi thái hư, không thiếu không dư, không đi không tới, không được không mất, không nhất nguyên, không đa nguyên, không thường không đoạn, vốn không sinh ra cũng không diệt mất…. Khi Tăng Xán ấn cho ta tâm này thì có bảo ta nên gấp về phương Nam mà giao tiếp…”. (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận). Đặc tính pháp thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi ảnh hưởng tư tưởng Bát-nhã, Hoa nghiêm, Tam luận.

Thiền phái Vô Ngôn Thông (759-826)[8]: Vô Ngôn Thông là đệ tử của Thiền sư Bách Trượng ở Trung Hoa, đến Việt Nam vào năm 820, trú tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Phái thiền này mang tư tưởng đốn ngộ, Phật tại tâm, truyền thừa được 15 đời và  có  ảnh hưởng rất lớn trong vai trò phát huy Phật giáo thiền tại Việt Nam. Vô Ngôn Thông tiếp nối tư tưởng Bách Trượng: “Tức tâm, tức Phật”. Khi nghe một thiền tăng hỏi Bách Trượng: “Pháp môn Đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc”. Bách Trượng trả lời: “Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu”[9] (nếu tâm địa được thông thì mặt trời huệ tự nhiên chiếu sáng); nhân đó mà thiền tăng lĩnh hội đạo thiền.

Thiền phái Thảo Đường: Thiền sư Thảo Đường là đệ tử của Thiền sư Tuyết Đậu ở Trung Hoa. Ông được vua Lý Thánh Tông (1054-1072) trọng dụng và tôn làm quốc sư. Trong Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Lê Mạnh Thát chú thích như sau: “Thảo Đường theo sư phụ đến sống khách ở Chiêm Thành. Xưa Lý Thánh Vương đi đánh Chiêm Thành, bắt được, đem cho vị Tăng lục làm đứa ở. Vị Tăng lục viết Ngữ lục, để trên bàn mà đi, Sư lén sửa lại. Vị Tăng lục lấy làm lạ về đứa ở, đem tâu vua. Vua bèn phong làm Quốc sư”[10]. Phái này truyền thừa được 17 đời[11]. Trong đó có Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, ba vị hoàng đế Việt Nam là thiền sư thuộc phái này. Phái thiền này chú trọng phổ biến về kệ thiền. Thơ kệ được xem như là giáo lý thiền để làm phương châm tu học.

Thiền phái Trúc Lâm: Phái này do vua Trần Nhân Tông thành lập vào cuối thế kỷ XIII. Có ba vị thiền sư lớn là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, còn gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.

Đến cuối thế kỷ XVII, xuất hiện thêm dòng thiền Nguyên Thiều. Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một cao tăng đến từ Trung Hoa, thuộc đời thứ 33, tông Lâm Tế. Phái thiền này cũng rất hài hòa, dễ dàng hòa nhập trong văn hóa Việt Nam với chủ trương thiền giáo hợp nhất.

Tiếp theo là phái thiền Liễu Quán (1667-1742), Thiền sư Liễu Quán là một cao tăng Việt Nam, đời thứ 35 tông Lâm Tế. Tư tưởng thiền mang đậm bản sắc Phật giáo Việt Nam, đó là thiền giáo hợp nhất.

Thiền vốn bản chất phóng khoáng, cao siêu, giải thoát đi vào đời sống dân tộc Việt Nam với bao thăng trầm của vận nước, nó như viên ngọc long lanh tuyệt đẹp giữa đời. Các bậc xuất gia và các hàng cư sĩ là những vị thiền sư lỗi lạc. Những vị vua anh minh là những thiền sư yêu nước, quan gia và dân hiền đều yêu chuộng đạo lý. Thiền sư thời ấy, lấy quốc sự mà làm Phật sự, vun đắp non sông xã tắc ngày một tươi đẹp. Khi vua Lê Đại Hành đến hỏi vận nước với Thiền sư Đỗ Thuận (925-990), ông trả lời như sau: “Vận nước như mây quấn, trời Nam mở thái bình, vô vi trên điện các, xứ xứ hết đao binh”[12]. Đây là hình ảnh Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc. Điều quan trọng, Thiền tông đúng nghĩa, dù hoạt dụng của thiền sư trong mọi hoàn cảnh văn hóa, xã hội có thay đổi, nhưng chứng ngộ tông yếu của Phật tổ chỉ là một.

Thời hiện đại, tại Việt Nam có hai thiền sư lỗi lạc truyền bá Thiền tông có ảnh hưởng sâu rộng quần chúng đó là Thiền sư Thích Thanh Từ và Thiền sư Duy Lực (gốc Trung Hoa, đã viên tịch). Thiền là pháp môn siêu việt, đòi hỏi người học đạo có bản lãnh vững vàng, chánh kiến về pháp môn tu thì đạt thành quả giác ngộ mau chóng.

