Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

THẤT GIÁC CHI (Satta-bojjhaṅga)

 

Giáo pháp của Đức Phật có mục đích rốt ráo và duy nhất là thấy khổ và diệt khổ; và ngài đã chế định ra nhiều phương thuốc để chữa trị nhiều căn bệnh cho chúng sanh. Giáo pháp ấy do dành cho nhiều căn cơ, trình độ khác nhau nên đức Tôn Sư đã giảng nói bằng nhiều cách, nhiều cấp độ cũng khác nhau; nhưng thường thì chúng bao hàm, bao quát hoặc tương duyên, tương tác, hỗ trợ nhau, cái này ở trong cái kia, cái kia ở trong cái này!

Ví dụ, tu Tứ Diệu Đế là đủ nhưng trong Tập Đế ta phải học thêm 12 nhân duyên; trong Đạo Đế không chỉ có Bát Chánh Đạo mà có cả thảy 37 phẩm trợ đạo cần phải học hiểu, thông hiểu, tu tập.

Ví dụ, nói tu Tứ Niệm Xứ là đủ nhưng khi nói phải “nỗ lực, nhiệt tâm, tinh cần” thì ta phải học Tứ Chánh Cần và cả chánh tinh tấn, chánh niệm trong Bát Chánh Đạo nữa.

Vài ví dụ như vậy để chúng ta thấy rằng, khi chú trọng đến niệm và minh sát, đức Tôn Sư dạy Tứ Niệm Xứ. Khi nhấn mạnh tinh cần, nỗ lực, Đức Phật dạy Tứ Chánh Cần. Khi nhấn mạnh con đường, đạo, (magga), ngài lại thuyết giảng Bát Chánh Đạo.

Tương tợ vậy, khi nói đến ngộ, đến giác; nếu chú trọng, nhấn mạnh giác thì Đức Phật giảng nói Thất Giác Chi (satta-bojjhaṅga).

Bây giờ, ta thử khảo sát, tìm hiểu về satta-bojjhaṅga ấy.

“Satta” là 7, số 7. “Bojjhaṅga” là do từ “bodhi” ghép với “aṅga” mà thành. “Bodhi”, ban đầu là chỉ tên cây đa đại thụ, nơi Đức Phật thành đạo, âm là bồ-đề, sau nó mang nhiều nghĩa: Trí tuệ, giác, giác ngộ… “Aṅga” là yếu tố, thành phần. Vậy, satta-bojjhaṅga là 7 yếu tố, 7 thành phần đưa đến giác ngộ.

Bảy yếu tố ấy là:

  1. Niệm Giác Chi (sati bojjhaṅga).
    1. Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya bojjhaṅga).
    1. Tấn Giác Chi (vīriya bojjhaṅga).
    1. Hỷ Giác Chi (pīṭi bojjhaṅga).
  • An Giác Chi (passaddhi bojjhaṅga). 6- Ðịnh Giác Chi (samādhi bojjhaṅa). 7- Xả Giác Chi (upekkhā bojjhaṅga).

Bảy Giác Chi không chỉ đưa đến giác ngộ mà còn là bài kinh khi đọc tụng, người bệnh nhiếp tâm lắng nghe, nó có công năng làm thuyên giảm cơn đau và chấm dứt bệnh nữa.

Tương Ưng bộ kinh kể rằng:

“- Thuở nọ khi Đức Phật ngự ở vườn Sóc, Veḷuvana, thành Rājāgaha. Lúc bấy giờ, tôn giả Mahā Kassapa, ở tại Pipphali đang lâm trọng bệnh. Biết vậy, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn đến thăm viếng, hỏi han:

  • Này Kassapa, bệnh tình của ông như thế nào? Nó đang phát triển hay đã thuyên giảm? Biến chứng thuận lợi hay bất lợi?
  • Bạch Đức Tôn Sư, cơn đau rất trầm trọng, biến chứng ngày càng bất lợi, chẳng thuận lợi chút nào.
  • Này Kassapa, điều mà Như Lai đã giác ngộ, đã tu chứng và phát triển tròn đủ là Thất Giác Chi, con đường dẫn đến chánh trí, tuệ giác toàn hỏa và giải thoát, Niết-bàn. Bảy Giác Chi ấy là gì? Ông hãy nhiếp tâm lắng nghe.

Thế rồi, Đức Tôn Sư lần lượt thuyết giảng cặn kẽ, chi tiết từng Giác Chi một. Nghe xong tôn giả Mahā Kassapa hỷ, lạc dâng tràn, nhờ vậy, cơn bệnh trầm trọng bỗng dưng tan biến”.

Lần thứ hai là tôn giả Moggallanā bị bệnh đã được Đức Phật giảng nói Thất Giác Chi như thế và cơn đau cũng chấm dứt. Và lần thứ ba, chính Đức Phật lâm bệnh, ngài lại bảo tôn giả Mahā Cunda đọc Thất Giác Chi cho ngài nghe. Và bệnh tình của Đức Phật cũng thuyên giảm, khỏi hẳn.

Do sự tích trên mà ngày nay, tại các nước Phật giáo Theravāda, mỗi khi trong gia đình có người lâm bệnh thì thân nhân thường thỉnh Chư Tăng đến nhà, cúng dường tứ sự rồi thỉnh quý ngài đọc tụng kinh Thất Giác Chi để mong người bệnh chóng thuyên giảm, mau lành.

Hẵng trong chúng ta, nhiều người sẽ hoài nghi, thắc mắc, rằng là bài kinh kia có oai lực gì mà làm chấm dứt bệnh cho hai vị đại A- la-hán; lại còn lành bệnh cho chính Đức Tôn Sư nữa? Xin thưa, tất cả đều do năng lực của tâm.

Hai vị tôn giả chắc chắn là người đã tu tập thuần thục và toàn hảo Thất Giác Chi. Đức Phật lại càng viên mãn hơn thế. Khi Đức Tôn Sư đọc tụng, hai vị tôn giả đã nhiếp tâm lần theo từng âm, từng tiếng, từng câu, từng chữ rồi hỷ và lạc len thấm lục phủ ngũ tạng, rợn ngợp cả châu thân. Một năng lượng an lành tuôn chảy vào khí huyết, tăng sinh lực cho tỷ tỷ tế bào… thì những cơn đau bệnh từ từ thua cuộc rồi biến mất đi như định luật tự nhiên vậy.

