Phật học Đại cương Tâm Học 2022
Tứ Chánh Cần nằm trong 37 phẩm trợ đạo (Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo), thuộc Đạo Đế – tức là Con Đường Diệt Khổ, mà ai cũng cần phải tu tập nếu muốn giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.
Trích một đoạn từ Nikāya:
“- Này các tỷ-kheo, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho quên mất (asammosāya), làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này, này các tỷ-kheo, là bốn chánh cần.
Này các tỷ-kheo, như sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các tỷ-kheo, tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”.
Chúng ta có thể tóm tắt đoạn kinh trên:
Đến ngang đây có lẽ bất cứ người học Phật nào, dù sơ căn, cũng hiểu Tứ Chánh Cần là thế nào rồi. Nó có hai vế: Ác và thiện. Ác thì ngăn ngừa, đoạn trừ; thiện thì làm cho nó khởi phát, nuôi dưỡng lớn mạnh. Nội dung ấy cũng tương tự như: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành (tất cả các điều ác không làm, hãy làm các việc lành) – là hai câu kệ ngôn phổ thông và phổ biến nhất cho hàng Phật tử tu tập hằng ngày.
Đạo đức, điều hay, điều tốt, điều đẹp, lẽ phải, tình thương thường nâng đỡ thế gian vì chúng tạo nên các giá trị thăng hoa cho cuộc đời. Nó còn là lực đối trọng để làm tan đi, xua đi những cái xấu ác, phi đạo đức của một bộ phận con người tạo nên mà thời nào cũng có.
Con người xấu ác, tham sân si nhiều là thủ phạm. Nhưng chính những học thuyết, chủ thuyết, triết thuyết, kể cả tôn giáo – tương tự 62 tà kiến thuở xưa – lại là “đầu sỏ”, là những thủ phạm lớn hơn.
Lành tốt như ánh sáng, xấu ác như bóng tối. Tuy nhiên, họ không dại gì thừa nhận mình là bóng tối, họ đều là ánh sáng cả. Ai cũng cứu chuộc, cứu rỗi cuộc đời. Ai cũng độc quyền nắm chân lý, lẽ phải trong tay cả.
Các tiêu chuẩn về đạo đức, lẽ phải trên thế gian thường dị biệt, bất đồng, do vậy, thường đưa đến chống trái, phủ bác, chiến tranh với nhau. Ví dụ, đạo Hồi quan niệm rằng, giết một người ngoại đạo được cho là tốt, được lên thiên đường, nhưng đối với thế gian, với các tôn giáo khác đều cho là ác, dữ, bất thiện. Cắt râu tóc, cạo đầu, “cát ái ly gia” của một tu sĩ đối với đạo Phật là một hình ảnh đẹp, nhưng đối với đạo Khổng, cắt tóc là xâm phạm tủy cha huyết mẹ, là một hành động bất hiếu. Đạo Phật không sát sanh vì tôn trọng sự sống của muôn loài, còn Đạo Khổng lại bảo “vật dưỡng nhơn”!
Các triết thuyết, chủ thuyết, học thuyết duy tâm, duy vật, hoặc các tôn giáo duy linh, duy thần cực đoan – của những “con người chưa giác ngộ, chưa thân chứng sự thật” được đưa vào áp dụng trong các chế độ xã hội – đã tạo nên thảm nạn, thảm trạng ấy. Chúng vấy độc nhân sinh và phủ bóng tối tạo nên những thây ma, những nghĩa địa!
