Kinh vô ngã tánh ( tướng) – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT . Pháp Tông)

Kinh vô ngã tánh ( tướng) – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT . Pháp Tông)

KINH VÔ NGÃ TÁNH

Kinh Vô Ngã Tánh là pháp thoại thứ hai sau kinh Chuyển Pháp Luân. Về sau, khi người ta hệ thống hóa lại mới đặt tên cho bài kinh này là kinh Vô Ngã Tướng hoặc Tướng Vô Ngã. Nhưng khi thầy nghiên cứu kĩ, thầy phát hiện ra không phải như vậy, chữ “lakkhaṇa” trong Pāli nghĩa gốc của nó là “tánh, đặc tính”. Còn chữ “tướng” theo nghĩa “biểu hiện” là chữ khác. Mà quả thực nội dung pháp thoại này là đức Phật nói về tính chất vô ngã của hợp thể thân tâm này. Nên thầy gọi bài kinh này là kinh Vô Ngã Tánh.

Bây giờ chúng ta cách thời đức Phật gần 2.600 năm. Năm nay là Phật lịch 2.563, tính từ khi đức Phật Niết-bàn, cộng thêm 45 năm Ngài hoằng pháp. Có rất nhiều quan điểm về nhân sinh, về vũ trụ, về xã hội thay đổi và đôi khi được hiểu khác đi, trong đó một số vấn đề Phật học cũng thế. Rất nhiều nhà nghiên cứu, một số Phật tử, thậm chí một số vị tăng ni trong khi học Phật Pháp, tìm hiểu lời dạy của đức Phật vẫn phải trăn trở vấn đề “Ngã là gì?”.

Vì sao đức Phật xoáy mạnh vào chủ đề vô ngã và xác nhận: “Ai thấy được thực tính vô ngã người ấy thấy pháp.”? (Thấy pháp tức là giác ngộ).

Vậy trước hết chúng ta cần phải hiểu ngã là cái gì, rồi khi đó mới bắt đầu nói chuyện vô ngã.

I/ Quan niệm về ngã.

“Ngã” mà thầy muốn nói ở đây, là quan niệm ngã vào thời điểm đức Phật giảng pháp thoại này. Ấn Độ vào thời điểm ấy là một xứ sở gồm nhiều quốc gia lớn nhỏ. Trong vùng đất thuộc lưu vực sông Hằng đã bao gồm khoảng gần hai mươi quốc gia. Suốt cuộc đời hoằng pháp của đức Phật, ít nhất Ngài đã vân du qua khoảng mười mấy quốc độ trong số đó.

Theo nghiên cứu lịch sử, trước khi đạo Phật xuất hiện thì nền văn minh Ấn Độ đã tồn tại khoảng 3000 năm với rất nhiều quan điểm về tín ngưỡng và tôn giáo xuất hiện. Đầu tiên là Phiếm Thần giáo, sau đó là Đa Thần giáo và cuối cùng là Nhất Thần giáo. Đó là những thay đổi tất yếu của lịch sử.

  • Phiếm Thần giáo là quan niệm tín ngưỡng cho rằng bất kỳ chỗ nào cũng có các loại thần thánh cư ngụ, như gốc cây, cục đá, hoặc những nơi có chút khác thường. Quan niệm đó cũng phổ biến với các dân tộc ở vùng Đông Nam Á này. Với Phiếm Thần giáo, cái gì cũng có thể biến thành thần thánh hết.
  • Đa Thần giáo, là sự chuyển đổi từ phiếm thần chuyển sang đa thần. Bước sang giai đoạn này niềm tin được xây dựng mang tính hệ thống hơn với nhiều loại thần và phân ra từng lĩnh vực, từng khu vực. Người ta thống kê ở Ấn Độ, số lượng thần chính yếu khoảng hơn 2000 vị và còn rất nhiều các vị thần khác không thống kê được hết.
  • Giai đoạn thứ ba chuyển qua Nhất Thần giáo. Nhất Thần giáo là chỉ có một vị có quyền năng cao nhất, có thể chi phối tất cả các vị nhỏ hơn. Người ta gọi là: Đấng tạo hóa, Hóa Sinh chủ, Thượng đế, Đại Phạm thiên,… Những tên gọi khác nhau đó chỉ cho một đấng toàn năng mà người ta nghĩ là có quyền hành, có oai lực, có tất cả những gì thế gian mơ ước. Vị đó đứng đầu, và đặc biệt hơn, vị đó còn là cha đẻ của tất cả chúng sinh. Quan điểm này khá phổ biến, không phải chỉ Ấn giáo mà còn của các tôn giáo lớn khác, trừ Phật giáo.

