Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

Ngũ luật của thiên nhiên

 

NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO

Nhân quả nghiệp báo rất quan trọng. Người học Phật không dễ gì nắm bắt định luật này cho thấu đáo nếu không nghiên cứu, học hỏi và chiêm nghiệm sâu xa.

Điều đầu tiên chúng ta phải biết là nhân quả khác, nghiệp báo khác. Có khi có nhân quả mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, ta không thể chấm dứt nó được. Nhưng nghiệp báo thì ta có thể thay đổi hoặc chuyển hóa nó được. Nói thế, ta cũng không loại trừ khả năng là nghiệp báo có thể nặng hơn hoặc giảm nhẹ đi, tùy duyên, căn cơ và sự tu tập của từng người quyết định.

Muốn lãnh hội trọn vẹn bài học về nhân quả nghiệp báo ta phải nghiên cứu toàn diện, lần lượt đi qua những kiến thức giáo pháp cơ bản sau đây:

  • Những định luật của vũ trụ.
    • Nghiệp là gì?
    • Nguồn gốc của nghiệp.
    • Nhân quả nghiệp báo.
    • –   Có bao nhiêu loại nghiệp.
    • Những điều quan trọng cần phải liễu tri.
    • –   Kết luận.

Những Định Luật Của Vũ Trụ

Có những định luật, những quy luật vận hành của vũ trụ, chúng tương quan mật thiết nhau và chi phối toàn bộ đời sống của con người cùng vạn hữu. Chính những định luật, quy luật này, trong tác động hỗ tương của chúng, đã sinh ra vô vàn giống loại hữu tình, vô tình cùng trời đất, trăng sao, thiên hà, vũ trụ…

Những quy luật ấy đã được Đức Phật giới thiệu phổ quát:

  1. Định luật của thế giới vật lý vô cơ (Utuniyāma)

Đây là quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên của trời đất, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, xuân hạ thu đông… Những ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh Tứ đến sông, biển, ao hồ; các lực tương tác chi phối, tác động đến con người, thảo mộc, vạn hữu… là thuộc về định luật utuniyāma này.

  • 2-   Định luật của thế giới sinh vật lý hữu cơ (Bijaniyāma)

Là những quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật, trong đó có con người. Do những định luật này mà các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, ADN, di truyền, gène… kể cả những công nghệ sinh học… Cũng nhờ những quy luật này mà giống nào sinh ra giống nấy. Hạt cam sinh ra cây cam. Lúa có từ hạt lúa. Gène di truyền trong việc thụ thai hai trẻ sinh đôi giống nhau nhưng khác tính tình. Khoa học tội phạm hình sự chỉ cần lấy AND nơi một mẫu tóc có thể tìm ra người gây án…

Những định luật thuộc bijaniyāma này rất lớn rộng và ẩn mật, sợ rằng nhiều thế kỷ nữa, nhân loại vẫn chưa khám phá ra hết.

  • Định luật về pháp (Dhammaniyāma)

Là những quy luật chi phối vạn pháp. Như luật âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ ; những phản ứng sinh lý hóa, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học; kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ-tát giáng phàm, thành đạo, Niết-bàn…

  • Định luật về tâm (Cittaniyāma)

Những định luật về tâm, tâm lý, như: ý tưởng, ý niệm, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, ký ức, tư tưởng, trực giác… Ngoài ra, những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hoặc vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng như thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai hoặc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông… cùng từ định luật này mà có.

  • Định luật về nghiệp (Kammaniyāma)

Đây là định luật về nghiệp báo, nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp (hay báo ứng của nghiệp).

Trong 5 định luật mà chúng ta vừa điểm xuyết qua, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng có xẩy ra tiến trình nhân quả nhưng không xảy ra nghiệp báo. Riêng định luật thứ 5 này mới xảy ra nhân quả nghiệp báo. Chính ở đây, những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra sự báo ứng của nghiệp. Đây là những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư của ý chí tự do của mỗi

cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp) cá nhân nhưng nó sẽ ảnh hưởng toàn bộ xã hội và nhân loại (cộng nghiệp).

Như vậy, chúng ta phải biết cho rạch ròi đâu là nhân quả khách quan đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả bốn định luật đầu tiên đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho ba đời chư Phật!

