Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Các ông hãy quán sát sắc là vô thường[2]. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm[3]. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham[4]. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát[5].
“Cũng vậy, các ông hãy quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát.
“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh đời sau nữa[6].’
“Cũng như quán sát vô thường, quán sát khổ, không, phi ngã cũng vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với sắc, các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với sắc mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật… thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với thức mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật… thức là vô thường, thì đối với thức, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.
“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Cũng như tư duy chân chánh về vô thường, khổ, không, phi ngã cũng như vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục[9] thì không thể đoạn trừ khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể đoạn trừ khổ não.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, tâm không giải thoát, thì không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không lìa tham dục[11], tâm không giải thoát, thì sẽ không thể nào vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Tỳ-kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Này các Tỳ-kheo, người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ai đối với sắc mà yêu thích[13], thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ, thì đối với khổ không được giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, ai đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Cũng vậy, ai đối với thọ, tưởng, hành, thức không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát. Ai không giải thoát tâm tham, thì sẽ không thể đoạn trừ được khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức ai không biết, không rõ, không ly dục, tâm không giải thoát. Tham tâm không giải thoát, thì sẽ không đoạn trừ được khổ não.
“Đối với sắc, nếu người nào biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có thể đoạn trừ được khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với sắc, không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát, thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ai yêu thích sắc, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối với khổ không được giải thoát.
“Cũng vậy, ai yêu thích thọ, tưởng, hành và thức, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối với khổ không được giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, ai không yêu thích sắc, thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Cũng vậy, ai không yêu thích thọ, tưởng, hành, thức thì sẽ không thích khổ. Ai không thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Vô thường và khổ không,
Phi ngã, chánh tư duy.
Có bốn kinh vô tri,
Cùng hỷ lạc nơi sắc.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là sắc hiện tại. Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy: ‘Không hồi tưởng sắc quá khứ, không tìm cầu sắc vị lai, đối với sắc hiện tại thì nên nhàm tởm, ly dục, hướng thẳng đến diệt tận[17].’
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là… thức hiện tại. Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy: ‘Không hồi tưởng thức quá khứ, không mong cầu thức vị lai và đối với thức hiện tại thì nên nhàm chán, ly dục, hướng thẳng đến diệt tận.’
“Vô thường, khổ, không, phi ngã cũng lại như vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta[19]. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán[20].
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.
“Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ nhàm tởm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm tởm nên không ham muốn[21], vì không ham muốn nên được giải thoát. Đối với giải thoát, trí chân thật phát sanh[22], biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta. Chẳng phải ta tức chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.
“Thánh đệ tử quán sát như vậy giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Ta nói, đó cũng là sự giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc, chúng cũng vô thường[25]. Vậy, các sắc được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các thức, chúng cũng vô thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Như vậy, các Tỳ-kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải là sở hữu của ta. Thánh đệ tử quán sát như vậy, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán nên không thích. Vì không thích nên giải thoát và có tri kiến về giải thoát[26], biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sanh từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường làm sao có thể là thường được?
“Như vậy, các Tỳ-kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải là sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành và thức. Ta nói, đó cũng là giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não như vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu chúng sanh nào không nếm vị ngọt của sắc thì sẽ không nhiễm đắm sắc[29]. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của sắc cho nên bị đắm trước.
“Cũng vậy, chúng sanh nào không nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức thì chúng sanh ấy không bị đắm nhiễm thức. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức cho nên chúng sanh ấy bị nhiễm trước vào thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu sắc đối với chúng sanh không phải là sự tai hại[30], thì chúng sanh ấy không nên nhàm chán sắc. Vì sắc là mối hại của chúng sanh cho nên những chúng sanh ấy nhàm chán sắc.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu không phải là mối hại thì chúng sanh ấy không nên nhàm chán thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức là mối hại của chúng sanh, cho nên những chúng sanh ấy nhàm chán thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu sắc đối với chúng sanh mà không có sự xuất ly[31], thì những chúng sanh ấy không nên thoát ly sắc. Vì sắc đối với chúng sanh có sự xuất ly, cho nên những chúng sanh ấy thoát ly sắc.
“Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức đối với chúng sanh không có sự xuất ly, thì những chúng sanh ấy không nên thoát ly thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức đối với chúng sanh có sự xuất ly, cho nên những chúng sanh ấy thoát ly thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu Ta đối với năm thọ ấm[32] này mà không biết một cách như thạât vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, thì Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người đã không thể tự chứng, không được thoát, không vượt ra, không xa lìa, vĩnh viễn an trú trong sự điên đảo, cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác[33].
