Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Các cảnh giới

 

NHỮNG CẢNH GIỚI

Theo sự thấy biết của Đức Phật, chúng sanh trên thế gian này là vô biên, vô lượng; chủng loại cũng vô lượng, vô biên… mà cảnh giới và trú xứ cũng y như thế.

Khoa thiên văn học ngày nay nhờ dụng cụ khoa học tối tân, người ta có thể quan sát được những tinh cầu rất xa xôi; và theo sự phỏng đoán của họ thì trên dãy ngân hà có khả năng hiện hữu một triệu mặt trời! (1) Một triệu mặt trời tức là một triệu thái dương hệ. Một thái dương hệ là có đủ mặt trời, mặt trăng, quả đất, mộc tinh, hỏa tinh… Người ta cũng đưa ra một con số kinh hoàng về không gian vô tận ấy: Vô lượng ngân hà mới được một thiên hà; vô lượng thiên hà mới bằng một thiên đảo. Vậy thì chúng ta có thể nào tính đếm chúng sanh trong vũ trụ mênh mông vô lượng kia chăng?

Tuy nhiên, theo đạo Phật, chúng sanh và cảnh giới, trú xứ tuy nhiều; nhưng cũng có thể phân làm 7 loại và sống trong 31 cảnh giới khác nhau, ấy là: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời, Phạm thiên. Còn 31 cảnh giới có: 4 cảnh giới bất hạnh, 7 cảnh giới hữu phúc và 20 cảnh giới thọ hưởng hạnh phúc thiền định Hữu sắc và Vô sắc.

Bốn cảnh giới bất hạnh (Cattāra-kāmaduggati-bhūmi)

Là bốn cảnh giới bất hạnh hay bốn khổ cảnh. Những chúng sanh ở đây phải chịu đọa đày, đau đớn, thống khổ cả thân lẫn tâm, cả vật chất lẫn tinh thần. Nghiệp quả mà chúng sanh ở đây phải nhận chịu là do chúng đã tạo tác những nghiệp dữ hoặc xấu ác trong quá khứ.

  1. Cảnh địa ngục (niraya)

“Ni” là không có; “raya” là hạnh phúc. Chúng sanh sống ở cảnh giới này hoàn toàn phải chịu thống khổ, tối tăm và bất hạnh. Chúng phải bị trả quả ác nghiệp bởi đã gây nhân hận thù, ác độc, bạo tàn…

(1) Bây giờ, theo tư liệu khoa học, người ta nói là có cả hằng tỉ, tỉ ngân hà.

Hình ảnh mà kinh sách thường nhắc đến ở cảnh giới này là chảo dầu sôi, chông nhọn, cưa xẻ người, đốt cháy người…

Tuy nhiên, địa ngục này không phải là hình phạt vĩnh viễn. Khi đã trả hết quả ác nghiệp, họ có thể tái sanh vào những cảnh giới khác, khổ hay vui tùy theo nghiệp nhân tương ứng từ quá khú. Chúng sanh ở địa ngục thuộc hóa sanh, phải trả nợ nghiệp cũ chứ không thể tạo thêm nhân mới.

  • Cảnh giới ngạ quỷ (petayoni)

Không phải là cảnh giới của ma quỷ vô hình như thế gian thường quan niệm. Cảnh ngạ quỷ không có một nơi chốn, một trú xứ riêng biệt. Chúng có thể ở những chỗ tối tăm, dơ dáy, bẩn thỉu, hôi hám… như cầu tiêu, cống rãnh, mương nước, chỗ rửa chén bát, bụi bờ, nghĩa địa, trong nhà và cả xung quanh nhà…

Ngạ quỷ có hình thù xấu xa, dị tướng. Có thể là bụng to bằng cái trống mà cổ bằng cây kim. Có thể như bộ xương người mà đính thêm cái đầu thú. Có thể là thân hình nửa thối rửa, nửa dòi bọ bu đầy. Có thể là thân thể lở loét, xanh xao, còn bị dị điểu rượt đuổi, cắn xé… Nói chung, ngạ quỷ thường luôn đói khát, bị thống khổ thường xuyên, là do kiếp trước đã tạo những ác nghiệp, như: xan tham quá độ, bóc lột vơ vét của cải tài sản của người; dùng thủ đoạn đê hèn, dối trá, lươn lẹo để san đoạt tiền bạc, áo cơm của kẻ khác. Tất cả đều do nhân tham lam, khao khát vô tận, vô độ vậy.

