Phật học Đại cương Tâm Học 2022
Bát quan trai giới phát xuất từ chữ “uposatha” âm là bố-tát, tức là ngày đọc tụng giới bổn tỳ-khưu nửa tháng một lần; cũng là chỉ ngày mà phật tử thọ trì tám giới. Theo nghĩa thông thường thì bát quan trai là tám cửa thanh tịnh hay là tám cửa đưa đến thanh tịnh. Cho nên, người giữ tám giới này trong một ngày thì được phước báu thanh tịnh một ngày; hay là tập đời sống xuất gia phạm hạnh một ngày.
Người nguyện thọ bát quan trai giới phải biết thu xếp công việc nhà, việc nghề, việc chợ cho được rảnh rang để tâm trí khỏi bị những bận rộn, lo toan, phiền não chi phối. Sáng ngày phải thức dậy sớm, vệ sinh thân thể, áo quần sạch sẽ… rồi hãy đi thọ giới. Người phật tử có thể thọ giới tại nhà hay tại chùa đều được cả.
Nếu ở nhà thì sau khi đốt nhang, xông trầm, tụng kinh Tam Bảo, đối trước kim thân Phật rồi phát nguyện như sau:
“- Ajja uposatha imañca rattiṃ imañca divasaṃ uposathiko (nam: ko, nữ: kā)”.
Nghĩa: Hôm nay là ngày bát quan trai giới; con là người thọ trì bát quan trai giới ngày nay và đêm nay.
Đọc bằng Pāḷi hay tiếng Việt đều được cả.
Còn nếu muốn thọ giới ở chùa cho nghiêm túc hơn, thì sau khi làm lễ Tam Bảo, phải đối trước vị tỳ-khưu hoặc sa-di để xin thọ giới. Và đọc như sau:
“- Ukāsa ahaṃ (mayaṃ)(1)bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha aṭṭhangasamaṃ nāgataṃ uposathaṃ yācāmi (2)”.
Nghĩa: Bạch ngài, con (chúng con) xin thọ trì Tam qui và Bát quan trai giới (để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích).
Đọc 3 lần: Dutiyampi (lần thứ nhì), Tatiyampi (lần thứ 3).
(1) “Con” thì đọc ahaṃ và yācāmi.
(2) “Chúng con” thì đọc mayaṃ và yācāma.
Sau khi đọc 3 lần bằng Pāḷi hay Việt như thế, vị tỳ-khưu hoặc sa-di sẽ truyền tam quy và bát quan trai giới cho mình. Vị thầy truyền giới đọc Pāḷi thì mình đọc Pāḷi, đọc tiếng Việt thì mình đọc tiếng Việt.
Truyền xong, người thọ giới đọc:
“- Imaṃ aṭṭhaṅgasaman nāgataṃ buddhappannattaṃ uposathaṃ imañca rattiṃ imañca divasaṃ sammadeva abhirakkhituṃ samādiyāmi”.
Nghĩa: Con xin thọ trì bát quan trai giới trọn đủ 8 điều của Đức Phật đã giáo truyền, hầu để vâng giữ hành theo cho được trong sạch trọn ngày nay và đêm nay (Mong cầu gieo được giống lành để thấy rõ Niết-bàn trong ngày vị lai).
Vị sư truyền giới sẽ đọc những lời khuyên lơn và nhắc nhở Phật tử như thế này:
“- Imāni attha sikkhāpadāni uposatha-sīlavasena imañca rattiṃ imañca divasaṃ sādhukaṃ katvā appamādena sammā rakkhitabbaṃ”.
Nghĩa: Thiện tín nên thọ trì bát quan trai giới cho trong sạch trọn ngày nay và đêm nay chẳng nên dể duôi (3).
Người thọ trì đọc: Āma bhante (dạ, xin vâng)
Vị sư truyền giới sau đó sẽ đọc lời giải quả báo của sự trì giới:
“- Sīlena sugatiṃ yanti, sīlena bhogasampadā, sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlaṃ visodhaye”.
Nghĩa: Nhờ giới mà được yên vui (nhàn cảnh, cõi trời). Nhờ giới mà được của cải, tài sản. Nhờ giới mà được hạnh phúc tối cao (Niết-bàn). Vậy hãy thọ trì giới cho trong sạch.
Người thọ giới đọc: Sādhu (lành thay).
Cuối cùng, người phật tử đọc những bài kinh tóm tắt về sám hối Phật, sám hối Pháp, sám hối Tăng. Vị sư truyền giới sẽ đọc những lời kinh phúc chúc, và phật tử sẽ tụng các kinh hồi hướng.
Con thọ trì điều học là tránh xa việc giết hại các loài hữu tình.
Con thọ trì điều học là tránh xa việc lấy cắp các đồ vật chưa được cho (trộm cắp tài sản, của cải).
(3) Dể duôi: Lơ là, buông thả, phóng dật, giải đãi.
Con thọ trì điều học là tránh xa hành dâm.
Con thọ trì điều học là tránh xa nói dối.
Con thọ trì điều học là tránh xa uống rượu và các chất say. 6- Vikāla bhojanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi Con thọ trì điều học là tránh xa việc ăn quá ngọ (phi thời).
Con thọ trì điều học là tránh xa chuyện múa hát, thổi kèn đờn; xem múa hát, nghe đờn kèn, trang điểm, thoa vật thơm, nhồi phấn và đeo tràng hoa.
Con thọ trì điều học là tránh xa chỗ ngồi nằm quá cao sang, kiểu cách, xa hoa…
5 giới đầu đều được thực hành tương tự ngũ giới, chỉ khác ở giới thứ 3: Một bên là tà dâm, tà hạnh; một bên là hành dâm.
