Phật học Đại cương Tâm Học 2022 

10 đề tài tùy niệm (anussati)

 

Lấy nội dung từ sách Cư Sĩ giới pháp

Có 10 đề tài tùy niệm (anussati), là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tịnh.

Niệm Phật (buddhānussati)

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đức tính đặc biệt của Đức Phật gọi là niệm Phật. Đức Phật có mười đức tính đặc biệt, đó là mười ân đức Phật. Ngài là bậc Ưng cúng (Arahaṃ), Chánh biến tri (Sammā-sambuddho), Minh hạnh túc (Vijjācaranasampanno), Thiện thệ (Sugato), Thế gian giải (Lokavidū), Vô thượng sĩ (Anuttaro), Điều ngự trượng phu (Purisa-dammasārathī), Thiên nhơn sư (Satthā devamanus-sānaṃ), Giác giả (Buddho), Thoại đức giả (Bhagavā). Xem “Kho Tàng Pháp Học”, đoạn 441.

Cách niệm Phật: hành giả tìm nơi thanh vắng ngồi tham thiền, suy tưởng về sự khổ đau của kiếp sống, nhớ đến Đức Phật là vị cứu tinh của muôn loài, Ngài có những đức tính đặc biệt. Hành giả bắt đầu suy niệm (phải học hiểu rõ mười ân Đức Phật):

“Iti pi so bhagavā arahaṃ sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathī satthādevamanussānaṃ buddho bhagavā”

“Như vậy đức Thế Tôn là bậc Ưng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Giác giả, Thoại đức giả”.

Niệm qua mười ân Đức Phật một lần, hành giả đặt niềm tin và hoan hỷ với hình ảnh của Đức Phật; xong niệm lại đủ mười ân đức lần nữa, rồi hoan hỷ; cứ thế niệm tiếp tục như cách thức đã niệm … cho đến hết thời gian hành thiền.

Một cách khác, hành giả chọn một ân đức nào trong mười ân đức mà làm cho tâm cảm hứng được, và suy niệm ân đức đó thôi không cần niệm đủ mười. Niệm Phật cách này như sau:

“Itipi so bhagavā arahaṃ … arahaṃ … arahaṃ … arahaṃ …”

Hoặc “Itipi so bhagavā sammāsambuddho … sammāsambuddho … sammāsambuddho” v.v…

Khi niệm Phật, thỉnh thoảng hành giả bị phóng tâm hay bị hôn trầm, lúc đó chánh niệm ghi nhận rồi vận dụng “chi tầm” (vitakka: tìm kiếm cảnh) để chế ngự tâm phóng hoặc hôn trầm.

Hành giả có thể hành thiền tùy niệm Phật trong hai thời: sáng sớm và chiều tối, lúc cảnh yên tịnh.

Phương pháp niệm Phật sẽ giúp tâm hành giả lắng dịu phiền não, Tăng trưởng niềm tin, được hạnh phúc hỷ lạc, nhiếp phục sự sợ hãi. Nếu hành giả chưa đắc thánh quả cao siêu thì ít nhất cũng được sanh vào cõi vui.

Niệm pháp (dhammānussati)

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đặc tính của giáo pháp gọi là niệm pháp.

Giáo pháp của Đức Phật có sáu đặc tính, cũng gọi là ân đức pháp. Sáu ân đức pháp là: pháp được khéo thuyết (svākkhāto), thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko), vượt ngoài thời gian (akāliko), đến để thấy (ehipassiko), khả năng hướng thượng (opanayiko), vẫn được người trí tự hiểu (paccattaṃ veditabbo viññūhi). Trước khi hành tùy niệm pháp, vị hành giả phải học thông thuộc sáu đặc tính của pháp, gồm cả văn tự và nghĩa lý. Xem “Kho Tàng Pháp Học”, đoạn 354.

Cách niệm Pháp: Hành giả tìm nơi thanh vắng, ngồi tham thiền, trước hết là suy tưởng sự đau khổ của đời sống, nghĩ đến giáo pháp do Đức Phật thuyết như loại linh dược để trị tâm bệnh của chúng sanh, giáo pháp ấy gồm có pháp học (tam tạng kinh điển), pháp hành (thiện sự và thiền định), pháp thành (là chín siêu thế pháp). Hành giả bắt đầu niệm tưởng các đức tính đặc biệt của giáo pháp như sau:

“Svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhi”

“Giáo pháp đã được Đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để thấy, khả năng hướng thượng, cần được người trí tự hiểu”.

Hành giả niệm qua một lượt sáu đặc tính của giáo pháp như vậy, hãy suy nghĩ “giáo pháp của Đức Phật đặc thù như vậy, tuyệt diệu như vậy”, rồi đặt niềm tin nơi giáo pháp với tâm hướng đến sự thành tựu pháp vô tỷ. Xong, vị hành giả tiếp tục niệm trở lại sáu ân đức pháp … cứ như thế thực hành tùy niệm pháp cho đến hết thời gian một buổi thiền tập.