  • Cảnh giới súc sanh (tiracchānayoni) (2)

Hàm chỉ tất cả các loài động vật có bốn chân, nhiều chân, hai chân, không chân; các loài có cánh, không cánh, có vây, không vây. Tất cả động vật ở trên đất, trong đất, trên hư không, sông ngòi, biển cả… chúng thuộc dạng bay, dạng bơi hoặc nhỏ nhiệm như ruồi, muỗi, côn trùng đều được gọi chung là cảnh giới động vật súc sanh cả.

Các loài động vật ở xung quanh ta, chúng có đời sống ra sao, nghiệp báo hiện tại của chúng như thế nào, chúng ta hiểu rồi. Gọi là thú, vì chúng chỉ sống bằng bản năng, không có lý trí để suy xét, tìm hiểu, phân định phải trái, đúng sai. Vậy, nhân của cảnh giới nầy là do si mê, đần độn, đắm trước, sống thả cho dục vọng buông tuồng, sống với sự đòi hỏi, thỏa mãn bản năng.

(2) Tiracchāna: Chỉ tất cả các loài động vật (súc vật, cầm thú… muôn loại) – dịch súc sanh chưa trọn nghĩa.

Tuy nhiên, có những loài thú mà sống đầy đủ hơn một số người… giống như mèo, chó của những triệu phú, trưởng giả, là do bởi “biệt nghiệp” của chúng.

Tương tự như cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, cảnh giới súc sanh này có thể chấm dứt sau khi trả hết quả ác nghiệp.

  • Cảnh giới a-tu-la (asurayoni)

Là cảnh giới của những chúng sanh bao giờ cũng có nét mặt cau có, bẳn gắt, khó chịu, nóng nảy, bực bội. Chúng ưa tranh chiến, tranh thắng, khẩu tranh, luận tranh, đấu tranh, chiến tranh bằng binh khí miệng lưỡi hay đao trượng. Nhân quá khứ là thường hay ngã mạn, cậy quyền, hay khoe tài, khoe sức; tạo những nghiệp tác hại đến mình và mọi người. Asura không có sự vui mừng, vui tươi, mát mẻ, hớn hở, thanh thản mà luôn sợ hãi, đề phòng, dè chừng. Chúng không có một niềm vui nào ngoài việc gây hấn, phá hoại tạo sự thù oán hoặc chiến tranh với kẻ khác.

Có hai loại Asura: Asura địa và Asura thiên. Asura địa ở gần gũi với thế giới loài người như ở tại cội cây, nghĩa địa, đồng hoang, am miếu… chúng có thể là các loài quỷ theo quan niệm của thế gian. Asura thiên ở cảnh giới gần cung trời Đao Lợi, phước báu của chúng nhiều hơn Asura địa.

Bảy cảnh giới hữu phúc (Satta-kāmasugati-bhūmi)

1- Cảnh người (manussa-loka)

Cảnh giới này có vui khổ lẫn lộn. Tốt xấu, thiện ác lẫn lộn, nhưng tốt nhiều hơn xấu, thiện nhiều hơn ác. Cảnh người là cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tu hành nhất, cho nên chư Bồ-tát thường chọn cảnh giới này để tu tập ba-la-mật.

Ai trên đời mà xử sự có lý, có tình, sống có nhân, có nghĩa, biết phải, biết trái, có trí, có tâm… là có thể tái sanh làm người. Tuy nhiên, chính xác hơn, họ sống có giới hạnh (giới), biết san sẻ tinh thần và vật chất đến kẻ khác (thí), biết phân định phải trái, đúng sai (trí) thì đều có thể được làm người.

  • Người có chức tước, địa vị sang cả, tài sản, danh thơm đều thịnh mãn là do nhờ giới, thí và trí hơn người.
  • Người có địa vị trung lưu, sự nghiệp danh vọng, tài sản chừng mực là do bởi giới, thí và trí vừa phải, trung bình.
  • Người nghèo đói, cơ cực, bất hạnh, một số kẻ còn khổ hơn cả các loài động vật là do bởi “biệt nghiệp” hoặc nghiệp còn dư sót của những ác nghiệp từ quá khứ.

