Phật học Đại cương Tâm Học 2022
TỨ NIỆM XỨ
(Cattāra – satipaṭṭhāna)
Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) – Sati là niệm, và paṭṭhāna (pa+căn ṭhā), phát xuất từ động từ paṭṭhahati nên paṭṭhāna có nghĩa là “chỗ”, là “nơi”, là “vị trí”, là “nơi chốn”. Vậy, satipaṭṭhāna là 4 chỗ niệm, 4 chỗ để quan sát, 4 nơi để áp sát tâm vào đấy một cách vững chắc, kiên cố, đấy là: Thân, thọ, tâm và pháp.
Bài kinh Niệm Xứ nầy được đức Phật thuyết giảng tại xứ Kuru
(Câu-lâu), kinh văn như sau:
“- Này các tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là bốn Niệm Xứ. Thế nào là bốn? Này các tỷ-kheo, ở đây tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”.
Đoạn kinh văn ở trên ta để ý câu quan trọng: “Con đường độc nhất” đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.
Thế nào là con đường độc nhất, duy nhất?
Cụm từ Pāḷi “ekāyāna”, thì “eka” có nghĩa là một, và “ayana” có nghĩa là con đường. Vậy “ekāyana”, có nghĩa là một con đường. “Một” có nghĩa là duy nhất, độc nhất; và “con đường” cũng duy nhất, độc nhất.
Nhiều nhà chú giải và bình giảng nói rằng: Tứ Niệm Xứ, minh sát, chánh niệm là con đường duy nhất đưa chúng sanh vượt thoát khổ ưu. Cũng duy nhất, độc nhất để thành tựu chánh trí, Niết-bàn. Cũng là duy nhất, độc nhất vì không có ngã rẽ nên sẽ thẳng tiến đến giác ngộ, giải thoát. Cũng là duy nhất, độc nhất là con đường đi
theo đức Đạo Sư. Cũng là duy nhất, độc nhất bất hoại, bất tử, không thay đổi theo không thời gian, từ Phật tại thế cho đến hôm nay vẫn y như vậy… cho những ai thực hành theo Tứ Niệm Xứ.
Bốn pháp quán niệm ấy là:
1- Kāyānupassanā-satipaṭṭhāna (Thân quán niệm xứ), 2- Vedanānupassanā-satipaṭṭhāna (Thọ quán niệm xứ) 3- Cittānupassanā-satipaṭṭhāna (Tâm quán niệm xứ),
4- Dhammānupassanā-satipaṭṭhāna (Pháp quán niệm xứ).
Chúng ta hãy cùng nghiên cứu.
Tức niệm thân, là sự chú niệm, quán sát, áp sát vào những hiện tượng của thân, ở nơi thân, thuộc về thân. Cụ thể là 6 chỗ sau đây:
Vị tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống; ngồi kiết già, lưng dựng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy hít vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra, theo 4 giai đoạn:
Khi thở ra ngắn, tuệ tri đang thở ra ngắn.
Hành giả tu tập thân quán niệm xứ ở chùa, ở tịnh thất, nơi hoang vắng, thiền đường hay bất cứ ở đâu cũng phải hít thở vào ra y như vậy – thuộc về minh sát tuệ.
Bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong khi tu tập Thân quán niệm xứ, hành giả cũng phải như thực tuệ tri hay chánh niệm, tỉnh giác khi đang đi, khi đang đứng, khi đang ngồi, khi đang nằm – thuộc về minh sát tuệ.
Thân quán niệm xứ không chỉ khu biệt nơi hơi thở, nơi tứ oai nghi, mà tất cả sự hoạt động của thân như: bước tới, bước lui, co tay, duỗi chân, mặc y, mang bát, uống, ăn, nhai, nếm, đại tiện, tiểu
tiện, mở cửa, đóng cửa, khi nói, lúc im lặng… hành giả cũng phải biết rõ việc mình đang làm, tức là phải như thực tuệ tri, phải chánh niệm, tỉnh giác – thuộc về minh sát tuệ.
