Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Mười Ba-La-Mật (Dasa-pāramī) trong Đạo Phật là gì ?

 

Pāramī (ba-la-mật) hay pāramīta (ba-la-mật-đa) đều có cùng một nghĩa là “đến bờ bên kia”, “qua bên kia bờ”, tức là từ bờ mê đi sang bờ giác. Trong hành trình xa xăm, mịt mù sinh tử, muốn thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), Độc Giác (Paccekabuddha) hay

Thanh Văn Giác (Savakabuddha) thì chư vị bồ-tát nào cũng phải sử dụng con thuyền ba-la-mật nầy. Nói cách khác, chư vị phải trải qua thời gian “bất khả tư nghị” huân tập công hạnh ba-la-mật.

Rõ hơn, nếu là Chánh Đẳng Giác thì phải tròn đủ, viên mãn 30 ba-la-mật bậc thượng, bậc trung, bậc hạ. Nếu là Phật Độc Giác hoặc hai vị Đại Đệ Tử thì phải tròn đủ viên mãn 20 ba-la-mật bậc trung. Nếu là Thanh Văn, chư vị A-la-hán thì phải tròn đủ viên mãn 10 ba- la-mật bậc hạ.

Ngoài ra, chúng ta cần phải biết có 3 loại bồ-tát trước khi đắc quả Chánh Đẳng Giác, như sau:

1. Paññādhika-bodhisatta: Bồ-tát trí tuệ phải trải qua thời gian 20 a-tăng-kỳ (asankheyya) và 100.000 kiếp (Nhiều nơi nói là đại kiếp) mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Trong đó, 7 a-tăng-kỳ phát nguyện trong tâm, 9 a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời; 4 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp huân tập công hạnh ba-la-mật.

2. Saddhādhika-bodhisatta: Bồ-tát đức tin phải trải qua thời gian 40 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Trong đó, 14 a-tăng-kỳ phát nguyện trong tâm, 8 a- tăng-kỳ phát nguyện thành lời, 8 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp huân tập công hạnh ba-la-mật.

3. Viriyādhika-bodhisatta: Bồ-tát tinh tấn phải trải qua thời gian 80 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Trong đó, 28 a-tăng-kỳ phát nguyện trong tâm, 36 a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời, 16 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp huân tập công hạnh ba-la-mật.

Gọi là bồ-tát trí tuệ vì trong 5 căn, lực, vị ấy có “tuệ” mạnh nhất. Gọi là bồ-tát đức tin vì trong 5 căn, lực, vị ấy có “tín” mạnh nhất. Gọi là bồ-tát tinh tấn vì trong 5 căn, lực, vị ấy có “tấn” mạnh nhất.

Còn nữa, cả 3 hạng bồ-tát bắt đầu tu tập công hạnh ba-la-mật phải phát nguyện dưới chân một vị Chánh Đẳng Giác, và được ngài thọ ký, như là “chứng thực” lời phát nguyện ấy.

Trường hợp Đức Phật Sakyā Gotama – căn cơ trí tuệ – thì đã được đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) thọ ký thuở ngài là đạo sĩ Sumedha. Ngài phải trải qua thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp tu tập công hạnh ba-la-mật – không kể giai đoạn phát nguyên trong tâm và phát nguyện thành lời. Cũng từ đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng), trải qua 24 vị Phật, đạo sĩ Sumedha mới thành bậc Chánh Đẳng Giác là vị Phật thứ 25 (Phật Dīpaṅkara, Phật Koṇḍañña, Phật Maṅgala, Phật Sumana, Phật  Revata, Phật Sobhita, Phật Anumodassī, Phật Paduma, Phật Nārada, Phật Padumuttara, Phật Sumedha, Phật Sujāta, Phật Piyadassī, Phật Atthadassī, Phật Dhammadassī, Phật Siddhattha, Phật Tissa, Phật Phussa, Phật Vipassī, Phật Sikhī, Phật Vessabhū, Phật Kakusandha, Phật Koṇāgamana, Phật Kassapa. Và chính ngài là vị Phật thứ hai mươi lăm, có danh hiệu là Sakyā Gotama). Và công chúa Yasodharā, thuở ấy là nàng Sumitta 16 tuổi xinh đẹp đã kết nghĩa phu thê, đã thủy chung, son sắt với đạo sĩ Sumedha, cả hai cùng nhau tu tập ba-la-mật với công hạnh tròn đủ, viên mãn cho đến lúc Vô Sanh!

