Hôm nay chúng ta học bài kinh Hạnh Phúc, tên Pāli là Maṅgala Sutta. Bài kinh này ngài Minh Châu có dịch với tựa đề là kinh Điềm Lành. Còn bản kinh thầy dựa vào đó để giảng là bản dịch của ngài Viên Minh, được phổ biến rộng rãi trong các chùa Nam tông tại Huế.
Từ “Maṅgala” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là điềm lành; nghĩa thứ hai là hạnh phúc, điều tốt đẹp, sự thịnh vượng. Xét kỹ, nghĩa thứ hai của từ này sẽ phù hợp hơn với nội dung của bài kinh. Vì tất cả những điều đức Phật dạy trong bài kinh này đều hướng đến một điểm chung, đó là thái độ, hành vi hay lối sống mang lại hạnh phúc, điều tốt đẹp, an lành, an vui cho những người đi theo lối sống như thế.
Trong bài kinh này, cuối mỗi đoạn kệ (bài kinh được ghi chép theo thể văn vần) có lặp lại như điệp khúc câu: “Etam maṅgalam’uttamaṃ.” Trong đó, “uttamaṃ” tính từ có nghĩa là: cao thượng, cao đẹp. Như vậy, “maṅgalam’uttamaṃ” có nghĩa là phúc lành/ hạnh phúc an lành/ cao thượng.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn
Ngự tại Kỳ Viên tịnh xá
Của trưởng giả Cấp Cô Độc Gần thành Xá-Vệ
Bài kinh này được giảng khi đức Phật ở tại tịnh xá Kỳ Viên, là vườn của thái tử Jeta (Jetavana), do trưởng giả Sudatta, dùng vàng mua lại đất vườn xoài của thái tử Jeta. Ông là một đại thiện nhân (nhà từ thiện lớn của xã hội) hay giúp đỡ những người khó khăn, nghèo khổ cho nên người ta gọi ông là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc: vị hay giúp đỡ, cưu mang người cô quả, đơn chiếc, nghèo khổ). Ông đã xây dựng tịnh xá Kỳ Viên cho đức Phật và các môn đệ lưu trú, hằng năm có thể về đây an cư trong những tháng mùa mưa. Theo sử liệu ghi lại, đức Phật đã an cư ở tu viện này mười chín mùa hạ. Từ khi đức Phật khởi sự hoằng pháp đến lúc Niết-bàn là bốn mươi lăm hạ, vậy thời gian Ngài lưu trú tại tịnh xá Kỳ Viên nhiều nhất so với các địa điểm khác. Nhiều bài kinh cũng thường đề cập đến địa điểm này.
Tịnh xá Kỳ Viên còn có tên là Bố Kim tự, tức là rải vàng để mua đất làm chùa, xuất phát từ câu chuyện sau:
Cư sĩ Cấp Cô Độc sau khi nghe pháp từ đức Phật xong hoan hỷ và trở thành cận sự nam luôn đi theo Ngài. Khi ông khởi ý tìm một khu đất thích hợp để mua, không xa cũng không gần đô thị để đức Phật và chư Tăng tiện đi khất thực, và cũng để các môn đệ tại gia như ông có thể đến nghe pháp và thăm viếng dễ dàng. Ông tìm thấy một vườn xoài và sau khi tìm hiểu thì biết khu vườn này là sở hữu của thái tử Jeta, liền đến gặp chủ nhân thương lượng. Khu vườn khá đẹp, lại ở vị trí đắc địa, vị thái tử không muốn bán nên ra giá rất cao để ông không mua được.
Ông Cấp Cô Độc cười trả lời: “Với giá này thì tôi có thể mua, thưa Thái tử. Nhưng tôi đang suy nghĩ xem lấy vàng từ kho nào gần nhất cho tiện, chứ không phải tôi không đủ sức mua.”
Sau đó, ông lập tức huy động người nhà lấy xe bò chở vàng đến rải khắp mặt đất. Điều này khiến vị thái tử hoảng hốt và bất giác suy nghĩ: “Người này dùng một số vàng rất lớn để mua khu vườn cúng dường cho một vị sa-môn, thì chắc chắn vị này phải rất đặc biệt, và có nhiều phước báu. Đây là cơ hội để mình làm một việc gì đó tạo phước”. Vì thế thái tử Jeta nói với ông Cấp Cô Độc:
Vị thái tử lặp lại câu nói như trên. Đoán chừng vị thái tử muốn làm khó, nên ông Cấp Cô Độc hỏi: “Ông muốn như thế nào thì nói thật đi.”