Người thọ trì bát quan trai giới là muốn sống một ngày một đêm thanh tịnh, một ngày một đêm tập sống đời xuất gia phạm hạnh nên phải thực hành giới ấy như một người xuất gia.
Giới thứ 6: Các bậc xuất gia phạm hạnh không dùng vật thực vào buổi chiều, chỉ dùng bữa ăn chính vào buổi trưa, xế ngọ hai lóng tay là không dùng được nữa.
Sở dĩ Đức Phật cấm chế giới này là để cho chư tỳ-khưu khỏi mất thì giờ trong việc nuôi mạng, nhờ vậy, có nhiều thời gian để tu tập hơn. Lại nữa, không dùng vật thực buổi chiều, thân tâm sẽ nhẹ nhàng, tránh khỏi những hôn trầm, thụy miên thường do ăn no mang đến. Những người học hành, tu tập, nhất là thiền định rất dễ thấy rõ sự lợi ích của giới này.
Người tại gia khi thọ trì bát giới, một ngày một đêm sống đời xuất gia – nên cũng phải kiêng cử chuyện ăn uống, nấu nướng bận rộn phiền hà. Làm được vậy, thân sẽ nhẹ nhàng, tâm sẽ thanh thản. Chúng chính là môi trường thuận lợi, mát mẻ cho những trạng thái
tâm tốt đẹp nẩy lộc, đâm chồi. Nếu có tu thiền định thì tâm rất dễ an trú vào đề mục.
Giới thứ 7: Người xuất gia thường tránh xa những chỗ vui chơi nhảm nhí, phù phiếm, vô ích như khiêu vũ, múa hát, đờn kèn; lại cũng tránh xa sự trang điểm phấn son, dầu thơm cùng các loại trang sức như ngọc, vàng, xuyến, nhẫn…
Người thọ bát quan trai giới phải biết giữ giới này để sống một ngày, một đêm tĩnh lặng, giản dị, trong sáng; là duyên lành để cho tâm được khắng khít với các pháp thanh lương, cao cả.
Giới thứ 8: Chư Tăng thời Phật tại thế họ sống ở rừng, nghĩa địa, cội cây, chỗ có mái che, chỗ không có mái che. Đâu cũng là giường nằm, đâu đâu cũng là bồ đoàn, tọa cụ; gối cỏ, nằm sương là chuyện bình thường.
Chư Tăng thời nay thì đủ mọi thứ tiện nghi cao sang, phong phú; nhưng nói chung, thật sự là kẻ xuất gia thì ai cũng thích ăn ở giản dị, ai cũng từ chối chỗ ngủ, nghỉ, ngồi, nằm quá kiểu cách, xa hoa. Do vậy, người cư sĩ muốn học hạnh xuất gia thì cũng phải biết tránh xa chỗ ngồi nằm cao sang, lộng lẫy, những tiện nghi quá kiểu cách của thời đại. Người có tâm tu tập, ai cũng có thể giữ giới này được cả.
1- Mỗi tháng có 8 ngày nên thọ: 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30
(tháng thiếu thì 28, 29).
2- Nếu tính thêm ngày ”rước” và ngày “đưa” thì có 12 ngày nữa: 1, 4, 6, 7, 9, 13, 16, 19, 21, 22, 24, 28 (nếu tháng thiếu thì 27).
Giữ ngũ giới là điều kiện, là yếu tố, là nhân tố cần thiết để bảo vệ một đời sống trong lành, hiền thiện cho người phật tử. Chúng là đội quân thiện pháp để ngăn ngừa ác nghiệp và phiền não. Vì vậy, trong ngũ giới, giữ được một giới là ngăn được một tội, trừ được một điều ác. Đối với người phật tử, ngũ giới có tính bắt buộc. Riêng bát quan trai giới thì hoàn toàn tự nguyện. Ai giữ bát quan trai giới thì có phước báu. Ai không thọ trì bát quan trai thì không có phước báu, cũng không có tội chi cả.
Phước báu của bát quan trai giới cao thượng, thù thắng hơn ngũ giới. Nếu phước báu của ngũ giới là những hạnh phúc, an vui, sang cả ở các cõi người và trời – thì phước báu của bát quan trai cũng y như thế, lại còn gieo duyên với đời sống xuất gia phạm hạnh sau này nữa. Nói cách khác, vừa được thọ hưởng hạnh phúc hữu vi vừa được gieo duyên với hạnh phúc vô vi (phước hữu lậu và phước vô lậu). Do vậy, người phật tử có lý tưởng giác ngộ, giải thoát nên tạo sẵn hạt giống lành bát giới ở trong tâm, vì tương lai mai hậu cho lộ trình thánh quả của mình vậy.
Bèn có thơ rằng:
“- Một ngày thọ bát quan trai,
Một ngày thanh thản ơi ai nhớ cùng! Buông tay bỏ việc trần hồng,
Gieo duyên giải thoát thong thong cửa thiền”.
Sách điện từ Online – Phật học Đại cương Tâm Học 2022 . Cuốn sách do Tâm Học soạn lại từ các bài viết, sách sưu tầm được chủ yếu từ mạng Internet ( Phật học Tinh yếu – HT Giới Đức , Nền tảng Phật giáo – Tỳ kheo Hộ Tăng, các bài viết phatgiao.org.vn , giacngo.vn , daophatngaynay.com …) . Tâm Học là trang webs của cá nhân ; không phải chùa hay tổ chức tôn giáo . Nội dung của cuốn sách này chỉ có giá trị tham khảo.
Hits: 76