Khi đức Phật xuất hiện, có hai quan niệm về Thượng đế này đã tồn tại ở Ấn Độ, đó là: Thượng đế hữu ngã và Thượng đế phi ngã. Thượng đế hữu ngã là một tín ngưỡng, được con người xây dựng, có thất tình lục dục như con người. Thượng đế phi ngã (phi nhân cách) là vị Thượng đế có quyền năng nhưng không phải con người.

Người ta cho rằng Đại Phạm thiên hoặc Thượng đế sinh ra tất cả muôn loài, đó là một số chủ trương trong những chủ trương thuộc 62 hai tà kiến ở kinh Phạm Võng mà đức Phật có nhắc đến. Chủ trương đó cho rằng mỗi người là một phần, một bản sao của Thượng đế và họ có cái thần tính ở trong mỗi bản thể. Do vậy, sau khi họ bị luân hồi sinh tử trải qua nhiều kiếp, thậm chí người ta còn tính được phải trôi lăn trong luân hồi sinh tử là “tám vạn bốn ngàn kiếp” (con số mang tính bội số ước lệ, chỉ là tập tính của người Ấn khi nói đến con số lớn), chúng sinh đó sẽ trở lại với Thượng đế, nhập lại vào Thượng đế và bất khả ly.

Cũng trong quan niệm về Thượng đế này, nó sinh ra những chủ thuyết không còn tin nhân quả, tội phước. Chẳng hạn như một chủ trương nói rằng: Một người đứng bên này sông Hằng vung gươm, vung đao chém giết tất cả những người có mặt ở đó; trong khi đó, một người bên kia sông thì cúng lễ, làm phước, thờ tự thần thánh, làm điều thiện lành. Hai bên tuy vậy mà giống nhau, dù làm phước hay tội, tất cả đều từ Thượng đế sinh ra, một lúc nào đó cũng trở về với Thượng đế cả. Làm phước làm thiện có thể về nhanh hơn, mau hơn. Còn làm tội làm ác thì sau đó sẽ muộn hơn. Những quan niệm về ngã như thế hết sức nguy hiểm! Từ đó bắt đầu sinh ra trong thân này có thần

ngã, ngã có bên trong chúng sinh dưới các tên gọi khác nhau.

Ngã trong quan niệm đó có thể đồng hóa với thân này, có thể ở ngoài thân này, có thể chi phối thân này, và nó là một thành phần bất biến từ Thượng đế sinh ra và tồn tại mãi. Cho dù con người có chết đi, chúng sinh có luân hồi sinh tử thì cái ngã đó, cái phần đó vẫn không mất. Đó là quan niệm lầm lạc.

Cái quan niệm về ngã sai lầm đến mức, vào thời bấy giờ, dựa trên Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đã các quan niệm về ngã xuất hiện khác nhau khi nói đến tổ hợp hình thể, thân xác này.

  • Quan niệm 1: cái ngã với thân là một.
  • Quan niệm 2: ngã là sở hữu của xác thân, mang thuộc tính của xác thân (giống như cho rằng cái bóng là sở hữu của cái hình).
  • Quan niệm 3: cái ngã ở trong thân này, trú trong thân này, sống trong thân này.
  • Quan niệm 4: ngược lại quan điểm 3, cái thân ở trong cái ngã, cái ngã trùm lên cái thân này.