Và nói chung, tất cả con người: Giàu nghèo, sang hèn, trí ngu, may rủi, vui khổ đều do nghiệp sai khác quyết định.

2- Cảnh trời (trời Dục giới)

2.1- Tứ đại Thiên vương (Cātumahārājika)

Có 4 vị Thiên vương cai trị 4 phương:

  • Đa văn Thiên vương (Vessuvaṇa) lãnh nhiệm phương Bắc; ngài có thân màu lục, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu lục; tay phải cầm cờ chiến thắng, tay trái có con chuột màu bạc phun ngọc. Bắc Thiên vương cai quản chư thiên cùng loài Dạ-xoa (Yakka).
  • Tăng trưởng Thiên vương (Virūḷhaka), lãnh nhiệm phương Nam; ngài có thân màu xanh, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu xanh; tay cầm thanh gươm xanh – biểu tượng trí tuệ chém vô minh. Nam Thiên vương cai quản chư thiên cùng loài Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa).
  • Trì quốc Thiên vương (Dhataraṭṭa), lãnh nhiệm phương Đông; ngài có thân màu trắng, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu trắng; tay cầm cây đàn đặc biệt của cõi trời – mỗi lần đàn lên là làm cho tâm của người nghe trở nên thanh tịnh. Đông Thiên vương cai quản chư thiên cùng loài Càn-thát-bà (Gandhabha).
  • Quảng mục Thiên vương (Virūpakkha) lãnh nhiệm phương Tây; ngài có thân màu đỏ, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu đỏ; tay phải cầm con rắn canh giữ ngọc maṇi. Tây Thiên vương cai trị chư thiên cùng với loài Rồng (Nāga).

Là cảnh trời thấp nhất, tuy nhiên, nếu so sánh với loài người thì phước báu của cảnh trời này sang cả hơn thế gian loài người không kể xiết. Thân sắc họ tế vi, xinh đẹp, cao sang phước tướng. Những tiện nghi về lâu đài, ăn ở, y phục đều mỹ diệu và thù thắng.

Do nhân kiếp trước họ có giới, có thí hơn loài người; tuy nhiên, vì bố thí mà mong cầu nhân quả nên họ tái sanh ở đây.

Một ngày ở Tứ đại thiên vương bằng 50 năm ở nhân gian.

2.2- Trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa-33)

Tāvatiṃsa có nghĩa là ba mươi ba, nên cõi trời này còn gọi là cõi trời Ba mươi ba. Sở dĩ có tên như vậy là do truyện tích có ba mươi ba người (30 nam và 3 nữ) kia do thanh niên Magha lãnh đạo; đã tình nguyện làm những công việc từ thiện xã hội như làm đường sá, nhà nghỉ, trạm xá, công viên… rồi còn giúp cho cả ngôi làng sống tiến bộ trong thiện pháp. Sau đó, cả 33 người đều được hóa

sanh lên cõi trời này, ở trong 33 tòa lâu đài xinh đẹp. Còn thanh niên Magha được làm vua ở đây, có tên là Đế Thích (Sakka).

Phước báu của cõi trời này sang cả hơn Tứ đại thiên vương.

Một ngày ở đây bằng 100 năm ở nhân gian.

Ai có đời sống giới hạnh, biết phục vụ vô vị lợi, làm những công việc từ thiện xã hội đều được hóa sanh lên cảnh giới hữu phúc này.

2.3- Dạ-ma (Yāma)

Yāma là cái gì triệt tiêu đau khổ, nên đây là cảnh giới hạnh phúc, không biết khổ, buồn là gì.

Phước báu ở đây còn sang cả và thù thắng hơn cả cung trời Đao Lợi, do nhờ họ làm từ thiện và bố thí nhiều hơn.

Tuy nhiên, Yāma là cảnh giới không nên lưu trú vì tuy trước đây họ bố thí rất nhiều, nhưng họ đứng giữa ngã tư đường, muốn cho mọi người thấy họ đang làm việc thiện, muốn mọi người biết tên tuổi mình. Đây gọi là hiếu danh bố thí.