Ngày nay, y học hiện đại đã lần tìm vào “thế giới tâm linh huyền bí” này và họ đã chứng thực được sức mạnh của đời sống tinh thần trong việc trị liệu. Ai đã từng đọc “Năng lực của nước” hay “thông điệp của nước” do một nhà khoa học Nhật Bổn công phu nghiên cứu tìm ra thì sẽ xác chứng, minh thị cho sự thực này. Một ý nghĩ xấu ác, ví dụ nguyền rủa chú tâm vào ly nước thì phân tử nước biến thành hình thù dị hợm, xấu xí. Một ý nghĩ tốt lành, ví dụ thương yêu, trìu mến hay nói lời cảm ơn vào ly nước thì phân tử nước hóa thành những bông hoa đều đặn và đẹp đẽ. Đấy là thường nhân, năng lực tâm của thường nhân mà đã thay đổi phân tử nước như vậy, huống hồ năng lực tâm thù thắng – đại định, thắng trí và tâm giải thoát – của chư thượng thủ A-la-hán cùng đức Chánh Đẳng Giác? Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu từng Giác Chi một.

T1.Niệm Giác Chi (satibojjhaṅga)

Niệm (sati) là yếu tố đầu tiên trong hành trình bảy bước đưa đến giác ngộ. Niệm Giác Chi rất quan trọng vì nó dẫn dắt những giác phần còn lại. Khi có “niệm”, tức khắc có sự “chú tâm” vào đối tượng nào đó trong hiện tại. Nói cách khác, có niệm là trở về ngay với thực tại, tâm không còn phiêu dạt nơi này và nơi kia nữa. Người không có niệm tức là “thất niệm”, “tâm bất tại”, thì nó không có mặt ở đây. Có thể nó đang lang thang đâu đó với những hoài niệm hình sương bóng khói trong quá khứ. Có thể nó đang mơ màng, mộng mị, tưởng tượng, ảo tưởng, ảo tượng nào đó trong tương lai. Có thể nó đang để cho tà niệm, cho bản năng trôi giạt vào thế giới bạc tiền, danh vọng, quyền lực, ca lâu, tửu điếm, bài bạc, rượu chè… đến lúc, vong thân, tha hóa không còn có khả năng trở lại với con người thực của mình nữa. Nó đã trở thành “kẻ lạ mặt” xa lạ ngay chính bản thân mình, khuôn mặt nguyên sơ của mình. Phải trực thức là thất niệm và tâm bất tại, nó có thể không từ nan

bất cứ nghiệp bất thiện nào, chẳng thể lường ước được, rất nguy hiểm vậy.

Niệm có hai chức năng: Một, là trở về thực tại, trở về với mình, con người thực của mình; hai là bỏ tà theo chánh, đi theo lộ trình giác ngộ, với 6 Giác Chi còn lại.

Ngoài ra nó còn có nhiều nhiệm vụ tương hỗ:

  1. Niệm an trú vững chắc 4 chỗ, nơi thân, thọ, tâm, pháp trong Tứ Niệm Xứ, rồi bàn giao cho tuệ tri – thấy rõ như thực – bản chất của chư pháp: Nó chỉ là danh, sắc sinh diệt; nó vô thường, dukkha, vô ngã…
  2. Niệm tăng khả năng kiểm soát và tạo “hệ điều hành” để quân bình căn, lực trong Ngũ Căn, Ngũ Lực.
  3. Niệm, chánh niệm trong Bát Chánh Đạo, thuộc định phần, có bổn phận ổn cố, ổn định tâm cho chánh kiến nhìn mọi sự mọi vật qua đôi mắt tinh anh, minh bạch và sáng suốt của mình.
  4. Niệm kết hợp keo sơn với tầm (vitakka), hướng tâm đến đối tượng; và tứ (vicāra), giữ tâm vững chắc trên đối tượng – thì chắc chắn phát sanh hỷ, lạc rồi đạt cận hành và an chỉ định.
  5. Niệm làm bạn thiết cốt với tỉnh thức, tỉnh giác (sampajaññā) thì có thể cùng với thiền tuệ, minh sát (vipassanā) thấy rõ thực tánh pháp (sabhāva-dhamma) cùng sự thực chân đế tối hậu (paramattha- sacca).
  6. Niệm (sati) ngoài ý nghĩa gắn kết, chú mục, chú tâm, nó còn có vai trò tùy niệm (anussati), tức là theo dõi, rà soát, suy tưởng, nghĩ tưởng, niệm tưởng “ân đức, đức tánh” trong thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm tịch tịnh, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở.

Lưu ý: Trong thập tùy niệm, 8 niệm đầu chỉ đưa đến cận hành. Niệm thân có thể đạt tứ thiền. Niệm hơi thở, nếu là định có thể đạt tứ thiền, nếu tuệ có thể rốt ráo giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.

  • Niệm còn có ở mức độ cao hơn, khắng khít hơn – thì không còn gọi “sati” hay “anussati” nữa mà nó có tên là “appamāda” hay “appamādena”. Có điều đặc biệt là appamāda (appamādena) ngoài nghĩa là chăm chú niệm, chăm chuyên niệm, kiên trì, tinh cần, nỗ lực niệm – mà còn có nghĩa là không lơ là, không khinh suất, không dể duôi, không giải đãi… như hai di huấn tối hậu sau đây:

Di huấn của tôn giả Sāriputta với chư đệ tử trước giờ thị tịch:

“- Hãy kiên trì chuyên niệm, đó là lời khuyên của ta” (Sampādeṭha appamādena esa me anusāsanā).

Di huấn của đức Tôn Sư trước giờ tịch diệt Niết-bàn:

“- Các pháp hữu vi đều là vô thường, hãy kiên trì nỗ lực chớ có khinh suất, dể-duôi” (Vayadhammā saṅkhāra appamādena sampadeṭha).

