Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Nghiệp Là Gì ?

 

I.Nghiệp Là Gì ?

Nghiệp – kamma, theo nghĩa kinh văn là hành động hay việc làm. Tuy nhiên, lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm thường có năng lực bên trong tác động; đó là tư tác, chủ ý hay cố ý. Vậy, tư tác, cố ý, chủ ý đóng vai trò chủ chốt, quyết định hành động và tính chất của hành động. Đức Phật dạy trong Anguttara Nikāya:

“- Này các tỳ-khưu, Như Lai xác nhận tư tác chính là nghiệp”.

Vậy, tư tác – cetanā đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo nghiệp. Không có tư, không có nghiệp. Tư là ý chí, ý muốn, ước vọng, cố ý, cố tình, hữu ý, chủ ý; nó quy tụ và chủ đạo các tâm sở tương ưng để tạo ra tính chất sai khác, đa dạng của các loại nghiệp (Có một số người hiểu lầm tác ý là nghiệp. Không phải vậy. Tác ý là manasikāra, có nghĩa là hướng tâm, như bánh lái của con thuyền; nếu hướng tâm đúng – yonisomanasikāra – như lý tác ý – thì con thuyền sẽ đi đúng hướng ; nếu hướng tâm sai – ayonisomanasikāra – phi như lý tác ý – thì con thuyền sẽ đi lạc).

1-   Tư có mặt ở đâu?

  • “Tư” trong 7 biến hành tâm sở: Bảy biến hành tâm sở là tác ý, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn. 7 tâm sở này có mặt đều khắp ở những diễn tiến tâm lý thuộc cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc và cả một số tâm siêu thế giới. Tư dẫn dắt và điều hành 7 tâm sở, đồng thời dẫn dắt, điều hành, quyết định các tâm sở đi kèm.
  • “Tư” trong ngũ uẩn: Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Gọi là hành, nhưng trong hành ấy là thế giới hoạt dụng của 50 tâm sở (50 trạng thái tâm lý). Trong 50 tâm sở ấy có tư tâm sở, nó điều động, dẫn dắt 49 tâm sở còn lại (chưa kể thọ, tưởng).
    • “Tư” trong thập nhị duyên khởi: Thập nhị duyên khởi là: Vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Trong 12 duyên khởi ấy, hành là tên gọi khác của ái, thủ, hữu. Và “tư” có mặt ở hành hay ái, thủ, hữu để tư tác, quyết định nghiệp.
    • “Tư” trong lộ trình ngũ môn: Khi sắc, thanh, hương, vị, xúc đi

qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân sẽ phát sanh những diễn tiến tâm lý. Trong lộ trình này có 7 sát-na tâm rất quan trọng, là javana, tác hành tâm! Có javana mới có nghiệp, không có javana không có nghiệp. Tuy nhiên, tư tâm sở lại chủ động, quyết định ở trong javana này!

  • “Tư” trong lộ trình ý môn: Khi pháp (tức sắc pháp hoặc khái niệm…) mà ta hồi tưởng lại hoặc lúc ta tư tưởng, suy nghĩ một điều gì thì diễn tiến tâm lý xảy ra trên lộ trình ý môn này. Chính ở đây, javana (tác hành tâm) cũng đóng vai trò chủ động. Và tư tác, lại chủ động, quyết định javana.
    • “Tư” trong 12 bất thiện tâm: Đây là 8 tâm tham, 2 tâm sân và

2 tâm si. Do 12 tâm (vương) bất thiện này mà chúng sanh bị đọa vào 4 cảnh giới đau khổ hoặc làm người bất hạnh. Khi một tâm bất thiện khởi thì những tâm sở bất thiện tương ứng cùng khởi theo. Và chính tư tác điều động, dẫn dắt các tâm sở bất thiện này.