Đức Phật là bậc Toàn Giác, là bậc Đại Giác Ngộ, ngài thấy rõ tất cả các điều ấy, cái “chân lý của thế gian” ấy nên ngài đã dạy về thiện ác rất rõ ràng, rất cụ thể trong 10 nghiệp lành và 10 nghiệp ác. Những việc lành, tốt, hay, đẹp, thiện… là lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Những việc ác, xấu, dữ, bất thiện là hại mình, hại người, hại cả hai. Và khi “quy định tội” cũng cụ thể, chân xác không ai có thể phủ bác được. Trong tạng Luật, Đức Phật phân định tất cả tội đều do tam nghiệp thân, khẩu, ý. Có người làm việc xấu ác cả thân, khẩu và ý. Có người chỉ xấu, ác về khẩu nhưng thân và ý thì không. Có người làm việc xấu ác do thân nhưng ý và khẩu không tham dự. Tương tự là tội về ý, không có thân, khẩu. Nhưng tội “ý” là nặng nhất, vì ý, tư tác là nghiệp. Điều này thời Phật đã xẩy ra tranh cãi và có lẽ bây giờ cũng còn tranh cãi vì thân giết người, thân trộm cắp, thân tà hạnh rất rõ ràng, cụ thể – nhưng ý thì trừu tượng, ẩn kín không ai nghe, ai thấy thì sao gọi rằng tội. Mà là tội nặng nhất? Tuy nhiên, một vài ví dụ thôi là ta hiểu rõ. Một học thuyết, một chủ thuyết có thể mang thảm họa cho cả xã hội – chỉ do một người chủ xướng, tức là do ý, ý tưởng, tư tưởng của một người thôi! Đấy là tội ý! Hitler không tự tay giết ai nhưng “ý” của y, tư tưởng của y (tội ý) đã giết chết hằng triệu người Do Thái! Một triết học chủ trương duy vật, một tôn giáo chủ trương duy thần – đem đến máu lửa cho cuộc đời – thì tội do “ý”, là tư tưởng, lý tưởng, chủ thuyết của một người!
Các tôn giáo và các tòa án trên thế gian chỉ xét tội trên hiện tượng chung chung, cái khái quát bên ngoài, không có nơi nào, nơi đâu đi vào tận căn gốc của thiện, ác như giáo pháp cũng đức Tôn Sư – khởi phát từ tâm, từ ý:
Hai câu Kinh Lời Vàng 1 và 2 xác minh điều ấy:
“- Các pháp, tư tác dẫn đầu.
Tư tác chủ ý bắc cầu đưa duyên. Nói, làm xấu ác, chẳng hiền.
Bánh xe bò kéo, khổ liền theo sau!”
(Manopubbaṅgamā dhammā manoseṭṭhā manomayā, manasā ce paduṭṭhena bhāsati vā karoti vā, tato naṃ dukkhamanveti cakkaṃ’vā vahato padaṃ).
“- Các pháp, tư tác dẫn đầu.
Tư tác, chủ ý bắc cầu đưa duyên.
Nói, làm lành tốt, thiện hiền.
Như hình dọi bóng, vui liền theo sau”.
(Manopubbaṅgamā dhammā manoseṭṭhā manomayā, manasā ce pasannena bhāsati vā karoti vā, tato naṃ sukhamanveti chāyā’va anapāyinī).
Bây giờ chúng ta đi vào nội dung Tứ Chánh Cần.
Chúng ta hãy khảo sát tinh cần thứ nhất.
Điều ác chưa sanh nghĩa là thân, khẩu ý chưa tạo tội, chưa tạo tác hành động bất thiện. Nói rõ hơn, thân chưa giết người, giết vật, chưa cướp của, trộm cắp, chưa tà dâm, tà hạnh; khẩu chưa nói dối, nói đâm xóc hai lưỡi, nói thêu dệt, ‘đâm bị thóc, thọc bị gạo”, thêm mắm, thêm muối, chưa nói lời cay chua, ác độ; ý chưa tham lam, sân hận và chưa si mê tà kiến. Nghĩa là chưa tạo 10 nghiệp ác.
Theo Phật dạy, khi chưa tạo nghiệp ác, ác chưa sanh, nếu không biết “cố gắng, nỗ lực, nhiệt tâm, tinh cần, dõng mãnh… gìn giữ, thu thúc, ngăn ngừa, phòng hộ thân, khẩu ý” thì coi chừng các ác, bất thiện pháp sẽ mọc mầm, nẩy chồi rồi phát triển lớn mạnh.
