Phật học Đại cương Tâm Học 2022
Đạo Phật ra đời tại Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm và hiện có mặt ở khắp các châu lục trên thế giới. Đạo Phật đã có nhiều ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa cũng như phong tục, tập quán của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt là những quốc gia phương Đông.
Đạo Phật với triết lí nhân sinh quan và thế giới quan sâu sắc, với những pháp môn tu tập, hành trì dung dị, với những yếu tố dễ thích nghi đã tạo nên những truyền thống Phật giáo đặc sắc tại mỗi quốc gia có mặt. Điều đó đã tạo nên những “màu sắc” sống động của Phật giáo trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, với những truyền thống mang những đặc điểm đặc trưng, Phật giáo vẫn luôn duy trì được những đặc điểm căn bản trong giáo lý, giáo luật cũng như trong các phương tiện ứng dụng, thực hành Phật giáo trong đời sống xã hội. Và đó cũng là lí do để Phật giáo phát triển và trường tồn cho đến ngày hôm nay.
1. Đức Phật là một con người chứ không phải là một Thượng đế:
Nhiều tôn giáo trên thế giới cho rằng Đấng tối cao của tôn giáo họ tôn thờ luôn luôn có quyền năng siêu nhiên, có quyền hạn tối cao, điều khiển tất cả nhân loại và vũ trụ. Chỉ có những ai tin tưởng vào Đấng siêu nhiên này mới có thể được cứu rỗi và đạt được hạnh phúc trường cửu.
Đạo Phật khẳng định mỗi con người trong vũ trụ này là vị chủ nhân của chính mình, kiểm soát số mệnh của mình và không có một con người nào hay một đấng Thượng đế quyền năng siêu nhiên kiểm soát. Đức Phật chứng đắc quả vị giác ngộ, những thành tựu và những kết quả nhờ vào những nỗ lực tu tập lớn lao và trí tuệ của chính Ngài. Trong Phật giáo, không có một chúng sinh nào cao thượng hơn, giống như Thượng đế cao hơn tất cả những con người khác. Đức Phật là một con người và chính mọi người có thể trở thành một vị Phật nếu không ngừng tinh tấn, tu học theo chính pháp.
2. Phật giáo không hình thành tổ chức giáo quyền thế giới:
Xác định được những điều có thể gây phương hại đến giáo đoàn khi quyền lực bị thâu tóm, tập trung vào một người, do đó, đạo Phật chủ trương không hình thành tổ chức giáo quyền trên toàn thế giới. Các tông phái, hệ phái Phật giáo tùy theo “nhân duyên” du nhập mà hình thành nên những pháp môn tu tập, hành trì phù hợp với truyền thống và văn hóa bản địa. Do đó, đạo Phật không bị tác động cũng như ảnh hưởng chi phối bởi hệ thống giáo quyền toàn thế giới. Các tổ chức, hệ phái Phật giáo độc lập trong việc phát huy giáo lý chân chính của Đức Bản sư.
3. Đạo Phật phản ánh khách quan chân lý thực tại:
Lý thuyết, phương pháp, kết quả đều hợp lý, đều chân thật. Phật giáo không đưa chủ quan của mình vào trước hay trong khi suy nghiệm, sự thật và chân lý của đạo Phật là lời kết luận sau sự suy nghiệm trung thực ấy. Đạo Phật chỉ thấy và chỉ nói những sự thật mà sự vật có, không thêm không bớt. Đạo Phật không công nhận những kết quả của tín ngưỡng mê mờ, hành động manh. Đạo Phật là Đạo Chân Như tức là phản ánh thực tại những gì đang xảy ra, đang tồn tại.
4. Thành tựu do tu tập chứ không phải tự nhiên sinh ra hay do một đấng bậc nào ban phát:
Đức Phật cũng là con người bình thường. Nhờ vào trí tuệ và sự tu tập của Ngài, Ngài giác ngộ và thành Phật. Mỗi con người có thể theo bước chân của Ngài để thực hành những lời dạy của Ngài và giác ngộ giống như Đức Phật.