Niệm thân còn quán niệm 32 thể trược để thấy rõ chúng là bất tịnh nên không có gì phải quyến niệm, bám víu, luyến ái cái thân. Nó không vượt ra ngoài tính chất, bản chất của nó là bất tịnh, vô thường, dukkha, vô ngã: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, bao tử, lá lách, phổi, ruột già , ruột non, vật thực mới trong dạ dày, óc, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi,, nước nhớt ở khớp xương, nước tiểu .
Quán niệm 32 thể trược này có thể định, có thể tuệ.
Quán cái thân, nó không phải là thân ta hay của ta, nó không có một ngã tính, một thực thể nào cả – chỉ là sự hội tụ của 4 nguyên tố đất, nước, lửa gió mà thành! Khi 4 nguyên tố này rã ra thì cái thân này trả về cho tro bụi. Nó không thoát khỏi bản chất của chính nó là vô thường, dukkha, vô ngã.
Quán niệm nầy có thể định, có thể tuệ.
Thân quán niệm xứ còn quán sát “thân ngoại thân”, nghĩa là cái thân khác, cái thân ở ngoài thân: Đấy là quan sát cái thân của bao người sau khi chết bị quăng vất ngoài nghĩa địa. Quan sát cái xác tử thi từ khi chết, rồi trương phình, đến khi chỉ còn bộ xương trắng, bột trắng ra sao. Nó sẽ bị biến hoại, đổi khác qua 10 tướng sau đây: mới chết, bầm tím, chảy máu, chảy mủ, bị đâm thủng, có giòi, bị chặt đứt khúc, bị cắn xé, phân rã,, chỉ còn xương trắng. Hành giả quán thân ấy có tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy (tam pháp ấn, như trên). Đấy là thiền tuệ. Nếu muốn định thì chỉ nắm bắt một tướng, ví dụ “phình trương”; ngắm nhìn tướng phình trương và nhất niệm về tướng phình trương, đến khi tướng phình trương ghi dấu ấn trong tâm, chuyển dần sang quang tướng, nắm bắt quang tướng rồi đi vào định.
Lưu ý thêm: Tuy phải quán sát, minh sát, chánh niệm tất cả thuộc về thân nhưng khi hành giả đang tọa thiền thì chỉ nên chú tâm vào hơi thở như 4 cách thở nêu trên.
Tuy nhiên, nếu hơi thở thuộc về định, hơi-thở-định thì chỉ cần chú tâm vào hơi thở vào ra liên tục, miên tục, không xao lãng, không phóng tâm thì lúc ấy 5 thiền chi phát sanh, đối trị 5 triền cái để đi vào định:
Còn nếu chú tâm, minh sát, tuệ tri theo hơi thở vào ra ngắn dài thì đây thuộc về hơi-thở-tuệ. Đồng thời, hành giả có thể quan sát từng điểm một từ đỉnh đầu, trán, ót, hai vai, lưng, hai tay, bàn tay, bụng, mông ngồi, hai chân, bàn chân, ngón chân… để lắng nghe các cảm giác ở đấy. Cách quan sát từng điểm một nơi thân này rất dễ an trú.
“- Hành giả sống quán thân như vậy để thấy rõ sự sanh khởi, sự diệt tận, tánh sanh diệt trên thân, bản chất vô thường, dukkha, vô ngã của nội, ngoại thân. Hành giả quán sát, an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát, Niêt-bàn. Và vị ấy sẽ sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời”.
Tức niệm thọ, là sự chú niệm, áp sát vào tất cả những cảm thọ.
Kinh văn như sau:
Đấy là 9 thọ theo Nikāya.
Ba thọ đầu thuộc về thân. Khi thân dễ chịu, thoải mái thì gọi là lạc, khi thân khó chịu, nhức, đau thì gọi là khổ; khi không có lạc, không có khổ thì gọi là bất khổ, bất lạc thọ – còn gọi là xả.
Thọ thứ tư, lạc thọ thuộc vật chất là hưởng thụ dục lạc qua các đối tượng ngũ trần.