Nhân quả trong các định luật:

1- Nhân quả trong utuniyāma ( Định luật về thời tiết)

Trong những định luật thuộc thế giới vật lý vô cơ này cũng xảy ra tiến trình nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Mới đây do hiện tượng “elnino” mà bão lụt, động đất, hạn hán xảy ra khắp nơi. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, khí thải công nghiệp làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên, phá vỡ tầng “ozon”, môi trường sinh thái bị nhiễm độc – chúng tác động đến toàn bộ địa cầu. Người ta có thể đi tìm nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp mà không tìm ra nguyên nhân xa, nguyên nhân gián tiếp. Rồi trong các nguyên nhân ấy còn có sự liên hệ qua lại, tương tác trùng trùng nữa vậy.

Gần hơn, có những nhân quả xảy ra rất cụ thể mà ai cũng có thể hiểu được: Trời nóng thì đổ mồ hôi, trời lạnh thì rét, mưa nhiều sinh ra bão lụt; trời nóng, không khí giãn nở tạo ra gió…

Các định luật utuniyāma rất máy móc, lạnh lùng, khách quan.

2-   Nhân quả trong bijaniyāma ( Định luật về giống chồi , mầm tế bào)

Thế giới sinh vật lý hữu cơ xảy ra tiến trình nhân quả cũng đa dạng, phức tạp. Nền công nghệ sinh học muốn biến đổi gène động vật, thực vật là dựa vào quy luật này. Hạt cam sinh ra trái cam, hạt ớt sinh ra quả ớt, nhưng do sự lai tạo, biến đổi gène mà mướp đắng có thể không đắng nữa và to bằng trái bầu. Người ta còn có tham vọng thay đổi các thông số trong chuỗi Adn để sản sinh trong ống nghiệm một loài người thông minh, trí tuệ hơn, mạnh khỏe hơn… Các loại lúa chịu hạn, năng suất cao, bắp cho nhiều hạt, chịu hạn, chịu sâu bệnh, có nhiều dưỡng chất hơn… là áp dụng định luật này. Nói dễ hiểu hơn, người ta muốn thay đổi nhân (ADN, gène, chủng tử) để cho quả khác đi, theo ý muốn của mình. Nhân quả này cũng máy móc, lạnh lùng, khách quan.

Cả hai loại định luật này cũng tương tác, ảnh hưởng qua lại nhau để xảy ra tiến trình nhân quả khác. Ví dụ: Chết vì rét, chết vì

đói, chết vì bị nhiễm độc, chết vì bội thực… Thế giới vật lý tác động lên thế giới sinh lý (cơ thể) nên xảy ra như vậy.

3-   Nhân quả trong dhammaniyāma ( Định luật về nghiệp báo)

Lãnh vực này rất bao la, khoa học cũng chưa tìm kiếm ra hết, có chăng chỉ mới là những bước khám phá ban đầu. Những định luật này xảy ra tiến trình nhân quả trong pháp giới, nói chung, ta rất dễ thí nghiệm, kiểm chứng; nhất là những phản ứng hóa học. Một chất hóa học này bỏ vào ly nước thì nước sôi lên, nhưng là chất hóa học khác thì nước đổi màu. Lửa đun nước làm oxy bay hơi. Bàn tay phải áp sát bàn tay trái thì nó hút nhau (âm dương tạo sức hút); nhưng nếu lật úp một bàn tay thì chúng đẩy ra xa (âm và âm, dương và dương tạo sức đẩy). Nam châm hút sắt, kim sinh thủy, thủy sinh mộc… thảy đều là nhân quả. Tuy nhiên, trong pháp giới còn có những định luật nhân quả rất huyền nhiệm (mặc dầu nó cũng là nhân quả thôi) như khi Bồ-tát sinh ra, địa cầu chuyển động. Như có người bị thôi miên, mộng du di chuyển được trong thế giới bốn chiều. Các thầy phù thủy thời trung cổ nhờ nắm được một số định luật này nên người ta tưởng là phép lạ.