  • “Tư” trong những thiện tâm dục giới: Trong 24 thiện tâm tịnh

quang dục giới có 8 thiện tâm tích cực làm việc lành. Do nhờ 8 thiện tâm này mà chúng sanh được sanh làm người hạnh phúc hoặc hóa sanh vào 6 cõi trời dục giới. Khi một thiện tâm khởi thì hàng loạt thiện tâm sở tương ưng cùng khởi theo. Và chính tư tác (cetanā) cũng điều động, dẫn dắt các thiện tâm sở ấy.

  • “Tư” trong thiền tâm sắc giới và vô sắc giới: Từ tầng thiền sơ khởi (đệ nhất thiền) đến tầng thiền cao nhất trong tam giới (phi tưởng, phi phi tưởng xứ) đều có sự xuất hiện của 5 thiền chi: tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm. Định càng cao thì những thiền chi đầu lần lượt bị loại bỏ, chỉ còn giữ lại xả và nhất tâm. Ở trong các tầng định này, tư tác vẫn chủ chốt và điều động các thiền chi.
  • “Tư” trong 8 siêu thế giới tâm: Đây là những tâm thánh đạo và thánh quả, có khuynh hướng làm cho muội lược hoặc chấm dứt nghiệp. Đến cảnh giới này, năng lực chủ động của “tư” yếu dần, đến quả vị A-la-hán thì tư mất hẳn tác dụng. Các nhà chú giải nói rằng, trong các lộ trình tâm thánh đạo và thánh quả, “tư” đã được thay thế bởi “tuệ”. Điều ấy dễ hiểu vì những bậc thánh nhơn A-la- hán không còn tạo nghiệp (không còn tư tác mà chỉ còn duy tác, tuệ soi sáng).

Đến đây, chắc trong chúng ta không ai còn thắc mắc, hoài nghi nghiệp là gì nữa!

2-    Vô tâm, vô ý, vô tình, không cố ý, không chú tâm, không chủ ý có tạo nghiệp không?

Mặc dầu chúng ta đã minh giải cetanā – tư tác là nghiệp theo lời dạy của Đức Phật, nhưng không phải ai cũng thừa nhận chân lý ấy. Vẫn còn đâu đó từ các chủ thuyết, quan điểm sai lầm tồn tại từ thời Đức Phật của ngoại đạo, vẫn còn những kiến giải lung tung từ kinh sách đa tạp của những pháp sư, giảng sư, học giả đa biện, thông kim, bác cổ đương đại đã đi ngược lời dạy chân truyền minh triết của đức Từ Phụ. Tuy họ không phủ nhận tư tác là nghiệp, nhưng họ còn nói thêm rằng, vô tâm, vô ý, không cố tình, không cố ý cũng tạo nghiệp. Có nghiệp sinh ra do cố ý mà cũng có nghiệp sinh ra do vô ý.

Họ lý luận rất hay ho rằng:

  • Như thọc tay vào lửa, dầu cố ý hay vô tình đều bị phỏng.
  • Như thọc chân vào bùn, dầu cố ý hay vô tình đều bị bẩn.

Từ quan điểm “dường như rất đúng này” lại đẻ ra quan niệm sai lầm trầm trọng, tuy nghe cũng hợp lý không kém gì.

  • Do vậy, kẻ có trí, khi cố ý làm việc ác, tội họ nhẹ hơn. Còn kẻ ngu, dẫu vô tình làm việc ác, tội chúng sẽ nặng hơn. Tại sao vậy? Vì kẻ trí, biết đấy là lửa, họ sẽ dùng que sắt hay bao tay, sẽ bị phỏng nhẹ. Người ngu, không biết đấy là lửa, vô tâm vô tình thọc tay vào, vết phỏng sẽ nặng hơn.

Từ những kiến giải như vậy, sinh ra nhiều ngộ nhận đáng tiếc:

  • Ông A sai ông B giết người. Ông B bị tội còn ông A thì không, vì chính ông B thọc tay vào lửa.
  • Đứa bé trong thai bào, vô tình làm mẹ đau, cũng tạo tội. Người mẹ cử động mạnh làm con đau, cũng tạo tội (nghiệp).
  • Cha đau ốm, thương cha quá nhưng cho uống nhầm thuốc, cha chết, thế là đọa địa ngục vô gián vì phạm ngũ nghịch đại tội!?