Trong hai di huấn trên, chúng ta thấy cụm từ “kiên trì chuyên niệm” “kiên trì nỗ lực” đáng ra phải sử dụng từ “viriya” (tinh cần, tinh tấn) nhưng tôn giả Sāriputta và đức Phật lại dùng từ “appamāda” (không dể duôi, không giải đãi). Vậy, “appamāda” có ba nghĩa, nghĩa tinh tấn, nghĩa chuyên niệm và nghĩa không dể duôi, giải đãi.

Tuy nhiều ngữ nghĩa như vậy nhưng khi đề cập Niệm Giác Chi (satibojjhaṅga) là được sử dụng trong thiền minh sát (vipassanā) để thấy rõ thực tánh pháp (sabhāva-dhamma).

T2. Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya bojjhaṅga)

“Vicaya” có nghĩa từ điển đơn thuần là sưu tầm, tìm kiếm… nhưng xưa nay được dịch là “trạch” có nghĩa là phân tích, chia chẻ… Cả hai đều đúng, nhưng nó còn có nghĩa là suy tư, khảo sát, quán sát, tìm hiểu các pháp cho đến tận cùng chi li, tận cùng bản chất. Mà pháp thì quá nhiều, chúng ta biết là nên “trạch pháp” (vicaya) pháp nào trong những pháp sau đây:

1- Pháp (dhamma) là đối tượng của Ngũ Căn

Khi mắt thấy sắc; tai nghe âm thanh; mũi ngửi hương (khí, mùi); lưỡi nếm vị; thân xúc chạm (địa, hỏa, phong) thì phát sanh nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Mỗi cái thức ấy, mỗi cái biết ấy là mỗi tâm.

Ghi chú về “thân xúc”: Xưa nay trong các Nikāya cứ ghi là

thân xúc nhưng không nói là xúc cái gì? Tuy nhiên, Abhidhamma cho ta biết rõ hơn là xúc “địa, hỏa, phong”. Khi ta sờ đụng, xúc chạm cái gì thô, cứng, nhám, trơn… thì cái ấy thuộc đất (địa); cái gì nóng, lạnh, cái đó thuộc lửa (hỏa); cái gì rung động, chuyển động, cái ấy thuộc gió (phong). Riêng nước (thủy) thì ta không sờ đụng, xúc chạm được vì tính chất của nước nó liên kết, kết dính làm cho li ti các tế bào hoặc các sắc chất, sắc tố liền lạc với nhau.

Vậy, thế giới của sắc, thế giới của thanh, thế giới của khí, mùi, thế giới của vị, thế giới của địa hỏa phong… thật là bao la, rộng lớn, vô cùng, vô tận. Có nghĩa là một hạt bụi, một sợi cỏ, một mảy lông, một làn khói, một giọt sương, một mùi hương… rồi sum la vạn tượng, vũ trụ, thiên hà, thiên đảo… tất cả, tất cả đấy đều là đối tượng của Ngũ Căn, đều được gọi là pháp.

Pháp (dhamma) là đối tượng của ý, “ý xúc pháp”

Pháp này được thu gọn trong đối tượng của ý căn: Ý xúc pháp phát sanh ý thức, “cái biết của ý về pháp” ấy.

Khi Ngũ Căn thu góp, thâu nạp các đối tượng ngũ trần thì ngũ thức nhận biết rồi trao cho ý thức làm việc. Đối tượng của Ngũ Căn là ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, địa-hỏa-phong) luôn luôn là hiện tại, hiện tiền; nhưng khi ý thức tiếp nhận để xử lý thì ngũ trần ấy đã là quá khứ, một tiểu sát-na trôi đi, cũng đã là quá khứ. Ngũ trần ấy là pháp.Và ngũ thức ấy được gọi là tiền ngũ thức.

Một sắc tướng, một âm thanh, một khí, một vị, một xúc chạm nào đó ấn tượng mạnh, sâu đậm… nó cứ sẽ lưu giữ mãi trong tiềm thức, không quên; mỗi lần nhớ lại, nghĩ tưởng lại, tạo niềm thương, nỗi nhớ, yêu ghét, hận thù hay tham sân gì đó lại dấy khởi.

Vậy, pháp, đối tượng của ý, ta có thể nói gọn cho dễ hiểu qua định nghĩa về “pháp” này của Duy Thức Học: “Tiền trần lạc tạ ảnh tử”. Nghĩa là cái bóng chết (ảnh tử) của tiền trần (ngũ trần) rơi rớt (lạc tạ) lại (trong tâm).

Hai câu thơ của vua Tự Đức khóc Bằng Phi sẽ minh họa cho ta thấy rõ “pháp” ấy:

“- Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi!”

“Bóng” “hơi” là pháp, là ảnh chết rớt lạc trong tâm đó!

3-   Pháp (dhamma) là giáo pháp, Tam Tạng kinh điển.

Xưa gọi là Pháp và Luật, kỳ kết tập lần thứ nhất, sau Phật diệt độ 3 tháng mới bắt đầu có tam tạng Kinh, Luật và Abhidhamma. Xưa, tôn giả Ananda làu thông tam tạng nên được gọi là bậc Đa Văn. Người học Phật, tu Phật ngày nay cũng cần phải tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, phải nắm chắc giáo pháp để lên đường. Chúng ta khó có thể như 12 bậc Tam Tạng như ở Myanmar, có người một tạng, hai tạng; nhưng chúng ta chỉ cần nắm cái tinh yếu, cốt lõi của giáo pháp; đồng thời, có chánh niệm, có chánh kiến, có chánh tư

duy, có tuệ, có trạch pháp… để tu tập, khỏi rơi vào mê lộ, tà lộ, tà kiến nguy hiểm vậy.

Pháp (dhamma) là sự thực, là chân lý (sacca).

Pháp này ở đâu? Nó không ở đâu xa, ở ngay đây, tại đây (không gian) và bây giờ (thời gian).

Chân lý (sự thật) ấy, khi Đức Phật nói: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp” (Yo dhammaṃ passati so maṃ passati. Yo maṃ passati so dhammaṃ passati) thì pháp ấy chính là chân lý, là sự thật mà mỗi người có thể giác hiểu, chứng ngộ trong lòng mình.