3- Thiền Nguyên thủy

Thiền Nguyên thủy là pháp môn tu căn bản của Phật giáo, do Đức Phật truyền bá tại thế gian hơn 25 thế kỷ qua. Một pháp môn chính thống không mang màu sắc tông phái, có kinh luận ghi nhận rõ ràng. Nội dung thiền Nguyên thủy là thực hành thiền Tứ niệm xứ. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có con đường khiến các loài hữu tình được thanh tịnh, chế ngự sầu bi, tiêu trừ khổ ưu, thông ngộ chân lý, chứng đạt Niết-bàn. Ấy là Bốn niệm xứ (Satipatthana)[13]. Nội dung kinh này Đức Phật dạy về bốn lĩnh vực quán niệm: 1) Quán niệm về thân thể, 2) Quán niệm về cảm thọ, 3) Quán niệm về tâm ý. 4)Quán niệm về các pháp. Nhấn mạnh tầm quan trọng pháp môn này, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, vị nào tu tập Bốn niệm xứ này như vậy trong bảy năm, sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm, bảy tháng, bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn”[14].

Vào thế kỷ thứ III, Khương Tăng Hội dịch kinh An ban thủ ý và truyền bá ở Việt Nam, tư tưởng kinh này rất gần gũi với kinh Tứ niệm xứ, nếu thực hành trọn vẹn cũng đạt định tuệ và giải thoát. Kinh An ban thủ ý diễn đạt pháp quán niệm hơi thở mang tính diễn dịch. “An ban nghĩa là hơi thở, thủ ý là sự nhiếp tâm, định tâm. An ban thủ ý tức dựa vào hơi thở để điều phục tâm ý.

Có sáu pháp gọi là lục diệu môn: 1) Sổ tức môn: Đếm hơi thở từ một đến mười, tập trung vào sự đếm để trừ diệt loạn tâm, đi vào định. 2) Tùy môn: Theo dõi hơi thở, ý thức được trong từng giây sự ra vào của hơi thở. Bỏ con số mà theo hẳn hơi thở. 3) Chỉ môn: Bỏ sự theo dõi hơi thở để thực hiện sự ngưng lặng (chỉ). 4) Quán môn: Tuy ở trong định nhưng tuệ giác chưa phát hiện. Phải quán về tâm, về ngũ ấm và những điểm sai lạc như ngã, ngã sở… để khơi mở tuệ giác. 5) Hoàn môn: Xoay về quán sát tự tâm để phá trừ quan điểm nhị nguyên về chủ thể, đối tượng, phá trừ ngã chấp. 6) Tịnh môn: Trạng thái vô phân biệt chủ thể và đối tượng kia vẫn chưa phải là chứng ngộ, hành giả không nên vướng mắc vào đó. Phải vượt thoát trạng thái này để trí tuệ chân minh hoàn toàn hiển lộ”[15].

Liên quan đến thiền Nguyên thủy, HT.Thích Minh Châu, một bậc thầy gương mẫu, dành một đời cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu Phật học đã có lời dạy như sau: “Chúng ta hãy cố gắng làm sống dậy ý nghĩa lành mạnh của hành thiền Nguyên thủy, áp dụng pháp môn Niệm hơi thở vô hơi thở ra trong đời sống hàng ngày và như vậy chúng ta vừa báo đáp ân đức thuyết pháp độ sanh của Đức Phật và tự mình được san sẻ những kinh nghiệm về Thiền của Đức Phật. Có vậy chúng ta mới đánh giá đúng đắn phương pháp hành thiền của Đức Phật và được hưởng thọ những ảnh hưởng tốt đẹp của pháp môn hành thiền”[16].

Thực tế lịch sử, Thiền tông Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm thiền Trung Hoa do Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ mang vào. Người Việt xem pháp tu Thiền tông, Tịnh, Mật là gần gũi, và cảm thấy mới lạ với thiền Nguyên thủy. Tuy nhiên, thiền Nguyên thủy được xem là giáo lý thiền chính thống, nội dung tu tập có thứ lớp, có phương pháp quán niệm cụ thể. Đó là lý do, thiền Nguyên thủy chiếm ưu thế ở các nước Phật giáo Nam tông, và khiến cho người phương Tây yêu chuộng. Ngày nay, giáo lý Nguyên thủy được phổ cập và được nhiều thiền tăng hành trì cũng như hướng dẫn, dần dần pháp thiền này sẽ gắn bó rộng rãi với quần chúng Phật tử Việt Nam.

II. Mật tông

1. Tư tưởng Mật tông

Chúng ta có thể khẳng định, tư tưởng Mật tông có nền móng từ trong giáo lý Nguyên thủy. Trong giáo lý Nguyên thủy, vấn đề đọc chú hay quán tưởng công đức Phật để được cảm ứng năng lực bảo hộ, giải thoát các chướng nạn đã được đề cập. Kinh Trường bộ có thuật lại rằng, vì muốn bảo hộ đời sống cho người xuất gia và tại gia tu học, Tỳ-sa-môn (Vessavana) đã khuyến thỉnh Đức Phật dùng thần chú hàng phục chúng Dược-xoa, và được Ngài đã cho phép: “Bạch Thế Tôn, hãy học chú Atànàtiyarakkha (A-sá-nang-chi hộ kinh) để học được lòng tin, để các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ có thể sống an lạc, được che chở, được hộ trì không bị tai họa… Thế Tôn im lặng chấp thuận”[17].