Đúng như Kinh Lời Vàng 116:
“- Mau mau làm các việc lành.
Mau mau ngăn ác phát sanh tâm người. Tâm người vốn thật dể duôi.
Nếu chậm thiện nghiệp, ác chồi ló ra!”
(Abhittharetha kalyāṇe pāpā cittaṃ nivāraye, dandhaṃ hi karoto puññaṃ pāpasmiṃ ramatī mano).
Quả thật là rất khó, rất khó gìn giữ, ngăn ngừa, phòng chống xấu ác, nghiệp bất thiện. Cũng có thể có người không biết gì về thiện, ác. Có người có thể biết nhưng không ngăn ngừa nổi. Có người biết nhưng vẫn làm do tham lam, sân hận, si mê quá nặng.
Tuy nhiên, có ngoại lệ.
Có thể con em của những gia đinh có truyền thống đạo đức lâu đời, những người được hấp thụ, được sống trong một nền giáo dục thấm đẫm cao đẹp các giá trị nhân văn, nhân bản – sẵn có cái tốt, cái lành, cái hay, cái đẹp phổ quát nên họ biết tự động ngăn ngừa, gìn giữ. Một đất nước có nền văn minh, văn hóa cao, được bảo vệ bởi một nền pháp luật kỷ cương, minh bạch – thì con người sống ở đấy
“dường như tự nhiên tốt đẹp” theo: Chính văn minh, văn hóa, chính pháp luật, kỷ cương dã gìn giữ, ngăn ngừa cái xấu ác giùm cho họ rồi.
Có những ai từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, hãy xác nhận, xác chứng giúp những điều này:
Ngược lại, thiếu văn minh, văn hóa đích thực; nền giáo dục phi nhân bản, phản tiến hóa, pháp luật tối tăm, lỏng lẻo, những xứ sở quá đói nghèo… thì hoàn toàn bất lực, thiếu khả năng ngăn ngừa, phòng chống điều xấu ác, bất thiện. Từ môi trường đen tối ấy, con người ở đấy càng ngày càng tệ haị, họ đổ tràn tham sân si, đổ tràn bản năng vào các sinh hoạt xã hội. Ai có thể gìn giữ, ngàn ngừa khi nhà tù nhiều hơn trường học, xì ke, ma Túy đắm say giới trẻ, ăn chơi trác táng xa hoa có mặt khắp nơi, bia rượu ngập đường và bài bạc, gian lận bán mua được cổ súy, tung hô? Và đâu cũng hàng giả, hàng nhái, đâu cũng lừa dối, đâu cũng vấy bẩn, ô nhiễm từ thức ăn, vật uống đến cả con tim, trí não?
Ác bất sanh, sử vị sanh: Khó thay! Vì xã hội, môi trường cứ tạo cơ hội, tạo duyên, tạo nhân cho các ác, bất thiện pháp tha hồ nẩy sanh!
Nhất định có khả năng phòng hộ, gìn giữ, ngăn ngừa bằng nhiều cách khác nhau, khởi từ một đời sống có tu tập.
Đối với giới xuất gia, ngoài những chỗ ngăn ngừa, phòng hộ như giới cư sĩ, họ còn có những chiếc áo giáp vững chắc, kiên cố hơn để bảo vệ thân tâm không cho các ác, bất thiện pháp xâm hại.
Điều dữ, điều xấu, các ác, bất thiện pháp trên thế gian nhiều vô kể, mà nguyên nhân phát sanh cũng nhiều vô kể; nhưng giáo pháp Đức Phật quy kết tất cả tội đều do từ lục căn và lục trần:
“- Này chư tỷ-kheo! Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi hương, thân xúc chạm, ý nghĩ tưởng – vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến cho các căn không được duyên theo, không bị sinh tâm tham ái, ưu bi và các bất thiện pháp sanh lên, khởi lên; nếu có sanh lên, khởi lên – thì tỷ-kheo liền chế ngự nguyên nhân ấy, sống thực hành hộ trì các căn”.