Vị thái tử trả lời: “Cây tôi không bán nhưng tôi cúng dường với điều kiện tên của tu viện phải đứng tên tôi”. Vì vậy tu viện được đặt tên là Jetavana, nghĩa là “vườn của thái tử Jeta”.
Chúng ta đi tiếp bài kinh.
Khi đêm gần mãn Có một vị trời Dung sắc thù thắng
Hào quang chiếu diệu Sáng tỏa Kỳ Viên Đến nơi Phật ngự Đảnh lễ Thế Tôn
Rồi đứng một bên.
Nguyên nhân của bài kinh này đầu tiên là do một vị thiên, mặc dù sống trong cảnh giới an lành tốt đẹp nhưng vẫn không tìm thấy, không nhận ra, không biết rõ như thế nào là chân hạnh phúc. Vì thế vị thiên này cùng những người có chung tâm tư, nguyện vọng, đã đến trong đêm gặp và xin đức Phật chỉ dạy cho như thế nào là hạnh phúc an lành, và làm thế nào để có được hạnh phúc đó.
Nói rõ hơn, theo lịch sinh hoạt của đức Phật thì vào ban ngày và đầu đêm đức Phật sẽ giải đáp, nói pháp cho thiện nam tín nữ và chư tỳ-khưu nghe; đến đêm khuya sẽ là giờ hỏi đạo của chư thiên, sau khi chư Tăng đã đi nghỉ. Nửa đêm về sáng, đức Phật sẽ nghỉ ngơi trong vài ba tiếng rồi Ngài thức dậy và dùng đại bi tâm quán chiếu ai hữu duyên thì ngày hôm sau sẽ đi độ.
Vị thiên này sau khi đến gặp đức Phật, thành kính đảnh lễ Ngài, bèn đứng qua một bên. Thường thì bất kỳ ai đến gặp đức Phật không đứng đối diện, vì như thế sẽ che mặt Ngài. Và nơi đức Phật ở luôn có rất nhiều chư thiên và những người ở xa muốn chiêm ngưỡng dung nhan đức Phật. Sau khi đứng sang một bên, vị ấy đã kính cẩn thưa chuyện:
Cung kính bạch Phật Bằng lời kệ rằng:
“Chư thiên và nhân loại Suy nghĩ điều hạnh phúc Hằng tầm cầu, mong đợi Một đời sống an lành Xin Ngài vì bi mẫn Hoan hỷ dạy chúng con
Về phúc lành cao thượng.”
Trong nội dung bài kinh này, đức Phật đã trình bày hạnh phúc dưới nhiều hình thái khác nhau, với
các cấp độ từ thấp đến cao. Chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng nội dung bài kinh.
Thế Tôn tùy lời hỏi
Rồi giảng giải như vầy:
Đức Phật dạy, đầu tiên, muốn có được hạnh phúc thì những việc làm, những hành vi, nhận thức cần được thực hiện như thế này:
Thứ nhất, phải biết chọn bạn giao du, giao tiếp. Không gần gũi bạn ác, cả trong nghĩa bạn bè và trong nghĩa những người mình học hỏi xung quanh. Ông bà ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, còn ngạn ngữ phương Tây thì có câu: “Bạn cho tôi biết bạn thường giao thiệp với ai, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào”, hay câu tục ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vậy.
Thứ hai, nên tiếp xúc với những bậc hiền trí, là những người có lối sống hiền thiện, đức độ, có nhiều hiểu biết, khôn ngoan để được gần gũi người tốt, học hỏi điều gì nên làm, điều gì nên tránh.
Thứ ba, cúng dường hoặc tôn kính những người xứng đáng như ông bà, cha mẹ, thầy cô,… Còn trong đạo pháp là cúng dường Tam Bảo.
Khi chúng ta thực hiện được ba điều này chúng ta đã có được những hạnh phúc cao thượng, an lành; tình cảm đối với các quan hệ xung quanh chắc chắn sẽ tốt đẹp.
Chân chánh hướng tự tâm, Là phúc lành cao thượng.
Vậy trong câu đầu của đoạn này, đức Phật dạy, một trong những điều làm chúng ta hạnh phúc, là phải ở nơi thích hợp. Người xuất gia có trú xứ riêng và người tại gia cũng có trú xứ riêng.