“Này các Tỳ-kheo, vì Ta đã biết năm thọ ấm này một cách như thật rằng vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, nên Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người đã có thể tự chứng, đã thoát, đã vượt ra, đã xa lìa, vĩnh viễn không an trú trong sự điên đảo, cũng có thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Trước kia Ta đã từng đi tìm kiếm vị ngọt của sắc[35]. Nếu khi cảm giác tùy thuận[36] vị ngọt của sắc, thì đối với vị ngọt của sắc Ta dùng trí tuệ thấy rõ như thật.
“Cũng vậy, Ta đã từng đi tìm kiếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức. Nếu khi cảm giác tùy thuận thọ, tưởng, hành, thức, thì đối với vị ngọt của thức Ta dùng trí tuệ thấy rõ như thật.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã từng đi tìm kiếm sự tai hại của sắc. Nếu khi cảm giác tùy thuận sự tai hại của sắc, thì đối với sự tai hại của sắc Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
“Cũng vậy, Ta đã từng đi tìm kiếm sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức. Nếu khi cảm giác tùy thuận sự tai hại của thức, thì đối với sự tai hại của thức Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã từng đi tìm cầu sự xuất ly sắc. Nếu khi cảm giác tùy thuận sắc, thì đối với sự xuất ly sắc Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
“Này các Tỳ-kheo, nếu Ta đối với năm thọ ấm này mà không biết một cách như thạât vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, thì Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người đã không thể tự chứng, không được thoát, không vượt ra, không xa lìa, vĩnh viễn an trú trong sự điên đảo, cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
“Này các Tỳ-kheo, vì Ta đã biết năm thọ ấm này một cách như thật rằng vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, nên Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người đã có thể tự chứng, đã thoát, đã vượt ra, đã xa lìa, vĩnh viễn không an trú trong sự điên đảo, cũng có thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Quá khứ nói bốn kinh
Yểm ly và giải thoát
Nói hai kinh nhân duyên
Vị ngọt cũng hai kinh.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo nọ[38] đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở chỗ vắng[39], tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình[40], chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm[41] cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Này Tỳ-kheo, nếu để sai sử theo sử, tức là chết theo sử[42]. Nếu chết theo sử là bị thủ trói buộc[43]. Nếu Tỳ-kheo không bị sai sử theo sử, thì sẽ không chết theo sử. Không chết theo sử, tức là giải thoát đối với thủ.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối trong pháp yếu mà Ta đã lược nói, nếu ngươi hiểu rộng nghĩa của nó thì phải như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc sai sử theo sử, sắc chết theo sử[44]. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Bạch Thế Tôn, nếu sắc không sai sử theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Như vậy, trong pháp yếu được Thế Tôn nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng như vậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo! Trong pháp yếu được Ta nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng như vậy.
“Vì sao?
“Sắc sai sử theo sử, sắc chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
“Này Tỳ-kheo, nếu sắc không sai sử theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
“Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.”
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia sau khi nghe Đức Phật dạy xong tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui. Vị kia ở một mình nơi chỗ vắng tinh cần tu tập, sống không buông lung. Sau khi tinh cần tu tập sống không buông lung rồi, vị kia tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, … cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành A-la-hán, tâm được giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo nọ đi đến chỗ Phật thưa hỏi những việc như trên, nhưng có những sự sai biệt như sau:
“Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số[46]. Nếu không sai sử theo sử mà chết theo sử, thì không tăng các số.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với những pháp mà Ta đã nói tóm tắt, ngươi hiểu rộng nghĩa của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu sắc sai sử theo sử thì chết theo sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử thì chết theo sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số.
“Bạch Thế Tôn, nếu sắc không sai sử theo sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử theo sử mà chết theo sử, thì không tăng các số.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử theo sử mà chết theo sử, thì không tăng các số.
“Bạch Đức Thế Tôn, trong những pháp đã được nói tóm tắt, con đã hiểu nghĩa rộng của nó như vậy.”
Như trên và cho đến … ‘đạt được A-la-hán, tâm được giải thoát’.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, chắp tay bạch Đức Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngươi đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Này Tỳ-kheo, pháp nào không thích ứng[48] đối với ngươi thì nên nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài[49].”
Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với những pháp đã được nói tóm tắt, ngươi hiểu rộng ý như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài. Cho nên, bạch Thế Tôn, đối với pháp mà Thế Tôn đã nói tóm tắt con đã hiểu rộng nghĩa của nó như vậy.”
Đức Phật dạy:
“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, đối với những pháp đã được nói tóm tắt của Ta, ông đã hiểu nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì sắc chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung. Sau khi siêng năng tu tập, sống không buông lung, thầy tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Nếu có pháp nào chẳng phải là thiùch ứng của các ông và cũng chẳng phải là thích ứng của người khác, thì hãy nhanh chóng đoạn trừ pháp ấy[51]. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Tỳ-kheo kia, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là con, chẳng phải là thích ứng của con[52], cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là con, chẳng phải là thích ứng của con, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cho nên đối với những pháp mà Như Lai đã nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó như vậy.”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu nghĩa rộng của nó. Vì sao? Này Tỳ-kheo, sắc chẳng phải là ta, chẳng phải là thích ứng của ta, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta, chẳng phải là thích ứng của ta, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được giải thoát.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Tỳ-kheo, pháp bị trói buộc bởi kết sử, hãy nhanh chóng đoạn trừ[54]. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Tỳ-kheo kia, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Đức Thế Tôn, sắc là pháp bị kết sử trói buộc[55]. Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi, sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là pháp bị kết sử trói buộc. Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi pháp kia đã được đoạn trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cho nên đối với những pháp đã được Đức Thế Tôn nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì sắc là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi, sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ. Khi pháp kia đã được đoạn trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài.”
Sau khi vị Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia thành bậc A-la-hán, tâm được giải thoát.
Thâm kinh cũng nói như vậy[56].
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ-kheo kia:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, đã khéo nói những lời này: ‘Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ông đã nói như vậy phải chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Này Tỳ-kheo, người nào dao động thì sẽ bị ma trói. Nếu người nào không động thì sẽ giải thoát khỏi Ba-tuần[58].”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, khi bị sắc làm dao động[59] thì bị ma trói buộc. Nếu không dao động thì giải thoát khỏi Ba-tuần. Cũng vậy khi thọ, tưởng, hành, thức làm dao động thì bị ma trói buộc. Nếu không dao động thì giải thoát khỏi Ba-tuần. Cho nên đối với những pháp đã được Đức Thế Tôn nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa rộng của nó. Vì sao? Khi bị sắc làm dao động, thì bị ma trói buộc. Nếu không động, thì giải thoát khỏi Ba-tuần. Cũng vậy khi bị thọ, tưởng, hành, thức làm dao động, thì sẽ bị ma trói buộc. Nếu không động, thì giải thoát khỏi Ba-tuần”… cho đến: ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tâm được giải thoát, thành bậc A-la-hán.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Kiếp-ba[61], đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Như lời Đức Thế Tôn đã dạy, ‘Tỳ-kheo tâm khéo được giải thoát.’ Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo tâm khéo được giải thoát[62]?”
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Kiếp-ba rằng:
“Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai về tâm khéo giải thoát. Lành thay, Kiếp-ba! Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
“Này Kiếp-ba, hãy quán sát biết rõ những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoăïc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì sắc ái liền được trừ. Khi sắc ái đã được trừ rồi, thì tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì thức ái liền được trừ. Khi thức ái đã được trừ rồi, thì Ta nói là tâm khéo giải thoát.
“Này Kiếp-ba, Tỳ-kheo có tâm khéo giải thoát như vậy, Như Lai nói là tâm khéo giải thoát. Vì sao? Vì ái dục đã được đoạn trừ. Người nào ái dục đã được đoạn trừ, thì Như Lai gọi người đó là tâm khéo giải thoát.”
Sau khi Tỳ-kheo Kiếp-ba nghe những lời dạy của Đức Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Kiếp-ba, sau khi nhận lãnh những lời Phật dạy rồi, một mình ở chỗ vắng chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung… cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tâm khéo giải thoát, thành bậc A-la-hán.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của con cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn[64]?”
Đức Phật dạy La-hầu-la:
“Lành thay! Lành thay! Phải chăng ngươi hỏi Như Lai rằng, ‘biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của con cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn’?”
La-hầu-la bạch Phật rằng:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn.”
Phật dạy La-hầu-la:
“Lành thay! Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Này La-hầu-la, hãy quán sát, những gì thuộc về các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau[65]; nên bằng tuệ bình đẳng[66] mà quán sát như thật như vậy. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên bằng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy.