Do vậy, giới tu sĩ, họ có những chiếc áo giáp:
Ngoài ra, những pháp môn tu tập hay đề mục tu tập đều có công năng làm cho lắng dịu, diệt trừ các ác bất thiện pháp không cho chúng phát sanh:
Đúng như Kinh Lời Vàng 361:
“- Lành thay! Thân được hộ phòng!
Lành thay! Lời nói giữ không vọng quàng! Lành thay! Ý được buộc ràng!
Lành thay! Tất cả bảo toàn chẳng lơi! Tỳ-khưu muốn thoát khổ đời,
Canh chừng mọi điểm, khắp nơi, trọn mình!
(Kāyena saṃvaro sādhu sādhu vācāya saṃvaro, manasā saṃvaro sādhu sādhu sabbattha saṃvaro, sabbattha saṃvuto bhikkhu sabbadukkhā pamuccati).
Đây là tinh cần thứ hai.
Các ác, bất thiện pháp đã sanh rồi thì phải đoạn lìa, tận diệt chúng.
Không biết khi làm những việc ác đức, biết là ác đức – trên thế gian được mấy người biết dừng tay, biết đấy là việc không nên làm? Hay họ đã phạm tội xấu, ác, bất thiện rồi – họ lại làm tiếp nữa, tiếp nữa… cho đến khi vào trại giam, nhà tù, chung thân, tử hình khi ấy mới ăn năn, hối cải?
Có người lại quan niệm rằng, tay đã lỡ nhúng chàm rồi – thì dính thêm cũng không sao; vậy là tội ác vấy thêm tội ác! Con người không biết hổ thẹn để tự ngăn ngừa xấu ác thì chính pháp luật sẽ trừng trị họ và như vậy thì phải xây thêm nhà tù!
Và ta có thể kết luận rằng: Xã hội nào, con người nào xem nhẹ hoặc bỏ qua các giá trị tinh thần thiêng liêng cao quý mà chạy theo tiền bạc, quyền lực, danh lợi – thì xã hộ ấy, con người ấy càng ngày càng dính sâu vào tội ác, các ác, bất thiện pháp. Ngược lại, coi tâm hơn vật, lấy con người, “hạnh phúc đầu người” làm thước đo giá trị hơn “bình quân vật chất”- thì ở đấy, cái ác, bất thiện pháp tự
động được phòng chống, ngăn ngừa, đôi khi không cần pháp luật! Chính sức mạnh thiện mỹ của tôn giáo, truyền thống đạo đức của những người con Phật đã tạo nên một đất nước Bhutan thanh bình, xanh sạch đẹp cả môi trường thiên nhiên cả môi trường tâm hồn.
Phải là kẻ trí, trí thức thật sự, đạo đức thật sự, văn hóa thật sự, thiện lương thật sự – mới biết đoạn tận các ác, bất thiện pháp được.
Thường thường họ làm được.
Biết bao người trước đây đã từng làm những việc xấu ác, tội lỗi, sau đó họ hoàn lương, họ học Phật, tu Phật rất tín thành, rất chăm chuyên đã nêu một tấm gương sáng cho cuộc đời, tấm gương sáng cho cả hàng tăng lữ. Như câu Kinh Lời Vàng 173:
“- Hồi đầu làm các hạnh lành.
Xóa mờ ác nghiệp đã sanh thuở nào. Trí nhân chiếu sáng trần lao.
Trời quang, mây tạnh, trăng sao đời này!”
(Yassa pāpaṃ kataṃ kammaṃ kusalena pidhīyati, somaṃ lokaṃ pabhāseti abbhā mutto va candimā).