Đối với người xuất gia, nếu gặp được những người lớn, thầy tổ nhắc nhở tu tập thì sẽ thay đổi theo
chiều hướng tích cực được. Còn nếu trong môi trường mà thầy lẫn trò đều lười biếng, không lo tu tập thì điều tốt nhất để mình có hạnh phúc là xa rời chỗ đó, tìm nơi khác phù hợp thì đường tu của mình mới tiến bộ. Nếu không thì sau một thời gian cũng bị nhiễm.
Hoặc với những người xuất gia cũng có trường hợp đệ tử được thầy dạy về Phật Pháp, về thiền để tu tập thêm. Nếu người thầy không có khả năng dạy dỗ, hướng dẫn nhưng có ý thức trách nhiệm giáo huấn thì có thể gửi đệ tử đi học, đi đào tạo ở môi trường giáo dục phù hợp để phát triển tốt hơn thì đó cũng thuộc trong nội dung “ở trú xứ thích hợp”.
Cũng như muốn có nơi yên tĩnh để đọc sách, đọc kinh để hiểu biết thêm, mở mang thêm đầu óc mà bị công việc chi phối thì không thể phát triển được. Ở một nơi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước bẩn,… thì sẽ tổn hại sức khỏe, không thể mạnh khỏe được. Còn ô nhiễm về mặt tâm linh, mê tín, lôi kéo mình vào những điều tăm tối thì tâm linh mình không phát triển được. Hay muốn tu thiền tốt thì phải hội đủ bốn yếu tố là “pháp, tài, lữ, địa”. “Pháp” là đề mục thích hợp; “địa” là trú xứ thích hợp; “tài” là vật chất, cơm ăn, áo mặc thích hợp; và “lữ” là bạn bè thích hợp.
Người tại gia cũng vậy. Nếu mình muốn phát triển nghề nghiệp, kiến thức thì mình phải chọn nơi có
thể phát triển. Muốn con mình nên người, phát triển thì phải chọn chỗ ở tốt để con không bị lây nhiễm cái xấu từ môi trường xung quanh. Đó cũng là yếu tố mang đến hạnh phúc.
Chắc mọi người đã nghe câu chuyện về mẹ của Mạnh Tử ở Trung Quốc vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Chuyện thế này: Do nhu cầu kiếm sống nên hai mẹ con Mạnh Tử đến ở gần khu chợ. Sau thời gian, Mạnh mẫu thấy con mình nhiễm tính chợ búa, thích ăn thua với người, nói lời thô lỗ, tục tĩu, hung dữ. Bà mẹ suy nghĩ, nếu cứ sống ở đây thì mình chỉ nuôi được phần xác, còn phần tâm trí sẽ dễ bị hư hỏng nên bà mẹ chuyển đến gần một trường học. Mạnh Tử chuyển về ở đây thì theo bạn bè đến lớp. Chỉ sau một thời gian ngắn, cử chỉ và thái độ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Nhờ người mẹ sáng suốt đã chọn nơi ở thích hợp mà Mạnh Tử sau này đã trở thành vị hiền triết của Trung Quốc.
“Công đức trước đã làm” là một trong những yếu tố giúp mình được hưởng nhiều điều tốt đẹp trong đời nay. Đó là các thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ. Gọi là phúc quá khứ. Dân gian thường bảo nhau: “Con trai nhờ phúc mẹ, con gái nhờ phúc cha”. Ý nói phúc đức của cha mẹ, tổ tiên, dòng tộc và của chính mình tạo dựng là nguồn lực tạo ra hạnh phúc cho mình. Còn những người thiếu phước thì gặp rất nhiều khó khăn,
trở ngại, bất hạnh. Hạnh phúc có được là nhờ vào phúc đức trong quá khứ của bản thân, gia đình, và tổ tiên.
“Chân chính hướng tự tâm” nói đơn giản, đó chính là mọi việc đều đặt nền tảng từ mình mà ra, do vậy phải luôn luôn quay về với chính mình, nương tựa nơi chính mình. Hạnh phúc không rơi từ trên trời xuống hay ai ban phát cho, mà do nơi bản thân mình. Mình gieo, mình trồng nên đừng mong cầu một hạnh phúc từ bên ngoài đến với mình. Tâm mình yên ổn, mát mẻ đó chính là hạnh phúc.
Là phúc lành cao thượng.