Thọ thứ năm, lạc thọ không thuộc vật chất, là niềm vui nào đó thuộc lãnh vực tinh thần hoặc khi hành giả hành thiền có hỷ, có lạc.
Thọ thứ sáu, khổ thọ thuộc vật chất là thiếu thốn ngũ trần, ví dụ như đói, khát, thiếu áo mặc…
Thọ thứ bảy, khổ thọ không thuộc vật chất ví dụ sầu, bi, ưu, não.
Thọ thứ tám, bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất là dù đầy đủ ngũ trần hay thiếu thốn ngũ trần tâm không lạc thọ hay khổ thọ, thọ xả.
Thọ thứ chín, bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất là khi tâm không có khổ thọ hay lạc thọ, cũng được gọi là xả.
Trong Abhidhamma thì tóm tắt chỉ có 6 thọ: Thọ nơi thân có 3 là khổ, lạc, xả; và thọ nơi tâm có 3 là hỷ, ưu, xả. Ở nơi thân, khi không có thọ khổ, không có thọ lạc (bất khổ bất lạc) thì gọi là xả. Ở nơi tâm, khổ được thay bằng ưu, và lạc được thay bởi hỷ; vậy nên khi không có hỷ, không có ưu (tương đương bất khổ, bất lạc) thì gọi là xả.
Tuy nhiên, lưu ý là thọ khổ, lạc, xả ở nơi thân và thọ hỷ, ưu, xả ở nơi tâm là những cảm thọ của người bình thường; nhưng khi hành giả tu thiền, khi thân đã “an tịnh toàn thân” để đi tiếp qua thọ, thì trong thiền chi sẽ phát sanh hỷ và lạc (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), do vậy 4 cách thở thuộc về thọ, trong trường hợp nầy sẽ là như sau:
ấy học. An tịnh tâm hành khi thở ra, vị ấy học.
Đây là trường hợp của hành giả khi tu thiền đã có 2 thiền chi hỷ, lạc phát sanh rồi.
Lưu ý là cả định và tuệ đều có phát sanh hỷ, lạc; nhưng hỷ, lạc của tuệ nhẹ nhàng, thanh lương, vi tế hơn hỷ, lạc của định.
Tuy nhiên, khi mới hành thiền thì các thọ hoàn toàn khác thế. Nếu là hơi-thở-định thì hành giả vượt qua, “giả lơ” không cần để tâm bất cứ thọ nào khởi lên, chỉ chú tâm kiên cố vào hơi thở vào ra thôi. Còn nếu là minh sát tuệ thì hành giả phải quan sát, chú tâm, chánh niệm với các cảm thọ, và chúng đa phần là thọ khổ như đau, nhức, tê, ngứa, nóng, lạnh, cứng… nơi này và nơi khác ở nơi thân. Và, tuệ tri luôn có mặt với chúng. Kinh nghiệm thực tế thì khi đau ở nơi chân, hành giả có thể rời hơi thở và chỉ chú tâm vào cái đau ấy: “đau à, đau à” rứa thôi, ghi nhận như thực… một hồi thì sẽ hết. Các thọ khác cũng y như thế. Tại sao vậy? Tại vì thọ có sanh thì sẽ có diệt.
“- Hành giả sống quán thọ như vậy để thấy rõ sự sanh khởi, sự diệt tận, tánh sanh diệt của thọ, bản chất vô thường, dukkha, vô ngã của tất cả thọ. Hành giả quán sát, an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát, niêt- bàn. Và vị ấy sống sống không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời”.
Tức niệm tâm, là sự chú niệm, áp sát vào tất cả những dấy khởi, những trạng thái của tâm.
Theo kinh văn, khái quát thì hành giả phải quán sát, minh sát, tuệ tri tất cả 16 loại tâm: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si, tán loạn, không tán loạn, quảng đại, không quảng đại, hữu hạn, vô thượng, có định, không có định, giải thoát, không giải thoát.
Có 4 cách thở khi niệm tâm:
Khiến tâm định tĩnh khi thở ra, vị ấy học.