Với cái nhìn đúng đắn của đạo Phật, sau khi thấy rõ những định luật của vũ trụ, ta sẽ soi rọi vào những ví dụ vừa dẫn ở trên, sẽ lý giải như sau:

  • Thọc tay vào lửa, dẫm chân vào bùn, sự việc ấy nó diễn tiến theo định luật nhân quả vật lý, không phải nhân quả nghiệp báo.
    • –    Theo đạo Phật, kẻ trí là người biết rõ thiện, ác, thị phi và họ thường làm lành, lánh ác. Còn loại kẻ trí, làm việc ác rồi tìm cách cho nhẹ tội, ấy là sự khôn ngoan xảo quyệt của kẻ trí ấy! Lại nữa, khi kẻ trí ấy loay hoay tìm phương kế để làm việc ác thế nào cho nhẹ tội, trong đầu y đều là sự diễn tiến của ác niệm; vậy, nếu tư tác là nghiệp thì tội của người ấy chắc phải bị trả quả nặng hơn!
    • Các chuyện còn lại. Như ông A sai ông B giết người, luật pháp thế gian cũng truy cho ra kẻ chủ mưu; còn luật nhân quả nghiệp báo thì y cứ vào tâm niệm người chủ mưu lẫn tâm niệm của người hành động. Các tội báo thường cấu thành từ thân hành, khẩu hành và ý hành. Ý hành nặng nhất. Con làm mẹ đau hay mẹ làm con đau chỉ là hiện tượng nhân quả sinh vật lý, không ai có tội cả. Thương cha, cho cha uống nhầm thuốc, như thế tâm niệm người con vẫn tốt do tư tâm sở dẫn dắt các thiện tâm sở; tuy nhiên, khó xét tội báo của người con, vì còn trùng trùng nhân và duyên khác tác động nữa. Ví dụ, do nghiệp nhân quá khứ chi phối người con hoặc người cha.

Tóm lại, theo sự thấy biết của Bậc Giác Ngộ thì vô tâm, vô tình, không chủ ý là không có tội. Vì không có đầu tư ý chí, không có đầu tư tư tâm sở. Người học Phật phải sáng suốt về điều ấy.

II-        Nguồn Gốc Của Nghiệp

Chúng ta đã biết rằng tư tác (cetanā) là nghiệp; những hành động có chủ ý, cố ý là nghiệp, nhưng chủ ý, cố ý ấy do từ đâu có? Câu hỏi ấy bắt ta phải lần tìm nguồn gốc của nghiệp.

Trong thập nhị duyên khởi, có câu kinh văn: “Avijjā paccayā saṅkhāra”. Nghĩa là: “Duyên vô minh, hành sinh khởi”.

Hành (saṅkhāra) chính là 50 tâm sở chi phối toàn bộ tâm sinh vật lý của con người ở trong 3 cõi, trong đó, tư tâm sở quan trọng nhất vì chính nó tạo nghiệp. Nói cách khác, các nghiệp thiện, ác, bất động được biểu hiện qua ái, thủ, hữu đều do vô minh mà có. Vậy nguồn gốc của nghiệp chính là vô minh.

1-   Vô minh là gì ?

Vô minh có những định nghĩa sau:

  • Không sáng suốt.
  • –   Không thấy rõ thực tướng của pháp, của vạn hữu.
  • Sự thấy lầm, sự mê lầm.
  • Không thấy rõ Tứ Diệu Đế.

Từ định nghĩa gốc như vậy, từ thực trạng của vô minh như vậy, nó chi phối tâm và trí của chúng sanh: Làm cho tâm thì tham, sân, phiền não chướng; làm cho trí thì tà kiến, kiến chấp, kiến thủ, chấp ngã và sở tri chướng.