Nghề nghiệp giỏi, học nhiều biết rộng thì trong hoàn cảnh nào, mình đều có cách giải quyết để giúp mình, giúp người bằng chính kiến thức của mình.
Nghề nghiệp giỏi chính là sự điêu luyện trong chính nghề nghiệp của mình, sẽ thu hoạch được nhiều điều tốt đẹp. Ví dụ thợ giỏi sẽ được trả ba trăm đồng, thợ kém thì chỉ nhận hai trăm đồng. Thợ giỏi thì thời gian làm việc nhanh hơn hoặc làm ra sản phẩm tinh
xảo hơn. Tất cả những điều đó trong đời sống bình thường đều hết sức cần thiết. Đó là hạnh phúc do chính mình tạo ra, do mồ hôi, chất xám, năng lực của mình mà có.
Những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tinh xảo là do được đào tạo, rèn luyện, học tập, và phải thường xuyên bổ sung những điều chưa biết, nhờ vậy sẽ có được năng lực chuyên môn tốt, vững vàng.
Nói năng dựa trên nền tảng là chỉ nói ra sự thật, truyền đạt sự thật mới tạo được sự tin cậy, tín nhiệm của những người xung quanh. Nếu cần một người để đối chứng, để đưa ra sự thật thì người nói lời chân thật luôn được nhớ đến. Nếu mình luôn nói ra những điều chân thật thì không có gì phải hổ thẹn, ăn năn đối với việc đã xảy ra.
Còn khi dối trá – nhất là lần đầu, vì những lần sau đã tạo thành thói quen – thì luôn luôn cảm thấy ăn năn, dằn vặt, hối tiếc vì những việc làm của mình. Vì vậy để có được hạnh phúc, để khi đi ngủ không phải lăn tăn suy nghĩ, thì chỉ có cách sống thật, nói thật, truyền đạt cái thật. Như vậy người xung quanh luôn tin cậy mình, và bản thân mình không phải đau khổ vì ân hận, bất an.
Dưỡng dục vợ và con,
Sở hành theo nghiệp chánh, Là phúc lành cao thượng.
Đối với cha sinh mẹ đẻ của mình và cha mẹ của người hôn phối, thì chúng ta phải hiếu thuận. Gia đình nào giữ được quan hệ tốt giữa cha mẹ với con cái, giữa ông bà với cháu chắt thì gia đình đó sẽ hạnh phúc. Hiếu thuận với ông bà, cha mẹ là một trong những hành vi, lối sống mang lại hạnh phúc an lành.
Ngày xưa, việc chăm lo kinh tế gia đình là trách nhiệm của người chồng. Còn trong xã hội hiện nay vai trò đó được thay đổi, hoán chuyển hoặc cả hai người chồng và người vợ đều phải có trách nhiệm với gia đình của mình và chung lo kinh tế nên phải học hỏi cách ứng xử trong quan hệ với nhau cho thật tốt.
Nguyên tắc sống lành mạnh thứ nhất đức Phật dạy cho các hàng cư sĩ Phật tử: Phải hiểu sự sống là gì, để tôn trọng và bảo vệ sự sống. Cần hiểu biết mối quan hệ giữa các thành phần tạo nên sự sống để tương tác giữa mình và những người xung quanh phù hợp, trong đó gia đình mình là môi trường gần nhất, cần có bầu không khí bao dung, thương yêu, thông cảm, và hỷ xả. Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều áp lực,
tuy nhiên, không nên đem những áp lực đó về làm ô nhiễm gia đình. Với con cái thì phải giáo dục. Còn giữa vợ chồng phải trao đổi, sửa chữa những cái không đúng. Ai cũng có những thiếu sót, không ai là hoàn hảo. Bởi vậy biết lắng nghe để điều chỉnh thì sẽ có được hạnh phúc. Còn nếu mình chủ quan, cho rằng mình đúng, quen ra lệnh thì sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ.
Từng thành viên trong gia đình phải hiểu rõ mình là ai trong ngôi nhà của mình để có trách nhiệm, cách xử sự đúng đắn thì đó mới là tổ ấm thật sự, còn không, đó là lò lửa.
