Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

TỨ NHƯ Ý TÚC (Cattāra – iddhipāda)

 

Như Ý Túc hay thần túc được dịch từ cụm từ iddhipāda (Iddhi

+ pāda). “Iddhi” có nhiều nghĩa tương thích: Là thành tựu như ý, thành công viên mãn, hoàn tất đầy đủ, hoàn thành trọn vẹn; có nơi còn dịch là năng lực thần thông. “Pāda” ngoài nghĩa cụ thể là cái chân, cũng có nghĩa: Căn bản, nền tảng hay chân đứng vững chắc.

Vậy, tứ Như Ý Túc là bốn nền tảng (căn bản) vững chắc đưa đến sự thành tựu như ý (thành công viên mãn, kết quả khả toàn) là giác ngộ, giải thoát. Cũng có nghĩa là bốn căn bản rèn luyện, tu tập đưa đến sự thành tựu thần lực, thần Tức thông.

1- Chandiddhipāda: Dục Như Ý Túc. 2- Vīriyiddhipāda: Tấn Như Ý Túc 3- Cittiddhipāda: Tâm Như Ý Túc

4- Vimaṃsiddhipāda: Thẩm Như Ý Túc

Như vậy tứ Như Ý Túc hay tứ thần Tức ấy phải được phân định rạch ròi là có hai cách tu tập, hai hướng tâm khác nhau: Một là, tu tập tứ Như Ý Túc để đắc thần thông. Hai là, tu tập tứ Như Ý Túc hướng đến chấm dứt sinh tử khổ đau. Cũng có trường hợp thứ ba, có một số vị A-la-hán sau thánh quả, họ tu tập thêm tứ thần Tức để có khả năng rộng độ chúng sanh. Tuy nhiên, Đức Phật chỉ cho phép hai vị Đại Đệ Tử được sử dụng thần thông để giáo hóa chúng sanh, còn các vị khác thì bị Đức Phật quở trách.

Đây là những đoạn kinh văn được trích từ Tương Ưng Bộ Kinh V nói về thần thông:

“- Ở đây vị tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, đi trên không…, đi trên nước, độn thổ…, với tay sờ mặt trăng, mặt trời…, có thể tự thân bay đến cõi phạm thiên, này các tỷ-kheo, đây gọi là như ý”.

“- Con đường nào, đạo lộ nào đưa đến chứng được như ý, này các tỷ-kheo, đây gọi là Như Ý Túc”.

“- … Vị tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: một thân hiện ra nhiều thân…”

“- Có thể chứng thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, Tức mệnh thông và lậu tận thông”.

“- Do tu tập làm sung mãn tứ Như Ý Túc này, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại”.

Và đây là Tứ Như Ý Túc nói về tu tập giáo pháp đưa đến giác ngộ, giải thoát rốt ráo:

“- Do tu tập sung mãn Tứ Như Ý Túc này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”.

“- Có Tứ Như Ý Túc, này các tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những thánh lãnh đạo, dẫn dắt những ai thực hiện đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau”.

Còn nữa, theo Visuddhimagga, có 5 thành tựu trong sự tu tập các pháp hành (paṭipaṭṭi dhamma) hay là sự thực hành giáo pháp có kết quả, thành tựu mục đích do nhờ Tứ Như Ý Túc:

1- Thành tựu trí tuệ thấy rõ thực tánh pháp (Abhiññeyyesu dhammesu abhiññā siddhi).

“ Siddhi” cùng đồng nghĩa với “iddhi” là thành tựu; “abhiññā” có nghĩa là hiểu biết, sáng suốt, thông hiểu đặc biệt; nhiều khi được dịch là thắng trí thần thông. Còn có nghĩa là thông suốt Abhidhamma. Tuy nhiên, ở đây, “abhiññā siddhi” nghĩa là sự thành tựu trí tuệ thấy rõ danh sắc, ngũ uẩn, xứ, giới… Tức là trí tuệ thấy rõ thực tánh pháp (sabhāva-dhamma), sự thực chân đế, chân lý tối hậu (paramattha-sacca).

2- Thành tựu chánh kiến thấy rõ Tứ Diệu Đế, thấu hiểu ba đặc tướng vô thường, dukkha, vô ngã của các pháp (Pariññeyyesu dhammesu pariññā siddhi).

“Pariññā” có nghĩa là sự hiểu biết đúng đắn, thông thạo, rõ rệt, chắc chắn. Vậy “pariññā siddhi” hàm chỉ sự thành tựu chánh kiến thấy rõ Tứ Diệu Đế, thấy rõ khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Cũng có nghĩa là thấu hiểu ba đặc tướng anicca (vô thường), dukkha (khổ) và anattā (vô ngã) của các pháp.