Và 4 chỗ niệm, 4 chỗ quán sát, minh sát này chỉ để dành cho những hành giả đã bước qua “an tịnh thân hành” và “an tịnh tâm hành”, là đã nằm nơi biên ranh thanh tịnh rồi.
Còn bình thường, Tâm quán niệm xứ của hành giả mới tu tập, đang tu tập lại hoàn toàn khác. Theo kinh nghiệm cụ thể thì các tâm ấy đa phần thường là khó chịu, bực bội, nóng nảy thì chúng thuộc sân. Đôi khi tưởng tri và thức tri thêu dệt các cảnh trạng hoặc hình ảnh lôi cuốn thuộc ngũ trần thì chúng thuộc tham. Đôi khi trong an tĩnh, thanh lương, các trạng thái tâm nhẹ nhàng, thứ thái, rỗng lặng, êm dịu lại khởi lên, đa phần chúng thuộc các tâm sở thiện (tịnh quang tâm sở). Đôi khi tâm dường như rỗng không thì có thể thuộc vô tham, vô sân, vô si (có thể thôi, vì tất cả có 16 tâm trong quán tâm).
Thế đấy, các trạng thái tâm luôn thay đổi, sinh diệt đúng như kinh văn, Phật dạy:
“- Hành giả sống quán tâm như vậy để thấy rõ sự sanh khởi, sự diệt tận, tánh sanh diệt của tâm, bản chất vô thường, dukkha, vô ngã của tất cả tâm. Hành giả quán sát, an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát, Niêt-bàn. Và vị ấy sẽ sống không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời”.
Tức niệm pháp, là sự chú niệm, áp sát, minh sát tất cả những pháp phát sanh trong khi hành thiền.
Quán sát pháp – pháp (dhamma) là một từ Pāli rất khó dịch vì tùy theo ngữ cảnh, văn cảnh, nội dung giáo pháp mà nó có nhiều nội hàm khác nhau, tối thiểu có 4 nội dung:
Một, pháp là chỉ về giáo lý, giáo pháp, chánh pháp của đức Phật được lưu giữ bằng thánh điển Pāli văn trong tam tạng Kinh, Luật và Abhidhamma.
Hai, tất cả những gì là đối tượng của mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm là sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì nó chính là pháp. Pháp ở trường cảnh này thì từ hạt bụi, mảy lông cho đến thiên hà, vũ trụ đều được gọi là pháp.
Ba, trong lục căn, lục trần, đối tượng của ý là pháp; nhưng pháp này lại chỉ ngũ trần đọng lại trong tâm. Tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc quá khứ tồn đọng trong tâm và ta nghĩ tưởng lại (Duy Thức Học có định nghĩa về pháp này: Tiền trần lạc tạ ảnh tử – cái bóng chết của tiền trần rơi đọng lại trong tâm).
Bốn, còn pháp trong Pháp quán niệm xứ là những pháp phát sanh khi hành thiền, dù thiện hay bất thiện, chướng ngại hay không chướng ngại đều phải được minh sát như thực.
Đầu tiên, có 4 cách thở về niệm pháp của riêng hành giả đã đi qua 4 cách thở về niệm tâm:
Với ly dục tùy quán khi thở ra, vị ấy học.
học. Với xả ly tùy quán khi thở ra, vị ấy học.
Giải thích:
Nhờ minh sát các pháp, hành giả thấy chúng sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh diệt miên tục nên tuệ tri, thấy rõ chúng là vô thường nên gọi là vô thường tùy quán. Chứ không phải quán cái vô thường hoặc tưởng tri, thức tri cái vô thường. Phải quán, minh sát cái pháp đang xẩy ra, đang diễn ra, đang hiện tồn, đang là… sanh khởi, đang là… an trú, đang là… lụi tàn…
Đi vào sơ thiền chánh định cũng đã “ly dục, ly bất thiện pháp” rồi. Và ngay khi hành giả chánh niệm, tỉnh giác các pháp thì ngay giây khắc đó đã ly dục. Ly dục không phải có “một cái dục” để ly. Trong cụm từ “virāgānupassī” thì virāga đã có nghĩa “không có dục, không có ham muốn”; và anupassī nghĩa là nhìn ngắm, quan
sát. Khi hành giả thấy rõ các pháp biến hoại, đổi khác, bản chất của chúng là sinh diệt, vô thường, tất thảy chúng là dukkha nên không còn khởi tâm bám víu chúng nữa; nhờ vậy mới ly thoát tất cả khổ.