Trong lộ trình thiền định, hành giả có thể làm lắng dịu những thuộc tính của vô minh, ấy là 5 triền cái (hôn trầm-thụy miên, nghi, sân, phóng tâm, dục) để đi vào các tầng thiền.

Trong lộ trình thiền tuệ, nhờ quán tam tướng vô thường, khổ, vô ngã, hành giả lần lượt cắt đứt 10 sợi giây sai sử, trói buộc (kiết sử – thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh) để chứng 4 thánh đạo, 4 thánh quả. Cho đến quả vị cuối cùng mới bứng nhổ hết vô minh, đồng thời chấm dứt nghiệp.

Như vậy, nói cho đầy đủ, nguồn gốc của nghiệp chính là vô minh và ái dục.

2-   Nghiệp do mình tạo

Khi đã thấy rõ nghiệp là gì, và nguồn gốc của nghiệp là vô minh và ái dục, ta thấy rõ rằng, do chính ta tự tạo ra, chính ta đã đầu tư ý chí tự do của ta để tạo tác nên hành động, biểu hiện qua thân, khẩu, và ý. Có hành động tất có phản ứng của hành động, có nhân có duyên tất có quả. Vậy thì những xấu, tốt, vui, khổ mà mỗi người nhận chịu chính là do kết quả của người ấy làm trong quá khứ. Cũng vậy, mê muội hay sáng suốt, thanh tịnh hay nhiễm ô, cao thượng hay thấp hèn đều được quy định từ lý nghiệp báo, tự mình và do mình vậy.

Như Kinh Lời Vàng (165):

“- Làm điều ác, dữ do ta.

Làm điều ô nhiễm cũng là mình thôi. Tự tôi, thanh tịnh cho tôi.

Ai người thanh tịnh cho người, có đâu!”

Hay (160):

“- Tự ta nương tựa cho ta.

Có ai nương tựa gần, xa mà cầu! Tự mình thuần tịnh làm đầu.

Là chỗ nương tựa thâm sâu khó bàn!”

Hoặc, Đức Phật dạy:

“- Chúng hữu tình thọ lãnh báo ứng tất yếu của nghiệp do chúng đã tạo tác; và chính vì định luật nhân quả nghiệp báo ấy mà có sự bất đồng sai khác giữa xã hội và chúng sanh”.

Một nhà văn phương Tây lại “than”:

“- Ôi! Trên thế gian này chẳng có gì minh triết và cao đẹp hơn lý nghiệp báo của Phật tổ Cù-đàm. Nó công bình hơn cán cân nghiêm minh của pháp luật. Nó đạo đức và sáng suốt hơn tất thảy tâm và trí của các bậc hiền triết. Cũng không có, và chưa hề có một lý thuyết nào khả tín hơn. Tự nó có thể đứng vững một mình mà không cần nương tựa vào bất kỳ vị thần linh nào và bất kỳ uy lực, uy tín của hệ tư tưởng nào. Tự nó đủ chứng minh về tất cả những bất đồng thể xác, tri thức, kể cả những bất công xã hội, những sự thiên lệch ghê tởm của số phận con người!”

Từ những sự thực về nghiệp như vậy, ta có thể đi đến những xác tín sau đây:

  • Vận mệnh (khổ lạc, vui buồn, xấu tốt, trí ngu) của mỗi người

là do người ấy tạo ra, là tác nhân chính. Các yếu tố, điều kiện ngoại cảnh chỉ là lực tương tác, phụ tùy gọi là duyên.

  • Ta chính là Thượng Đế của ta vậy (Attāhi attano nātho – Nātho có 2 nghĩa: Nương tựa hoặc Thượng Đế).
  • Mọi sự chênh lệch, bất đồng, bất bình đẳng trong đời sống đều phát xuất từ nguyên nhân chính yếu là nghiệp của mỗi người.
  • Ta có thể thấy, biết, chế ngự và thay đổi vận mệnh của mình bằng cách nắm rõ quy luật nghiệp báo để thay đổi nghiệp.
  • Đạo đức của mỗi người tùy thuộc vào mức độ giác ngộ và tùy thuộc vào việc làm chủ quy luật nghiệp báo ấy.
  • Quy luật xã hội tương tùy vào 4 định luật tự nhiên của vũ trụ, đồng thời phát xuất từ những tương quan giữa những nghiệp của cá nhân (định luật 5). Vì vậy, cải thiện xã hội không gì hơn là cải thiện gốc nghiệp nơi mỗi người.