Một trường hợp khác, kinh Tạp A-hàm,  kinh Ưu-ba-tiên-na, kể lại rằng: Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang ngồi thiền trong hang, bị một con rắn độc làm hại chết, ngài Xá Lợi Phất bạch Phật về sự kiện này. Đức Phật nói một bài kệ dài, sau cùng đọc bài chú hàng phục rắn độc và dạy tiếp: “Này Xá Lợi Phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu-ba-tiên-na mà đọc bài kệ này, tụng những câu này, thì chắc chắn rắn độc không rơi trúng người và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu nát”[18].

Phải chăng, đây là năng lực thâm uyên của Pháp, diệu dụng Pháp không thể nghĩ bàn mà các bậc tổ sư triển khai thành tư tưởng Mật tông. Năng lực chú pháp trong Mật tông không chỉ mang yếu tố bảo hộ đời sống thông thường, mà phát huy theo mục đích thành tựu thiền định và giải thoát.

Kinh điển Mật tông xuất hiện khá sớm tại Ấn Độ, nhưng chính thức thành tông phái từ thế kỷ thứ VII. Ngài Long  Thọ (Nagarjuna, 600-650) được xem là vị Tổ Mật tông. Tiếp theo các thế hệ truyền thừa và có công phát triển giáo phái này là các ngài Long Trí (Nagabodhi), Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 663-723), Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 750-774), Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735), Nhất Hạnh (638-727, người Trung Hoa). Trên mặt giáo nghĩa thì được phân ra Chân ngôn thừa (Mantrayàna) và Kim cương thừa (Vajrayàna). Khi được truyền đến Trung Hoa, Mật tông được kết hợp lý luận và thực tiễn, phát triển rộng rãi. Mật tông được truyền vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII do ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), lập ra phái Ninh Mã (Nyingmapa).

Người có công cải cách và phát triển Mật tông Tây Tạng là ngài Tông Khách Ba (1357-1419), người xứ Đông Bắc Tây Tạng, sáng lập phái Hoàng Mạo (Gelugpa). Tông Khách Ba đã tổng kết tư tưởng Mật tông với hai tác phẩm: Bồ-đề thứ đạo (Lamrin Chenmo), tiêu biểu lối tu hiển giáo và Chân ngôn thứ đệ (Nagrim Chenmo), tiêu biểu pháp tu Mật giáo.

Mật tông được hình thành và phát triển vào giai đoạn thứ ba của Đại thừa tại Ấn Độ, sau hai thời kỳ Bát-nhã (Prajna) và Duy thức (Vijnapti). Hai bộ kinh cơ bản của Mật tông là kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương Đỉnh [19]. Mật tông lấy tư tưởng Đại thừa Trung Quán phái và Du Già Hành phái làm cơ sở lý luận, biểu hiện pháp hành qua tụng thần chú, nghi lễ, tín ngưỡng về bổn tôn. Kinh Đại Nhật chủ yếu trình bày giáo nghĩa, các nghi thức và pháp hành, nghi thức cúng dường. Kinh Kim Cương Đỉnh lấy Đại Nhật Như Lai làm thọ dụng thân, giải thích ý nghĩa “Ngũ Phật hiện ngũ trí”. Đại Nhật Như Lai ở Trung ương (chính giữa) là bản thể pháp giới. A Súc Như Lai ở phương Đông là Đại viên cảnh trí. Bảo Sanh Như Lai ở phương Nam là Bình đẳng tánh trí. Vô Lượng Thọ Như Lai ở phương Tây là Diệu quán sát trí. Bất Không Thành Tựu Như Lai ở phương Bắc là Thành sở tác trí.

Giáo nghĩa Mật tông, dùng Mandala là đối tượng thiền quán và phát huy diệu dụng sự tu tập. Thai tạng giới Mandala là tánh thai tạng phát sanh mọi công đức; Kim cang giới Mandala biểu trưng trí tuệ viên mãn của Phật. Thai tạng là lý, Kim cang là trí. Yếu tố Mantra là thần chú, có sức mạnh siêu nhiên, chính nhờ đọc thần chú giúp tâm trong sạch và siêu thoát nghiệp lực. Mật tông chân chánh là thực hành chú pháp để cầu gia trì và y vào đạo lý Bát Nhã để cầu khai ngộ, chủ trương “Tam mật tương ưng, sát na viên mãn”[20].

Tụng thần chú gọi là “Khẩu mật”, quyết ấn và điều hòa thân gọi là “Thân mật” và tâm ý quán tưởng gọi là “Ý mật”. Tam mật thân khẩu và ý tương ưng tức thân thành Phật. Đó là triết lý căn bản của giáo nghĩa Mật tông.

2. Mật tông Việt Nam

Kinh điển liên quan đến Mật tông xuất hiện tại Việt Nam khoảng đầu thế kỷ thứ VI. Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã dịch và phổ biến kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì. Trụ đá khắc bài chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà-la-ni (Usnisavijaya dharani) tại Hoa Lư, Ninh Bình, do Đinh Liễn, con trai của Đinh Tiên Hoàng dựng năm 937. Về sau phát hiện thêm 14 trụ đá có khắc bài chú nổi tiếng này, chứng tỏ ảnh hưởng Mật tông đối với thời đại đó rất phổ biến. 