“Sở hành theo nghiệp chánh” theo đức Phật dạy, đó chính là Chánh nghiệp. Phải có hành động, lời nói, suy nghĩ đúng đắn trong cuộc sống. Trong các hành vi về thân cần phải tránh có các bất thiện nghiệp là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Rời xa những bất thiện nghiệp, điều chỉnh hành vi theo thiện nghiệp thì cuộc sống mới an lạc. Vì không gieo nhân bất thiện thì sẽ không phải chịu quả báo khổ trong đời này và đời sau. Không biết rõ tính chất của nghiệp và hậu quả của nó thì chúng ta sẽ gặp nhiều điều bất hạnh. Nương theo Chánh nghiệp, đó là nền tảng của hạnh phúc.
“Bố thí” (dāna) nghĩa là chia xẻ với người khác. Không phải khi có nhiều mình mới bố thí, mà khi người khác cần, từ vật chất, kỹ năng, kiến thức,… mình có thể san sẻ được thì đó gọi là bố thí. Bố thí khác với xả thí (pariccāga). Xả thí là buông ra những thứ trói buộc mình do tâm tham, tâm sân.
Khi giúp được người khác mình sẽ cảm thấy vui vẻ vì mình đã cho đi bằng niềm vui. Còn khi bố thí để cầu được phước báo hay được người khác nhớ ơn thì không còn là bố thí thiện, mà gọi là bố thí đầu tư, tạo bất thiện phước.
“Hành đúng pháp” tức là sống thuận pháp. Ứng xử đúng, thuận với quy luật tự nhiên. Nếu đi ngược lại với quy luật đó thì mình sẽ chịu khổ.
“Giúp ích hàng quyến thuộc”. Khi bà con, người trong dòng tộc của mình gặp khó khăn mà mình có thể giúp đỡ được, đó là việc làm xuất phát từ tình thương, chứ không phải cần họ nhớ ơn. Cho nên điều mình cần
nhớ khi mình giúp đỡ người thân, quyến thuộc là vì mối quan hệ huyết thống, vì tình cảm, vì trách nhiệm. Làm được điều đó thì mối quan hệ của mình trong gia đình sẽ tốt đẹp. Đó cũng là nền tảng mang lại hạnh phúc vì những mối quan hệ này phải được xây dựng tốt đẹp thì cuộc sống của mình mới được yên ả, tốt lành.
Trong pháp không phóng dật, Là phúc lành cao thượng.
Hành vi thường bắt đầu từ ý tưởng, ý niệm, nhận thức rồi tác động đến việc làm của mình. Muốn có đời sống nội tâm yên tĩnh, cuộc sống hạnh phúc thì mình phải luôn sáng suốt tỉnh táo, để khi có bất kỳ ác niệm nào khởi lên trong tâm mình phải nhận ra, đừng để trở thành nô lệ hoặc trở thành đồng lõa với nó. Bản chất của tâm thì luôn vận động. Mình cố dẹp nó là điều bất khả. Chỉ có thể khiến nó dừng lại một lúc nào đó, khi năng lực đó hết thì nó sẽ trở lại như cũ. Những niệm tưởng nào bất thiện, ác xấu xuất hiện thì phải nhận ra ngay tức khắc, đừng để nó chi phối mình. Đó là trạm tiền tiêu đầu tiên chúng ta cần phải bảo vệ để không bị lôi vào “một cuộc chiến tranh không có ngày kết
thúc”. Biết “xả ly tâm niệm ác” là giải pháp tốt nhất, cần thiết nhất trong đời sống hàng ngày.
“Chế ngự không say sưa” là luôn giữ cho mình tỉnh táo, tránh xa các chất say như rượu, bia và các chất gây nghiện, nếu không sẽ bị bất thiện pháp xuất hiện, chi phối mình. Không uống, không hít, không sử dụng bất cứ chất gì khống chế thần kinh của mình.
“Trong pháp không phóng dật” nghĩa là khi xa lìa hai điều kể trên, giữ tâm luôn tỉnh giác, trong sáng thường xuyên thì sẽ không bị phóng dật. Phóng dật là tâm dể duôi, không trong sáng và không tỉnh táo. Nếu mình giữ tâm trong sáng, tỉnh táo thường xuyên là mình đang an trú trong thiện pháp, không cho cái ác có cơ hội làm chủ.
Đúng thời nghe chánh pháp, Là phúc lành cao thượng.