– Tịch diệt tùy quán (nirodhānupassī)
Tịch diệt (nirodha) là tên gọi khác của Niết-bàn. Khi minh sát thấy rõ các hành đều vắng lặng – thì đối tượng ấy đã là Niết-bàn, nơi vắng lặng các hành, vắng lặng tham sân, phiền não. Nói cách khác, hành giả đã thân chứng vô thường, dukkha, vô ngã, đã nếm được giọt nước pháp tự đầu nguồn thánh hạnh.
– Xả ly tùy quán (paṭinissaggānupassī)
Tức là sau khi thấy rõ Niết-bàn hoàn toàn vắng lặng, tịch diệt, hành giả không bám víu, chấp thủ gì hết nên gọi là xả ly, cũng được gọi là “Vô thủ trước Niết-bàn”. Hạnh phúc siêu thế chính là chứng đạt và an trú trạng thái tịch diệt ấy một cách trạm nhiên, rỗng không, không ngã, không ngã sở.
Còn riêng những hành giả đang tu tập thì pháp này sẽ được kinh nghiệm, thực nghiệm như sau:
Ví dụ khi hành thiền thì những chướng ngại dã dượi, lừ đừ, buồn ngủ (hôn trầm thụy miên) phát sanh thì gọi là pháp. Khi bị phóng dật, phóng tâm (trạo cử) thì gọi là pháp. Vậy, 5 triền cái được gọi là pháp.
Tương tự vậy, khi hành giả nghe một tiếng động lớn, cảm giác lỗ tai lùng bùng khó chịu, sau đó tâm phát sanh bực bội; nếu tiếng động tiếp diễn thì hành giả sẽ nổi sân… Minh sát theo tiến trình sinh khởi ấy, từ tiếng động, qua lùng bùng khó chịu, qua bực bội rồi đến sân… thì nó là một tiến trình duyên khởi nằm trong 12 duyên khởi, ở đây chính là xúc, thọ, ái, thủ… đang duyên khởi. Vậy, xúc, thọ, ái, là pháp; quán tiến trình duyên khởi ấy là pháp. Ngũ uẩn, Ngũ Căn Ngũ Lực, tứ chánh cần… nói tóm là toàn bộ những chi phần trong 37 phẩm trợ đạo đều là pháp cả thảy.
“- Hành giả sống quán pháp như vậy để thấy rõ sự sanh khởi, sự diệt tận, tánh sanh diệt của các pháp, bản chất vô thường, dukkha, vô ngã của tất cả pháp. Hành giả quán sát, an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát, Niêt-bàn. Và vị ấy sẽ sống không nương tựa, không chấp trước bất cứ một vật gì ở trên đời”.
Nói tóm lại, đối tượng của tuệ quán, minh sát thân, thọ, tâm, pháp luôn là pháp đang xẩy ra, đang diễn ra, hiện tiền, như thực. Đối tượng ấy không phải là pháp khái niệm (paññatti-dhamma), mà phải là pháp chân đế (paramattha-dhamma). Và tuy có nhiều cách tu tập cạn, sâu, thấp, cao khác nhau, nhưng cốt lõi, căn để, cuối cùng vẫn là thấy rõ tam pháp ấn vô thường, dukkha, vô ngã – là tính chất, là bản chất muôn đời của pháp.
Và Tứ Niệm Xứ chính là con đường duy nhất, độc nhất để thanh lọc tâm, đoạn trừ tam độc tham sân si, diệt tận sầu, bi, khổ, ưu, não để thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn – không có con đường nào khác.
Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.
Hits: 121