Về sau, các thiền sư đã sử dụng thần chú như Thiền sư Ma-ha-ma-ya (Mahamaya) nổi tiếng pháp thuật, đã từng theo học với Thiền sư Pháp Thuận. Thiền uyển tập anh chép rằng: “Sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với pháp sư Đỗ Thuận. Sư chuyên sám hối và trì Đại bi tâm chú, trải qua ba năm chưa từng một chút biếng trễ bèn được Bồ-tát Quan Âm lấy nước  cành dương rưới lên đầu và mặt, mắt bỗng dưng sáng lên và lòng thêm thanh tịnh”[21]. Thiền sư Đạo Hạnh (?-1117) cũng giỏi pháp thuật thường trì tụng chú Đại bi. Trong Thiền uyển tập anh, Lý Nhân Tông khen ngợi năng lực tu hành và khả năng pháp thuật của Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Thông Huyền với bài thơ rất hay: “Giác Hải tâm như hải/Thông Huyền đạo lại huyền/Thần thông cùng biến hóa/Một Phật một thần tiên”[22].

Thiền sư Vạn Hạnh (?-1025) cũng từng hành pháp Mật tông, Thiền uyển tập anh chép: “Sư chuyên tập pháp quán Tổng trì Tam-ma-địa, lấy đó làm việc riêng của mình. Bấy giờ ông nói ra điều gì thiên hạ cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính sư”. Sau khi Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch, Lý Nhân Tông cũng thương tiếc và làm thơ tán: “Vạn Hạnh dung ba cõi/Thật hiệp lời sấm xưa/Quê hương tên Pháp Cổ/Chống gậy trấn kinh đô”[23]. Đó là bằng chứng cụ thể, ghi lại các thiền sư xưa kia đã từng tu pháp Mật tông.

Thời cận đại, có nhiều vị Tăng, cư sĩ học giả đã có công tu trì và nghiên cứu, phiên dịch kinh sách để phát triển Mật tông tại Việt Nam. HT.Thích Nhẫn Tế (1889-1951), người tỉnh Bình Dương, từng tham học với HT.Thích Tuệ Đăng, tại chùa núi Thiên Thai, (Bà Rịa – Vũng Tàu), đã đi Ấn Độ và Tây Tạng theo học Mật tông. Từ năm 1928, ngài Khánh Hòa có thỉnh ba tạng kinh, có liên quan Mật giáo. Tiếp theo, HT.Thích Thiền Tâm có dịch những bản kinh liên quan đến Mật tông, như kinh Đại bi, Tôn Thắng Phật Đảnh. Thầy Thích Đồng Hạnh dịch Pháp Yếu Căn Bản Mật Tông, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà-la-ni.

Ngoài ra, có cư sĩ Phi Bằng dịch Thánh Cứu Độ Phật Mẫu Tu Trì Pháp. Thầy Thích Quảng Trí và cư sĩ Huyền Thanh đang nỗ lực dịch nhiều kinh điển liên quan Mật tông. Trước 1975, thầy Thích Viên Đức cũng âm thầm dịch thuật và sưu tập nhiều kinh điển Mật tông v.v… Gần nhất, HT.Thích Viên Thành được ghi nhận là có tiếp nhận từ dòng truyền thừa Drukpa.

Nhưng theo một số học giả nhận xét, tuy có một số cao tăng, học giả có tâm huyết  nghiên cứu phát triển Mật tông, nhưng Mật tông Việt Nam chưa định hình thành một tông phái chính. Trong thiền môn nhật tụng Việt Nam và Trung Hoa, thời công phu sáng có tụng chú Lăng Nghiêm, Thập chú, chú Đại bi, Ngũ Bộ Chú, Lục Tự Đại Minh Chú, v.v…  Đó là những bài chú đưa vào tu niệm hàng ngày. Ý nghĩa những bài chú đó có kinh điển giải thích rõ ràng, có nhiều lợi lạc trong đời sống tu tập, được chư Tăng và Phật tử thực hành nhưng đó chỉ là một phần căn bản trích từ kinh điển Mật tông. Một người tu học chánh kiến, tụng kinh, tụng chú để giúp cho ba nghiệp thân, khẩu và ý thanh tịnh. Trong giáo lý Mật tông có nhiều cấp độ, triết lý rất thâm sâu, phong phú, cần hiểu giáo lý và có bậc thầy hướng dẫn thì sự tu tập mới mau thành tựu.

III. Tịnh độ tông

1. Chánh tín về Tịnh độ

Tịnh độ là tông phái thuộc Đại thừa Phật giáo. Kinh điển phổ biến là kinh Bát Chu Tam Muội, kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, và Vãng Sanh Tịnh Độ Luận; cùng với nhiều kinh luận khác nữa trong văn hệ Đại thừa. Dù pháp môn này hình thành ở Trung Hoa, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, vấn đề tu tập cũng lấy kinh luận làm tông chỉ. Đó là niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, niệm Phật chứng đắc Tam muội, đắc tuệ giải thoát. Niệm Phật chuyển hóa tâm thức, nghiệp chướng tiêu trừ, thăng hoa đời sống. Tịnh độ là pháp môn dễ dàng phổ cập mọi căn cơ, dễ tu hành.