“Như vậy, này La-hầu-la, Tỳ-kheo nên biết như vậy, thấy như vậy. Người nào biết như vậy, thấy như vậy, thì đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo nếu như vậy đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, thì Tỳ-kheo đó được gọi là người đoạn ái dục, chuyển đi các kết sử, chân chánh hiện quán[67] đạt đến biên tế của khổ.”
La-hầu-la sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo La-hầu-la:
“Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của ta cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn?”
La-hầu-la bạch Phật rằng:
“Thế Tôn là chủ các pháp, là vị dẫn đường, là người che chở. Lành thay, Thế Tôn! Hãy vì các Tỳ-kheo mà diễn nói nghĩa này. Các Tỳ-kheo, sau khi đã được nghe những lời Phật dạy, sẽ hoan hỷ phụng hành.”
Phật bảo La-hầu-la:
“Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”
La-hầu-la bạch Phật:
“Thưa vâng, con xin vâng lời.”
Phật bảo La-hầu-la:
“Hãy quán sát những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên dùng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy. Cũng vậy thọ, tưởng, hành và thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên dùng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy.
“Tỳ-kheo biết như vậy, phải thấy như vậy, đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, sẽ siêu việt nghi tâm, xa lìa các tướng, tịch tịnh giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ ái dục, chuyển đi các kết sử, chân chánh hiện quán, đạt đến chỗ tận cùng của mé khổ một cách chân chính.”
La-hầu-la sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Sử, tăng chư số,
Phi ngã, phi bỉ,
Kết phược, dao động,
Kiếp-ba sở vấn,
Cùng La-hầu-la,
Hai kinh sở vấn.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đi đến chỗ Phật, làm lễ Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Như Thế Tôn nói ‘Đa văn’. Vậy thế nào là đa văn?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn hỏi Ta về nghĩa của đa văn phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Tỳ-kheo, nên biết, nếu nghe pháp mà đối với sắc phát sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh[70], thì đó gọi là đa văn. Cũng vậy nếu nghe pháp mà đối với thọ, tưởng, hành, thức phát sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là đa văn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là đa văn mà Như Lai nói.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Như Thế Tôn nói ‘Pháp sư.’ Vậy thế nào gọi là Pháp sư[72]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết những gì mà Như Lai đã nói về nghĩa Pháp sư phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nếu người nào đối với sắc mà nói pháp khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh[73], thì đó gọi là Pháp sư. Nếu người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói pháp khiến sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là Pháp sư. Đó cũng gọi là những gì mà Như Lai đã nói về Pháp sư.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt làm lễ, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Như Đức Thế Tôn nói ‘Pháp thứ pháp hướng[75].’ Vậy thế nào là Pháp thứ pháp hướng?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết Pháp thứ pháp hướng phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Này Tỳ-kheo, đối với sắc mà hướng đến yểm ly, ly dục, diệt tận, thì gọi đó là Pháp thứ pháp hướng[76]. Cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức mà hướng đến yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Pháp thứ pháp hướng.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khác, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại[78].’ Vậy, thế nào là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết về sự ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại’ phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, thì đó gọi là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại[79]. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, thì đó gọi là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Tam-mật-ly-đề đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Như Thế Tôn nói ‘Thuyết pháp sư.’ Vậy, thế nào gọi là Thuyết pháp sư?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nay ngươi muốn biết về nghĩa Thuyết pháp sư phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sắc mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Thuyết pháp sư. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Thuyết pháp sư.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những gì Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Kệ tóm tắt:
Đa văn, thiện thuyết pháp,
Hướng pháp và Niết-bàn.
Tam-mật-ly-đề hỏi:
Thế nào, Thuyết pháp sư?