Một cách khác, hành giả tùy chọn một trong sáu ân đức pháp mà mình cảm hứng, để niệm một ân đức đó cũng được. Như sau:

“Svākkhāto bhagavatā dhammo” … “Svākkhāto bhagavatā dhammo” … “Svākkhāto bhagavatā dhammo” …

Hay “Sandiṭṭhiko dhammo” … “Sandiṭṭhiko dhammo” … “Sandiṭṭhiko dhammo” …

Hành giả hành tùy niệm pháp mỗi ngày trong hai thời, hoặc tùy lúc yên tịnh.

Hành giả niệm pháp sẽ đạt đến viên mãn về đức tin, sẽ được nhiều hạnh phúc hân hoan, sẽ nhiếp phục được sự sợ hãi như thể đang sống với pháp, sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu hành giả chưa thâm nhập được cái gì cao siêu hơn thì ít nhất cũng tiến đến một cõi an lạc.

Niệm Tăng (Saṅghānussati)

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đặc tính của Tăng chúng, để tử xuất gia của Đức Phật, gọi là niệm tăng.

Tăng chúng đệ tử Phật có chín đặc tính cao quí, cũng gọi là chín ân đức tăng. Tức là: Thiện hạnh (supaṭipanno), trực hạnh (ujupatipanno), chánh hạnh (ñāyapaṭipanno), nghiêm hạnh (sāmīcipaṭipanno), đáng cung phụng (āhuneyyo), đáng nghênh tiếp (pāhuneyyo), đáng cúng dường (dakkhiṇeyyo), đáng lễ bái (añjalikaraneyyo), phước điền vô thượng của đời (anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa). Trước khi thực hành tùy niệm tăng, vị hành giả phải học thông thuộc chín đặc tính của Tăng chúng, gồm cả văn tự và ý nghĩa. Xem “Kho Tàng Pháp Học”, đoạn 442.

Cách niệm Tăng: Hành giả tìm chỗ thanh vắng, ngồi tham thiền; truớc hết hành giả suy nghĩ về sự uế nhiễm của đời sống thế tục, có những người đã chấp nhận từ bỏ thế tục để sống đời phạm hạnh theo sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn, gọi là đệ tử xuất gia, thành một đoàn thể Tăng chúng, những vị ấy quyết tâm thành tựu cứu cánh phạm hạnh, có nhiều vị đã đạt đến trạng thái bậc thánh.

Vị hành giả khi suy xét như vậy sẽ có lòng tin và cảm hứng đối với các đặc tính tuyệt vời của bốn bậc thánh tăng. Từ điểm này, hành giả bắt đầu niệm tưởng:

“Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ujupaṭi-panno bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraneyyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”.

“Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc thiện hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc trực hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc chánh hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc nghiêm hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn gồm bốn đôi tám vị đó là bậc đáng cung phụng, đáng nghênh tiếp, đáng cúng dường, đáng lễ bái, là phước điền vô thượng của thế gian”.

Hành giả niệm qua một lượt chín đặc tính của Tăng chúng như vậy tạm dừng niệm, và suy nghĩ: “an tịnh thay là thánh chúng đệ tử Phật, an tịnh thay là thánh chúng đệ tử Phật” hành giả hoan hỷ hướng đến Tăng và cảm thấy như mình đang sống với sự hiện diện của Tăng chúng thanh tịnh. Rồi hành giả tiếp tục niệm trở lại chín đặc tính Tăng chúng … cứ thế niệm theo cách thức này cho đến hết thời gian buổi thiền tập.

Một cách khác nữa, hành giả niệm từng mỗi ân đức tăng, tùy chọn một đặc tính nào trong chín đặc tính mà hành giả có cảm hứng, như là Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho … Supaṇipanno … Supaṭipanno …

Hoặc añjalikaraneyyo bhagavato sāvakasaṅgho … añjalikaraneyyo … añjalikaraneyyo … añjalikaraneyyo …

Hành giả hành tùy niệm Tăng mỗi ngày hai buổi sáng và tối, hoặc lúc nào yên tịnh.

Sự tùy niệm Tăng sẽ giúp cho hành giả thành tựu viên mãn đức tin đối với Tăng chúng, đem lại nhiều hạnh phúc an lạc cho hành giả, vị ấy nhiếp phục được sự sợ hãi, nhờ sự tôn kính Tăng chúng nên vị ấy sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu vị ấy chưa đạt được thánh quả cao siêu thì ít nữa cũng hướng đến một cảnh giới hạnh phúc.

Niệm giới (Sīlānussati)

Sự tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đức tính của giới thanh tịnh, gọi là niệm giới. Niệm giới hạnh của chính mình đã thọ trì có trạng thái tốt đẹp như thế nào, đó gọi là niệm giới.