Với bốn quan niệm đó phát triển ra ở tổ hợp cảm giác, tổ hợp tri giác, tổ hợp phản ứng, tình cảm, tổ

hợp sao chép, lưu trữ, chuyển giao cũng với bốn quan niệm như trên. Từ đó nhân lên thành hai mươi quan niệm về ngã.

Vậy, “ngã” nghĩa là ta, là tôi. “Tự ngã” là một cái ngã tự nó hiện hữu bất chấp mình muốn hay không muốn, nó tự tại, vượt ra ngoài cái muốn, cái không muốn, cho dù thân xác này biến hoại, cho dù mình có chết có sống gì thì tự ngã vẫn tự tồn tại.

II. Nội dung bài kinh.

Chúng ta bắt đầu đi vào nội dung bài kinh.

Tôi được nghe rằng: Một thời Thế Tôn Trú ở vườn Nai Thành Ba-La-Nại Bấy giờ Thế Tôn Gọi năm tỳ-khưu Đến dạy thế này: Nầy các tỳ-khưu!

Xác thân không phải ta Không phải là của ta Hay tự ngã của ta

Nếu xác thân thực sự Thuộc chủ quyền của ta Xác thân ấy ắt là

Không đau đớn, bệnh tật (Như mong ước thường tình.)

Về địa điểm, chúng ta biết đó cũng là địa điểm đức Phật thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, đối tượng nghe cũng là nhóm năm vị huynh đệ ngài Kiều- Trần-Như, và thời gian cũng trong mùa mưa đầu tiên sau ngày đức Phật đại giác ngộ.

Ngay sau bài kinh đầu tiên, ngài Kiều-Trần-Như đã đắc quả Tu-đà-hoàn. Các vị còn lại sau đó cũng lần lượt chứng được pháp nhãn, tức là đã thấy chân lý Sinh diệt của mọi hiện hữu, nhưng chưa triệt ngộ. Do đã được giáo dục thấm nhuần tư tưởng về ngã, cho nên họ còn bị vướng mắc ở đó. Đức Phật đã giảng bài kinh này nhằm chỉ cho các môn đệ thấy rõ trong hợp

thể thân tâm này không có cái gọi là “ngã” theo quan niệm thời bấy giờ.

Theo quan điểm Phật giáo, thân tâm mỗi chúng sinh có năm thành phần, mỗi thành phần là một tổ hợp; cả năm tổ hợp ấy tương tác với nhau tạo nên tiến trình sống. Thuật ngữ quen thuộc xưa nay gọi là Ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Nay thầy đổi lại danh xưng, gọi là Năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống, gồm: Tổ hợp về hình thể, thân xác (sắc); tổ hợp về cảm giác (thọ); tổ hợp về tri giác, hiểu biết (tưởng); tổ hợp về phản ứng, tình cảm (hành) và tổ hợp về sao chép, lưu trữ và chuyển giao (thức).

Đức Phật khẳng định, cái gọi là tổ hợp về hình thể, thân xác này không có cái gọi là ngã, không có cái gọi là sở hữu của ngã hay tự ngã; nghĩa là, không phải tôi, không phải của tôi; không phải cái tôi độc lập, tự tại, không bị lệ thuộc hoặc ảnh hưởng của bất kỳ một tác động nào trong việc tồn tại.

Để làm rõ ý nghĩa này hơn, đức Phật giảng tiếp:

Lại nữa, người trên đời Vẫn thường hay cầu xin:

“Mong thân này mạnh khỏe!

Đừng ốm đau, bệnh tật!” Nhưng này các tỳ-khưu Xác thân này quả thực Không phải ta, của ta Hay tự ngã của ta

Nên đau đớn, bệnh tật Là đặc tính của thân

Không thể không đau đớn Không thể không bệnh tật Như người đời mong mỏi.