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu-lũ-na[82], hằng ngày du hành đến núi Kỳ-xà-quật và ghé chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
“Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vốn vô thường, biến dịch, không an ổn mà nói rằng, ‘Ta hơn, ta bằng, ta kém.’ Tại sao số Sa-môn, Bà-la-môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật? Cũng vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói là: ‘Ta hơn, ta bằng, ta kém.’ Tại sao số Sa-môn, Bà-la-môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
“Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vốn vô thường, không an ổn, biến dịch mà nói rằng, ‘Ta hơn, ta bằng, ta kém.’ Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật? Cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói rằng, ‘Ta hơn, ta bằng, ta kém.’ Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật? Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Ý ông thế nào? Là Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy rằng sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, thức nếu là vô thường là khổ, thì chúng là pháp biến dịch. Ý ông thế nào, Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy rằng thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, nên biết rằng, sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc ấy đều không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ ấy không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, Thâu-lũ-na, con trưởng giả, xa lìa được trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, Thâu-lũ-na, con trưởng giả, thấy pháp, chứng đắc pháp, không do từ ai khác, ở trong chánh pháp được vô sở úy, từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối chắp tay, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
“Nay, con đã được độ. Từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Từ hôm nay cho đến suốt đời con luôn thanh tịnh quy y Tam bảo.”
Khi Thâu-lũ-na con trưởng giả đã được nghe những gì Tôn giả Xá-lợi-phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu-lũ-na[84], hằng ngày du hành đến núi Kỳ-xà-quật và ghé chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Thâu-lũ-na:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật sự tập khởi của sắc, không biết như thật sự diệt tận của sắc, không biết như thật con đường đưa đến sự diệt tận của sắc[85]; Thâu-lũ-na, nên biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn này không đủ khả năng để đoạn trừ sắc. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật về thọ, tưởng, hành và thức; không biết như thật về sự tập khởi của chúng, không biết như thật về sự diệt tận của chúng, không biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của chúng, thì họ không đủ khả năng đoạn trừ chúng.
“Này Thâu-lũ-na, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập khởi của sắc, biết như thật về sự diệt tận của sắc, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc; Thâu-lũ-na, nên biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn này đủ khả năng đoạn trừ sắc. Cũng vậy, này Thâu-lũ-na nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về với thọ, tưởng, hành và thức, biết như thật về sự tập khởi của chúng, biết như thật về sự diệt tận của chúng, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của chúng; Thâu-lũ-na, nên biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn này đủ khả năng đoạn trừ chúng.
“Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?”
Đáp:
“Là khổ.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
“Nếu sắc là vô thường, là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?”
Đáp:
“Là khổ.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy chúng là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, nên biết sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; đối với tất cả sắc không là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, Thánh đệ tử đối với sắc nên sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, Thánh đệ tử đối với chúng nên sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.”
Khi Thâu-lũ-na đã nghe những gì từ Tôn giả Xá-lợi-phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu-lũ-na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ-xà-quật và ghé chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Thâu-lũ-na:
“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, không biết như thật về sự diệt tận của sắc, không biết như thật về vị ngọt của sắc, không biết như thật về sự tai hại của sắc, không biết như thật về sự xuất ly của sắc, thì sẽ không đủ khả năng để siêu việt sắc. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật về sự thọ, tưởng, hành và thức; không biết như thật về sự tập khởi của chúng, không biết như thật về sự diệt tận của chúng, không biết như thật về vị ngọt của chúng, không biết như thật về sự tai hại của chúng, không biết như thật về sự xuất ly của chúng, thì Sa-môn, Bà-la-môn này sẽ không đủ khả năng để siêu việt chúng.
“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về thọ, tưởng, hành và thức, về sự tập khởi của chúng, về sự diệt tận của chúng, về vị ngọt của chúng, về sự tai hại của chúng, về sự xuất ly của chúng, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng siêu việt khỏi chúng.
“Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Vậy vô thường là khổ phải không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu sắc vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Như vậy thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Vậy vô thường là khổ phải không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có nên cho là có ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, nên biết rằng đối với sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc này không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, là Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán chân chánh là chẳng phải ngã, chẳng phải sở hữu của ngã. Quán sát chân chánh như vậy đối với thế gian không có gì để nhiếp thọ. Khi không có gì để nhiếp thọ, thì sẽ không có gì để chấp trước. Khi đã không có gì để chấp trước, thì sẽ tự đạt được Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’
Khi Thâu-lũ-na con của một trưởng giả đã được nghe những gì Tôn giả Xá-lợi-phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
-ooOoo-
——————————————————————————–
[1]. Đại Chánh, quyển 1. Tham chiếu Pāli, S. 22. 12-14. Aniccam.
[2]. Sắc vô thường 色無常. Pāli: rūpaṃ aniccaṃ.
[3]. Hán: yểm ly 厭離. Pāli: nibbindati, chán ghét, ghét bỏ.
[4]. Hán: Hỷ tham tận 喜貪盡. Pāli: varajjati/ virāga, không còn mê đắm, ly nhiễm, ly tham.