4-   Nhân quả trong cittaniyāma ( Định luật về tâm thức)

Nhân quả trong các định luật tâm lý cũng không phải là nghiệp báo. Khoa tâm lý học Tây phương có cả một môn học chuyên sâu để nghiên cứu, đào xới mảnh đất bí hiểm này. Tất cả những cái gọi là ký ức, phán đoán, tưởng tượng, tình cảm, nhận thức… gì gì đó thảy đều nằm trong quy luật nhân quả. Chính giấc mộng, sinh hoạt vô thức, bệnh tâm thần, stress ức chế, họ cũng cố gắng tìm ra quy luật và giải mã nó bằng giấy trắng mực đen, rồi tìm biện pháp điều chỉnh hoặc chữa trị. Quả thật là khoa học đang lần mò vào thế giới mê cung với tham vọng tìm ra nguyên nhân và kết quả! Định luật về pháp đã là bí hiểm, huyền nhiệm, mà định luật về tâm cũng có những miền không gian bí hiểm, huyền nhiệm không khác gì! Có những cánh cửa huyền mật vừa mới hé mở (mặc dầu người ta chưa bước vào trong), như thuật thôi miên, thần giao cách cảm, truyền đạt tư tưởng, ngồi một chỗ mà tìm ra mộ người thân, thò tay qua không gian ngàn dặm để lấy tiền trong két sắt ngân hàng, chữa bệnh bằng tư tưởng…

Thực hiện định luật về tâm này, các tôn giáo Đông phương đã đi trước bằng đôi hia vạn dặm với các khả năng thiên nhĩ thông,

thiên nhãn thông… Tuy nhiên, để cho dễ hiểu tiến trình nhân quả của nó ta có thể đi qua vài ví dụ rất gần gũi và thực tế nhất:

  • Khi tâm định thì phát sanh phỉ lạc (có trường hợp ‘phỉ’ trong thiền định quá mạnh có thể bốc người bay qua không gian, vượt qua giới hạn của định luật vật lý).
    • Khi các tâm sở thiện có mặt thì thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, khinh khoát, an vui.
    • Khi các tâm sở bất thiện có mặt thì thân tâm ta nặng nề, nóng nảy, trì trệ, bộp chộp, bất an…
    • Thấy một người thân lìa đời như cha mẹ, vợ chồng, anh em… thì ta buồn, chảy nước mắt.
    • Thấy rắn thì sợ hãi.
    • Trúng độc đắc thì vui.
    • –   Bị phỉ báng, nhục mạ thì ta đau khổ.
    • Trong đời sống, nếu tạo tác những hành động ác hoặc thường thấy cảnh chiến tranh máu, lửa thì hay bị mộng dữ…

Các định luật này đều rất khoa học, đôi khi vượt quá khoa học. Tâm và pháp cũng thường tương duyên, tương tác lên nhau để sinh ra các tâm lý chủ quan: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cũng là thường nhiên vậy.

5-   Nhân quả trong kammaniyāma ( Định luật về quy phạm hay các pháp)

Chính ở đây mới nói đến nghiệp báo, sự chi phối của nghiệp báo và thoát khỏi nghiệp báo. Ta có thể nêu dẫn tượng trưng vài ví dụ về trường hợp này:

  • Ta đi vô ý bị té gãy chân.

Phân tích: Bị té có thể do ta vô ý, bất cẩn; cũng có thể do ai đặt viên đá không đúng chỗ (một nhân hoặc nhiều nhân); nên kết quả (quả) ta bị gãy chân. Tuy nhiên, khi bị gãy chân, ông A do nhờ thông suốt lẽ đó (tuệ) và sự trầm tĩnh, ổn định nội tâm (định) nên không than khóc, không chưởi trời trách đất; chỉ lắng nghe sự đau xảy ra như thực (thọ như thực), nên thoát khỏi khổ ấy, tức là thoát khỏi nghiệp báo. Ông B, trái lại, than khổ, than đau, chưởi vợ, mắng con, sự đau đớn càng gia tăng. Đây là trường hợp bị nhân quả nghiệp báo chi phối.

  • Ta làm một việc xấu ác bị người khinh ghét, bị tội tù….

Phân tích: Làm việc xấu ác là nhân, bị người khinh ghét, tội tù là quả. Do nhờ biết rõ lẽ nhân quả nên ông A nhẫn chịu sự đau khổ xảy ra mà tâm không hề khởi lên sự oán trách hoặc than van sầu

muộn; cũng không khởi ác tâm, hận tâm với ai. Đây là trường hợp có nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Ông B, trái lại, cái quả của sự khinh ghét hoặc tội tù ấy càng gia tăng, có thể dẫn đến những hàng động hoặc ý nghĩ sai lầm khác nữa. Ông này bị nghiệp báo chi phối.