Đoạn tiếp theo này đức Phật khẳng định một sự thực, một thực tế là: Nếu như cái tổ hợp hình thể này mà là tôi, thuộc về tôi, của tôi hay tự ngã thì chúng ta có thể làm chủ nó, điều khiển, bắt nó phục vụ cho cái ý muốn của mình, như một ông chủ có quyền hành, điều khiển được tất cả những người dưới quyền của mình hoặc sử dụng được tất cả những gì thuộc về phạm vi, quyền hạn, quyền lực của mình.

Nhưng thực tế, cái thân này khi đau đớn bệnh tật mình điều khiển được không? Mình muốn nó khỏi bệnh được không? Muốn bệnh nhẹ đi được không? Muốn bệnh nặng lên được không? Có thể điều khiển cho nó không bệnh không? Thực tế, chúng ta không làm gì được nó cả!

Khi tứ đại bất hòa hoặc do nguyên nhân gì đó khiến cho cơ thể này bị đau ốm, và gây ra đau đớn, khổ sầu, khó chịu,… chúng ta hoàn toàn không làm chủ được, không điều khiển được, không làm cho nó thoát khỏi bệnh tật được. Điều đó chứng minh rằng, thân này không phải ta, không phải sở hữu của ta, không phải là cái ta tự tại.

Tiếp theo:

Và nầy các tỳ-khưu! Không chỉ có xác thân Mà cảm giác, tri giác Tình cảm hay phản ứng Sao, lưu và chuyển giao Năm tổ hợp vận hành

Tạo nên tiến trình sống Của tất cả chúng sinh Chúng không phải là ta Cũng không phải của ta Hay tự ngã của ta

Nếu năm tổ hợp ấy Thực sự thuộc quyền ta Tất cả chúng hẳn là

Không đau đớn, bệnh tật (Như mong ước thường tình.)

Đoạn thứ hai đức Phật mở rộng ra không chỉ với cái tổ hợp hình thể này, mà cả tổ hợp cảm giác, tổ hợp tri giác, tổ hợp tình cảm, phản ứng, và tổ hợp sao chép, lưu trữ, chuyển giao cũng không phải ngã, không phải sở hữu của ngã, không phải là tự ngã. Vì chúng ta cũng không làm chủ được những thứ ấy.

Lại nữa, người trên đời Vẫn thường hay cầu xin:

Mong cảm giác này khỏe! Đừng ốm đau, bệnh tật!” Mong tri giác này khỏe! Đừng ốm đau, bệnh tật!” Mong tình cảm này khỏe! Đừng ốm đau, bệnh tật!” Mong sao, lưu, chuyển giao

Khỏe mạnh, không đau ốm” Nhưng này các tỳ-khưu Thực sự năm tổ hợp

Không phải ta, của ta Hay tự ngã của ta

Nên đau đớn, bệnh tật Là đặc tính của chúng

Không thể không đau đớn

Không thể không bệnh tật Như người đời mong mỏi.

Ở đoạn này, không chỉ riêng tổ hợp về hình thể, thân xác mà bốn tổ hợp còn lại cũng cùng tình trạng tương tự. Những đau đớn, khó chịu, tổn thương,… trong quan hệ của từng tổ hợp đó với các đối tượng nằm ngoài khả năng của ta, cho nên chúng ta rõ ràng không phải là chủ nó; nó không phải sở hữu của ta; nó không phải cái tôi tự tại, vô ngại.

Đối với tổ hợp về cảm giác (thọ): về thân xác khi thọ khổ đến, mình muốn hết được không? Khi cảm giác thọ lạc đến, cảm giác làm cho mình thích hoặc giải tỏa đau đớn cho mình, mình muốn kéo dài nó mãi được không? Khi nỗi buồn đến mình muốn hết buồn được không? Khi niềm vui đến mình làm cho hết vui hay kéo dài niềm vui được không? Chúng ta không làm gì được hết! Chúng ta không làm chủ được nó! Nó không thuộc quyền của ta. Và chắc chắn nó không phải là tự ngã bất biến, vì cảm giác thay đổi liên tục, lúc này lúc khác.