Một ngày ở đây bằng 200 năm ở nhân gian (Những người bố thí không có chánh kiến hoặc ngoại đạo thường hóa sanh ở đây).

2.4- Cõi trời Đẩu-suất-đà (Tusita)

Là cảnh giới hạnh phúc, khoái lạc hơn cả Yāma. Đây là nơi chốn mà chư vị đại Bồ-tát trước khi xuống trần đắc quả Phật đều chọn để hóa sanh. Bồ-tát Di Lặc (Metteyya), vị Phật tương lai của chúng ta, cuối cùng của quả đất này, hiện đang ở đây.

Người nào bố thí cúng dường mà có tâm nghĩ đến Tam Bảo, hộ độ Tăng Chúng; và khi giúp đỡ người thì có tâm bi mẫn, thật tình muốn san sẻ, chia sớt, đều hóa sanh cảnh giới hữu phúc này.

Đây là cõi trời chân chính đáng lưu trú nhất trong 6 cảnh trời.

Một ngày ở đây bằng 400 năm ở nhân gian.

2.5- Hóa lạc thiên (Nimmānarati)

Cảnh giới của những vị trời ở trong những cung điện xa hoa, to lớn, nguy nga, tráng lệ.

Về phước vật chất thì ở đây sang cả, mỹ diệu hơn cả Tusita.

Sở dĩ gọi là hóa lạc, vì những vị trời này có thể hóa ra những thú vui để hưởng lạc. Đời sống ngũ dục, họ thích thứ gì thì biến hóa ra thứ ấy để thọ dụng.

Tương tự Yāma, đây là cõi trời không nên lưu trú vì vật chất ngũ dục quá sung mãn và do nhân bố thí không có chánh kiến, chánh tri. Ai trên đời này có thể bỏ ra trăm xe của cải, tài sản… để bố thí đến người nghèo khổ, nhưng bên sau ẩn chứa sự vụ lợi, cầu

danh, có mưu đồ hoặc muốn kẻ khác mang ơn, thì được hóa sanh ở đây. Do nhờ làm phước lớn, họ được quả báu lớn, nhưng do lập tâm không chơn chánh, họ rơi vào cõi trời không chơn chánh. Vả lại, ngũ dục quá sung mãn, tâm triền miên trong “vị ngọt” ấy, bậc trí trên đời này thường xem là cái bẫy dịu dàng, êm ái của ma vương!

Một ngày ở đây bằng 800 năm ở nhân gian.

2.6- Tha hóa tự tại (Paranimmitavasavattī)

Sở dĩ có tên như vậy là vì những vị trời ở đây đều có khả năng biến hóa ra cái khác, người khác, vật dụng, phương tiện khác một cách tự tại để phục vụ cho mình. Nghĩa là họ không những biến hóa ngũ dục một cách tự tại (hơn cả Hóa lạc thiên) mà còn biến hóa thiên nữ, lâu đài hoặc bất cứ tiện nghi gì họ muốn.

Đây là cảnh trời có hạnh phúc vật chất tối thượng trong Tam giới. Tuy nhiên, cảnh giới này có tâm ma, và vị vua trời ở đây chính là Đại ma vương thường hay cám dỗ, phá hoại Đức Phật. Ta hay gọi là Ma ba tuần, chính là Ma vương này.

Nếu cõi trời Hóa Lạc bố thí trăm xe của cải, tài sản, thì cõi trời Tha Hóa này do bố thí cả hằng muôn xe như thế để giúp cho cả huyện, cả tỉnh, cả nước và cầu lợi, cầu danh, có mưu đồ đều cao hơn Hóa Lạc một bậc.

Một ngày ở đây bằng 1600 năm ở nhân gian.

Tóm lại, cả 6 cảnh trời đều sung sướng, hạnh phúc, vắng mặt đau khổ, do phước bố thí, cúng dường cùng lập tâm sai khác ở kiếp trước. Tuy nhiên, phước họ hơn cõi người nhưng về trí thường thua con người, ngoại trừ các bậc A-la-hán hoặc các vị thánh sơ quả, nhị quả (vị A-na-hàm thì ở Ngũ tịnh cư thiên).