Pháp ấy nằm trong 5 đức tính, trong bài kinh mà chư tăng Nam tông tụng đọc hằng ngày trong hai thời khóa. Là “sandiṭṭhiko”: Thấy ngay, thấy ngay lập tức. Là “akāliko”: Phi thời gian, vượt khỏi giới hạn của thời gian. Là “ehipassiko”: Là đến đây mà thấy, hãy trở lại đây mà thấy. Là “opanayiko”: Là dẫn lên trên, có khả năng hướng thượng. Là “paccattaṃ veditabbo viññūhi”: Là bậc trí tự mình giác hiểu, tự mình chứng nghiệm Pháp ấy ở trong lòng mình.

(Xem thêm “Quy y Pháp Bảo” ở trên và “Thấy ngay lập tức” trong phần phụ lục, 5 đức tính này rộng nghĩa hơn, cụ thể hơn).

Pháp (dhamma) có hai loại

5.1- Chân lý tục đế (sammuti sacca): Là sự thật ngoài mặt, bề mặt; là sự thật thế tình, thế gian. Là sự thật do con người đặt ra rồi chấp nhận với nhau nên bao giờ cũng có tính cách quy ước, phạm trù, ước lệ, chế định, giả danh, không thực, chỉ là phạm trù của khái niệm (paññatti). Tạng Kinh và Luật, Đức Phật sử dụng ngôn ngữ thuộc loại sammuti sacca này.

5.2- Chân lý đệ nhất nghĩa, thắng nghĩa, chơn đế (Paramattha sacca): Là vật hay pháp thực có, thực có trong ý nghĩa là, vật hay pháp ấy đang hiện hữu (vijjamāna-dhamma), đang diễn tiến, đang hiện tồn mà ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ và ý thức được. Vậy, “paramattha sacca” là chân lý đệ nhất nghĩa, là sự thật bản chất, thực hữu, thực tánh. Tạng Abhidhamma, Đức Phật sử dụng loại ngôn ngữ “paramattha sacca” nầy.

Khi Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh tạo nghiệp như giết người, trộm cắp… đều phải bị đọa vào 4 đường khổ”. Đây là câu nói thuộc về “sammuti sacca”.

Khi Đức Phật nói: “Tất cả sắc uẩn quá khứ, sắc uẩn hiện tại, sắc uẩn vị lai đều phải chịu sự chi phối của vô thường, khổ và vô ngã”. Đây là câu nói thuộc về “paramattha-sacca”.

Trở lại với Trạch Pháp Giác Chi.

Người có trí là người hiểu biết, có kiến thức, biết nhận thức phải trái, đúng sai, có tư duy và biết lựa chọn. Tuy nhiên, nếu người có trí ấy chạy theo danh lợi và quyền lực – do tham lam và khát vọng chi phối – thì cái đúng, cái phải ấy luôn nằm trong tư kiến và bản ngã chủ quan. Cái trí này thuộc bất thiện pháp, chính là tà trí. Cũng là trí ấy nhưng chạy theo đường chơn lẽ chánh, xa rời xấu ác, làm việc lành tốt – thì đây mới là chánh trí. Người học Phật, tu Phật hướng đến giác ngộ, giải thoát thì chánh trí ấy cần nâng lên một cấp độ cao hơn, cần thông tỏ thấu suốt hơn, cần minh sát để tiếp cận và thấy rõ bản chất như thực của các pháp hơn – và đấy chính là công cụ của tuệ giác – cách nói khác của Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya bojjhaṅga). Nó có hai chức năng:

Một là, hỗ trợ cho chánh tư duy để học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu đồng thời nó biết phân tích, biết phân biệt chánh, tà, thiện, ác, đúng, sai thuộc phạm trù tục đế, sự thực thế tình (sammuti-sacca) trong thế giới khái niệm, giả lập (paññati). Trạch Pháp Giác Chi trên phương diện tục đế này, có sự hỗ trợ của Tứ Chánh Cần, giúp ta đoạn trừ các ác, bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.

Hai là, hỗ trợ cho chánh kiến để sáng suốt thấy rõ như thực bản chất của pháp; đồng thời nó cũng phân tích như thực, khi nó phân tích tứ đại, phân tích ngũ uẩn, danh sắc… đến chỗ tế vi thuộc lãnh vực thực tánh pháp (sabhāva-dhamma) trong sự thực chân đế, đệ nhất nghĩa (paramattha-sacca). Chỉ có Trạch Pháp Giác Chi mới phân tích các pháp hữu vi đến tận cùng tơ mảnh 01 sắc tế vi có 3 giai đoạn sanh, trụ và diệt (upāda, ṭhiṭi, bhaṅga) – tiểu sát-na sanh, tiểu sát-na trụ, tiểu sát-na diệt. Nó sinh diệt quá nhanh. Nhờ vậy mới thấy rõ vô thường tính, vô ngã tính của pháp hữu vi, của mỗi tế sắc trong từng sát-na.

T3. Tấn Giác Chi (viriya bojjhaṅga)

Nếu “niệm” có nhiều nơi nhiều nghĩa khác nhau, “pháp” có nhiều nơi nhiều nghĩa khác nhau thì “tấn” cũng vậy. Tùy cường độ, cấp độ, tùy pháp tu tập mà “tấn” được nỗ lực tối đa hay chỉ cần giữ mức vừa phải, quân bình.

Tấn trong Tứ Niệm Xứ (Cattāra – Satipaṭṭhāna)

Dường như chúng ta không thấy “tấn” xuất hiện trên mặt ngôn từ, nhưng nó vẫn là một năng lực ngầm hỗ trợ cho niệm. Trong sinh hoạt hằng ngày, “tấn” luôn có mặt khi ta nhấc chân, nhấc tay, bước tới, bước lui; vậy khi niệm đưa tâm áp sát đối tương, chú tâm gắn khít với đối tượng là đã có “tấn” rồi. Tấn này có nghĩa nhẹ nhàng, nó hỗ trợ niệm cố gắng chú mục, cố sức đưa tâm đến đối tượng.