Và bây giờ qua tổ hợp thứ ba tri giác, hiểu biết. Khi nhỏ, hiểu biết của mình về một số vấn đề khi nhìn cuộc đời, nhìn sự việc, những đánh giá, nhận xét của mình theo trình độ vào thời điểm ấy. Lớn lên rồi thì ta

có thay đổi không hay vẫn giữ nguyên như khi nhỏ? Thay đổi liên tục! Hôm nay so với tháng sau là đã khác rồi. Nghĩa là những kiến thức hoặc cách nhìn nhận sự việc liên tục thay đổi, đổi mới. Chúng ta cũng không làm chủ, không tác động được đến nó theo kiểu nó là thuộc quyền sở hữu của mình được. Cho nên đức Phật nhấn mạnh trong trường hợp này cũng vậy, đối với tổ hợp về hiểu biết, tri giác cũng không phải là tôi, không phải là sở hữu của tôi, thuộc quyền tôi chi phối, kiểm soát, hoặc không phải là cái tôi tự tại.

Cũng như thế đối với tổ hợp về phản ứng, tình cảm. Khi chúng ta tương tác với mọi vấn đề, những phản ứng trong ta khởi lên, là những tình cảm thương, ghét, giận hờn, yêu thích hoặc oán hận xảy ra liên tục. Chúng ta không làm chủ, không điều khiển gì được hết! Hoàn toàn bị động! Và tiến trình khởi lên một cái là lập tức tự sao chép, lưu trữ, chuyển giao, mình chặn lại được không? Chặn không được! Bắt nó làm theo hướng khác không được, chúng ta hoàn toàn bất lực.

Tiếp theo:

Lại nữa,

Nầy các Tỳ-khưu! Xác thân là thường

Hay là vô thường? “Bạch đức Thế Tôn Xác thân vô thường.” Các vị tỳ-khưu

Thưa với đức Phật. Cái gì vô thường Là lạc hay khổ? “Bạch đức Thế Tôn Chắc chắn là khổ.” Xác thân vô thường Biến hoại, đổi khác

Theo lẽ thông thường Có hợp lý chăng

Khi cho cái ấy Là ta, của ta

Tự ngã của ta?

Bây giờ Ngài phân tích thêm một khía cạnh khác. Tổ hợp xác thân này tồn tại thường hằng như vậy hay là thay đổi? Và câu trả lời tất nhiên là nó luôn luôn thay đổi, không bao giờ giữ một trạng thái tồn tại vĩnh viễn.

Vậy bản chất các hiện tượng là sinh diệt, tức là có thay đổi. Ở đây chỉ nói đến sự thay đổi, chứ không nói chuyện tốt hay xấu, nên hay không nên. Tuy nhiên, câu hỏi kèm theo là khi thay đổi như vậy thì lạc hay khổ? Vấn đề bây giờ xoáy vào một ngóc ngách khác, đó là tâm lý.

Khi nói đến khổ, lạc là thuộc về vấn đề tâm lý. Đó là khi có mối quan hệ tình cảm với đối tượng, cho nên những gì xảy ra với đối tượng chúng ta sẽ buồn vui theo đối tượng. Và khi đó là có tham ái. Tham ái mà không được thỏa mãn thì sân hận, phẫn nộ. Nó chỉ là những mặt khác nhau của vấn đề. Cho nên khi đức Phật hỏi vô thường thì lạc hay khổ, các vị tỳ-khưu đã sống và có trải nghiệm, cho nên khi nghe thấy, các vị đồng thanh trả lời là khổ, vì không thể nào nói vô thường là lạc được.

Thực ra Đức Phật nói vô thường là chỉ cho chuyện tình cảm, chuyện tâm lý chứ không phải nói

về hiện tượng vô thường. Vì vô thường là lẽ tất yếu, lẽ tự nhiên của hiện tượng pháp giới. Có thân này ắt sẽ có bệnh, có già, có chết. Chỉ những ai tham cầu quá mức, không nhận ra quy luật tất yếu đó, muốn đi ngược lại thì sẽ đau khổ do bị cột trói bởi tâm tham ái đối với hình thể, thân xác này.