3-   Nghiệp do mình tạo, nhưng “mình” ấy là ai?

Người ta thường nói, ông A làm việc thiện, ông B làm việc ác; hoặc ông A được hưởng quả báu sung sướng, ông B chịu quả báo

đau khổ. Nói vậy là đúng, theo sự thật ước lệ của thế gian; nhưng còn cái đúng khác nữa, cái đúng theo đệ nhất nghĩa đế, vượt quy ước, phạm trù, người học Phật cũng cần phải thấu triệt.

3.1- Sao gọi là chân lý thế tình?

Do chữ Pāḷi: Sammuti sacca. Sacca là sự thật, chân lý, chân như, đế. Sammuti là thế tình, quy ước, ước lệ, phạm trù, quy định, mặc ước…

Đây là loại sự thật do con người đặt ra rồi tạm thời chấp nhận với nhau. Ấy là tất cả mọi danh từ, khái niệm có trong ngôn ngữ loài người nhằm gọi tên những sự vật cụ thể hoặc cả những khái niệm trừu tượng. Cụ thể, như cái bàn, cái ghế, đàn ông, đàn bà, sông, núi, cỏ, cây. Trừu tượng như tự do, hạnh phúc, tổ quốc…

Loại ngôn ngữ và khái niệm mặc ước này còn được gọi là thường ngữ; gọi là thường ngữ vì nói ra ai cũng nghe, cũng hiểu. Tạng Kinh, Luật Đức Phật thường sử dụng loại ngôn ngữ này.

3.2- Sao gọi là sự thật đệ nhất nghĩa?

Do chữ Pāḷi: Paramattha sacca. Paramattha là rốt ráo, cao diệu, đệ nhất nghĩa, ly thoát các khái niệm phạm trù, quy định của thế gian do con người đặt ra.

Loại ngôn ngữ này được Đức Phật sử dụng trong tạng Abhidhamma để nói đến những lãnh vực vi tế, sâu nhiệm về tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn. Đây là loại ngôn ngữ đặc biệt, nói theo kinh văn, nó được gọi là pháp ngữ.

Giải thích về hai loại chân lý:

  • Khi ta gọi cái bàn, cái ghế, con người, cái nhà, sông, núi… là ta gọi tên chung một tổ hợp, một cấu hợp, một kết hợp từ các yếu tố rời rạc. Cái bàn là tổ hợp từ những yếu tố: ý niệm của người thợ, đinh, gỗ, ván, keo… Nếu rời các yếu tố kia ra, không có cái gì trong đó được gọi là cái bàn cả. Do vậy, tên gọi cái bàn chỉ là giả danh, nó không thực hữu, thực tính.
  • Khi gọi con người, hữu tình, tự ngã cũng tương tự thế. Con người là một tổ hợp của thân và tâm. Thân là máu, huyết, tủy, xương, tóc, lông, móng, răng, da… Tâm là các yếu tố tâm lý thương, ghét, vui buồn, nhận thức… Nói cô đọng là con người chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn hoặc danh và sắc. Rời ngũ uẩn hoặc danh sắc, ta chẳng tìm thấy gì ở trong đó là con người cả. Do vậy, con người, hữu tình, tự ngã, đàn ông, đàn bà… chỉ là giả danh, nó không có thực thể con người, thực ngã, thực tính con người.

Cái nhìn vô tự tính, không tính ấy xuyên suốt vạn hữu từ hạt vi trần đến cả sơn hà đại địa, như Đức Phật dạy: “Tất thảy các pháp đều là vô ngã”.