Tấn trong Tứ Chánh Cần (Cattāra – Sammappadhāna)

Ở đây là “cần” (appadāna), tức là chú mục, cần chuyên, chăm chỉ, siêng năng, cần cù… chứ không phải “tấn” (viriya) với nghĩa nỗ lực hết sức, tinh cần cao độ, ý chí kiên định… “Appadāna” cũng là tấn nhưng tấn rất nhẹ, đến nỗi “appadāna” còn có nghĩa là không buông lung, không phóng dật, không dể duôi…Vậy, “appadāna” có 3 nghĩa: Một là niệm nhưng là niệm cao độ, chuyên niệm, trong chuyên niệm đã có tấn rồi. Hai, là cần chuyên, chăm chỉ, siêng năng. Ba là không dể duôi, phóng dật. Vậy, tấn trong chánh cần nằm ở nghĩa thứ ba là tương thích nhất, chỉ cần “không buông lung, phóng dật” là mũi tên đã đặt đúng hướng rồi.

Tấn trong Như Ý Túc (viriyiddhipāda)

Dục Như Ý Túc là khởi lên một ước muốn mạnh mẽ như nguyện lực nên tấn đi theo sau không phải là “viriya” bình thường nữa. “Tu tập Như Ý Túc cùng với tấn-định-tinh-cần hành”, có nghĩa là tấn này có thêm năng lực của định (samādhi) và cần (appadāna) hỗ trợ nên sức mạnh ấy quả là không có gì lay chuyển được.

Tấn trong Tấn Căn (viriyindriya)

Tuy là tấn (viriya), vẫn cố gắng, nỗ lực nhưng nó cần giữ điều hòa, quân bình với định (Xem thêm Ngũ Căn, Ngũ Lực).

Tấn trong Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāma)

“Vāyāma”, tinh tấn, có cùng những nghĩa như tấn (viriya) nhưng “vāyāma” nằm trong Bát Chánh Đạo có nhiều chức năng và nhiệm vụ tương hỗ. Tấn này làm lành, lánh ác, không dể duôi, không phóng dật như Tứ Chánh Cần.

Tấn này nếu thấy giới yếu thì sẽ hỗ trợ cho nhóm giới (ngữ

nghiệp, mạng); thấy nhóm định yếu thì hỗ trợ cho nhóm định (niệm, định); thấy nhóm tuệ yếu thì hỗ trợ cho nhóm tuệ (kiến, tư duy).

Như vậy, nói tóm lại, tùy pháp, tùy duyên, tùy căn cơ trình độ mà mức độ tấn phải được vận dụng để sử dụng khác nhau cho phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý rằng, chỉ có tấn trong Tứ Chánh Cần, là không buông lung, không phóng dật (appadāna) mới mang nghĩa quân bình, nhẹ nhàng nhưng đã được xác định là đạo đức, là thiện, là chơn chánh. Các tấn khác, chúng là trung tính, chỉ thuần là một năng lực tiếp truyền sức mạnh chứ chưa mang tính chất đạo đức, thiện ác. Khi ta làm việc ác, thập ác nghiệp, nếu có các tấn ấy giúp sức, thêm năng lực thì nghiệp ác kia lại càng ác hơn; ngược lại là thập thiện nghiệp thì các tấn ấy giúp cho việc lành tốt càng lành tốt hơn..

Vậy nên, những cố gắng, nỗ lực để làm điều sai xấu, nhúng tay vào tội ác thì gọi là Tà Tinh Tấn (micchāvāyāma). Còn những cố gắng, nỗ lực để làm điều lành tốt, đúng đắn, hướng đến giác ngộ, giải thoát thì gọi là Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāma). Mà thật ra, dù tấn với mức độ nào, về mặt ngữ nghĩa ra sao nhưng nếu chúng hướng đến giác ngộ, giải thoát thì đều được xem là Tấn Giác Chi (viriya bojjhaṅga) cả thảy.

T4. Hỷ Giác Chi (pīṭi bojjhaṅga)

Hỷ thì ai cũng biết, cũng hiểu. Nghĩa khái quát, chung chung của hỷ là vui sướng, là vui mừng, là hân hoan, là hoan hỷ. Người đời, đôi khi tìm kiếm cái hỷ này mà đánh đổi máu, nước mắt và cả sanh mạng. Chúng vì hỷ mà có thể làm những việc thương luân, bại lý, ác đức, vô nhân! Vậy, hỷ của thế gian là trung tính. Làm việc tốt lành mà có hỷ thì hỷ ấy thiện. Làm việc xấu ác mà có hỷ thì hỷ ấy bất thiện. Chẳng kể thiện hay ác, ai ai cũng đi tìm hỷ. Vì nếu hoài hoài mà tâm không có hỷ thì không ai chịu thấu. Không có hỷ thì các trạng thái tâm nghịch nghĩa với nó sẽ xuất hiện. Chúng là khó chịu, bực bội, nóng nảy, bức xúc, chán ghét, bất mãn, cộc cằn, ganh gỗ, ganh tỵ, tỵ hiềm, oán thán, tức giận, hiềm hận, hiềm thù… Kinh khiếp chưa? Chúng là thuộc tính, là từng cấp độ của sân, của hận. Hỷ có mặt thì sân và hận không có mặt. Như ánh sáng và bóng tối.

Tuy nhiên, trong giáo pháp Phật, tùy nơi, tùy chỗ mà hỷ có nhiều nghĩa khác nhau, năng lực khác nhau.

1- Hỷ (Somanassa)

Hỷ này là thuần thiện. Khi một người học Phật, tu Phật hiểu rõ thiện, ác, nhân quả nghiệp báo, họ biết cúng dường Tam Bảo; biết

chia sẻ, giúp đỡ người nghèo đói. Khi làm việc ấy, tâm họ rất hoan hỷ. Hỷ này chính là “somanassa”. Hỷ này có được do khi ấy họ không có tham vì họ “cho đi” của cải, bạc tiền (vô tham). Hỷ này có mặt thì sân không có mặt (vô sân). Hỷ này có trí vì đã học hiểu nhân quả (vô si). Tuyệt vời chưa? Abhidhamma gọi những người bố thí, cúng dường với tâm hỷ này có 3 nhân: Vô tham, vô sân, vô si. Chắc chắn quả báo sẽ là nhân, thiên sang cả, quý trọng vậy!