Tiếp theo:

Và này các tỳ-khưu! Không chỉ có xác thân Mà cảm giác, tri giác Tình cảm hay phản ứng Sao, lưu và chuyển giao Năm tổ hợp vận hành Tạo nên tiến trình sống Của tất cả chúng sinh

Là thường hay vô thường? “Bạch đức Thế Tôn Chúng đều vô thường.”

Các vị tỳ-khưu Thưa với đức Phật. Cái gì vô thường Là lạc hay khổ? “Bạch đức Thế Tôn Chắc chắn là khổ.” Cảm giác, tri giác Tình cảm, phản ứng

Sao, lưu, chuyển giao Chúng đều vô thường Biến hoại, đổi khác Theo lẽ thông thường Có hợp lý chăng

Khi cho cái ấy Là ta, của ta

Tự ngã của ta? “Bạch đức Thế Tôn Không thể như vậy.”

Đoạn này đức Phật mở rộng ra, các tổ hợp còn lại cấu thành nên thân tâm này, tính chất của chúng là vô thường, thay đổi. Cho nên, những ai bị tham ái cột trói với từng đối tượng trong năm tổ hợp sẽ phải đau khổ khi nó thay đổi.

Ví dụ, ngày hôm qua trời đang nóng chuyển sang mát, mình rất thích vì nó thay đổi theo hướng phù hợp với mong mỏi của mình. Nhưng hôm nay trời nóng trở lại, thì mình sẽ có hai trạng thái: một là nuối tiếc thời tiết mát mẻ ngày hôm qua; hai là mong rằng trời sẽ mưa hoặc dịu xuống cho mình được mát. Nhưng vì không toại nguyện nên mình không vui.

Các dạng đau khổ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Đầu tiên là không vui, không hài lòng, sau đó hơi bực, rồi bắt đầu sân nhuế khởi lên,… Cường độ càng ngày càng tăng tùy theo mức độ gắn kết với đối tượng nặng hay nhẹ, cạn hay sâu.

Phân tích này của đức Phật cho thấy trong toàn bộ thân tâm này có chỗ nào để gọi là ngã đâu? Có cái nào để gọi là tự ngã? Cái nào cũng thay đổi liên tục,

không có cái nào giữ hoài ở một trạng thái. Không thể nào tính riêng từng tổ hợp hoặc gộp chung cả năm tổ hợp này, cái mà thường thay đổi, biến đổi, biến dị, và nói rằng cái nó là ta, là của ta, là tự ngã của ta.

Bất kỳ một tình trạng nào khởi lên đối với năm tổ hợp này thì đều đem lại đau khổ cho người tham ái với chúng: tham ái về hình thể, tham ái đối với cảm giác, muốn kéo dài cảm giác, muốn cảm giác sung sướng ở với mình hoài, hoặc chán ghét với các cảm giác làm cho mình bị thương tổn,… Hoặc muốn có được kiến thức rộng nhưng trí nhớ thì giới hạn, hoặc những hình ảnh không muốn nhớ, những  kỷ niệm không thích nhưng vẫn cứ xuất hiện,… Tất cả hiện tượng đó thể hiện qua năm tổ hợp. Và trong các tổ hợp này không tìm ra một cái gì vững chắc tồn tại lâu dài, bất biến như quan niệm về cái gọi là ngã, ngã sở và tự ngã lâu nay người ta thường hiểu.

Tiếp theo:

Này các tỳ-khưu! Cho nên xác thân, Cảm giác, tri giác, Tình cảm, phản ứng,

Sao, lưu, chuyển giao Ở trong quá khứ Hiện tại, vị lai

Bên trong, bên ngoài Thô thiển, vi tế

Cao cả, thấp hèn Dẫu gần, dẫu xa Phải thấy xác thực:

Là các tổ hợp! Không phải là ta Không phải của ta Tự ngã của ta.