[5]. Pāli: virāgā vimuccati. vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti, do ly tham mà được giải thoát. Khi giải thoát, có nhận thức là đã giải thoát.
[6]. Phát biểu của vị đã chứng quả A-la-hán: ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, tự tri bất thọ hậu hữu 我生已盡, 梵行已立, 所作已辦, 自知不受後有. Pāli: khīṇā jāti vusitaṃ brahmacariyaṃ kataṃ karanīyaṃ nāparam itthatayāti pajānāti.
[7]. Tham chiếu, S. 22. 15-17. Yad aniccam.
[8]. Pāli, S. 22. 24. Parijānaṃ.
[9]. Hán: bất tri, bất minh, bất đoạn, bất ly dục 不知, 不明, 不斷, 不離欲. Pāli: anabhijānaṃ aprijānaṃ avirājayaṃ appajahaṃ, không thắng trí, không biến tri, không ly tham, không xả trừ.
[10]. S. 35. 27. Parijānanā.
[11]. Ly dục tham, các đoạn trên: ly dục. Pāli: viraja, ly nhiễm. Đồng nghĩa với virāga, ly tham.
[12]. S. 22. 29. Abhinandanaṃ (hoan hỷ), và phần cuối 22.24. Parijānaṃ (biến tri).
[13]. Hán: ái hỷ 愛喜. Pāli: abhinandati, hoan hỷ, chào mừng, hoan nghinh.
[14]. S. 35. 27, Parijānanā.
[15]. S. 22. 29 Abhinandanaṃ.
[16]. S. 22. 9-11. Atītānāgatapaccupanna
[17]. Hán: chánh hướng diệt tận 正向滅盡. Pāli: nirodhāya paṇipanno, tu tập hướng đến sự diệt tận (đối với sắc…).
[18]. Gần giống kinh số 2 trên, S. 22. 15. Yad aniccam.
[19]. Pāli: yad dukkhaṃ tad anattā; yad anattā tam netaṃ mama, nesoḥam asmi, na meso attāṭi, cái gì khổ cái đó không phải là tự ngã. Cái gì không phải là tự ngã, cái đó không phải là của tôi, cái đó, “nó không phải là tôi; nó không phải là tự ngã của tôi.”
[20]. Pāli: evam etam yathābhūtam sammappaññāya daṭṭhabbaṃ, điều đó cần được thấy rõ một cách như thực bằng trí tuệ chân chính như vậy.
[21]. Bất lạc 不樂; tức chỗ khác nói là ly dục, hay ly tham. Pāli: virāga.
[22]. Giải thoát giả chân thật trí sanh 解脫者真實智生. Pāli: vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti, trong sự giải thoát, biết rằng ta đã giải thoát. Xem cht. 5 kinh 1 trên.
[23]. Gần giống kinh số 2 và số 9. Pāli: S.22. 15 Yad aniccam.
[24]. S. 22. 18. Hetu (nhân).
[25]. Pāli: yo pi hetu yo pi paccayo rūpassa uppādāya so pi anicco, cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sự sinh khởi của sắc, cái đó cũng vô thường.
[26]. Giải thoát tri kiến, xem cht.22 kinh 9 trên.
[27]. Gần giống kinh 11 trên. Pāli, S. 22. 19-20. Hetu.
[28]. Pāli, S. 22. 28. Assāda.
[29]. Pāli: no cedaṃ bhikkhave rūpassa assādo abhavissa na yidaṃ sattā rūpasmiṃ sārajjeyyaṃ, nếu (trước đó) đã không tồn tại vị ngọt của sắc, thì các chúng sanh không thể tham đắm nơi sắc.
[30]. Hán: hoạn 患. Pāli: adīnavo, tai họa, sự nguy hiểm.
[31]. Xuất ly 出離; cũng nói là xuất yếu; Pāli: nissaraṇa, sự thoát ly, thoát ra khỏi chỗ nguy hiểm.
[32]. Thọ ấm 受陰, cũng nói là thủ uẩn. Pāli: upādānakkhanda.
[33]. Pāli: (…) sattā sadevakā lokā samārakā sabrahmakā sassamaṇabrāhamṇiyā pajāya sadevamanussāya nissaṭā visamyuttā vippamuttā vimariyādikatena cetasā vaharanti, (do biết rõ nên) các chúng sanh ấy, đối với thế giới này bao gồm Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng với trời và người, mà được thoát ly, tách ra khỏi, tự tại, an trú với tâm không bị câu thúc.