“Biết cung kính, khiêm nhường” là thái độ phải xuất phát từ lòng thành, từ sự tôn trọng. Để có được lòng thành, sự tôn trọng thì trong tâm của mình cần không có các loại ngã mạn khác nhau. Ngã mạn là
tâm hay so đo, so sánh với đối tượng khác, thấy mình thua kém, hơn hay bằng người khác. Cho rằng mình thua kém người ta, là ti liệt mạn. Nghĩ mình ngang bằng người khác trong khi thực chất là mình kém thua, gọi là mạn quá mạn. Cho mình hơn người ta thì gọi là thắng mạn.
Những biểu hiện bên ngoài về lễ phép, tôn kính, vâng lời,… là cái vỏ mỏng của lễ giáo, là bệnh hình thức, như Lão Tử nói: “Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ” (Than ôi! Cái lễ ấy là đầu mối của mâu thuẫn, lộn xộn, loạn động của cuộc đời).
Mình ở mức độ nào thì mình tự nhận thức ở đó, không cần phải so sánh với ai. Người không có tâm so sánh thì sẽ không bị ngã mạn làm chủ, sẽ vắng bóng bản ngã hư ảo do mình thêu dệt nên. Khi một người nhận ra điều này thì người đó luôn luôn biết tôn trọng, tôn kính với bất kỳ hiện hữu nào trên thế gian, vì mỗi hiện hữu đều có giá trị riêng của nó.
Ví dụ, nếu mình quan sát cuộc sống trong tự nhiên hoặc xung quanh mình với tâm trong sáng thì vẫn phải phục, phải học cái hay cái tốt từ con kiến, con ong hay là một đứa bé. Con kiến, con ong dạy cho ta tính cần mẫn, nhẫn nại, kỷ luật. Còn những đứa trẻ thường rất dễ giận hờn nhưng cũng dễ tha thứ. Có thể trước đó dăm bảy phút chúng xô xát, giận hờn
nhau nhưng sau đó thì lại vui vẻ, làm lành với nhau ngay. Còn mình thì không làm được, tức ai là giận dai, khó bỏ.
Có vị hiền triết Đông phương nói như sau: “Hãy như là con trẻ! Hãy trở về với tâm xích tử”. “Xích tử chi tâm” là cái tâm của hài nhi vừa ra khỏi lòng mẹ không lâu, còn đỏ hỏn. Tâm đó là gì? Mọi người thử quan sát cháu bé rồi sẽ tự hiểu.
Khi nào mình không còn so sánh sẽ nhận ra cái hay cái đẹp của người khác và sẽ biết cung kính, khiêm nhường đối với tất cả mọi người, chứ không phải gặp người bằng hoặc thua kém thì mình thay đổi thái độ. Khiêm nhường, khiêm tốn xuất phát từ việc biết rõ cái hữu hạn của chính mình, và biết rằng ai cũng có điều hay để cho mình phải học hỏi. Từ đó đời sống mình bớt mâu thuẫn, chông chênh, phiền não.
“Tri túc” là biết đủ. Có ba nội hàm trong chữ này là: tri túc, tri chỉ và tri hỉ. “Tri túc” là biết đủ. Biết khi nào dừng là “tri chỉ”. Và “tri hỉ” tức vừa lòng với những gì mình có. Trong tình huống nào cũng biết nuôi dưỡng các đức tính này thì thường dễ an vui. Phải hiểu một cách linh hoạt và biết bằng lòng với hiện tại, không tham cầu thêm, không bất mãn với hiện tại thì người đó sẽ hạnh phúc.
“Tri ân” thì phải luôn đi kèm với báo ân. Khi thọ ơn của một ai thì không được quên và nên tìm cách để đền ơn. Nhưng thực tế trên đời, người biết tri ân và báo ân rất ít. Ngay cả ân nghĩa lớn lao của cha mẹ với con cái mà không phải người con nào cũng làm tốt việc tri ân này.
Đối với Phật tử, đức Phật dạy, phải nhớ ơn và có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Khi mình lớn lên có công ăn việc làm, thì tiền bạc mình kiếm được phải chia ra bốn phần, trong đó mỗi phần có một mục đích riêng: Thứ nhất nuôi bản thân mình, thứ hai nuôi gia đình, thứ ba phụng dưỡng cha mẹ hai bên, thứ tư để làm việc phước thiện hay để dành phòng khi ốm đau bệnh tật có mà chi dụng.