Thấy rõ bản chất vấn đề quan niệm về ngã, ngã sở và tự ngã trong Sắc, trong Thọ, trong Tưởng, trong Hành, trong Thức. Đức Phật mới nói “thô thiển, vi tế, cao cả, thấp hèn,” nghĩa là trong quá khứ, trong hiện tại hay trong tương lai, ở trên cõi trời hay dưới địa ngục, ở giai cấp hay địa vị nào,… thì cũng không

thể tìm ra bóng dáng của ngã, ngã sở, tự ngã và sự tồn tại bất biến của cái ngã. Tất cả chúng đều vô thường.

Từ đó khẳng định:

(1)  Năm tổ hợp tạo nên thân tâm này bản chất là vô ngã.
(2)  Năm tổ hợp luôn thay đổi, biến hoại, sinh diệt (vô thường).
(3)  Tham ái các đối tượng khi các căn quyền tiếp xúc hoặc chấp thủ hợp thể thân tâm này là ngã sẽ đưa lại đau khổ.

Đoạn cuối:

Nầy các tỳ-khưu! Là đệ tử Phật

Được nghe và thấy Sự thực như vậy Sinh tâm nhàm chán Đối với xác thân, Cảm giác, tri giác,

Tình cảm, phản ứng, Sao, lưu, chuyển giao. Bởi do nhàm chán

Vị ấy buông bỏ Tham ái, ngộ nhận Với năm tổ hợp Tâm được giải thoát Khi tâm giải thoát Vị ấy biết rõ

Đã được giải thoát Và cũng biết rằng: Sinh đã diệt tận Phạm hạnh đã thành Những gì nên làm

Vị ấy đã làm

Không còn đau khổ Chẳng còn trở lại Trạng thái trước đây Thế Tôn bi mẫn Thuyết giảng như vậy Năm thầy tỳ-khưu Hoan hỷ lắng nghe Tâm được giải thoát Vi tế phiền não Không còn mê chấp Lìa mọi trói buộc.

Ở đoạn cuối, các vị tỳ-khưu nhóm Ngài Kiều- Trần-Như sau khi nghe xong bài pháp thoại đều thấy ra, thấu triệt được tính chất vô ngã, không có cái tôi, hoặc sở hữu của tôi, hoặc là cái tôi tự tại theo quan niệm đó ở thân này, trên thân này hoặc bất kỳ loại tồn tại nào đều không có chỗ đứng cho nó.

Và khi nói về vô ngã, đức Phật muốn nói về cấu trúc tạo nên thân tâm này, nó được xây dựng bởi các tổ hợp. Khi nói về hiện tượng vật chất thì là vô thường, khi nói về mặt tâm lý thì là khổ lạc. Và cấu trúc này không thể tồn tại độc lập, nó liên kết chặt chẽ với nhau để cùng tồn tại. Vô ngã là dựa trên phân tích về mặt cấu trúc và tính hệ thống, có tổ chức.

Hiểu được điều đó nên các vị nhóm Ngài Kiều- Trần-Như phá vỡ được quan niệm sai lầm về một cái ngã tồn tại ở trên thân tâm này. Và khi đã thấy rõ rồi, họ sẽ không còn bị quay lại với niềm tin lầm lạc trước kia nữa. Đó gọi là: “Không quay trở lại trạng thái trước đây”.

Những vi tế phiền não trong lòng họ đối với bản ngã cũng được buông xuống hết. Vì thấy bản chất của nó là thay đổi, là vô ngã, là nương tựa vào nhau mà sinh diệt. Nhờ vậy họ đã giải thoát khỏi các quan niệm, giải thoát khỏi các cột trói về tham ái.

Bài kinh Vô Ngã Tánh có nội dung như vậy.

Khóa Xuất gia gieo duyên lần thứ 9, năm 2019

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 22

Post Views: 228