Hành giả cư sĩ thì niệm giới cư sĩ. Hành giả cần hiểu rõ những đặc tính của giới hạnh đáng hoan hỷ, như là giới không bị rách, không bị vá, không bị lủng, không bị ố, không bị lốm đốm, giải thoát, không hệ lụy, đưa đến định, được người trí tán thán.

Giới không bị rách, lủng, vá, ố, lốm đốm, tức là không bị tổn hại do dục hệ, do sân hận hay do các ác pháp khác.

Giới giải thoát, là giới có đặc tính giải tỏa khỏi sự nô lệ cho dục ái.

Giới không hệ lụy, là vì không bị chi phối bởi tham dục và tà kiến.

Giới đưa đến định, là giới thuộc chánh đạo hỗ trợ cho định cận hành, định an chỉ thiền thông đạo quả.

Giới được người trí tán thán, là giới hoàn hảo được những bậc trí như Đức Phật khen ngợi.

Cách hành tùy niệm giới: Trước hết hành giả phải tác ý thọ trì giới cho thanh tịnh, hoặc phục hồi giới cho tốt đẹp bằng cách phát lồ v.v… rồi hành giả đi vào nơi độc cư yên tỉnh, ngồi xuống và suy niệm về giới của chính mình, như sau:

“Giới hạnh của ta đáng được hoan hỷ vì không bị rách, không bị lủng, không bị vá, không bị lem ố, không bị lốm đốm, không hệ lụy, đưa đến định, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán”

Khi suy niệm như vậy hành giả hãy hoan hỷ và cảm thấy như được che chở an ổn bởi nhờ giới có đủ các đặc tính.

Rồi lại tiếp tục suy niệm …

Hàng ngày hành giả có thể suy niệm về giới trong nhiều thời.

Khi hành giả chuyên tâm vào việc niệm giới, thì hành giả có sự tôn trọng đối với học pháp, vị ấy sống hoà hợp với những bạn đồng phạm hạnh, vị ấy không sợ tự trách bản thân, không sợ bậc trí khiển trách, vị ấy thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, vị ấy đạt đến viên mãn về tín … vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc. Và dù chưa đạt đến quả vị nào cao hơn, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện thú.

Niệm thí (Cāgānussati)

Tùy niệm thí là sự suy tư cảm hứng đối với đặc tính vô tham và xả tài, mà chính mình đã có.

Đặc tính của sự bố thí là thích xả bỏ, thích san sẻ, thích được kẻ khác cần đến và yêu cầu. Trạng thái của tâm bố thí là vô tham, không keo bẩn.

Khi muốn tu tập niệm thí, hành giả phải chuyên cần bố thí, thường cho và san sẻ đến người khác một cách tự nhiên thoải mái, không phải tâm cho gượng ép. Nên có quyết định: “Từ nay trở đi, lúc nào có người hiện diện để nhận, ta sẽ bố thí đến người ấy”.

Ngay hôm ấy, là ngày mà hành giả muốn tu tập niệm thí, hành giả nên bố thí một vật gì đó tùy phương tiện và khả năng, tốt nhất là cho đến người có đức tính đặc biệt để hành giả dễ có tâm vui thích san sẻ, vui thích bố thí.

Khi đã nắm được tướng trong việc này, hành giả hãy đi đến nơi yên tĩnh độc cư và tưởng niệm đến sự bố thí của mình, như sau:

“Thật sự là lợi lạc cho ta! Thật sự là lợi ích cho ta! vì rằng giữa cuộc đời bị ô nhiễm bởi lòng xan tham bỏn sẻn thì ta không bị ô nhiễm bởi xan tham. Ta bố thí một cách rộng rãi với bàn tay rộng mở, thích thú trong sự từ bỏ, vui mừng được san sẻ với người khác, và mong có người yêu cầu”.

Sau khi niệm tưởng như vậy, hành giả suy xét ý nghĩa các đặc tính của hạnh bố thí như sau:

“Thật là lợi lạc cho ta!, nghĩa là ta sẽ có những lợi lạc của người bố thí như được thọ mạng, được an vui cõi trời, cõi người, được nhiều người lui tới, được bậc trí yêu mến.

“Thật là lợi ích cho ta!, nghĩa là ta có lợi ích ở chỗ được gặp giáo pháp, được làm thân người, lại được an trú với tâm không ô nhiễm vì xan tham, được tâm vui thích bố thí và san sẻ.

Rồi hành giả trở lại niệm tưởng hạnh bố thí của mình như cách thức trước …

Khi hành giả tưởng đến sự bố thí như vậy. Ngay khi ấy tâm hành giả không bị tham sân si ám ảnh nhờ an trú thiện tâm cảm hứng từ hạnh bố thí.

Một người chuyên tâm tưởng niệm về bố thí, người ấy trở nên thông thoáng tâm vì tính cách hoan hỷ vô tham, vị ấy có lòng ưa thích bố thí, vị ấy hành xử phù hợp với tâm từ bi, vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc, và nếu không tiến đạt quả vị cao, thì ít nhất hành giả cũng hướng đến cảnh giới an lạc.