Giác ngộ là thuật ngữ chúng ta dùng để chỉ con người đã hoàn toàn thấu hiểu lý vàthực. Sự giác ngộ đạt được là do quá trình nỗ lực phấn đấu tu tập, hành trì. Trong Phật giáo không phân biệt thành phần, đẳng cấp để đạt đến giác ngộ, tứ chúng của Phật giáo đều có thể tu tập và đều có thể đạt đến mục đích tối thượng – giải thoát, giải thoát cho chính bản thân mình và giải thoát cho những người khác. Phật giáo dạy rằng sự may mắn hay bất hạnh, thành công hay thất bại là do những hành động – nghiệp của cá nhân quyết định, tuỳ theo nghiệp thiện hay ác và những nỗ lực của chính bản thân. Đức Phật chỉ chỉ ra cho ta con đường và chính bản thân ta phải đi trên con đường ấy.
5. Phật giáo là tôn giáo tôn trọng sự sống:
Đạo Phật xem sự sống trên tất cả, hết thảy những gì gọi là có giá trị là phải bảo vệ sự sống ấy. Giết sự sống để nuôi sự sống là mê muội, tham sống nên hại sự sống cũng là vô minh. Cho nên tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống. Ăn chay để cứu muôn loài, thay khổ cho chúng sinh để cứu vạn loại. Đạo Phật đặc biệt chú trọngvà nêu cao chủ nghĩa lợi tha, nhưng chữ lợi ấy là phải hướng về mục đích tôn trọng sự sống.
Trong giáo lý của đạo Phật, một trong ngũ giới cấm mà tăng đoàn không được phép xâm phạm đó là giới không sát sinh.
6. Đạo Phật luôn lấy con người làm trung tâm:
Đạo Phật không nói duy tâm, không nói duy vật, mà nói đều do người phát sinh và đều phát sinh vì người. Kết luận này thực tế ở đâu cũng rõ ràng. Trên thế giới loài người này không có gì tự nhiên sinh ra hay từ hư không rơi xuống, mà đều do năng lực hoạt động của con người tạo thành. Năng lực hoạt động của con người tạo tác chi phối tất cả. Tất cả khổ hay vui, tiến hóa hay thoái hóa, là đều do con người dã man hay văn minh. Người là chúa tể của xã hội loài người, xã hội loài người do con người quyết định và làm chủ.
Con người là trung tâm của xã hội loài người, xã hội ấy tiến hóa hay thoái hóa là hoàn toàn do hoạt động con người chi phối; mà hoạt động con người lại do tâm trí con người chủ đạo, vậy xã hội phản ánh trung thành tâm trí con người. Cho nên muốn cải tạo xã hội, căn bản là phải cải tạo con người, cải tạo tâm bệnh của con người. Tâm bệnh con người nếu còn độc tài, tham lam, thì xã hội loài người là địa ngục; tâm bệnh con người được đối trị thì con người sẽ sáng suốt mà xã hội con người, kết quả của hoạt động ấy, cũng sẽ cực lạc.
7. Đạo Phật hướng tới việc đào luyện con người có đầy đủ bi, trí, dũng:
Bi là tôn trọng quyền sống của người khác. Trí là hành động sáng suốt lợi lạc. Dũng là quyết tâm quả cảm hành động. Dũng không có bi và trí thì sẽ thành tàn ác và manh động. Trí không có bi và dũng thì sẽ trở thành gian xảo và mộng tưởng. Bi không có trí và dũng sẽ thành bi lụy và nhút nhát. Bi là tư cách tiến hóa, trí là trí thức tiến hóa, dũng là năng lực tiến hóa. Con người như thế là con người mới, căn bản của xã hội mới.