Mười pháp ba-la-mật (pāramī) ấy:

1. Bố thí ba-la-mật (dāna pāramī)

2. Trì giới ba-la-mật (sīla pāramī)

3. Xuất gia ba-la-mật (nekkhamma pāramī)

4. Trí tuệ ba-la-mật (paññā pāramī

5. Tinh tấn ba-la-mật (viriya pāramī) 

6. Nhẫn nại ba-la-mật (khanti pāramī)

7. Chân thật ba-la-mật (sacca pāramī)

8. Nguyện lực ba-la-mật (adhitthāna pāramī)

9. Tâm từ ba-la-mật (mettā pāramī)

10. Tâm xả ba-la-mật (upekkha pāramī)

Kết Đề:

Như vậy là cả thảy 10 ba-la-mật này, một vị bồ-tát cần phải thực hành tròn đủ, viên mãn – như là điều kiện tất yếu để trở thành một vị Chánh Đẳng Giác. Chúng đều là những phẩm chất, tố chất cao đẹp, cao cả, cao thượng nhất trong ba giới, bốn loài (Ba giới: dục, sắc, vô sắc. Bốn loài: noãn thai, thấp, hóa.). Ngoài ra, một vị bồ-tát còn cần phải hoàn thành 3 đức hạnh (cariyā) của một vị Phật:

  • Buddhi-cariyā: Là hạnh tích cực làm việc thiện – cho đến chỗ toàn thiện – với trí tuệ sáng suốt.
  • Ñāti-attha-cariyā: Là hạnh tích cực hoạt động để đem đến lợi ích (attha) cho quyến thuộc (ñāti) nghĩa là tạo an lành hạnh phúc cho gia đình và thân nhân quyến thuộc.

Đây không phải là hạnh ích kỷ, mà là bổn phận phải làm, như đức Phật hóa độ cả đại gia đình, cả hoàng tộc và cả dòng họ Sakyā.

  • Loka-attha-cariyā: Là hạnh tận lực phục vụ đem đến lợi ích (attha) cho thế gian (loka) – nghĩa là cảm hóa, cải thiện thế gian, giáo hóa chúng sanh tu tập con đường diệt khổ.

Cả 10 ba-la-mật và cả ba đức hạnh nầy, đức Phật Sakyā- Gotama đều viên mãn; nhưng tích lũy nó bồ-tát đã phải thực hành trải qua 4 a-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp nhọc nhằn, gian khổ, xuyên suốt, tận cùng, toàn mãn… không một khắc giây lơ là, bê trễ. Là một tấm gương vằng vặc, phản ảnh đầy đủ sự hy sinh cao cả, đức nhẫn nại vô cùng, sự kiên trì vô hạn cùng sự tinh cần dõng mãnh vô song… trong các kiếp tử sinh không mệt mỏi. Chúng đi theo bồ-tát

  • 10 ba-la-mật ấy – cùng trôi nổi, trôi dạt, phiêu linh đó đây trong biển trầm luân theo dòng nghiệp, dòng tâm, dòng trí… để hoàn thiện, thăng hoa từ từng mảy vi trần cát bụi thành đóa hoa đại giác.

Bồ-tát sinh ra vào thời không có Phật, đã trăm kiếp, ngàn kiếp ngài tu đạo sĩ đắc bát thiền và ngũ thông. Tuy nhiên, con đường thoát khổ vẫn còn xa xăm diệu vợi. Cũng trăm kiếp, ngàn kiếp bồ tát sinh làm người, làm trời với phước báu sang cả, ngài đều tấn tu bồi dưỡng ba-la-mật. Vì còn vô minh và si mê nên bồ-tát không tự chọn cảnh giới cho mình được đâu. Chính định luật nghiệp báo làm công việc “chọn lựa” ấy! Tuy nhiên, nhờ huân tu ba-la-mật, nhiều phước báu hữu vi nên bồ-tát cũng có một vài uy lực đặc biệt. .Ví dụ như khi sanh vào cảnh phạm thiên mà đời sống ở cõi nầy dài thăm thẳm, ngài có thể dùng ý lực mạnh mẽ, chấm dứt đời sống ở đó và tái sanh vào một cảnh giới thuận lợi để thực hành mười ba-la-mật dễ dàng hơn. Cũng có kiếp, bồ-tát có khả năng dùng ý lực mạnh mẽ để tái sanh vào một cảnh giới như ý muốn (adhimutti-kālakiriyā). Ngoài ra, có những cảnh giới mà bồ-tát không bao giờ tái sanh vào đấy. Ví dụ sinh làm thú thì luôn luôn là thú đầu đàn, không sinh  làm thú nhỏ hơn chim sẻ, không làm thú lớn hơn con voi. Sinh làm người thì không sinh làm kẻ đui, què, mẻ sứt; nghĩa là không sinh làm người với ngũ quan khuyết tật. Bồ-tát không tái sanh vào cảnh Vô phiền thiên (suddhāvāsa) là cảnh giới mà chư vị A-na-hàm, sau khi bỏ báo thân, về đó an nghỉ trước khi đạt thành đạo quả A-la- hán. Bồ-tát cũng không tái sanh vào 4 cõi trời vô sắc (arūpaloka) vì nơi đây không có cơ hội để tu tập ba-la-mật phục vụ chúng sanh. Bồ-tát có thể “đi lạc” vào “tà kiến” nhưng không đến nổi “hoàn toàn tà kiến” (niyata micchādiṭṭhi) (Niyata nghĩa là hoàn toàn, vững chắc, thường luôn.) tức là “không phải hoàn toàn không tin tưởng” định luật nhân quả. Bồ-tát có thể đọa vào 4 khổ cảnh (apāya) nhưng không đến nỗi phải lâm vào trạng thái cực kỳ khổ sở của cảnh giới nầy. Lại có kiếp, vào thời đức Phật Kassapa, bồ-tát sinh làm thanh niên Jotipāla, lại xúc phạm phỉ báng đức Phật là “sa-môn đầu trọc”. Sau được người bạn thân là thợ gốm, một thánh cư sĩ Ghatīkāra “lôi cổ, lôi đầu, túm tóc” kéo đến đức Phật nhờ ngài cảm hóa. Và thanh niên Jotipāla trở lại chánh kiến ngay tức khắc (Majjhima Nikāya, Ghatīkāra Sutta).

Đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Một vị bồ-tát có biết rằng trong vô lượng kiếp luân hồi ngài sẽ trở thành Phật không?” Đọc Túc sanh truyện, ta có thể trả lời là: Đa phần không biết nhưng có vài ba kiếp, bồ-tát biết. Ví như truyện Visayha-seṭṭhi jātaka chép rằng, một ngày kia trời Ðế Thích (Sakka) đến đảnh lễ Ðức Phật và hỏi tại sao Ðức Phật lại có tâm lực vô cùng vô tận như vậy. Ðức Phật trả lời rằng vì ngài không có ý định riêng hưởng một hồng ân nào trong tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) mà mục đích của ngài là chứng đạt đạo quả tối thượng Chánh Ðẳng Giác. Và, kiếp cuối cùng làm thái tử Vessantara, bồ-tát cũng biết, sau khi bố thí hết tài sản, vợ con với 5 đại thí, bồ-tát sẽ sinh lên cõi trời Đẩu Suất chờ đợi đại nhân duyên, trở lại cõi người để tu tập thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Chính trời Đế Thích cũng biết nên hiện xuống giả dạng đạo sĩ xin luôn vợ bồ-tát để cho ngài hoàn thành tâm nguyện ba-la-mật cuối cùng.

Vậy, tóm lại, ai cũng có thể là bồ-tát khi hành trì 10 ba-la-mật, chứ không phải dành riêng cho bậc siêu phàm, xuất chúng nào. Hãy đọc lại, đọc kỹ 10 ba-la-mật, suy ngẫm là đời này, kiếp này ta nên tu tập ba-la-mật nào, hay thực hành nhiều ba-la-mật, mỗi thứ một ít? Hoặc là ta thấy ba-la-mật nào ta yếu nhất, khiếm khuyết nhất thì ta kiên trì tu tập, bồi bổ ba-la-mật ấy? Tùy. Tùy mỗi người. Tùy căn cơ, trình độ và tùy cả nguyện lực. Cứ lấy Túc sanh truyện qua các kiếp sống của bồ-tát để noi gương.

Quả thật, ta có thể kết luận rằng: Đối với chính mình, bồ-tát rất nghiêm khắc, về kỷ luật cũng như huân tu công hạnh: Tâm ngài cứng như đá tảng, kiên cố như trụ đồng, vững chắc và lấp lánh như núi kim cương. Nhưng đối với chúng sanh, bồ-tát lại ôn nhu, từ ái, nhân ái, dịu dàng hết mực: Tâm ngài như ánh trăng trong, như làn gió mát, như mảnh lụa mềm … đầy đủ bốn năng lực siêu nhiên, vô lượng.

Tham khảo một số bài giảng của các thiền sư:

10 Ba La Mật “Những HIỂU LẦM Trong PHẬT GIÁO” – HT Viên Minh Giảng | Phật Pháp Vấn Đáp

Youtube video

BA LA MẬT nghĩa là gì ? – Thầy Thích Pháp Hòa

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức – Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu 

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 191

Post Views: 825