Tất cả chư thiên Dục giới đều hóa sanh; bỗng nhiên, do phước báu, họ xuất hiện dưới hình thức một thiếu nữ hay một thiếu niên lối 15, 16 tuổi với y phục, mũ mạo, phước tướng sang cả và xinh đẹp. Và họ cứ sống mãi trong tuổi thanh xuân ấy, không già lão, bệnh tật, ốm đau, tai nạn gì cho đến lúc chấm dứt tuổi thọ.

16 cảnh giới thiền Hữu sắc (Bhavajhāna hay Rūpa-loka)

Trên trời Dục giới có trời Sắc giới. Trời Dục giới thì gọi là chư thiên, sang trời Sắc giới thì gọi là phạm thiên.

Cõi người có 6 trú căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cõi trời Dục giới cũng có 6 trú căn như cõi người nhưng tế vi và xinh đẹp hơn, và cũng có nam, có nữ. Chư thiên Dục giới hưởng thụ ngũ dục cũng tương tự cõi người nhưng thù thắng, vi tế hơn.

Đến Sắc giới, các vị phạm thiên chỉ có nam, không có nữ, họ chỉ có 3 trú căn là mắt, tai và ý (không có trú căn mũi, lưỡi và da). Các vị phạm thiên từ bỏ ngũ dục, họ chỉ thọ hưởng hạnh phúc của hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Ai đắc định sơ thiền từ cạn vào sâu hoặc đắc từ định sơ thiền đến định tứ thiền thì sẽ hóa sanh vào những cảnh trời Sắc giới tương đương.

1-   Cảnh giới của sơ thiền

1.1- Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjā)

Những hành giả tu thiền định vừa đắc định sơ thiền nhưng chưa thuần thục, chưa viên mãn, chưa an trú thâm sâu; chấm dứt tuổi thọ, họ hóa sanh vào cảnh trời Phạm thiên này.

Do phước báu năng lực thiền còn cạn cợt, thô sơ, họ sẽ làm một vị phạm thiên nhưng là phạm thiên tùy tùng, hầu hạ những vị phạm thiên khác. Đây chính là thần dân của cõi trời phạm thiên này. Mặc dù vậy, họ sống trong vinh quang của một loại hạnh phúc rất tế nhị. Đấy là hạnh phúc vi tế và thanh thoát của hỷ lạc nội tâm.

Tuổi thọ của vị phạm chúng thiên là 1/3 a-tăng-kỳ.

1.2- Phạm phụ thiên (Brahmapurohita)

Những hành giả tu thiền định, sau khi đã đắc định sơ thiền, cố thực hành định này nhiều lần để thể nghiệm chiều sâu của nó, sẽ hóa sanh làm vị phạm phụ thiên. Các vị này cũng là phạm thiên nhưng phước báu và năng lực thiền cao hơn một vị phạm chúng thiên. Họ chính là vị phạm thiên phụ tá, cố vấn hoặc bí thư của vị đại phạm thiên. Đây là những vị phạm thiên có chức sắc, có danh vọng, có hào quang, hạnh phúc và phước báu sang cả hơn các vị thần dân – tức phạm chúng thiên.

Tuổi thọ của những vị này bằng 1/2 a-tăng-kỳ.

1.3- Đại Phạm thiên (Mahābrahma)

Đây là những hành giả đã đắc định sơ thiền, viên mãn, thuần thục; họ vào ra định này một cách như ý, tự tại nên được hóa sanh vào cảnh giới, địa vị tối thắng này. Tạm coi họ như là những vị vua ở đây. Phước báu, phước tướng, năng lực thiền của họ là vượt trội nhất, thịnh mãn nhất của sơ thiền.

Tuổi thọ của những vị này bằng 1 a-tăng-kỳ.

2-   Cảnh giới của nhị thiền

2.1- Thiểu quang thiên (Parittābha)

Những hành giả đã đắc định nhị thiền nhưng chưa thuần thục, viên mãn sẽ hóa sanh lên đây. Đây là cảnh giới của những vị phạm thiên thân tỏa ánh sáng, du hành tự tại, sống trong vinh quang của hỷ lạc nội tâm.

Tuổi thọ của họ là 2 đại a-tăng-kỳ.