2- Hỷ (Pīṭi) trong thiền chi.

Hỷ này chỉ có mặt khi tu thiền định.

Có 40 đề mục tu tập thiền định. Tùy căn cơ, duyên pháp, sở thích mà hành giả dễ an trú đề mục này hơn đề mục kia. Tuy nhiên, quán niệm hơi thở là đề mục phổ biến cho phần đông. Hơi thở có thể đắc định mà cũng có thể quán minh sát để đắc đạo quả.

Hành giả tu tập định hơi thở, thì khi tìm kiếm, ghi nhận hơi thở rõ ràng rồi, lộ trình thiền chi gọi là tầm (vitakka). Tầm có công năng loại trừ hôn trầm, thụy miên (thīna-middha). Khi tầm thuần thục rồi, hành giả gắn khít, áp sát liên tục vào hơi thở được gọi là tứ (vicāra). Tứ có công năng đoạn trừ hoài nghi, nghi hoặc (vicikicchā). Khi tứ thuần thục rồi thì hỷ (pīti) này sẽ xuất hiện. Hỷ xuất hiện sẽ tác động lên thân (Tiểu hỷ, khinh hỷ, quang hỷ, hải triều hỷ, sung mãn hỷ) rất dễ chịu, rất khoan khoái. Hỷ này xuất hiện thì sân (vyāpāda) không có mặt. Sân này có tên gọi là (vyāpāda), cấp độ cao của sân, có nghĩa là ác tâm, ác cảm. Rồi tuần tự lạc (sukha) xuất hiện đối trị với                        trạo hối (uddhacca – kukkucca). Nhất tâm (ekaggata) xuất hiện đối trị

dục lạc (kāmachanda). Từ đây, hành giả đi vào cận hành (upācara) và an chỉ định (appanā). Như vậy, 5 thiền chi xuất hiện nó đối trị, đoạn lìa 5 triền cái:

  • Tầm (vitakka)                 – hôn trầm, thụy miên (thīna-middha)
  • Tứ (vicāra)                   – nghi (vicikicchā)
  • Hỷ (pīṭi)                         – Sân (vyāpāda)
  • Lạc (sukha)                    – Trạo hối (uddhacca – kukkucca)
  • Nhất tâm (ekaggata)      – Dục lạc (kāmachanda)

(5 thiền chi)                             (5 triền cái)

3- Hỷ (Pīṭi) trong 6 biệt cảnh tâm sở.

Hỷ này cũng “pīṭi”, do không tác động mạnh lên thân như hỷ của thiền chi nhưng nó cũng là cái “pīṭi” nhẹ nhàng làm cho ta dễ chịu, lâng lâng, đôi khi say mê, thích thú.

Nói chuyên môn một chút, theo Abhidhamma, “pīṭi” này có mặt trong 6 biệt cảnh tâm sở (pakinnakā cetasikā): tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục. Tức là nó không xuất hiện thường xuyên trong các tâm, chỉ xuất hiện trong một cảnh riêng biệt, đặc biệt nào đó (biệt cảnh). Nếu hỷ này hiện hành trong các thiện tâm thì nó là thiện tâm sở, nhưng nó đồng hành với bất thiện tâm nó là bất thiện tâm sở.

Chỗ này khó hiểu nên ta có thể có một vài ví dụ: 3.1- Hãy quan sát một họa sĩ đang sáng tác.

Khi y chú tâm liên tục vào họa phẩm, vào cây cọ, vào màu sắc một cách miệt mài, quên ăn, quên uống. Như vậy, y đã qua tầm, qua tứ mới rồi mới đến “pīṭi” này; có “pīṭi” làm cho y hứng thú, say mê quên cả thời gian. Quên thời gian bao lâu thì y đã “nhất tâm”, đã “định” bấy nhiêu. Ngay khi ấy tác giả và họa phẩm là một. Vậy lộ trình thiền chi vẫn xuất hiện nhưng nhẹ hơn, có nghĩa là hỷ, lạc, nhất tâm cũng đều nhẹ như thế. Tuy thế, nếu sáng tác ấy phụng sự nhân văn, đưa tâm trí con người hướng thượng thì thiện, nếu sáng tác nhằm vào thị hiếu dung tục thì bất thiện. Đây là biệt cảnh, có thể thiện, có thể bất thiện.

3.2- Không ở đâu xa lạ, chính tôi, người viết bài này, đã từng đọc sách và đọc một cách hứng thú, say mê một vài tiếng như thế là bình thường, luôn luôn. Tôi nghiên cứu và viết sách khá nhiều. Có những khi viết, bởi mê man theo từng con chữ, từng ý tưởng, thời gian qua nhanh không biết, không hay. Khi nghe gọi dùng cơm, thật bực mình, thà không ăn còn hơn! Rồi ăn cũng chỉ như thủ tục, quấy quá vài ba miếng cho nhanh, cho xong để còn thì giờ tiếp tục tư duy, tiếp tục viết. Xin thưa, những khi như thế đều có hỷ và lạc này duy trì mới có hứng thú, say mê lâu như vậy. Đây cũng là biệt cảnh. Đây là thiện.

3.3- Chùa HKST có CQ đúng là một nghệ sỹ. say mê cắm hoa. Khi mua hoa, thiết kế cắm hoa để cúng dường Tam Bảo những khi có đại lễ, hầu như chú tăn măn, tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo từng cái hoa, từng màu sắc, từng cụm, cành, nhánh… bao giờ cũng phải thức

suốt đêm mới hoàn thành được sáng tạo phẩm của mình. Có hỷ (pīṭi) này nuôi dưỡng tâm mới làm được như vậy. Đây là biệt cảnh, là thiện.

3.4- Một đồ tể hứng thú, say mê giết thịt. Một tên cuồng tín hứng thú, say mê hành hạ người khác. Chúng đều có hỷ (pīṭi) này cả, thuộc biệt cảnh, bất thiện.