Đạo Phật chủ trương xây dựng và kiến thiết một xã hội mới trên cơ sở con người mới. Cho nên tranh đấu cho xã hội mới ấy là phải chiến thắng chính mình trước hết. Con người tự chiến thắng con người, nghĩa là cái cái tâm bóc lột, đàn áp, độc tài, xâm lược… không còn nữa, thì kết quả được một xã hội mới. Trong xã hội ấy quyền sống tuyệt đối bình đẳng như sự sống: Bình đẳng trong nhiệm vụ, bình đẳng trong hưởng thụ.
8. Đạo Phật chủ trương phải tự lực giải thoát:
Đấy là tinh thần tối cần thiết. Đức Phật chỉ là một đạo sư dẫn dắt con đường sáng cho chúng ta. Còn chúng ta phải tự thắp đuốc trí tuệ của mình mà soi đường, phải dùng cặp chân với năng lực của mình mà đi. Con người mới là phải tự rèn luyện; xã hội mới là phải tự kiến thiết; muốn giác ngộ là phải tự tu chứng. Tự lực giải thoát là con đường duy nhất của mười phương các đức Phật Bồ-Tát. An lạc không phải cầu xin, trí giác không do tưởng thưởng.
Người trong đạo Phật phải tự lực giải thoát ngay trong cảnh giới đau khổ mê muội. Lánh ngoài thế gian đau khổ để tìm giác ngộ là không đạt đến chân lý tối thượng. Phật tử tu không phải là để được đứng vào hàng ngũ thông minh mà phải hướng về lớp người dưới để dìu dắt họ, hướng tới đường tu chính đạo mà thành bậc Giác Ngộ.
Đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta, chứ chân lý không phải là thứ đưa cho người ta cầm nắm được. Đức Phật là đạo sư, nhưng trí giác không phải là thứ ai dạy khôn cho ai. Cho nên đối với chân lý tối cao, ta phải tự lực thể nghiệm. Sự tự lực thể nghiệm ấy, không những áp dụng với tinh thần tự lực giải thoát mà thôi. Con đường giác ngộ cũng vậy, nương theo lời Phật chỉ dẫn, ta phải bước từng bước, hiện chứng đến đâu thể nghiệm chân lý đến đó, cho đến khi toàn giác. Đối với chân lý chưa hiện chứng, chúng ta chỉ nói học, không nói biết. Tinh thần tu chứng đạo Phật là thế.
Trong một số tôn giáo, những lời nói (giáo lý) do bậc Giáo chủ sáng lập nói ra là những “mệnh lệnh” không thể bị từ chối và không thể bị hoài nghi. Bất cứ ai hoài nghi hay không tuân theo thì sẽ bị “trừng phạt”. Đức Phật không bao giờ ép buộc đệ tử phải chấp nhận giáo lý của Ngài. Ngài thường xuyên khích lệ họ hãy bày tỏ sự hoài nghi và chất vấn.
Người ta không thể ép buộc phải chấp nhận niềm tin chân chính. Họ không thể được thuyết phục để chấp nhận những gì mà họ không hiểu hoặc là những gì họ không thích.
Trong Phật giáo, tinh thần cho phép và khích lệ tín đồ tự do hoài nghi, chất vấn hoặc thậm chí khám phá những lời dạy của bậc thầy sáng lập tôn giáo của họ, là một tinh thần độc nhất vô nhị trong số tất cả những tôn giáo trên thế giới. Trong số tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có bậc sáng lập Phật giáo và kinh điển Phật giáo cho phép người ta hoài nghi, thảo luận, chất vấn và khám phá. Phật giáo mời gọi người ta đến để nghiên cứu Phật giáo với tinh thần nghiên cứu tìm tòi, có tính cách độc lập tự chủ và với trí tuệ.
Phật giáo mời gọi tất cả mọi người hãy đến và chính mình chứng kiến và cho phép họ chấp nhận những gì chỉ là sự thật, phù hợp với lý trí, logic và chân lý. Phật giáo khích lệ người tìm kiếm chân lý hãy bác bỏ những thiếu căn cứ, tin đồn, niềm tin mù quáng, thần thông và quyền thuật. Những nguyên lý của Phật giáo mời gọi sư chỉ trích và kiểm nghiệm. Do vậy, Phật giáo là một tôn giáo hấp dẫnt và thu hút đối với đầu óc của những con người duy lý trong thời đại tân tiến.