[34]. Gần giống kinh 13 trên. Pāli, S. 22. 26-27. Assāda.
[35]. Ư sắc vị hữu cầu hữu hành 於色味有求有行. Pāli: rūpassa assādapariyesanaṃ acariṃ, Ta đã đi để tìm cầu vị ngọt của sắc.
[36]. Tùy thuận giác 隨順覺. Pāli: yad rūpassa assādo tad ajjhagamaṃ, Ta (đã) tiếp cận vị của sắc.
[37]. Pāli, S. 22. 36. Bhikkhu; tham chiếu S. 22. 63-65. Upādiyāmano.
[38]. Hán: dị Tỳ-kheo 異比丘. Pāli: aññataro.
[39]. Độc nhất tĩnh xứ 獨一靜處. Pāli: eko vūpakaṭṭho, cô độc, cách biệt người đời.
[40]. Tín gia phi gia xuất gia 信家非家出家. Pāli: agārasmā anagāruyaṃ pabbajjati, từ bỏ gia đình, ra đi sống không gia đình.
[41]. Hiện pháp tác chứng 現法作證. Pāli: diṭṭhw va dhamme sayaṃ abhiññā sacchikitvā, ngay trong đời nay, bằng thắng trí, tự mình thể nghiệm.
[42]. Nhược tùy sử sử giả tức tùy sử tử 若隨使使者即隨使死. Hán dịch tối nghĩa. Có lẽ Pāli: yaṃ kho bhikkhu anuseti tam anumīyati, nó thiên chấp theo cái gì thì nó suy lường theo cái đó. Pāli: anuseti, nghĩa đen: nằm theo, tiềm phục, tùy miên; danh từ phát sinh là anusaya: tùy miên, chỉ phiền não tiềm phục (tùy tùng miên phục). Bản Hán hiểu anseti là do động từ sevati: phục vụ, nên dịch là tùy sử hay sai sử. Pāli: anumīyati (suy lường), do động từ mà: đo lường; nhưng bản Hán hiểu là do động từ miyyati: chết, nên dịch là tùy tử (chết theo).
[43]. Tùy sử tử giả tắc vi thủ sở phược 隨使死者則為取所縛. Pāli: yam anumīyati tena saṃkhaṃ gacchati, nó suy lường theo cái gì, nó được định danh theo cái đó. Xem them cht. kinh 16 dưới.
[44]. Pāli: rūpam… anuseti tam anumīyati, nó thiên chấp sắc, nó suy lường theo sắc.
[45]. S. 22. 35. Bhikkhu.
[46]. Tăng chư số 增諸數; không rõ nghĩa. Pāli: saṃkhaṃ gacchati, nghĩa đen: đi đến chỗ tính toán; nghĩa bóng: được định danh, hay được định nghĩa. Tham chiếu S. 22. 35: yam anuseti tena saṃkhaṃ gacchati: nó thiên chấp cái gì thì nó được định danh theo cái đó. Xem thêm cht. 43 kinh 15 trên.
[47]. S. 22. 68. Anattā, 69. Anattaniya.
[48]. Phi nhữ sở ưng chi pháp 非汝所應之法. Có lẽ Pāli: na-tumhākam, không phải của các ngươi. Xem cht. 53 kinh 18 dưới.
[49]. Pāli: tam vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati, đoạn trừ pháp ấy sẽ dẫn đến lợi ích và an lạc.
[50]. S.22. 33-34. Na-tumhākaṃ (không phải của các ông, so sánh dẫn Pāli cht.52 dưới).
[51]. Pāli: yam bhikkhave na tumhākaṃ, tam pajahatha, này các Tỳ-kheo, cái gì không phải là của các người, hãy loại bỏ cái ấy.
[52]. Pāli: na hi no etam bhante attā vā attaniyam, bạch Thế Tôn, cái đó không phải là tự ngã của con, cũng không phải là sở thuộc của tự ngã của con.
[53]. S. 22. 70. Rajanīyasaṇṭhitaṃ (sự cấu thành, hay tồn tại, bị ô nhiểm).
[54]. Pāli: yam kho bhikkhu rajanīyasaṇioḥitaṃ tatra te chando pahātabbo, Tỳ-kheo, cái gì là môi trường cho sự ô nhiễm, nơi cái ấy người phải đoạn trừ sự ham muốn.