Có một vị Phó Thủ tướng Đài Loan viết thư dặn dò đứa con, chia xẻ kinh nghiệm sống để đứa con đừng rơi vào những tình huống ông đã trải qua. Ông dặn con mình khi thọ ơn thì phải tìm cách đền đáp. Ngược lại khi có điều kiện giúp người khác thì không cần người khác báo đáp lại. Vì vậy đừng phiền muộn khi giúp người khác mà họ không nhớ đến mình. Phải nghiêm khắc với chính bản thân mình ở một số mặt, nhất là chữ tín, nhưng cũng đừng đặt hi vọng người khác sẽ làm y như mình, kể cả trong tình yêu. Vị chính khách này thực sự đã thấu đạt nhân tình thế thái.
“Đúng thời nghe chánh pháp” là nghe pháp đúng lúc, đúng thời điểm, khi cần nghe. Mục đích của nghe pháp ngoài việc học hiểu thêm giáo pháp còn để nhận ra những điểm mình còn thiếu sót, mình cần rèn luyện, tu tập như thế nào, điều chỉnh ra sao cho phù hợp và phát triển tâm linh. Thay vì dùng một giờ đồng hồ để nghe học với tâm trạng bất an, xao lãng, không bằng trọn vẹn tâm trí trong mười lăm phút, tập trung nghe và hiểu, không nghĩ đến chuyện khác. Dành nhiều thời gian nhưng tâm xao lãng thì cũng không hiệu quả. Vì vậy để đạt hiệu quả khi nghe pháp là phải đúng lúc và trọn vẹn. Có những cái hiểu có thể trải nghiệm ngay, có những cái hiểu thì phải thực hành.
Tùy thời đàm luận pháp, Là phúc lành cao thượng.
“Nhẫn nhục” vừa là nhận thức vừa là thái độ. Nếu không hiểu rõ nghĩa của từ thì dễ bị hiểu lầm thành nhẫn nại, kiên trì để đạt được mục đích. Nhẫn nhục là khi mình ở vị trí cao hơn người xúc phạm mình, nhưng mình không đáp trả bằng sức mạnh,
quyền lực, tiền bạc, mà với tâm bao dung, không oán thù người đã gây ra phiền phức, tổn thương cho mình.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn nghe “lời nhu hòa”, tôn trọng, và thái độ thật lòng. Vì vậy trong ứng xử chúng ta cũng phải có lời nói và thái độ như vậy thì mới không gây ra xung đột, phản ứng ngược. Sống là phải tương tác, tiếp xúc với nhiều đối tượng trong xã hội và ngay cả trong gia đình. Ví dụ với con mình, đứa trẻ sẽ thích làm hơn nếu ba mẹ nói, “Con phụ ba mẹ cái này được không?” hơn là nghe câu sau: “Ra làm cái này coi.” Người con đương nhiên sẽ thích cách nói tôn trọng, thương yêu và quan tâm hơn.
Lời nói không nhu hòa chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả cao. Đôi khi nó còn ngấm ngầm phá hủy sự tin cậy giữa hai bên. Nếu ở nơi công sở mà nói chuyện với nhân viên với thái độ kẻ cả, thì người ta sẽ phản ứng lại hoặc chỉ làm theo kiểu đối phó. Nếu có việc khác tốt hơn họ sẽ bỏ mình ngay. Không ai muốn mình bị sỉ nhục, hạ thấp phẩm giá. Cho nên lời nói nhu hòa, chuẩn mực là hành vi đem lại hạnh phúc cho mình.
“Yết kiến bậc sa-môn” là thường xuyên tiếp xúc với các bậc tu hành đáng kính, đáng cho mình học hỏi, nương tựa. Không phải người nào mặc áo cà-sa cũng có thể hiểu được giáo pháp hoặc là mẫu mực
trong chuyện tu tập. Vì vậy mình phải chọn lựa kĩ càng những bậc sa-môn mà mình tiếp xúc thì việc tu học mới đạt được hiệu quả. Yết kiến bậc sa-môn là việc nên làm thường xuyên để có thể học hỏi, gia tăng hiểu biết Phật học, điều chỉnh nhận thức cho đúng đắn. Vì mình chưa đủ trình độ để nhận ra, phải nhờ sự chỉ dạy, hướng dẫn của những bậc cao minh hơn. Ở đây, các bậc sa-môn là tượng trưng cho sự cao minh. Bây giờ việc liên lạc từ xa dễ dàng hơn thông qua thư điện tử, qua mạng xã hội để tiếp cận, học hỏi.