  • Đi sâu thêm một tí nữa. Cái bàn là kết hợp của đinh, gỗ, ván… nhưng đinh, gỗ, ván… ấy cũng không phải thực ngã, thực tính… Vì đưa đôi mắt khoa học nhìn ngắm cái đinh, các nhà khoa học không tìm thấy cái gì được gọi là “đinh” cả! Nó là sắt ư? Không phải thế, nó chỉ là sự kết hợp của các hạt vật chất rất nhỏ nhiệm. Nếu phân tích nữa thì vật chất ấy cũng không có, tất cả chỉ là năng lượng tụ rồi tan rất nhanh bằng thời gian của một phần triệu giây! Những loại vật chất khác cũng tương tợ thế.

Còn con người? Là chỉ tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tri giác! Tấm thân một trượng thì cuối cùng chỉ là năng lượng! Còn cảm giác và tri giác tức thọ và tưởng… lại càng không thực ngã, lại càng vô tự tính. Nếu vật chất thay đổi sinh diệt 01 lần thì cảm thọ, tri giác thay đổi nhanh gấp 16 lần như thế.

Như vậy, con người, ngũ uẩn, danh sắc… là kết hợp của các năng lượng cùng những yếu tố tâm lý luôn luôn thay đổi, miên tục, trùng trùng. Nó khác nhau trong mỗi khoảnh khắc, không có gì tồn tại giống nhau trong 2 sát-na.

Ta hãy đọc một đoạn văn sau đây:

“- Tôi đang nhàn nhã thưởng lãm một cảnh trời chiều ngoạn mục. Mặt trời rực rỡ chiếu qua những đám mây lóng lánh sắc màu. Ôi! Cảnh vật xung quanh tôi mới kiều diễm và thơ mộng dường bao? Kìa! Sông nước, núi đồi, cây lá dường như khóac lên mình chiếc áo thủy tinh, sáng hơn, tươi đẹp hơn, và muôn màu muôn sắc hơn!

Một cơn gió lạnh bất chợt thổi tới làm chao nghiêng một cành hoa thạch thảo. Có tiếng hát của gió và vài chiếc lá rung rinh khiêu vũ. Dường như trời sắp dông và sẽ có mưa…

Tôi ngửng đầu lên. Sắc màu của mây, cây lá, sông nước bây giờ sao chỉ còn một màu xám xịt, u ám. Nó đã thay đổi hoàn toàn”.

Cái cảnh mà tôi vừa nhìn thấy là ảo giác, là cảnh theo con mắt nhìn của tục đế, là của sammuti sacca. Nhưng nếu đưa mắt nhìn theo con mắt của chân đế, đệ nhất nghĩa, paramattha-sacca, thì ta không bao giờ trông thấy một màu nào cả! Các màu bao giờ cũng đang liên tục biến đổi và cũng đang liên tục trở thành màu khác. Trong một

phần triệu giây đồng hồ, nó thay đổi, biến dạng, màu này liên tục ẩn trong màu kia. Nó nhanh chóng cho đến độ ta không thực sự thấy nó là màu gì. Nó là một chuỗi dài màu sắc, trong đó không có màu nào là tồn tại, màu này liên tục tan biến trong màu khác.

Không có màu nào cả. Tất cả đang trở thành! Không có con người, đàn ông, đàn bà nào cả; tất cả đều là những yếu tố sắc danh luôn biến đổi và trở thành!

Thực sự là paramattha sacca thì không thể gọi tên cái gì được cả. Tuy nhiên, Đức Phật cho phép dùng uẩn, xứ, giới… để diễn đạt, nói năng, phương tiện cho con người liễu ngộ sự thật rốt ráo khi bàn về tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn (trong Abhidhamma).

  • Nghiệp không do “cái ta” nào tạo ra cả.

Lập ngôn này là dựa theo cái nhìn của đệ nhất nghĩa đế.