Vậy, hỷ (pīṭi) này là trung tính. Nếu lành, tốt thì thuộc thiện pháp, thiện nghiệp, nếu xấu ác thì thuộc bất thiện, ác nghiệp.

4- Hỷ (Muditā)

Hỷ này có năng lượng châu biến, bao trùm đầy khắp tự thân cùng người, vật và không gian tương thuộc – vì nó là hỷ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Phải hành trì tu tập miên mật, lâu dài may ra mới thành tựu được. Hỷ này có hai người bạn xấu, ở xa và ở gần, cần phải đối trị. Bạn xấu gián tiếp, ở xa là những cái hỷ ồn ào, tưng bừng, thô tháo, thô trọc… của thế gian. Bạn xấu trực tiếp, ở gần là ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm. Khi hỷ vô lượng (muditā) xuất hiện thì hai người bạn xấu kia không có chỗ dung thân (xem thêm Tứ vô lượng tâm đầy đủ hơn).

Lưu ý là, các hỷ của thế gian đều nương nhờ vật chất cùng ngoại cảnh, cụ thể là hứng thú với ngũ trần, say đắm ngũ trần… Hỷ trong giáo pháp Phật đều là năng lực tự có, ở bên trong, không nương nhờ ngoại cảnh, ngoại vật. Hỷ (somanassa) do tâm làm việc lành mà có; hỷ (pīṭi) nhờ tu thiền mà có; hỷ (pīṭi) tiếp theo, dù đời hay đạo đều là năng lực tự có do sáng tạo. Hỷ (mudita) thì vượt thế giới loài người vì đấy là tâm và cảnh của phạm thiên (đắc Tứ vô lượng tâm cộng trú với phạm thiên).

Nói tóm lại, hỷ (pīṭi) trung tính chỉ lành, tốt khi hướng thiện. 3 hỷ còn lại, nếu hỷ nào hướng đến giác ngộ, giải thoát thì đều là Hỷ Giác Chi (pīṭi bojjhaṅga) cả thảy.

T5. An Giác Chi (Passaddhi-bojjhaṅga)

“Passaddhi” nghĩa là yên lắng, yên tịnh; có thể hiểu thêm là khinh an, nhẹ nhàng, an tĩnh đều đúng cả.

Tuy nhiên, theo Abhidhamma, “passaddhi” lại nằm trong 25

tịnh quang tâm sở (những tâm sở đẹp, cao sáng, tốt, lành, thiện lương, mát mẻ) thì được gọi là thân-tâm-sở thư thái (kāyapassaddhi). Và nó còn có tâm sở tương đồng là thân-tâm-sở khinh an (kāyalahutā).

Đặc tính của thân-tâm-sở thư thái (kāyapassaddhi): Từ ngữ căn pa+sambh có nghĩa là làm cho an tĩnh, yên lặng. Nên công năng của nó là làm lắng dịu xuống sự nóng hổi của vật dục phiền não. Nó giống như bóng mát của cây che cho người và vật bị mặt trời gay gắt thiêu đốt. Ở tính chất này nó còn đồng nghĩa với yên tĩnh, khinh an nên nó sẽ trở thành an (passaddhi) trong Thất Giác Chi.

Đặc tính của thân-tâm-sở khinh an (kāyalahutā): Xuất nguyên từ “lahu” có nghĩa là nhẹ nhàng, mau lẹ. Lahutā là trạng thái nhẹ nhàng, nhẹ nhõm của tâm. Nó diệt trừ sự nặng trệ của tâm như người đặt gánh nặng xuống. Khi có mặt “lahuta” thì sự nặng nề, thô cứng của hôn trầm, thụy miên (thīna-middha) được giải tan.

Cả hai tâm sở trên đều cùng có nghĩa nhẹ nhàng, an tĩnh, thư thái như An Giác Chi (passaddhi-bojjhaṅga); nó đối trị với trạo hối (trạo cử, hối quá) và làm cho triền cái này lắng dịu rồi diệt mất. Trong thiền định, khi 5 thiền chi (tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm) phát sanh thì nó đối trị với 5 triền cái (hôn trầm-thụy miên, nghi, sân, trạo hối, dục). Ta hãy xem: “lạc” đối trị “trạo hối” tương đồng như “An Giác Chi” cũng đối trị với “trạo hối”. Vậy, “an” trong Thất Giác Chi và “lạc” trong thiền chi cùng một trạng thái tâm: nhẹ nhàng, khinh an, thư thái, thoải mái, nhẹ tênh, nhẹ hẫng. “An” trong Thất Giác Chi chuẩn bị cho trạng thái tâm an bình, sâu lắng và vững chắc hơn là “định” “xả”. Thì cũng vậy, “lạc” trong thiền chi cũng chuẩn bị an bình, yên lắng vững chắc hơn là “cận hành” “an chỉ”.

Người học Phật, tu Phật nếu phát triển được An Giác Chi này thì làm cho các tâm sở tịnh quang tương ưng cùng xuất sinh; sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, thư thái… như bỏ gánh đá trên vai cùng những nặng trệ trong tâm xuống “lữ quán” ven đường!

Chú thích: Trạo hối là viết tắt của trạo cử và hối quá. Trạo cử là lay động, lao xao, buông lung – luôn lang thang hoài niệm quá khứ, vọng móng, vọng tưởng tương lai hay hiện tại đang phóng dật, ham mê, trôi dạt trong thế giới dục lạc ngũ trần. Hối quá là ăn năn, ray rứt, nóng nảy như lửa đốt bởi những việc xấu ác đã làm.

T6. Ðịnh Giác Chi (Samādhi bojjhaṅa)

Định có được từ sự chuyên nhất chú tâm vào một đối tượng. Vậy thì trên đời nầy, dường như tất cả mọi ngành nghề, từ nông dân, thợ thuyền, kỹ sư, bác sĩ, các nhà khoa học cho đến các tôn giáo… đều có khả năng “chú tâm” để “luyện” định nầy cả.

