Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Bồ tát giới là gì? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

 

Bồ tát giới là giới luật có trong Phật giáo Đại thừa dành cả cho tu sĩ và cư sĩ . Bồ tát giới không thấy được nhắc ở Phật giáo Nam tông , chỉ có ngũ giới . Bản thân Admin Tâm Học cũng đã thọ Bồ tát giới từ khoảng 13 14 tuổi ( lớp 8 , lớp 9). Hồi đó là cũng chưa biết gì vì thân phụ thấy bảo lợi lạc nên đi quy cho cả nhà luôn. ( Tam quy – Ngũ giới – Bồ tát giới mỗi loại có tờ điệp riêng ; tam quy và ngũ giới thì ở chỗ mà Tâm Học quy có chữ “tự” với đệ tử nam , “hiệu diệu” với đệ tử nữ . Ví Dụ : Tự Tiến Dạt , Hiệu Diệu Mỹ … Đến khi thọ Bồ tát giới thì có 1 pháp danh khách ; đó là chuyện của 20 năm trước ( quy ở chùa Quán Sứ do thượng tọa Thích Thanh Tứ ).

Chú thích thêm của Tâm Học

Bồ tát giới là gì? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

Giới Bồ tát là Phạm Võng Bồ tát giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Đây là giới cao nhất của Phật tử tại gia, cho nên không ít người trước khi thọ giới thường băn khoăn, thắc mắc các vấn đề như điều kiện được thọ giới, việc trường trai, tuyệt dục…

Giới Bồ tát là Phạm Võng Bồ tát giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Đây là giới cao nhất của Phật tử tại gia, cho nên không ít người trước khi thọ giới thường băn khoăn, thắc mắc các vấn đề như điều kiện được thọ giới, việc trường trai, tuyệt dục…

Người phát tâm thọ Bồ tát giới trước hết phải phát tâm Bồ đề, tức là phát tâm cầu thành Phật và cứu độ tất cả chúng sanh. Có mười lý do để phát khởi Bồ đề tâm:

1. Nhớ ơn nặng của Phật,

 2. Nhớ ơn cha mẹ,

3. Nhớ ơn sư trưởng,

4. Nhớ ơn thí chủ,

5. Nhớ ơn chúng sanh,

6. Nhớ khổ sanh tử,

7. Trọng tánh linh của mình,

8. Sám hối nghiệp chướng,

9. Cầu sanh tịnh độ,

10. Làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.

Khác với giới Thanh văn chỉ dành cho loài người, giới Bồ tát bao trùm các loài chúng sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống đều được thọ giới Bồ tát.

Bên cạnh đó, người thọ giới theo Phạm Võng Bồ tát giới ăn chay trọn đời. Người phát tâm thọ Bồ tát giới, tức là phát tâm Bồ đề tu Bồ tát hạnh, hết lòng thương yêu, mong muốn chúng sanh được thoát khổ an vui, lẽ nào nỡ ăn thịt chúng sanh. “Ăn chay, Thương người, Thương vật”. Hơn nữa, việc trường chay giúp nuôi dưỡng lòng từ bi, là nền tảng bước lên con đường Hiền Thánh như kinh Phạm Võng có nói: “Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh”. Tuy nhiên, đối với người chưa trường chay được, có thể thọ giới Bồ tát theo kinh Ưu Bà Tắc giới, tại các giới đàn dành riêng cho người tại gia.

Ảnh minh họa.

Phạm Võng Bồ tát giới được gọi là Đạo tục thông hành giới, nghĩa là người xuất gia và tại gia cùng thọ chung, học chung, bố tát chung. Cho nên, mặc dù Pháp sư cùng truyền giới “không dâm dục”, Phật tử xuất gia giữ giới “không dâm dục”, còn Phật tử tại gia giữ giới “không tà dâm”.

Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Không chỉ dứt các điều ác của giới Thanh văn, Bồ tát cần thực hành những việc lành và phải làm lợi ích cho chúng sanh. Ví như, sau khi nhổ sạch cỏ trên mảnh ruộng, Bồ tát tiếp tục gieo trồng và bố thí cho chúng sanh sản phẩm thu hoạch được.

Theo kinh Phạm Võng, người thọ trì giới Bồ tát được năm lợi ích: “Một là thập phương Phật, Thương tưởng hộ trì luôn. Hai là lúc lâm chung, Chánh niệm lòng vui vẻ. Ba là sanh chỗ nào, Cùng Bồ-tát làm bạn. Bốn là những công đức, Giới độ đều thành tựu. Năm, đời này, đời sau, Đủ giới và phước huệ”.

Theo Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì.

Riêng vấn đề giới Bồ tát gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh là quan điểm của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (Đại Chính), gồm:

Sáu giới trọng (phạm tội nặng) là:

1. Không được sát sanh.

2. Không được trộm cắp.

3. Không được tà dâm.

4. Không được nói dối.

5. Không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.

6. Không được bán rượu.

Hai mươi tám giới khinh (phạm tội nhẹ-sơ ý) là:

1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng.

2. Say đắm rượu chè.

3. Gặp người bệnh khổ có ý gớm ghê, không chăm sóc.

4. Thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không.

5. Gặp các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni hoặc các vị Ưu-bà-tắc thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy.

6. Thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ.

Ảnh minh họa.

7. Mỗi tháng không thọ sáu ngày Bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo.

8. Trong vòng 40 dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe.

9. Thọ dụng đồ dùng của chư Tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v…

10. Nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống.

11. Không có bạn mà vẫn đi một mình vào trong chỗ nguy hiểm.

12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu-bà-tắc (hoặc chùa Tăng nếu là Ưu-bà-di).

13. Vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài.

14. Đem thức ăn thừa bố thí cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác.

15. Nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn…

16. Nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà hoặc các loại súc vật khác mà không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới.

17. Không chứa sẵn y, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng Tăng.

18. Làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt.

19. Làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho người trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi.

20. Hành dục không đúng chỗ, không đúng thời.

21. Làm nghề thương mại, công nghiệp v.v…, không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận.

22. Vi phạm luật pháp nhà nước.

23. Có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam bảo mà thọ dụng trước.

24. Tăng già không cho phép mà vẫn thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình. 25. Ra đường dành đi trước Tỳ-kheo, Sa-di.

26. Trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình.

27. Nuôi tằm lấy tơ.

28. Đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc. (Trích lược theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, HT.Thích Tịnh Nghiêm dịch).

Đối chiếu hai bộ giới bản Phạm Võng và Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Quan trọng nhất, Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (hay Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh) là giới Bồ tát của riêng hàng Phật tử tại gia, còn Phạm Võng là giới Bồ tát chung cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia.

Cho nên, hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát Phạm Võng thì phải giữ giới trọng thứ 3 “Không dâm dục”, trong khi hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì chỉ giữ giới trọng thứ 3 “Không tà dâm”.

Mặt khác, trong 34 giới của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì không thấy quy định rõ ràng về trường trai nhưng nếu thọ giới theo Bồ tát Phạm Võng phải ăn chay trường, giữ giới khinh thứ 3 “Không được ăn các thứ thịt”.

Tóm lại, hàng cư sĩ phát tâm Bồ-đề thọ nhận giới Bồ tát Phạm Võng phải trường trai, tuyệt dục như Tăng sĩ nên không phải ai cũng thọ nhận và hành trì được. Do đó, thọ trì giới Bồ tát theo tinh thần Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh là một giải pháp khả thi và phổ cập cho hàng cư sĩ.

Thanh Tịnh – Vô Vi

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 105

Post Views: 488