Bài viết khái quát qua về tam thừa trong Phật giáo

http://daibaothapmandalataythien.org/4-tam-thua-phat-giao

Tam thừa Phật giáo

Tam thừa Phật giáo

Mục đích Đức Phật ứng hiện thế gian vì một Đại nhân duyên: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện được mượn để Đức Phật chỉ bày chân lý. Chúng sinh vô số, với căn cơ, trình độ, khả năng khác nhau, nên Đức Phật cũng sử dụng những phương tiện khác nhau để tùy duyên ứng hợp. Sự linh hoạt, mềm dẻo và phong phú trong những lời Phật thuyết đã dẫn đến đời sau đưa ra những lý giải khác nhau.

Đức Phật đã tuyên thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn, hết thảy đều không nằm ngoài các giáo lý của Kinh Thừa và Mật thừa. Căn cứ trên sự khác biệt về cách thức và phương pháp thực hành, các giáo lý do Đức Phật tuyên thuyết được chia theo Tam Thừa (“Thừa” trong tiếng Phạn là “Yana”, theo nghĩa là “Cỗ xe” hay “Con đường). Tam Thừa bao gồm Tiểu thừa (Nguyên thủy Phật Giáo), Đại Thừa và Mật Thừa (Kim Cương Thừa). Trong mỗi Thừa lại có sự phân nhánh tùy theo từng truyền thống và phương pháp thực hành, chẳng hạn như Thiền tông, Tịnh Độ Tông…

Nền tảng của Nguyên thủy Phật giáo dựa trên giáo lý Tứ Diệu Đế, nhằm nhận ra chân lý: vô thường, vô ngã, khổ, không. Đại thừa Phật giáo cũng dựa trên nền tảng giáo lý Nguyên thủy Phật giáo. Sau khi đã thấu hiểu bản chất khổ đau, vô thường của cuộc sống, đồng thời nhận ra tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng, các hành giả nỗ lực, tinh tiến thực hành sáu ba la mật, trí tuệ tính không, trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn để cứu độ, giải thoát hết thảy chúng sinh.

Phật giáo Kim Cương thừa dựa trên nền tảng Kinh thừa, cùng chung một mục đích đạt đến giác ngộ tối thượng, nhưng khác nhau ở cách thức và phương pháp thực hành, đặc biệt chú trọng đến sự tịnh hóa và liên tục duy trì quán tưởng các hình ảnh Phật và biểu tượng giác ngộ để đạt tới Phật tính và cảnh giới thanh tịnh, đồng thời dựa vào nguồn năng lượng thân tâm vi tế sẵn có nhằm thực chứng trí tuệ hỷ lạc bất khả phân với tính không.

Đức Phật đã tuyên thuyết rõ rằng Ngài không có ý định thuyết giảng một học thuyết, mà muốn chỉ ra con đường dẫn tới giác ngộ tối thượng, để chúng sinh nương theo đó có thể tự giải thoát. Do vậy, mỗi hành giả đều tự xác định và lựa chọn cho mình sự thực hành phù hợp, thay vì chỉ y cứ vào Giáo Pháp của Đức Phật như một học thuyết cố định.

Phật giáo Nguyên thuỷ

Như đã đề cập, truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) dựa trên Bộ Kinh được Đại hội Kết tập lần thứ 3 chứa đựng toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật.

Sri Lanka đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn kinh điển và thực hành tu tập theo truyền thống Nguyên Thủy. Sau Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba, tuyển tập Tam tạng kinh (Tripikata) được đưa tới Sri Lanka. Hầu hết các phần trong bộ Tam Tạng Kinh này được viết bằng tiếng Pali, song một số phần được biên soạn bằng ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, qua một vài thế kỷ, tất cả nội dung Giáo Pháp đều đã được chuyển dịch sang tiếng Pali (khoảng năm 35 trước Công nguyên).

Thoạt đầu, hầu hết chư Tăng khổ hạnh đều được gọi là khất sỹ (parivrajaha). Chư Tăng thường vân tập vào mùa mưa, khi việc du hành trở nên khó khăn. Dần dần, nhiều tịnh xá được cúng dường và chư Tăng an cư nhiều hơn. Chỉ một trăm năm sau khi Phật nhập diệt, các tự viện đã trở thành phương tiện chính để trì giữ Giáo Pháp. Bên cạnh đó, nhiều giới luật mới liên quan tới đời sống tự viện được thiết lập. Trong lịch sử Sri Lanka, Phật giáo chỉ bị ngăn cấm trong một giai đoạn ngắn, rồi lại được khôi phục nhờ Giáo Pháp du nhập từ Thái Lan, vốn cũng bắt nguồn từ Sri Lanka. Ngày này, các nước vẫn còn lưu giữ truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy gồm có Sri Lanka, Thái Lan, Mianma, Campuchia và Lào. Giáo Pháp Tứ Diệu Đế và thực hành thiền định là căn bản tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy.