  • Thành tựu sự dập tắt, đoạn lìa “ṭaṅhā” ba cõi; và cần yếu nhất là cắt đứt 3 kiết sử để vào dòng giải thoát (Pahānabbesu dhammesu pahāna siddhi).

“Pahāna” có nghĩa từ bỏ, dứt bỏ. Vậy “pahāna siddhi” có nghĩa là sự thành tựu trọn vẹn trong chức năng từ bỏ, dứt bỏ, dập tắt, đoạn trừ “ṭaṅhā” trong ba cõi: Dục ái (kāmaṭaṅhā), dục giới; hữu ái (bhavaṭaṅhā), sắc giới; và phi hữu ái (abhavaṭaṅhā), vô sắc giới.

Tuy nhiên, có nhiều nơi lại giải thích “pahāna siddhi” là hoàn

tất nhiệm vụ loại trừ những phiền não (kilesa), những ô nhiễm chính yếu: Thân kiến (sakāya-diṭṭhi) hoài nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlappaṭṭapamārāsa) để đi vào dòng giải thoát, đạo quả Tu-đà-hoàn (sotāpanna), thấy rõ Niết-bàn lần đầu tiên.

  • Thành tựu cuối cùng là đạo quả siêu thế, Niết-bàn.

(Sacchikāṭabbesu dhammesu sacchikiriyā siddhi).

“Sacchikiriyā” có nghĩa là sự làm cho thấu rõ, đã qua kinh nghiệm, đã có kết quả được. Do vậy “sacchikiriyā siddhi” hàm chỉ sự giác ngộ rốt ráo, cuối cùng, đó là đạo quả siêu thế, Niết-bàn.

  • Thành tựu sự phát triển tinh thần (Bhāveṭabbesu dhammesu bhāvanā siddhi).

“Bhāvanā” là phát triển tinh thần, tinh cần tham thiền. Vậy, “bhāvanā siddhi” có nghĩa là có khả năng vững vàng trong sự tu tập, có khả năng hoàn thành sự phát triển tinh thần nhờ tham thiền. Ở đây sự thành tựu tu tập (sikkhā – pháp học) là tinh cần hành trì giới định tuệ, bát thánh đạo cho đến lúc đắc đạo quả siêu thế.

Tóm lại, Đức Phật dạy:

– Này chư tỷ-kheo! Có bốn Như Ý Túc được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ đưa đến từ bờ này sang bờ kia. Thế nào là bốn, đó là:

Tu tập Như Ý Túc cùng với dục định tinh cần hành. Tu tập Như Ý Túc cùng với tấn định tinh cần hành. Tu tập Như Ý Túc cùng với tâm định tinh cần hành. Tu tập Như Ý Túc cùng với thẩm định tinh cần hành.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau khảo sát từng Như Ý Túc một.

Dục Như Ý Túc (Chandiddhipāda)

“Chanda” tuy dịch là “dục” nhưng không phải là tham dục, là ái dục, mà nó có nghĩa là “ước muốn bình thường, thuần Túy” như khát thì muốn uống nước, đói thì muốn ăn, muốn xây một căn nhà, muốn chưng một bình hoa… Tuy nhiên, khi “chanda” đi với “iddhipāda”, ước muốn (dục) ấy tu tập cùng với “định tinh cần hành” thì nghĩa của nó biến thành ước muốn kiên cố, vững chắc

không có gì lay chuyển nổi. Do vậy, với năng lực, với sức mạnh ấy, Dục Như Ý Túc sẽ đưa đến kết quả, thành công, thành tựu như ý nguyện. Đây là loại ước muốn thù thắng: “Thà chết còn hơn sống nếu nguyện vọng tha thiết ấy không tựu thành”.