Niệm thiên (Devānussati)

Niệm thiên là suy niệm về đức tính đặc biệt của chư thiên mà xét lại chính mình.

Có bốn đức tính tốt đẹp, chính nhờ những đức tính đó mà thành tựu thân chư thiên ở các cõi trời. Đó là đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới hạnh, đầy đủ thính pháp, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

Người muốn tu tập niệm thân cần phải có những đức tính đặc biệt về đức tin, giới hạnh, thính pháp, bố thí, trí tuệ do khéo an trú. Rồi người ấy đi vào nơi thanh vắng độc cư để niệm tưởng những đức tính đặc biệt của mình có, so sánh với chư thiên. Như sau:

“Các vị chư thiên Tứ thiên vương, các vị chư thiên Đạo lợi, các vị chư thiên Dạ ma, các vị chư thiên Đâu suất, các vị chư thiên Hóa lạc, các vị chư thiên Tha hoá tự tại, các vị Phạm chúng thiên và những vị chư thiên cao hơn nữa, các vị chư thiên ấy có đức tin, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, đức tin ấy cũng có đầy đủ nơi ta”.

“Các vị chư thiên ấy có giới hạnh, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, giới hạnh ấy cũng có đầy đủ nơi ta.

“Các vị chư thiên ấy có hạnh thính pháp, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh thính pháp ấy cũng có đầy đủ nơi ta”.

“Các vị chư thiên ấy có bố thí, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh bố thí ấy cũng có đầy đủ nơi ta”.

“Các vị chư thiên ấy có trí tuệ, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, trí tuệ ấy cũng có đầy đủ nơi ta”.

Hành giả suy xét như vậy, lập đi lập lại. Mục đích để chứng minh rằng những đức tính đặc biệt về tín, giới, văn, thí, tuệ có ở chính mình cũng là tín, giới, văn, thí, tuệ có nơi chư thiên.

Khi hành giả niệm tưởng các đức tính của chư thiên và của mình như vậy thì tâm hành giả có được nguồn cảm hứng từ chư thiên, tâm không bị tham sân, si ám ảnh. Đó là một trạng thái hướng thiện.

Một người chuyên tâm tu tập niệm Thiên, người ấy được chư thiên thương tưởng, có niềm tin an trú mãnh liệt hơn, có được nhiều hạnh phúc an lạc, và dù không đắc quả gì cao cả, nhưng ít nhất người ấy cũng hướng đến một cảnh giới tốt đẹp.

Niệm chết (Maranānussati)

Chết (maraṇa) là sự kết thúc một mạng sống, sự chấm dứt mạng căn của một chúng sanh.

Chết là đề mục mà hành giả suy niệm ở đây nên lấy tình trạng chết của đời sống con người, như vậy mới dễ động tâm hơn là nghĩ về cái chết của chư thiên, phạm thiên v.v…

Phải niệm chết với tác ý trí tuệ, nghĩa là không nên tưởng đến cái chết của người quá thân thương, vì sầu ưu sẽ sanh khởi, cũng không nên tưởng đến cái chết của một người mình ghét, bởi vì sẽ khởi niềm hoan hỷ. Hành giả nên tác ý đến cái chết của một người mà mình biết được họ sống tràn đầy hạnh phúc hoặc có nhiều uy quyền … tưởng nghĩ như vậy sẽ có một ý thức khẩn trương với chánh niệm và trí tuệ, để rồi hành giả có thể niệm chết như là một phương tiện chính đáng tu tập.

Cách tu tập: Một người muốn tu tập pháp quán niệm này, hãy đi đến chỗ độc cư và ngồi lại hoặc kinh hành rồi tác ý với trí tuệ như sau:

“Maraṇantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết … Marananantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết …”

Niệm như vậy một lúc, hành giả khởi tâm suy nghĩ đến một trong tám sự kiện này:

Suy nghĩ sự chết như một tên sát nhân xuất hiện. Hành giả suy nghĩ thấy mạng sống bị sự chết đe dọa, ví như có kẻ sát nhân đang cầm khí giới xuất hiện và chuẩn bị giết chết mình. Quả thật, mạng sống rất mỏng manh. Đó là cách nghĩ thứ nhất.

Suy nghĩ sự chết là một cuộc thất bại thảm hại. Hành giả suy nghĩ thấy người sống trong đời dù có thành công trong sự nghiệp, địa vị, hạnh phúc nhưng chắc chắn phải sụp đổ vì cái chết. Đó là cách nghĩ thứ hai.