Sở dĩ được vậy là do họ thấy những việc xấu ác họ từng làm chỉ đem đến đau khổ cho mình và cho người, tụ hại mình, tự hại người, hại cả hai. Và họ cũng đã từng thấy những quả báo nhãn tiền về các tội như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh… nên họ ghê sợ. Một số người có đức tin vững chắc về nhân quả, về nghiệp báo, về luân hồi tử sanh nên họ đã đoạn tuyệt con đường xấu ác, bất thiện pháp.
Không biết bao nhiêu câu Kinh Lời Vàng, Đức Phật đã chỉ dạy về điều đó, câu 67:
“- Ác nghiệp là nghiệp chẳng lành. Ăn năn, hối quá phát sanh lòng người. Đến khi quả dữ chín muồi.
Lệ tuôn đầy mặt, lạy trời khóc mưa!”
(Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu yaṃ katvā anutappati, yass assumukho rodaṃ vipākaṃ paṭisevati).
Ngoài ra, những người học Phật, tu Phật còn biết mỗi nửa tháng đến chùa đọc kinh sám hối, nguyện chừa bỏ những tội lỗi đã làm. Giới xuất gia thì họ có những hình phạt tùy theo tội nhỏ tội lớn. Có tội bị phạt cấm phòng. Có tội bị trục xuất khỏi tăng đoàn. Đấy đều là cách “ác dĩ sanh, sử trừ đoạn” cả..
Đây là tinh cần thứ ba.
Là cố gắng, nỗ lực, nhiệt tâm, tinh cần khi thiện pháp chưa sanh thì hãy khiến cho nó phát sanh.
Có thể có người tự khởi tâm muốn làm việc lành tốt, trong lúc trước đây chưa hề! Nhưng mà hiếm lắm. Hiếm như trường hợp có người bỏ ra mấy mươi năm xẻ núi cho mọi người thuận lợi tới lui làm ăn sinh sống. Hiếm như có người âm thầm vá từng ổ voi, ổ gà trên đường mà không cần ai biết tới.
Cũng có rất nhiều người làm những việc tốt lành, cao đẹp như quán cơm từ thiện hai ba ngàn cho người nghèo, chẩn bần bố thí, xây trường học, làm đường sá, nuôi trẻ mồ côi, giúp đỡ kẻ tàn tật, mở nhà dưỡng lão, đặt bình nước uống cho khách đi đường, mở quầy quần áo ai cần thì đến lấy, ai khởi tâm thì mang đến thêm. Gần đây ai cũng biết có khá nhiều tỷ phú đô-la di chúc để lại gần như toàn bộ tài sản cho các quỹ từ thiện – có thể kích động một số người quá bỏn xẻn, ích kỷ – biết noi gương khởi tâm xả ly, bố thí chăng?
Những việc làm ấy như đóa hoa nở giữa lòng người và cuộc đời khô cằn sỏi đá. Việc làm ấy như đánh thức trái tim những người suốt đời chưa hề biết làm một việc thiện nào! Và chắc chắn, dù ít dù nhiều cũng có tác động đến cho thế gian mở mối thiện tâm.
Câu Kinh Lời Vàng số 122:
“- Nước rơi từng giọt giọt thôi.
Khe mương trăm nẻo đến hồi thành sông. Chút chút việc thiện nhẹ bồng.
Mai kia vô lượng hư không cũng tràn!”
(Māvamaññetha puññassa na maṃ taṃ āgamissati, udabindunipātena udakumbho pi pūrati, dhīro pūrati puññassa thokathokampi ācinaṃ).
Có nhiều phương cách khác nhau đối với người tu Phật để “cố gắng, nỗ lực, nhiệt tâm, tinh cần khi thiện pháp chưa sanh thì hãy khiến cho nó phát sanh”.
Có trường hợp tự mình không làm được do đức tin chưa đủ, trí tuệ chưa có hoặc thiếu nhân duyên, thiện duyên – nên phải cần thiện trí thức thiện xảo dẫn dắt, chỉ bày, khơi gợi.