Bát định của bà-la-môn có từ ngàn xưa trước khi Phật giáo xuất hiện. Đức Phật thuở còn là bồ-tát, ngài cũng “luyện” và đắc đến định tối cao của bà-la-môn nhưng ngài từ bỏ vì chúng không đưa đến giác ngộ, giải thoát. Bà-la-môn có định nầy để thọ hưởng trạng thái xuất thần mà họ gọi là Niết-bàn. Họ cần cầu tu tập định nầy để hy vọng phát triển những khả năng thần thông, phép lạ. Các nhà khí công tu tập định nầy để thể hiện năng lực siêu nhiên; các nhà bùa chú và thôi miên cũng sử dụng định nầy để chữa bệnh cứu đời hoặc sai khiến người khác. Họ gặp nhau một điểm: thể hiện bản ngã và tìm kiếm danh vọng, lợi dưỡng. Do mục đích không hướng đến phát triển trí tuệ để tận diệt tham sân si phiền não nên chúng được gọi là tà định (micchā-samādhi).

Định (samādhi) là trạng thái tâm ổn định, tĩnh chỉ, an trú vững chắc, nhất tâm (ekaggatā), bất động; nó làm lắng dịu và chấm dứt mọi lăng xăng tìm kiếm dục lạc ngũ trần. Nói cách khác, trong 5 thiền chi thì “nhất tâm” (cận hành và an chỉ) cắt đứt “dục triền cái”. Cho nên, chánh định của Phật giáo là: “Ly dục, ly bất thiện pháp”. Và không dừng lại ở đó.

Hãy quan sát: Một ly nước đứng yên không lăn tăn giao động giúp ta nhìn thấu suốt tận đáy. Cầm một tấm kiếng vững chắc không nghiêng chao thì hình ảnh phản chiếu rõ ràng. Đứng yên không giao động, vững chắc không nghiêng chao là định. Nhìn suốt tận đáy, hình ảnh phản chiếu rõ ràng, chính là tuệ.

Như vậy, định của Phật giáo chủ đích chơn chánh là giúp tâm tĩnh chỉ, ổn định, tạo tiền đề để phát triển trí tuệ: Định năng sinh tuệ. Và chỉ có Phật giáo mới có tuệ nầy. Các tôn giáo khác, từ xưa đến nay chưa hề biết đến tuệ, chưa hề có tuệ.

Chánh định của Phật giáo cũng có thần thông, phép lạ, cũng có những năng lực siêu nhiên nhưng không lấy đó làm mục đích. Định cốt yếu làm yên lặng 5 triền cái rồi sử dụng tuệ minh sát để tận diệt tham sân si phiền não, đưa đến giác ngộ, giải thoát, đúng như là Định Giác Chi (samādhi bojjhaṅa) vậy!

T7. Xả Giác Chi (upekkhā bojjhaṅga)

Upekkhā là trạng thái tâm không bám víu, không chấp trước, không thủ đắc; nó trạm nhiên, rỗng không, không lưu giữ gì; như lá sen cho trượt đi tất cả những giọt nước dù trong hay đục. Là trạng thái tâm an như, quân bình tuyệt hảo. Nó không lay động, rung

động, dao động bởi bất kỳ hình danh sắc tướng nào. Nó bất động mỉm cười trước tám pháp thế gian (aṭṭha-loka-dhamma), gọi là bát phong: được (lābha) và mất (alābha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa), ca tụng (pasamsā) và khiển trách (nindā), hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha). Ví như câu Kinh Lời Vàng:

“- Ví như tảng đá kiên trì.

Gió cuồng tám hướng dễ gì chuyển lay. Tiếng đời chê dở, khen hay.

Không làm chao động đôi mày trí nhân”

(Selo yathā ekaghano vātena na samīrati, evaṃ nindāpasaṃsāsu na samiñjanti paṇḍitā).

Bậc trí nhân (paṇḍitā) ở đây nhất định có định và xả.

Upekkhā có mặt trong tứ thiền sắc giới và 4 vô sắc giới; có mặt trong tứ vô lượng tâm. Và lộ trình giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn, sự đóng góp cuối cùng, không dính mắc, không chấp thủ, không ta và của ta chính là Xả Giác Chi (upekkhā bojjhaṅga) vậy.

Nói tóm lại, Thất Giác Chi (satta-bojjhaṅga), 7 yếu tố, 7 điều kiện cần và đủ đưa đến giác ngộ, giải thoát – thì nó là một tiến trình từ niệm, trạch pháp; qua tấn, hỷ, đến an, định và xả. Có nghĩa là tu tập từng Giác Chi một, Giác Chi này thuần thục mới tu tập đến Giác Chi khác? Điều ấy đúng. Tuy nhiên, ta cũng có thể tu tập từng Giác Chi một để đối trị. Ví dụ khi bị thất niệm, tâm bất tại thì ta tu tập Niệm Giác Chi để trở về với thực tại. Khi tâm trí lao chao do tưởng tri và thức tri não loạn, ta có thể sử dụng Trạch Pháp Giác Chi để điều chỉnh – vì trong Trạch Pháp Giác Chi có cả chánh kiến và chánh tư duy. Chánh kiến nắm bắt đối tượng như thực tánh, còn chánh tư duy phân biệt rõ chánh tà, thiện ác từ đối tượng mà chánh kiến trao qua. Khi biết rõ chánh tà, thiện ác thì bắt đầu Tấn Giác Chi làm việc. Khi đối tượng là nóng nảy, bực bội, giận tức thì ta tu tập Hỷ Giác Chi; hỷ xuất hiện thì sân vắng mặt. Cứ tuần tự như thế là an, định và xả.

Còn nữa, khi còn đang tu tập thì Thất Giác Chi ấy là “nhân”, còn khi Thất Giác Chi thành tựu rồi – ở trong tâm bậc thánh A-la- hán – thì Thất Giác Chi ấy là “quả”. Vậy nên, đối với các bậc Lậu Tận, Bảy Giác Chi ấy luôn có sẵn trong “túi”, khi cần Giác Chi nào thì các ngài cứ lấy Giác Chi ấy ra “xài”; xài một Giác Chi hay xài cả bảy Giác Chi đều thoải mái, đều “hoát nhiên” vô ngại vậy!

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 274

Post Views: 767