Suy nghĩ sự chết bằng cách so sánh kết luận. Hành giả suy nghĩ đến sự chết của những người có danh vọng lớn, người có đại phước, người dũng mãnh, bậc đại thần thông, bậc đại trí tuệ, bậc Độc Giác, bậc Chánh Đẳng Giác. Những bậc ấy mà cũng phải chết, thì sao ta thoát khỏi sự chết được. Đó là cách nghĩ thứ ba.

Suy nghĩ sự chết theo cách ghi nhận thân này là chỗ cộng trú của nhiều sinh vật. Hành giả suy xét trong thân này có tám mươi loại ký sinh trùng; thân thể là chỗ sanh ra của chúng, là chỗ ở của chúng, là nghĩa địa của chúng, thân này phải san sẻ cho chúng, khi chúng nổi loạn thì thân sẽ cảm thọ thống khổ và có thể đi đến chết được. Đó là cách nghĩ thứ tư.

Suy nghĩ sự chết theo cách xét mạng sống mỏng manh. Hành giả suy xét rằng mạng sống này chỉ dựa vào hơi thở, khi còn hơi thở ra thở vào thì mạng sống còn; nếu hơi thở có ra mà không có vào, hoặc có hơi thở vào mà không có ra thì chết. Đó là cách nghĩ thứ năm.

Suy nghĩ sự chết theo cách xét sự sống vô chừng không thể định đoạt. Hành giả suy xét rằng mạng sống này không thể biết sống bao lâu sẽ chết do nguyên nhân gì, sẽ chết ở đâu … sự sống thật là bất định. Đó là cách nghĩ thứ sáu.

Suy nghĩ sự chết theo cách thấy mạng sống bị giới hạn thời gian. Hành giả suy xét rằng mạng sống có giới hạn; có người sống lâu có người chết yểu, nhưng nhất định phải có giới hạn, trên dưới một trăm năm thôi, mỗi ngày trôi qua là tiến gần đến sự chết. Đó là cách nghĩ thứ bảy:

Suy nghĩ sự chết theo cách nghĩ đến sự hoại diệt từng sát na. Hành giả suy xét theo thực tính pháp thấy sự chết có trong từng sát na sanh diệt của danh sắc. Đó là cách nghĩ thứ tám.

Với tám cách suy nghĩ này, hành giả nhớ được cách nào thì suy xét theo đó sau mỗi lúc niệm “Chết”.

Suy nghĩ để nhập tâm, rồi niệm tiếp tục: “Maraṇantaṃ jīvitaṃ … maraṇantaṃ jīvitaṃ , mạng sống chấm dứt bằng sự chết … mạng sống chấm dứt bằng sự chết …”

Một người chuyên tâm niệm sự chết, người ấy sẽ đạt được trạng thái vô úy, không bối rối trước sự chết sắp xảy ra, người ấy sống không bám bíu vào bất cứ sự vật gì ở đời, không bị cấu uế bởi lòng tham bốn vật dụng; vô thường tướng dần dần phát triển trong tâm người ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã, nếu ngay trong hiện tại người ấy chưa đạt đến quả vị vô sanh, ít ra cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung.

Niệm thân (Kāyagatāsati)

Đây cũng gọi là Thân hành niệm.

Cái gì là thân hành (kāyagata)? Chính là nói đến 32 thể trược trong thân này. Niệm tưởng về 32 thể trược của thân, gọi là Thân hành niệm.

Thân hành niệm là một pháp môn tu tập vượt ngoài lãnh vực của ngoại đạo, chưa hề được công bố trước khi bậc đại giác xuất hiện. Pháp môn này là một cách trong những cách tu tập thuộc thân quán niệm xứ, nhưng được tách riêng thành pháp môn riêng biệt, cũng như pháp môn nhập xuất tức niệm (niệm hơi thở) v.v…

32 thể trược trong thân là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng ruột, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc, mật đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.

Vị hành giả trước khi thực hành pháp môn này cần phải học hỏi thuần thục đề mục từ nơi một vị thiện trí thức. Sự học thiện xảo đề mục ấy là đọc làu tên thể trược, thuộc lòng tên thể trược, biết màu sắc thể trược, biết hình dáng thể trược, biết định hướng thể trược, biết định vị thể trược, biết giới hạn của thể trược.

Thuần thục về cách đọc, tức là đọc từng nhóm 5 thứ, đọc xuôi và đọc ngược. Thí dụ đọc xuôi nhóm một “Tóc, lông, móng, răng, da”. Rồi đọc ngược “Da, răng, móng, lông, tóc” v.v… đọc xuôi ngược từng nhóm như thế cho đến khi đọc làu không lộn xộn. Sự học đề mục đọc ra tiếng như vậy sẽ làm cho hành giả quen thuộc đề mục.

Thuần thục cách thuộc lòng, tức là sự nhẫm trong tâm, không phải là đọc ra tiếng. Nhưng sự đọc ra tiếng nhuần nhuyễn mới giúp cho thuộc lòng được, cho nên trước tiên hành giả học đọc tên, kế đến mới nhẫm thuộc lòng. Cũng với cách xuôi ngược: Tóc, lông, móng, răng, da – da, răng, móng, lông, tóc … sự thuộc làu như vậy sẽ là điều kiện để hành giả thâm nhập tính chất của đề mục.