Thuật ngữ Tiểu Thừa (Hinayana) chỉ xuất hiện mãi về sau, khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi có giáo lý mang tư tưởng khác biệt được gọi là Đại Thừa (Mahayana).

Tại Ấn Độ, các Giáo Phái không thuộc Đại Thừa hay Tiểu Thừa phát triển độc lập với Phật giáo tại Sri Lanka. Ngày nay, Phật giáo Tiểu thừa hầu như không còn tồn tại ở bất cứ nơi đâu, song có thể coi Phật giáo Nguyên Thủy là truyền thống gần giống với Phật giáo Tiểu thừa nhất.

Mục đích rốt ráo của sự thực hành Giáo Pháp theo truyền thống Nguyên Thủy, cũng như theo các truyền thống Phật Giáo không phải Đại thừa là đạt tới quả vị A La Hán, bởi niềm tin rằng thành tựu Phật quả gần như không thể nào đạt tới trong kiếp này. Dù cứu giúp chúng sinh cũng được coi là một phần của sự thực hành Phật Pháp, song động cơ chính dẫn hành giả đi trên con đường tâm linh là đạt tới Niết bàn và tự mình giải thoát.

Phật giáo Đại thừa

Có thể nói Phật giáo Đại thừa đã phát triển trong giai đoạn giữa thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, Phật giáo Đại thừa đã hình thành khá rõ ràng. Bồ Tát Long Thọ đã phát triển Đại thừa dựa trên giáo lý về Tính không (Sunyata) và chứng minh rằng vạn pháp đều là không (void) trong một tiểu luận có tên gọi Madhyamika – karika. Sau thế kỷ thứ nhất, truyền thống Đại thừa được xác lập rõ ràng và chỉ lúc đó mới có các thuật ngữ Mahayana (Đại thừa Phật giáo) và Hinayana (Nguyên thủy Phật giáo).

Khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, xuất hiện một hệ thống giáo lý theo phong cách hoàn toàn khác. Người có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa là Ngài Long Thọ – thế kỷ thứ hai sau Công nguyên) – nổi tiếng với những giáo pháp thâm diệu về triết học tính không. Khoảng thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, các Đạo sư Vô Trước và Thế Thân đã viết nhiều luận cứ để triết giảng về giáo lý Đại Thừa. Giáo Pháp Đại thừa chủ yếu được viết bằng tiếng Phạn, ngày nay được gọi là Kinh điển Đại Thừa.

Giữa các trường phái theo giáo lý truyền thống và Đại Thừa có sự phân chia rõ ràng, dù không hẳn về khác biệt quan kiến, song lại dẫn tới sự khác biệt sâu sắc trên con đường thực hành.

Triết học Đại thừa dựa trên truyền thống cổ xưa và tuân thủ mọi giáo lý, song lại không chấp nhận nhiều phần luận giảng giáo lý: chẳng hạn như luận điểm cho rằng chỉ có rất ít chúng sinh có khả năng đạt tới quả vị Phật. Giáo lý Đại thừa cho rằng mỗi chúng sinh (hữu tình có tâm thức) đều có khả năng thành Phật. Điều duy nhất ngăn cản chúng sinh đạt được giác ngộ là do không biết chuyển hóa hành động và tâm thức.

Phật giáo Đại Thừa khẳng định mọi giáo lý Đại Thừa đều do chính Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, hoặc khởi nguồn từ Đức Phật.

Động cơ chính của sự thực hành Đại Thừa là dẫn dắt mọi chúng sinh đạt được giác ngộ. Giải thoát khỏi luân hồi sinh tử (Niết Bàn) và đạt được Phật quả được coi như thành quả của nỗ lực tinh tấn cứu độ chúng sinh. Thật vậy, động cơ duy nhất khiến hành giả có thể thành Phật chính là hạnh nguyện vị tha dẫn dắt mọi chúng sinh xa rời đau khổ. Động cơ này được hiển lộ bằng sự phát nguyện trì giữ thêm một bộ giới nguyện được gọi là Bồ Tát giới, sau khi đã phát nguyện hành trì những giới căn bản của Quy y. Trong đó giới nguyện căn bản nhất chính là giải thoát mọi chúng sinh khỏi trầm luân đau khổ.