Một vài minh họa về năng lực bất thối chuyển này:

  • Như đại bồ-tát của chúng ta sau sáu năm khổ hạnh lầm lạc, trở lại cội cây bồ-đề bên sông Ni-liên, ngồi trên nệm cỏ cất lời thề: “ Dù thịt nát, xương tan, nếu không thành tựu Chánh Đẳng Giác, ta nguyền không rời khỏi cội bồ-đề nầy”.
  • Như hình ảnh di mẫu Gotamī, công chúa Yasodharā, các công nương Sakyā với tấm thân liễu yếu đào tơ, cành vàng lá ngọc… nhưng đã khởi tâm mãnh liệt, cạo mái tóc mây, mặc y vải thô xấu, đầu trần chân đất rướm máu, bộ hành trải qua 45 do-tuần mưa nắng, quyết tìm Đức Phật xuất gia cho bằng được, mặc dù trước đó đã bị ngài từ chối.
  • Như 5 vị tỳ-khưu nọ trong một truyện tích. Các ngài cùng leo lên núi đá cao, quăng bỏ thang dây với lời phát nguyện: “Nếu không đắc được thắng trí, đạo quả, thà chết đỉnh núi này còn tốt hơn”. Và quả thật vậy, sau đó 3 vị chết vì đói, một vị có thần thông bay đi, một vị vừa đắc đạo quả vừa có thần thông (mới xuống núi được).

Muốn thông tỏ các pháp môn tu học, muốn hoàn thiện các thiện pháp, muốn tâm được an ổn, thanh bình, muốn thành người có giới, có định, có tuệ, muốn đắc sơ thiền, nhị thiền… muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi… tất cả, tất cả đều cần đến Dục Như Ý Túc vậy.

Dục Như Ý Túc đúng là một nguyện lực kiên cố, một ước muốn phi thường; là điều kiện tất yếu đưa đến mọi thành công.

Tấn Như Ý Túc (Vīriyiddhipāda)

Dục Như Ý Túc khởi lên ước muốn mãnh liệt, nguyên lực phi thường thì Tấn Như Ý Túc tiếp sức thêm, tinh cần nỗ lực để thành tựu ước muốn ấy.

Tấn trong Tấn Như Ý Túc khác với tấn bình thường vì “Tu tập Như Ý Túc cùng với tấn định tinh cần hành”, có nghĩa là năng lực của dục có định hỗ trợ, cộng thêm sức mạnh của tấn có định tiếp sức. Như vậy, sức mạnh của Tấn Như Ý Túc vươn tới mục tiêu không có gì lay chuyển nổi. Người tu tập có Tấn Như Ý Túc thì không thể bạc nhược, ươn hèn, yếu đuối trước những khó khăn, vất vả, trước những thử thách gian lao, trước những chông gai, cạm bẫy.

Hình ảnh một lực sĩ điền kinh với những bước chân kiên trì nỗ lực trên đường dài, không một phút giây nào thụt lùi ý chí, nhưng khi chỉ còn một quãng ngắn, y sẽ lấy hết sức lực như tung ra năng lượng cuối cùng để vươn tới vạch đích. “Kiên trì nỗ lực trên đường dài” là tinh cần, là tấn – mà “lấy hết năng lực cuối cùng” là Tấn Như Ý Túc vậy.

Tôn giả Ānanda là bậc Thánh Hữu Học, chỉ mới đắc quả Dự Lưu nên không được tôn giả Mahā Kassapa cho tham dự lễ kết tập kinh điển lần thứ nhất sau ba tháng Phật diệt độ, vì điều kiện phải là bậc A-la-hán. Mặc dù nhân số đại hội chỉ 499 vị, thiếu một vị mới đủ túc số nhưng tôn giả Mahā Kassapa vẫn cương quyết cấm cửa bậc Đa Văn! Thế là đếm ấy, tôn giả Ānanda nhiệt tâm tinh cần không mệt mỏi, nỗ lực tu tập để mong đắc quả A-la-hán để sớm mai đủ điều kiện tham dự đại hội. Có lẽ cả đêm tôn giả đã tấn quá sức, cho đến gần sáng thì Tấn Như Ý Túc cũng đã tiêu hao hết giọt năng lượng cuối cùng nên ngài định nghiêng lưng một chút. Ngay giấy khắc ấy, giây khắc nghiêng lưng ấy, có lẽ Tấn Như Ý Túc của tôn giả đã trọn vẹn rồi nên ngài đắc quả A-la-hán (Chuyện không ở nơi nào giải thích, nhưng ai cũng thầm hiểu là tôn giả Mahā Kassapa cương quyết cấm cửa tôn giả Ānanda vì ngài biết trước là sau một đêm, bậc Đa Văn sẽ đắc quả A-la-hán – vì nếu không, chỉ có tạng Luật được kết tập do ngài Upāli tuyên đọc mà không có tạng Kinh cùng nửa tạng Abhidhamma!).