Biết màu sắc thể trược, tức là hành giả phải tìm hiểu và định rõ mỗi thể trược có màu sắc thế nào, tất nhiên là thể trược trong thân này, như tóc có màu đen hoặc bạc hay hoe, lông màu đen, móng có màu trắng đục hay màu trắng hồng …

Biết hình dáng thể trược, tức là định rõ mỗi vật thể có hình dáng ra sao. Thí dụ như tóc có hình sợi dài …

Biết định hướng thể trược, tức là hành giả định rõ mỗi thể trược ấy ở về hướng trên hay hướng dưới của thân. Trong thân này từ rốn trở lên gọi là hướng trên, từ rốn trở xuống gọi là hướng dưới.

Biết định vị thể trược, tức là hành giả định rõ mỗi thể trược ấy vị trí ở đâu trong thân. Thí dụ: tóc mọc trên da đầu, trước mọc tới trán, phía sau mọc tới ót, hai bên mọc tới vành tai …

Biết giới hạn của thể trược, tức là hành giả ghi nhận sự giới hạn của thể trược, như tóc mọc cắm vào da, chân tóc ghim dưới da, ngọn tóc chỉa vào khoảng không … hoặc giới hạn rằng tóc không phải là lông, lông không phải là tóc …

Khi đã thông thuộc bảy điều ấy rồi, hành giả nên tìm đến một trú xứ thích hợp với thiền tịnh, và từ bỏ những chướng ngại nhỏ làm phân tâm như y phục bẩn thỉu, thân thể cáu ghét, giường ghế không sạch …

Hành giả ngồi lại và bắt đầu nhẩm đọc 6 nhóm thể trược, từng nhóm đọc xuôi rồi đọc ngược như sau:

“Tóc, lông, móng, răng, da / da, răng, móng, lông, tóc”. Nếu đọc được Pāli càng tốt.

“Thịt, gân, xương, tủy, thận / thận, tủy, xương, gân, thịt”.

“Tim, gan, màng ruột, dạ dày, phổi / phổi, dạ dày, màng ruột, gan, tim”.

“Ruột già, ruột non, vật thực, phẩn, óc / óc, phẩn, vật thực, ruột non, ruột già”.

“Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ / mỡ, mồ hôi, máu, mủ, đàm, mật”.

“Nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu / nước tiểu, nước nhớt, nước mũi, nước miếng, dầu da, nước mắt”.

Hành giả đọc nhẩm như vậy qua nhiều lượt để rà soát những phần nào hiện rõ và không hiện rõ, phần nào trong 6 nhóm thể trược đọc qua mà không hiện rõ thì loại bỏ, dần dần chỉ còn một nhóm hiện rõ. Hành giả chú tâm ghi nhận tướng của nhóm thể trược ấy một cách thứ tự, thí dụ “Tóc, lông, móng, răng, da / da, răng, móng, lông, tóc”. Cần lưu ý khi ghi nhận thứ tự, hành giả không nên lướt qua nhanh hay quá chậm.

Đồng thời phải tránh sự phân tâm đi ra ngoài đề mục, vì đây là đề mục có khả năng đắc thiền, nếu hành giả phân tâm khỏi đề mục thì việc thiền định bị thối thất.

Một điều quan trọng khác nữa là phải vượt qua khái niệm về danh từ. Nghĩa là vị hành giả lúc ban đầu niệm thể trược dựa trên danh từ như “Tóc … lông … móng … răng … da …”, nhưng sau đó phải bỏ qua khái niệm danh từ, và nhận thức ở khía cạnh “Bất tịnh” đáng ghê tởm của nó. Như vậy mới thật sự có mãnh lực chế ngự các phiền não như tham dục …

Nếu hành giả có đủ duyên lành thì trong lúc “đọc” tên thể trược cũng có thể nhập tâm và an trụ thiền định được; nếu hành giả đã “đọc” qua như thế mà vẫn chưa an trú tâm được thì phải áp dụng phương pháp chủ ý thể trược qua nhận định màu sắc, hình dáng, phương hướng, vị trí, và giới hạn của thể trược ấy. Thí dụ niệm đến “Tóc”, phải chủ tâm đến: “Tóc màu đen” “Hình dáng như sợi chỉ”, mọc ở phía trên cùng của thân”, “Vị trí mọc nơi da đầu” “Giới hạn chân tóc cắm vào da đầu, ngọn tóc tiếp giáp khoảng không”.

Về ý nghĩa năm khía cạnh nhân định về thể trược, hãy học hỏi ở vị thiền sư, hoặc tham khảo kinh sách (Thanh Tịnh Đạo, chương VIII, đoạn 42 – 144).