2.2- Vô lượng quang thiên (Appamāṇābha)

Những hành giả đắc định nhị thiền tương đối vững chắc sẽ hóa sanh nơi này. Đây là cảnh giới của những vị phạm thiên thân tỏa ánh sáng vô giới hạn, du hành tự tại, sống trong vinh quang của hỷ lạc nội tâm.

Tuổi thọ của họ là 4 đại a-tăng-kỳ.

2.3- Diệu quang thiên (Ābhassara) (3)

Những hành giả đắc định nhị thiền một cách thuần thục, viên mãn thì hóa sanh ở đây. Là những vị phạm thiên có ánh sáng rực rỡ, diệu kỳ, vững chắc không xao động.

Tuổi thọ ở đây là 8 đại a-tăng-kỳ.

3-   Cảnh giới của tam thiền

3.1- Thiểu tịnh thiên (Parittāsubha)

Những hành giả vừa mới vào được định tam thiền, chưa vững chắc, chưa thuần thục, thì hóa sanh vào cảnh trời này. Những vị này có ít hào quang trong suốt, thanh tịnh.

Tuổi thọ của họ là 16 đại a-tăng-kỳ.

3.2- Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇāsubha)

Định tam thiền tương đối vững chắc, thuần thục. Thân họ tỏa hào quang vô giới hạn.

Tuổi thọ được 32 đại a-tăng-kỳ.

3.3- Biến tịnh thiên (Subhakiṇṇā).

Định tam thiền đã viên mãn, thuần thục. Hào quang của những vị này thanh tịnh vững chắc, không xao động, trong suốt.

Tuổi thọ là 64 đại a-tăng-kỳ.

4-   Cảnh giới của Tứ thiền

4.1- Quảng quả thiên (Vehapphala)

Ai chứng tứ thiền đều được sanh vào cảnh giới này. Riêng các vị Thánh đắc tứ thiền nhưng những đức tánh tín, tấn, niệm, định, tuệ (ngũ căn, ngũ lực) “đồng đều” thì sanh vào cảnh giới này, được hưởng quả an vui rất lớn rộng.

4.2- Vô tưởng thiên (Asaññasatta)

Ai chứng tứ thiền nhưng chán các tưởng, không còn dính mắc, chấp trước một tưởng nào thì hóa sanh vào cõi trời này. Ở đây chỉ có sự diễn tiến của sắc (tứ uẩn ở dạng tiềm miên).

(3) Ābhassarā: Là sáng chói, phóng quang ra. Phạm Kim Khánh dịch là quang âm; tôi ngại không đúng, vì quang âm thường chỉ về thời gian (quang là sáng, âm là tối). Tuy nhiên tôi vẫn rất dè dặt lúc dịch như thế.

Tuổi thọ là 500 đại a-tăng-kỳ – tương tự Quảng quả thiên.

4.3- Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa)

Các vị Thánh Bất Lai đắc tứ thiền mà năng lực, tín, tấn, niệm, định, tuệ “không đồng đều” hóa sanh vào cảnh trời này cho đến hết tuổi thọ rồi đại Niết-bàn luôn ở đây. Tịnh cư thiên có 5 cõi nên được gọi là Ngũ tịnh cư thiên.

  • Vô phiền thiên (Aviha): Cõi này là các vị Thánh Bất Lai có đức tin sung mãn hơn các đức tánh khác (tấn, niệm, định, huệ).
  • Vô nhiệt thiên (Atappa): Trong 5 đức tánh kể trên, có tấn sung mãn hơn.
  • Thiện kiến thiên (Sudassa): Có niệm sung mãn hơn tín, tấn, định, huệ.
  • Thiện hiện thiên (Sudassi): Có định sung mãn hơn tín, tấn, niệm, huệ.
  • Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha): Có tuệ sung mãn hơn tín, tấn,

niệm, định.

Tuổi thọ Vô phiền thiên: 1000 đại a-tăng-kỳ. Tuổi thọ Vô nhiệt thiên: 2000 đại a-tăng-kỳ. Tuổi thọ Thiện kiến thiên: 4000 đại a-tăng-kỳ. Tuổi thọ Thiện hiện thiên: 8000 đại a-tăng-kỳ.

Tuổi thọ Sắc cứu cánh thiên: 16.000 đại a-tăng-kỳ.