Nhưng cần nhận thức đúng về pháp môn này mới có niềm tin trọn vẹn. Chúng ta cần có tầm nhìn bao quát về kinh văn Nguyên thủy và Đại thừa để có quan niệm đúng về giáo lý Tịnh độ. Những kinh như kinh Đại Thiện Kiến Vương [24], kinh Lâu Đài Của Nàng Chiên-Đà-La [25], kinh Lâu Đài Do Cúng Mè [26], Thiên Cung Sự (trong Tiểu bộ kinh), v.v… trong kinh văn Nguyên thủy có liên quan đến giáo nghĩa Tịnh độ. Từ đó, mới biết pháp môn niệm Phật, quán tưởng công đức Phật, hay nương nhờ bổn nguyện Phật, hóa sanh hay vãng sanh trong giáo lý Đại thừa là đặc chất vi diệu của Phật bảo và Pháp bảo. Tịnh độ vận dụng đặc chất vi diệu đó mà mở bày hai yếu tố tự lực và tha lực trong sự tu tập. Nhận thức như thế, chúng ta thiết lập chánh tín và có thái độ trân trọng triết lý thâm uyên của Tịnh độ.

2. Tịnh độ Việt Nam

Giáo lý Tịnh độ xuất hiện ở nước ta vào thế kỷ thứ V. Tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tác giả Lê Mạnh Thát, có đề cập đến giáo lý Tịnh độ. Đó là hành trạng tu tập của Sa-môn Thích Đàm Hoằng tại miền Bắc nước ta. “Cứ Cao tăng truyện, tờ 405c19-28, Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, nhỏ tu giới hạnh, chuyên sành Luật bộ. Trong khoảng Tống Vĩnh Sơ (420 – 422) nam du Phiên Ngung, dừng lại ở chùa Đài, sau lại đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ, tụng Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, lòng thề về An dưỡng”[27].

Ngoài tài liệu này ra, Lê Mạnh Thát còn trích dẫn một đoạn văn từ Vãng Sanh Tịnh Độ Truyện do Giới Châu viết như sau: “Thích Đàm Hoằng… đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ. Ngoài việc đèn nhang, hoàn toàn không làm việc gì khác, chỉ tụng Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, không biết bao nhiêu lần. Hoằng mỗi lần niệm, nói: Một thân muôn nối, niệm chính khó giữ, có thể nương niệm chính, mới sớm thấy Di Đà”[28].

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, vào năm 1057 có vị tướng đã phát tâm dựng một tượng Phật bằng đá cao hai thước rưỡi tại chùa Phật Tích núi Lạn Kha (Tiên Du, Bắc Ninh). Sau đó một trăm năm, Thiền sư Không Lộ (?-1141) tạo dựng tượng Phật A Di Đà tại chùa Quỳnh Lâm. Tác giả Nguyễn Lang cho rằng: “Trong câu chuyện về Không Lộ, ta nghe nói đến việc thiền sư tạo nên tượng Phật A Di Ðà của chùa Quỳnh Lâm. Không Lộ mất năm 1141 nhưng trước đó 100 năm, vào năm 1057, một tượng Phật A Di Ðà bằng đá cao hai thước rưỡi tây đã được lang tướng của vua Lý Thánh Tông dựng tại núi Lạn Kha. Tượng Di Ðà này nay vẫn còn ở chùa Phật Tích. Bia đá chùa Phật Tích có nói về chuyện này”[29].

Tịnh độ ảnh hưởng vào các phái thiền, quan điểm Thiền Tịnh song tu hay quan niệm Niệm Phật Thiền cũng được nhiều thiền sư áp dụng tu tập. Thiền sư Tịnh Lực (1112-1200), thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông tu chứng pháp Niệm Phật Tam Muội. Thiền uyển tập anh chép: Sư lên thẳng núi, cất am cỏ, ở tu. Trong 12 thời, Sư lễ Phật sám hối, thâm nhập được phép Niệm Phật Tam Muội”[30]. Thiền sư Trần Thái Tông (1218-1277), khai thị về pháp Niệm Phật, soạn Lục thời sám hối, dạy về phương cách tọa thiền, đây là pháp tu hành thực tiễn. Chúng ta thấy, trong quá khứ vấn đề tụng kinh và lễ Phật, niệm Phật đã được các thiền sư bắt đầu áp dụng hài hòa trong các tự viện.

Về sau này, phái thiền Nguyên Thiều và phái thiền Liễu Quán cũng áp dụng giáo lý Thiền – Tịnh – Mật phổ biến trong thời khóa tu niệm cho chư Tăng và Phật tử.