9. Phật giáo là tôn giáo gần với khoa học:
Không có một sự xung đột nào xảy ra giữa Phật giáo và khoa học và mục đích chung của Phật giáo và khoa học là theo đuổi “chân lý” và “sự kiện”. Nhiều điểm trong giáo lý của đức Phật thật tương xứng với những phát minh của khoa học hiện đại. Nhiều quan điểm về nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo hoàn toàn có thê chứng minh dưới giác độ kho học. Điều đó cho thấy, Phật giáo có nhiều điểm tương xứng với khoa học.
10. Phật giáo là tôn giáo bình đẳng, yêu chuộng hòa bình:
Hầu hết những tôn giáo trên thế giới chỉ công nhận tôn giáo của họ là tôn giáo chân thật duy nhất và chống lại tất cả những tôn giáo khác bởi sự khác biệt đức tin họ theo.
Phật giáo dạy rằng trong tất cả những tôn giáo trên thế giới, chỉ có một sự khác biệt duy nhất trong sự đa dạng của hệ thống giáo lý, còn điểm khác biệt về cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai dường như rất ít. Mỗi tôn giáo đều vì mục tiêu hướng thiện, đó là bản chất và mục đích hoạt động của các tôn giáo. Những lợi ích mà tôn giáo mang lại cho nhân loại được thừa nhận và thực hành theo tức là tôn giáo đó không bị nhân loại thanh lọc và loại bỏ dần.
Đạo Phật chủ trương con người coi trọng bình đẳng. Tứ chúng đều có thể tu hành đắc đạo. Trong Lục hòa của Phật giáo thì yếu tố lợi hòa đồng quân là sức mạnh để kết nối nhân tâm. Phật giáo không phân biệt cũng như phân chia đẳng cấp trong đạo, chỉ có người đắc đạo và sẽ đắc đạo bởi tinh tấn và tu tập mà thôi.
Trong hơn 2500 năm lịch sử, Phật giáo luôn tồn tại trong tinh thần hài hoà với những tôn giáo khác. Không có một sự kiện nào trong lịch sử nơi mà sự truyền bá hoặc thuyết giảng giáo lý Phật đà đã tạo ra những sự xung đột với những tôn giáo khác để gây ra những tác hại tiêu cực. Phật giáo đích thực là một tôn giáo khoan dung và hoà bình.
Người Phật tử được giáo dục không nên chỉ tôn trọng tôn giáo của chính mình và phỉ báng tôn giáo của những người khác mà các vị phải tôn trọng tôn giáo của những người khác. Bằng thái độ như vậy ngoài việc giúp cho tôn giáo của chính mình phát triển mà các vị còn hoàn thành trách nhiệm của mình đối với những tôn giáo khác. Nếu ngược lại, trong khi làm hại đến tôn giáo của những người khác, các vị cũng đang làm hại đến tôn giáo của chính mình. Thái độ khoan dung và thành thật này là một trong những đặc tính quý giá nhất của đạo Phật./.
Phúc Nguyên
Tài liệu tham khảo
[1]. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Triết học Trung Quốc, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
[2]. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà Xuất bản Văn học, 2000.
[3]. Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004.
[4]. Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn, Giáo trình Tôn giáo học, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm, 2006.
[5]. Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1993.
[6]. Lưu Vô Tâm, Phật học khái lược, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2002.
[7]. Thích Thánh Nghiêm, Dịch giả Thích Minh Quang, Phật học quần nghi, sách ấn tống, 2003.
[8]. Đỗ Minh Hợp, Tôn giáo học nhập môn, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2006.
[9]. Thích Quảng Liên, Sử cương triết học ấn Độ, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2006.
[10]. Thích Thiện Tâm, Phật học tinh yếu, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2005.
[11]. Thích Thanh Từ, Bước đầu học Phật, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2005
Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.
Hits: 132