5-   Bốn cảnh giới thiền Vô sắc

Đây là cảnh giới chỉ sống với khái niệm, ý tưởng, không có sắc chất, hình thể. Nói cách khác, cảnh giới này chỉ tồn tại danh chứ không có sắc.

Danh và sắc thường liên hệ hỗ tương; danh và sắc không thể tách rời; tuy nhiên, do năng lực thiền, các vị này tách danh ra khỏi sắc và sống mãi, giữ mãi trạng thái thiền ấy cho đến hết tuổi thọ.

Tương tợ Sắc giới, Vô sắc giới không có giống nam, giống nữ.

Họ chỉ có một ý căn, không có căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Nếu Sắc giới lấy đề mục sắc pháp làm đối tượng thiền, thì Vô sắc giới lấy đề mục không có sắc pháp, tức là chỉ thuần là ý niệm, là ý tưởng. Vô sắc giới có 4 cõi.

5.1- Không vô biên xứ thiền (Ākāsānãncāyatana)

Có quan niệm không gian là vô biên, vô tận rồi họ trú trong không gian vô biên, vô tận ấy.

Tuổi thọ là 20.000 đại a-tăng-kỳ.

5.2- Thức vô biên xứ thiền (Viññāṇañcāyatana)

Có quan niệm thức là vô biên, vô tận rồi họ trú trong thức vô biên, vô tận ấy.

Tuổi thọ là 40.000 a-tăng-kỳ.

5.3- Vô sở hữu xứ thiền (Ākiñcaññayatana)

Có quan niệm là không có gì cả, không gian không có mà thức cũng không có, tất cả đều là hư vô.

Tuổi thọ là 60.000 đại a-tăng-kỳ.

5.4- Phi tưởng, phi phi tưởng xứ thiền (Nevasaññā-nāsaññā- yatana)

Có quan niệm không có tri giác (phi tưởng) mà cũng chẳng phải không có tri giác (phi phi tưởng); tức là còn tưởng rất vi tế đến nỗi không xác định được là có tưởng hay không có tưởng.

Tuổi thọ là 84.000 đại a-tăng-kỳ.

Kết luận:

Đức Phật trình bày về những cảnh giới nhằm mục đích cho chúng sanh thấy rõ sự đi, về, nhân, quả, khổ, vui để chúng sanh tu tập, lựa chọn con đường cho mình. Chúng ta nên lưu ý, đây không phải là lý thuyết về vũ trụ. Sở dĩ Đức Phật nói đến các cảnh giới (liên hệ vũ trụ) cũng để cho con người thấy biết sự thật về tâm và cảnh ấy mà thôi.

Dầu vô lượng cảnh giới thiên sai vạn biệt nhưng đều quy về tâm, về tư tác (cetanā) để quyết định chỗ tái sanh, hóa sanh hay thai sanh đến cảnh giới tương ứng. Rõ ràng là chẳng có vị thần linh, Thượng Đế nào khả dĩ làm được điều này. Và điều thú vị là các vị Ngọc Hoàng Thượng Đế (trời Đế Thích) và các vị Thượng Đế khác (Phạm thiên) cũng chỉ là một chúng sanh bình thường, đều trầm luân sinh tử, xuống hoặc lên theo nhân quả, phước tội.

Người thiếu đức tin có lẽ các cảnh giới ấy quá xa xôi, không thuyết phục được họ; nhưng quả thật, có những sự thật vượt ngoài giới hạn của lý trí con người. Tuy nhiên, cái gì đầu óc con người không thể quan niệm được, suy luận được, là không có hay sao? Sự tìm kiếm của khoa học về thiên văn, về vũ trụ càng lúc càng chứng thực điều này. Có những thế giới mà xưa không tin là có, nay là sự thật hiển nhiên. Do vậy, sự thấy biết của một đức Toàn Tri Diệu Giác còn chờ đợi nhiều thế hệ nhân loại lần mò, thăm dò để trả lời cụ thể một phần nào!

Tứ đại thiên vương: 500 T.T = 9.000.000 năm Tha hóa tự tại: 16.000 T.T = 9.216.000.000 năm

M.K = Mahākappa (Đại a-tăng-kỳ)

A.K = Asankheyya kappa (A-tăng-kỳ)

T.T = Năm, tính theo cảnh trời.

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 24

Post Views: 308