Thời cận đại, các chùa thuộc Bắc tông ứng dụng phổ biến phương pháp tụng kinh và niệm Phật. Niệm Phật vãng sanh là chánh hạnh của người xuất gia và tại gia. Các hành giả Tịnh độ còn sáng tác thơ, kệ tán dương công đức niệm Phật A Di Đà để khuyến tu. “Tu về Tịnh độ sướng hơn tiên/Chẳng nhọc công phu, chẳng tốn tiền/Sáu chữ Di Đà tiêu nghiệp chướng/Một câu niệm Phật giải oan khiên”[31]. Thực tế, các chùa Tịnh độ Việt Nam thường kết hợp Thiền, Tịnh và Mật. Đây là cách tu phổ biến, giúp cho việc phát triển Phật giáo toàn quốc.

Giai đoạn này có các hội đoàn cư sĩ ra đời như Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam.  Hội Tịnh Độ tông Việt Nam, phổ biến tinh thần ăn chay niệm Phật, tu phước, nguyện sanh Tịnh độ. Thiền Tịnh Đạo Tràng do HT.Chơn Như – Minh Trực thành lập song tu Thiền Tịnh. HT.Thích Thiền Tâm chủ trương tu học song tu Tịnh Mật. Nhìn chung, pháp môn Niệm Phật được kết hợp với pháp tu Mật, tu Thiền một cách nhuần nhuyễn. Ngoài ra, các tôn giáo khác ở Việt Nam như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo đều ứng dụng pháp môn Niệm Phật và Thiền trong tu học.

IV. Kết luận

Trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo, Phật tử Việt Nam tiếp nhận ba truyền thống tu tập chính yếu, đó là Thiền, Tịnh và Mật; nếu vận dụng tu tập đúng pháp thì có khả năng giải hóa mọi phiền não và thành tựu giải thoát. Ba pháp môn này là tư tưởng chủ đạo làm nên Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cho đến hiện tại. Vấn đề thực hành, có hai cách lựa chọn: Một, người Phật tử có thể chọn một pháp môn duy nhất để tu niệm. Hai, có thể kết hợp ba pháp tu Thiền, Tịnh và Mật; nhưng chọn một pháp môn làm chính, hai pháp môn kia làm phụ trợ.

Dù tu theo pháp môn nào, thuộc tông phái nào, người Phật tử cần thực hành ba pháp quy y Phật, Pháp và Tăng, tiếp nhận năm giới, mười giới, Bát quan trai giới… Về phương diện giáo lý thì căn bản là Tứ đế, Duyên khởi, Tam pháp ấn, Bát Chánh đạo, Giới-Định-Tuệ v.v… Điều cần lưu ý, các pháp môn tu đều là phương tiện, phương tiện nào mà chúng ta tu tập thích hợp, có sự an lạc, giải thoát thì áp dụng. 

 Thích Đức Trí

______________

Chú thích: 

1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb.Văn Hóa, Hà Nội 1979, chương 3.

2. Kim Sơn-Thiền phái Trúc Lâm, Thiền uyển tập anh, Lê Mạnh Thát dịch, Nxb.Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.54.

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb.Văn Hóa, Hà Nội 1979, chương 3.

4. Dịch từ: Hưng thiền hộ quốc luận, quyển Trung (bản Hán).

5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb.Văn Hóa, Hà Nội 1979, chương 3.

6. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb.Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.95.

7. Kinh Tượng đầu tinh xá, Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Tỳ-ni-đa-lưu-chi người nước Thiên Trúc, Việt dịch: Thích nữ Huệ Thành.

8. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb.Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.12.

9. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, chương IV, Đại thừa thiền.

10. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb.Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.153.

11. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb.Văn Hóa, Hà Nội 1979, chương 6.

12. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb.Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.106.

13. Bốn niệm xứ này rút ra từ kinh Tương ưng bộ, tập V, trang 141. HT.Thích Thiện Châu dịch, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, năm 1982.

14. Kinh Trung bộ I, kinh Tứ niệm xứ, HT.Thích Minh Châu dịch.

15. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, chương III, Tư tưởng thiền Khương Tăng Hội.

16. HT.Thích Minh Châu, Hành thiền, Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, 1993.

17. Kinh Trường bộ, kinh số 32, A-sá-nang-chi, HT.Thích Minh Châu dịch.

18. Kinh Tạp A-hàm, kinh 252 Ưu-ba-tiên-na, Việt dịch: Thích Đức Thắng.

19. Tự điển Phật học.

 20. Sĩ Đông, Nghiên cứu về Mật tông và Thiền tông, Ngũ Đài Sơn nghiên cứu, 1993.

21. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.107

22. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển thượng, Nxb Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.78

23. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, quyển hạ, Nxb Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1976, tr.113

24. HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 1991

25. HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ 2 , Lâu đài của nàng Chiên-đà-la,Nxb Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.119

26. Trần Phương Lan dịch, Kinh Tiểu bộ 2, 1999

27. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Thuận Hóa – Huế, Chương X, Cuộc đời Đàm Hoằng

28. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Thuận Hóa – Huế, Chương X, Cuộc đời Đàm Hoằng

29. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử Luận, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr.184

30. Kim Sơn, Thiền uyển tập anh, Lê Mạnh Thát dịch, Nxb Đại Học Vạn Hạnh-Sài Gòn, 1976, tr.78

31. Thích Huệ Đăng, Tịnh độ Chánh tông diễn giải, 1993, tr.22

4. Tham khảo về 10 tông phái Phật giáo Trung Quốc

https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/su-kien-van-de-qt/12307-Cac-tong-phai-Phat-giao-Trung-Quoc.html

Sự phân tông phái trong Phật Giáo là thuộc về chi tiết phân môn khác loại chứ chẳng phải hoàn toàn là tư tưởng cơ bản, chính vì thế thì tương lai không bao lâu, chúng ta sẽ thấy trên thế giới sự thống nhất của Phật Giáo sẽ xuất hiện.