“Tùy thời đàm luận pháp” tức là để trao đổi về hiểu biết kinh nghiệm trong tu học của mình. Chúng ta gặp gỡ đạo hữu, hay Phật tử gặp các vị sa-môn để trao đổi, đàm luận Phật học. Nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm. Ví dụ trong đám đông có hai người tranh luận với nhau, khi chưa ai chấp nhận ai thì tốt nhất hai người nên trao đổi riêng. Nếu tiếp tục tranh cãi để bảo vệ quan điểm của mình, khi tâm không giữ được bình ổn thì chắc chắn sẽ xảy ra những tranh cãi vô ích, hoặc có những hành động mất kiểm soát. Đàm luận pháp làm cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng nếu không đúng lúc sẽ gây ra hậu quả ngược lại, chuốc thêm phiền não.
Giác ngộ quả Niết-bàn, Là phúc lành cao thượng.
Trong Phật học, “tự chủ” là khi không chịu ảnh hưởng bởi tham và sân. Mình đứng giữa những đối tượng khiến mình tham, sân, ganh tị mà không bị ảnh hưởng mới gọi là tự chủ. Còn trong ý nghĩa tự chủ là tự do tự tại, không ngán sợ ai hoặc chỉ cho những đấng quyền năng thì trong bài kinh này không phải với ý như vậy.
“Phạm hạnh” là lối sống học theo hạnh của Phạm thiên. Về mặt tín ngưỡng của Ấn giáo, Phạm thiên là đấng quyền năng số một, là Thượng đế. Trong phân cấp của thiền Sắc giới thì vị trời tối cao của tầng Sơ thiền được gọi là Đại Phạm thiên, để phân biệt với Phạm Phụ thiên (các vị phụ tá cho Đại Phạm thiên) và Phạm Chúng thiên (cư dân ở cõi Sơ thiền). Để trở thành một vị Phạm thiên thì ít nhất thiền giả phải ly dục, từ bỏ tất cả những hành vi bất thiện, xấu ác, tu tập, rèn luyện đến trình độ định tâm kiên cố mà trong kinh văn diễn tả như sau: “Ly dục, ly ác pháp, chứng và trú đệ Nhất thiền, một loại định có tầm có tứ, có hỷ, có an và nhất tâm”.
Đức Phật dạy, người xuất gia từ bỏ dục lạc của thế gian gọi là sống đời phạm hạnh, ly ác pháp,
thường xuyên điều chỉnh để sống đời sống thanh tịnh. Người tại gia nếu muốn, vẫn có đời sống phạm hạnh, gọi là cư sĩ phạm hạnh. Nếu mình tự chủ không bị ảnh hưởng bởi tham sân, thì chính là hạnh phúc tối thượng, dù xuất gia hay tại gia.
“Thấy rõ lý Thánh đế”, là phải thấu hiểu Bốn Sự Thực về Khổ thì mới thực hành và thoát khổ (“thấy” ở đây là thấu hiểu). Một người hiểu được Bốn Sự Thật về Khổ thì chắc chắn có đời sống hạnh phúc vì đã biết nguyên nhân của khổ, từ đó mình không để nó phát triển. Và sống theo con đường giác ngộ (Bát Chánh đạo) mà đức Phật đã dạy thì hạnh phúc sẽ đến ngay trong hiện tại. Thế nên thấy rõ và hiểu rõ lý Thánh đế là hạnh phúc cao thượng.
Khi nói đến “Giác ngộ quả Niết-bàn” là nói đến cái đích mình đạt được. Niết-bàn là trạng thái mà tham sân được lắng dịu xuống, không còn trỗi dậy, không còn bị những phiền não chi phối sau khi giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy, Niết-bàn là hạnh phúc cao thượng, viên mãn nhất.
Là phúc lành cao thượng.
Khi chúng ta tương tác với cuộc sống: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi,… tất cả đối tượng đó gọi là thế gian (đời). “Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu” nghĩa là không bị tình cảm chi phối, khiến thích hay ghét, hoặc thất vọng, sinh ra sầu não và buồn bã thì sẽ “tự tại và vô nhiễm”. Không có phiền não, thì đó là hạnh phúc.
Là phúc lành cao thượng.
Nếu chúng ta thấu hiểu và thực hành tất cả những gì đức Phật dạy qua bài kinh này, hoặc chỉ một phần của bài kinh, thì chắc chắn sẽ có được các trạng thái hạnh phúc thù thắng ngay trong đời này.
Khóa Xuất gia gieo duyên lần thứ 8, năm 2019
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 45