Tâm Như Ý Túc (Cittiddhipāda)

Citta, tâm có căn “cit” là suy nghĩ, suy ngẫm, nhận thức, vậy ciṭṭiddhipāda – Tâm Như Ý Túc là sự liên kết không rời, không lơi là, không gián đoạn giữa suy nghĩ, nhận thức của hành giả với mục tiêu thành tựu mà Dục Như Ý Túc và Tấn Như Ý Túc đã dẫn đường. Do Tứ Như Ý Túc nằm trong 37 phẩm trợ đạo, là Đạo Đế nên tâm Như Ý Túc phải có bổn phận khắn khít không buông lơi sự thành tựu tối thượng là chấm dứt toàn bộ khổ đau, phiền não, là giải quyết trọn vẹn tử sinh đại sự, là thắng trí, giác ngộ, giải thoát, Niết-

bàn.

Tại thánh địa Capāla, kinh thành Vesāli, Đức Phật tuyên bố ngài sẽ tịch diệt sau ba tháng nữa. Chư Tăng xôn xao bàn tán về chuyện buồn này, rồi họ lũ lượt đến đảnh lễ, viếng thăm ngài. Có tỳ-khưu Tissa ở gần đó, suy nghĩ như sau: “Vậy thì ta phải cố gắng,

kiên trì, tinh cần, nhất tâm tu tập, giải quyết xong phận sự cuối cùng trước khi Tôn Sư nhập diệt”. Thế rồi, Tissa không đến đảnh lễ Đức Phật mà lựa tìm nơi thanh vắng để công phu thiền tập. Nhiều vị trong Tăng đoàn đoàn tỏ ý chê trách tỳ-khưu Tissa vô ơn, bạc nghĩa không hề biết thương kính đức Đạo Sư. Đức Phật biết chuyện, ngài nói rằng: “Không phải vậy! Người nào biết thương kính, tôn kính Như Lai thì hãy như tỳ-khưu Tissa này!”

Sự suy nghĩ chơn chánh của tỳ-khưu Tissa: “Tôn kính giáo pháp, thực hành giáo pháp chính là tôn kính đức Đạo Sư” rồi “nhất tâm” tu tập hướng đến giải thoát – chính là Tâm Như Ý Túc.

Thật ra, sự giải thoát có nhiều cấp độ cao thấp, sâu cạn khác nhau, nhiều cách hiểu về giải thoát khác nhau, áp dụng cho nhiều chỗ khác nhau. Trong Vô ngại giải đạo (paṭisambhidāmagga) chương Giải thoát luận giải (vimuṭṭi kaṭṭhā) có ghi rõ từng cấp độ giải thoát.

Câu hỏi là: Gọi là giải-thoát do ý nghĩa giải thoát là “giải thoát ra khỏi cái gì?” Ví như:

  • Tu tập từ tâm giải thoát là ra khỏi sân tâm.
    • Tu tập bi tâm giải thoát là ra khỏi hận tâm.
    • Tu tập hỷ tâm giải thoát là ra khỏi ganh tị tâm.
    • Tu tập xả tâm giải thoát là ra khỏi thù oán tâm. Hay:
    • Sơ thiền là thoát ra khỏi năm pháp cái.
    • Nhị thiền là thoát ra khỏi tầm (viṭakka), tứ (vicāra).
    • Tam thiền là thoát ra khỏi hỷ.
    • Tứ thiền là thoát ra khỏi khổ thọ, lạc thọ có từ trước.

Tất cả “giải thoát, tâm ra khỏi” ấy chưa được gọi là Tâm Như Ý Túc. Phải là sự mong muốn, tinh cần, quyết tâm tu tập ra khỏi hiểm họa luân hồi tử sinh, ra khỏi tam giới, vĩnh viễn thoát ly cấu uế trói buộc, giải thoát rốt ráo mới được gọi là Tâm Như Ý Túc vậy.

Thẩm Như Ý Túc (Vimaṃsiddhipāda)

Vimaṃsa có nhiều nơi cho nghĩa là trí tuệ đặc biệt – nghiêng về tuệ, hay quán xét thấu đáo, nghiêng về quán. Có một số nơi lại dịch là trí hoặc tư duy (tư duy là của ngài Minh Châu), đều đúng cả nhưng thẩm lự, thẩm sát nó gần nghĩa hơn. Tại sao vậy?

Sau khi đi qua ba Như Ý Túc dục, tấn, tâm, ta thấy nó là một tiến trình. Từ ý muốn (dục), nỗ lực cho ý muốn ấy (tấn) rồi quyết tâm thực hiện (tâm) thì Như Ý Túc thứ tư (thẩm) được xem như kết quả của sự tựu thành. Vậy, thẩm lự, thẩm sát là tra xét lại để thấu hiểu trọn vẹn, chu đáo tiến trình mà hành giả đã thực hiện (Lưu ý: Có nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chú giải họ giải thích hay bình giảng rời rạc từng Như Ý Túc một, không có sự gắn kết liền lạc như một tiến trình).