Như tích truyện của bồ-tát chúng ta. Trong một kiếp, thời Đức Phật Mahā Kassapa, bồ-tát là một thanh niên bà-la-môn tà kiến, không biết làm việc lành, lại coi thường, không muốn gần gũi với giới tu sĩ. Tuy nhiên, thanh niên lại có người bạn thiện trí thức, một cư sĩ thánh Bất Lai, sanh trong giai cấp thủ-đà-la, làm nghề gốm. Thấy thanh niên bạn mình không có đức tin Tam Bảo nên đã năm lần bảy lượt tìm cách dẫn bạn mình đến gặp Đức Phật Mahā Kassapa; nhưng lần nào thanh niên cũng nói: “Đến sa-môn trọc đầu ấy để làm gì, tôi không đi đâu” Đến nổi, cư sĩ thợ gốm túm áo, mạnh mẽ lôi đi, thanh niên bạn vẫn khăng khăng từ chối, mở lời phỉ báng Đức Phật. Không nãn, với quyết tâm tối thượng, hôm ấy, cư sĩ Tứm đầu, nắm tóc kéo đi rất cường liệt, thanh niên chợt nghĩ: “Chắc phải có lý do chính đáng, bạn ta mới nắm tóc kéo lôi ta đi mà chẳng nể nang gì? Ta là ba-la-môn, còn y là dân hạ tiện, lại dám coi thường ta, hẵng phải có nhân duyên?!” Thế rồi, sau khi gặp Đức Phật, được ngài thuyết giảng, thanh niên tỉnh ngộ, lại còn nói với bạn mình rằng: “Tôi không hiểu tại sao với giáo pháp tối thượng như vậy mà đến giờ này, bạn lại không xuất gia?”
Thế đấy, nhờ bạn lành, nhờ thiện trí thức, thanh niên bồ-tát của chúng ta “thiện pháp phát sanh” ngay.
Do vậy, kết bạn, bạn lành rất quan trọng. Đúng như câu Kinh Lời Vàng số 328:
“- Xa xôi vạn lý độc hành.
Kết bạn thiện sĩ, phúc lành lắm thay! Học tâm, học trí đủ đầy.
An vui, chánh niệm – vượt ngay hiểm nghèo!” (Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ,
abhibhuyya sabbāni parissayāni careyya tenattamano satīmā).
Một thiện trí thức cư sĩ có thể có khả năng khuyến khích, tạo động lực cho cha mẹ, vợ con quy y Tam Bảo, giữ ngũ giới, bát quan trai giới, biết bố thí cúng dường, biết làm các thiện sự, các việc lành tốt lợi mình, lợi người. Họ cũng có thể lây lan ảnh hưởng tốt đẹp ấy đến thôn ấp, xóm làng kề cận.
Cuối cùng, hình ảnh rõ ràng và thuyết phục nhất là Chư Tăng trì bình khất thực. Ngoài chư thiện nam tín nữ đã quen thuộc với việc cúng dường đặt bát ra, chắc có một số người vừa mới biết việc làm ấy ngày hôm nay, họ tập thực hành thiện nghiệp.
Sau khi học hỏi giáo pháp, thấy nhân quả của bố thí, trì giới, người tu Phật chắc chắn biết mình phải làm gì. Đâu là con đường tứ ác đạo, đâu là con đường nhân thiên không còn hoài nghi gì nữa. Họ bắt đầu tự tri, tự kiểm. Họ thấy mình chưa có giới nào cả nên khởi tâm thọ trì ngũ giới. Họ thấy mình suốt đời chỉ biết tích cóp cho bản thân, cho gia đình mà chưa hề cho ai một xu, một cắc – thế là họ tập cho người ăn xin, kẻ đói khổ chút cơm, chút áo. Khi cho đi như vậy họ cảm giác một niềm vui, một hỷ lạc nhẹ nhàng mà họ chưa từng cảm nghiệm ở trong đời từ trước đến nay. Hóa ra cho đi cũng là một hạnh phúc.