Sự phát nguyện trì giới này không phải chỉ trong một đời, mà trong cả các đời vị lai cho tới khi hạnh nguyện được viên mãn. Các Pháp thực hành chính của Phật Giáo Đại Thừa bao gồm Lục Độ Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

Truyền thống Đại Thừa chủ yếu phát triển ở miền Bắc Ấn, hoằng truyền lên phía Bắc và du nhập sang Trung Quốc và Tây Tạng. Ở Trung Quốc, triết học và thực hành theo đạo Phật thường có lẫn các yếu tố của Đạo Lão và Nho giáo. Từ Trung Quốc, Phật Giáo Đại Thừa cũng được hoằng truyền sang nhiều quốc gia khác như Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia, Lào và Nhật Bản. Ngoài ra, ở Trung Quốc, truyền thống Thiền (Ch’an) du nhập vào Nhật bản và phát triển thành Thiền đạo Nhật Bản (Zen).

Dù có sự phân biệt rất rõ ràng giữa Nguyên Thủy Phật Giáo và Đại Thừa Phật Giáo, cần lưu ý là trong nhiều thế kỷ, các tự viện ở Ấn Độ là nơi an cư và tu học dành cho chư Tăng thuộc cả hai truyền thống. Việc lựa chọn động cơ giải thoát chính mình hay đạt tới quả vị Phật được coi là vấn đề riêng tư của mỗi hành giả. Các giới luật của tự viện được áp dụng chung, hầu hết giáo pháp cũng được thuyết giảng chung.

Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana)

Khoảng thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, trong Phật giáo Đại Thừa bắt đầu hình thành truyền thống Kim cương thừa. Với nền tảng vững chắc dựa trên Nguyên Thủy và Đại thừa Phật Giáo, dù hầu như không có khác biệt về quan điểm triết học so với Phật giáo Đại thừa, song về phương pháp thực hành tu tập có rất nhiều khác biệt.

Trước khi bắt đầu sự thực hành theo Kim cương thừa, điều cốt yếu là hành giả cần có nền tảng vững chắc về giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Đại thừa. Để thực hành đúng pháp và đạt được thành tựu, hành giả cần tìm cầu quy y bậc Thượng sư đầy đủ phẩm chất thuộc một Truyền thừa không gián đoạn, thụ nhận giáo pháp khẩu truyền, quán đỉnh gia trì với từng pháp tu Phật Bản tôn, sau đó phát nguyện trì giữ giới Tam Muội Da, hoàn thiện Pháp tu mở đầu nền tảng, viên mãn các pháp thực hành thiền định của từng giai đoạn Phát triển, Thành tựu và cuối cùng là giáo pháp tối thượng Đại Thủ Ấn.

Sự tu tập Kim cương thừa là thực hành phương tiện thiện xảo giác ngộ ngay trong một đời bằng cách tự thiền định về Thân Khẩu Ý giác ngộ của vị Phật Bản Tôn để tích lũy công đức. Thực hành giai đoạn thành tựu để tích lũy trí tuệ. Điều này vô cùng quan trọng, không chỉ vì lợi ích bản thân hành giả, mà chỉ khi đã thành Phật, hành giả mới có đầy đủ những phẩm hạnh siêu việt nhất để cứu độ chúng sinh khác. Động cơ tu tập Kim cương thừa là: “tức tốc đạt thành Phật quả, để sớm lợi ích cứu độ chúng sinh”.

Tùy theo cấp độ thực hành, cùng với các giới nguyện Quy y và Bồ tát giới, hành giả sẽ phát nguyện trì thêm nhiều giới nguyện khác. Bên cạnh đó, hành giả còn phát nguyện nhập thất, trì tụng chân ngôn và thực hành thiền định mỗi ngày.Vào thế kỷ thứ 8, Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa từ miền bắc Ấn Độ được hoằng truyền vào vùng dãy núi Hymalaya. Ngày nay, các nước Nepal, Bhutan, Ladakh, Ấn Độ và Mông Cổ lưu giữ được gần như nguyên vẹn các giáo pháp Kim cương thừa. Phật giáo Kim cương thừa truyền thống cũng được thực hành vùng núi tuyết Himalaya như Ladakh (phía Đông Bắc Ấn Độ), Sikkim (phía Tây Bắc Ấn Độ), Nepal và Mông Cổ. Tại Trung Quốc và các nước khác như Triều Tiên, Nhật Bản, vẫn còn lưu giữ các dấu tích của Phật giáo Kim Cương Thừa.

Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn  , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân  ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.

Hits: 93

Post Views: 445