Đây là một vấn đề không thể nào tránh khỏi. Vì tuy Đức Phật pháp chỉ có một vị, nhưng do đối tượng tiếp thu không đồng, căn tánh cao thấp và điều kiện môi trường sống mà người ta có cái hiểu khác nhau về Phật pháp. Trong kinh Phật nói: “ Đức Phật dùng một viên âm để thuyết pháp, chúng sanh, tuỳ theo căn tánh của mình mà tiếp thu”. Đây chính là ý nghĩa này. Nếu đứng trên lập trường của Phật để nhìn về Phật pháp thì pháp nào cũng dẫn đến Niết-bàn. Nếu đứng trên lập trường của đệ tử Phật để nhìn về Phật pháp thì mỗi người đều chuyên về một pháp môn. Như mười ba vị đệ tử ban đầu của Phật, mỗi người đề có một tính cách đặc thù và mỗi người đều có bè bạn riêng của mình( Tạp A Hàm16 trang 447). Đây có thể công nhận là dấu hiệu báo trước sự phân chia tông phái trong Phật pháp.

Bốn đến năm trăm năm sau Phật Niết bàn, Phật giáo hệ tiểu thừa ở Ấn Độ phân chia thành hai mươi bộ phái. Họ chỉ vì một tranh chấp nhỏ dần dần kết thành khối, chia thành một bộ phái riêng.

Phật giáo hệ Tiểu Thừa phân thành những manh múng, mất đi sức mạnh thống nhất của sự giáo hoá. Phật giáo đại thừa trong Bát Nhã Không của Mã Minh Long Thọ ở Ấn Độ đã hưng khởi đúng thời vận.

Một ngàn năm sau Phật Niết bàn, từ các Ngài Vô Trước đến các ngài Thanh Tịnh, Hộ Pháp tư tưởng Duy Thức mới bắt đầu rạng rỡ. Phật giáo Đại Thừa ở Ấn Độ cũng chia thành hai tông: KHÔNG và HỮU. Dần về sau, vì Mật tông hưng khởi, Phật giáo Đại Thừa lại phân làm hai: HIỂN GIÁO và MẬT GIÁO. Đây là tình hình cơ bản của Phật giáo Ấn Độ.

Ban đầu, khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, không thấy có một chi nhánh của tông phái nào. Về sau do sự phiên dịch dần thịnh hành, một khối lượng lớn kinh điển đã dịch xong, các nhà tư tưởng Phật học phân loại phán quyết về Phật pháp, mới xuất hiện các tông phái.

Tông phái của Phật giáo Trung Quốc, đầu tiên thành lập từ Tam Tông Luận, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thời Đông Tấn. Đây là pháp phái Không Tông ở Ấn Độ, đến đại sư Gia Tường mới tập đại thành. Đồng thời căn cứ theo Thành Thật  luận của Tiểu Thừa, thành lập Thành Thật tông; căn cứ theo Câu Xá Luận của Tiểu Thừa Hữu bộ, thành lập Câu Xá tông. Căn cứ theo kinh Niết Bàn, thành lập Niết Bàn tông; căn cứ theo Thập Địa luận, thành lập Địa Luận tông; căn cứ theo Nhiếp Đại thừa luận, thành lập Nhiếp Luận tông. Do ngài Đạt Ma từ Tây Vức sang đã truyền Phật tâm ấn, thành lập thiền tông. Do ngài Đạo Tuyên đời Đường chuyên hoằng truyền Tứ Phần luật, thành lập Luật tông(Nam Sơn); căn cứ vào sự tổng hợp và khai phát trong kinh Pháp Hoa đến đại sư Trí Giả, thành lập Thiên Thai tông; do đại sư Huyền Trang đi Tây Vức về, căn cứ theo Duy Thức luận, thành lập Pháp tướng tông; căn cứ theo sự khai phát và tổng hợp của kinh Hoa Nghiêm, đến đại sư Huyền Thủ, thành lập Hoa Nghiêm tông; do đại sư Huệ Viễn thành lập Liên xã, chuyên trì niệm danh hiệu Phật đến đại sư Thiện Đạo, thành lập Tịnh Độ tông; cuối cùng vào niên hiệu Khai Nguyên, đời Đường, đại Sư Thiện Vô Uý và ba vị cao tăng Mật giáo từ Tây Vức đến đã truyền dịch kinh pháp Mật bộ, thành lập Mật tông.

