Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Sa-kê-đế[2] trong rừng Thanh[3].
Bấy giờ ở Sa-kê-đế có ba thiện gia nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la[4] đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu.
Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh chăng?”
Khi đó các vị Tỳ-kheo im lặng, không trả lời.
Đức Thế Tôn ba lần hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh chăng?”
Khi ấy các Tỳ-kheo cũng ba lần im lặng, không đáp. Thế rồi Đức Thế Tôn hỏi thẳng ba thiện nam tử ấy, Ngài nói với Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Các ngươi, ba thiện gia nam tử, đều ở tuổi thiếu niên, mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp không lâu. Này A-na-luật-đà, các ngươi có vui thích ở trong Pháp Luật chân chánh này mà thực hành phạm hạnh chăng?
Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy, chúng con vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi lúc còn nhỏ, là những đồng tử ấu thơ, trong trắng, tóc đen, thân thể thạnh trắng, vui thích trong du hý, vui thích trong tắm gội, săn sóc nâng niu thân thể. Về sau, bà con thân thích và cha mẹ đều cùng lưu luyến, thương yêu, khóc lóc thảm thiết, không muốn cho các ngươi xuất gia học đạo. Các ngươi đã quyết chí cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, không phải vì sợ giặc cướp, không phải vì sợ nợ nần, không phải vì sợ khủng bố, không phải vì sợ bần cùng, cũng không phải vì sợ không sống được mà phải xuất gia học đạo, mà chỉ vì nhờm tởm sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, sầu khổ, hoặc vì muốn đạt đến tận cùng của khối khổ đau vĩ đại này nên xuất gia học đạo. Này A-na-luật-đà, các ngươi vì những tâm niệm này mà xuất gia học đạo chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy”.
Phật liền nói:
“A-na-luật-đà, nếu thiện gia nam tử nào với tâm niệm như thế mà xuất gia học đạo, nhưng có biết do đâu mà chứng đắc vô lượng thiện pháp chăng?”
Tôn giả bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe, chúng con sẽ biết được nghĩa một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn liền bảo:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt nghĩa ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn bảo:
“A-na-luật-đà, nếu ai bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả lạc, vô thượng tịch tĩnh, thì với người ấy tâm sanh ra tham lam, sân hận, thụy miên, tâm sanh không an lạc, thân sanh ra dã dượi, ăn nhiều, tâm ưu sầu. Tỳ-kheo ấy không nhẫn nại được đói khát, nóng lạnh, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng không thể nhẫn nại được. Thân mắc phải các bệnh tật thống khổ đến mức muốn chết và gặp những cảnh ngộ không vừa lòng đều không thể nhẫn chịu được. Vì sao? Vì bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả lạc, vô thượng tịch tịnh. Trái lại, nếu ly dục, không bị ác pháp quấn chặt, chắc chắn sẽ đạt đến xả ly, an lạc vô thượng tịch tịnh. Tâm vị ấy không sanh ra tham lam, sân nhuế, thụy miên, tâm được an lạc. Thân không sanh ra dã dượi, cũng không ăn nhiều, tâm không sầu não. Tỳ-kheo ấy nhẫn nại được đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng đều nhẫn nại được. Thân dù mắc những chứng bệnh hiểm nghèo rất thống khổ đến mức chết được, hay gặp những cảnh ngộ không thể vừa lòng, đều nhẫn nại được. Vì sao? Vì không bị dục phủ kín, không bị ác pháp quấn chặt, lại đạt đến xả ly, an lạc vô thượng tịch tịnh.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì ý nghĩa gì mà có cái hoặc phải đoạn trừ, hoặc có cái phải thọ dụng, hoặc có cái phải kham nhẫn, hoặc có cái phải đình chỉ, hoặc có cái phải nhả bỏ[5]?”
A-na-luật-đà bạch rằng:
“Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ biết được những nghĩa ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn lại bảo:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.
Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, các lậu ô uế là gốc của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh, già, bệnh, chết; Như Lai không phải vì không diệt tận, không phải vì không biến tri mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì nhân nơi thân này, nhân nơi sáu xứ, nhân nơi thọ mạng mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những nghĩa này mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những ý nghĩa nào mà sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, ưa sống nơi vách núi cao, vắng vẻ không tiếng động, viễn ly, không có sự ác, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa như thế?”
Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là Chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, không phải vì muốn đạt được những gì chưa đạt đến, vì muốn thu hoạch những gì chưa thu hoạch, vì muốn chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những ý nghĩa ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, không phải vì xu hướng của người mà nói, cũng chẳng phải vì lừa gạt người, cũng chẳng phải vì muốn vui lòng người mà khi đệ tử lâm chung, Như Lai ghi nhận vị này sẽ sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Này A-na-luật-đà, chỉ vì những thanh tín thiện nam hay thanh tín thiện nữ với tín tâm nhiệt thành, với ái lạc cao độ, với hỷ duyệt cùng cực, sau khi đã nghe Chánh Pháp Luật, tâm nguyện tu tập theo như vậy, cho nên lúc lâm chung của các đệ tử, Như Lai đã ghi nhận vị này sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận đã đắc cứu cánh trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc nhiều lần trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Chánh Pháp Luật này, Tỳ-kheo kia có thể tâm nguyện tu tập như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo ấy chắn chắc được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái[6].
“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc chính mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Này A-na-luật-đà, lại nữa, Tỳ-kheo nào nghe rằng: ‘Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết sử, đã làm mỏng dâm, nộ, si, chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian; sau một lần qua lại thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy…’ Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh gác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại nhân gian, thiên thượng thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy’. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: “Tỳ-kheo-ni ấy được Phật ghi nhận đã đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy Tỳ-kheo-ni ấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, có trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, nhớ rằng Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Thế Tôn ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại cõi này nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác nói lại rằng: ‘Tỳ-kheo ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận rằng đã dứt sạch ba kiết sử, đã mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau khi một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào ác pháp, nhất định đã đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Tỳ-kheo-ni kia nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo-ni kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn có sự sai giáng an lac trụ chỉ.
“Này A-na-luật-đà, nếu vị Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào chỗ kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, vị Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy vị Ưu-bà-tắc kia chắc chắc được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết, đã làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe Ưu-bà-tắc kia lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, đã đoạn ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Này A-na-luật-đà, nếu Ưu-bà-tư nào nghe vị Ưu-bà-tư ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư đó nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tư đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tư nào nghe Ưu-bà-tư đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba phần kiết, làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư kia nhớ rằng: Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-tư đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư nào nghe vị Ưu-bà-tư đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết, chứng Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào ác pháp, nhất định sẽ đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư ấy nhớ lại rằng: Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-tư ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư ấy chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những thiện lợi ấy nên khi đệ tử lâm chung ghi nhận vị này sẽ sanh vào chỗ này, vị kia sẽ sanh vào chỗ kia”.
Phật thuyết như vậy Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích
[1] Tương đương Pāli M.68. Naḷakapāna-suttaṃ.
[2] Sa-kê-đế 娑雞帝. Pāli: Sāketa, một thị trấn lớn của Kosala, cách Sāvatthi chừng bảy dặm.
[3] Thanh lâm 青林. Pāli, có lẽ: Palāsavana. Bản Pāli: Kosalesu, Naḷakapāne Palāsavane, trú Kosala, thôn Nalapāna, rừng Palāsa.
[4] Xem kinh số 72 ở trước và kinh số 185 ở sau.
[5] Hữu sở trừ, sở dụng, sở kham, sở chỉ, sở thổ. Pāli: saṅkhāyekaṃ paṭisevati saṅkhāyekaṃ adhivāsati saṅkhāyekaṃ parivajjati saṅkhāyekaṃ vinodeti: sau kki tư duy, thọ dụng một pháp; sau khi tư duy, nhẫn thọ (chấp nhận) một pháp; sau khi tư duy, xả ly một pháp; sau khi tư duy, bài trừ một pháp.
[6] Hán: sai giáng an lạc trụ chỉ. Xem cht.20, kinh số 72.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 13