Thân là kết hợp của các yếu tố vật chất. Tâm là sự trôi chảy của hằng chuỗi trạng thái tâm lý. Vậy khi ta khởi một niệm, muốn làm một việc nào đó, là tư tác (cetanā); niệm ấy thường không độc lập khởi sanh, nó kế tục của niệm đi trước rồi tạo năng lực cho niệm đi sau. Nếu niệm ấy kéo dài 7 sát-na, có javana thì nó đã cấu thành nghiệp (ý nghiệp). Vậy thử hỏi có người nào, có ai tạo nghiệp ấy chăng ? Rõ ràng là chẳng có ai ở đấy cả, chỉ có niệm và niệm mà thôi. Chẳng có một tác giả nào!

Đến đây có người sẽ đặt câu hỏi: Không có ai tạo nghiệp thì thấy rõ rồi, còn người thọ nhận quả báo thì sao? Với sự thật đã nêu dẫn thì chắc cũng không luôn? Có rơi vào đoạn kiến chăng? Câu trả lời là: Không rơi vào đoạn kiến, mặc dầu “không ai tạo nghiệp và chẳng có ai thọ nhận quả báo”. Khi mà chỉ có tư tác (tạo nghiệp), không có người-tư-tác; thì các cảm thọ, tri giác, tư tưởng cũng không có người cảm thọ, người tri giác, người tư tưởng. Trong đời sống, khi ta nhận chịu quả báo, vui hay khổ, sẽ không có người vui, người khổ mà chỉ có cảm thọ vui, cảm thọ khổ. Người tu thiền tuệ thường ghi nhận sự thật ấy để vén mở bản lai vô ngã của các pháp.

Nói tóm lại, “không có tác giả, không có thọ giả” là cái nhìn của paramattha sacca. Và cũng chính nhờ sự thật ấy, nhờ sự diễn tiến của tâm niệm, nhờ không có thực ngã mà: người xấu ác trở nên tốt, tên tội đồ có thể trở thành bậc thánh nhân nếu biết chuyển hóa, thay đổi tư tưởng, tâm niệm, ý chí của mình. Nó rất công minh, công bằng, gây nhân nào gặp quả nấy không sai trật.

  • Có người ăn trộm xoài, bị bắt, đưa lên quan. Nó nói: Tôi không lấy cắp xoài của y. Cái hạt xoài của y gieo thuở xưa, nó nhỏ xíu, đã tiêu mất rồi. Trái tôi lấy ăn, to, chín vàng, rõ ràng là khác xa mà! Dù người ăn trộm xoài có cãi cối, cãi chày anh ta vẫn bị quả báo xử phạt.
    • Có cậu thanh niên phạm tội giết người, bỏ trốn. 30 năm sau trở về bị công an nhận diện, còng tay, đưa ra tòa. Cậu thanh niên, bây giờ đã là ông già tóc bạc, nói rằng: “Thưa quý tòa, công an bắt nhầm người rồi, cậu thanh niên thuở xưa là trai tráng, tóc xanh, hắn có gây án thì phải bắt hắn chịu tội. Còn tôi, bây giờ là một lão già, có phải là cậu thanh niên ấy đâu. Oan cho tôi lắm!”. Cái ngụy biện ấy của ông lão cũng không thể thoát khỏi tội tù.

Cái hạt xoài nhỏ xíu, nhờ diệt mất nên mới có trái xoài to. Một tâm niệm khởi sanh, nó diệt mất nhưng lại kế tục một niệm khác, truyền năng lực và tính chất cho niệm đi sau. Cho chí kiếp này, kiếp kia cũng vậy. Nó không thường kiến (vì không giống nhau mãi); nó không đoạn kiến (vì có mất đi đâu).

Và, cho chí Niết-bàn, cũng không có người nhập Niết-bàn.

4-   Nghiệp trú ở đâu?

Có người bảo rằng, nghiệp trú trong linh hồn, trong tâm linh, trong tiềm thức, trong vô thức hay chứa trong tạng thức.