Thế rồi, “chiếc thuyền thanh lương” đưa họ đi đến những nơi cần san sẻ, chia sẻ, ủi an. Đến những nơi, những chỗ, những việc mà họ chưa hề biết đóng góp dù tinh thần hay vật chất. Từ đó, họ nỗ lực, tinh cần làm cho “các thiện pháp chưa sanh khiến cho nẩy sanh!”
Khi quen với việc thiện rồi, dường như ai cũng muốn làm tiếp những việc lợi lạc vị tha; ai cũng muốn “cố gắng, nỗ lực, nhiệt tâm, tinh cần làm cho thiện pháp được tăng trưởng lớn mạnh” thêm lên.
Không dưng mà người này làm việc xấu ác, bất thiện, người kia làm việc lành, tốt, thiện lương. Tất cả đều do những chủng từ ngủ ngầm trong vô lượng kiếp. Có những người không phải là Phật tử nhưng họ đã làm những việc tốt đẹp, cao cả. Có những người là nhà sư, là Phật tử mà làm những việc xấu ác, đê hạ.
Tích truyện thanh niên bà-la-môn, tiền thân Đức Phật dù ba-la- mật nhiều đời kiếp nhưng cũng có những lúc “đi lạc”, sống tà kiến, sau nhờ một lời giáo huấn, thanh niên đã 180 độ quay về chánh kiến tức khắc. Trên thế gian này có lẽ có rất nhiều người “đi lạc” như vậy. Tâm lành, tốt hay xấu ác, do vậy, cũng đã được tích lũy nhiều đời. Hình thức tôn giáo này, tôn giáo kia, người khoác áo tu hay một người bình thường chỉ là cái vỏ ngoài, con người thực bên trong mới “thực là chính họ!” Lành, tốt hay xấu ác là từ con người thực ấy chứ không phải là cái vỏ ngoài.
Biết bao người trên thế gian do chủng từ lành, tốt nhiều đời, họ sinh lại trên thế gian này, có thể nghề nghiệp sinh kế dị biệt và giai
cấp xã hội khác nhau nhưng họ vẫn là con người ấy, nghiệp ấy; họ cũng sẽ thể hiện cái lành, tốt ấy qua nhiều hình thức, qua nhiều cấp độ khác nhau. Bác nông phu sống lành tốt chan hòa với mọi người, chất phác, mộc mạc chia sẻ sắn khoai. Ông tỷ phú cho đi gần hết gia tài. Ông tổng thống sống dị giản, đi chiếc xe cà tàng và đồng lương thì để dành giúp đỡ kẻ nghèo đói. Còn nhiều nữa, nhiều nữa là những “con người thực” khi đã làm việc lành tốt rồi, cái chủng tử lành tốt ấy sẽ được nuôi dưỡng, được thăng hoa. Và rồi họ cố gắng trong khả năng mình để làm những việc lợi lạc nhiều hơn nữa cho tha nhân, cho cộng đồng, cho xã hội.
Tình trạng chùa chiền, tăng lữ và thiện nam tín nữ gần đây trên các trang mạng xã hội đã phô bày những tệ nạn đến hồi báo động. Chùa chiền thì xây dựng đồ sộ, nguy nga, tráng lệ không thua gì cung điện. Tăng lữ thì chạy chức, chạy quyền và với những sinh hoạt nhuốm mùi danh lợi đã đi ngoài quy củ thanh tịnh của thiền môn. Lại không hướng dẫn môn đồ sống đời chơn chính đúng theo giáo pháp mà còn “hãnh diện” phổ biến mê tín dị đoan. Hai hàng cư sĩ theo đó, đến chùa để van vái, cầu xin thăng quan tiến chức, mua may bán đắt, vinh thân phì gia, con cái đỗ đạt…
Những tu sĩ, cư sĩ học Phật chơn chính chỉ biết thở dài nhìn cảnh “tăng tàn pháp mạt”. Có người bi quan quay mặt làm lơ. Có người tự nhủ thầm, ai làm nấy chịu, mình sẽ cố gắng tu tập và tùy duyên giúp đỡ những ai có mắt xanh ít bụi. Dù thế nào chăng nữa, những người học Phật, tu Phật thầm lặng cũng còn nhiều. Và giáo pháp của đức Thế Tôn vẫn là những ngọn đèn sáng bất hoại trước gió bão của xã hội tối tăm mê cuồng vật dục.