Từ đây trở về sau, Phật giáo Trung Quốc có hơn mười ba tông phái. Trong đây ngoại trừ hai tông thuộc hệ Tiểu thừa: Thành Thật và Câu Xá, còn tất cả đều thuộc hệ Đại Thừa.

Về sau, do sự dung nhiếp và chắt lọc giữa các tông nên mười ba tông chỉ còn lại mười tông: Niết Bàn tông quy về Thiên Thai tông, Địa Luận tông nhập vào Hoa Nghiêm tông, Nhiếp luận tông nhập vào Pháp Tướng tông.

Dưới đây sẽ là biểu đồ trình bày các tông phái Đại Tiểu thừa quan hệ đến Không và Hữu:

Tông phái Phật giáo đã được giới thiệu sơ qua như thế, có thể nói là rất phong phú và đa dạng. Nhưng từ cuối đời Đường trở về sau, Phật giáo hệ Tiểu thừa ở Trung quốc không còn được xem trọng. Các tông Tam Luận, Duy Thức đã không còn có người nghiên cứu. Còn Mật Tông ở Trung Quốc chỉ là “Hoa đàm thoáng hiện”. Sau pháp nạn năm năm Hội Xương đời Đưồng Vũ Tông, Mật tông Trung Quốc đã biến mất, nhưng nó lại lưu hành đến Nhật Bản. Theo bối cảnh địa lý và xã hội Trung Quốc, không tuân hành giới luật một cách nghiêm túc. Cho nên Luật tông như còn thoi thóp mà thôi. Thịnh hành nhất là Thiền tông. Từ Lục tổ Huệ Năng về sau, Thiền tông lại phân ra làm 5 phái. Trong 5 phái đó, có 2 phái Lâm Tế và Tào Động phát triển cực thịnh và truyền thừa lâu nhất. Ngày nay, hầu như Tăng Ni Trung Quốc đề xuất phát từ 2 phái này. Thậm chí đối với phương diện thuyết giảng giáo lý, chỉ có hai tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm miễn cưỡng duy trì mà thôi. Đế cuối khoảng Tông đầu đời Minh, Trung Quốc mới xuất hiện một vài vị Cao Tăng chủ trương Thiền Tịnh song tu: Như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (Thiên hiệu Thiên Hựu 2 đời Đường Ai Đế đền đầu niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc đời Tống Thái Tông). Cho nên gần đây, Phật Giáo Trung Quốc ngoài pháp môn niệm Phật và tham thiền thì dường như không có một sự kiện nào khác đáng nói.

Từ đời Thanh Dân Quốc năm đầu trở về sau, do nhiều điển tích kinh điển lưu lạc ở Nhật Bản nên những Cao Tăng đã lần lượt thỉnh về Trung Quốc các bộ Tam Luận, Duy Thức, Luật Tông, Mật Tông… Phật giáo Trung Quốc đã có hiện tượng phục sinh. Nhưng đáng tiếc là mấy trăm năm gần đây, Phật Giáo Trung Quốc không có giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Đây là một cơ vận phục sinh nhưng không có khả năng khai triển mà vẫn còn chờ sự nổ lực!

Ngoài Phật Giáo Trung Quốc, Phật Giáo ở các quốc gia trên thế giới ngày nay cũng có nhiều tông phái.

Phật giáo hệ Nam truyền, Thượng Toạ bộ ở Thái Lan phân làm hai Tông phái: Đại Tông Phái và Pháp Tông Phái.

Mật Giáo ở Tây Tạng phân làm Hoàng Giáo, Hồng Giáo, Bạch Giáo, Hắc Giáo.

Phật Giáo Nhật Bản, cơ bản giống Phật Giáo Trung Quốc nhưng lấy Tịnh Độ Chân Tông và Nhật Liên Tông làm đắc sắc của Phật Giáo Nhật Bản. Gần đây, Pháp sư Ấn Thuận đã phê bình Phật Giáo Nhật Bản: “Phật Giáo kiểu Nhật Bản chẳng phải là gia đình mà là gia đình hoá Phật Giáo, chẳng phải là Phật Giáo của giới tại gia mà là giới xuất gia trong Phật giáo đã biến chất.” (Hải Triều Âm quyển 34_Phương kế xây dựng giới tại gia trong Phật Giáo Trung Quốc). Đây chính là đặc sắc của Phật Giáo Nhật Bản.

Cuối cùng, tôi tóm lại một câu: Sự phân tông phái trong Phật Giáo là thuộc về chi tiết phân môn khác loại chứ chẳng phải hoàn toàn là tư tưởng cơ bản, chính vì thế thì tương lai không bao lâu, chúng ta sẽ thấy trên thế giới sự thống nhất của Phật Giáo sẽ xuất hiện.

10 tông phái Trung Quốc

  1. Tịnh độ tông
  2. Thiền tông
  3. Luật Tông
  4. Thành thật tông
  5. Duy Thức tông
  6. Mật tông
  7. Pháp Hoa tông
  8. Hoa Nghiêm tông
  9. Tam Luận Tông
  10. Câu Xá Tông

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 157

Post Views: 720