Phật giáo không nhìn nhận bất kỳ một trú xứ nào. Có một trú xứ là có một chỗ, một thực hữu, một thực tính hoặc một cái gì đó không thay đổi và không biến động. Và quả thật có cái trú xứ ấy chăng, trong thế giới tâm và vật chuyển động, duyên khởi trùng trùng, thay đổi liên tục không gián đoạn, không ngưng nghỉ?

Song le, nếu sự thật là như vậy, có người sẽ hỏi rằng:

“- Nếu không có cái gì chứa giữ, cất giữ thì tại sao ta có thể có được ký ức, hoài niệm? Quá khứ ấy từ đâu hiện ra, nếu không là từ cái kho nào đấy trong vô thức? Và, nghiệp nó nằm ở đâu để có thể đi theo người ấy mà trả quả trong mai hậu?”

Giáo pháp của đức Thế Tôn sẽ mỉm cười mà trả lời cho người ấy, đại để là:

“- Nghiệp không tàng trữ ở đâu cả trong dòng chảy tâm sinh vật lý luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên, mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi kinh nghiệm, mỗi cảm giác, mỗi tri giác, mỗi nhận thức… của tiến trình trước tác động, ảnh hưởng đến tiến trình đi sau. Và trong

dòng chảy bất tận ấy, trạng thái tâm lý này làm nhân, làm duyên cho trạng thái tâm lý kia; khi có cơ hội, tùy thuộc danh, sắc cấu thành, là nghiệp trổ sanh”.

Để minh giải cho điều này, ngài Na Tiên đã trả lời cho Đức Vua Milinda bởi một câu hỏi tương tự, với ý là:

“- Trái xoài không nằm ở đâu trong cây xoài cả! Cũng không ai biết trái xoài sẽ mọc chỗ nào trên cành; nhưng tùy thuộc thời gian, ánh sáng, thời tiết; ảnh hưởng của nhiệt độ, tinh Tứ, mặt trời, mặt trăng, quả đất làm cho trái xoài có mặt. Nó sẽ hiện hữu đúng lúc, đúng thời mà không có cái gì trong thân cây xoài tàng trữ nó. Nghiệp cũng là như thế, tâu đại vương!”

Nghiệp cũng tương tợ lửa. Lửa không tích trữ, chứa giữ ở đâu nhưng hễ có hai thanh củi khô, có sự chà xát mạnh, lửa có mặt.

Nghiệp cũng tương tợ gió. Gió không tích trữ, chứa giữ ở đâu, nhưng hễ có không khí nóng bị giản nở là phát sanh ra gió.

Nghiệp là năng lực được điều hành bởi tư (cetanā), tư điều động dòng chảy ngũ uẩn, lộ trình tâm, thập nhị duyên khởi; trôi từ kiếp này sang kiếp khác, tạo thành địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a- tu-la, người, trời… Và tư cũng điều động để đắc thiền vào các cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới.

Các định luật vũ trụ cho ta biết rằng, không có gì diệt mất vĩnh viễn, cũng không có gì là thực tính tồn tại bất động, vĩnh cửu. Chúng tan rã để tựu thành. Chúng diệt mất ở biểu hiện này để có mặt trong biểu hiện khác. Từng giây khắc, từng sát-na như thế để thay đổi dạng và biến đổi chất. Dạng và chất ấy từ A sang B nhưng B không phải là A, tuy không khác A, vẫn do A mà có. Thuyết di truyền, gène, luật bảo tồn năng lượng, giống loại… xác chứng cho ta điều ấy.

Tuy nhiên, nhân quả nghiệp báo là một tiến trình diễn ra vô cùng phức tạp, chỉ có đức Toàn Giác mới thấy rõ tận tường. Các bậc đại A-la-hán dầu có trí tuệ đệ nhất như tôn giả Xá-lợi-phất, sự hiểu biết ấy vẫn còn rất giới hạn.

( Phật học tinh yếu HT Giới Đức )

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 134

Post Views: 484