Qua hai ví dụ trên, ta biết rõ, cái quyết định về nhân cũng như quả của nghiệp báo chính là tâm niệm, ý tưởng của chúng ta. Nó chính là ý chí của mỗi người, gọi tên chính xác là tư tác (cetanā), chính nó là tâm sở chủ động các trạng thái tâm lý.

Nói tóm lại là:

Những thành bại, được mất, giàu nghèo, trí ngu, thọ yểu, may rủi… và cả muôn triệu hoàn cảnh, tình huống, hiện tượng xảy ra chi phối vạn hữu và con người… thảy đều nằm trong 5 định luật khái quát nêu trên.

4 định luật đầu là cái xảy ra tự nhiên; đấy là những nguyên lý của trời đất mà Khổng Nho gọi là mệnh trời, ý trời; đạo bà-la-môn thì biểu tượng nên thần sáng tạo, thần bảo tồn và thần hủy diệt. Dù các bậc giáo chủ – như Đức Phật – có xuất hiện hay không thì các định luật ấy vẫn chi phối vạn loài. Đức Phật chưa hề nói đến việc tu tập để chấm dứt các định luật ấy, vả chăng, đấy là điều bất khả. Đạo Phật chỉ chú trọng giải thoát nghiệp báo ở định luật thứ năm. Muốn vậy, phải thấy rõ, biết rõ, thông suốt 4 định luật tự nhiên để liễu tri, giác ngộ định luật sau cùng, cốt nhằm thoát khổ mà thôi.

Đức Phật không lý đến những nguyên nhân xa vời, bởi chúng không thể tìm biết hết được. Ví dụ chuyện vô ý, bất cẩn nên té gãy chân! Có thể do người thợ đá nào đó vô ý bỏ quên, có thể con hổ chạy trên núi rơi đá xuống, có thể đứa trẻ nít hoang nghịch. Có thể quá khứ ta từng đặt viên đá cốt hại người. Hoặc ta vừa làm một việc ác nên tâm trí bấn loạn…

Ngoài ra, trong việc té gãy chân ấy có thể có thêm cả 4 định luật trên chi phối nữa. Người ta nói rằng vào những ngày từ sau rằm đến cuối tháng thường xảy ra tai nạn nhiều nhất do ảnh hưởng sức hút của mặt trăng làm thủy triều rút xuống, thân cây cối khô nước và khí huyết con người giảm sút ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh! Vậy ai cố đi tìm nguyên nhân đầu tiên sẽ trở nên điên loạn.

Trường hợp thứ hai có nguyên nhân gần hơn là do ta làm việc xấu ác rồi gánh lấy hậu quả! Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi: Tại sao ta

lại xấu ác? Do quá khứ ta đã làm gì? Do ta sống trong môi trường, hoàn cảnh nào? Thì câu trả lời cũng mịt mù và bất khả như thế.

Thấy rõ nhân quả và chấm dứt nghiệp báo mới chính là lời Đức Phật muốn chỉ dạy. Thấy rõ 4 định luật đầu để thuận theo tự nhiên mà sống. Đạo của Lão Tử là “thuận theo tự nhiên”. Thiên chúa giáo là “vâng ý Chúa”. Đạo Khổng là “thuận thiên lập mệnh”… đều không thể vượt qua chúng. Chỉ riêng đạo Phật còn có định luật thứ 5, tuy vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của 4 định luật đầu, nhưng còn có sự tu tập để giải thoát khổ nghiệp báo nữa.

Nếu là nhân quả tự nhiên thì nó máy móc, khách quan, nhưng nhân quả nghiệp báo thì còn do tâm quyết định. Chính ở nơi tâm mới nói đến tâm nhân và tâm quả. Còn cả hằng triệu định luật khác không được gọi là nhân, mà nó chỉ là duyên, thuận duyên hay nghịch duyên để tác động, ảnh hưởng lên nhân ấy.

Sau khi học qua 5 định luật ấy rồi, ta có thể lần lượt đi chuyên sâu vào lý nghiệp báo.

Phật học tinh yếu – HT Giới Đức

Copy và có thêm thắt nội dung

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 78

Post Views: 444