[55]. Pāli: rūpaṃ kho rajanīyasaṇṭhitaṃ, sắc là môi trường để bị tham nhiễm.
[56]. Nguyên văn trong bản Hán; theo đó, còn một kinh tên là “Thâm kinh” với nội dung hoàn toàn như kinh trên.
[57]. S. 22. 63. Upādiyamāna; S.22. 64. Maññamāna.
[58]. Pāli: upādiyamāno baddho mārassa anupādiyamano mutto pāpimāto, khi chấp thủ thì bị Ma trói chặt. Khi không chấp thủ thì thoát khỏi Ba-tuần (Ác ma).
[59]. Pāli: rūpaṃ upādiyamāno, khi chấp thủ sắc.
[60]. S. 22. 124-125. Kappo.
[61]. Kiếp-ba 劫波. Pāli: Kappo.
[62]. Câu hỏi của Kappa trong bản Pāli giống như của Rāhula, xem cht.64 kinh tiếp theo.
[63]. S. 22. 91. Rāhulo.
[64]. Pāli: kathaṃ nu kho bhante jānato kathaṃ passato imasmiñ ca saviñīaṇake kāye bahiddhā ca sabbanimittesu ahaṅkāramamaṃkāramānānusayā na honti, Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, thấy như nào mà trong thân có thức này cùng với các tướng bên ngoài không tồn tại các tùy miên tác thành ngã, ngã sở và ngã mạn?
[65]. Phi ngã, bất dị ngã, bất tương tại 非我, 不異 我, 不相在. Pāli: n’etaṃ mama n’eso’ ham asmi na m’ eso attā, cái này không phải của tôi, không phải là tôi; nó không phải là tự ngã của tôi.
[66]. Bình đẳng huệ 平等慧. Pāli: sammappañāya, bằng chánh trí, hay nhận thức chân chánh.
[67]. Hán: chánh vô gián đẳng 正無間等: nghĩa đen: hoàn toàn không bị trở ngại. Trong các kinh khác, nhóm từ này tương đương Pāli: abhisamaya: hiện quán, chỉ sự quán chiếu và chứng ngộ bốn Thánh đế; xem thêm cht.18 kinh 105.
[68]. Pāli, S.22. 92. Rāhulo.
[69]. Không thấy Pāli tương đương.
[70]. Xem cht.73 kinh 26 dưới.
[71]. Pāli, S. 22. 115-116. Kathika.
[72]. Pháp sư 法師. Pāli: dhammakathiko.
[73]. Pāli: rūpassa ce bhikkhu nibbidāya virāgāya nirodhāya dhammaṃ deseti, nếu vị ấy nói pháp dẫn đến sự yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc.
[74]. Pāli, S. 22. 39-41. Anudhamma.
[75]. Pháp thứ pháp hướng 法次法向, hướng đến pháp và thứ pháp, hay tu tập hướng theo tính tuần tự của pháp; cũng nói là pháp tùy pháp hành. Pāli: dhammānudhamma-paṭipanno, thực hành pháp và tùy pháp; thực hành tùy thuận theo pháp. Tập dị môn luận 6: “Thế nào là pháp tùy pháp hành? Sự xuất ly được dẫn sinh bởi như lý tác ý, các pháp thiện thù thắng được phát sanh bởi viễn ly, tu tập vững chắc, tinh cần không gián đoạn; như vậy gọi là pháp tùy pháp hành.”
[76]. Pāli: rūpassa ce… nibbidāya virāgāya nirodhāya paṭipanno hoti, là sự thực hành dẫn đến sự yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc.
[77]. Pāli, tham chiếu các kinh S.. 22. 155-116 Kathika, 33. 154. Kathika.
[78]. Đắc kiến (hiện) pháp niết bàn 得見法涅槃. Xem cht. dưới.
[79]. Pāli: rūpassa ce nibbidā virāgā nirodhā anupādā vimutto hoti, diṭṭhadhamme nibbānapatto, do yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc mà giải thoát không chấp thủ, đó là chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại.
[80]. Pāli, tham chiếu S. 22. 115. Kathika.
[81]. Pāli, S. 22. 49. Soṇa.
[82]. Thâu-lũ-na 輸屢那. Pāli: Soṇo gahapatiputto.
[83]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
[84]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
[85]. Hán: sắc diệt đạo tích 色滅道跡. Pāli: rūpa-nirodhagāminiṃ-paṭipadaṃ, sự thực hành dẫn đến diệt tận của sắc.
[86]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 17