Lợi ích của sự tu tập niệm thân, một vị chuyên tu tập thân hành niệm này là vị ấy khắc phục được tâm ái nhiễm, vị ấy sống chinh phục được tâm sợ hãi khiếp đảm, vị ấy có khả năng kham nhẫn chịu đựng với các cảm thọ, vị ấy có thể đạt được bốn thiền sắc giới, dù không như thế, khi tu tập khởi thiện tâm, với tâm thiện này sẽ thành tựu quả dị thục đặc biệt cho vị ấy khi tái sanh.

Niệm hơi thở (Ānāpānassati)

Đề tài hơi thở là một pháp môn tu tập quan trọng; có thể là một đề mục thiền chỉ, có thể là một đề mục thiền quán.

Pháp môn tu tập niệm hơi thở này thích hợp cho mọi cá tính (carita) hành giả.

Đề mục hơi thở được tu tập thuần thục sẽ đem lại nhiều kết quả. Trước nhất, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho tâm trở nên an tịnh (S.v, 231), kế đến, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho tâm đình chỉ tầm tư, tức là dẹp trừ sự tán loạn phóng tâm (A.IV,353). Lại nữa, một lợi ích lớn của sự tu tập niệm hơi thở theo khuynh hướng thiền quán là đạt đến minh và giải thoát, đó là điều kiện căn bản cho sự viên mãn minh và giải thoát (M.III, 82). Một lợi ích khác nữa, người tu tập niệm hơi thở thuần thục sẽ biết trước và định được thời chết của mình (M.I, 425-426); một vị đắc A la hán nhờ tu tập đề mục nào khác thì vị ấy có thể tiên định được, cũng có thể không tiên định được thọ mạng của mình còn bao lâu; nhưng với vị đắc quả do tu tập đề mục niệm hơi thở thì luôn luôn định được thời viên tịch của mình (Vism.243).

Đó là những lợi ích của sự tu tập niệm hơi thở.

Phương pháp tu tập: Một người muốn tu tập đề mục niệm hơi thở, sau khi đã học thông thạo cách thức đề mục từ nơi vị thầy có nhiều kinh nghiệm, hãy đi đến một trú xứ yên tịnh để sống độc cư, đến thời hành thiền hãy ngồi kiết già hoặc bán già, giữ lưng ngay thẳng, thư giãn toàn thân, và trước hết hành giả nên làm cho tâm phấn chấn bằng cách tưởng niệm những đức tính đặc biệt của ba ngôi báu. Sau đó, hành giả khởi sự chú ý niệm hơi thở bằng cách “đếm”.

Đếm hơi thở (số tức) là tác ý khi hơi thở ra vào đếm 1, rồi 2, rồi 3 … đếm số tùy thuộc hơi thở nhanh hay chậm tự nhiên; chớ không nên điều khiển hơi thở theo số đếm, điều tức như vậy sẽ làm hành giả bị mệt.

Khi đếm, hành giả không nên dừng lại dưới 5 hay đi quá số 10 hay làm bất cứ một sự gián đoạn nào. Nếu dừng lại dưới 5 thì tâm vị ấy trở nên nóng nảy trong khoảng giới hạn chật hẹp. Nếu đi quá số 10 thì tâm hành giả sẽ bị chi phối bởi nhớ con số cặp. Nếu gián đoạn thì hành giả sẽ hoang mang vì không biết đề mục thiền đã đạt đến hoàn tất chưa. Bởi thế, hành giả nên đếm hoi thở đừng có những lỗi trên.

Hành giả đếm 1, 2, 3, 4, 5; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; rồi 1, 2 … 9, 10. Rồi trở lại đếm như từ đầu … cứ vậy cho đến khi nào tâm gắn chặc vào hơi thở ra – hơi thở vào, mặc dù không đếm mà niệm vẫn an trú. Đếm chỉ là một phương tiện để trú niệm, chấm dứt sự phân tán lúc đầu.

Sau khi tác ý đến hơi thở bằng cách đếm đã tập trung được rồi, bấy giờ hành giả nên tác ý hơi thở bằng cách “theo dõi” không đếm nữa.

Theo dõi hơi thở là tác ý đến sự chạm xúc của gió nơi chót mũi; hơi thở vào là cảm giác “gió mát”, hơi thở ra là cảm giác “gió ấm”. Hành giả không nên theo dõi hơi thở theo cách tác ý chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối của hơi thở (hơi thở vào, chặng đầu là mũi, chặng giữa là ngực, chặng cuối là rốn; hơi thở ra, chặng đầu là rốn, chặng giữa là ngực, chặng cuối là mũi). Nếu hành giả niệm hơi thở ra – hơi thở vào mà theo dõi chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối như thế thì tâm vị ấy bị phân tán, rối loạn, dao động, cả thân lẫn tâm vị ấy bị bất an (Ps.I,165).