Người Phật tử chơn chánh họ có ngũ giới, bát quan trai giới, biết thập thiện, biết bố thí cúng dường. “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”; vậy, có được thân người, đầy đủ ngũ quan, có duyên lành học Phật, tu Phật thì phải cố gắng, nỗ lực cần chuyên hơn nữa. Đức Bô-tát kiếp cuối cùng trước khi lên Đẩu-Suất đợi ngày giáng sinh mà vẫn còn bố thí bất nghịch ý huống hồ chúng ta phước mỏng nghiệp dày. Mười ba-la-mật là hành trang tư lương ai cũng phải mang theo, phải tích lũy liên tục, bổ Tức liên tục mới sắm được con thuyền qua bờ giác. Do suy nghĩ như vậy, nên người học Phật, tu Phật chơn chính nào cũng cố gắng nỗ lực tu tập nhiều
hơn nữa, nhiều hơn nữa. Những việc lành tốt cho bản thân, chưa đủ mà còn gia đình, huynh đệ, bằng hữu và xóm làng nữa. Thiện nghiệp đã được củng cố rồi thì thiện nghiệp ấy phải lan tỏa đến cộng đồng, xã hội.
Kinh Lời Vàng câu 30.
“- Chỉ nhờ đức tánh tinh cần.
Đế Thích cai quản bốn tầng thiên vương. Buông lung thiên hạ khinh thường.
Tinh cần mãi được tán dương đời đời!”
(Appamādena maghavā devānaṃ seṭṭhataṃ gato, appamādaṃ pasaṃsanti pamādo garahito sadā).
Giới tu sĩ thì phải nhiều hơn thế nữa vì còn làm gương cho tín đồ. Chùa chiền thì quy mô chừng mực, vừa phải, chú trọng sự giản dị, trang nghiêm, không phô trương xa hoa, kiểu cách. Đời sống tăng lữ phải gìn giữ sự thanh tịnh của thiền môn, phải đi theo con đường giới định tuệ, bát chánh, Tứ Diệu Đế. Nội hàm đời sống cao quý, thiêng liêng ấy chưa biết chừng nào là đủ – nên mỗi thành viên phải hằng xa rời biếng nhác, dể duôi, giải đãi; phải nỗ lực tinh cần trên lộ trình nhiều gian nan, thử thách ấy. Phải tự nhắc nhở mình, nhắc nhở huynh đệ đồng tu thăng hoa công hạnh, phải chăm chuyên, tinh cần không biết mệt mỏi.
Câu Kinh Lời Vàng số 32:
“- Tỳ-kheo vui thích tinh cần.
Sợ hãi phóng dật, chuyên tâm quán thiền. Khỏi rơi đọa xuống các miền.
Vị ấy nhất định kề bên Niết-bàn!”
(Appamādarato bhikkhu pamāde bhayadassi vā, abhabbo parihānāya nibbānass’eva santike).
Đấy chính là là “thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng” vậy.
Tóm lại, Tứ Chánh Cần, bốn nỗ lực chơn chánh, bốn nhiệt tâm, cố gắng, bốn chăm chuyên dõng mãnh – là hành trang tư lương bên mình không thể thiếu của người học Phật và tu Phật từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, bất ly, bất hoại.
Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.
Hits: 119