Như ước muốn xây một căn nhà (dục) thì phải tính toán, thiết kế, chạy mua vật liệu chắc bền, tìm kiếm thợ thầy giỏi dang, dồn mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn trở ngại (tấn), sau đó quyết tâm thực hiện đúng với ước muốn có ngôi nhà lý tưởng (tâm). Vậy, thẩm lự, thẩm sát là rà soát lại, quan sát, tra xét các công đoạn xem chỗ nào được, chỗ nào chưa. Và kết quả thành tựu có đúng như ước muốn của mình chưa (thẩm).Vì mục đích cao cả của Tứ Như Ý Túc là hướng đến giác ngộ, giải thoát nên Thẩm Như Ý Túc chính là giai đoạn xem lại thành quả cuối cùng. Ở đây, giai đoạn nầy, sẽ có một loại trí tuệ đặc biệt khởi lên, nó có hai chức năng: Một là, tra xét thấu đáo 3 công đoạn trên đã thật sự trọn vẹn Như Ý Túc chưa để rút kinh nghiệm. Hai là, minh sát xem thử các cấu uế, kiết sử (kể cả tùy miên kiết sử) đã cắt đứt được mấy phần hay đã rốt ráo đoạn tận nhiễm ô. Bởi vì, Như Ý Túc không phải chỉ tu tập một lần là thành tựu, mà phải trải nhiều lần “ thật lão luyện”, “thật chắc chắn”, “ thật nhuần nhuyễn”, “thật thuần thục” đến chỗ Như Ý đúng như Đức Phật đã chỉ dạy vậy.

Tóm lại,

Lợi ích của Tứ Như Ý Túc thật là bất khả tư nghì. Trích phẩm Tương Ưng Như Ý Túc:

“- Những tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, này các tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí đã chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả các vị ấy đều nhờ đã tu tập, đã làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc. Những tỷ-kheo nào trong thời tương lai, này các tỷ- kheo, đã đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, sẽ tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc. Những tỷ-kheo nào trong thời hiện tại, này các tỷ-

kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc”.

Đức Phật còn dạy thêm:

“- Người chỉ tu tập thuần thục một pháp Như Ý Túc sẽ làm cho ba pháp Như Ý Túc còn lại trở nên sung-mãn – Như Lai gọi người ấy là người có một phần tư (1/4) Như Ý Túc. Tương tự như vậy, người tu thuần thục hai pháp Như Ý Túc, Như Lai gọi là người có hai phần tư (2/4) Như Ý Túc. Rồi ba phần tư (3/4) Như Ý Túc. Còn người thuần thục, sung mãn bốn pháp Như Ý Túc, Như Lai mới gọi là Con Người Toàn Diện”.

Ngoài ra, Đức Phật còn nói đến sự lợi lạc khác nữa:

  • Tứ Như Ý Túc còn được gọi là pháp trưởng (adhipaṭidhamma) vì nó sẽ làm cho những pháp đi chung (sahagaṭajāṭi) được phát triển lớn mạnh (trong 37 phẩm trợ đạo).

Nói tóm lại, có thể quả quyết rằng, tất cả mọi công việc hay nghề nghiệp sinh sống ở đời nếu không có, không đầy đủ tứ Tứ Như Ý Túc thì không thể thành công, thành tựu cái gì được cả. Muốn thành một bác sĩ, một kỹ sư, một nhà giáo, một nhà khoa học… ai cũng đi từng giai đoạn trong tiến trình Như Ý Túc nầy. Đầu tiên là phải có ước muốn thích hợp với ước mơ của mình (dục), thứ nữa phải cố gắng cần chuyên, nỗ lực đúng mức cho ước muốn ấy (cần), tiếp theo là phải quyết tâm thực hiện cho bằng được (tâm), cuối cùng là xem lại kết quả, thấu hiểu trọn vẹn nghề nghiệp của mình (thẩm).

Như vậy, có Tứ Như Ý Túc hướng đến thành công trên đường đời và có Tứ Như Ý Túc hướng đến đạo, quả Niết-bàn.

Do vậy, hãy lên đường, hãy tu tập, dù chưa trọn vẹn, nhưng chỉ một phần Như Ý Túc cũng đã kết quả hạnh phúc nhân thiên và gieo duyên giác ngộ, giải thoát trong mai hậu không xa vậy.

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 80

Post Views: 368