Hành giả chỉ nên chánh niệm, tâm dán chặc ở “cửa” mũi và nhận biết “Đây là hơi thở vô” “Đây là hơi thở ra”; do cảm xúc “gió mát” ở cửa mũi lâu hoặc mau mà nhận biết “Đây là hơi thở vô dài” hay “Đây là hơi thở vô ngắn”; do cảm xúc “gió” ấm ở cửa mũi lâu hoặc mau mà nhận biết “Đây là hơi thở ra dài” hay “Đây là hơi thở ra ngắn“.

Trong một giai đoạn nào đó do chú tâm lâu thân thể hành giả có sự rung chuyển dao động, ngã tới, ngã lui, nghiêng qua, nghiêng lại … hành giả phải luyện tập làm cho an tịnh, ngưng lại các thân hành dao động ấy. Phải tác ý: “an tịnh thân hành thở vô, an tịnh thân hành thở ra” … và khi thân hành không còn dao động ngã tới ngã lui nữa, hành giả cũng tác ý: “tịnh chỉ thân hành thở vô, tịnh chỉ thân hành thở ra” …

Cần lưu ý rằng khi chánh niệm hơi thở chỉ nên ghi nhận và tác ý “hơi ra”, “hơi vào, “hơi dài”, “hơi ngắn”, chớ không phải là “đọc thầm” câu nói “ta thở vô, ta thở ra” …

Hành giả nên tinh tấn nỗ lực, thực hành liên tục; nhờ sự nỗ lực đó vị ấy sẽ đạt được kết quả, từ bỏ được những kiết sử (sự trói buộc), đoạn trừ các phiền não tiềm miên (phiền não ngũ ngầm).

Người cư sĩ cũng có thể hành thiền với đề mục niệm hơi thở như vậy để Tăng trưởng trí tuệ và tìm thấy sự an lạc.

Niệm tịch tịnh (upasamānussati)

Trạng thái tịch tịnh hay tĩnh lặng (upasama), ám chỉ Níp bàn, vì Níp bàn vắng lặng hoàn toàn sự náo động của phiền não, tịnh chỉ các pháp hữu vi.

Niệm tịch tịnh là suy niệm về đặc tính Níp bàn như là vô nhiễm, ly tham, đoạn diệt tập khởi, chấm dứt khổ đau, kết thúc tái sanh …

Ở đây, vấn đề là sự chứng nghiệm trạng thái Níp bàn chỉ được viên mãn ở một vị thánh đệ tử đã chứng đắc tâm siêu thế; tuy vậy, đối với một phàm nhân có trí tuệ và thiết tha với mục đích giải thoát, chỉ bằng sự nghe nói học hiểu về Níp bàn, người ấy cũng có thể nhờ nghĩ đến đặc tính của Níp bàn mà làm cho phát sanh hỷ lạc tín tâm và đạt được nhiều lợi ích vì an trú tâm thiện. Bởi thế một phàm nhân cũng có thể niệm Níp bàn như là một đề tài tu tiến.

Một người muốn tu tập niệm tịch tịnh này, hãy đi đến chỗ độc cư, ngồi xuống hoặc bước đi kinh hành. Bắt đầu bằng sự suy xét đến trạng thái hệ lụy phiền toái của phiền não, của thân đây, của đời sống tử sanh … Rồi vị hành giả nhớ tưởng đến các đặc tính thù diệu của Níp bàn, như sau:

“Níp bàn là sự bài trừ hệ lụy – ālayasamugghāto”
“Níp bàn là sự cắt đứt luân hồi – vaṭṭtūpacchedo”
“Níp bàn là sự đoạn tận tham ái – taṇhak-khayo”.
“Níp bàn là sự vô nhiễm – virāgo”
“Níp bàn là sự đoạn diệt – nirodho”
“Níp bàn là sự không còn liên hệ với khát ái – nibbāna”
“Níp bàn là an ổn các khổ ách – yogakkhemaṃ”
“Níp bàn là bất tử – amataṃ”
“Níp bàn là tịnh lạc – santi” …

Khi hành giả tưởng đến tịch tịnh với những đức tính đặc biệt như thế, ngay lúc ấy tâm hành giả không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, do đó hành giả trú trong niềm an lạc hoan hỷ. Nhưng vì hành giả bận tâm tưởng niệm nhiều đức tính khác nhau nên không khởi lên thiền chứng mà chỉ đạt đến mức cận định thôi.

Một vị tu tập chuyên tâm tưởng đến tính cách của Níp bàn như vậy, thường ngủ trong an lạc, thức dậy trong an lạc, các căn tĩnh lặng tâm tư bình an, thường có tàm quý, có niềm tin có sự tha thiết với mục đích phạm hạnh; và dù ngay kiếp này không chứng nhập được quả vị gì cao siêu, ít nhất cũng hướng đến một thiện thú.

Dứt phần tu tiến với đề tài tùy niệm

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 152

Post Views: 537